Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh

Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh

Trương Văn Chiến 40

4. PHẨM BỒ TÁT
Bấy giờ Phật bảo Bồ Tát Di Lặc đến thăm bệnh. Bồ Tát Di Lặc bạch Phật rằng:

– Thế Tôn! Con không xứng đáng đến thăm bệnh Duy Ma Cật. Tại sao? Nhớ lại khi xưa, con vì Ðâu Suất Thiên Vương và quyến thuộc họ, thuyết về hạnh của bậc Bất Thối Chuyển. Lúc ấy Duy Ma Cật đến bảo con rằng:

“Này Di Lặc! Thế Tôn thọ ký cho ông một đời sẽ được quả Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Vậy thì vào đời nào mà ông được thọ ký? Ðời quá khứ hay đời vị lai? Hay đời hiện tại? Nếu là đời quá khứ thì quá khứ đã diệt, nếu là đời vị lai thì vị lai chưa đến, còn nếu nói hiện tại thì hiện tại vốn chẳng trụ.”

“Theo như lời Phật nói: Này Tỳ kheo! Nay ngươi tức thì cũng sanh, cũng già, cũng diệt. Nếu ở nơi vô sanh được thọ ký thì vô sanh là chánh vị, nơi chánh vị cũng chẳng thọ ký, cũng chẳng đắc Vô Thượng Bồ Ðề. Tại sao nói Di Lặc thọ nhất sanh ký? (trong một đời được kế ngôi vị Phật.) Là ở nơi sanh được thọ ký hay ở nơi diệt được thọ ký? Nếu ở nơi sanh được thọ ký thì chẳng có sanh, nếu ở nơi diệt được thọ ký thì chẳng có diệt, vì tất cả chúng sanh đều là Như, tất cả pháp cũng là Như, chúng thánh hiền cũng là Như, cho đến Di Lặc cũng là Như. Nếu Di Lặc được thọ ký thì tất cả chúng sanh cũng phải được thọ ký. Tại sao? Nói Như là như bản thể tự tánh, chẳng hai cũng chẳng khác. Nếu Di Lặc đắc Vô Thượng Bồ Ðề thì tất cả chúng sanh cũng đều phải đắc. Tại sao? Vì tất cả chúng sanh tức là tướng Bồ Ðề. Nếu Di Lặc được diệt độ thì tất cả chúng sanh cũng phải được diệt độ. Tại sao? Chư Phật chứng biết tất cả chúng sanh tánh vốn tịch diệt, tức là tướng Niết Bàn, chẳng cần diệt nữa. Cho nên Di Lặc! Chớ dùng pháp này để dụ các thiên tử, thật ra chẳng có kẻ phát tâm Vô Thượng Bồ Ðề, cũng chẳng có kẻ thối lui.”

“Di Lặc! Nên khiến các thiên tử xả bỏ kiến chấp phân biệt Bồ Ðề. Tại sao? Bồ Ðề chẳng thể dùng thân đắc, chẳng thể dùng tâm đắc. Kỳ thật, tịch diệt tức là Bồ Ðề, vì các tướng tịch diệt. Chẳng khởi quán tức là Bồ Ðề, vì lìa các duyên. Chẳng sở hành tức là Bồ Ðề, vì chẳng có sự ghi nhớ. Ðoạn dứt tri kiến tức là Bồ Ðề, vì xả bỏ các kiến chấp. Lìa tâm ý tức là Bồ Ðề, vì lìa các vọng tưởng. Chướng duyên tức là Bồ Ðề, vì chướng các nguyện mong cầu. Chẳng nhập tức là Bồ Ðề, vì chẳng nhập tham dục. Tùy thuận tức là Bồ Ðề, vì tùy thuận nơi Như (như bản thể tự tánh). An trụ tức là Bồ Ðề, vì an trụ nơi pháp tánh. Ðến nơi tức là Bồ Ðề, vì đến nơi thật tế. Bất nhị tức là Bồ Ðề, vì lìa ý thức phân biệt. Bình đẳng tức là Bồ Ðề, vì bình đẳng như hư không. Vô vi tức là Bồ Ðề, vì pháp vốn chẳng sanh trụ diệt. Liễu tri tức là Bồ Ðề, vì liễu tri tâm hạnh của chúng sanh. Chẳng hội tức là Bồ Ðề, vì lục nhập chẳng hội. Chẳng hợp tức là Bồ Ðề, vì lìa tập khí phiền não. Chẳng xứ sở tức là Bồ Ðề, vì chẳng hình sắc. Giả danh tức là Bồ Ðề, vì danh tự tánh không. Huyễn hóa tức là Bồ Ðề, vì chẳng có thủ xả. Tâm chẳng loạn tức là Bồ Ðề, vì vốn tự vắng lặng. Tịch diệt tức là Bồ Ðề, vì tánh vốn trong sạch. Chẳng chấp lấy tức là Bồ Ðề, vì lìa phan duyên. Chẳng khác biệt tức là Bồ Ðề, vì các pháp bình đẳng. Chẳng so sánh tức là Bồ Ðề, vì chẳng thể thí dụ. Vi diệu tức là Bồ Ðề, vì các pháp khó biết.

Bạch Thế Tôn! Khi Duy Ma Cật thuyết pháp này, hai trăm thiên tử đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, nên con không xứng đáng đến thăm bệnh.

Phật bảo Quang Nghiêm Ðồng Tử đến thăm bệnh. Quang Nghiêm Ðồng Tử bạch Phật rằng:

– Thế Tôn! Con không xứng đáng đến thăm bệnh Duy Ma Cật. Tại sao? Nhớ lại khi xưa, con đi ra thành Tỳ Da Ly. Lúc ấy Ngài đang đi vào thành, con liền chào hỏi rằng:

“Cư sĩ từ đâu đến đây?

Ngài đáp:

“Tôi từ đạo tràng đến.”

Con hỏi:

“Ðạo tràng là chỗ nào?”

Ngài đáp:
“Trực tâm là đạo tràng vì chẳng hư giả. Khởi hạnh là đạo tràng vì hay làm việc. Thâm tâm là đạo tràng vì tăng trưởng công đức. Bồ Ðề tâm là đạo tràng vì chẳng sai lầm. Bố thí là đạo tràng vì chẳng mong quả báo. Trì giới là đạo tràng vì được mãn nguyện. Nhẫn nhục là đạo tràng vì đối với chúng sanh tâm chẳng chướng ngại. Tinh tấn là đạo tràng vì chẳng giãi đãi. Thiền định là đạo tràng vì tâm điều hòa dịu dàng. Trí huệ là đạo tràng vì thấy ngay các pháp. Từ là đạo tràng vì chúng sanh bình đẳng. Bi là đạo tràng vì chịu sự khó nhọc. Hỉ là đạo tràng vì vui thích chánh pháp. Xả là đạo tràng vì đoạn dứt yêu ghét. Thần thông là đạo tràng vì thành tựu lục thông. Giải thoát là đạo tràng vì hay nghịch tà bỏ vọng. Phương tiện là đạo tràng vì giáo hóa chúng sanh. Tứ nhiếp là đạo tràng vì nhiếp những chúng sanh khó độ. Ða văn là đạo tràng vì hành đúng theo sở văn do Phật dạy. Hàng phục tâm là đạo tràng vì chánh quán các pháp. Ba mươi bảy phẩm là đạo tràng vì xả bỏ pháp hữu vi. Tứ đế là đạo tràng vì chẳng dối lầm thế gian. Duyên khởi là đạo tràng vì thập nhị nhân duyên đều vô tận. Phiền não là đạo tràng vì chứng biết đúng như thật. Chúng sanh là đạo tràng vì chứng biết vốn vô ngã. Tất cả pháp là đạo tràng vì chứng biết pháp tánh vốn không. Hàng ma là đạo tràng vì chẳng bị lay động. Tam giới là đạo tràng vì chẳng có chỗ xu hướng. Sư tử rống là đạo tràng vì sức vô úy nên vô sở úy. Pháp bất cộng là đạo tràng vì chẳng có lỗi lầm. Tam minh là đạo tràng vì chẳng còn chướng ngại. Một niệm biết tất cả pháp là đạo tràng vì thành tựu nhất thiết chủng trí.”

“Như thế, Thiện nam tử! Nếu Bồ Tát dùng các pháp Ba La Mật để giáo hóa chúng sanh thì tất cả việc làm, cho đến đưa tay, bước chân đều từ đạo tràng đến, trụ nơi Phật pháp vậy.”

Khi Duy Ma Cật thuyết pháp này, năm trăm vị thiên nhơn đều phát tâm Vô Thượng Bồ Ðề, nên con không xứng đáng đến thăm bệnh.

Phật bảo Trì Thế Bồ Tát đến thăm bệnh. Trì Thế Bồ Tát bạch Phật rằng:

– Thế Tôn! Con không xứng đáng đến thăm bệnh Duy Ma Cật. Tại sao? Nhớ lại khi xưa, con ở nơi tịnh thất, có ma Ba Tuần dắt theo mười hai ngàn thiên nữ, dạng như Ðế Thích, trỗi nhạc đàn ca. Ðến nơi con ở, ma và quyến thuộc đảnh lễ chân con, chấp tay cung kính đứng hầu một bên. Con tưởng là Ðế Thích mà bảo họ rằng:

“Khéo đến Kiều Thi Ca! Dù đã có phước cũng chẳng nên buông lung. Phải quán ngũ dục vô thường để cầu cội lành. Dùng thân mạng tài sản để tu pháp kiên cố.”

Ma nói với con:

“Thưa Chánh Sĩ! Hãy nhận lấy mười hai ngàn thiên nữ này dùng để hầu hạ.”

Con bảo:

“Kiều Thi Ca! Chớ lấy vật phi pháp cho sa môn Thích Tử. Việc này chẳng thích hợp với tôi.”

Nói chưa dứt lời, thì Duy Ma Cật đến bảo con rằng:

“Ðây là bọn ma đến khuấy nhiễu ông, chứ chẳng phải Ðế Thích.”

Ngài lại bảo ma rằng:

“Những thiên nữ này hãy cho ta. Như ta mới đáng thọ lấy.”

Ma kinh sợ, nghĩ rằng: “Có lẽ Duy Ma Cật muốn báo hại ta.”Nên muốn tàng hình bỏ đi, mà chẳng thể được. Cố hết thần lực cũng không đi được. Lúc ấy trên hư không có tiếng rằng:

“Ba Tuần! Hãy đem các thiên nữ cho Ngài rồi mới đi được.”

Ma vì sợ hãi nên phải miễn cưỡng giao các thiên nữ cho Ngài. Bấy giờ, Ngài bảo các thiên nữ rằng:
“Ma đã đem các ngươi cho ta rồi. Nay các ngươi đều phải phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.”

Tức thì liền tùy cơ thuyết pháp cho họ. Khiến cho họ phát ý đạo rồi nói tiếp:

“Các ngươi đã phát ý đạo. Có pháp lạc để tự làm vui, chẳng nên thích ngũ dục nữa.”

Thiên nữ hỏi:

“Thế nào là pháp lạc?”

Ngài đáp rằng:
“Lạc thường tin Phật, lạc muốn nghe pháp, lạc cúng dường tăng, lạc lìa ngũ dục, lạc quán ngũ ấm như oán tặc, lạc quán tứ đại như rắn độc, lạc quán lục nhập như hư không tụ, lạc hộ niệm ý đạo, lạc lợi ích chúng sanh, lạc cung kính sư trưởng. Lạc rộng hành bố thí, lạc kiên trì giới cấm, lạc nhẫn nhục nhu hòa, lạc qui tập thiện căn, lạc thiền định chẳng loạn, lạc huệ tỏ cấu lìa, lạc mở rộng tâm Bồ Ðề, lạc hàng phục ma chúng, lạc đoạn dứt phiền não, lạc nghiêm tịnh cõi Phật. Lạc thành tựu tướng tốt nên siêng tu các công đức, lạc trang nghiêm đạo tràng, lạc nghe pháp thâm diệu mà chẳng khiếp sợ, lạc ba cửa giải thoát, chẳng lạc pháp phi thời. Lạc thân cận bạn đồng tu, đối với những kẻ chẳng phải bạn tu mà tâm chẳng quái ngại. Lạc thân cận thiện tri thức, mà giúp đỡ ác tri thức. Lạc nơi tâm trong sạch, lạc tu pháp vô lượng phẩm trợ đạo. Ðấy là pháp lạc của Bồ Tát.”

Lúc đó ma bảo các thiên nữ rằng:

“Ta muốn cùng các ngươi trở về cung.”

Các thiên nữ đáp:

“Ong da dem chung toi cho cu si nay . Nay co pháp lạc chúng tôi rất thích, chẳng còn ham muốn ngũ dục nữa.”

Ma nói:

“Cư sĩ! Xin xả các thiên nữ này. Vì thí tất cả sở huu cho người, mới là Bồ Tát.”

Duy Ma Cật nói:

“Ta đã xả rồi. Ngươi cứ dắt đi, để cho tất cả chúng sanh được thỏa mãn pháp nguyện thỏa mãn .

Lúc ấy, các thiên nữ hỏi Duy Ma Cật rằng:

“Chúng tôi ở cung ma phải làm thế nào?”

Ngài nói:

“Các chị. Có pháp môn gọi là Vô Tận Ðăng, mà các chị nên học. Vô Tận Ðăng ví như ngọn đèn mồi, dùng để đốt trăm ngàn ngọn đèn. Mọi chỗ tối đều sáng, ánh sáng ấy vô cùng tận.”

“Vây cung như thê, một vị Bồ Tát dẫn dắt trăm ngàn chúng sanh, khiến họ phát tâm Vô Thượng Bồ Ðề. Nơi ý đạo của họ sáng mãi vô tận, tùy theo pháp sở thuyết mà tự tăng thêm tất cả pháp lành. Ấy gọi là Vô Tận Ðăng vậy.”

“Các chị dù ở cung ma, dùng pháp Vô Tận Ðăng này, khiến cho vô số thiên tử, thiên nữ đều phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác để đền ơn Phật, cũng lợi ích cho tất cả chúng sanh. “

Bấy giờ các thiên nữ cúi đầu đảnh lễ dưới chân Duy Ma Cật, rồi theo ma vương trở về cung. Bỗng nhiên tất cả đều biến mất.

Bạch Thế Tôn! Ngài Duy Ma Cật có thần lực tự tại và trí huệ biện tài như thế, nên con không xứng đáng đến thăm bệnh.

Phật bảo trưởng giả Thiện Ðức đến thăm bệnh. Trưởng giả Thiện Ðức bạch Phật rằng:

– Thế Tôn! Con không xứng đáng đến thăm bệnh Duy Ma Cật. Tại sao? Nhớ lại khi xưa, con ở nhà phụ thân thiết lập Hội đại thí bảy ngày, cúng dường tất cả Sa môn, Bà La Môn, ngoại đạo, kẻ nghèo khổ, hèn hạ, cô độc, cùng những kẻ ăn xin. Bầy giờ, Duy Ma Cật đến bảo con rằng:

“Này trưởng giả! Hội đại thí không nên thiết lập như ông vậy, nên làm hội pháp thí, đâu cần dùng tài thí.”

Con nói:

“Thưa Cư sĩ, thế nào là Hội pháp thí?”

Ngài đáp:

“Hội pháp thí chẳng có trước sau, trong nhất thời cúng dường tất cả chúng sanh, ấy gọi là hội pháp thí.”

Con hỏi:

“Là thế nào?”

Ngài đáp:

“Ấy là vì Bồ Ðề mà khởi từ tâm, vì cứu chúng sanh khởi đại bi tâm, vì hoằng chánh pháp mà khởi hỉ tâm, vì nhiếp trí huệ hành nơi xả tâm. Vì nhiếp bỏ xẻn khởi hạnh Bố thí, vì độ phạm giới khởi hạnh Trì giới, vì pháp vô ngã khởi hạnh Nhẫn nhục, vì lìa tướng thân tâm khởi hạnh Tinh tấn, vì tướng Bồ Ðề khởi hạnh Thiền định, vì nhất thiết trí khởi hạnh Bát Nhã, ấy là sáu Ba La Mật. Thường giáo hóa chúng sanh mà khởi nơi tâm không, chẳng bỏ pháp hữu vi mà khởi nơi vô tướng, thị hiện thọ sanh mà khởi vô tác, hộ trì chánh pháp mà khởi phương tiện lực. Vì độ chúng sanh khởi pháp tứ nhiếp, vì cung kính tất cả mà hành pháp trừ ngã mạn, nơi thân mạng tài mà khởi ba pháp kiên cố, ở trong lục niệm khởi pháp tưởng niệm (lục niệm: Phật, Pháp, Tăng, Giới, Thí, Thiên), nơi lục hòa kính khởi tâm ngay thẳng, thực hành pháp lành khởi nơi tịnh mạng, tâm tịnh hoan hỷ khởi thân cận hiền thánh, chẳng ghét người ác khởi tâm điều phục, vì pháp xuất gia khởi nơi thâm tâm, vì hành thuyết như một khởi nơi đa văn, vì pháp vô tranh khởi nơi u nhàn. Hướng thẳng Phật huệ khởi nơi tĩnh tọa, mở trói cho chúng sanh khởi hạnh tu hành, đầy đủ tướng tốt và thanh tịnh cõi Phật, mà làm việc phước đức, thấu biết tất cả tâm niệm chúng sanh, ứng cơ thuyết pháp mà khởi nơi trí nghiệp, biết tất cả các pháp, chẳng lấy chẳng bỏ, vào cửa Nhất tướng mà khởi nơi huệ nghiệp, dứt tất cả phiền não chướng ngại và pháp bất thiện mà khởi tất cả thiện nghiệp, vì đắc tất cả trí huệ pháp lành mà khởi tất cả pháp trợ đạo. Như thế, Thiện nam tử! Ấy là Hội pháp thí, nếu Bồ Tát trụ hội này, làm đại thí chủ, tức là phước điền của tất cả thế gian.”

Bạch Thế Tôn! Lúc Duy Ma Cật thuyết pháp này, có hai trăm người trong chúng Bà La Môn đều phát tâm Vô Thượng Bồ Ðề. Khi ấy tâm con trong sạch, được pháp chưa từng có, đảnh lễ dưới chân Ngài, con liền đem chuỗi anh lạc quí báu dâng lên, Ngài chẳng chịu nhận lấy.

Con thưa:

“Cư sĩ! Xin hãy nạp thọ để tùy ý cho người.”

Ngài mới chịu nhận và chia làm hai phần. Một phần thí cho người ăn xin hạ tiện nhất trong hội này, một phần cúng dường Nan Thắng Như Lai. Tất cả chúng trong hội đều thấy Nan Thắng Như Lai trong cõi Phật Quang Minh và thấy chuổi anh lạc biến thành bửu đài bốn trụ ở trên Ðức Phật, bốn phía trang nghiêm chẳng ngăn ngại nhau.

Khi Duy Ma Cật thị hiện thần biến xong, lại nói tiếp rằng:

“Nếu thí chủ dùng tâm bình đẳng thí cho người ăn xin hạ tiện nhất, bằng như tướng phước điền của Như Lai chẳng có phân biệt, đại bi bình đẳng, chẳng cầu quả báo, ấy gọi là pháp thí viên mãn.”

Người ăn xin hạ tiện nhất trong thành nghe lời nói này và thấy thần lực đó, liền phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, vì thế nên con không đáng đến thăm bệnh.

Ngoài ra các Bồ Tát, mỗi mỗi đều đem bổn duyên của mình bạch Phật và thuật lại lời của Duy Ma Cật như thế, đều nói chẳng xứng đáng đến thăm bệnh Ngài.