Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết

Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết

Trương Văn Chiến 48

Bấy giờ, trong thành Tỳ-da-li có vị trưởng giả[2] tên Duy-ma-cật, hằng cúng dường vô lượng Phật, trồng sâu gốc rễ thiện, chứng đắc vô sanh pháp nhẫn, có tài biện thuyết vô ngại,[3] hiện du hí thần thông, nắm vững các tổng trì, đạt được vô sở uý;[4] khuất phục mọi thù nghịch quấy nhiễu của Ma,[5] thấu hiểu mọi Pháp môn sâu thẳm, dẫn đến giác ngộ, thiện xảo trong trí độ và biết diệu dụng các phương tiện thích hợp để giáo hóa,[6] hoàn thành được mọi đại nguyện của Bồ tát. Ông biết rõ xu hướng của tâm của chúng sinh, có thể phân biệt căn tính bén nhạy hay chậm lụt. Đã từ lâu tâm của ông đã thành thục trong Phật đạo, đã quyết định nơi Đại thừa. Mọi hành động của ông đều dựa trên tư duy chân chánh. An trú trong oai lực nhiệm mầu của Phật, tâm ông luôn trải rộng như đại dương. Được chư Phật ca ngợi; hàng Đế-thích và Phạm-thiên kính phục.

Ông đã vận dụng phương tiện chọn Tỳ-da-li làm nơi thường trú để hoá độ chúng sinh. Bằng gia sản vô lượng của mình, ông cứu giúp người cùng khổ. Bằng sự thanh tịnh của giới, ông nhiếp phục người phá giới. Bằng sự nhu hoà thuận nhẫn[7], ông nhiếp phục người sân hận. Bằng đại tinh tấn, ông nhiếp phục người biếng nhác. Bằng tâm thiền tịch[8] để nhiếp phục những kẻ có tâm ý vọng động. Bằng tuệ quyết định[9] để nhiếp phục những hạng vô trí.[10] Tuy là hàng bạch y[11] ông vẫn tuân hành mọi luật tắc thanh tịnh của Sa-môn. Tuy là cư sĩ ông vẫn tự tại không vướng mắc ba cõi. Tuy thị hiện có vợ con ông luôn sống đời tịnh hạnh.[12] Tuy hiện thân giữa các thuộc hạ, vẫn thường vui thú viễn ly.[13] Tuy mang ngọc vàng châu báu nhưng trang điểm thân mình bằng phẩm hạnh oai nghiêm[14]. Dù ăn uống như tục gia nhưng chỉ thưởng thức vị thiền. Chơi với phường cờ bạc để đưa người vượt thoát. Tiếp nhận dị đạo mà không hủy chánh tín. Thông hiểu kinh điển thế gian, nhưng thường hâm mộ Pháp Phật. Ai gặp ông cũng đều kính nể, tôn kính vào hàng bậc nhất.[15] Ông giữ chấp trì luật pháp, duy trì trật tự dưới trên. Hợp tác hài hoà trong tất cả sự nghiệp buôn bán.[16] Tuy cũng gặt hái những lợi ích trong những hoạt động thế tục của mình, ông không lấy đó lầm mừng.[17] Rong chơi trên các ngõ đường, vẫn không quên giúp ích mọi người. Vào chốn công đường[18] để bảo vệ kẻ thế cô. Tham gia các nghị hội để đưa người vào Đại thừa. Đến các trường học để khai sáng tâm mọi người. Vào nơi kỹ viện để cho thấy tai họa của dục vọng. Vào trong tửu lâu mà vẫn vững vàng ý chí. Trong hàng trưởng lão, ông là bậc tôn trưởng để diễn thuyết pháp những pháp tối thắng. Trong hàng cư sỹ, ông là cư sỹ bậc nhất, dạy họ đoạn trừ đam mê ái dục. Trong hàng sát-lị, ông là tôn trưởng sát-lị, dạy họ biết khoan hòa. Trong giới Bà-la-môn, ông là tôn trưởng Bà-la-môn, dạy họ cách chế ngự ngã mạn. Trong các Đại thần, ông được tôn kính bậc nhất, dạy họ pháp luật công chính. Trong các vương tử, ông được tôn kính bậc nhất, dạy họ đạo trung hiếu của vương tử. Trong chốn cấm cung, ông là nội quan tôn quý, giáo hóa hết thảy cung nữ đức hạnh. Trong giới bình dân, ông được tôn kính bậc nhất, khích lệ họ vun trồng phước đức. Trong hàng Phạm thiên, ông được tôn kính bậc nhất, khuyên bảo họ bằng tuệ tối thắng. Trong hàng Đế-thích, ông được tôn kính bậc nhất, vì ông chỉ cho họ thấy rõ tính vô thường. Trong hàng Hộ thế ông được tôn kính bậc nhất vì ông bảo vệ hết thảy chúng sinh.

Như vậy, Duy-ma-cật đã diệu dụng vô vàn phương tiện để giảng dạy chánh Pháp vì lợi ích của chúng sinh. Nay cũng mượn phương tiện thiện xảo, ông hiện thân có bịnh. Vì ông bịnh mà vương hầu, khanh tướng, trưởng lão, cư sĩ, Bà-la-môn v.v… cho đến hoàng thân quốc thích, hàng ngàn người, đã đến thăm viếng ông.

Nhân đó, bằng những bệnh tật nơi thân, Duy-ma-cật giảng giải Pháp Phật rộng rãi cho những người đến thăm.

Ông nói:

«Các nhân giả, thân này[19] là vô thường, yếu đuối, cũng chẳng bền lâu; là pháp chóng mục nát, không đáng tin cậy. Nó là sự khổ, là sự ưu não, là nơi tập hợp của các loại tật bịnh.

«Này các nhân giả, thân này không phải là chỗ đáng nương tựa cho người minh trí. Thân này như bọt biển, không thể vốc nắm. Thân này như bong bóng nước, không tồn tại lâu. Thân này như ngọn lửa bùng cháy từ khát vọng yêu đương. Thân này như cây chuối, ruột không lõi chắc. Thân này như huyễn, hình thành bởi ý nghĩ đảo điên. Thân này như giấc mộng, do hư vọng mà thấy có. Thân này như bóng, theo duyên là nghiệp mà có. Thân này như tiếng vang, tùy thuộc nhân duyên. Thân này như đám mây trôi, chợt biến chợt diệt. Thân này như ánh chớp lóe, thoáng chốc tiêu tan. Thân này không chủ tể, như đất. Thân này không tự ngã, như lửa.[20] Thân này không thọ mạng, như gió. Thân này không con người, như nước.[21] Thân này không thật, lấy bốn đại làm nhà. Thân này rỗng không, không ngã cũng không ngã sở. Thân này vô tri, như cỏ, cây hay gạch ngói. Thân này không hành động, chỉ chuyển động vì sức gió. Thân này bất tịnh vì chứa đầy uế tạp. Thân này hư nguỵ, tuy nhờ bởi tắm rửa, y phục, ẩm thực, rồi sẽ trở về tàn hoại diệt vong. Thân này là tai họa, bị bức bách bởi mọi thứ tật bịnh. Thân này như cái giếng trên gò,[22] vì sự già vây khốn. Thân này vô định, nhất định sẽ chết. Thân này như rắn độc, như kẻ thù, như xóm hoang.[23] Nó được tập thành bởi các uẩn, các xứ, các giới.

«Chư tôn giả, thân này đáng chán như vậy, ta nên tầm cầu Phật thân.Vì sao? Vì Phật thân tức Pháp thân, sinh từ vô lượng công đức và trí tuệ; sinh từ giới, định, huệ, giải thoát và tri kiến về giải thoát; từ từ, bi, hỷ, xả; từ bố thí, trì giới, nhẫn nhục, nhu hòa, cần hành tinh tấn, thiền định giải thoát, tam muội; sinh từ đa văn, trí tuệ, các ba-la-mật; sinh từ phương tiện; sinh từ sáu thông; sinh từ ba minh; sinh từ ba mươi bảy đạo phẩm; sinh từ chỉ quán; sinh từ mười lực, bốn vô úy, mười tám pháp bất cộng; sinh từ sự đoạn trừ hết thảy pháp bất thiện, tập hết thảy pháp thiện; sinh từ sự chân thật; sinh từ sự không buông lung. Từ vô lượng pháp thanh tịnh như vậy sinh ra thân Như Lai.

«Các nhân giả, nếu muốn được thân Phật hầu chấm dứt hết thảy tật bịnh của chúng sinh, các ngài nên phát tâm cầu giác ngộ tối thượng.»

Trưởng giả Duy-ma-cật giảng Pháp cho những người đến thăm bịnh như vậy, khiến cho vô lượng nghìn khách viếng phát tâm vô thượng bồ-đề.

[1] DMC., T14n475,tr. 539a7: «Duy-ma-cật sở thuyết kinh Phương tiện phẩm đệ nhị» 維 摩 詰 所 說 經 方 便 品 第 二 ; Cf. CDM., T38n1775, tr.338c13. VCX. T14n476,tr. 560b5: «Thuyết Vô Cấu Xưng hiển bất tư nghị phương tiện thiện xảo phẩm đệ nhị», 說無垢稱經 顯不思議 方便 善巧 品第二  Cf. VCS. T38n1782, tr.1033b7.

[2] T14n0476,tr.560b6: Có Bồ-tát thuộc dòng họ Li-thiếp-tì (Skt. Licchavī) tên là Vô Cấu Xưng.

[3] VCX: đắc diệu biện tài 得妙辯才 , sở đắc tài biện thuyết vi diệu. Có 7 biện tài, Cf. Đại phẩm Bát-nhã, quyển 8, «Phẩm huyễn thính» (T.8, tr, 276c). Đại Bát-nhã kinh, quyển 499 (T.7, tr. 542a).

[4] Đây chỉ 4 vô sở uý của Bồ-tát , bodhisattvānāṃ catvāri vaiśāradyāni.

[5] DMC. hàng ma lao oán  降魔勞怨; VCX.: tồi ma oán lực 摧魔怨力.

5 Trí độ, tức trí tuệ/bát-nhã ba-la-mật. CDM., «Triệu nói: đến bờ bên kia của Thật trí.» VCS.: Ba-la-mật thứ mười, trí ba-la-mật  (jñāna-pāramitā), là trí thành tựu hữu tình. Phương tiện ở đây là phương tiện ba-la-mật, do thấu suốt các phương tiện để làm lợi ích.

[7] DMC.: nhẫn điều hạnh  忍調行 ; VCX.: điều thuận nhẫn  調順忍. Skt., sauratya-kṣānti.

[8] DMC.: thiền tịch. VCX.: an trú tĩnh lự, chánh niệm, giải thoát, đẳng trì, đẳng chí.

[9] DMC.: quyết định tuệ  決定慧 skt. viniścaya-jñāna. VCX.: chánh quyết trạch  正決擇 (skt. samyak-viniścaya). VCS.: chánh quyết trạch, chỉ tuệ vô lậu.

[10] VCX.: để nhiếp ích vọng kiến và ác tuệ.

[11] Bạch y  白衣, «người bận áo trắng,» chỉ người thế tục.

[12] Phạm hạnh  梵行, Skt. brahma-carya, đời sống tuyệt dục. CDM.: Phạm hạnh, là hạnh thanh tịnh vô dục.

[13] Thường lạc viễn ly  常樂遠離, thường vui thú ẩn dật. Skt. viveka-rata.

[14] Hán: tướng hảo nghiêm thân  相好嚴身.

[15] VCS.: bậc Thượng thủ trong hàng thuyết giáo.

[16] VCX.: sở tác sự nghiệp thị vô dữ quai 所作事業示無與乖 , không cạnh tranh mâu thuẫn trong các hoạt động nghiệp vụ.

[17] VCX.: «Tuy không mong cầu tài bảo thế gian, vẫn tỏ ra sành sõi các lợi lộc thế tục.»

[18] Nguyên Hán: trị chánh pháp. CDM, Triệu nói: «Chỉ quan chức thi hành pháp luật công chính.» VCX.: lý chư vương vụ 理諸王務 , «giải quyết các công việc của triều đình.»

[19] VCX.: «Thân được cấu thành bởi bốn đại chủng này.»

[20] VCX.: «…vô ngã, như nước.»

[21] VCX.: «…không có hữu tình, như lửa.»VCX còn thêm một dụ nữa không có trong DMC: «Thân này không bổ-đặc-già-la  (Skt.pudgala), đồng đẳng với hư không.»

[22] Hán: khâu tỉnh 丘井 ; CDM, Thập nói, «giếng trên gò, tức là giếng khô nơi gò nổng 丘墟 枯 井 .» VCX: «… dễ sập như đường hầm có nước 如水隧.»

[23] Không tụ  空聚, xóm vắng, chỗ bọn cướp thường tụ tập.