Phần Lập Nghĩa
Đại thừa, nói tổng quát có 2 thứ. Thế nào là 2? Một là pháp, hai là nghĩa.
NÓI TỔNG QUÁT là nói sơ qua hay nhìn chung. Phân 2 là để rõ vấn đề.
I. PHÁP : Gọi là pháp ấy, là tâm chúng sanh. Tâm này nhiếp tất cả pháp thế gian và xuất thế gian. Y nơi tâm này hiển thị nghĩa Đại thừa. Vì cớ sao? Vì tướng chân như của tâm ấy tức chỉ cái thể của Đại thừa, tướng nhân duyên sanh diệt của tâm ấy thì chỉ tự thể, tướng và dụng của Đại thừa.
Ngoài Phật ra, tất cả đều gọi là CHÚNG SANH.
PHÁP ẤY là chỉ cho cái THỂ chân như thường hằng không biến đổi, là pháp thể của Đại thừa. Ngài Hám Sơn nói “PHÁP ấy là THỂ của nhất chân pháp giới đại tổng tướng pháp môn”.
Hỏi : Phần chánh văn nói “Pháp ấy là tâm chúng sanh”, vì sao lại giải thích PHÁP ẤY là THỂ của nhất pháp giới? Nếu là THỂ chân thường thì không sanh không diệt, trong khi tâm chúng sanh thì có sanh diệt. Nếu PHÁP ẤY là thể của nhất pháp giới, vì sao không nói thẳng pháp ấy là THỂ của nhất pháp giới mà nói “Pháp ấy là tâm chúng sanh”?
Đáp : Nói là THỂ của “Nhất pháp giới đại tổng tướng pháp môn” là muốn nói đến phần thâm nghĩa của Đại thừa. Tu hành là cả một quá trình chuyển hóa từ phàm đến thánh, từ chỗ sanh diệt đến chỗ không sanh diệt. Đại thừa nhơn đó mà có cạn sâu. Vì vậy không nói thẳng PHÁP ẤY là THỂ của nhất pháp giới. Không nói thẳng nhưng biết chắc PHÁP ẤY không phải chỉ cho tâm vọng tưởng. Vì mở đầu Luận chủ nói “Đại thừa có 2 thứ. Một là pháp, hai là nghĩa”. Phần NGHĨA sau nói về 3 ĐẠI cũng là 3 cái ĐẠI của thiện pháp thế gian và xuất thế gian.
Nói tâm chúng sanh mà không nói thẳng cái thể chân thường là để chúng sanh biết PHÁP ẤY không ngoài tâm chúng sanh mà có. Tâm ấy chính là chỗ y cứ để lập ra Đại thừa. Không có tâm ấy thì Đại thừa cũng chẳng lập. Vì thế nói PHÁP mà trước nói là tâm chúng sanh. Lấy THỂ ra giải thích là muốn hiển bày ngay nơi cái sanh diệt chính là cái không sanh diệt. Dù sanh diệt nhiễm ô bao nhiêu, là phàm hay thánh, là địa ngục hay súc sanh thì tâm ấy vẫn đó, muôn đời bất tận. Chẳng qua vì mê hay ngộ mà thấy có khác chứ không hề có tâm khác. Như sợi dây, do mờ tối mà người thấy thành rắn, người thấy thành nhánh cây khô. Tùy cái thấy lầm của mỗi người mà sợi dây thành rắn hay nhánh cây khô, còn bản chất thật của nó vẫn là sợi dây. Khi giải thích, nói sợi dây mà không nói con rắn hay cây khô là muốn hiển bày đúng như chính nó. Cũng vậy! Dù là tâm chúng sanh thì từ vô thủy đến nay, tâm ấy vẫn là pháp thể chân như thường hằng không biến đổi. Cho nên, dù “Pháp ấy là tâm chúng sanh” thì PHÁP ẤY vẫn là “Thể của nhất pháp giới đại tổng tướng pháp môn”.
“TÂM NÀY nhiếp tất cả pháp thế gian và xuất thế gian” vì thể và tướng của tâm này không chướng ngại nhau. Nhiễm và tịnh cùng nương tâm này. Theo dòng bất giác hoặc ngược dòng hoàn tịnh chỉ một tâm này mà chuyển. Nếu theo duyên nhiễm thì thành bất giác, thu nhiếp pháp thế gian. Nếu là bản giác và thủy giác thì nhiếp pháp xuất thế gian.
“Y NƠI TÂM NÀY hiển thị nghĩa Đại thừa” vì không có tâm chúng sanh thì nghĩa Đại thừa cũng chẳng lập. Vì có tâm chúng sanh, y tâm đó mà lập nghĩa Đại thừa. Tâm chúng sanh là chỗ y cứ lập nên Đại thừa, nên nói là Y TÂM ĐÓ. Ngay tâm đó mà lập nghĩa Đại thừa nên ai cũng có thể phát niềm tin chân chánh đối với Đại thừa, ai cũng có khả năng thành Phật, và tu hành thì phải ngay tâm đó mà tu, không thể nương cầu bên ngoài.
TƯỚNG và THỂ – còn gọi là TÁNH – là từ nhà Phật dùng để chỉ hình tướng và bản chất của một pháp. Người đời thường cho thế giới và vạn pháp hiện có đây là thật, tức nhập TƯỚNG và TÁNH làm một, cho TƯỚNG chính là TÁNH. Dưới cái nhìn của nhà Phật, TƯỚNG là thứ có thể thấy ở được ở một pháp, nhưng TÁNH thì không. Kinh hay gọi là TÁNH KHÔNG. Nói pháp KHÔNG không phải vì tướng nó không mà vì cái tướng ấy không có chất thật, cái không ấy không phải là tướng mình có thể thấy. Thứ gì còn là đối tượng của cái thấy đều là vọng dù đó là tướng không. Vạn pháp vì đó, chỉ như sóng nắng hay hoa đốm trên không, có hình mà không có chất.
Pháp nào ở thế gian cũng có 2 phần tướng và tánh đó. Song nói TÁNH nói TƯỚNG là để nắm được vấn đề, không phải có thể tách chúng làm 2 như TƯỚNG và TÁNH đang phân đây. Vì cái không thể tách lìa được này mà trong ‘Tướng nhân duyên sanh diệt của tâm ấy’ không phải chỉ có 2 phần TƯỚNG và DỤNG mà phải gom luôn cái THỂ đã phân trong phần Tướng Chân Như.
Như nước, nước đá và hơi nước đều có bản chất là H2O. H2O gọi là THỂ của 3 thứ đó. Hình thức nước, nước đá hay hơi nước mà ta đang cảm nhận đó gọi là TƯỚNG. Tuy cùng một THỂ mà TƯỚNG lại khác nhau vì tùy duyên. Trong cái duyên là nhiệt độ bình thường, ta có nước. Trong cái duyên nhiệt độ cao, ta có hơi nước. Trong cái duyên nhiệt độ thấp, ta có nước đá. Song dù mang hình tướng nào, chúng vẫn không rời cái THỂ H2O. Không có cái THỂ này thì không thể có các tướng và dụng ấy. Vì vậy tướng nhân duyên thì đủ cả 3 thứ là THỂ, TƯỚNG và DỤNG mà không phải 2, dù đã phân phần THỂ qua phần Tướng Chân Như .
Duyên khởi mới có TƯỚNG, nên gọi là TƯỚNG NHÂN DUYÊN. Tướng do nhân duyên sanh nên không tánh. Không tánh nên pháp không có tướng cố định mà sanh diệt sanh diệt thay đổi liên tục. Bởi cớ sự ấy mà nói là TƯỚNG NHÂN DUYÊN SANH DIỆT.
DỤNG là chỉ cho mặt tác dụng của pháp. Pháp nào cũng có cái dụng của riêng nó. Như nước để uống, nước đá để chườm đầu, hơi nước dùng chạy tàu v.v… Phải có THỂ thì mới có TƯỚNG. Đã có THỂ và TƯỚNG thì có DỤNG.
Pháp XUẤT THẾ GIAN là chỉ cho 4 thánh : Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát và Phật. Pháp THẾ GIAN là chỉ cho 6 phàm : Địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, người, trời, atula. Vì tâm này vốn là chân như nên nó nhiếp pháp xuất thế gian. Vì y nơi nghiệp thức mà có sanh tử nên nó nhiếp pháp thế gian. NHIẾP nghĩa là thu gom, nắm giữ.
Trên đã chỉ ra tâm pháp chân vọng, làm rõ pháp thể Đại thừa. Dưới nói rõ về NGHĨA của pháp ấy.
II. NGHĨA : có 3 thứ. Thế nào là 3?
1. THỂ đại, vì là chân như bình đẳng chẳng tăng chẳng giảm của tất cả pháp.
2. TƯỚNG đại, vì Như Lai Tạng đầy đủ vô lượng tánh công đức.
3. DỤNG đại, vì hay sanh tất cả thiện nhân quả của thế gian và xuất thế gian.
Đây là chỗ nương gốc của tất cả chư Phật. Tất cả Bồ tát đều nương nơi pháp này mà đến đất Như Lai.
NGHĨA, tương đương với từ ‘nghĩa lý’ hay ‘nội dung’. Phần NGHĨA này được lập ra là để hiểu vì sao có tên Đại thừa. Gọi là ĐẠI vì nó có 3 nghĩa thể, tướng và dụng lớn không có bờ mé. Gọi là THỪA vì nhờ nó, chư Phật và Bồ tát mới có thể viên mãn Phật quả. THỪA, nghĩa của nó là nương, vận chuyển. Nương đó mà đi nên gọi là THỪA. Ngài Hám Sơn nói “Nương nơi 2 pháp chân vọng mà có 2 chuyển y nên gọi là THỪA”. 2 chuyển y là chuyển phiền não thành niết bàn, chuyển sở tri thành bồ đề. Chư Phật và Bồ tát nương 2 cái chuyển ấy để đến đất Như Lai nên gọi là THỪA. Thừa ấy chư Phật và Bồ tát mới kham nhận được nên gọi là ĐẠI.
3 thứ thể, tướng và dụng này đã có phần Giải Thích giải rõ nên đây không đi vào chi tiết.
CHỖ NƯƠNG GỐC là chỉ cho Đại thừa. GỐC vì không có nó thì không có việc thành Phật.
ĐẤT NHƯ LAI là chỉ cho ‘pháp tánh chân như’ sẵn đủ trong mỗi chúng sanh. Nói là ĐẾN nhưng ngay đó mà nhận, ngay đó mà tu, ngay đó mà thể nhập. Ngay đó là ngay nơi cái tâm sanh diệt mình đây. Buông hết những phân biệt, vui, buồn, suy nghĩ, nhớ mong v.v… thì ngay đó là đất Như Lai.
Đã nói phần Lập Nghĩa, kế là phần Giải Thích.