Trời càng về khuya càng làm cho phế quản của lão ngập ngụa mùi thuốc lá. Chỉ mới chớm đông thôi mà trời cứ lạnh như nhiệt độ ở Đà Lạt. Thậm chí lão mặc đến 3 chiếc áo nhưng vẫn cảm thấy chưa đủ ấm. Người bạn đỗ xe cạnh lão giờ cũng đã bỏ về nhà vì quá ế. Chỉ còn lão ở lại trơ tọi một mình.
Ở bến xe này nói chung cũng náo nhiệt, nhưng ai làm việc nấy, chẳng ai ở không mà ngồi hàn huyên tâm sự. Mà đúng hơn, nếu rảnh rỗi như thế thì người ta đã về nhà rúc trong chăn bông mà ngủ cho ngon giấc chứ ngồi chi nhìn ngắm phố phường trong màn sương dày đặc và lắng nghe tiếng còi xe tải đi đêm réo inh ỏi đến mức chói tai.
Lão Vân sống ở đất thành phố này cũng được nửa đời người rồi. Cái thời trai trẻ, lão đã có mặt ở bến xe với nghề bốc xếp. Rồi một thời gian dành dụm, lão mua căn nhà lụp xụp ở khu ổ chuột ngoại ô để xây tổ ấm. Chỉ vậy thôi mà lão cảm thấy mãn nguyện. Chưa bao giờ lão có những đòi hỏi gì lớn lao. Lão chỉ cần mỗi ngày đi làm về nhìn thấy nụ cười phúc hậu của vợ con và bữa cơm nghi ngút khói, thế là quá đủ. “Ham mê vật chất làm gì để rồi chết cũng chỉ nằm dưới 3 tấc đất hoặc hóa ra tro bụi. Sống an nhàn như thế cho lành” – triết lý sống của lão là thế.
Thật ra thời trai trẻ lão cũng va chạm nhiều lắm chớ. Bến xe mà, đủ loại người chứ đâu phải hạng vừa. Lão chứng kiến, nghe thấy, thậm chí là người trong cuộc. Để rồi lấy đó làm kinh nghiệm sống. Lão biết cách xử sự, dung hòa nên hạng người nào lão cũng chơi được. Vì vậy khi đã “về hưu” nghề bốc xếp, ở tuổi 60, lão vẫn được mọi người kính nể.
Nhưng tạo hóa lại bất công đối với lão. Ở tuổi xế chiều, đột nhiên bà vợ lão bệnh ung thư. Căn bệnh quái ác đã lấy đi biết bao nhiêu là nước mắt của những người trong gia đình lão. Tiền bạc, dù rằng đối với lão là phù du nhưng trong hoàn cảnh này nó như là phép màu. Không có tiền, vợ lão sẽ chết. Cứ mỗi lần xạ trị, vô hóa chất, tốn biết bao nhiêu là tiền. Cũng may nhờ con đông, đứa nào cũng có tiền nên phụ một ít. Nhìn thấy hoàn cảnh như thế lão đau lắm. Chính vì lẽ đó dù đêm hay là ngày lão vẫn ra bãi xe ôm để rước khách.
Một giờ nữa lại trôi qua. Giờ đã bước sang ngày mới, sương rơi ngày một nhiều. Lão có thể cảm nhận được khi đưa tay chà nhẹ lên chiếc nón bảo hiểm của mình. Lão thấy lạnh thấu vào da thịt, ho khục khặc. Tuổi già rồi mà ngày nào cũng đỗ xe giữa trời khuya như thế này thì có đến thần tiên cũng chịu không thấu. Lão buột miệng: “Nay xui quá, thôi về ngủ sớm!”. Chợt có cậu thanh niên mặt hớt hải gọi lão từ xa:
– Bác xe ôm, chờ con với.
Lão Vân mừng húm, quay lại nhìn người khách. Đó là cậu trai trẻ dáng vẻ thư sinh đang rơi nước mắt lã chã. Lão ngạc nhiên hỏi:
– Sao khóc vậy cháu?
– Gặp bác đây may quá! Con đi bộ gần nửa giờ rồi mới có một cuốc xe ôm. Mẹ con bệnh nặng… con sợ không qua khỏi…
Như đọc được suy nghĩ của thằng bé, lão bảo leo lên xe để lão chở về nhà.
– À mà cháu về đâu?
– Dạ ở tuốt xóm miễu. Con lên đây ở trọ học, khi nãy ba gọi báo mẹ hấp hối, con không biết phải làm gì…
– Xóm miễu?, Lão Vân thảng thốt, …xa quá cháu ơi, 50km chứ chẳng chơi. Khuya quá bác không thể đi xa như thế được.
Thằng bé lại rơm rớm nước mắt:
– Bác ơi, bác giúp giùm con đi. Giờ này khó kêu xe ôm quá. Đi taxi thì con lại không đủ tiền. Con chỉ còn đúng 200 nghìn đồng…
– Vấn đề không phải chuyện tiền bạc, vì ngần ấy đoạn đường 200 nghìn là quá dư. Chỉ có điều trời khuya rồi, đi xa, qua mấy khúc đoạn đường vắng bác sợ cướp giật lắm!
– Bác đừng lo, ở xóm con an toàn lắm, đèn đường thì sáng choang… Giúp giùm con đi bác…
Thoáng tư lự vài giây, nhìn thấy thằng bé đáng thương, lão Vân động lòng trắc ẩn. Lão nghĩ nhà mình cũng đang có người bệnh, mình cần làm phước để đức cho vợ và con. Thế là lão bảo cậu sinh viên leo lên xe. Trước khi đi, lão căn dặn:
– Cháu nhớ, nếu có xảy ra chuyện chẳng lành thì cố mà chạy.
Không hiểu sao tự dưng lão có linh tính xấu, nửa muốn đi nhưng nửa muốn về. Thực sự lão cũng cần tiền cuốc xe ôm này, mà lại thấy dạ bồn chồn làm sao, chân không muốn đi. Nhưng nhìn thấy gương mặt đáng thương của thằng bé, lão chỉ muốn giúp nó hơn là mưu sinh. Thằng bé gật gù ngoan ngoãn nghe theo lời lão Vân.
Thế là hai ông cháu lên đường. Thỉnh thoảng trên đường đi lão dừng lại để mồi thuốc. Rít một hơi thật dài, lão cảm thấy phấn chấn tinh thần, nỗi sợ hãi về những chuyện không đâu tan biến mất. Thực ra lão cũng đã nghe, xem nhiều câu chuyện cướp giật giữa đêm khuya nhưng lão nghĩ không lẽ mình làm một việc tốt mà lại gặp chuyện chẳng lành. Niềm an ủi về tấm lòng từ tâm đã tiếp thêm sức mạnh để lão quên đi mệt nhọc, cơn buồn ngủ và nỗi sợ hãi. Để giết thời gian, lão trò chuyện với thằng bé:
– Cháu học trường gì? Nhiêu tuổi?
– Dạ. Cháu 19 tuổi, học Trường Đại học Sư phạm năm nhất. Trường cháu nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh đó bác.
– Ờ… cháu cũng giỏi đấy chứ.
– Dạ cháu học cũng trung bình thôi. Mẹ cháu muốn sau này cháu theo nghiệp nhà giáo. Thế còn bác, khuya rồi mà bác vẫn chạy xe ôm? Sao không về nhà ngủ cho có sức khỏe?
– Cũng vì mưu sinh thôi cháu ơi!
Vừa nói lão Vân vừa né ổ gà trước mặt. Xe đã ra khỏi ngoại ô, phạm vi thành phố. Đúng như lời thằng bé nói, dù đường quê nhưng đèn đường vẫn sáng choang. Chỉ có điều, tiếng ếch, nhái, ễnh ương cứ ộp oạp, tiếng cú ăn đêm tru trú trên lũy tre già khiến cho hai người cảm thấy nổi da gà. Lão Vân tiếp tục câu chuyện:
– Nếu sung sướng như người ta thì giờ bác đâu phải đi xa như thế này. Thực ra bà xã nhà bác cũng đang bệnh như mẹ của cháu. Vì cần tiền trị bệnh nên bác phải ráng “cày” thêm vào ban đêm.
– Bệnh gì vậy bác?
– Ung thư, cháu à! Đau đớn lắm. Tốn biết bao nhiêu là tiền rồi. Thậm chí có một mẩu đất nho nhỏ trồng rau sau hè bác cũng phải bán để có tiền chạy chữa cho vợ. Bao nhiêu vốn liếng dành dụm giờ chẳng còn gì ngoài chiếc xe cà tàng này.
– Tội bác quá! Mà bác cố gắng lên, ở hiền sẽ gặp lành thôi.
– Thì chỉ trông chờ ông trời thương xót, không gặp vận xui để có tiền mà lo cho vợ. Mà cháu biết tại sao lúc nãy bác suýt từ chối chở cháu không?
– Sao ạ?
– Tại vì trước đây bác đã từng một lần bị cướp khi chạy xe ôm như thế này. Xin lỗi bác không nghĩ xấu cháu nhưng phải cảnh giác để kiếm chén cơm…
Câu chuyện lại dở dang. Lão Vân dừng xe, châm điếu thuốc mới rồi cởi chiếc áo khoác bên ngoài của mình đưa cho thằng bé:
– Cháu mặc vào đi, kẻo cảm lạnh. Trời thế này mà mặc chiếc áo mỏng tang sao chịu được.
– Thôi, bác cứ mặc đi. Cháu là thanh niên mà, không sao đâu. Quen rồi!
– Quen cái gì mà quen! Mặc vào đi. Nhìn cháu kìa, hai hàm răng đánh bò cạp rồi mà còn nói cứng.
Rồi lão đưa ổ bánh mì thịt treo trước cổ xe cho nó gặm. Bữa khuya của lão do chính tay bà vợ làm lấy. Thằng bé cám ơn lão Vân rối rít. Xe tiếp tục lăn bánh. Đoạn đường này không một mái nhà, chỉ toàn là đồng ruộng. Chợt thằng bé lên tiếng:
– Không có bác đi cùng, có cho vàng cháu cũng không dám về một mình. Cháu sợ ma lắm.
– Ma cỏ hại ai cháu? Người mới hại người thôi. À, khi nãy bác quên kể cho cháu nghe câu chuyện. Cách đây một năm, bác chở một gã đàn ông ngoài 30 tuổi về tỉnh lẻ. Lúc đó vợ bác đã bệnh rồi. Cần tiền quá nên bác bất chấp nguy hiểm. Không ngờ người đàn ông ấy lại là ăn cướp. Hắn có ý định cướp xe và tiền bạc trong người bác nên lập ra kế hoạch đi xe ôm… Nhưng rồi vì thấy thương hoàn cảnh của bác, hắn tha, lại còn cho thêm tiền.
Một câu chuyện rất ly kỳ, có thể cháu không tin nhưng đó là sự thật. Niềm tin cháu ạ. Bởi bác tin một điều rằng ở đời nếu ta sống tốt thì sẽ gặp nhiều điều may mắn trong cuộc sống. Dù rằng có đôi khi chúng ta phải trải qua những chông gai để vững bước trên đường đời. Bác hy vọng là mẹ cháu sẽ qua khỏi cơn nguy kịch. Yên tâm đi chú nhóc. Có thể khi về đến nhà, cháu sẽ cười khi nhìn thấy mẹ mình bình an.
– Bác là người có phước lắm mới được tên ăn cướp tha đó. Cháu cám ơn bác nhiều lắm. Nhưng cháu lo…
– Đừng có suy nghĩ quá nhiều! Trách nhiệm của cháu hiện giờ là phải học cho thật tốt để giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội sau này. Thôi bác tính như thế này nhé, bác không lấy tiền xe ôm của cháu. Để bác gửi thêm 200 ngàn cho mẹ cháu mua thuốc uống.
– Như thế không được. Cháu không lấy đâu.
– Cháu phải nhận cho bác vui. Nghèo thì nghèo bạc triệu chứ nhiêu đó có đáng là bao.
– Dạ… thôi, bác ạ! À, tới xóm miễu rồi bác dừng ở đây là được rồi, để cháu đi bộ vào.
– Không được, để bác đưa cháu vào tận nhà luôn.
– Thôi khỏi đi bác. Bác quay về nhanh đi, trời khuya lắm rồi đó.
Đoạn thằng nhóc dúi vào túi áo bác xe ôm 200 ngàn đồng rồi chạy một mạch vào xóm miễu. Thoáng chốc nó đã mất hút trong màn đêm. Lão Vân quay đầu xe lại cũng lao như điên. Lão về đến nhà là 4 giờ kém, vội lên võng đắp chăn đánh một giấc.
Cứ tưởng lão sẽ ngủ cho đến xế chiều. Nào ngờ chỉ mới 7 giờ sáng là lão đã có mặt ở bến xe. Giờ này khách thập phương đổ về đây đông đúc nên lão phải tranh thủ tìm khách. Hớp một ngụm cà-phê, lão cầm tờ báo mà mình mới mua để xem những tin nóng hổi. Chợt lão giật mình ở tin “một thanh niên bị đồng bọn thanh toán đến tử vong”. “Thằng nhóc mà tối qua mình chở về đây mà”, lão há hóc mồm nói rồi làm rơi ly cà-phê xuống đất.
Thực sự lão không bất ngờ về việc thằng nhóc là ăn cướp. Ngay lúc chở nó ra khỏi vùng ngoại ô, từ kính chiếu hậu lờ mờ được bẻ lên cao, lão đã nhìn thấy nó nhiều lần suýt dùng dao đâm lão nhưng rồi lại cho vào túi. Một điều nữa khiến lão chắc chắn rằng thằng nhóc không phải là sinh viên vì trên đường Nguyễn Chí Thanh làm gì có Trường Đại học Sư phạm. Với kinh nghiệm chạy xe ôm hơn mười năm trời, lão đã nghĩ ra những câu chuyện thương tâm, nhân văn để tác động đến lòng trắc ẩn, từ tâm, tính bổn thiên trong nó.
Quả thật, đúng như lão nghĩ, do tính bồng bột nhất thời nên thằng bé mới đi làm những điều xấu xa như thế. Cậu bé đã tha cho lão, trả công lão, còn kêu lão chạy nhanh về nhà. Lão đoán được cái thiện đã chiến thắng trong tâm trí nó. Nhưng điều mà lão không ngờ rằng, thằng bé lại có đến 5 đồng bọn. Đọc đến đoạn “Thằng bé bị sát hại vì tội tha cho con mồi…”, thốt nhiên lão Vân rơi nước mắt. Đây là đầu tiên lão khóc vì người lạ, mà người đó lại là tên cướp từng có ý định giết mình.
Bình luận