Kinh

Trương Văn Chiến 70

Tôi nghe như vậy.

Một thời, Phật ở trong vườn Am-la[1] trong thành Tỳ-da-li[2] cùng với đại chúng gồm tám ngàn Tỳ-kheo, ba mươi hai ngàn Bồ-tát, là những vị được mọi người biết đến, đã thành tựu Đại trí và bản hạnh,[3] đã được xác lập bởi oai thần của chư Phật, là thành trì hộ Pháp, thọ trì Chánh Pháp, có khả năng cất tiếng rống của sư tử vang dội khắp mười phương, là những người bạn không đợi mời gọi của mọi người, đem an lạc đến cho mọi người, kế thừa và làm rạng rỡ Tam bảo không để đoạn tuyệt, hàng phục các ma oán, chế ngự các tà đạo; đã hoàn toàn thanh tịnh; vĩnh viền lìa các cái và triền;[4] tâm thường an trụ nơi giải thoát vô ngại; có niệm, định, tổng trì, biện tài không gián đoạn;[5] bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, định và tuệ,[6] cùng năng lực của phương tiện,[7] tất cả đều được thành tựu; đạt đến pháp nhẫn bất khởi vốn vô sở đắc.[8] Các ngài có thể tùy thuận mà quay bánh xe không thối chuyển;[9] có năng lực giải thích mọi hiện tượng;[10] biết rõ căn tính của mọi chúng sinh, bao trùm cả đại chúng[11] mà đắc pháp vô úy.[12] Các ngài tu dưỡng tâm bằng công đức và trí tuệ, lấy đó điểm trang cho thân tướng thù thắng, vứt bỏ mọi thứ trang sức trần gian. Thanh danh lồng lộng của các ngài cao hơn núi Tu-di.[13] Tín tâm của các ngài thâm sâu[14] kiên cố như kim cương. Bảo vật chánh Pháp của các ngài lấp lánh soi rọi, và tuôn xuống những trận mưa cam lộ.[15] Âm thanh của các ngài vi diệu bậc nhất trong mọi thứ âm thanh. Các ngài thâm nhập duyên khởi, đoạn trừ các tà kiến, hoàn toàn thoát ly mọi đối đãi nhị nguyên, không còn tập khí tàn dư.[16] Các ngài tuyên dương chánh Pháp một cách không sợ hãi như sư tử gầm rống; những điều được thuyết giảng vang dội như sấm. Không thể đánh giá các ngài vì các ngài vượt ngoài mọi giá trị nhân gian. Các ngài tích lũy kho tàng Chánh Pháp như những thuyền trưởng tài ba thu hoạch ở biển cả. Các ngài tinh thông yếu nghĩa của các Pháp; hiểu rõ căn cảnh của chúng sinh, chỗ đi và chỗ đến[17] của chúng cũng như các sở hành của tâm tư của chúng. Các ngài đã đạt gần trí tuệ tự tại của chư Phật,[18] sở đắc mười lực,[19] vô úy,[20] và mười tám bất cộng.[21] Tuy đã đóng chặt cánh cửa dẫn xuống các cõi bất hạnh, các ngài vẫn hiện thân trong năm đường làm vị đại lương y để điều trị các thứ bịnh, theo bịnh mà cho thuốc khiến cho bình phục; thành tựu vô biên công đức, trang hoàng vô lượng cảnh giới chư Phật. Mỗi chúng sinh đều được lợi ích lớn khi nhìn thấy và được nghe các ngài, vì hành vi của các ngài đều không vô ích. Các ngài đã thành tựu đầy đủ công đức như vậy.

Danh xưng của các ngài là: Đẳng Quán Bồ tát, Bất Đẳng Quán Bồ tát, Đẳng Bất Đẳng Quán Bồ tát, Định Tự Tại Vương Bồ tát, Pháp Tự Tại Vương Bồ tát, Pháp Tướng Bồ tát, Quang Tướng Bồ tát, Quang Nghiêm Bồ tát, Đại Nghiêm Bồ tát, Bảo Tích Bồ tát, Biện Tích Bồ tát, Bảo Thủ Bồ tát, Bảo Ấn Thủ Bồ tát, Thường Cử Thủ Bồ tát, Thường Hạ Thủ Bồ tát, Thường Thảm Bồ tát, Hỷ Căn Bồ tát, Hỷ Vương Bồ tát, Biện Âm Bồ tát, Hư Không Tạng Bồ tát, Chấp Bảo Cự Bồ tát, Bảo Dõng Bồ tát, Bảo Kiến Bồ tát, Đế Võng Bồ tát, Minh Võng Bồ tát, Vô Duyên Quán Bồ tát, Huệ Tích Bồ tát, Bảo Thắng Bồ tát, Thiên Vương Bồ tát, Hoại Ma Bồ tát, Điện Đức Bồ tát, Tự Tại Vương Bồ tát, Công Đức Tướng Nghiêm Bồ tát, Sư Tử Hống Bồ tát, Lôi Âm Bồ tát, Sơn Tướng Kích Âm Bồ tát, Hương Tượng Bồ tát, Bạch Hương Tượng Bồ tát, Thường Tinh Tấn Bồ tát, Bất Hưu Tức Bồ tát, Diệu Sanh Bồ tát, Hoa Nghiêm Bồ tát, Quán Thế Âm Bồ tát, Đắc Đại Thế Bồ tát, Phạm Võng Bồ tát, Bảo Trượng Bồ tát, Vô Thắng Bồ tát, Nghiêm Độ Bồ tát, Kim Kế Bồ tát, Châu Kế Bồ tát, Di-lặc Bồ tát, Văn-thù-sư-lợi Pháp vương Tử Bồ tát. Cả thảy là ba mươi hai ngàn vị như vậy.

Ngoài ra còn có mười ngàn Phạm thiên, như Đại Phạm thiên Thi-khí, từ bốn thiên hạ về chỗ Phật để nghe Pháp.

Có mười hai ngàn Thiên đế khắp bốn phương về dự hội.

Và chư quỷ thần đại-oai-lực, long thần, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la và Ma-hầu-la-già cũng về dự.

Về dự hội còn có nhiều tì kheo, tì kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di.

Bấy giờ Phật nói pháp cho vô lượng trăm nghìn đại chúng đang cung kính vây quanh Ngài. Như ngọn núi Tu-di nổi lên giữa đại dương, Phật ngồi ung dung trên bảo tòa sư tử, chói lọi che trùm tất cả các đại chúng đang đến.

Luc bấy giờ con trai của một vị trưởng giả, tên Bảo Tích,[22] cùng với năm trăm người con của các trưởng giả khác, cầm năm trăm tàn lọng được trang hoàng bằng bảy loại ngọc quí, đi đến chỗ Phật, đầu mặt lễ sát chân Phật, rồi dâng tất cả tàn lọng ấy cúng dường Phật. Phật đã dùng thần lực siêu việt gom hết số tàn lọng đó làm thành một cái duy nhất che rợp cả ba nghìn đại thiên thế giới. Chiều kích dài rộng của các thế giới này thảy đều ánh hiện trong đó. Và trong ba nghìn đại thiên thế giới này, hết thảy núi Tu-di, núi Tuyết, núi Mục-chân-lân-dà, núi Ma-ha-mục-chân-lân-đà, Hương sơn, Bảo sơn, Hắc sơn, núi Thiết vi, núi Đại Thiết vi, cùng với biển, sông, suối, mặt trời, mặt trăng, các vì tinh tú, cung điện chư thiên, cung điện các rồng, tất cả đều ánh hiện trong lọng báu. Và khắp trong mười phương chư Phật, và chư Phật đang thuyết pháp, cũng thảy đều ánh hiện trong đó.

Khi đại chúng được chứng kiến thần lực của Phật, đều tán dương sự kiện hy hữu chưa từng thấy, cùng chắp tay lễ Phật và chiêm ngưỡng tôn nhan không rời mắt.

Rồi thì, Bảo Tích, con trai của trưởng giả, đến trước Phật, đọc bài kệ ca ngợi:

Con kính đảnh lễ Ngài,[23] Vị dẫn đạo chúng sinh bằng con đường tịch tĩnh.[24] Mắt trong vắt, dài rộng như sen xanh;
Tâm tịnh, đã vượt các thiền định;[25] Lâu dài tích chứa nghiệp tịnh,
Danh xưng không thể lường;[26] Đã thấy Đại Thánh, bằng thần biến,[27] Hiện khắp mười phương vô lượng cõi;
Trong đó, chư Phật diễn nói Pháp;
Hết thảy hội chúng đều thấy nghe.
Pháp lực của đấng Pháp vương vượt thắng hết.
Thường đem tài sản Pháp[28] ban cho tất cả;
Khéo hay phân biệt các pháp tướng,
Mà đệ nhất nghĩa chẳng dao động.[29] Đã được tự tại trong các pháp
Nên con đảnh lễ Pháp vương này.
Không nói pháp hữu, cũng không phi hiện hữu;
Bởi do nhân duyên các pháp sanh.
Vô ngã, không tạo tác, không người thọ báo.
Nhưng nghiệp thiện ác không hề mất.
Dưới cội bồ-đề bắt[30] đầu đánh bại Ma,
Được cam lộ diệt,[31] thành giác đạo.[32] Đã không tâm ý, không thọ hành,[33] Mà lại chiết phục các ngoại đạo.[34] Ba lần chuyển luân trong Đại thiên;
Pháp luân bản lai thường thanh tịnh,
Trời, người đắc đạo, do đây chứng;
Tam bảo do đó hiện thế gian.
Bằng Pháp mầu này cứu chúng sinh;
Đã thọ, không thối, thường tịch nhiên.
Là bậc đại y vương diệt trừ lão, bịnh, tử.
Con đảnh lễ công đức vô biên của biển Pháp.
Chê, khen chẳng động,[35] như Tu-di;
Lòng từ trải rộng cho người hiền lẫn kẻ ác.
Tâm hành bình đẳng như hư không,
Ai nghe mà không kính phục con người cao quý[36] này?
Nay dâng Thế Tôn lọng hèn mọn,
Trong đó, ánh hiện cho con Tam thiên giới;
Với cung điện Trời, rồng, quỷ thần,
Càn-thát-bà lẫn của Dạ-xoa;
Và hết thảy mọi vật trên thế gian.
Đấng Mười lực từ tâm hiện biến hoá;
Đại chúng thấy việc hy hữu, tán thán Phật.
Nay con đảnh lễ đấng Chí tôn trong ba cõi.
Đại chúng quy ngưỡng Đại Pháp vương,
Tâm tịnh, quán Phật, ai cũng vui.
Mỗi người tự thấy Phật trước mặt;
Ấy do thần lực pháp bất cộng.
Phật bằng một âm diễn thuyết Pháp;
Chúng sinh tùy loại đều hiểu được;
Đều nói Thế Tôn cùng tiếng của mình;
Ấy do thần lực pháp bất cộng.
Phật bằng một âm diễn thuyết Pháp;
Chúng sinh mỗi mỗi theo chỗ hiểu,
Đều được thọ hành, đại lợi ích;[37] Ấy do thần lực pháp bất cộng.
Phật bằng một âm diễn thuyết Pháp;
Có kẻ nghe sợ, có kẻ vui,
Có kẻ chán bỏ, kẻ hết nghi;
Ấy do thần lực pháp bất cộng.
Cúi lạy đấng Mười lực, Đại tinh tấn;
Cúi lạy đấng đã đạt vô sở uý;
Đảnh lễ bậc trụ pháp Bất cộng;
Đảnh lễ Đại đạo sư của tất cả;
Đảnh lễ đấng dứt mọi trói buộc;
Đảnh lễ đấng đến bờ bên kia;
Đảnh lễ đấng cứu độ thế gian;
Đảnh lễ đấng thoát vòng sinh tử.
Biết lẽ đến, đi của chúng sinh,
Thâm nhập vạn pháp, được giải thoát,
Không vướng thế gian, như hoa sen,
Thường khéo thâm nhập hạnh không tịch,
Thấu đạt pháp tướng không trở ngại;
Cúi lạy đáng vô sở y như hư không.

Đọc kệ xong, Bảo Tích thưa với Phật:

«Bạch Thế Tôn, năm trăm người con của các trưởng giả[38] này đã phát tâm tầm cầu giác ngộ tối thượng chánh đẳng chánh giác[39], nguyện được nghe sự thanh tịnh của quốc độ Phật. Xin Thế Tôn chỉ dạy chúng con những việc làm của Bồ tát dẫn đến quốc độ thanh tịnh.»[40]

Phật bảo:
«Lành thay, Bảo Tích! Con đã vì chư Bồ-tát hỏi những việc làm vì quốc độ thanh tịnh của Như lai. Hãy lắng nghe và suy nghĩ. Ta sẽ nói cho con nghe.»

Bảo Tích và năm trăm thanh niên trưởng giả chăm chú nghe. Phật dạy:

«Bảo Tích, loại của chúng sinh là quốc độ Phật của Bồ tát.[41] Vì sao như vậy? Vì Bồ tát tùy theo loại chúng sinh được giáo hoá[42] mà tiếp nhận quốc độ Phật; tuỳ theo loại chúng sinh được điều phục[43] mà tiếp nhận quốc độ Phật; tuỳ theo loại quốc độ nào thích hợp để chúng sinh thâm nhập trí của Phật mà tiếp nhận quốc độ Phật; tuỳ theo loại quốc độ nào thích hợp để chúng sinh làm chỗi dậy căn tính của Bồ tát[44] mà tiếp nhận quốc độ Phật. Là vì sao? Vì Bồ tát tiếp nhận quốc độ thanh tịnh chỉ vì lợi ích của chúng sinh. Ví như một người có thể xây dựng đền đài nhà cửa trên khoảng đất trống, tuỳ ý không trở ngại; nhưng không thể xây dựng như vậy ở giữa hư không. Cũng vậy, Bồ tát vì muốn thành tựu chúng sinh mà ước nguyện tiếp nhận quốc độ Phật. Ước nguyện tiếp nhận quốc độ Phật không thể tìm thấy giữa hư không.

«Bảo Tích, con nên biết, trực tâm[45] là tịnh độ của Bồ tát.[46] Khi Bồ tát thành Phật, chúng sinh không dua vạy sẽ tái sanh vào đó.

«Thâm tâm là tịnh độ của Bồ tát.[47] Khi Bồ tát thành Phật, chúng sinh nào có đủ đầy công đức sẽ tái sanh vào đó.

«Bồ-đề tâm là tịnh độ của Bồ tát.[48] Khi Bồ tát thành Phật, hết thảy chúng sinh tầm cầu Đại thừa sẽ tái sinh vào cõi đó.

«Bố thí là tịnh độ của Bồ tát.[49] Khi Bồ tát thành Phật, chúng sinh nào có thể ban phát sẽ tái sinh vào đó.

«Trì giới là tịnh độ của Bồ tát. Khi Bồ tát thành Phật, chúng sinh tu hành mãn nguyện mười thiện nghiệp đạo sẽ tái sanh vào đó.

«Nhẫn nhục là tịnh độ của Bồ tát. Khi Bồ tát thành Phật, chúng sinh nào trang nghiêm bằng ba mươi hai tướng tốt sẽ tái sanh vào đó.

«Tinh tấn là tịnh độ của Bồ tát. Khi Bồ tát thành Phật, chúng sinh nào cần mẫn thực hiện mọi công đức sẽ tái sinh vào đó.

«Thiền định là tịnh độ của Bồ tát. Khi Bồ tát thành Phật, chúng sinh nào nhiếp tâm không tán loạn sẽ tái sinh vào đó.

«Trí tuệ là tịnh độ của Bồ tát. Khi Bồ tát thành Phật, chúng sinh chánh định[50] sẽ tái sinh vào đó.

«Bốn vô lượng tâm là tịnh độ của Bồ tát. Khi Bồ tát thành Phật, chúng sinh nào thành tựu từ, bi, hỷ, xả sẽ tái sinh vào đó.

«Bốn nhiếp pháp[51] là tịnh độ của Bồ tát. Khi Bồ tát thành Phật, chúng sinh nào được nhiếp phục bởi giải thoát sẽ tái sinh vào đó.

«Phương tiện là tịnh độ của Bồ tát.[52] Khi Bồ tát thành Phật, chúng sinh nào biết diệu dụng phương tiện một cách vô ngại đối với hết thảy các pháp sẽ tái sinh vào đó.

«Ba mươi bảy đạo phẩm[53] là tịnh độ của Bồ tát. Khi Bồ tát thành Phật, chúng sinh có đủ niệm xứ, chánh cần, thần túc, căn, giác chi, và chánh đạo, sẽ tái sinh vào đó.

«Tâm hồi hướng là tịnh độ của Bồ tát. Khi Bồ tát thành Phật, quốc độ sẽ trang nghiêm đầy đủ công đức cao quí.

«Diễn thuyết để diệt trừ tám nạn[54] là tịnh độ của Bồ tát. Khi Bồ tát thành Phật, quốc độ sẽ không ba ác, tám nạn.

«Tự mình giữ giới, không phê bình người phá giới là tịnh độ của Bồ tát. Khi Bồ tát thành Phật, quốc độ không nghe danh từ phạm cấm.

«Mười thiện là tịnh độ của Bồ tát. Khi Bồ tát thành Phật, sẽ không yểu mạng, sẽ giàu có, cuộc sống phạm hạnh, nói lời chân xác, ngôn ngữ dịu dàng, quyến thuộc không ly tán vì khéo hòa giải tranh chấp; lời nói tất lợi lạc cho người, không đố kỵ, sân hận, giữ gìn chánh kiến, sẽ tái sanh vào đó.

«Như vậy, Bảo Tích, tùy theo trực tâm ấy mà Bồ tát mới có thể phát khởi hành. Tùy theo sự phát khởi hành mà được thâm tâm. Tùy theo thâm tâm mà ý được điều phục. Tùy theo sự điều phục ý mà hành được như thuyết. Tùy theo hành như thuyết mà có thể hồi hướng. Tùy theo hồi hướng như vậy mà có thể diệu dụng các phương tiện. Tùy theo phương tiện thích hợp thành tựu chúng sinh. Tùy theo sự thành tựu chúng sinh mà quốc độ Phật thanh tịnh. Tùy theo sự thanh tịnh của quốc độ mà thuyết Pháp thanh tịnh. Tuỳ theo sự thuyết pháp thanh tịnh mà trí tuệ thanh tịnh. Tùy theo trí tuệ thanh tịnh mà tâm thanh tịnh. Tùy theo tâm thanh tịnh mà hết thảy công đức đều thanh tịnh.

«Cho nên, Bảo Tích, nếu Bồ tát muốn làm thanh tịnh quốc độ, hãy làm thanh tịnh tự tâm. Tùy theo tâm tịnh mà Phật độ tịnh.»

Bấy giờ, nương theo oai thần của Phật, Xá-lợi-phất chợt nghĩ: «Khi tâm của Bồ tát thanh tịnh thì quốc độ Phật thanh tịnh. Vậy há tâm của đức Thế Tôn không thanh tịnh hay sao mà quốc độ Phật này chẳng hề thanh tịnh?»

Phật biết ý nghĩ ấy, nói với Xá-lợi-phất:

«Ý ngươi nghĩ sao, mặt trời, mặt trăng há không tịnh chăng khi người mù chẳng thấy chúng sáng?»

Xá-lợi-phất đáp:

«Bạch Thế Tôn, đó là tại lỗi của người mù chứ không phải tại mặt trời mặt trăng không sáng.»

Phật nói:

«Này Xá-lợi-phất, do bởi tội của chúng sinh nên không thấy vẻ trang nghiêm thanh tịnh của quốc độ Phật; đó không phải do lỗi của Như lai. Xá-lợi-phất, cõi đất này của Ta thanh tịnh nhưng ngươi không nhận thấy đó thôi.»

Khi ấy, Phạm thiên Loa Kế[55] nói với Xá-lợi-phất:

«Chớ nghĩ rằng quốc độ này không thanh tịnh. Vì sao? Vì tôi thấy quốc độ Phật Thích-ca thanh tịnh, chẳng khác gì cung điện của trời Tự tại.[56]»

Xá-lợi-phất bảo:

«Tôi thấy cõi này nào là gò nỗng, hầm hố, chông gai, toàn đất và đá; cái gì cũng nhơ bẩn.»

Phạm thiên bảo:

«Là vì tâm của nhân giả có thấp có cao, chưa y theo tuệ của Phật, nên thấy cõi đất này bất tịnh. Xá-lợi-phất, vì Bồ tát bình đẳng với hết thảy chúng sinh, thâm tâm thanh tịnh, nương theo trí tuệ của Phật, nên có thể nhìn thấy cõi Phật này thanh tịnh.»

Bấy giờ, Phật ấn ngón chân của Ngài xuống đất. Ba nghìn đại thiên thế giới bỗng hóa rực rỡ với muôn vàn châu báu quí hiếm, trang nghiêm như cõi tịnh độ của Phật Bảo Trang Nghiêm,[57] được trang hoàng bằng vô lượng công đức mà hội chúng ca ngợi là chưa từng thấy. Hơn nữa, mọi người đều thấy mình được ngồi trên một tòa sen lộng lẫy.

Phật nói với Xá-lợi-phất:

«Hãy quán sát vẻ thuần tịnh trang nghiêm của quốc độ này.»

Xá-lợi-phất thưa:

«Bạch Thế Tôn, con chưa từng thấy và nghe về đất Phật thanh tịnh trang nghiêm như vầy.»

Phật nói:

«Cõi Phật này của Ta thường thanh tịnh như vậy. Nhưng hiển hiện các thứ xấu xa uế tạp là để dẫn dắt những người căn trí thấp kém. Cũng giống như thức ăn của chư thiên có muôn màu hiển hiện tùy theo công đức của người ăn. Cho nên, Xá-lợi-phất, người có tâm thanh tịnh sẽ thấy đất này thanh tịnh.»

Khi Phật hiển hiện toàn vẻ trang nghiêm thanh tịnh của quốc độ này, năm trăm người con của các trưởng giả cùng đi với Bảo Tích chứng vô sanh pháp nhẫn,[58] và tám mươi bốn ngàn người phát tâm cầu vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Phật thâu lại thần túc, tức thì thế giới trở về hiện trạng cũ. Ba mươi hai ngàn chư thiên và người từng mong cầu quả vị Thanh-văn, thấy rõ tính vô thường của các pháp hữu vi, dứt lìa những cáu bẩn trần lao, được sự minh tịnh của con mắt pháp. Tám ngàn tì kheo không còn chấp thủ[59] các pháp, dứt sạch các lậu, được giải thoát.[60]

[1] Am-la thọ viên 菴羅樹園. VCX. Am-la-vệ lâm  菴羅衛林. Skt. Āmrapāli-vana.

[2] Tì-da-li 毘耶離. VCX. Quảng nghiêm thành廣嚴城. Skt. Vaiśālī.

[3] VCX.: đại thần thông nghiệp tu dĩ thành biện 大神通業修已成辦 , đã hoàn thành sự nghiệp đại thần thông CDM.: Bản Phạn nói, ‹thần thông trí tuệ bản sự dĩ tác 神通智慧本事已作  › đã hoàn thành bản sự của thần thông trí tuệ. Cf. Sukhavyūha: abhijñānābhijñātaiḥ.

[4] CDM. Triệu: cái 蓋, chỉ năm cái (5 thứ che lấp tuệ: tham dục, sân, hối-miên, điệu cử, nghi; Skt. pañca āvaraṇāni: rāga, pratigha, tyāna-middha, uddhatya-kaukṛtya) và triền  纏, chỉ mười triền phược (10 thứ quấn chặt, tức 10 tùy phiền não). VCX.: chưóng và cái triền; VCS.: chướng có hai: phiền não và sở tri; cái có 5 (như trên); triền có 8 (vô tàm, vô quý, hôn trầm, thuỵ miên, điệu cử, ố tác, tật, xan).

[5] CDM.: chánh niệm, chánh định, tổng trì (= đà-la-ni, Skt. dhāraṇnī), và 7 biện tài (1. tiệp tật, ứng đối nhanh, 2. lợi, nhạy bén, 3. bất tận, không cùng tận, 4. bất khả đoạn, không bị cắt đứt, 5, tùy ứng, thích ứng hoàn cảnh, 6. nghĩa, dẫn đến mục đích, 7. thế gian tối thượng).

[6] Sáu ba-la-mật  波羅密; Skt. saṭ pāramitāḥ: dāna, śīla, kṣānti, vīrya, dhyāna, prajñā.

[7] VCX., nêu 10 ba-la-mật. 6 ba-la-mật, như trên, thêm 4: phương tiện (Skt. upāya), nguyện (praṇidhi/praṇidhāna), lực (bala), và trí (jñāna).

[8] Bất khởi pháp nhẫn  不起法忍, cũng nói là vô sanh pháp nhẫn (Skt. anutpattikeṣu dharmeṣu kṣāntī pratilabdhā, chứng đắc vô sanh pháp nhẫn). CDM.: «Triệu nói, … có khả năng lãnh thọ thật tướng, nên nói là nhẫn.» VCS., dẫn Thanh Biện: «Theo thế tục, nói là hữu; theo thắng nghĩa, nói là không. Không, cho nên không có gì để nắm bắt (=vô sở đắc). Quán sát, pháp vốn là không, thì đâu có sự sinh khởi. Quán sát sự không sinh khởi này mà phát khởi quán trí để chấp nhận (= quán trí nhẫn); do đó, nói là vô sở đắc bất khởi pháp nhẫn.»

[9] Bất thối luân 不退輪; DMCh. a-duy-việt trí pháp luân 阿惟越智法輪 ; Skt. avivarti-cakra=avaivartya-dharmacakrānupravartaka 隨轉不退 法輪 .

[10] Thiện giải pháp tướng  善解法相; VCX.: đắc vô tướng diệu ấn 得無相妙印 ; VCS.: có hai loại diệu ấn, 1. có sai biệt, chỉ ba pháp ấn, chung cả Đại & Tiểu thừa: các hành vô thường, Niết-bàn tịch tĩnh, các pháp vô ngã; 2. diệu ấn không sai biêt: dấu ấn của các pháp là lý vô tướng.

[11] Cái chư đại chúng 蓋諸大眾 ; CDM., Thập nói: theo bản Phạn, đọc là chúng bất năng cái 眾不能蓋 , đại chúng không thể che lấp. VCX.: nhất thiết đại chúng sở bất năng phục 一切 大眾所不能伏 , không thể bị khuất phục bởi bất cứ chúng hội nào

[12] vô sở uý  無所畏, Skt. vaiśāradya, sự không bối rối và sợ hãi trước đám đông, sự trầm tĩnh, tự tin trước đám đông. Có 4 vô sở uý của Bồ-tát  (bodhisattvānāṃ catvāri vaiśāradyāni), và 4 vô sở uý của Phật (catvāri tathāgatasya vaiśrādyāni) khác nhau.

[13] VCX.: vượt trên cả Đế Thích (Skt. Śakradevānām Indra, Chúa tể các thiên thần).

[14] Thâm tín  深信. VCX.: ý lạc  意樂. Skt. āśaya, ý hướng cao thượng, xu hướng tinh thần/tâm linh cao thượng.

[15] Cam lộ vũ  甘露雨. Skt. amṛta-varṣa, cơn mưa những hạt sương bất tử.

[16] VCX.: «cắt đứt dòng tương tục của tập khí kiến chấp nhị biên.»

[17] Vãng lai sở thú  往來所趣. VCX.: Hữu thú vô thú ý lạc sở quy 有趣無趣意樂所歸, chỗ quay về của ý lạc hữu thú và vô thú. VCS.: «Thanh Biện giải, theo thế tục đế thì hữu; theo thắng nghĩa đế thì là vô. Chỗ quay về rốt ráo của hai nẽo thú (hướng) này chính là lý chân không.»

[18] VCX.: hoạch vô đẳng đẳng Phật trí quán đỉnh 獲無等等佛智灌頂 , được đăng quang lên địa vị Phật trí tối thượng siêu việt.

[19] Mười lực, 10 năng lực siêu việt của Phật, Skt. tathāgata-daśabalāni 如來十力.

[20] Vô sở uý , đây chỉ bốn vô sở uý của Phật, Skt. catvāri tathāgatasya vaiśāradyāni 如來四無所畏.

[21] Chỉ 18 pháp đặc hữu, bất cộng,  của Phật; Skt. aṣṭādaśa āveṇikā buddha-dharmāḥ 十八不箍共佛法.

[22] Trưởng giả tử danh viết Bảo Tích  長者子名曰寶積 (Skt. Ratnaraśi-gṛhapati);VCX.: Li-thiếp-tì  chủng danh viết Bảo Tính 離呫毘種名曰寶性(Licchaviputra-Ratnaprakṛta?); DMC.: trưởng giả tử danh La-lân-na-kiệt  羅鄰那竭, Hán dịch Bảo Sự  寶事, Skt. Ratnakṛta ? CDM.: «Triệu nói, Bảo Tính cũng là Pháp thân Đại sỹ, thường cùng Tịnh Danh (Duy-ma-cật) đến chỗ Như lai, cùng hoằng truyền đạo giáo.»

[23] VCX.: «cúi lạy đấng Đại Sa-môn.»

[24] Đạo chúng dĩ tịch 導眾以寂 ; CDM., «Thập nói: theo Phạn bản, gọi là tịch đạo  寂道 (Skt. śānta-mārga), tức bát chánh đạo. Triệu nói: Tịch, chỉ cho đạo vô vi tịch diệt.» VCX.: hi di tịch lộ, «đạo lộ tịch tĩnh (tức an bình), bằng phẳng.»

[25] VCX.: «đã chứng đệ nhất tịnh ý lạc, và thắng sa-ma-đà đã đến bờ bên kia.» DMC. nói «tâm tịnh» tức nói «đệ nhất tịnh ý lac.» Ý lạc (Skt. āśaya), hay tâm tư hướng đến chúng sinh, thuần tịnh bậc nhất; tức là, tâm tư Phật chỉ hướng đến một đối tượng thuần nhất, là sự lợi lạc của chúnh sinh. Sa-ma-đà  沙摩陀, Hán cũng thường âm là xa-ma-tha (Skt. śamatha), dịch là chỉ  止, sự lắng đọng, đình chỉ tạp niệm; thường tu tập với tì-bát-sa-na (Skt. vipaśyanā), Hán gọi là tu tập chỉ quán.

[26] Xứng vô lượng  稱無量. VCX.: hoạch đắc quảng đại thắng danh văn 獲得廣大勝名聞 , «Có được danh tiếng rộng lớn.»

[27] Thần biến 神變, tức thần thông biến hoá. (Skt. ṛddhi-prātihārya)

[28] Pháp tài  法財, tài sản là Chánh pháp.

[29] VCX.: «Quán sát đệ nhất nghĩa mà đánh bại các oán địch.»

[30] Nguyên Hán: Phật thọ  佛樹.

31 Cam lộ diệt  甘露滅; CDM., «Thập nói: theo Phạn bản, nói là tịch diệt cam lộ (Skt. śāntyāmṛta), tức thật tướng pháp.» VCS.: «Diệt, chỉ Niết-bàn. Giống như thuốc cam-lộ, uống vào thì được bất tử.»

[32] Giác đạo thành 覺道成 , thành tựu đạo giác ngộ, thành Phật. VCX.: (đắc) thắng bồ-đề  得菩提. VCS.: «Chứng đắc chân trí vượt quá hàng Nhị thừa nên nói là thắng Bồ đề.»

[33] Vô thọ hành  無受行; CHD., «Thập nói: không có thọ, tưởng, hành…Triệu nói: thọ, đây chỉ ba thọ.» VCS., «Thọ, tức sự lãnh nạp (=cảm nghiệm). Hành, tức sự duyên lự (=tư duy về đối tượng).» CDM.: «Bằng không tâm ý mà hiện hành.»

[34] VCX.¨«Ngoại đạo, tà sư không thể thăm dò.» VCS., dẫn Thanh Biện: «Cam lộ tịch diệt mà Phật chứng vốn là không, vô sở hữu, không phải cảnh vực của tâm ý, nên các ngoại đạo không thể thăm dò ước lượng nỗi.»

[35] VCX.: «tám pháp không làm lay động.» Đây chỉ 8 thế gian pháp  八世法(aṣṭau lokadharmāḥ) đắc, thất, danh dự, thất sủng, vinh quang, sỉ nhục, khổ, lạc.

[36] Nguyên Hán: nhân bảo  人 寶, bảo vật cho loài người. VCX.: «vị Năng nhân này.»

[37] CDM., Triệu nói: «tùy theo sở thích mà thọ lãnh; tuỳ theo chỗ thọ lãnh mà thực hành; tuỳ theo sự thực hành mà được lợi ích.»

[38] VCX.: đồng tử Bồ-tát  童子菩薩, tức Bồ tát niên thiếu, Skt. kumāra-bodhisattva.

[39] VCX.: «Họ thường hỏi con về cách làm cho cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh.»

[40] Bồ tát tịnh độ chi hành 菩薩淨土之行 ; CDM, «Biệt bản nói, ‹Phật quốc thanh tịnh chi hành.› Thập nói, ‹Bản Phạn nói là thanh tịnh chi tướng (viśuddha-lakṣaṇa).›» VCX.: tịnh Phật độ tướng  淨佛土相, hình thái (hay yếu tính, đặc tính) của cõi Phật thanh tịnh.

[41] VCX.: «Quốc độ của hữu tình, là quốc độ Phật trang nghiêm thanh tịnh của Bồ tát.»

[42] CDM., Thập nói,…, bản Phạn nói là ‹tùy theo chúng sinh được giáo hóa nhiều ít.› Nghĩa là quốc độ rộng hay hẹp tùy theo số lượng chúng sinh đã được giáo hoá.

[43] Điều phục  調伏; CDM., Thập nói: «bản Phạn nói là tì-ni (vinaya), nghĩa là khéo léo sửa trị; tức khéo sửa trị khiến chúng sinh dứt ác, hành thiện.»

[44] VCX.: khởi Thánh căn hành 起聖根行 . VCS.: «Thánh căn, chỉ bồ-đề tâm. Hoặc chỉ 5 căn (tín, tấn, niệm, định, tuệ). Thánh hành, chỉ muôn vạn hành vi của Thánh.»

[45] VCX.: thuần ý lạc độ  純意樂土, Skt. viśuddhāśaya-kṣetra.

[46] Từ đây trở xuống, bản La-thập nói ba tâm; bản Huyền Trang nói bốn quốc độ. Thiện gia hành độ  善加行土 trong bản Huyền Trang không có tương đương trong bản La-thập.

[47] VCX.: thượng ý lạc độ , Skt. adhyāśaya-kṣetra.

[48] Thứ nhất trong bản Huyền Trang: quốc độ của sự phát khởi Bồ đề tâm , Skt. bodhicittotpāda-kṣetra.

[49] Từ đây trở xuống là 6 ba-la-mật. VCS., tổng hợp gọi tên là chỉ tức  止息, đình chỉ và dập tắt các chướng ngại (bằng vào tu tập sáu ba-la-mật).

[50] Chánh định, CDM., tức chánh định tụ  正定聚, một trong ba tụ (tà định tụ, chánh định tụ, bất định tụ). Đạt được chánh trí tuệ nhận thức pháp tướng một cách quyết định. VCX.: nhập chánh định; VCS.: chứng nhập chánh định tụ, tức chứng nhập kiến đạo (thấy pháp Chân như).

[51] VCX.: quốc độ bởi bốn nhiếp sự  四攝事土, Skt. saṁgraha-kṣetra.

[52] VCX. xảo phương tiện độ  巧方便土, Skt. upāya-kauśalya-kṣetra.

[53] Đạo phẩm  道品; VCX.: Bồ đề phần  菩提分, Skt. bodhi-pākṣikā.

[54] Trừ bát nạn  除八難(đọc đúng là nan). VCX.: tức bát vô hạ  息八無暇; 8 trường hợp khó gặp Phật, khó nghe Pháp, không thể tu tập Phạm hạnh, Skt. aṣṭāv akṣaṇāḥ.

[55] Loa Kế Phạm vương 螺髻梵王; VCX.: Trì Kế Phạm vương  持髻梵王

[56] Tự tại thiên  自在天; VCX.: Tha hoá tự tại thiên  他化自在天, Skt. Paranirmitavaśavartin

[57] VCX.: Công Đức Bảo Trang Nghiêm Phật  功德寶莊嚴佛.

[58] Vô sinh pháp nhẫn  無生法忍, Skt. anutpattika-dharma-kṣānti Đoạn trên nói là bất khởi pháp nhẫn.

[59] Bất thọ chư pháp  不受諸法. CDM.: đạo không dính mắc, đối với pháp, không thọ, không nhiễm. VCS.: không cháp thủ ngã và ngã sở, vì không còn tiếp thọ quả của sinh tử.

[60] VCX.: tâm hoàn toàn được giải thoát 心善解脫 , Skt. suvimukta-citta.

Sách liên quan

Gioi thieu Kinh Duy Ma Cat

Giới thiệu Kinh Duy Ma Cật

Vaisâli (Tỳ-da-li), thủ phủ của Vajji (Bạt-kỳ), một cường quốc theo chế độ cộng hòa thị tộc của người Vajji,...
Kinh Bat Nha Luoc Giang

Kinh Bát Nhã Lược Giảng

Giới thiệu & Giảng giải kinh điển Kinh Bát Nhã Lược Giảng HÒA THƯỢNG TUYÊN HÓA LƯỢC GIẢNG Tỳ Kheo...
Kinh Duy Ma Cat Giang Luan

Kinh Duy Ma Cật Giảng Luận

Kính thưa quý vị độc giả, Bộ Kinh Duy Ma Cật đã được nhiều người dịch ra Việt Văn, nhưng...
Kinh Thu Lang Nghiem Truc Chi De Cuong

Kinh Thủ Lăng Nghiêm Trực Chỉ Đề Cương

LỜI NÓI ĐẦU Kinh Thủ Lăng Nghiêm là một bộ kinh thuộc hệ tư tưởng thượng thừa liễu nghĩa. Từ xưa...
Tong quan kinh Dai Bat Niet ban

Tổng quan kinh Đại Bát Niết-bàn

I.ĐÔI DÒNG DẪN NHẬP Toàn bộ kinh Đại Bát Niết-bàn dày hơn 4500 trang, riêng phần Việt dịch chiếm gần...