Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết

Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết

Trương Văn Chiến 49

Bấy giờ, khi Xá-lợi-phất thấy trong thất này không có giường ghế gì, bèn nghĩ: «Các Bồ tát và đại đệ tử sẽ ngồi ở đâu?» Trưởng giả Duy-ma-cật biết được ý nghĩ ấy, bèn hỏi Xá-lợi-phất:

«Thưa ngài, nhân giả đến đây vì pháp, hay vì đi tìm giường ghế?»

Xá-lợi-phất đáp:

«Tôi đến đây vì Pháp, chẳng vì giường ghế.»

Duy-ma-cật nói:

«Thưa ngài Xá-lợi-phất, người cầu Pháp ngay đến thân mạng còn không tham tiếc, huống hồ giường ghế. Vì rằng, cầu Pháp không phải là tìm cầu những gì là sắc, thọ, tưởng, hành, thức; không phải là tìm cầu những gì là giới,[2] xứ;[3] không phải là tìm cầu những gì thuộc Dục, Sắc, Vô sắc.[4]

«Thưa Xá-lợi-phất, người cầu Pháp không bám chấp Phật mà cầu, không bám chấp Pháp mà cầu, không bám chấp Tăng mà cầu.[5] Người cầu Pháp không phải để thấy khổ mà cầu, không đoạn trừ tập mà cầu, không chứng diệt mà cầu, không tu đạo mà cầu.[6] Vì sao vậy? Vì Pháp không có hý luận.[7] Vì nếu nói: «Tôi thấy khổ, đoạn tập, chứng diệt, tu đạo,» thì chỉ là hý luận, không phải tầm cầu Pháp.

«Thưa Xá-lợi-phất, Pháp được gọi là tịch diệt.[8] Nếu hành nơi sinh diệt, đó là đi tìm cầu sự sinh diệt chứ không phải tìm cầu Pháp. Pháp được gọi là vô nhiễm.[9] Nếu tham nhiễm pháp, cho đến tham nhiễm Niết bàn, đó là nhiễm trước[10] chứ không phải tìm Pháp. Pháp không hành xứ.[11] Nếu hành nơi pháp, đó là hành xứ chứ không phải là sự cầu Pháp.[12] Pháp không thủ xả.[13] Nếu có thủ xả nơi pháp, đó là thủ xả chứ chẳng phải tìm Pháp. Pháp không xứ sở.[14] Nếu dính mắc xứ sở,[15] đó là sự dính mắc xứ sở chứ không phải tìm Pháp. Pháp được gọi là vô tướng. Nếu tùy theo tướng mà nhận thức,[16] đó là đi tìm cầu tướng chớ chẳng phải tìm cầu Pháp. Pháp không thể trụ.[17] Nếu trụ nơi pháp, đó là cầu trụ pháp chớ chẳng phải cầu pháp.[18] Pháp không thể được thấy, được nghe, được cảm nhận, được nhận biết.[19] Nếu hành nơi sự thấy, nghe, cảm, biết; đó chỉ là thấy, nghe, cảm, biết chứ chẳng phải tìm cầu pháp. Pháp là vô vi.[20] Nếu hành nơi hữu vi, đó là cầu hữu vi chớ chẳng phải cầu pháp.

«Cho nên, thưa ngài Xá-lợi-phất, cầu pháp là không cầu tìm bất cứ gì.»[21]

Khi nói xong lời này này, năm trăm chư thiên được sự thanh tịnh của con mắt pháp ở trong các pháp.[22]

Rồi trưởng giả Duy-ma-cật lại hỏi Văn-thù-sư-lợi:

««Nhân giả đã chu du qua vô lượng a-tăng-kỳ quốc độ; ở cõi Phật nào có tòa sư tử được thành tựu với công đức vi diệu tối thượng tuyệt đẹp ?»

Văn-thù-sư-lợi đáp:

«Cư sĩ, ở phương đông có cõi Phật cách đây vô lượng nghìn vạn ức a-tăng-kỳ[23] thế giới bằng số cát của ba mươi sáu sông Hằng. Đó là cõi Tu-di-tướng.[24] Có Phật Tu-di Đăng Vương[25] hiện ở đó. Đức Phật ấy có cao 84.000 do-tuần[26] và bảo tòa sư tử của ngài cũng cao 84.000 do-tuần, được trang sức bậc nhất.»

Lúc ấy, trưởng giả Duy-ma-cật hiển hiện năng lực thần thông,[27] tức thì đức Phật kia khiến 32.000[28] tòa sư tử cao lớn, oai nghiêm, đến thẳng vào thất của Duy-ma-cật. Chư Bồ tát, đại đệ tử Phật, các Phạm thiên và bốn vị Thiên vương đều điều chưa từng trông thấy. Thất ấy trở nên rộng rãi, chứa hết 32.000 bảo tòa, không khuất lấp cái nào và cũng không làm chật hẹp thêm thành Tỳ-da-li, cõi Diêm-phù-đề và bốn thiên hạ.

Đoạn Duy-ma-cật nói với Văn-thù-sư-lợi:

«Xin mời chư vị ngồi vào tòa sư tử. Hãy cùng ngồi với các Bồ tát Thượng nhân.Các vị hãy tự lập thân mình tương xứng với tầm vóc của toà.»

Các vị Bồ tát đã đắc thần thông lực liền tự biến hình cao lớn 4 vạn 2 nghìn[29] do-tuần để ngồi vào tòa sư tử. Nhưng các Bồ tát sơ tâm[30] và chúng Đại đệ tử[31] không thể leo lên những bảo tòa cao lớn như vậy được.

Duy-ma-cật mới nói với Xá-lợi-phất:

«Mời tôn giả ngồi lên toà sư tử.»

Xá-lợi-phất đáp:

«Cư sĩ, tòa này cao rộng thênh thang, tôi không thể lên được.»

Duy-ma-cật bảo:

«Thưa ngài Xá-lợi-phất, hãy đảnh lễ đức Như Lai Tu-di Đăng Vương thì sẽ ngồi lên được.»

Lúc ấy hết thảy chư Bồ tát sơ tâm và Đại đệ tử đều cung kính đảnh lễ đức Như Lai Tu-di Đăng Vương và ngồi lên được các tòa sư tử.

Xá-lợi-phất nói với Duy-ma-cật:

«Cư sĩ, thật là chưa từng có. Căn phòng nhỏ như vầy có thể chứa đủ các tòa cao rộng như vậy mà không che lấp thứ gì ở thành Tỳ-da-li, cũng không cản ngại bất cứ gì ở các thành phố, làng mạc của cõi Diêm-phù-đề và bốn thiên hạ cũng như các cung điện trời, rồng, quỷ thần.»

Duy-ma-cật đáp:

«Vâng, thưa ngài Xá-lợi-phất, chư Phật và Bồ tát có môn giải thoát được gọi là bất khả tư nghị. Bồ tát tru nơi giải thoát này có thể đặt ngọn Tu-di hùng vĩ trong một hạt cải mà không hề thay đổi kích thước của hạt cải. Tướng trạng nguyên thuỷ của núi chúa Tu-di[32] vẫn như cũ. Bốn vị Thiên vương cùng với chư thiên Đao-lị[33] cũng không biết mình đã được đặt trong một hạt cải. Chỉ những ai cần được độ mới thấy Tu-di lọt vào trong hạt cải.[34] Đó là pháp môn giải thoát bất khả tư nghị.[35]

«Lại nữa, đem nước trong bốn đại dương đặt vào một lỗ chân lông mà chẳng khuấy động các loài tôm, cua, rùa, ca, các loại thuỷ tộc, mà bốn đại dương cũng y nguyên trạng khiến các rồng, quỷ thần, A-tu-la cũng chẳng biết mình đã được dời chỗ đem đặt vào một lỗ chân lông.

«Lại nữa, Xá-lợi-phất, Bồ tát trụ giải thoát bất khả tư nghị có thể đặt trong lòng bàn tay phải cả ba nghìn đại thiên thế giới, như người thợ gốm cầm cái bàn xoay,[36] và ném nó vượt qua Hằng hà sa số thế giới mà chúng sinh trong đó không hay không biết mình đang đi đâu; rồi thu về đặt lại chỗ cũ mà không khiến cho bất cứ ai có cảm tưởng đi và về.

«Lại nữa, Xá-lợi-phất, hoặc có chúng sinh chỉ có thể độ được nếu vui sướng với sự tồn tại lâu dài trong thế gian này, Bồ tát này có thể dùng thần lực của ngài kéo dài bảy ngày thành một kiếp khiến cho họ thấy là một kiếp. Hoặc có chúng không thích ở lâu trong thế giới này để đựơc độ, Bồ tát có thể rút ngắn một kiếp thành bảy ngày khiến cho chúng sinh ấy thấy chỉ là bảy ngày.

«Lại nữa, Xá-lợi-phất, Bồ tát đã trụ giải thoát bất khả tư nghị có thể thâu tóm tất cả mọi sự nghiệp trang nghiêm trong hết thảy cõi Phật tập họp về một cõi để mọi chúng sinh có thể nhìn thấy.

«Lại nữa, ngài có thể đặt hết thảy chúng sinh từ mọi cõi Phật trong lòng tay phải, rồi bay lượn[37] khắp mười phương cho mọi nơi đều được thấy mà không hề xao động bản xứ.

«Lại nữa, Xá-lợi-phất, Bồ tát này có thể chỉ trong một lỗ chân lông cho thấy hết thảy phẩm vật của chúng sinh trong mười phương quốc độ cúng dường chư Phật .

«Lại nữa, ngài có thể chỉ trong một lỗ chân lông cho thấy tất cả mặt trời, mặt trăng, tinh tú của hết thảy thế giới khắp mười phương.

«Lại nữa, ngài có thể hít một hơi hết thảy gió[38] của mười phương quốc độ mà không suy suyễn thân mình cũng chẳng rung gãy một cành cây.

«Lại nữa, khi mười phương thiên hạ kiếp tận[39] do lửa thiêu đốt, Bồ tát này có thể hít hết lửa vào bụng mình mà không bị tổn hại và lửa vẫn cháy.

«Lại nữa, Bồ tát này có thể lấy một cõi Phật từ phương dưới cách xa ngài Hằng hà sa số thế giới rồi ném nó lên cao ở phương trên cách xa ngài Hằng hà sa số thế giới nữa, dễ dàng như người ta dùng đầu mũi kim nâng một chiếc lá táo mà không làm cho lá táo hư hại.

«Lại nữa, Xá-lợi-phất, Bồ tát đã trụ giải thoát bất khả tư nghị có thể dùng thần lực hiện thân là Phật, Bích-chi-Phật, Thanh-văn, Đế Thích, Phạm thiên, hay Thế chủ, hoặc hiện thân Chuyển luân Thánh vương.[40]

«Lại nữa, Ngài cũng có thể khiến mọi âm thanh trong mười phương quốc độ, âm cao, trung, thấp, đều biến thành tiếng Phật giảng pháp vô thường, khổ, không, vô ngã, và đủ các pháp khác nhau được thuyết bởi chư Phật khắp mười phương; tất cả đều được nghe cùng khắp trong đó.

«Thưa ngài Xá-lợi-phất, tôi chỉ mới nói vài năng lực của giải thoát bất khả tư nghị. Nếu kể cho đủ thì trong một kiếp cũng chưa nói hết.»

Lúc bấy giờ, Đại Ca-diếp nghe pháp môn Giải thoát bất khả tư nghị này liền tán thán là chưa từng có, rồi nói với Xá-lợi-phất:

«Giống như có người trình bày các thứ sắc tượng trước mặt người mù, nhưng người mù không thể thấy. Hết thảy Thanh-văn không thể hiểu dù được nghe pháp môn Giải thoát bất khả tư nghị này. Những người có trí nghe pháp này ai mà không phát tâm cầu giác ngộ tối thượng? Chúng ta vì sao để cho vĩnh viễn đoạn tuyệt gốc rễ mà so với pháp Đại thừa này thì như hạt giống đã mục. Hết thảy Thanh-văn khi nghe pháp môn Giải thoát bất khả tư nghị này phải khóc than, âm thanh chấn động cả ba nghìn đại thiên thế giới. Hết thảy Bồ tát thì nên hết sức hân hoan, đội lên đầu mà thọ nhận pháp này.[41] Bồ tát nào tin hiểu trì pháp môn Giải thoát bất khả tư nghị này, hết thảy bọn Ma[42] không thể làm gì được.»

Khi Đại Ca-diếp nói điều này, 32.000 chư thiên phát tâm cầu giác ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Bấy giờ Duy-ma-cật nói với Đại Ca-diếp:

«Thưa Nhân giả, những ai hiện thân là Ma vương trong vô lượng a-tăng-kỳ thế giới khắp mười phương, phần lớn đều là Bồ tát đã trụ giải thoát bất khả tư nghị. Bằng phương tiện lực để nhằm hóa độ chúng sinh nên hiện thân như vậy .

«Lại nữa, Đại Ca-diếp, vô lượng Bồ tát khắp mười phương có khi có người đến xin cho tay, chân, tai, mũi, đầu, mắt, tủy, não, máu, thịt, da, xương, chòm xóm, thành ấp, nàng hầu hay vợ con, nô tỳ, voi, ngựa, xe cộ, vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, hổ phách, chân châu, vỏ sò, quần áo, đồ ăn thức uống; những người đến xin như vậy phần lớn đều là Bồ tát đã trụ giải thoát bất khả tư nghị; dùng phương tiện lực để thử, khiến cho chí nguyện được kiên cố. Vì Bồ tát đã trụ giải thoát bất khả tư nghị có đại uy lực để thúc ép Bồ tát và cho chúng sinh thấy những việc khó làm như vậy.[43] Phàm căn trí thấp kém không có uy lực đó để thúc ép Bồ tát làm như vậy.[44] Cũng như[45] cái đạp[46] của voi chúa không phải là điều mà con lừa có thể kham.[47] Đó chính là cánh cửa dẫn vào phương tiện của trí tuệ của Bồ tát đã trụ giải thoát bất khả tư nghị.»[48]

[1] Bản Hán, La-thập, «Bất tư nghị phẩm đệ lục 不思議品第六 .» Huyền Trang, quyển 3 «Bất tư nghị phẩm đệ lục, 不思議品第六 .»

[2] Giới  界, chỉ 18 giới (Skt. dhātu). VCX: «không cầu giới con mắt (Skt. cakṣur-dhātu), cho đến giới ý thức (Skt. vijñāna-dhātu).»

[3] DMC: nhập  入. Đây chỉ 12 xứ  處 (Skt. āyatana) . VCX: «không cầu xứ con mắt (cakṣur-āyatana) cho đến xứ pháp (Skt. dharmāyatana).»

[4] VCX: «không cầu Dục giới (Skt. kāmāvacara), Sắc giới (Skt. rūpāvacara), Vô sắc giới (Skt. arūpāvacara).»

[5] DMC: trước phật  著佛, trước pháp  著法, trước chúng  著眾. VCX: Phật chấp , Pháp chấp , Tăng chấp  佛執及法僧執. Skt. buddha-grāha, dharma-grāha, saṅgha-grāha.

[6] DMC: kiến khổ, đoạn tập, tận chứng, tu đạo. VCX: tri khổ, đoạn tập, chứng diệt tu đạo.

[7] Vô hý luận  無戲論. Skt. niṣprapañca.

[8] VCX: «pháp được gọi là tịch tĩnh và cận tịch tĩnh. VCS: «Tịch tĩnh, chỉ chân như. Cận tịch tĩnh, chỉ các pháp vô lậu khác.» (Skt. śānta, upaśānta).

[9] VCX: «Pháp vốn không tham nhiễm, lìa tham nhiễm.»

[10] VCX: «Đó là đi tìm sự tham nhiễm chứ không phải đi tìm pháp.»

[11] Hành xứ  行處. VCX: «pháp không phải là cảnh giới» = cảnh giới sở hành. Skt. gocara.

[12] VCX: «Nếu tư duy trên tất cả cảnh giới sở hành, đó là cầu cảnh giới chứ không phải cầu pháp.»

[13] Thủ xả  取捨; VCS: «Thủ, tức nhiếp thủ  攝取. Xả, tức khí xả  棄捨.» Chấp nhận hay loại bỏ. Skt. ādāna-tyāga.

[14] DMC: pháp vô xứ sở 法無處所, pháp không có nơi chốn. VCX: pháp vô nhiếp tàng  法無攝藏, pháp không có sự tích chứa. VCS: «Cái tích chứa (năng nhiếp tàng) là ái. Cái được tích chứa (sở nhiếp tàng) là đối tượng (sở duyên) của ái.» Có lẽ Skt. nirālaya. Cf. Nhiếp Đại thừa luận bản 1 (T31n1594_p0134a18) dẫn Tăng nhất: «Thế gian chúng sinh yêu a-lại-da (ālaya)…» Trong đó (T31n1594_p0133b18) A-lại-da được định nghĩa: «Do tích chứa các pháp…由攝藏諸法 .» Cf. Pali, Saṃyutta, S.i. 136: ālayarāmā kho panāyaṃ pajā ālayaratā ālayasamudditā, «Chúng sinh nay say đắm, thích thú, vui sướng với những gì được tích chứa.» Nghĩa cụ thể của ālaya la «cái nhà, chỗ cư ngụ;» do đó, DMC dịch là xứ sở.

[15] DMC: trước xứ  著處. VCX: lạc nhiếp tàng  樂攝藏. Skt. ālayarāma; xem cht. 14 trên.

[16] VCS: «Nếu tùy theo tướng của pháp mà nhận thức…»

[17] VCX: «Người cầu pháp thì không cùng trụ với pháp. Vì pháp vốn vô sở trụ.» VCS (T38n1782, tr.1078a6) giải thích: «Không cùng với tất cả thế tục trụ pháp.»

[18] VCX: «Nếu cùng trụ với phấp; đó là cầu trụ chứ không phải cầu pháp.»

[19] Kiến văn giác tri  見聞覺知. Skt. dṛṣṭa-śruta-mata-jñāta. VCS (T38n1782_p1078a09): «Đối pháp luận nói, được tiếp nhận bởi mắt là thấy (kiến, dṛṣṭa ); bởi tai là nghe (văn, śruta); bởi tri giác tự nhiên mà biết như vậy như vậy là cảm nhận (giác, mata); nhận thức nội tại là nhận biết (tri, jñāta).»

[20] VCX: «Pháp được gọi là vô vi, lìa hữu vi tính.»

[21] Hán: ưng vô sở cầu 應無所求. Skt. aparyeṣitavya .

[22] VCX: «xa lìa trần cấu, được sự thanh tịnh…» CDM: «Triệu nói, được pháp nhãn tịnh của Đại thừa.» VCS: chứng quả Dự lưu. Cf. Pali, D. i. 110: āsane virajaṃ vītamalaṃ dhammacakkhuṃ udapādi, «ngay trên chỗ đang ngồi, trổi dậy con mắt pháp đã dứt sạch bụi bẩn.»

[23] Tương đương 1012 a-tăng-kỳ  阿僧祇 Skt. asaṅkhyeya: vô số). VCX: vô lượng vô số trăm nghìn câu-chi (Skt. koṭi).

[24] Tu-di tướng  須彌相. VCX: Sơn tràng  山幢.

[25] Tu-di Đăng Vương  須彌燈王 (Sumerudīparājan). VCX: Sơn Đăng Vương  山燈王 (Parvata-dīparājan).

[26] Do-tuần 由旬. CDM: Triệu nói, do-tuần mức chuẩn thượng là 60 dặm; chuẩn trung, 50 dặm; chuẩn thấp nhất, 40 dặm. VCX: Phật cao 84 ức du-thiện-na  踰膳那; toà sư tử của Ngài cao 68 ức du-thiện-na. Bồ tát cao 42 du-thiện-na, với toà sư tử cao 34 du-thiện-na (Skt. yojana= 4 krośa hay khoảng 9 dặm Anh).

[27] VCX: «nhiếp niệm nhập định rồi phát khởi thần thông lực như vậy như vậy.»

[28] DMC: 3 vạn 2 nghìn. VCX: 32 ức = 3.200.000.

[29] 4 vạn 2 nghìn = 42.000. VCX: 4.200.000.

[30] Tân phát ý bồ tát 新發意菩薩. VCX: tân học bồ tát  新學菩薩. Skt. ādikarmika-bodhisattva. VCX: những vị này được Duy-ma-cật giảng pháp yếu, tức thì chứng ngũ thông và tự biến hình được để ngồi lên sư tử toà.

[31] Tức Đại thanh văn . Skt. Mahāśrāvaka.

[32] Tu-di sơn vương  須彌山王. VCX: Diệu cao sơn vương  妙高山王. Skt. Sumeru-parvata-rājan.

[33] Tứ Thiên vương  四天王 và Đao-lị chư thiên  忉利諸天, Skt. Cāturmahārājakāyika & Trayastriṃśā devāḥ. Cf. Câu-xá 11 (Đại 29 tr. 59c14): núi Tu-di phân thành bốn tầng cấp. Tầng thứ tư là chỗ của Tứ đại thiên vương cùng quyến thuộc. Trên chóp đỉnh là chỗ của thiên chúng Tam thập tam thiên. Vì vậy, nếu di chuyển Tu-di, thì các chư thiên này cũng bị di chuyển.

[34] VCX: «Chỉ những ai cần chưng kiến thần thông lực mới có thể khuất phục, những người ấy mới thấy…»

[35] VCX: «Bồ tát an trụ giải thoát bất khả tư nghị như vậy, được dẫn vào bằng năng lực trí tuệ của phương tiện thiện xảo. Cảnh giới giải thoát bất khả tư nghi này không phải là cảnh giới mà các Thanh văn và Bích-chi-phật có thể ước lượng được.»

[36] VCX: «như bàn xoay của thợ gốm xoay rất nhanh.»

[37] VCX: thừa ý thế thông 乘意勢通, nương theo năng lực thần thông được thực hiện bằng thế lực của ý chí. VCS (T38n1782_p1080a16): «Có hai giải thích về ý thế thông. 1. Không phải du hành bằng tự thân, mà bằng thế lực của ý… 2. Sự vận dụng hoạt động của thân tùy theo thế lực của ý, cho nên cực kỳ nhanh chóng, trong một sát na mà đi khắp mười phương….»

[38] VCX: đại phong luân 大風輪.

[39] Kiếp tận  劫盡. thời kỳ thế giới hủy diệt. Skt. kalpakṣaya= saṃvarttayām, kiếp hoại, xem Câu-xá 2 (Đại 29, tr. 11c11).

[40] VCX thêm một đoạn: «hoặc biến các hữu tình hiện thành thân Phạt, thân các Bồ-tát…»

[41] VCX thêm: «Như Vương thái tử đăng quang nhận ngôi vị Quán đỉnh.»

[42] VCX: Ma vương và thuộc hạ của Ma vương.

[43] VCX: «Vì muốn sự lợi ích cho các hữu tình nên thị hiện những sự nghiệp lớn khó làm như vậy.»

[44] VCX: «không thể thực hiện sự ăn xin bằng cách thúc ép người cho như vậy.»

[45] Trước đó, VCX có thêm thí dụ: «Như lửa đom đóm không thể che ánh mặt trời…»

[46] Thứu đạp  蹴蹋. VCX: «như sự chiến đấu uy mãnh của voi chúa…»

[47] VCX thêm: «… chỉ có voi chúa mới có thể chiến đấu với voi chúa. Cũng vậy, phàm phu ở địa vị thấp kém không đủ để bức bách Bồ tát (phải cho). Duy chỉ Bồ tát mới có khả năng bức bách Bồ tát (bố thí).»

[48] VCX thêm kết luận: «Khi pháp này được thuyết giảng, tám nghìn Bồ tát chứng nhập cảnh giới giải thoát bất tư nghị vốn chỉ có được chứng nhập bằng trí lực của phương tiện thiện xảo của Bồ tát.»