Cô bé Puṇṇā & nàng Sujātā
(Cúng dường vi diệu)
Siddhattha Gotama sau sáu năm đại khổ hạnh, chỉ còn là bộ xương khô, đã gần bên cái chết, một ý nghĩ khởi sanh nơi chàng: “Sự khổ hạnh, ta cũng đã khổ hạnh tận cùng. Ta cũng đã vắt kiệt nước dục lạc ngũ trần ở nơi ta để cho cái thân không còn một chút cảm giác nào – thế nhưng nội tâm ta cũng không an ổn. Trong quá khứ, hiện tại hay vị lai – các sa-môn, bà-la-môn nếu có hành khổ hạnh, chịu mọi sự đau đớn, quằn quại, khốc liệt, kinh khủng – thì có lẽ cũng không hơn ta được. Ta đã cảm nghiệm sự tương quan giữa thân và tâm; nó là cái gì không thể tách rời. Hành hạ xác thân, như vậy cũng có nghĩa là hành hạ tâm trí. Khổ hạnh, theo sự thấy biết lẫn sự chiêm nghiệm sâu sắc của ta là một pháp môn sai lầm”.
Như đọc được ý nghĩ của Siddhattha, trời Sakka muốn củng cố nhận thức đúng đắn cho chàng, nên như viên lực sĩ co duỗi cánh tay, đã hiện xuống khu rừng Uruvelā trong dáng dấp một gã chăn bò lang thang ôm cây đàn ba dây.
Chàng nhạc sĩ lang thang như vô tình ngồi nơi tảng đá dưới gốc cây, bắt đầu thử dây đàn. Sợi thứ nhất, quá “chùng” nên âm thanh “bùng bình… bùng bình” không ra gì cả. Chàng nhạc sĩ mỉm cười, qua sợi dây thứ hai, hắn vặn “căng” lên, căng mãi nên sợi dây đứt phụp! Đến sợi dây thứ ba, hắn cẩn thận, từ từ, căng ra nhưng căng từ từ, đến độ chừng mực, vừa phải… rồi hắn gảy một khúc nhạc. Ôi, âm thanh như từng hạt bảo châu thanh trong va động giữa không gian; sau đó, lại du dương, trầm bổng, thánh thót như giọng chim hòa tấu.. như cung đàn muôn điệu của mùa xuân. Thế rồi, gã nhạc sĩ lang thang rời tảng đá, vừa đi vừa gảy vừa hát. Ôi, tiếng đàn, khúc nhạc, lời ca… như quyện lẫn, chan hòa, vui tươi, hoan hỷ… chảy tràn ra, len thấm vào mây trời, len thấm vào từng đầu cây, cọng cỏ… xa dần rồi biến mất.
Siddhattha ngồi lặng. Nắng loãng nhẹ và mỏng, hiu hiu, mơn man, vuốt nhẹ lên làn da khô gầy, đen đỉu. Một cảm giác dễ chịu, an bình đi sâu vào tâm hồn. “Chùng quá thì không gảy được. Căng quá thì đứt. Khi nào sợi dây đàn căng đúng độ, chừng mực… thì âm thanh mới tuyệt hảo”.
Siddhattha lại nhớ rằng, thuở ấu thơ, lúc đi dự lễ hạ điền với vương phụ, chỉ cần ngồi hít thở thanh thản là đi được vào định sơ thiền. Trong tháng năm thực tập thiền bốn nấc của đạo sư Ālāra, đôi khi chàng trú thâm sâu vào hỷ lạc. Do thân an vui, tươi mát nên tâm cũng được an vui, tươi mát. Như vậy là có một loại thực phẩm, đó là hỷ lạc, nó nuôi dưỡng tâm nên thân cũng được khỏe khoắn, nhẹ nhàng, dễ chịu.
Và kể từ khi đi lên các tầng thiền vô sắc là ta đã từ bỏ hỷ lạc, chỉ còn cảm giác xả quân bình, và sống trong thế giới của không, của thức, của tưởng vi tế.
Rồi chàng nghĩ tiếp: “Đời sống, cái được gọi là đời sống là cái gì nhỉ? Nếu được gọi là đời sống thì phải là toàn bộ thực tại, toàn bộ thân và tâm, nghĩa là toàn bộ thân sắc, cảm giác, tri giác, ý chí và nhận thức. Vậy tại sao ta muốn từ bỏ cái này, tìm kiếm cái kia? Tại sao ta đã có thời gian muốn từ bỏ cảm giác – chỉ sống với cái “tưởng” mà thôi? Còn khổ hạnh là gì? Triệt tiêu thân xác chăng? Ta muốn diệt cái thân xác chăng? Và dẫu ta đã tận trừ cảm giác và thân xác cho đến hồi gần như chết thì ta có được gì? Dây đàn căng thì nó sẽ đứt”.
Như tìm ra đáp số. Chàng chậm rãi đứng dậy, dịu dàng đưa mắt nhìn quanh. Hít một hơi thở đầy, chàng chợt nghe hương rừng thơm ngát. Nhiều sắc hoa nở đẹp mà từ lâu chàng đã không thấy. Một chú sóc vàng chợt xù đuôi trong hốc cây, thò lỏ mắt nhìn chàng. Siddhattha cúi xuống nhìn mình: Thật là không còn nhân dạng gì. Tấm áo vỏ cây, lá cây… đều rách nát tả tơi. Chỉ còn bộ xương khô lủng lẳng đeo dính các đốt xương lại với nhau. Nước da vàng ròng mỹ diệu với sắc tướng phi phàm, bây giờ rõ là bóng ma một con quỷ đói. “Ta phải tìm một tấm vải bó tử thi nào còn lành lặn, xuống sông tắm rửa sạch sẽ rồi ta sẽ bắt đầu đời sống tu tập theo lời mách bảo của gã nhạc sĩ lang thang, nghĩa là không “chùng”quá mà cũng không “căng” quá!”
Kiếm một cây gậy, chàng chống từ từ và chậm rãi lê từng bước qua bên kia nghĩa địa. Đi năm bảy bước, chàng phải dừng lại để thở. Riết rồi cũng đến nơi. Tìm là có. Ồ, một tấm vải màu vàng đất bó gọn một tử thi chẳng rõ nam hay nữ quăng bỏ đây đã lâu. Chàng nói nhỏ: “Hãy cho ta tấm vải mà ngươi đã không còn sử dụng nữa. Ít hôm nữa thôi là thân xác ngươi cũng trả về cho tứ đại”. Chàng rút tấm vải, phải dùng sức mạnh, thở gấp mới lấy tấm vải ra được. Tấm vải dính máu, dính mủ đã khô.
Siddhattha lần đến bờ sông, dựa bên mép sông có mấy tảng đá, chàng giặt sạch tấm y, phơi trên đá, sau đó tắm rửa, kì cọ rất lâu. Dừng lại, thở một hồi rồi chà xát cho kỳ hết bụi đất, cáu ghét, lớp da chết trên người. Sau đó, do mệt quá, Siddhattha nằm ngủ một giấc vô tư, vô lự. Khi tỉnh dậy, chàng nghe tinh thần sảng khoái, lấy tấm y vàng đất đã khô ráo, quàng vào người rồi cất bước lên hướng rừng. Do sức lực dường như đã sử dụng hết năng lượng cuối cùng, chàng nằm gục trên đám cỏ. Nằm bất tỉnh như thế không biết bao lâu – thì có một bé gái, theo lệ thường mang sữa đề-hồ, bánh, hoa trái đến cúng cho thần linh tại gốc cây gần đó. Trông thấy một vị sa-môn gầy khô, nằm thoi thóp thở, cô bé biết nhà tu khổ hạnh này do đói đã quá lâu ngày nên kiệt lực. Động mối từ tâm, cô bé đã tự ý quỳ xuống bên cạnh, lấy ngọn lá làm thìa, đổ chút ít sữa vào miệng. Khi những giọt sữa đầu tiên đi từ môi, chàng nhắp nhắp, qua lưỡi, thấm xuống cổ họng rồi đi vào dạ dày; cảm giác dễ chịu từ từ lan thấm cả châu thân. Cô bé mỉm cười, trao nguyên hũ sữa có nắp đậy cho chàng. Chỉ lát sau là chàng uống hết hũ sữa, người tỉnh táo trở lại.
Chàng nói:
– Cảm ơn cháu gái. Cháu ở đâu? Đến đây có việc gì, mà cho ta một bát sữa kỳ diệu đến thế?
Cô bé mỉm cười, rạng rỡ niềm vui:
– Cháu ở trong làng. Chủ của cháu, một bà chủ tốt bụng thường sai bảo cháu đến gốc cây gần bờ sông để cúng sữa, bánh trái cho vị thần linh.
Siddhattha mỉm cười:
– Rồi cháu thấy ta sắp chết nên đã tự ý dâng hũ sữa cho ta, vậy không sợ bà chủ rầy la sao?
– Không! Cô bé mở tròn mắt đen láy – Bà chủ cháu tốt bụng lắm. Bà chủ không rầy la đâu, mà còn khen ngợi nữa. Bà chủ thường dạy: Giúp một người đói khổ, cứu một người sắp chết là sẽ được phước đức nhiều lắm.
– Ồ, tốt lắm! Giỏi lắm! Cháu tên gì thế?
– Dạ, cháu tên Puṇṇā. Bà chủ của cháu là Sujātā, con gái của ông triệu phú Senānī, ở tại làng Sena cũng gần đây thôi.
Thế rồi, tất cả đề-hồ, bánh trái còn lại, cô bé dâng hết cho Siddhattha Gotama; và nhờ thế mà chàng khôi phục sức khỏe rất nhanh.
Ngày hôm sau, Siddhattha Gotama từ bỏ hang động, xuống sống ở cội cây có tàn xanh bóng mát cạnh bờ sông. Chàng đã quyết định từ bỏ khổ hạnh, sẽ đi theo lộ trình trung đạo… Đêm đó, Siddhattha Gotama trải qua một giấc ngủ ngon, sáng ngày chàng thấy sinh lực dồi dào chảy tràn trong cơ thể.
Nắng sớm vàng trong, gió nhẹ lay động cành lá. Với tinh thần phơi phới, chàng đi kinh hành lui tới ven sông. Xế trưa, cô bé Puṇṇā lại tìm tới với sữa, đề hồ và bánh trái.
– Cháu lại đến cúng thần linh nữa à?
– Dạ vâng! Rồi cô bé kể – Bà cháu lúc còn là con gái, thấy cội cây Assattha to lớn, uy nghiêm này, nghĩ chắc là có thần linh nên thường đến đây cầu nguyện: “Xin cho tôi có được một tấm chồng cùng dòng dõi huyết thống, vừa giàu sang vừa đẹp tính, đẹp người; sau đó cho tôi sinh được một bé trai khôi ngô, kháu khỉnh, dễ dạy, dễ bảo. Tôi sẽ lễ tạ thần linh bằng cơm, sữa, bánh trái trọng hậu nhất”. Thế rồi, nguyện ước xưa giờ đã thành tựu.
Siddhatha Gotama ngồi xuống cho vừa tầm bé gái, mỉm cười. Cô bé Puṇṇā đều đều tiếp:
– Cái cội cây Assattha có thần linh này đã cho bà chủ cháu một tấm chồng như ý, lại còn ban thêm một bé trai đẹp đẽ như con trời. Ngày rằm tháng Vesākha này, bà chủ cháu sẽ đến đây tạ lễ chính. Còn trước ba ngày, cháu đến đây để cúng những lễ phụ.
– À ra là vậy.
– Ngài sa-môn biết không! Để chuẩn bị cho vật thực cúng dường đầy trân trọng và đầy thành kính vào ngày trăng tròn này, bà cháu đã vô cùng công phu…
– Ừ cháu kể, ta nghe!
– Bà chủ cháu giàu lắm. Ông chủ cháu lại rất tốt bụng. Ông cười hiền lành khi thấy bà chủ chuẩn bị sữa để cúng tạ thần linh. Bà nuôi mấy chục con bò sữa cao lớn, sung sức nhất; lấy sữa của mấy chục con bò này để nuôi tám con bò sữa mập ú; lấy sữa của tám con bò sữa mập ú này chỉ để nuôi hai con bò sữa đang tơ. Và sữa của hai con bò này chỉ dành riêng để cúng thần. Sữa hôm qua sa-môn dùng là sữa tuyệt vời kia đấy!
Nghe đến đây, Siddhattha Gotama không còn ngạc nhiên nữa. Sữa hôm qua đúng là dược phẩm, là thuốc bổ hồi sinh thật sự. Siddhatha Gotama cười nói:
– Nó không những là thuốc bổ, nó còn là thần dược.
– Đúng vậy! Cô bé gật – Bà chủ cháu còn hòa vào trong biết bao nhiêu là thuốc quý đấy!
Bé Puṇṇā lại nói tiếp:
– Đúng ngày lễ chính, bà chủ cháu sẽ lấy sữa kia làm nước để nấu một mâm cơm đặc biệt; và ngay chính hạt gạo để nấu cơm cũng không phải là gạo thường… Triệu phú mới có đấy!
Bé Puṇṇā cười vô tư lự. Nó thấy mình kính mến ông sa-môn hiền từ này. Sớm hôm ấy, bé Puṇṇā đã bẻ cây làm chổi, quét dọn sạch sẽ từ trong ra ngoài, sạch từ kẽ đá, từng hang hốc rễ cây cho đến tận bờ sông…
Thế rồi, qua mấy ngày được tẩm bổ, Siddhattha Gotama đã có da, có thịt trở lại; ba mươi hai quý tướng và tám mươi vẻ đẹp lần lần hiện ra.
Trong lúc ấy, năm người bạn đồng tu lặng lẽ bỏ đi mất. Họ rất thất vọng khi thấy Siddhattha Gotama thọ thực đầy đủ, lại còn trò chuyện vui vẻ với một cô bé gái.
– Ông ta đã từ bỏ con đường tối thượng rồi! Koṇḍañña buồn bã nói với các bạn – Chúng ta không còn trông cậy, tin tưởng gì nơi ông ta được nữa. Siddhattha Gotama của chúng ta đã trở về với đời sống lợi dưỡng, tẩm bổ xác thân một cách dung tục. Chúng ta đi thôi!
Nhận thấy sự hiểu lầm của họ, nhưng Siddhattha Gotama chưa vội đính chính. Trong những ngày này, chàng đang có cuộc chuyển hóa quan trọng về nhận thức, đã có cái gì đó đang xảy ra trong nội tâm. Siddhattha Gotama đang dần dần hình thành lộ trình tu tập rất mới mẻ. Chàng từ bỏ khổ hạnh, nghĩa là từ bỏ con đường truyền thống. Và chàng sẽ nương tựa các nấc thiền hữu sắc, ở đó có pháp lạc, thanh tịnh, thuần thục và nhu nhuyến của tâm. Nương tựa vào chúng để bắt đầu nhìn ngắm diễn tiến, vận hành của sự sống. Và sự sống là gì? Sự sống là cái đang diễn ra, tương quan giữa toàn bộ con người mình, thân tâm này cùng với ngoại giới. Đau khổ, phiền não, sầu muộn, tham sân gì gì cũng phát sanh từ đấy, thì sự tu tập của ta cũng phải được ngắm nhìn từ đấy!
Đêm mười bốn tháng tư Âm lịch (Vesākha), dưới cội cây Assattha hùng vĩ, Siddhattha an trú các định hữu sắc, nuôi dưỡng phỉ lạc, khuya, canh hai, chàng nằm nghỉ. Khoảng giữa canh ba, chàng nằm mộng…
Siddhattha Gotama thấy mình nằm trên mặt đất, đầu gối đỉnh núi Himalaya, tay trái đặt vắt qua phía Đông đại dương, tay phải đặt vắt qua phía Tây đại dương, hai chân duỗi thẳng, gác qua châu Diêm-phù-đề, thòng xuống phía Nam đại dương.
Siddhattha Gotama thấy có một cây cỏ, tên gọi tiriyā mọc từ lỗ rún và lớn lên. Nó to dần, cao dần lên một gang, một cùi, một sải… một do-tuần đến trăm do-tuần… rồi đứng chật cả hư không, tỏa tám cành ra tám hướng… xanh um, mát mẻ.
Siddhattha Gotama thấy một đám dòi đầu đen, mình trắng, lũ lượt bò từ đầu đến chân, đến đầu gối rồi bao phủ đầy đặc cả ống chân.
Siddhattha Gotama thấy bốn loài chim có bốn màu xanh, đỏ, vàng, đen từ bốn hướng cùng bay đậu nơi chân mình; bỗng nhiên, chúng hóa thành màu trắng hết.
Siddhattha Gotama thấy mình đi qua đi lại, đi lên đi xuống trên đống phẩn cao to như ngọn núi; nhưng hai chân không hề dính một chút dơ bẩn, không lây một chút xú uế nào cả.
Lúc sao mai vừa mọc, Siddhattha Gotama tỉnh dậy, giấc mộng đang còn mới mẻ, chàng tự đoán ngay rằng:
– Điềm triệu thứ nhất: Ta sẽ thành bậc Chánh Đẳng
Giác, trở thành vị Phật trên quả đất này.
Điềm triệu thứ hai: Có một giáo pháp “trung đạo” (vì cây mọc chính giữa lỗ rún), có tám nhánh – để giáo hóa chư thiên và nhân loại (Bát chánh đạo).
Điềm triệu thứ ba: Hội chúng cư sĩ (tóc đen mặc áo trắng) sẽ đến quy y, nương nhờ dưới chân ta, để tu tập.
Điềm triệu thứ tư: Những người có đức tin, đủ thành phần trong bốn giai cấp sẽ đến xuất gia tu tập; rồi cả bốn giai cấp đều được hòa tan, tẩy sạch trong biển pháp (màu trắng), chấm dứt kỳ thị.
Điềm triệu thứ năm: Nhiều người đến bố thí, cúng dường; nhưng khi thọ dụng bốn món vật dụng, ta sẽ không say mê, không dính mắc nó.
Sau khi giải minh năm điềm triệu, Siddhattha Gotama thấy lòng hân hoan, phỉ lạc. Vệ sinh cá nhân xong, chàng đi kinh hành một lát rồi xuống sông tắm.
Dòng nước ban mai mát lạnh, Siddhattha Gotama tiếp nhận từ làn da, từ lỗ chân lông cảm giác dễ chịu ấy. Tai chàng nghe được cả âm thanh lao xao của từng làn sóng nước… Mũi chàng ngửi được cả mùi hương của rong rêu, của cả thiên nhiên hoang sơ… Ngũ quan và nhận thức đã trở nên tinh tế. Không thể rời bỏ thế giới hiện tượng, sự sống mà phải lắng nghe, cảm nhận hiện tượng, sự sống một cách trọn vẹn, sâu sắc… Từ cơ sở ấy, cảm giác, tri giác, tâm hành, nhận thức cũng phải được lắng nghe một cách chân thực. Như dòng sông này, các giọt nước kế tục trôi chảy như thế nào thì cảm giác, tri giác, tâm hành và nhận thức của ta cũng trôi chảy như thế…
Lúc ngồi thiền dưới gốc cây, Siddhattha Gotama duy trì, tăng cường sự chú tâm và tỉnh giác để lắng nghe toàn thể thân, tâm cùng các đối tượng của chúng. Tất cả đều trôi chảy, tụ rồi tan, đến rồi đi liên tục, không gián cách. Không một cảm thọ, tri giác, tâm hành, nhận thức nào có thực tính, ngã tính… Cái mà Vệ-đà bảo là tiểu ngã (atman, atta), là linh hồn thường tại đồng một thể với đại ngã vũ trụ(Mahātman) chợt rã tan như bong bóng nước… Tất cả chúng đều là vô ngã (anatta)… Sự thấy rõ bằng thực chứng, bằng quán chiếu tự thân này cho Siddhattha Gotama một phỉ lạc chưa từng thấy…
Khi nàng Sujātā và cô bé Puṇṇā mang lễ vật đến gốc cây cúng thần linh thì họ thấy một vị thần hào quang sáng rực đang tĩnh tại tọa thiền. Ngay cả cô bé Puṇṇā cũng cảm nhận khác lạ. Đây đúng là vị sa-môn gầy khô sắp chết đói mấy bữa trước – nhưng dường như đã hóa sanh thành một con người khác. Đúng là có thần linh rồi! Đúng là thần linh mới có dung sắc và hào quang như vậy.
Nàng Sujātā sai Puṇṇā sắp đặt lễ phẩm trên chiếc mâm vàng gồm cơm sữa và bánh trái khác, quỳ xuống, đội lên đầu rồi thành kính nói:
– Thưa ngài, thưa vị thọ thần uy linh! Con là Sujātā, ngài đã theo lời ước nguyện của con, ban cho con một tấm chồng đẹp đẽ, giàu sang và tốt bụng; lại còn ban cho con một bé trai có tướng mạo, dung sắc như một tiểu thiên thần. Vậy là con đã hoàn toàn mãn nguyện. Hôm nay, con đến đây để tạ lễ, mong ngài chứng giám cho lòng thành của con…
Siddhattha Gotama xả thiền, mỉm cười nói:
– Ta chỉ là một sa-môn đang tầm đạo thôi, có phải là thần linh gì đâu, cô bé Puṇṇā biết kìa!
Cô bé Puṇṇā vẫn đang quỳ mọp bên chủ, bây giờ mới ngước đầu lên:
– Không, hôm nay ngài sa-môn đúng là thần linh. Bà chủ con và con đều thấy rõ như vậy.
Riêng nàng Sujātā thì vô cùng tri ân và xúc động, tự nghĩ: “Thần linh đã cảm ứng cho lòng thành của ta nên đã hóa thân nơi vị sa-môn thân tướng cao sang, quý phái này.”
Siddhattha Gotama tự nghĩ: “Tất cả đều có nhân và duyên. Ta hãy thọ nhận vì lợi ích cho nàng và cũng lợi ích cho cuộc chuyển hóa vĩ đại đang ở nơi ta”. Khi nàng Sujātā và cô bé Puṇṇā dâng nguyên cả mâm bằng vàng (1) cho trọn lễ ra về rồi, Siddhattha Gotama đứng trầm tư, quán tưởng giây lát… rồi chậm rãi từng bước một, ra bờ sông. Lựa một đám cỏ sạch, Siddhattha ngồi xếp bằng, vo tròn cơm sữa thành bốn mươi chín vắt to bằng trái thốt nốt. Chánh niệm, tỉnh giác, Siddhattha chú nguyện rồi độ thực hết bốn mươi chín vắt cơm ấy(2). Cầm mâm vàng, đứng lên, Siddhattha phát nguyện rằng:
“Nếu dưới cội cây Assattha kia mà ta đắc thành quả vị Chánh Đẳng Giác thì xin mâm vàng này trôi ngược dòng sông. Bằng không thể đắc quả Phật thì mâm vàng này sẽ trôi xuôi”.
(1) Có tư liệu nói là vào năm 1972 có một phái đoàn khảo cổ đã đào bới ngôi nhà cũ của nàng Sujātā, phát hiện rất nhiều mâm vàng, bạc, chén vàng, chén bạc…
(2) Đây là 49 vắt cơm ngài chỉ thọ dụng một lần; rồi sau đó, 49 ngày sau khi thành Đạo, ngài không ăn gì nữa; chứ không phải ngài tu tập trong 49 ngày như nhiều kinh sách đã hiểu lầm! (Xem J.i.68f.; DhA.i.71,etc.)
Nguyện xong, Siddhattha Gotama thảy mâm vàng ra giữa sông. Lạ lùng thay, chiếc mâm vàng như tấm thia lia băng băng trôi ngược nguồn, lên phía thượng lưu, khoảng chừng tám mươi hắc tay thì chìm xuống.
Ngay lúc ấy, trên thế gian thì không có chuyện gì, nhưng dưới thủy cung có chuyện lạ. Nguyên dưới cung điện của Long vương đã có ba chiếc mâm vàng của ba vị Phật quá khứ, đó là đức Phật Kakusandha, đức Phật Koṇāgamana, đức Phật Kassapa. Khi chiếc mâm vàng của Siddhattha Gotama chìm xuống, trôi về thủy cung, đụng phải ba chiếc mâm vàng trước, tiếng ngân vang lên. Long vương Kāḷānaga lúc ấy đang ngủ, nghe âm thanh của mâm vàng chạm nhau, thức dậy, mỉm cười nói rằng: “Chà! mới hôm qua một vị Phật xuất hiện, hôm nay lại một vị Phật khác nữa ra đời!”
Siddhattha Gotama biết nguyện mình sẽ đạt, lòng hân hoan, thư thái; và còn biết rõ rằng: Sự chuyển hóa của mình, cái nhìn mới mẻ của mình về sự tu tập là chính xác, đúng đắn! Bước về cội cây Assattha, Siddhattha Gotama rất tự tin khi thấy mình đã chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc hạ thủ công phu mà không còn sợ phải lầm lạc nữa.
Và có ai ngờ rằng, bát sữa kỳ diệu và những vắt cơm đề hồ thượng phẩm của cô bé Puṇṇā và nàng Sujātā đã làm nên một kỳ tích muôn triệu năm mới có một lần: Đấy là những giọt máu tiếp năng lực, thêm nhiên liệu để cho một đức Chánh Đẳng Giác và giáo pháp thoát khổ ra đời, cứu độ cho vô lượng nhân thiên, còn rực rỡ huy hoàng và sáng chói chiếu diệu đến tận ngày hôm nay!