Kinh

Trương Văn Chiến 68

Lời nói đầu

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

PL 2546 – DL 2002

———-o0o———-

PHẬT THUYẾT

ĐẠI KHỔNG TƯỚC CHÚ VƯƠNG KINH

Pháp sư Nghĩa Tịnh dịch Phạn văn ra Hán văn

Việt dịch Tỳ kheo Thích Ấn Nghiêm

Lời nói đầu

Đạo tràng Linh Quang Tịnh Xá quận 4, thành phố Hồ Chí Minh của Thầy Tổ chúng tôi xưa kia vốn chuyên tu về Tịnh Mật song hành, lấy năm đệ Thần chú Lăng Nghiêm của Phật thuyết làm yếu chỉ diệt trừ ma chướng. Dụng công trì danh hiệu Phật A Di Đà để hồi hướng Tây phương , trang nghiêm Tịnh độ. Nay, chúng tôi cũng tiếp thừa pháp môn ấy mà tu trì hành đạo.

Phat thuyet Khong Tuoc Chu Vuong Kinh
Một hôm, có Phật tử Trưởng Ngọc đến Tịnh xá Linh Quang trao cho chúng tôi bộ kinh Khổng TướcChú Vương bằng Hán văn. Đây là bộ kinh chuyên sâu về Mật giáo, gồm ba quyển. Nội dung Đức Phật vì lợi ích cho chúng sanh đời sau, khi mắc phải bệnh duyên khó chữa, không gặp thầy, không gặp thuốc, hoặc vì nghiệp chướng, gia môn nạn khổ, thiên tai, địa ách,..v.v..nên Ngài phương tiện mở bày pháp môn bí yếu, chỉ dạy phương thức tu hành, để giải trừ tai ương, hạn ách làm cho chúng sanh bớt khổ thêm vui.

Chúng tôi thấy lợi ích như vậy, nên nhờ Thượng Tọa Ấn Nghiêm là thầy Giáo thọ của trường Phật học Trung cấp tỉnh Bình Thuận, mà cũng là thầy Giáo thọ của Tổ đình Linh Quang Tịnh xá Quận 4, phiên dịch bổn kinh này để lưu bố nhân gian và cũng để đóng góp vào kho tàng kinh điển của Phật Giáo Việt Nam thêm phong phú.

Thiết nghĩ: “Chúng sanh đa bệnh, Phật thuyết đa kinh”, những lời Đức Phật nói ra từ kim khẩu, không ngoài mục đích là phương tiện dẫn dắt con người thoát khỏi nỗi khổ thân và tâm. Phương tiện thì nhiều nhưng cứu cánh chỉ là một. Nay phần dịch thuật ba quyển Khổng Tước Chú Vương Kinh từ Hán sang văn Việt đã hoàn thành.

Để đến tay các Phật tử muốn hành trì về Mật giáo này và khỏi chướng ngại cho các vị học giả ngoài đời  muốn tìm hiểu, và cũng vì những ai ngộ nhận cho Mật giáo huyễn hoặc, mê tín, nên chúng tôi xin trích một đoạn  văn của Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám là một nhà trí thức, một học giả uyên thâm Phật học. Ông đã dịch , dạy và chú giải kinh Thủ Lăng Nghiêm trong nhiều năm vào thập niên 1930-1940. Trong phần đại ý quyển thứ VII, Đức Phật khai thị về Mật giáo nhằm giúp cho những người tu hành theo pháp môn này, ông nói như sau:

“Phật giáo có Hiển giáo và Mật giáo chỉ dạy đạo lý rành mạch, để cho các hàng đệ tử rõ được phương pháp tu tập tự tâm, diệt trừ các sự mê lầm và được giác ngộ. Song, đối với người không thể học hiểu được Hiển giáo, mà có lòng tin chắc chắn đối với đạo Phật thì có thể tu học Mật giáo. Mật giáo dạy những câu thần chú, mỗi câu đều có hiệu quả nhất định. Nếu người tu hành muốn được hiệu quả như lòng mong cầu, chuyên trì tụng câu chú thích hợp thì cũng có thể được hiệu quả mong muốn. Như muốn quy y thì tụng trì chú tam quy, muốn khẩu nghiệp được thanh tịnh thì trì tụng chú tịnh khẩu nghiệp ….Những câu chú này thường để nguyên văn tiếng Phạn không dịch nhưng không phải hoàn toàn không có ý nghĩa. Các thầy về Mật tông khi truyền chú, thường có giải thích công năng ý nghĩa, để cho người tụng trì có thể miệng đọc chú, tay bắt ấn, ý quán tưởng, đó là Tam mật gia trì. Chỉ vì những câu chú, lời thì vắn, nghĩa thì rộng, nên không thể phiên dịch được mà thôi.

Vậy tu Mật giáo không phải chỉ đọc thuộc câu chú là đủ, mà còn phải phát lòng tin chắc chắn, tin ở công đức Tam Bảo, tin ở bản lai tự tính, tin ở khả năng diệt trừ phiền não mê lầm, chứng quả Bồ Đề. Người tin được như thế thì dầu không thấu hiểu sâu sắc đạo lý nhiệm mầu của Phật, cũng có thể thành Phật được”.

Lại nữa, trong “Việt nam Phật giáo sử luận” tập Một, nhà xuất bản Văn Hóa Hà Nội-1944 có đoạn viết:

“Trong vũ trụ có ẩn tàng những thế lực siêu nhiên. Nếu ta biết sử dụng có thể hỗ trợ đắc lực cho Thiền quán hành đạo, như sử dụng ấn chú và các hình ảnh Mạn Đà La. Chính vì khuynh hướng này mà Mật giáo bao trùn mọi tín ngưỡng bình dân trong lòng nó, ở Ấn Độ cũng như ở Việt Nam”.

Ngoài ra, dưới cách nhìn của các nhà nghiên cứu, ảnh hưởng Mật giáo có thể tìm thấy rất nhiều qua các truyền thuyết như chuyện nhà vua hóa hổ ở nước ta vào thời Lý:

-Nước có Lý Thần Tông

Triều đình mọi sự thông

Muốn chữa bệnh Hoàng Đế

Phải tìm sư Minh Không”.

Như thế cũng đủ chứng minh, tu về Mật giáo nếu hành trì đúng đắn, không phải mê tín, mà là một phương tiện chuyển hóa cho giới Tăng-Ni-Phật tử, những ai muốn tu học được thêm phần lợi lạc cho mình và người.

Kính mong liệt quý vị phát tâm thọ trì Khổng Tước Chú Vương Kinh này được có kết quả tốt, thân tâm thường an lạc và tiến bộ trên đường Giác ngộ Giải thoát.

Vu Lan Canh Thìn PL 2544 – DL 2000

Kính ghi

Thượng Tọa Thích Từ Giang

Viện chủ Tổ Đình Linh Quang Tịnh Xá Quận 4

Sách liên quan

Gioi thieu Kinh Duy Ma Cat

Giới thiệu Kinh Duy Ma Cật

Vaisâli (Tỳ-da-li), thủ phủ của Vajji (Bạt-kỳ), một cường quốc theo chế độ cộng hòa thị tộc của người Vajji,...
Kinh Bat Nha Luoc Giang

Kinh Bát Nhã Lược Giảng

Giới thiệu & Giảng giải kinh điển Kinh Bát Nhã Lược Giảng HÒA THƯỢNG TUYÊN HÓA LƯỢC GIẢNG Tỳ Kheo...
Kinh Duy Ma Cat Giang Luan

Kinh Duy Ma Cật Giảng Luận

Kính thưa quý vị độc giả, Bộ Kinh Duy Ma Cật đã được nhiều người dịch ra Việt Văn, nhưng...
Kinh Thu Lang Nghiem Truc Chi De Cuong

Kinh Thủ Lăng Nghiêm Trực Chỉ Đề Cương

LỜI NÓI ĐẦU Kinh Thủ Lăng Nghiêm là một bộ kinh thuộc hệ tư tưởng thượng thừa liễu nghĩa. Từ xưa...
Tong quan kinh Dai Bat Niet ban

Tổng quan kinh Đại Bát Niết-bàn

I.ĐÔI DÒNG DẪN NHẬP Toàn bộ kinh Đại Bát Niết-bàn dày hơn 4500 trang, riêng phần Việt dịch chiếm gần...