Như một ước lệ, tháng Tư âm lịch hàng năm đối với người con Phật là mùa mừng Phật đản, mùa của sự hoan hỷ trong niềm tôn kính đối với Đức Thế Tôn, Bậc Đạo Sư của nhân thiên, Bậc Thầy đã mở cánh cửa vĩnh cửu ra cho tất cả chúng sinh.
Từ mấy tuần nay, qua các kênh thông tin Phật giáo khắp nơi trên thế giới, người con Phật ở một số quốc gia theo truyền thống Phật giáo Nam truyền đã hân hoan tổ chức Đại lễ Vesak – Tam hợp, kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh, Thành đạo và nhập Niết-bàn.
Tại Trung tâm Hội nghị Liên Hiệp Quốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Phật giáo Thái Lan cũng đã lên chương trình cho sự kiện Ngày Vesak Liên Hiệp Quốc lần thứ XII với chủ đề chính: Phật giáo và những khủng hoảng của thế giới. Sự kiện quốc tế này Việt Nam chúng ta đã vinh dự 2 lần đăng cai tổ chức vào các năm 2008 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình – Hà Nội, và năm ngoái tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế chùa Bái Đính Ninh Bình.
Với sự nỗ lực của chư tôn đức, các hành giả, học giả Phật giáo nói riêng và Tăng Ni Phật tử khắp nơi trên thế giới nói chung, Đại lễ Phật đản theo Phật giáo Bắc truyền hay Vesak theo Phật giáo Nam truyền đã không còn khoảng cách, mà từ lâu đã được người con Phật các truyền thống chào đón trong niềm hân hoan, chia sẻ với lòng kính ngưỡng đối với Đức Thế Tôn.
Đức Phật lịch sử đã nhập Niết-bàn cách đây 2.559 năm, nhưng Pháp thân của Ngài cũng như những lời dạy về lối sống trung đạo đầy trí tuệ và từ bi đã vượt ra ngoài Ấn Độ, lan tỏa và hòa quyện vào các nền văn hóa các nước ở năm châu, trong đó có Việt Nam chúng ta, làm giàu cho nội dung của dân tộc mấy ngàn năm qua.
Những giá trị sống đem lại sự an lạc, hạnh phúc cho chúng sinh mà Đức Phật đã dạy có giá trị vượt thời gian và không gian. Năm giới và mười thiện nghiệp được thế giới hiện đại xem là những nguyên tắc đạo đức căn bản của một lối sống bảo đảm cho hạnh phúc của bản thân, an toàn cho môi trường, ổn định và thăng tiến cho con người trong thời đại nhiều thách thức hôm nay.
Trong các kỳ Phật đản các năm trước, nhân Ngày Vesak, các vị lãnh đạo các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, UNESCO… đều có các thông điệp ca ngợi Đức Phật và giáo lý của Ngài. Các vị lãnh đạo đó đều cùng một quan niệm, xác định rằng Đức Phật và lịch sử hơn 2.600 năm của Phật giáo đã cung cấp cho thế giới và con người ngày nay nhiều ví dụ đầy cảm hứng về cách nhận diện thực trạng của khổ đau và phương thức chuyển hóa, vượt thoát khổ đau. Đức Phật được ngợi ca như một biểu tượng của hòa bình, Phật giáo được xem là tôn giáo của hòa bình.
Chính vì vậy, với người con Phật, ngoài việc tự thân tu tập, hẳn ai cũng mong muốn trong tháng Tư âm lịch – mùa Phật đản sẽ nỗ lực và hoan hỷ được làm các thiện sự, Phật sự nhằm cúng dường lên Đức Thế Tôn. Với người Phật tử Việt Nam nói chung của thành phố nói riêng, chắc hẳn ai cũng mong chờ một mùa Phật đản được tổ chức với hình thức đặc sắc, nội dung phong phú, xứng tầm với lịch sử Phật giáo hai ngàn năm và với tiềm năng của một trung tâm văn hóa, kinh tế năng động của đất nước.
Bình luận