Tương Ưng Bộ Kinh Samyutta Nikàya

Tương Ưng Bộ Kinh Samyutta Nikàya

Trương Văn Chiến 16

[51] Chương VII

Tương Ưng Như Ý Túc

-ooOoo-

I. Phẩm Càpàla

1.I. Bờ Bên Kia (Tăng 29. 7 Ðại 2, 658a) (S.v,254)

1) …

2) — Có bốn như ý túc này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ bên này đến bờ bên kia. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như ý túc, câu hữu với dục định tinh cần hành; tu tập như ý túc, câu hữu với tinh tấn định tinh cần hành; tu tập như ý túc, câu hữu với tâm định tinh cần hành; tu tập như ý túc, câu hữu với tư duy định tinh cần hành. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn như ý túc, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ bên này đến bờ bên kia.

2.II. Thối Thất (S.v,254)

1) …

2) — Với những ai bốn như ý túc bị thối thất, này các Tỷ-kheo, với những người ấy, bị thối thất là Thánh đạo đưa đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau. Với những ai bốn như ý túc được thực hiện, này các Tỷ-kheo, với những người ấy, được thực hiện là Thánh đạo đưa đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như ý túc, câu hữu với dục định tinh cần hành,… tinh tấn định,… tâm định… tu tập như ý túc, câu hữu với tư duy định tinh cần hành.

4) Với những ai bốn như ý túc này bị thối thất, này các Tỷ-kheo, với những người ấy, bị thối thất là Thánh đạo đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau. Với những ai bốn như ý túc này được thực hiện, này các Tỷ-kheo, với những người ấy, được thực hiện là Thánh đạo đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau.

3.III. Thánh (S.v, 255)

1) …

2) — Có bốn như ý túc này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, trở thành những Thánh lãnh đạo, dắt dẫn những ai thực hiện, đi đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như ý túc, câu hữu với dục định tinh cần hành; tinh tấn định… tâm định… tu tập như ý túc, câu hữu với tư duy định tinh cần hành.

4) Có bốn như ý túc này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, trở thành những Thánh lãnh đạo, dắt dẫn những ai thực hiện, đi đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau.

4.IV. Yếm Ly (S.v,255)

1) …

2) — Có bốn như ý túc này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành… tinh tấn định… tâm định… tu tập như ý túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành.

4) Bốn như ý túc này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

5.V. Một Phần (S.v,255)

1) …

2) — Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong quá khứ, này các Tỷ-kheo, đã thực hiện một phần như ý túc; tất cả những vị ấy đã làm như thế nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc. Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời tương lai, này các Tỷ-kheo, sẽ thực hiện một phần như ý túc; tất cả những vị ấy sẽ làm như thế nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc. Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong hiện tại, này các Tỷ-kheo, có thực hiện một phần như ý túc; tất cả những vị ấy đang làm như thế nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành; tinh tấn định… tâm định… tu tập như ý túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành.

4) Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời quá khứ, này các Tỷ-kheo, đã thực hiện một phần như ý túc… sẽ thực hiện… đang thực hiện một phần như ý túc; tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc.

6.VI. Toàn Diện (S.v,256)

1) …

2) — Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời quá khứ, này các Tỷ-kheo, đã thực hiện toàn diện như ý túc; tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc. Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời tương lai, này các Tỷ-kheo, sẽ thực hiện toàn diện như ý túc; tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc. Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời hiện tại, này các Tỷ-kheo, đang thực hiện toàn diện như ý túc; tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành… tinh tấn định… tâm định… tu tập như ý túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành.

4) Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời quá khứ, này các Tỷ-kheo, đã thực hiện toàn diện như ý túc… sẽ thực hiện toàn diện như ý túc… đang thực hiện toàn diện như ý túc; tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc.

7.VII. Tỷ Kheo (S.v,257)

1) …

2) — Những Tỷ-kheo nào trong thời quá khứ, này các Tỷ-kheo, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí đã chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát; tất cả các vị ấy đều nhờ đã tu tập, đã làm cho sung mãn bốn như ý túc. Những Tỷ-kheo nào trong thời tương lai, này các Tỷ-kheo, đã đoạn diệt các lậu hoặc ngay trong hiện tại, sẽ tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát; tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc. Những Tỷ-kheo nào trong thời hiện tại, này các Tỷ-kheo, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt, và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát; tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành… tinh tấn định… tâm định… tu tập như ý túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành.

4) Những Tỷ-kheo nào trong thời quá khứ, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, sau khi tự mình chứng ngộ với thắng trí, đã chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát… sẽ chứng đạt… đang chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát; tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc này.

8.VIII. Phật hay A-La-Hán (S.v,257)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có bốn như ý túc này. Thế nào là bốn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành… tinh tấn định… tâm định… tu tập như ý túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn như ý túc.

3) Do tu tập, do làm cho sung mãn bốn như ý túc này, Như Lai được gọi là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác.

9.IX. Trí (S.v,258)

1-2-3) …

4)– Với suy tư: “Ðây là như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành”, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, ở nơi Ta, nhãn khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên. Với suy tư: “Như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành này cần phải tu tập”, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, ở nơi Ta, nhãn khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên. Với suy tư: “Như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành này đã được tu tập”, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, ở nơi Ta, nhãn khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên.

5) … (như trên, chỉ khác đây là tinh tấn định) …

6) … (như trên, chỉ khác đây là tâm định) …

7) … (như trên, chỉ khác đây là tư duy định) …

10.X. Cetiya (Ðền thờ) (Trường 2, Ðại 1, 15 b-c) (S.v,258)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Vesàli, tại Ðại Lâm, tại ngôi nhà có nóc nhọn.

2) Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát đi vào Vesàli để khất thực. Sau khi vào Vesàli để khất thực, sau buổi ăn, trên con đường khất thực trở về, Thế Tôn gọi Tôn giả Ananda:

— Hãy cầm tọa cụ, này Ananda, Ta sẽ đi đến đền thờ Capàla để nghỉ trưa.

— Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn, cầm tọa cụ và đi theo sau lưng Thế Tôn.

3) Rồi Thế Tôn đi đến đền thờ Capàla; sau khi đến ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Tôn giả Ananda đảnh lễ Thế Tôn, ngồi xuống một bên.

4) Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda đang ngồi một bên:

— Này Ananda, khả ái thay Vesàli! Khả ái thay đền thờ Udena! Khả ái thay đền thờ Gotamaka! Khả ái thay đền thờ Sattambaka! Khả ái thay đền thờ Bahuputta! Khả ái thay đền thờ Sarandada! Khả ái thay đền thờ Càpàla! Này Ananda, những ai đã tu tập bốn như ý túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, điêu luyện, thiện xảo, thời nếu muốn, người ấy có thể sống đến một kiếp, hay phần kiếp còn lại. Này Ananda, nay Như Lai đã tu bốn như ý túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, điêu luyện, thiện xảo. Này Ananda, nếu muốn, Như Lai có thể sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại.

5) Nhưng Tôn giả Ananda không thể nhận hiểu sự gợi ý quá rõ ràng, sự hiện tướng quá rõ ràng của Thế Tôn. Tôn giả không thỉnh cầu Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy ở lại cho đến trọn kiếp. Thiện Thệ hãy ở lại cho đến trọn kiếp, vì lợi ích cho chúng sanh, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người”, vì tâm Tôn giả Ananda bị Ma vương ám ảnh.

6-7) Lần thứ hai, Thế Tôn…

8) Lần thứ ba, Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:

— Này Ananda, khả ái thay Vesàli! Khả ái thay Udena!… có thể sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại.

9) Tuy vậy, Tôn giả Ananda không thể nhận hiểu… vì tâm của Tôn giả Ananda bị Ác ma ám ảnh.

10) Rồi Thế Tôn nói Tôn giả Ananda:

— Này Ananda, hãy đi và làm những gì Ông nghĩ là phải thời.

— Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Ngài, thân phía hữu hướng về Ngài, rồi đi đến một gốc cây không xa bao nhiêu.

11) Tôn giả Ananda đi ra chưa bao lâu, Ác ma liền đến chỗ Thế Tôn, khi đến xong, liền thưa với Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn hãy diệt độ; Thiện Thệ hãy diệt độ. Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời Thế Tôn diệt độ. Bạch Thế Tôn, đây là lời Thế Tôn đã nói: “Này Ác ma, Ta sẽ không diệt độ khi nào những Tỷ-kheo của Ta chưa trở thành những vị đệ tử có học, có kỷ luật, tự chủ, đạt được an ổn khỏi khổ ách, đa văn, trì pháp, thành tựu Chánh pháp và tùy pháp, sống chân chánh, sống thuận Chánh pháp; sau khi học hỏi giáo lý, chưa có thể tuyên bố, diễn giảng, trình bày, xác định, khai minh, phân tích, và giải thích rõ ràng chánh pháp; khi có tà đạo khởi lên, họ chưa có thể cật vấn và khéo hàng phục, chưa có thể truyền bá Chánh pháp thần diệu”.

Bạch Thế Tôn, nhưng nay những Tỷ-kheo của Thế Tôn đã trở thành những vị đệ tử có học, có kỷ luật, tự chủ, đạt được an ổn khỏi các khổ ách, đa văn, trì pháp, thành tựu Chánh pháp và tùy pháp, sống chơn chánh, sống thuận Chánh pháp; sau khi học hỏi giáo lý, đã có thể tuyên bố, diễn giảng, trình bày, xác định, khai minh, phân tách và giải thích rõ ràng chánh pháp; khi có tà đạo khởi lên, họ đã có thể cật vấn và khéo hàng phục, đã có thể truyền bá Chánh pháp thần diệu.

12) Như vậy, bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn hãy diệt độ, Thiện Thệ hãy diệt độ. Nay đã đến thời Thế Tôn diệt độ. Bạch Thế Tôn, đây là lời Thế Tôn đã nói: “Này Ác ma, Ta sẽ không diệt độ, khi nào những Tỷ-kheo-ni của Ta chưa trở thành những vị đệ tử có học, có kỷ luật..”.

13) “Khi nào những nam cư sĩ của Ta… khi nào nữ cư sĩ của Ta chưa trở thành những vị đệ tử có học, có kỷ luật, tự chủ, đạt được an ổn khỏi khổ ách, đa văn, trì pháp, thành tựu Chánh pháp và tùy pháp, sống chơn chánh, sống thuận Chánh pháp; sau khi học hỏi giáo lý, chưa có thể tuyên bố, diễn giảng, trình bày, xác định, khai minh, phân tách và giải thích rõ ràng chánh pháp; khi nào có tà đạo khởi lên, họ chưa có thể cật vấn và khéo hàng phục, chưa có thể truyền bá chánh pháp thần diệu”. Bạch Thế Tôn, nay những nam cư sĩ của Thế Tôn đã trở thành những đệ tử chơn chánh, sáng suốt, có kỷ luật, sẵn sàng, đa văn, duy trì chánh pháp, đầy đủ Chánh pháp và tùy pháp, sống chơn chánh, sống theo Chánh pháp; sau khi học hỏi giáo lý, đã có thể tuyên bố, diễn giảng trình bày, xác định, khai minh, phân tích và giải thích rõ ràng chánh pháp; khi có tà đạo khởi lên, họ đã có thể cật vấn và khéo hàng phục, và có thể truyền bá Chánh pháp thần diệu.

14) Như vậy, bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn hãy diệt độ, Thiện Thệ hãy diệt độ. Bạch Thế Tôn, đã đến thời Thế Tôn diệt độ. Bạch Thế Tôn, đây là lời Thế Tôn đã nói: “Này Ác ma, Ta sẽ không diệt độ, khi nào Phạm hạnh Ta giảng dạy chưa thành tựu, thịnh đạt, phổ biến, quảng bá, biến mãn, nghĩa là được khéo giảng dạy cho loài Người”. Bạch Thế Tôn, nay Phạm hạnh Thế Tôn giảng dạy đã được thành tựu, thịnh đạt, phổ biến, quảng bá, biến mãn, nghĩa là được khéo giảng dạy cho loài Người. Như vậy, bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn hãy diệt độ, Thiện Thệ hãy diệt độ. Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời Thế Tôn diệt độ.

15) Khi được nói vậy, Thế Tôn nói với Ác ma:

— Này Ác ma, hãy yên tâm, không bao lâu Như Lai sẽ diệt độ. Sau ba tháng, bắt đầu từ hôm nay, Như Lai sẽ diệt độ.

16) Và tại chỗ Càpàla, Thế Tôn chánh niệm, tỉnh giác, từ bỏ thọ hành (không duy trì mạng sống lâu hơn nữa). Khi Thế Tôn từ bỏ, không duy trì mạng sống thêm nữa, thời đại địa chấn động, ghê rợn, tóc lông dựng ngược, sấm trời vang dậy.

17) Thế Tôn nhận hiểu ý nghĩa của sự kiện ấy, lúc bấy giờ Ngài nói lên bài kệ cảm khái như sau:

Mạng sống có hạn hay vô hạn,
Ðạo sĩ từ bỏ không kéo dài,
Nội tâm chuyên nhất trú Thiền định,
Như thoát áo giáp đang mang mặc.

 

II. Phẩm Lầu Rung Chuyển

11.I. Trước hay Nhân (S.v,263)

1) Tại Sàvatthi.

2) — Trước khi Ta giác ngộ, này các Tỷ-kheo, chưa chứng Chánh Ðẳng Giác, còn là Bồ-tát, Ta suy nghĩ như sau: “Do nhân gì, do duyên gì, tu tập như ý túc?” Rồi này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ như sau:

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành, với ý nghĩ: “Như vậy, ý muốn (dục) của ta sẽ không quá thụ động và không quá hăng say, sẽ không co rút phía trong, sẽ không phân tán phía ngoài, an trú với tưởng trước sau đồng đẳng (pacchàpure-sanni). Trước thế nào, thời sau như vậy; sau thế nào, thời trước như vậy. Dưới thế nào, thời trên như vậy; trên thế nào, thời dưới như vậy. Ban ngày thế nào, thời ban đêm như vậy; ban đêm thế nào, thời ban ngày như vậy”. Như vậy, với tâm rộng mở, với tâm không gò bó (apariyonaddhena), với tâm chói sáng, vị ấy tu tập tâm.

4) Có người tu tập như ý túc câu hữu với tinh tấn định tinh cần hành, với ý nghĩ: “Như vậy, tinh tấn của ta sẽ không quá thụ động và cũng không quá hăng say, sẽ không co rút phía trong, sẽ không phân tán phía ngoài, an trú với tưởng trước sau đồng đẳng. Trước thế nào, thời sau như vậy; sau thế nào, thời trước như như vậy. Dưới thế nào, thời trên như vậy; trên thế nào, thời dưới như vậy. Ban ngày thế nào, thời ban đêm như vậy; ban đêm thế nào, thời ban ngày như vậy”. Như vậy, với tâm rộng mở, với tâm không gò bó, với tâm chói sáng, vị ấy tu tập tâm.

5) Có người tu tập tập như ý túc câu hữu với tâm định tinh cần hành, với ý nghĩ: “Như vậy, tâm của ta sẽ không quá thụ động và cũng không quá hăng say, sẽ không co rút phía trong, sẽ không phân tán phía ngoài, an trú với tưởng trước sau đồng đẳng. Trước thế nào, thời sau như vậy; sau thế nào, thời trước như vậy. Dưới thế nào, thời trên như vậy; trên thế nào, thời dưới như vậy. Ban ngày thế nào, thời ban đêm như vậy; ban đêm thế nào, thời ban ngày như vậy”. Như vậy, với tâm rộng mở, không với tâm gò bó, với tâm chói sáng, vị ấy tu tập tâm.

6) Có người tu tập như ý túc, câu hữu với tư duy định tinh cần hành, với ý nghĩ: “Như vậy, tâm của ta sẽ không quá thụ động và cũng không quá hăng say, sẽ không co rút phía trong, sẽ không phân tán phía ngoài, an trú với tưởng trước sau đồng đẳng. Trước thế nào, thời sau như vậy; sau thế nào, thời trước như vậy. Dưới thế nào, thời trên như vậy; trên thế nào, thời dưới như vậy. Ban ngày thế nào, thời ban đêm như vậy; ban đêm thế nào, thời ban ngày như vậy”. Như vậy, với tâm rộng mở, không với tâm gò bó, với tâm chói sáng, vị ấy tu tập tâm.

7) Tu tập bốn như ý túc như vậy, làm cho sung mãn như vậy, Tỷ-kheo chứng được nhiều loại thần thông: Một thân hiện ra nhiều thân; nhiều thân hiện ra một thân; hiện hình, biến hình, đi ngang qua tường, qua thành lũy, qua núi, không dính như đi ngang qua hư không; trồi lên, độn thổ, ngang qua đất liền như ở trong nước; đi trên nước không nứt ra như đi trên đất liền; ngồi kiết-già, đi trên hư không như con chim, với bàn tay chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại thần lực, đại uy thần như vậy; có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên.

8) Tu tập như ý túc như vậy, làm cho sung mãn như vậy, Tỷ-kheo chứng được thiên nhĩ thông thanh tịnh, siêu nhân, có thể nghe hai loại tiếng, chư Thiên và loài Người, hoặc xa hoặc gần.

9) Tu tập bốn như ý túc như vậy, làm cho sung mãn như vậy, Tỷ-kheo với tâm của mình rõ biết tâm của các chúng sanh, của những người khác. Với tâm có tham, vị ấy rõ biết là tâm có tham; với tâm không có tham, rõ biết là tâm không có tham; với tâm có sân, rõ biết là tâm có sân; với tâm không có sân, rõ biết là tâm không có sân; với tâm có si rõ biết là tâm có si; với tâm không có si, rõ biết là tâm không có si; với tâm co rút, rõ biết là tâm co rút; với tâm tán loạn, rõ biết là tâm tán loạn; với tâm đại hành, rõ biết là tâm đại hành; với tâm không đại hành, rõ biết là tâm không đại hành; với tâm hữu hạn, rõ biết là tâm hữu hạn; với tâm vô thượng, rõ biết là tâm vô thượng; với tâm Thiền định, rõ biết là tâm Thiền định; với tâm không Thiền định, rõ biết là tâm không Thiền định; với tâm không giải thoát, rõ biết là tâm không giải thoát; với tâm giải thoát, rõ biết là tâm giải thoát.

10) Tu tập bốn như ý túc như vậy, làm cho sung mãn như vậy, vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ: Như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: ‘Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, món ăn như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, món ăn như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây”. Như vậy, vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ với các nét đại cương và các chi tiết.

11) Tu tập bốn như ý túc như vậy, làm cho sung mãn như vậy, Tỷ-kheo với thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh: Vị ấy rõ biết chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang ; người đẹp đẽ, kẻ thô xấu; người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Các vị này làm những ác hạnh về thân, ngữ hay ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những vị làm những thiện hạnh về thân, ngữ và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến; những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, cõi trời, trên đời này. Như vậy, vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng: “Chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ”.

12) Tu tập bốn như ý túc như vậy, làm cho sung mãn như vậy, Tỷ-kheo do đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ và chứng đạt vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

12.II. Quả Lớn (S.v,267)

1) …

2) — Bốn như ý túc này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến quả lớn, lợi ích lớn. Bốn như ý túc, này các Tỷ-kheo, tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, đưa đến quả lớn, lợi ích lớn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành (với ý nghĩ): “Như vậy, ý muốn của ta sẽ không quá thụ động, và cũng không quá hăng say, sẽ không co rút phía trong, sẽ không phân tán phía ngoài, an trú với tưởng trước sau đồng đẳng. Trước thế nào, thời sau như vậy; sau thế nào, thời trước như vậy. Dưới thế nào, thời trên như vậy; trên thế nào, thời dưới như vậy. Ban ngày thế nào, thời ban đêm như vậy; ban đêm thế nào, thời ban ngày như vậy”. Như vậy, với tâm rộng mở, với tâm không gò bó, với tâm chói sáng, vị ấy tu tập tâm.

4-6) … tinh tấn định… tâm định… tư duy định…

Bốn như ý túc được tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy, đưa đến quả lớn, lợi ích lớn.

7-11) Tu tập bốn như ý túc như vậy, làm cho sung mãn như vậy, Tỷ-kheo chứng được nhiều loại thần thông: Một thân hiện ra nhiều thân… có thể tự thân bay đến Phạm thiên…

12) Tu tập bốn như ý túc như vậy, làm cho sung mãn như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

13.III. Ý Muốn (Chando) (S.v,268)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo nương tựa dục được định, được nhứt tâm, đây gọi là dục định. Ðối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh, vị ấy khởi lên ý muốn không cho sanh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng. Ðối với các ác, bất thiện pháp đã sanh, vị ấy khởi lên ý muốn đoạn diệt, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng. Ðối với các thiện pháp chưa sanh, vị ấy khởi lên ý muốn làm cho sanh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng. Ðối với các thiện pháp đã sanh, vị ấy khởi lên ý muốn làm cho an trú, không cho vong thất, làm cho tăng trưởng, làm cho quảng đại, tu tập, làm cho viên mãn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng. Những pháp này được gọi là tinh cần hành.

Như vậy, đây là dục, đây là dục định, và những pháp này là tinh cần hành. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành.

3) Nếu Tỷ-kheo nương tựa tinh tấn, này các Tỷ-kheo, được định, được nhất tâm, đây gọi là tinh tấn định. Ðối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh… Ðối với các thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn làm cho an trú, không cho vong thất, làm cho tăng trưởng, làm cho quảng đại, tu tập, làm cho viên mãn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng. Các pháp này được gọi là tinh cần hành.

Như vậy, đây là tinh tấn, đây là tinh tấn định, những pháp này là tinh cần hành. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là như ý túc câu hữu với tinh tấn định tinh cần hành.

4) Nếu Tỷ-kheo nương tựa tâm, này các Tỷ-kheo, được định, được nhất tâm, đây gọi là tâm định. Ðối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh… Ðối với các thiện pháp đã sanh, vị ấy khởi lên ý muốn làm cho an trú, không cho vong thất, làm cho tăng trưởng, làm cho quảng đại, tu tập, làm cho viên mãn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng. Các pháp này được gọi là tinh cần hành.

Như vậy, đây là tâm, đây là tâm định, những pháp này là tinh cần hành. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là như ý túc câu hữu với tâm định tinh cần hành.

5) Nếu Tỷ-kheo nương tựa tư duy, này các Tỷ-kheo, được định, được nhất tâm, đây gọi là tư duy định. Ðối với ác, bất thiện pháp chưa sanh… đối với các thiện pháp đã sanh, vị ấy khởi lên ý muốn làm cho an trú, không vong thất, làm cho tăng trưởng, làm cho quảng đại, tu tập, làm cho viên mãn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng. Các pháp này được gọi là tinh cần hành.

Như vậy, đây là tư duy, đây là tư duy định, những pháp này là tinh cần hành. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là như ý túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành.

14.IV. Moggalàna (S.v,269)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi tại Ðông Viên, lâu đài của mẹ Migàra.

2) Lúc bấy giờ, một số Tỷ-kheo trú ở dưới lầu của mẹ Migàra, trạo cử, kiêu mạn, dao động, lắm miệng, tạp thoại, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm mê loạn, các căn không chế ngự (pàkatindriyà).

3) Rồi Thế Tôn bảo Tôn giả Mahà Moggalàna:

— Này Moggalàna, những đồng Phạm hạnh ấy trú dưới lầu của mẹ Migàra, trạo cử, kiêu mạn, dao động, lắm miệng, tạp thoại, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, với tâm mê loạn, các căn không chế ngự. Hãy đi, này Moggalàna, và làm cho họ hoảng hốt (samvejeti).

— Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Mahà Moggalàna vâng đáp Thế Tôn, thực hiện thần thông, với ngón chân lớn, làm cho rung động, rung chuyển, làm cho chấn động lâu đài của mẹ Migàra.

4) Rồi các Tỷ-kheo ấy hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, họ đứng về một bên và (la lớn): “Thật là vi diệu, chư Tôn giả! Thật là hy hữu, chư Tôn giả! Lâu đài của mẹ Migàra này được che chở khỏi gió, được khéo đào những nền móng thâm sâu, không có dao động, không có chuyển động. Tuy vậy, nó rung động, rung chuyển, chấn động!”

5) Rồi Thế Tôn đi đến các Tỷ-kheo ấy; sau khi đến nói với họ:

— Này các Tỷ-kheo, tại sao các Ông lại hốt hoảng, lông tóc dựng ngược, và đứng về một bên như vậy?

— Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Lâu đài của mẹ Migàra được che chở khỏi gió, được khéo đào thành những nền móng thâm sâu, không có dao động, không có chuyển động. Tuy vậy nó rung động, rung chuyển, chấn động.

6) — Này các Tỷ-kheo, chính do Tỷ-kheo Moggalàna muốn làm cho các Ông hoảng hốt, với ngón chân lớn, đã làm cho lâu đài này của mẹ Migàra bị rung chuyển, rung động, bị chấn động. Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, do tu tập, do làm cho sung mãn những pháp nào, Tỷ-kheo Moggalàna có đại thần lực như vậy, đại uy lực như vậy?

— Bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản, lấy Thế Tôn làm lãnh đạo… sau khi nghe pháp, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.

7) — Vậy hãy nghe, này các Tỷ-kheo. Chính do tu tập, do làm cho sung mãn bốn như ý túc, Tỷ-kheo Moggalàna đã có đại thần lực như vậy, đại uy lực như vậy. Thế nào là bốn?

8) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Moggalàna tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành… tinh tấn định… tâm định… Tu tập như ý túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành (với ý nghĩ): “Như vậy, tư duy của ta sẽ không quá thụ động, cũng không quá hăng say, sẽ không co rút phía trong, sẽ không phân tán phía ngoài, an trú với tưởng trước sau đồng đẳng. Trước thế nào, thời sau như vậy; sau thế nào, thời trước như vậy. Dưới thế nào, thời trên như vậy; trên thế nào thời dưới như vậy. Ban ngày thế nào, thời ban đêm như vậy; ban đêm thế nào, thời ban ngày như vậy”. Như vậy, với tâm rộng mở, không với tâm gò bó, với tâm chói sáng, vị ấy tu tập tâm.

9) Này các Tỷ-kheo, chính do tu tập, do làm cho sung mãn bốn như ý túc này, Tỷ-kheo Moggalàna được đại thần lực như vậy, đại uy lực như vậy.

10) Và này các Tỷ-kheo, cũng chính do tu tập, do làm cho sung mãn bốn như ý túc này, Tỷ-kheo Moggalàna thực hiện nhiều loại thần thông… có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên.

11) Và chính nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc này, Tỷ-kheo Moggalàna do đoạn tận các lậu hoặc ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát và tuệ giải thoát.

12) (Sáu thần thông được thuyết rộng ra như vậy).

15.V. Bà-La-Môn (S.v,271)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Tôn giả Ananda trú ở Kosambi, tại khu vườn Ghosita.

2) Rồi Bà-la-môn Unnàbha đi đến Tôn giả Ananda; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Ananda những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Bà-la-môn Unnàbha thưa với Tôn giả Ananda:

3) — Do mục đích gì, thưa Tôn giả Ananda, Phạm hạnh được sống dưới Sa-môn Gotama?

— Với mục đích đoạn tận dục (chanda), này Bà-la-môn, Phạm hạnh được sống dưới Sa-môn Gotama.

4) — Có con đường gì, thưa Tôn giả Ananda, có đạo lộ gì đưa đến đoạn tận lòng dục?

— Có con đường này, này Bà-la-môn, có đạo lộ này đưa đến đoạn tận lòng dục.

5) — Con đường ấy là gì, thưa Tôn giả Ananda? Ðạo lộ ấy là gì đưa đến đoạn tận lòng dục?

— Ở đây, này Bà-la-môn, Tỷ-kheo tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành… tinh tấn định… tâm định… tu tập như ý túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành. Ðây là con đường, này Bà-la-môn, đây là đạo lộ đưa đến đoạn tận lòng dục.

6) — Sự thể là vậy, thưa Tôn giả Ananda, thời một công việc liên tục (santaka), không có chấm dứt. Lấy dục mà trừ dục, sự kiện như vậy không xẩy ra.

— Này Bà-la-môn, về vấn đề này, tôi sẽ hỏi Ông. Nếu Ông kham nhẫn, xin hãy trả lời.

7) Này Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào? Có phải trước có lòng dục (ý muốn) nơi Ông, thúc đẩy Ông: “Ta sẽ đi đến khu vườn”. Sau khi Ông đến khu vườn rồi, lòng dục ấy được tịnh chỉ?

— Thưa vâng, Tôn giả.

— Có phải trước có tinh tấn nơi Ông, thúc đẩy Ông: “Ta sẽ đi đến khu vườn”. Sau khi Ông đến khu vườn, tinh tấn ấy được tịnh chỉ?

— Thưa vâng, Tôn giả.

— Có phải trước có tâm nơi Ông, thúc đẩy Ông: “Ta sẽ đi đến khu vườn”. Sau khi Ông đến khu vườn, tâm ấy được tịnh chỉ?

— Thưa vâng, Tôn giả.

— Có phải trước có tư duy nơi Ông, thúc đẩy Ông: “Ta sẽ đi đến khu vườn”. Sau khi Ông đến khu vườn, tư duy ấy được tịnh chỉ?

— Thưa vâng, Tôn giả.

8) — Cũng vậy này Bày-la-môn, khi Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã đoạn tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã đoạn, chánh trí, giải thoát. Lòng dục mà vị ấy có trước để chứng được A-la-hán thì khi chứng được A-la-hán rồi, lòng dục ấy được tịnh chỉ. Sự tinh tấn mà vị ấy có trước để chứng đạt A-la-hán, thì khi chứng được A-la-hán rồi, tinh tấn ấy được tịnh chỉ. Tâm mà vị ấy có trước để chứng đạt A-la-hán, thì khi chứng được A-la-hán rồi, tâm ấy được tịnh chỉ. Tư duy mà vị ấy có trước để chứng đạt A-la-hán, thì khi chứng được A-la-hán rồi, tư duy ấy được tịnh chỉ.

9) Ông nghĩ thế nào, này Bà-la-môn, sự thể là vậy, thời một công việc có chấm dứt liên tục hay là một công việc không chấm dứt?

— Thực vậy, thưa Tôn giả Ananda, sự thể là vậy, một công việc có chấm dứt, không phải là một công việc không chấm dứt.

10) Thật vi diệu thay, Tôn giả Ananda! Thật vi diệu thay, Tôn giả Ananda!… Từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!

16.VI. Sa-Môn, Bà-La-Môn hay Ðại Thần Thông (S.v,273)

1) …

2) — Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời quá khứ, này các Tỷ-kheo, có thần lực lớn, có uy lực lớn; tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc.

3) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong tương lai, này các Tỷ-kheo, có thần lực lớn, có uy lực lớn; tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc.

4) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời hiện tại, này các Tỷ-kheo, có thần lực lớn, có uy lực lớn; tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc. Thế nào là bốn?

5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành… tinh tấn định… tâm định… tu tập như ý túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành.

6) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời quá khứ này các Tỷ-kheo, có đại thần lực… sẽ có đại thần lực, đại uy lực… có đại thần lực, có đại uy lực; tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc.

17.VII. Sa-Môn, Bà-La-Môn hay Kiêu Mạn (S.v,274)

1) …

2) — Phàm những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời quá khứ, này các Tỷ-kheo, đã thực hiện nhiều loại thần thông: Một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân, hiện hình, biến hình, đi ngang qua tường, qua thành lũy, qua núi như đi ngang hư không, trồi lên, độn thổ, ngang qua đất liền như ở trong nước, đi trên nước không nứt ra như đi trên đất liền, ngồi kiết-già đi trên hư không như con chim, với bàn tay chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại thần lực, đại uy lực như vậy, có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên; tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc.

3) Phàm những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong tương lai, này các Tỷ-kheo, sẽ thực hiện nhiều loại thần thông: Một thân hiện ra nhiều thân… bay đến cõi Phạm thiên; tất cả những vị này đều nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc.

4) Phàm những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong hiện tại, này các Tỷ-kheo, sẽ thực hiện nhiều loại thần thông: Một thân hiện ra nhiều thân… bay đến cõi Phạm thiên; Tất cả những vị này đều nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc. Thế nào là bốn?

5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành… tinh tấn định… tâm định… tu tập như ý túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành.

6) Phàm những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời quá khứ, đã thực hiện nhiều loại thần thông… sẽ thực hiện nhiều loại thần thông… thực hiện nhiều loại thần thông…; tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc này.

18.VIII Tỷ-Kheo (S.v,275)

1) …

2) — Do tu tập, do làm cho sung mãn bốn như ý túc này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sau khi đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành… tinh tấn định… tâm định… tu tập như ý túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành. Chính nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

19.IX. Thuyết Pháp hay Tu Tập (S.v,276)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về như ý (Iddhi), về như ý túc, về tu tập như ý túc, và về con đường đưa đến tu tập như ý túc. Hãy lắng nghe.

3) Này các Tỷ-kheo, thế nào là như ý? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thực hiện nhiều loại thần thông: Một thân hiện ra nhiều thân… có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là như ý (Iddhi).

4) Này các Tỷ-kheo, thế nào là như ý túc? Con đường nào, đạo lộ nào, này các Tỷ-kheo, đưa đến chứng được như ý, chứng đắc như ý. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là như ý túc.

5) Này các Tỷ-kheo, thế nào là sự tu tập như ý túc? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành… tinh tấn định… tâm định… tu tập như ý túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tu tập như ý túc.

6) Này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường đưa đến tu tập như ý túc? Ðây là Thánh đạo tám ngành, tức là chánh tri kiến… chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây là con đường đưa đến sự tu tập như ý túc.

20.X. Phân Tích (S.v,276)

I

1) …

2) — Có bốn như ý túc này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn. Tu tập như thế nào làm cho sung mãn như thế nào, này các Tỷ-kheo, bốn như ý túc này có quả lớn, có lợi ích lớn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành (nghĩ rằng): “Như vậy, dục của ta sẽ không có quá thụ động, sẽ không có quá hăng say, sẽ không co rút phía trong, sẽ không phân tán phía ngoài, an trú với tưởng trước sau đồng đẳng..”. Như vậy, với tâm rộng mở, với tâm không gò bó, với tâm chói sáng, vị ấy tu tập tâm… tinh tấn định… tâm định… tu tập như ý túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành (nghĩ rằng): “Như vậy, tư duy của ta sẽ không quá thụ động..”. Như vậy, với tâm rộng mở, với tâm không gò bó, với tâm chói sáng, vị ấy tu tập tâm.

II

4) Này các Tỷ-kheo, thế nào là dục quá thụ động? Dục nào, này các Tỷ-kheo, đi đôi với biếng nhác, tương ưng với biếng nhác, này các Tỷ-kheo, đây gọi là dục quá thụ động.

5) Này các Tỷ-kheo, thế nào là dục quá hăng say? Dục nào, này các Tỷ-kheo, đi đôi với trạo cử, tương ưng với dao động, này các Tỷ-kheo, đây gọi là dục quá hăng say.

6) Này các Tỷ-kheo, thế nào là dục bị co rút phía trong? Lòng dục nào, này các Tỷ-kheo, đi đôi với hôn trầm thụy miên, tương ưng với hôn trầm thụy miên, này các Tỷ-kheo, đây gọi là dục bị co rút phía trong.

7) Này các Tỷ-kheo, thế nào là dục bị phân tán phía ngoài? Lòng dục nào, này các Tỷ-kheo, hướng về phía ngoài, duyên năm dục công đức, bị phân tán, bị phân ly, này các Tỷ-kheo, đây gọi là dục bị phân tán phía ngoài.

8) Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo trú với tưởng trước sau đồng đẳng, trước thế nào, thời sau như vậy; sau thế nào, thời trước như vậy? Ở đây, này các Tỷ-kheo, tưởng trước sau của Tỷ-kheo được khéo nắm lấy, khéo tác ý, khéo thọ trì, khéo thể nhập với trí tuệ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, trú với tưởng trước sau đồng đẳng, trước thế nào, thời sau như vậy; sau thế nào, thời trước như vậy.

9) Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo trú dưới thế nào, thời trên như vậy; trên thế nào thời dưới như vậy? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán thân này, từ bàn chân trở lên, từ đầu tóc trở xuống, bao bọc bởi da, đều đầy những vật bất tịnh; thân này có tóc, lông, móng, răng, da, thịt, dây gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bao tử, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước mũi, nước ở khớp xương, nước tiểu. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú dưới thế nào, thời trên như vậy; trên thế nào, thời dưới như vậy.

10) Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo trú ban ngày thế nào, thời ban đêm như vậy; ban đêm thế nào, thời ban ngày như vậy? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ban ngày tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành, với hành tướng, đặc tướng, nhân tướng gì, thời ban đêm vị ấy tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành, với hành tướng, đặc tướng, nhân tướng ấy (yehi àkàrehi yehi lingehi yehi nimittehi). Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo trú ban ngày thế nào, thời ban đêm như vậy; ban đêm thế nào, thời ban ngày như vậy.

11) Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo với tâm rộng mở, với tâm không gò bó, với tâm chói sáng, vị ấy tu tập tâm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, quang tưởng (alokasannà) của Tỷ-kheo, được khéo nắm lấy, tưởng ban ngày được khéo an trú. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo với tâm rộng mở, với tâm không gò bó, với tâm chói sáng, vị ấy tu tập tâm.

III.12-19; IV. 20-27; V.28-35.

(Giống như kinh 20 từ đoạn số 3 đến đoạn số 11. Chỉ khác là trước nói đến dục định, nay nói đến tinh tấn định, tâm định và tư duy định).

36) — Tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy, này các Tỷ-kheo, bốn như ý túc này có quả lớn, có lợi ích lớn. Này các Tỷ-kheo, tu tập bốn như ý túc như vậy, làm cho sung mãn như vậy, Tỷ-kheo thực hiện nhiều loại thần thông. Một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân… có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên.

37) Tu tập như vậy, làm cho sung mãn bốn như ý túc như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

 

III. Phẩm Thứ Ba

21.I. Ðạo (S.v,281)

1) Tại Sàvatthi.

2) — Ngày xưa, trước khi Ta giác ngộ, này các Tỷ-kheo, chưa thành Chánh giác, còn là Bồ-tát, Ta suy nghĩ như sau: “Con đường gì, đạo lộ gì để tu tập như ý túc?” Rồi này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ như sau:

3) Tỷ-kheo tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành, nghĩ rằng: “Như vậy, dục của Ta sẽ không quá yếu đuối, sẽ không quá hăng say… với tâm chói sáng tu tập tâm”.

4-5) … tinh tấn định… tâm định…

6) … tu tập như ý túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành, nghĩ rằng: “Như vậy, tư duy của Ta sẽ không quá yếu đuối, sẽ không quá hăng say, sẽ không co rút phía trong, sẽ không phân tán phía ngoài, vị ấy trú với tưởng trước sau đồng đẳng. Trước thế nào, thời sau như vậy; sau thế nào, thời trước như vậy. Dưới thế nào, thời trên như vậy; trên thế nào, thời dưới như vậy. Ngày thế nào, thời đêm như vậy; đêm thế nào, thời ngày như vậy”. Như vậy, với tâm rộng mở, với tâm không gò bó, với tâm chói sáng, vị ấy tu tập tâm.

7) Bốn như ý túc được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, Tỷ-kheo thực hiện nhiều loại thần thông: Một thân hiện thành nhiều thân, nhiều thân hiện thành một thân… có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên.

8) Bốn như ý túc được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, Tỷ-kheo do đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

9) … (Sáu thắng trí được thuyết rộng) …

22.II. Hòn Sắt (S.v,282)

1) Tại Sàvatthi.

2) Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

3) — Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có biết làm thế nào với như ý lực, đi đến Phạm thiên giới với thân do ý làm ra?

— Ta có biết, này Ananda, làm thế nào với như ý lực, đi đến Phạm thiên giới với thân do ý làm ra.

4) — Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có biết làm thế nào với như ý lực, đi đến Phạm thiên giới, với thân do bốn đại tác thành này?

— Ta có biết, này Ananda, làm thế nào với như ý lực, đi đến Phạm thiên giới, với thân do bốn đại tác thành này.

5) — Thế Tôn có thể hóa thân (opapàti) với như ý lực, đi đến Phạm thiên giới với thân do ý làm ra. Thế Tôn có thể rõ biết được với như ý lực, đi đến Phạm thiên giới với thân do bốn đại hợp thành. Như vậy, bạch Thế Tôn, Thế Tôn thật là vi diệu, thật là hy hữu!

— Thật vậy, này Ananda, Như Lai thật là vi diệu, này Ananda, vì Như Lai đầy đủ vi diệu pháp. Như Lai thật hy hữu, này Ananda, vì Như Lai đầy đủ hy hữu pháp.

6) Khi nào, này Ananda, Thế Tôn định thân trên tâm và định tâm trên thân, trong khi nhập vào và an trú lạc tưởng và khinh an tưởng trong thân; trong khi ấy, này Ananda, thân của Như Lai lại càng khinh an hơn, càng nhu nhuyến hơn, càng kham nhận hơn, càng chói sáng hơn.

7) Ví như một hòn sắt (hâm nóng) cả ngày, trở thành nhẹ nhàng hơn, nhu nhuyễn hơn, kham nhận hơn, chói sáng hơn. Cũng vậy, này Ananda, khi nào Thế Tôn định thân trên tâm hay định tâm trên thân; trong khi nhập vào và an trú lạc tưởng và khinh an tưởng trong thân; trong khi ấy, này Ananda, thân của Như Lai lại càng khinh an hơn, nhu nhuyễn hơn, càng kham nhận hơn, càng chói sáng hơn.

8) Trong khi, này Ananda, Thế Tôn định thân trên tâm hay định tâm trên thân, trong khi nhập vào và an trú lạc tưởng và khinh an tưởng trong thân; trong khi ấy, này Ananda, thân của Như Lai không mệt nhọc, từ đất bay bổng lên hư không, và thực hiện nhiều loại thần thông: Một thân hóa thành nhiều thân, nhiều thân hóa thành một thân… tự thân có thể bay đến Phạm thiên giới.

9) Ví như, này Ananda, hoa bông gòn hay hoa cỏ bông dại được gió thổi nhẹ, không mệt nhọc, từ đất bay bổng lên hư không. Cũng vậy, này Ananda, trong khi Thế Tôn định thân trên tâm, hay định tâm trên thân, trong khi nhập vào và an trú lạc tưởng, khinh an tưởng trong thân; trong khi ấy, này Ananda, thân của Như Lai không có gì mệt nhọc, có thể từ đất bay bổng lên hư không, và thực hiện nhiều loại thần thông: Một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân… tự thân có thể bay đến Phạm thiên giới.

23.III. Tỷ kheo (S.v,284)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có bốn như ý túc này. Thế nào là bốn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như túc câu hữu với dục định tinh cần hành… tinh tấn định… tâm định… tu tập như ý túc câu hữy với tư duy định tinh cần hành. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn như ý túc.

3) Nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

24.IV. Thanh Tịnh (S.v,284)

… (Giống như kinh trên 23) …

25.V. Quả (1) (S.v,285)

1) …

2)– Này các Tỷ-kheo, có bốn như ý túc này. Thế nào là bốn?…

3) Tu tập, làm cho sung mãn bốn như ý túc này, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi là một trong hai quả: Ngay hiện tại được chánh trí, hay nếu có dư y, được quả Bất lai.

26.VI. Quả (2) (S.v,285)

1) …

2)– Này các Tỷ-kheo, có bốn như ý túc này. Thế nào là bốn?…

3) Tu tập, làm cho sung mãn bốn như ý túc này, được chờ đợi bảy quả, bảy lợi ích. Thế nào là bảy quả, bảy lợi ích?…

4) Ngay trong hiện tại, lập tức thành tựu chánh trí; nếu ngay trong hiện tại, không lập tức thành tựu chánh trí, thời khi mạng chung, thành tựu chánh trí; nếu khi mạng chung, không thành tựu chánh trí, thì sau khi diệt năm hạ phần kiết sử, được Trung gian Bát-niết-bàn, được Tổn hại Bát-niết-bàn, được Vô hành Niết-hàn, được Hữu hành Niết-bàn, được chứng Thượng lưu, sanh Cứu cánh thiên.

27.VII. Ananda (1) (S.v,285)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn, sau khi đến… ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, thế nào là như ý lực? Thế nào là như ý túc? Thế nào là sự tu tập như ý túc? Thế nào là con đường đưa đến tu tập như ý túc?

(Như trên chương II, kinh 19, từ đoạn số 2 đến đoạn số 6. Nguyên bản trang 276)

28.VIII. Ananda (2) (S.v,285)

1) …

2) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, thế nào là như ý lực? Thế nào là như ý túc? Thế nào là tu tập như ý túc? Thế nào là con đường đưa đến tu tập như ý túc?

(Như trên chương II, kinh 19, từ đoạn số 3 đến đoạn số 6. Nguyên bản trang 276).

29.IX. Tỷ-Kheo (1) (S.v,287)

1) …

2) Rồi nhiều Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn… ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, thế nào là như ý lực? Thế nào là như ý túc? Thế nào là tu tập như ý túc? Thế nào là con đường đưa đến tu tập như ý túc?

3-6) — Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập nhiều loại thần thông: Một thân trở thành nhiều thân… cho đến Phạm thiên. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là con đường đưa đến như ý túc.

30.X. Tỷ-Kheo (2) (S.v,287)

(Như kinh trên 28 chỉ khác là ở đây chỉ cho nhiều Tỷ-kheo)

31. XI. Moggalàna (S.v,288)

1) …

2) Ở đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

3) — Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, tu tập, làm cho sung mãn những pháp nào, Tỷ-kheo Moggalàna có đại thần lực như vậy, có đại uy lực như vậy?

— Bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản…

4) — Do tu tập, làm cho sung mãn bốn như ý túc, Tỷ-kheo Moggalàna có đại thần lực như vậy, có đại uy lực như vậy. Thế nào là bốn?

5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Moggalàna tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành (nghĩ rằng): “Như vậy, dục của ta không quá yếu đuối… với tâm chói sáng, tu tập tâm”.

6-7) … tinh tấn định… tâm định…

8) … tu tập như ý túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành (nghĩ rằng): “Tư duy của ta sẽ không quá yếu đuối, sẽ không quá hăng say, sẽ không co rút phía trong, sẽ không phân tán phía ngoài..”. Như vậy, với tâm rộng mở, với tâm không gò bó, với tâm chói sáng, vị ấy tu tập tâm.

9) Do tu tập, do làm cho sung mãn bốn như ý túc này, Tỷ-kheo Moggalàna có đại thần lực như vậy, đại uy lực như vậy.

10) Do tu tập, do làm cho sung mãn bốn như ý túc này, Tỷ-kheo Moggalàna thực hiện nhiều loại thần thông: Như một thân hiện thành nhiều thân, nhiều thân hiện thành một thân… tự thân có thể bay đến Phạm thiên giới.

11) Do tu tập, làm cho sung mãn bốn như ý túc này, Tỷ-kheo Moggalàna đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

32.XII. Như Lai (S.v,289)

1) …

2) Ở đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

(Giống như kinh 31. Chỉ khác, đây là Như Lai)

 

IV. Phẩm Sông Hằng Rộng Thuyết

33.I – 44 XII (S.v,290-291)

 

V. Phẩm Không Phóng Dật

45 – 54.I-X. (S.v,291)

 

VI. Phẩm Việc Làm Cần Sức Mạnh

55 – 66.I-XII. (S.v,291)

 

VII. Phẩm Tầm Cầu

67 – 76.I-X. (S.v,291)

 

VIII. Phẩm Bộc Lưu

77 – 85.I-IX. (S.v,292)

(Tất cả đoạn này giống các đoạn trước, chỉ khác, ở đây là tu tập bốn như ý túc).