Trong nhà Phật, xuân nào cũng là XUÂN DI LẶC. Vì ngày mồng Một Tết là NGÀY VÍA của Đức Di Lặc đồng thời cũng là ngày KHÁNH HỶ của Ngài. Ngài còn được gọi là Người hạnh phúc của hiện tại nữa.
Thật hữu duyên nếu ngày mở đầu cho một năm mới, và bạn, và tôi được gần gũi, chiêm bái Ngài, được chắp tay cung kính đảnh lễ Ngài thì hẳn nhiên chúng ta sẽ được Ngài ban tặng cho nụ cười hoan hỷ. Nụ cười ấy hẳn là một phép màu lan tỏa trong ta khiến ta có ngay niềm vui an lạc và ngập tràn hạnh phúc chân thật, tươi mới như mùa xuân đang về. Linh nghiệm lắm đấy!
Và sự linh nghiệm ấy chỉ có đi sâu vào thế giới nội tâm mới khám phá được.
Nào, chúng ta hãy bắt đầu bằng sự chiêm ngưỡng tượng của Đức Di Lặc đã. Thân tướng của Ngài được thể hiện khá… phóng khoáng so với những thân tướng Phật hay Bồ tát khác. Ngài được “dân gian” hóa với nhiều dáng vẻ khác nhau, và dù “khác nhau” thế nào thì ta cũng nhận biết được qua nụ cười đầy an lạc.
Chúng ta cùng phân tích một hình tướng đã được dân gian hóa. Ngài ngồi bệt đất, mặc áo hoa phanh cả ngực bụng béo phệ với sáu đứa bé tinh nghịch bám quanh. Đứa thì chọc tai, chọc mắt, đứa thì móc miệng, ngoáy rốn… Mặc dầu vậy Ngài vẫn nở nụ cười rất tươi, không tỏ vẻ bực giận gì hết. Sáu đứa bé ấy là “Lục tặc” – tức sáu đứa giặc luôn đeo bám để quấy rối Ngài. Chữ “Tặc” nghĩa là giặc, là kẻ cướp như: Không tặc là giặc cướp máy bay đường hàng không. Lâm tặc là giặc rừng chỉ những kẻ chặt cây, phá rừng. Rồi thổ tặc, cát tặc, tin tặc…
Đã mang tiếng là “giặc” thì phải có gương mặt dữ tợn, bặm trợn hoặc lạnh … như kem, mới đáng “mặt giặc” chứ. Đằng này sáu giặc (lục tặc) lại chỉ là sáu đứa bé con bụ bẫm, coi rất… đáng yêu. Ấy thế mới đáng gờm. Nào, hãy nhìn vào bàn tay mẫm mạp của chúng: Đứa thì chọc mắt ngoáy tai, đứa thì móc mồm… Vậy mà đức Di Lặc vẫn cười hoài. Hình ảnh đối lập ấy tạo ra sự ngộ nghĩnh rất… khó ghét.
Hình tượng ấy nói lên ý nghĩa gì?
Trong kinh Phật có nói tới lục căn, tức sáu căn là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý – ta vẫn gọi là sáu giác quan nơi thân thể con người. Thí dụ như Mắt là cơ quan thị giác để nhìn, tai là cơ quan thính giác để nghe… sáu căn ấy luôn tương xứng với sáu trần (lục trần), còn gọi là sáu trần cảnh, là ngoại cảnh ở bên ngoài con người; nhưng lại luôn tác động đến sáu căn của con người theo một trật tự tương ứng rất logic như sau:
Mắt tương ứng với sắc
Tai tương ứng với thanh (thinh)
Mũi tương ứng với hương
Lưỡi tương ứng với vị
Thân tương ứng với xúc
Ý tương ứng với pháp
Mắt, là thị giác để nhìn mà phân biệt màu sắc, sự xấu đẹp. Tai – là thính giác để nghe tiếng động của âm thanh… Cứ thế: Sáu căn, tương ứng với sáu trần. Cũng nên phân biệt cho rõ ràng rằng: Sáu trần – tức sáu ngoại cảnh bên ngoài con người tồn tại khách quan, không phụ thuộc vào ý thức của ai cả vì thế nó không có “tội tình” gì.
Chỉ có Lục tặc chính là sáu căn luôn ở trong thể xác con người chúng ta dù là phàm hay thánh và như ta đã biết: giáo lý Phật là hướng nội, chứ không hướng lên trời cao – là giáo lý của sự tu chứng, đi sâu vào thế giới nội tâm mà chuyển hóa. Nó khác với khoa học là khám phá thế giới bên ngoài, là môn nghiên cứu tìm ra tác động có điều kiện như nước đun sôi 1000 thì bốc hơi, hay trộn hai nguyên tử oxy và hydro sẽ tạo ra nước (H2O).
Phật giáo đi tìm sự chuyển hóa tuyệt đối, hướng nội: Tự xét mình để rồi làm chủ mình và đó chính là MINH TRIẾT VỀ SỰ BÌNH AN. Còn như khi đã không làm chủ được mình thì tự chuốc họa vào thân ví như Mắt, thấy cái đẹp, người đẹp là đắm đuối muốn chiếm đoạt. Lưỡi thèm của ngon, tai quen nghe lời “mật ngọt” xiểm nịnh… hoặc những chất gây nghiện như rượu, ma túy.v.v… nó đâu có tội tình gì. Nhưng do không tu giới, cứ sống tự do phóng dật, buông thả, nói rằng “tôi sống như tôi muốn!” Thả mình với những hành vi bất thiện là nó tàn phá cơ thể mình tức thì, vừa có tội với cộng đồng xã hội, bị xã hội lên án và xử lý theo pháp luật.
Thế nên, phát triển đời sống vật chất là sự giàu có, thì đừng quên phát triển đời sống tâm linh để duy trì đời sống trí tuệ mà những ai biết hài lòng với những gì mình đang có là kẻ ấy có kho báu là người được phúc, vì PHÚC là biết đủ, giản dị vậy thôi!
Đức Di Lặc là Phật sẽ thành nên gọi Ngài là đương lai. Hình tượng của Ngài có sáu đứa bé đeo bám quấy rầy nhưng chúng chẳng làm gì được Ngài. Bởi Ngài hiểu rõ và giải thoát nên sáu giặc lục tặc đã biến thành Lục thông.
Một năm khởi đầu là mùa xuân, mà xuân nào cũng đều là xuân Di lặc như bài viết đã đề cập. Đức Di Lặc xuất hiện trong ngày đầu năm mới còn nhắc nhở chúng ta nhớ tới một giáo lý thâm sâu của nhà Phật, ấy là giáo lý NHÂN – QUẢ: Con người không chuốc lấy sự trừng phạt thiêng liêng, không mang gánh nặng tội lỗi nguyên thủy nào cả, ngoài tội lỗi mình tạo ra, như gieo nhân gì, gặt quả nấy.
Và nếu mỗi người đều tham gia vào công cuộc tự cứu mình ngay từ những ngày đầu tiên của một năm mới thì Lục tặc đã thành Lục thông, an nhiên tự tại, thụ hưởng trọn vẹn một mùa xuân đầy tươi mới của đức Di Lặc luôn hào phóng ban tặng cho ta.
Và bây giờ mùa xuân đang về, trong tiếng chuông chùa tỉnh thức vang ngân đang trợ duyên để mỗi người chúng ta được lắng lòng thắp nén TÂM HƯƠNG kính cẩn chắp hai tay mà niệm hồng danh Ngài:
NAM MÔ LONG HOA GIÁO CHỦ ĐƯƠNG LAI HẠ SINH DI LẶC TÔN PHẬT
Xuân Ất Mùi – 2015
Bình luận