Kinh

Trương Văn Chiến 23

Thích Danh

o0o-

Mỗi bộ kinh có tên riêng và tên chung. Tên riêng thì chỉ đặc biệt bộ kinh ấy có; tên chung là tên phổ thông kinh nào cũng có.

Tên riêng là gì? Như tên “Phật thuyết A Di Đà” chính là tên riêng, chỉ có bộ kinh này được gọi thôi, còn những kinh khác thì không. “Kinh” là tên chung, tên chung này kinh nào cũng có. “Chung” là chung của các kinh, “riêng” là chỉ riêng của kinh này.

Không nên xem thường bộ kinh này, vì là kinh thường tụng vào buổi chiều trong chùa. Nhất là kinh này lại là của Phật nói ra.

Có năm hạng người có thể nói kinh: 1/ Phật; 2/ Đệ tử Phật; 3/ Chư Thiên; 4/ Tiên; 5/ Hóa Nhân, tức là người do Phật hay chư Thiên biến hóa ra.

Trừ kinh của Phật nói ra, kinh điển của bốn hạng người kia nói phải qua sự ấn chứng của Phật mới được gọi là kinh, nếu không thì không thể gọi là kinh được.

Kinh này là từ kim khẩu của Phật giảng nói lý vi diệu, không cần phải thưa thỉnh. Các kinh điển khác thì phải có người thưa hỏi Phật mới nói ra. Chỉ riêng kinh A Di Đà này là không có ai thưa hỏi, Phật tự nói ra. Tại sao thế? Vì nghĩa lý kinh này rất huyền diệu, trí huệ của hàng Thanh văn không thể đạt đến được, tất cả hàng Bồ tát cũng không thể hiểu rõ, cho nên không có nhân duyên người thưa hỏi về pháp môn Tịnh độ. Chỉ vì pháp môn này đáng được nói ra, cho nên Đức Phật xem thấy căn cơ thành thục bèn tự nói kinh này. Kinh này vì thế rất trọng yếu trong Phật giáo.

Tại sao kinh này lại rất trọng yếu? Khi Phật Pháp sắp diệt, diệt trước nhất là Kinh Lăng Nghiêm, vì tất cả Ma vương đều rất sợ chú Lăng Nghiêm. Sau khi Kinh Lăng Nghiêm diệt, các kinh khác lần lượt diệt theo. Lúc bấy giờ dù có giấy đi nữa, nhưng trên giấy không có chữ. Sau cùng chỉ còn Kinh A Di Đà lưu lại thế gian một trăm năm để hóa độ vô lượng vô biên chúng sanh mà thôi. Nhờ sáu chữ hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật mà rất nhiều người được độ, có đến số vô lượng vô biên. Sau đó trong sáu chữ hồng danh lại mất đi hai chữ “Nam mô”, chỉ còn “A Di Đà Phật” lưu lại một trăm năm nữa. Sau đó Phật pháp mới diệt hẳn. Kinh này diệt sau cùng nên là kinh rất trọng yếu trong Phật pháp.

Bây giờ giảng về tựa kinh. Tựa kinh này là “Phật Thuyết A Di Đà Kinh.”

“Phật” là gì? Phật là bậc đại giác, giác ngộ tất cả pháp không có mảy may mê lầm. Phật là bậc nghiệp hết tình không, nghiệp chướng đã hết, tình cũng khô cạn. Phàm phu là kẻ nghiệp nặng tình mê, đắm trước tình ái nên gọi là chúng sanh. Phật có đủ ba giác ngộ nên là bậc đại giác. Ba giác ngộ là:

1. Bản giác: Vốn đã là giác ngộ.
2. Thỉ giác: Mới giác ngộ.
3. Cứu cánh giác: Giác ngộ đến cực điểm.

Ba giác ngộ này có thể nói là: Tự giác, Giác tha, Giác hạnh viên mãn. Hàng phàm phu chúng ta là bất giác, một ngày từ sáng đến tối tự cho là thông minh, nhưng kỳ thực là kẻ ngu si không biết gì cả. Cũng giống như người đánh bạc tự cho mình là thắng bạc, nhưng sự thực là thua. Tại sao lại điên đảo như thế? Tại vì quá mê lầm. Biết rõ việc ấy sai mà vẫn cứ làm, đó là vì quá mê vậy. Càng mê càng lún sâu, càng lún sâu càng mê thêm. Phải làm sao đây? Cần phải giác ngộ mới được.

Phật cũng là một phần tử trong chúng sanh, cũng là một chúng sanh, nhưng Ngài không mê. Ngài giác ngộ, đó là tự giác. Người tự giác không giống với phàm phu, cũng chính là người Nhị thừa: Thanh văn, Duyên giác. Người Nhị thừa là bậc tự ngộ, tự giác mà không giác tha, cho nên gọi là Thanh văn thừa. Giác tha chính là Bồ tát. Bồ tát không phải vì chính mình, không giống với hàng Nhị thừa là bậc tự liễu ngộ, tự mình giác ngộ rồi không có phát tâm làm cho người khác cũng giác ngộ. Bồ tát phát tâm không giống như thế, Bồ tát phát tâm muốn làm lợi ích cho tất cả chúng sanh mà không cần chúng sanh làm lợi ích cho chính mình. Đó là dùng phương pháp tự mình giác ngộ đem giáo hóa chúng sanh, khiến cho tất cả chúng sanh cũng đều giác ngộ không còn mê mờ nữa, đó là thực hành Bồ tát đạo. Người Nhị thừa tu tứ diệu đế Khổ, Tập, Diệt, Đạo và mười hai nhân duyên.

Thế nào là mười hai nhân duyên? Mười hai nhân duyên là Vô minh duyên hành, Hành duyên Thức,Thức duyên Danh Sắc, Danh sắc duyên Lục nhập, Lục nhập duyên Xúc, Xúc duyên Thọ, Thọ duyên ái, ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sanh, Sanh duyên Lão tử.

Mười hai nhân duyên này từ đâu mà có? Từ Vô minh mà có. Nếu ta không có Vô minh thì mười hai nhân duyên này không thể phát sinh tác dụng được. Tại vì ta có Vô minh nên cái này kéo theo cái khác mà có. Hàng Nhị thừa tu chính là những pháp này. Còn Bồ tát thì vượt qua giai đoạn này, các Ngài tu Lục độ vạn hạnh, như:

1. Bố thí độ tham lam: Nếu người muốn hết tham lam thì phải bố thí, bỏ không được cũng phải bỏ. Không bỏ chính là tham lam nên bỏ không được. Cho nên nói bố thí độ tham lam.

2. Trì giới độ hủy phạm.

3. Nhẫn nhục độ giận dữ: Nếu tánh tình hay giận, thì phải nên tu hạnh nhẫn nhục. Phàm gặp việc phải nhẫn nại, không nên cả ngày giống như A tu la, không nói được lời nào hòa nhã, nói ra thì mắt trợn trừng giống như mắt bò. Đó đều là cảnh giới A tu la.

4. Tinh tấn độ giải đãi: Nếu giải đãi cần phải tu tinh tấn để đẩy lùi giải đãi đi.

5. Thiền định độ tán loạn: Nếu mình cứ vọng tưởng lung tung thì phải tu Thiền định. Nếu không có vọng tưởng thì tán loạn cũng không, điều cần nhất là phải có trí huệ.

6. Trí huệ độ ngu si: Có trí huệ thì không còn ngu si nữa, nếu ngu si thời không có trí huệ. Trước không có trí huệ, mà nay có trí huệ, chính là độ ngu si đấy, như ánh sáng đẩy lùi bóng tối vậy. ánh sáng là trí huệ, bóng tối là ngu si.

Bồ tát tu Lục độ vạn hạnh, tự giác giác tha, khác với hàng Nhị thừa là chỗ này.

Giác mãn chính là diệu giác, là Phật. Phật tự giác, cũng giác tha, cho nên Phật là giác hạnh viên mãn. Phật nếu nói đầy đủ là Phật-đà-gia, vì người Trung Quốc thích nói gọn cho nên gọi tắt là Phật. Người Tây phương nói Buddha cũng là nói tắt của Phật-đà-da. Có người lại nói: Thầy giảng tới giảng lui về Phật nhưng tôi vẫn không biết Phật là ai? Tôi xin nói cho bạn biết: Bạn chính là Phật đó!

Hỏi: Sao tôi lại không biết?

– Bạn không biết đó chính là Phật. Nhưng Phật của bạn không phải là Phật đã thành, mà là Phật chưa thành.

Đến đây quý vị mới hiểu: A! Thì ra Phật là người phàm tu mà thành, vậy ai ai cũng có thể tu hành thành Phật được. Là người nếu giác ngộ thì chính là Phật; trái lại thì là chúng sanh.

Phật còn có Ba Thân, Bốn Trí, Năm Nhãn, Sáu Thông. Chúng ta là chúng sanh, dù có tánh Phật, đều có thể thành Phật, mà vì chưa chứng được quả Phật nên không có ba thân, bốn trí, năm nhãn, sáu thông này. Phật là từ phàm phu tu hành đến quả vị Phật mới có đầy đủ những thứ kể trên. Cho nên có người nói: “Tôi đây chính là Phật”, đó thiệt là si mê quá mức! Chưa thành Phật mà lại nói ta đây là Phật, rõ ràng là dối mình dối người. Thật là kẻ đại si mê trên thế gian. Tuy mọi người đều có thể thành Phật, nhưng ai nấy đều phải tu hành, có đủ Ba Thân, Bốn Trí mới có thể thành Phật, chẳng phải chỉ có Năm Nhãn hoặc một ít thần thông mà thành Phật được.

Ba Thân là:

1/ Pháp thân
2/ Báo thân
3/ Hóa thân

Bốn Trí là:

1/ Đại viên cảnh trí;
2/ Diệu quan sát trí;
3/ Thành sở tác trí;
4/ Bình đẳng tánh trí.

Sáu thông là:

1. Thiên nhãn thông: Có thể thấy được tất cả hành động của trời và người.
2. Thiên nhĩ thông: Có thể nghe được những tiếng nói và thanh âm của người ở trên trời.
3. Tha tâm thông: Có thể biết được những ý tưởng trong lòng người khác.
4. Túc mạng thông: Chẳng phải chỉ biết hiện tại, mà cả đến quá khứ cũng biết nốt.
5. Thần túc thông: (Còn gọi : Thần cảnh thông) Thứ thần thông này không thể nghĩ bàn, cảnh giới rất vi diệu.
6. Lậu tận thông: Giống như là dưới đáy bình nước có một lỗ hổng, nước đều từ lỗ hổng đó chảy ra hết. Nay không còn chảy nữa, vì lỗ hổng ấy đã bị bịt kín, nên gọi là lậu tận.

Những gì là lậu tận? Tức là không có tâm dâm dục thì là không có lậu; không có tâm tham lam cũng là không có lậu; không có tâm si cũng là không có lậu. Tóm lại, tám vạn bốn ngàn những tập khí, lỗi lầm đều không có, gọi là Vô lậu.

Năm nhãn là:

1/ Thiên nhãn
2/ Nhục nhãn
3/ Huệ nhãn
4/ Pháp nhãn
5/ Phật nhãn.

Có bài kệ nói về năm nhãn như thế này:

Thiên nhãn thông không ngại,
Nhục nhãn ngại không thông,
Pháp nhãn chỉ quán tục,
Huệ nhãn rõ chơn không,
Phật nhãn ngàn mặt nhật:
Chiếu khác, thể lại đồng.

1. “Thiên nhãn thông không ngại”: Thiên nhãn thông suốt không ngăn ngại, cho nên gọi là “thông không ngại”. Người ấy có thể nhìn thấy sự việc trong tám vạn đại kiếp, nhưng không thể thấy được ngoài tám vạn đại kiếp.

2. “Nhục nhãn ngại không thông”: Nhục nhãn có thể nhìn thấy cảnh tượng có chướng ngại. Trái lại, Thiên nhãn có thể nhìn thấy cảnh tượng không chướng ngại.

3. “Pháp nhãn chỉ quán tục”: Pháp nhãn là quán Tục đế, quán sát tất cả Tục đế ở thế gian, đạo lý thế tục.

4. “Huệ nhãn rõ chơn không”: Huệ nhãn còn kêu là trí huệ, hay rõ rành Chơn không.

5. “Phật nhãn ngàn mặt nhật: Chiếu khác, thể lại đồng”: Phật nhãn không phải chỉ ở trên mặt Đức Phật mới có, mà mỗi chúng ta đều có Phật nhãn, chỉ có điều mở hay không mở mà thôi. Khi Phật nhãn mở ra, khác nào ánh sáng ngàn mặt trời, có thể chiếu soi vạn sự vạn vật, nhưng bản thể lại là đồng nhau.

Phật có đủ Ba Thân, Bốn Trí , Năm Nhãn, sáu thông; nếu ta nói mình là Phật thì phải đủ những thứ trên mới có thể nói là thành Phật được, bằng không chỉ là phàm phu. Nếu muốn làm người tốt thì không nên lừa người khác.

Phật Thích Ca Mâu Ni là Giáo chủ của thế giới Ta Bà. Thế giới Cực Lạc mà Ngài nói đến có Giáo chủ là Phật A Di Đà. Cõi nước ấy rất trang nghiêm, mặt đất bằng vàng ròng.

Thế nào gọi là thế giới Ta Bà? Ta Bà là tiếng „n Độ, dịch sang tiếng Trung Quốc là Kham Nhẫn, có nghĩa là thế giới Ta Bà khổ như thế, chúng sanh cũng kham nhẫn thọ những khổ ấy. Thế giới Ta Bà chính là thế giới mà chúng ta đang ở, có Đức Thích Ca Mâu Ni Phật làm Giáo chủ. Thích Ca là họ của Phật, Mâu Ni là tên của Phật, đều là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Trung Quốc là Năng Nhân? Năng Nhân là gì? Là hay dùng lòng nhân ái thương người để giáo hóa chúng sanh, cũng chính là lòng từ bi. Từ hay cho vui, Bi hay cứu khổ, dứt trừ nỗi khổ của chúng sanh mà ban cho họ niềm an lạc.

Bi có ba thứ:

1. Ái kiến bi: Lòng bi này phàm phu đều có đủ, đó cũng là một thứ tâm đồng tình, gọi là Ái kiến đồng tình. Sao gọi là Ái kiến bi? Những người nào gần gũi mình thì mình yêu mến họ, thương xót họ; khi họ xa mình hay là người xa lạ thì không yêu mến, không thương xót họ nữa. Những bạn bè thân thích mình đều có thể giúp đỡ họ, khi thấy họ đau khổ thì hết sức giúp đỡ họ, đó gọi là Ái kiến bi. Nhưng khi họ ở xa, hoặc không liên can gì đến mình, khi họ đau khổ, mình cũng bỏ mặc. Tại sao thế? Tại vì đối với họ mình không có lòng yêu mến (Ái). Có yêu mến mới có thứ Bi này. Hơn nữa, họ đồng loại với mình, mới có thứ Ái kiến bi này; nếu không đồng loại sẽ không có lòng Bi ấy. Như đối với súc sanh: bò, dê, gà, ngỗng… mình không những không có Ái kiến bi, mà còn muốn ăn thịt nó, cướp lấy sinh mạng nó để nuôi dưỡng sinh mạng của chính mình, đó là vì không có Ái kiến bi. May mắn nhân loại còn không đến nỗi ăn thịt đồng loại của mình. Tuy ăn bò, dê, gà, ngỗng, cá… nhưng chưa có thói người ăn thịt người, như vậy còn khá hơn là hổ, báo, sói một tí. Nhưng hổ báo cũng không ăn thịt đồng loại của nó. Nhân đó người không ăn thịt người mà chỉ ăn thịt súc vật, chỉ vì đối với súc vật không có lòng Ái kiến bi mà ra.

2. Pháp duyên bi: Lòng bi này của hàng Nhị thừa. Hàng Nhị thừa không chỉ có Ái kiến bi mà còn có Pháp duyên bi. Họ quán tất cả pháp đều là từ nhân duyên sinh. Nhưng nhân không có tánh, đương thể tức không, tức là ngay nơi bản thân của nhân duyên không có tự tánh nên “đương thể tức không”. Hàng Nhị thừa quán pháp “Duyên không” mà sanh tâm Bi cho nên họ giáo hóa chúng sanh mà không dính mắc ở tướng chúng sanh, vì tất cả đều là không. Đó là Pháp duyên bi của hàng Nhị thừa.

3. Đồng thể bi: Chư Phật, Bồ tát còn có một thứ Bi nữa, tức là Đồng thể đại bi. Chư Phật, Bồ tát cùng chúng sanh đồng thể, nhơn vì Pháp thân của Phật cùng khắp tất cả, tâm tánh của Phật cũng cùng khắp tất cả, nên chúng sanh đều bao gồm ở trong tâm tánh của Phật. Chúng ta là chúng sanh trong tâm Phật. Phật là Phật trong tâm chúng sanh. Tâm chúng sanh cùng tâm Phật đều là “dọc cùng ba tế, ngang khắp mười phương” như nhau. Vì thế giữa Phật và chúng sanh là đồng thể, không có sai khác. Đây là Đồng thể đại bi.

Năng Nhân của Phật Thích Ca Mâu Ni có đủ cả ba thứ bi ở trên, nếu nói rộng ra thì là vô lượng vô biên. Mâu Ni là tên của Phật. Đây cũng là tiếng Phạn, Trung Quốc dịch là Tịch Mặc. Tịch là lặng lẽ không lay động. Mặc là miệng không nói năng, chẳng những miệng không nói mà tâm cũng không nghĩ, đó là cảnh giới không thể nghĩ bàn. Cho nên Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dù là nói pháp, nhưng nói mà chưa từng nói; dù chưa nói pháp, nhưng chưa nói mà đã nói. “Nói mà không nói, không nói mà nói”. Đó là tịch mặc, dù lặng lẽ không động mà lại cảm thông; cảm thông nhưng vẫn im lặng bất động. Đó là tên riêng của đức Thích Ca Mâu Ni. Chỉ có Đức Phật này có tên đó. Đức Phật khác thì không gọi tên này, vì đây là tên riêng. Phật là tên chung. Hễ được thành Phật thì đều gọi chung là Phật.

Bây giờ giảng về chữ “Thuyết”. Thế nào gọi là thuyết? Vì sao cần phải thuyết? Về chiết tự, chữ “Thuyết” là chữ Ngôn nằm bên chữ Đoái có hai chấm trên là chữ nhơn nghĩa là người, chữ Khẩu ở giữa nghĩa là miệng, còn chữ nhơn ở dưới là người khác: Có nghĩa là một người nói chuyện với một người khác. Nói những chuyện gì? Nói những lời mình muốn nói, những điều vui thích trong lòng, cũng chính là nói được những điều muốn nói mình sẽ vui thích. Trái lại, nếu nói không được thì sẽ không vui thích. Cũng chính là vui thích vì được nói ra những điều mà mình đã từng ôm ấp trong lòng vậy.

Phật Thích Ca Mâu Ni cùng mười phương chư Phật đều đã thành Phật, cho nên gọi các Ngài là bậc Tiên giác, tức là những vị đã tỉnh thức trước trong một giấc mộng dài. Người phàm phu thì còn ngủ say trong giấc mộng. Đức Phật chẳng những đã giác ngộ mà còn là bậc Đại giác ngộ nữa; vì thế đối với Phật không điều gì là chẳng biết, không điều gì là chẳng thấy; do Phật biết cho nên biết tất cả, do Phật thấy cho nên thấy tất cả. Đức Phật giác ngộ là do tự mình tu hành mà được Chánh quả, là người đã đi qua con đường ấy, rồi đem phương pháp tu hành để chứng được quả vị mà dạy lại cho tất cả chúng sanh khiến họ cũng chứng được Phật quả Bồ đề hoàn toàn rốt ráo như Ngài. Do đó Phật mới cần nói pháp cho chúng sanh nghe. Đức Phật nói gì? Bây giờ Ngài đang nói về Phật A Di Đà, tức là đang giảng Kinh A Di Đà.

“A Di Đà” là tiếng „n Độ, Trung Quốc dịch là Vô Lượng Thọ, hoặc Vô Lượng Quang. Sao gọi là Vô Lượng Thọ? Trong Kinh A Di Đà nói: “Đức Phật kia thành Phật đến nay đã mười kiếp”. Mười kiếp là có số mực rõ ràng, vì sao lại nói là Vô Lượng Thọ? Vô Lượng Thọ là phước đức của Ngài, do phước mà được sống lâu (Thọ), phước đức ấy vô lượng nên thọ cũng vô lượng.

Sao gọi là Vô Lượng Quang?

Ánh sáng (Quang) này là ánh sáng của trí huệ. Ánh sáng trí huệ của Ngài vô lượng nên gọi Ngài là Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang.

Đức Phật không phải chỉ có phước đức vô lượng, mà thần thông biện tài, tướng hảo, đạo tâm tất cả đều vô lượng; nói vô lượng tức là không có bờ không có mé để tính được. Nói vô lượng tức là vô biên, tức là không ở chỗ nào mà chỗ nào cũng có. Vô lượng là từ “một” mà có, nên nói “Một là vô lượng, vô lượng là một”.

Có một vị giáo sư viết một quyển sách về số mục: “Như thêm một vòng tròn vào sau số mục thì số ấy liền thêm lớn, càng thêm nhiều vòng tròn thì số càng lớn gấp nhiều lần. Nếu thêm vòng tròn khắp cả thiên hạ thì số mục sẽ lớn hơn không biết bao nhiêu.” Cho nên số mục là vô cùng vô tận vậy.

Thọ mạng, công đức, trí huệ, pháp lực của Phật A Di Đà đều vô lượng vô biên, dù có thể vẽ không biết bao nhiêu vòng tròn vào sau số mục thì số ấy liền thêm lớn, càng thêm nhiều vòng tròn thì số càng lớn gấp nhiều lần. Nếu thêm vòng tròn khắp cả thiên hạ thì số mục sẽ lớn hơn không biết bao nhiêu”. Cho nên số mục là vô cùng vô tận vậy.

Thọ mạng, công đức, trí huệ, pháp lực của Phật A Di Đà đều vô lượng vô biên, dù có thể vẽ không biết bao nhiêu vòng tròn cũng không thể tính được. Vì là vô lượng nên không có số lượng, về số học nó là không thể cùng tận (vô cực); ngay nơi thái không, trong thái không còn có thái không nữa, nên số mục vẫn là vô tận. Phước đức, trí huệ của Phật A Di Đà đều vô lượng nên gọi là Phật A Di Đà. Phật A Di Đà cùng Phật Thích Ca Mâu Ni đều là từ con người tu hành mà thành Phật chớ không phải là từ trên trời rơi xuống hoặc từ dưới đất vọt lên. Vì thế kinh A Di Đà chiếu theo sự phân loại của kinh Phật thì được liệt vào loại “quả nhân”. Vì Phật A Di Đà là từ con người (nhân) tu hành chứng thành (quả) Phật, cho nên xếp kinh này vào loại “quả nhân”.

Bây giờ đến chữ “Kinh”. Tên chung, Kinh là Khế kinh. Sao gọi là Khế kinh? “Khế” có nghĩa là hợp, tức là trên thì khế hợp với lý nhiệm mầu của chư Phật, dưới thì khế hợp với căn cơ của chúng sanh, đó gọi là Kinh. Kinh có năm nghĩa:

1. Kinh là bản ý của pháp, là căn bổn của pháp, nên nói Kinh là gốc của mọi pháp. Phật thông đạt cội nguồn mọi pháp nên Ngài thuyết giáo. Do vậy giáo là căn bổn của pháp, dùng phương pháp “Tứ tất-đàn” để diễn đạt căn bổn của pháp. “Tất” là cùng khắp, “Đàn” là bố thí, tức là bố thí cùng khắp đến tất cả chúng sanh. Bốn thứ Tất-đàn là:

Thế gian tất-đàn: Nói pháp thế gian.
Đối trị tất-đàn: Đối trị, sửa đổi lỗi lầm của chúng sanh.
Vị nhơn tất-đàn: Vì chúng sanh mà thuyết pháp.
Đệ nhất nghĩa tất-đàn: Ban truyền giáo lý rốt ráo (đệ nhất nghĩa) cho tất cả chúng sanh.

Nói cho cùng, thì pháp vốn không thể diễn bày, nhưng vì hành Bốn Loại Bố Thí Pháp bốn Tất-đàn ghi trên nên Đức Phật có thể diễn đạt pháp. Vì vậy, chữ Kinh có nghĩa là Căn Bản Pháp

2. Kinh là nghĩa pháp vi diệu: Pháp vi diệu là pháp rất vi tế, vì tất cả đạo lý huyền diệu sâu xa đều ở trong Kinh. Nếu không nói ra thì không ai biết. Cho nên Kinh là phát huy đạo lý vi diệu.

3. Kinh có nghĩa là suối nguồn: Như nước suối từ trong đất tuôn vọt lên khỏi mặt đất không ngớt, những giáo lý từ các Kinh bản tuôn trào như nước suối. Cho nên ví Kinh dụ như suối nguồn.

4. Kinh có nghĩa là chừng mực: Xưa nay thợ mộc hoặc thợ đá, lấy dây mực làm chuẩn. Từ trong hộp mực kéo ra sợi dây mực rồi khảy dây mực một cái, mực trên dây in lên gỗ hoặc đá, liền có một đường thẳng hiện ra. Kinh giống như vậy và cũng tương tự như com-pa và thước vuông dùng để hướng dẫn người.

5. Kinh có nghĩa là kết tràng: Các thứ hoa kết thành một tràng hoa. Giáo lý được liên kết với nhau trong Kinh điển cũng như vậy.

Ngoài ra Kinh còn có nghĩa là “Quán xuyến” hay xâu kết với nhau, tức là bao nhiêu ý nghĩa chủ yếu Phật dạy được xâu kết lại trong Kinh. Lại có nghĩa “Nhiếp trì”, tức Kinh điển nhiếp trì chúng sanh được giáo hóa. Lại nữa, Kinh là “phương pháp”; từ xưa đến nay ai nấy đều dùng phương pháp này để tu hành, cho nên gọi Kinh là một thứ phương pháp. Kinh còn có nghĩa là “thường” vì Kinh là thường hằng không biến đổi, một chữ cũng không thể bớt đi hay thêm vào được, thiên ma ngoại đạo cũng không thể phá hoại được. Kinh là thẳng tắt, là con đường của người tu hành, bất cứ ai đi bất cứ đâu đều phải nương theo đường ấy mà đi; ví như muốn đến New York cần phải đi về hướng Đông, nếu đi thẳng qua hướng Tây thì không thể nào đến được. Đồng với lý này, muốn thành Phật ắt phải tiến theo con đuờng thành Phật, nếu không thì dù đi tới đi lui cũng không cách gì đến quả vị Phật được. Kinh là một thứ điển tịch, sách vở, cẩm nang tiêu chuẩn để dựa vào mà tu hành. Có Kinh giải thích pháp thế gian (thế sự). Kinh là một bộ đại tự điển, bất cứ đạo lý nào cũng đều có thể tìm thấy trong bộ Đại tự điển này, bất cứ chữ nào không hiểu rõ cũng có thể tìm thấy ở đây. Kinh còn là hơi thở chân chánh cần thiết của mỗi con người; nếu người không thở nữa, tức gần đến cõi chết. Kinh là không khí chơn chánh trong hư không, học kinh tức là hớp một hơi không khí tươi mát, không ai có thể tách rời không khí tươi mát được. “Tôi không học Phật pháp và kinh Phật, thì sẽ thở không được không khí này ư?” -Nếu như không khí thường có trong hư không, mình học hoặc không học thì không khí vẫn thường có đó. Vả lại, giữa người và người thường có sự giao lưu trao đổi không khí với nhau. Người học Phật hít vào không khí tươi mát mà cùng với người khác có sự quan hệ liên đới lẫn nhau, khiến cho người kia cũng gián tiếp nhận được ảnh hưởng. Ngoài ra, Kinh cũng là món ăn tinh thần, lúc đương sầu muộn hoặc có điều không vừa ý, tụng một biến Kinh thì tinh thần sẽ sảng khoái ngay, sầu muộn tiêu tan cả, mà tâm tình thơ thới, thông đạt vô ngại.

Kinh là tên chung. A Di Đà là tên riêng. Tên riêng là tên chỉ Kinh này có, mà kinh khác thì không. Kinh Phật là tài sản của Phật để lại nhiều vô lượng vô biên, nhưng nói chung không ngoài bảy loại. Kinh cũng là một loại tên.

Như Ấn Độ có bốn loại giai cấp không đồng, mỗi loại đều có tên gọi đặc biệt, như các giòng họ Bà la môn, Sát đế lợi, Thủ đà la, Chiên đà la; nhân loại cũng có nhiều giống: vàng, trắng, đỏ, đen… Kinh có thể chia làm bảy loại lập đề như sau:

1. Chỉ lập đề theo người: Chỉ lấy người làm tên Kinh, như “Phật thuyết A Di Đà Kinh”. Phật là người, A Di Đà cũng là người, người chứng quả nói về người chứng quả. Cho nên xếp vào loại chỉ nói về người. Đây là dùng hai vị chứng quả làm tên Kinh.

2. Chỉ lập đề theo pháp: Chỉ lấy pháp làm tên Kinh, như “Niết Bàn Kinh”. Niết bàn là pháp bất sanh bất diệt, dùng pháp này để biểu thị cho tên Kinh.

3. Chỉ lập đề theo dụ: Chỉ dùng tỷ dụ để thuyết minh chơn lý vi diệu của Kinh. Nếu nói thẳng thì không cách gì để hiểu rõ bèn dùng tỷ dụ để thuyết minh thì mới hiểu được, như “Phạm Võng Kinh”. Phạm võng là màng lưới của Đại Phạm Thiên Vương. Lưới dệt bằng thứ vật chất rất quý trọng. Chỗ đặc biệt của mạng lưới này là trên mỗi mắt lưới đều có kết một hạt bảo châu. Những hạt bảo châu ấy đều là Dạ minh châu sáng chói hơn đèn điện. Mỗi hạt bảo châu lại chiếu soi một hạt bảo châu khác, mỗi ánh sáng chiếu vào nhau, mỗi mắt lưới thông nhau, ánh sáng chói lẫn nhau nhưng không xung đột nhau. Ánh sáng ấy không ganh ghét một ánh sáng cùng chiếu như mình. Không phải là chỉ cho tự mình phát sáng mà không cho người khác phát sáng. Giữa người với người, có lúc có thể bất đồng ý kiến; nhưng giữa ánh sáng và ánh sáng thì không có xung đột và đối nghịch nhau. Kinh này dùng lưới Phạm thiên làm tỷ dụ. Mỗi điều giới luật trong Kinh cũng như một hạt bảo châu phát ra ánh sáng vậy. Người xuất gia quy y Tam Bảo giữ giới thanh tịnh, đối cảnh không động tâm, có thể vượt ngoài sự vật mà được thanh tịnh, giống như lưới báu của Đại Phạm Thiên Vương vậy.

4. Lập đề theo người và pháp: Như “Văn Thù Vấn Bát Nhã Kinh”. Ngài Văn Thù là bậc đại trí, người thông minh nhất trong hàng Bồ tát. Chỉ có vị Bồ tát thông minh nhất mới có thể hỏi được pháp Bát Nhã trí huệ to lớn nhất mà thôi.

5. Lập đề theo người và dụ: Như “Như Lai Sư Tử Hống Kinh”. Như Lai nói pháp như Sư tử rống. Sư tử là vua trong loài thú, một khi nó rống lên thì trăm thú đều sợ hãi, cho nên nói rằng:

Sư tử rống lên, nói vô úy
Trăm thú nghe đến đều nát óc
Hương tượng chạy trốn mất uy phong
Trời rồng lắng nghe sanh mừng rỡ.

Hương tượng dù thuộc loài thú lớn, nhưng nghe Pháp vương nói pháp cũng phải cụp đuôi trốn chạy, mất cả uy phong thường nhật. Trời rồng bát bộ nghe pháp này lặng yên, hoan hỷ tán thán, sanh tâm mừng vui.

6. Lập đề theo pháp và dụ: Như “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh”. Diệu pháp là pháp, Liên hoa là tỷ dụ, cho nên nói là theo pháp và dụ.

7. Lập đề với đủ cả người, pháp và dụ: Như “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh”. Đại phương quảng là diệu pháp để thành Phật, Phật là người chứng quả, Hoa Nghiêm là tỷ dụ: Có Nhân hoa vạn hạnh, tức có quả đức vô thượng trang nghiêm. Tên kinh này đầy đủ cả người, pháp và dụ.

Phật thuyết A Di Đà Kinh, Phật tức là Phật Thích Ca Mâu Ni, mà Kinh A Di Đà là Kinh được Phật nói ra. Nhưng vì chúng sanh không biết có Phật A Di Đà phát nguyện nhiếp thọ chúng sanh, cho nên kim khẩu Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói ra là không thưa thỉnh mà tự nói (vô vấn tự thuyết).

Toàn bộ Kinh tạng của Phật giáo cộng chung có mười hai bộ:

1. Bộ Trường hàng: Giữa một bản Kinh không có ngắt đoạn cho nên gọi là Trường hàng.

2. Bộ Trùng Tụng: Lập lại ý nghĩa đã nói trong Kinh; nói lập lại văn Kinh Trường hàng để dễ ghi nhớ.

3. Bộ thọ ký: Trong Kinh điển đề cập đến việc Đức Phật trước thọ ký cho Đức Phật sau, ví như nói: “Ông ở kiếp nào đó sẽ được thành Phật tên là gì? Thọ mạng bao lâu? Chúng sanh giáo hóa được nhiều ít? — trước quốc độ nào?…” đều là dự báo trước, đó gọi là Thọ ký.

4. Độ nhơn duyên: Do các thứ nhơn duyên mà nói các thứ pháp.

5. Bộ Thí dụ: Dùng một sự vật nào đó, tỷ dụ cho một sự vật nào đó để thuyết minh chỗ nhiệm mầu của Phật Pháp.

6. Bộ Bổn sự: Hoặc Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tự thuật việc tiền thân, hoặc thuật lại những sự tích tiền thân của một vị Phật hay một vị Bồ tát nào đó.

7. Bộ Bổn sanh: Nói về sự tích đời này của Phật Thích Ca Mâu Ni, hoặc việc đời này của một vị Bồ tát nào đó.

8. Bộ Phương quảng: Phương là bốn phương, Quảng là rộng khắp, biểu thị pháp được nói ra rất tinh vi rộng lớn.

9. Bộ Vị tằng hữu: Những điều này là từ trước đến nay chưa từng nói ra hay bây giờ mới nói.

10. Bộ Bất vấn tự thuyết: Như Kinh A-Di-Đà, do vì bộ Kinh này rất trọng yếu, tất cả hàng Thanh văn không thể hiểu được, cho đến các vị Bồ tát cũng chưa có thể đạt đến cảnh giới này, nhơn đó Đức Phật tự phóng ra ánh sáng chấn động cõi nước để nói ra bộ Kinh này.

Thông thường người ta cho rằng pháp môn Niệm Phật là của mấy bà già, người có trí thì không cần đến, đây là ý nghĩ rất sai lầm. Nếu mình không Niệm Phật thì mình luôn luôn vọng tưởng, hết tưởng Đông tưởng Tây đến tưởng Nam tưởng Bắc, tạp niệm lăng xăng, dục niệm khởi lung tung, có dùng được gì đâu? Niệm Phật có thể trừ được những vọng tưởng này. Có một khắc niệm Phật thì có một khắc không vọng tưởng, cho đến từ sáng đến tối niệm niệm không lìa Phật, thì ngày ấy không vọng tưởng. Vọng tưởng không nổi lên tức là Diệu pháp, cho nên niệm Phật có thể đối trị được các thứ bịnh như vọng tưởng, tán loạn, tham sân si…

Một câu Di Đà: vạn pháp vương
Năm thời, tám giáo phán tinh tường
Hành nhơn chỉ việc chuyên trì niệm
Sẽ nhập Tịch Quang bất động thường.

Bài kệ này tôi viết hồi năm mười bảy tuổi. Niệm Phật có thể dứt hết cuồng tâm, cho nên Kinh này là cảnh giới cao nhất, Bồ tát đều không thể thưa hỏi được, vì họ không biết được chỗ vi diệu của niệm Phật cho nên Đức Phật không đợi thưa hỏi mà tự nói ra pháp môn vi diệu này. Thế thì tự hỏi mà nói có phải là pháp môn vi diệu hay không? -Đúng thế, đều là pháp môn vi diệu thậm thâm cả!

11. Bộ Cô khởi: Cũng gọi là Phúng tụng. Trong một bộ Kinh, đó là những bài kệ đứng riêng một mình, không liên quan gì đến kinh văn trước hay sau cả, hoặc nói ra riêng rẽ về đạo lý, như Kinh Kim Cang.

12. Bộ Luận nghị: Nghiên cứu luận nghị về nghĩa lý của một loại Phật pháp.

Có bài kệ về mười hai bộ trên như sau:

Trường hàng, Trùng tụng và Thọ ký,
Cô khởi, Vô vấn mà tự thuyết,
Nhơn duyên, Thí dụ với Bổn sự,
Bổn sanh, Phương quảng, Vị tằng hữu,
Luận nghị cộng thành mười hai bộ.

Bổn ý Kinh này là dạy người ta niệm Phật A Di Đà. Tại sao phải niệm Phật A Di Đà? Tại vì Đức Phật A Di Đà có nhơn duyên rất lớn đối với tất cả chúng sanh trong mười phương. Phật A Di Đà khi còn ở địa vị hành giả (trước lúc thành Phật, khi ở nhơn địa tu hành, Ngài tên là Tỳ-kheo Pháp Tạng), Ngài từng phát bốn mươi tám lời nguyện lớn, mỗi một nguyện đều muốn độ chúng sanh thành Phật, và phát nguyện lớn như thế này: “Tất cả chúng sanh trong mười phương, sau khi tôi thành Phật, nếu ai thường niệm danh hiệu tôi thì đều có thể thành Phật. Những người ấy nếu không thành Phật đạo thì tôi cũng không thành Phật”. Như Bồ tát Quán Thế Âm đã nói trong Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni: “Bạch Thế Tôn! Nếu các chúng sanh trì tụng thần chú Đại Bi mà rơi vào ba đường ác thì con thề không thành Chánh giác. Người trì tụng thần chú Đại Bi, nếu không được vô lượng Tam-muội biện tài thì con thề không thành Chánh giác. Người trì tụng thần chú Đại Bi mà ở trong đời hiện tại tất cả những điều mong cầu nếu không toại nguyện thì không phải là Đại Bi Tâm Đà La Ni vậy”.

Đức Phật A Di Đà do lòng Đại từ bi, Đại nguyện lực, như nam châm hút sắt, nhiếp thọ hết tất cả chúng sanh trong mười phương vào trong cõi nước Tịnh độ của Ngài, nếu một chúng sanh nào chưa được nhiếp thọ thì Phật A Di Đà cũng nguyện không thành Phật. Pháp môn niệm Phật là: “Ba căn khắp độ, lợi độn gồm thâu”. Hễ ai xưng niệm danh hiệu của Phật thì đều có thể thành Phật. Ba căn là chỉ ba thiện căn thượng, trung và hạ. Không luận là người thiện căn lanh lợi, bình thường, cho đến ngu si, chỉ cần thường niệm Phật đều có thể vãng sanh về thế giới Cực Lạc ở phương Tây, hóa sanh trong hoa sen, không có các khổ, chỉ thọ những điều vui, ở trong hoa sen thác sanh làm người, chớ chẳng phải như ở nhơn gian từ thai mẹ mà sanh ra.

Có người nói: “Niệm Phật chắc có thể thành Phật hay không? Tôi không tin. Làm sao mà dễ dàng như vậy?” Niệm Phật mà có thể thành Phật là do nhờ sức đại nguyện của Phật A Di Đà mà được, chớ nói rằng không tin. Phật A Di Đà trước kia đã đoan chắc rằng: “Sau khi ta thành Phật, chỉ cần các vị niệm danh hiệu của ta các vị cũng thành Phật”. Cho nên người niệm Phật đều có thể thành Phật. Niệm Phật cũng là trồng thiện căn đấy.

Truớc đây có một ông già khoảng chừng hơn chín mươi tuổi, già đến độ đi không muốn nổi, không biết ngày nào sẽ chết, cho nên muốn xuất gia sớm một tí, vì cho rằng xuất gia rất dễ dàng, hễ muốn xuất gia là xuất gia được ngay. Khi ông đến tịnh xá Kỳ Hoàn, thì nhằm lúc Phật đi phó trai vắng. Lúc ấy, đệ tử Phật có rất nhiều vị đã chứng quả A-la-hán, bèn dùng Thiên nhãn quan sát nhơn duyên của ông lão này thì biết rằng ông ta trong tám vạn đại kiếp chưa từng gieo trồng chút căn lành nào cả, nên không cho ông xuất gia. Vì thế có câu:

Chớ bảo xuất gia là dễ được,
Phải do nhiều kiếp trồng căn lành.

Chớ cho xuất gia là rất dễ dàng, vì việc ấy không đơn giản đâu. Ông lão ấy xin xuất gia, bị cự tuyệt, trong lòng không vui: “Tôi cho xuất gia rất dễ dàng, té ra lại khó thế ư?” Vì thế tâm ý buồn bực, muốn nhảy xuống sông Hằng chết quách, may nhờ Đức Phật ở xa níu lại và hỏi nguyên do. Ông lão đáp:

-Tôi sống cũng không ích gì, Phật không có ở nhà, đệ tử Phật lại không cho tôi xuất gia, muốn đi làm mướn cũng không ai kêu, chi bằng chết quách cho xong! (Bấy giờ nhứt định là không có trợ cấp dưỡng lão, nếu có chắc ông lão này không muốn tự sát đâu).

Phật nói an ủi ông rằng: “Ông không cần phải nhảy xuống sông làm chi, ta sẽ thâu ông làm đồ đệ”.

Ông lão hỏi: “Ông là ai mà có quyền ấy?”

-Ta là Phật Thích Ca Mâu Ni đây, ta thâu ông làm đồ đệ, đệ tử của ta sẽ không phản đối đâu.

Ông lão nghe nói bèn gạt lệ vui mừng theo Phật trở về và xuống tóc thọ giới. Sau khi nghe Phật khai thị, ông liền chứng được Sơ quả.

Tại sao ông có thể chứng được Sơ quả? – Tại vì trước kia ông muốn chết mà bây giờ cái chết ấy được khắc phục. Do lúc đầu chưa thỏa ý nguyện xuất gia mà khởi lên ý niệm nhảy xuống sông tự sát, còn bây giờ ông ta được xuất gia, không cần phải nhảy xuống sông nữa, cũng kể như là mình đã chết rồi thì còn có cái gì bỏ không được nữa? Ngay lúc đó được đại tự tại mà chứng Sơ quả. Điều này làm cho các vị đại A-la-hán nghi ngờ: “Không có thiện căn làm sao có thể chứng quả được?” Các Ngài bèn đảnh lễ chân Phật thưa hỏi về lý do này. Phật nói: “A-la-hán các ông chỉ có thể thấy được trong vòng tám vạn đại kiếp ông lão này không có thiện căn, nhưng những việc ngoài tám vạn đại kiếp các ông không thấy được. Ông lão này trước tám vạn đại kiếp là một vị tiều phu, một hôm lên núi đốn củi, gặp một con cọp, bèn lật đật trèo lên cây trốn, con cọp này chạy rất nhanh, nhưng ông ta leo lên cây cũng không đến nỗi chậm, tưởng rằng sau khi trèo lên cây sẽ thoát nạn. Nào ngờ con cọp này rất thông minh, nó bắt đầu lấy hàm răng cạp lên thân cây, thân cây dầu lớn, nhưng cọp ta có hàm răng rất sắc, cạp bên này một miếng, cạp bên kia một miếng, chẳng mấy chốc cạp đến một nữa thân cây. Người tiều phu ấy sợ mất cả hồn vía, thấy tánh mạng mình như ngàn cân treo sợi tóc, đột nhiên nhớ đến Phật, bèn cất tiếng niệm lớn: “Nam mô Phật!” Tiếng niệm Phật lớn ấy làm cho cọp ta sợ quá cúp đuôi chạy mất. Nhưng người tiều phu ấy qua việc đó rồi không còn nhớ đến niệm Phật nữa, trong tám vạn đại kiếp lại cũng không có gieo trồng căn lành nào, nhưng nhơn lành đã gieo trồng từ trước đến nay đã thành thục, cho nên được gặp Phật mà có thể xuất gia thành đạo quả.

Đây chính là nhơn duyên xuất gia của ông lão này, do đó có thể biết xuất gia không phải là việc tùy tiện. Có một số người thường nói: “Tôi muốn xuất gia!” Nhưng những người nói lời này vẫn còn tại gia, đó chính là căn lành của họ chưa thành thục. Hôm nay có một Tỳ-kheo ni đến đây, cô ta xuất gia ở Malaka (Mã Lai), lại thọ giới ở Nhật Bản, cứ nghe cô ta nói là thọ mười sáu giới, mười tám giới. Nhưng tôi cũng không biết đó là giới gì? Về sau cô ta thâu nhận hơn một trăm nam đồ đệ. Theo quy củ của Đại tòng lâm ở Trung Quốc thì nam phái chỉ quy y với nam sư phụ, chớ không thể kính nữ phái làm thầy. Hiện tại tôi có năm vị Tỳ-kheo và Tỳ-kheo ni quốc tịch Mỹ sắp thọ giới Cụ túc, nhưng tôi chưa quan sát được trong tám vạn đại kiếp họ có căn lành hay không? Sau khi qua một phen khảo sát, tôi mới cho họ thọ giới Cụ túc. Tôi chỉ thấy họ đã sửa đổi rất nhiều tập khí vặt vãnh, họ không còn hút thuốc, uống rượu, dùng thuốc kích thích; tuy nhiên, sau khi quy y, họ vẫn phạm giới hút thuốc, rồi lại sửa đổi, cho nên tạm thời cho họ có một cơ hội cải hóa. Thời hạn ít nhất phải là một năm để theo dõi. Xưa nay vị Thầy thâu nhận đệ tử phải theo dõi đệ tử mình ba năm, đệ tử phải học hỏi với Thầy ba năm, cộng tất cả là sáu năm, rồi mới cho là hợp cách xuất gia. Nhưng bây giờ là thời đại nguyên tử, một năm cũng đủ rồi.

Có người hỏi: “Năm vị xuất gia này trong tám vạn đại kiếp có gieo trồng căn lành hay không?” – Bọn họ trong một năm tụng chú Đại Bi, niệm Phật, bái sám… đã gieo trồng rất nhiều căn lành rồi, là nhơn thành Phật trong tương lai, nên hứa cho họ xuất gia. Sở dĩ người đã gieo trồng căn lành cần phải trân trọng giữ gìn cho thật kỹ, chớ cho mất mát. Đừng nên giống như hành vi không đúng pháp của vị Tỳ-kheo ni đã nói ở trên.

Sau đây xin nói về năm lớp huyền nghĩa của tông Thiên Thai:

1. Thích danh: Biết được tên mới có thể theo tên nghĩ đến nghĩa, rồi theo đó mà hiểu rõ về đạo lý của nó. Cho nên học Kinh, trước hết phải biết tên của Kinh. Như người ta đều phải có tên, nhơn đó người ta mới có tên gọi khác nhau, có người kêu là Trương Tam, có người kê Lý Tứ …

2. Hiển thể: Sau khi biết tên, lại cần phải biết thân hình người ấy ra sao, gầy béo cao thấp thế nào ? Nếu không nhận biết thì khác nào biết được tên người và hình dáng, mà chỉ thấy lưng chớ không thấy được mặt của người ấy, cho nên trước phải hiển bày về Thể.

3. Minh tông: Rõ được bản thể thì phải rõ về tông tích. Nếu không rõ về tông tích thì không thể rõ nghĩa lý, như người có chức nghiệp gì.

4. Luận dụng: Dụng là lợi dụng.

Sách liên quan

Gioi thieu Kinh Duy Ma Cat

Giới thiệu Kinh Duy Ma Cật

Vaisâli (Tỳ-da-li), thủ phủ của Vajji (Bạt-kỳ), một cường quốc theo chế độ cộng hòa thị tộc của người Vajji,...
Kinh Bat Nha Luoc Giang

Kinh Bát Nhã Lược Giảng

Giới thiệu & Giảng giải kinh điển Kinh Bát Nhã Lược Giảng HÒA THƯỢNG TUYÊN HÓA LƯỢC GIẢNG Tỳ Kheo...
Kinh Duy Ma Cat Giang Luan

Kinh Duy Ma Cật Giảng Luận

Kính thưa quý vị độc giả, Bộ Kinh Duy Ma Cật đã được nhiều người dịch ra Việt Văn, nhưng...
Kinh Thu Lang Nghiem Truc Chi De Cuong

Kinh Thủ Lăng Nghiêm Trực Chỉ Đề Cương

LỜI NÓI ĐẦU Kinh Thủ Lăng Nghiêm là một bộ kinh thuộc hệ tư tưởng thượng thừa liễu nghĩa. Từ xưa...
Tong quan kinh Dai Bat Niet ban

Tổng quan kinh Đại Bát Niết-bàn

I.ĐÔI DÒNG DẪN NHẬP Toàn bộ kinh Đại Bát Niết-bàn dày hơn 4500 trang, riêng phần Việt dịch chiếm gần...