Những chuyện nhân quả

Những chuyện nhân quả

Vương Thị Xuân 53

ĐỒNG TỬ BẢO HẢI

 
 
Nô đùa chưởi mắng làm mục đồng,
Nhờ nguyện lực đắc A-la-hán
Lúc đức Như Lai ở thành Xá-vệ, quốc vương Tát-ca cung thỉnh đức Thế Tôn cùng chúng tỳ-kheo tại vườn của thái tử Kì-đà cúng dường ba tháng. Quốc vương cúng dường bằng những thực phẩm thượng hạng, như sữa tươi, sữa chua, đề hồ…, lại còn sai 500 mục đồng làm việc giúp các thầy. Sau khi thời hạn cúng dường ba tháng viên mãn, quốc vương cúng dường đức Như Lai tấm y vi diệu vô giá, lại còn cúng dường chúng tăng nhiều đồ nằm, thuốc men.
Lúc đó, 500 mục đồng không hẹn mà cùng nghĩ: “Nhất định trong đời trước quốc vương đã tu tạo được công đức rất lớn, đời này mới trở thành vị vua có quyền thế, uy vọng, lại có phước báo như vậy, đời này lại tiếp tục cúng dường Đức Phật và chúng tăng, tích chứa gieo trồng tư lương. Mà những người chúng ta, có lẽ đời trước chẳng gieo trồng nghiệp lành gì, cho nên đời này mới trở thành mục đồng, thật ra cũng nên phát tâm cúng dường chúng tăng mới đúng!”
Thế là, các em cùng quyết định góp thức ăn, nước uống để cúng dường lên đức Như Lai và tăng chúng. Sau khi tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng, các em bèn đảnh lễ cung thỉnh đức Như Lai và chúng tăng đến thọ cúng. Đức Như Lai im lặng hoan hỉ nhận lời.
Trước giờ ngọ, đức Như Lai dẫn chúng tăng đến thọ nhận phẩm vật cúng dường, năm trăm mục đồng đem hết tâm thành kính dâng phẩm vật lên cúng dường đức Thế Tôn và chúng tăng. Sau khi cúng dường viên mãn, 500 mục đồng cùng quì xuống cầu pháp với đức Như Lai. Đức Thế Tôn quán sát căn cơ của các em, thuyết giảng những pháp thích hợp, giúp các em dùng trí tuệ kim cang phá tan 20 kiến giải Tát-ca-da,[4] đắc quả Dự lưu.[5]
Năm trăm mục đồng sau khi đắc quả liền phát tâm xuất gia sống đời tỉnh thức. Sau khi được sự đồng ý của quốc vương Tát-ca, các em liền cầu xin đức Thế Tôn:
– Kính bạch đức Như Lai tôn quí! Chúng con muốn được xuất gia thọ giới, sống đời phạm hạnh trong giáo pháp giải thoát của Ngài, khẩn thỉnh Ngài từ bi thương xót chấp nhận.
Đức Như Lai hoan hỉ nhận lời, còn dùng phương tiện gọi “thiện lai tỳ-kheo” làm cho tất cả đều được trọn đủ giới thể.[6] Năm trăm mục đồng ngay tức khắc trở thành tỳ-kheo thanh tịnh, thân đắp cà-sa, tay ôm bình bát, tu trì phạm hạnh. Đức Thế Tôn lại truyền dạy giáo pháp cho họ. Các vị ai cũng tự nỗ lực tinh tấn, chẳng bao lâu phá trừ được phiền não trong Tam giới, chứng đắc quả vị A-la-hán.
Sau khi chứng quả, các vị này dùng thần thông quán sát những chúng sinh đầy đủ nhân duyên có thể điều phục và giáo hóa thì chia nhau đi điều phục và giáo hóa trước. Nhưng trong số đó có một mục đồng nữ, dù đã dùng hết mọi phương tiện mà vẫn không thể làm cho em phát khởi niềm tin thanh tịnh đối với Đức Phật. Không còn cách nào khác, các vị đành tìm cách đưa em đến gặp đức Như Lai.
Em mục đồng nữ vừa nhìn thấy 32 tướng tốt, thân màu vàng ròng của đức Thế Tôn, liền sinh tâm vui mừng khôn xiết, niềm vui này lớn hơn nhiều so với 12 năm thiền duyệt.[7] Em nhìn xung quanh thấy ai cũng có lễ vật cúng dường, mà em chẳng có gì cả, bèn nhìn quanh tìm kiếm, thấy có đóa hoa quả-hạ-đạt-hạp bên đường đẹp quá, em không chần chừ, liền cúi xuống ngắt lấy đóa hoa mang đến cúng dường đức Như Lai, lại còn cung kính lễ bái, cầu xin Ngài ban pháp lành.
Đức Thế Tôn quán xét thấy thọ mạng của em không còn dài, nên liền thuyết giảng giáo pháp thích hợp với em. Sau khi thọ lãnh giáo pháp giải thoát của Phật-đà, mục đồng nữ trở về và không bao lâu sau mắc bệnh qua đời.
Nhờ nhân duyên em từng phát tâm hoan hỉ với đức Như Lai nên sau khi qua đời được sinh lên cõi trời, trở thành một thiên nữ rất xinh đẹp.
Thiên giới có qui định là những người sau khi sinh lên thiên giới đều phải tiến hành ba loại quán sát: Thứ nhất, quán sát đời trước của mình ở trong loài chúng sinh nào? Thứ hai, do nhân duyên như thế nào mà được sinh lên thiên giới? Thứ ba, sau này sẽ chuyển sinh đến nơi nào?
Vị thiên nữ đó quán sát biết được đời trước mình là mục đồng nữ trong loài người, nhờ căn lành hoan hỉ cúng dường hoa quả-hạ-đạt-hạp lên đức Như Lai mà được chuyển sinh làm thiên nữ. Cô ta cảm kích ân đức của Thế Tôn vô vàn, muốn đến bái kiến Ngài ngay lập tức. Do đó, cô liền mặc xiêm y vi diệu, đeo vàng bạc châu báu, cầm hoa sen xanh, hoa sen trắng, hoa mạn-đà-la… từ trên cõi trời hiện đến nơi đức Như Lai đang ngồi.
Cô chắp tay cung kính cúng dường hoa tươi, sau đó thỉnh cầu đức Thế Tôn ban pháp lành. Lần này đức Như Lai cũng tùy theo căn tính của cô mà thuyết giảng pháp lành tương ứng, giúp cô có thể dùng trí tuệ kim cang phá trừ kiến giải tát-ca-da, chứng đắc quả Dự lưu.
Sau đó, cô lại cung kính đảnh lễ đức Thế Tôn, nhiễu quanh về bên phải[8] Ngài ba vòng rồi mới trở về thiên giới.
Lúc đó, có rất nhiều thầy tỳ-kheo vẫn còn đang tọa thiền vì tinh tấn phát nguyện tu trì không ngủ nghỉ. Các thầy thấy ánh sáng chiếu rực giữa đêm khuya thanh vắng như vậy, cho rằng có lẽ Đại Phạm thiên, trời Đế-thích, hoặc Tứ Đại thiên vương đến bái kiến đức Thế Tôn. Sáng hôm sau, các thầy liền thưa hỏi:
– Kính bạch đức Thiện Thệ! Tối hôm qua chúng con nhìn thấy ánh sáng chói rực như ban ngày, có phải Đại Phạm thiên, trời Đế-thích, hoặc Tứ Đại thiên vương đã đến hương thất của thầy?
Đức Như Lai mỉm cười đáp:
– Tất cả đều không phải. Các con còn nhớ mục đồng nữ hoan hỉ cúng dường hoa quả-hạ-đạt-hạp cho ta không?
– Bạch đức Thế Tôn! Chúng con còn nhớ!
– Vị mục đồng nữ đó phát tâm hoan hỉ cúng dường hoa cho ta, sau khi mạng chung được chuyển sinh làm thiên nữ. Vì báo đáp ân đức của ta nên tối qua đặc biệt đến bái kiến Như Lai. Sau khi ta giảng dạy phương pháp giải thoát, cô ấy đã chứng đắc quả thánh, trở về thiên giới rồi.
Các thầy tỳ-kheo liền bạch hỏi đức Như Lai:
– Kính bạch đức Thiện Thệ! Vì nhân duyên gì vị thiên nữ đó đời này sinh ra làm mục đồng bần cùng, sau đó được chuyển sinh làm thiên nữ khả ái? Nguyện đức Như Lai giảng nói nhân duyên trước sau cho chúng con được rõ.
Đức Phật nhìn đại chúng một lượt, ôn tồn nói:
–Đây là do nghiệp lực đời trước và nhân duyên đời này tạo thành. Trong Hiền kiếp này,[9] lúc đức Phật Ca-diếp còn tại thế, tuổi thọ con người là 20.000 tuổi, có một vị tỳ-kheo ni tính tình nóng nảy, thường mắng chửi người khác là “đồ chăn bò” với tâm đầy sân hận. Song, trước khi lâm chung, vị tỳ-kheo ni ấy lại sinh tâm hổ thẹn vô cùng, liền thành tâm phát nguyện:
“Cả đời con tu hành Phạm hạnh thanh tịnh trong giáo pháp của Phật, tuy chẳng thành tựu được gì to lớn, song nguyện khi đức Phật Thích-ca Mâu-ni ra đời con sẽ được sống trong giáo pháp của Ngài, sinh tâm hoan hỉ, chứng đắc thánh quả, và nguyện cho nghiệp ác mắng chửi người sẽ không thành thục.”
Đức Như Lai nói tiếp:
– Tỳ-kheo ni ác khẩu lúc đó chính là mục đồng nữ ngày nay, đây là nguyên do của nghiệp ác đời trước đã thành thục. Còn nhân duyên đời này, cô ta cúng dường Như Lai một đóa hoa quả-hạ-đạt-hạp với tâm hết sức hoan hỉ, nên được chuyển sinh làm thiên nữ, đây là quả báo của nhân duyên nghiệp lành đời này.
Các thầy tỳ-kheo lại thưa thỉnh:
– Kính bạch đức Thế Tôn! Vậy còn 500 người mục đồng kia, nhân duyên gì mà đời này tất cả đều là mục đồng? Lại vì sao sau khi gặp đức Như Lai, tất cả cùng xuất gia chứng quả A-la-hán? Ngưỡng mong đức Thế Tôn giảng nói, chúng con xin ưa muốn nghe!
Đức Như Lai từ bi nhìn khắp đại chúng một lượt rồi nói:
– Cũng trong Hiền kiếp này, khi đức Phật Ca-diếp còn tại thế, lúc đó tuổi thọ con người đến 20.000 tuổi, 500 mục đồng này đều là tỳ-kheo. Thuở ấy, trong khi nô đùa họ thường chửi mắng người khác là “đồ chăn bò”. Sau đó, lúc sắp lâm chung, họ sinh tâm hối hận và cùng phát nguyện:
“Tuy ở trong giáo pháp của đức Ca-diếp Thế Tôn chúng con chẳng thành tựu và có công đức gì to lớn, chỉ mong đem chút ít công đức trì giới thanh tịnh cả đời này, nguyện vào thời đức Phật Thích-ca Mâu-ni, sẽ được sống trong giáo pháp của Ngài và xuất gia tu học, sinh tâm hoan hỉ, chứng đắc quả vị A-la-hán. Cũng mong rằng nghiệp báo của việc ác khẩu mắng chửi sẽ không thành thục.”
Năm trăm thầy tỳ-kheo lúc đó chính là 500 mục đồng ngày nay. Do nghiệp báo nô đùa ác khẩu của họ thành thục, nên đời này phải sinh ra làm mục đồng, lại nhờ nguyện lực phát ra lúc sắp lâm chung cũng thành thục, cho nên đời này có khả năng gặp được đức Như Lai, sinh tâm hoan hỉ, xuất gia sống đời phạm hạnh, chứng đắc quả vị A-la-hán.