CƯƠNG YẾU GIỚI LUẬT
Hòa thượng Thích Thiện Siêu
01 Cương yếu Giới luật (01-17)
01 Thể tánh đồng nhất.
02 Tám hạng Tỳ-kheo.
03 Định cọng giới và Đạo cọng giới.
04 Nguyên nhân Phật chế giới Biệt giải thoát.
05 Mười lợi ích của việc chế giới.
06 Giới thứ nhất: bất dâm.
07 Giới thứ hai: bất đạo.
08 Giới thứ ba: bất sát.
09 Giới thứ tư: bất vọng ngữ.
10 Giới luật.
11 Bốn khoa của giới.
12 Biệt giới, thông giới.
13 Thế Tôn diệt độ.
14 Tân Tỳ-kheo Bạt-nan-đà vui mừng.
15 Kiết tập lần I
16 Tôn giả A-nan chứng A-la-hán.
17 Tôn giả A-nan sám hối.
02 Cương yếu Giới luật (18-45)
18 Tôn giả Kiều-phạm-ba-đề diệt độ.
19 Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên tìm đạo.
20 Truởng trảo Phạm-chí luận chiến.
21 Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-hên xuất gia.
22 Tôn giả Xá-lợi-phất bị vu oan.
23 Tôn giả Mục-kiền-liên bị hại.
24 Kiết tập Kinh và Luật.
25 Tôn giả Ưu-ba-li tụng Luật.
26 Nguyên nhân phân hoá Luật.
27 Năm bộ Luận giải thích Luật.
28 Nội dung Tứ phần luật.
29 Chỉ trì, tác trì.
30 Chuyện xảy ra ở Câu-diệm-di (Kosambiya)
31 Đức Phật ở ẩn trong rừng.
32 Phật dạy pháp Lục hòa ở Kosambiya.
33 Phật cấm dùng thần thông để thubát.
34 Phân tích giới bổn.
35 Giải thích bốn Ba-la-di.
36 Giải thích 13 Tăng tàn.
37 Giải thích 2 Bất định.
38 Giải thích 30 Xả đọa.
39 Giải thích 90 Ba-dật-đề.
40 Giải thích 4 Hối quá pháp.
41 Giải thích 100 Học pháp.
42 Giải thích 7 Diệt tránh.
43 Tánh giới và già giới.
44 Các yếu tố kết thành tội.
45 Sáu trường hợp đặc biệt đối thủ sám tội Tăng tàn.
03 Cương yếu Giới luật (46-50)
46 Sáu trường hợp tâm niệm sám diệt tội Tăng tàn.
47 Sám hối tội Ba-la-di và Tăng tàn.
48 Sám hối tội Thâu-lan-giá.
49. Sám hối tội Ba-dật-đề, Đề-xá-Ni, Đột-kiết-la.
50 Mười tám việc đưa đến phá hòa hợp Tăng: phá kiết-ma Tăng, phá Pháp
luân Tăng
04 Cương yếu Giới luật (51-56)
51 Thế nào là Tăng?
52 Đại giới.
53 Giới trường.
54 Thất diệt tránh.
55 Kiết-ma.
56 Điều kiện của kiết-ma.
05 Cương yếu Giới luật (57-85)
57 Tập Tăng tác.
58 Thứ hậu tác.
59 Kiết-ma phi tướng.
60 Dự dục.
61 Nhận dự dục.
62 Dự dục không thành.
63 Kiết đại giới bên Tăng và bên Ni.
64 Xuất gia thọ giới.
65 Tỳ-Kheo.
66 Đời sống A-la-hán.
67 Hòa thượng.
68 Y chỉ.
69 Nên học và không nên học.
70 A-xà-lê.
71 Nguyên nhân thuyết giới.
72 Bố-tát.
73 Mục đích Bố-tát.
74 Trung gian Bố-tát.
75 Cách thuyết giới.
76 Già thuyết giới.
77 Không đủ tư cách ngăn thuyết giới.
78 Đủ tư cách ngăn thuyết giới.
79 Triển ngày thuyết giới.
80 An cư.
81 Tiền An cư, hậu An cư.
82 Thọ nhật.
83 Tự tứ.
84 Cầu thính.
85 Y đệ ngũ luật sư.
LỜI NÓI ĐẦU
Ba môn vô lậu học Giới Định Tuệ là con đường duy nhất đưa đến Niết bàn an lạc. Muốn đến Niết-bàn an lạc mà không theo con đường này thì chỉ loanh quanh trong vòng luân hồi ba cõi. Nhân Giới sinh Định, nhân Định phát Tuệ– ba môn học liên kết chặt chẽ vào nhau, nhờ vậy mới đủ sức diệt trừ tham ái, đẩy lùi vô minh, mở ra chân trời Giác ngộ. Nhưng Giới học mênh mông, Định học mêng mông, Tuệ học mênh mông; nếu không nắm được “Cương yếu” thì khó bề hiểu biết chu đáo, đúng đắn. Không hiểu biết đúng đắn thì không sinh tâm tịnh tín; không có tâm tịnh tín thì sẽ không có tịnh hạnh, như vậy, con đường giải thoát bị bế tắc. Như một người học hoài mà vẫn không hiểu, tu hoàí mà vẫn không cảm nhận được chút lợi ích an lạc nào.
Để tạo thêm sự dễ dàng cho việc hiểu và hành trì Giới học, ngay sau Giới đàn năm 1994 tại chùa Báo Quốc – Huế viên mãn, tôi giảng cương yếu Giới luật cho Tăng, Ni, nhất là nhũng vị tân thọ giới tại Giảng đường chùa Từ Đàm trong 7 hôm. Lời giảng này được ghi chép và sửa chữa, bổ sung thêm các bài liên quan Giới luật mà tôi đã giảng các lần khác, chung lại thành tập “Cương yếu Giới luật” này mà hôm nay có đủ duyên để gởi đến quý vị độc giả. Hy vọng nó sẽ giúp ích được phần nào trong việc thực hành Giới học của những vị hảo tâm xuất gia.
Phật lịch 2540,
Chùa Từ Đàm
Mùa An cư năm Bính Tý – 1996.
HT. Thích Thiện Siêu
CƯƠNG YẾU GIỚI LUẬT
Hòa thượng Thích Thiện Siêu
01. Thể tánh đồng nhất.
02. Tám hạng Tỳ-kheo.
03. Định cọng giới và Đạo cọng giới.
04. Nguyên nhân Phật chế giới Biệt giải thoát.
05. Mười lợi ích của việc chế giới.
06. Giới thứ nhất: bất dâm.
07. Giới thứ hai: bất đạo.
08. Giới thứ ba: bất sát.
09. Giới thứ tư: bất vọng ngữ.
10. Giới luật.
11. Bốn khoa của giới.
12. Biệt giới, thông giới.
13. Thế Tôn diệt độ.
14. Tân Tỳ-kheo Bạt-nan-đà vui mừng.
15. Kiết tập lần I
16. Tôn giả A-nan chứng A-la-hán.
17. Tôn giả A-nan sám hối.
1. Thể tánh đồng nhất.
Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni dầu tân dầu cựu về mặt giới luật, thể tánh đồng nhất.
2. Tám hạng Tỳ kheo.
1. Danh tự Tỳ-kheo: Là tên do thế gian gọi, chứ không phải Tỳ-kheo, vì không thọ giới Cụ túc.
2. Tương tợ Tỳ-kheo: Là cạo bỏ râu tóc mà không thọ giới. Giả bộ hình tướng xuất gia nhưng thực chỉ là cư sĩ trọc đầu.
3. Tự xưng Tỳ-kheo: Là cạo bỏ râu tóc rồi mặc áo ca-sa trà trộn trong hàng ngũ xuất gia, tự xưng Thích tử. Trong Phật giáo gọi là tặc trụ. Hạng này cần phải đuổi ra khỏi ngôi nhà Phật pháp và không cho thọ giới.
4. Khất thực Tỳ-kheo: Cũng mặc áo ca-sa khất thực, lạm xưng Thích tử, nhưng kỳ thực là ngoại đạo hay cư sĩ, không có giới luật.
5. Thiện lai Tỳ kheo: Là khi Phật còn tại thế, bậc lợi căn đến xin xuất gia. Phật gọi “Thiện lai Tỳ-kheo” tiến tu phạm hạnh để diệt khổ, tức thời râu tóc được phép tự rụng, y ca-sa dính vào mình đúng Luật, trở thành Tỳ-kheo.
6. Trước ca-sa Tỳ-kheo: Là 3 y của Tỳ-kheo cắt dọc từng miếng may lại và nhuộm màu hoại sắc mà mặc, như ngoại đạo người thế tục cũng xưng là Tỳ-kheo, kỳ thực không phải Tỳ-kheo.
7. Phá kiết sử Tỳ kheo: Tất cả phiền não ràng buộc, làm cho chúng sinh phải trôi lăn trong 3 cõi. Nếu xuất gia có thể đoạn trừ được phiền não ấy thì chứng quả A-la-hán, liền đặng Cụ túc giới.
8. Bạch tứ kiết-ma Tỳ-kheo: Nếu có người muốn xuất gia, họ đối trước chúng Tăng ba phen cầu khẩn. Chúng Tăng mới một lần bạch, 3 lần kiết-ma truyền giới Cụ túc, gọi là bạch tứ kiết-ma. Một lần thưa, ba lần hỏi (biểu quyết).
Trong 8 hạng Tỳ-kheo nói trên, trừ Thiện lai Tỳ-kheo, là chúng Tỳ-kheo chỉ có trong khi đức Phật còn tại thế. Trong những năm đầu khi chưa chế giới, những thiện nam nào đến với Ngài và xin phál tâm xuất gia thì gọi là Thiện lai Tỳ-kheo. Ngay khi Ngài gọi “Thiện lai Tỳ- kheo” thì mặc nhiên giới thể được đầy đủ. Trong kinh còn nói rõ thêm là: Y pháp cụ túc, tu phát tự lạc là y phục được đầy đủ, râu tóc tự rụng. Tự rụng ở đây không phải là nó tự rụng liền đâu, nhưng nó được phép cắt, cạo đúng Luật. Cụm từ “Thiện lai Tỳ-kheo” chỉ có trong thời đức Phật chưa chế giới và cũng chỉ có Phật mới dùng tiếng “Thiện lai Tỳ-kheo” mà thôi. Còn sau khi đức Phật chế giới rồi thì chỉ có thọ giới trong giới đàn và phải bạch tứ kiết ma mới thành Tỳ-kheo.
Bây giờ còn lại 7 hạng Tỳ-kheo. Trong 7 hạng Tỳ-kheo đó, tùy hành giả tự chọn. Nếu chọn hạng Danh tự Tỳ-kheo thì chỉ có cái tên suông. Nếu chọn hạng Tương tợ Tỳ-kheo thì cũng na ná như Danh tự Tỳ-kheo. Tóm lại, ai muốn chọn loại nào thì tùy ý. Nhưng ở đây, tôi chỉ nhấn mạnh, hạng Tỳ-kheo đoạn trừ kiết sử, tức Kiến đế Tỳ-kheo. Bậc Tỳ-kheo này do tu hành đoạn trừ phiền não kiết sử mà trở thành Tỳ-kheo. Đây là một trường hợp đặc biệt. Nếu người nào tu hành đoạn trừ được kiết sử thì họ cũng gọi là Kiến đế Tỳ-kheo. Nhưng chính thức nhất là nói hạng bạch tứ kiết-ma Tỳ-kheo.
Khi đã trở thành Tỳ-kheo thì phải biết pháp của Tỳ-kheo. Nếu không biết pháp Tỳ-kheo thì chỉ có danh mà không có thực. Nhưng pháp Tỳ-kheo nhiều lắm. Theo Luật tạng, giữ cho đúng thì thật khó vô cùng. Nếu chúng ta để suốt cả đời mà học Luật thì chưa chắc đã hiểu hết cái ngóc ngách, tỉ mỉ của nó. Sở dĩ có nhiều ngóc ngách cũng chỉ để trừ tâm bệnh của chúng sinh. Cái nghiệp của chúng sinh nó ngóc ngách như vậy nên Phật phải chế giới tỉ mỉ để trừ nó. Thí dụ, ngồi trong chúng đánh hắng to tiếng, Phật cũng chế giới. Cuộc sống của người đệ tử xảy ra lắm chuyện cho nên Phật cũng chế luật tương ứng. Vì vậy, học cho hết luật cũng không dễ. Tuy vậy, mặc dầu chúng ta không thể nói nước biển quá lớn không thể uống hết nên không uống. Phật dạy, nước trong bốn biển là nhiều nhưng cùng một vị mặn. Luật của Phật cũng thế, dù đa dạng nhưng chúng ta không thể không học. Học một phần trong 250 giới cũng biết được mùi vị an lạc của nó, đó là mùi vị giải thoát.
Muốn nếm được mùi vị giải thoát của giới luật, nên nay tôi xin nói tóm tắt về giới luật.
3. Định cọng giới và Đạo cọng giới.
Ngoài Biệt giải thoát giới có Định cọng giới và Đạo cọng giới. Như ngày xưa có một Thiền sư làm một cái cốc tu ở trên núi. Có một bà thí chủ phát tâm ủng hộ bằng cách, hằng ngày sai cô con gái đem cơm lên cúng cho Sư suốt 3 năm. Trong thởi gian ấy, mọi sự đều tốt đẹp. Mỗi lần đem cơm cúng dường trở về, bà đều hỏi con về sự tu hành của Sư. Người con gái trả lời vị Sư này tu hành tinh nghiêm, bà mẹ nghe cũng thích. Tới năm thứ 3, bà bảo con: “Này con, bữa nay phải thử lòng tu của Sư, coi có thực tu hay không. Con đem cơm lên dâng cho Sư, thọ thực xong, con giả bộ ôm Sư coi Sư phản ứng ra sao?”. Người con gái làm theo lời mẹ dặn, ôm Sư, Sư trả lời: “Khô mộc hàn nham, tam niên vô lãnh noãn”, nghĩa là: “Cây khô trên núi ba năm không biết lạnh nóng”.
Khi về nhà, bà mẹ hỏi con, người con gái thuật lại cho bà nghe lời Sư thốt ra. Bà nghe xong đùng đùng nổi giận. Tức quá, bà lên châm lửa đốt cốc của Sư. Vừa đốt vừa dẫm chân kêu lên: “Té ra 3 năm này uổng công phí của để cung cấp cho một cái cây khô. Thật là uổng công, uổng của quá trời?”. Vị Sư thấy thế lấy làm xấu hổ, bèn đi tìm nơi khác. Chí nguyện tu hành của Sư vững vàng, nên Sư đã tìm chỗ khác để tu. Khi nghe Sư làm cốc tu lại, bà cũng phát tâm ủng hộ và Sư cũng bỏ qua chuyện cũ. Người con gái cũng hàng ngày cơm nước cúng cho Sư. Bà hỏi con về cách tu hành và hành động của Sư, người con trả lời cũng không thấy có gì cả. Sau ba năm, bà biểu con
cũng làm y như trước, coi Sư phản ứng thế nào.
Một hôm, người con gái lên cốc cúng dường xong và ôm Sư hôn. Sư nói với cô rằng: “Ta biết, ngươi biết, Phật biết nhưng đừng cho bà ấy biết”. Người con về thuật lại cho mẹ nghe. Bà mừng quá và nói: “Có thế chứ!”. Khi ấy bà khăn áo tề chỉnh, lên cốc xin sám hối với Sư và xin ủng hộ tiếp. Đó chính là giới. Vì sao? Vì đó là Định cọng giới. Vị sư ấy không thọ giới trong giới đàn bạch tứ kiết-ma, nhưng do định lực mà nhiếp tâm giới hết sức nghiêm túc không đi Bố-tát nhưng giữ đầy đủ giới luật. Cho nên chúng ta học luật là để giữ giới, và cũng đừng nghĩ rằng, chỉ có những người đi Bố-tát mới là người giữ luật, còn những người tu thiền, không đi Bố-tát là không giữ giới.
Chính những người nhờ tu thiền, họ giữ giới và trì giới hơn ai hết, đó là Định cọng giới. Định cọng giới là nhiếp cả tam nghiệp vào định. Khi đã nhiếp ba nghiệp rồi thì có cái nghiệp nào dư mà đi làm bậy đâu! Thân, khẩu, ý nhiếp vào trong định thì định ấy là thân, khẩu, ý, ngoài ra không có cái thân, khẩu, ý thứ hai để mà đi làm chuyện sai quấy. Cho nên trong luật nói về giới, thì đó là Định cọng giới. Nên ngày nào tu thiền định thì ngày đó có giới. Tâm được tu ngày nào thì ngày đó có định, nếu tâm không tu mà loạn tưởng thì không có giới.
Có vị Tổ sư ngày xưa cũng đã có bài kệ phản ánh cho tâm định như sau:
Tịch tịch tinh tinh thị,
Vô tình tịch tịch phi,
Tinh tinh tịch tịch thị,
Vọng tưởng tinh tinh phi.
Nghĩa là:
Tịch tịch tinh tinh thị: là yên lặng trong sự thức tỉnh, thì đúng.
Vô tình tịch tịch phi: là vô tình mà yên lặng, là sai.
Tinh tinh tịch tịch thị: là thức tỉnh trong yên lặng mới đúng
Vọng tưởng tinh tinh phi: là thức tỉnh trong vọng tưởng, là sai.
Câu chuyện của bà già cho con gái ôm Sư, ba năm đầu mà Sư đáp: “Ta như gốc cây khô dựa vào tảng đá lạnh, qua 3 mùa đông không biết lạnh nóng”, nên bà giận. Ba năm sau, cô con gái cũng ôm Sư, Sư nói: “Phật biết, ngươi biết, ta biết nhưng đừng cho bà ấy biết”, bà mừng rỡ. Vị sư lúc đầu tu để thành “như gốc cây khô” đó là vô tình mà vắng lặng, nên sai. Ba năm sau, “Phật biết, ta biết, ngươi biết” là ý nói vắng lặng mà sáng suốt, là đúng. Nên bà già mừng rỡ.
Khi đức Phật chưa chế giới, các vị đệ tử tại gia và xuất gia nghe đức Phật thuyết pháp rồi thì tâm họ được viễn trần, li cấu (xa lìa trần cấu mà được con mắt pháp thanh tịnh). Pháp nhãn là con mắt pháp–con mắt ấy thấy pháp Tứ đế. Cũng cần nói thêm là, con mắt hôm trước đục mờ, không thấy pháp Tứ đế–khổ, tập, diệt, đạo–con mắt ấy chưa thanh tịnh. Bây giờ con mắt ấy đã thấy rõ pháp Tứ đế rồi, cho nên pháp nhãn thanh tịnh, chứng được quả
vị Tu-đà-hoàn. Chính đó là giới, mặc dầu họ không trải qua 3 lần kiết-ma thọ giới. Giới của các vị đó là Đạo cọng giới.
Vậy đạo cọng giới là gì? Chính là nhờ hiểu được lý Tứ đế mà phát sinh các tâm vô lậu nên không còn làm chuyện sai quấy. Những ai được tâm vô lậu, chính họ không nói mình tu giới, mà họ chỉ quán pháp Tứ đế, quán vô thường, vô ngã… và chính trong khi quán, họ ngộ được đạo, không làm những chuyện sai quấy nên họ cũng được gọi là người giữ giới tinh nghiêm, nên gọi là Đạo cọng giới.
Đức Phật Thích-ca thành đạo, 12 năm đầu, các hàng đệ tử của Phật chỉ theo pháp mà tu hành, trong đó tu thiền định là chính, tu trí tuệ là thứ. Đạo cọng giới thuộc về trí tuệ; Định cọng giới thuộc về thiền định. Tu hai pháp ấy mà vẫn ngăn được tội ác để thành tựu được giới. 12 năm đầu Ngài chưa chế giới, như trong luật đã nói đức Thích-ca có một bài kệ, là:
Thiện hộ ư khẩu ngôn,
Tự tịnh kỳ chí ý,
Thân mạc tác chư ác,
Thử tam nghiệp đạo tịnh,
Năng đắc như thị hành,
Thị đại tiên nhân đạo.
Nghĩa là khéo léo mà giữ miệng lưỡi lời tiếng, tự mình làm sạch tâm trí của mình và thân thể nữa cũng đừng làm ác, đó là đường sạch của ba nghiệp; khả năng đạt được đường sạch như vậy, chính là đường đi của bậc đại tiên. Hay nói một cách ngắn gọn là: Khéo giữ gìn thân, miệng, ý; đừng nghĩ bậy, đừng nói bậy, đừng làm bậy. Đó là giới kinh của đức Thế Tôn.
4. Nguyên nhân Phật chế giới Biệt giải thoát.
Từ đó về sau mới phân biệt nói rộng ra là vì có một lần, Tôn giả Xá-lợi-phất thưa Phật: “Bạch đức Thế Tôn, làm sao để Chánh pháp của đức Như Lai, sau khi Như Lai diệt độ rồi, Chánh pháp ấy vẫn được tồn tại lâu dài?” Thế Tôn dạy: “Đức Phật nào mà có nói Giới, nói Pháp thì chúng đệ tử nhờ đó để tu hành, làm cho Chánh pháp được cửu trú sau khi Như Lai diệt độ”. Khi ấy Tôn giả Xá-lợi-phất thưa với Ngài rằng: “Bạch Thế Tôn, tại sao con không thấy Thế Tôn chế giới mà chỉ nói pháp?”. Ngài dạy: “Này Tôn giả, Ta biết thời phải làm gì, nay chưa tới thời nên Ta chưa chế giới. Khi nào trong Tăng chúng có việc vì danh lợi, vì hữu lậu xảy ra thì Như Lai mới chế giới”. Vì thế, 12 năm đầu chưa xảy ra chuyện gì cấu uế nên Ngài chưa chế giới.
5. Mười lợi ích của việc chế giới.
1. Nhiếp thủ ư Tăng: vì kiện toàn Tăng-già thành chúng thanh tịnh.
2. Linh Tăng hoan hỉ: Vì tu hành phạm hạnh nên thiện tâm Tăng trưởng khiến được hoan hỉ đối với nhau.
3. Linh Tăng an lạc: vì hoan hỉ được an lạc nơi thiền định, trong tự tâm.
4. Linh vị tín giả tín: khiến người chưa có lòng tin Tam Bảo, thấy chư Tăng tu hành phạm hạnh mà sinh lòng tin.
5. Dĩ tín giả linh Tăng trưởng: đối với người đã tin rồi khiến lòng tin của họ Tăng trưởng.
6. Nan điều giả linh điều thuận: người khó điều phục khiến họ được điều thuận.
7. Tàm quí giả đắc an lạc: khiến người biết hỗ thẹn được an vui.
8. Đoạn hiện tại hữu lậu: vì đoạn diệt phiền não ở hiện tại.
9. Đoạn vị lai hữu lậu: vì đoạn diệt hết phiền não ở vị lai.
10. Linh chánh pháp cửu trú : vì tu phạm hạnh mà chánh pháp được tồn tại lâu dài.
Trong luật Tỳ-kheo của Nam tông cũng y như vậy:
1. Samaghasutthutàya: vì kiện toàn của Tăng-già.
2. Samghaphà sutàya: vì an trụ của Tăng-già.
3. Dummankuman puggalànam niggahàya: vì ức chế kẻ khác.
4. Pesalànam bikkùnam phàsuvihàya: vì an trú của thiện Tỳ-kheo.
5. Dittha dhammikanam asavanam samvaràya: vì đoạn phiền não hiện thế.
6. Samparàyikanam àsavanam patighàtàya: vì đoạn diệt phiền não ở vị lai.
7. Appasannànam pasàdaya: vì khiến chưa tin sinh tin.
8. Passannànam bhiyyobhàvàya: vì người đã tin, lòng tin thêm kiên cố.
9. Saddhammatthiliyà: vì Chánh pháp cửu trú.
10 Vinayà nuggahàya: vì yêu chuộng, kính trọng Luật.
Đó là 10 điều ích lợi cho việc chế giới. Mỗi khi xảy ra một việc, Ngài chế một giới và kèm theo 10 lợi ích của nó. Đó là lý do chế giới. Mười điều này trong Luật gọi là 10 cú nghĩa.
6. Giới thứ nhất: bất dâm.
Đến năm thứ 13 đức Phật mới chế giới. Chuyện chế giới là do Tôn giả Na-đề-tử. Tôn giả là một người giàu có, sau đó từ bỏ gia đình xin theo Phật xuất gia. Trong thời gian sau, vì mất mùa, dân tình đói kém, chúng Tỳ-kheo
phải phân chia nhau đi các vùng chung quanh để khất thực. Tôn giả Na-đề cùng với một số Tỳ-kheo đi đến vùng Tôn giả ở để khất thực. Khi đến, Tôn giả liền về quê và vào nhà khất thực. Bà mẹ thấy Tôn giả trở về, mừng rỡ, níu kéo, khóc lóc, van xin Tôn giả đừng đi xuất gia nữa. Nhưng Tôn giả không chịu. Bà mẹ khuyên lơn nhiều lần nhưng Tôn giả cứ khăng khăng từ chối. Cuối cùng bà nói với Tôn giả: “Con ơi, nhà ta giàu có, con đi tu rồi không ai nối nghiệp gia đình để lo hương khói cho tổ tông ông bà. Mẹ cũng đã già rồi, không có ai tâm sự hôm sớm. Thôi thì con có đi thì đi, nhưng hãy để lại cho mẹ một đứa cháu rồi hãy đi”. Thương mẹ nên Tôn giả đành chìu mẹ, và nghĩ: “cùng với vợ cũ ân ái một chút có sao đâu!”. Thế là bà dắt con dâu tới cho Tôn giả và Tôn giả cũng thấy không có gì rắc rối cả. Tôn giả nghĩ: đi tu thì cứ đi, miễn là để cho bà một chút cháu nội cho bà yên lòng là được. Xong chuyện là Tôn giả ra đi, thậm chí sau đó sinh con Tôn giả cũng chả hay. Từ khi xảy ra chuyện giữa Tôn giả và vợ cũ rồi, một thời gian sau thấy các vị Tỳ-kheo khác không có chuyện ân ái, sao mình lại để cho chuyện vợ cũ ràng buộc? Tôn giả bức rức trong lòng và tỏ ra khó chịu, ân hận. Các vị Tỳ-kheo hỏi: “tại sao thời gian đầu hiền giả hoan hỉ, sắc diện tươi tốt mà nay thấy ủ rũ quá vậy?”. Tôn giả đem chuyện đó kể cho các vị Tỳ-kheo hay.
Các vị Tỳ-kheo đem chuyện của Tôn giả bạch lên đức Thế Tôn. Thế Tôn kêu lên quở trách.
Bắt đầu từ đó Phật mới chế giới thứ nhất là hàng xuấl gia thì không được dâm dục. Và trước khi chế giới, Ngài nó rõ mười công đức lớn của việc chế giới.
7. Giới thứ hai: bất đạo.
Nguyên do là có một vị Tỳ-kheo Đàn-ni-ca, nguyên là con thợ gốm, làm cái chòi bằng tranh trên núi để ở. Những người đi lượm củi, họ thấy chòi vắng nên họ đến dỡ đi và lấy củi tranh về nấu cơm. Khi về thấy chòi bị dỡ, Tôn giả bèn nghĩ là nên làm bằng vật liệu chắc chắn hơn. Suy nghĩ như vậy, Tôn giả liền làm chòi kiên cố bằng đất nung đỏ chói. Đức Phật trông thấy hỏi, các Tỳ-kheo khác bạch cho Ngài hay. Ngài liền sai người kêu vị Tỳ-kheo ấy lại và hỏi có việc thầy làm chòi kiên cố trên phải không? Vị Tỳ-kheo ấy xác nhận. Đức Phật bảo thầy nên dỡ bỏ đi, nhưng Tôn giả trù trừ không muốn dỡ bỏ. Đức Phật sai các Tỳ-kheo đến dỡ bõ căn chòi đó. Tôn giả không phản ứng gì nhưng lại có ý làm cái cốc khác. Tôn giả bèn đến nhà người giữ cây cho vua và nói rằng: Này anh kiểm lâm, vua Bình Sa có hứa cho tôi dùng cây này để lôi làm cốc tu. Anh kiểm lâm nói: nếu đã có lệnh vua thì thầy cứ lấy Thế là Tôn giả vác rìu đến đốn cây và xả lung tung. Cây bị đốn ngã nghiên thành từng khoảnh. Hôm sau có quan triều đình đi kiểm tra thấy cây cối chặt bỏ lung tung, kêu anh kiểm lâm đến hỏi duyên cớ, anh kiểm lâm bèn thuật lại đầu đuôi câu chuyện. Quan triều đình cho mời Tôn giả lên và hỏi về tội đốn cây quý của nhà vua mà không được phép của quan triều đình. Tôn giả bèn trả lời rằng: Trước khi lên ngôi vua, nhà vua có nói rằng, những gì có trong nước chúng tôi, các vị xuất gia tu hành biết thiểu dục tri túc nếu có cần dùng thì cứ lấy dùng. Vua có tuyên bố như vậy nên tôi mới lấy dùng. Quan triều đình nói rằng: Vua chúng tôi có nói vậy thật, nhưng mà những vật không có chủ giữ kia, còn những đồ vật có chủ, thì vua chúng tôi không cho phép. Câu chuyện rắc rối được các Tỳ-kheo về bạch Phật. Phật mới chế giới “bất dữ nhi thủ”, (người ta không cho thì không lấy). Khi ấy Thế Tôn quay qua hỏi một vị Tỳ-kheo, trước khi xuất gia, nguyên là quan triều đình rành pháp luật của vua, theo luật vua, lấy đến ngang nào thì bị tội và ngang nào thì không bị tội? Tôn giả đáp: Theo con biết, thì như luật pháp trong nước này, nếu lấy độ năm tiền thì bị tử hình, còn nếu dưới thì tùy đó xét xử dưới mức tù tội. Từ đó Phật chế giới: nếu ăn cắp, lấy trộm của người khác 5 tiền thì bị trọng tội.
8. Giới thứ ba: bất sát.
Phật dạy các Tỳ-kheo tu phép quán bất tịnh để dứt lòng ái dục. Một số Tỳ-kheo ở tại vườn bên sông Bà Cừu chuyên tu theo phép quán bất tịnh. Khi quán thân bất tịnh, thấy thân thể của mình hôi hám chịu không nổi, là một ổ vi trùng sống nhung nhúc lại càng nhàm chán hơn, cho nên muốn hủy diệt thân, mới nói: ai giúp cho tôi giải thoát thân này thì được phước lớn. Tỳ-kheo Vật-lực già-nan-đề nghe nói vậy liền cầm dao sát giúp. Khi sát xong rồi, ông ta liền cầm dao xuống sông rửa. Khi rửa dao, thấy bóng mình phản chiếu dưới nước dữ tợn quá nên ông ta đâm ra ân hận nghĩ rằng: mấy vị Tỳ-kheo kia có tội tình gì mà mình ra tay tàn sát các ông, mặc dầu có lời yêu cầu. Lúc ấy Ma vương biết ý liền hiện lên đứng trên nước và ca ngợi rằng: “Ồ Hiền giả, lành thay, Hiền giả đã làm cho người chưa độ được độ; Hiền giả đã làm một việc đại phước đức, đó là một công đức lớn. Hiền giả hãy ra tay cứu độ cho những ai muốn giải thoát thân ngũ uẩn hôi hám này, công đức thật vô lượng”. Nghe vậy ông yên tâm, xách dao về và hô to: “Hỡi các Hiền hữu, ai muốn lìa thân ngũ uẩn để giải thoát, muốn độ thoát sinh tử, đến đây tôi độ cho”. Thế là ông phơ luôn một số nữa!
Thường lệ, sau mùa An cư, các vị Tỳ-kheo kéo nhau về vấn an sức khỏe đức Thế Tôn, như con về thăm cha sau 3 tháng xa nhà. Khi về hầu Phật, bao giờ Phật cũng niềm nở đón tiếp đệ tử và Ngài hỏi An cư có an lạc không, có hòa hợp không, đi đường có trở ngại gì không… như cha thân mật hỏi con.
Nhưng mùa An cư này, Ngài thấy đệ tử các nơi về thưa thớt quá. Ngài đợi mãi đợi hoài không thấy họ trở về. Phật sai các vị Tỳ-kheo đi thăm dò nghe ngóng coi họ có bị gì không? Các vị Tỳ-kheo đi ra khỏi tinh xá, thì ở ngoài đường, thiên hạ đồn ầm cả lên rằng: “Không biết mấy ông thầy tu theo pháp môn nào mà giết nhau nằm la liệt cả khu rừng, hôi thối không ai chịu nổi”. Các vị nghe nói liền đến nơi xem thì thấy có chuyện như vậy. Các Tỳ-kheo về bạch Phật. Phật bảo, Ta dạy chánh pháp, họ hành tà pháp. Từ đó Ngài khuyên các vị Tỳ-kheo đổi pháp quán bất tịnh ra quán sổ tức để dẹp trừ phiền não, chứ không nên quán bất tịnh đâm ra bi quan mà hủy hoại thân mình như các Tỳ-kheo kia đã làm. Từ đó Ngài chế ra giới bất sát.
Tóm lại, học Phật pháp, hành Phật pháp, nếu làm không đúng, hiểu không đúng cũng dễ đưa đến kết quả tai hại.
Trái lại, không hiểu Phật pháp, không áp dụng Phật pháp vào cho bản thân và xã hội, cũng là một thiệt thòi lớn. Ví như người bắt rắn trong kinh Xà Dụ có kể: “Một người bắt rắn mà không biết cách bắl nó, cứ cố bắt đằng đuôi, hay giữa thân rắn, nó có thể quay đầu lại cắn và có thể gây tử vong. Muốn bắt rắn, cần phải lấy cái nạng đôi đè đầu cho cứng là rắn chịu phép, mặc cho đuôi quẫy sao đó thì quẫy, không ảnh hưởng gì. Cũng vậy, tu học Phật pháp cũng phải biết phương pháp, như cách bắt rắn vậy”. Hoặc như trong kinh Bách Dụ kể chuyện “Ăn trộm áo vua”. Có một anh chàng nghèo ăn trộm áo vua. Triều đình cho quan quân đi lùng sục khắp nơi và bắt được nó. Nó kêu oan và nói là áo của tổ tiên để lại. Quan nói nếu áo của tổ tiên anh để lại thì anh mặc vào xem. Áo vua quá rộng nên nó không biết mặc. Thấy tay áo rộng như ống quần, nó liền đưa chân vào hai tay áo. Mặc hoài không xong nên lòi ra nói láo. Quan hỏi, áo tổ tiên sao anh không biết cách mặc? Như vậy, nếu không biết sử dụng thì dầu có áo vua đi nữa cũng mang họa vào thân mà thôi. Pháp và Luật của Phật có vi diệu đến đâu, nếu không biết tu tập và hành trì đúng thì cũng chả có ích lợi gì!
9. Giới thứ tư: bất vọng ngữ.
Tại sao Phật chế giới này? Trong thời đức Phật, Ấn Độ chưa phải là nước đã đầy đủ luơng thực cho dân chúng hết đâu. Gặp lúc mất mùa hạn hán, chư Tăng khất thực khó khăn nên đành phải phân tán nhỏ để khất thực. Tại một thôn nọ, có một nhóm Tỳ-kheo, bàn bạc và tìm cách đánh lừa tín chủ bằng cách, một người nói mình đã chứng A-la-hán, được thượng nhân pháp, thần thông tự tại, còn người kia phụ họa vào nói đó là việc tôi đã
biết ông ta có thần thông… nếu cúng dường cho ông thì được phước vô lượng. Thế là họ ca ngợi nhau, nên bổn đạo thi nhau cúng dường. Một mùa hạ trôi qua được no đủ.
Sau mùa An cư, đệ tử lần lượt về hầu Phật, ai cũng xanh xao, duy có nhóm mấy thầy Tỳ-kheo thôn nọ, khi về hầu Phật thì béo tốt, Phật hỏi: Các thầy An cư có an lạc không?. Họ trả lời an lạc. Còn khất thực ra sao? Họ trả lời khất thực dễ lắm. Ngài ngạc nhiên hỏi: tại sao Thế Tôn thấy mấy thầy đến trước về thăm Ta, Ta hỏi khất thực thì họ trả lời khó lắm, nhưng vẫn giữ thiểu dục tri túc, còn các thầy sao lại khất thực dễ quá vậy? Thế là họ đành phải thú nhận sự nói dối của mình. Thế Tôn quở trách nhóm đệ tử nọ và Ngài chế ra giới này. Cấm các hàng Tỳ-kheo đệ tử của Như Lai đại vọng ngữ; chưa chứng nói chứng, chưa thấy nói thấy pháp.
Cứ như thế, hễ xảy ra mộl chuyện, Phật chế ra một giới và Ngài đã chế ra 250 giới cho Tỳ-kheo, 350 giới cho Tỳ-kheo-ni, kết thành bộ Luật gọi là Luật tạng. Những giới của Phật chế ra cũng gọi là Biệt giải thoát giới hay Ba-la-đề-mộc-xoa. Vì sao gọi là Biệt giải thoát? Vì ai thọ giới nào thì có sự giải thoát của giới đó, có sự lợi ích của việc thọ giới ấy. Thí dụ, cư sĩ tại gia thọ 5 giới thì sẽ đem lại lợi ích của 5 giới do mình thọ. Mười giới có lợi ích của mười giới, 250 giới có lợi ích của 250 giới, nên gọi là Biệt giải thoát.
Khác với định cọng giới, đạo cọng giới tức là biệt biệt giải thoát giới, tức là giới Ba-la-đề-mộc-xoa. Chính Ba-la-đề-mộc-xoa kết lại thành một bộ Luật, gọi là tạng Luật.
10. Giới luật.
Chữ giới luật thường thường được dành cho hàng xuất gia và tại gia đệ tử của đức Phật thọ trì để đem đến an lạc cho bản thân và cho xã hội, công đức của nó vô lượng. Vậy nghĩa của nó là gì?
Chữ Luật có 4 tên gọi:
1. Tỳ-Ni (tức Tỳ-nại-da – Vinaya), dịch là Luật hay điều phục. Điều phục những sự sai trái nơi thân, khẩu, ý. Nó cũng có nghĩa là diệt (tức phiền não). Diệt có nghĩa là nhờ giới này mà chứng được diệt đế, diệt quả.
2. Mộc-xoa, tức Ba-la-đề-mộc-xoa (Pràti-moksa), dịch là Biệt giải thoát.
3. Thi-la (Sìla), dịch là Giới.
4. Upalaksa, dịch là Luật.
Thường thường ta hiểu giới là luật, luật là giới. Nhưng tại sao một chữ mà nói ra hai như thế? Nếu giới là luật, luật là giới, sao không gọi là Giới tạng mà lại gọi là Luật tạng? Vì giới chưa hẳn có luật mà luật thì phải có giới. Giới luật y như là một thang thuốc là vì giới là dược tánh, luật là phương thang. Bất sát như là thục địa, bất đạo là kiết cánh, bất dâm là đổ trọng… mỗi giới như là một vị thuốc. Dược tính có tính cách đắng, màu của nó đen, có mùi thơm, có tính cách dàn hòa, có tính công phá và bồi bổ từng bệnh riêng, đó là dược tính của nó. Trong đạo, đó chính là giới, còn luật là phương thang. Chính luật tạo ra từng phương thang một, có thang ngũ vị để dành cho cư sĩ uống (năm giới), có thang bát vị để cư sĩ tu thêm (Bát quan trai giới), có thang thập vị để mấy vị Sa-di dùng (mười giới dành cho Sa-di),
có thang 250 vị để cho mấy vị Tỳ-kheo dùng (250 giới của Tỳ-kheo). Nếu uống thuốc đó vào mà trở bệnh thì sao? Xử lý cách nào? Tóm lại, giới là dược tánh, luật là phương thang. Giới là điều răn, luật là qui luật thi hành giới. Không có luật thì giới không có cách thi hành.
11. Bốn khoa của giới.
Giới có 4 khoa lớn: giới pháp, giới thể, giới hạnh và giới tướng.
a. Giới pháp:
Giới cũng là một pháp do đức Phật chế ra nên giới cũng gọi là Pháp, luật cũng là Pháp; do Phật chế nên đó là Pháp của Phật. Vì vậy khi ta nói Phật pháp là gồm cả giới trong đó nữa, chứ không phải nói pháp là pháp Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Bát chánh đạo… mà thôi đâu. Pháp có nghĩa như vậy nên gọi là giới pháp.
b. Giới thể (nạp thọ pháp thành thể):
Khi Pháp có được tam sư, thất chứng, bạch tứ kiết-ma, đưa nó vào trong người giới tử thì nó biến thành giới thể của người giới lử, gọi là giới thể.
Thí dụ: Như là trong khi thọ giới, vị thầy kiết-ma bạch tứ kiết-ma rằng, tôi xin hỏi các vị ngày hôm nay, có vị đó tên như vậy, như vậy… xin theo Hòa thượng tên như vậy, như vậy thọ Cụ túc giới. Nếu Tăng chúng ai bằng lòng cho vị ấy thọ giới Cụ túc thì cứ im lặng, ai không bằng lòng thì nói lên. Ba lần kiết-ma như thế là giới thể được thành tựu nơi ông giới tử. Đó là thọ thể, tức thọ nhận cái giới thể nên gọi là thọ thể giới, giới được thành tựu nơi ông giới tử
c Giới hạnh.
Từ nơi giới thể mà phát ra cử chỉ, hành động, nói năng đều y như pháp, tức là tùy thuận giới thể mà các hành vi của 3 nghiệp thân, khẩu, ý đều hành động y như pháp. Chúng ta quan sát kỹ, một người khi họ chưa thọ giới thì nói năng, hành động khác; khi họ đã thọ giới rồi, hành động, nói năng lại càng khác hơn. Là vì do có giới hạnh nên hình tướng và oai nghi khác đi, gọi là giới hạnh.
d. Giới tướng.
Hành trì giới luật có oai nghi hiện tướng ra bên ngoài, ai trông thấy cũng biết được, đó gọi là người có giữ giới.
Nói về giới thế thì có 3 quan điểm:
a. Theo quan điểm của các bộ phái Phật giáo ngày xưa, chỉ quan niệm giới thể chung chung thế thôi. Phái Nhất thiết hữu bộ chủ truơng giới thể thuộc sắc pháp, lấy sắc pháp làm giới thể; bởi lẽ, một người thành tựu được giới là phải đối trước tam sư, thất chứng, chính tự mình thân quỳ lạy, miệng nói, trả lời câu hỏi mới thành được. Nếu không lạy, không quỳ, không dùng cái thân nàỵ tỏ bày cái tướng lãnh thọ giới điều thì không thành giới thể được. Mà thân này là gì? Là tứ đại sắc thân. Lấy tứ đại sắc thân đối trước tam sư, thất chứng mà thọ giới thể, cho nên giới thể đó thuộc về sắc pháp. Đó là quan điểm của Hữu bộ. Vì vậy, quan điểm của Hữu bộ cho giới thể thuộc về Vô biểu sắc. Vô biểu sắc là một thứ sắc không biểu hiện cho người ta thấy được, nó là một pháp vô hình nhưng thuộc về sắc. Theo Hữu bộ, nó thuộc về sắc ấm, sắc uẩn chứ không phải thuộc các uẩn khác. Giới thể theo Hữu bộ là sắc pháp.
b. Theo Đại thừa Duy thức thì giới thể thuộc về tâm pháp, vì sao? Vì theo Duy thức, người ta có hai thứ nghiệp, là tư nghiệp và tư dĩ nghiệp. Tư nghiệp là nghiệp của ý. Thí dụ, mình nghĩ phải bố thí cho kẻ nghèo, sự suy nghĩ đó nó đang còn trong tâm chứ chưa hiện ra ngoài. Chính sự suy nghĩ đó cũng là cái nghiệp sau khi suy nghĩ, nó phát ra miệng nói, tay cầm vật cho kẻ nghèo, như vậy gọi là tư dĩ nghiệp. Tư có ba là Thẩm lự tư, tức suy nghĩ, tính toán; Quyết định tư, tức đã quyết định, và Phát động tư, là từ quyết định phát động ra ngoài, gọi là Phát động tư. Vì vậy, theo Đại thừa Duy thức thì khi một người nào đó đã phát động ra trước tam sư, thất chứng, ví dụ nói: Tôi xin giữ được giới ấy… cái phát động ấy chính là do cái tư, cái mà anh suy nghĩ và nói ra, nếu không có cái tư ấy thì làm sao anh nóì tôi xin giữ được? Cho nên, Đại thừa Duy thức nói giới thể thuộc về tâm pháp chứ không thuộc về sắc pháp.
c Phái Thành thật luận cho rằng, giới thể phi sắc phi tâm, bởi nó không trông thấy, làm sao nói là sắc? Thứ nữa, nó không có duyên lự, làm sao nói tâm được, nên nói là phi sắc phi lâm. Nó chỉ là một cái năng lực ngấm ngầm bên trong, có tác dụng ngăn chặn việc làm sai trái của người định làm. Thí dụ, người thọ giới Cụ túc rồi, mỗi năm đến mùa An cư phải nhập hạ, song có lúc có người không muốn An cư, nhưng sức mạnh ngấm ngầm của giới biểu họ phải An cư, đó là chuyện nên làm. Tóm lại, đó là một năng lực phi sắc phi tâm. Dù nói cách nào, như chủ trương nó thuộc sắc pháp, dầu thuộc tâm pháp, dầu thuộc phi sắc phi tâm thì cũng là một cái năng lực vô hình có năng lực phòng phi chỉ ác–ngăn điều quấy, dứt điều ác.
Tóm lại, 250 giới nhìn thì nhiều, nhưng chỉ có nghĩa là phòng phi chỉ ác. Nói cách khác, muốn áp dụng giới trong đời sống hàng ngày thì phải hiểu cách thực hành của nỏ, đó là chỉ trì và tác trì Chỉ trì giới là giới ngăn dứt, không làm. Thí dụ, phát nguyện giữ 5 giới, đó là do tự phát nguyện. Nếu không sát sinh hại mạng thì đã là trì giới, ngược lại, sát sinh là phạm. 250 giới của đức Phật chế, trừ chúng học pháp ra, có một phần trì, một phần chỉ. Tác trì giới tức là những điều đáng phải làm mà làm thì gọi là trì; ngược lại không làm là phạm. Ví dụ: Khi đến mùa An cư mà An cư là trì, không An cư là phạm, nên gọi là tác trì.
12. Biệt giới, thông giới.
Giới của Phật chế có biệt giới và thông giới.
a. Biệt giới là giới của hàng xuất gia, giới của hàng Thanh văn. Thí dụ: Hàng xuất gia nếu là Tỳ-kheo thì phải thọ 250 giới, Sa-di là 10 giới, còn cư sĩ là thọ 5 giới… Có phân biệt rõ ràng như vậy gọi là biệt giới. Cư sĩ không thể thọ 250 giới. Riêng đối với Ni cũng vậy. Sa-di-ni cũng thọ 10 giới, không được quá. Thức-xoa-ma-na 6 giới, không được quá. Tỳ-kheo-ni 350 giới mà thôi, nên gọi là biệt giới.
b. Thông giới tức là Bồ-tát giới, ai thọ cũng được. Sa-di, cư sĩ, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa, Sa-di-ni, có bệnh không bệnh, dù thân căn không hoàn chỉnh thọ cũng được. Điều kiện để thọ là nghe tiếng, hiểu nghĩa Pháp sư truyền là được thọ; trái lại, trong luật Tỳ-kheo, nếu bị dị tật thì không được thọ. Vì vậy, Bồ-tát giới gọi là thông giới, còn luật Tỳ-kheo, Sa-di… gọi là biệt giới. Thông giới có tính cách vĩnh cữu, còn biệt giới chỉ có tận hình thọ mà thôi. Giả sử hoặc có chết, hoặc thay đổi nam thành nữ tánh thì tự nhiên mất giới, mặc dù tâm không mất, nhưng hình tướng đã mất thì giới cũng mất, đó là không kể xả giới. Còn giới Bồ-tát thì tùng kim thân cho tới Phật thân, tức cho đến thành Phật, giới đó không mất. Chỉ mất giới khi nào bỏ Bồ-đề tâm, bỏ Bồ-tát hạnh, phạm trọng giới mới mất. Còn có phạm khinh giới vẫn được sám hối. Vì vậy, người giữ Bồ-tát giới dầu có đọa địa ngục, có lên thiên đường, có phạm năm lần bảy lượt đều có thể sám hối, miễn là chủng trí Bồ-đề tâm vẫn còn.
Lúc đức Phật sắp Niết-bàn, các hàng đệ tử tỏ ý lo lắng, sợ đức Thế Tôn nhập Niết-bàn rồi không ai dìu dắt chúng đệ tử. Đức Phật mới dạy rằng, Pháp và Luật mà Ta đã dạy cho các ngươi, chính đó là đạo sư của các ngươi. Trong kinh Di Giáo, đức Phật dạy: “Nhữ đẳng Tỳ-kheo, ư ngã diệt hậu, đương tôn trọng trân kính Ba-la-đề-mộc-xoa, như ám ngộ minh, như bần nhân đắc bảo. Đương tri thử tắc thị nhữ đẳng đại sư. Nhược ngã trú thế, vô dị thử dã”. Nghĩa là: “Các thầy Tỳ-kheo, sau khi Ta diệt độ, các thầy phải tôn trọng tôn kính tịnh giới, như ở chỗ mù tối mà được ánh sáng; nghèo nàn mà được vàng ngọc. Phải biết tịnh giới là đức thầy cao cả của các thầy. Nếu Ta ở đời thì cũng không khác gì vậy”. Đó là lời dạy thứ hai. Lời dạy thứ ba là: “Các ngươi hãy tinh tiến lên để giải thoát”.
Nói về lời dạy Pháp và Luật trong giáo lý đức Phật, chúng ta phải biết Pháp là gì và Luật là gì? Pháp tức là giáo pháp. Thí như Ngài dạy về lý vô thường, vô ngã, Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Bát chánh đạo, Giới, Định, Tuệ… gọi là Pháp. Pháp ấy có mục đích hướng dẫn cho chúng sinh tu hành để thành đạo, để giác ngộ. Luật là gì? Luật là những điều răn cấm, những quy tắc, những luật lệ để hành trì, áp dụng cho đời sống cá nhân và tập thể. Pháp kết tập lại thành Kinh tạng, Luật kết tập lại thành Luật tạng.
Sau khi đức Phật nhập diệt, lần kiết tập đầu tiên là kiết tập Kinh tạng và Luật tạng. Bây giờ chúng ta nói kiết tập Tam tạng là nói chung, nhưng lúc đầu chủ ý kiết tập là thành Kinh tạng và Luật tạng, hai chữ này nó mang một ý nghĩa rất lớn. Cả Kinh tạng lóm lại trong một chữ Pháp mà thôi; cả Luật tạng thành một chữ Luật mà thôi. Cho nên Ngài không nói Ta để lại Kinh tạng Luậl tạng cho các ngươi, mà Ngài nói Ta để lại Pháp và Luật cho các ngươi. Các ngươi hãy lấy đó làm bậc Đạo sư của mình. Ta có ở đời cũng không khác.
13. Thế Tôn diệt độ.
Khi đức Phật nhập Niết-bàn ở tại rùng Kusinara giữa Ta-la song thọ, Tôn giả Ma-ha Ca-diếp cùng một số Tỳ-kheo rất đông đang đi du hóa và hành đạo ở phương xa. Số đệ tử này do Phật độ sau 45 năm hành đạo và thuyết pháp, một số khác do các đệ tử Ngài thâu nhận vào nhập chúng cũng khá đông. Các đệ tử của Ngài ở rải rác khắp mọi nơi. Riêng Tôn giả Ma-ha Ca-diếp với một số Tỳ-kheo ở phương khác như xứ Pava, nhân ngày đó cùng đi về thành Kusinara. Giữa đường, gặp một người ngoại đạo cầm một cái hoa nơi tay, Tôn giả liền hỏi: Hiền giả từ đâu đi lại? Ông trả lời: tôi từ Kusinara đến. – Vậy Hiền giả có biết Như Lai, Thế Tôn của chúng tôi ở đâu không? – Như Lai, Thế Tôn của các ông đã nhập diệt rồi. Chính tôi ở nơi chỗ nhập diệt của Ngài mà lượm cái hoa này đây. Nghe nói như vậy, các vị A-la-hán thì bình tĩnh yên lặng, nhưng các vị chưa đạt đến quả vị A-la-hán tâm lý xúc động mạnh. Có vị ưu phiền, có vị ré lên, đấm ngực khóc lóc.
14. Tân Tỳ-kheo Bạt-nan-đà vui mừng.
Trong số này có một thầy Tỳ-kheo tên là Bạt-nan-đà khi nghe tin Thế Tôn diệt độ, mừng rỡ liền nói: Này các Hiền giả, lý đáng ra khi nghe tin này, các Hiền giả phải vui mừng, sao lại khóc lóc? Khi ông Đại Sa-môn còn sống, ta cứ bị ràng buộc theo ông. Ông cứ bảo nên làm như thế này, thế nọ; không nên làm như thế này, như thế nọ. Ông Đại Sa-môn cứ nhắc nhở hoài, phiền toái quá ? Bây giờ ông Đại Sa-môn quá vãng rồi, thì chúng ta được sống tự do. Cái gì ta ưng thì ta làm, cái gì ta không thích thì ta không làm. Chúng ta được sống tự do theo ý chúng ta.
Tôi đọc cuôn Văn minh Ấn Độ của Durand, ông có nhắc chuyện Tỳ-kheo Bạt-nan-đà và có nhận xét thêm: Tương lai trong hàng đệ tử của Phật, những người tu theo Bạt-nan-đà đông hơn theo Phật, có lẽ cũng đúng!
15. Kiết tập lần I.
Chứng kiến chuyện như vậy, nên khi về thành Kusinara dự lễ Trà tì kim thân đức Thế Tôn xong, Tôn giả Đại Ca-diếp mới nảy ra một ý để giáo pháp của Phật khỏi bị rơi rớt, để cho chúng Tăng sau này ghi nhớ mà hành trì, nên Tôn giả mời các vị A-la-hán mở một cuộc kiết tập Kinh và Luậl. Cuộc kiết tập lần thứ nhất do Tôn giả chủ trì được mở ra ngay trong năm đức Phật diệt độ. Ngay trong 3 tháng hạ này, cuộc kiết tập lần thứ nhất được bắt đầu gồm có 500 vị A-la-hán ở thành Tỳ-xá-li dưới sự bảo trợ của vua A-xà-thế. Trong số dự kiến 500 vị A-la-hán, đã có 449 vị, còn thiếu một vị nữa. Tôn giả A-nan là một vị đệ tử hầu hạ đức Thế Tôn 25 năm, nên có vị đề nghị mời Tôn giả vào cho đủ số 500 vị A-la-hán, nhưng Tôn giả Đại Ca-diếp chưa nhất trí. Tôn giả Đại Ca-diếp nói: Tôn giả A-nan tuy đa văn nhưng chưa dứt hết nhiễm ái. Ai còn ái, nhuế, bố, si thì chưa được nhập vào hàng ngũ thánh Tăng để kiết tập. Nhưng, cho dù các vị A-la-hán khác có lý luận rằng: Thưa Tôn giả, tuy Tôn giả A-nan chưa chứng A-la-hán, nhưng Tôn giả đã hầu Phật 25 năm, nghe Phật dạy, nhớ nhiều bài giảng, có thể giúp cho đại hội kiết tập này lắm chứ. Nếu trong khi kiết tập, có điều nào còn nghi thì hỏi Tôn giả A-nan, Tôn giả nói rõ ràng hơn. Vì vậy, chúng Tăng hiện tiền thiết tha đề nghị mời Tôn giả được dự đại hội kiết tập này.
16. Tôn giả A-nan chứng A-la-hán.
Về phần Tôn giả A-nan, khi đi từ rừng Kusinara về chỗ kiết tập, Tôn giả suy nghĩ rằng: một con bò nghé không bao giờ rời vú mẹ. Hôm nay ta đi giữa hàng 449 vị A-la-hán này, ta cũng tương tợ như vậy. Trong khi vừa đi vừa suy nghĩ như vậy thì có Tỳ-kheo Bạt-kỳ-tử đã chứng được thần túc thông và tha tâm thông, nhìn thấy A-nan đi trong đó. Đối với các vị chứng A-la-hán rồi, đi trong đoàn thì thấy đã rõ, nhưng Tôn giả A-nan đã chứng A-la-hán chưa, đã sạch hết dục lậu và vô minh lậu chưa thì chưa thấy rõ, nên thầy liền quán sát kĩ và thấy rõ Tôn giả A-nan chưa sạch hết hữu lậu và vô minh lậu. Với lòng từ tâm, thầy tới khích lệ: Này Hiền giả, Hiền giả hãy nhiếp tâm về Niết-bàn, tư duy về tịch tịnh. Nếu không như vậy thì đa văn cũng không ích lợi gì. Nghe lời khuyên ấy, Tôn giả A-nan chú tâm mãnh liệt
hướng về Niết-bàn, tư duy suốt cả đêm và kinh hành không nghỉ. Khi tướng sáng (bình minh) xuất hiện thì Tôn giả thấy trong mình mệt mỏi quá, định ngồi xuống nghỉ một lát. Vừa ngồi xuống, Tôn giả nghĩ thôi ta nên nằm một chút. Tôn giả vừa đưa cái đầu xuống, đầu chưa tới gối thì tâm đã bừng sáng, chứng được vô lậu. Từ đó, Tôn giả chính thức được dự vào trong hội nghị kiết tập.
17. Tôn giả A-nan sám hối.
Tuy đã chứng A-la-hán, được tham dự hội nghị kiết tập, nhưng Tôn giả cũng bị Tôn giả Đại Ca-diếp vấn nạn, hạch tội. Tôn giả Đại Ca-diếp nói: Tôn giả tuy chứng A-la-hán, các lậu đã tận, được dự vào trong hàng đại A-la-hán để kiết tập Tam tạng, nhưng bị các lỗi trong thời hầu đức Thế Tôn nên phải sám hối trước đã.
Thứ nhất: Tôn giả là người đầu tiên xin Phật cho hàng nữ nhân xuất gia, thế là phạm tội Đột kiết-la, Tôn giả có nhận không?
A-nan đáp:
– Tôi xét việc đó không có lỗi gì, bởi lẽ, tôi thấy di mẫu rất có công lao đối với Thế Tôn cho nên tôi thưa với Thế Tôn, nhắc Thế Tôn nhớ công lao ấy của di mẫu và xin cho bà xuất gia là có nguyên do như vậy, chớ không vô cớ. Nhưng Tôn giả Đại Ca-diếp bảo tôi như vậy, tôi tuân theo lời Đại Ca-diếp xin sám hối.
Thứ hai: Có một lần, Tôn giả may y Tăng-già-lê cho Thế Tôn và Tôn giả đã dẫm chân lên trên y, thế là Tôn giả bất kính, phạm tội Đột-kiết-la. Tôn giả có nhận không?
– Thưa Tôn giả, tôi không phải bất kính đối với Thế Tôn mà dẫm chân lên y đang may cho Thế Tôn. Nhưng vì lúc đó gió to quá mà không có ai đỡ giúp, cho nên lôi buộc lòng phải dẫm lên mé y để giữ cho gió khỏi tung vải lên. Nhưng mà Tôn giả đã nói thế thì tôi xin sám hối.
Thứ ba: Có một lần đức Thế Tôn sai Tôn giả đi lấy nước để Ngài uống. Tôn giả mang bát ra đi nhưng lại mang bát không trở về. Tôn giả nói rằng khúc sông đó vừa có 500 cỗ xe đi ngang qua, nước đục quá không thể dùng được. Tôn giả không biết rằng, nếu yêu cầu chư thiên họ dùng phép lực thì có thể làm cho nước trong để đem về cho Thế Tôn dùng hay sao? Tại sao Tôn giả không làm? Phạm tội Đột-kiết-la.
– Thưa Tôn giả, khi ấy chư thiên thì chưa hiện đến, nhưng Thế Tôn thì Ngài đang cần nước, cho nên tôi quên khẩn cầu chư thiên, nên đã quay về trình với Thế Tôn sự kiện nước đục vì bị 500 cỗ xe vừa đi qua không thể dùng được. Nhưng Tôn giả đã bảo vậy thì tôi xin sám hối.
Thứ tư: Khi đức Thế Tôn tuyên bố 3 tháng nữa là Như Lai nhập Niết-bàn, lẽ đáng Tôn giả hầu Thế Tôn, Tôn giả phải năn nỉ Thế Tôn cửu trú thế gian để lợi lạc hữu tình, nhưng tại sao Tôn giả không xin? Như vậy là phạm tội Đột-kiết-la.
– Tôn giả nói là tôi không muốn xin đức Thế Tôn cửu trú chứ gì? Thú thật, tâm tôi lúc đó như bị ma ám nên tôi không nhận ra, khi nhận ra thì sự đã rồi, tôi rất ân hận. Tôn giả nói tôi phạm tội Đột-kiết-la, tôi xin sám hối.
Thứ năm: Khi đức Phật nhập Niết-bàn, có một bà già nghe tin đến hầu Phật. Bà thương mến Phật quá và đã để rơi nước mắt trên chân Phật, in dấu trên chân Ngài. Sao Tôn giả không can ngăn bà, lại để giọt nước mắt ấy làm ô nhiễm chân Phật. Như vậy là phạm tội Đột-kiết-la.
– Thưa Tôn giả, là người thị giả, khi ấy tôi thấy bà cụ có một lòng cung kính Thế Tôn quá nên tôi không dám can ngăn bà. Nhưng Tôn giả đã bảo có lỗi thì tôi xin sám hối.
Thứ sáu: Trước khi Phật Niết-bàn, Ngài có dạy rằng: Thế Tôn đã dạy giới luật cho hàng tại gia và xuất gia. Riêng hàng Tỳ-kheo thì Ngài có dạy tùy nơi, tùy lúc có thể xả bớt tiểu tiểu giới, nghĩa là có thể bỏ đi những giới điều vụn vặt. Tại sao Tôn giả không thưa Phật, xả tiểu tiểu giới là những tiểu tiểu giới nào? Thế là phạm Đột-kiết-la.
– Thưa Tôn giả, lúc đó tôi cũng quên thưa Phật về chuyện ấy, bây giờ Tôn giả nói tôi mới nhớ. Nay Tôn giả bảo tôi sám hối, tôi cũng xin sám hối.
CƯƠNG YẾU GIỚI LUẬT
Hòa thượng Thích Thiện Siêu
18. Tôn giả Kiều-phạm-ba-đề diệt độ.
19. Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên tìm đạo.
20. Truởng trảo Phạm-chí luận chiến.
21. Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-hên xuất gia.
22. Tôn giả Xá-lợi-phất bị vu oan.
23. Tôn giả Mục-kiền-liên bị hại.
24. Kiết tập Kinh và Luật.
25. Tôn giả Ưu-ba-li tụng Luật.
26. Nguyên nhân phân hoá Luật.
27. Năm bộ Luận giải thích Luật.
28. Nội dung Tứ phần luật.
29. Chỉ trì, tác trì.
30. Chuyện xảy ra ở Câu-diệm-di (Kosambiya)
31. Đức Phật ở ẩn trong rừng.
32. Phật dạy pháp Lục hòa ở Kosambiya.
33. Phật cấm dùng thần thông để thu bát.
34. Phân tích giới bổn.
35. Giải thích bốn Ba-la-di.
36. Giải thích 13 Tăng tàn.
37. Giải thích 2 Bất định.
38. Giải thích 30 Xả đọa.
39. Giải thích 90 Ba-dật-đề.
40. Giải thích 4 Hối quá pháp.
41. Giải thích 100 Học pháp.
42. Giải thích 7 Diệt tránh.
43. Tánh giới và già giới.
44. Các yếu tố kết thành tội.
45. Sáu trường hợp đặc biệt đối thủ sám tội Tăng tàn.
18. Tôn giả Kiều-phạm-ba-đề diệt độ.
Trước khi A-nan chưa chứng A-la-hán, không được dự hội, có người đề nghị nên mời Tôn giả Kiều-phạm-ba-đề, đệ tử Tôn giả Xá-lợi phất, vị ấy rành và thuộc lòng lời của Phật nhiều lắm. Hiện giờ đang ở trên trời, xin đề nghị mời xuống chủ trì để kiết tập. Thể theo lời đề nghị trên, Tôn giả Đại Ca-diếp cho một vị hạ tọa lên trời mời Tôn giả Kiều-phạm-ba-đề về tham dự kiết tập. Tôn giả Kiều-phạm-ba-đề mới hỏi vị hạ tọa rằng:
– Thưa Tôn gia, Chuyển pháp luân tướng Hòa thượng của tôi là Xá-lợi-phất bây giờ ở đâu?
– Thưa Tôn giả, Hòa thượng của Tôn giả đã diệt độ rồi.
Nghe vậy, Tôn giả giật mình. Tôn giả Kiều-phạm-ba-đề hỏi tiếp:
– Đức Thế Tôn, bổn sư của Hòa thượng tôi hiện giờ ở đâu?
– Đức Thế Tôn cũng diệt độ rồi.
– Thế Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, là bạn thân của Hòa thượng tôi thế nào?
– Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cũng đã diệt độ.
Nghe xong, Tôn giả Kiều-phạm-ba-đề dịu dàng nói:
– Thôi thôi như thế này là con mắt thế gian bị tiêu tan rồi. Than ôi? Đức Đại sư diệt độ, Hòa thượng bổn sư tôi là Xá-lợi-phất cũng diệt độ. Bạn thân của Hòa thượng tôi là Đại Mục-kiền-liên cũng diệt độ, thì tôi còn ở nơi Xá-lị viên này làm gì nữa! Tôi cũng xin diệt độ.
Tôn giả nói xong, liền bay lên hư không, tự xuất hỏa quang tam-muội đốt lấy thân. Trong khi đó, nước từ trong thân chảy xuống và trong dòng nước trong xanh ấy vang lên bài kệ:
Kiều-phạm-ba-đề khể thủ lễ,
Diệu chúng đệ nhất đại đức Tăng,
Văn Phật diệt độ ngã tùy diệt,
Tượng vương dĩ khứ tương tử tùy.
Tạm dịch:
Kiều-phạm-ba-đề xin cúi đầu đảnh lễ,
Những vị đại đức Tăng ở trong chúng của Phật.
Nghe đức Thế Tôn đã diệt độ, thì tôi cũng xin diệt độ theo,
Như voi chúa đi thì voi con cũng đi theo.
Bài kệ này cũng có chỗ khác ghi:
Kiều-phạm-ba-đề khể thủ lễ,
Chúng trung thanh tịnh đại đức Tăng,
Tượng vương dĩ khứ tượng tử tùy.
Nhất đăng diệt nhi nhất đăng tục.
Nghe xong bài kệ ấy, vị Hạ tọa trở về bạch đại hội rõ.
19. Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên tìm đạo.
Trong Kinh, Luật thường hay nhắc đến hai vị đệ tử của đức Phật là Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên. Vậy hai Tôn giả này là aì? Có duyên gì mà đến làm đệ tử của đức Thế Tôn và được đức Thế Tôn cưng như con ruột?
Từ khi xuất gia theo Phật, hai vị Tôn giả Xá lợi-phất và Mục-kiền-liên là hai đệ tử lớn trong chúng đệ tử của Phật. Tôn giả Xá-lợi-phất là trí tuệ đệ nhất, còn Tôn giả Mục-kiền-liên là thần thông đệ nhất. Hai vị này trước kia là anh em bạn đồng tu ở trong một môn phái ngoại đạo thuộc phái Lục sư. Tương truyền rằng, Tôn giả Xá-lợi-phất là người cực kỳ thông minh. Khi bà mẹ của Tôn giả mang thai Tôn giả mà bà đã biện tài vô ngại. Trong nhà, có ông em tên Trường trảo Phạm-chí, cũng là một nhà luận sư nổi tiếng, nhưng biện luận không lại bà. Ông ta mới suy nghĩ rằng, chị mình mới mang thai mà nó đã ảnh hướng đến bà như vậy, huống hồ khi sinh nó ra thì ai luận chiến với nó cho nổi. Nghĩ vậy cho nên ông quyết chí đi học để sau này luận chiến cho hơn hai mẹ con mới thôi.
20. Trường trảo Phạm chí luận chiến.
Ông Trường trảo từ đó tìm thầy học luận suốt ngày suốt đêm, đến nỗi không có thì giờ cắt móng tay và quên cả cạo râu tóc. Móng tay vì vậy cứ dài ra thườn thượt, cho nên người đời gọi là Trường trảo Phạm-chí (ông Phạm-chí có móng tay dài).
Khi học xong trở về thì Tôn giả Xá-lợi-phất cũng đã lớn khôn và đang tu ở chỗ Phật. Nghe nói như vậy thì ông tìm đến tinh xá chỗ Phật ở. Khi đến chưa gặp cháu Xá-lợi-phất thì gặp ngay đức Thế Tôn. Gặp Phật, ông muốn luận chiến với Phật. Phật biết ý ông cho nên Ngài hỏi ông: “Này Hiền giả, Hiền giả đến đây muốn bàn luận vấn đề gì”. Ông nói: Thưa Tôn giả Cù-đàm, tôi có một chủ trương, đức Thế Tôn nói xin Hiền giả cho biết tôn ý. Ông nói: Tôi chủ trương “dĩ nhất thiết bất thọ vi tông” (nghĩa là: cái tông chỉ của tôi là không chấp nhận một tông chỉ nào hết). Ông nghĩ xướng lên như vậy thì chính Phật cũng chịu, chứ làm sao mà bác được. Ý ông nghĩ, thế nào mình cũng thắng Phật. Nhưng bất đồ đức Phật hỏi lại ông: “Dĩ nhất thiết bất thọ vi tông” đó, ông có chấp nhận không? Nếu nói chấp nhận thì thành có quan điểm hẳn hoi, nếu nói không thì cũng như bao nhiêu người khác, có gì đặc biệt! Thế là ông chịu thua. ông nghĩ Thầy đã như vậy, cháu ta nay là đệ tử của đức Cù-đàm, ta làm sao tranh luận cho hơn được? Quả thật, khi gặp cháu là Xá-lợi-phất, Tôn giả lại thuyết cho ông nghe và thế là cậu bị cháu thuyết phục. Từ đó, cả cậu lẫn cháu đều làm đệ tử trong giáo pháp của Phật. Sau khi quy y, ông có tên là Câu-hi-la, chính là cậu của Xá-lợi-phất, hay Trường trảo Phạm chí, là tên cũ của ông.
21. Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên xuất gia.
Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kỉền-liên kết bạn tu với nhau trong một phái của ngoại đạo nổi tiếng thời bấy giờ là Lục sư ngoại đạo.
Lịch sử cổ Ấn Độ cho biết, giai đoạn trước khi đức Phật ra đời, thiên hạ tôn sùng Vệ-đà của Bà-la-môn giáo. Nhưng đến thời đức Phật, tư tưởng Vệ-đà không còn thịnh hành nữa. Một số các triết gia đã không còn tin tưởng tư tưởng Vệ đà và đã xướng ra thuyết riêng như nhóm Lục sư ngoại đạo chẳng hạn. Trong Trường A-hàm, kinh Sa-môn quả có nói rất rõ. Kinh ghi lại quan điểm tư tưởng của sáu phái ngoại đạo đó. Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên lúc đầu cũng tu theo một trong sáu phái ngoại đạo, nhưng không thấy kết quả. Hai vị mới ước hẹn với nhau, nếu một trong hai người, người nào đắc đạo trước thì thông báo cho nhau biết, hoặc tìm ra chân lý trước cùng thông tri cho nhau hay.
Tôn giả Xá-lợi-phất một hôm đang trên đường đi, gặp Tỳ-kheo Mã-thắng (A-thuyết-thị), trông thấy dáng đi khoan thai và đĩnh đạc từ tốn, mặt mày tươi tắn hoan hỉ, không lộ vẻ gì âu lo hết. Nhìn qua hình dáng bên ngoài của vị ây, Tôn giả Xá-lợi-phất đoán chắc trong tâm của vị ấy cũng không có gì vướng mắc sầu khổ, nên mới lân la đến tìm hỏi:
– Thưa Hiền giả, thầy của Hiền giả là ai? Thầy tu ở đâu? Tôi trông thầy bình thản quá ?
– Thưa Hiền giả, thầy tôi là Đại Sa-môn Cù-đàm.
– Thế thầy của Hiền giả dạy những gì?
– Thầy tôi dạy nhiều lắm, nhưng tôi không tiếp thu hết. Tôi chỉ xin tóm tắt bài kệ mà tôi còn nhớ được:
Chưpháp tùng duyên sinh,
Diệc tùng nhân duyên diệt,
Ngã Phật Đại Sa-môn,
Thường tác như thị thuyết.
Tạm dịch:
Các pháp từ duyên sinh,
Cũng lại theo duyên diệt,
Đại Sa-môn của tôi,
Thường hay dạy như thế.
Bài kệ trên diễn tả lý nhân duyên, tùng duyên sinh tùng duyên diệt. Nhân duyên hòa hợp hư vọng danh sanh, nhân duyên biệt ly hư vọng danh diệt, chứ không có cái gì thật sinh cũng không có cái gì thật diệt. Sinh diệt đều do nhân duyên hòa hợp mà thôi. Cái nhà khi đủ nhân duyên hòa hợp gọi là nhà sinh; khi nhân duyên biệt ly gọi là nhà diệt. Nhưng thật ra các pháp không có cái sinh cũng không có cái gì diệt thiệt, ngôi nhà cũng thế.
Nghe câu nói lrên, Xá-lợi-phất vốn là người thông minh, đã có kinh nghiệm tu hành với ngoại đạo nên nhận thức rất nhanh. Nghe xong chợt ngộ, liền trở về nói cho Tôn giả Mục-kiền-liên biết và rủ bạn mình đến xin quy y với đức Phật. Từ đó, hai vị chính thức là đệ tử của đức Thế Tôn. Đồng thời đem 250 đệ tử cùng tu theo Phật. 250 vị này nhập với 1.000 đệ tử của 3 anh em Tôn giả Ca-diếp, hợp thành 1.250 vị Tỳ-kheo, thường có mặt trong các thời thuyết pháp mà trong kinh thường nhắc tới. Đây chủ yếu là các vị Thiện lai Tỳ-kheo, trực tiếp được Phật độ cho xuất gia, ngoài ra còn nhiều vị khác nữa.
Cá tính của Tôn giả Xá-lợi-phất thông minh nhưng cũng rất khiêm tốn, chứ không phải thông minh mà kiêu căng. Thế thường thông minh hay kiêu căng, nhưng đối với Tôn giả thì trái lại. Xưa kia người ta hay nói “đại biện nhược tội”, tức biện tài già dặn chừng nào thì in như người ngọng nói không ra lời. Tôn giả Xá-lợi-phất cũng ở trong trường hợp đó. Chính vì ít nói nên trong chúng có người coi thường, không kính phục.
22. Tôn giả Xá-lợi-phất bị vu oan.
Một hôm, Tôn giả xin Phật cho qua một phương nọ để bố hóa. Đức Phật cho phép.
Tôn giả vừa đi ra khỏi tinh xá thì có một vị Tỳ-kheo tới bạch Phật: “Bạch đức Thế Tôn, Tôn giả Xá-lợi-phất làm nhục con nên bây giờ cố ý tránh mặt bằng cách xin Thế Tôn đi nơi khác bố hóa, chớ thật tình người như Tôn giả mà bố với hóa gì được”. Thế Tôn liền cho gọi Tôn giả Xá-lợi-phất lại và hỏi: “Này Tôn giả, ông có làm nhục vị Tỳ-kheo này không?”. Tôn giả Xá-lợi-phất thưa: “Bạch Thế Tôn, từ ngày con theo Thế Tôn đến giờ, theo lời Thế Tôn dạy, con nhất tâm tu hành, con không dám làm nhục ai hết, dù đó là một chú tiểu. Con đã nguyện nhẫn nhục và nhẫn nhục như đất đã nhẫn nhục, dù cho thế gian có đổ gì trên đó cũng được. Con nguyện làm cái chổi để quét sạch đất, con không phân biệt gì hết, con nguyện quét sạch cấu uế cho chúng sinh, nỡ nào con lại mạ lị một vị đồng phạm hạnh là Tỳ-kheo đáng kính?”. Đức Thế Tôn liền cho gọi vị Tỳ-kheo kia lại để đối chứng.
Khi đến trước đức Thế Tôn và Tôn giả Xá-lợi phất, vị Tỳ-kheo kia thấy ân hận và nói: “Con thấy Thế Tôn thường khen ngợi và quý mến Tôn giả quá nên con chịu không nổi và nói dối thế thôi, chứ thật ra việc đó không có”.
Tôn giả là trí tuệ đệ nhất, nên mỗi khi Thế Tôn thuyết pháp cho chúng Tỳ-kheo, Ngài chỉ tổng thuyết, còn phần biệt thuyết thì Ngài sai Tôn giả giảng rộng cho Đại chúng hiểu. Cho nên trong Chánh pháp, đức Thế Tôn là Vua pháp (Pháp vương), còn Tôn giả là Tướng pháp (ông tướng của Chánh pháp) hay còn gọi là Chuyển pháp luân tướng. Như vậy, trong giáo pháp của Phật, Phật là vua, Xá-lợi-phất là tướng. Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên là hai người bạn thân thích nhau từ khi còn ở bên ngoại đạo, cho đến khi qua làm đệ tử Phật cũng vậy. Tôn giả Xá-lợi-phất có tính khiêm cung chừng nào thì Tôn giả Mục-kiền-liên có tính bộc trực chừng ấy.
23. Tôn giả Mục-kiền-liên bị hại.
Một ngày kia trên đường hành hóa trở về tinh xá, giữa đường gặp phái lõa thể Ni-kiền-tử muốn gây sự với Tôn giả Xá-lợi-phất. Nó chặn đường hỏi rằng: Này tu sĩ, trong chúng chánh mạng có Sa-môn quả không? Tôn giả Xá lợi phất biết nó muốn gây sự nên trả lời lòng vòng như vầy: “Chúng chánh mạng Sa-môn quả không, chúng Thích-ca Sa-môn quả có A-la-hán còn tham dục thì đời không có người ngu si”. (Sa-môn quả là Tu-đà-hoàn, Tư-đà hàm, A-na-hàm và A-la-hán). Nghe nói vậy, ngoại đạo tưởng Tôn giả ca ngợi họ nên thả cho đi. Đến khi Tôn giả Mục-kiền-liên đi tới, nó hỏi lại câu đó. Tôn giả trả lời: Trong chúng chánh mạng các ngươi làm gì có Sa-môn quả! Thế là chúng hè nhau đánh cho nhừ tử, máu me tung tóe, nằm ngất bên vệ đường
rồi chúng bỏ đi. Tôn giả Xá-lợi-phất đi một quãng xa nhìn lui không thấy Mục-kiền-liên đâu hết, lòng nghi có chuyện chẳng lành nên quay lại tìm. Quả nhiên thấy Tôn giả Mục-kiền-liên máu me đầm đìa nằm ngất tại đó. Tôn giả liền dùng y quấn quanh người Tôn giả Mục-kiền-liên và dìu về tinh xá. Khi về đến tinh xá, Tôn giả còn nói được vài ba câu. Các vị Tỳ-kheo xúm đến vấn an và săn sóc. Có vị nói: “Chao ôit Tôn giả thần thông quảng đại, phép lạ hơn người, cớ sao khi bị vây mà không thoát đi?”. Tôn giả nói: “Khi nghiệp lực đã đến, một chữ Thần nhớ cũng không k.ịp, huống chi là chữ Thông, làm sao mà phát thông được” (Nghiệp lực đáo thời, thần chi nhất tự thượng bất năng ức, huống phát thông tai).
Nghiệp lực đến, trở tay không kịp. Truớc cảnh đó, đức Phật cho người trà tì nhục thân Tôn giả Mục-kiền-liên. Cũng từ đó Thế Tôn tuyên bố ba tháng sau Ngài sẽ Niết-bàn.
Nghe câu tuyên bố đó, Tôn giả Xá-lợi-phất lấy làm băn khoăn bùi ngùi, cho nên Tôn giả xin phép đức Thế Tôn trở về nhà thăm mẹ đã gần 100 tuổi và xin nhập Niết-bàn tại quê nhà. Đức Thế Tôn im lặng. Ngài sai chúng Tỳ-kheo đưa tiễn Tôn giả ra đi, một số nối gót về quê để vĩnh biệt Tôn giả, một số trở về tinh xá để hầu hạ Thế Tôn và tiếp tục tu học. Khi Tôn giả về quê thăm mẹ, thuyết pháp cho bà nghe, bà chứng đuợc pháp nhãn thanh tịnh. Và Tôn giả cũng không nỡ nhìn cảnh Thế Tôn diệt độ trước mình, nên sau khi độ cho mẹ xong, Tôn giả nhập Niết-bàn.
24. Kiết tập Kinh và Luật.
Khi đức Phật nhập diệt rồi, cuộc kiết tập mới bắt đầu. Cuộc kiết tập tụng lại Kinh tạng và Luật tạng.
Trong Luật tạng, bộ Luật đầu tiên theo trong sử nhắc đến là bộ Bát thập tụng luật do Tôn giả Ưu-ba-li 80 lần ngồi tụng thì mới xong bộ Luật của Phật dạy.
Nội dung của kiết tập có nghĩa như thế nào?
Kiết tập: Phạn tự là Samgati, Trung Hoa dịch là Chúng đẳng tụng; nghĩa là cả chúng cùng nhau tụng lại lời đức Phật dạy. Tụng bằng cách nào? Tôn giả Ưu-ba-li hay Tôn giả A-nan-đà ngồi giữa chúng đọc rõ từng câu như: “Ngày hôm đó, tại chỗ đó, tôi có nghe đức Phật dạy như thế này, thế này… nếu đại chúng có vị nào nghe Ngài dạy khác, xin phát biểu; nếu không ai phát biểu, mà im lặng, thì cho qua”. Tiếp tục tụng đoạn khác cũng y như trên cho đến hết, nên gọi là chúng đẳng tụng. Cuộc kiết tập đầu tiên chưa có văn tự gì hết. Kiết tập bằng miệng đọc lên rồi ai nấy đều ghi nhớ trong kí ức mà thôi. Kí ức của các vị toàn là các bậc A-la-hán thì ghê gớm lắm. Nhớ như
vậy cốt để mà tu tập, chứ không có mục đích gì khác.
25. Tôn giả Ưu-ba-li tụng Luật.
Như vậy, về Luật bộ, đầu tiên là Bát thập tụng do Tôn giả Ưu-ba-li tụng, rồi sau đó nó biến ra 5 bộ nữa:
1. Đàm-vô-đức bộ (Pháp tạng bộ) truyền luật Tứ phần, gồm 60 cuốn.
2. Tát-bà-đa bộ (Hữu bộ) truyền luật Thập tụng, có 60 cuốn.
3. Di-sa-tắc bộ truyền luật Ngũ phần, có 30 cuốn, thuộc (Hóa địa bộ).
4. Ca-diếp-di bộ truyền trì Giải thoát luật, gồm 50 cuốn, thuộc Căn bản nhất thiết hữu bộ.
5. Ma-ha Tăng-kỳ bộ truyền luật Tăng-kỳ; có 40 cuốn, thuộc Đại chúng bộ và Độc tử bộ.
Trong thời Phật, Ngài không phân ra 5 bộ Luật như trên; nhưng trong quá trình hành hóa, tùy chỗ phạm lỗi mà Ngài chế ra giới để cho hàng đệ tử biết và lần sau đừng có phạm nữa. Đó là khởi nguyên của Luật. Sau khi đức Phật diệt độ, cuộc kiết tập lần thứ nhất chỉ tụng thuần nhất là 80 lần ngồi tụng mà thôi. Từ đó về sau, qua sự truyền trì của Tôn giả Đại Ca-diếp (Maha Kàsyapa), A-nan (Ànanda), Mạt-điền-địa (Madhyàntika), Thương-na-hòa-tu (Sànavàsa), Ưu-ba-cúc-đa (Upagupta) đều thuần nhất vị, chưa phân dị kiến về giới luật. Đến Tôn giả Ưu-ba-cúc-đa là vị thứ 5, nhằm khoảng thời gian sau Phật diệt độ 110 năm, lúc đó A-dục vương ra đời. A-dục vương là vị vua
lúc đầu cai trị rất tàn ác nên dân chúng gán cho cái tên là Hắc A-dục vương (Vua A-dục đại ác). Nhưng về sau cải ác tùng thiện, quy y Tam bảo và trở thành một Phật tử thuần thành, hộ trì Phật pháp một cách đắc lực nhất, gọi là Pháp A-dục vương.
26. Nguyên nhân phân hóa Luật.
Giáo pháp đức Phật do vậy cũng bị điêu linh các vị Tỳ-kheo mỗi đoàn du hóa một phương, không kết tụ với nhau được. Do đó mà từ nơi một bộ Bát thập tụng luật lại chia ra năm nơi năm nhóm. Năm nhóm này ghi nhớ và đọc tụng theo năm cách riêng và việc hành trì cũng khác, nên tạo ra năm bộ Luật khác nhau. Năm bộ Luật đó là do 5 đệ tử của Tôn giả Ưu-ba-cúc-đa nắm giữ và truyền tụng. Năm bộ Luật đó là:
1. Đàm-vô-đức bộ truyền trì Tứ phần luật.
2.Tát-bà-đa bộ truyền trì Thập tụng luật.
3. Di-sa-tắc bộ truyền trì Ngũ phần luật.
4. Ca-diếp-di bộ truyền trì Giải thoát luật.
5. Bà-ta-phú-la bộ truyền trì Ma~ha Tăng-kỳ luật.
Năm nhóm trên đều truyền trì Luật tạng riêng mà phát sinh thành ra 5 bộ như trên.
Năm bộ Luật vừa nêu, về phần chính thì giống nhau, chỉ có sai khác về Ba-dật-đề và Chúng học pháp.
27. Năm bộ Luận giải thích Luật.
Ngoài những bộ Luật chính ở trên, sau này có những bộ gọi là bộ Luận về Luật. Năm bộ Luận đó là gì?
1. Tì-ni mẫu luận, 8 quyển (thất lruyền).
2. Ma-đắc-lặc-già luận, gọi đủ là Tát-bà-đa-bộ Tì-ni Ma-đắc-lặc-già luận, 10 quyển, do Lưu Tống Tăng-già-bạt-ma dịch.
3. Hai bộ luận trên dựa vào Tát-bà-đa bộ, tức căn bản Nhất thiết hữu bộ mà giải thích những điều trong bộ Luật đó mà tạo ra Luận này.
4. Thiện Kiến luận, hay còn gọi là Thiện Kiến luật Tỳ-bà-sa, 18 quyển, do Tiêu Tề Tăng-già-bạt-ma dịch; cốt giải thích Tứ phần luật.
5. Tát-bà-đa luận hay còn gọi là Tát-bà-đa Tì-ni Tỳ-bà-sa, 9 quyển, mất tên người dịch, cốt giải thích Thập tụng luật.
6. Minh liễu luận, hay còn gọi là Luật nhị thập nhị minh liễu luận, 1 quyển, do Trần Chân Đế dịch, cốt giải thích giới luật thuộc Chính lượng bộ.
Hai bộ này đều thuộc Chính lượng bộ, tức một trong 20 bộ phái Tiểu thừa Phật giáo.
* Nội dung của Luận tạng:
Khi nói Luật tạng là nói chung cả 5 bộ Luật, đó gọi là Luận tạng.
Sự hành trì về Luật tại Ấn Độ chắc cũng có sự sai khác chút đỉnh. Khi thì các Tổ dùng bộ này, khi thì dùng bộ khác, nên đôi lúc tưởng chừng trong nội dung của nó có sai khác.
Nhưng tùy theo địa phương và hoàn cảnh, các Tổ có thể du di phần Học pháp. Vì vậy, khi truyền qua Trung Hoa, Tổ Đạo Tuyên mới lấy một bộ làm căn bản cho việc truyền Luật, nên Tổ đã dùng bộ Tứ phần luật, phát triển thành Luật tông mà Tổ là vị khai sáng. Từ đó, Tứ phần luật được diễn giảng, giải thích và truyền bá rất mạnh.
Việt Nam chúng ta từ trước tới nay cũng áp dụng Tứ phần luật để hành trì.
28. Nội dung Tứ phần luật.
Tứ phần luật, 60 cuốn, do Diêu Tần Phật-đà da-xá và Trúc-phật-niệm cùng dịch, chia 4 phần:
1. Phần một, gồm 21 cuốn: Nội dung chuyên nói 250 giới của Tỳ-kheo.
2. Phần hai, gồm 16 cuốn: 9 cuốn đầu nói 348 giới điều của Tỳ-kheo-ni; 7 cuốn sau quy định việc thọ giới, thuyết giới, An cư, Tự tứ…
3. Phần ba, có 12 cuốn: gồm các chương quy định việc Tự tứ tiếp theo, Bì cách, y, dược, Casina y, việc xảy ra ở Câu-diệm-di, ở Chiêm-ba, kiết-ma Ha-trách, về người, về tội phú tàng, giá, phá Tăng, diệt tránh, về pháp Tì-ni và về Pháp.
4. Phần bốn, gồm 11 cuốn: là các chương nói về phòng xá, tạp, ngũ bách kiết tập, thất bách kiết tập, điều bộ Tì-ni, Tì-ni Tăng nhất.
Tóm lại, Tứ phần luật gồm có 2 phần chính:
a. Phần thứ nhất nói về giới bổn của Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni.
Giới bổn của Tỳ-kheo có 250 giới; Tỳ-kheo-ni có 348 giới. Theo Nam truyền Luật tạng, Tỳ-kheo có 227 điều, Tỳ-kheo-ni có 311 điều. Các giới điều tuy có khác, nhưng chỉ khác phần chi tiết, còn phần nội dung chính vẫn giống nhau.
b. Phần thứ hai nói về 20 Kiền-độ (20 chương) :
1. Chương thọ giới: thuyết minh về việc thọ giới.
2. Chương thuyết giới: thuyết minh về nghi thức thuyết giới.
3. Chuơng An cư. thuyết minh về ý nghĩa và sự vỉệc An cư.
4. Chương Tự tứ: nói về ý nghĩa tác pháp Tự tứ.
5. Chương bì cách: khai cho các Tỳ-kheo gặp hoàn cảnh đặc biệt được dùng các loại da thuộc.
6. Chương nói về y: thuyết minh cách may y và sử dụng nó.
7. Chương nói về dược liệu: thuyết minh về cách dùng thuốc để chữa bệnh.
8. Chưong nói về y Casina: nói về cách thọ y và xả y Casina (công đức y).
9. Chương nói về việc xảy ra ở Câu-diệm-di: nói về việc các Tỳ-kheo tranh cãi nhau, và 3 loại cử tội: 1. Bất kiến cử, là cử cái tội có lỗi mà nói không thấy, không nhận tội; 2. Bất sám cử: là cử cái tội đã nhận tội mà không chịu sám hối; 3. Ác kiến bất xả cử: là cử cái tội có ác kiến mà không chịu bỏ.
10. Chương nói về việc xảy ra ở Chiêm-ba: nói về các loại kiết-ma như pháp và phi pháp.
11. Chương nói về Ha-trách: nói việc chế định 7 thứ Ha-trách, tức 35 việc mà một Tỳ-kheo đã phạm tội thì không được làm.
12. Chương nói về người: thuyết minh phạm tội Tăng tàn, lục dạ biệt trú, phép bản nhật trị và cách sám trừ nghiệp quả, sám diệt phi pháp.
13. Chương phú tàng: nói các thứ tướng của tội phú tàng và cách diệt trừ tội.
14. Chương nói về giá: nói về cách ngăn ngừa và cử tội người khác, khi cử phải đủ 5 pháp là tri thời, chân thật, lợi ích, nhu nhuyến và từ tâm.
15. Chương phá Tăng: nói việc tội phá Tăng.
16. Chương diệt tránh: nói về Thất diệt tránh (7 phép diệt sự tranh cãi).
17. Chương nói về Ni: nói việc Ni chúng thọ giới, thuyết giới.
18. Chương nói về pháp: nói các oai nghi, pháp thức đi lại… của Tỳ-kheo.
19. Chương nói về phòng: nói việc sửa sang, tu bổ phòng xá.
20. Chương tạp: thuyếl minh xen lẫn hết thảy các chương và cách trì giới.
Đạo Tuyên Luật sư trong “San bổ tùy cơ yết-ma” tóm tắt 20 chương thành 10 điều:
1. Chương tập pháp: nói tổng quát về sự duyên thành, không thành của các pháp kiết-ma .
2. Chương kết và giải giới.
3. Chương nói pháp thọ các giới.
4. Chương nói áo, thuốc, thọ trì và thuyết tịnh.
5. Chương nói các pháp thuyết giới.
6. Chương nói về chúng An cư.
7. Chương nói về pháp Tự tứ.
8. Chương nói về chia áo (của Tăng đã chết).
9. Chương nói sám hối các tội.
10. Chương nói việc cốt yếu của vị Trú trì Phật pháp.
29. Chỉ trì, tác trì.
Giới luật thì nhiều, nhưng không ngoài hai môn: chỉ trì và tác trì.
a. Chỉ trì: Là đình chỉ, đình chỉ không làm các điều ác Tức quy định về điều giới, đó là giới, thuộc chỉ trì.
b. Tác trì: Là tu thiện, tức là các điều thiện. Tức quy định về các pháp kiết-ma, đó là Luật, thuộc tác trì.
Ví dụ: Thực hành giới bổn là chỉ trì; giữ gìn 20 kiền độ là tác trì.
30. Chuyện xảy ra ở Câu-diệm-di (Kosambiya).
Đó là chuyện cãi lộn nhau giữa hai thầy Tỳ-kheo. Kinh dạy rằng: Có 2 thầy Tỳ-kheo Thượng tọa Pháp sư và Luật sư. Thượng tọa Tỳ-kheo pháp sư thì giỏi về pháp như Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Bát chánh đạo… nhưng lại ít chuyên về luật. Trái lại, Thượng tọa Luật sư thì thông thạo, am hiểu về luật, rành mạch về luật như kiết giới, An cư, Tự tứ thì rất rành, nhưng khi hỏi về kinh thì cũng ít thông tuệ cho lắm. Cho nên mỗi Thượng tọa đều có sự thiên trọng khác nhau. Lẽ tất nhiên, Thượng tọa Luật sư chuyên giữ luật, nhất cử nhất động đều hành trì đúng luật; trái lại, Thượng tọa Pháp sư cũng giữ luật, nhưag không bằng vị Luật sư, mà chỉ chú trọng về Pháp là chính.
Kinh dạy rằng: Hôm đó, Thượng tọa Pháp sư vào nhà tắm, xong việc quên đổ nước thừa trong chậu; vị Luật sư thấy vậy mới hỏi vị Pháp sư kia: tại sao tắm xong thầy để nước thừa trong chậu, như vậy là phạm tội Đột-kiết-la. Vị Pháp sư nói: thưa Tôn giả, tôi vô ý quá, tôi rất ân hận và xin sám hối. Câu chuyện tưởng vậy là yên, ai ngờ Thượng tọa Luật sư kia đem chuyện ấy nói lại với đệ tử của mình. Đệ tử lại nói với đám đệ tử khác, cứ thế mà đồn ầm lên thành lớn, làm náo động cả tinh xá. Đệ tử của Thượng tọa Pháp sư nghe tiếng đồn như vậy, chột tai quá, liền đi mách lại cho thầy mình hay. Vị Pháp sư nói với đệ tử là, thầy đã xin lỗi vị Thượng tọa ấy rồi, tại sao lại xảy ra chuyện ồn ào như thế này. Tự ái nổi lên, hai bên khẩu chiến bằng binh khí miệng lưỡi qua lại rất dữ. Bổn đạo cũng chia hai nhóm cứ thế làm náo động cả tinh xá.
31. Đức Phật ở ẩn trong rừng.
Phật từ nơi xa về, thấy chuyện xảy ra: liền hỏi nguyên do, hai bên cứ bảo thủ. Phật dạy không nghe. Họ thưa với Ngài, xin Thế Tôn, Ngài biết việc của Ngài, chúng con biết việc của chúng con. Can ngăn mãi không được nên Phật đành ôm bình bát một mình vào núi ở ẩn để an tĩnh. Trong khi đó, có một con voi già, nó cũng bị mấy con voi trẻ quậy phá ở không yên, nên đi tìm chỗ núp. Đi vào đó gặp Phật, hai bên gặp nhau, thấy bên nào cũng có hoàn cảnh y như nhau, nên cùng ở chung một chỗ. Cũng tại đó, có một con khỉ già cũng bị bọn khỉ trẻ ruồng bỏ, nên cũng tìm chỗ ẩn thân, đến đó gặp Phật. Như vậy, cùng ở với Phật có con voi già và khỉ già cùng hầu Phật. Mỗi sáng voi đi lấy nước về dâng Phật, khỉ đi lấy trái cây, mật ong về cúng Phật. Cho nên hiện nay, trong tranh truyện Phật giáo có hình ảnh voi và khỉ dâng đồ cúng Phật là để ghi lại chuyện đó.
Trong thời gian Phật đi vắng, hàng cư sĩ đến hầu Phật, không thấy Ngài, bèn hỏi Ngài đi đâu vắng. Chúng Tỳ-kheo nói qua loa nên hàng cư sĩ tẩy chay và cấm vận lương thực…Cuối cùng bí quá, họ mới nói thật và họ cũng rất ân hận.
Tóm lại, sau khi đã biết lỗi, tất cả cùng nhau hòa thuận và đi thỉnh Phật về. Đó là chuyện xảy ra ở Kosambi.
32. Phật dạy pháp Lục hòa ở Kosambiya.
Tại Kosambiya, tinh xá Ghosita, các Tỳ-kheo ở đó đang sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh nhau, đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi. Các Tỳ-kheo ở đó không thông cảm nhau, không chấp nhận thông cảm, không tự hòa giải nhau, không chấp nhận hòa giải nhau nên đã bị đức Phật gọi đến la rầy (Trung bộ kinh, HT. Thích Minh Châu dịch, tập I, tr.487) và dạy cho sáu pháp đưa đến an lạc:
1. Phải an trú từ thân hành cả trước mặt lẫn sau lưng.
2. Phải an trú từ khẩu hành.
3 . Phải an lrú từ ý hành.
4. Tài vật nhận được đúng pháp, cho đến thâu nhận từ trong bình bát phải san sẻ cho các vị đồng phạm hạnh.
5. Đối với các giới luật không có vi phạm, không tì vết, không vẩn đục, không uế tạp và giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp trước, đưa đến thiền định. Tỳ-kheo sống thành tựu trong các giới luật ấy với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng và phải nhất trí với nhau.
6. Đối với các tri kiến thuộc về bậc thánh, có khả năng hướng thiện, khiến người thực hành chơn chánh, diệt tận khổ đau. Phải sống thành tựu tri kiến như vậy cùng các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng.
Thực hành 6 pháp cần ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính sẽ đưa đến hòa đồng, đưa đến hòa thuận trong hòa hợp nhất trí. Như trong Luật ta thấy, Phật điều khiển chúng cũng như một cô giáo điều khiển lớp mẫu giáo. Nó ngộ nghĩnh lắm, thế nhưng, có một thầy Tỳ-kheo đi vệ sinh thở to quá, Phật cũng chế ra oai nghi (giới). Có một thầy khách Tăng đi đến một phòng chư Tăng, không gõ cửa báo cho chủ biết, xô cửa vào phòng. Bất đồ có một con rắn nằm trên trần nhà, nghe tiếng xô mạnh quá, nó rớt xuống nơi vai thầy. Thầy hoảng quá, la hét to quá làm động những người xung quanh. Xung quanh đến hỏi: Gì mà la hét to quá vậy? Vị Tỳ-kheo nói: Con rắn rớt trên vai tôi. Hỏi: Thầy ở phòng này sao không biết con rắn ở lrên trần? Thầy nói: Tôi ở phòng khác và mới tới đây. Câu chuyện bạch lên Phật, Phật dạy: Trưởc khi vô phòng người khác phải xin phép. Lại có trường hợp một Tỳ-kheo đi khất thực, tưởng chỗ nào cũng vào được hết. Khi thầy chăm chăm bước đến một phòng nữ nhân đang lõa thể nằm, thầy hoảng quá, quay lưng đâm đầu chạy. Bất đồ ông chồng từ ngoài ngõ đi vào, ông chặn lại hỏi và kéo thầy vào nhà. Vào nhà, thấy vợ đang nằm trần truồng, ông sinh nghi là chắc có chuyện phi pháp nên đập thầy một trận nhừ tử. Các vị thiểu dục tri túc nghe chuyện ấy, lấy làm bực mình về thưa với Phật. Phật chế giới rằng, đi khất thực phải nhìn xem hướng chợ là hướng ra sao, hướng nhà cửa là hướng ra sao, hướng phòng là hướng thế nào, chứ không phải chỗ nào cũng bước tới khất thực được hết, và phải đi từ hai thầy trở lên.
33. Phật cấm dùng thần thông để thu bát.
Chương nói về tác sự: Sắm bát như thế nào? Loại bát gì được sắm, loại gì không được sắm? Bát gì được dùng, bát gì không được dùng? Nên sắm dao như thế nào để cắt đồ hằng ngày?
Về chuyện bát này, Phật có quở một vị Tỳ-kheo hiện thần thông để lấy bát. Chuyện kể rằng, có một vị ngoại đạo treo cái bát trên cao, ra điều kiện: nếu ai hiện thần thông lấy được thì bát ấy thuộc về mình. Có một vị Tỳ-kheo dùng thần thông lấy bát về và bị Phật quở. Từ đó Ngài kiết giới cấm hiện thần thông để làm chuyện đó.
Lại cũng chuyện khất thực: Một buổi nọ, một vị Tỳ-kheo đi vào nhà cư sĩ để khất thực, gặp nữ nhân. Nữ nhân thấy vị này tướng mạo oai nghi và đẹp trai nữa nên cô ta dùng thủ đoạn chiếm đoạt vị này. Cô nói là phải làm như cô bảo, nếu không cô sẽ lấy móng tay tự quào cho rách mặt rồi vu cho thầy có ý xâm phạm thân thể cô. Vị này khiếp quá và vùng bỏ chạy. Chạy ra đường gặp chồng cô trở về hỏi: sao thầy chạy dữ vậy? Sinh nghi, liền mời thầy trở lại nhà. Vào nhà thấy vợ mặt máu me ruớm ra và nói: Thầy ấy vào nhà và đòi làm chuyện phi pháp, em không chịu nên bị thầy quào rách mặt. Nhìn lại thấy vị thầy có móng tay rất dài nên cũng sinh nghi, và cũng bị chồng cô ta cho một trận đòn nhớ đời. Nghe chuyện như vậy, các Tỳ-kheo về bạch Phật, Phật chế giới không được để móng tay dài… Chương nói về điều bộ là thuyết minh về các tội Thâu-lan-giá, Đột-kiết-la…
Tôi nói đại khái như vậy để các thầy, cô biết rằng, khi đức Phật diệt độ rồi, kiết tập Tam tạng mới có một bộ Luật, đó là Bát thập tụng luật. Nhưng sau này, vì hoàn cảnh biến thiên, đệ tử của Phật từ Bát thập tụng luật đó mới xê dịch thêm bớt mà tạo ra 5 bộ Luật như hiện có. Nội dung 5 bộ Luật khác nhau là khác về chi tiết, chứ các phần chính đều giống nhau.
Riêng Tứ phần luật, nội dung có 4 phần, nhưng 4 phần đó tóm tắt cũng chia ra hai phần mà thôi. Đó là phần giới chính của Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni thọ và trì tụng; phần thứ hai là nói về 20 Kiền-độ như đã nói ở trước.
34. Phân tích giới bổn.
Vì sao gọi là giới bổn? Đây là những giới bổn gốc, chính yếu của Luật tạng. Giới bổn của Tăng có 250, của Ni có 348 giới. Ngoài giới bổn, còn có phần Kiền-độ, dịch âm chữ Khandha, có nghĩa là nhóm, thiên, chương.
Phân tích giới bổn gồm có 8 mục, 250 giới chia 5 thiên và 7 tụ.
Năm thiên:
1. Ba-la-di có 4 giới.
2. Tăng tàn có 13 giới.
3. Ba-dật-đề gồm 30 xả đọa, 90 đơn đọa.
4. Đề-xá-ni có 4 giới.
5. Đột-kiết-la gồm 100 chúng học, 7 diệt trá nh .
Bảy tụ:
1. Ba-la-di.
2. Tăng tàn.
3. Thâu-lan-giá.
4. Ba-dật-đề.
5. Đề-xá-ni
6. Ác tác.
7. Ác thuyết. } Đột-kiết-la.
Năm thiên là nương ở chỗ tội nặng nhẹ của tội quả. Bảy tụ là những loại tụ căn cứ ở tội chính và nguyên nhân của nó. Thâu-lan-giá là phương tiện tội, tức tội nhân của Ba-la-di và Tăng tàn. Ác tác là tội nhẹ thuộc về thân. Ác thuyết là tội nhẹ thuộc về khẩu.
Đó là chia theo Tiểu thừa giới. Riêng Phạm Võng giới, chia hai thiên và ba tụ:
Hai thiên:
– 10 giới trọng.
– 48 giới khinh.
Ba tụ:
…nhiếp luậl nghi giới (giới lìa ác).
…nhiếp thiện pháp giới (giới hành thiện).
…nhiếp chúng sinh giới (giới hóa tha).
35. Giải thích 4 Ba-la-di.
Bốn Ba-la-di: Ba-la-di, Phạn tự là Pàràjika, Trung Hoa dịch là khí–bỏ vứt ra ngoài Tăng chúng. Tội Ba-la-di có 4, là 4 tội phạm vào thì coi như bị bỏ đi, vứt đi. Mắc 4 tội này coi như bỏ ra ngoài Tăng chúng, vì vậy gọi là khí (vứt bỏ). Phạm tội này gọi là bất cọng trú tức không được phép tham dự tất cả công việc của Tăng. Luận Du-già-sư-địa cho rằng, khi phạm 4 tội này gọi là tha thắng–tức khi phạm tội này thì bị ma thắng. Vì sao? Vì người tu sĩ ví như một chiến sĩ chiến đấu với 4 thứ ma: ma phiền não, ma ngũ ấm, ma chết, ma trời Họ đánh bằng khí giới gì? Họ chiến đấu bằng cách hành trì giới luật. Khi người tu sĩ không trì giới, không giữ giới thì thua bốn thứ ma đó, như vậy là ma thắng. Do đó, phạm bốn Ba-la-di cũng gọi là phạm tha thắng. (Tha là kẻ khác, thắng là hơn). Phạm tội để kẻ khác hơn gọi là tha thắng. Nếu phạm tội này thì ma hơn, còn phạm tội dưới tội đây thì còn giằng co, chưa phân thắng bại.
36. Giải thích 13 Tăng tàn.
Mười ba Tăng tàn: Phạn tự là Sanghà-vasena, phiên âm là Tăng-già-bà-thi-sa, Trung Hoa dịch Tăng tàn. Tăng tàn có hai nghĩa:
a. Nghĩa thứ nhất: Giới luật là tính mạng của Tăng. Khi phạm Ba-la-đi coi như chết hẳn. Còn nếu phạm Tăng tàn thì như một người chết mà chưa chết hẳn, mới hấp hối thôi; nếu cấp cứu kịp thời, gặp thầy hay thuốc tốt thì có thể cứu được.
b. Nghĩa thứ hai: Phạm giới này nếu đủ 20 Tỳ-kheo hợp lại kiết-ma đúng pháp, cho họ sám hối thì có thể tiêu diệt được tội này, nên gọi là Tăng tàn. Trong Căn bản nhất thiết hữu bộ gọi là Chúng giáo. Chúng là chúng Tăng, giáo là giáo dục. Chúng giáo có nghĩa phải có 20 vị Tăng giáo đục cho, cho sám hối thì mới hết tội.
37. Giải thích 2 Bất định.
Hai Bất định: Vì sao gọi là hai Bất định? Vì không dứt khoát tội đó là Ba-la-di hay Tăng tàn hay Ba-dật-đề. Nó có thể thành tội Ba-la-di hay tội Tăng tàn hoặc Ba-dật-đề theo lời trú tín Ưu-bà-di, là vị nữ cư sĩ có lòng tin thanh tịnh kiên cố, không nhất định nên gọi là Bất định. Hai tội này chỉ liên hệ giới bất dâm, chứ không liên hệ các giới khác.
38. Giải thích 30 Xả đọa.
Ba mươi tội Xả đọa. Phạn tự là Nissagiya-pàcittiya, Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề là phiên âm, Trung Hoa dịch là Xả đọa.
Tội xả và tội đọa. Loại tội này là chỉ các Tỳ-kheo, đồ dùng đó mà khi phạm vào là trái phép thì phải đọa. Muốn sám hối tội đó thì phải ở giữa chúng hoặc đối một người mà xả đồ vật lấy dùng trái phép trước rồi sám tội sau.
Nói cách khác, khi đề cập đến tội xả đọa là các vật sở hữu của Tỳ-kheo như y, bát, tọa cụ lại không làm thủ tục tác pháp thì phải làm phép xả vật, xả tội, chừa bỏ tâm lý chứa chấp, tàng trữ tài vật để khỏi đọa lạc. Nó gồm 30 giới, ai phạm, nên đưa các phẩm vật ấy ra giữa Tăng, từ bốn vị trở lên để xả và đối trước một vị Tỳ-kheo để nói tội và xin sám hối.
39. Giải thích 90 Ba-dật-đề.
Ba-dật-đề (Pàcittiya), Trung Hoa dịch là đơn đọa. Nó liên quan đến các tội tiểu vọng ngữ, cố ý sát hại côn trùng, cùng với nữ nhân đi chung đường v.v… gồm có 90 đơn đọa là tội không dính dáng gì đến vật dụng hết. Phạm thì bị đọa thôi, không cần xả, nên gọi là đơn đọa.
40. Giải thích 4 hối quá pháp.
Bốn hối quá pháp, Ba-la-đề Đề-xá-Ni (Pàtidesanniya), Trung Hoa dịch là Hướng bỉ hối. Phạm tội này chỉ hướng tới một Tỳ-kheo khác, nói rõ lỗi lầm đã phạm và xin sám hối. Tóm lại là tội nhỏ, có thể hối cải, người phạm có thể nói tội với một Tỳ-kheo khác mà xin sám hối.
41. Giải thích 100 học pháp.
Một trăm học pháp. Phiên âm Phạn tự là Thức-xoa-ca-la-di (Sikkhà Karaniya), Trung Hoa dịch là Chúng học. Chúng học pháp là những pháp cần nên học. Như các sinh hoạt hằng ngày, các oai nghi nhỏ nhặt… Pháp này
chủ yếu là tự trách lấy mình. Đây là tội nhỏ nhặt, tội khó giữ nhưng hết sức dễ phạm. Khi biết phạm thì tự trách lấy mình để ăn năn, tự hứa lần sau không tái phạm là đủ.
42. Giải thích 7 Diệt tránh.
Bảy Diệt tránh pháp, tiếng Phạn là Adhikaramásama-thàdharmàh, Trung Hoa dịch là Diệt tránh pháp. Tức bảy phương pháp trị tội hay bảy cách thức để chấm dứt sự tranh cãi giữa chúng Tăng.
Phạm 100 học pháp và bảy Diệt tránh kết vào tội Đột-kiết-la, chỉ tâm niệm sám hối, học tập là đủ Riêng về Tỳ-kheo-ni, Phật ưu đãi hơn:
1. Ba-la-di không phải bốn, mà là tám.
2. Tăng tàn không phải 13 mà là 17.
3. Xả đọa bằng nhau.
4. Đơn đọa không phải 90 mà là 178.
5. Hối quá không phải 4 mà là 8.
6. Một trăm học pháp giống nhau.
Cộng tất cả là 348 giới. Chưa hết, Ngài còn trao thọ mạng Phật pháp cho Ni nữa. Đặc biệt là Ni có 8 kỉnh pháp, nhưng Tăng thì có nhị bất định, còn Ni thì không. Như vậy, Ni hơn 8, Tăng hơn 2. Ni thì có ngũ thiên lục tụ.
43. Tánh giới và già giới.
Vì sao gọi là tánh giới và vì sao gọi là già giới? Chữ này trong kinh Niết-bàn có cắt nghĩa khá rõ. Những việc đó tự tánh nó là tội. Thí dụ, nói láo là tội nặng. Luân lý thế gian còn không chấp nhận việc nói dối, dầu rằng trong thiên hạ không ai là không có nói láo. Khi dạy luân lý, người ta khuyên không nên nói láo. Vì sao? Vì nói láo là có tội, tự tánh nó là vậy. Có luân lý nước nào dạy nên ăn trộm đâu, mặc dầu trong xã hội đó ăn trộm tràn lan, vì ăn trộm nó thuộc về tánh tội. Cái mà bản tính nó là tội, thì dầu tu hay không tu, xuất gia hay tại gia, người người đều cho là có tội, cho nên gọi là tánh tội. Tuy nhiên, khác với thiên hạ là, một người tu sĩ khi đã phát nguyện trước đức Phật xin giữ giới đó, nếu vị đó phạm thì có tội phạm giới, còn đối với người không phát nguyện thì gọi là phạm tội chứ không phạm giới. Còn nếu họ ăn cắp, nói láo, bất quá là phạm luật pháp thế gian mà thôi. Giết người có ai chấp nhận không? Thế gian hoặc xuất thế gian cũng đều cho đó là tội ác; còn biện minh cách này cách khác, thì đó cũng chẳng qua một cách chạy bớt tội mà thôi. Cơ bản, giết người là có tội, nên gọi là tánh tội.
Già tội có hai nghĩa: a. Ngăn sự cơ hiềm của thế gian; b. Ngăn sự phạm trọng giới.
a. Thế nào là ngăn sự cơ hiềm của thế gian?
Thí dụ, làm một tu sĩ mà ở trần đi qua đi lại ngoài đường chắc chắn bị thế gian chê cười, mặc dầu không ăn cắp, không ăn trộm, không nói láo. Cho nên đã làm tu sĩ thì phải ăn mặc nghiêm chỉnh, đi đứng ngay thẳng, ăn nói chững chạc và dịu dàng để ngăn sự cơ hiềm của thế gian.
b. Thế nào là ngăn sự phạm trọng giới?
Thí dụ: uống rượu không phải là phạm tánh tội, song khi có rượu vào dễ làm cho loạn trí, kích thích phạm các trọng tội. Vậy, ngăn sự uống rượu là một cách ngăn sự phạm trọng tội.
44. Các yếu tố kết thành tội.
Mỗi loại tội, muốn kết nó là tội phạm thì phải có các yếu tố tạo thành. Thí dụ tội sát sinh, phải có đủ 5 yếu tố mới thành tội:
1. Đó là một vị Tăng hay Ni, giữ giới đủ, chưa xả giới.
2. Đối tượng sát sinh là người, không phải phi nhân hay vật.
3. Tưởng đúng đó là người. Còn khi tâm không bình thường, người mà tưởng là ma, quỉ thì không được.
4. Có ý cố sát.
5. Đã giết người đó mất mạng rồi.
Đủ năm yếu tố mới kết thành tội Ba-la-di về sát sinh. Giả sử trong đó đủ bốn yếu tố, còn một yếu tố không đúng, thí dụ người mà tưởng là phi nhơn, thì chỉ mắc tội thượng phẩm độc đầu Thâu-lan-giá, chứ không kết vào tội Ba-la-di.
Tội đại vọng ngữ: muốn kết tội này trước hết đó là Tỳ-kheo như pháp, còn Tỳ-kheo không như pháp thì không thành tội đại vọng ngữ. Người không có pháp Tỳ-kheo thì dù họ có nói tôi bay lên trời hay chui xuống đất, có xưng gì đi chăng nữa thì cũng không mắc tội đại vọng ngữ. Nhưng nếu Tăng, Ni có thọ giới Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni mà nói thì mắc tội đại vọng ngữ. Thứ hai, đối với đối tượng mình nói, họ phải hiểu, nếu không hiểu thì cũng không kết tội được. Thí dụ: mình nói với người khác, mình chứng A-la-hán rồi, nhưng họ không biết A-la-hán là gì thì cũng không kết tội mình đại vọng ngữ được. Các giới khác cũng phải đủ các yếu tố mới thành tội chứ không riêng hai giới này mà thôi.
Trong các tội trên vừa nêu, tội Ba-la-di là bất khả cứu, nặng lắm rồi, như bịnh ung thư giai đoạn cuối cùng đang chờ đợi tử thần. Còn tội Ba-dật-đề, Đề-xá-Ni, Chúng học pháp, xem như bịnh đau đầu sổ mũi, không có gì phải nguy cấp cả. Chỉ có tội Tăng tàn hơi dây dưa một chút, nó đang nằm giữa làn ranh sống và chết. Phạm tội này có tính chất phức tạp. Phạm Tăng tàn, trong mười ba giới thì có bảy giới là đơn độc phạm, còn sáu giới kia thì phải có chúng Tăng tham dự. Ví dụ: tội Tăng tàn thứ sáu, vô chủ tự vị kỷ tác ốc. Nghĩa là không có vị thí chủ nào làm nhà cho mà tự mình làm lấy thì phải trình với chúng Tăng để Tăng chỉ chỗ cho mà làm. Nếu không trình mà làm quá lượng thì phạm Tăng tàn, vì có liên hệ người khác, chứ không đơn độc làm là phạm liền. Trường hợp trên nếu không có chúng Tăng mà ở đơn độc một mình thì không phạm. Nếu có Tăng chỉ chỗ mà mình làm quá lượng thì mới phạm. Trường hợp không có Tăng nào chỉ chỗ mà làm thì không phạm. Cho nên có liên hệ với người khác. Hoặc tội thứ bảy: Hữu chủ vị kỷ tác. Nghĩa là có thí chủ làm cho mình nhưng mình cũng phải nhờ Tăng chỉ chỗ vô nạn xứ, vô phòng xứ, nếu không nhờ Tăng chỉ chỗ vô nạn xứ, vô phòng xứ mà cứ tự ý làm thì phạm Tăng tàn. Vì nó có liên hệ với người khác. Còn bốn tội Tăng tàn khác là tội thứ mười, mười một, mười hai, mười ba thì phải qua ba lần Tăng kiết-ma can gián. Nếu làm mà chưa có can gián thì không phạm. Nếu mới can gián một lần. hai lần mà bỏ thì phạm Thâu-lan-giá, chứ chưa thành tội Tăng tàn thật sự. Đó cũng có liên hệ người khác. Nếu không ai can gián mà làm thì phạm tội Thâu-lan-giá thôi. Còn khi phạm thì xử trị khác. Nếu như không che dấu mà tự phát lộ ra thì bị hành lục dạ Ma-na-đỏa. Nghĩa là sáu đêm làm một hạnh khiêm cung là hạ mình xuống để phục vụ các vị thanh tịnh Tăng khác, tự mình hoan hỷ làm chuyện đó và làm như vậy để chúng Tăng hoan hỷ, gọi là duyệt ý, ý hỷ, nên gọi lục dạ Ma-na-đỏa là lục dạ ý hỷ. Theo kiết-ma cũng gọi là hạ ý kiết-ma hay là chiết phục kiết-ma chứ không phải là kiết-ma vĩnh tấn (mặc tẩn). Đó là tự phát lộ chứ không che dấu, không phú tàng. Còn trường hợp phú tàng, phạm Tăng tàn mà che dấu, thì tùy theo số ngày phú tàng mà phạt biệt trú. Nếu che dấu tội Tăng tàn hai ngày thì phạt hai ngày biệt trú, ba ngày, bốn ngày… thì phạt ba và bốn ngày biệt trú… Tóm lại che bao nhiêu ngày phạt bấy nhiêu ngày. Trong khi biệt trú không được làm 35 việc là không được thọ giới cho người, không được làm y chỉ cho người… nếu biệt trú nửa chừng mà phạm lại thì bắt biệt trú lại từ đầu, gọi là bổn nhật trị.
Trường hợp phá hòa hợp Tăng. Khi có người phá hòa hợp Tăng thì các vị Tỳ-kheo cũ, hay các vị Tỳ-kheo khuyên can bỏ, nếu khuyên can không bỏ thì đưa ra giữa chúng ba lần kiết-ma, ba lần can. Nếu mới tác bạch một cho tới hai lần mà bỏ thì phạm Thâu-lan-giá, đủ ba lần can mà không bỏ thì phạm Tăng tàn. Người bạn đảng với người phá hòa hợp Tăng cũng ba lần can gián như vậy mà không bỏ mới phạm Tăng làn. Người hành Ô tha gia hành ác hạnh, đã ba lần can gián mà không bỏ mới phạm Tăng tàn; hoặc ác tánh bất thọ nhân ngữ, khuyên mấy cũng không nghe, thì đưa ra giữa chúng Tăng, ba lần kiết-ma can gián mà không nghe mới phạm Tăng tàn. Như vậy, bốn tội này là có liên hệ với chúng mới phạm.
Tóm lại, trong trường hợp ba tội Tăng tàn, sáu tội có liên hệ với người khác mới thành tội, còn nếu không liên hệ thì không thành tội. Thí dụ: như phạm Tăng tàn mà không có ai can gián thì chỉ phạm Thâu-lan-giá mà thôi. Phạm Thâu-lan-giá thì chỉ đối trước bốn người sám hối, ba người hay hai người tùy theo tội nặng nhẹ. Nó không dứt khoát phải đủ 20 Tăng thì mới sám hối được. Trường hợp tìm ra 20 Sư họp lại cũng khó, lẽ tất nhiên Sư phải đàng hoàng, còn Sư bị Tăng tàn không sám cũng không sao. Trong Luật cũng có mặt sám hối khác không cần phải đủ 20.
45. Sáu trường hợp đặc biệt đối thủ sám tội Tăng tàn.
Luật Căn bổn Tát-bà-đa bộ Luật Nhiếp quyển 4 có nói rằng: Có sáu hạng người phạm tội Chúng giáo (tội Tăng tàn) có thể đối với một Tỳ-kheo mà nói lên tội của mình thì được thanh tịnh. Điều này đặc biệt, lâu nay ít nghe. Sáu hạng người đó là ai?
1. Là người thông hiểu Kinh tạng.
2. Là người thông hiểu Luật tạng.
3. Là người thông hiểu Luận tạng.
Nếu ba hạng người này rủi có phạm Tăng tàn thì có thể du di một chút, chứ họ thấu hiểu Kinh, Luật, Luận đâu phải hạng tầm thường. Xét ra, họ cũng có sự tu hành kiên trì, chí nguyện cũng cao cả như thế nào mới thông thạo Kinh, Luật, Luận như vậy chứ, còn nếu biếng nhác, ăn chơi thì thông hiểu Kinh, Luật, Luận sao được. Thành thử với hạng này không thể bắt phải trước hai mươi Sư để xin sám hối (nên nhớ kết tội thì có thể bốn người mà xuất tội Tăng tàn thì phải đủ hai mươi). Họ chỉ cần đối trước một vị Sư thanh tịnh nói tội của mình ra thì được thanh tịnh.
4. Là hạng người có biết tính hổ thẹn, biết tàm quí, không phải ù lì, ương ngạnh, có tội mà dương dương tự đắc.
Hạng người này có tội là xấu hổ lắm, nên khi phạm tội Tăng tàn cũng không buộc trước hai mươi Sư xuất tội mà có thể một vị Sư thanh tịnh sám hối, nói lên tội của mình là thanh tịnh. Chúng ta biết hạng người biết xấu hỗ nếu khi họ biết lỗỉ của họ bị đem ra nói giữa chúng Tăng đông đảo như vậy, họ xấu hỗ có thể tự tử, bỏ giới hạnh thôi tu ngay.
5. Là hạng Thượng tọa Trưởng lão (Trưởng lão trong chúng). Ở trong chúng mà có một vị Trưởng lão lớn nhất thì tất nhiên vị này cũng đã dày công tu học như thế nào, mới được tôn xưng là Trưởng lão. Còn ăn rồi đi chơi rong thì ai tôn lên Thượng tọa Trương lão? Như vậy nếu có lỡ phạm Tăng tàn thì có thể đối với một vị Tăng thanh tịnh sám hối thì hết tội. Chứ còn một vị Thượng tọa Trưởng lão trong Chúng đem ra giữa Chúng, mà Chúng đều là hạ tọa là đệ tử, mặc dầu không phạm Tăng tàn mà xin sám hối với hạ tọa, sám sao được. Việc này trong luật cũng có châm chước, có công có tội cũng phải cân nhắc, chứ làm ông Thượng tọa Trưởng lão tu cũng bạc đầu, và phải có trình độ mới tới mức đó, lỡ có phạm đem ra xử cũng khó, vả lại chúng Tăng còn nương nhờ nơi ông nhiều chuyện lắm.
6. Là hạng người đại phước đức. Đức Phật có nói rằng: Có trường hợp lấy một nắm muối bỏ vô trong chén nước, chén nước mặn uống không được. Truờng hợp đó y như trường hợp người có ít việc thiện quá, bây giờ họ làm một việc ác thì hẳn cũng lây ác luôn, như nước mặn uống không được. Nhưng cũng có trường hợp lấy một nắm muối bỏ lrong một cái bể nước, hồ nước hay biển nuớc, nước đó vẫn uống được. Trường hợp người đại phước đức cũng y như thế, y như biển nước đó. Bây giờ lỡ có phạm Tăng tàn như bỏ một nắm muối, nó cũng không làm cho biển nước đó uống không được, mà vẫn dùng được như thường. Đại để, nó có ý nghĩa như thế.
6. Sáu trường hợp tâm niệm sám diệt tội Tăng tàn.
47. Sám hối tội Ba-la-di và Tăng tàn.
48. Sám hối tội Thâu-lan-giá.
49. Sám hối tội Ba-dật-đề, Đề-xá-Ni, Đột-kiết-la.
50. Mười tám việc đưa đến phá hòa hợp Tăng: phá kiết-ma Tăng, phá Pháp
luân Tăng
46. Sáu trường hợp sám diệt tội Tăng tàn.
Lại có một bổn khác trong Hành Sự Sao quyển hạ, nói ý hơi khác một chút. Cũng nói có 6 hạng người phạm Tăng tàn có thể tâm niệm sám (bên Căn Bổn Tát-bà-đa bộ thì đối thủ sám) của Đạo Tuyên luật sư, Tổ sáng lập Luật tông viết.
1. Hạng Thượng tọa phạm Tăng tàn. Khi thấy như thế các người khác sinh tâm kiêu mạn, tức họ cũng có lỗi, cũng mất nhờ, cho nên đức Phật nói: nếu Thượng tọa đó nhất tâm sinh niệm sám hối thì được thanh tịnh
2. Hạng Thượng Tọa mà cả Tăng, tục thiện hữu đa số điều biết tiếng tăm. Đối với hạng này nếu có phạm Tăng tàn cũng không xử như người khác, đem ra giữa chúng Tăng đủ hai mươi Tăng xuất tội, mà họ có thể tâm niệm sám thì được thanh tịnh.
3. Hạng đa tàm quý. Là hạng người mà động tịnh gì là biết tàm quý, nếu đem ra giữa chúng Tăng đông đủ hai mươi Tăng xuất tội họ mắc cỡ có thể xả giới bỏ tu, hay có thể xấu hỗ chết đi thôi vì họ nhạy cảm. Nếu họ tâm niệm sám thì được thanh tịnh.
4. Là hạng người bịnh quá nặng, giữ không được, không đủ sức mà sám hối…
5. Là hạng người ở trú xứ một mình mà phạm Tăng tàn, không đủ 20 vị Tỳ-kheo thanh tịnh để cầu sám hối, mà đi qua xứ khác thì gặp giặc, bị giặc hại mà chết, tự nhiên mọi sự đều hết, nên họ có thể tâm niệm sám.
6. Là ở trong chúng Tăng của mình đang ở, không có ai thanh tịnh hết. Vị này biết lỗi, đi qua xứ khác tìm các vị Tăng thanh tịnh để xin sám hối, nhưng lo đi giữa đường bị giặc giết chết, sự việc cũng hết.
Sáu hạng này, đức Phật nói nhất tâm sinh niệm như pháp sám hối thì người đó được thanh tịnh, khi chết được sinh Thiên thượng.
47. Sám hối tội Ba-la-di và Tăng tàn.
Chúng của Phật có chúng 20 người, có chúng 10 người, có chúng 4 người, có chúng 3 người, có chúng 1 người và tự tâm sám. Chúng 10 là chúng khi thọ Đại giới. Trong giới của Phật chế, thì tội Ba-la-di là tội nặng nhất. Muốn sám hối thì phải sám với 20 người. Nhưng nói tội Ba-la-di mà sám hối với chúng 20 người được sao? Vì Ba-la-di là tội bất khả sám. Nhưng khi nói sám với 20 người là trường hợp người phạm biết ăn năn hối hận, nếu bắt tội không cho sám thì họ có thể buồn nản và tự tử. Họ thương chiếc áo Ca-sa, ưa đời sống tu sĩ quá, vì vậy khi phạm họ cũng rất ăn năn hối hận. Trường hợp này luật cũng cho phép họ học pháp Ba-la-di. Người muốn học pháp Ba-la-di cũng đối trước chúng Tăng 20 người để xin phép và chúng Tăng 20 người kiết-ma cho phép học pháp Ba-la-di. Khi được phép rồi vẫn không được tham dự Tăng sự, chỉ được giữ hình thức tu sĩ ở trong chùa. Trường hợp sám với 20 người là trường hợp này, nên chỉ dành cho Tăng chứ Ni không có chuyện sám này.
Muốn sám hối lội Tăng tàn thì sám hối với ai? Tăng phạm tội Tăng tàn, nếu không che dấu thì trong sáu đêm hành Ma-na-đỏa, phải sám hối trước Tăng 4 vị trở lên. Còn Ni thì trong 15 hôm hành Ma-na-đỏa, phải sám hối trước hai bộ Tăng, mỗi bộ 4 vị trở lên. Khi tác pháp xuất tội, thì phải đủ 20 vị Tăng xuất tội cho Tăng, và 20 Tăng, và 20 Ni xuất tội cho Ni. Nếu thiếu thì tội Tăng tàn không hết.
48. Sám hối tội Thâu-lan-giá.
Muốn sám hối tội Thâu-lan-giá thì sám với ai? Tùy theo thượng phẩm, trung phẩm, hạ phẩm Thâu-lan-giá mà sám. Thượng phẩm sám với 20 người, trung phẩm sám với 4 người, hạ phẩm sám với 3 người. Tội này thì sám hối được.
49. Sám hối tội Ba-dật-đề – Đề-xá-Ni – Đột-kiết-la.
Sám hối tội Ba-dật-đề thì trước một người, Đề-xá-ni cũng vậy. Còn tội Đột kiết la sám hối với ai? Không sám hối với ai hết, mà khi xảy ra, mình tự trách lấy lòng mình thôi. Thí dụ, khi mình làm điều gì đó biết là sai, nghĩ rằng: Tôi ăn năn quá, bậy quá, mình làm điều đó sai quá, sau này không nên làm nữa. Thế là hết tội.
Muốn sám hối thì phải tìm vị Tỳ-kheo nào không có tội mà sám, còn tìm những vị có tội mà sám thì cá mè một lứa, coi như huề, không sám chi hết.
Tăng, Ni là chúng xuất gia, Ni có nhiều giới hơn. Cho nên có những giới Ni, Tăng đồng nhau, nhưng cũng có những giới Ni, Tăng khác nhau. Phạm cũng như thế. Trong giới sát, đạo, dâm, vọng, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni phạm thì ghép vào tội Ba-la-di, còn Sa-di, Sa-di-ni phạm thì tội Đột kiết la, đuổi ra khỏi chùa mà thôi. Vì Sa-di, Sa-di-ni không cùng cọng trú kiết giới, cho nên có phạm cũng không gọi là phạm tội bất cọng trú, chỉ không cho thọ giới tiếp mà thôi.
50. Mười tám việc đưa đến phá hòa hợp Tăng.
Trong Học pháp có một giới cần phải nhận định rõ, là giới phá hòa hợp Tăng. Tăng từ 4 vị trở lên, không biệt chúng mà đồng một kiết-ma, đồng thuyết một giới, gọi là Tăng hòa hợp. Có 18 việc dẫn đến sự phá Tăng hòa hợp:
1. Pháp nói là phi pháp (như Tám thánh đạo là con đường duy nhất đưa đến Niết-bàn, lại cho không phải hoặc không duy nhất).
2. Phi pháp nói là pháp (trái với trên).
3. Luật nói là phi Luật (Tám thánh đạo là nền tảng của Luật, lại nói là không phải. Hoặc bốn Thánh chủng là Luật, lại cho là không phải Luật).
4. Phi Luật nói là Luật (trái với trên).
5. Phạm nói là không phạm.
6. Không phạm nói là phạm.
7. Phạm khinh nói là phạm trọng.
8. Phạm trọng nói là phạm khinh.
9. Phạm hữu tàn nói là vô tàn (tàn là dư tàn; phạm những tội có thể sám hối là hữu tàn, còn tội Ba-la-di không thể sám hối gọi là vô tàn).
10. Phạm vô tàn nói là tàn (trái với trên).
11. Tội thô ác nói là phi thô ác.
12. Tội phi thô ác nói là thô ác.
13. Thường sở hành nói là phi thường sở hành (pháp thường sở hành chỉ cho tám Thánh đạo, pháp phi thường sở hành chỉ cho 5 điều của Đề-bà-đạt-đa).
14. Phi thường sở hành nói là thường sở hành.
15. Chế nói là phi chế (Điều luật Phật cấm chế nói là không phải cấm chế).
16. Phi chế nói chế (trái với trên).
17. Thuyết nói là phi thuyết (những điều do chính Phật dạy nói là không phải).
18. Phi thuyết nói là thuyết.
Duyên khởi từ Đề-bà-đạt-đa.
Trong Luật nói phá Tăng có hai thứ: Phá kiết-ma Tăng và phá pháp luân Tăng.
– Phá kiết-ma Tăng: Là ở cùng trong một giới, tách ra để Bố-tát riêng, hoặc phá không để cho Tăng kiết-ma.
– Phá pháp luân Tăng: Pháp luân gọi là Bát chánh đạo… Phật chuyển Pháp luân, chuyển Tứ đế, Bát chánh đạo pháp luân. Bây giờ khiến Tăng bỏ Bát chánh đạo của Phật để nhập vào tà đạo gọi là phá pháp luân Tăng. Trường hợp phá pháp luân Tăng phạm tội ngũ nghịch, nhưng nó là tội khả hối, chứ không phải là tội Ba-la-di, mà là tội Tăng tàn. Còn phá kiết-ma Tăng không phải tội ngũ nghịch mà là tội khả sám thuộc Thâu-lan-giá. Phá pháp luân Tăng ít nhất là phải có chín người. Trong chúng 9 người đó tách ra 5 người, một người xưng là Phật và đưa ra một giáo thuyết khác với Phật, bốn người kia phụ họa theo giáo thuyết tự xưng là Phật đó. Như vậy là họ phá chúng Tăng đang nghe theo pháp luân của Phật nên gọi là phá pháp luân Tăng. Phá pháp luân Tăng chỉ xảy ra khi Phật còn tại thế. Còn sau khi Phật nhập diệt không còn nạn phá phá pháp luân Tăng nữa. Dầu các Tổ bên Trung Hoa có lập ra tông này phái nọ, không phải là phá pháp luân Tăng, bởi vì các Tổ đều tôn Phật làm giáo chủ. Thứ đến, như hiện nay bà Thanh Hải tự xưng là Vô thượng sư hay ở nước ta có người tự xưng là U minh giáo chủ, hay là gì gì đi nữa cũng không thành vấn đề, vì họ không phải là Tỳ-kheo, nên cũng không phải là phá pháp luân Tăng, vì họ có thành Tăng đâu mà gọi là phá Tăng. Phá pháp luân Tăng là Tỳ-kheo Đề-bà-đạt-đa đi tranh với Phật, rủ thêm bốn người là Tỳ-kheo Tăng-bạt, Kiển-trà-bạt-đà, Câu-bà-li, Ca-lưu-đề-xá với thầy (tức Đề-bà-đạt-đa) là năm, kết bạn với nhau, khất thực từ nhà nọ đến nhà kia. Phật nói các thầy không được biệt chúng khất thực như vậy, Tỳ-kheo Đề-bà-đạt-đa tức giận mà nói: “Như lai Sa môn đã chặn đứng miếng ăn của người khác cho nên thầy rắp tâm phản, tách riêng thành chúng và xướng lên 5 pháp khác với Phật, cho hơn Phật”.
– Thứ nhất: Phật chế: Thường hành khất thực, thứ đệ khất thực, nếu có ai mời ăn thì chấp nhận, nếu có ai hỷ cúng cũng chấp nhận. Bây giờ Đề-bà-đạt-đa làm trái lại lời Phật. Thầy chủ trương ai cúng cũng không ăn, ai mời thọ thực cũng không nhận, ai cho thầy cũng không lấy, chỉ có đi khất thực mà ăn thôi.
– Thứ hai: Phật chế: Phấn tảo y, tức y lượm vải vứt bỏ ở bãi tha ma, đem về tẩy rửa cho sạch mà may y. Tuy nhiên, nếu có ai cúng y cũng nhận lãnh. Bây giờ thầy chủ trương: phấn tảo y là y chính, còn ai cúng y mới thầy cũng không nhận.
– Thứ ba: Phậl chế: Lộ địa tọa hay thọ hạ tọa, nhưng nếu có ai cúng tinh xá, cúng chùa thì cũng ở. Thầy nói không được, thầy chỉ ngồi đất trống hay dưới gốc cây mà thôi. Còn nếu ai cúng chùa, tinh xá, giảng đường thầy cũng không nhận.
– Thứ tư: Phật chế: Không được ăn bơ, dầu để cách đêm. Thầy nói không cách đêm cũng không được ăn.
– Thứ năm: Phật chế: Tùy thí đắc thực, được phép thọ tam tịnh nhục là bất kiến, bất văn, bất nghi (tức không thấy người ta giết, không nghe tiếng kêu của vật bị giết và không nghi người ta giết để cúng cho mình). Thầy chủ
trương, dầu có cúng cũng không ăn.
Năm pháp đó ngược lại bổn ý của Phật. Thầy chế ra giới của thầy không dính gì với Bát chánh đạo. Bát chánh đạo là Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định. Phật cho tu như vậy mới đắc đạo, nhưng thầy nói tu như thầy mới đắc đạo, bằng cách chế năm đỉều như trên, không cần Bát chánh đạo. Thầy chế ra một giáo thuyết và thầy tự xưng Phật, nên thầy bị ghép vào tội phá pháp luân Tăng. Nhưng tội đó theo Luật là tội Tăng tàn. Nếu phá như vậy mà không ai can ngăn cả, cũng không phải là tội Tăng tàn. Tội Tăng tàn như trong Luật nói là nếu có bạch tứ kiết-ma can gián xong, mà thầy không bỏ mới mắc tội, nhưng mới bạch nhị kiết-ma mà thầy bỏ thì chỉ phạm Thâu-lan-giá. Có những trường hợp làm nhưng không phạm là trường hợp mới ngăn đã bỏ. Thứ hai là khi Phật chưa chế giới đó. Thứ ba, nếu chúng Tăng muốn kiết-ma một tội nào mà phi pháp biệt chúng kiết-ma, phi pháp hòa hiệp chúng kiết-ma, như pháp biệt chúng kiết-ma, như pháp tương tợ biệt chúng kiết-ma, như pháp tương tợ hòa hợp chúng kiết-ma, thì đều vấp phải kiết-ma phi tướng, dầu có 3 lần khuyên, mà vì kiết-ma không đúng đó, kết tội cũng không thành.
Cho nên bên xử tội phải đúng tư cách một ông Luật sư làm đủ thủ tục mới kết tội được, trái lại, không phải là Luật sư, làm không đúng thủ tục thì lại càng không kết tội người ta được, mặc dầu người đó có tội. Ví dụ, nếu thầy là ông Tăng, thầy đang sửa soạn phá hòa hợp Tăng, nhưng tôi chặn hành động phi pháp ấy lại dầu tình giữa thầy và tôi có sức mẻ, cũng không gọi là phá Tăng. Hoặc kết tập một, hai, ba người làm kiết-ma để phá Tăng, cũng không gọi là phá Tăng, vì không đủ 5 người. Hoặc phá những kẻ ác tri thức, những người muốn làm tổn hại hay sắp sửa làm tổn hại cho Tăng, cho pháp, cho Hòa thượng, cho A-xà-lê, làm cho mất chỗ ở, cũng không gọi là phá Tăng.
Phá pháp luân Tăng này, bất kỳ Tăng cùng ở nội giới, ngoại giới đều phá được hết. Còn phá kiết-ma Tăng là cùng ở trong một giới mới phá kiết-ma Tăng được. Phá pháp luân Tăng chỉ có Tỳ-kheo, còn Ni không phá được, vì Ni không làm Phật được, nên không phá được. Phá kiết-ma Tăng là phải ngồi chung lại kiết-ma, bỏ thăm, tách ra mới phá, chứ không phải tới ngày Bố-tát bỏ đi chơi gọi là phá Tăng. Thí dụ hôm nay có 20 người, mới vô giới trường 12 người, còn 8 người bỏ đi chơi. Tám người không vô đó gọi là phá được không? Không được. Khi nào ngồi lại bỏ thăm, có người xúi sử không chịu ngồi chung với nhau nữa, tách ra Bố-tát riêng biệt giới mới gọi là phá kiết-ma Tăng. Nếu có ai vô trong giờ Bố-tát mà la lối ồn ào cũng không phải là phá kiết-ma Tăng. mà chỉ phạm tội ô cấu Tăng, phá pháp lục hòa, phạm pháp nhưng không phạm giới. Nếu biết một số người muốn phá Tăng, thì các vị Tỳ-kheo nên can họ đừng phá, vì phá Tăng mang tội nặng lắm, bị đọa địa ngục, khổ sở vô cùng. Và dụ dỗ họ: Nếu thầy cần y tôi cúng y, cần áo tôi cúng áo, cần tứ sự cúng dường tôi xin cúng hết. Nếu thầy đó không chịu thì nên đến vị ưu-bà-tắc thân cận thầy đó, nhờ khuyên họ đừng phá Tăng mà mang tội, thôi đừng nên phá Tăng, nếu cần gì tôi xin cúng dường hết. Thậm chí, nếu thầy tu không được, thì tôi sẽ cưới vợ cho, nhưng thầy đừng phá Tăng. Thế cho hay, trong Luật nói, khi một người làm ông Tăng, Phật thấy quý lắm, vì thấy quý cho nên thầy lỡ có phạm giới thì cũng tìm đủ mọi cách để giải sự phạm giới của thầy, chứ không trị liền. Phải ba lần can gián đã, trước khi can gián thì phải nhờ ông này bà kia có thân có thế đến can đến khuyên, dụ dỗ vật chất khuyên đừng phá Tăng. Nếu tu không được thì tôi cưới vợ giúp đỡ, chứ đừng phá Tăng. Nếu cố tình không chấm dứt, thì bắt thăm, khu xuất ông đi ra khỏi chỗ ấy mà thôi. Khi đã đuổi ra khỏi địa phương ấy rồi thì phải xướng lên rằng: “Các Đại đức, ông phá Tăng đi đến chỗ đó nên thận trọng, chớ để cho người khác họ lầm, đi theo”. Cho nên, khi đã kiết-ma trục xuất thì ông đi đến đâu phải thông báo cho họ biết, để cảnh báo họ kẻo họ không biết chúng Tăng đuổi ông đó.
Nói tóm, có 2 cách phá hòa hợp Tăng:
1. Phá pháp luân Tăng: Trường hợp Đề-bà-đạt-đa phá pháp luân Tăng khi Phật tại thế. Sau khi Phật nhập diệt không có phá pháp luân Tăng. Cách thức phá là: tự xưng Phật riêng, có pháp riêng, không nghe theo pháp luân của Phật.
2. Phá kiết-ma Tăng: Trường hợp trong cùng một kiết giới, cùng một thuyết giới, cùng một kiết-ma, đồng giới. Tất cả mọi việc gì cũng cùng một kiết-ma hết. Nhưng bây giờ có người sinh sự, lập ra một nhóm tạo ra sự bất hòa, rồi đưa đến kiết-ma, tập hợp lấy biểu quyết kiết-ma tách ra làm hai nhóm, gọi là phá kiết-ma Tăng.
51. Thế nào là Tăng?
52. Đại giới.
53. Giới trường.
54. Thất diệt tránh.
55. Kiết-ma.
56. Điều kiện của kiết-ma.
51. Thế nào là Tăng?
Tăng, Phạn tự là Sangha, Trung Hoa dịch là hòa hợp chúng. Vắn tắt gọi là Tăng. Đức Thế Tôn sau khi thành đạo, sơ chuyển Pháp luân Tứ đế để độ cho 5 anh em Kiều-trần-như (Ajnata Kaudingha), A-thấp-bà (Asvlit), Bạt-đề (Bhadrika), Ma-ha Ma-nam (Màhamànan) và Thập-lực-ca-diếp (Dàshadakasypa). Ngôi Tam bảo hình thành từ đây. Về Ni, Phật đã độ cho Ma-ha Ba-xà-bà-đề (Maha Prajapati) và Công chúa Da-du-đà-la (Yasodara) cũng được Phật độ cho xuất gia, từ đấy Tỳ-kheo-ni bắt đầu hình thành.
Thường thường khi nói đến Tăng, in tuồng chỉ cho Tỳ-kheo, chư Tăng là chỉ cho Tỳ-kheo, chư Ni chỉ cho Ni bộ. Nói như vậy có hơi gượng ép, áp đặt. Thật ra chữ Tăng là nói chung hết. Đó là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni Tăng. Tăng có nghĩa là hòa hợp chúng. Chúng đây gồm 4 người trở lên. Chúng này phải hòa hợp, gọi là Tăng. Ni cũng vậy. Bên Tăng gọi là Tỳ-kheo Tăng, bên Ni gọi là Tỳ-kheo-ni Tăng. Khi gọi là Tăng, một người cũng gọi là Tăng thì không đúng. Một người sở dĩ gọi là Tăng vì họ ở trong đoàn thể bốn người trở lên, đồng giới, đồng thuyết giới, đồng kiết-ma… riêng một cá nhân thì gọi là Tỳ-kheo thôi. Cho nên, khi gọi Tăng là nhóm 4 người trở lên, còn gọi Đại đức Tăng có hàm ý tôn trọng toàn thể các vị xuất gia, các vị có tu hành, có giới hạnh.
52. Đại giới.
Trong Luật nói: Bên Tăng kiết giới rộng nhất là 10 Câu-lô-xá, tức khoảng 18 ki-lô-mét. Nếu ở giữa là giới trường thì bên này 9 km, bên kia 9 km để Tăng ở hai bên cùng tới dự Bố-tát cho tiện. Nếu vị nào sợ đi không kịp thì phải đi sớm để kịp Bố-tát. Còn phía bên Ni, kiết đại giới là một Câu-lô-xá, tức khoảng 1,8 km, đó là đại giới lớn nhất.
Còn đại giới nhỏ nhất là trong một già-lam. Thí dụ tại chùa Từ Đàm, tôi kiết một đại giới, nếu chúng Từ Đàm có 4 người trở lên thì nửa tháng phải thuyết giới. Sự thuyết giới đó có nghĩa rằng, với các vị Tăng cùng sống chung, nửa tháng phải họp mặt lại để kiểm điểm hành động của nhau, như giới mình thọ có giữ đúng không, phạm hay không phạm, nhắc nhở cho nhau trong vấn đề tu hành. Nếu có phạm phải lo sám hối. Cho nên nếu trong chùa có đủ 4 người trở lên, có thể kiết giới trường trong một già-lam để thuyết giới, mỗi nửa tháng là đúng Luật. Khi đã kiết giới rồi, đến giờ thuyết giới, nếu trong chúng hôm đó có ai vắng mặt, vì lý do gì, không dữ dục là mắc tội biệt chúng. Ở Hà Nội, chùa Quán Sứ và chùa Bà Đá cách nhau một ki-lô-mét, nhưng bên nào thuyết giới bên đó, chứ chư Tăng không đi qua lại. Khi chùa có vị khách Tăng đến ở trọ, gặp ngày thuyết giới, vị khách đó coi như đồng thuyết giới với chúng Tăng đó. Nếu vị Tăng không thuyết giới và không nói dữ dục thì coi như biệt chúng. Vì vậy, tôi và Hòa thượng Minh Châu ra công tác Phật sự tại Hà Nội, ở chùa Quán Sứ, khi đúng ngày thuyết giới, có một vị Tăng Tri sự trong chùa đến tin cho biết, thưa hai Hòa thượng, sáng nay Bố-tát. Nếu mình làm thinh là chấp nhận đi Bố-tát; nếu bận việc thì nói tôi xin dữ dục, còn không nói mà đi là mắc tội biệt chúng. Trường hợp mình là khách Tăng, họ không cho mình biết mà cứ thuyết giới là kiết-ma phi tướng. Truởng hợp đó cũng y như tại Giáo hội tỉnh Thừa Thiên ngày trước, các chùa vẫn đến thuyết giới tại chùa Linh Quang, mà tại chùa Báo Quốc, Hòa thượng Trí Thủ vẫn kiết giới cho chúng Tăng bên đó thuyết giới. Và ngay bây giờ, phía bên Ni cũng có 3 chỗ thuyết giới là Diệu Đức, Hồng Ân và Diệu Viên, như vậy vẫn đúng Luật. Sở dĩ lâu nay có nơi Giáo hội tập trung chung một tỉnh tại một điểm để thuyết giới, đó là ngầm đồng ý với nhau và để nhắc nhở nhau trong vấn đề tu hành. Trong đó, người khôn vẻ cho người dại, người hay nhắc cho người dở, là ý như thế. Còn nếu để từng chùa riêng, chùa lôi bốn người mà người nào cũng kém hết, thuyết giới cũng được đó nhưng không thông thì không hay. Thôi, thì hòa đồng chung, trong đó người hay kèm người dở thì nó hay hơn. Phải hiểu rõ nội dung đó và phải biết đại giới và giới trường là như vậy đó.
53. Giới trường.
Vì sao phải kiết giới trường? Ví dụ, trong chúng có 30 người, thông báo sáng nay đến thuyết giới. Khi đến, thầy này tới góc này đợi, thầy đến góc kia đợi, thầy khác tới góc nọ ngồi, ngồi đợi nhau mãi hoài không biết thuyết chỗ nào. Vì thế phải quy định một chỗ, một giới trường nhất định nào đó để thuyết giới. Cho nên, khi đến thuyết giới ai cũng đến đó hết. Ai không đến được thì xin dữ dục. Khách Tăng có mặt trong ngày thuyết giới cũng phải dự thuyết giới, nếu Tăng địa phương hay Tăng thường trú không báo cho họ biết để thuyết giới là kiết-ma phi tướng. Họ không biết không đến không dữ dục là mang tội biệt chúng.
Tóm lại, sở dĩ có kiết giới trường là vì đại giới rộng quá, nếu không kiết một chỗ cho chúng Tăng biết thì khi có việc cần bốn người, hoặc 10 người làm mà bắt chúng Tăng 30, hay 40 người họp lại thì phiền phức mà mất thì giờ quá. Thí dụ, việc thọ đại giới cho Tỳ-kheo cần 10 người thôi, mà bắt chúng Tăng 20 người ngồi chờ cả ngày thì phí thì giờ.
Pháp kiết-ma nói: Lớn thì có đại giới, giới trường, nhỏ hơn nữa thì có tịnh trù tịnh địa, tịnh khố, nhiếp y giới. Nhiếp y giới cũng gọi là Bất thất y giới. Nếu đại giới nhỏ hơn hoặc bằng đất Tăng già-lam thì khỏi kiết giới này. Nếu đại giới rộng hơn đất Tăng già-lam thì phải kiết giới này. Khi kiết phải thêm câu: “Trừ thôn, thôn xá ngoại”. Tức y không được để vào chỗ dân cư. Phạm vi giới này chung với đại giới.
Trường hợp đại giới không có giới trường thì đại giới đó chỉ có tướng bên ngoài mà thôi, vì bên trong này không có gì hết. Nhưng trường hợp có kiết giới trường thì nó có 3 giới hạn:
– Giới trường ngoại tướng: Từ giới trường này để một khoảng đất trống một đến hai thước, để trong khi kiết giới, nếu có người đi ngang qua lại thì không phạm. Từ khoảng đất trống có đường ranh giới gọi là đại giới nội tướng, là tướng bên trong của đại giới. Đường ngoài gọi là đại giới ngoại tướng, tướng bên ngoài của đại giới. Như vậy, nếu có giới trường thì nó sẽ có ba tướng (ba giới hạn), tướng ngoại của giới trường, tướng nội và tướng ngoại của đại giới. Khi kiết thì kiết giới trường trước, rồi mới đến kiết đại giới nội tướng và cuối là kiết đại giới ngoại tướng. Sau khi tập Tăng lại, cử một vị cựu trú Tỳ-kheo hay một vị rành nơi vị trí đó, đứng ra xướng các giới đó rằng: hôm nay chúng Tăng kiết giới, tôi là người cựu trú Tỳ-kheo, quen biết khu vực này, xin nêu các tiêu tướng. Đông giáp mốc giới A, tây giáp mốc giới B, nam giáp mốc giới C, bắc giáp mốc giới D. Đó là giới trường để mỗi khi thuyết giởi, thọ giới v.v… thì tụng giới, tác pháp sự, giới trường nhỏ nhất, hẹp nhất cũng phải đủ chỗ cho 21 người ngồi để phòng khi xuất tội Tăng tàn. Nếu rộng nữa càng tốt. Từ giới trường trở ra là tướng bên trong của đại giới. Nhưng kiết đại giới rộng nhất cũng chỉ là 10 câu-lô-xá, tức 18 km và Ni là 1,8 km. Đại giới hẹp nhất là một chùa, một trú xứ. Đại giới còn gọi là nhiếp Tăng giới. Nếu có công việc gì của chúng Tăng trong đại giới thì chúng Tăng phải tham dự, nếu không tham dự chính thức thì phải dữ dục. Nếu không tham dự và không dữ dục là mắc tội biệt chúng, còn ai ở ngoài đại giới thì thôi. Nếu trường hợp có một khách ở trong đại giới, khi thuyết giới không báo cho thầy ấv biết để dự, hoặc có báo mà thầy không dự và không dữ dục mà thuyết giới là mắc lội kiết-ma phi tướng. Cho nên trong Luật nói tính chất hòa hợp, nhưng hòa hợp triệt để chứ không phải lấy tính cách thiểu số phục tùng đa số như hội nghị thông thường.
Thuyết giới, thọ giới đều nằm trong giới trường. Còn các việc khác không vô giới trường mà tập Tăng ở chỗ nào trong đại giới làm cũng được. Thí dụ, kiết-ma làm sạch và xanh môi trường nhà chùa đang sống, thì khi tập Tăng lại và tuyên bố, sáng nay xin chúng Tăng ra trồng cây là được, không cần vào giới trường.
Ngoài ra còn có tự nhiên giới (tức tiểu giới). Ngoài đại giới, khi đi đâu đó, gặp ngày Bố-tát thì quây quần lại, ngồi vòng quanh sát nhau lấy đó làm khu vực giới để thuyết giới hay để Tự lứ. Xong việc rồi, xả bỏ đi, tức lấy mình làm mốc giới, chứ không phải lấy cái mốc này, mốc kia làm ranh giới gì cả; đó gọi là tìểu giới trong tự nhiên giới. Nếu khi kiết tiểu giới mà có một số người cùng đi không đồng ý, thì mình tìm ai đồng ý quây quần nhau lại mà kiết tiểu giới hay Tự tứ, xong rồi thì giải tiểu giới ấy đi. Đó là kiết tiểu giới.
Khi kiết thì kiết giới trường truớc, kiết đại giới sau. Khi xả thì xả đại giới trước, xả giới trường sau. Như khi mặc áo thì áo trong trước, áo ngoài sau; khi cởi thì cởi áo ngoài trước, áo trong sau.
54. Thất diệt tránh.
Tức là bảy cách thức chấm dứt sự tranh cãì giữa chúng Tăng. Chúng Tăng thường có 4 sự tranh cãi là:
1. Ngôn tránh: Tranh cãi về pháp tướng đúng hay sai. Do sự tranh cãi ấy mà khởi lên sự bất hòa trong Tăng chúng, gồm có 18 việc đưa đến tranh cãi.
2. Mích tránh: Do sự tìm lỗi của người khác mà khởi lên tranh cãi, nhân khi dùng ba cách cử tội là bất kiến cử, bất sám cử và bất xả cử để xét tìm tội thuộc phá giới, phá kiến hay phá oai nghi do thấy, nghe, hay nghi.
3. Phạm tránh: Tức bình luận sự phạm giới của ông Tỳ-kheo hư hay thật, đúng hay không đúng; có thật hay chỉ là sự đồn đại mà ra…
4. Sự tránh: Tranh cãi về việc kiết-ma như vậy như pháp hay không như pháp. Ví dụ, việc như vậy nên bạch nhị, bạch tứ kiết-ma hay đơn bạch; bạch như vậy là đúng pháp hay phi pháp.
Do bốn việc vừa nêu mà khởi lên tranh cãi. Muốn chấm dứt sự tranh cãi đó, phải dùng bảy phương pháp sau đây để chấm dứt sự tranh cãi (diệt tránh: chấm dứt sự tranh cãi).
1. Ưng dữ hiện tiền Tì-ni đương dữ hiện tiền Tì-ni: Hay nói tắt là hiện tiền Tì-ni, cũng có từ khác nữa là Diện tiền chỉ tránh luật, tức luật chấm dứt sự tranh cãi giữa hiện diện.
Hiện tiền Tì-ni là gì? Là có vụ tranh cãi và cần có vụ đối chất giữa hai bên A và B. Vấn đề tranh cãi ấy phải có mặt A và B đối chất nhau để giải quyết. Trong lúc hiện tiền, cần dẫn chứng lời dạy trong kinh Phật hoặc dẫn Luật để xét đoán việc tranh cãi có đúng với Kinh pháp hay không đúng với kinh pháp của Phật. Đem lời pháp của Phật để giải quyết sự tranh cãi đó. Thí dụ: Bữa kia, có người ăn cơm không hết và sau đó đem đổ, người khác lại không có ăn nên chúng Tăng đem ra cãi nhau. Khi ấy phải dẫn Kinh ra để thuyết phục: Thầy nên biết, trong phép Lục hòa có lợi hòa đồng quân, thầy không giữ phép Lục hòa, không chia cho người khác, như vậy là không đúng. Chỉ cho hai bên thấy để chấm dứt sự tranh cãi.
2. Ưng dữ ức niệm Tì-ni đương dữ ức niệm Tì-ni: Cũng gọi là ức chỉ tránh luật. Đây là Luật nhắc nhở người phạm biết mình làm, để chấm dứt việc tranh cãi. Ví dụ: Trong khi cãi nhau về chuyện có tội hay không có tội, trước hết phải người có tội nên nhớ lại. Vậy nên hỏi: Thầy nhớ lại thầy có phạm tội hay không phạm. Nếu thầy nhớ là thầy không phạm mà chúng Tăng cứ gạn hỏi hoài, thì thầy xin Tăng bạch tứ kiết-ma cho thầy nhớ lại (ức niệm). Từ đó cho qua, không ai được phép hỏi. Cho qua trong trường hợp thầy đó sống nghiêm túc sống đúng luật, có hạnh, có tu, sống gần thiện tri thức, chứ còn thầy đó sống bê tha, thiếu nghiêm túc… hỏi thầy, thầy nói tôi không nhớ thì không cho qua được.
3. Ưng dữ bất si Tì-ni đương dữ bất si Tì-ni: Cũng gọi là bất si chỉ tránh luật. Chấm dứt sự tranh cãi bằng bất si. Tức người phạm giới trong lúc tinh thần bị bấn loạn, bất thường, bị thần kinh, thì phải kiết-ma bất si Tì-ni để chờ khỏi bệnh mới đem xét để thầy sám hối, chứ bây giờ thầy đang lên cơn điên mà đem ra xét (bất si) thì không xét được. Khi nào thấy tỉnh rồi mới xét.
4. Ưng dĩ tự ngôn trị đương dữ tự ngôn trị: Cũng gọi là tự phát lộ chỉ tránh luật. Ngôn trị đây là để người đó tự nói lên cái lỗi của mình phạm mà trị. Có những lỗi tự nói lên là có thể theo đó mà xử không cần gạn hỏi, tra vấn, ép bức.
5. Ưng dữ mích tội tướng, đương dữ mích tội tướng: Cũng gọi là cư chỉ tránh luật. Tức người phạm tội không nói tội của họ ra, cứ nói quanh co, mâu thuẫn, lộn ngược lộn xuôi, nói điên đảo. Khi đó phải nêu từng tướng một thầy ấy phạm, phải lý giải tội không thể chối cãi củ a thầy ra để bắt thầy nhận tội. Ví dụ tội ăn cắp. Khi hỏi thầy có ăn cắp không, thầy ấy chối và nói không ăn cắp. Bây giờ chúng Tăng phải trưng bằng chứng: bữa đó tới chỗ đó, khi thầy đi ra người ta mất đồ. Bữa trước thầy không có tiền, nay thầy lấy tiền đâu mà mua cái này, sắm thứ nọ, vậy tiền đâu thầy có?… Phải trưng bằng cớ để xét tội ăn cắp của vị ấy. Người bị như vậy phải phạt tội suốt đời, không cho vị ấy làm 8 việc như độ người xuất gia, nhận nuôi người, làm y chỉ…
6. Đa nhân mích tội, ưng dữ đa nhân mích tội tướng đương dữ đa nhân mích tội tướng: Cũng gọi là triển chuyển chỉ tránh luật, nghĩa là Luật ngăn dứt tranh cãi bằng cách triển chuyển. Triển chuyển là thế nào? Tức là hai bên tranh nghị nhau mãi, không làm sao giải quyết được hết. Vậy bây giờ tập trung các vị Tăng hữu đức lại mà thẩm đỉnh tội đó, lấy ý kiến đa số, phạm như thế nào thì y như vậy mà xử.
7. Ưng dữ như thảo phú đia đương dữ như thảo phú đia: Hoặc gọi như khí phấn tảo chỉ tránh luật. Luật chấm dứt sự tranh cãi y như vứt miếng vải rách. Câu này có hai cách cắt nghĩa:
a. Khi hai bên đều tỉnh lại cả, hai bên đều nhận lỗi cả, thì lỗi đó đều bị vứt đi như miếng vải rách vứt xuống đất.
b. Hai bên đều có lỗi (lỗi nhẹ), lỗi tùm lum, nếu khươi ra thì nó lắm chuyện, không làm sao xử được. Thôi thì như lấy cỏ lấp đất trên mặt cho yên, hoặc như thảo phú địa.
Đó là thất diệt tránh.
(Còn trong đời sống chúng ta hịện giờ, có một số việc nó đi ra ngoài, tuy không phạm Kinh phạm Luật gì lắm. Ví dụ: Tổ chức Giáo hội, tổ chức đoàn thể mà cãi thì đem Luật nào để xử! Khó lắm. Cho nên ta phải biết, khi nói về Giới luật, ta đem giới luật để nói, còn khi nói về Giáo hội, tổ chức hành chánh thì ta đem Giáo hội, tổ chức hành chánh để nói, không hẳn đem Giới luật ra mà nói đưọc. Tỉ dụ như chuyện thọ giới. Chúng Tăng truyền thọ Cụ túc khi kiêt-ma thì không cho Ni, cư sĩ dự vào. Nhưng mở một Đại hội Phật giáo gồm cả Tăng, Ni, cư sĩ, bầu Ban trị sụ, giải quyết một việc gì trong Ban trị sự không có Ni, không có cư sĩ không được. Cho nên nói Giới luật là chỉ để giải quyêt về vấn đề giới luật, còn tổ chức thì là nguyên tắc của hành chánh. Vì trong Luật có chỗ nào nói bầu Ban trị sự đâu. Cho nên Luật nói Luật, nguyên tắc hành chánh nói nguyên tắc hành chánh thì mới không phức tạp)
55. Kiết-ma.
Kiết-ma, tiếng Phạn là Kamla, nghĩa là Nghiệp. Nghiệp trong kinh đức Phật dạy là, việc gì mình làm có dụng ý, cố ý làm thì thành nghiệp; nếu làm vô tâm thì không thành nghiệp.
Do vậy, bất cứ cá nhân, đoàn thể hễ có động tác hành, có động tác làm đều gọi là nghiệp. Nếu trong đoàn thể tập họp, biểu quyết một việc gì đó cũng là một hành động, cũng gọi là nghiệp. Vì vậy trong Luật, Phật dùng chữ kiết-ma. Kiết-ma coi như là một phương thức biểu quyết để xử lý mọi công việc Nếu mọi công việc của chúng Tăng mà không đi qua sự biểu quyết này thì công việc không thành, hay có ép thành cũng không hợp pháp. Cho nên Luậl định nghĩa chữ Kiết-ma là tác pháp biện sự. Vì vậy, cá nhân tụng kinh cũng là nghiệp, thuyết giới cũng là nghiệp, dự việc chung của chúng Tăng cũng là nghiệp; cho đến thủ tục giải quyết công việc chung của chúng Tăng gọi là kiết-ma, cũng là nghiệp.
56. Điều kiện của kiết-ma.
Muốn kiết-ma một việc gì thì phải có một thủ tục biểu quyết. Do đó, kiết-ma còn được hiểu là một phương thức, một phương pháp hay là một thủ tục biểu quyết. Muốn biểu quyết thì cần phải có bốn điều kiện: pháp, nhân, sự và xứ.
I. PHÁP.
Vậy Pháp là gì? Là nguyên tắc, thủ tục, phương thức kiết-ma. Luật Tứ phần nói có 3 cách thức biểư quyết: đơn bạch, bạch nhị và bạch tứ. Trong luật Tăng kỳ thêm mộl điều nữa là cầu thính. Tức trước khi đem một chuyện gì đó ra đơn bạch, bạch nhị, bạch tứ phải cầu thính, tức phải thưa trước vị chủ trì trong chúng kiết-ma đó biết. Hoặc muốn nêu tội của ai thì cũng nói trước người đó biết, chứ không nêu sự việc lên một cách đột ngột; nếu báo cho vị chủ trì biết (chủ pháp sự) hay bỉnh pháp biết, là để tránh câu chuyện thưa ra sẽ bị động, tác hại tâm lý không ổn trong chúng, cần phải tránh.
a. Đơn bạch: Là vấn đề gì muốn làm, chỉ cần trình ra cho đại chúng biết, chứ không cần lấy ý kiến biểu quyết. Ví dụ: Trong giới đàn mà thỉnh giáo thọ, thì chỉ cần nói: Đại đức Tăng thính, kim thời đáo Tăng sai vị Tỳ-kheo tên A, tên B làm giáo thọ. Bạch như thị, chứ không có kiết-ma thành phủ. Nghĩa là không cần lấy ý kiến biểu quyết. Thí dụ khác là Tự tứ, thì bạch: Hôm nay chúng Tăng Tự tứ, xin trình cho chúng Tăng biết gọi là đơn bạch. Đơn bạch cũng là một hình thức biểu quyết dành cho những việc thông thường.
b. Bạch nhị: Bạch nhị là một vấn đề đưa ra cần lấy ý kiến. Việc đưa ra này có hơi quan trọng nhưng không quan trọng lắm. Tức một vài vấn đề đưa ra giữa chúng Tăng và xin kiết-ma thành phủ, tức là ai đồng ý việc đó thì im lặng, ai không đồng ý xin nói lên. Công thức là: một lần bạch, một lần kiết-ma, gọi là bạch nhị .
c. Bạch tứ: Có những vấn đề quan trọng hơn, lấy ý kiến một lần chưa đủ, phải lấy ý kiến ba lần, gọi là bạch tứ (một lần bạch, ba lần kiết-ma). Thí dụ, một vấn đề đưa ra như: thọ đại giới chẳng hạn (một lần bạch), xong rồi kiết-ma: Tôi xin hỏi sự việc như vậy, ai đồng ý thì im lặng, ai không đồng ý thì nói lên (l lần), rồi kiết-ma lần hai, lần ba cũng như vậy. Công thức: một bạch, ba lần kiết-ma, nên gọi là bạch tứ.
Trong Bạch nhất kiết-ma có nêu: Đơn bạch có 24 sự việc, Tứ phần luật nên có 40, Kiết-ma chỉ nam nêu có 44. Bạch nhị có nêu ra 47 sự việc. Bạch tứ có nêu 30 sự việc, Tứ phần luật nêu 38, Kiết-ma chỉ nam nêu 39. Ngoài đơn bạch, bạch nhị, bạch tứ như vậy gọi là Tăng bỉnh kiết-ma (bỉnh là cầm), là thứ kiết-ma giữa chúng Tăng. Đơn bạch cũng là loại bạch giữa chúng Tăng đông người, bốn người trở lên). Bạch nhị, bạch tứ cũng vậy. Nhưng trường hợp chỉ có 3 người, hai người, một người thì sao? Có hai cách: một là đối thú và hai là tâm niệm.
1. Tâm niệm là trường hợp một người, một cá nhân. Ví dụ: Phạm tội Đột-kiết-la chỉ tâm niệm sám hối là hết tội. Tâm niệm pháp có 3 cách:
a. Đản tâm niệm: Là chỉ có mình tâm niệm với mình mà thôi, vì vấn đề nhỏ.
b. Đối thú tâm niệm: Vấn đề cần đối thú (hai đến ba người). Ví dụ: Kiết giới Tự tứ cần đối thú trước người khác mà nói lên, nhưng ở trong nội giới không có ai để cho mình đối thú hết, buộc lòng phải tâm niệm, gọi là đối thú tâm niệm.
c. Chúng pháp tâm niệm: Việc này đáng phải đối giữa chúng mà làm, nhưng bây giờ ở trong nội giới đơn độc một mình, không có chúng để làm nên phải tâm niệm. Như tâm niệm kiết giới, tâm niệm Tự tứ. Tâm niệm Tự tứ là không có ai, còn nếu có thì bỏ tâm niệm để làm đúng theo đối thú hay chúng pháp.
2. Đối thú kiết-ma có 2 trường hợp:
a. Đản đối thú: Thí dụ, một người phạm hối quá pháp, phạm Ba-dật-đề thì chỉ cần đối với một người có thể sám hối là hết tội.
b. Chúng pháp đối thú: Vấn đề cần đối thú giữa chúng mà sám hối, nhưng nội giới không có chúng để đối thú, vì vậy phải chúng pháp đối thú (đối giữa hai người mà làm, vì không đủ bốn người). Dầu có đối thú tâm niệm, là đối thú khi mình đối trước người khác, cũng phải nói: Trước Tam Bảo, con hôm nay có phạm lỗi Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề, hối quá pháp, con xin sám hối. Trong khi An cư, thọ thuyết tịnh, thọ dược, thọ thất nhật… là việc phải đối thú. Ví dụ: Khi thọ An cư, mặc dầu chúng rất đông nhưng chỉ đối thú một người (vị chủ pháp sự) chứ không phải giữa chúng. Tuy đông, nhưng chỉ đối ngay một người mà thọ An cư, chứ không phải đối cả chúng. Khi đối thú phải nói lên, nếu không nói thì bất thành.
Chúng pháp tâm niệm: điều này có nghĩa nguyên phải đối giữa chúng Tăng mà nói ra, nhưng trong nội giới không có chúng, đơn độc một mình, cho nên tâm niệm mà miệng phải nói lên (như thuyết giới, Tự tứ).
Gọi là đối thú thì phải từ một đến 3 người. Nếu một người thì gọi là tâm niệm, còn bốn người trở lên gọi là chúng pháp.
II. NHÂN.
Tức nói về Tăng số. Sự việc đem ra kiết-ma cần bao nhiêu người. Nếu đẳng tâm niệm thì một người, việc đối thú thì 2 hoặc 3 người; việc thuyết giới thì 4 người; việc biên địa thọ giới, tức nơi ít Tăng thì 5 người; việc nơi nhiều Tăng, Tăng đông, khi thọ Cụ túc giới thì phải mười người, tức trung quốc thọ giới, nếu không đủ thì bất thành. Việc kết tội thì chỉ cần 4 người và xuất tội Tăng tàn phải giữa 20 người. Về phía Ni thì xuất tội Tăng tàn đều phải đủ 20 Tăng và 20 Ni, thành 40 người.
Nhưng người nào được kể đủ trong số đó? Một nguời là tâm niệm. Tăng 2, 3 người là đối thú; Tăng 4 người thì chỉ trừ việc thọ đại giới, Tự tứ, còn tất cả việc khác đều có thể kiết-ma làm được hết. Tăng 5 người, thì trừ xuất tội Tăng tàn và trung quốc thọ giới ra, tất cả việc khác đều có thể làm được hết. Tăng 10 người thì trừ việc xuất tội Tăng tàn, còn tất cả việc khác đều làm được hết. Tăng 20 người thì tất cả mọi kiết-ma đều làm được hết.
Tăng như thế nào mới tham dự đơn bạch, bạch nhị, bạch tứ đó? Có 4 trường hợp:
1. Tăng mãn số bất khả ha: Trường hợp Tăng mãn số bất khả ha. Ví dụ: Trường hợp kiết-ma Ha-trách một vị Tỳ-kheo nào phạm tội hay để tẩn xuất một vị Tỳ-kheo phạm tội, thì tuy vị Tỳ-kheo đó phạm tội nhưng khi Tăng chưa kiết-ma xử trị thì ông đó vẫn là Tăng và vẫn được kể vào mãn số Tăng. Đến khi kết tội Ba-la-di là bất cộng trú thì ông đó không còn là Tăng, mới không kể ông vô mãn số. Ví dụ ông phạm tội Tăng tàn thì ông vẫn là Tăng. Tăng đương tàn nhưng vẫn là Tăng. Trong khi chúng Tăng kết tội ông thì ông không có tư cách và thẩm quyền chặn kiết-ma không cho Tăng làm. Đó là Tăng mãn số bất khả ha (ha: có nghĩa là ngăn, và cũng có nghĩa là ngăn không cho kiết-ma, phủ nhận kiết-ma). Hoặc ông Tăng ra chọc tức, quấy rầy nhà cư sĩ, bấy giờ chúng Tăng kết tội ông, ngăn không cho tới nhà cư sĩ đó nữa, ông không có tư cách chặn lại không cho kết tội.
2. Tăng mãn số khả ha: Thí dụ trong lần kiết-ma đó, ai cũng thanh tịnh hết, như pháp hết, nhưng có một vị Tăng không đồng ý, vị Tăng đó có quyền ngăn kiết-ma (khả ha: ngăn) không cho kiết-ma đó thành, mà vị đó là một vị Tăng như pháp, thanh tịnh thì mới ngăn được.
3. Bát mãn số khả ha: Ví dụ: có một vị xin vô thọ giới giữa Thập sư. Thập sư là Tăng số Tỳ-kheo, còn giới tử đó không thể kể vô số Thập sư được, nên gọi là bất mãn số, nhưng khả ha. Thí dụ, Thập sư mới kiết-ma lần thứ hai, hỏi thành không, thì ông nói: Thôi thôi, tôi không thọ nữa, rút lui thì Thập sư cũng chịu thua (khả ha). Gọi là bất mãn số mà khả ha, tức không được kể vào số trong Tăng chúng những người đó có quyền ngăn chặn kiết-ma đó cho không thành tựu. Thập sư cũng chịu, kiết-ma sao được, kiết-ma làm gì!
4. Bất mãn số bất khả ha: Ví dụ như Tăng kiết-ma, bên Ni có ngồi đó cũng ngồi cho vui vậy thôi, làm sao kể vào mãn số với Tăng, như vậy ha sao được. Nhưng trừ ba trường hợp (Ghi chú: cho nên đức Phật ngày xưa, nói bên Ni đừng buồn. Nhiều khi các vị học chưa chu đáo, trách đức Phật sao Ngài bất công quá, bắt Ni thọ bát kỉnh pháp, gặp mấy ông thầy chi chi cũng phải Bát kỉnh pháp, buồn quá! Té ra, ngày xưa Phật khi đưa Bát kỉnh pháp đó ra, bất đồ bị mấy ông Lục quần Tỳ-kheo bắt bẻ Ni đủ điều đủ cách. Đụng đâu đưa ra bát kỉnh pháp nấy, làm cho Ni đau dầu chịu không nổi, sau Phật biết việc đó nên khai ra ba trường hợp):
a. Bên Tăng kiết-ma về việc của Ni phải có mặt của Ni đó. Ví dụ, thọ đại giới cho Ni, Tăng kiết-ma thọ đại giới cho Ni, bên Thập sư Ni cũng có mặt.
b. Kết tội Tăng tàn của Ni, Ni cũng có mặt.
c Xuất tội Tăng tàn của Ni, Ni cũng có mặt.
Đó là ba việc của Tỳ-kheo kiết-ma cho Ni, Ni phải có mặt. Ngược lại, Ni cũng có 3 trường hợp kiết-ma về Tăng là, nếu ông Tăng có điều vô lý xúc phạm đến Ni, thì Ni kiết-ma không lễ bái, không cọng ngữ, không cúng dường cho vị Tăng ấy.
Hoặc giả ông Tỳ-kheo đã bị diệt tẩn, Ni cũng kiết-ma đối với ông Tăng đó; không lễ bái, không cọng ngữ, không cúng dường. Nếu Ni ủng hộ thì Ni phạm tội.
Trường hợp có một ông Sa-di đến chùa Ni phá phách, vị Ni lớn có thể kêu ông Sa-di tới khuyên răn; khuyên không được, Ni cũng có quyền kiết-ma không lễ bái, không cọng ngữ, không cúng dường đối với 2 vị Hòa thượng và giáo thọ của ông Sa-di đó, vì Sa-di chưa đủ 18 tuổi nên hai vị Hòa thượng thọ giới cho vị Sa-di đó phải chịu trách nhiệm.
III. SỰ.
Là sự việc. Tức nói rõ sự việc đem ra kiết-ma. Đem kiết-ma về việc gì? Sự việc đem ra biểu quyết cần bao nhiêu người để sắp đặt kiết-ma. Sự việc ấy cần bạch nhị hay bạch tứ? Sự vụ thì có 101 kiết-ma. Đó là nêu đại khái, thật ra còn có nhiều hơn nữa, nhưng tóm lại không ngoài hai loại: một là thành thiện kiết-ma; hai là trừ ác kiết-ma.
– Thành thiện kiết-ma: Loại kiết-ma để hoàn thành công việc tốt đẹp, như công việc tiến tu đạo hạnh là công việc thiện. Ví dụ, như kiết-ma thọ giới, thuyết giới, An cư, Tự tứ… là thành thiện. Những kiết-ma như vậy là thành thiện kiết-ma.
– Trừ ác kiết-ma: Ngược lại kiết-ma trừ ác là loại kiết-ma trị tội. Ví dụ, kiết-ma trị tội Đột-kiết-la, Ba-dật-đề, Đề-xá-ni, Thâu-lan-giá, Tăng tàn, Ba-la-di, gọi là trừ ác. Kiết-ma trừ ác trong Luật nêu ra có 7 cách trị tội:
1. Ha-trách kiết-ma; 2. Tẩn xuất kiết-ma; 3. Y chỉ kiết-ma; 4. Giá bất chí bạch y gia kiết-ma; 5. Bất kiến cử kiết-ma; 6. Bất sám cử kiết-ma; 7. Ác kiến bất xả cử kiết-ma.
1. Ha-trách kiết-ma: Nguyên do, trong Luật có kể như sau: Có hai vị Tỳ-kheo, một tên Trí tuệ, một tên Lôi-ê-na, chuyên tìm tòi chuyện hay dở của nhau để cãi cọ đấu đá nhau. Việc cãi vã bằng binh khí miệng lưỡi này không còn là chuyện cãi vã giữa hai người mà nó lây lan ra những người khác, khiến cho việc trong chúng chưa có, bây giờ nó xảy ra, trước có ít bây giờ nó tiếp tục lớn ra. Theo trong văn ta thấy có nói: Hãy tác ha kiết-ma Ha-trách bạch tứ đối với hai ông Tỳ-kheo đó. Nhưng muốn cử tội thì phải tuần tự: kiết-ma cử tội (nêu tội ra). Sau khi nêu tội ra, hỏi thầy có nhớ tội khẩu như đao kiếm không? (tác ức niệm). Khi tác ức niệm, hỏi thầy có nhận tội đó không? (tự ngôn). Nếu thầy không nhận thì chúng Tăng sẽ cử tội thầy (thầy có tội ấy). Khi cử tội thì phải tập Tăng, bạch tứ kiết-ma. Thí đụ: Đại đức Tăng lắng nghe: nay có 2 thầy Tỳ-kheo này đã cùng nhau tìm tòi lỗi hay dở của nhau, dẫn đến cãi cọ nhau, miệng tuôn ra lời như đao kiếm chém nhau, nên hôm nay Tăng vì hai thầy Tỳ-kheo này tác Ha trách kiết-ma. Nếu về sau vẫn chứng nào tật nấy thì sẽ gia Tăng thêm tội nữa. Bạch như thị (kính trình
như vậy) xong rồi mới ba lần kiết ma Ha-trách. Người bị tội Ha-trách trong thời gian chưa giải tội chưa sám hối thì không được làm thầy y chỉ cho người, không được thuyết giới, không được thọ đại giới cho người. Tăng có sai đi giáo thọ cho Ni cũng không được nhận. Ở giữa chúng Tăng có hỏi giáo lý cũng không được phép đáp, Tăng sai làm cũng không được làm. Tăng có thảo luận, bình nghị về giáo điển cũng không được dự vào. Nếu sau đó biết ăn năn sám hối: Nay tôi xin từ bỏ, không dám miệng xuất ra lời như dao kiếm nữa, xin Tăng giải tội cho. Muốn giải tội cũng phải tập Tăng kiết-ma bạch tứ giải tội cho thầy. Trường hợp thầy cứ phạm mãi thì cử tội tẩn xuất, không cho ở trú xứ cũ .
2. Tẩn xuất kiết-ma: Đây là phạm Tăng tàn ô-tha-gia hành ác hạnh (trong Tăng tàn có tội ô tha gia hành ác hạnh, Tăng tàn thứ 12). Đó là trường hợp của 2 thầy Tỳ-kheo A-tháp-bà và Phú-na-bà ở tại Kỳ-liên. Họ ăn rồi chuyên trồng cây hoa lá đem tặng cho cư sĩ, cùng người nữ ngồi chung thân mật nói chuyện, đờn ca xướng hát, múa may quay cuồng, đi đứng thiếu oai nghi, nhìn qua liếc lại, chân trước chân sau xoay qua đá lại. Việc làm như vậy ai thấy cũng chê bai (ô tha gia hành ác hạnh cu hữu kiến văn là câu chuyện trong Luật có nói, là chuyện sờ sờ trước mắt, ai cũng thấy, ai cũng nghe hết), nhưng cũng có một số người hoan nghênh hùa theo.
Thời gian đó cũng có một số Tỳ-kheo ở nơi xứ Gia-thi-di-đế du hành nhân gian khất thực, ai nấy nghiêm trang, mắt cứ nhìn thẳng mà bước, không nhìn qua ngó lại, không cười giỡn. Các cư sĩ trong vùng đó bàn tán: Mấy vị này ở đâu tới mà nghiêm trang, coi bộ khó thân cận quá, không như hai thầy Tỳ-kheo A-thấp-bà và Phú-na-bà vui vẻ, nói cười tươi tắn. Họ bèn bảo nhau: Thôi, chúng ta không cúng cho mấy ông mới này nữa, mà chỉ riêng cúng cho A-thấp-bà và Phú-na-bà mà thôi. Đức Phật nghe chuyện lạ quá, sai đi hỏi, mới biết cơ sự như vậy, bèn bảo Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên đem Tăng chúng qua Kỳ-liên bạch tứ kiết-ma để tẩn xuất hai thầy Tỳ-kheo A-thấp-bà và Phú-na-bà ra khỏi trú xứ đó. Khi bị tẩn xuất, hai thầy còn nói lại với dân chúng đó rằng: “Tôi nói cho các vị biết, ông Xá-lợi-phất cùng ông Mục-kiền-liên, ông thì thuyết pháp hay, ông thì thần thông giỏi, các vị nên coi chừng kẻo bị mấy ông dụ dỗ mê hoặc đó. Các ông đó dễ sợ lắm. Tụi tui đi thì đi, ở nhà các vị phải canh chừng, đừng theo mấy ổng”.
3. Y chỉ kiết-ma: Trường hợp Thầy Tỳ-kheo tên Sô vô trí mà phạm tội. Thầy xen lộn với bạch y, ở chung ở chạ với họ, gần gũi với họ, không thuận theo Phật pháp. Phật nghe vậy khiến các Tỳ-kheo khác kêu thầy về, sai bạch tứ kiết-ma bắt phải y chỉ. Từ nay thầy phải y chỉ trú, tức là phải tìm một vị Tỳ-kheo đa văn, giới đức để dựa vào mà học Luật, học pháp, để mà tu hành.
4. Giá bất chí bạch y gia kiết-ma: (Nhà của người bạch y tức là cư sĩ). Tức kiết-ma ngăn không cho họ đến nhà của người bạch y. Nguyên do là vì ở trong Mật lâm có thầy Tỳ-kheo tên Thiện Pháp, thầy ở trong đó tu và được ông cư sĩ Chất Đa hay đến cúng dường. Thời gian sau có Tôn giả Mục-kiền-liên và Xá lợi phất đến Mật lâm thuyết pháp, ông cư sĩ nghe pháp thích thú, hoan hỉ quá và mời hai vị về thọ trai cúng dường. Thế là thầy Thiện Pháp đi qua nhà dòm ngó, thấy thức ăn cúng cho mình khác với cúng 2 Tôn giả, liền sinh lòng ganh tức nói: Té ra ông cúng mình như vậy mà lại cúng dường cho 2 vị hơn mình như thế, bèn châm chọc nhà cư sĩ rằng: Thức ăn gì cũng ngon hết, cũng tốt hết, nhưng thiếu dầu ép gia vị (hồ ma-tể) nên cũng hóa ra cúng đồ ăn tồi”. Thầy vừa nói vừa chắp tay sau lưng đi qua đi lại. Ông cư sĩ nghe vậy cũng nói lại: Thầy này lạ chưa, nghe thầy tu hành giữ giới hạnh, tu thiền định, theo chánh pháp sao thầy nói gì mà hà tiện vậy, chẳng khác gì một nước không có gà, rồi một người đem một con gà mái tới cho rập với con quạ đen sinh ra gà nhưng mà nửa gà nửa quạ kêu Ô kê (gà quạ). Phật nghe chuyện đó, sai người gọi về, họp chúng lại, kiết-ma cử tội Giá bất chí bạch y
gia. Thường thường đi khất thực thì thứ đệ khất thực, không phân biệt, bình đẳng khất thực, ai cho gì lấy nấy, trừ các đồ sống và đồ hạt sống, từ nhà này đến nhà khác, không cho thì đi, chứ không phải người ta mới bước ra cửa đem đồ cho lại xông vào nhà liền. Trong Luật nói: Đó là tác bất ưng tác– nghĩa là làm việc không nên làm. Phép khất thực thì đến trước nhà người im lặng, có cho thì lấy, không cho thì đi qua nhà khác, không phân biệt gì cả. Nhưng đối với trường hợp thầy Thiện Pháp và cư sĩ Chất-đa thì sao? Phải làm phép kiết-ma, không cho thầy tới nhà cư sĩ này nữa, và cũng phải kiết-ma cử người đến nhà cư sĩ Chất-đa xin lỗi.
Người cử đi phải đủ 8 pháp: 1 . Đa văn, có trí 2. Khéo nói (thiện thuyết). 3. Tự mình biết mình, tức tự thân đã giải được tội rồi; 4. Biết ý người khác, 5. Biết nghe lời người khác nói: 6. Người đó có thể nhớ sự việc; 7. Không có tì vết, khuyết điểm gì; 8. Hiểu rõ được trong câu nói lành hay dữ.
Xét trong chúng, chỉ có Tôn giả A-nan là đủ 8 điều đó nên cử đi. Tôn giả A-nan dắt thầy Thiện Pháp đi theo, nhưng bắt đứng ngoài chỗ xa xa, Tôn giả A-nan vào nhà cư sĩ Chất-đa nói rằng: Thưa ông cư sĩ, ông là người trọng Phật, trọng Pháp, kỉnh Tăng, mà có lời lẽ thô lỗ như vậy, thiết tưởng cũng nên sám hối, vì đã xúc phạm đến Tam Bảo. Nếu ông cư sĩ nhận lỗi và xin sám hối thì thôi, nhược bằng không chịu sám hối, thì phải ra dắt thầy Tỳ-kheo phạm tội tới. Ông cư sĩ đứng ở chỗ mắt thấy nhưng tai không nghe, bảo vị ấy sám hối, nhưng phải cốt để ông cư sĩ Chất-đa thấy bóng dáng, xong rồi trở về nhà cư sĩ nói: Này ông cư sĩ, thầy Tỳ-kheo ấy đã xin sám hối rồi. Ông cư sĩ chấp nhận thì tốt, còn không thì bắt thầy đến ngay ông cư sĩ Chất-đa mà sám hối (rất công phu).
Có 10 sự việc bị Tăng kiết-ma cấm Tăng đến nhà cư sĩ. 10 sự ấy là gì?
1. Dùng lời nói thô tục mắng chửi cư sĩ.
2. Dùng các phương tiẹn làm cho kẻ bạch y tổn giảm.
3. Làm việc khóng có lợi ích (bất nhiêu ích sự)
4. Làm cho cư sĩ mất nơi cư trú .
5. Làm náo loạn nơi sinh hoạt của cư sĩ.
6. Đối trước nhà bạch y mà hủy báng Phật.
7. Đối trước nhà bạch y mà hủy báng Pháp.
8. Đối trước nhà bạch y mà hủy báng Tăng.
9. Đối trước bạch y nói những lời hạ tiện, mất tư cách.
10. Thất hứa, thất tín với cư sĩ, làm họ mất tin tưởng.
5. Bất kiến cử kiết-ma: Thầy Tỳ-kheo Xiển-đà phạm tội, chúng Tăng hỏi thầy có thấy tội không? Thầy cứ một bề nói không thấy. Tăng bạch tứ kiết-ma cử tội “không thấy” của thầy. Người đã bị Tăng kiết-ma. Loại này thì không được thọ đại giới cho người, không được độ người, không làm y chỉ cho người, không được thuyết giới.
6. Bất sám cử kiết-ma: Thầy Tỳ-kheo Xiển-đà phạm tội, chúng Tăng nói thầy phạm tội thì nên sám hối. Thầy nói không sám. Chúng Tăng cử tội “bất sám” (bất sám tội cử).
7. Ác kiến bất xả cử kiết-ma: (Có ác kiến mà khuyên không chịu bỏ). Có thầy Tỳ-kheo Lôi-trà nói: Theo chỗ tôi hiểu, dâm dục không phải là pháp chướng đạo. Các Tỳ-kheo khác khuyên thầy không nên nói như vậy. Như Lai không dạy như vậy, nhưng thầy khư khư không bỏ. Phật nghe và gọi thầy tới quở trách, tập chúng kiết-ma cử tội “có ác kiến mà không chịu bỏ” (ác kiến bất tội cử).
Tóm lại, mục đích của kiết-ma là thành thiện và ngăn ngừa điều ác (trừ ác).
Kiết-ma để làm gì? Có 3 loại:
a. Vị nhân tác kiết-ma: Đó là pháp kiết-ma nhân nơi người. Vì người mà thiết lập nên gọi là vị nhân tác. Ví dụ, kiết-ma thọ giới, kiết ma sám hối, kiết-ma trị tẩn. Loại này có thể phân làm hai loại:
– Vị nhân tác tư sự: Chỉ có lợi cho cá nhân chứ không phục vụ việc công. Ví dụ, kiết ma thọ giới. Ai thọ giới thì người đó có lợi, ai sám hối thì người đó được nhờ.
– Vị nhân tác công sự: Lợi ích được phổ cập cho nhiều người. Ví dụ, kiết-ma thuyết giới, Tự tứ. Trong đó ai cũng được lợi ích, chứ không riêng gì cho ai.
b. Vị pháp tác kiết-ma: Vì một pháp sự mà tác pháp kiết-ma. Ví như thuyết giới, Tự tứ, kiết tập King tạng… nhờ việc này mà có lợi ích đến mọi người.
c. Vị sự tác kiết ma: Vì một sự việc nào đó mà tác pháp kiết-ma. Ví như, kiết tịnh địa, tịnh khố (để chứa đồ dùng), tịnh trù (để đồ ăn thức uống)…
Ngoài ra còn có loại kiết-ma vị nhân, vị pháp và vị sự, như thọ công đức, thuộc vị pháp và vị sự kiết-ma. Kiết giới đồng thuyết giới đồng lợi dưỡng là pháp kiết-ma vị pháp, vị sự và vị nhân. Vì cả hai bên cùng hòa hợp với nhau.
IV. XỨ.
Xứ kiết-ma là nói về xứ kiết giới. Việc kiết giới phải có phép tắc. Ví dụ kiết-ma ở đâu, phải có chỗ đàng hoàng chứ không phải bạ đâu làm đó. Chỗ đàng hoàng là chỗ kiết giới. Giới có hai loại: tự nhiên giới và tác pháp giới.
Tự nhiên giới là chỗ tự nhiên mà thành nơi cư trú của Tăng, chứ không phải do kiết ma qui định, như chùa, viện, a-lan-nhã, thôn xóm. Thủy giới cũng là tự nhiên giới, nhưng không phải chỗ trú xứ của Tăng.
Tác pháp giới cũng gọi là nhiếp Tăng giới. Tức là giới hạn cho Tăng sinh hoạt mọi việc pháp sự trong đó. Lớn thì có đại giới, giới trường; nhỏ thì có tịnh trù, tịnh khố và tiểu giới để dùng trong khi đi đường không thể đến trong giới trường để thuyết giới, Tự tứ. Giới này do tập Tăng kiết-ma mà thành, cho nên gọi là tác pháp giới.
57. Tập Tăng tác.
58. Thứ hậu tác.
59. Kiết-ma phi tướng.
60. Dự dục.
61. Nhận dự dục.
62. Dự dục không thành.
63. Kiết đại giới bên Tăng và bên Ni.
64. Xuất gia thọ giới.
65. Tỳ-Kheo.
66. Đời sống A-la-hán.
67. Hòa thượng.
68. Y chỉ.
69. Nên học và không nên học.
70. A-xà-lê.
71. Nguyên nhân thuyết giới.
72. Bố-tát.
73. Mục đích Bố-tát.
74. Trung gian Bố-tát.
75. Cách thuyết giới.
76. Già thuyết giới.
77. Không đủ tư cách ngăn thuyết giới.
78. Đủ tư cách ngăn thuyết giới.
79. Triển ngày thuyết giới.
80. An cư.
81. Tiền An cư, hậu An cư.
82. Thọ nhật.
83. Tự tứ.
84. Cầu thính.
85. Y đệ ngũ luật sư.
57. Tập Tăng tác.
Trong các pháp kiết-ma đó có loại kíết-ma tập Tăng tác, tức khi tập Tăng làm kiết-ma liền. Ví dụ như thọ giới, kiết giới, nhưng trừ hai trường hợp là Tự tứ và thuyết giới.
58. Thứ hậu tác.
Thứ hậu tác là gì? Trước khi thuyết giới, Tự tứ, phải có một ngày dự bị tập chúng để kiểm điểm chúng Tăng có thanh tịnh không. Nếu ai có lỗi thì phải lo sám hối trước để ngày mai được thanh tịnh mà kiết-ma Tự tứ, thuyết giới, gọi là kiết-ma thứ hậu tác.
Tổ chức Tự tứ, nhiều khi làm luộm thuộm quá nên kết quả không được như ý, nhất là khâu tập chúng mà lộn xộn thì trái lời Phật chế.
Ngũ phần luật có nói: “Muốn thuyết giới, muốn Tự tứ mà Tăng bất hòa, thì trước khi thuyết giới, Tự tứ, Tăng phải giải hòa đã, vì việc thuyết giới, Tự tứ là việc chính yếu của Phật chế, Tăng không dám giải tán”. (Dục thuyết giới Tự tứ, như Tăng bất hòa, ưng tại thuyết giới Tự tứ chi tiền hòa giải, dữ thuyết giới Tự tứ do Phật chế chi chánh yếu, Tăng bất cảm giải tán). Nếu đến khi thuyết giới, Tự tứ mà giải tán là trái với chính yếu của Phật. Có người nói rằng, Tăng bất hòa mãi thì không thuyết giới, không Tự tứ được, như vậy mãi sao? Thuyết giới Tự tứ cốt là hòa, nếu không hòa thì làm sao mà thuyết? Tăng hòa ở đây chủ yếu là không có bốn việc: ngôn tránh, mích tránh, phạm tránh, sự tránh (như đã nói ở đoạn trước). Tăng bất hòa mà không giải thì thuyết sao được? Nên phải hiểu cái nào chính cái nào phụ, cái nào trước cái nào sau; không lấy cái khinh mà làm cái trọng được.
Tóm lại, mục đích thuyết giới cốt để nhắc lại sự trì giới, và cơ bản là trì giới, còn thuyết giới là phụ, để hỗ trợ thêm, như cây mà mình tưới thêm nước. Cây vốn phải sống mới tưới nước, còn không sống thì tưới làm gì? Thành tưới nước không quan trọng bằng cây sống. Thuyết giới là để hỗ trợ cho giới nên gọi là trưởng tịnh. Giới có tịnh thì mới trưởng, tức thêm phân cho mau tốt.
Tóm lại, muốn kiết-ma phải có bốn điều kện là pháp, nhân, sự và xứ. Pháp là nguyên tắc, thủ tục, phương thức kiết-ma như đơn bạch, bạch nhị, bạch tứ. Nhân là điều kiện về nhân sự, nghĩa là nhân số phải đủ. Ví dụ, thọ đại giới ở nơi đông Tăng (trung quốc) phải đủ 10 vị, ở chỗ ít Tăng (biên địa) 5 vị. Sự là kiết-ma về việc gì. Xứ là kiết-ma phải làm trong một giới vức nhất định làm khác là sai, gọi là kiết-ma phi tướng, tức kiết-ma không đúng cách.
59. Kiết-ma phi tướng.
Là kiết-ma không đúng cách. Có 7 cách kiết-ma phi tướng:
1. Kiết-ma phi pháp, phi Tỳ-ni. Chữ Tỳ-ni là Luật, nên hiểu đó là phi pháp, phi luật. Trong lời di giáo của Phật có nói: “Nay Ta để Pháp và Luật cho các ngươi thọ trì (nghĩa chung). Thế nào gọi là phi Pháp, phi Tỳ-ni? Kiết-ma không đúng cách, đáng bạch tứ lại bạch nhị, hoặc kiết-ma trước bạch sau, đó gọi là phi pháp. Một hai người truyền giới cho người khác, hoặc Tăng bốn người truyền cho bốn người, đó gọi là phi Tỳ-ni. Ví dụ như khi thọ đại giới, mà một, hai, ba hoặc bốn người thọ cho một người trở lên, thì dù có làm kiết-ma truyền thọ cũng không thành. Vì nếu biên địa phải có 5 Tăng (trong đó 1 vị kiết-ma còn 4 biểu quyết). Ở Trung Quốc, phải có 10 vị mới đúng. Hoặc như 5 người truyền giới cho 4 giới tử cũng bất thành, vì 4 người là thành Tăng, không lý Tăng truyền giới cho Tăng. Tăng chỉ được trao giới cho từng vị, chứ không thể cùng lúc trao giới cho 4 người. Do vậy, giới đàn chỉ lần lượt trao giới cho một đến 3 giới tử. Ba vị cũng là phương tiện, chưa đúng Luật lắm, vì mỗi lần truyền giới, là như ở đời bà mẹ sinh ra một đứa con, không thể trong một hai giờ mà sinh đẻ quá 3 đứa con. Đúng lý nhất, phải truyền cho một người mà thôi.
Ngày xưa đức Phật thấy ai có đủ điều kiện thì cho thọ giới, chứ không cần tổ chức một giới đàn thật lớn. Tổ chức thọ giới rầm rộ có cái lợi về lượng, và cũng làm cho nhiều người hộ giới xem đàn mà phát tâm; nhưng cũng có cái hại về phẩm. Vì trong một giới đàn lớn, thường có nhiều người nhân cơ hội cũng thọ cho luôn: mặc dù chưa đủ tư cách.
Cử tội Tỳ-kheo thì phải là Tăng cử, không cá nhân nào có quyền kết tội cá nhân nào. Ba người cũng không được kết tội, mà phải đủ chúng bốn người trở lên. Nêu tội, thì có thể một người nêu, nhưng xét tội và kết tội thì phải là chúng Tăng mới xét và kết tội được. Cũng vậy, chỉ có Tăng 5 người, mười người mới truyền giới cho người khác, chứ cá nhân không truyền đại giới được.
2. Phi pháp biệt chúng kiết-ma: Thế nào gọi là phi pháp biệt chúng? Nghĩa là bạch việc này mà kiết-ma việc khác. Biệt chúng là tách ra khỏi chúng. Đáng bạch nhị mà bạch tứ, là phi pháp. Thế nào gọi là biệt chúng? Trong chúng có bao nhiêu người, kiết-ma cần bao nhiêu, thì phải có mặt đủ; nếu vắng mà không dữ dục là biệt chúng. Người đáng đến không đến, cũng gọi là biệt chúng. Nếu có duyên sự Tam Bảo thì phải dữ dục, không dữ dục là biệt chúng.
3. Phi pháp hòa hợp kiết-ma: Ví dụ, người nào cần có mặt thì có mặt, người nào vì duyên sự Tam Bảo thì dữ dục. Người có mặt thì hòa hợp nhất trí, chứ không có sự bất hòa, gọi là hòa hợp chúng. Hòa hợp Tăng là một sự hòa hợp triệt để, mười người như một, dù có một người có mặt, mà tâm không hòa cũng bất thành, chứ không phải thiểu số phục tùng đa số. Tuy chúng hòa hợp mà kiết-ma lại phi pháp.
4. Như pháp biệt chúng kiết-ma: Là kiết-ma đúng như pháp nhưng lại biệt chúng thì cũng thành phi tướng.
5. Pháp tương tợ biệt chúng kiết-ma: Đáng ra bạch rồi mới kiết-ma, đằng này kiết-ma rồi mới bạch, thế là lộn ngược, gọi là tương tợ như pháp (có bạch đàng hoàng mà biệt chúng, nên thành phi tướng).
6. Pháp tương tợ hòa hợp chúng kiết-ma: Đáng tiên bạch hậu kiết-ma, lại tiên kiết-ma hậu bạch.
7. Bị giá như bất chí kiết-ma: Khi kiết-ma thọ giới, một trong 10 vị (thập sư) ngăn không cho thọ, đúng Luật là không được thọ, nhưng chín ông còn lại vẫn kiết-ma cho thọ, thì đó là kiết-ma phi pháp. Trong Luật không phải lấy thiểu số phục tùng đa số, mà là phải hòa hợp triệt để 100 phần trăm mới hợp lệ.
Vậy muốn kiết-ma cho đúng pháp, phải tránh 7 điều phi pháp trên. Ngoài ra còn 7 việc phi pháp nữa trong kiết-ma:
1. Nhân phi: Trong số người tới dự kiết ma mà có lỗi. không chịu sám hối; hoặc nghi có tội mà không phát lộ, hoặc ở trong một giới mà biệt chúng; hoặc không ngăn những người bị bất kiến cử, bất thọ hối cử và ác kiến bất xả cử; ba hạng này không được dự vào, không được thuyết giới… thế mà trong khi kiết-ma không mời họ ra là nhân phi.
2. Pháp phi: Ví dụ, 3 vị trở xuống mà vẫn đơn bạch kiết-ma là pháp phi (3 người là đối thú chứ không đơn bạch).
3. Sự phi: Làm không đúng thời. Ví dụ, mới tới ngày thứ 12 đã Tự tứ là sự phi. Chỉ kiết-ma lược Tự tứ khi gặp nạn. Bình thường mà lược Tự tứ cũng là phi.
4. Nhân pháp phi: Trên là nhân phi pháp phi, đây nhân và sự đều phi.
5. Pháp sự phi: Trên pháp phi riêng, sự phi riêng, bây giờ pháp và sự đều phi.
6. Nhân pháp sự giai phi: Ba thứ cùng phi một lần.
Những trường hợp sau đây cũng gọi là phi pháp phi Tỳ-ni. Ví dụ: Có một Tỳ-kheo tự thấy không phạm, khi được các Tỳ-kheo khác hỏi, thầy nói không thấy mà Tăng vẫn kiết-ma cử tội gọi là bất kiến cử; đương sự không thấy tội không sám hối, Tăng vẫn kiết-ma cử tội bất sám gọi là bất hối cử. Các Tỳ-kheo bắt phải bỏ ác kiến, nên không có gì phải bỏ, vậy mà Tăng vẫn kiết-ma cử tội ác kiến bất xả, gọi là ác kiến bất xả cử. Kiết-ma như vậy gọi là kiết-ma phi pháp phi luật.
Ngược lại, có Tỳ-kheo không thấy có tội mà Tỳ-kheo nói có, thầy cũng sám hối xin bỏ, thì cũng gọi là phi pháp phi luật. (Khác với Tỳ-kheo Xiển-đà có tội mà nói không có).
60. Dữ dục.
Muốn đừng mắc tội biệt chúng thì trong một đại giới, chúng Tăng có bao nhiêu Tăng số, khi thuyết giới phải có mặt đầy đủ con số ấy. Người nào có duyên sự phải vắng mặt, như vì Tam Bảo sự duyên, phụ mẫu sự duyên hay lý do chính đáng thì phải dữ dục. Dữ dục là mình gởi ý muốn của mình đến với buổi thuyết giới đó. Khi dữ dục thì nói, ngày nay chúng Tăng thuyết giới, tôi xin dữ dục như pháp Tăng hay như pháp Tăng sự kiết-ma. Nếu dữ dục, khi thuyết giới, Tự tứ thì phải nói đủ là tôi xin dữ dục thanh tịnh, hoặc dữ dục Tự tứ. Ý nghĩa của việc dữ dục là: Tôi tuy vắng mặt, nhưng Tăng làm gì tôi xin đồng tình hết. (lưu ý về chữ thanh tịnh và chữ Tự tứ. Thanh tịnh là nói khi thuyết giới, chữ Tự tứ nói trong khi Tự tứ. Còn các trường hợp khác, kiết-ma thì không dùng đến). Tất cả mọi kiết-ma đều được phép dữ dục, chỉ trừ kiết-ma kiết giới là không được phép dữ dục. (Kiết giới không được phép dữ dục vì cần có mặt để biết giới trường ngang đâu mà thi hành, còn vắng mặt thì làm sao mà biết được).
61. Nhận dữ dục.
Một người có thể nhận lãnh cho một vị hay nhiều vị dữ dục cũng được, miễn là người đó đủ sức nhớ tên của người gởi, chứ không bắt buộc một người chỉ nhận cho một người dữ dục.
Đến ngày thuyết giới hoặc Tự tứ mà vì có lý do chính đáng, không đến thì dữ dục người khác rằng: Bạch Đại đức, hôm nay chúng Tăng thuyết giới (hoặc Tự tứ), tôi xin dữ dục như pháp thanh tịnh (hoặc dữ dục như pháp Tự tứ). Người nhận dục, khi đến ngày thuyết giới hoặc Tự tứ, nghe vị yết-ma hỏi thì ra giữa chúng mà thuyết dục như người kia đã dữ dục.
62. Dữ dục không thành.
Có 5 trường hợp dữ dục không thành:
1. Cách đêm mà dữ dục. Ngày mai mới Bố-tát, tối nay gởi trước, không thành.
2. Đi ra ngoại giới mà dữ dục. Đã ở ngoại giới thì gởi làm gì nữa, chỉ đang ở trong đại giới mới dữ dục.
3. Tăng dữ dục cho Ni hay gởi cho cư sĩ không thành. Ni dữ dục cũng vậy.
4. Dữ dục rồi hoàn tục coi như không.
5. Dữ dục rồi lại đến, đến lại đi, không thành.
63. Kiết đại giới bên Tăng và bên Ni.
Về đại giới, khi Tăng đã kiết rồi, Ni có thể kiết chồng lên mà đại giới của Tăng vẫn không mất. Ngược lại, khi Ni đã kiết đại giới rồi mà Tăng kiết đại giới chồng lên cũng không mất đại giới của Ni–vì Tăng kiết đại giới, Ni không biết. Tóm lại, bên nào kiết thì bên đó biết, chứ không có tiết lộ cho nhau biết, nên bên nào cũng được yên ổn hết.
64. Xuất gia thọ giới.
Những người đầu tiên đi xuất gia với Phật, Ngài chỉ gọi “Thiện lai Tỳ-kheo” là thành Tỳ-kheo rồi. Còn Sa-di đi tu đầu tiên là La-hầu-la và Tôn giả Xá-lợi-phất được sai làm Hòa thượng truyền giới cho La-hầu-la. Sau La-hầu-la, cũng có nhiều em bé đi xuất gia. Có một lần, một vị Tỳ-kheo lớn tuổi nhận một em bé dưới 12 tuổi cho xuất gia làm Sa-di. Khi vị Trưởng lão đi khất thực, vị Sa-di đi theo hầu. Khi tới quán bán bánh nào, em cũng đưa tay ra xin, làm cho các vị Tỳ-kheo thấy xấu hỗ. Phật nghe vậy liền kêu vị Trưởng lão ấy lên quở. Ngài nói: Các em bé nhỏ quá, nhận cho đi xuất gia làm gì để cho thiên hạ cơ hiềm. Từ đó Phật không cho phép các vị Tỳ-kheo nhận các em bé dưới 12 tuổi xuất gia.
Nhưng có một lần, thấy một em bé dưới 12 tuổi mồ côi cả cha lẫn mẹ, đến xin Tôn giả Xá lợi-phất xuất gia. Tôn giả không nhận vì đã có lệnh của Thế Tôn. Tuy nhiên, do từ tâm đối với em bé mồ côi này, nếu không nhận, em có thể gầy mòn và chết, do vậy Tôn giả đến cầu xin với Phật. Phật hỏi em có đuổi quạ được không? (Ở Ấn Độ có tục lệ điểu táng nên quạ sinh sôi nảy nở vô số kể). Em có ăn một bữa được không? Em có giữ được một số giới không? v.v… Tôn giả bạch Ngài là hi vọng em có thể giữ được. Ngài đồng ý và bảo Tôn giả Xá-lợi-phất độ cho em bé ấy xuất gia làm Sa-di đuổi quạ (khu ô Sa-di). Khu ô là chữ của nhà Phật. Sau này các vị Tổ mới thêm hình đồng Sa-di, là tuy có mặc áo chùa nhưng chưa có giới pháp nào cả, vì còn nhỏ, rồi đến Pháp đồng Sa-di, là có thọ 10 giới. Trường hợp đủ 20 tuổi, căn cơ đủ, thì có thể cho thọ Sa-di và sau đó thọ Tỳ-kheo liền cũng đúng Luật. Cũng có trường hợp ngoại đạo xin xuất gia, tùy từng trường hợp cụ thể và hoàn cảnh mà ấn định ngày cho thọ giới. Người tuổi đã 70 thì dứt khoát không cho thọ Tỳ-kheo. Một vị Tỳ-kheo được phép 7 lần tu lại nếu họ xả giới đàng hoàng. Về phía bên Ni, khi đã xả giới rồi thì không được tu lại. Khi thọ giới phải đủ thủ tục, nhưng khi xả giới thì chỉ cần một câu rằng “tôi nay xin xả giới Cụ túc (hay không làm Sa-môn)” là đủ, bất cứ nói với ai mà họ nghe và hiểu. Thọ giới rất khó, như trèo lên cây rất công phu, nhưng khi xả giới thì như từ trên cây tuột xuống đất rất dễ.
65. Tỳ-kheo.
Tỳ-kheo, chữ Phạn là Bhiksu, có nghĩa là thành tựu trọn vẹn. Trung Hoa dịch là cận viên (gần tới Niết-bàn, tức gần viên tịch) hay bước lên chỗ cao (Upasampada). Upa: gần gũi ở trên; sampada: đến nơi, thành tựu trọn vẹn.
66. Đời sống A-la-hán.
Đời sống A-la-hán có 4 sự thanh tịnh:
1. Được giới thanh tịnh.
2. Lục căn thanh tịnh.
3. Mạng sống thanh tịnh.
4. Niệm thanh tịnh.
Có người tưởng nhầm là phải do ít ăn, ít ngủ hay có thể bay lên trời, chui xuống đất mới gọi là A-la-hán. Nếu thế thì Tôn giả Xá-lợi-phất có bay đâu mà cũng thành A-la-hán.
67. Hòa thượng.
Một người thọ giới rồi mà không có đủ 5 điều kiện sau đây thì suốt đời phải y chỉ nơi một vị thầy Hòa thượng hay A-xà-lê:
1. Không biết thế nào là phạm giới.
2. Không biết thế nào là không phạm giới.
3. Không biết thế nào là phạm khinh.
4. Không biết thế nào là phạm trọng.
5. Không biết tụng giới bổn Tỳ-kheo.
Vị thầy y chỉ là A-xà-lê hay Hòa thượng. Chữ Hòa thượng là một từ của Tây vức (Tây Trung Quốc như Quy Tư, An Tức… ngày trước khi chưa rõ địa dư, người ta gọi Ấn Độ là Thiên Trúc, còn Iran hay An Tức quê Ngài An Thế Cao, thuộc Tây vức). Hòa thượng là người giám hộ trực tiếp cho đệ tử. Có 3 bậc Hòa thượng:
1. Hòa thượng thế độ.
2. Hòa thượng truyền giới.
3. Hòa thượng y chỉ.
Hòa thượng đủ tư cách truyền giới và làm thầy cho người khác phải có những điều kiện sau đây:
1. Phải đủ 10 hạ lạp.
2. Biết trì, phạm, khinh, trọng.
3. Có kiến thức quảng bác.
4. Giảm được những tâm tư uẩn khúc trong tâm đệ tử.
5. Đủ sức đưa đệ tử lầm lạc trở về với chánh pháp, hay giải thích cho đệ tử để phá trừ những kiến chấp sai lạc.
68. Y chỉ.
Nếu Bổn sư tịch thì có thể xin y chỉ thầy khác Hoặc thầy bỏ đạo hoàn tục, ra ngoại giới, không cùng giới với mình nữa; hoặc đệ tử có duyên cần đi chỗ khác ở chứ không ở cùng thầy nữa, thì có thể xin y chỉ với một thầy khác.
Trừ trường hợp mình tự ý bỏ đi hay thầy không cho y chỉ mà bỏ đi, cũng có khi cả hai bên đều muốn xa nhau nhưng không thể công bố vì lý do nào đó, thì có thể bên thầy hay trò ra khỏi ngoại giới một đêm cho đến khi bình minh xuất hiện trở về, thế là mất y chỉ. Hoặc lên giới trường ngủ một đêm cũng mất y chỉ.
69. Nên học và không nên học.
Có 4 trường hợp:
1. Thầy có pháp, có thực. Pháp là giới, định, luệ. Thực là khất thực dễ dàng.
2. Thầy có pháp, không có thực: có dạy dỗ nhưng khất thực không dễ dàng.
3. Thầy có thực, không có pháp: khất thực dễ dàng nhưng không ai dạy dỗ.
4. Thầy không pháp, không thực: không có ai dạy dỗ và khất thực cũng không dễ dàng.
70. A-xà-lê.
A-xà-lê dịch là quỹ phạm sư, tức là vị thầy mô phạm, gương mẫu. Có 5 hạng A-xà-lê:
1. Thầy khi xuất gia, tức thầy cho mình xuất gia.
2. Thầy truyền Đại giới, làm kiết-ma thọ giới cho mình.
3. Thầy giáo thọ, làm giáo thọ cho mình thọ đại giới.
4. Thầy dạy kinh: dạy kinh cho mình dù chỉ là 4 câu kệ.
5. Thầy y chỉ: dù chỉ cho mình trong một đêm cũng là A-xà-lê.
Khi đệ tử đã thọ giới rồi thì phải học hỏi và thuyết giới.
71. Nguyên nhân thuyết giới.
Nguyên do có sự thuyết giới là vì lúc đầu Phật chưa thuyết giới. nhưng ngoại đạo Phạm chí tập họp một tháng 3 lần để thầy trò tập hợp gặp gỡ sinh hoạt vui vẻ và tín đồ vui tụ cúng dường hoan hỉ. Vua Bình Sa thấy thế về bạch Phật. Phật cho phép các Tỳ-kheo một tháng 2 lần gặp gỡ nhau. Lúc đầu vâng lời Phật, họ cũng nhóm họp, nhưng ai nấy đều ngồi thiền im lặng, bị cư sĩ chê. Phật bèn dạy ngồi lại thì phải nói pháp. Khi được phép nói pháp thì các Tỳ-kheo phải nói về kinh; khi nói kinh thì có người nói nghĩa không nói văn, người nói văn không nói nghĩa; người ngồi tòa cao, kẻ thích tòa thấp; trong khi đó có người tham thiền, có người kinh hành, thậm chí có kẻ ngủ gục. Do đó không có sự thống nhất trong Tăng chúng, trong khi đó có một số tân Tỳ-kheo muốn học hỏi nhưng không có ai dạy dỗ, hướng dẫn. Phật biết và dạy các vị cựu Tỳ-kheo rằng, có nhiều tân Tỳ-kheo muốn học giới, vậy trong ngày đó phải thuyết giới cho họ nghe. Các Tỳ-kheo khi nghe Phật dạy thì mừng quá, vì nói kinh thì lại cãi nhau về lý lẽ, ngồi thiền thì hay ngủ gục, thôi thì thuyết giới là gọn nhất.
72. Bố-tát.
Từ đó chư Tăng, Ni mỗi tháng 2 lần thuyết giới, còn gọi là Bố-tát. Chữ Bố-tát dịch từ tiếng Phạn là Uposatha; nghĩa là ngày tịnh trú, trưởng dưỡng, trưởng tịnh. Ngày Bát-quan trai của cư sĩ cũng gọi là Uposatha.
73. Mục đích Bố-tát.
Mục đích Bố-tát thuyết giới là nhắc nhở nhau về giới pháp để tu hành, gọi là trưởng tịnh. Tăng không An cư chỉ phạm tội Đột-kiết-la. Ni không tiền An cư, phạm Đột-kiết-la, không hậu An cư phạm Ba-dật-đề . Như vậy đủ biết phạm điều không An cư không nặng bằng phạm các giới khác. Từ đó đã hình thành ra hai kỳ Bố-tát thuyết giới, nhưng trường hợp không Bố-tát được thì Luật phụ có ghi (luật chính không nói) thêm có thể trung gian Bố-tát.
74. Trung gian Bố-tát.
Nếu có những nạn duyên xảy ra cho Tăng, không thể giữ đúng hạn kỳ Bố-tát thì có thể triển hạn, dời sang ngày khác. Những tai họa được kể là do vua quan đưa đến, do đạo tặc, do lửa, do nước, do bệnh, do người, do ma quỷ hay thú vật. Việc thuyết giới không tác pháp được trong hai ngày theo định kỳ chính thức mà thực hiện trong khoảng giữa hạn kỳ này với hạn kỳ sau, được gọi là trung gian Bố-tát. Trừ hai ngày chính thức Bố-tát trong tháng và một ngày trước và một ngày sau của hai ngày đó, những ngày còn lại gọi là trung gian. Ví dụ, nếu 15 âm lịch phải thuyết giới, nhưng do tai họa, phải dời qua ngày 17, 18… triển hạn lâu nhất là đến 28 hoặc 27 (nếu tháng thiếu). Nếu Bố-tát ngày 30 bị đình chỉ thì dời qua ngày mồng 2 và lâu nhất là đến 13. Việc thuyết giới không được tiến hành hai ngày liền nhau. Nếu hạn kỳ chót của ngày trung gian Bố-tát chưa thực hiện được, thì việc thuyết giới định kỳ trước sẽ hợp lại làm một với định kỳ sau.
Trường hợp chúng Tăng bất hòa mà Bố-tát thì bị Đột-kiết-la. Trong khi Bố-tát, có khách Tăng đến thì có thể dự. Nếu khách Tăng nói, chưa từng nghe giới, xin nói giúp. Trong khi mình thuyết giới gần xong, thì cứ thuyết cho xong rồi nói lại cho khách Tăng nghe, nhưng không yết-ma vấn hòa gì nữa. Thuyết giới xong có khách Tăng đến, nếu khách Tăng tùy hỉ thì thôi, nếu không thì nên đem ra ngoại giới thuyết cho khách Tăng nghe, vì trong một giới trường không được thuyết hai lần cho một kỳ Bố-tát.
75. Cách thuyết giới.
Có 5 cách thuyết giới:
1. Khi gặp nạn chỉ thuyết bài tựa.
2. Chỉ thuyết đến phần trọng giới Ba-la-di.
3. Chỉ thuyết đến hết phần Tăng-tàn.
4. Chỉ thuyết đến hết phần bất định.
5. Thuyết trọn vẹn.
76. Già thuyết giới.
Nếu có người muốn ngăn người khác thuyết giới, thì hỏi: đã đến bạch Thượng tọa chưa. Khi đến bạch, vị Thượng tọa hỏi: Thầy có đủ 5 pháp không mà muốn ngăn thuyết giới? 5 pháp là :
1. Ngăn cản cho đúng lúc, đúng thời (thời bất dĩ phi thời).
2. Chỉ nói sự thật (thật bất dĩ phi thật).
3. Việc ngăn đó có lợi ích không (lợi ích bất dĩ vô lợi ích). .
4. Phải nói lời dịu ngọt, êm ái, không hung tợn (nhu nhuyến bất dĩ thô khoáng).
5. Ngăn vì từ tâm, không phải ác tâm (từ tâm bất dĩ ác tâm).
Tóm lại, muốn nêu lỗi phải đúng lúc, rằng chuyện đó là thật chứ không phải thêu dệt, có lợi cho người ta, phải nói lời ôn tồn dịu ngọt, do lòng từ tâm mà nói. Thượng tọa khuyên người ấy rằng, nếu thấy không đủ 5 đức thì đừng ngăn. Nếu thầy nói tôi đủ 5 đức thì tiếp tục hỏi: Vậy đã bạch Trung tọa chưa?–Có. Vậy đã bạch Hạ tọa chưa? Có. Khi ấy hỏi tiếp: Người mà thầy muốn nêu lên là do phạm giới thuộc loại nào? Về kiến hay về oai nghi? Nếu do nghe, thấy thì do ai? Nơi nào? Nếu người kia không đáp được thì khuyên thôi đi, thầy đừng bày chuyện phá Tăng nữa.
77. Không đủ tư cách ngăn thuyết giới.
Mặt khác, lrong bộ Căn bản Mục-đắc-ca nói: Có 12 hạng người không được ngăn thuyết giới, Bố-tát, Tự tứ là:
1. Người ngu: tức là người có ác tướng, ác ngôn, ác tác.
2. Người si: tức là người không có thọ trì Tam tạng.
3. Vô trí: không hiểu văn giáo của Tam tạng.
4. Không thiện xảo: tức không rõ nghĩa lý trong Tam tạng.
5. Vô tàm: người không có tâm hỗ thẹn.
6. Người có sự hiềm khích, tức trước đây đã hiềm khích lẫn nhau, thù oán với nhau, giờ thấy cơ hội, đem ra đấu đá lẫn nhau.
7. Người ở ngoại giới nói vọng vào can ngăn.
8. Người bị xả khí (ác bất kiến xả).
9. Người nói lộn xộn, không đầu đuôi.
10. Người xả oai nghi: đang đứng chỗ này chạy qua chỗ khác, lộn xộn.
11. Người thất bổn tánh: làm những việc không đáng làm, không biết tu giới tu luật.
12. Thọ học (học trò), người đang học không có quyền ngăn chặn kiết-ma.
78. Đủ tư cách ngăn thuyết giới.
Có 4 hạng người có quyền ngăn:
1. Người trú bổn tánh: Tức người biết tu giới, biết làm việc đáng làm, không làm việc không làm việc không đáng làm.
2. Người nói có thứ lớp, không rối loạn.
3. Người không xả oai nghi.
4. Người ở nội giới.,ở trong nội giới mới ngăn được, ở ngoại giới bất thành.
79. Triển ngày thuyết giới.
Ví dụ: Ngày 15 âm lịch là ngày thuyết giới, nhưng có chúng Tỳ-kheo hay ưa gây gỗ từ nơi khác sắp đến thì phải dời lui một ngày thuyết giới, tức ngày 14. Ngày 14 họ tới thì lui ngày 13. Ngày 13 họ tới thì đem ra ngoài giới kiết tiểu giới để thuyết giới. Đem ra ngoại giới mà cũng bị phá thì bạch chúng để kỳ sau. Kỳ sau cũng bị phá nữa thì phải cưỡng bức hòa hợp để thuyết giới.
80. An cư.
Lý do An cư? Có thể tóm lại trong 2 lý do:
– Lý do thứ nhất, trong kinh Trường A-hàm nói: ông Đại-điển-tôn là tiền thân của Phật, thiên hạ khen ông là người đức hạnh, rằng ông là người đã từng thấy Phạm thiên, nhưng kỳ thật ông chưa thấy. Do lời thiên hạ khen nên ông nảy ra ý định An cư để cho thật thấy Phạm thiên.
– Lý do thứ hai, là khi đức Thế Tôn ở Xá-vệ, trong vườn ông Cấp-cô-độc, nghe lời than phiền của các cư sĩ về Lục quần Tỳ-kheo cứ đi lang bạt kỳ hồ trong thiên hạ, không kể ngày tháng giờ giấc gì hết, nên bị thiên hạ cơ hiềm. Các vị cư sĩ so sánh rằng, ngoại đạo cũng có 3 tháng An cư, cũng như loài cầm thú cũng biết thời gian tránh mưa, trái lại sao mấy thầy Tỳ-kheo đệ tử của Phật lại đi lung tung, không biết nghỉ ngơi gì cả, lại đạp côn trùng chết lăn chiên đỏ đất. Họ cơ hiềm chê bai. Do cơ hiềm như vậy nên Phật dạy phải An cư ba tháng.
Vậy An cư nghĩa là gì? An là an tịnh nội tâm, còn cư là kỳ hạn cư trú trong suốt thời gian nhất định nào đó. Đến ngày An cư, nếu là Tỳ-kheo thì bắt buộc ai cũng phải thọ An cư hết. Bên Trung Hoa, ngày xưa đến ngày An cư, họ còn áp dụng tới mức độ phát thẻ hành trù tức thẻ phát ra cho từng người rồi thâu lại, đếm trên số thẻ để biết hiện có bao nhiêu người An cư. Cho đến Phật và hộ pháp họ cũng phát thẻ luôn. Như vậy, người nào có mặt, dù lớn dù nhỏ đến ngày ấy cũng phải An cư, thậm chí họ còn mời luôn Phật và hộ pháp cũng phải An cư và phát thẻ. Đó là tư cách và bổn phận của người tu sĩ.
81. Tiền An cư – hậu An cư.
Trong phép An cư thì ai cũng phải thọ An cư nếu là Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni, đệ tử của Phật. Thọ An cư cũng như thọ giới, mỗi người tự mình nói lên, hoặc ba người tự nói lên trước một vị Tỳ-kheo Thượng tọa để thọ An cư. Nếu tiền An cư thì bắt đầu từ 16 tháng tư âm lịch và hậu An cư từ những ngày 17 tháng 4 đến 16 tháng 5 âm lịch. Dù hậu An cư cũng phải theo
ngày tiền An cư mà Tự tứ, nhưng Tự tứ rồi phải ở trong hạ cho đủ 90 ngày rồi mới ra hạ, mặc dầu theo tiền An cư mà Tự tứ.
82. Thọ nhật.
Thọ nhật tức là trong 3 tháng An cư mà có duyên sự phải ra ngoài đại giới. Nếu thọ nhật thì chỉ được phép thọ nhật 7 ngày. Thọ nhật bảy ngày thì chỉ đối thú với một người trong chúng mà nói: Thưa Đại đức, tôi có việc nọ việc kia, phải ra khỏi đại giới 7 ngày, xong 7 ngày trở về, khi về cũng phải báo lại. Nếu trường hợp chưa đến 7 ngày mà trở về, khi về cũng phải báo. Trường hợp đi trên 7 ngày thì phải bạch Tăng chứ không đối thú cá nhân nữa, và chỉ được đi ra khỏi đại giới trong mùa An cư tối đa 40 ngày thôi. Thí dụ An cư 90 ngày, phải có 50 ngày ở trong đại giới, kiết hạ thì mới khỏi mất hạ. Xin đi 7 ngày mà đi quá 7 ngày cũng mất hạ. Khi có các nạn xứ, phòng xứ, có duyên sự xin đi nơi khác, tại đó có An cư mà mình tiếp tục An cư ở đó thì không mất hạ. An cư xong rồi, phải chấm dứt An cư bằng lễ Tự tứ.
83. Tự tứ.
Phạn tự Pravarana, Trung Hoa dịch âm Bát-hòa-la, nghĩa là Tự tứ. Kinh Vu-lan gọi Bát-hòa-la phạn tức là cơm cúng dường trong ngày Tự tứ. Tự tứ cũng còn gọi là thỉnh thỉnh hay tùy ý: Nghĩa là mình tự nói lên lời yêu cầu người khác chỉ lỗi cho mình theo chỗ thấy, nghe, nghi của họ để mình nếu có đúng như họ thấy, nghe, nghi thì xin sám hối cho thanh tịnh. Trong khi thuyết giới có hỏi câu: “Chư Đại đức có thanh tịnh không” thì mình mới trả lời, còn trong khi Tự tứ, không đợi hỏi mà phải nói ra, để yêu cầu người khác tự do nói lên lỗi của mình, và mình nếu có lỗi thì sám hối một cách vui vẻ Câu Tự tứ như vầy: “Đại đức nhất tâm niệm, hôm nay chúng Tăng Tự tứ, tôi Tỳ kheo… cũng Tự tứ. Nếu Đại đức thấy, nghe hoặc nghi tôi có tội, xin Đại đức chỉ cho, tôi nếu thấy có tội, sẽ như pháp sám hối” (nói ba lần).
Lúc đầu Phật chế luật An cư cho các Tỳ-kheo, nhưng có các Tỳ-kheo nói với nhau: Thôi, cả năm mình nói nhiều rồi, nay An cư chỉ làm thinh. Trong suốt mùa An cư, chỉ lấy tay ra dấu thôi. Họ đồng ý với nhau như vậy, nên tất cả đều im lặng. An cư xong về hầu Phật, Phật hỏi: An cư có vui vẻ không, có hòa hợp không? Mọi người cho biết, trong mùa An cư này, họ chỉ im lặng, không nói gì cả, chỉ ra dấu thôi. Phật nói: Phải tương giáo, tương giới, sám hối thanh tịnh, an lạc, chứ làm vậy thành như dê câm, không được. Khi Phật cho phép như vậy thì Lục quần Tỳ-kheo cứ đi chỉ lỗi của người khác lộn xà ngầu lên hết, bị Phật quở. Phật nói rằng, muốn chỉ lỗi người khác phải đủ năm đức.
84. Cầu thính.
Trước khi chỉ lỗi cho ai phải cầu thính, tức báo cho họ biết mình sẽ nói lỗi của họ ra trước Tăng. Nghe vậy, lục quần Tỳ-kheo đi cầu thính lung tung hết, gặp ai cũng cầu thính. Đến khi người khác đến cầu thính để chỉ lỗi các ông thì các ông đi lơ, tránh không cho cầu thính. Khi không lơ được thì nhận lời. Nhưng đến giờ thuyết giới thì không đến. Chư Tăng cũng chịu, không biết làm sao! Do đó, Phật nói trong trường hợp mãn ba tháng An cư trong ngày Tự tứ không có cầu thính, mà phải mỗi người tự nói lời cầu thính người khác chỉ lỗi của mình, để mình biết mà sám hối cho thanh tịnh. Trong Tự tứ phải thực hiện phép đối thú Tự tứ. Ai cũng phải An cư và ai cũng phải đối thú hết. Có hai cách đối thú:
1. Trước hết vị chủ pháp sự cầu Tự tứ với vị Tăng sai thọ Tự tứ.
2. Sau đó vị Tăng sai thọ Tự tứ đối thú với vị chủ pháp sự mà Tự tứ. Sau đó các vị này đến trước mỗi vị Tăng khác để cho họ Tự tứ, cho đến khi hết người cầu Tự tứ.
Như vậy, người thọ Tự tứ (nhận Tự tứ) thì phải có năm đức:
1. Bất ái, là không thương yêu, thiên vị.
2. Bất nhuế, là không hiềm khích, oán hận gì hết.
3. Bất bố, là không sợ. Thầy có lỗi tôi nói mà không sợ thầy oán trách.
4. Bất si, là biết chính xác, rõ ràng chứ không phải u mê; phạm biết phạm, không phạm biết không phạm.
5. Biết ai Tự tứ rồi và ai chưa Tự tứ.
Khi Tự tứ, chúng Tăng phải đủ năm người trở lên, nếu chỉ có bốn người thì chỉ đối thú Tự tứ, chứ không kiết-ma Tăng sai người Tự tứ. Về Tự tứ có 4 trường hợp: Định kỳ Tự tứ, Tăng ích Tự tứ, Giảm nhật Tự tứ, Tăng thượng Tự tứ.
1. Thế nào là định kỳ Tự tứ? Đó là đủ ba tháng An cư thì Tự tứ, hay còn gọi là Chánh kỳ Tự tứ.
2. Thế nào là Tăng ích Tự tứ? Nếu như chúng Tăng tu trong ba tháng, thấy có ích mà muốn tu tiếp tục thêm một tháng nữa rồi mới Tự tứ xuất gia, gọi là Tăng ích.
3. Giảm nhật Tự tứ: Nếu nghe có chúng Tăng ở trú xứ khác sắp đến quấy rầy thì giảm đi một ngày mà Tự tứ. Thay vì ngày 15 bây giờ 14. Nếu giảm không được thì họ đã vô nội giới rồi, thì tìm cách ra hiệu cho nhau ra ngoài giới kiết-ma Tự tứ.
4. Tăng thượng Tự tứ: Nếu ra ngoài giới kiết-ma Tự tứ cũng không được, thì lui ngày 30 kỳ sau một kỳ để Tự tứ. Đến ngày 30 không Tự tứ được thì lui đến ngày 15 tháng sau nữa Tự tứ. Nếu lui như thế mà không được nữa thì bắt buộc phải cưỡng bức hòa hợp Tự tứ.
85. Y đệ ngũ Luật sư trì luật.
Thế nào là đệ ngũ Luật sư?
1. Vị Tỳ-kheo nào đọc thuộc giới bổn từ đầu đến 30 xả đọa, thì gọi là đệ nhất Luật sư.
2. Vị Tỳ-kheo nào đọc thuộc giới bổn từ đầu đến Ni-tác-kỳ Ba-dật-đề, gọi là đệ nhị Luật sư.
3. Vị Tỳ-kheo nào đọc thuộc toàn cả giới bổn, gọi là đệ tam Luật sư.
4. Vị Tỳ-kheo nào đọc thuộc Nhị bộ luật (cả bên Tăng và bên Ni) gọi là đệ tứ Luật sư.
5. Vị Tỳ-kheo nào đọc thuộc Nhị bộ luật và thông hiểu rộng rãi, thì người An cư y theo vị đệ ngũ Luật sư này để trì Luật, gọi là đệ ngũ Luật sư.
BỒ-TÁT GIỚI
Bồ-tát giới là thông giới, khác với Tỳ-kheo giới là biệt giới. Bồ-tát giới thì chỉ cần nghe hiểu là thọ được, còn Tỳ-kheo giới thì phải lục căn hoàn bị mới thọ được.
Bồ-tát dịch từ chữ Buddhisattva (Buddhi: giác ngộ; sattva: hữu tình, chúng sinh, tức một chúng sinh có thể giác ngộ thành Phật). Trong kinh Phạm Võng nói: “Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính. Nhữ thị đương thành Phật, ngã thị dĩ thành Phật, thường tác như thị tín, giới phẩm dĩ cụ túc”. Hết thảy chúng sinh đều có thể thành Phật. Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành. Ai mà tin ở điều đó thì giới phẩm đã thành tựu rồi, còn về giới tướng là để thực thi tâm Bồ-đề này mà thôi. Giới Bồ-tát được nói trong Phạm Võng.
I. Phạm Võng.
Vì sao gọi là Phạm Võng? Vì Phật nhìn lên trên lưới của trời Đế-thích như cái võng có nhiều mắc. Chính lưới có mắc ấy nó đang chiếu phản ánh lẫn nhau thành vô tận. Kinh Hoa Nghiêm ví cho lý trùng trùng duyên khởi cũng như lưới Đế-thích.
Một mặt gương phản chiếu ánh sáng qua trăm ngàn cái gương khác. Trăm ngàn cái gương khác chiếu lại trong một cái gương này, như vậy là trùng trùng vô tận, không biết bao nhiêu cái gương, bao nhiêu ánh sáng chiếu qua chiếu lại; nhân đó Phật nói kinh Phạm Võng. Kinh này ý nghĩa đồng như kinh Hoa Nghiêm, gồm 61 phẩm. Phẩm Bồ-tát tâm địa giới là do Ngài La-thập dịch.
II. Tâm địa giới.
Thế nào là tâm địa giới?
1. Pháp môn thì nhiều nhưng không ra ngoài tâm. Cho nên nêu tâm là nêu đủ các pháp. Tâm là bổn nguyên của thánh và phàm. Ngộ được bổn nguyên đó là thành Phật, thành Bồ-tát; không ngộ thì thành chúng sinh lưu chuyển. Bồ-tát vốn ngộ tâm đó cho nên mới thọ Bồ-tát giới này và y theo giới tâm địa mà làm. Nhân thì giống như đại địa. Đại địa có hai tính cách:
a. Muôn vật muôn thú từ nơi đó mà phát sinh; muôn giới muôn đức cũng từ đó mà phát sinh.
b. Tâm Bồ-tát như đất, không phân biệt tịnh uế; đổ nước hoa cũng được, nước thối cũng xong, với một tâm bình đẳng với tất cả chúng sinh; ai khen cũng được, ai chê cũng không sao, cốt làm thế nào tự lợi lợi tha, không vì tiếng tốt xấu khen chê mà bỏ mất tự lợi lợi tha. Tâm Bồ-tát cũng như đất, không có hiềm chuyện tốt xấu, khen chê, sạch nhớp nên gọi là tâm địa.
Phẩm này có hai phần thượng và hạ. Phần thượng là hóa thân đức Thích-ca hỏi đức Lô-xá na, do nhân duyên gì mà Bồ-tát thành tựu được Thập địa, Đẳng giác, Diệu giác Phật? Ngài Lô-xá-na vì đại chúng mà nói: Thập phát thú tâm, Thập trưởng dưỡng tâm, Thập hồi hướng tâm. Thanh văn có 4 quả: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán. Còn Bồ-tát biệt giáo thì có 52 vị: Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa, Đẳng giác và Diệu giác.
1. Thập tín: Phật dạy: Thập tín chỉ mới là bước đầu, tâm cùng lý hợp, lòng tin đối với lý không có ngại. Ví dụ, đối với lý Tứ đế hay lý “hết thảy chúng sinh là Phật sẽ thành”, có những người họ không tin, nhưng đối với chúng ta nghe lý Tứ đế, Phật tính là tin. Trong Bồ-tát, cái lòng tin đó tương đương với Thập tín. Nghĩa là “tâm dữ lý hợp” (tâm của mình đối với lý Tứ đế, Phật tính nó hợp chứ không chống trái). Nói Khổ đế là mình tin, cho đến Tập, Diệt, Đạo cũng đều tin như vậy. Nói cách khác, tâm với lý khế hợp chứ không chống trái nhau. “Tâm dữ lý hợp” chứ không có nghi ngờ gì hết. Đó là bước đầu để “tùng phàm nhập thánh”. Trong kinh Hoa Nghiêm nói: “Phật
pháp như biển cả, do lòng tin mà được vào” (Phật pháp như đại hải, do tín năng nhập). Lòng tin đó là bước đầu tiên để đi lên bậc thánh. Đối với lý Tứ đế thì có tin mới học, mới tu. Có tin rồi mới giải, mới hành, mới chứng; nếu không tin thì tìm hiểu lý Tứ đế làm gì; nếu không hiểu thì làm sao mà tu,. không tu thì làm sao mà chứng? Cho nên phải tin. Tin là bước đầu tiên để vào đạo.
2. Thập trú: Khi đã tin thì khởi tâm quyết liệt, dứt khoát để đi vào diệu đạo. Do tâm dứt khoát nên lòng tin đứng yên, bất động không xao lãng nên gọi là trú. Thập trú trong Phạm Võng có một từ khác là Thập phát thú, Thập giải; tức là mười lòng tin hướng tới đạo.
3. Thập hạnh: Từ Thập trú bước lên Thập hạnh, mà Thập trụ đã là Phật tử rồi, bởi lòng tin đã đứng yên lrên lý của Phật rồi. Như vậy là đã đầy đủ phần tự lợi, nhưng còn phải hướng tới phần lợi tha nữa, nên phải từ Thập lrụ hướng đến Thập hạnh. Hạnh là hành mọi điều thiện để lợi tha. Thập hạnh cũng có một từ khác là Thập trưởng dưỡng. Trưởng dưỡng là gì? Vì lên địa vị này là cứ Tăng tấn tu các điều thiện, làm cho điều thiện Tăng mãi lên, gọi là trưởng dưỡng. Tức mười bậc trưởng dưỡng các hạnh lợi tha, để từ đây bước lên Thập hồi hướng.
4. Thập hồi hướng: Trong Phạm Võng cũng có một từ khác là Thập Kim cang, kiên cố bất động; cũng gọi là Thập nguyện. Ở Thập tín, Thập hạnh, tâm muốn thoát tục thì nhiều, nhưng tâm đại bi, lợi tha thì ít. Đến Thập hồi hướng là hướng tâm thoát tục trở về với tâm đại bi lợi tha để hòa quang đồng trần, cứu độ chúng sinh, lợi lạc hữu tình. Chữ “hồi hướng” là hồi chơn hướng tục–Khi kia tâm xuất tục là hồi tục hướng chơn, bây giờ hồi chơn hướng tục, tức là từ nơi tâm xuất tục nhiều, hướng nó về cái tâm đại bi, lợi tha nhiều hơn nữa. Hồi trí hướng bi– khi kia là nặng về trí, bây giờ hướng về bi. Trí là tự lợi, bi là lợi tha. Trí là chứng Bồ-đề, bi là lợi tha. Bây giờ hồi trí hướng bi, chơn tục viên dung, bi trí bất nhị, đầy đủ thần thông; đến địa vị này gọi là hồi hướng, tức là hồi chuyển mười thiện hạnh hướng tới ba chỗ:
a. Hướng tới chơn như thật tế (lý), tức hồi sự hướng tới diệu lý.
b. Hướng tới Vô thượng Bồ-đề (hướng tới trí giác), (bên kia là lý, bên này là trí, nhưng trí Vô thượng), tức hồi nhân hướng quả.
c. Hướng tới tất cả chúng sinh, tức hồi tự hướng tha.
Đó là bốn gia hạnh. Qua khỏi Thập hồi hướng là tu bốn gia hạnh: Noãn, Đảnh, Nhẫn, Thế đệ nhất. Thập địa–cuối Thế đệ nhất, đoạn trừ kiến hoặc, chứng lý Nhị không, bước lên Kiến đạo sở hoan hỉ địa, tu tập thành tựu Giới Ba-la-mật. Tiếp theo là Ly cấu địa, từ kiến đạo vị tiến lên địa này, y theo chơn lý nhị không đã chứng được mà tu tập đoạn trừ tu hoặc, cho đến địa thứ mười là Pháp vân địa, tất cả vô minh lậu hoặc hai chướng hiện hành và chủng tử đều dứt sạch, thành tựu trọn vẹn mười Ba-la-mật, đủ vô biên công đức, như đám mây lđn, mưa pháp cam lồ tưới mát chúng sinh. (Xem rõ Mười địa trong luận Thành duy thức). Bồ-tát tâm địa giới phẩm thượng–nói
cách khác, ở Bồ-tát tâm địa giới phẩm thượng thuyết minh về hàng Bồ-tát do sức định tuệ tu chứng tam hiền, thập thánh. Còn ở Bồ-tát tâm địa giới phẩm hạ là thuyết minh thập trọng tứ thập bát khinh giới, để cho hàng Bồ-tát y theo tâm địa giới đó mà tu tập Giới, Định, Tuệ. Thành ra. thượng phẩm chỉ cho quả vị Bồ-tát tu chứng tam hiền thập thánh–còn phẩm hạ chỉ về thánh nhân, tức chỉ về giới; tức phẩm hạ nói về nhân, phẩm thượng nói về quả.
Kết luận: Học giới là để cho chúng ta thấy có những lời dạy của Phật rất hay để mà tu thân, khẩu, ý. Ví dụ, Phật dạy những lời “ác sự hướng tự kỉ, hảo sự dữ tha nhân”; hoặc “Không được khen mình chê người” thật đơn sơ nhưng rất cao thượng và khó thực hành. Chúng sinh thì luôn luôn vị ngã, có khi không tán thán mình một cách trực tiếp, nhưng tự tán thán mình bằng cách hủy tha, khẩu xuất đao kiếm, chê tất cả, trừ mình. Học như vậy để biết ai giữ giới ai không, ai tu ai không tu. Nếu không nhờ những lời dạy ấy, ta dễ trở nên người nhỏ mọn, hẹp hòi. Khen mình, chê người là chuyện rất dễ làm, nhưng so với đạo lý là thật còn rất xa, đó là làm theo hạnh chúng sinh chứ không phải theo Phật, Bồ-tát.
III. Tam tịnh giới.
Giới Bồ-tát gồm trong ba tụ tịnh giới là: Nhiếp luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giới và Nhiêu ích hữu tình giới.
Một là gom tất cả gọi là “nhiếp”. Nếu có luật nghi gì thì luật này đều gom hết, gọi là Nhiếp luật nghi giới.
Hai là nhiếp thiện pháp giới, là có bao nhiêu điều thiện thì giới này gom hết; lục độ vạn hạnh đều nằm trong đó.
Ba là Nhiêu ích hữu tình giới. Nhiếp luật nghi là “chư ác mạc tác”, đoạn tất cả ác. Nhiếp thiện pháp là “chúng thiện phụng hành”. Nhiêu ích hữu tình là lợi lạc chúng sinh. Hai việc nhiếp luật nghi và nhiếp thiện pháp cũng lợi lạc chúng sinh nhưng gián tiếp, tiêu cực, còn lợi lạc hữu tình là trực tiếp, tích cực. Ví dụ, không sát sinh thì cũng lợi lạc chúng sinh, nhưng phóng sinh còn hơn thế, hợp với câu kệ “tự tịnh kỳ ý”. Không làm ác cũng là tự tịnh kỳ ý nhưng còn thấy có người có ta nên chưa rốt ráo, phải đến chỗ “tam luân không tịch”, theo tinh thần kinh Kim-cang mới là tự tịnh kỳ ý. Nếu không có tinh thần đó thì rất dễ chán. Khi phát tâm độ chúng sinh mà chúng sinh bạt tai mình, làm sao chịu nỗi sự ngang ngược ấy! Cũng là bố thí nhưng với tinh thần khác nhau nên kết quả cũng khác nhau. Một câu kệ cũng đủ tam tụ tịnh giới, đủ theo đó để tu hạnh Bồ-tát. Hoặc như bốn hoằng thệ nguyện, thì “Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ” là Nhiêu ích hữu tình giới. “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn” là đoạn nhất thiết ác, là Nhiếp luật nghi giới. “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học” là tu nhất thiết thiện, là Nhiếp thiện pháp giới. Như vậy, bốn hoằng thệ nguyện cũng là ba tụ tịnh giới; đó là giới thể. Còn gọi là giới tướng thì phải là 10 giới trọng, 48 giới khinh như trong kinh Phạm Võng.
IV. Thọ giới Bồ-tát.
Có hai cách thọ: Một là tự thệ thọ, là đối trước Tam Bảo phát bốn tâm tịnh tín, đối với Phật, Pháp, Tăng và giới thanh tịnh bất hoại. Lòng tin thành tựu viên mãn (tứ bất hoại tín) và cầu Phật gia hộ, khi thấy tướng hảo thì đắc giới. Hai là tùng sư thọ, là do thầy truyền thọ giới Bồ-tát truyền lại.
V. Mất giới Bồ-tát.
Sau khi thọ giới, trường hợp mất giới Tỳ-kheo là do năm nhân duyên: Chết, đổi hình (nam thành nữ hay ngược lại), không tin nhân quả (đoạn thiện căn), tác pháp (nói ra lời “tôi không tu, không làm Tỳ-kheo nữa” với bất cứ người nào nghe, hiểu được và phạm trọng). Bồ-tát giới thì chỉ có hai trường hợp mất giới là phạm trọng do thượng phẩm phiền não trói buộc (ví dụ, cố ý sát nhân mà tâm niệm hành động sát nhân hiện hành liên tục không biết tàm quý, đó là thượng phẩm phiền não). Còn có trường hợp gọi là “ô trọng giới”, như ngộ sát, thì không đến nỗi mất giới. Trường hợp hai là xả Bồ-đề tâm, ví dụ nói: “Tôi không tin việc làm Phật, không phát tâm Bồ-đề nữa”.
Bồ-tát mệnh chung không mất giới, vì phát nguyện thọ từ kim thân cho đến Phật thân, trừ có hai duyên cớ mất giới như đã nói trên.