Luật Nhất Thiết Hữu Bộ 1

Luật Nhất Thiết Hữu Bộ 1

Trương Văn Chiến 16

MỤC ÐẮC CA
(No. 1452)

Quyển thứ sáu

-ooOoo-

Thành kính đảnh lễ đức Thế tôn, Ứng cúng, Chánh biến tri.

Ðại môn tổng nhiếp tụng.

Tối sơ vi sám tạ
Ðệ nhị định thuộc vật
Ðệ tam tư cụ y
Mục đắc ca tổng tụng.

Biệt môn tổng nhiếp tụng thứ nhất.

Sám tạ thảo điền trung
Hợp miễn vương ảnh thắng
Cẩu nhục tàn cam giá
Ðường tô căn đẳng thính.

Tụng thứ nhất.

Sám tạ phi cận viên
Quán cầu tịch tướng mạo
Bí-sô giữ ny pháp
Hồ bỉnh pháp giai thành.

Phật ở thành Thất La Phạt. Bấy giờ các Bí-sô từng hai người một bàn luận nghĩa lý đưa đến tranh cãi nhau.

Vị Bí-sô nhỏ trách mắng vị lớn. Vị Bí-sô lớn lui vào trong phòng ôm lòng phẫn hận.

– Tại sao kẻ ti tiểu kia lại dám xúc phạm đến ta, vì bị lửa sân thiêu đốt nên ông ta phiền não vô cùng. Do đó vị này qua đời sinh vào loài rắn độc.

Bấy giờ Bí-sô nhỏ sinh tâm hối hận:

– Ta đã hành động bất thiện. Tại sao được phép sân trách Bí-sô thượng tọa.

Nghĩ như thế rồi, Bí-sô nhỏ cùng các Bí-sô đến chỗ Bí-sô lớn kia. Ðến nơi thấy cửa phòng đóng, liền tìm cách mở ra và đến chỗ vị Bí-sô lớn. Bí-sô nhỏ đang muốn quì xuống đảnh lễ để bạch Phật rằng:

– Ðại đức xin tha thứ cho tôi.

Lúc ấy, vị này thấy một con rắn độc lớn đang nghiến răng nổi giận dựng đứng lên. Bấy giờ Thế Tôn dùng sức đại bi đến tận nơi, bảo Bí-sô rằng:

– Thầy phải nên lạy sát đất để xin sám hối với rắn này.

Bí-sô thưa:

– Thế Tôn! Tại sao bảo con lạy rắn này?

Thế Tôn bảo:

– Nên tác ý đây là Bí-sô lúc trước để mà kính lễ.

Khi ấy Bí-sô này hướng về rắn này làm lễ.

Thế Tôn bảo rắn:

– Hiền thủ! Người nên dung thứ cho vị này!

Ngài vì rắn độc nói ba pháp kệ. Ngài lại nói:

– Hiền thủ! Người đã tu tập tịnh hạnh nơi ta, lẽ ra phải sinh thiên thượng, chỉ do lửa sân thiêu đốt làm hại, sinh vào loài rắn độc. Hiền thủ nên biết rằng:

Các hành đều vô thường
Các pháp đều vô ngã.
Chỉ biết Niết bàn tịch tịnh là an lạc.

Người nên phát tâm tịnh tín đối với ta. Do nhờ công đức này bỏ được thân bàng sinh, sinh vào cảnh giới tốt đẹp.

Khi ấy rắn độc tự nghĩ:

– Nay nếu ta không được thân cận Thế Tôn nghe ba pháp cú mà chỉ ham ăn uống thì thật nuôi thân này vô ích.

Các loài bàng sinh thì lửa đói là mạnh nhất. Do nhịn ăn nên rắn độc mệnh chung. Vì rắn độc sinh tâm tịnh tín đối với Thế Tôn, nên bỏ thân mạng này được sinh thiên thượng. Khi mới sinh thiên dù nam hay nữ thì pháp nhĩ như thế này, họ đều phát sinh ba ý nghĩ:

– Ta chết từ nơi nào?
– Nay sinh vào nơi nào đây?
– Do nghiệp duyên gì mà sinh đến nơi này?

Nghĩ thế rồi, vị ấy tự quán sát thấy mình bỏ thân rắn độc sinh đến cõi thiên này nhờ phát sinh tín tâm trong sạch với Phật. Vị thiên này lại tự nghĩ: “Nay ta chẳng nên không đến gặp Phật để lễ bái cúng dường, vậy nên đến gặp ngài để báo ân phụng sư”. Vị thiên này mang chuỗi ngọc, hoa tai, vòng tay bằng bảy báu thượng diệu, tự trang hoàng thân thể với hào quang rực rỡ. Tay cầm hoa sen vi diệu ở cõi trời, hoa Ôn bát la, hoa Bát đầu ma, hoa Phân đà lợi vào lúc gần sáng đến gặp Phật, rải hoa cúng dường trước Phật lạy sát hai chân ngồi qua một bên. Do uy lực hào quang của vị thiên này làm cho cả rừng Thệ Ða ánh sáng rực rỡ.

Bấy giờ Thế Tôn quan sát sự sai biệt căn tánh, tùy theo căn tánh sở thích của vị thiên này để ngài thuyết pháp.

Vị thiên nghe pháp ngay tại chỗ ngồi chứng quả Dự lưu. Sau khi chứng quả, vị này bạch Thế Tôn:

– Thánh quả con chứng được hiện nay không phải do cha mẹ tác thành mà nhờ y vào sức từ bi của Thế Tôn, đưa con thoát khỏi ba đường ác, đặt vào cõi trời người, ra khỏi cảnh giới sinh tử lưu chuyển, làm cho khô cạn biển lớn máu và nước mắt, đã vượt qua được núi lớn thân cốt. Từ vô thủy đến nay tích tụ hai mươi thân kiến góp lại như núi, dùng chùy kim cương đập phá vỡ hết, chứng quả Dự Lưu. Thế Tôn! Ngay ngày hôm nay con xin qui y Tam Bảo, xin ngài chứng nhận cho con là vị Ô ba sách ca (cận sự nam). Từ nay cho đến trọn đời, con giữ vững lòng tin thanh tịnh đối với Tam Bảo.

Vị thiên lễ sát chân Phật, đi nhiễu bên hữu ba vòng rồi biến mất trở lại thiên cung.

Bấy giờ các Bí-sô vào đầu và cuối đêm cảm giác siêng năng tu hành lắng tâm quan sát thấy rừng Thệ Ða hào quang sáng chói, đều tự nghĩ: “Ðây hẳn là chư thiên Phạm Thích và Bốn Thiên vương hay là các thiên tử có uy lực lớn đến ra mắt Thế Tôn để kính lễ.

Nghĩ vậy, họ đến gặp Thế Tôn, lạy sát hai chân, đem sự việc trên trình bày. Thế Tôn nói:

-Ðó không phải là Phạm thiên chủ cũng chẳng phải thiên tử có uy lực lớn gặp ta để ra mắt lễ kính. Các thầy còn nhớ con rắn độc lớn, ta đã vì nó nói ba pháp cú không?

Ðáp:

– Bạch Thế Tôn! Chúng con nhớ.

Thế Tôn bảo rằng:

– Rắn ấy đã chết và sinh cõi thiên, vị thiên ấy đến gặp ta nghe giảng pháp, được kiến đến rồi trở lại thiên cung. Do nhân duyên ấy nên ánh sáng chiếu sáng khắp nơi.

Thế Tôn lại dạy:

– Do không nhẫn nhịn được nên có lỗi lầm như vậy. Thế nên các Bí-sô có nổi giận cãi nhau, phải mau sám hối tạ lỗi, cùng tha thứ nhau, đừng để sau đó phải mang lấy những lỗi lầm như vậy.

Bấy giờ có Bí-sô mới bị la mắng, vội vàng đến vị kia để xin tha thứ, làm cho vị kia thêm tức giận, bảo rằng:

– Hãy xem người này đem đến cho ta những việc thật là rối loạn bực bội.

Phật dạy:

– Không nên mới bị la mắng mà đến sám hối liền, chờ họ bớt giận rồi có thể xin dung thứ.

Ngay trong thành có hai Bí-sô cùng nhau bàn luận nghĩa lý giáo pháp dẫn đến sự phẫn nộ. Bí-sô trẻ trách mắng vị lớn tuổi.

Bấy giờ Bí-sô già về phòng, quá ư tức giận đến nỗi mệnh chung sinh vào loài rắn độc.

Bấy giờ Thế Tôn sai cụ thọ A Nan Ðà:

– Ông hãy đến nơi rắn độc đang nghiến răng kia nói lên lời ta chúc mạnh khỏe và bảo rằng: – Hiền thủ! Ông đã xuất gia trong pháp luật chân chánh của ta. Ðối với bốn quả Sa-môn nên tùy khả năng chứng một quả. Ông đời trước quá sân hận nên sinh vào loài rắn độc. Vậy ông nên tha thứ cho vị kia.

Cụ thọ A Nan Ðà vâng lời Phật dạy, đến chỗ rắn độc bảo rằng:

– Ông đã… như trên… vị kia.

Bấy giờ rắn độc đang ở trong phòng gầm gừ lên tiếng không chịu đứng yên.

Thế Tôn lại sai cụ thọ Ðại Mục Kiều Liên:

– Ông hãy… như trên… vị kia.

Bấy giờ rắn độc ngay nơi khe cánh cửa thò đầu ra rồi lại thụt vào.

Thế Tôn lại sai cụ thọ Xá Lợi Tử:

– Ông hãy… như trên… vị kia.

Bấy giờ rắn độc bày nửa thân nơi cánh cửa, phần còn lại quấn trong phòng. Khi ấy, Thế Tôn đích thân đến tận phòng, bảo rắn độc rằng:

– Hiền thủ! Ông đã xuất gia trong pháp luật chân chánh của ta, đối với bốn quả Sa-môn tùy khả năng chứng một. Nhưng ông chưa chứng được một quả nào. Ông do đời trước quá ư sân hận nên sinh vào loài rắn độc. Vậy ông nên dung thứ cho vị kia.

Khi ấy rắn độc bò ra khỏi phòng, hướng đến Thế Tôn, cuộn thân đứng lên.

Bấy giờ Thế Tôn bảo vị Bí-sô trẻ tuổi kia:

– Ông nên cầu xin tạ lỗi với rắn độc này.

Bí-sô thưa:

– Con phải làm pháp sám hối như thế nào đây?

Phật dạy:

– Nên lạy sát hai chân.

Bí-sô thưa:

– Thế Tôn! Vị ấy đã sinh vào loài bàng sinh. Nay con tại sao phải lễ kính sát chân loài ấy.

Thế Tôn dạy rằng:

– Ông nên tác ý đến thân Bí-sô trước đây của rắn độc, ngay tại trước mặt rồi lạy sát chân.

Khi ấy, Bí-sô khởi tâm tưởng như vậy rồi lạy sát bụng rắn. Rắn liền dùng đầu đặt vào đảnh Bí-sô như pháp sám hối tạ lỗi.

Thế Tôn dạy rằng:

– Này các Bí-sô! Do quá sân hận nên gây ra lỗi lầm này. Thế nên các Bí-sô nếu sân hận với nhau phải mau sám hối. Buổi chiều giận nhau, buối sáng phải xin lỗi nhau.

Có một Bí-sô, khi được xin lỗi lại thêm sân hận. Phật dạy:

– Trước phải thăm hỏi, sau đó mới cầu xin tha thứ.

Nhưng có người vẫn không chịu. Phật dạy:

– Phải chịu.

Có người gặp chỗ thân cận không chịu lễ kính. Phật dạy:

– Ðến chỗ có thế lực phân xử cũng phải lễ kính.

Vị kia đáp:

– Không bệnh. Nếu không làm như vậy, cả hai đều mắc tội.

Hai Bí-sô bàn luận giáo nghĩa, sinh tâm sân hận, vị trẻ trách mắng vị già. Bí-sô trẻ biết mình phi lý, đến lạy sát chân vị già cầu sám hối, vị già vẫn đứng im lặng. Vị trẻ tự nghĩ: “Vị này quá giận không dung thứ cho ta. Chờ vị này bớt giận ta sẽ đến tạ lỗi”.

Bí-sô già trở về phòng với tâm trạng sân hận.

Bấy giờ Bí-sô trẻ đến phòng vị già quì xuống đảnh lễ, ôm lấy chân bạch rằng:

– Ðại đức! Xin ngài dung thứ cho tôi.

Bí-sô già bỗng đùng đùng nổi giận bảo với người chung quanh:

– Ðại đức! Mời quí vị hãy trông vào người này, cố ý đến đây gây phiền não cho tôi.

Bí-sô trẻ tự nghĩ: “Vì Phật Thế Tôn dạy ta phải làm lễ tạ lỗi nên tự an trú với tâm từ bi, tâm lợi ích. Nhưng Bí-sô này thấy ta đến tạ lỗi, tâm tình không vui vẻ gì cả. Vậy ta cần gì xin vị ấy tha thứ”. Vì vậy Bí-sô trẻ không đến kính lễ nữa.

Sau đó vào một lúc khác. Vị Bí-sô già cùng các Bí-sô đi kinh hành, nói chuyện. Vị Bí-sô trẻ đi đến nơi v? Bí-sô già đang kinh hành nhưng chỉ muốn chào hỏi làm lễ các vị khác.

Có người hỏi Bí-sô già:

– Tôn giả! Người này giới luật thanh tịnh, tại sao không cho sám hối?

Bí-sô già đáp:

– Ông ấy có ác tâm đến đây chỉ muốn làm lễ quí thầy thôi.

Rồi Bí-sô già phân bua với mọi người:

– Nay quí vị đã thấy rõ là Bí-sô kia chỉ chào hỏi lễ bái quí vị chứ nào lễ bái tôi. Từ đó suy ra, họ đến đây mang ác ý với tôi.

Có người nói với Bí-sô trẻ:

– Bí-sô già này giới luật thanh tịnh, tại sao người không lễ kính chào hỏi?!

Bí-sô trẻ thuật lại đầy đủ sự việc đã xảy ra.

Các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Khi những người có xích mích cãi cọ nhau, khi gặp nhau cũng phải kính lễ, chào hỏi. Vị kia phải trả lời: – Không bệnh.

Nếu vị nào không thực hành như vậy, bị tội ác tác. Phải nên chắp tay kính lễ chào hỏi.

Bấy giờ cụ thọ Ô Ba Ly bạch Thế Tôn:

– Ngay khi thọ giới, giởi tử tự phát biểu: – Cụ thọ không nên cho tôi thọ cận viên nữa. Khi ấy các Bí-sô vẫn cố buộc vị ấy thọ. Vậy người thọ giới này thành cận viên không?

Phật dạy:

– Ô Ba Ly! Người này không thành tựu cận viên. Khi đã phát biểu thành lời nói thì gọi là xả giới rồi. Huống gì ngay khi thọ giới (mà phát biểu như vậy) sao được gọi là thọ giới thành tựu.

Như Thế Tôn dạy: – Cầu tịch đủ 20 tuổi cho họ thọ cận viên. Nhưng gặp phải cầu tịch không biết số tuổi của mình.

Bấy giờ các Bí-sô đều nghi ngại không cho thọ cận viên. Nhưng giới tự vẫn giữ tâm muốn thọ giới.

Các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Phải xem xét thân thể vị ấy.

Các Bí-sô muốn lộ hình vị ấy ra để xem xét chỗ kín và dưới nách, vị ấy mắc cỡ ngượng ngùng.

Thế Tôn dạy:

– Treo núi đựng bát hay các vật khác trên móc cao, hay sào tre, v.v… bảo vị ấy rằng:

– Ông lấy y bát kia mang đến đây. Vị ấy sẽ đưa tay lên lấy, khi ấy nhìn dưới nách lông dài hay ngắn.

Ô Ba Ly bạch Phật:

– Khi các cầu tịch thọ giới cận viên, các Bí-sô lại bình đẳng pháp yết ma của Bí-sô ny để họ thọ cận viên. Như vậy họ được đắc giới không?

Phật dạy:

– Họ thành tựu cận viên, các Bí-sô bị tội vượt pháp.

Tụng thứ hai.

Thảo điền thôn lược thuyết
Sinh tâm bao sái đà
Tặc triền bất đồng khiên
Lục khai tăng giáo tội.

Phật tại thành Thất La Phạt. Một số Bí-sô tháp tùng cùng đoàn lái buôn đi du hóa trong nhân gian. Ðến ngày Bao sái đà (bố tát) thấy có chỗ trống trải yên tịnh với cỏ êm ái, họ bàn luận với nhau:

– Các Ðại đức! Chỗ này có cỏ êm tốt chúng ta hãy tác pháp Bao sái đà ở đây.

Họ cùng ngồi ở chỗ ấy để trưởng tịnh. Ðến khi xong việc những khách buôn mạnh khỏe đã lên đường hết.

Bấy giờ các Bí-sô phải lục đục đi sau, chẳng may bị cướp đoạt các vật dụng. Họ đi về đến chùa, các Bí-sô cựu trú thấy khách đến, chào hỏi:

– Thiện lai Ðại đức! Quí ngài đi đường có an lạc không?

Ðáp:

– Nào có an lạc, tôi bị giặc cướp, may lắm mới giữ được mạng sống thừa này.

Bấy giờ các Bí-sô đem việc này bạch Phật.

Phật dạy:

– Không được tham luyến chỗ bằng phẳng có cỏ êm để trưởng tịnh, phải đi theo người đồng hành đến làng xóm rồi mới làm trưởng tịnh.

Như Thế Tôn dạy: – Ði đến chỗ gần xóm làng mới làm trưởng tịnh.

Bấy giờ có một nửa số Bí-sô đã vào trong thôn còn một nửa ở ngoài thôn. Họ tự suy nghĩ: “Nay ta đã ở riêng một chỗ, vậy có nên làm trưởng tịnh hay không?!”

Các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Những Bí-sô đã vào trong thôn nên tụ tập lại một chỗ để làm trưởng tịnh, những vị ở ngoài thôn phải ra ngoài phạm vi ranh giới của thôn, cùng nhau tập hợp lại một chỗ để làm trưởng tịnh. Nếu ai không đến để tham gia việc trưởng tịnh, bị tội vượt pháp.

Các Bí-sô cùng thương gia đi trên đường, đến ngày trưởng tịnh các Bí-sô bảo với thương gia:

– Hiền thủ! Xin tạm nghỉ giây lát, chúng tôi muốn trưởng tịnh.

Thương nhân bảo:

– Chỗ này có giặc cướp đáng sợ, quí vị nên mau đi tới, chúng tôi không thể dừng lại.

Bấy giờ các Bí-sô nói với người đồng hành:

– Nên ở lại đây. Họ phải ở lại cho đến sáng hôm sau.

Các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Không được đến ngày mà không trưởng tịnh, nên vừa đi đường vừa trưởng tịnh.

Các Bí-sô vừa đi đường vừa cùng nhau trưởng tịnh, các lái buôn tỏ vẻ khó chịu, phát biểu:

– Thánh giả! Chúng tôi sợ giặc cướp nên rất im lặng. Các vị vì lý do gì mà lớn tiếng như vậy.

Các Bí-sô đem sự việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Không nên thuyết minh rộng, nên trưởng tịnh tóm lược.

Nhưng các thương nhân vẫn bực bội nói với nhau. Phật dạy:

– Nên có thể tâm niệm thủ trì:

1- Xả ba y.
2- Phân biệt ba y (tác tịnh).
3- Xả trưởng y.
4- Biệt thỉnh.
5- Trưởng tịnh.
6- Tùy ý tự (tự tứ).

Nên tự nói như thế này:

– Hôm nay ngày 14 tăng già trưởng tịnh. Tôi Bí-sô, vào ngày 14 cũng trưởng tịnh. Tôi Bí-sô đối với các pháp chướng ngại, tự bày tỏ để thanh tịnh tất cả. Nay tôi tạm thời thủ trì trưởng tịnh. Nếu sau này gặp chúng tăng hòa hợp tôi sẽ hòa hợp cùng chúng để trưởng tịnh, đầy đủ các giới tụ. Nói như vậy ba lần.

Nếu đến đúng ngày, phải làm trưởng tịnh, nếu không làm, bị tội ác tác.

Các Bí-sô du hành trong nhân gian bị giặc bắt. Chúng bàn bạc với nhau:

– Này các anh! Nên làm sạch các Bí-sô.

Các Bí-sô biết rằng ý bọn giặc muốn giết hại mình, nên bảo với họ rằng:

– Vì ý gì mà quý vị muốn giết hại chúng tôi?!

Giặc đáp:

– Này các Bí-sô! Các ông cùng với vua, đại thần, trưởng giả, khách buôn đều quen biết nhau. Họ đối với các ông hết lòng kính trọng. Các ông sẽ báo cáo lại họ về việc này. Họ đối với chúng tôi thật là tai hại. Thế nên chúng tôi phải làm sạch các ông.

Bấy giờ trong nhóm có một Bí-sô phạm tội nói dối, tự nghĩ:

– Nay ta bị giết chết khi thân mang tội sẽ sinh vào đường ác.

Do đó Bí-sô này gọi các Bí-sô đến chỗ khuất để phát lồ chỗ phạm tội.

Thấy vậy bọn giặc bảo rằng:

– Các ông muốn đi đâu?

Bí-sô đáp:

– Cho phép tôi làm pháp sự của Bí-sô trong chốc lát.

Giặc nói:

– Các ông muốn chạy trốn phải không? Phải ở đây không được đi chỗ khác.

Khi ấy hai Bí-sô phải tác pháp đối thủ sám hối trước mặt bọn giặc:

– Xin Ðại đức nhớ rõ cho! Tôi Bí-sô phạm tội như vậy. Ðối với tội đã phạm, nay tôi đối trước Ðại đức đến bằng tâm ý thanh tịnh, xin phát lồ thuyết ra tội. Tôi không che dấu, do phát lồ thuyết ra tội nên được an lạc. Không phát lồ thuyết ra tội thì không được an lạc. Lần thứ hai, lần thứ ba đều bạch như vậy.

Bấy giờ bọn giặc thấy Bí-sô thuyết tội xong, hỏi rằng:

– Các ông không được nói dối phải không?

Ðáp:

– Vâng! Chúng tôi không được nói dối.

Bọn giặc bảo:

– Vậy các ông có thể tùy ý ra đi, nhưng không được nói với mọi người về sự việc gặp gỡ ở đây.

Bấy giờ các Bí-sô sinh tâm hối hận, ta đối trước người thế tục, nói lên chỗ phạm tội. Họ đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Này các Bí-sô! Các loại giặc là chủ nhân chỗ nguy hiểm. Các thầy đối thuyết sám hối tội (trước họ) đây là thiện thuyết.

Duyên xứ như trước. Có những Bí-sô du hành trong nhân gian, bị giặc bắt. Giặc ra lệnh:

– Các người nên làm sạch các Bí-sô!

Các Bí-sô biết giặc muốn hại mình, nói với bọn giặc rằng:

– Vì ý gì các vị muốn sát hại chúng tôi.

Bọn giặc nói rõ như trước.

Bí-sô trả lời:

– Quí vị hãy thả chúng tôi ra, chúng tôi hứa chắc chắn không báo gì về quí vị cả.

Bấy giờ bọn giặc bảo các Bí-sô:

– Chúng ta cần phải cam kết sau đó tôi mới thả ra. Vào ngày mười lăm, đại chúng các ông tập hợp và có sự tuyên thuyết. Các ông hãy vì chúng tôi thuyết minh đầy đủ lại pháp ấy, tôi sẽ thả quí vị ra.

Khi ấy trong chúng có một Bí-sô tụng giới thông thuộc, liền vì họ thuyết minh Ba la đề mộc xoa.

Sau khi các Bí-sô thuyết giới, chúa bọn giặc bảo rằng:

– Tôn giả nên đi đi! Ở đâu về nơi ấy nhưng cẩn thận chớ nói gì về chúng tôi.

Bấy giờ các Bí-sô được thả ra, sau đó sinh tâm nghi ngờ chúng ta thuyết minh kinh biệt giải thoát với bọn giặc. Họ đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Giặc là chủ nhân trong rừng vắng. Các thầy thuyết giới với họ là thiện thuyết.

Duyên xứ như trước.

Bấy giờ các Bí-sô ở nước Bạt Ta du hành trong nhân gian, bị giặc bắt. Chúng ra lệnh cho nhau:

– Các ngươi nên làm sạch các Bí-sô này.

Bấy giờ trong bọn cướp có một tên trước đây từng sống gần chùa các Bí-sô, bảo đồng bọn rằng:

– Hơi sức đâu mà giết họ, nên lấy gốc cỏ tranh sống cột chặt họ lại, để cho họ đói khát mà chết.

Bọn giặc liền dùng gốc cỏ tranh sống, cột các Bí-sô lại rồi cả bọn bỏ đi.

Khi ấy vua nước Bạt Ta là Ô Ðà Diên đi săn bắn ngang qua chỗ các Bí-sô bị cột. Vua hỏi tùy tùng:

– Ðấy là nai, gấu phải không?

Họ thúc ngựa chạy đến để xem xét thì ra là người.

Họ hỏi:

– Quí vị là ai?

Ðáp:

– Chúng tôi là người xuất gia.

Hỏi:

– Thuộc giáo phái nào?

Ðáp:

– Là Thích Ca Tử.

Hỏi:

– Tại sao ở đây?

Ðáp:

– Bị giặc trói.

Hỏi:

– Trói bằng gì?

Ðáp:

– Bằng cỏ sống.

Vua hỏi:

– Tại sao không bứt ra?

Ðáp:

– Thế Tôn vì chúng tôi chế học xứ; Bí-sô nào làm hư hại cây cỏ sống, phạm Ba dật để ca.

Nhà vua nghe vậy, liền xuống xe, tự tay giải phóng và dâng ba y cho các Bí-sô rồi ra đi.

Bấy giờ các Bí-sô sinh niệm nghi ngờ:

– Ta nói với vua về tội tướng!

Họ đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Này các Bí-sô! Nếu thuyết minh tội tướng cho vị vua quán đảnh dòng Sát đế lợi như vậy, đó là thiện thuyết.

Các Bí-sô bạch Phật:

– Ðối thủ phát lồ với người phạm tội có được không?

Phật dạy:

– Không nên cùng người phạm tội, đối thủ phát lồ tội của mình. Nếu gặp nạn duyên đối pháp không phạm. Nhưng với người cùng phạm một tội với mình, không được đối thuyết sám hối với họ.

Duyên xứ như trước. Có một Bí-sô, tâm có tàm quí, kiên trì giới cấm, ưa thích các học xứ. Vào lúc nọ, lần đầu tiên phạm tội chúng giáo thứ nhất. Vị này sinh tâm áo não hối hận xấu hổ, hình sắc suy nhược vàng vọt, dần dần thành bệnh.

Các Bí-sô khác đến thăm viếng an ủi:

– Ðại đức! Tại sao nhan sắc suy nhược vàng vọt như thế này, có bệnh gì vậy?

Vị này im lặng không đáp. Sau đó có Bí-sô thân thiết đến hỏi, vị ấy trình bày lại tất cả. Vị kia nói:

– Cụ thọ! Nếu thật như vậy, nay tôi vì cụ thọ bạch với các Bí-sô.

Vị ấy nói:

– Nếu thầy đưa tin này ra, tôi sẽ tự sát. Nếu đến nước khác, tôi mới phát lồ tội ấy ra.

Bấy giờ hai người cùng nhau ra đi đến nơi khác. Ði được nửa đường, vị ấy qua đời.

Bí-sô bạn tự nghĩ: “Bạn ta muốn làm việc phát lồ sám tội nhưng đã qua đời, nay ta không nên ở đây”. Nghĩ thế rồi, Bí-sô này trở về chùa cũ. Các Bí-sô thấy vị này trở về, cùng ra chào đón:

– Thiện lai Ðại đức! Ngài du hành có an lạc không? Người bạn cùng đi với ngài ngày trước nay ở đâu?

Bí-sô này buồn khóc trả lời:

– Vị ấy đã chết! Tuy biết các pháp đều vô thường nhưng Bí-sô kia chết khi đang mắc tội, tất bị đọa Nại lặc ca (địa ngục) đến bao giờ mới ra khỏi. Do đó, nghĩ đến việc này tôi thương cảm vô cùng.

Các Bí-sô đem sự việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Vị Thích tử kia đã vươt ra khỏi tội. Này các Bí-sô! Các tội đều do tâm tạo, nên từ tội phải vươn lên (để thoát ra) ch? không phải do sự trị phạt. Thế nên, tôi cho phép:

– Nếu có những người bẩm tánh quá xấu hổ như vậy, nên đối thủ trước một người khác để phát lồ tội của mình.

Chúng Bí-sô có người hiểu kinh, có người hiểu luật, có người hiểu luận nhưng phạm tội chúng giáo. Có người đến trước đại chúng phát lồ tội của mình. Người khác thấy vậy nói:

– Này các Ðại đức! Ðây là bậc thềm vi diệu. Người kia vi phạm nên đến tận nơi để sám hối. Còn các chúng Bí-sô khác nếu vi phạm thì phải làm thế nào?

Các Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:

– Phải đến trú xứ khác để thuyết sám tội của mình.

Các Bí-sô này lại bị qua đời như trước. Phật dạy:

– Nên đối trước một người để phát lồ. Nếu có người phúc đức lớn, hoặc thượng tọa thủ chúng cũng nên đối trước một vị ấy để sám hối.

Tụng thứ ba.

Hợp miễn giã ưng phóng
Xuyên lương khiển chúng hành
Nhất nhật trí tứ tuần
Bì nhục giai bất tịnh.

Phật ở thành Thất La Phạt. Một hôm đến lượt cụ thọ A Nan Ðà trực nhật. Vua Thắng Quang nước Kiều Tát La đến trú xứ gặp A Nan Ðà, lễ hai chân, ngồi qua một bên. Tôn giả A Nan Ðà giảng thuyết tóm lược về thánh giáo cho vua nghe.

Vua bạch:

– Ðại đức! Con không bận rộn gì cả. Xin vì con giảng rộng.

A Nan Ðà lại nói lược.

Nhà vua lại bạch:

-Thánh giả! Con rãnh rỗi xin ngài nói rộng!

Nhà vua thưa như vậy ba lần.

Tôn giả A Nan Ðà nói:

– Ðại vương! Ngài tuy rỗi rảnh nhưng tôi bậc việc riêng.

Nhà vua hỏi:

– Ðại đức! Ngài phải làm việc gì.

Ðáp:

– Ðại vương! Tôi trực nhật ở chùa, cần phải kiểm tra xem xét trong ngoài.

Nhà vua tự nghĩ:

– Ðây là việc của ta.

Sau đó, nhà vua làm lễ tôn giả, từ giã ra đi, đến gặp Phật. Sau khi làm lễ; vua bạch Thế Tôn:

– Con làm vua Sát đế lợi đã quán đảnh, cần sai con làm gì, con sẽ làm ngay. Nếu cần thì hoàng hậu làm, hoặc thái tử, đại thần, quân đội phải hợp tác làm; họ đều phải y theo chức vụ của mình để phục vụ (tam bảo). Thế Tôn là bậc Pháp Vương Vô Thượng, ngưỡng mong Thế Tôn cho phép những người đáng được bãi miễn thì cho họ được bãi miễn việc này, xin từ mẫn.

Thế Tôn im lặng đồng ý, vua Thắng Quang từ giã ra về.

Thế Tôn bảo các Bí-sô:

– Các thầy nên biết, nay Ta đồng ý những người đáng được miễn thì không sai họ làm tri sự cho tăng.

Các Bí-sô không biết ai được miễn công việc. Phật dạy:

– Những người giải Kinh, giải Luật, giải Luận được bãi miễn (việc tri sự của tăng).

Lục chúng Bí-sô vừa tụng đuợc hai ba phẩm Kinh, tự tuyên bố:

– Tôi là người trì kinh, vậy cũng được miễn làm tri sự của tăng.

Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Thọ trì tất cả Kinh mới được miễn làm tri sự.

Lại có người chỉ thọ trì một hai Ba la thị ca, tự tuyên bố:

– Tôi là người trì Luật, vậy cũng được miễn làm tri sự.

Thế Tôn dạy:

– Phải thọ trì tất cả Luật bộ mới được miễn làm tri sự.

Lại có người chỉ đọc tụng một hai bộ Luận nhỏ, tự tuyên bố:

– Tôi là người trì Luận cũng nên được miễn làm tri sự.

Thế Tôn dạy:

– Thọ trì tất cả luận bộ mới được bãi miễn việc của chúng tăng sai khiến.

Duyên xứ như trước. Nước Kiều Tát La thuộc vua Thắng Quang trị vì, ở một phía biên giới có giặc nổi lên. Vua sai một vị tướng cầm quân đi dẹp giặc. Nhưng họ bị giặc đánh bại, phải kéo quân trở về. Thua trận chạy về như vậy đến ba lần.

Bấy giờ vị đại thần chấp chánh tâu với vua:

– Ðồ đảng của giặc mạnh mẽ còn binh tướng của ta yếu kém, trừ trường hợp đại vương thân chinh dẹp giặc thì còn cách nào để hàng phục giặc được.

Bấy giờ vua Thắng Quang đánh trống truyền lệnh thông báo cho khắp mọi người, ngay trong đất nước, người nào biết cầm dao thì phải nhập ngũ. Vua thân chinh thống lĩnh bốn bộ binh để dẹp giặc nhưng chúng vẫn không thuần phục, cố thủ chống lại. Thành lũy họ hiểm trở rất khó hàng phục. Bấy giờ đại thần tâu với vua rằng:

– Trưởng giả Cấp Cô Ðộc có phước đức lớn, được thiên thần ủng hộ. Nếu người ấy đến đây thì giặc có thể qui hàng.

Vua sai sứ giả đến bảo với trưởng giả:

– Trẫm có chút việc cần gặp trưởng giả.

Trưởng giả Cấp Cô Ðộc vâng lệnh đến tận doanh trại của vua. Nhưng giặc vẫn chưa chịu hàng phục, kéo dài thời gian ra.

Nhà vua hỏi trưởng giả:

– Khanh có nhớ nhà không?

Trưởng giả đáp:

– Hạ thần thật không có tâm lệ thuộc gia đình, chỉ có tâm niệm riêng muốn gặp chúng tăng.

Vua Thắng Quang ra lệnh quan trấn thủ:

– Ðến nơi thánh chúng, không được ra lệnh mà nên mời và dùng phương tiện đưa vị ấy đến, ta muốn gặp quí vị ấy.

Ðại thần trấn thủ nghe vua ra lệnh, tự nghĩ: “Nay ta phải làm thế nào, tuy không ra lệnh nhưng các Thánh giả đến gặp nhà vua”. Có vị lão thần bàn kế:

– Tôi có phương kế làm cho các vị thánh chúng tự đến chỗ vua đồn binh mà chúng ta không phải ra lệnh cho họ. Cách đây không xa có khu vườn của nhà vua nay đã hoang phế. Ta giả cách nói rằng sửa sang lại mương nước đi xuyên qua chùa, do phương tiện này họ phải tự đến.

Ðại thần trấn thủ đưa tùy tùng đến rừng Thệ đa. Họ đo đạt trong chùa để đào mương dẫn nước.

Các Bí-sô hỏi:

– Hiền thủ! Các ông làm gì vậy?

Ðáp:

– Thánh giả! Thiên tử ra lệnh cho chúng tôi sửa sang lại vườn cây trước đây của ngài, đem dòng nước từ rừng Thệ Ða thông sang bên ấy.

Bí-sô bảo:

– Chẳng lẽ các vị phá hoại tháp thờ tóc và móng tay của Phật hay sao?

Ðáp:

– Ðây là lệnh vua, chúng tôi biết làm thế nào đây?! Chúng tôi đâu có hai cái đầu thì ai có thể chống lại lệnh vua.

Ðại chúng bảo rằng:

– Mong quí vị tạm thời đình chỉ.

Ðáp:

– Vậy chúng ta hãy đến gặp vua để cùng bàn bạc.

Bí-sô hỏi:

– Quí ngài đến chỗ vua và trở về ngay trong ngày được không?

Ðáp:

– Không được! Cho đến bảy ngày cũng không thể trở lại được.

Các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Các Bí-sô nếu có duyên sự của đại chúng, nay Ta cho phép vị ấy được thủ trì trong bốn chục ngày đêm để đi.

Các Bí-sô không biết thủ trì như thế nào.

Thế Tôn bảo rằng:

– Trước trên phải trải tòa, sau đó đánh kiền chùy, đem sự việc muốn làm bạch cho đại chúng biết trước. Ðại chúng đã vân tập, có thể khuyến khích Bí-sô có lòng vui vẻ:

– Thầy có thể vì chúng tăng thủ trì 40 ngày đêm đi ra khỏi cương giới không? Vị này nếu đồng ý thì trả lời:

– Tôi làm được. Thứ đến một Bí-sô tác bạch, sau đó yết ma thủ trì rồi đi.

Bấy giờ cụ thọ Ô Ba Ly bạch Thế Tôn:

– Có thể được pháp thủ trì một ngày đêm đi ra khỏi cương giới không?

Phật dạy:

– Ðược.

Hỏi:

– Ðược phép thủ trì hai, ba, mười, hai mươi, ba mươi, bốn mươi ngày đêm đi ra khỏi cương giới không?

Phật dạy:

– Ðược phép.

Lại thưa:

– Ðược phép thủ trì hơn 40 ngày đêm đi ra khỏi cương giới không?

Phật dạy:

– Không được! Cần phải có hơn một nửa thời gian ở trong cương giới (tức trường hợp an cư 90 ngày được xuất giới 40 ngày trở lại — Người dịch)

Như Thế Tôn dạy: – Ðược phép thủ trì một ngày đêm, vậy đối trước ai xin phép?

Phật dạy:

– Ðối thủ trước một người xin phép, cho đến khi trong bảy ngày cũng đối thủ với một người xin phép. Nếu vượt qua thời gian này phải đối trước tăng già xin phép.

Như Thế Tôn dạy: – Da không phải tịnh vậy thịt có tịnh không?

Phật dạy:

– Da không phải tịnh, thịt không phải tịnh, cho đến gân cốt đều không phải tịnh.

Tụng thứ tư.

Ảnh thắng vương sàng thí
Vương mẫu vật nhập tăng
Ô tư hạc thứu điêu
Bí-sô bất ưng thực.

Tại nước Ma Yết Ðà, thành Vương Xá, vua Vị Sanh Oán con vua Bình Ðề Yết, do cực ác tri thức là Ðề Bà Ðạt Ða phá hoại, giết oan phụ hoàng là Thánh Vương Ảnh Thắng trị nước như pháp.

Bấy giờ vua Vị Sanh Oán sanh lòng hối hận thấy giường ngồi của vua cha, rơi lệ đầm đìa.

Ðại thần bảo rằng:

– Ngày trước tiên vương rất tín ngưỡng thánh chúng. Nên đem giường tòa này cúng cho tăng già. Vua liền sai sứ giả mang giường của vua cha cúng cho trú xứ tăng già.

Các Bí-sô nhận giường này bố trí ngay dưới cửa nhà. Một hôm, vua đến trú xứ này, thấy giường của vua cha để dưới cửa nhà, càng thêm buồn khóc.

Bấy giờ đại thần bạch rằng:

– Thánh giả! Bản ý của nhà vua không muốn thấy giường của phụ hoàng. Do đó nên đem cúng đến đây. Tại sao quí ngài để dưới cửa làm cho vua thấy càng thêm bi thương.

Các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Không nên đem ngọa cụ của vua đặt ngay dưới cửa.

Các Bí-sô lại đem giường đặt giữa hành lang, sự việc lại xảy ra như trước.

Phật dạy:

– Không nên để giường dưới hành lang.

Bí-sô đem giường này vào phòng. Những người không có lòng tin sinh lòng chê bai:

– Các Bí-sô đã bán giường của tiên vương để ăn uống.

Thế Tôn dạy:

– Vào ngày mồng tám hay ngày mười lăm hàng tháng nên đặt giường của vua dưới hành lang có mái che.

Những người không có tín tâm lại nói:

– Ðấy không phải là giường của vua. Giường của vua các Bí-sô đã bán để cùng nhau ăn uống.

Các Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:

– Ngay trên giường ghi rõ: Ðây là giường của vua Tần Tỳ Sa La cúng thí. Giường này đã giải quyết như vậy.

Vua Thắng Quang vì mẹ cúng vật (cho Tăng) cũng thuyết minh rõ như vậy.

Duyên xứ như trước. Một đêm nọ trời nổi mưa đá lớn làm cầm thú bị thương rất nhiều. Lúc ấy mọi người chạy đi trong đêm, họ mang những cầm thú ăn được về nhà.

Lục chúng Bí-sô tính ưa ăn thích ngủ. Sáng thức dậy họ xem xét bốn phía, nếu nhà ai có khói bốc lên, hoặc nơi đồng trống thấy chim bay từng bầy vần vũ liền tìm đến nơi ấy để liếm thức ăn.

Bấy giờ thấy kên kên từ trên không bay xuống, nhân đó họ bảo nhau cùng đến chỗ ấy để nhặt lấy những quạ, cuốc, cò cú, hạt, kên kên đã chết, xỏ xâu khiêng về.

Bà la môn cư sĩ thấy vậy hỏi rằng:

– A dá lợi da dùng vật này làm gì?

Ðáp:

– Tôi đem về để ăn.

Hỏi:

– Tại sao ăn những vật không nên ăn.

Ðáp:

– Những vật ăn được thì tìm không có, tại sao không ăn vật có sẵn này.

Bí-sô bị chê bai, đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

– Bí-sô không nên ăn các loài chim con cuốc, cò, trắng, hạt, kên kên người nào ăn bị tội vượt pháp.

CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THẾ HỮU BỘ
TỲ NẠI DA

MỤC ÐẮC CA

Hết quyển 6.