Một buổi khuya nọ, trong khi nàng đang may vá thì Thiện Sĩ cũng ngồi gần đấy để học bài. Đêm đã khuya, nhưng chàng vẫn còn muốn đọc sách. Rồi chàng ngủ gục bên nàng. Nhìn ra, Kính thấy râu mọc ngược ở cằm chàng, những cọng râu trông rất khó chịu. Nàng cầm cây kéo lên, có ý muốn cắt đi những sợi râu mọc ngược ấy. Nhưng khi Kính đưa kéo lên thì Thiện Sĩ thức giấc. Trong lúc tâm thần còn mơ màng bất định, thấy vợ đưa kéo tới gần cổ họng mình, Thiện Sĩ nghĩ là nàng muốn ám sát chàng. Hoảng sợ, chàng la lên cầu cứu. Ông bà Đào còn thức ở phòng bên, nghe tiếng kêu hoảng, đều chạy vội ra. Họ hỏi thăm tự sự. Chàng thuật lại là đang mơ màng, chàng thấy vợ chàng lấy kéo đưa vào cổ họng chàng. Cả bố và mẹ Thiện Sĩ đều ầm ầm nổi giận. Họ buộc tội nàng là đã có cố tâm giết chồng. Họ không muốn nghe lời phân bua của nàng.
“Giời đất ơi, tại sao mà ta lại rước cái của nợ này về nhà thế hử? Nó là một đứa lăng loàn, là một đứa mèo mả gà đồng, nó là một đứa định giết chồng để đi theo trai.” Bà cụ đã la ầm lên như thế.
Kính xoay sang phía chồng, nàng cầu xin chồng minh oan cho nàng. Nhưng Thiện Sĩ im lặng. Tâm thần chàng đang bị kích động mạnh. Tâm thần chàng đang ở vào trạng thái kinh hoảng. Chàng ngồi đó và khóc như một người mất trí. Thiện Sĩ không làm chủ được tình trạng. Chàng ngồi đó như một nạn nhân, như một khúc gỗ. Chàng không thể đóng được vai trò chủ động, dù là một phần nhỏ.
Sáng hôm sau, bố và mẹ của Thiện Sĩ cho đứa ở đi mời bố mẹ Kính. Họ nói: “Tôi không dám chứa chấp con gái của hai ông bà nữa. May mà thằng Sĩ thức dậy kịp thời, nếu không thì nó đã đi đời rồi. Con gái bây giờ ghê gớm lắm. Bề ngoài thì có vẻ hiền lành và nhu thuận, mà bên trong thì bụng dạ toàn cả gươm đao. Biết đâu nó đang phải lòng một đứa nào khác. Thôi tôi xin trả nó lại cho ông bà, chúng tôi không đủ phúc phần để chứa chấp thứ của nợ ấy.”
Bố mẹ của Kính nhìn con gái. Bây giờ Kính mới có cơ hội trình bày sự thật một cách rành rẽ. Giọng nàng rất ôn tồn và đầy lễ phép. Bố Kính quay lại nhìn bố mẹ của Thiện Sĩ. Ông nói: “Tôi không thể tưởng tượng nổi con gái chúng tôi là một kẻ có tâm ý giết người. Anh chị đã nghi oan cho nó. Nếu ở trên đời có một người hiền hậu, đó là con gái chúng tôi.”
Mẹ của Thiện Sĩ bĩu môi, không tin, nhất định trả Kính về. Mẹ Kính nói với nàng: “Con đã lỡ dại, con phải lạy bố mẹ của chồng con và chồng con để xin thứ lỗi.”
Kính không chịu. Nàng lễ phép nói: “Con không có lỗi gì hết, con chỉ muốn cắt mấy sợi râu trên cằm của chồng con thôi. Con không phải là kẻ có tâm địa giết người. Nếu con có tội, thì con sẵn sàng lạy. Nhưng con biết là con không có tội nên con không thể nào lạy được.”
Cuối cùng nàng đã theo bố mẹ về nhà. Trước khi đi, nàng chỉ cúi đầu vái chào mọi người mà không lạy. Thiện Sĩ ngồi im như một phiến đá, chàng tuyệt đối không có phản ứng gì hết.
Kính biết bố mẹ mình rất buồn. Buồn vì mình đã lỡ đường gia thất, mà cũng buồn vì tiếng tăm không tốt. Riêng Kính, nàng không thấy buồn nhiều. Nếu nàng buồn, đó không phải là vì giận Thiện Sĩ và bố mẹ chàng, mà vì tình đời nói chung. Người đời thường chỉ sống hời hợt, với bao nhiêu ganh ghét, buồn giận và tự ái tầm thường, và chỉ làm khổ nhau vì hiểu lầm nhau, vì những tri giác sai lầm về nhau. Hơn một năm trời sống trong nếp sống lứa đôi, nàng cảm thấy hạnh phúc rất ít mà khổ đau thì nhiều. Thiện Sĩ không biết sống trong giờ phút hiện tại. Chàng chỉ nghĩ đến chuyện thi cử và làm quan. Chàng không biết trân quý những giây phút sống với những người trong gia đình. Văn chương và học thuật đối với chàng chỉ là một dụng cụ để tiến thân mà không phải là một niềm vui của sự sống. Đã có nhiều lần nàng khơi chuyện với chàng về văn chương và học thuật, nhưng chàng đã tỏ ra chỉ chú trọng đến thứ văn chương thi cử hình thức. Chàng lại không ưa nói đến đạo Lão và đạo Bụt. Đối với chàng chỉ có một đạo duy nhất đáng được gọi là đạo, đó là đạo Nho.
Về nhà sống với cha mẹ, Kính cảm thấy thoải mái hơn. Nàng không oán trách Thiện Sĩ, nàng chỉ tội nghiệp cho chàng. Nàng cũng không oán trách bố mẹ chàng, cũng chỉ vì nàng thấy họ khổ mà không có cách gì thoát ra được. Từ khi về nhà, ngoài chuyện phụng dưỡng cha mẹ, nàng để hết thì giờ học hỏi thêm về kinh điển đạo Bụt, và tự mình thực tập ngồi thiền, đi kinh hành và chỉ dạy thêm cho em Châu học. Nàng thường hay đến thăm ông Đồ, thầy dạy nàng ngày xưa, để được đàm đạo với ông về giáo lý đạo Bụt. Ông Đồ xem nàng như người tri kỷ, bởi vì trong vùng chỉ có một mình nàng là người biết ham muốn học hỏi và thực tập đạo Bụt. Ông nói cho nàng nghe về các chùa lớn có mặt trong nước và những kinh điển hiện đang được lưu hành. Ông nói có những ngôi chùa trong đó có tới hàng trăm người xuất gia tu học. Nghe nói như vậy, Kính rất ước ao. Ước gì mình là con trai để được đi xuất gia.
Bước tới thảnh thơi
Một buổi sáng hôm nọ, không cưỡng nổi ước muốn đi xuất gia, nàng thức dậy rất sớm viết một lá thư cho bố mẹ, xin phép được đi chu du học hỏi, và hứa sẽ trở về sau năm năm du khảo. Nàng cải dạng nam trang, trở thành một chàng sinh viên tuấn tú, khăn gói trên vai. Nàng đi, mà không biết mình sẽ đi đâu. Bảy hôm sau, nàng tới chùa Pháp Vân ở tại trị sở Giao Châu. Cảnh trí chùa thật là u nhã. Thiền sư trú trì đang thuyết pháp, có cả gần ba trăm người ngồi nghe, ai nấy đều có thái độ kính cẩn. Thầy giảng về bốn yếu tố của sự thương yêu là từ, bi, hỷ và xả. Lúc chàng thư sinh tới thì bài giảng mới bắt đầu. Chàng nghe say mê. Sau khi buổi thuyết pháp chấm dứt và mọi người ra về, chàng mới xin phép được vào hầu chuyện sư cụ. Chàng lạy xuống ba lạy, xưng tên họ, và cầu xin được xuất gia. Thầy trú trì tuổi đã trên sáu mươi, Thầy nhìn Kính hồi lâu. Rồi Thầy ôn tồn hỏi:
– Con từ đâu tới? Tại sao con lại muốn đi xuất gia?
Kính chắp tay lại:
– Con họ Lý nhà ở quận Cửu Chân. Từ nhỏ con đã được theo đòi bút nghiên. Nhưng con thấy cuộc đời vô thường quá. Con không tìm thấy hạnh phúc và sự hăng hái nơi con đường thi cử và làm quan. Con cũng không tìm thấy hạnh phúc nơi cuộc sống lứa đôi. Con đã từng được thầy giáo của con chỉ bảo cho con về đạo giải thoát và cho con đọc một ít kinh sách đạo Bụt. Con cũng đã từng được gặp những vị xuất gia. Nhìn thấy phong độ thảnh thơi của các vị, và được nghe quý vị giảng bày về đạo lý giải thoát, lòng con đã xúc động. Con đã từng ao ước được đi xuất gia từ lâu. Nay có dịp vân du đến đây, được nghe thiền sư khai thị, con thấy tâm hồn con rộng mở. Con cúi xin thầy mở lượng biển sông mà chấp nhận con làm đệ tử xuất gia của thầy. Con nguyện sẽ tu học tinh tiến để sau này có thể cứu độ được nhiều người khổ đau.
Thầy trú trì chùa Pháp Vân gật đầu:
– Nghe con nói đó, thầy biết là con có trái tim tốt của người xuất gia. Con xuất thân từ gia đình thế tộc, có ăn có học, có phong cách của người nho sĩ, có tương lai lớn; người khác trong địa vị con sẽ không nghĩ tới việc xuất gia. Nhưng giáo lý của Bụt đã mở mắt cho con sớm, thầy mong ước con sẽ đạt được chí nguyện xuất trần của người có tâm bồ đề.
Rồi thầy chấp nhận cho Kính ở lại tập sự xuất gia ba tháng. Thầy gọi hai sư chú hiện đang tu ở chùa Pháp Vân lên và giới thiệu với chàng. Sư chú học trò lớn của thầy là sư chú Chí Tâm, hai mươi sáu tuổi. Sư chú vóc người cao lớn, có hai con mắt sáng và một cặp lông mày rậm. Tướng sư chú đi hùng dũng như tướng một con gấu. Sư chú đã tu được tám năm. Sư chú thứ hai là sư chú Thành Tâm, hai mươi bốn tuổi. Sư chú này dáng người mảnh dẻ, nhưng cũng có vẻ khỏe mạnh, có nụ cười rất tươi và một khuôn mặt vuông vắn. Sư chú đã tu được bốn năm. Thầy dạy hai sư chú sắp xếp chỗ ở cho Kính, và chỉ bày cho chàng cách thức sinh hoạt trong thiền môn. Kính rất may mắn. Chàng được sắp đặt ở trong một liêu phòng riêng nằm ở góc Tây đường, không phải ngủ chung với các sư chú khác.
Trong mấy tháng tập sự xuất gia, Kính đã tu học và chấp tác rất giỏi. Hai buổi công phu chàng chỉ cần học và tập trong mười lăm hôm mà đã nhớ và tụng được làu làu. Chàng tự đóng lấy tập để chép mười giới sa di và các thiên uy nghi. Chữ chàng viết rất đẹp khiến cho hai sư anh người nào cũng tấm tắc khen. Kiến thức của chàng rất rộng cho nên trong các buổi pháp đàm những điều chàng nói đã làm cho hai sư anh và cả thầy trú trì nể mặt. Tuy vậy chàng rất khiêm nhượng. Tất cả những trách vụ chấp tác trong chùa như gánh nước, bổ củi, lặt rau, nấu cơm, dọn dẹp, lau quét Phật đường, làm thị giả cho thầy, chùi rửa nhà xí, chàng đều để hết tâm ý vào và thừa hành một cách rất chu đáo. Chàng rất được hai sư anh thương mến. Sư chú Chí Tâm thấy chàng có dáng dấp thư sinh nên thường làm hộ chàng những công việc khiêng vác nặng nhọc. Sư chú Thành Tâm cũng rất ân cần muốn giúp chàng trong mọi công việc chấp tác. Cả hai sư chú đều rất muốn gần gũi chàng, học hỏi, làm việc, tu tập và quấn quít bên chàng, nhưng chàng vẫn cố tâm giữ một khoảng cách. Cả hai sư chú đều thấy chàng tươi mát, dịu hiền, thông minh và đức hạnh.
Ba tháng sau, nhân ngày đản Bụt, Kính được chính thức xuống tóc và tiếp nhận mười giới sa di của người xuất gia. Mớ tóc cạo sạch, mình vận chiếc áo nhật bình mầu nâu sẫm, chú sa di mới biểu lộ hình tướng rất sáng sủa và đẹp đẽ của một người xuất gia. Sư chú được thầy đặt cho pháp tự là Kính Tâm. Tên của sư chú thật hay và rất thích hợp, tại vì đối với mọi người, từ trên là Bụt đến các vị tổ sư, dưới đến mọi loài kể cả cỏ cây, cầm thú và đất đá, sư chú Kính Tâm đều có lòng cung kính. Nhìn cuộc đời, sư chú thấy tất cả đều mầu nhiệm và thiêng liêng, kể cả những khổ đau của con người, cho nên sư chú có khuynh hướng muốn nghiêng mình chiêm ngưỡng tất cả. Từ ngày có sư chú Kính Tâm, chốn thiền môn như rạng rỡ ra, và giới trẻ trong làng và các làng lân cận đến chùa đông lắm. Sư chú Kính Tâm giống như một bông sen vừa nở trong một hồ nước chưa từng có trồng sen bao giờ.
Sư chú Kính Tâm có giọng xướng kệ rất hay, và mỗi buổi sáng chú đều nhận trách nhiệm thỉnh đại hồng chung và xướng những bài kệ chuông rất hào sảng như bài:
hay bài
Mỗi khi có pháp đàm, sư chú trình bày kiến giải về kinh văn rất sâu sắc, khiến cho các sư anh tuy đã tu nhiều năm trước sư chú cũng lắng nghe và học hỏi được rất nhiều. Chính hòa thượng Phương Trượng cũng đã có lần mở lời khen ngợi sư chú. Sư anh Chí Tâm viết chữ Hán rất đẹp nhưng cũng phải công nhận nét chữ của sư em Kính Tâm linh hoạt hơn nhiều. Sư anh Thành Tâm cũng nhờ Kính Tâm giảng giải cho nghe về những đoạn rất khó trong kinh Tứ Thập Nhị Chương, như đoạn “tu vô tu tu, chứng vô chứng chứng” (tu cái pháp môn vô tu, chứng cái quả vị vô chứng). Sư chú Kính Tâm đã đọc hết bộ kinh Lục Độ Tập của thiền sư Tăng Hội phiên dịch, nên biết rất nhiều công hạnh và tiền thân của Bụt Thích Ca. Sư chú thường kể cho các sư anh nghe những mẫu chuyện tiền thân ấy và nói về các công hạnh của Bụt trong những kiếp trước và cả trong kiếp hiện tại của Người. Dân chúng trong làng, nhất là thanh niên nam nữ, mỗi khi lên chùa, thường có dịp được gặp gỡ các sư chú và nghe sư chú Kính Tâm thuyết pháp.