VI. PHÁP HỘI BẤT ĐỘNG NHƯ LAI THỨ SÁU
Hán Dịch: Nhà Đường, Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi
Việt Dịch: Việt Nam, Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh
2. PHẨM PHẬT SÁT TRANG NGHIÊM
Lúc bấy giờ Tôn giả Xá Lợi Phất bạch Ðức Phật: “Bạch Ðức Thế Tôn! Ðức Thế Tôn đã nói về Ðức Bất Ðộng Như Lai lúc hành Bồ Tát đạo có công đức rộng lớn rồi. Mong Ðức Thế Tôn lại nói rộng cõi nước công đức trang nghiêm thù thắng hiện tại của Ðức Bất Ðộng Như Lai để cho hàng hữu tình tu Bồ Tát thừa nghe công đức ấy sanh lòng kính mến muốn thấy Ðức Bất Ðộng Như Lai để lễ bái cúng dường, hàng hữu tình ở Thanh Văn thừa chứng bực vô học nghe cõi nước ấy công đức trang nghiêm cũng mong được chiêm lễ cúng dường phụng thờ”.
Ðức Phật phán: “Lành thay, lành thay, nầy Xá Lợi Phất! Nay ông có thể hỏi được nghĩa ấy, lắng nghe lắng nghe, khéo suy gẫm, ta sẽ nói cho”.
Ngài Xá Lợi Phất bạch: “Bạch Ðức Thế Tôn! Chúng con muốn xin được nghe”.
Ðức Phật phán: “Nầy Xá Lợi Phất! Lúc Ðức Bất Ðộng Như Lai chứng nhứt thiết chủng trí, phóng quang minh lớn chiếu khắp cả thế giới, đại địa chấn động sáu cách.
Trong thế giới ấy, chúng sanh biết Bất Ðộng Như Lai chứng Vô thượng giác, suốt bảy ngày đêm họ không có tưởng đến ăn uống, không có quan niệm đói khát, cũng không có quan niệm mõi mệt, yên nghỉ ngủ nghê, chỉ có an lạc vui mừng ưa thích điều lành. Lúc ấy, chúng sanh và chư Thiên dục giới ở nước Diệu Hỷ ấy không có dâm dục.
Tại sao vậy? Vì do bổn nguyện lực của Bất Ðộng Như Lai nên làm cho các chúng sanh nước ấy hiện đời nhiếp thọ những công đức ấy.
– Nầy Xá Lợi Phất! Lúc Ðức Bất Ðộng Như Lai chứng nhứt thiết chủng trí, bao nhiêu những chúng sanh ở nước Diệu Hỷ đều chí thành chấp tay hướng lên Ðức Bất Ðộng Như Lai. Vì khát ngưỡng Phật nên hiện đời họ có thể nhiếp thọ vô lượng công đức như vậy.
– Lại nầy Xá Lợi Phất! Quốc độ của Ðức Bất Ðộng Như Lai công đức trang nghiêm, vô lượng thế giới khác chẳng sánh kịp.
– Nầy Xá Lợi Phất! Do Ðức Bất Ðộng Như Lai lúc hành đạo Bồ Tát phát hoằng thệ nguyện quốc độ ấy thù thắng trang nghiêm, như hôm nay ta thành tựu bổn nguyện vậy.
– Nầy Xá Lợi Phất! Lúc Ðức Bất Ðộng Như Lai thành Vô thượng chánh giác, khoảng sát na hay giây lát tất cả chúng ở nước Diệu Hỷ hoặc có thiên nhãn hay không có thiên nhãn, họ đều được thấy Ðức Bất Ðộng Như Lai.
– Nầy Xá Lợi Phất! Ðó cũng là bổn nguyện của Ðức Như Lai ấy làm cho các loài hữu tình được công đức ấy.
– Lại nầy Xá Lợi Phất! Lúc Ðức Bất Ðộng Như Lai ngồi đạo tràng chứng Vô Thượng Bồ Ðề, Thiên ma Ba Tuần chẳng sanh lòng chướng ngại. Lại có vô số chư Thiên đem những hoa hương và kỹ nhạc trời đến cúng dường Ðức Như Lai, đều cầm bột mịn chiên đàn rải trên mình Ðức Phật. Hoa và hương ấy ở trên hư không hiệp thành lọng báu. Ðó đều là do bổn nguyện của Ðức Bất Ðộng Như Lai mà thành tựu như vậy.
– Lại nầy Xá Lợi Phất! Lúc Ðức Bất Ðộng Như Lai thành Vô Thượng Bồ Ðề, quang minh lớn chiếu khắp thế giới, ánh sáng của mặt trời, mặt trăng và của chư Thiên đều bị che lấp. Ðó cũng là do bổn nguyện của Ðức Như Lai ấy viên mãn nên nay hiện thoại tướng ấy “
Tôn giả Xá Lợi Phất bạch Ðức Phật: “Bạch Ðức Thế Tôn! Ðức Bất Ðộng Như Lai lúc hành đạo Bồ Tát thiệt có áo giáp tinh tiến rộng lớn có thể phát hoằng thệ nguyện như vậy. Do thuở xưa Ngài tu hạnh nguyện Bồ Tát nên làm cho vô lượng chúng sanh trồng những cội lành nơi Vô Thượng Bồ Ðề, lại đem căn lành hồi hướng Vô Thượng Bồ Ðề trang nghiêm quốc độ thanh tịnh. Ðúng như vậy, hồi hướng nguyện lực thảy đều viên mãn cả” .
Ðức Phật phán: “Lại nầy Xá Lợi Phất! Nước Diệu Hỷ ấy có cây Bồ Ðề do thất bửu làm thành cao một do tuần, thân cây chu vi nửa câu lô xá, nhánh lá che rợp một do tuần, dưới có nền thềm rộng bốn do tuần, Ðức Bất Ðộng Như Lai ngồi trên ấy chứng đạo Bồ Ðề.
Bốn phía cây Bồ Ðề ấy có những cây đa la và cây tô mạn na bày hàng khắp nơi. Gió thổi lay động nhánh lá phát ra tiếng hòa nhã, âm nhạc trong đời không sánh kịp.
– Lại nầy Xá Lợi Phất! Quốc độ của Ðức Phật ấy không có ba ác đạo là địa ngục, súc sanh và ngạ quỷ. Tất cả chúng sanh đều thánh tựu mười nghiệp lành. Ðất bằng như lòng bàn tay, màu hoàng kim, không có hầm hố gai góc ngói sạn. Ðất ấy mềm dịu như bông đâu la miên. Lúc đi đất ấy lún xuống, cất chân lên đất trở lại như cũ.
– Nầy Xá Lợi Phất! Nước ấy không có ba loại bịnh của phong nhiệt và đàm phát sanh ra.
– Nầy Xá Lợi Phất! Trong nước ấy tất cả hữu tình không có vọng ngữ. Thân không hôi dơ xấu xí. Với tham sân si thảy đều yếu mỏng.
Trong nước ấy không có lao tù giam nhốt chúng sanh, cũng không có hàng ngoại đạo dị học.
Trong nước ấy tất cả cây mọc lên thường có bông trái. Lại có cây lạ tên là kiếp ba sản xuất y phục tốt đủ năm màu bóng láng sáng chói, tỏa hương thơm, tất cả thời gian không hề biến đổi.
Như hoa trời rất thơm tho, y phục ấy có mùi thơm cũng vậy. Người mặc hay dùng y phục ấy, thân họ cũng có mùi thơm như vậy. Như ở cõi nầy, nhà giàu sang y phục dư nhiều, mặc dùng như ý.
– Nầy Xá Lợi Phất! Chúng sanh nước ấy cần dùng đồ ăn uống, thì đồ uống ăn theo tâm niệm hiện ra, không có đại tiểu tiện dơ uế, như ở trời Ðao Lợi!
– Nầy Xá Lợi Phất! Lâu đài cung điện ở nước ấy đều nghiêm sức bằng bảy báu, bốn phía có nhiều ao tắm đầy nước tám công đức thọ dụng theo tâm niệm của người. Lại có nhiều vườn tược đều xinh đẹp thanh tịnh.
Chúng sanh nước ấy phần đông lấy pháp lạc làm lẽ sống.
– Nầy Xá Lợi Phất! Người nước ấy không có tật đố. Tất cả nữ nhơn nước ấy siêu việt hơn nữ bửu của Chuyển Luân Thánh Vương, được công đức như chư Thiên, nếu so sánh thì chẳng bằng một phần trăm ngàn muôn ức phần, nhẫn đến ưu ba ni sa đà phần cũng chẳng bằng một.
– Nầy Xá Lợi Phất! Người nước ấy theo nghiệp báo của họ chiêu cảm những ghế giường đều bằng bảy báu đầy đủ sự trang nghiêm xinh đẹp, gối mềm nhuyễn như bông đâu la miên. Ðó là do nguyện lực thuở xưa của Ðức Bất Ðộng Như Lai mà thành tựu những sự nghiêm hảo như vậy.
– Nầy Xá Lợi Phất! Những thức ăn món uống của người nước ấy màu sắc hương vị đều như cõi trời.
– Lại nầy Xá Lợi Phất! Như ở Uất Ðơn Việt không có vua riêng, cũng vậy, nước Diệu Hỷ chỉ có Ðức Bất Ðộng Như Lai là đấng Pháp Vương .
Như trời Ðao Lợi phụng sự Ðế Thích, người nước Diệu Hỷ đều thờ Ðức Bất Ðộng Như Lai.
– Nầy Xá Lợi Phất! Ông phải biết nước Diệu Hỷ của Ðức Bất Ðộng Như Lai có công đức trang nghiêm.
– Nầy Xá Lợi Phất! Chúng sanh nước ấy, lòng họ không có phóng dật. Tại sao vậy? Cũng là do nguyện lực của Ðức Bất Ðộng Như Lai”.
Bấy giờ có một Tỳ Kheo nghe Ðức Phật khen ngợi công đức trang nghiêm của cõi nước Diệu Hỷ, ông sanh lòng tham trước mà bạch Phật rằng: “Bạch Ðức Thế Tôn! Nay tôi nguyện sanh về nước của Ðức Bất Ðộng Như Lai”.
Ðức Phật phán: “Ông ngu mê như vậy làm sao sanh về nước ấy được. Tại sao vậy? Chẳng phải do lòng ái luyến mà được sanh. Chỉ có trồng những gốc lành tu những phạm hạnh mới được sanh về nước ấy.
– Nầy Xá Lợi Phất! Ở nước Diệu Hỷ, tùy theo ý muốn của chúng sanh nước ấy có ao đầy nước tám công đức thanh tịnh liền hiện ra, uống rửa hay tắm đều vừa ý người. Người nào chẳng muốn thì liền chẳng thấy có ao nước.
– Nầy Xá Lợi Phất! Trong nước Diệu Hỷ ấy, gió thơm mát reo vui làm đẹp lòng người. Gió thơm ấy được chư Thiên làm những sự thơm chìu theo lòng người mà có thổi đến hay không thổi đến.
– Nầy Xá Lợi Phất! Ở nước Diệu Hỷ ấy, y phục và đồ trang sức của hàng nữ nhơn đều từ nơi cây sản xuất tùy ý người dùng.
Nữ nhơn nước ấy không có lỗi lầm của người nữ. Chẳng phải như những người nữ ở cõi nầy nhiều tật đố, lưỡng thiệt, ác khẩu.
Nữ nhơn ở nước Diệu Hỷ ấy lúc thai nghén đến khi sanh nở, mẹ con đều khỏe mạnh, cũng không có ô uế.
Tất cả công đức ấy đều do bổn nguyện lực của Ðức Bất Ðộng Như Lai làm thành vậy.
– Nầy Xá Lợi Phất! Trong nước Diệu Hỷ ấy có những sự an ổn khoái lạc như vậy.
– Nầy Xá Lợi Phất! Trong nước của Ðức Bất Ðộng Như Lai không có buôn bán đổi chác, cũng không làm ruộng trồng tỉa ruộng nương ; người nước ấy thường hưởng nhàn nhã vui sướng.
– Nầy Xá Lợi Phất! Trong nước Diệu Hỷ ấy, Lúc ca ngâm du hí không bao giờ có tương ưng với sự dâm dục mà chỉ hưởng pháp lạc thôi.
– Nầy Xá Lợi Phất! Trong nước Diệu Hỷ ấy, bao nhiêu cây đa la, cây tô mạn na đều bày hàng ngay thẳng đều đặn, gió nhẹ thổi động phát ra âm thanh hòa nhã. Âm nhạc của chư Thiên cũng chẳng bằng tiếng gió động cây reo ở nước ấy.
– Nầy Xá Lợi Phất! Nếu Bồ Tát nào muốn nhiếp thọ Phật quốc thì nên nhiếp thọ công đức như vậy và tịnh tu Phật quốc như đức
Bất Ðộng Như Lai lúc hành hạnh Bồ Tát nhiếp thọ cõi nước thanh tịnh trang nghiêm.
– Nầy Xá Lợi Phất! Trong nước Diệu Hỷ không có lúc nào chỗ nào tối tăm cả. Dầu có mặt trời mặt trăng mà không hiện ánh sáng. Tại sao vậy? Vì quang minh lớn của Ðức Bất Ðộng Như Lai thường chiếu khắp cả nước vậy.
– Nầy Xá Lợi Phất! ví như lâu đài cao lớn, đóng kín tất cả cửa nẻo rồi đặt ma ni bửu châu ở trong nhà. Người trong nhà cả ngày lẫn đêm thường thấy sáng rực.
Ở nước Diệu Hỷ, tất cả chúng sanh thấy quang minh rực rỡ của Ðức Bất Ðộng Như Lai cũng như vậy.
– Nầy Xá Lợi Phất! Lúc Ðức Bất Ðộng Như Lai bước đi, tự nhiên có hoa sen ngàn cánh đỡ chân, hoa sen ấy màu hoàng kim, thế gian không có gì tỷ dụ được. Ðó cũng là do nguyện lực thù thắng của Ðức Phật hiện thành”.
Tôn giả Xá Lợi Phất bạch Ðức Phật: “Bạch Ðức Thế Tôn! Lúc Ðức Bất Ðộng Như Lai vào trong nhà, kim sắc liên hoa có đỡ chân Ðức Phật ấy chăng?”.
Ðức Phật phán: “Nầy Xá Lợi Phất! Sự ấy rất cạn dễ đâu cần phải thưa hỏi.
– Nầy Xá Lợi Phất! Ðức Bất Ðộng Như Lai lúc đi vào xóm làng nhà cửa, hoa sen ngàn cánh liền hiện lên đỡ chân. Nếu có thiện nam hay thiện nữ nghĩ rằng: “Nếu Ðức Như Lai quang lâm đến nhà nầy, những hoa sen đỡ chân Ðức Như Lai nên tụ lại tại một chỗ. Hoa sen liền theo tâm niệm họ mà tụ lại.
Nếu lại có người muốn hoa sen trụ ở hư không thì hoa theo ý họ mà trụ ở hư không.
Ðó là do sức oai thần của Bất Ðộng Như Lai vậy.
– Nầy Xá Lợi Phất! Hoa sen dưới chân Ðức Phật ấy ban cho mọi người để xây tháp cúng dường.
– Nầy Xá Lợi Phất! Vì diễn thuyết chánh pháp, Ðức Bất Ðộng Như Lai đi khắp nước Diệu Hỷ, đi tới đâu cũng đều có hoa sen kim sắc ngàn cánh hiện lên đỡ chưn.
Lúc Ðức Bất Ðộng Như Lai hiện đến giáo hóa ở cõi nước khác, hoa sen kim sắc ngàn cánh cũng hiện ở cõi nước ấy.
Do oai thần của Ðức Phật ấy, khắp cõi nước Diệu Hỷ đều dùng kim sắc liên hoa ngàn cánh trang nghiêm nước ấy.
TẬP 1 – I. Pháp Hội Tam Tụ Luật Nghi Thứ Nhất TẬP 2 – VI. Pháp Hội Bất Động Như Lai Thứ Sáu 1. Phẩm Thọ Ký Trang Nghiêm TẬP 3 – XII. Pháp Hội Bồ Tát Tạng Thứ Mười Hai 1. Phẩm Khai Hóa Trưởng Giả TẬP 4 – XIII. Pháp Hội Phật Thuyết Nhân Xử Thái Thứ Mười Ba TẬP 5 – XVII. Pháp Hội Phú Lâu Na Thứ Mười Bảy 1. Phẩm Bồ Tát Hạnh TẬP 6 – XXVI. Pháp Hội Thiện Tý Bồ Tát TẬP 7 – XLI. Pháp Hội Di Lặc Bồ Tát Vấn Bát Pháp TẬP 8 – LII. Pháp Hội Bửu Nữ TẬP 9 – LVII. Pháp Hội Bất Khả Thuyết Bồ Tát