Bạn sẽ có cảm giác ngỡ ngàng khi bước qua cánh cổng gỗ sừng sững của chùa Nôm (làng Nôm, Hưng Yên). Không gian vườn tuyệt đẹp, yên bình và ngay lập tức khiến cái nắng hè dịu lại.
Ngôi chùa cổ với không gian tuyệt đẹp ở miền Kinh Bắc
Về thăm làng Nôm (Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên), có lẽ nơi nên đến nhất vẫn là chùa Nôm – ngôi chùa cổ nổi tiếng ở miền đất Kinh Bắc.
Đi qua cây cầu 9 đầu rồng, du khách sẽ nhìn thấy ngay cổng chùa Nôm – Tam quan được xếp vào hạng to, cao nhất nhì Đông Nam Á. Thầy Thích Đồng Huệ (trụ trì chùa) cho hay, trải qua những đợt tu sửa, khu vực Tam quan này vẫn được lưu giữ nguyên vẹn, chưa từng can thiệp.
Cổng chùa Nôm
Bước chân vào bên trong cánh cổng ấy, một không gian yên tĩnh, ngát hương hoa thanh tịnh, dáng vẻ uy nghi, trầm mặc lạ thường hiện lên trước mắt. Cảnh trí ở đây, nói quá đẹp thì chưa chắc đúng nhưng từng đường nét đều toát lên vẻ dung dị, chạm sâu vào kí ức mỗi người về một điều gì xưa cũ, rất hoài niệm.
Chuông và trống của chùa đều được xây gác che riêng, đặt ở hai bên sảnh chùa có hồ nước bao quanh, tạo nên không gian thơ mộng
Ngôi chùa này có tên tự là Linh thông cổ tự, tương truyền xưa kia được xây dựng giữa một đồi thông bạt ngàn, có niên đại hàng nghìn năm. Tuy nhiên, theo các văn tự chữ Hán in lại trên hai tấm bia lớn đặt sau hậu cung thì ngôi chùa này được xây dựng Hậu Lê, đời Chính Hòa, năm Canh Thân (1680).
Thầy Thích Đồng Huệ tự hào khoe, nhờ sự chung tay của dân làng, chùa đã tạo được những quả chuông nặng tới gần 3 tấn, hay chiếc trống to nhất có đường kính tới 2,88m. Đây là mấy sản phẩm lớn vào loại nhất nhì trong số các chùa nước ta.
Chuông ở chùa Nôm
Chiếc trống to nhất có đường kính tới 2,88m đặt tại gác trống
Gác chuông của chùa Nôm
Cảnh chùa nhìn từ trên cao đẹp như một bức tranh.
Chùa có hơn 100 pho tượng đất nung kì bí
Thế nhưng, tất cả những điều đó chưa phải là đáng chiêm ngưỡng nhất ở đây. Ngôi chùa này nổi tiếng xa gần cũng bởi nó sở hữu hơn 100 pho tượng đất nung kì bí.
Thầy Thích Đồng Huệ nói, các tượng phật này có ở chùa đã lâu, chẳng ai nhớ nổi chính xác là từ khi nào. Chỉ biết, dù có trải qua bao phen chìm trong nước lũ vẫn không bị hỏng. “Dân làng ở đây ai cũng lưu truyền câu chuyện về đợt lũ lịch sử năm 1945, 1971 và 1986, nước ngập đến nóc chùa, cả trăm pho tượng đất này đã bị ngâm trong nước. Không ai tin các tượng Phật còn nguyên, không tan trong nước thì hẳn sẽ bị gãy vỡ, vì tất cả đều bằng đất. Nhưng thật kỳ lạ, nóc chùa có thể bị trôi nhưng các tượng phật thì không”, thầy Huệ chia sẻ.
Hơn 100 bức tượng gồm có Tam thánh, Tam thế, A Di Đà, Phật Bà, Bát bộ Kim cương, Thập bát La hán
Dáng vẻ và khuôn mặt của mỗi pho tượng đều khác nhau và có sự biểu cảm rất ấn tượng
Chùa Nôm thuộc thiền phái Lâm Tế, vì thế, các bức tượng này được xây dựng với ý tưởng mô tả con đường trưởng thành của đức Phật
Theo sử sách chép lại, để tạo ra một bức tượng đất, người thợ làm tượng phải hòa lẫn các chất liệu đất sét, mật, vôi và giấy bản rồi giã thật kỹ, thật nhuyễn. Sau khi hỗn hợp đất đã nhuyễn mới bắt đầu nặn theo hình khối rồi tạo hình cho từng bức tượng.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Bá Đông (trưởng thôn Nôm), kỹ thuật tạo nên những bức tượng này là từ đất sét và giấy dó. “Các pho tượng hiện giờ vẫn còn nguyên vẹn, một phần là do ý thức bảo vệ của dân làng song chủ yếu vẫn là kỹ thuật chế tác tinh xảo của cha ông ngày xưa”. Ông Đông cho biết, từ khi ông còn nhỏ đã nghe ông, bà kể lại rằng, những pho tượng này rất linh thiêng, quý giá vì được sơn thếp vàng ròng bên ngoài.
Ngoài tượng phật quý giá, chùa Nôm còn có khu mộ tháp được xây dựng bằng những phiến đá ong cổ
Theo Đại đức Thích Đồng Huệ, lịch sử những pho tượng đất này còn bí ẩn hơn cả ngôi chùa Nôm, quá trình tu sửa chùa Nôm còn được nhắc đến trong một số văn bia, nhưng các pho tượng đất thì tuyệt nhiên không được nhắc đến và cũng không ai biết rõ.
Hiện nay, mỗi ngày chùa đều thu hút rất đông khách đến tham quan
Ngoài 100 bức tượng phật cổ bằng đất, chùa Nôm còn có bệ tượng đồng cổ được phủ vàng “Cửu long Phật đản”.
Ở ngôi chùa này, từng trụ cột, kèo bằng gỗ cũng đều rất quý giá vì được làm bằng các loại gỗ quý như lim, sến. Chùa rộng lớn với nhiều khuôn viên, ngoài chùa chính còn có các gian thờ phụ và các hồ nước bao quanh.
Bà Hiếu (50 tuổi, một người dân sống cạnh chùa) tâm sự: “Các nghiên cứu đều nói chùa mới chỉ 200 năm tuổi nhưng từ ngày nhỏ, tôi đã nghe kể là chùa được xây dựng từ nghìn năm nên kiến trúc rất cổ. Riêng các pho tượng thì từ ngày nhỏ đến giờ, tôi thấy chúng vẫn vậy”.
Trong khi đó, anh Dương (SN 1989) chia sẻ: “Ngoài một số khu bên trong được xây mới thì từ nhỏ đến lớn, tôi không thấy chùa thay đổi gì, mọi kiến trúc cổ vẫn nguyên si nhưng bền bỉ, dù mưa nắng khắc nghiệt thế nào cũng không bị lở vỡ”. Anh kể rằng, chính những cảnh trí hoài cổ, thâm trầm ở ngôi làng này là điều níu giữ tình cảm của những người con xa quê. “Nhiều khi đi đâu xa xôi, tôi cứ nhớ đến một góc sân chùa. Nghĩ đến thôi là chỉ muốn bay ngay về nhà rồi”.
Bình luận