Sự Tích Quan Âm Thị Kính

Sự Tích Quan Âm Thị Kính

Đỗ Quang Huy 50

Có một cô thiếu nữ con vị trưởng giả giàu có nhất làng là cô Mầu hay theo mẹ lên chùa để dâng hương và lạy Bụt. Lần đầu tiên trông thấy sư chú Kính Tâm, Mầu sửng sốt. Người đâu mà thanh tao đến thế, mặt mày sáng sủa đến thế, và cách đi đứng nói cười tao nhã và uy nghi như thế? Tuy Kính Tâm đã cạo đầu và mặc áo thầy tu, nhưng sư chú rất thanh tao và rất trang nhã. Hồi còn là cư sĩ, Kính đã có dung quang và phong thái khác thường rồi. Vậy mà sau khi xuống tóc và thọ giới, sư chú còn đẹp ra nhiều nữa. Mặt mày sư chú sáng thêm, hai con mắt như tinh anh ra, vầng tráng thánh thiện lên và khuôn mặt sư chú rạng rỡ. Một người không có hạnh phúc thì không thể nào có nụ cười, khuôn mặt và ánh mắt ấy. Ai nhìn sư chú cũng thấy yêu đời thêm lên. Cô thiếu nữ tên Mầu lần đầu thấy sư chú đã đem lòng thương yêu liền, nhưng tiếc thay, cô đã thương yêu sư chú bằng một tâm tình vướng mắc và khao khát, không phải bằng một tâm tình có đạo vị.

Về nhà, cô không ngủ được. Ngày đêm, Mầu bị ám ảnh bởi hình ảnh của sư chú. Sư chú đẹp trai, có phải vì vậy mà cô đã đem lòng thầm yêu trộm nhớ hay không? Chắc không phải. Cô đã từng gặp những chàng trai có khuôn mặt đẹp, nhưng cô đã không phản ứng như thế. Trong số những chàng trai đã nhờ bố mẹ đến cầu hôn với cô, cũng có những người khá xinh trai, nhưng Mầu không hề có cảm giác này với những người con trai ấy. Mầu không có khả năng chống trả với mối tình kỳ lạ này. Nàng biết đây là một người tu hành, mình không nên động tới. Tuy vậy điều đó vẫn không ngăn cản được nàng ngày đêm tưởng nhớ đến sư chú.

Mầu là một thiếu nữ con nhà giàu sang lại có nhan sắc, nên nàng dễ có tính tự phụ. Muốn gặp gỡ nàng rất khó. Nếu nàng không ưa ai thì nhất định nàng không chịu gặp người đó. Mà ai lại không muốn gặp gỡ và làm quen với nàng? Tuy vậy, nàng đã gặp quả báo. Nàng rất muốn được gặp gỡ sư chú Kính Tâm, ngồi với sư chú Kính Tâm, nhưng sư chú lại luôn luôn tìm cách lánh mặt nàng. Đó không phải là tại vì sư chú sợ gặp một cô thiếu nữ xinh đẹp, mà tại vì sư chú đang hết lòng hành trì giới luật và uy nghi của người xuất gia, không gần gũi và chuyện trò với người nữ trong một nơi vắng vẻ và riêng biệt. Mầu đã từng đón đường sư chú, trong chùa cũng như ở các nẻo đường xuống làng, nhưng bất cứ lúc nào sư chú cũng tìm cách thoái thác để không dừng lại nói chuyện riêng tư. Sư chú có nói nếu cô đến ngồi chung với những thanh niên và thiếu nữ khác cùng nghe về Phật Pháp thì sư chú rất vui lòng ngồi lại và chia sẻ những kiến giải và kinh nghiệm tu tập của sư chú. Nhưng điều mà Mầu ao ước nhất là được đứng riêng với sư chú, hoặc ngồi riêng với sư chú, và được nói với sư chú là cô rất yêu sư chú, và nếu không có sư chú chắc cô sẽ không sống nổi. Sư chú hình như cũng biết điều đó, cho nên đã cố tránh để khỏi phải bị đặt trước một tình trạng khó xử. Ước muốn sâu sắc nhất của sư chú là được tu hành với tư cách của một người xuất gia, ước muốn ấy là tâm Bồ đề, ước muốn ấy là tâm bồ tát, là tâm thương yêu, nhưng thương yêu đây là thương yêu theo tinh thần từ, bi, hỷ và xả, chứ không phải là thứ tình cảm bi lụy, thèm khát và vướng mắc. Thương yêu theo Bụt dạy là đem lòng thương xót và cứu độ cho tất cả những ai khổ đau, khổ đau vì tham ái, hận thù, si mê, ganh tỵ, kiêu mạn và nghi ngờ.

Mầu yêu sư chú mà vì thấy sư chú không chạy theo mình, không cầu cạnh mình, không say mê mình cho nên cô cảm thấy tự ái của cô bị tổn thương. Từ trước đến nay không có một người con trai nào đối xử với nàng như thế. Ai cũng sẵn sàng chạy theo nàng, tán tỉnh nàng, cầu xin nàng ban bố chút ít ân huệ của tình yêu. Vậy mà bây giờ nàng đã gặp một người không phải như thế. Nhân cách của sư chú Kính Tâm thanh cao quá, nàng không sử dụng được uy quyền, sắc đẹp và tiền bạc của nàng để chinh phục sư chú, vì vậy cho nên nàng đem tâm hận thù sư chú. Hận thù, nhưng vẫn say mê sư chú.

Đêm ấy là rằm tháng chín. Trăng sáng vằng vặc, Mầu ở nhà một mình, bố mẹ cô đi đám giỗ bên ngoại chưa về. Trời cuối thu, vắng vẻ và lạnh lẽo. Mầu không chịu đựng nổi sự cô đơn đang xâm chiếm lòng nàng. Hồi sáng, nàng đã lên chùa dâng hương, có anh người nhà tên Thượng mang phẩm vật cúng dường cùng đi với nàng. Nàng đã tìm cách gặp sư chú Kính Tâm. Nàng nhờ sư chú Thành Tâm nhắn hộ với sư chú là nàng muốn được gặp riêng sư chú để thưa hỏi một vài điều. Nhưng sư chú Kính Tâm đã nhắn lại với sư anh mình là sư chú bận rộn công việc trên thiền đường, không có thì giờ để gặp. Nàng đã tức giận bỏ về, không ở lại nghe thầy thuyết pháp. Ngồi dưới mái hiên, bên mấy cụm hải đường, Mầu cảm thấy bực tức, tủi hổ và nàng ôm mặt khóc. Nàng nhớ đến con người ấy. Ước gì được người ấy ôm mình trong hai cánh tay của người. Trời rất trong, trăng rất sáng, nhưng lòng Mầu quá quạnh hiu. Bỗng nàng nhận ra có người đứng cạnh nàng. Bóng của người ấy in trên sân trăng. Nhìn lên nàng thấy Thượng, người con trai giúp việc trong nhà. Thượng đang nhìn nàng ái ngại. Nhìn Thượng mà Mầu thấy đó là sư chú. Nàng đưa hai tay lên, ra dấu cho Thượng tới gần. Nàng ôm lấy Thượng. Và Thượng ôm lấy nàng. Và nàng dìu Thượng vào trong phòng nàng. Mầu như đang sống trong một cơn mê sảng. Nàng cố nghĩ rằng đây là sư chú Kính Tâm. Trong cơn mê, nàng đã để cho niềm khao khát, nỗi tuyệt vọng và lòng tự ái sai khiến nàng. Nàng đã dìu Thượng lên giường và cho phép Thượng ngủ với nàng. Mầu làm cử chỉ này như một cử chỉ báo thù, nàng hành xử như một người mất trí. Và trong khi giao hợp với người đầy tớ trai, nàng đã tưởng tượng người này là sư chú Kính Tâm. Nàng ôm chặt lấy sư chú tưởng tượng trong vòng tay và áp môi mình vào môi của người ấy một cách man dại.

Cơn mê chỉ xẩy ra trong chưa đầy năm phút đồng hồ. Sau đó, cả hai người đều tỉnh giấc. Mầu thét mắng, đuổi Thượng ra. Thượng ôm đầu chạy ra khỏi phòng nàng, và chàng chợt thấy mình vừa gây nên một tội ác tầy trời. Nếu vợ chồng ông trưởng giả biết được điều này thế nào chàng cũng chết. Không những chàng chết mà cả bố mẹ chàng ở quê nhà chắc cũng không khỏi liên lụy.

Trong những ngày kế tiếp, cả hai người tiếp tục sống trong địa ngục, địa ngục của hối hận và của lo sợ. Họ không biết là trong khi đó, nhờ hành trì giới luật và uy nghi, các sư chú trên chùa vẫn an trú được trong thế giới của an lạc, hạnh phúc và thảnh thơi.

Một buổi sáng nọ, Mầu thức dậy thấy trong người khó ở. Có những triệu chứng cho nàng biết là nàng có thai. Sự lo sợ bây giờ tăng lên rất lớn. Nàng lo cho nàng, nàng lo cho bố mẹ, và nàng cũng lo cho Thượng. Cả bốn người đều là nạn nhân của nàng, của những tâm trạng vướng mắc, thèm khát, hận thù và tự ái nơi nàng. Sau khi biết chắc là mình đã có thai, Mầu thu xếp để có một số tiền khá lớn. Nàng trao số tiền ấy cho Thượng và bảo chàng trốn đi biệt xứ, đừng bao giờ trở về nữa, dầu là về nhà bố mẹ của chàng ở Nhật Nam. Ông trưởng giả bố nàng rất nóng nảy. Ông có thể có cách làm liên lụy tới bố mẹ của Thượng.

Người con trai tên Thượng cầm số tiền này với hai hàng nước mắt. Chàng bỏ đi ngay ngày hôm ấy. Hai tháng sau, vợ chồng phú ông bắt đầu thấy được những triệu chứng có thai của cô con gái. Ông bà gạn hỏi. Mầu nhất định không nói. Nàng xấu hổ. Nàng không thể nói sự thật, dù là với hai đấng đã sinh thành ra mình. Nàng không thể nói là nàng đã ngủ với một người đầy tớ trai. Điều này nàng không chấp nhận được, mà cả xã hội ngoài kia cũng không chấp nhận được. Hai ông bà trưởng giả tra khảo đứa con gái yêu suốt ba ngày ba đêm mà Mầu vẫn làm thinh không nói. Nàng chỉ nói bừa là nàng không khỏe trong người, thế thôi. Đến ngày thứ tư, trong khi ba người còn ngồi ở nhà trên ăn cơm, thì có tiếng mõ làng. Mõ nguyệt bình rao gọi Thị Mầu cô gái ngoại tình chửa hoang con ông phú hộ phải ra trình diện ở đình làng để trình bày tự sự và để cho hội đồng làng xét xử.

Hai ông bà phú hộ cảm thấy nhục nhã không biết thế nào mà nói. Mình là người tai mắt trong làng, lúc nào cũng ăn trên ngồi trước. Ai gặp mình cũng phải cúi đầu thưa hỏi. Vậy mà bây giờ con gái mình bị làng đòi ra trình diện vì tội chửa hoang. Làm sao mà nhìn mặt làng xóm cho được, hỡi trời.

Bố Mầu đưa Mầu ra hội đồng làng. Mẹ của nàng ở nhà. Nhìn hai bố con, cụ Tiên Chỉ nói:

– Thị Mầu, cháu lỡ dại có chửa với ai thì nên khai thật cho làng biết. Nếu cháu nói sự thật thì làng sẽ cho phép thành gia thất với người ấy. Nếu cháu nói ra một lời dối trá, thì dù bố cháu muốn chuộc lại bằng chín con trâu và ba mươi con bò cũng không thể nào chuộc được.

Nói rồi cụ Tiên Chỉ nhìn thẳng vào mặt Mầu. Các quan viên trong hội làng cũng nhìn vào mặt Mầu. Bố Mầu cũng nhìn vào mặt Mầu. Nàng tránh những cặp mắt ấy, cúi nhìn xuống đất. Nàng suy nghĩ:

-Ta không thể nói sự thật được. Nói ra thì xấu hổ cho dòng họ, cho gia thế, cho bố mẹ. Biết bao nhiêu kẻ có môn đăng hộ đối đã tới hỏi ta, ta đã từ chối, mà ta lại đi ngủ với một người ở. Ta không thể nói sự thật ra được. Mà dù ta có nói thì thiên hạ cũng không ai tin, nhất là khi Thượng đã đi biệt xứ. Vậy tại sao ta không khai bừa là đã ngủ với sư chú Kính Tâm? Tại sao ta không nói là ta đã ngủ với người ta thương? Cụ Tiên đã hứa là theo luật làng, ta có thể thành gia thất với sư chú Kính Tâm, nếu ta khai cho sư chú…

Nghĩ tới đấy, Mầu ngửng lên nhìn cụ Tiên Chỉ. Nàng nói:

– Cháu lỡ dại, đã ăn nằm với sư chú Kính Tâm, một sư chú đang tu trên chùa Vân. Tại vì cháu yêu sư chú ấy. Cháu đã để cho sư chú ngủ với cháu tại vì cháu không cưỡng lại được. Cháu xin làng tha tội cho cháu và tác thành cho chúng cháu.

Mọi người cùng ồ lên một tiếng kinh ngạc. Lạ thật, một sư chú đoan kính như sư chú Kính Tâm mà lại đi làm một việc như thế sao?

Cụ Tiên hỏi:

– Thế cháu ngủ với sư chú ở đâu mà có mang?

Mầu nói nhanh:

– Cách đây chừng ba tháng. Hôm ấy chúng cháu ngồi phía sau tháp tổ ở chùa. Lúc đó vào khoảng giữa giờ Dậu.

Cụ Tiên quay lại bảo hai người canh tuần:

– Các chú lên chùa mời đại đức trú trì và chú tiểu Kính Tâm đến ngay cho làng hỏi việc.

Chỉ khoảng một giờ sau, thầy trú trì Pháp Vân đến. Thầy đến không những với sư chú Kính Tâm mà còn với hai sư anh của chú là Chí Tâm và Thành Tâm nữa.

Sau khi mời thầy trú trì ngồi, cụ Tiên Chỉ nhìn sư chú Kính Tâm hỏi:

– Tại sao đã đi xuất gia tu đạo mà sư chú còn phạm giới, ngủ với người ta để người ta có mang như thế?

Rồi cụ chỉ vào Mầu:

– Thị Mầu đã trình làng mọi sự. Nếu sư chú nhận mình đã lầm lỗi, thì làng sẽ thương tình cho phép sư chú cởi áo tu, ra đời và cưới Thị Mầu. Còn nếu sư chú chối cãi, nói lời không thật, thì làng sẽ trừng phạt theo luật lệ đã có từ xưa nay.