Phật Pháp Ứng Dụng

Hải 22

MỤC LỤC

Luân Hồi Trong Lăng Kính Lăng Nghiêm

Lời đầu

Chương I: Bối cảnh Phật giáo

Chương II: Nhân duyên nói kinh

Chương III: Gạn hỏi tâm

Chương IV: Hai cỗi gốc: Thường trụ và Lưu chuyển

Chương V: Thiết lập hai điều nạn hỏi

Chương VI: Pháp Sa-ma-tha

Chương VII: Giới thủ lăng nghiêm

Chương VIII: Năng lực thần chú

Chương IX: Mười hai loài chúng sanh

Chương X: Ba tiệm xứ

Chương XI: Những tập khí sinh ra bảy đạo

Chương XII: Mười tập nhân địa ngục

Chương XIII: Sáu giao báo

Chương IV: Cõi Tiên, Trời và A-tu-la

Chương XV: Kết khuyến

Sách tham khảo


 

LỜI ĐẦU

 

 

Có một đêm, Đức Phật đứng lặng lẽ trầm mặc bên dòng sông bạc. Tôn giả Xá Lợi Phất cũng đứng phía sau và nhìn xuống ánh trăng lung linh óng ánh trên mặt nước, bất giác tôn giả buồn bả than rằng:

– “Bạch đức Thế Tôn! Thật đáng thương thay! Có những kẻ mò trăng đáy nước đến nổi chết chìm”.

Đức Phật ôn tồn đáp:

– “Đúng thế! Thật đáng thương xót! Nhưng đáng thương hơn nữa là những kẻ chấp rằng vũ trụ không trăng”.

Có người tìm trăng đáy nước, thấy ánh trăng lung linh ảnh hiện trên mặt nước, nên lao đầu xuống nước mò kiếm, nhọc sức luống công mà còn cái khổ phải bị chết chìm mà không biết rằng rất đơn giản chỉ cần ngước đầu lên thì sẽ thấy được ngay chị hằng xinh đẹp thật. Rồi lại có người cho rằng trên đời không có trăng dù rằng mặt trăng tròn vằng vặn vẫn đang toả ánh sáng huyền diệu bao trùm vũ trụ không gian đó… Đây là những người thật đáng thương, trong kinh Thủ Lăng Nghiêm gọi là những chúng sanh luân hồi.

Trong chương I, đoạn III, Phần Chỉ hai thứ cỗi gốc mê và ngộ, Phật bảo Tôn giả A Nan:

“Tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay điên đảo nhiều cách, giống nghiệp tự nhiên nhóm lại như chùm quả ác xoa. Những người tu hành không thành được đạo vô thượng Bồ đề, đến nỗi lại thành Thanh văn, Duyên giác hoặc thành ngoại đạo, chư Thiên, Ma vương, hay bà con Ma, đều do không biết hai chữ cỗi gốc, tu tập sai lầm, cũng như nấu cát mà muốn thành cơm, dầu trải qua nhiều kiếp như vi trần, rốt cuộc vẫn không thể thành được. Thế nào là hai thứ cỗi gốc?

A Nan, một là cái cỗi gốc sống chết vô thỉ, tức như thầy ngày nay cùng các chúng sinh dùng cái tâm phan duyên mà làm tự tính.

Hai là cái thể bản lai thanh tịnh Bồ đề Niết Bàn vô thỉ thì như hiện nay cái tính bản minh thức tính của thầy, sinh ra các duyên mà bị bỏ rơi. Do các chúng sinh bỏ rơi cái bản minh ấy nên tuy cả ngày sống trong tính bản minh mà không tự giác, oan uổng vào trong lục đạo”[1].

Kinh Thủ Lăng Nghiêm là một bộ kinh thuộc hệ tư tưởng thượng thừa liễu nghĩa, có rất nhiều tư tưởng thâm áo ẩn tàng trong kinh. Như một vườn hoa có rất nhiều hoa nở đẹp, tuyệt đẹp nhất là hoa cúc trắng tinh khiết nói về Tạng tánh Như Lai tạng, hoa cúc vàng nói về mặt luân chuyển của thức tinh nguyên minh và nhiều hoa khác nữa. Nội dung cuốn sách nhỏ này chỉ nói về mặt ý nghĩa ‘luân hồi’ mà trong kinh Thủ Lăng Nghiêm có đề cập đến, như người làm vườn chỉ xin nhặt hoa cúc vàng để mời người xem; còn hoa trắng chỉ xin giới thiệu sơ lướt qua, đợi đủ thắng duyên sẽ tiếp tục ra mắt một tác phẩm khác về ý nghĩa này.

Con thành tâm hướng về Đại Ninh, xin đê đầu đảnh lễ trên Tôn sư Hải Triều Âm, người đã hết lòng truyền trao cho chúng con nghệ thuật của người làm vườn từ những năm 1983, 1984 và 1985; người đã trao những hạt giống chắc tốt của Tứ Niệm Xứ và Lăng Nghiêm cho chúng con. Hôm nay giống đã ra hoa. Nếu chúng con có được chút công đức phước thiện nào trong cuốn sách nhỏ này, xin kính dâng trên Thầy và pháp giới chúng sanh.

Lòng dạt dào tràn đầy những cống hiến, nhưng sự giác tỉnh và năng lực thì còn yếu kém quá, kính trông mong các thiện tri thức từ bi chỉ dạy cho những lỗi lầm sai sót, để lần tái bản sau sách được hoàn mãn hơn.

Thành kính tri ân.

 Mùa thu lá đỏ tại WI, ngày 30 tháng 8 năm 2008

 Thích Nữ Giới Hương


[1] Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Tâm Minh biên dịch, NXB Tp HCM, 1999, tr. 68.

Sách liên quan

Lược giải Kinh Pháp Hoa

Lược giải Kinh Pháp Hoa

Lời nói đầu Trong những ngày gần đây, Phật sự ngày càng nhiều, công việc dịch thuật và hiệu đích...
Con đường dẫn đến giác ngộ Đại thừa Khởi Tín Luận Tác giả: MÃ MINH - Dịch & giải: Chân Hiền Tâm

Con đường dẫn đến giác ngộ Đại thừa Khởi Tín Luận

Lời giới thiệu Lời giới thiệu Con đường Phật đạo dài lâu nghiêm tuấn, cũng kỳ khu khúc khuỷu, không...
Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận

Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận

Tựa Phật giáo cũng như cái cây có ba phần: phần gốc, phần thân cây và phần ngọn bao gồm...
Duy thức học

Duy thức học

Xuất bản: In Lần Thứ Hai 1962 – Hương Đạo Xuất bản Ban Hoằng Pháp Phật Giáo Nam Việt chủ trương...