7. PHẨM TRƯỜNG THỌ VƯƠNG
72. KINH TRƯỜNG THỌ VƯƠNG BỔN KHỞI[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại Câu-xá-di[02], trong vườn Cù-sư-la[03]. Bấy giờ các Tỳ-kheo ở Câu-xá-di đã nhiều lần cãi vã nhau. Do đó Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo ở Câu-xá-di rằng:
“Này các Tỳ-kheo, các ngươi chớ cãi vã nhau. Vì sao?
Nếu lấy tranh dứt tranh[04],
Đời nào dứt cho xong.
Nhẫn nhục dứt hận thù,
Đó là pháp tối thượng[05].
“Vì sao? Này các Tỳ-kheo, thuở xưa có vua nước Câu-sa-la, tên là Trường Thọ[06]. Lại có vua nước Gia-xá tên là Phạm-ma-đạt-đa[07]. Hai vị quốc vương này đã nhiều lần gây chiến với nhau. Rồi quốc vương Phạm-ma-đạt-đa dấy quân với bốn loại quân là tượng quân, mã quân, xa quân và bộ quân. Sau khi dấy quân, vua Phạm-ma-đạt-đa đích thân kéo quân đi muốn gây chiến với vua Trường Thọ, nước Câu-sa-la.
“Vua Trường Thọ nước Câu-sa-la nghe tin vua Phạm-ma-đạt-đa nước Gia-xá vừa dấy quân với bốn loại quân là tượng quân, mã quân, xa quân và bộ quân. Sau khi bổ sung quân số cho bốn loại quân ấy, lại muốn giao chiến với mình, vua Trường Thọ nước Câu-sa-la nghe vậy cũng dấy quân với bốn loại quân là tượng quân, mã quân, xa quân và bộ quân. Sau khi dấy bốn loại quân, vua Trường Thọ nước Câu-sa-la đích thân xuất quân dẫn đến tận biên giới, dàn trận giao chiến, tức thời đánh tan quân đối phương. Bấy giờ vua Trường Thọ nước Câu-sa-la bắt trọn bốn loại quân của Phạm-ma-đạt-đa là tượng quân, mã quân xa quân và bộ quân, lại bắt sống vua Phạm-ma-đạt-đa nước Gia-xá. Bắt được liền phóng thích và nói với Phạm-ma-đạt-đa rằng:
“– Ông là nạn nhân cùng đường, nay ta tha cho, sau này chớ gây chiến nữa”.
“Vua Phạm-ma-đạt-đa, nước Gia-xá lại ba lần dấy quân với bốn loại quân là tượng quân, mã quân, xa quân và bộ quân. Sau mỗi lần dấy quân với bốn loại quân, lại đích thân dẫn quân qua gây chiến với vua Trường Thọ, nước Câu-sa-la.
“Vua Trường Thọ nước Câu-sa-la nghe tin vua Phạm-ma-đạt-đa nước Gia-xá vừa dấy quân với bốn loại quân là tượng quân, mã quân, xa quân và bộ quân. Sau khi dấy quân, lại kéo đến gây chiến với mình. vua Trường Thọ nghe tin như vậy liền nghĩ: ‘Ta đánh bại nó, cần gì đánh bại nữa. Ta đã hàng phục nó, nó đâu đủ sức để hàng phục ta. Ta đã hại nó, cần gì phải hại nữa. Ta chỉ cần với một cây cung không cũng đủ hàng phục nó’.
“Vua Trường Thọ, nước Câu-sa-la nghĩ như thế nên an nhiên không cần dấy quân với bốn loại quân là tượng quân, mã quân, xa quân và bộ quân, và tự mình cũng không ra mặt trận.
“Bấy giờ, vua Phạm-ma-đạt-đa nước Gia-xá tiến quân đánh phá, bắt trọn bốn loại quân của vua Trường Thọ nước Câu-sa-la là tượng quân, mã quân, xa quân và bộ quân. Vua Trường Thọ nghe tin Phạm-ma-đạt-đa vua nước Gia-xá đã tiến quân bắt trọn bốn loại quân của mình là tượng quân, mã quân, xa quân và bộ quân, lại nghĩ rằng: ‘Chiến tranh là kỳ quái, chiến tranh là tàn bạo. Vì sao? Vì chiến thắng sẽ bị chiến thắng; chế phục sẽ bị chế phục; tàn hại sẽ bị tàn hại. Vậy ta nay hãy đơn thân dẫn một người vợ cùng đi một cỗ xe, chạy đến Ba-la-nại’.
“Rồi vua Trường Thọ nước Câu-sa-la đơn thân dẫn một người vợ cùng đi trên một cỗ xe, chạy đến Ba-la-nại. Vua Trường Thọ lại nghĩ: ‘Ta nay có lẽ nên từ thôn này qua thôn kia, từ ấp này qua ấp nọ để cầu học rộng nghe nhiều’. Nghĩ vậy, vua Trường Thọ liền từ thôn này qua thôn khác, từ ấp này qua ấp nọ cầu học rộng nghe nhiều. Vì học rộng nghe nhiều nên vua đổi tên là Trường Thọ Bác sĩ.
“Trường Thọ Bác sĩ lại nghĩ: ‘Những gì đáng học ta đã học rồi. Ta nên vào đô ấp Ba-la-nại, đến ở đường này hẻm kia với vẻ mặt tươi cười, tấu lên âm thanh vi diệu. Như vậy, các nhà hào quý ở Ba-la-nại nghe được sẽ vô cùng hoan hỷ và thấy vui thích’. Nghĩ xong, Trường Thọ Bác sĩ vào đô ấp Ba-la-nại, đứng ở đường này hẻm nọ với vẻ mặt tươi cười, tấu lên âm thanh vi diệu nên các nhà hào quý ở Ba-la-nại nghe được đều rất hoan hỷ và lấy làm thỏa thích.
“Lúc ấy, các quyến thuộc của vua Phạm-ma-đạt-đa nước Gia-xá, từ quyến thuộc ngoài xa đến quyến thuộc ở giữa, rồi đến quyến thuộc bên trong và đến Phạm chí quốc sư, tất cả đều nghe. Khi được nghe, Phạm chí quốc sư cho gọi Trường Thọ Bác sĩ đến diện kiến.
“Bấy giờ Trường Thọ Bác sĩ đi đến chỗ Phạm chí quốc sư, đứng quay mặt về phía quốc sư, với vẻ mặt vui tươi, tấu lên âm thanh vi diệu. Sau khi nghe, Phạm chí quốc sư rất hoan hỷ và lấy làm thỏa thích. Phạm chí quốc sư nói với Trường Thọ Bác sĩ:
“– Từ nay ông có thể nương tựa vào ta. Ta sẽ cung cấp cho đầy đủ.
“Trường Thọ Bác sĩ thưa rằng:
“– Thưa Tôn giả, tôi còn có một người vợ, phải làm thế nào?
“Phạm chí quốc sư nói với Bác sĩ:
“– Bác sĩ, ông có thể đem đến ở nhà ta. Ta sẽ cung cấp cho đầy đủ.
“Thế rồi Trường Thọ Bác sĩ dẫn vợ mình đến trú tại nhà Phạm chí quốc sư. Phạm chí quốc sư liền chu cấp đầy đủ.
“Một thời gian sau, vợ của Trường Thọ Bác sĩ trong lòng rầu rĩ[08] nghĩ rằng: ‘Ước gì có bốn loại quân trận với lớp lớp tấm thuẫn[09], tuốt gươm sáng loáng, từ từ đi qua. Ta muốn xem khắp và cũng muốn uống nước mài gươm đao’.
“Vợ của Trường Thọ Bác sĩ nghĩ như vậy rồi, liền nói với Trường Thọ Bác sĩ rằng:
“– Tôi cảm thấy trong lòng rầu rĩ, đang nghĩ thế này: ‘Ước gì có bốn loại quân trận với lớp lớp tấm thuẫn, tuốt gươm sáng loáng từ từ đi qua. Ta muốn xem cùng khắp, lại cũng muốn uống nước mài dao.’
“Trường Thọ Bác sĩ nói với vợ rằng:
“– Khanh chớ nghĩ như vậy. Vì sao? Chúng ta đã bị vua Phạm-ma-đạt-đa đánh bại, khanh nhờ đâu mà thấy được bốn loại quân trận với lớp lớp tấm thuẫn, tuốt gươm sáng loáng từ từ đi qua để khanh xem cùng khắp và khanh lại được uống nước mài dao?
“Bà vợ lại nói:
“– Thưa tôn quân, nếu được như thế thì tôi còn hy vọng sống. Nếu không, chắc chắn phải chết chớ không có gì nghi ngờ nữa[10]
“Trường Thọ Bác sĩ liền đến chỗ Phạm chí quốc sư, đứng quay mặt về phía quốc sư, vẻ mặt sầu thảm, bằng tiếng nói ai oán mà tấu lên các khúc nhạc. Phạm chí quốc sư nghe mà không được hoan hỷ. Bấy giờ Phạm chí quốc sư hỏi rằng:
“– Này Bác sĩ, trước kia, ông đứng quay mặt về phía ta, với vẻ mặt vui tươi mà tấu lên âm thanh vi diệu. Nghe xong ta rất hoan hỷ, lấy làm vui thích. Nay ông vì sao lại đứng quay về phía ta với vẻ mặt sầu thảm, bằng âm thanh ai oán mà tấu lên khúc nhạc, ta nghe không được hoan hỷ. Này Trường Thọ Bác sĩ, thân ông không bệnh hoạn, ý ông không sầu não chứ?
“Trường Thọ Bác sĩ thưa:
“– Thưa Tôn giả, thân tôi không bệnh hoạn nhưng ý tôi sầu não. Tôn giả, vợ tôi trong lòng rầu rĩ, đã nghĩ thế này: ‘Ta muốn bốn loại quân trận với lớp lớp tấm thuẫn, tuốt gươm sáng loáng từ từ đi qua. Ta muốn xem cùng khắp, lại cũng muốn uống nước mài dao’. Tôi liền bảo rằng: ‘Khanh chớ nghĩ như thế. Vì sao? Ta nay thế này, khanh nhờ đâu mà đượïc bốn loại quân trận với lớp lớp tấm thuẫn, tuốt gươm sáng loáng từ từ đi qua để khanh xem cùng khắp và lại cũng được uống nước mài dao?’ Vợ tôi lại nói rằng: ‘Thưa tôn quân, nếu được như thế thì tôi còn hy vọng sống. Nếu không thì chắc chắn sẽ chết, không nghi ngờ gì nữa’. Thưa Tôn giả, nếu vợ tôi mà không toàn mạng thì sao nỡ!
“Phạm chí quốc sư bảo rằng:
“– Này Bác sĩ, vợ ông, ta có thể gặp được không?
“– Thưa Tôn giả, có thể được.
“Thế rồi Phạm chí quốc sư cùng với Trường Thọ Bác sĩ đi đến chỗ bà vợ của Bác sĩ. Bấy giờ vợ của Trường Thọ Bác sĩ mang thai đứa con có đức. Phạm chí quốc sư thấy vợ của Trường Thọ Bác sĩ mang thai đứa con có đức nên quỳ gối bên phải xuống đất, chắp tay hướng về phía vợ của Bác sĩ khen ba lần rằng:
“– Sẽ sanh vua nước Câu-sa-la. Sẽ sanh vua nước Câu-sa-la.
“Rồi lại ra lệnh cho tả hữu không ai được phép tiết lộ cho người ngoài biết.
“Phạm chí quốc sư nói tiếp:
“– Này Bác sĩ, ông chớ ưu sầu. Ta sẽ cho vợ ông được thấy bốn loại quân trận với lớp lớp tấm thuẫn, tuốt gươm sáng loáng từ từ đi qua và cũng được uống nước mài dao.
“Rồi Phạm chí quốc sư đi đến chỗ Phạm-ma-đạt-đa, vua nước Gia-xá, thưa rằng:
“– Tâu Thiên vương, nên biết cho rằng, có vì sao hữu đức xuất hiện. Mong Thiên vương cho dàn bốn loại quân trận với lớp lớp tấm thuẫn, tuốt gươm sáng loáng từ từ diễn hành và biểu dương quân uy bằng nước mài dao. Mong Thiên vương đích thân thị sát. Tâu Thiên vương, nếu làm được như vậy thì chắc chắn có báo ứng tốt.
“Vua Phạm-ma-đạt-đa nước Gia-xá liền ra lệnh cho tướng quân:
“– Các khanh nên biết, có vì sao hữu đức xuất hiện, các khanh hãy tức khắc dàn bốn loại quân trận với lớp lớp tấm thuẫn, tuốt gươm sáng loáng từ từ diễn hành, biểu dương quân uy bằng nước mài dao. Ta sẽ đích thân quan sát. Nếu làm được như vậy thì chắc chắc có báo ứng tốt.
“Bấy giờ tướng quân tuân lệnh vua, dàn bốn loại quân trận với lớp lớp tấm thuẫn, tuốt gươm sáng loáng từ từ diễn hành, biểu dương quân uy bằng nước mài dao. Vua Phạm-ma-đạt-đa liền đích thân thị sát. Nhờ đó, vợ của Trường Thọ Bác sĩ thấy được bốn loại quân trận với lớp lớp tấm thuẫn, tuốt gươm sáng loáng từ từ đi qua để biểu dương và cũng được uống nước mài dao. Sau khi uống nước mài dao, lòng sầu muộn liền tiêu, tiếp đến hạ sanh người con có đức, đặt tên tự là Trường Sanh Đồng tử[11], gởi cho người khác bí mật nuôi nấng và lần hồi lớn khôn.
“Nếu có các vị vua Sát-lợi Đảnh Sanh chỉnh trị thiên hạ với một quốc độ lớn, có đủ các tài nghệ như cỡi voi, chế ngự, dong xe, chơi bắn cung, đánh bằng tay, ném dây, ném móc câu, dong xe, ngồi kiệu, các thứ tài nghệ tuyệt diệu như thế, Trường Sanh Đồng tử đều biết đầy đủû. Với tất cả các loại xảo diệu nào, nếu đụng đến là vượt hẳn mọi người, dũng mãnh và cương nghị hơn đời, thông minh xuất chúng. Bao nhiêu điều bí ẩn sâu xa, không có điều gì là không thông suốt tinh tường.
“Lúc ấy, Phạm-ma-đạt-đa nghe tin Trường Thọ vua nước Câu-sa-la đổi tên là Bác sĩ và đang ở tại Ba-la-nại liền ra lệnh cho tả hữu:
“– Các khanh hãy cấp tốc đến bắt Trường Thọ, vua nước Câu-sa-la, trói thúc ké hai tay, bỏ lên lừa chở đi, đánh trống lớn tiếng như tiếng lừa kêu, tuyên bố cho khắp nơi biết rồi dẫn ra khỏi cửa thành hướng Nam, bắt ngồi dưới cây nêu cao mà cật vấn.
“Cận thần tả hữu vâng lệnh, liền đến bắt Trường Thọ, vua nước Câu-sa-la, trói hai tay ra đằng sau, bỏ lên lừa chở đi, đánh trống lớn tiếng như lừa kêu, tuyên bố cho khắp nơi biết rồi dẫn ra cửa thành phía Nam, bắt ngồi dưới cây nêu cao rồi cật vấn. Lúc ấy, Trường Sanh Đồng tử đi theo cha, lúc bên tả, lúc bên hữu, thưa với cha rằng:
“– Thiên vương chớ sợ. Thiên vương chớ sợ! Con ở đây, chắc chắn cứu được, chắc chắn cứu được.
“Trường Thọ vua nước Câu-sa-la bảo con:
“– Đồng tử nên nhẫn, Đồng tử nên nhẫn! Chớ khởi oán kết mà phải thực hành nhân từ.
“Mọi người nghe vua Trường Thọ nói như vậy liền hỏi:
“– Như vậy nhà vua muốn nói những gì?
“Nhà vua nói:
“– Đồng tử này thông minh, chắc chắn hiểu lời ta nói.
“Thế rồi Trường Sanh Đồng tử khuyên những người hào quý trong thành Ba-la-nại rằng:
“– Chư vị, hãy bố thí tu phước mà chú nguyện cho vua Trường Thọ nước Câu-sa-la. Đem phước thí ấy cầu nguyện cho vua Trường Thọ nước Câu-sa-la được an ổn, giải thoát.
“Bấy giờ các nhà hào quý trong thành Ba-la-nại, theo lời khuyến khích của Trường Sanh Đồng tử, bố thí, tu phước, chú nguyện cho vua Trường Thọ nước Câu-sa-la, đem phước thí ấy cầu nguyện cho vua Trường Thọ an ổn giải thoát.
“Vua Phạm-ma-đạt-đa nước Gia-xá nghe các nhà hào quý trong thành Ba-la-nại này bố thí, tu phước, chú nguyện cho vua Trường Thọ nước Câu-sa-la, đem phước thí ấy cầu nguyện cho vua Trường Thọ được an ổn, giải thoát thì vô cùng sợ hãi, tóc lông dựng đứng, nghĩ rằng: ‘Mong những nhà hào quý trong thành Ba-la-nại này không phản lại ta chăng? Nhưng hãy gác lại việc kia, nay ta trước hết phải cấp tốc tiêu diệt sự việc này’.
“Rồi vua Phạm-ma-đạt-đa nước Gia-xá hạ lệnh cho tả hữu:
“– Các khanh hãy cấp tốc đi giết vua Trường Thọ nước Câu-sa-la, chặt ra làm bảy đoạn.
“Cận thần tả hữu vâng lệnh, liền đi giết vua Trường Thọ, chặt thành bảy đoạn. Bấy giờ Trường Sanh Đồng tử nói với các nhà hào quý trong thành Ba-la-nại rằng:
“– Các vị xem đấy, vua nước Gia-xá Phạm-ma-đạt-đa tàn ác vô đạo. Nó chặt cha ta, vua Trường Thọ nước Câu-sa-la là người vô tội. Nó cướp đoạt kho tàng, tài sản của nước ta. Vì thù hận cay độc mà giết người, chặt thành bảy đoạn một cách oan uổng. Các vị nên đến dùng lụa mới, quấn nhiều lớp, bọc kín thi hài bảy đoạn, liệm cho cha ta; dùng tất cả các cây hương thơm chất đống để hỏa táng và lập miếu đường để thờ. Phải vì cha ta mà gởi thơ cho Phạm-ma-đạt-đa, nói rằng, Trường Sanh Đồng tử con vua nước Câu-sa-la báo cho vua biết, ngươi không sợ sau này con cháu gieo họa cho chăng?’
“Rồi thì những nhà hào quý ở thành Ba-la-nại theo lời khuyên của Trường Sanh Đồng tử, dùng lụa mới xếp nhiều lớp liệm lấy thi hài bảy đoạn ấy, dùng các loại hương thơm chất đống hỏa táng rồi lập miếu mà thờ, và cũng viết thơ gởi cho Phạm-ma-đạt-đa, nói rằng: ‘Trường Sanh Đồng tử, con vua nước Câu-sa-la bảo rằng, ngươi không sợ sau này bị con cháu gieo họa cho chăng?’
“Bấy giờ vợ của vua Trường Thọ nói với Trường Sanh Đồng tử:
“– Con nên biết, vua nước Gia-xá là Phạm-ma-đạt-đa, là kẻ tàn bạo, vô đạo, bắt cha con là vua Trường Thọ nước Câu-sa-la là người vô tội, cướp đoạt kho tàng, tài sản của nước con, lại vì thù hận cay độc giết người, chặt ra bảy đoạn một cách oan uổng. Này Đồng tử, con hãy đến đây cùng ta, dong một chiếc xe chạy ra khỏi Ba-la-nại này. Nếu không đi thì tai họa sẽ đến với con.
“– Thế rồi vợ của Trường Thọ cùng với Đồng tử cùng dong một chiếc xe chạy ra khỏi Ba-la-nại. Bấy giờ Trường Sanh Đồng tử nghĩ rằng: ‘Ta nên đến thôn này, qua thôn kia để cầu học rộng nghe nhiều’.
“Nghĩ xong, Trường Sanh Đồng tử liền đi từ thôn này qua thôn nọ để cầu học rộng nghe nhiều. Vì học rộng nghe nhiều, nên đổi tên khác là Trường Sanh Bác sĩ.
“Trường Sanh Bác sĩ lại nghĩ: ‘Điều cầu học ta đã học xong, có lẽ ta nên vào đô ấp Ba-la-nại, đứng ở đường này hẻm nọ với vẻ mặt tươi cười, tấu lên âm thanh vi diệu. Như vậy các nhà hào quý ở Ba-la-nại nghe được sẽ hoan hỷ và cảm thấy vui thích’.
“Nghĩ vậy, Trường Sanh Bác sĩ liền vào đô ấp Ba-la-nại đứng ở đường này hẻm nọ với vẻ mặt vui tươi, tấu lên âm thanh vi diệu. Các nhà hào quý ở Ba-la-nại nghe được, hoan hỷ vô cùng và cảm thấy vui thích.
“Bấy giờ các quyến thuộc của vua Phạm-ma-đạt-đa nước Gia-xá, từ quyến thuộc ngoài xa đến quyến thuộc khoảng giữa và quyến thuộc bên trong, Phạm chí quốc sư, lần hồi thấu đến tai vua Phạm-ma-đạt-đa nước Gia-xá. Sau khi nghe đến, vua liền gọi vào diện kiến.
“Thế rồi Trường Sanh Bác sĩ đi đến chỗ vua Phạm-ma-đạt-đa nước Gia-xá, đứng quay về phía nhà vua với vẻ mặt tươi cười, tấu lên bằng âm thanh vi diệu. Vua Phạm-ma-đạt-đa nước Gia-xá nghe như thế hoan hỷ vô cùng, lấy làm vui thích, rồi vua Phạm-ma-đạt-đa nói với Bác sĩ rằng:
“– Khanh từ nay có thể nương tựa vào ta. Ta sẽ cung cấp cho đầy đủ.
“Khi ấy, Trường Sanh Bác sĩ nương tựa vào nhà vua và được cung cấp đầy đủ. Về sau nhà vua lại hết lòng tín nhiệm, giao phó công việc, đem kiếm hộ thân trao cho Trường Sanh Bác sĩ.
“Bấy giờ vua Phạm-ma-đạt-đa nước Gia-xá bảo người đánh xe:
“– Ngươi hãy sửa soạn xa giá. Ta muốn đi săn bắn.
“Người đánh xe vâng lời, sửa soạn xa giá xong, trở lại tâu rằng:
“– Con đã sửa soạn xa giá xong, xin theo ý Thiên vương.
“Thế rồi vua Phạm-ma-đạt-đa nước Gia-xá và Trường Sanh Bác sĩ cùng ngồi vào cỗ xe ra đi. Trường Sanh Bác sĩ nghĩ rằng: ‘Phạm-ma-đạt-đa vua nước Gia-xá tàn bạo, vô đạo. Nó bắt cha ta là vua Trường Thọ nước Câu-sa-la là người vô tội, lại cướp đoạt kho tàng, tài sản của ta, và vì thù hận cay độc mà giết người, chặt ra bảy đoạn một cách oan uổng. Ta nay nên đánh xe tách ra khỏi bốn loại quân, đi đến một nơi khác’.
“Bấy giờ vua Phạm-ma-đạt-đa nước Gia-xá vì vất vả trải qua con đường lầy lội, gió nóng bức bách nên cảm thấy khát nước, mệt nhọc quá đổi, muốn nằm, liền xuống xe, gối vào đầu gối của Trường Sanh Bác sĩ mà ngủ. Trường Sanh Bác sĩ nghĩ rằng: ‘Phạm-ma-đạt-đa vua nước Gia-xá này vô đạo, tàn bạo. Nó bắt cha ta là vua Trường Thọ nước Câu-sa-la là người vô tội, lại cướp đoạt kho tàng, tài sản của nước ta và vì thù hận cay độc mà giết người chặt ra bảy đoạn một cách oan uổng. Thế mà ngày nay nó đã nằm trong tay ta, ta phải báo oán’. Trường Sanh Bác sĩ nghĩ như vậy, liền tuốt gươm báu, dí vào cổ Phạm-ma-đạt-đa vua nước Gia-xá mà nói rằng:
“– Nay ta giết ngươi! Nay ta giết ngươi!
“Trường Sanh Bác sĩ lại nghĩ: ‘Ta không làm đúng. Vì sao? Nhớ lại ngày trước, ngồi dưới cây nêu cao, vào phút sắp lâm chung, cha ta đã bảo ta rằng: ‘Đồng tử hãy nhẫn, Đồng tử hãy nhẫn. Chớ khởi oán kết mà phải thực hành nhân từ’.’ Nhớ lại như vậy, Bác sĩ bèn thu gươm, tra vào vỏ.
“Trong lúc đó, vua Phạm-ma-đạt-đa nước Gia-xá mộng thấy Trường Sanh Đồng tử, con vua Trường Thọ nước Câu-sa-la tay cầm gươm bén dí vào cổ mình mà nói rằng: ‘Nay ta giết ngươi! Nay ta giết ngươi’. Thấy vậy, vua sợ hãi, tóc lông dựng đứng, liền kinh hoàng chợt tỉnh, nói với Trường Sanh Bác sĩ:
“– Ngươi nay nên biết, ta ở trong mộng, thấy Trường Sanh Đồng tử, con vua Trường Thọ nước Câu-sa-la tay cầm kiếm bén dí vào cổ ta, nói rằng: ‘Nay ta giết ngươi! Nay ta giết ngươi!’ Nghe xong, Trường Sanh Đồng tử thưa rằng:
“– Thiên vương chớ sợ. Thiên vương chớ sợ. Vì sao? Trường Sanh Đồng tử, con vua Trường Thọ nước Câu-sa-la chính là thần đây. Thiên vương, thần nghĩ rằng: ‘Phạm-ma-đạt-đa, vua nước Gia-xá tàn bạo, vô đạo, bắt cha ta, một người vô tội, lại cướp đoạt kho tàng, tài sản của nước ta, và vì thù hận cay độc mà giết cha ta, chặt người ra làm bảy đoạn một cách oan uổng, mà nay chính nó đã nằm trong tay ta, ta nghĩ phải báo oán’. Tâu Thiên vương, thần liền rút gươm dí vào cổ Thiên vương mà nói rằng: ‘Nay ta giết ngươi! Nay ta giết ngươi!’ Thiên vương, thần lại nghĩ: ‘Ta làm không đúng. Vì sao? Nhớ ngày trước, ngồi dưới cây nêu cao, vào phút sắp lâm chung, cha ta đã bảo rằng: ‘Đồng tử hãy nhẫn, Đồng tử hãy nhẫn! Chớ khởi oán kết mà phải thực hành nhân từ’.’ Nhớ lại như vậy nên thần thu gươm tra vào vỏ’.
“Vua Phạm-ma-đạt-đa nước Gia-xá nói rằng:
“– Này Đồng tử, khanh nói rằng: ‘Đồng tử hãy nhẫn, Đồng tử hãy nhẫn”, ta đã rõ nghĩa ấy. Nhưng Đồng tử lại nói: ‘Chớ khởi oán kết, mà phải thực hành nhân từ’, là nghĩa thế nào?
“Trường Sanh Đồng tử đáp:
“– Tâu Thiên vương, chớ khởi oán kết mà phải thực hành nhân từ, chính là việc làm này vậy.
“Nghe xong, vua Phạm-ma-đạt-đa nước Gia-xá nói rằng:
“– Này Đồng tử, từ ngày hôm nay ta đem đất nước mà ta đang chỉnh lãnh trao hết cho khanh. Vì sao? Vì khanh đã làm một việc quá khó là đã ban ân huệ cho mạng sống của ta.
“Trường Sanh Đồng tử nghe vậy liền thưa:
“– Bổn quốc của Thiên vương thì thuộc về Thiên vương. Bổn quốc của thân phụ hạ thần thì mới có thể giao hoàn lại cho hạ thần.
“Bấy giờ, vua Phạm-ma-đạt-đa nước Gia-xá cùng với Trường Sanh Đồng tử lên xe trở về, vào thành Ba-la-nại, ngồi trên chánh điện, vua bảo các cận thần:
“– Này các khanh, nếu bắt gặp Trường Sanh Đồng tử, con vua Trường Thọ nước Câu-sa-la thì các khanh sẽ xử sự như thế nào?
“Cận thần nghe vậy, có người tâu rằng:
“– Tâu thiên vương, nếu bắt gặp nó thì sẽ chặt tay.
“Có người lại tâu:
“– Tâu Thiên vương, nếu bắt gặp nó thì chặt chân.
“Có người tâu:
“– Tâu Thiên vương, nếu bắt gặp nó thì giết.
“Vua Phạm-ma-đạt-đa nước Gia-xá nói rằng:
“– Các khanh, muốn gặp Trường Sanh Đồng tử, con vua Trường Thọ nước Câu-sa-la thì ở đây này. Các khanh chớ khởi ác ý với Đồng tử này. Vì sao? Vì Đồng tử đã làm một việc rất khó là đã tha mạng sống cho ta.
“Thế rồi vua Phạm-ma-đạt-đa nước Gia-xá dùng nước tắm của vua tắm gội cho Trường Sanh Đồng tử, cho thoa bằng bột hương của vua, cho mặc y phục của vua, mời ngồi lên ngự sàng bằng vàng, đích thân vua Phạm-ma-đạt-đa và vợ con trở về bổn quốc.
“Này Tỳ-kheo, các quốc vương Sát-lợi Đảnh Sanh ấy làm chủ đại quốc, chỉnh trị thiên hạ mà tự thực hành hạnh nhẫn nhục; tự thực hành từ tâm, lại xưng tán từ tâm; tự ban ân huệ, lại xưng tán ân huệ. Này chư Tỳ-kheo, các Tỳ-kheo cũng nên làm như vậy, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo; nên thực hành hạnh nhẫn nhục, lại xưng tán nhẫn nhục; tự thực hành từ tâm, lại xưng tán từ tâm; tự ban ân huệ, lại xưng tán ân huệ”.
“Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Đức Phật thuyết như vậy, có vị bạch rằng:
“Thế Tôn là Pháp chủ. Nay mong Thế Tôn cứ ở yên vậy. Vị ấy nói hành con, con làm sao không nói hành vị ấy được[12]“. Lúc đó, Đức Thế Tôn không vui vì việc làm của các Tỳ-kheo Câu-xá-di, với những oai nghi, lễ tiết mà họ đã học, đã tập. Ngài từ chỗ ngồi đứng dậy, nói bài kệ tụng:
Với bao nhiêu lời nói,
Phá hoại chúng tối tôn.
Khi phá hoại Thánh Chúng,
Không ai can dứt nổi.
Nát thân và mất mạng,
Kẻ cướp đoạt ngựa trâu,
Tài sản, và quốc gia,
Họ còn hay hòa thuận;
Huống ngươi vài tiếng cãi
Sao không chịu thuận hòa?
Không suy chân nghĩa xa,
Oán kết làm sao giải?
Mạ lỵ, trách nhau mãi
Mà biết chế, thuận hòa;
Nếu suy chân nghĩa xa
Oán kết tất giải được.
Thù hận dứt hận thù,
Đời nào dứt cho xong.
Nhẫn nhục dứt hận thù,
Đó là pháp tối thượng.
Sân với bậc thượng trí,
Nói toàn lời vô lại,
Phỉ báng Thánh Mâu-ni,
Thấp hèn không chút tuệ.
Người khác không rõ nghĩa,
Riêng ta biết mà thôi.
Người rõ nghĩa là ai?
Người này dứt sân nhuế.
Ai đắc định làm bạn,
Kẻ trí, thiện cùng tu;
Xả ý chấp xưa kia
Hoan hỷ thường theo đến.
Không đắc định làm bạn,
Kẻ trí thiện riêng tu;
Như vua nghiêm trị nước;
Như voi lẻ rừng vắng.
Độc hành, chớ làm ác,
Như voi lẻ rừng vắng.
Độc hành trên nẻo cao,
Đừng hội kẻ vô đức.
Học: “Không gặp bạn tốt,
Không cùng ai ngang mình;
Hãy cô độc chuyên tinh
Đừng hội kẻ vô đức.”[13]
Lúc Đức Thế Tôn thuyết bài tụng này xong, Ngài dùng như ý túc cỡi hư không mà đi đến thôn Bà-la-lâu-la[14]. Ở thôn Bà-la-lâu-la có Tôn giả Bà-cửu Thích Gia Tử[15], ngày đêm không ngủ, tinh cần hành đạo, chí thành thường định tĩnh, an trú trong đạo phẩm. Tôn giả Thích Gia Tử từ xa trông thấy Đức Thế Tôn đi đến, khi đã trông thấy liền nghinh tiếp, đỡ lấy y bát của Ngài, trải giường, múc nước rửa chân. Đức Phật rửa chân xong, Ngài lên chỗ ngồi của Thích Gia Tử Bà-cửu. Ngồi xong, Ngài nói:
“Tỳ-kheo Bà-cửu, ngươi thường an ổn, không hề thiếu thốn chăng?”
Tôn giả Bà-cửu trả lời:
“Bạch Thế Tôn, con thường an ổn, không có thiếu thốn”.
Đức Thế Tôn lại hỏi:
“Thế nào là an ổn, không có thiếu thốn?”
Tôn giả Bà-cửu đáp:
“Bạch Thế Tôn, con ngày đêm không ngủ, tinh tấn hành đạo, chí hành thường định tĩnh, an ổn vào đạo phẩm. Bạch Thế Tôn, như vậy con thường an ổn, không có thiếu thốn”.
Đức Thế Tôn lại nghĩ: “Thiện nam tử này sống cuộc đời an lạc. Ta nên thuyết pháp cho y”. Nghĩ vậy, Ngài liền thuyết pháp cho Tôn giả Bà-cửu, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ.
Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ cho vị ấy, Ngài từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến rừng Hộ tự[16]. Vào rừng Hộ tự, đến dưới gốc cây Ngài trải Ni-sư-đàn ngồi kiết già. Lúc ấy, Đức Thế Tôn lại nghĩ rằng: “Ta đã thoát được nhóm Tỳ-kheo ở Câu-xá-di, một nhóm luôn luôn tranh chấp nhau, chèn ép nhau, thù nghịch nhau, giận hờn nhau, cãi vã nhau. Ta không hoan hỷ nghĩ đến phương ấy, nơi mà nhóm Tỳ-kheo Câu-xá-di đang trú”.
Ngay lúc đó có một con voi, chúa của đàn voi, tách rời đàn, du hành một mình, cũng đến rừng Hộ tự. Vào rừng Hộ tự, đến đứng dưới cây Hiền-sa-la[17]. Khi ấy, voi chúa nghĩ rằng: “Ta đã thoát được bọn voi kia, voi cha, voi mẹ, voi con lớn nhỏ. Bọn voi ấy thường đi trước dẫm lên cỏ và làm vấy bẩn nước. Ta bấy giờ ăn cỏ bị dẫm đạp ấy, uống nước vẫn đục kia. Ta nay ăn cỏ mới, uống nước trong”.
Lúc ấy, Đức Thế Tôn bằng tha tâm trí biết ý nghĩ trong lòng voi lớn kia, liền nói bài tụng:
Một voi với đàn voi,
Cũng vóc, ngà, chân đủ.
Tâm này như tâm kia,
Rừng sâu vui độc trú.
Khi ấy, Đức Thế Tôn từ rừng Hộ tự mang y cầm bát đi đến rừng Ban-na-mạn-xà-tự[18]. Bấy giờ có ba thiện nam tử trú trong rừng Ban-na-mạn-xà-tự, là: Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Nan-đề, Tôn giả Kim-tì-la[19]. Các Tôn giả ấy sống như vầy: Nếu ai khất thực trở về trước, thì trải giường, múc nước để rửa chân, để sẵn chậu, đặt sẵn đòn rửa chân và khăn lau chân, lu nước uống. Nếu những gì khất thực có thể dùng hết thì dùng hết, nếu còn dư thì đổ vào hủ đậy kín cất. Ăn xong, dọn bát, cất, rửa tay chân, lấy Ni-sư-đàn vắt lên vai, vào thất tĩnh tọa. Ai khất thực về sau, nếu dùng hết thì dùng, nếu thiếu thì lấy đồ ăn khất thực được của người trước dùng cho đủ. Nếu dư thì đổ vào đất sạch hay nước không có trùng, rồi đem bình bát rửa sạch, lau khô và cất vào một góc, thu dọn giường chiếu, dẹp đòn rửa chân và lu nước uống, ghè nước rửa tay và quét dọn nhà ăn. Sau khi tẩy sạch những nhơ nhớp ấy thì thu xếp y bát, rửa tay chân, lấy Ni-sư-đàn vắt lên vai, vào thất tĩnh tọa. Đến lúc xế, các Tôn giả ấy, nếu có vị nào từ chỗ tĩnh tọa dậy trước, thấy lu nước uống và ghè nước rửa tay trống rỗng, không có nước, thì mang đi lấy. Nếu xách về nổi thì xách đến để một góc, nếu xách không nổi thì lấy tay vẫy một Tỳ-kheo nữa, mỗi người khiêng một bên, không ai nói chuyện với nhau. Các Tôn giả ấy cứ năm ngày tụ tập lại một lần, cùng nhau bàn về pháp và im lặng theo pháp bậc Thánh.
Bấy giờ, người giữ rừng trông thấy Đức Thế Tôn từ xa đi đến, bèn đón và quở ngăn rằng:
“Sa-môn! Sa-môn chớ vào rừng này. Vì sao? Nay trong rừng này có ba thiện nam tử, đó là Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Nan-đề và Tôn giả Kim-tì-la. Các vị ấy trông thấy Sa-môn, chắc họ không vừa ý”.
Đức Thế Tôn bảo rằng:
“Này người giữ rừng, các vị kia nếu thấy Ta, chắc chắn không có gì không vừa ý”.
Ngay lúc đó, Tôn giả A-na-luật-đà, từ xa trông thấy Đức Thế Tôn đi đến, liền quở trách người kia:
“Này người giữ rừng, chớ ngăn cản Đức Thế Tôn. Này người giữ rừng, chớ ngăn cản Đức Thiện Thệ đang đi đến. Vì sao? Vì đó là Tôn sư của tôi đến! Là Đức Thiện Thệ của tôi đến!”
Tôn giả A-na-luật-đà ra nghênh đón Đức Thế Tôn, đỡ y bát của Ngài. Tôn giả Nan-đề trải giường cho Đức Phật. Tôn giả Kim-tì-la lấy nước cho Ngài. Khi ấy, Đức Thế Tôn sau khi rửa chân xong, ngồi lên chỗ mà Tôn giả ấy đã trải. Ngồi xong, Ngài hỏi:
“Này A-na-luật-đà, ngươi thường an ổn, không có gì thiếu thốn chăng?
Tôn giả A-na-luật-đà đáp:
“Bạch Thế Tôn, con thường an ổn, không có gì thiếu thốn”.
Đức Thế Tôn lại hỏi:
“Như thế nào là an ổn, không có gì thiếu thốn?”
Tôn giả A-na-luật-đà đáp:
“Bạch Thế Tôn, con nghĩ rằng, con có thiện lợi, có đại công đức, nghĩa là con được cùng tu hành với các vị đồng phạm hạnh như thế. Bạch Thế Tôn, con thường hướng về các vị đồng phạm hạnh ấy, thực hành hạnh từ nơi thân nghiệp, trước mặt hay vắng mặt đều như nhau; thực hành hạnh từ nơi khẩu nghiệp, hạnh từ nơi ý nghiệp, trước mặt hay vắng mặt đều như nhau không khác. Bạch Thế Tôn, con nay có thể tự nghĩ rằng: ‘Tự xả bỏ tâm con, tùy thuận tâm chư Hiền’. Bạch Thế Tôn, con liền xả bỏ tâm con, tùy thuận tâm chư Hiền. Bạch Thế Tôn, con chưa từng có một điều nào là không vừa lòng. Bạch Thế Tôn, con thường an ổn, không có gì thiếu thốn là như thế”.
Đức Thế Tôn hỏi Tôn giả Nan-đề, Tôn giả cũng đáp như thế.
Đức Thế Tôn lại hỏi Tôn giả Kim-tì-la:
“Ngươi thường an ổn, không có gì thiếu thốn chăng?”
Tôn giả Kim-tì-la đáp:
“Bạch Thế Tôn, con thường an ổn, không có gì thiếu thốn”.
Đức Thế Tôn lại hỏi:
“Này Kim-tì-la, thế nào là thường an ổn, không có gì thiếu thốn?”
Tôn giả Kim-tì-la đáp:
“Bạch Thế Tôn, con nghĩ rằng, con có thiện lợi, có đại công đức, nghĩa là con được cùng tu hành với các vị đồng phạm hạnh như thế. Bạch Thế Tôn, con thường hướng về các vị đồng phạm hạnh ấy, thực hành hạnh từ nơi thân nghiệp, trước mặt hay vắng mặt đều như nhau; thực hành hạnh từ nơi khẩu nghiệp, hạnh từ nơi ý nghiệp, trước mặt hay vắng mặt đều như nhau không khác. Bạch Thế Tôn, con nay có thể tự nghĩ rằng: ‘Tự xả bỏ tâm con, tùy thuận tâm chư Hiền’. Bạch Thế Tôn, con liền xả bỏ tâm con, tùy thuận tâm chư Hiền. Bạch Thế Tôn, con chưa từng có một điều nào là không vừa lòng. Bạch Thế Tôn, con thường an ổn, không có gì thiếu thốn là như thế”.
Đức Thế Tôn tán thán:
“Lành thay! Lành thay! A-na-luật-đà, như thế các ngươi thường cùng nhau hòa hợp, an lạc, không tranh, cùng hiệp nhất trong một tâm, một Thầy, như nước với sữa, và có chứng đắc pháp thượng nhân mà sống an lạc thoải mái chăng[20]?”
Tôn giả A-na-luật-đà bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, chúng con cùng nhau hòa hợp không tranh, cùng hợp nhất trong một tâm, chung một Thầy, như nước với sữa, và có chứng đắc pháp thượng nhân mà sống an lạc thoải mái. Bạch Thế Tôn, chúng con nhận được ánh sáng liền thấy sắc[21]. Giây lát, sắc được thấy kia và ánh sáng liền biến mất”.[22]
Đức Thế Tôn nói:
“Này A-na-luật-đà, các ngươi không thấu triệt được tướng ấy; nghĩa là tướng nhận được ánh sáng mà thấy sắc; giây lát, sắc được thấy kia và ánh sáng liền biến mất.
“Này A-na-luật-đà, thuở xưa lúc Ta chưa đắc đạo giác ngộ vô thượng chánh chân, cũng nhận được ánh sáng mà thấy sắc. Giây lát, sắc được thấy kia và ánh sáng liền biến mất. A-na-luật-đà, Ta nghĩ: ‘Trong tâm Ta có tai hoạn nào khiến cho Ta mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà Ta nhận được để thấy sắc, giây lát sắc được thấy sắc và ánh sáng ấy liền diệt?’ A-na-luật-đà, Ta hành tinh tấn, không biếng nhác, thân tĩnh chỉ an trú, có chánh niệm chánh trí, không có ngu si, được tĩnh chỉ nhất tâm. Này A-na-luật-đà, Ta nghĩ rằng: ‘Ta hành tinh tấn, không biếng nhác, tĩnh chỉ nơi thân, có chánh niệm chánh trí, an trú, không có si, được định tĩnh nhất tâm. Phải chăng trong đời không có gì[23] để Ta thấy, để Ta biết chăng?’ Trong tâm Ta sanh tai hoạn về hoài nghi ấy. Nhân tai hoạn của hoài nghi ấy nên mất định mà con mắt diệt. Con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà Ta nhận được để thấy sắc; giây lát sắc được thấy sắc và ánh sáng ấy liền diệt. A-na-luật-đà, nay Ta nên nghĩ rằng: ‘Trong tâm Ta không sanh tai hoạn của hoài nghi’. A-na-luật-đà, vì Ta muốn không sanh tai hoạn này nên sống cô độc viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn. Nhân sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn nên nhận được ánh sáng mà thấy sắc; giây lát, sắc dược thấy kia và ánh sáng liền biến mất.
“Này A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: ‘Trong tâm Ta có tai hoạn nào khiến cho Ta mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà Ta nhận được để thấy sắc, giây lát sắc được thấy sắc và ánh sáng ấy liền diệt?’ A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: ‘Trong tâm Ta sanh tai hoạn về vô niệm. Nhân tai hoạn của vô niệm này nên mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà Ta nhận được để thấy sắc, giây lát sắc được thấy sắc và ánh sáng ấy liền diệt’. A-na-luật-đà, Ta nay cần phải nghĩ rằng: ‘Trong tâm Ta không sanh tai hoạn về hoài nghi, cũng không sanh tai hoạn về vô niệm’. A-na-luật-đà, Ta muốn không móng khởi tai hoạn này nên sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn. Nhân sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn nên nhận được để thấy sắc, giây lát sắc được thấy sắc và ánh sáng ấy liền diệt.
“Này A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: ‘Trong tâm Ta có tai hoạn nào khiến cho Ta mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà Ta nhận được để thấy sắc, giây lát sắc được thấy sắc và ánh sáng ấy liền diệt?’A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: ‘Trong tâm Ta sanh tai hoạn về thân bệnh tưởng. Nhân tai hoạn của thân bệnh tưởng này nên mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà Ta nhận được để thấy sắc, giây lát sắc được thấy sắc và ánh sáng ấy liền diệt’. A-na-luật-đà, Ta nay cần phải nghĩ rằng: ‘Trong tâm Ta không sanh tai hoạn về hoài nghi, không sanh tai hoạn về vô niệm, cũng không sanh tai hoạn về thân bệnh tưởng’. A-na-luật-đà, Ta muốn không móng khởi tai hoạn này nên sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn. Nhân sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn nên nhận được để thấy sắc, giây lát sắc được thấy sắc và ánh sáng ấy liền diệt.
“Này A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: ‘Trong tâm Ta có tai hoạn nào khiến cho Ta mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà Ta nhận được để thấy sắc, giây lát sắc được thấy sắc và ánh sáng ấy liền diệt?’A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: ‘Trong tâm Ta sanh tai hoạn về thụy miên. Nhân tai hoạn của thụy miên này nên mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà Ta nhận được để thấy sắc, giây lát sắc được thấy sắc và ánh sáng ấy liền diệt’. A-na-luật-đà, Ta nay cần phải nghĩ rằng: ‘Trong tâm Ta không sanh tai hoạn về hoài nghi, không sanh tai hoạn về vô niệm, không sanh tai hoạn về thân bệnh tưởng, cũng không sanh tai hoạn về thụy miên’. A-na-luật-đà, Ta muốn không móng khởi tai hoạn này nên sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn. Nhân sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn nên nhận được để thấy sắc, giây lát sắc được thấy sắc và ánh sáng ấy liền diệt.
“Này A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: ‘Trong tâm Ta có tai hoạn nào khiến cho Ta mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà Ta nhận được để thấy sắc, giây lát sắc được thấy sắc và ánh sáng ấy liền diệt?’A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: ‘Trong tâm Ta sanh tai hoạn về tinh cần thái quá. Nhân tai hoạn của tinh cần thái quá này nên mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà Ta nhận được để thấy sắc, giây lát sắc được thấy sắc và ánh sáng ấy liền diệt’. A-na-luật-đà, cũng như lực sĩ bắt con ruồi quá ngặt, con ruồi liền chết. Cũng vậy, A-na-luật-đà, trong tâm Ta sanh tai hoạn về tinh cần thái quá. Nhân tai hoạn của tinh cần thái quá này nên mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà Ta nhận được để thấy sắc, giây lát sắc được thấy sắc và ánh sáng ấy liền diệt. A-na-luật-đà, Ta nay cần phải nghĩ rằng: ‘Trong tâm Ta không sanh tai hoạn về hoài nghi, không sanh tai hoạn về vô niệm, không sanh tai hoạn về thân bệnh tưởng, không sanh tai hoạn về thụy miên, cũng không sanh tai hoạn về tinh cần thái quá’. A-na-luật-đà, Ta muốn không móng khởi tai hoạn này nên sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn. Nhân sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn nên nhận được để thấy sắc, giây lát sắc được thấy sắc và ánh sáng ấy liền diệt.
“Này A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: ‘Trong tâm Ta có tai hoạn nào khiến cho Ta mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà Ta nhận được để thấy sắc, giây lát sắc được thấy sắc và ánh sáng ấy liền diệt?’ A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: ‘Trong tâm Ta sanh tai hoạn về giải đãi thái quá. Nhân tai hoạn của giải đãi thái quá này nên mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà Ta nhận được để thấy sắc, giây lát sắc được thấy sắc và ánh sáng ấy liền diệt’. A-na-luật-đà, cũng như lực sĩ bắt con ruồi quá hoãn, con ruồi bèn bay mất. Cũng vậy, A-na-luật-đà, trong tâm Ta sanh tai hoạn về giải đãi thái quá. Nhân tai hoạn của giải đãi thái quá này nên mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà Ta nhận được để thấy sắc, giây lát sắc được thấy sắc và ánh sáng ấy liền diệt. A-na-luật-đà, Ta nay cần phải nghĩ rằng: ‘Trong tâm Ta không sanh tai hoạn về hoài nghi, không sanh tai hoạn về vô niệm, không sanh tai hoạn về thân bệnh tưởng, không sanh tai hoạn về thụy miên, không sanh tai hoạn về tinh cần thái quá, cũng không sanh tai hoạn về giải đãi thái quá’. A-na-luật-đà, Ta muốn không móng khởi tai hoạn này nên sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn. Nhân sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn nên nhận được để thấy sắc, giây lát sắc được thấy sắc và ánh sáng ấy liền diệt.
“Này A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: ‘Trong tâm Ta có tai hoạn nào khiến cho Ta mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà Ta nhận được để thấy sắc, giây lát sắc được thấy sắc và ánh sáng ấy liền diệt?’A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: ‘Trong tâm Ta sanh tai hoạn về sợ hãi. Nhân tai hoạn của sợ hãi này nên mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà Ta nhận được để thấy sắc, giây lát sắc được thấy sắc và ánh sáng ấy liền diệt’. A-na-luật-đà, cũng như một người đang đi đường, kẻ thù từ bốn phía kéo đến; người kia thấy vậy, kinh khủng sợ hãi, toàn thân lông tóc dựng đứng. Cũng vậy, A-na-luật-đà, trong tâm Ta sanh tai hoạn về sợ hãi. Nhân tai hoạn của sợ hãi này nên mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà Ta nhận được để thấy sắc, giây lát sắc được thấy sắc và ánh sáng ấy liền diệt. A-na-luật-đà, Ta nay cần phải nghĩ rằng: ‘Trong tâm Ta không sanh tai hoạn về hoài nghi, không sanh tai hoạn về vô niệm, không sanh tai hoạn về thân bệnh tưởng, không sanh tai hoạn về thụy miên, không sanh tai hoạn về tinh cần thái quá, không sanh tai hoạn về giải đãi thái quá, cũng không sanh tai hoạn về sợ hãi’. A-na-luật-đà, Ta muốn không móng khởi tai hoạn này nên sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn. Nhân sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn nên nhận được để thấy sắc, giây lát sắc được thấy sắc và ánh sáng ấy liền diệt.
“Này A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: ‘Trong tâm Ta có tai hoạn nào khiến cho Ta mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà Ta nhận được để thấy sắc, giây lát sắc được thấy sắc và ánh sáng ấy liền diệt?’ A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: ‘Trong tâm Ta sanh tai hoạn về hỷ duyệt. Nhân tai hoạn của hỷ duyệt này nên mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà Ta nhận được để thấy sắc, giây lát sắc được thấy sắc và ánh sáng ấy liền diệt’. A-na-luật-đà, cũng như người đi tìm một kho báu; bỗng nhiên được cả bốn kho báu; thấy như vậy rồi, người ấy sanh hỷ duyệt. Cũng vậy, A-na-luật-đà, trong tâm Ta sanh tai hoạn về hỷ duyệt. Nhân tai hoạn của hỷ duyệt này nên mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà Ta nhận được để thấy sắc, giây lát sắc được thấy sắc và ánh sáng ấy liền diệt. A-na-luật-đà, Ta nay cần phải nghĩ rằng: ‘Trong tâm Ta không sanh tai hoạn về hoài nghi, không sanh tai hoạn về vô niệm, không sanh tai hoạn về thân bệnh tưởng, không sanh tai hoạn về thụy miên, không sanh tai hoạn về tinh cần thái quá, không sanh tai hoạn về giải đãi thái quá, không sanh tai hoạn về sợ hãi, cũng không sanh tai hoạn về hỷ duyệt’. A-na-luật-đà, Ta muốn không móng khởi tai hoạn này nên sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn. Nhân sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn nên nhận được để thấy sắc, giây lát sắc được thấy sắc và ánh sáng ấy liền diệt.
“Này A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: ‘Trong tâm Ta có tai hoạn nào khiến cho Ta mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà Ta nhận được để thấy sắc, giây lát sắc được thấy sắc và ánh sáng ấy liền diệt?’ A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: ‘Trong tâm Ta sanh tai hoạn về tâm tự cao. Nhân tai hoạn của tâm tự cao này nên mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà Ta nhận được để thấy sắc, giây lát sắc được thấy sắc và ánh sáng ấy liền diệt’. A-na-luật-đà, Ta nay cần phải nghĩ rằng: ‘Trong tâm Ta không sanh tai hoạn về hoài nghi, không sanh tai hoạn về vô niệm, không sanh tai hoạn về thân bệnh tưởng, không sanh tai hoạn về thụy miên, không sanh tai hoạn về tinh cần thái quá, không sanh tai hoạn về giải đãi thái quá, không sanh tai hoạn về sợ hãi, không sanh tai hoạn về hỷ duyệt, cũng không sanh tai hoạn về tâm tự cao’. A-na-luật-đà, Ta muốn không móng khởi tai hoạn này nên sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn. Nhân sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn nên nhận được để thấy sắc, giây lát sắc được thấy sắc và ánh sáng ấy liền diệt.
“Này A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: ‘Trong tâm Ta có tai hoạn nào khiến cho Ta mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà Ta nhận được để thấy sắc, giây lát sắc được thấy sắc và ánh sáng ấy liền diệt?’ A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: ‘Trong tâm Ta sanh tai hoạn về đa dạng tưởng[24]. Nhân tai hoạn của đa dạng tưởng này nên mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà Ta nhận được để thấy sắc, giây lát sắc được thấy sắc và ánh sáng ấy liền diệt’. A-na-luật-đà, Ta nay cần phải nghĩ rằng: ‘Trong tâm Ta không sanh tai hoạn về hoài nghi, không sanh tai hoạn về vô niệm, không sanh tai hoạn về thân bệnh tưởng, không sanh tai hoạn về thụy miên, không sanh tai hoạn về tinh cần thái quá, không sanh tai hoạn về giải đãi thái quá, không sanh tai hoạn về sợ hãi, không sanh tai hoạn về hỷ duyệt, không sanh tai hoạn về tâm tự cao, cũng không sanh tai hoạn về đa dạng tưởng’. A-na-luật-đà, Ta muốn không móng khởi tai hoạn này nên sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn. Nhân sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn nên nhận được để thấy sắc, giây lát sắc được thấy sắc và ánh sáng ấy liền diệt.
“Này A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: ‘Trong tâm Ta có tai hoạn nào khiến cho Ta mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà Ta nhận được để thấy sắc, giây lát sắc được thấy sắc và ánh sáng ấy liền diệt?’ A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: ‘Trong tâm Ta sanh tai hoạn về không quán sắc. Nhân tai hoạn của không quán sắc này nên mất định mà con mắt diệt; con mắt diệt rồi thì ánh sáng mà Ta nhận được để thấy sắc, giây lát sắc được thấy sắc và ánh sáng ấy liền diệt’. A-na-luật-đà, Ta nay cần phải nghĩ rằng: ‘Trong tâm Ta không sanh tai hoạn về hoài nghi, không sanh tai hoạn về vô niệm, không sanh tai hoạn về thân bệnh tưởng, không sanh tai hoạn về thụy miên, không sanh tai hoạn về tinh cần thái quá, không sanh tai hoạn về giải đãi thái quá, không sanh tai hoạn về sợ hãi, cũng không sanh tai hoạn về hỷ duyệt, cũng không sanh tai hoạn về tâm tự cao, cũng không sanh tai hoạn về đa dạng tưởng, cũng không sanh tai hoạn về không quán sắc’. A-na-luật-đà, Ta muốn không móng khởi tai hoạn này nên sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn. Nhân sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn nên nhận được để thấy sắc, giây lát sắc được thấy sắc và ánh sáng ấy liền diệt.
“Này A-na-luật-đà, nếu tâm Ta sanh tai hoạn về nghi, đối với tai hoạn đó, tâm được thanh tịnh. Nếu sanh tai hoạn về vô niệm, về bệnh tưởng của thân, về thụy miên, về tinh cần thái quá, giải đãi thái quá, về sợ hãi, về hỷ duyệt, về tâm tự cao, về đa dạng tưởng, về tâm không quán sắc, đối với những tai hoạn đó, tâm được thanh tịnh.
“Này A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ rằng: ‘Ta phải tu học về ba định, là tu học về định có giác có quán, tu học về định không giác ít quán[25], tu học về định không giác không quán’. A-na-luật-đà, Ta liền tu học ba định ấy, là tu học về định có giác có quán, tu học về định không giác ít quán, tu học về định không giác không quán. Nếu Ta tu học về định có giác có quán thì tâm liền thuận hướng đến định không giác ít quán, như vậy Ta chắc chắn không mất trí và kiến này. Như vậy, khi Ta đã biết như thế rồi, suốt ngày suốt đêm, rồi suốt đêm suốt ngày, Ta tu học về định có giác có quán. A-na-luật-đà, Ta lúc bấy giờ thực hành trụ chỉ này. Nếu Ta tu học về định có giác có quán, tâm liền thuận hướng đến định không giác không quán. Như vậy, chắc chắn Ta không mất trí và kiến này. Này A-na-luật-đà, như vậy, ta đã biết như thế rồi nên suốt ngày suốt đêm, rồi suốt đêm suốt ngày, tu học về định có giác có quán. Này A-na-luật-đà, bấy giờ Ta thực hành an trú tĩnh chỉ này.
“Này A-na-luật-đà, nếu Ta tu học về định không giác ít quán, tâm liền thuận hướng định có giác có quán. Như vậy, ta chắc chắn không mất trí kiến này. Này A-na-luật-đà, Ta biết như thế rồi, nên suốt ngày suốt đêm, suốt ngày lẫn đêm tu học về định không giác ít quán. Này A-na-luật-đà, Ta bấy giờ thực hành hạnh tĩnh chỉ này. Nếu Ta tu học về định không giác ít quán, tâm liền thuận hướng đến định không giác, không quán. Như thế, Ta chắc chắn không mất trí và kiến này. Này A-na-luật-đà, do đó Ta biết như thế rồi nên suốt ngày suốt đêm tu học về định không giác ít quán. Này A-na-luật-đà, bấy giờ Ta thực hành hạnh an trú tĩnh chỉ này.
“Này A-na-luật-đà, nếu Ta tu học về định không giác không quán, tâm liền thuận hướng đến định có giác có quán. Như thế, Ta chắc chắn không mất trí kiến này. Do Ta đã biết như thế, nên suốt ngày suốt đêm, suốt ngày lẫn đêm tu học về định không giác không quán. Này A-na-luật-đà, Ta bấy giờ thực hành hạnh an trú tĩnh chỉ này. Này A-na-luật-đà, nếu Ta tu học về định không giác không quán thì tâm liền thuận hướng đến định không giác ít quán. Như thế, Ta không mất trí và kiến này. Này A-na-luật-đà, do Ta đã biết như thế rồi nên suốt ngày suốt đêm, suốt ngày lẫn đêm tu học về định không giác không quán. Này A-na-luật-đà, Ta bấy giờ thực hành hạnh an trú tĩnh chỉ này.
“Này A-na-luật-đà, có lúc Ta biết ánh sáng mà không thấy sắc. A-na-luật-đà, Ta nghĩ rằng: ‘Do nhân nào, do duyên nào Ta biết ánh sáng mà không thấy sắc?’ A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ rằng: ‘Nếu Ta niệm tướng của ánh sáng, không niệm tướng của sắc thì bấy giờ Ta biết ánh sáng mà không thấy sắc’. Như vậy, Ta biết như thế rồi nên suốt ngày suốt đêm, suốt ngày lẫn đêm biết ánh sáng mà không thấy sắc. Này A-na-luật-đà, Ta bấy giờ thực hành hạnh an trú tĩnh chỉ này.
“Này A-na-luật-đà, có lúc Ta thấy sắc mà không biết ánh sáng. A-na-luật-đà, Ta nghĩ rằng: ‘Do nhân nào, do duyên nào Ta thấy sắc mà không biết ánh sáng?’ A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ rằng: ‘Nếu Ta niệm tướng của sắc mà không niệm tướng của ánh sáng thì bấy giờ Ta biết sắc mà không biết ánh sáng’. Này A-na-luật-đà, Ta biết như thế rồi nên suốt ngày suốt đêm, suốt ngày lẫn đêm Ta biết sắc mà không biết ánh sáng. Này A-na-luật-đà, bấy giờ Ta thực hành hạnh an trú tĩnh chỉ này.
“Này A-na-luật-đà, có lúc Ta biết một phần ánh sáng ít, cũng thấy một phần sắc. A-na-luật-đà, Ta liền nghĩ: ‘Do nhân nào, do duyên nào Ta biết được một phần ánh sáng, cũng thấy một phần sắc?’ Ta lại nghĩ: ‘Nếu Ta nhập định một phần ít; Ta nhập định một phần nên nhãn căn thanh tịnh một phần ít. Vì nhãn căn thanh tịnh một phần ít nên Ta biết ánh sáng một phần, cũng thấy sắc một phần ít”. A-na-luật-đà, Ta biết như thế rồi nên suốt ngày suốt đêm, suốt ngày lẫn đêm, biết ánh sáng một phần ít và thấy sắc một phần ít. Này A-na-luật-đà, bấy giờ Ta thực hành hạnh an trú tĩnh chỉ này.
“Này A-na-luật-đà, có lúc Ta biết ánh sáng rộng rãi, cũng thấy sắc rộng rãi. A-na-luật-đà, Ta nghĩ rằng: ‘Do duyên nào, do nhân nào Ta biết ánh sáng rộng rãi, cũng thấy ánh sáng rộng rãi’. Ta lại nghĩ: ‘Nếu Ta nhập định rộng rãi, nhờ nhập định rộng rãi nên nhãn căn thanh tịnh rộng rãi. Nhờ nhãn căn thanh tịnh rộng rãi nên Ta biết ánh sáng rộng rãi, cũng thấy sắc rộng rãi’. A-na-luật-đà, Ta biết như thế rồi nên suốt ngày suốt đêm, suốt ngày lẫn đêm biết ánh sáng rộng rãi, cũng thấy sắc rộng rãi. Này A-na-luật-đà, bấy giờ Ta thực hành hạnh an trú tĩnh chỉ này.
“Này A-na-luật-đà, nếu trong tâm ta sanh tai hoạn về nghi, đối với tai hoạn ấy trong tâm Ta đã đoạn trừ, được thanh tịnh. Với vô niệm, thân bệnh tưởng, thụy miên, tinh cần thái quá, giải đãi thái quá, sợ hãi, hỷ duyệt, tâm tự cao, đa dạng tưởng, và sanh tai hoạn về không quán sắc, đối với những tai hoạn ấy tâm được thanh tịnh. Tu học, cực tu học về định có giác có quán; tu học, cực tu học về định không giác ít quán; tu học, cực tu học về định không giác không quán; tu học, cực tu học về định thuần nhất; tu học, cực tu học về định hỗn hợp[26]; tu học, cực tu học về định một phần ít; tu học, cực tu học về định quảng vô lượng[27]. Ta có trí và kiến thanh tịnh, sáng suốt vô cùng, hướng đến an trú vào định, tinh cần tu tập đạo phẩm, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Này A-na-luật-đà, bấy giờ Ta thực hành trụ chỉ ấy”.
Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Nan-đề, Tôn giả Kim-tì-la sau khi nghe những lời Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Bản Hán, quyển 17. Tương đương Pāli M. 128. Upakkilessa-suttaṃ. Hán, biệt dịch No.125 (24.8). Một cuộc tranh chấp lớn đã xảy ra giữa Tăng chúng tại Kosambī, mà Phật đích thân giải quyết nhưng vô hiệu, và Ngài đã phải từ bỏ Tăng chúng, vào sống trong núi một mình cho đến khi cuộc tranh chấp phải chấm dứt. Vụ tranh chấp này trở thành một số lớn điển hình của Luật tạng, được ghi thành chương mục hẳn hòi. Tứ Phần Luật gọi là “Câu-diệm-di Kiền-độ” (No.1428, trang 879 – 885). Thập Tụng Luật gọi là “Câu-xá-di pháp” (DTK.1435, trang 214 – 218). Mahāvagga ghi thành chương Kosambakakkhanda. Kinh này là một cách Phật dùng để chấm dứt sự tranh chấp ấy.
[02] Câu-xá-di 拘 舍 彌. No.1428: Câu-diệm-di, Pāli: Kosambī, một trong 16 nước lớn thời Phật, thủ phủ là Vaṃsā, ở phía Bắc Kosala.
[03] Cù-sư-la viên 瞿 師 羅 園. Pāli: Ghositārāma, một tinh xá được dựng do Ghosita.
[04] Tránh 諍, cãi lộn, tranh chấp. Pāli: Dham. vera, oán hận, thù nghịch.
[05] Xem Pháp cú (Dham.5). Bản Pāli đối chiếu không ghi bài kệ này và câu chuyện tiền thân dưới đây cũng không.
[06] Câu-sa-la Quốc vương Trường Thọ 拘 娑 羅 國 王 長 夀. Chuyện tiền thân này cũng được tìm thấy trong bản Trường Thọ Vương kinh (No.161, trang 386 – 388). Pāli: Dīghīti.
[07] Gia-xá Quốc vương danh Phạm-ma-đạt-đa 加 赦 國 王 名 梵 摩 達 哆. Pāli: Kāsī, Brahmadatta.
[08] No.125 (24.8) nói có thai.
[09] Lổ bạc 鹵 簿; loại thuẫn lớn khi vua xuất trận.
[10] No.125 (24.8): bà có thai và chiêm bao thấy như vậy. Trong vòng bảy ngày sẽ sanh, nếu không thấy đúng như chiêm bao nhất định phải chết.
[11] Trường Sanh Đồng tử 長 生 童 子. Pāli: Dīghāyu, hay là Dīghāvu.
[12] No.125 (24.8): “Thế Tôn tuy có nói như vậy nhưng thực tế lại không thể như vậy. Rồi Thế Tôn bỏ đi sang Bạt-kỳ”.
[13] Các tụng này cũng được tìm thấy trong Dhammapada và được dẫn trong bản sớ giải Dhammapada: sau khi không hòa giải được, Phật một mình đi vào rừng Pārilleyya. Tại đây, Ngài sống với một con voi chúa cũng cô độc bỏ đàn mà đi. Đến lúc cuộc tranh chấp phải chấm dứt, ngài A-nan lên thỉnh Phật trở về. Voi chúa tiễn Ngài ra khỏi khu rừng và đã khóc vì nó không thể xuống đồng bằng. Phật nói các câu tụng trên vào lúc này, với ý nghĩa: trong đời, nếu không có bạn lành, thà sống một mình cô độc trong rừng vắng còn hơn.
[14] Bà-la-lâu-la thôn 婆 羅 樓 羅 村. Pāli: Bālakaloṇakāragama.
[15] Bà-cửu 婆 咎. Pāli: Bhagu, dòng họ Thích, xuất gia một lần với các ngài Anuruñha và Kimbila. Một hôm vừa bước khỏi giường, ngài cảm thấy hỏng chân, cố gượng và do đó chợt chứng quả A-la-hán.
[15] Bà-cửu 婆 咎. Pāli: Bhagu, dòng họ Thích, xuất gia một lần với các ngài Anuruñha và Kimbila. Một hôm vừa bước khỏi giường, ngài cảm thấy hỏng chân, cố gượng và do đó chợt chứng quả A-la-hán.
[16] Rừng Hộ tự 護 寺 林. Pāli: Rakkhitavanasaiña. Sớ giải Dhammapada: từ Ghositārāma, Phật đi thẳng vào Parrileyya. Xem thêm cht.13 trên.
[17] Hiền-sa-la 賢 娑 羅. Pāli: bhaddasāla.
[18] Ban-na-mạn-xà-tự lâm 般 那 蔓 闍 寺 林. Pāli: Pācīnavaṃsadāya.
[19] Xem kinh số 185.
[20] Nguyên văn Hán: phả đắc nhân thượng chi pháp nhi hữu sai giáng an lạc trụ chỉ da 頗 得 人 上 之 法 而 有 差 降 安 樂 住 止. Pāli: alamariyañāṇadassanaviseso adhigato phāsuvihāro ti, chứng đắc tri kiến tối thắng của bậc Thánh và sống an lạc thoải mái.
[21] Hán: đắc quang minh tiện kiến sắc. Đối chiếu nghĩa Pāli: obhāsañ ceva saṃjānāma dassanañ ca rūpānaṃ, chúng con cảm nhận ánh sáng và sự hiện diện của các sắc.
[23] Để bản: vô đạo 無 道. Tống-Nguyên-Minh: vô thị 無 是.
[24] Nguyên Hán: nhược can tưởng 若 干 想.
[25] Nguyên văn: vô giác thiểu quán; nhưng thông thường: vô tầm duy từ, tức không giác duy chỉ có quán.
[26] Tạp định, từ lúc nhập cho đến lúc xuất, lần lượt đi từ định này sang định khác. Khác với Nhất hướng định, định thuần túy, từ lúc nhập cho đến lúc xuất chỉ một loại định.
[27] Có bốn giới hạn về đối tượng của định: giới hạn nhỏ, giới hạn lớn, giới hạn vô hạn và hoàn toàn ra ngoài giới hạn. Thường nói Tứ tưởng, xem Tập Dị 6 (No.1536, Đại 26, trang 292 a).
-ooOoo-
73. KINH THIÊN[01] Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại Chi-đề-sấu, trong rừng Thủy chử[02].
Bấy giờ Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Thuở xưa, lúc Ta chưa đắc đạo giác ngộ vô thượng chánh chân, bấy giờ Ta nghĩ rằng: ‘Ta làm sao để được ánh sáng, nhân ánh sáng ấy mà thấy hình sắc. Như vậy, trí và kiến của ta sẽ cực kỳ minh tịnh’. Vì để có trí và cực kỳ minh tịnh ấy mà Ta sống cô độc tại một nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần. Ta nhân sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần nên chứng đắc ánh sáng, liền thấy sắc. Nhưng Ta chưa cùng với chư Thiên kia tụ hội, cùng chào hỏi, cùng luận thuyết, cùng đối đáp.
“Ta lại nghĩ rằng: ‘Ta làm sao để đắc được ánh sáng. Nhân ánh sáng ấy mà hấy hình sắc và cùng chư Thiên kia tụ hội, cùng chào hỏi, cùng luận thuyết, cùng đối đáp. Như vậy trí và kiến của Ta sẽ cực kỳ minh tịnh. Vì để có trí và kiến cực kỳ minh tịnh này mà Ta sống tại nơi xa vắng, cô độc, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần. Ta nhân sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần nên được ánh sáng, liền thấy hình sắc, cùng chư Thiên kia tụ hội, cùng chào hỏi nhau, cùng luận thuyết, cùng đối đáp, nhưng Ta không biết chư Thiên kia có họ như thế nào, tên như thế nào, sanh như thế nào.
“Ta lại nghĩ rằng: ‘Ta làm sao để được ánh sáng. Nhân ánh sáng ấy mà thấy hình sắc và cùng chư Thiên kia tụ hội, cùng chào hỏi nhau, cùng luận thuyết, cùng đối đáp và cũng biết chư Thiên kia có họ như vậy, tên như vậy và sanh như vậy. Như thế, trí và kiến của Ta cực kỳ minh tịnh’. Vì để có trí và kiến cực kỳ minh tịnh này mà Ta sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần. Nhân sống cô độc tại nơi xa vắng, tu hành tinh cần, liền thấy được ánh sáng và cùng chư Thiên kia tụ hội, chào hỏi nhau, cùng luận thuyết, cùng đối đáp và cũng biết được chư Thiên ấy danh tánh như vậy, tên tự như vậy và sanh như vậy. Nhưng Ta không biết chư Thiên kia ăn như thế nào, thọ khổ lạc như thế nào.
“Ta lại nghĩ rằng: ‘Ta làm sao để được ánh sáng, nhân ánh sáng ấy mà thấy hình sắc và cùng chư Thiên tụ hội, chào hỏi nhau, cùng luận thuyết, cùng đối đáp, biết chư Thiên ấy có họ như vậy, tên như vậy, sanh như vậy và cũng biết chư Thiên ấy ăn như vậy, thọ khổ lạc như vậy. Như thế trí và kiến của Ta sẽ cực kỳ minh tịnh’. Vì để có trí và kiến cực kỳ minh tịnh này mà Ta sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần. Nhân sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần, Ta được ánh sáng, liền thấy hình sắc và cùng chư Thiên tụ hội, cùng chào hỏi nhau, cùng luận thuyết, cùng đối đáp, cũng biết chư Thiên ấy có họ như vậy, tên như vậy và sanh như vậy; và cũng biết chư Thiên ấy ăn như vậy, thọ khổ lạc như vậy. Nhưng Ta không biết chư Thiên ấy trường thọ như thế nào, tồn tại lâu như thế nào, mạng tận như thế nào.
“Ta lại nghĩ rằng: ‘Ta làm sao để được ánh sáng, nhân ánh sáng ấy mà thấy hình sắc và cùng chư Thiên tụ hội, cùng chào hỏi nhau, cùng luận thuyết, cùng đối đáp, biết chư Thiên ấy có họ như vậy, tên như vậy, sanh như vậy, cũng biết chư Thiên ấy ăn như vậy, thọ khổ lạc như vậy; cũng biết chư Thiên ấy trường thọ như thế, tồn tại lâu như thế, mạng tận như thế. Như thế trí và kiến của Ta sẽ cực kỳ minh tịnh’. Vì để có trí và kiến cực kỳ minh tịnh này mà Ta sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần. Nhân sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần, Ta được ánh sáng, liền thấy hình sắc và cùng chư Thiên tụ hội, cùng chào hỏi nhau, cùng luận thuyết, cùng đối đáp, cũng biết chư Thiên ấy có họ như vậy, tên như vậy, sanh như vậy; biết chư Thiên ấy ăn như vậy, thọ khổ lạc như vậy; và cũng biết chư Thiên ấy trường thọ như vậy, tồn tại lâu như vậy, mạng tận như vậy. Nhưng Ta không biết chư Thiên ấy tạo nghiệp như thế nào, đã chết nơi này và sanh nơi kia như thế nào.
“Ta lại nghĩ rằng: ‘Ta làm sao để được ánh sáng, nhân ánh sáng ấy mà thấy hình sắc và cùng chư Thiên kia tụ hội, cùng chào hỏi nhau, cùng luận thuyết, cùng đối đáp, biết chư Thiên ấy có họ như vậy, tên như vậy, sanh như vậy, biết chư Thiên ấy ăn như vậy, thọ khổ lạc như vậy; biết chư Thiên ấy trường thọ như vậy, tồn tại lâu như vậy, mạng tận như vậy; và cũng biết chư Thiên ấy tạo nghiệp như vậy, chết nơi này và sanh nơi kia như vậy. Như thế trí và kiến của Ta sẽ cực kỳ minh tịnh’. Vì để có trí và kiến cực kỳ minh tịnh này mà Ta sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần. Nhân sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần, Ta được ánh sáng, liền thấy hình sắc và cùng chư Thiên kia tụ hội, cùng chào hỏi nhau, cùng luận thuyết, cùng đối đáp, biết chư Thiên ấy có họ như vậy, tên như vậy, sanh như vậy; biết chư Thiên ấy ăn như vậy, thọ khổ lạc như vậy; biết chư Thiên ấy trường thọ như vậy, tồn tại lâu như vậy, mạng tận như vậy; và cũng biết chư Thiên ấy tạo nghiệp như vậy, chết nơi này và sanh nơi kia như vậy. Nhưng Ta không biết chư Thiên ấy ở trong những cõi trời nào.
“Ta lại nghĩ rằng: ‘Ta làm sao để được ánh sáng, nhân ánh sáng ấy mà thấy hình sắc và cùng chư Thiên tụ hội, cùng chào hỏi nhau, cùng luận thuyết, cùng đối đáp, biết chư Thiên ấy có họ như vậy, tên như vậy, sanh như vậy, biết chư Thiên ấy ăn như vậy, thọ khổ lạc như vậy; biết chư Thiên ấy trường thọ như vậy, tồn tại lâu như vậy, mạng tận như vậy; biết chư Thiên ấy tạo nghiệp như vậy, chết nơi này và sanh nơi kia như vậy; và cũng biết chư Thiên ở trong các cõi trời ấy. Như thế trí và kiến của Ta sẽ cực kỳ minh tịnh’. Vì để có trí và kiến cực kỳ minh tịnh này mà Ta sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần. Ta nhân sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần, nên được ánh sáng, liền thấy hình sắc và cùng chư Thiên kia tụ hội, cùng chào hỏi nhau, cùng luận thuyết, cùng đối đáp, biết chư Thiên ấy có họ như vậy, tên như vậy, sanh như vậy; biết chư Thiên ấy ăn như vậy, thọ khổ lạc như vậy; biết chư Thiên ấy trường thọ như vậy, tồn tại lâu như vậy, mạng tận như vậy; biết chư Thiên ấy tạo nghiệp như vậy, chết nơi này và sanh nơi kia như vậy; và cũng biết chư Thiên ở trong những cõi trời ấy. Nhưng Ta không biết Ta đã từng sanh vào cõi đó hay chưa từng sanh vào cõi đó.
“Ta lại nghĩ rằng: ‘Ta làm sao để được ánh sáng, nhân ánh sáng ấy mà thấy hình sắc và cùng chư Thiên tụ hội, cùng chào hỏi nhau, cùng luận thuyết, cùng đối đáp, biết chư Thiên ấy có họ như vậy, tự như vậy, sanh như vậy, biết chư Thiên ấy ăn như vậy, thọ khổ lạc như vậy; biết chư Thiên ấy trường thọ như vậy, tồn tại lâu như vậy, mạng tận như vậy; biết chư Thiên ấy tạo nghiệp như vậy, chết nơi này và sanh nơi kia như vậy; biết chư Thiên ở trong các cõi trời ấy; và cũng biết ở cõi trời ấy Ta đã từng sanh vào hay chưa từng sanh vào. Như thế trí và kiến của Ta sẽ cực kỳ minh tịnh”. Vì để có trí và kiến cực kỳ minh tịnh này mà Ta sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần. Ta nhân sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần, nên được ánh sáng, liền thấy hình sắc và cùng chư Thiên kia tụ hội, cùng chào hỏi nhau, cùng luận thuyết, cùng đối đáp, biết chư Thiên ấy có họ như vậy, tên như vậy, sanh như vậy; biết chư Thiên ấy ăn như vậy, thọ khổ lạc như vậy; biết chư Thiên ấy trường thọ như vậy, tồn tại lâu như vậy, mạng tận như vậy; biết chư Thiên ấy tạo nghiệp như vậy, đã chết nơi này và sanh nơi kia như vậy; biết chư Thiên ở trong những cõi trời ấy; và cũng biết ở cõi trời ấy Ta đã từng sanh vào.
“Nếu Ta không biết một cách chân chánh tám hành[03] này thì không thể nói được một cách xác định, cũng không biết Ta đắc đạo giác ngộ vô thượng chánh chân; đối với chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí ở thế gian này Ta không thể siêu việt lên trên; Ta cũng không đắc giải thoát với những sự giải thoát sai biệt. Ta cũng chưa lìa các đảo điên, chưa biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.
“Nếu Ta biết được một cách chân chánh tám hành này thì mới có thể nói được một cách xác định, cũng biết rằng Ta đã đắc đạo giác ngộ vô thượng chánh chân, đối với chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, Ta siêu việt lên trên. Ta cũng chứng đắc giải thoát với những sự giải thoát sai biệt; tâm Ta đã xa lìa các điên đảo, biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.”
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Bản Hán, quyển 18. Tương đương Pāli, A. 8. 64. Gayā.
[02] Chi-đề-sấu, Thủy chử lâm 枝 提 瘦 水 渚 林. Bản Pāli: gayāyaṃ vaharati gayāsīse, trú tại thôn Gayā, trong núi Gayāsīsa.
[03] Bát hành 八 行. Pāli: aṭṭhaparivaṭṭaṃ adhidevañaṇadassanaṃ, tri kiến về chư Thiên với tám sự lưu chuyển.
-ooOoo-
74. KINH BÁT NIỆM[1] Tôi nghe như vầy.
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Bà-kì-sấu[02], ở rừng Bố trong núi Ngạc, trong vườn Lộc dã[03].
Bấy giờ Tôn giả A-na-luật-đà ở tại Chi-đề-sấu, trong rừng Thủy chử[04]. Tôn giả A-na-luật-đà ở chỗ yên tĩnh, tĩnh tọa tư duy, tâm nghĩ rằng: “Đạo chứng đắc từ vô dục, chứ chẳng phải từ hữu dục. Đạo chứng đắc từ tri túc, chứ không phải là không nhàm chán. Đạo chứng đắc từ viễn ly, chứ không phải từ sự ưa tụ hội, không phải từ sự sống tụ hội, không phải từ sự hội hợp tụ hội. Đạo chứng đắc từ sự tinh cần, chứ không phải từ sự biếng nhác. Đạo chứng đắc từ chánh niệm, chứ không phải từ tà niệm. Đạo chứng đắc từ định ý, chứ không phải từ loạn ý. Đạo chứng đắc từ trí tuệ, chứ không phải từ ngu si”.
Lúc ấy, Đức Thế Tôn bằng tha tâm trí biết Tôn giả A-na-luật-đà đang niệm gì, đang tư gì, đang hành gì. Sau khi đã biết, Đức Thế Tôn nhập định có hình thái như thế[05]. Với định có hình thái như thế, trong khoảnh khắc như người lực sĩ co duỗi cánh tay, cũng thế, Đức Thế Tôn từ Bà-kì-sấu, từ rừng Bố trong núi Ngạc, trong vườn Lộc dã, bỗng biến mất, liền xuất hiện trước mặt Tôn giả A-na-luật-đà tại Chi-đề-sấu. Bấy giờ, Đức Thế Tôn xuất định, tán thán Tôn giả A-na-luật-đà rằng:
“Lành thay! Lành thay! A-na-luật-đà, ngươi ở chỗ yên tĩnh, ngồi tĩnh tọa tư duy, tâm đã nghĩ thế này: ‘Đạo chứng đắc từ vô dục, chứ chẳng phải từ hữu dục. Đạo chứng đắc từ tri túc, chứ không phải là không nhàm chán. Đạo chứng đắc từ viễn ly, chứ không phải từ sự ưa tụ hội, không phải từ sự sống tụ hội, không phải từ sự hội hợp tụ hội. Đạo chứng đắc từ sự tinh cần, chứ không phải từ sự biếng nhác. Đạo chứng đắc từ chánh niệm, chứ không phải từ tà niệm. Đạo chứng đắc từ định ý, chứ không phải từ loạn ý. Đạo chứng đắc từ trí tuệ, chứ không phải từ ngu si’.
“Này A-na-luật-đà, ngươi hãy nghe Như Lai, lãnh thọ thêm suy niệm thứ tám của bậc Đại nhân[06]. Sau khi lãnh thọ liền tư duy rằng: ‘Đạo chứng đắc từ chỗ không hý luận[07], ưa sự không hý luận, hành sự không hý luận, chứ không phải từ chỗ hý luận, không phải từ chỗ ưa hý luận, không phải từ chỗ hành hý luận’.
“Này A-na-luật-đà, nếu ngươi thành tựu tám suy niệm của bậc Đại nhân, chắc chắn ngươi có thể ly dục, ly ác, ly bất thiện pháp, cho đến chứng đắc Tứ thiền, thành tựu an trụ.
“Này A-na-luật-đà, nếu ngươi thành tựu tám suy niệm của bậc Đại nhân này, lại chứng đắc bốn tăng thượng tâm này, sống an lạc ngay trong hiện tại, dễ được chứ không khó, thì cũng như vua và đại thần có hòm đẹp đựng đầy các loại y phục đẹp, buổi sáng muốn mặc liền lấy mặc; buổi trưa, buổi chiều, muốn mặc liền lấy mặc, tùy ý tự tại, này A-na-luật-đà, ngươi cũng vậy, được y phấn tảo, làm y phục bậc nhất, tâm ngươi vô dục, sống với trụ chỉ hành này.
“Này A-na-luật-đà, nếu ngươi thành tựu tám suy niệm của bậc Đại nhân, lại chứng đắc bốn tăng thượng tâm này nữa, sống an lạc ngay trong đời hiện tại, dễ được không khó, thì cũng như vua và vương thần có cai bếp làm các thức ăn ngon lành mỹ diệu, này A-na-luật-đà, ngươi cũng vậy, thường sống bằng món ăn khất thực làm món ăn độc nhất, tâm ngươi vô dục, sống với trụ chỉ hành này.
“Này A-na-luật-đà, nếu ngươi thành tựu tám suy niệm của bậc Đại nhân, lại cũng chứng đắc bốn tăng thượng tâm này nữa, sống an lạc ngay trong đời hiện tại này, dễ được chứ không khó, thì cũng như vua và vương thần có nhà cửa đẹp, hoặc có lầu các, cung điện, này A-na-luật-đà, ngươi cũng như thế, ngồi dưới gốc cây, lấy sự tịch tĩnh làm ngôi nhà bậc nhất, tâm ngươi vô dục, sống với trụ chỉ hành này.
“Này A-na-luật-đà, nếu ngươi thành tựu tám suy niệm của bậc Đại nhân, lại cũng chứng đắc bốn tăng thượng tâm này nữa, sống an lạc ngay trong đời hiện tại này, dễ được chứ không khó, thì cũng như vua và vương thần có giường đẹp, trải lên bằng chăn nệm, đệm bông, phủ lên bằng gấm, the, lụa, sa trun, có chăn đệm ở hai đầu để gối, trải thảm quý bằng da sơn dương[08]; này A-na-luật-đà, ngươi cũng như vậy, chỗ ngồi trải bằng cỏ, bằng lá cây, là chỗ ngồi bậc nhất. Tâm ngươi vô dục, sống với trụ chỉ hành này.
“Này A-na-luật-đà, nếu ngươi thành tựu tám suy niệm của bậc Đại nhân, lại cũng chứng đắc bốn tăng thượng tâm này nữa, sống an lạc ngay trong đời hiện tại này, dễ được chứ không khó, thì cũng như thế, nếu ngươi an trú phương Đông, chắc chắn được an lạc, không có các tai hoạn đau khổ. Nếu an trú phương Tây, phương Nam, phương Bắc, chắc chắn được an lạc, không có các tai hoạn đau khổ.
“Này A-na-luật-đà, nếu ngươi thành tựu tám suy niệm của bậc Đại nhân, lại cũng chứng đắc bốn tăng thượng tâm này nữa, sống an lạc ngay trong đời hiện tại này, dễ được chứ không khó, đối với các pháp thiện, ngươi đã an trú, Ta không nói đến, huống nữa là nói đến sự suy thoái. Các thiện pháp cứ ngày đêm tăng trưởng chứ không suy thoái.
“Này A-na-luật-đà, nếu ngươi thành tựu tám suy niệm của bậc Đại nhân, lại cũng chứng đắc bốn tăng thượng tâm này nữa, sống an lạc ngay trong đời hiện tại này, dễ được chứ không khó, thì đối với hai quả, chắc chắn ngươi đắc được một, hoặc trong đời này đắc cứu cánh trí, hoặc nếu còn hữu dư thì đắc A-na-hàm.
“Này A-na-luật-đà, ngươi hãy thành tựu tám suy niệm này của bậc Đại nhân, và cũng nên chứng đắc bốn tăng thượng tâm này nữa, sống an lạc ngay trong đời hiện tại này, dễ được chứ không khó; sau đó mới an cư mùa mưa tại Chi-đề-sấu, trong rừng Thủy chử vậy”.
Bấy giờ Đức Thế Tôn thuyết pháp cho Tôn giả A-na-luật-đà, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện, thuyết pháp, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, Đức Thế Tôn liền như vậy mà nhập định, trong khoảnh khắc, như người lực sĩ co duỗi cánh tay, cũng vậy, Đức Thế Tôn từ Chi-đề-sấu, trong rừng Thủy chử, bỗng nhiên biến mất, không thấy, rồi hiện ra ở Bà-kì-sấu, núi Ngạc rừng Bố, trong vườn Lộc dã.
Lúc ấy Tôn giả A-nan cầm quạt đứng hầu Đức Phật, Đức Phật liền xuất định, quay lại bảo A-nan rằng:
“Này A-nan, nếu có Tỳ-kheo nào đến núi Ngạïc rừng Bố, trong vườn Lộc dã thì bảo tất cả tụ tập tại giảng đường. Sau khi tụ tập tại giảng đường xong, trở lại cho Ta hay”.
Tôn giả A-nan vâng lời Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Ngài, liền đi tuyên bố rằng: “Đức Thế Tôn dạy: nếu có Tỳ-kheo nào đến núi Ngạïc rừng Bố, trong vườn Lộc dãõ thì tất cả hãy tụ tập tại giảng đường”.
Sau khi các Tỳ-kheo tụ tập tại giảng đường, Tôn giả A-nan trở lại chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân rồi đứng qua một bên, bạch rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn, các Tỳ-kheo đến núi Ngạïc rừng Bố, trong vườn Lộc dã, tất cả đã tụ tập tại giảng đường. Mong Đức Thế Tôn biết cho, nay đã đến thời”.
Lúc ấy, Đức Thế Tôn đến giảng đường, trải chỗ ngồi trước chúng Tỳ-kheo và nói:
“Này chư Tỳ-kheo, Ta nói cho các ngươi nghe về tám suy niệm của bậc Đại nhân. Các ngươi hãy lắng nghe và khéo suy tư, ghi nhớ.
Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe. Đức Thế Tôn nói rằng:
“Đây là tám pháp suy niệm của bậc Đại nhân:
1. Đạo từ vô dục chứ không phải từ hữu dục mà chứng đắc.
2. Đạo từ tri túc chứ không phải từ không nhàm tởm mà chứng đắc.
3. Đạo từ viễn ly chứ không phải từ chỗ ưa tụ hội, không phải từ sự sống chỗ tụ hội, không phải từ sự sống hội hợp tụ hội mà chứng đắc.
4. Đạo từ tinh cần chứ không phải từ biếng nhác mà chứng đắc.
5. Đạo từ chánh niệm, chứ không phải từ tà niệm mà chứng đắc.
6. Đạo từ chỗ định ý chứ không phải từ loạn ý mà chứng đắc.
7. Đạo từ trí tuệ chứ không phải từ ngu si mà chứng đắc.
8. Đạo từ chỗ không hý luận, ưa sự không hý luận, hành sự không hý luận; chứ không phải từ hý luận, không phải từ sự ưa hý luận, không phải từ sự hành hý luận, mà chứng đắc.
“Thế nào là đạo từ vô dục mà chứng đắc, chứ không phải từ hữu dục? Tỳ-kheo đạt được vô dục, tự biết đạt được vô dục, không tỏ cho kẻ khác biết mình vô dục; đạt được tri túc, đạt được viễn ly, đạt được tinh cần, đạt được chánh niệm, đạt được định ý, đạt được trí tuệ, đạt được không hý luận, tự biết đạt được không hý luận, không muốn tỏ cho người khác biết mình vô dục. Như vậy gọi là đạo từ vô dục chứ không phải từ hữu dục mà chứng đắc.
“Thế nào là đạo từ tri túc chứ không phải từ không nhàm tởm mà chứng đắc? Tỳ-kheo hành tri túc, áo dùng để che thân, ăn đủ nuôi thân. Đó là đạo từ tri túc chứ không phải từ không nhàm tởm mà chứng đắc.
“Thế nào là đạo từ viễn ly chứ không phải từ ưa tụ hội, sống chỗ tụ hội, hội họâp nơi tụ hội mà chứng đắc? Tỳ-kheo thực hành hạnh viễn ly, thực hành hai hạnh viễn ly là thân và tâm đều viễn ly. Đó là đạo từ viễn ly chứ không phải từ sự ưa tụ hội, sống ở chỗ tụ hội, hội họâp nơi tụ hội mà chứng đắc.
“Thế nào là đạo từ tinh tấn chứ không phải từ biếng nhác mà chứng đắc? Tỳ-kheo thường hành tinh tấn, đoạn ác bất thiện, tu các thiện pháp, thường tự khởi ý, chuyên nhất kiên cố, vì các gốc rễ thiện mà không hề từ bỏ khó nhọc. Đó gọi là đạo từ tinh tấn, chứ không phải từ biếng nhác mà chứng đắc.
“Thế nào là đạo từ chánh niệm chứ không phải từ tà niệm mà chứng đắc? Tỳ-kheo quán nội thân như thân, quán nội thọ, nội tâm, nội pháp như pháp. Đó gọi là đạo từ chánh niệm chứ không phải từ tà niệm mà chứng đắc.
“Thế nào là đạo từ định ý chứ không phải từ loạn ý mà chứng đắc? Tỳ-kheo ly dục, ly pháp ác bất thiện, cho đến chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu và an trụ. Đó gọi là đạo từ định ý chứ không phải từ loạn ý mà chứng đắc.
“Thế nào là đạo từ trí tuệ chứ không phải từ ngu si mà chứng đắc? Tỳ-kheo tu hạnh trí tuệ, quán pháp hưng suy, chứng đắc trí như thật, thánh tuệ minh đạt, phân biệt rõ ràng để dứt sạch khổ một cách chính đáng. Đó gọi là đạo từ trí tuệ chứ không phải từ ngu si mà chứng đắc.
“Thế nào là đạo từ không hý luận, ưa không hý luận, hành không hý luận; chứ không phải từ hý luận, không phải từ ưa hý luận, không phải từ hành hý luận mà chứng đắc? Tỳ-kheo tâm ý thường diệt hý luận, an lạc, trú trong Vô dư Niết-bàn, tâm thường lạc trú, hoan hỷ, ý giải. Đó gọi là đạo từ không hý luận, ưa không hý luận, hành không hý luận; chứ không phải từ hý luận, không phải từ ưa hý luận, không phải từ hành hý luận mà chứng đắc.
“Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo A-na-luật-đà đã tành tựu tám suy niệm của bậc Đại nhân này, sau đó mới an cư mùa mưa tại Chi-đề-sấu, trong rừng Thủy chử. Ta đem những điều này nói ra, vị ấy sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần. Vị ấy khi sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần, đã đạt đến cứu cánh mà một thiện nam tử vì cứu cánh ấy đã cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, duy chỉ cầu đắc vô thượng phạm hạnh ngay trong đời này, tự tri, tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu và an trú, biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.”
Ngay lúc ấy, Tôn giả A-na-luật-đà chứng đắc A-la-hán, tâm chánh giải thoát, xứng đáng bậc Trưởng lão Thượng tôn, rồi nói bài tụng:
Vô thượng thế gian sư
Xa biết con tư niệm,
Chánh thân tâm nhập định
Nương không, chợt đến đây.
Biết con tâm niệm này,
Thuyết pháp vượt lên nữa.
Chư Phật không hý luận;
Hý luận đã xa lìa.
Đã biết pháp Như Lai,
Ưa trú trong chánh pháp.
Rồi tam muội chứng ngay,
Pháp Phật đã thành đạt.
Con chẳng ưa sự chết,
Cũng không nguyện nơi sanh;
Tùy thời, tùy sở thích,
Niệm, chánh trí vững vàng.
Tỳ-da-ly, trú lâm,
Nơi đó mạng con dứt;
Ở ngay dưới khóm trúc,
Nhập Vô dư Niết-bàn.
Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-na-luật-đà và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: A.8.30. Anurudha. Hán, biệt dịch No.46, No.125 (43.6).
[02] Bà-kì-sấu 婆 奇 瘦. Pāli: Bhaggesu, giữa những người Bhagga.
[03] Ngạc sơn Bố lâm Lộc dã viên 鱷 山 怖 林 鹿 野 園. Pāli: Suṃsumāragire bhesakāḷāvane migadāye, trong núi Cá sấu, rừng Khủng bố, chỗ nuôi hươu.
[04] Chi-đề-sấu Thủy chử lâm 枝 提 瘦 水 渚 林. Pāli: Cetīsu Pācīnavaṃsadāye, giữa những người Cetī, trong rừng Đông trúc. No.125 (42.6): Tôn giả ở tại Tứ Phật sở cư chi xứ. No.46: Phật ở tại Mục sơn, dưới gốc cây Cầu sư.
[05] Như kỳ tượng định 如 其 像 定. Pāli: tathārūpaṃ samādhi.
[06] Đại nhân chi niệm 大 人 之 念. Pāli: mahāpurisavitakka.
[07] Hán: đạo tùng bất hý… đắc. Pāli: nippapañcārāmassāyaṃ dhammo, đây là pháp của người không ưa hý luận.
[08] Trong bản Hán: gia-lăng-già-ba-hòa-la ba-giá-tất-đa-la-na. Pāli: kadalimigapavara- paccattharaṇo.
-ooOoo-
75. KINH TỊNH BẤT ĐỘNG ĐẠO[1] Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại Câu-lâu-sấu, ở Kiếm-ma-sắt-đàm, một đô ấp của Câu-lâu[02].
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Dục là vô thường, hư ngụy, giả dối[03]. Đã là pháp giả dối thì huyễn hóa, khi cuống, ngu si[04]. Dầu là dục của đời nay hay là dục của đời sau[05], tất cả đều là cảnh giới của ma, là miếng mồi của ma. Nhân những thứ ấy mới sanh ra vô lượng pháp ác bất thiện, tham lam[06], sân nhuế và đấu tranh[07], làm chướng ngại cho sự tu học của Thánh đệ tử.
“Đa văn Thánh đệ tử nên quán như vầy, ‘Thế Tôn nói rằng dục là vô thường, hư ngụy, giả dối, huyễn hóa, khi cuống, ngu si. Dù là dục của đời này hay dục của đời sau, dù là sắc của đời này hay sắc của đời sau, tất cả đều là cảnh giới của ma, là miếng mồi của ma. Nhân những thứ ấy, tâm mới sanh ra vô lượng pháp ác bất thiện, tham lam, sân nhuế và đấu tranh, làm chướng ngại sự tu học của Thánh đệ tử’.
“Rồi vị ấy có thể suy nghĩ như vầy: ‘Ta có thể chứng đắc đại tâm, thành tựu và an trú, nhiếp phục thế gian, nhiếp trì tâm ấy. Nếu ta chứng đắc đại tâm, thành tựu và an trú, nhiếp phục thế gian, nhiếp trì tâm ấy thì tâm như thế không sanh ra vô lượng pháp ác bất thiện, tham lam, sân nhuế và đấu tranh, làm chướng ngại sự tu học của Thánh đệ tử’.
“Vị ấy bằng sự hành này, bằng sự học này, như vậy mà tu tập để phát triển rộng lớn, liền ở nơi xứ mà tâm được minh tịnh. Sau khi tâm đã minh tịnh ở nơi xứ, Tỳ-kheo ấy, hoặc nhờ đó mà nhập vào bất động[08], hoặc do tuệ mà giải thoát[09]. Về sau, khi thân hoại mạng chung, nhân tâm ý đã có sẵn ấy[10], chắc chắn đạt đến bất động. Đó gọi là thuyết Tịnh bất động đạo[11] thứ nhất.
“Lại nữa, Đa văn Thánh đệ tử nên quán như thế này: ‘Những gì là sắc, tất cả những sắc ấy là bốn đại và bốn đại tạo thành. Bốn đại ấy là pháp vô thường, khổ và diệt’. Vị ấy bằêng sự hành này, bằng sự học này, như vậy mà tu tập để phát triển rộng lớn, liền ở nơi xứ mà tâm được minh tịnh. Sau khi tâm đã minh tịnh ở nơi xứ, Tỳ-kheo ấy, hoặc nhờ đó mà nhập vào bất động, hoặc do tuệ mà giải thoát. Về sau, khi thân hoại mạng chung, nhân tâm ý đã có sẵn ấy, chắc chắn đạt đến bất động. Đó gọi là thuyết Tịnh bất động đạo thứ hai.
“Lại nữa, Đa văn Thánh đệ tử nên quán như thế này: ‘Dù là dục của đời này hay dục của đời sau, dù là sắc đời này hay sắc đời sau, dù là dục tưởng của đời này hay dục tưởng của đời sau, dù là sắc tưởng của đời này hay sắc tưởng của đời sau, tất cả tưởng ấy đều là pháp vô thường, khổ và diệt’. Vị ấy bằêng sự hành này, bằng sự học này, như vậy mà tu tập để phát triển rộng lớn, liền ở nơi xứ mà tâm được minh tịnh. Sau khi tâm đã minh tịnh ở nơi xứ, Tỳ-kheo ấy, hoặc nhờ đó mà nhập vào bất động, hoặc do tuệ mà giải thoát. Về sau, khi thân hoại mạng chung, nhân tâm ý đã có sẵn ấy, chắc chắn đạt đến bất động. Đó gọi là thuyết Tịnh bất động đạo thứ ba.
“Lại nữa, Đa văn Thánh đệ tử nên quán thế này: ‘Dù là dục tưởng của đời này hay dục tưởng của đời sau, dù là sắc tưởng của đời này hay sắc tưởng của đời sau, và bất động tưởng, tất cả tưởng đều là pháp vô thường, khổ và diệt’. Vị ấy bấy giờ đắc Vô sở hữu xứ tưởng. Vị ấy bằêng sự hành này, bằng sự học này, như vậy mà tu tập để phát triển rộng lớn, liền ở nơi xứ mà tâm được minh tịnh. Sau khi tâm đã minh tịnh ở nơi xứ, Tỳ-kheo ấy, hoặc nhờ đó mà nhập vào bất động, hoặc do tuệ mà giải thoát. Về sau, khi thân hoại mạng chung, nhân tâm ý đã có sẵn ấy, chắc chắn đạt đến bất động. Đó là gọi là thuyết Tịnh vô sở hữu xứ đạo thứ nhất[12].
“Lại nữa, Đa văn Thánh đệ tử nên quán như thế này: ‘Thế gian này là không, quỷ thần không, sở hữu của quỷ thần không, cái hữu thường không, cái hữu hằng không, cái trường tồn không, cái không biến dịch không’. Vị ấy hành như vậy, học như vậy, tu tập và phát triển như vậy thì ở nơi xứ mà tâm được minh tịnh. Sau khi ở nơi xứ mà tâm được minh tịnh, Tỳ-kheo ấy hoặc nhờ đó mà tâm nhập Vô sở hữu xứ, hoặc do tuệ mà giải thoát. Về sau, khi thân hoại mạng chung, nhân tâm ý đã có sẵn ấy, chắc chắn đạt đến Vô sở hữu xứ. Đó là trường hợp thứ hai được gọi là Tịnh vô sở hữu xứ đạo.
“Lại nữa, Đa văn Thánh đệ tử nên quán như thế này: ‘Ta không phải được tạo ra vì cái khác, cũng không phải được tạo ra vi chính mình[13]’. Vị ấy hành như vậy, học như vậy, tu tập và phát triển như vậy, thì ở nơi xứ mà tâm được minh tịnh. Sau khi ở nơi xứ mà tâm được minh tịnh, Tỳ-kheo ấy hoặc nhờ đó mà nhập Vô sở hữu xứ, hoặc do tuệ mà giải thoát. Về sau, khi thân hoại mạng chung, nhân tâm ý đã có sẵn ấy, chắc chắn đạt đến vô sở hữu xứ. Đó là trường hợp thứ ba được gọi là Tịnh vô sở hữu xứ đạo.
“Lại nữa, Đa văn Thánh đệ tử nên quán như thế này: ‘Dù là dục của đời này hay dục của đời sau, dù là sắc của đời này hay sắc của đời sau, dù là dục tưởng của đời này hay dục tưởng của đời sau, dù là sắc tưởng của đời này hay sắc tưởng của đời sau và bất động tưởng, vô sở hữu xứ tưởng, tất cả tưởng ấy đều là pháp vô thường, khổ và diệt’. Bấy giờ vị ấy đắc Vô tưởng. Vị ấy hành như vậy, học như vậy, tu tập và phát triển như vậy, thì ở nơi xứ mà tâm được minh tịnh. Sau khi ở nơi xứ mà tâm được minh tịnh, Tỳ-kheo ấy hoặc nhờ đó mà nhập vô tưởng, hoặc do tuệ mà giải thoát. Về sau, khi thân hoại mạng chung, nhân tâm ý đã có sẵn ấy, chắc chắn đạt đến vô tưởng xứ. Đó là nói về định vô tưởng đạo[14]“.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan đang cầm quạt đứng hầu Đức Phật. Tôn giả hướng về Phật mà bạch rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn, nếu có Tỳ-kheo nào thực hành như vầy, ‘Không có ta, không có sở hữu của ta; ta sẽ không tồn tại, sở hữu của ta sẽ không tồn tại; những gì có trước kia, bèn được xả sạch’. Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo ấy thực hành như thế, có chứng đắc cứu cánh Niết-bàn chăng?”
Đức Phật nói rằng:
“Này A-nan, sự kiện ấy không nhất định. Hoặc có người chứng đắc, hoặc có người không chứng đắc”.
Tôn giả A-nan lại thưa:
“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo ấy hành như thế nào mà không chứng đắc Niết-bàn?”
Đức Thế Tôn đáp:
“Này A-nan, Tỳ-kheo nào hành như vầy, ‘Không có ta, không có sở hữu của ta; ta sẽ không tồn tại, sở hữu của ta sẽ không tồn tại; những gì có trước kia, bèn được xả sạch’. Nhưng này A-nan, nếu Tỳ-kheo ấy vui thích với sự xả bỏ ấy, đắm trước nơi sự xả bỏ ấy, trú vào sự xả bỏ ấy, Tỳ-kheo như thế chắc chắn không chứng đắc Niết-bàn”.
Tôn giả A-nan bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo nào nếu có chỗ chấp thủ sẽ không đắc Niết-bàn chăng?”
Đức Thế Tôn đáp:
“Này A-nan, nếu Tỳ-kheo nào có chỗ chấp thủ thì chắc chắn không đắc Niết-bàn”.
Tôn giả A-nan bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo ấy bị chấp thủ bởi những gì?”
Đức Thế Tôn đáp:
-Này A-nan, còn hữu dư ở trong hành[15] đó là hữu tưởng vô tưởng xứ, bậc nhất trong các hữu mà Tỳ-kheo ấy chấp thủ”.
Tôn giả A-nan bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo ấy còn chấp thủ vào hành nào khác nữa chăng?”
Đức Thế Tôn đáp:
“Đúng như thế, Tỳ-kheo ấy còn chấp thủ vào hành khác nữa”.
Tôn giả A-nan bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo phải hành như thế nào thì chắc chắn đắc Niết-bàn?”
Đức Thế Tôn đáp:
“Này A-nan, Tỳ-kheo nào hành như vầy, ‘Không có ta, không có sở hữu của ta; ta sẽ không tồn tại, sở hữu của ta sẽ không tồn tại; những gì có trước kia, bèn được xả sạch’. Và này A-nan, nếu Tỳ-kheo ấy không vui thích với sự xả bỏ ấy, không đắm trước sự xả bỏ ấy, không trú vào sự xả bỏ ấy, thì này A-nan, Tỳ-kheo thực hành như thế, chắc chắn chứng đắc Niết-bàn”.
Tôn gả A-nan hỏi rằng:
“Bạch Thế Tôn, nếu Tỳ-kheo nào không chấp thủ vào đâu cả thì chắc chắn chứng đắc Niết-bàn chăng?”
Đức Thế Tôn đáp:
“Này A-nan, nếu Tỳ-kheo nào không chấp thủ vào đâu cả thì chắc chắn chứng đắc Niết-bàn”.
Bấy giờ Tôn giả A-nan chắp tay hướng về Phật, bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn đã thuyết về Tịnh bất động đạo, đã thuyết về Tịnh vô sở hữu xứ đạo, đã thuyết về Tịnh vô tưởng xứ đạo, đã thuyết về Vô dư Niết-bàn. Bạch Thế Tôn, thế nào là sự giải thoát của bậc Thánh?”
Đức Thế Tôn đáp:
“Này A-nan, Đa văn Thánh đệ tử nên quán như thế này: ‘Dù là dục của đời này hay dục của đời sau, dù là sắc của đời này hay là sắc của đời sau, dù là dục tưởng của đời này hay là dục tưởng của đời sau, dù là sắc tưởng của đời này hay là sắc tưởng của đời sau và bất động tưởng, vô sở hữu tưởng, vô tưởng tưởng, tất cả các tưởng ấy đều là pháp vô thường, khổ và diệt, đó là hữu thân[16]. Nếu là hữu thân thì đó là sanh, đó là già, đó là bệnh, đó là chết.
“Này A-nan, nếu có pháp này thì diệt trừ tất cả, không để lưu dư, không để có trở lại. Như vậy thì không sanh, không già, không bệnh, không chết.
“Bậc Thánh quán như vậy. Nếu có thì chắc chắn đó là pháp giải thoát. Nếu có Vô dư Niết-bàn thì gọi là cam lộ[17]. Vị nào quán như vậy, chắc chắn tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu và vô minh lậu. Đã giải thoát liền biết đã giải thoát, biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.
“Này A-nan, Ta nay đã nói cho ngươi nghe về Tịnh bất động đạo, về Tịnh vô sở hữu xứ đạo, về Tịnh vô tưởng đạo, về Vô dư Niết-bàn, về sự giải thoát của bậc Thánh. Như bậc Tôn sư với tâm đại bi, đoái tưởng, thương xót, mong cầu phước lợi và thiện ích, cầu an ổn và khoái lạc cho đệ tử, những điều ấy Ta nay đã làm xong. Các ngươi hãy tự mình làm. Hãy đi đến nơi rừng vắng, đến dưới gốc cây, chỗ yên tĩnh, trống vắng, ngồi tĩnh tọa mà tư duy, chớ có phóng dật, đừng để về sau phải hối hận. Đó là lời khuyến giáo của Ta, đó là huấn thị của Ta”.
Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli M.106 Āneñjasappāya-suttam.
[02] Kiếm-ma-sắt-đàm Câu-lâu. Pāli: Kammāsadhammaṃ nāma kurūnaṃ nigamo, tại thị trấn Kammāsadhamma của người Kuru. Xem cht.3, Kinh số 10.
[03] Hán: Dục… vọng ngôn. Pāli: aniccā… Kāmā tucchā musā mosadhammā, dục là pháp trống rỗng, giả dối, ngu si.
[04] Thị huyễn ngôn… ngu si. Pāli: mayākataṃ etaṃ… bālalāpanaṃ, đó là phiếm luận của người ngu được tạo ra bằng sự hư huyễn.
[05] Dục, và sắc. Pāli: kāmā, kāmasaññā: dục và dục tưởng.
[06] Hán: tăng tứ 增 伺. Pāli: abhijjhā, tham lam, thường chỉ ham muốn, dòm ngó của người khác.
[07] Đấu tránh 鬥 諍. Pāli: āarambha, nóng tính, hay phẫn nộ, hay gây gổ.
[08] Nhập bất động 入 不 動. Pāli: āneñjaṃ samāpajjati, nhập định với trạng thái bất động.
[09] Dĩ tuệ vi giải 以 慧 為 解. Pāli: paññāya adhimuccati, do tuệ mà có quyết định. Cũng có thể hiểu, do tuệ mà quyết định giải thoát.
[10] Nhân bản ý 因 本 意. Pāli: saṃvattanikaṃ viññaṇaṃ, thức đã được định hướng.
[11] Tịnh bất động đạo 淨 不 動 道. Pāli: āneñjasappayā paṭipadā, sự thực hành đưa đến lợi ích của bất động.
[12] Tịnh vô sở hữu xứ đạo. Pāli: ākiñcaññāyatanasappayā paṭipadā, sự thực hành đưa đến lợi ích của Vô sở hữu xứ.
[13] Phi vị tha… Phi vị tự nhi hữu sở vi. Pāli: nāhaṃ kvacani kassaci kiñcanatasmiṃ, na mama kvacani kismiñci kiñcanaṃ natthī’ti, tôi không hiện hữu bất cứ ở đâu, cho bất cứ ai, trong bất cứ cái gì. Sở hữu của tôi không hiện hữu bất cứ ở đâu, cho bất cứ ai, trong bất cứ cái gì.
[14] Tịnh vô tưởng đạo. Pāli: nevasaññānāsaññāyatanasappayā paṭipadā, sự thực hành đưa đến lợi ích của Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
[15] Hành trung hữu dư; Hữu ở đây được kể trong 12 nhân duyên.
[16] Tự kỷ hữu, cũng nói là tự thân, hay hữu thân, về sự chắc thật của năm uẩn. Pāli: sakkāya.
[17] Cam lộ, cũng hiểu là bất tử. Pāli: amata.
-ooOoo-
76. KINH ÚC-GIÀ-CHI-LA[1] Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại Úc-già-chi-la[02], ở bên bờ hồ Hằng thủy. Bấy giờ, một Tỳ-kheo vào lúc xế, từ chỗ tĩnh tọa đứng dậy, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn khéo léo thuyết pháp ngắn gọn cho con. Được nghe pháp Đức Thế Tôn dạy, con sẽ sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần. Nhân sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần để đạt đến cứu cánh mà một thiện nam tử đã cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo là để đạt được vô thượng phạm hạnh, ngay trong đời này tự tri tự giác, tự thân tác chứng, thành tựu an trú, biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa”.
Đức Thế Tôn bảo:
“Tỳ-kheo hãy tu học như vậy, để khiến được an trú bên trong, bất động, vô lượng, khéo tu tập. Lại quán nội thân như thân, thực hành hết sức tinh cần, vững chánh niệm chánh trí, khéo tự chế ngự tâm, khiến lìa bỏn sẻn tham lam, ý không sầu não. Lại quán ngoại thân như thân, thực hành hết sức tinh cần, vững chánh niệm chánh trí, khéo tự chế ngự tâm, khiến xa lìa bỏn sẻn tham lam, ý không sầu não. Lại quán nội ngoại thân như thân, thực hành hết sức tinh cần, vững chánh niệm chánh trí, khéo tự chế ngự tâm, khiến cho xa lìa bỏn sẻn tham lam, ý không sầu não. Này Tỳ-kheo, với định như vậy, khi tới, khi lui, hãy khéo tu tập; lúc đứng, lúc ngồi, lúc nằm, lúc ngủ, lúc thức, lúc tỉnh dậy, cũng đều tu tập như vậy.
“Lại nữa, cũng nên tu tập định có giác có quán, định không giác ít quán, tu tập định không giác không quán; cũng nên tu tập về định câu hữu với hỷ, định câu hữu với lạc, định câu hữu với định, định câu hữu với xả.
“Này Tỳ-kheo, nếu tu tập các định này, tu một cách khéo léo thì này Tỳ-kheo, phải tu thêm quán nội thọ như thọ, thực hành hết sức tinh cần, giữ vững chánh niệm chánh trí, khéo tự chế ngự tâm, khiến xa lìa bỏn sẻn tham lam, ý không sầu não. Lại quán ngoại thọ như thọ, thực hành hết sức tinh cần, giữ vững chánh niệm chánh trí, khéo tự chế ngự tâm, khiến lìa bỏn sẻn tham lam, ý không sầu não. Lại quán nội ngoại thọ như thọ, thực hành hết sức tinh cần, giữ vững chánh niệm chánh trí, khéo tự chế ngự tâm, khiến xa lìa bỏn sẻn tham lam, ý không sầu não. Này Tỳ-kheo, với định như thế, lúc đi, lúc đến, hãy khéo tu tập. Lúc đứng, lúc ngồi, lúc nằm, lúc ngủ, lúc thức, lúc tỉnh dậy, cũng đều tu tập như thế.
“Lại nữa, cũng nên tu tập định câu hữu với hỷ, định câu hữu với lạc, định câu hữu với định, định câu hữu với xả. Này Tỳ-kheo, nếu tu tập các định này, tu tập một cách khéo léo thì nên tu thêm quán nội tâm như tâm, thực hành hết sức tinh cần, giữ vững chánh niệm chánh trí, khéo chế ngự tâm, khiến xa lìa bỏn sẻn tham lam, ý không sầu não. Lại nên quán ngoại tâm như tâm, thực hành hết sức tinh cần, giữ vững chánh niệm chánh trí, khéo chế ngự tâm, khiến xa lìa bỏn sẻn tham lam, ý không sầu não. Lại nên quán nội ngoại tâm như tâm, thực hành hết sức tinh cần, giữ vững chánh niệm chánh trí, khéo chế ngự tâm, khiến xa lìa bỏn sẻn tham lam, ý không sầu não. Này Tỳ-kheo, với định như thế, lúc đi, lúc đến hãy khéo tu tập. Lúc đứng, lúc ngồi, lúc nằm, lúc ngủ, lúc thức, lúc tỉnh dậy, cũng đều tu tập như vậy.
“Lại nữa, cũng nên tu tập định có giác có quán, định không giác ít quán, định không giác không quán. Cũng nên tu tập định câu hữu với hỷ, định câu hữu với lạc, định câu hữu với xả.
“Này Tỳ-kheo, nếu tu tập các định này, tu một cách khéo léo thì nên tu thêm quán nội pháp như pháp, thực hành hết sức tinh cần, giữ vững chánh niệm chánh trí, khéo chế ngự tâm, khiến xa lìa bỏn sẻn tham lam, ý không sầu não. Lại quán ngoại pháp như pháp, thực hành hết sức tinh cần, giữ vững chánh niệm chánh trí, khéo chế ngự tâm, khiến xa lìa bỏn sẻn tham lam, ý không sầu não. Lại quán nội ngoại pháp như pháp, thực hành hết sức tinh cần, giữ vững chánh niệm chánh trí, khéo chế ngự tâm, khiến xa lìa bỏn sẻn tham lam, ý không sầu não. Này Tỳ-kheo, với định như thế, lúc đi lúc đến, hãy khéo tu tập. Lúc đứng, lúc ngồi, lúc nằm, lúc ngủ, lúc thức, lúc tỉnh dậy, cũng đều tu tập như vậy.
“Lại nữa, nên tu tập định có giác có quán, định không giác ít quán, định không giác không quán, cũng nên tu tập định câu hữu với hỷ, định câu hữu với lạc, định câu hữu với định, định câu hữu với xả. Này Tỳ-kheo, nếu tu tập các định này, tu tập một cách khéo léo thì này Tỳ-kheo, tâm hãy cùng với từ tương ưng, biến mãn một phương, thành tựu và an trú. Cũng như vậy, hai, ba bốn phương, phương trên, phương dưới, châu biến cùng khắp, tâm cùng với từ tương ưng, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng rãi bao la, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn cùng khắp thế gian, thành tựu và an trú. Này Tỳ-kheo, nếu ngươi tu tập các định này, tu một cách khéo léo thì nên an trụ phương Đông, chắc chắn được an lạc, không có các tai hoạn đau khổ. Nếu an trụ phương Nam, phương Tây và phương Bắc, chắc chắn an lạc, không có các tai hoạn đau khổ.
“Này Tỳ-kheo, nếu ngươi tu tập các định này một cách khéo léo, đối với các thiện mà ngươi đã an trú, Ta không còn nói đến, huống là sự suy thoái. Các pháp thiện cứ ngày đêm tăng trưởng, chứ không suy thoái.
“Này Tỳ-kheo, nếu ngươi tu tập các định này, tu một cách khéo léo thì trong hai quả, chắc chắn sẽ đắc một, hoặc ngay trong đời này đắc cứu cánh trí. Hoặc nếu còn hữu dư thì chứng đắc A-na-hàm”.
Bấy giờ vị Tỳ-kheo ấy nghe những lời Đức Phật dạy, khéo léo thọ trì, liền từ chỗ ngồi đứng dậy cúi đầu đảnh lễ dưới chân Đức Phật, đi quanh ba vòng rồi lui ra. Vị ấy thọ trì pháp của Phật, sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần. Nhân sống tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh cần, đạt đến cứu cánh mà một thiện nam tử đã cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo là duy chỉ cầu đắc vô thượng phạm hạnh, ngay trong đời hiện tại tự tri, tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu an trú, biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Tôn giả đã biết pháp, đắc A-la-hán.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: S.47. 13 Bhikkhu-sutta.
[02] Úc-già-chi-la. Pāli: Ukkācelā, một ngôi làng trong xứ Vajji, trên bờ sông Gaṅgā, trên con đường từ Vương xá đến Xá-vệ. Sau khi Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên thị tịch, trong khoảng 15 ngày, Đức Phật trên đường đi về Vesāli, Ngài ghé lại Ukkācelā thuyết kinh Ukkācelā-sutta (S.47.14). Ngài nói: “Này các Tỳ-kheo, khi Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên Bát-niết-bàn, Ta thấy chúng hội này giống như trống không”. Bản Hán không đề cập đến sự kiện này.
-ooOoo-
77. KINH SA-KÊ-ĐẾ TAM TỘC TÁNH TỬ[1] Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại Sa-kê-đế[02] trong rừng Thanh[03].
Bấy giờ ở Sa-kê-đế có ba thiện gia nam tử là Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Nan-đề và Tôn giả Kim-tì-la[04] đều là thiếu niên mới xuất gia học đạo, cùng đến nhập Chánh pháp này không lâu.
Lúc ấy Đức Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo:
“Ba thiện gia nam tử này đều là thiếu niên mới xuất gia học đạo, cùng đến nhập Chánh pháp này không lâu; ba thiện nam tử ấy có vui thích ở trong Chánh Pháp Luật này hành phạm hạnh chăng?”
Khi đó các vị Tỳ-kheo im lặng, không trả lời.
Đức Thế Tôn ba lần hỏi các Tỳ-kheo rằng:
“Ba thiện gia nam tử này đều là thiếu niên mới xuất gia học đạo, cùng đến nhập Chánh pháp này không lâu; ba thiện nam tử ấy có vui thích ở trong Chánh Pháp Luật này hành phạm hạnh chăng?”
Khi ấy các Tỳ-kheo cũng ba lần im lặng, không đáp. Thế rồi Đức Thế Tôn hỏi thẳng ba thiện nam tử ấy, Ngài nói với Tôn giả A-na-luật-đà rằng:
“Các ngươi, ba thiện gia nam tử, đều ở tuổi thiếu niên, mới xuất gia học đạo, cùng đến nhập Chánh pháp không lâu. Này A-na-luật-đà, các ngươi có vui thích ở trong Pháp Luật chân chánh này mà thực hành phạm hạnh chăng?
Tôn giả A-na-luật-đà thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, quả thật như vậy, chúng con vui thích ở trong Chánh Pháp Luật này hành phạm hạnh.
Đức Thế Tôn lại hỏi:
“Này A-na-luật-đà, các ngươi lúc còn nhỏ, là những đồng tử ấu thơ, trong trắng, tóc đen, thân thể thạnh trắng, vui thích trong du hý, vui thích trong tắm gội, săn sóc nâng niu thân thể. Về sau, bà con thân thích và cha mẹ đều cùng lưu luyến, thương yêu, khóc lóc thảm thiết, không muốn cho các ngươi xuất gia học đạo. Các ngươi đã quyết chí cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, không phải vì sợ giặc cướp, không phải vì sợ nợ nần, không phải vì sợ khủng bố, không phải vì sợ bần cùng, cũng không phải vì sợ không sống được mà phải xuất gia học đạo, mà chỉ vì nhờm tởm sự sanh, sự già, bệnh tật, sự chết, khóc lóc, sầu khổ, hoặc vì muốn đạt đến tận cùng của khối khổ đau vĩ đại này nên xuất gia học đạo. Này A-na-luật-đà, các ngươi vì những tâm niệm này mà xuất gia học đạo chăng?”
Tôn giả A-na-luật-đà đáp rằng:
“Bạch Thế Tôn, quả thật như vậy”.
Phật liền nói:
“A-na-luật-đà, nếu thiện gia nam tử nào với tâm niệm như thế mà xuất gia học đạo, nhưng có biết do đâu mà chứng đắc vô lượng thiện pháp chăng?”
Tôn giả bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là gốc của Pháp, là chủ của Pháp, Pháp do Thế Tôn nói. Mong Thế Tôn giảng giải cho chúng con. Sau khi nghe, chúng con sẽ biết được nghĩa một cách rộng rãi”.
Đức Thế Tôn liền bảo:
“Này A-na-luật-đà, các ngươi hãy lắng nghe, khéo tư duy và ghi nhớ. Ta sẽ phân biệt nghĩa ấy cho các ngươi”.
Các Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Nan-đề, Tôn giả Kim-tì-la vâng lời lắng nghe. Đức Thế Tôn bảo:
“A-na-luật-đà, nếu ai bị dục phủ kín, bị ác pháp quấn chặt, không được xả lạc, vô thượng tịch tĩnh, thì với người ấy tâm sanh ra tham lam, sân hận, thụy miên, tâm sanh không an lạc, thân sanh ra dã dượi, ăn nhiều, tâm ưu sầu. Tỳ-kheo ấy không nhẫn nại được đói khát, nóng lạnh, muỗi mòng, ruồi nhặng, gió nắng bức bách, nghe tiếng thô ác hay bị đánh đập cũng không thể nhẫn nại được. Thân mắc phải các bệnh tật thống khổ đến mức muốn chết và gặp những cảnh ngộ không vừa lòng đều không thể nhẫn chịu được. Vì sao? Vì bị dục phủ kín, bị ác pháp quấn chặt, không được xả lạc, vô thượng tịch tịnh. Trái lại, nếu ly dục, không bị ác pháp quấn chặt, chắc chắn sẽ đạt đến xả ly, an lạc vô thượng tịch tịnh. Tâm vị ấy không sanh ra tham lam, sân nhuế, thụy miên, tâm được an lạc. Thân không sanh ra dã dượi, cũng không ăn nhiều, tâm không sầu não. Tỳ-kheo ấy nhẫn nại được đói khát, lạnh nóng, muỗi mòng, ruồi nhặng, gió nắng bức bách, nghe tiếng thô ác hay bị đánh đập cũng đều nhẫn nại được. Thân dù mắc những chứng bệnh hiểm nghèo rất thống khổ đến mức chết được, hay gặp những cảnh ngộ không thể vừa lòng, đều nhẫn nại được. Vì sao? Vì không bị dục phủ kín, không bị ác pháp quấn chặt, lại đạt đến xả ly, an lạc vô thượng tịch tịnh.
Đức Thế Tôn hỏi:
“Này A-na-luật-đà, Như Lai vì ý nghĩa gì mà có cái hoặc phải đoạn trừ, hoặc có cái phải thọ dụng, hoặc có cái phải kham nhẫn, hoặc có cái phải đình chỉ, hoặc có cái phải nhả bỏ[05]?”
A-na-luật-đà bạch rằng:
“Thế Tôn là gốc của Pháp, là chủ của Pháp, Pháp do Thế Tôn nói. Mong Thế Tôn giảng giải cho chúng con. Sau khi nghe xong, chúng con sẽ biết được những nghĩa ấy một cách rộng rãi”.
Đức Thế Tôn lại bảo:
“Này A-na-luật-đà, các ngươi hãy lắng nghe, khéo tư duy và ghi nhớ. Ta sẽ phân biệt những thiện lợi ấy cho các ngươi”.
Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Nan-đề, Tôn giả Kim-tì-la vâng lời lắng nghe.
Đức Thế Tôn bảo:
“Này A-na-luật-đà, các lậu ô uế là gốc của sự hữu trong tương lai, là sự phiền nhiệt, là nhân của khổ báo, của sanh, già, bệnh, chết; Như Lai không phải vì không diệt tận, không phải vì không biến tri mà có cái phải đoạn trừ, có cái phải thọ dụng, có cái phải kham nhẫn, có cái phải đình chỉ, có cái phải nhả bỏ. Này A-na-luật-đà, Như Lai chỉ vì nhân nơi thân này, nhân nơi sáu xứ, nhân nơi thọ mạng mà có cái phải đoạn trừ, có cái phải thọ dụng, có cái phải kham nhẫn, có cái phải đình chỉ, có cái phải nhả bỏ. Này A-na-luật-đà, Như Lai vì những nghĩa này mà có cái phải đoạn trừ, có cái phải thọ dụng, có cái phải kham nhẫn, có cái phải đình chỉ, có cái phải nhả bỏ”.
Đức Thế Tôn hỏi:
“Này A-na-luật-đà, Như Lai vì những ý nghĩa nào mà sống nơi rừng vắng, trong núi sâu, dưới gốc cây, ưa sống nơi vách núi cao, vắng vẻ không tiếng động, viễn ly, không có sự ác, không có bóng người, tùy thuận tĩnh tọa như thế?”
Tôn giả A-na-luật-đà thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là gốc của Pháp, Thế Tôn là Chủ của Pháp, Pháp do Thế Tôn nói. Mong Thế Tôn giảng giải cho chúng con. Sau khi nghe xong, chúng con sẽ được những thiện lợi ấy một cách rộng rãi”.
Đức Thế Tôn bảo rằng:
“Này A-na-luật-đà, các ngươi hãy lắng nghe và khéo tư duy, ghi nhớ. Ta sẽ phân biệt những thiện lợi ấy cho các ngươi”.
Các Tôn giả vâng lời lắng nghe.
Đức Thế Tôn bảo:
“Này A-na-luật-đà, không phải vì muốn đạt được những gì chưa đạt đến, vì muốn thu hoạch những gì chưa thu hoạch, vì muốn chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ mà Như Lai sống nơi rừng vắng, trong núi sâu, dưới gốc cây, thích ở non cao, vắng bặt tiếng tăm, xa lánh, không sự dữ, không có bóng người, tùy thuận tĩnh tọa. Này A-na-luật-đà, Như Lai chỉ vì hai mục đích sau đây nên mới sống nơi rừng vắng, trong núi sâu, dưới gốc cây, thích ở non cao, vắng bặt tiếng tăm, xa lánh, không sự dữ, không có bóng người, tùy thuận tĩnh tọa. Một là, sống an lạc ngay trong đời hiện tại. Hai là, vì thương xót chúng sanh đời sau. Đời sau hoặc có chúng sanh học theo Như Lai, sống nơi rừng vắng, trong núi sâu, dưới gốc cây, thích ở non cao, vắng bặt tiếng người, tùy thuận tĩnh tọa. Này A-na-luật-đà, vì những mục đích ấy mà Như Lai sống nơi rừng vắng, trong núi sâu, dưới gốc cây, thích ở non cao, vắng bặt tiếng tăm, xa lánh, không sự dữ, không có bóng người, tùy thuận tĩnh tọa”.
Đức Thế Tôn hỏi:
“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là gốc của Pháp, Thế Tôn là chủ của Pháp, Pháp do Thế Tôn nói. Mong Thế Tôn giảng giải cho chúng con. Sau khi nghe xong, chúng con sẽ được những thiện lợi ấy một cách rộng rãi”.
Đức Thế Tôn bảo rằng:
“Này A-na-luật-đà, các ngươi hãy lắng nghe và khéo tư duy, ghi nhớ. Ta sẽ phân biệt những ý nghĩa ấy cho các ngươi”.
Các Tôn giả vâng lời lắng nghe.
Đức Thế Tôn bảo:
“Này A-na-luật-đà, không phải vì xu hướng của người mà nói, cũng chẳng phải vì lừa gạt người, cũng chẳng phải vì muốn vui lòng người mà khi đệ tử lâm chung, Như Lai ghi nhận vị này sẽ sanh chỗ này, vị kia sanh chỗ kia. Này A-na-luật-đà, chỉ vì những thanh tín thiện nam hay thanh tín thiện nữ với tín tâm nhiệt thành, với ái lạc cao độ, với hỷ duyệt cùng cực, sau khi đã nghe Chánh Pháp Luật, tâm nguyện tu tập theo như vậy, cho nên lúc lâm chung của các đệ tử, Như Lai đã ghi nhận vị này sanh chỗ này, vị kia sanh chỗ kia. Nếu Tỳ-kheo nào nghe Tôn giả ấy lâm chung nơi ấy, được Phật ghi nhận đã đắc cứu cánh trí, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Hoặc nhiều lần trông thấy, hoặc nhiều lần nghe người khác kể lại rằng: ‘Tôn giả ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Tỳ-kheo kia nghe xong nhớ rằng Tôn giả kia có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, trí tuệ như vậy. Sau khi nghe Chánh Pháp Luật này, Tỳ-kheo kia có thể tâm nguyện tu tập như vậy, như vậy. Này A-na-luật-đà, Tỳ-kheo ấy chắn chắc được phần nào sống trong sự an lạc thoải mái[06].
“Này A-na-luật-đà, nếu Tỳ-kheo nào nghe Tôn giả ấy lâm chung ở chỗ ấy, được Phật ghi nhận đã dứt sạch năm hạ phần kiết, sanh vào nơi kia mà nhập Niết-bàn, chứng đắc pháp bất thối, không còn trở lại thế gian này nữa. Hoặc chính mắt trông thấy, hoặc nhiều lần nghe người khác kể lại rằng ‘Tôn giả ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Tỳ-kheo kia nghe xong nhớ rằng Tôn giả kia có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, trí tuệ như vậy. Sau khi nghe Pháp Luật chân chánh này, Tỳ-kheo đó tâm nguyện tu tập theo như vậy, như vậy. Này A-na-luật-đà, Tỳ-kheo đó chắc chắn được phần nào sống trong sự an lạc thoải mái.
“Này A-na-luật-đà, lại nữa, Tỳ-kheo nào nghe rằng: ‘Tôn giả ấy lâm chung ở chỗ ấy, được Phật ghi nhận dứt sạch ba kiết sử, đã làm mỏng dâm, nộ, si, chỉ một lần qua lại thiên thượng, nhân gian; sau một lần qua lại thì đạt đến tận cùng sự khổ’. Hoặc tận mắt trông thấy, hoặc nhiều lần nghe người khác kể lại rằng: ‘Tôn giả ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Sau khi nghe xong, Tỳ-kheo kia nhớ rằng: ‘Tôn giả kia có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, trí tuệ như vậy. Nghe Pháp Luật chân chánh này rồi, Tỳ-kheo đó có thể tâm nguyện tu tập theo như vậy, như vậy…’ Này A-na-luật-đà, Tỳ-kheo đó chắc chắn được phần nào sống trong sự an lạc.
“Lại nữa, này A-na-luật-đà, Tỳ-kheo nào nghe Tôn giả ấy lâm chung ở nơi ấy, được Phật ghi nhận đã dứt sạch ba kiết sử, đắc Tu-đà-hoàn, không còn đọa ác pháp, nhất định sẽ đạt đến chánh gác, nhiều lắm là bảy lần thọ sanh. Sau bảy lần qua lại nhân gian, thiên thượng thì đạt đến tận cùng sự khổ. Hoặc tận mắt trông thấy, hoặc nhiều lần nghe người khác kể lại rằng: ‘Tôn giả ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Sau khi nghe xong, Tỳ-kheo kia nhớ rằng: ‘Tôn giả kia có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy. Sau khi nghe Pháp Luật chân chánh này, Tỳ-kheo đó có thể tâm nguyện tu tập theo như vậy, như vậy’. Này A-na-luật-đà, Tỳ-kheo đó chắc chắn được phần nào sống trong sự an lạc thoải mái.
“Này A-na-luật-đà, nếu Tỳ-kheo-ni nào nghe rằng: “Tỳ-kheo-ni ấy được Phật ghi nhận đã đắc Cứu cánh trí, biết như thật ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Hoặc tận mắt trông thấy Tỳ-kheo-ni ấy, hoặc nhiều lần nghe người khác kể lại rằng: ‘Tỳ-kheo-ni ấy có tín tâm như vậy, có trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Sau khi nghe xong, nhớ rằng Tỳ-kheo-ni ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy. Sau khi nghe Pháp Luật chân chánh này, Tỳ-kheo-ni đó có thể tâm nguyện tu tập theo như vậy, như vậy. Này A-na-luật-đà, Tỳ-kheo-ni đó chắc chắn được phần nào sống trong sự an lạc thoải mái.
“Lại nữa, này A-na-luật-đà, Tỳ-kheo-ni nào nghe rằng: ‘Tỳ-kheo-ni ấy lâm chung nơi ấy, được Đức Thế Tôn ghi nhận đã dứt sạch năm hạ phần kiết, sanh vào nơi kia mà nhập Niết-bàn, đắc pháp bất thối, không còn trở lại cõi này nữa’. Hoặc tận mắt trông thấy, hoặc nhiều lần nghe người khác nói lại rằng: ‘Tỳ-kheo ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Sau khi nghe Pháp Luật chân chánh này, Tỳ-kheo-ni ấy có thể tâm nguyện tu tập theo như vậy, như vậy. Này A-na-luật-đà, như vậy, Tỳ-kheo-ni đó chắc chắn được phần nào sống trong sự an lạc thoải mái.
“Lại nữa, này A-na-luật-đà, Tỳ-kheo-ni nào nghe rằng: ‘Tỳ-kheo-ni ấy lâm chung nơi ấy, được Đức Phật ghi nhận rằng đã dứt sạch ba kiết sử, đã mỏng dâm, nộ, si; chỉ một lần qua lại thiên thượng, nhân gian. Sau khi một lần qua lại ấy thì đạt đến tận cùng sự khổ’. Hoặc tận mắt trông thấy, hoặc nhiều lần nghe người khác kể lại rằng: ‘Tỳ-kheo-ni ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Nghe xong, nhớ rằng: Tỳ-kheo-ni ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy. Sau khi nghe Pháp Luật chân chánh này, vị ấy có thể tâm nguyện tu tập theo như vậy, như vậy. Này A-na-luật-đà, như vậy, Tỳ-kheo-ni đó chắc chắn được phần nào sống trong sự an lạc.
“Lại nữa, này A-na-luật-đà, Tỳ-kheo-ni nào nghe rằng ‘Tỳ-kheo-ni ấy lâm chung nơi ấy, được Đức Phật ghi nhận đã dứt sạch ba kiết sử, đắc Tu-đà-hoàn, không đọa vào ác pháp, nhất định đã đạt đến chánh giác, nhiều lắm là bảy lần thọ sanh. Sau bảy lần qua lại thiên thượng, nhân gian thì đạt đến tận cùng sự khổ’. Hoặc tận mắt trông thấy, hoặc nhiều lần nghe người khác kể lại rằng: ‘Tỳ-kheo-ni ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Nghe xong, Tỳ-kheo-ni kia nhớ rằng: Tỳ-kheo-ni ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy. Sau khi nghe Pháp Luật chân chánh này rồi, Tỳ-kheo-ni kia có thể tâm nguyện tu tập theo như vậy, như vậy. Này A-na-luật-đà, Tỳ-kheo-ni đó chắc chắn có sự sai giáng an lac trụ chỉ.
“Này A-na-luật-đà, nếu vị Ưu-bà-tắc nào nghe vị Ưu-bà-tắc ấy lâm chung ở chỗ ấy, được Phật ghi nhận đã dứt sạch năm hạ phần kiết, sanh vào chỗ kia mà nhập Niết-bàn, đắc pháp bất thối, không còn trở lại thế gian này nữa. Hoặc tận mắt trông thấy, hoặc nhiều lần nghe người khác kể lại rằng: ‘Ưu-bà-tắc ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Nghe xong, vị Ưu-bà-tắc kia nhớ rằng: Vị Ưu-bà-tắc ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy. Sau khi nghe Pháp Luật chân chánh này, vị Ưu-bà-tắc kia có thể tâm nguyện tu tập theo như vậy, như vậy. Này A-na-luật-đà, như vậy vị Ưu-bà-tắc kia chắc chắc được phần nào sống trong sự an lạc.
“Lại nữa, này A-na-luật-đà, Ưu-bà-tắc nào nghe vị Ưu-bà-tắc ấy lâm chung ở chỗ ấy, được Phật ghi nhận dứt sạch ba kiết, đã làm mỏng dâm, nộ, si; chỉ một lần qua lại thiên thượng, nhân gian. Sau một lần qua lại ấy thì đạt đến tận cùng sự khổ. Hoặc tận mắt trông thấy, hoặc nhiều lần nghe người khác kể lại rằng ‘Ưu-bà-tắc ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Nghe xong, Ưu-bà-tắc kia nhớ rằng: Vị Ưu-bà-tắc ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy. Sau khi nghe Pháp Luật chân chánh này, vị Ưu-bà-tắc kia có thể tâm nguyện tu tập theo như vậy, như vậy. Này A-na-luật-đà, vị Ưu-bà-tắc đó chắc chắn được phần nào sống trong sự an lạc.
“Lại nữa, này A-na-luật-đà, Ưu-bà-tắc nào nghe Ưu-bà-tắc kia lâm chung ở chỗ ấy, được Phật ghi nhận đã dứt sạch ba kiết sử, đắc Tu-đà-hoàn, đã đoạn ác pháp, nhất định sẽ đạt đến chánh giác, nhiều lắm là bảy lần thọ sanh nữa. Sau bảy lần qua lại thiên thượng, nhân gian thì đạt đến tận cùng sự khổ. Hoặc tận mắt trông thấy, hoặc nhiều lần nghe người khác kể lại rằng: ‘Ưu-bà-tắc ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Nghe xong, Ưu-bà-tắc kia nhớ lại rằng: Vị Ưu-bà-tắc ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy. Sau khi nghe Pháp Luật chân chánh này, vị Ưu-bà-tắc kia có thể tâm nguyện tu tập theo như vậy, như vậy… Này A-na-luật-đà, vị Ưu-bà-tắc đó chắc chắn được phần nào sống trong sự an lạc.
“Này A-na-luật-đà, nếu Ưu-bà-tư nào nghe vị Ưu-bà-tư ấy lâm chung nơi ấy, được Phật ghi nhận dứt sạch năm hạ phần kiết, sanh vào nơi kia mà nhập Niết-bàn, đắc pháp bất thối, không còn trở lại thế gian này nữa. Hoặc tận mắt trông thấy, hoặc nhiều lần nghe người khác kể lại rằng: ‘Ưu-bà-tư ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Nghe xong, Ưu-bà-tư đó nhớ lại rằng: Vị Ưu-bà-tư ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy. Sau khi nghe Pháp Luật chân chánh này, vị Ưu-bà-tư đó có thể tâm nguyện tu tập theo như vậy, như vậy… Này A-na-luật-đà, vị Ưu-bà-tư đó chắc chắn được phần nào sống trong sự an lạc.
“Lại nữa, này A-na-luật-đà, Ưu-bà-tư nào nghe Ưu-bà-tư đó lâm chung ở nơi ấy, được Phật ghi nhận đã dứt sạch ba phần kiết, làm mỏng dâm, nộ, si; chỉ một lần qua lại thiên thượng, nhân gian. Sau một lần qua lại ấy thì đạt đến tận cùng sự khổ. Hoặc tận mắt trông thấy, hoặc nghe người khác kể lại rằng: ‘Ưu-bà-tư ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Nghe xong, Ưu-bà-tư kia nhớ rằng: Ưu-bà-tư ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy. Sau khi nghe Pháp Luật chân chánh này, Ưu-bà-tư đó có thể tâm nguyện tu tập theo như vậy, như vậy… Này A-na-luật-đà, vị Ưu-bà-tư đó chắc chắn được phần nào sống trong sự an lạc.
“Lại nữa, này A-na-luật-đà, vị Ưu-bà-tư nào nghe vị Ưu-bà-tư đó lâm chung ở nơi ấy, được Phật ghi nhận đã dứt sạch ba kiết, chứng Tu-đà-hoàn, không còn đọa vào ác pháp, nhất định sẽ đến chánh giác, nhiều lắm là bảy lần thọ sanh. Sau bảy lần qua lại thiên thượng, nhân gian thì đạt đến tận cùng sự khổ. Hoặc tận mắt trông thấy, hoặc nhiều lần nghe người khác kể lại rằng: ‘Ưu-bà-tư ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy’. Nghe xong, Ưu-bà-tư ấy nhớ lại rằng: Ưu-bà-tư ấy có tín tâm như vậy, trì giới như vậy, học rộng như vậy, bố thí như vậy, trí tuệ như vậy. Sau khi nghe Pháp Luật chân chánh này, Ưu-bà-tư ấy có thể tâm nguyện tu tập theo như vậy, như vậy… Này A-na-luật-đà, vị Ưu-bà-tư ấy chắc chắn được phần nào sống trong sự an lạc.
“Này A-na-luật-đà, Như Lai vì những thiện lợi ấy nên khi đệ tử lâm chung ghi nhận vị này sẽ sanh vào chỗ này, vị kia sẽ sanh vào chỗ kia”.
Phật thuyết như vậy Tôn giả A-na-luật-đà và các Tỳ-kheo sau khi nghe lời Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli M.68. Naḷakapāna-suttaṃ.
[02] Sa-kê-đế 娑 雞 帝. Pāli: Sāketa, một thị trấn lớn của Kosala, cách Sāvatthi chừng bảy dặm.
[03] Thanh lâm 青 林. Pāli, có lẽ: Palāsavana. Bản Pāli: Kosalesu, Naḷakapāne Palāsavane, trú Kosala, thôn Nalapāna, rừng Palāsa.
[04] Xem Kinh số 72 ở trước và Kinh số 185 ở sau.
[05] Hữu sở trừ, sở dụng, sở kham, sở chỉ, sở thổ. Pāli: saṅkhāyekaṃ paṭisevati saṅkhāyekaṃ adhivāsati saṅkhāyekaṃ parivajjati saṅkhāyekaṃ vinodeti: sau kki tư duy, thọ dụng một pháp; sau khi tư duy, nhẫn thọ (chấp nhận) một pháp; sau khi tư duy, xả ly một pháp; sau khi tư duy, bài trừ một pháp.
[06] Hán: sai giáng an lạc trụ chỉ. Xem cht.20, Kinh số 72.
-ooOoo-
78. KINH PHẠM THIÊN THỈNH PHẬT[1] Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ có một Phạm thiên[02] ở cõi trời Phạm thiên, sanh khởi tà kiến như thế này: “Chỗ này là hằng hữu, chỗ này là thường hữu, chỗ này là trường tồn, chỗ này quan yếu[03], chỗ này pháp không hoại diệt[04], chỗ này là xuất yếu[05], ngoài xuất yếu này không còn xuất yếu nào khác nữa mà có đấng Tối thắng, Tối diệu, Tối thượng”.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bằng tha tâm trí, biết rõ tâm niệm của Phạm thiên đang nghĩ, liền như vậy mà nhập định[06]. Với định như vậy, chỉ trong khoảnh khắc ví như người lực sĩ co duỗi cánh tay Ngài biến mất khỏi vườn Cấp cô độc, trong rừng Thắng tại nước Xá-vệ, đi lên cõi trời Phạm.
Lúc ấy, Phạm thiên trông thấy Đức Thế Tôn đi đến, liền chào hỏi:
“Kính chào Đại Tiên nhân, chỗ này là thường hữu, chỗ này là hằng hữu, chỗ này là trường tồn, chỗ này là quan yếu, chỗ này là pháp không hoại diệt, chỗ này là xuất yếu, và ngoài xuất yếu này không còn xuất yếu nào hơn nữa mà có bậc Tối thắng, Tối diệu, Tối thượng”.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo:
“Này Phạm thiên, cái không thường, ông bảo là thường; cái không hằng, ông bảo là hằng; cái không trường tồn, ông bảo là trường tồn; cái không quan yếu, ông bảo là quan yếu; cái hoại diệt, ông bảo là không hoại diệt; cái không xuất yếu, ông bảo là xuất yếu mà ngoài sự xuất yếu ấy, không còn xuất yếu nào khác nữa để có đấng Tối thắng, Tối diệu, Tối thượng. Phạm thiên, ông có cái vô minh ấy! Phạm thiên, ông có cái vô minh ấy!”
Lúc đó, có ma Ba-tuần[07] ở trong chúng, ma Ba-tuần nói với Đức Thế Tôn rằng:
“Này Tỳ-kheo, chớ nên trái điều Phạm thiên nói, chớ nên nghịch điều Phạm thiên nói. Tỳ-kheo, nếu ông trái điều Phạm thiên nói, nghịch điều Phạm thiên nói thì, Tỳ-kheo, cũng như người gặp vận may mà lại xua đuổi đi. Lời Tỳ-kheo nói ra, lại cũng như vậy. Cho nên, Tỳ-kheo, tôi bảo ông rằng ông chớ trái điều Phạm thiên nói, chớ nên nghịch điều Phạm thiên nói. Này Tỳ-kheo, nếu ông trái lời Phạm thiên, chống đối thuyết của Phạm thiên thì, Tỳ-kheo, cũng như người từ núi cao rơi xuống, tuy dang tay chân quờ quạng hư không nhưng không bám víu được gì. Lời Tỳ-kheo nói ra lại cũng như vậy. Cho nên, Tỳ-kheo, tôi bảo ông rằng ông chớ trái điều Phạm thiên nói, chớ nên nghịch điều Phạm thiên nói. Này Tỳ-kheo, nếu ông trái điều Phạm thiên nói, nghịch điều Phạm thiên nói thì, Tỳ-kheo, cũng như người từ trên cây cao rơi xuống, tuy dang tay chân quờ quạng lá cành nhưng chẳng bám víu được gì. Lời Tỳ-kheo nói ra lại cũng như vậy. Cho nên, này Tỳ-kheo, tôi bảo ông rằng ông chớ nên trái điều Phạm thiên nói, chớ nên nghịch điều Phạm thiên nói. Vì sao? Vì Phạm thiên là đấng Phước hựu, là Hóa công, là đấng Tối tôn, là đấng Năng tác, là đấng Sáng tạo, là Tổ phụ của tất cả chúng sanh đã sanh và sẽ sanh. Tất cả đều do Ngài sanh ra. Những gì Ngài biết là trọn biết, những gì Ngài thấy là trọn thấy[08].
“Đại Tiên nhân, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào ghét đất, chê bai đất, thì sau khi thân hoại mạng chung, chắc chắn sanh làm thần kỹ nhạc trong chốn hạ tiện nhất. Cũng thế, đối với nước, lửa, gió, quỷ thần[09], chư Thiên, Sanh chủ, Phạm thiên, nếu ai ghét Phạm thiên, chê bai Phạm thiên, thì sau khi thân hoại mạng chung, chắc chắn sanh làm thần kỹ nhạc trong chốn hạ tiện nhất. Đại Tiên nhân, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào ưa thích đất, ca ngợi đất thì sau khi thân hoại mạng chung, chắc chắn sanh làm bậc tối Thượng tôn trong cõi trời Phạm thiên. Cũng thế, đối với nước, lửa, gió, quỷ thần, chư Thiên, Sanh chủ, Phạm thiên, nếu ai ưa thích Phạm thiên, tán thán Phạm thiên, thì sau khi thân hoại mạng chung, chắc chắn sanh làm bậc tối Thượng tôn trong cõi trời Phạm thiên. Đại Tiên nhân, ông há không thấy đại quyến thuộc của Phạm thiên ấy, chẳng hạn như bọn chúng tôi đang ngồi đây chăng?”
Ma Ba-tuần chẳng phải là Phạm thiên, chẳng phải quyến thuộc của Phạm thiên, nhưng lại xưng mình là Phạm thiên. Bấy giờ Đức Thế Tôn nghĩ rằng: “Ma Ba-tuần chẳng phải là Phạm thiên, cũng chẳng phải quyến thuộc của Phạm thiên, lại tự xưng là Phạm thiên. Nếu nói rằng có ma Ba-tuần thì đây chính là ma Ba-tuần”.
Biết rõ như vậy, Đức Thế Tôn bảo:
“Này ma Ba-tuần, ngươi chẳng phải Phạm thiên, cũng chẳng phải quyến thuộc của Phạm thiên, nhưng ngươi tự xưng rằng ‘Ta là Phạm thiên’. Nếu nói rằng có ma Ba-tuần, thì chính ngươi là ma Ba-tuần”.
Lúc ấy, ma Ba-tuần liền nghĩ: “Thế Tôn đã biết ta! Thiện Thệ đã biết ta!” Biết như thế nên rất đổi ưu sầu, vụt biến mất nơi ấy.
Bấy giờ, Phạm thiên ấy lại ba lần thưa thỉnh Đức Thế Tôn rằng:
“Kính chào Đại Tiên Nhân, chỗ này là thường hữu, chỗ này là trường tồn, chỗ này là quan yếu, chỗ này là pháp không hoại diệt, chỗ này là xuất yếu, ngoài xuất yếu này không còn xuất yếu nào hơn nữa mà có đấng Tối thắng, Tối diệu, Tối tôn?!
Đức Thế Tôn cũng ba lần bảo Phạm Thiên rằng:
“Này Phạm thiên, cái không thường, ông bảo là thường; cái không hằng, ông bảo là hằng; cái không trường tồn, ông bảo là trường tồn; cái không quan yếu, ông bảo là quan yếu; cái hoại diệt, ông bảo là không hoại diệt; cái không xuất yếu, ông bảo là xuất yếu mà ngoài sự xuất yếu ấy, không còn xuất yếu nào khác nữa để có đấng Tối thắng, Tối diệu, Tối thượng. Phạm thiên, ông có cái vô minh ấy! Phạm thiên, ông có cái vô minh ấy!”
Rồi thì, Phạm thiên bạch Thế Tôn rằng:
“Đại Tiên nhân, thuở xưa có Sa-môn, Phạm chí thọ mạng rất lâu dài. Đại Tiên nhân, thọ mạng của ông ngắn quá, không bằng một khoảnh khắc ngồi yên của Sa-môn, Phạm chí kia. Vì sao? Vì những gì các vị ấy biết là trọn biết, những gì các vị ấy thấy là trọn thấy. Nếu thật có sự xuất yếu, ngoài sự xuất yếu ra không còn xuất yếu nào hơn nữa mà có bậc Tối thắng, Tối diệu, Tối thượng thì các vị ấy biết ngay rằng có; và ngoài xuất yếu ấy ra, không còn sự xuất yếu nào hơn nữa mà có bậc Tối thắng, Tối diệu, Tối thượng. Nếu thật không có sự xuất yếu, lại không có ngoài xuất yếu nào hơn nữa mà có bậc Tối thắng, Tối diệu, Tối thượng thì các vị ấy biết ngay là không có. Đại Tiên nhân, đối với chỗ xuất yếu ông nghĩ là không xuất yếu. Trái lại, đối với chỗ không phải là xuất yếu, ông nghĩ là xuất yếu. Như vậy, ông không đạt được chỗ xuất yếu và trở thành kẻ đại si. Vì sao? Vì sẽ không bao giờ có cảnh giới ấy cho ông.
“Đại Tiên nhân, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào ưa thích đất, ca ngợi đất, thì vị ấy tùy theo sự tự tại của ta, làm theo ý ta muốn, vâng theo mệnh lệnh ta sai. Cũng thế, đối với nước, lửa, gió, quỷ thần, chư Thiên, Sanh chủ, Phạm thiên; nếu ai ưa thích Phạm thiên, ca ngợi Phạm thiên thì vị ấy tùy theo sự tự tại của ta, làm theo ý muốn của ta, vâng theo mệnh lệnh ta sai. Đại Tiên nhân, nếu ông ưa thích đất, ca ngợi đất, thì ông cũng tùy theo sự tự tại của ta, làm theo ý ta muốn, vâng theo mệnh lệnh ta sai. Cũng thế, với nước, lửa, gió, quỷ thần, chư Thiên, Sanh chủ, Phạm thiên; nếu ông ưa thích Phạm thiên, ca ngợi Phạm thiên thì ông cũng tùy theo sự tự tại của ta, làm theo ý ta muốn, vâng theo mệnh lệnh ta sai”.
Bấy giờ Đức Thế Tôn nói rằng:
“Phạm thiên, điều Phạm thiên nói sự thật. Nếu có Sa-môn, Phạm chí nào ưa thích đất, ca ngợi đất, vị ấy tùy theo sự tự tại của ông, làm theo ý ông muốn, vâng theo mệnh lệnh ông sai. Cũng vậy, đối với nước, lửa, gió, quỷ thần, chư Thiên, Sanh chủ, Phạm thiên; nếu ai ưa thích Phạm thiên, ca ngợi Phạm thiên thì vị ấy tùy theo sự tự tại của ông, làm theo ý ông muốn, vâng theo mệnh lệnh của ông sai. Và này Phạm thiên, nếu Ta ưa thích đất, ca ngợi đất thì Ta cũng tùy theo sự tự tại của ông, làm theo ý ông muốn và vâng theo mệnh lệnh của ông sai. Cũng thế, đối với nước, lửa, gió, quỷ thần, chư Thiên, Sanh chủ, Phạm thiên; nếu Ta ưa thích Phạm thiên, ca ngợi Phạm thiên thì Ta cũng tùy theo sự tự tại của ông, làm theo ý ông muốn, vâng theo mệnh lệnh ông sai.
“Nhưng này Phạm thiên, nếu tám sự kiện này[10], Ta tùy theo mỗi sự mà ưa thích, mà ca ngợi, thì những điều ấy cũng vẫn như thế. Này Phạm thiên, Ta biết rõ ông từ đâu đến và sẽ đi đâu, tùy nơi ông đang sống, tùy chỗ ông mất, và tùy chốn ông tái sanh. Nếu có Phạm thiên thì Phạm thiên ấy có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần”.
Nghe vậy, Phạm thiên bạch Thế Tôn rằng:
“Đại Tiên nhân, làm thế nào ông biết được điều ta biết, thấy được điều ta thấy? Làm sao ông biết rõ ta như mặt trời, tự tại soi sáng khắp nơi, bao trùm cả một ngàn thế giới? Ông có tự tại không, trong một ngàn thế giới ấy? Ông có biết nơi này và nơi kia, nơi nào không có ngày đêm không? Này Đại Tiên nhân, ông có lần nào qua lại các nơi ấy chưa? Hay đã nhiều lần qua lại các nơi ấy rồi?”
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo:
“Này Phạm thiên, như mặt trời tự tại, soi sáng khắp nơi, bao trùm cả một ngàn thế giới. Trong ngàn thế giới ấy, Ta được tự tại và cũng biết này hay nơi kia, không có ngày đêm. Này Phạm thiên, Ta đã từng qua lại những nơi ấy và qua lại rất nhiều lần. Này Phạm thiên, có ba loại trời, đó là Quang thiên, Tịnh quang thiên và Biến tịnh quang thiên[11]. Nếu những gì mà ba loại trời ấy có biết và có thấy, thì Ta cũng có biết và có thấy. Phạm thiên, những gì mà ba loại trời đó không có biết, không có thấy, thì riêng Ta vẫn có biết, có thấy. Này Phạm thiên, nếu những gì mà ba loại trời ấy và quyến thuộc của họ có biết và có thấy thì Ta cũng có biết và có thấy. Những gì mà ba loại trời ấy và quyến thuộc họ không biết, không thấy, thì riêng Ta vẫn có biết, có thấy. Này Phạm thiên, những gì mà ông có biết, có thấy, Ta cũng có biết, có thấy. Những gì mà ông không có biết, có thấy, thì riêng Ta vẫn có biết, có thấy. Này Phạm thiên, nếu những gì mà ông và những quyến thuộc của ông có biết, có thấy, thì Ta cũng có biết, có thấy. Những gì mà ông và quyến thuộc của ông không có biết, có thấy, thì riêng Ta vẫn có biết, có thấy. Này Phạm thiên, ông không thể ngang hàng Ta về tất cả, ông không thể ngang hàng Ta suốt hết. Nhưng đối với ông, Ta là Tối thắng, Ta là Tối thượng.
Nghe vậy, Phạm thiên thưa Đức Thế Tôn rằng:
“Này Đại Tiên nhân, do đâu mà nếu những gì mà ba loại trời ấy có biết và có thấy, thì ông cũng có biết và có thấy; những gì mà ba loại trời đó không có biết, không có thấy, thì riêng ông vẫn có biết, có thấy? Nếu những gì mà ba loại trời ấy và quyến thuộc của họ có biết và có thấy thì ông cũng có biết và có thấy; những gì mà ba loại trời ấy và quyến thuộc họ không biết, không thấy, thì riêng ông vẫn có biết, có thấy? Nếu những gì mà ta có biết, có thấy, ông cũng có biết, có thấy; những gì mà ta không có biết, có thấy, thì riêng ông vẫn có biết, có thấy? Nếu những gì mà ta và những quyến thuộc của ta có biết, có thấy, thì ông cũng có biết, có thấy; những gì mà ta và quyến thuộc của ta không có biết, có thấy, thì riêng ông vẫn có biết, có thấy? Đại Tiên nhân đó không phải là lời nói khoác chăng? Sau khi hỏi xong, không biết có tăng thêm sự ngu si chăng? Vì sao? Vì nếu biết vô lượng cảnh giới nên có vô lượng biết, vô lượng thấy, vô lượng chủng loại phân biệt. Trái lại, ta thì biết riêng rẽ từng cái. Là đất, ta biết đó là đất. Là nước, lửa, gió, quỷ thần, chư Thiên, Sanh chủ, Phạm thiên, cũng giống như thế. Là Phạm thiên, ta biết đó là Phạm thiên”.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo rằng:
“Này Phạm thiên, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào đối với đất mà có tưởng về đất rằng: ‘Đất là ta, đất là sở hữu của ta, ta là sở hữu của đất’, thì khi chấp đất là ta tức không biết rõ đất. Cũng thế, đối với nước, lửa, gió, quỷ thần, chư Thiên, Sanh chủ, Phạm thiên, Vô phiền thiên, Vô nhiệt và Tịnh[12]; nếu nghĩ rằng: ‘Tịnh là ta, Tịnh là sở hữu của ta, ta là sở hữu của Tịnh’, khi chấp nhận Tịnh là ta rồi, vị ấy không thực biết về Tịnh. Phạm thiên, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào đối với đất mà biết là đất, ‘Đất không phải là ta, đất không phải là sở hữu của ta, ta không phải là sở hữu của đất,’ do không chấp đất là ta nên vị ấy mới thực biết về đất. Cũng thế, đối với nước, lửa, gió, quỷ thần, Sanh chủ, chư Thiên, Phạm thiên, Vô phiền, Vô nhiệt, Tịnh mà nghĩ rằng ‘Tịnh chẳng phải là ta, Tịnh chẳng phải là sở hữu của ta, ta chẳng phải là sở hữu của Tịnh,’ do không chấp Tịnh là ta nên vị ấy mới thật sự biết về Tịnh.
Nghe vậy, Phạm thiên thưa với Đức Thế Tôn rằng:
“Chúng sanh này, ai cũng ái trước hữu, ưa thích hữu, tập quán hữu. Chỉ có ông đã nhỗ tận gốc rễ hữu. Vì sao? Vì ông là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác”.
Phạm thiên liền nói bài kệ:
Nơi hữu thấy sợ hãi;
Không hữu thấy sợ gì?
Cho nên đừng ưa hữu;
Hữu làm sao chẳng dứt?[13]
“Này Đại Tiên nhân, tôi nay muốn ẩn hình”.
Đức Thế Tôn bảo:
“Này Phạm thiên, nếu ông muốn ẩn mình thì cứ tùy tiện”.
Phạm thiên liền ẩn hình ngay nơi đó. Đức Thế Tôn thấy rõ, liền nói:
“Phạm thiên, ông ở chỗ này. Ông đến chỗ kia. Ông lại ở giữa”.
Phạm thiên vận dụng hết như ý túc, muốn tự ẩn hình mà không thể tự ẩn, nên hiện hình trở lại giữa cõi trời Phạm thiên.
Bấy giờ Đức Thế Tôn mới bảo:
“Này Phạm thiên, Ta cũng muốn ẩn mình”.
Phạm thiên thưa rằng:
“Đại Tiên nhân, nếu muốn ẩn mình, xin cứ tùy tiện”.
Lúc ấy, Đức Phật nghĩ rằng: “Ta hãy như vậy mà hóa hiện như ý túc[14], phóng hào quang cực sáng, chiếu rọi cùng khắp cõi trời Phạm thiên, rồi ẩn hình trong đó, khiến cho Phạm thiên và quyến thuộc của Phạm thiên chỉ nghe tiếng mà không thấy hình Ta”.
Nghĩ xong, Đức Thế Tôn hiện như ý túc như vậy, phóng hào quang cực sáng, chiếu rọi khắp cõi trời Phạm thiên. Phạm thiên và quyến thuộc chỉ nghe tiếng mà không thấy hình Ngài. Bấy giờ Phạm thiên và quyến thuộc mới nghĩ rằng: “Sa-môn Cù-đàm thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần. Vì sao? Vì đã phóng hào quang chiếu sáng, chiếu rọi khắp cả trời Phạm thiên, rồi tự ẩn hình trong đó, khiến cho chúng ta chỉ được nghe tiếng mà không thấy hình”.
“Lúc ấy, Đức Thế Tôn lại nghĩ rằng: “Ta đã giáo hóa Phạm thiên này và quyến thuộc của Phạm thiên. Nay Ta hãy thu hồi như ý túc”.
“Đức Thế Tôn liền thu hồi như ý túc, hiện ra giữa cõi trời Phạm thiên. Khi ấy Ma vương cũng liền xuất hiện trong chúng Phạm thiên. Bấy giờ Ma vương liền bạch Thế Tôn rằng:
“Đại Tiên nhân, ông thật khéo thấy, khéo biết, khéo thông suốt, nhưng ông chớ nên giáo huấn, chớ nên dìu dắt đệ tử, chớ nói pháp cho đệ tử nghe, chớ luyến ái đệ tử. Chớ vì luyến ái đệ tử mà khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào nơi thấp kém, sanh trong loại thần kỹ nhạc. Hãy sống vô vi mà hưởng thụ an ổn khoái lạc trong đời hiện tại. Vì sao? Đại Tiên nhân, vì đó là tự gây phiền nhiệt vô ích. Đại Tiên nhân, xưa có Sa-môn, Phạm chí giáo huấn đệ tử, dìu dắt đệ tử, nói pháp cho đệ tử nghe, luyến ái đệ tử. Vì luyến ái đệ tử nên khi thân hoại mạng chung, vị ấy đã sanh vào những nơi thấp kém, sanh làm thần kỹ nhạc. Đại Tiên nhân, vì thế tôi bảo ông chớ nên giáo huấn đệ tử và dìu dắt đệ tử, cũng đừng nói pháp cho đệ tử nghe, chớ luyến ái đệ tử. Vì luyến ái đệ tử, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào nơi thấp kém, làm thần kỹ nhạc. Hãy sống vô vi mà hưởng thụ khoái lạc trong đời hiện tại. Vì sao? Vì đó là tự gây phiền nhọc vô ích mà thôi”.
Khi ấy, Phật bảo rằng:
“Ma Ba-tuần, ngươi chẳng phải vì mong cầu nghĩa lợi cho Ta, chẳng phải vì mong cầu sự hữu ích, chẳng phải vì mưu cầu hoan lạc, cũng chẳng phải mưu cầu sự an ổn cho Ta mà nói với Ta rằng: ‘Đừng giáo huấn, dìu dắt đệ tử, đừng nói pháp cho đệ tử nghe, đừng luyến ái đệ tử. Vì sao? Vì luyến ái đệ tử thì sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào nơi thấp kém, sanh làm thần kỹ nhạc. Hãy sống mà hưởng thụ khoái lạc ngay trong đời hiện tại. Vì sao vậy? Đại Tiên nhân, vì đó là sự gây phiền nhọc vô ích mà thôi’. Ma Ba-tuần, Ta biết ngươi đang nghĩ rằng ‘Sa-môn Cù-đàm này nói pháp cho đệ tử nghe, sau khi nghe xong, các đệ tử ấy sẽ ra khỏi cảnh giới của ta’. Này ma Ba-tuần, vì thế cho nên ngươi nói với Ta rằng: ‘Đừng giáo huấn, dìu dắt đệ tử, đừng nói pháp cho đệ tử nghe, cũng đừng luyến ái đệ tử, thì sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào cảnh giới thấp kém, sanh làm thần kỹ nhạc. Hãy sống vô vi mà hưởng thụ khoái lạc an ổn ngay trong đời hiện tại. Vì sao vậy? –Này Đại Tiên nhân, vì đó là sự gây phiền nhiệt vô ích mà thôi’.
“Ma Ba-tuần, nếu quả có Sa-môn, Phạm chí nào đã giáo huấn đệ tử, dìu dắt đệ tử, nói pháp cho đệ tử nghe và luyến ái đệ tử; vì luyến ái đệ tử nên thân hoại mạng chung đã sanh vào nơi thấp kém, làm thần kỹ nhạc thì Sa-môn, Phạm chí ấy chẳng phải là Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn, chẳng phải là Phạm chí mà tự xưng là Phạm chí, chẳng phải A-la-hán mà tự xưng là A-la-hán, chẳng phải Đẳng chánh giác mà tự xưng Đẳng chánh giác.
“Này ma Ba-tuần, Ta là Sa-môn thực nên mới xưng là Sa-môn, thực là Phạm chí nên mới xưng là Phạm chí, thực là A-la-hán nên mới xưng là A-la-hán, thực là Đẳng chánh giác nên mới xưng là Đẳng chánh giác. Này ma Ba-tuần, nếu Ta có nói pháp hay không nói pháp cho đệ tử nghe thì ngươi cũng nên đi đi. Nay Ta tự biết nên nói pháp cho đệ tử nghe hay không nên nói pháp cho đệ tử nghe.
“Đó là sự thỉnh cầu Phạm thiên, sự chống đối của ma Ba-tuần, sự tùy thuận thuyết pháp của Đức Thế Tôn, cho nên kinh này gọi là “Phạm thiên thỉnh Phật”.
Phật thuyết như vậy. Phạm thiên và quyến thuộc của Phạm thiên sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Bản Hán, quyển 19. Tương đương Pāli M.49. Brahmanimantaṇika-suttaṃ.
[02] Bản Pāli nói vị này tên là Baka.
[03] Hán: thử xứ thị yếu 此 處 是 要. Pāli: idaṃ kevalam, cái này là tuyệt đối, độc nhất, toàn nhất.
[04] Hán: thử xứ bất chung pháp 此 處 不 終 法. Pāli: idaṃ acavadhammaṃ, cái này là pháp bất diệt.
[05] Hán: xuất yếu 出 要. Pāli: nissaraṇa, sự thoát ly, giải thoát, sự cứu rỗi.
[06] Như kỳ tượng định 如 其 像 定.
[07] Ma Ba-tuần 魔 波 旬. Pāli: Māra Papiman.
[08] Pāli: eso hi bhikkhu brahmā mahābrahmā abhibhū anabhibhūto aññud-atthu-daso vasavattī issaro kattā nimmātā seṭṭho sañjitā vasī pitā bhūtabhavyānaṃ, Tỳ-kheo, vị Brahmā này thật sự là Mahā-brahmā, là Đại Phạm thiên, là đấng Chiến thắng, Toàn thắng, Toàn kiến, Toàn năng, Tự tại, là đấng Sáng tác, Sáng tạo, Tối tôn, Chúa tể, Quyền năng, là Tổ phụ của những gì đã sanh và sẽ sanh.
[09] Hán: thần 神, đây chỉ quỷ thần; Pāli: bhūta.
[10] Tám sự kể trên: bốn đại: đất, nước, lửa, gió, và quỷ thần, chư Thiên, Sanh chủ, Phạm thiên. Pāli: paihavī, āpa, tejo, vāyo, bhūta, deva, pajāpati, brahmā.
[11] Quang thiên 光 天 (Pāli: Parittābhā); Tịnh quang thiên 淨 光 天 (Pāli: Apramāṇābhā) Biến tịnh quang thiên 遍 淨 光 天 (Pāli: Ābhassara), cả ba thuộc thiền thứ hai Sắc giới. Bản Pāli kể: Ābhassara (Quang âm thiên, cao nhất trong Nhị thiền), Subhakiṇṇa (Biến tịnh quang thiên, cao nhất trong Tam thiền) và Vehapphala (Quảng quả thiên thấp nhất trong Tứ thiền). Phạm thiên thuộc Sơ thiền.
[12] Vô phiền, Vô nhiệt và Tịnh, nên hiểu là Vô phiền thiên, Vô nhiệt thiên, và Tịnh cư thiên. Xem cht.5 kinh 106.
[13] Trong bản Pāli, bài kệ này do Phật nói.
[14] Như kỳ tượng như ý túc 如 其 像 如 意 足.
-ooOoo-
79. KINH HỮU THẮNG THIÊN[1] Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Tiên Dư Tài Chủ[02] bảo một người sứ:
“Ngươi hãy đến chỗ Đức Phật, thay ta cúi đầu đảnh lễ dưới chân Đức Thế Tôn và thưa hỏi Ngài: Thánh thể có khang cường, an vui, không bệnh, đi đứng dễ dàng, khí lực bình thường chăng? Hãy nói như vầy: ‘Tiên Dư Tài Chủ cúi lạy dưới chân Phật, thưa hỏi Thế Tôn: Thánh thể có khang cường, an vui, không bệnh, đi đứng dễ dàng, khí lực bình thường chăng?’ Ngươi đã thay ta thăm hỏi Phật rồi, hãy đến chỗ Tôn giả A-na-luật-đà[03], cũng thay mặt ta cúi lạy dưới chân Tôn giả, rồi thăm hỏi rằng: ‘Tiên Dư Tài Chủ cúi lạy dưới chân Tôn giả A-na-luật-đà và thưa hỏi Tôn giả: Thánh thể có khang kiện, an vui, không bệnh, đi đứng dễ dàng, thoải mái, nhẹ nhàng, khí lực bình thường chăng? Tiên Dư Tài Chủ cung thỉnh Tôn giả A-na-luật-đà, tất cả bốn vị, ngày mai cùng đến thọ trai’. Nếu ngài nhận lời, thưa thêm rằng: ‘Bạch Tôn giả, Tiên Dư Tài Chủ nhiều công việc, nhiều bổn phận, làm các việc cho vua, giải quyết việc thần tá[04]. Cúi xin Tôn giả vì lòng thương xót, cùng tất cả bốn vị nữa, ngày mai đến nhà Tiên Dư Tài Chủ’.”
Lúc ấy người sứ nghe lời Tiên Dư Tài Chủ dạy xong, đi đến chỗ Phật, cúi lạy dưới chân Ngài, đứng qua một bên mà bạch rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn, Tiên Dư Tài Chủ cúi lạy dưới chân Phật, thăm hỏi Thế Tôn: Thánh thể có khang kiện, an vui, không bệnh, đi đứng thoải mái nhẹ nhàng, khí lực bình thường chăng?”
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo người sứ:
“Mong rằng Tiên Dư Tài Chủ an ổn, khoái lạc. Mong rằng trời, người, A-tu-la, Càn-thát-bà, La-sát và tất cả loài khác an ổn khoái lạc.
Khi ấy, người sứ nghe lời Phật dạy, khéo ghi nhớ, cúi lạy dưới chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi lui ra. Đi đến chỗ Tôn giả A-na-luật-đà cúi lạy dưới chân, ngồi qua một bên và bạch rằng:
“Bạch Tôn giả A-na-luật-đà, Tiên Dư Tài Chủ cúi lạy dưới chân ngài, thăm hỏi Tôn giả: Thánh thể có khang kiện, an vui, không bệnh, đi đứng thoải mái nhẹ nhàng, khí lực bình thường chăng? Tiên Dư Tài Chủ cung thỉnh Tôn giả cùng bốn vị ngày mai cùng đến thọ trai”.
Lúc ấy, cách Tôn giả A-na-luật-đà không xa, Tôn giả Chân Ca-chiên-diên[05] đang ngồi nghỉ. Tôn giả A-na-luật-đà liền nói:
“Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, tôi đã nói ngày mai chúng ta đến Xá-vệ để khất thực chính là vậy. Hôm nay Tiên Dư Tài Chủ sai người thỉnh chúng ta bốn người cùng thọ trai ngày mai”.
Tôn giả Chân Ca-chiên-diên lập tức bạch rằng:
“Mong Tôn giả A-na-luật-đà vì người ấy mà nhận lời mời. Ngày mai chúng ta ra khỏi khu rừng này để vào thành Xá-vệ khất thực.”
Tôn giả A-na-luật-đà vì người ấy mà im lặng nhận lời. Lúc đó người sứ biết Tôn giả im lặng nhận lời, liền thưa thêm rằng:
“Tiên Dư Tài Chủ bạch Tôn giả rằng: “Tiên Dư Tài Chủ có nhiều công việc, nhiều bổn phận, làm các việc cho vua, giải quyết việc thần tá. Mong Tôn giả vì thương xót, tất cả bốn vị, ngày mai đến sớm nhà Tiên Dư Tài Chủ’.”
Tôn giả A-na-luật-đà bảo người sứ rằng:
“Ông cứ trở về, tôi tự biết thời”.
Lúc ấy, người sứ liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ, nhiễu ba vòng rồi lui ra.
Đêm tàn, trời sáng, Tôn giả A-na-luật-đà mang y cầm bát và tất cả bốn vị cùng đến nhà Tiên Dư Tài Chủ. Bấy giờ Tiên Dư Tài Chủ với thể nữ vây quanh, đứng ở giữa cửa, chờ Tôn giả A-na-luật-đà.
Tiên Dư Tài Chủ thấy Tôn giả A-na-luật-đà từ xa đi đến. Sau khi thấy, Tiên Dư Tài Chủ chắp tay hướng về Tôn giả A-na-luật-đà tán thán:
“Kính chào Tôn giả A-na-luật-đà, đã lâu rồi ngài không đến đây”.
Với lòng tôn kính, Tiên Dư Tài Chủ dìu Tôn giả A-na-luật-đà vào trong nhà, mời ngồi trên giường tốt đẹp đã bày sẵn. Tôn giả liền ngồi trên giường ấy, Tiên Dư Tài Chủ cúi lạy dưới chân Tôn giả A-na-luật-đà, ngồi qua một bên mà bạch rằng:
“Kính bạch Tôn giả A-na-luật-đà, con có điều muốn hỏi, xin ngài nghe cho”.
Tôn giả bảo:
“Tài Chủ, tùy theo ông hỏi. Nghe rồi tôi sẽ suy nghĩ”.
Tiên Dư Tài Chủ hỏi Tôn giả A-na-luật-đà rằng:
“Hoặc có Sa-môn, Phạm chí đi đến chỗ con, bảo con: ‘Tài Chủ, ông nên tu đại tâm giải thoát[06].’ Bạch Tôn giả, lại có Sa-môn, Phạm chí đến chỗ con, bảo con: ‘Tài Chủ, ông nên tu vô lượng tâm giải thoát[07].’ Bạch Tôn giả, đại tâm giải thoát và vô lượng tâm giải thoát, hai giải thoát này khác văn khác nghĩa, hay một nghĩa nhưng khác văn?”
Tôn giả A-na-luật-đà bảo:
“Tài Chủ, ông hỏi điều này trước, vậy ông hãy tự trả lời trước, rồi tôi sẽ trả lời sau”.
Tài Chủ thưa:
“Bạch Tôn giả, đại tâm giải thoát và vô lượng tâm giải thoát này đồng nghĩa nhưng khác văn”.
Tiên Dư Tài Chủ không thể trả lời việc này[08].
Tôn giả A-na-luật-đà bảo rằng:
“Tài chủ, hãy lắng nghe. Tôi sẽ nói cho ông nghe về đại tâm giải thoát và vô lượng tâm giải thoát.
“Thế nào là đại tâm giải thoát? Nếu có Sa-môn, Phạm chí nào ở chỗ vô sự hoặc đến gốc cây, chỗ yên tịnh, y trên một gốc cây, ý cởi mở, đại tâm giải thoát biến mãn, thành tựu an trụ, chỉ với giới hạn bằng chừng đó, tâm giải thoát không vượt hơn chỗ đó[09]. Nếu không y trên một cây, thì hãy y trên hai, hay ba gốc cây, ý cởi mở, đại tâm giải thoát biến mãn, thành tựu an trụ, với giới hạn bằng chừng đó, tâm giải thoát không vượt hơn chỗ đó. Nếu không y trên hai, hay ba gốc cây thì hoặc y trên một khu rừng. Nếu không y trên một khu rừng thì hoặc y trên hai, ba khu rừng. Nếu không y trên hai, ba khu rừng, nên y trên một thôn. Nếu không y trên một thôn thì nên y trên hai, ba thôn. Nếu không y trên hai, ba thôn thì hoặc y trên một nước. Nếu không y trên một nước, thì nên y trên hai, ba nước. Nếu không y trên hai, ba nước thì hoặc y vào đại địa, cho đến đại hải, ý cởi mở, đại tâm giải thoát biến mãn, thành tựu an trú, với giới hạn bằng đó, tâm giải thoát không vượt hơn chỗ đó. Đó là đại tâm giải thoát.
“Tài Chủ, thế nào là vô lượng tâm giải thoát? Nếu có Sa-môn, Phạm chí nào ở chỗ vô sự, hoặc đến gốc cây, chỗ yên tịnh trống trải, tâm đi đôi với từ, biến mãn một phương, thành tựu và an trú. Như vậy, hai, ba, bốn phương, trên dưới cùng khắp nơi, tâm đi đôi với từ, không kết không oán, không giận không tranh, rất rộng, rất lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian. Cũng như vậy, tâm đi đôi với hỷ, bi, xả, không kết không oán, không giận không tranh, rất rộng, rất lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian. Đó là vô lượng tâm giải thoát”.
Tôn giả hỏi:
“Tài Chủ, đại tâm giải thoát và vô lượng tâm giải thoát, hai giải thoát này khác nghĩa, khác văn, hay đồng nghĩa đồng văn?”
Tiên Dư Tài Chủ bạch rằng:
“Từ chỗ tôi nghe Tôn giả thì tôi hiểu được nghĩa ấy. Hai giải thoát ấy, nghĩa đã khác nhau mà văn cũng khác”.
Tôn giả A-na-luật-đà bảo rằng:
“Tài Chủ, có ba loài trời: Quang thiên, Tịnh quang thiên và Biến tịnh thiên[10]. Trong đó, chư Thiên trong cõi Quang thiên sanh tại một chỗ, không nghĩ rằng: ‘Đây là sở hữu của ta, kia là sở hữu của ta’. Nhưng Quang thiên kia tùy chỗ họ đến nơi nào thì liền vui say nơi đó.
“Tài Chủ, ví như con ruồi ở nơi miếng thịt, không nghĩ rằng: ‘Đây là sở hữu của ta, kia là sở hữu của ta’, nhưng con ruồi tùy theo miếng thịt ở đâu mà vui say chỗ đó. Cũng vậy, chư Thiên cõi Quang thiên không nghĩ rằng: ‘Đây là sở hữu của ta, kia là sở hữu của ta’, nhưng Quang thiên tùy chỗ họ đến nơi nào thì liền vui say trong đó.
“Có thời, chư Thiên cõi Quang thiên họp lại một chỗ, tuy thân có khác nhau nhưng ánh sáng không khác.
“Tài Chủ, ví như có người thắp vô số cây đèn, đặt ở trong một cái nhà; các cây đèn kia tuy khác nhau nhưng ánh sáng của các cây đèn thì không khác. Cũng vậy, chư Thiên cõi Quang thiên họp lại một chỗ, tuy thân có khác nhau, nhưng ánh sáng không khác.
“Có lúc Quang thiên kia đều tự tản mác; lúc họ tự tản mác thì thân của họ đãù khác nhau mà ánh sáng cũng khác.
“Tài Chủ, ví như có người từ trong một cái nhà đem ra nhiều cây đèn, phân chia đặt các nơi trong nhà. Những cây đèn đó đã khác mà ánh sáng cũng khác. Cũng vậy, Quang thiên kia có khi tự tản mác; lúc họ tản mác thì thân của họ đã khác mà ánh sáng cũng khác”.
Lúc ấy, Tôn giả Chân Ca-chiên-diên bạch rằng:
“Bạch Tôn giả A-na-luật-đà, các vị Quang thiên sanh ở một chỗ, có thể biết có sự hơn, bằng, vi diệu và không vi diệu chăng?”
Tôn giả A-na-luật-đà đáp rằng:
“Hiền giả Ca-chiên-diên, có thể nói Quang thiên kia sanh ở một chỗ, mà biết có sự hơn, bằng, vi diệu và không vi diệu”.
Tôn giả Chân Ca-chiên-diên lại hỏi:
“Tôn giả A-na-luật-đà, Quang thiên kia sanh tại một chỗ, do nhân gì, duyên gì mà biết được có sự hơn, bằng, vi diệu và không vi diệu?”
Tôn giả A-na-luật-đà đáp:
“Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, nếu có Sa-môn, Phạm chí ở chỗ vô sự, hoặc đến gốc cây, chỗ an tịnh, trống vắng, y trên một gốc cây, ý cởi mở, suy tưởng về ánh sáng, thành tựu an trụ. Tâm suy tưởng về ánh sáng cực thịnh, với giới hạn bằng chừng đó, tâm giải thoát không vượt hơn chỗ đó. Nếu không y trên một cây, thì hoặc y trên hai, ba cây, cởi mở, suy tưởng về ánh sáng, tâm suy tưởng ánh sáng cực thịnh, với giới hạn bằng chừng đó, tâm giải thoát không vượt hơn chỗ đó. Này Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, hai tâm giải thoát này, giải thoát nào là trên, là hơn, là vi diệu, là tối cao?”
Tôn giả Chân Ca-chiên-diên đáp:
“Tôn giả A-na-luật-đà, nếu có Sa-môn, Phạm chí không y trên một cây, mà y trên hai, ba cây, ý cởi mở, suy tưởng về ánh sáng, thành tựu và an trú. Tâm suy tưởng về ánh sáng cực thịnh, với giới hạn bằng chừng đó, tâm giải thoát không vượt hơn chỗ đó. Tôn giả A-na-luật-đà, trong hai loại giải thoát, giải thoát này là trên, là hơn, là vi diệu, là tối cao”.
Tôn giả A-na-luật-đà lại nói:
“Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, nếu không y trên hai, ba cây thì hoặc y trên một rừng. Nếu không y trên một rừng thì hoặc y trên hai, ba rừng. Nếu không y trên hai, ba rừng thì hoặc y trên một thôn. Nếu không y trên một thôn, thì hoặc y trên hai, ba thôn. Nếu không y trên hai, ba thôn, thì hoặc y trên một nước. Nếu không y trên một nước thì hoặc y trên hai, ba nước. Nếu không y trên hai, ba nước thì hoặc y trên một đại địa này, cho đến đại hải, ý cởi mở, suy tưởng về ánh sáng. Tâm suy tưởng ánh sáng cực thịnh, với giới hạn bằng chừng đó, tâm giải thoát không vượt hơn chỗ đó. Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, trong hai giải thoát đó, giải thoát nào là hơn, là trên, là vi diệu, là tối cao?”
Tôn giả Chân Ca-chiên-diên đáp:
“Tôn giả A-na-luật-đà, nếu có Sa-môn, Phạm chí không y trên hai, ba cây thì hoặc y trên một rừng. Nếu không y trên một rừng thì hoặc y trên hai, ba rừng. Nếu không y trên hai, ba rừng thì hoặc y trên một thôn. Nếu không y trên một thôn, thì hoặc y trên hai, ba thôn. Nếu không y trên hai, ba thôn, thì hoặc y trên một nước. Nếu không y trên một nước thì hoặc y trên hai, ba nước. Nếu không y trên hai, ba nước thì hoặc y trên một đại địa này, cho đến đại hải, ý cởi mở, suy tưởng về ánh sáng. Tâm suy tưởng ánh sáng cực thịnh, với giới hạn bằng chừng đó, tâm giải thoát không vượt hơn chỗ đó. Tôn giả A-na-luật-đà, trong hai loại giải thoát, giải thoát này là trên, là hơn, là vi diệu, là tối thắng”.
Tôn giả A-na-luật-đà bảo rằng:
“Này Chân Ca-chiên-diên, do nhân ấy, duyên ấy, Quang thiên kia sanh ở một chỗ mà biết có hơn, có bằng, có vi diệu và không vi diệu. Vì sao? Vì do tâm người có hơn, có bằng, nên sự tu có tinh, có thô. Do sự tu có tinh, có thô nên người chứng đắc có hơn, có bằng. Này Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, Đức Thế Tôn cũng nói như vậy, con người có hơn, có bằng nhau”.
Tôn giả Chân Ca-chiên-diên lại hỏi:
“Tôn giả A-na-luật-đà, Tịnh quang thiên kia sanh một chỗ có thể biết có sự hơn, bằng, vi diệu và không vi diệu chăng?”
Tôn giả A-na-luật-đà đáp:
“Này Hiền giả, có thể nói, Tịnh quang thiên kia sanh tại một chỗ mà biết có sự hơn, bằng, vi diệu và không vi diệu”.
Tôn giả Chân Ca-chiên-diên lại hỏi:
“Tôn giả A-na-luật-đà, Tịnh quang thiên kia sanh tại một chỗ, vì nhân gì, duyên gì mà biết có sự hơn, bằng, vi diệu và không vi diệu?”
Tôn giả A-na-luật-đà đáp:
“Này Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào ở chỗ vô sự, hoặc đến dưới gốc cây, chỗ an tịnh không nhàn, ý cởi mở, Tịnh quang thiên biến mãn, thành tựu an trú; vị ấy định này không tu, không tập, không phát triển, không cực kỳ thành tựu. Vị ấy sau đó, khi thân hoại mạng chung, sanh lên Tịnh quang thiên, sanh rồi không được cực kỳ tĩnh chỉ, không được cực kỳ tịch tịnh, cũng không sống trọn tuổi thọ.
“Này Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, ví như hoa sen màu xanh, vàng, đỏ, trắng, sanh ra và lớn lên đều ở dưới đáy nước. Khi ấy, rễ, cọng, lá, hoa, tất cả đều bị thấm nước, ngập nước, không gì là không bị thấm nước. Này Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, cũng như vậy, nếu có Sa-môn, Phạm chí ở chỗ vô sự, hoặc đến dưới gốc cây, nơi an tĩnh không nhàn, ý cởi mở, Tịnh quang thiên biến mãn thành tựu an trụ; vị ấy định này không tu, không tập, không làm rộng lớn, không cực kỳ thành tựu. Vị ấy thân hoại mạng chung, sanh lên Tịnh quang thiên, sanh rồi không cực kỳ tĩnh chỉ, không cực kỳ tịch tịnh, cũng không sống trọn tuổi thọ.
“Này Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, lại có Sa-môn, Phạm chí, ý cởi mở, Tịnh quang thiên biến mãn, thành tựu an trụ; vị ấy định này nhiều lần tu, nhiều lần tập, nhiều lần làm rộng lớn, cực kỳ thành tựu. Vị ấy thân hoại mạng chung, sanh lên Tịnh quang thiên. Sau khi sanh, được cực kỳ tĩnh chỉ, cực kỳ tịch tịnh, cũng được sống trọn tuổi thọ.
“Này Hiền giả Ca-chiên-diên, ví như hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng sanh dưới nước, lớn dưới nước, vượt lên trên nước, nước không thể thấm ngập được. Hiền giả Ca-chiên-diên, cũng như vậy, nếu lại có Sa-môn, Phạm chí ở chỗ vô sự, hoặc đến dưới gốc cây, nơi an tĩnh không nhàn, ý cởi mở, Tịnh quang thiên biến mãn, thành tựu an trụ; vị ấy định này nhiều lần tu, nhiều lần tập, nhiều lần làm rộng lớn, cực kỳ thành tựu. Vị ấy khi thân hoại mạng chung, sanh lên Tịnh quang thiên. Sanh lên rồi, được cực kỳ tĩnh chỉ, cực kỳ tịch tịnh, và cũng được sống trọn tuổi thọ.
“Này Hiền giả Ca-chiên-diên, do nhân ấy, duyên ấy, chư Thiên cõi Tịnh quang thiên, sanh ở một chỗ, biết có sự hơn, bằng, vi diệu và không vi diệu. Vì sao? Bởi do tâm người có hơn, có bằng, nên sự tu có tinh, có thô. Do sự tu có tinh, có thô nên người chứng đắc có hơn, có bằng. Này Hiền giả Ca-chiên-diên, Đức Thế Tôn cũng nói như vậy, con người có hơn, có bằng nhau”.
Tôn giả Chân Ca-chiên-diên lại hỏi:
“Tôn giả A-na-luật-đà, Biến tịnh quang thiên kia, sanh ở một chỗ, biết có sự hơn, bằng, vi diệu và không vi diệu chăng?”
Tôn giả A-na-luật-đà đáp:
“Này Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, có thể nói Biến tịnh quang thiên kia sanh ở một chỗ, mà biết có sự hơn, bằng, vi diệu và không vi diệu”.
Tôn giả Chân Ca-chiên-diên lại hỏi:
“Tôn giả A-na-luật-đà, Biến tịnh quang thiên kia, sanh tại một chỗ, do nhân gì, duyên gì mà biết có sự hơn, bằng, vi diệu và không vi diệu?”
Tôn giả A-na-luật-đà đáp:
“Này Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, nếu có Sa-môn, Phạm chí ở chỗ vô sự, hoặc đến dưới gốc cây, chỗ an tịnh không nhàn, ý cởi mở, Biến tịnh quang thiên biến mãn, thành tựu an trú. Vị ấy không cực kỳ đình chỉ được thụy miên, không chấm dứt trạo hối một cách khéo léo. Sau đó, khi thân hoại mạng chung, sanh lên Biến tịnh quang thiên. Vị ấy sanh rồi, ánh sáng không cực kỳ minh tịnh.
“Này Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, ví như đèn cháy là nhờ nơi dầu và tim đèn. Nếu dầu có cặn, tim lại không sạch, do đó ánh sáng của đèn phát ra không sáng tỏ. Này Hiền giả Ca-chiên-diên, cũng vậy, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào ở nơi vô sự, hoặc đến dưới gốc cây, chỗ an tĩnh không nhàn, ý cởi mở, Biến tịnh quang thiên biến mãn, thành tựu an trụ. Vị ấy không cực kỳ đình chỉ được thụy miên, không chấm dứt khéo léo trạo hối. Khi thân hoại mạng chung, sanh lên Biến tịnh quang thiên. Vị ấy sanh rồi, ánh sáng không cực kỳ minh tịnh.
“Này Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, lại có Sa-môn, Phạm chí ở chỗ vô sự, hoặc đến dưới gốc cây, chỗ an tĩnh không nhàn, ý cởi mở, Biến tịnh quang thiên biến mãn, thành tựu an trụ. Vị ấy cực kỳ đình chỉ được thụy miên, chấm dứt khéo léo trạo hối. Khi thân hoại mạng chung sanh lên Biến tịnh quang thiên. Vị ấy sanh rồi, ánh sáng cực kỳ minh tịnh.
“Này Hiền giả Ca-chiên-diên, cũng như vậy, đèn do dầu và do tim. Nếu dầu rất sạch và tim rất sạch, nhờ đó ánh sáng phát ra rất trong sáng. Cũng vậy, nếu có Sa-môn, Phạm chí ở chỗ nhàn tịnh, vô sự, đến dưới gốc cây, ý cởi mở, Biến tịnh quang thiên biến mãn, thành tựu an trụ. Vị ấy cực kỳ đình chỉ được thụy miên, chấm dứt khéo léo được trạo hối. Khi thân hoại mạng chung, sanh lên Biến tịnh quang thiên. Vị ấy sanh rồi, ánh sáng cực kỳ minh tịnh.
“Này Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, do nhân ấy, duyên ấy, chư Thiên cõi Biến tịnh quang thiên sanh ở một chỗ mà biết có hơn, bằng, vi diệu và không vi diệu. Vì sao? Bởi do tâm người có hơn, có bằng nên sự tu có tinh có thô. Do sự tu có tinh, có thô, nên khi người chứng đắc có hơn, có bằng. Này Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, Đức Thế Tôn cũng nói như vậy, loài người có hơn, có bằng nhau”.
Bấy giờ Tôn giả Chân Ca-chiên-diên khen Tiên Dư Tài Chủ:
“Lành thay! Lành thay! Tài Chủ, ông đã làm cho chúng tôi được nhiều lợi ích. Vì sao? Vì trước hết ông hỏi Tôn giả A-na-luật-đà về việc cõi trời thù thắng[11]. Chúng tôi chưa từng nghe Tôn giả A-na-luật-đà nói về nghĩa như vậy. Tức là, cõi trời kia, có cõi trời kia, cõi trời kia như vậy”.
Lúc ấy, Tôn giả A-na-luật-đà bảo rằng:
“Này Hiền giả Chân Ca-chiên-diên, có nhiều cõi trời kia, mà mặt trời và mặt trăng này có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần như vậy nhưng ánh sáng này không kịp ánh sáng kia. Các vị kia cùng ta tụ họp, cùng hỏi han, cùng có những điều luận thuyết, có những điều để đối đáp, nhưng ta không như vầy, rằng: “Cõi trời kia, có cõi trời kia, cõi trời kia như vậy”.
Khi đó Tiên Dư Tài Chủ biết Tôn giả A-na-luật-đà đã nói xong, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, tự tay đi lấy nước rửa, dùng các thức ăn hết sức trong sạch, tốt tươi, đầy dẫy các loại nhai, loại nuốt, tự tay săn sóc thức ăn, rót nước, liền cho ăn uống no đủ.
Ăn xong, dọn dẹp đồ dùng, rửa nước, rồi Tài Chủ lấy một cái ghế nhỏ, ngồi một bên nghe pháp. Tiên Dư Tài Chủ ngồi xong, Tôn giả A-na-luật-đà thuyết pháp cho Tài chủ nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Dùng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho Tài chủ nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, rồi Tôn giả từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
Tôn giả A-na-luật-đà thuyết như vậy. Tiên Dư Tài Chủ và các Tỳ-kheo sau khi nghe xong, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli M.127. Anuruddha-suttaṃ.
[02] Tiên Dư Tài Chủ 仙 餘 財 主; Pāli có thể là Isidatta dhanapati (thương gia), nhưng không đồng với Pāli: Pañcakaṅga thapati (Ngũ Chi vật chủ, xem Kinh 179), một người thợ mộc của Pasenadi, vua xứ Kosala.
[03] Xem các Kinh 72,74, 77.
[04] Đoán lý thần tá 斷 理 臣 佐.
[05] Chân Ca-chiên-diên 真 迦 旃 延. Pāli: Sabhiya Kaccāna.
[06] Đại tâm giải thoát 大 心 解 脫. Pāli: mahaggatā cetovimutti.
[07] Vô lượng tâm giải thoát 無 量 心 解 脫. Pāli: appamāṇā cetovimutti.
[08] Có lẽ bản Hán sót một câu của ngài A-na-luật-đà. Theo Pāli, ngài không thừa nhận cả hai đồng nghĩa.
[09] Bản Pāli: yāvatā ekaṃ rukkhamūlaṃ mahaggan ti pharitvā adhimuccitvā viharati, vị ấy an trú sau khi làm sung mãn và xác định rằng “lớn đến mức bằng một gốc cây”.
[10] Xem cht.11, Kinh 78 và cht.2 trên.
[11] Hán: hữu thắng thiên 有 滕 天. Tên kinh cũng do đó.
-ooOoo-
80. KINH CA-HI-NA[1] Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, A-na-luật-đà cũng ở tại nước Xá-vệ, trong núi Sa-la-la nham[02]. Lúc ấy đêm đã qua, trời sáng, Tôn giả A-na-luật-đà mang y, cầm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Tôn giả A-nan cũng vào buổi sáng đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực. Tôn giả A-na-luật-đà gặp Tôn giả A-nan cùng đi khất thực. Sau khi gặp, Tôn giả A-na-luật-đà hỏi:
“Này Hiền giả A-nan, nên biết, ba y của tôi đã rách nát hết. Này Hiền giả, nay đây có thể nhờ các Tỳ-kheo may y hộ cho tôi không?”
Tôn giả A-nan im lặng nhận lời Tôn giả A-na-luật-đà, hứa sẽ nhờ.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan khất thực, sau khi vào Xá-vệ, ăn xong, sau buổi trưa, rửa tay chân, lấy Ni-sư-đàn vắt lên vai, tay cầm chìa khóa cửa, đến khắp các phòng gặp các Tỳ-kheo, liền nói rằng:
“Thưa các thầy, hôm nay qua núi Sa-la-la nham may y cho Tôn giả A-na-luật-đà”.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe lời Tôn giả A-nan, thảy đều đến Sa-la-la nham để may y cho Tôn giả A-na-luật-đà.
Lúc ấy, Đức Thế Tôn gặp Tôn giả A-nan tay cầm chìa khóa cửa, đến khắp các phòng. Sau khi gặp, Ngài hỏi:
“A-nan, ông vì việc gì tay cầm chìa khóa cửa, đến khắp các phòng?”
Tôn giả A-nan bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, con nay nhờ các Tỳ-kheo may y cho Tôn giả A-na-luật-đà”.
Đức Thế Tôn bảo rằng:
“A-nan, sao ông không thỉnh Như Lai may y cho A-na-luật-đà?”
Khi ấây, Tôn giả A-nan liền chắp tay hướng về Đức Thế Tôn bạch rằng:
“Cúi mong Thế Tôn qua núi Sa-la-la nham may y cho Tôn giả A-na-luật-đà”.
Đức Thế Tôn im lặng nhận lời.
Bấy giờ Đức Thế Tôn dẫn Tôn giả A-nan qua núi Sa-la-la nham, ngồi trước mặt chúng Tỳ-kheo. Lúc ấy trong núi Sa-la-la nham có tám trăm Tỳ-kheo và Đức Thế Tôn cũng ngồi chung may y cho Tôn giả A-na-luật-đà.
Lúc đó, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cũng có trong chúng. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo:
“Đại Mục-kiền-liên, Ta có thể vì A-na-luật-đà trải rộng khuôn khổ tấm y, cắt rọc rồi khâu may lại thành y”.
Lúc đó, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai hữu, chắp tay hướng về Đức Thế Tôn mà bạch rằng:
“Cúi mong Đức Thế Tôn trải rộng khuôn khổ tấm y, các vị Tỳ-kheo sẽ cùng nhau cắt rọc, khâu vá, may chung lại thành y”.
Bấy giờ Đức Thế Tôn liền vì Tôn giả A-na-luật-đà trải rộng khuôn khổ tấm y, các vị Tỳ-kheo cùng nhau cắt rọc, khâu vá, may chung lại. Ngay trong ngày hôm ấy may xong ba y cho Tôn giả A-na-luật-đà. Đức Thế Tôn lúc ấy biết ba y của Tôn giả A-na-luật-đà đã may xong, liền bảo rằng:
“A-na-luật-đà, ông hãy nói pháp Ca-hi-na cho các Tỳ-kheo nghe. Ta đang đau lưng muốn nghỉ một lúc”.
Tôn giả A-na-luật-đà bạch rằng:
“Xin vâng, bạch Thế Tôn”.
Khi ấy, Đức Thế Tôn xếp chồng bốn lớp y Uất-đa-la-tăng để trải lên giường, gấp y Tăng-già-lê làm gối, nằm hông bên phải, hai chân chồng lên nhau, khởi quang minh tưởng, thường tác khởi tư tưởng nơi chánh niệm chánh trí.
Lúc đó Tôn giả A-na-luật-đà bảo các Tỳ-kheo:
“Này chư Hiền, xưa kia, lúc tôi chưa xuất gia học đạo, nhàm tởm cảnh sanh, già, bệnh, chết, khóc than, áo não, buồn tủi, lo lắng, muốn đoạn trừ cái khối đau khổ lớn lao này.
“Này chư Hiền, khi đã nhàm tởm, tôi quán sát như vầy: ‘Đời sống tại gia hết sức chật hẹp, đầy bụi bặm. Xuất gia học đạo, rộng rãi bao la. Ta nay sống tại gia bị kềm tỏa trong sự xiềng xích, không được trọn đời tu các phạm hạnh. Ta hãy từ bỏ những tài vật ít, và tài vật nhiều, từ bỏ thân tộc ít và thân tộc nhiều, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo.
“Này chư Hiền, sau đó tôi từ bỏ những tài vật ít, và tài vật nhiều, từ bỏ thân tộc ít và thân tộc nhiều, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo.
“Này chư Hiền, khi tôi đã xuất gia học đạo, từ bỏ dòng họ rồi, thọ pháp Tỳ-kheo, tu hành cấm giới, thủ hộ Tùng giải thoát. Tôi lại khéo léo nhiếp phục các oai nghi lễ tiết, thấy tội nhỏ nhặt thường ôm lòng lo sợ, thọ trì thập giới.
“Này chư Hiền, tôi xa lìa sát hại, đoạn trừ sát hại, vất bỏ dao gậy, có tàm có quý, có tâm từ bi, lợi ích tất cả, ngay đến cả côn trùng nhỏ nhặt. Với việc sát sanh, tôi đã đoạn trừ tâm đó.
“Này chư Hiền, tôi đã xa lìa sự lấy của không cho, đoạn trừ sự lấy của không cho, chỉ lấy những gì được cho, vui nơi việc lấy vật đã đuộc cho, thường ưa bố thí, hoan hỷ không keo kiết, không mong cầu báo đáp. Với sự lấy của không cho, tâm tôi đã đoạn trừ.
“Này chư Hiền, tôi đã xa lìa phi phạm hạnh, siêng năng tu phạm hạnh, tinh cần tịnh diệu, thanh tịnh không ô uế, lìa dục, đoạn dâm. Với việc phi phạm hạnh, tâm tôi đã đoạn trừ.
“Này chư Hiền, tôi xa lìa nói láo, nói lời chân thật, thích sự chân thật, an trụ nơi chân thật không di động, thay đổi, mọi người đều tin theo, không dối gạt thế gian. Với lời nói láo, tâm tôi đã đoạn trừ.
“Này chư Hiền, tôi xa lìa lời nói hai lưỡi, đoạn trừ lời nói hai lưỡi, thực hành không nói hai lưỡi, không phá hoại người khác; không nghe lời người này đem nói lại với người kia để phá hoại người này; không nghe lời người kia đem nói lại với người này để phá hoại người kia. Ai chia rẽ thì muốn làm cho hòa hiệp, ai hòa hiệp thì làm cho hoan hỷ; không bè đảng, không ham thích bè đảng, không rêu rao bè đảng. Với lời nói hai lưỡi, tâm tôi đã đoạn trừ.
“Này chư Hiền, tôi xa lìa lời nói thô ác, đoạn trừ lời nói thô ác. Nếu có lời nói mà ngôn từ thô ác, hung hăng, tiếng dữ trái tai, mọi người không vui, mọi người không mến, khiến cho người khác khổ não, không được an định, thì tôi đoạn trừ lời nói ấy. Nếu có lời nói mà trong trẻo, hòa thuận, mềm mỏng, xuôi tai, đáng mến, khiến cho người khác an lạc, ngôn từ đầy đủ rõ ràng, không làm người sợ, khiến họ được an tịnh; nói những lời như vậy. Với lời nói thô ác, tâm tôi đã đoạn trừ.
“Này chư Hiền, tôi xa lìa lời nói thêu dệt, đoạn trừ lời nói thêu dệt, nói lời hợp thời, lời chân thật, đúng pháp, đúng nghĩa, nói lời tịch tĩnh và ưa nói lời tịch tĩnh, hợp theo việc, hợp theo thời, dạy dỗ khéo léo, quở trách khéo léo. Với lời nói thêu dệt, tâm tôi đã đoạn trừ.
“Này chư Hiền, tôi xa lìa sự buôn bán, đoạn trừ sự buôn bán, vất bỏ dụng cụ đong lường, cái đấu, cái hộc; không nhận lãnh hàng hóa, không buộc trói người, không mong bẻ đấu đong lường, không vì lợi nhỏ mà xâm lấn dối gạt người khác. Với sự buôn bán, tâm tôi đã đoạn trừ.
“Này chư Hiền, tôi xa lìa việc nhận lãnh quả phụ, đồng nữ, đoạn trừ việc nhận lãnh quả phụ, đồng nữ. Với việc nhận lãnh quả phụ, đồng nữ, tâm tôi đã đoạn trừ.
“Này chư Hiền, tôi xa lìa việc nhận lãnh tôi tớ, đoạn trừ việc nhận lãnh tôi tớ. Với việc nhận lãnh tôi tớ, tâm tôi đã đoạn trừ.
“Này chư Hiền, tôi xa lìa việc nhận lãnh voi, ngựa, bò, dê; đoạn trừ việc nhận lãnh voi, ngựa, bò, dê. Với việc nhận lãnh voi, ngựa, trâu, dê, tâm tôi đã đoạn trừ.
“Này chư Hiền, tôi xa lìa việc nhận lãnh gà, heo, đoạn trừ việc nhận lãnh gà, heo. Đối với việc nhận lãnh gà, heo, tâm tôi đã đoạn trừ.
“Này chư Hiền, tôi xa lìa việc nhận lãnh ruộng vườn, tiệm quán, đoạn trừ việc nhận lãnh ruộng vườn, tiệm quán. Với việc nhận lãnh ruộng vườn, tiệm quán, tâm tôi đã đoạn trừ.
“Này chư Hiền, tôi xa lìa việc nhận lãnh lúa, mè, đậu còn sống chưa chín; đoạn trừ việc nhận lãnh lúa, mè, đậu còn sống chưa chín. Với việc nhận lãnh lúa, mè, đậu còn sống chưa chín, tâm tôi đã đoạn trừ.
“Này chư Hiền, tôi xa lìa rượu, đoạn trừ rượu. Với việc uống rượu, tâm tôi đã đoạn trừ.
“Này chư Hiền, tôi xa lìa giường lớn, cao rộng; đoạn trừ giường lớn cao rộng. Với việc giường cao lớn rộng, tâm tôi đã đoạn trừ.
“Này chư Hiền, tôi xa lìa tràng hoa, anh lạc, phấn sáp, thơm tho, bôi xoa thân thể; đoạn trừ tràng hoa, anh lạc, phấn sáp, thơm tho, bôi xoa thân thể. Với tràng hoa, anh lạc, phấn sáp, bôi xoa, thơm tho thân thể, tâm tôi đã đoạn trừ.
“Này chư Hiền, tôi xa lìa ca múa, xướng hát, xem nghe; đoạn trừ ca múa, hát xướng, xem nghe. Với việc ca múa, hát xướng, xem nghe, tâm tôi đã đoạn trừ.
“Này chư Hiền, tôi xa lìa việc nhận lãnh vàng bạc quý báu, đoạn trừ việc nhận lãnh vàng bạc quý báu. Với việc nhận lãnh vàng bạc quý báu, tâm tôi đã đoạn trừ.
“Này chư Hiền, tôi xa lìa việc ăn quá giờ ngọ, đoạn trừ việc ăn quá giờ ngọ; ăn một lần, không ăn đêm, học ăn đúng thời. Với việc ăn quá giờ ngọ, tâm tôi đã đoạn trừ.
“Này chư Hiền, tôi đã thành tựu thánh giới tụ này, lại học theo hạnh hết sức tri túc, y chỉ đủ để che thân, ăn chỉ đủ để nuôi thân, đi đến đâu đều mang theo y bát, đi không luyến nhớ, như chim ưng mang theo đôi cánh bay lượn trên không trung. Này chư Hiền, tôi cũng vậy, đi đến đâu đều mang theo y bát, không luyến nhớ.
“Này chư Hiền, tôi đã thành tựu thánh giới tụ này và hết sức tri túc. Tôi lại học giữ gìn các căn, thường niệm sự khép kín, niệm tưởng muốn minh đạt, thủ hộ niệm tâm mà được thành tựu, hằng muốn khởi ý. Khi mắt thấy sắc, không chấp thủ sắc tướng, không đắm sắc vị; vì sự phẫn tránh[03] mà thủ hộ căn con mắt, trong tâm không sanh tham lam, ưu não, ác bất thiện pháp, vì thú hướng đến kia[04], nên thủ hộ căn con mắt. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, khi ý biết pháp không chấp thủ pháp tướng, không đắm pháp vị; vì sự phẫn tránh mà thủ hộ ý căn, trong tâm không sanh tham lam, ưu não, ác bất thiện pháp, vì thú hướng đến kia, nên thủ hộ ý căn.
“Này chư Hiền, tôi đã thành tựu thánh giới tụ này, hết sức tri túc và giữ gìn các căn. Tôi lại học chánh tri khi ra, khi vào[05], khéo quán sát phân biệt[06]; co duỗi, cúi ngước, nghi dung chững chạc; khéo mang Tăng-già-lê và các y bát; đi, đứng, ngồi, nằm, ngủ, thức, nói năng hay im lặng đều có chánh tri.
“Này chư Hiền, khi tôi đã thành tựu thánh giới tụ này và hết sức tri túc, gìn giữ các căn, chánh trí xuất nhập. Tôi lại học hạnh viễn ly, cô độc một mình, ở chỗ vô sự, hoặc đến dưới gốc cây, nơi an tĩnh trống vắng, núi sâu, hốc đá, đất trống, hoặc ở trong núi rừng, hoặc ở nơi gò trũng.
“Này chư Hiền, khi tôi đã đến chỗ vô sự, hoặc dưới gốc cây, nơi an tĩnh không nhàn, trải Ni-sư-đàn, ngồi kiết già, chánh thân chánh nguyện[07], hướng niệm nội tâm[08], đoạn trừ tâm tham lam, tâm không tranh cãi[09], thấy tài vật và các nhu dụng sinh sống của người khác mà không khởi lòng tham muốn, muốn khiến về mình. Tôi đối vớùi sự tham lam, tâm đã tịnh trừ. Cũng vậy, sân nhuế, thụy miên, trạo hối, đoạn nghi trừ hoặc, đối với các thiện pháp không có do dự. Tôi đối với sự nghi hoặc, tâm đã tịnh trừ.
“Này chư Hiền, tôi đã đoạn trừ năm triền cái làm cho tâm ô uế, tuệ yếu kém; ly dục, ly ác bất thiện cho đến chứng đắc Tứ thiền, thành tựu và an trụ.
“Này chư Hiền, tôi đã được định tâm như vậy, thanh tịnh không ô uế, không buồn phiền, nhu nhuyến, khéo an trụ, được tâm bất động, học chứng nghiệm Như ý túc trí thông.
“Này chư Hiền, tôi đã được vô lượng Như ý túc; đó là, phân một thành nhiều, hợp nhiều thành một, một thời trụ một, có tri có kiến, không trở ngại bởi vách đá, chẳng khác nào đi giữa hư không, vào đất như vào nước, đi trên nước như đi trên đất, ngồi kiết già mà bay lên không trung như chim bay. Ngay mặt trời này, mặt trăng này có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, tôi sờ bắt được, thân tôi cao đến Phạm thiên.
“Này chư Hiền, khi tôi đã được định tâm như vậy, thanh tịnh, không tạp uế, không buồn phiền, nhu nhuyến, khéo an trụ, được tâm bất động, tôi học chứng nghiệm Thiên nhĩ trí thông. Này chư Hiền, tôi dùng thiên nhĩ nghe âm thanh loài người và không phải loài người, gần xa, hay và không hay.
“Này chư Hiền, khi tôi đã được định tâm như vậy, thanh tịnh không ô uế, nhu nhuyến, khéo an trụ, được bất động tâm, tôi học chứng nghiệm Tha tâm trí thông. Này chư Hiền, chúng sanh khác suy nghĩ, hành động, tôi dùng tha tâm trí biết được tâm của họ đúng như thật. Tâm có dục, tôi biết đúng như thật là tâm có dục. Tâm không dục, tôi cũng biết đúng như thật là tâm không dục. Nếu có giận, có nghi, không giận, không nghi, có uế, không uế, định tâm, tán loạn, cao thấp, lớn nhỏ, tu hay không tu, định hay không định, tôi đều biết đúng như thật. Không có tâm giải thoát, tôi biết không có tâm giải thoát. Có tâm giải thoát tôi cũng biết đúng như thật có tâm giải thoát.
“Này chư Hiền, tôi đã được định tâm như vậy, thanh tịnh không ô uế, không buồn phiền, nhu nhuyến, khéo an trụ, được tâm bất động, tôi học Ức túc mạng trí thông. Này chư Hiền, có hạnh nghiệp, có tướng mạo, tôi đều nhớ xưa kia trải qua vô lượng, nào là một đời, hai đời, trăm đời, ngàn đời, thành kiếp, hoại kiếp, vô số thành hoại kiếp. Chúng sanh đến đó, đã từng sanh chỗ đó, tên họ như vậy, danh tự như vậy, sống như vậy, ăn uống như vậy, chịu khổ được vui như vậy, sống lâu như vậy, sống lâu rồi chết như vậy, chết đây sanh kia, chết kia sanh đây. Tôi sanh chỗ này, họ như vậy, tên như vậy, sống như vậy, ăn uống như vậy, chịu khổ như vậy, vui sướng như vậy, sống lâu như vậy, sống lâu rồi chết như vậy.
“Này chư Hiền, tôi đã được định tâm như vậy, thanh tịnh không ô uế, không buồn phiền, nhu nhuyến, khéo an trụ, được tâm bất động, tôi học Sanh tử trí thông. Này chư Hiền, tôi dùng thiên nhãn thanh tịnh, nhìn xa hơn người, thấy chúng sanh này lúc chết lúc sanh, sắc đẹp sắc xấu, vi diệu hoặc không vi diệu, qua lại chỗ thiện, chỗ bất thiện, tùy chỗ tạo nghiệp của chúng sanh này mà thấy họ đúng như thật. Nếu chúng sanh nào thành tựu ác hạnh về thân, ác hạnh về khẩu, ác hạnh về ý, phỉ báng Thánh nhân, tà kiến, thành tựu nghiệp tà kiến, thì chúng sanh ấy, bởi nhân duyên này, khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đến chỗ ác, sanh vào địa ngục. Nếu chúng sanh nào thành tựu diệu hạnh về thân, diệu hạnh về khẩu và diệu hạnh về ý, không phỉ báng Thánh nhân, chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến, thì chúng sanh ấy, bởi nhân duyên này, khi thân hoại mạng chung, chắc chắn sanh lên cõi thiện, sanh lên thiên giới.
“Này chư Hiền, tôi với định tâm như vậy, thanh tịnh, không ô uế, không phiền nhiệt, nhu nhuyến, khéo an trụ, chứng đắc tâm bất động, bèn hướng đến sự tác chứng lậu tận trí thông. Tôi liền biết như thật rằng: ‘Đây là Khổ’, ‘Đây là Khổ tập’, ‘Đây là Khổ diệt’, ‘Đây là Khổ diệt đạo’. Cũng biết như thật: ‘Đây là lậu’, ‘Đây là lậu tập’, ‘Đây là lậu diệt’, ‘Đây là lậu diệt đạo’. Tôi đã biết như vậy, thấy như vậy rồi, tâm giải thoát dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Giải thoát rồi liền biết là mình đã giải thoát, biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.
“Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo nào phạm giới, giới bị vỡ, giới bị khuyết, giới bị thủng, giới tạp uế, giới đen, mà muốn nương tựa nơi giới, an lập nơi giới, lấy giới làm thang leo lên tòa nhà vô thượng tuệ, lên lầu gác chánh pháp, nhất định không có điều đó.
“Này chư Hiền, ví như cách thôn không xa, nhà lớn, nhà nhỏ, lầu cao, lầu thấp, trong đó có một cái thang, nếu người nào đến cầu xin, leo lên nhà gác đó, nhưng nếu không leo lên nấc thang thứ nhất mà muốn leo lên nấc thang thứ hai thì không thể được. Nếu không leo lên nấc thang thứ hai, thứ ba, thứ tư mà lên đến nhà gác cũng không thể được. Này chư Hiền, cũng như thế, nếu có Tỳ-kheo nào phạm giới, giới bị vỡ, giới bị khuyết, giới bị thủng, giới tạp uế, giới đen, mà muốn nương tựa nơi giới, an lập nơi giới, lấy giới làm thang leo lên tòa nhà vô thượng tuệ, lầu gác chánh pháp, nhất định không có điều đó.
“Này chư Hiền, nếu có Tỳ-kheo nào không phạm giới, giới không bị vỡ, giới không bị khuyết, giới không bị thủng, giới không tạp uế, giới không đen, nếu muốn nương tựa nơi giới, an lập nơi giới, lấy giới làm thang leo lên tòa nhà vô thượng tuệ, lầu gác chánh pháp, điều đó chắc chắn có.
“Này chư Hiền, như cách thôn không xa có ngôi nhà gác, trong đó có một cái thang, hoặc có mười nấc thang hay mười hai nấc thang. Nếu có người muốn cầu xin, muốn được leo lên nhà gác đó, nếu leo lên nấc thứ nhất của thang ấy rồi, muốn leo lên nấc thứ hai thì chắc chắn có thể được. Nếu leo lên nấc thứ hai, rồi muốn leo lên nấc thức ba, thứ tư thì chắc chắn có thể được. Này chư Hiền, cũng như thế, nếu có Tỳ-kheo nào không phạm giới, giới không bị vỡ, giới không bị khuyết, giới không bị thủng, giới không tạp uế, giới không đen, muốn nương tựa nơi giới, an lập nơi giới, lấy giới làm thang leo lên tòa nhà vô thượng tuệ, lầu gác chánh pháp, chắc chắn có điều đó.
“Này chư Hiền, tôi nương tựa nơi giới, an lập nơi giới, lấy giới làm thang leo lên tòa nhà vô thượng tuệ, lầu gác chánh pháp, với phương tiện như quán sát ngàn thế giới.
“Này chư Hiền, như người có mắt đứng trên lầu cao, với phương tiện nhỏ, nhìn khoảng đất trống phía dưới, thấy ngàn ụ đất. Này chư Hiền, tôi cũng như vậy, nương tựa nơi giới, an lập nơi giới, lấy giới làm thang leo lên tòa nhà vô thượng tuệ, lầu gác chánh pháp, với phương tiện nhỏ thấy ngàn thế giới.
“Này chư Hiền, như con voi lớn của vua, hoặc có bảy báu, hoặc giảm tám, lấy lá đa-la mà che đi, như tôi che phủ nơi lục thông này.
“Này chư Hiền, đối với sự chứng đắc của tôi về Như ý túc trí thông, nếu có gì nghi ngờ thì cứ hỏi tôi, tôi sẽ trả lời.
“Này chư Hiền, đối với Thiên nhĩ thông của tôi, nếu có điều gì nghi ngờ thì cứ hỏi tôi, tôi sẽ trả lời.
“Này chư Hiền, đối với Tha tâm trí thông của tôi, nếu có điều gì nghi ngờ thì cứ hỏi tôi, tôi sẽ trả lời.
“Này chư Hiền, đối với Túc mạng ý thông của tôi, nếu có điều gì nghi ngờ thì cứ hỏi tôi, tôi sẽ trả lời.
“Này chư Hiền, đối với Sanh tử trí thông của tôi, nếu có điều gì nghi ngờ thì cứ hỏi tôi, tôi sẽ trả lời.
“Này chư Hiền, đối với Lậu tận trí thông của tôi, nếu có điều gì nghi ngờ thì cứ hỏi tôi, tôi sẽ trả lời”.
Bấy giờ Tôn giả A-nan bạch rằng:
“Bạch Tôn giả A-na-luật-đà, nay đây đang tập hợp ngồi trong núi Sa-la-la nham gồm có tám trăm Tỳ-kheo và Đức Thế Tôn để may y cho Tôn giả A-na-luật-đà. Nếu đối với Tôn giả A-na-luật-đà có điều gì nghi ngờ về sự chứng đắc Như ý túc trí thông thì vị ấy cứ hỏi, Tôn giả A-na-luật-đà sẽ trả lời. Nếu đối với Tôn giả A-na-luật-đà có điều gì nghi ngờ về sự chứng đắc Thiên nhãn trí thông thì vị ấy cứ hỏi, Tôn giả A-na-luật-đà sẽ trả lời. Nếu đối với Tôn giả A-na-luật-đà có điều gì nghi ngờ về Tha tâm trí thông thì vị ấy cứ hỏi, Tôn giả A-na-luật-đà sẽ trả lời. Nếu đối với Tôn giả A-na-luật-đà có điều gì nghi ngờ về Túc mạng trí thông thì vị ấy cứ hỏi, Tôn giả A-na-luật-đà sẽ trả lời. Nếu đối với Sanh tử trí thông, có điều gì nghi ngờ thì cứ hỏi, Tôn giả A-na-luật-đà sẽ trả lời. Có điều gì nghi ngờ về Lậu tận trí thông thì cứ hỏi, Tôn giả A-na-luật-đà sẽ trả lời. Nhưng trong một thời gian dài, chúng tôi đã dùng tâm biết được tâm của Tôn giả A-na-luật-đà đúng như Tôn giả A-na-luật-đà nói: Ngài có đại Như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần”. Khi ấy Đức Thế Tôn chỗ đau đã bớt và được an ổn, Ngài liền trở dậy ngồi kiết già. Sau khi ngồi, Đức Thế Tôn khen Tôn giả A-na-luật-đà:
“Lành thay! Lành thay! A-na-luật-đà, ông đã nói pháp Ca-hi-na cho các Tỳ-kheo nghe. Này A-na-luật-đà, ông lại nói pháp Ca-hi-na cho các Tỳ-kheo nghe. Này A-na-luật-đà, ông thường nói pháp Ca-hi-na cho các Tỳ-kheo nghe”.
Khi ấy Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Này các Tỳ-kheo, các ông hãy vâng thọ Ca-hi-na pháp, đọc tụng, tu tập Ca-hi-na pháp, khéo giữ Ca-hi-na pháp. Vì sao? Vì Ca-hi-na pháp cùng tương ưng với pháp, là căn bản phạm hạnh, đưa đến sự thông suốt, đưa đến giác ngộ, đưa đến Niết-bàn. Nếu có người con nhà dòng dõi, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo thì hãy chí tâm vâng thọ Ca-hi-na pháp. Vì sao? Vì Ta không thấy trong quá khứ các Tỳ-kheo may y như vậy, như A-na-luật-đà Tỳ-kheo. Cũng như trong vị lai và hiện tại các Tỳ-kheo may y như vậy, như Tỳ-kheo A-na-luật-đà. Vì sao? Vì hôm nay tám trăm Tỳ-kheo cùng ngồi nơi núi Sa-la-la nham và Thế Tôn cũng có trong đó, may y cho Tỳ-kheo A-na-luật-đà. Như vậy, Tỳ-kheo A-na-luật-đà có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần”.
Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-na-luật-đà và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Ca-hi-na, theo âm Pāli hay Sanskrit, kaṭṭhina, thì nên đọc là ca-thi-na, nhưng đây đọc theo thói quen.
[02] Sa-la-la nham sơn 娑 羅 邏 巖 山. Chưa rõ địa danh này.
[03] Vị phẫn tránh cố 謂 忿 諍 故; vì sự phẫn nộ và tranh cãi. Pāli: yatvādhikaraṇam enam…, do nguyên nhân gì mà… Trong bản Hán, adhikaraṇa, nguyên nhân, được hiểu là sự tranh cãi.
[04] Thú hướng bỉ cố 趣 向 彼 故; Pāli: (akusalā dhammā) anvāssaveyyṃ, (các pháp bất thiện) có thể khởi lên (trôi chảy vào tâm).
[05] Chánh tri xuất nhập 正 知 出 入; Pāli: abhikkante paṭikkante saṃpajānakārī, tỉnh giác (biết mình đang làm gì) khi đi tới đi lui.
[06] Thiện quán phân biệt; Pāli: ālokite vilokite saupajānakārī, tỉnh giác khi nhìn trước nhìn sau.
[07] Chánh thân chánh nguyện 正 身 正 願; Pāli: ujuṃ kāyaṃ paṇidhāya, ngồi thẳng lưng. Bản Hán, paṇidhāya, sau khi đặt để, được hiểu là paṇidhāna: ước nguyện.
[08] Phản niệm bất hướng 反 念 不 向; Pāli: parimukhaṃ satiṃ upaṭṭhapetvā, dựng chánh niệm ngay trước mặt (hệ niệm tại tiền).
[09] Tâm vô hữu tránh 心 無 有 諍; Pāli: vigatābhijjhena cetasā vharati, sống với tâm tư không tham lam.
-ooOoo-
81. KINH NIỆM THÂN[1] Tôi nghe như vầy.
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Ương-kì[02], cùng với đại chúng Tỳ-kheo đi qua A-hòa-na[03], trú xứ của Kiền-ni[04].
Bấy giờ đêm tàn, trời sáng, Đức Thế Tôn đắp y ôm bát vào A-hòa-na để khất thực. Sau buổi ăn trưa, Đức Thế Tôn thu cất y bát, rửa tay chân, vắt Ni-sư-đàn lên vai, đi đến một khu rừng, vào trong rừng đó, đến dưới một gốc cây, trải Ni-sư-đàn và ngồi kiết già.
Lúc bấy giờ một số đông các Tỳ-kheo sau giờ ăn trưa, tụ họp tại giảng đường, cùng thảo luận vấn đề này:
“Này chư Hiền, Đức Thế Tôn thật kỳ diệu thay, hy hữu thay! Sự tu tập niệm thân[05] được phân biệt, được quảng bá, được hiểu biết tột cùng, được quán sát tột cùng, được tu tập tột cùng, được thủ hộ và đối trị tột cùng, khéo sung mãn, khéo thực hành, ở trong một tâm. Phật tuyên bố niệm thân có đại quả báo, được con mắt, có con mắt thấy đệ nhất nghĩa”.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn từ chỗ tĩnh tọa, bằng thiên nhĩ thanh tịnh, nghe xa hơn người, Ngài biết các Tỳ-kheo sau giờ ăn trưa tụ họp tại giảng đường, cùng bàn luận vấn đề này, “Này chư Hiền, Đức Thế Tôn thật kỳ diệu thay, hy hữu thay! Sự tu tập niệm thân được phân biệt, được quảng bá, được hiểu biết tột cùng, được quán sát tột cùng, được tu tập tột cùng, được thủ hộ và đối trị tột cùng, khéo sung mãn, khéo thực hành, ở trong một tâm. Phật tuyên bố niệm thân có đại quả báo, được con mắt, có con mắt thấy đệ nhất nghĩa”.
Sau khi Đức Thế Tôn nghe như vậy, vào lúc xế, từ chỗ tĩnh tọa đứng dậy, Ngài đến giảng đường, trải chỗ ngồi trước chúng Tỳ-kheo.
Bấy giờ Đức Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo:
“Các ngươi cùng nhau vừa bàn luận việc gì? Vì việc gì mà tụ tập tại giảng đường?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo chúng con sau giờ ăn trưa, tụ họp tại giảng đường, cùng bàn luận về vấn đề này: ‘Này chư Hiền, Đức Thế Tôn thật kỳ diệu thay, hy hữu thay! Sự tu tập niệm thân được phân biệt, được quảng bá, được hiểu biết tột cùng, được quán sát tột cùng, được tu tập tột cùng, được thủ hộ và đối trị tột cùng, khéo sung mãn, khéo thực hành, ở trong một tâm. Phật tuyên bố niệm thân có đại quả báo, được con mắt, có con mắt thấy đệ nhất nghĩa’. Bạch Thế Tôn, chúng con vừa cùng nhau bàn luận vấn đề vấn đề như vậy. Vì vấn đề này mà tụ họp tại giảng đường”.
Đức Thế Tôn lại hỏi các Tỳ-kheo:
“Ta đã nói như thế nào về tu tập niệm thân, phân biệt, quảng bá, được đại quả báo?”
Lúc ấy các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là gốc của Pháp, là chủ của Pháp, Pháp do Thế Tôn. Kính mong Thế Tôn giảng thuyết. Chúng con sau khi nghe xong sẽ được hiểu biết nghĩa lý rộng rãi”.
Đức Phật nói:
“Các ngươi hãy lắng nghe, hãy khéo suy nghĩ. Ta sẽ phân biệt nghĩa ấy cho các ngươi nghe”.
Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy, lắng nghe.
Đức Phật nói[06]:
“Tỳ-kheo tu tập niệm thân như thế nào? Tỳ-kheo khi đi thì biết mình đang đi, đứng thì biết mình đang đứng, ngồi thì biết mình đang ngồi, nằm thì biết mình đang nằm, ngủ thì biết mình đang ngủ. Như vậy, Tỳ-kheo tùy thân hành mà biết đúng như thật như vậy. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm[07]. Được định tâm rồi thì biết trên như thật[08]. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.
“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo biết rõ mình[09] khi vào, khi ra, khéo quán sát phân biệt, khi co, lúc duỗi, khi cúi, lúc ngước; nghi dung chững chạc, khoác Tăng-già-lê ngay ngắn và ôm bát chỉnh tề; đi đứng, ngồi, nằm, ngủ, thức, nói năng, im lặng, đều biết rõ như thực. Như vậy, Tỳ-kheo tùy thân hành mà biết đúng như thật như vậy. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.
“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo khi sanh niệm ác, bất thiện, liền bằng niệm thiện pháp để đối trị, đoạn trừ, tiêu diệt, tĩnh chỉ. Như người thợ mộc hoặc học trò thợ mộc kéo thẳng dây mực, búng thẳng lên thân cây, rồi dùng búa bén mà đẽo cho thẳng. Cũng vậy, Tỳ-kheo khi sanh niệm ác bất thiện, liền niệm thiện pháp để đối trị, đoạn trừ, tiêu diệt, tĩnh chỉ. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên như thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.
“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo răng ngậm khít lại, lưỡi ấn lên trên khẩu cái, dùng tâm trị tâm, đối trị, đoạn trừ, tiêu diệt, tĩnh chỉ. Như hai lực sĩ bắt một người yếu mang đi khắp nơi, tự do đánh đập; cũng vậy, Tỳ-kheo răng ngậm khít lại, lưỡi ấn lên khẩu cái, dùng tâm trị tâm, đối trị, đoạn trừ, tiêu diệt, tĩnh chỉ. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên như thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.
“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo-niệm hơi thở vào thì biết niệm hơi thở vào; niệm hơi thở ra thì biết niệm hơi thở ra; thở vào dài thì biết thở vào dài, thở ra dài thì biết thở ra dài; thở vào ngắn thì biết thở vào ngắn, thở ra ngắn thì biết thở ra ngắn. Học toàn thân thở vào, học toàn thân thở ra. Học thở vào thân hành tĩnh chỉ, học thở ra khẩu hành tĩnh chỉ. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên như thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.
“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo có hỷ lạc do ly dục nhuần thấm thân, phổ biến sung mãn. Khắp trong thân thể, hỷ lạc sanh do ly dục, không đâu không có. Như người hầu tắm, bỏ bột tắm[10] đầy chậu, nước hòa thành bọt, nước thấm vào thân, phổ biến sung mãn, không đâu không có. Cũng vậy, Tỳ-kheo có hỷ lạc do ly dục nhuần thấm vào thân, phổ biến sung mãn, khắp trong thân thể hỷ lạc sanh do ly dục, không đâu không có. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên như thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.
“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo có hỷ lạc do định sanh nhuần thấm thân, phổ biến sung mãn. Khắp trong thân thể, hỷ lạc do định sanh không đâu không có. Cũng như suối trên núi trong sạch không nhơ, nước từ bốn phương chảy đến, đổ vào một cách tự nhiên, tức thì đáy suối nước tự phun lên, chảy tràn ra ngoài, thấm ướt cả núi, phổ biến sung mãn, không đâu không có. Cũng vậy, Tỳ-kheo có hỷ lạc do định sanh nhuần thấm thân, phổ biến sung mãn. Khắp trong thân thể, hỷ lạc do định sanh không đâu không có. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên như thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.
“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo có lạc do ly hỷ thấm nhuần thân, phổ biến sung mãn. Khắp trong thân thể, lạc do ly hỷ không đâu không có. Như các thứ sen xanh, hồng, đỏ, trắng sanh ra từ nước, lớn lên trong nước, ở dưới đáy nước, rễ, cọng, hoa, lá đều nhuần thấm, phổ biến sung mãn, không đâu không có. Cũng vậy, Tỳ-kheo có lạc do ly hỷ nhuần thấm vào thân, phổ biến sung mãn; khắp trong thân thể, lạc do ly hỷ không đâu không có. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên như thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.
“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo ở trong thân này biến mãn với tâm thanh tịnh[11], ý cởi mở, thành tựu an trụ; ở trong thân này với tâm thanh tịnh, không chỗ nào là không biến mãn. Như có một người trùm một cái áo dài bảy hay tám khuỷu tay, từ đầu đến chân, không chỗ nào là không phủ kín; cũng vậy, Tỳ-kheo ở trong thân này, biến mãn với tâm thanh tịnh, ý cởi mở, thành tựu an trụ; ở trong thân này với tâm thanh tịnh, không chỗ nào là không biến mãn. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên như thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.
“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo-niệm quang minh tưởng[12], khéo thọ, khéo trì, nhớ rõ điều niệm; như phía trước, phía sau cũng vậy; như phía sau, phía trước cũng vậy[13]; ngày cũng như đêm, đêm cũng như ngày; dưới cũng như trên, trên cũng như dưới. Như vậy, tâm không điên đảo, tâm không bị ràng buộc, tâm tu quang minh, không khi nào còn bị bóng đen che lấp. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên như thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.
“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo quán sát tướng[14], khéo tiếp thu, khéo ghi nhớ, khéo được tư niệm bởi ý. Như người ngồi quán sát kẻ nằm, người nằm quán sát kẻ ngồi. Cũng vậy, Tỳ-kheo quán sát tướng[15], khéo tiếp thu, khéo ghi nhớ, khéo được tư niệm bởi ý. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên như thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.
“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo tùy theo những chỗ trong thân, tùy theo tính chất tốt xấu, từ đầu đến chân, quán thấy thảy đều đầy dẫy bất tịnh. Tức là, trong thân này có tóc, lông, móng, răng, da dày, da non, thịt, gân, xương, tim, thận, gan, phổi, ruột già, ruột non, lá lách, dạ dày, phân[16], não và não căn, nước mắt, mồ hôi, nước mũi, nước miếng, mủ, máu, mỡ, tủy, đờm giải, nước tiểu. Như một cái bồn chứa đủ loại hạt giống, ai có mắt sáng thì thấy rõ ràng, ‘Đây là hạt lúa, gạo; kia là hạt cải, cỏ, rau’. Cũng vậy, Tỳ-kheo tùy theo những chỗ trong thân, tùy theo tính chất tốt xấu, từ đầu đến chân, quán thấy thảy đều đầy dẫy bất tịnh. Tức là, trong thân này có tóc, lông, móng, răng, da dày, da non, thịt, gân, xương, tim, thận, gan, phổi, ruột già, ruột non, lá lách, dạ dày, phân, não và não bộ, nước mắt, mồ hôi, nước mũi, nước miếng, mủ, máu, mỡ, tủy, đờm giải, nước tiểu. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên như thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.
“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo quán các giới trong thân rằng ‘Trong thân này của ta có địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới’. Như gã đồ tể mổ bò, lột hết bộ da, trải lên mặt đất, phân thành sáu đoạn. Cũng vậy, Tỳ-kheo quán các giới trong thân rằng: ‘Trong thân này của ta có địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới’. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên như thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.
“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo quán xác chết mới chết, từ một, hai ngày đến sáu, bảy ngày, đang bị quạ, diều bươi mổ, sài lang cấu xé; hoặc đã được hỏa thiêu hay đã được chôn lấp, đang bị rữa nát hư hoại. Quán sát rồi, tự so sánh: ‘Thân ta cũng thế, đều có những trường hợp này, không sao tránh khỏi’. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên như thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.
“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo như đã từng thấy trong nghĩa địa, hài cốt sắc xanh, rửa nát, bị chim thú ăn một nửa, xương cốt nằm rải rác trên mặt đất. Tỳ-kheo thấy rồi, tự so sánh, ‘Thân ta cũng thế, đều có những trường hợp này, không sao tránh khỏi’. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên như thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.
“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo như đã từng thấy ở trong nghĩa địa, thây chết không còn da thịt, máu, mà chỉ còn gân nối liền với xương. Thấy rồi, tự so sánh, ‘Thân ta cũng thế, đều có những trường hợp này, không sao tránh khỏi’. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên như thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.
“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo như đã từng thấy trong nghĩa địa, xương rời từng đốt, tản mác khắp nơi, xương chân, xương đùi, xương đầu gối, xương bắp vế, xương sống, xương vai, xương cổ, xương sọ, mỗi thứ một nơi. Thấy rồi tự so sánh, ‘Thân ta cũng thế, đều có những trường hợp này, không sao tránh khỏi’. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên như thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.
“Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập niệm thân như sau. Tỳ-kheo như đã từng thấy ở trong nghĩa địa, xương trắng như vỏ ốc, xanh như lông chim bồ câu, đỏ như màu máu, mục nát, bể vụn. Thấy rồi tự so sánh, ‘Thân ta cũng thế, đều có những trường hợp này, không sao tránh khỏi’. Như vậy, Tỳ-kheo tùy theo thân hành mà biết trên như thật. Tỳ-kheo như thế, sống cô độc, viễn ly, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, đoạn trừ các tai hoạn của tâm và được định tâm. Được định tâm rồi thì biết trên như thật. Ấy là Tỳ-kheo tu tập niệm thân.
“Nếu có vị nào tu tập niệm thân như vậy, quảng bá như vậy, các thiện pháp kia toàn bộ đều ở trong đó, gọi là Đạo phẩm pháp[17]. Nếu Vị ấy có tâm biến mãn, ý cởi mở, giống như đại hải, các con sông nhỏ kia đều đổ vào biển. Nếu tu tập niệm thân như vậy, quảng bá như vậy, các thiện pháp kia toàn bộ đều ở trong đó, gọi là Đạo phẩm pháp.
“Nếu có Sa-môn, Phạm chí nào không chánh lập an trụ niệm thân, sống với tâm nhỏ hẹp[18], vị ấy nếu Ma Ba-tuần muốn lợi dụng thì có thể lợi dụng được. Vì sao? Vì Sa-môn, Phạm chí kia trống không, không có niệm thân. Giống như một cái bình, bên trong trống không, không có nước, đặt ngay ngắn trên mặt đất, nếu có người đem nước đến đổ vào trong bình thì Tỳ-kheo nghĩ sao? Bình ấy như vậy có chứa nước được hay không?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, có thể được. Vì sao? Vì bình trống không, không có nước, đặt ngay ngắn trên mặt đất cho nên chứa nước được”.
“Cũng vậy, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào không chánh lập an trụ niệm thân, sống với tâm nhỏ hẹp, vị ấy nếu ma Ba-tuần muốn lợi dụng thì có thể lợi dụng được. Vì sao? Vì Sa-môn, Phạm chí kia trống không, không có niệm thân.
“Nếu có Sa-môn, Phạm chí nào chánh lập an trụ niệm thân, sống với tâm vô lượng, vị ấy nếu ma Ba-tuần muốn lợi dụng, nhất định không thể được. Vì sao? Vì Sa-môn, Phạm chí kia không trống không, có niệm thân. Giống như có một cái bình, bên trong chứa đầy nước, đặt ngay ngắn trên mặt đất, nếu có người đem nước đến đổ vào trong bình, thì Tỳ-kheo nghĩ sao? Bình ấy như vậy có chứa nước nữa không?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không thể được. Vì sao? Vì bình ấy nước đã đầy rồi, đặt ngay ngắn trên mặt đất, cho nên không chứa nước được nữa”.
“Cũng vậy, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào chánh lập an trụ niệm thân, sống với tâm vô lượng, vị ấy nếu ma Ba-tuần muốn lợi dụng, nhất định không thể được. Vì sao? Vì Sa-môn, Phạm chí kia không trống không, có niệm thân.
“Nếu có Sa-môn, Phạm chí nào không chánh lập an trụ niệm thân, sống với tâm nhỏ hẹp, vị ấy nếu Ma Ba-tuần muốn lợi dụng thì có thể lợi dụng được. Vì sao? Vì Sa-môn, Phạm chí kia trống không, không có niệm thân. Giống như người lực sĩ khiêng hòn đá to, nặng, quăng vào trong vũng bùn thì Tỳ-kheo nghĩ sao? Hòn đá có bị lún vào bùn không?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, hòn đá bị lún vào bùn. Vì sao? Vì bùn lầy mà đá nặng, cho nên chắc chắn phải lún vào”.
“Cũng vậy, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào không chánh lập an trụ niệm thân, sống với tâm nhỏ hẹp, vị ấy nếu ma Ba-tuần muốn lợi dụng thì có thể lợi dụng được. Vì sao? Vì Sa-môn, Phạm chí kia trống không, không có niệm thân.
“Nếu có Sa-môn, Phạm chí nào chánh lập an trụ niệm thân, sống với tâm vô lượng, vị ấy nếu ma Ba-tuần muốn lợi dụng, nhất định không thể được. Vì sao? Vì Sa-môn, Phạm chí kia không trống không, có niệm thân. Giống như người lực sĩ cầm một trái cầu nhẹ bằng lông, ném vào một cánh cửa đóng kín, thì Tỳ-kheo nghĩ sao? Cánh cửa kia có nhận cầu chăng?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, không thể nhận. Vì sao? Vì trái cầu thì nhẹ mà cánh cửa đứng thẳng, không thể nhận được”.
“Cũng vậy, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào chánh lập an trụ niệm thân, tâm vô lượng, vị ấy nếu ma Ba-tuần muốn lợi dụng, nhất định không thể được. Vì sao? Vì Sa-môn, Phạm chí kia không trống không, có niệm thân.
“Nếu có Sa-môn, Phạm chí nào không chánh lập an trụ niệm thân, sống với tâm nhỏ hẹp, vị ấy nếu Ma Ba-tuần muốn lợi dụng thì có thể lợi dụng được. Vì sao? Vì Sa-môn, Phạm chí kia trống không, không có niệm thân. Giống như người tìm lửa, lấy củi khô làm mồi, rồi dùng dùi khô mà dùi thì Tỳ-kheo nghĩ sao? Người kia làm như vậy có tìm thấy lửa không?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, người kia tìm thấy lửa. Vì sao? Vì người kia lấy dùi khô mà dùi củi khô, cho nên chắc chắn tìm thấy lửa”.
“Cũng vậy, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào không chánh lập an trụ niệm thân, tâm nhỏ hẹp, vị ấy nếu ma Ba-tuần muốn lợi dụng thì có thể lợi dụng được. Vì sao? Vì Sa-môn, Phạm chí kia trống không, không có niệm thân.
“Nếu có Sa-môn, Phạm chí nào chánh lập an trụ niệm thân, sống với tâm vô lượng, vị ấy nếu ma Ba-tuần muốn lợi dụng, nhất định không thể được. Vì sao? Vì Sa-môn, Phạm chí kia không trống không, có niệm thân. Giống như người tìm lửa, lấy củi ướt làm mồi, rồi dùng dùi ướt mà dùi, thì Tỳ-kheo nghĩ sao? Người kia làm vậy có tìm thấy lửa không?”
Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, người kia không tìm thấy lửa. Vì sao? Vì người kia lấy cái dùi ướt mà dùi gỗ ướt, cho nên không tìm thấy lửa”.
“Cũng vậy, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào chánh lập an trụ niệm thân, tâm vô lượng, vị ấy nếu ma Ba-tuần muốn lợi dụng, nhất định không thể được. Vì sao? Vì Sa-môn, Phạm chí kia không trống không, có niệm thân.
“Tu tập niệm thân như vậy, quảng bá như vậy, nên biết có mười tám công đức[19]. Những gì là mười tám công đức?
“Tỳ-kheo có thể nhẫn nại những sự đói, khát, nóng, lạnh, muỗi mòng, ruồi nhặng, gió nắng bức bách, hay gậy đánh, tiếng dữ cũng có thể nhẫn nại. Thân bị bệnh tật hết sức đau đớn, gần như tuyệt vọng, những điều không xứng ý đều có thể kham nhẫn. Đây là đức tánh thứ nhất khi tu tập niệm thân như vậy, quảng bá như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo kham nhẫn điều không vui thích hoan lạc. Nếu sanh điều không hoan lạc thì tâm nhất định không dính trước. Đây là đức tánh thứ hai khi tu tập niệm thân như vậy, quảng bá như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo kham nhẫn sự sợ hãi. Nếu sợ hãi phát sanh thì tâm nhất định không dính trước. Đây là đức tánh thứ ba khi tu tập niệïm thân như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo sanh ba ác niệm: dục niệm, nhuế niệm, hại niệm. Nếu ba ác niệm phát sanh, tâm nhất định không dính trước. Đây là đức tánh thứ tư, thứ năm, thứ sáu và thứ bảy[20] khi tu tập niệm thân như vậy, quảng bá như vậy.
“Lại nữa Tỳ-kheo ly dục, ly pháp ác bất thiện, cho đến chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Đây là đức tánh thứ tám khi tu tập niệm thân như vậy, quảng bá như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo đã diệt tận ba kết sử, chứng quả Tu-đà-hoàn, không còn đọa vào ác pháp, nhất định đến chánh giác, chỉ còn thọ sanh tối đa bảy đời nữa. Sau bảy lần qua lại thiên thượng, nhân gian sẽ chứng đắc khổ biên. Đây là đức tánh thứ chín khi tu tập niệm thân như vậy, quảng bá như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo đã diệt tận ba kết sử, dâm, nộ, si đã mỏng, chỉ còn qua lại một lần thiên thượng nhân gian. Sau một lần qua lại sẽ chứng đắc khổ biên. Đây là đức tánh thứ mười khi tu tập niệm thân như vậy, quảng bá như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo đã diệt tận năm hạ phần kết sử, sanh vào nơi kia rồi nhập Niết-bàn, được pháp bất thối, không trở lại đời này. Đây là đức tánh thứ mười một khi tu tập niệm thân như vậy, quảng bá như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo nếu có tịch tĩnh giải thoát[21], ly sắc, chứng đắc vô sắc, định như vậy[22], tự thân tác chứng, thành tựu an trụ, rồi bằng trí tuệ và quán sát để vĩnh viễn đoạn trừ các lậu. Đây là đức tánh thứ mười hai, mười ba, mười bốn, mười lăm, mười sáu, mười bảy[23] khi tu tập niệm thân như vậy, quảng bá như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo chứng đắc Như ý túc, Thiên nhĩ, Tha tâm trí, Túc mạng trí, Sanh tử trí, các lậu đã tận diệt, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Ngay trong đời này mà tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ; biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã thành, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Đây là đức tánh thứ mười tám khi tu tập niệm thân như vậy, quảng bá như vậy.
“Tu tập niệm thân như vậy, quảng bá như vậy, nên biết, có mười tám công đức này[24].”
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli M.119 Kāyagatāsati-suttaṃ.
[02] Ương-kỳ 鴦 祁. Pāli: Aṅga.
[03] A-hòa-na 阿 那. Có lẽ Pāli laø Āpaṇa, một ngôi làng Bà-la-môn, một thị trấn trong xứ Anguttarāpa thuộc vương quốc Aṅga (Ương-kỳ).
[04] Kiền ni 犍 尼 có lẽ Pāli là Kaniya, một đạo sĩ bện tóc (Jatila) ở tại Āpaṇa, được nói đến trong M.9: Sela-sutta. Bản Pāli nói: Phật tại Sāvatthi.
[05] Niệm thân 念 身. Pāli: kāyagatāsati, thân hành niệm.
[06] Từ đây trở xuống, như kinh số 98. Xem các chú thích ở kinh đó.
[07] Pāli: ye gehasitā sarasaṃkappā te pahīyanti… ajjhattam eva cittaṃ santiṭṭhati sannisīdati ekodi hoti samādhīyati; đoạn những niệm tưởng tư duy liên hệ thế tục… nội tâm an lập, an trụ, chuyên nhất, nhập định.
[08] Tri thượng như chân 知 上 如 真; không rõ ý.
[09] Nguyên Hán: chánh tri 正 知. Pāli: saṃpajāna, nhận thức cụ thể (mình đang làm gì).
[10] Hán: tháo đậu 澡 豆, người Trung Quốc thời cổ nghiền đậu thành bột, trộn với thuốc, làm bột tắm. Từ này dùng để chỉ bột tắm trong kinh Phật. Pāli: nahāniya-cuṇṇa.
[11] Thanh tịnh tâm 清 淨 心, chỉ xả niệm thanh tịnh (Pāli: upekkhā-sati-pārisuddhiṃ); ở đây nói về thiền thứ tư. Pāli: so imam eva kāyaṃ parisuddhena cetasā pariyodātena pharitvā, vị ấy làm thấm nhuần thân nay với tâm thuần tịnh trong sáng.
[12] Quang minh tưởng 光 明 想; niệm tưởng về ánh sáng. Bản Pāli không đề cập.
[13] Nghĩa là quán trước mặt thấy như là sau lưng và ngược lại. Xem Kinh số 85.
[14] Quán tướng 觀 相. Bản Pāli không đề cập.
[15] Quán tướng 觀 相. Bản Pāli không đề cập.
[16] Đoàn phấn 摶 糞; bản Tống-Minh 腨 bản Nguyên 揣.
[17] Đạo phẩm pháp 道 品 法; không phải 37 phẩm trợ đạo. Pāli: Dhamma-vijjābhāgiyā.
[18] Du hành thiểu tâm 遊 行 少 心; được hiểu là sống với tâm không biến mãn bởi thân hành niệm.
[19] Bản Pāli nói có mười: dasānisaṃsā, mười điều lợi ích.
[20] Bản Cao-li ghi các số năm, sáu, bảy. Bản Minh, sau thứ tư, không ghi các số này.
[21] Nguyên Hán: tức giải thoát 息 解 脫; (Pāli: santa-vimokkha); chỉ định từ sắc giới vuợt qua sắc để nhập vô sắc, an trụ nơi tịch tĩnh giải thoát. Xem các kinh 26, 51. Bản Pāli không đề cập.
[22] Như kỳ tượng định.
[23] Các số này kể theo bản Cao-li. Bản Minh chỉ nêu số mười hai.
[24] Thực sự chỉ có 10, bằng con số trong bản Pāli, chỉ khác chi tiết.
-ooOoo-
82. KINH CHI-LY-DI-LÊ[1] Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại thành Vương xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa.
Bấy giờ một số đông các Tỳ-kheo sau giờ ăn trưa, có ít việc cần làm nên tụ họp ngồi ở giảng đường để quyết định sự tranh luận. Tức là bàn luận những vấn đề về pháp luật, về lời Phật dạy[02]. Lúc bấy giờ Tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng Tử[03] cũng hiện diện trong chúng.
Trong khi một số đông các Tỳ-kheo đang bàn luận những vấn đề về Pháp Luật, về lời Phật dạy, thì ngay trong lúc đang bàn luận ấy, Tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng Tử không đợi cho các Tỳ-kheo nói pháp xong, mà cứ nói xen ào vào, lại không có thái độ cung kính, không quan sát cẩn thận để thưa hỏi các bậc Tỳ-kheo Thượng tôn Trưởng lão.
Bấy giờ, Tôn giả Đại Câu-hi-la[04] cũng có mặt trong chúng, nói với Tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng Tử rằng:
“Hiền giả nên biết, trong khi một số đông Tỳ-kheo đang nói những vấn đề về Pháp Luật và về lời Phật dạy này, thì Hiền giả chớ nói xen vào ở khoảng giữa. Đợi các Tỳ-kheo nói xong, nhiên hậu Hiền giả mới nói. Hiền giả hãy có thái độ cung kính và quán sát cẩn thận để thưa hỏi các bậc Tỳ-kheo Thượng tôn Trưởng lão. Chớ đem sự không cung kính, không khéo quán sát để thưa hỏi các ngài”.
Khi đó, bạn bè quen thân của Tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng Tử hiện có trong chúng, nói với Tôn giả Đại Câu-hi-la rằng:
“Này Hiền giả Đại Câu-hi-la, ngài chớ nặng lời quở trách Tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng Tử. Lý do vì sao? Vì Tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng Tử có giới đức, đa văn, trông giống như người giải đãi nhưng không cống cao, ngã mạn. Này Hiền giả Đại Câu-hi-la, bất cứ lúc nào, các Tỳ-kheo làm việc gì, thì Tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng Tử đều có thể giúp đỡ cả”.
Tôn giả Đại Câu-hi-la khi ấy nói với bạn bè quen thuộc của Tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng Tử rằng:
“Này chư Hiền, nếu không biết tâm của kẻ khác thì đừng vội nói là người ấy xứng đáng hay không xứng đáng. Lý do vì sao? Vì hoặc có một người lúc ở trước Đức Thế Tôn và trước các bậc phạm hạnh Thượng tôn Trưởng lão, khả tàm, khả quý, khả ái, khả kính, thì người ấy khéo léo thủ hộ, nhưng sau đó, khi không còn ở trước Đức Thế Tôn và trước các bậc phạm hạnh Thượng tôn Trưởng lão khả tàm, khả quý, khả ái, khả kính, thì người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện. Người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện, rồi tâm sanh tham dục. Tâm sanh tham dục rồi thì thân nhiệt, tâm nhiệt[05]. Thân nhiệt, tâm nhiệt rồi thì xả giới, bỏ đạo.
“Này chư Hiền, giống như con bò vào trong ruộng lúa của người, người giữ ruộng bắt được, hoặc lấy tay cột, hoặc nhốt trong chuồng. Này chư Hiền, nếu có người nói rằng: ‘Con bò này không vào ruộng lúa của người khác nữa đâu’. Người kia nói như vậy có đúng chăng?”
“Không đúng. Vì sao? Vì nếu con bò bị trói kia, hoặc làm đứt, hoặc làm sút sợi dây trói, hoặc nhảy ra khỏi chuồng, nó cũng lại vào trong ruộng lúa của người khác như trước, chứ không khác gì cả”.
“Này chư Hiền, hoặc có một người lúc ở trước Đức Thế Tôn và trước các bậc phạm hạnh Thượng tôn Trưởng lão khả tàm, khả quý, khả ái, khả kính thì người ấy khéo léo thủ hộ. Nhưng sau đó, khi không còn ở trước Đức Thế Tôn và trước các bậc phạm hạnh Thượng tôn Trưởng lão khả tàm, khả quý, khả ái, khả kính, thì người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện, rồi thì tâm sanh tham dục, tâm sanh ham muốn, rồi thì thân nhiệt, tâm nhiệt. Thân nhiệt tâm nhiệt rồi thì xả giới, bỏ đạo. Này chư Hiền, đó gọi là có một người.
“Lại nữa, này chư Hiền, hoặc có một người vừa được Sơ thiền; được Sơ thiền rồi, người ấy liền an trú chứ không mong cầu thêm, không mong được những gì chưa được, không mong thu hoạch những gì chưa thu hoạch, không mong tác chứng những gì chưa tác chứng. Người ấy, sau đó thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện. Người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện rồi thì tâm sanh tham dục. Tâm sanh tham dục rồi thì thân nhiệt, tâm nhiệt. Thân nhiệt tâm nhiệt rồi thì xả giới, bỏ đạo.
“Này chư Hiền, như lúc mưa to, hồ ao trong thôn xóm đều đầy nước. Có người trước khi chưa mưa, thấy trong hồ ao đó có cát, đá, cỏ cây, một vài loại giáp trùng, cá, rùa, ểnh ương và các loài thủy tánh khác, lúc bơi qua, lúc bơi lại, lúc rượt chạy, lúc đứng yên. Nhưng sau khi trời mưa, ao hồ đầy nước, người đó không còn thấy như thế nữa. Chư Hiền, nếu người kia nói như thế này: ‘Trong hồ ao kia nhất định không thể nào thấy lại được cát, đá, cỏ cây, một vài loại giáp trùng, cá, rùa, ểnh ương và các loài thủy tánh khác, lúc bơi qua, lúc bơi lại, lúc rượt chạy, lúc đứng yên’. Người ấy nói như vậy có đúng chăng?”
“Không đúng. Vì sao? Vì hồ ao đầy nước kia, hoặc voi uống, ngựa uống, lạc đà, bò, lừa, heo, nai, trâu uống, hoặc người lấy dùng, gió thổi, mặt trời rọi, thì nước sẽ cạn. Người kia khi nước đầy hồ ao không thấy cát, đá, cỏ cây, một vài loại giáp trùng, cá, rùa, ểnh ương và các loài thủy tánh khác, lúc bơi qua, lúc bơi lại, lúc rượt chạy, lúc đứng yên, nhưng sau khi nước đã cạn rồi thì vẫn thấy như cũ”.
“Cũng vậy, này chư Hiền, hoặc có một người vừa được Sơ thiền; được Sơ thiền rồi, người ấy liền an trụ chứ không mong cầu thêm, không mong được những gì chưa được, thu hoạch những gì chưa thu hoạch, tác chứng những gì chưa tác chứng. Sau đó người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện. Người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện rồi thì tâm sanh tham dục. Tâm sanh tham dục rồi thì thân nhiệt, tâm nhiệt. Thân nhiệt, tâm nhiệt rồi thì xả giới, bỏ đạo. Này chư Hiền, đó gọi là có một người.
“Lại nữa, này chư Hiền, hoặc có một người được đệ Nhị thiền; được đệ Nhị thiền rồi, người ấy liền an trụ chứ không mong cầu thêm, không mong được những gì chưa được, thu hoạch những gì chưa thu hoạch, tác chứng những gì chưa tác chứng. Sau đó người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện, rồi thì sanh tâm tham dục. Tâm sanh tham dục rồi thì thân nhiệt, tâm nhiệt. Thân nhiệt, tâm nhiệt rồi liền xả giới bỏ đạo.
“Này chư Hiền, như lúc mưa to, đất bụi ở nơi ngã tư đường đều thành bùn. Này chư Hiền, nếu có người nói như thế này: ‘Bùn ở nơi ngã tư đường này nhất định không khô ráo, không thể trở lại thành bụi đất được nữa’. Người ấy nói như vậy có đúng chăng?”
“Không đúng. Vì sao? Vì ngã tư đường này hoặc voi đi, ngựa đi, lạc đà, bò, lừa, heo, nai, trâu và người đi, gió thổi, mặt trời rọi, thì con đường kia bùn sẽ khô và khô rồi sẽ trở thành đất bụi trở lại”.
“Cũng như vậy, này chư Hiền, hoặc có người được đệ Nhị thiền; được đêï Nhị thiền rồi, người ấy liền an trụ không mong cầu thêm, không mong được những gì chưa được, thu hoạch những gì chưa thu hoạch, tác chứng những gì chưa tác chứng. Sau đó người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện. Người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện rồi thì tâm sanh tham dục. Tâm sanh tham dục rồi thì thân nhiệt, tâm nhiệt. Thân nhiệt, tâm nhiệt rồi thì xả giới, bỏ đạo. Này chư Hiền, đó gọi là có một người.
“Này chư Hiền, lại nữa, hoặc có một người được đệ Tam thiền; được đệ Tam thiền rồi, người ấy liền an trụ chứ không mong cầu thêm, không mong được những gì chưa được, thu hoạch những gì chưa thu hoạch, tác chứng những gì chưa tác chứng. Sau đó người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện. Người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện rồi thì tâm sanh tham dục. Tâm sanh tham dục rồi thì thân nhiệt, tâm nhiệt. Thân nhiệt, tâm nhiệt rồi thì xả giới, bỏ đạo.
“Này chư Hiền, như nước suối, nước hồ lặng trong, ngang bờ đứng yên, không xao động và cũng không có sóng. Này chư Hiền, nếu có người nói như thế này: ‘Nước suối, nước hồ kia nhất định không bao giờ xao động và nổi sóng nữa’. Người ấy nói như vậy có đúng chăng?”
“Không đúng. Vì sao? Vì hoặc ở phương Đông gió lớn chợt thổi đến làm cho nước trong hồ xao động nổi sóng. Cũng vậy, phương Nam, phương Tây, phương Bắc, gió lớn chợt thổi đến làm cho nước trong hồ xao động nổi sóng”.
“Cũng như vậy, này chư Hiền, hoặc có một người được đệ Tam thiền; được đệ Tam thiền rồi, người ấy liền an trụ chứ không mong cầu thêm, không mong được những gì chưa được, thu hoạch những gì chưa thu hoạch, tác chứng những gì chưa tác chứng. Sau đó người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện. Người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện rồi thì tâm sanh tham dục. Tâm sanh tham dục rồi thì thân nhiệt, tâm nhiệt. Thân nhiệt, tâm nhiệt rồi thì xả giới, bỏ đạo. Này chư Hiền, đó gọi là có một người.
“Lại nữa, này chư Hiền, hoặc có một người được đệ Tứ thiền; được đệ Tứ thiền rồi, người ấy liền an trụ chứ không mong cầu thêm, không mong được những gì chưa được, thu hoạch những gì chưa thu hoạch, tác chứng những gì chưa tác chứng. Sau đó người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện. Người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện rồi thì tâm sanh tham dục. Tâm sanh tham dục rồi thì thân nhiệt, tâm nhiệt. Thân nhiệt, tâm nhiệt rồi thì xả giới, bỏ đạo.
“Này chư Hiền, ví như cư sĩ hoặc con cư sĩ ăn đồ ăn vi diệu, sau khi ăn uống no nê đầy bụng rồi thì những món ăn mà họ đã ăn trước kia, bây giờ không còn muốn ăn nữa. Này chư Hiền, nếu có lời nói như thế này: ‘Cư sĩ hoặc con của cư sĩ nhất định không bao giờ muốn ăn lại nữa’. Người ấy nói như vậy có đúng chăng?” “Không đúng. Vì sao? Vì cư sĩ hoặc con của cư sĩ kia qua một đêm đã thấy đói, thì những gì khi no bụng họ không muốn ăn, bây giờ lại có thể ăn như trước”.
“Cũng vậy, này chư Hiền, hoặc có một người được đệ Tứ thiền; được đệ Tứ thiền rồi, người ấy liền an trụ chứ không mong cầu thêm, không mong được những gì chưa được, thu hoạch những gì chưa thu hoạch, tác chứng những gì chưa tác chứng. Sau đó người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện. Người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện rồi thì tâm sanh tham dục. Tâm sanh tham dục rồi thì thân nhiệt, tâm nhiệt. Thân nhiệt, tâm nhiệt rồi thì xả giới, bỏ đạo. Này chư Hiền, đó gọi là có một người.
“Lại nữa, này chư Hiền, hoặc có một người được Vô tưởng tâm định[06]; được vô tưởng tâm định rồi thì người ấy liền an trụ, không mong cầu thêm, không mong được những gì chưa được, thu hoạch những gì chưa thu hoạch, tác chứng những gì chưa tác chứng. Sau đó người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện. Người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện rồi thì tâm sanh tham dục. Tâm sanh tham dục rồi thì thân nhiệt, tâm nhiệt. Thân nhiệt, tâm nhiệt rồi thì xả giới, bỏ đạo.
“Này chư Hiền, ví như ở một khu rừng vắng, người ta nghe tiếng dế kêu[07]. Khi vua hoặc đại thần ngủ đêm tại khu rừng vắng đó, bấy giờ người ta nghe nào là tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng xe cộ, tiếng đi bộ, tiếng trống, tiếng trống cơm, tiếng trống múa, tiếng múa, tiếng hát, tiếng đàn cầm, tiếng ăn uống, chứ không nghe tiếng dế kêu như trước tại khu rừng này nữa. Này chư Hiền, nếu có lời nói như thế này: ‘Khu rừng kia nhất định không bao giờ nghe được tiếng dế kêu nữa’. Người ấy nói như vậy có đúng chăng?”
“Không đúng. Vì sao? Vì vua hoặc đại thần ấy qua đêm, trời sáng rồi đều trở về. Nếu chỗ đó vì nghe các tiếng voi, ngựa, xe cộ, đi bộ, tiếng ốc, tiếng trống, trống cơm, trống múa, tiếng múa, ca, tiếng đàn, ăn uống nên không nghe tiếng dế kêu, nhưng khi họ đã đi rồi thì nghe lại như cũ”.
“Cũng vậy, này chư Hiền, có một người được Vô tưởng tâm định; được Vô tưởng tâm định rồi liền an trụ chứ không mong cầu thêm, không mong được những gì chưa được, thu hoạch những gì chưa thu hoạch, tác chứng những gì chưa tác chứng. Sau đó người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện. Người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện rồi thì tâm sanh tham dục. Tâm sanh tham dục rồi thì thân nhiệt, tâm nhiệt. Thân nhiệt, tâm nhiệt rồi thì xả giới, bỏ đạo. Này chư Hiền, đó gọi là có một người”.
Bấy giờ Tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng Tử sau đó chẳng bao lâu xả giới, bỏ đạo. Bạn bè quen thân của Tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng Tử nghe ông xả giới bỏ đạo, qua đến chỗ Tôn giả Đại Câu-hi-la, đến nơi rồi, bạch rằng:
“Bạch Tôn giả Đại Câu-hi-la, ngài biết rõ tâm của Tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng Tử hay nhờ các việc khác mà biết? Lý do vì sao? Vì nay Tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng Tử đã xả giới bỏ đạo”.
Tôn giả Đại Câu-hi-la bảo các bạn bè quen thân kia rằng:
“Này chư Hiền, việc ấy phải như vậy. Lý do vì sao? Vì do không biết như thật, không thấy như chân nên xảy ra như vậy”.
Tôn giả Đại Câu-hi-la thuyết như vậy, các Tỳ-kheo nghe Tôn giả dạy xong, hoan hỷ phụng hành[08].
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli A .6.60. Hatthīariputta-sutta.
[02] Bản Pāli: abhidhammakatha, đề tài Abhidhamma.
[03] Chất-đa-la Tượng Tử 質 多 羅 象 子. Pāli: Citta-Hathisāriputta.
[04] Đại Câu-hi-la 大 拘 絺 羅. Pāli: Mahā-koṭṭhika, một trong số các đại đệ tử xuất sắc nhất của Phật, có khả năng phân tích (paṭissambhidappattānam). Ngài sinh trong một gia đình Bà-la-môn giàu có ở Sāvathi.
[05] Pāli: rāgo cittam anuddhaṃsati, tham dục làm bại hoại tâm.
[06] Vô tưởng tâm định 無 想 心 定; đây chỉ vô tướng tâm định. Bản Tống chép là tướng 相. Pāli: animitta cetosamādhi.
[07] Nguyên Hán: Chi-ly-di-lê trùng 支 離 彌 梨 虫. Pāli: cīrika-sadda (hoặc cīriḷika-sadda, tên kinh bản Hán âm từ từ này), tiếng dế kêu.
[08] Bản Pāli còn có đoạn kết: Phật tiên đoán Tượng Tử sẽ xuất gia trở lại và sẽ đắc quả A-la-hán. Lời tiên đoán đúng.
-ooOoo-
83. KINH TRƯỞNG LÃO THƯỢNG TÔN THỤY MIÊN[1] Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Bà-kì-sấu[02], ở rừng Bố trong núi Ngạc, trong vườn Lộc dã[03].
Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên ở tại nước Ma-kiệt-đà, trong làng Thiện tri thức[04]. Lúc ấy, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên sống riêng một mình nơi yên tĩnh, ngồi tĩnh tọa tư duy nhưng mắc phải chứng buồn ngủ. Đức Thế Tôn ở xa biết Tôn giả Đại Mục-kiền-liên sống riêng một mình nơi yên tĩnh, ngồi tĩnh tọa tư duy và mắc phải chứng buồn ngủ. Đức Thế Tôn biết như vậy, Ngài liền như vậy mà nhập định[05]. Do định như vậy, trong khoảnh khắc, như người lực sĩ co duỗi cánh tay, từ Bà-kì-sấu, rừng Bố trong núi Ngạc, trong vườn Lộc dã, Đức Thế Tôn bỗng biến mất khỏi chỗ đó, qua đến nước Ma-kiệt-đà, thôn Thiện tri thức, trước mặt Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, rồi Đức Thế Tôn xuất định và nói rằng:
“Này Đại Mục-kiền-liên, ngươi đang đắm trước thụy miên. Này Đại Mục-kiền-liên, ngươi đang đắm trước thụy miên[06].”
Tôn giả Đại Mục-kiền-liên bạch Thế Tôn:
“Quả thật vậy, bạch Đức Thế Tôn”.
Phật lại nói:
“Này Đại Mục-kiền-liên, nếu như sở tướng[07] nào gây buồn ngủ, ngươi chớ tu tập tướng ấy và cũng đừng phát triển[08] nó. Như vậy, thụy miên mới có thể được diệt trừ.
“Nếu thụy miên của ngươi không diệt trừ, thì này Đại Mục-kiền-liên, hãy theo giáo pháp đã được nghe, tùy theo đó mà thọ trì, quảng bá và tụng đọc. Như vậy thụy miên mới có thể được diệt trừ.
“Nếu thụy miên của ngươi không diệt trừ, thì này Đại Mục-kiền-liên, hãy theo giáo pháp đã được nghe, tùy theo đó mà thọ trì, rồi diễn rộng ra cho người khác nghe. Như vậy thụy miên mới có thể được diệt trừ.
“Nếu thụy miên của ngươi không diệt trừ, thì này Đại Mục-kiền-liên, hãy theo giáo pháp đã được nghe, tùy theo đó mà thọ trì, tâm suy niệm, tâm suy tư. Như vậy, thụy miên mới có thể được diệt trừ.
“Nếu thụy miên của ngươi không diệt trừ, thì này Đại Mục-kiền-liên, hãy dùng hai tay day[09] hai lỗ tai. Như vậy, thụy miên mới có thể được diệt trừ.
“Nếu thụy miên của ngươi không diệt trừ, thì này Đại Mục-kiền-liên, hãy lấy nước lạnh rửa mặt và dội ướt thân thể. Như vậy, thụy miên mới có thể được diệt trừ.
“Nếu thụy miên của ngươi không diệt trừ, thì này Đại Mục-kiền-liên, hãy đi ra ngoài thất, xem khắp bốn phương, ngước nhìn các vì sao. Như vậy, thụy miên mới có thể được diệt trừ.
“Nếu thụy miên của ngươi không diệt trừ, thì này Đại Mục-kiền-liên, hãy đi ra ngoài thất, đến khoảng đất trống phía đầu thất mà kinh hành, thủ hộ các căn, tâm an trụ bên trong, khởi hậu tiền tưởng[10]. Như vậy, thụy miên mới có thể được diệt trừ.
“Nếu thụy miên của ngươi không diệt trừ, thì này Đại Mục-kiền-liên, hãy bỏ con đường đang kinh hành, đến đầu con đường ấy, trải Ni-sư-đàn, ngồi kiết già. Như vậy, thụy miên mới có thể được diệt trừ.
“Nếu thụy miên của ngươi không diệt trừ, thì này Đại Mục-kiền-liên, hãy trở vào thất, gấp tư y Ưu-đa-la-tăng, trải trên giường, gấp Tăng-già-lê làm gối, nằm hông bên phải, hai chân chồng lên nhau, khởi minh tưởng[11], lập chánh niệm chánh trí và luôn luôn khởi ý tưởng muốn trỗi dậy[12]. Này Đại Mục-kiền-liên, đừng ham lạc thú giường nệm, đừng ham lạc thú ngủ nghỉ, đừng ham tài lợi, đừng đắm trước danh dự[13]. Lý do vì sao? Vì Ta nói: ‘Tất cả pháp không thể hợp hội’, và cũng nói, ‘Có thể hợp hội’.
“Này Đại Mục-kiền-liên, Ta nói pháp gì không thể hợp hội? Này Đại Mục-kiền-liên, nếu pháp đạo và tục mà cùng hợp hội thì Ta nói pháp này không thể hợp hội. Này Đại Mục-kiền-liên, nếu pháp đạo và tục mà cùng hợp hội thì có nhiều điều phải nói. Nếu có nhiều điều phải nói thì có trạo cử[14]. Nếu có trạo cử thì tâm không tịch tĩnh. Này Đại Mục-kiền-liên, nếu tâm không tịch tĩnh thì tâm rời xa định. Này Đại Mục-kiền-liên, do đó Ta nói là không thể hợp hội.
“Này Đại Mục-kiền-liên, Ta nói pháp gì có thể cùng hợp hội? Này Đại Mục-kiền-liên, ở nơi rừng vắng kia[15], Ta nói pháp này có thể cùng hợp hội: núi rừng, dưới cây, chỗ an tĩnh không nhàn, núi cao, hang đá, vắng bặt âm thanh, viễn ly, không ác, không người, có thể tùy thuận mà tĩnh tọa. Này Đại Mục-kiền-liên, Ta nói pháp này có thể cùng hợp hội.
“Này Đại Mục-kiền-liên, nếu ngươi đi vào làng khất thực, hãy nhàm tởm sự lợi lộc, nhàm tởm sự cúng dường, cung kính. Đối với lợi lộc, cúng dường, cung kính, tâm ngươi đã phát khởi sự nhàm tởm rồi mới vào làng khất thực.
“Này Đại Mục-kiền-liên, đừng đem ý cao đại mà vào làng khất thực. Vì sao? Vì nhà trưởng giả có công việc gì đó, Tỳ-kheo đến khất thực khiến trưởng giả không chú ý. Tỳ-kheo liền nghĩ rằng: ‘Ai phá hoại ta ở nhà trưởng giả[16]? Vì sao? Vì ta vào nhà trưởng giả khất thực mà trưởng giả không chú ý”. Nhân đó sanh ưu sầu, nhân ưu sầu mà sanh trạo cử, nhân trạo cử mà tâm không tịch tĩnh, nhân tâm không tịch tĩnh nên tâm rời xa định.
“Này Đại Mục-kiền-liên, khi ngươi thuyết pháp, đừng vì tranh luận. Nếu có tranh luận thì có nhiều lời, nhân nhiều lời mà có trạo cử, nhân trạo cử mà tâm không tịch tĩnh, nhân tâm không tịch tĩnh nên tâm rời xa định.
“Này Đại Mục-kiền-liên, khi ngươi thuyết pháp đừng nói to, nói mạnh, như sư tử. Này Đại Mục-kiền-liên, khi ngươi thuyết pháp hãy hạ ý mà thuyết pháp, không ráng sức, tiêu diệt sức, dẹp bỏ sức, hãy thuyết pháp bằng sự không dùng cường lực, như sư tử[17].
“Này Đại Mục-kiền-liên, hãy học như vậy”.
Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai phải, chắp tay hướng Phật, bạch rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn, thế nào là vị Tỳ-kheo đến chỗ cứu cánh, cứu cánh bạch tịnh, cứu cánh phạm hạnh và cứu cánh phạm hạnh cùng tột?”
Đức Thế Tôn bảo:
“Này Đại Mục-kiền-liên, Tỳ-kheo khi đã thọ lạc, cảm thọ khổ, cảm thọ không lạc không khổ, vị ấy ở nơi các cảm thọ này mà quán vô thường, quán hưng suy, quán đoạn, quán vô dục, quán diệt, quán xả. Sau khi ở nơi các cảm thọ này mà quán vô thường, quán hưng suy, quán đoạn, quán vô dục, quán diệt, quán xả, vị ấy không chấp thủ đời này[18], do không chấp thủ đời này mà không bị nhọc nhằn, do không bị nhọc nhằn nên nhập Niết-bàn, biết một cách như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều đáng làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.
“Này Đại Mục-kiền-liên, như vậy là Tỳ-kheo được đến chỗ cứu cánh, cứu cánh bạch tịnh, cứu cánh phạm hạnh và cứu cánh phạm hạnh cùng tột”.
Phật thuyết như vậy. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli A.7.58 Pacalāyamāna-sutta. Biệt dịch DTK.47.
[02] Bà-kì-sấu 婆 奇 廋. Pāli: Bhaggesu, giữa những người Bhagga.
[03] Ngạc sơn Bố lâm Lộc dã viên 鱷 山 怖 林 鹿 野 園. Pāli: Suṃsumāragire bhesakāḷāvane migadāye, trong núi Cá sấu, rừng Khủng bố, chỗ nuôi hươu.
[04] Thiện tri thức thôn 善 知 識 村. Pāli: Kallavāḷamuttagāma. Ngài Đại Mục-kiền-liên ở đây ngay sau khi vừa xuất gia. Kinh này được nói vào lúc này. Bảy ngày sau đó, Ngài đắc quả A-la-hán.
[05] Như kỳ tượng định.
[06] Pāli: pacalāyati, ngủ gật.
[07] Sở tướng 所 相, ở đây, đề mục thiền định. Pāli: saññā, tưởng.
[08] Quảng bá 廣 布. Pāli: bahulīkaroti, tu tập nhiều.
[09] Hán: môn mô 捫 摸 (mằn mò). Pāli: ubho kaṇṇasotāni āviñcheyyasi, ngươi hãy vặn (hay kéo?) hai lỗ tai.
[10] Hậu tiền tưởng 後 前 想, quán tưởng sau lưng như là trước mặt. Pāli: Pacchāpuresaññī.
[11] Minh tưởng 明 想 hay quang minh tưởng, lấy các loại ánh sáng để làm đề mục, tập trung tư tưởng trên đó. Pāli: Ālokasaññā, đề cập đến sau khi ngắm các ngôi sao không thành công.
[12] Dục khởi tưởng 欲 起 想. Pāli: uṭṭhānasaññā.
[13] Trong bản Pāli, câu này dành cho hành giả tự tâm niệm lúc nằm, tức những điều suy niệm của phép dục khởi tưởng.
[14] Điệu 掉, ở đây cử chỉ tháy máy không yên. Pāli: uddhacca.
[15] Vô sự xứ.
[16] No.47: ai đã nói gì với cư sĩ đó? Bởi vì ta vào nhà mà cư sĩ đó không chịu nói chuyện với ta.
[17] No.47: hãy như sư tử luận.
[18] Bất thọ thử thế 不 受 此 世. Pāli: na kiñci loke upādiyati, không chấp thủ bất cứ cái gì ở trên đời.
-ooOoo-
84. KINH VÔ THÍCH[1] Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa Bệ-xá-li, ở tại Câu lâu đài quán, bên bờ ao Di hầu[02].
Các đệ tử danh đức Trưởng lão Thượng tôn như các ngài Già-la, Ưu-bệ Giá-na, Hiền Thiện, Hiền Hoạn, Da-xá, Thượng Xứng[03]; các Tỳ-kheo danh đức Trưởng lão Thượng tôn như vậy cũng tựu tại Bệ-xá-li, ở Cao lâu đài quán, bên ao Di hầu và đều ở bên cạnh nhà lá của Phật. Các người Lệ-xế[04] ở thành Bệ-xá-li nghe Đức Thế Tôn trụ tại Bệ-xá-li, nơi Cao lâu đài quán, bên bờ ao Di hầu, liền nghĩ rằng, “Chúng ta hãy phát đại như ý túc, khởi oai đức của bậc vua chúa, lớn tiếng rao truyền rồi ra khỏi thành Bệ-xá-li, qua đến chỗ Phật cúng dường kính lễ”.
Lúc bấy giờ các đại đệ tử danh đức Trưởng lão Thượng tôn nghe người Lệ-xế thành Bệ-xá-li phát đại như ý túc, khởi oai đức của bậc vua chúa, lớn tiếng rao truyền rồi ra khỏi thành Bệ-xá-li, qua đến chỗ Phật cúng dường kính lễ, liền nghĩ rằng: ‘Âm thanh là gai nhọn đối với thiền’. Đức Thế Tôn cũng nói rằng: ‘Âm thanh là gai nhọn đối với thiền’. Chúng ta hãy qua rừng Ngưu giác Sa-la[05], nơi ấy không náo loạn, sống viễn ly cô độc, ẩn dật nơi thanh vắng mà tĩnh tọa”.
Rồi các đại đệ tử danh đức Trưởng lão Thượng tôn đi qua rừng Ngưu giác Sa-la, nơi ấy không não loạn, sống viễn ly cô độc, ẩn dật nơi thanh vắng mà tĩnh tọa để tư duy.
Bấy giờ, rất nhiều người Lệ-xế thành Bệ-xá-li phát đại như ý túc, khởi oai đức của bậc vua chúa, lớn tiếng rao truyền, rồi ra khỏi thành Bệ-xá-li, qua đến chỗ Phật cúng dường kính lễ. Hoặc có người Lệ-xế thành Bệ-xá-li cúi lạy chân Phật rồi ngồi xuống một bên, hoặc có người chào hỏi Phật rồi ngồi xuống một bên, hoặc có người chắp tay hướng về Phật rồi ngồi xuống một bên, hoặc có người ở xa thấy Phật rồi im lặng ngồi xuống.
Khi những người Lệ-xế thành Bệ-xá-li đã ngồi xong đâu đấy, Đức Thế Tôn thuyết pháp cho họ nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho họ nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, Đức Thế Tôn ngồi im lặng.
Những người Lệ-xế thành Bệ-xá-li, sau khi đã được Đức Thế Tôn thuyết pháp, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi lạy chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi ra về.
Sau khi những người Lệ-xế thành Bệ-xá-li đi chẳng bao lâu, bấy giờ Đức Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo rằng:
“Các Trưởng lão Thượng tôn đại đệ tử đã đến nơi nào?”
Các Tỳ-kheo bạch:
“Bạch Thế Tôn, các Trưởng lão Thượng tôn đại đệ tử khi nghe những người Lệ-xế thành Bệ-xá-li phát đại như ý túc, khởi oai đức của bậc vua chúa, lớn tiếng rao truyền rồi ra khỏi thành Bệ-xá-li, qua đến chỗ Phật cúng dường kính lễ. Các ngài nghĩ rằng: ‘Âm thanh là gai nhọn đối với thiền’, Đức Thế Tôn cũng nói rằng: ‘Âm thanh là gai nhọn đối với thiền’. Chúng ta hãy đi qua rừng Ngưu giác Sa-la, ở đó không náo loạn, sống viễn ly cô độc, ẩn dật nơi thanh vắng mà tĩnh tọa tư duy. Bạch Thế Tôn, các Trưởng lão Thượng tôn đại đệ tử đều đi đến nơi đó”.
Bấy giờ Đức Thế Tôn nghe xong, khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Nếu là Trưởng lão Thượng tôn đại đệ tử, nên nói như thế này: ‘Âm thanh là gai nhọn đối với thiền’. Đức Thế Tôn cũng nói: ‘Âm thanh là gai nhọn đối với thiền’. Vì sao? Vì quả thật Ta có nói như vậy: ‘Âm thanh là gai nhọn đối với thiền. Phạm giới là gai nhọn đối với trì giới. Trang sức thân thể là gai nhọn đối với thủ hộ các căn. Tịnh tướng là gai nhọn đối với tu tập bất tịnh[06]. Sân nhuế là gai nhọn đối với tu tập từ tâm. Uống rượu là gai nhọn đối với xa lìa uống rượu. Thấy nữ sắc là gai nhọn đối với phạm hạnh. Âm thanh là gai nhọn đối với nhập Sơ thiền. Giác quán là gai đối với nhập đệ Nhị thiền. Hỷ là gai nhọn đối với nhập đệ Tam thiền. Hơi thở ra, hơi thở vào là gai nhọn đối với nhập đệ Tứ thiền. Sắc tưởng là gai nhọn đối với nhập Không xứ. Không tưởng là gai nhọn đối với nhập Thức xứ. Thức tưởng là gai nhọn đối với nhập Vô sở hữu xứ. Tưởng tri là gai nhọn đối với nhập Tưởng tri diệt định.
Lại cũng có ba loại gai nhọn khác; gai nhọn dục, gai nhọn nhuế và gai nhọn ngu si. Với ba loại gai này, bậc lậu tận A-la-hán đã đoạn trừ, đã biết rõ, đã nhổ sạch cội rễ, tuyệt diệt không còn sanh, ấy là bậc A-la-hán không bị gai chích, bậc A-la-hán xa lìa gai chích, bậc A-la-hán không gai, lìa gai”.
Phật thuyết như vậy. Các vị Tỳ-kheo nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Bản Hán, quyển 21, Tương đương Pāli A. 10.72 Kantaka-suttaṃ.
[02] Xem cht.4 kinh 217. Pāli: Mahāvane kuṭāgārasālāyam.
[03] Già-la 遮 羅, Ưu-bá 優 簸, Già-la 遮 羅, Hiền Thiện 賢 善, Hiền Hoạn 賢 患, Da-xá 耶 舍, Thượng Xứng 上 稱. Pāli: Cāla, Upacāla, Kukkuṭa, Kaḷimbha, Nikaṭa, Kaṭissa.
[04] Lệ xế 麗 掣. Pāli: Licchavī, một bộ tộc rất có thế lực trong thời Phật, là những người Khattiya, và tướng mạo khá đẹp nên có lần Đức Phật so sánh với chư Thiên Tāvatiṃsa (Tam thập tam).
[05] Xem cht.3 Kinh 184.
[06] Nguyên Hán: ố lộ 惡 露.
-ooOoo-
84. KINH VÔ THÍCH[1] Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa Bệ-xá-li, ở tại Câu lâu đài quán, bên bờ ao Di hầu[02].
Các đệ tử danh đức Trưởng lão Thượng tôn như các ngài Già-la, Ưu-bệ Giá-na, Hiền Thiện, Hiền Hoạn, Da-xá, Thượng Xứng[03]; các Tỳ-kheo danh đức Trưởng lão Thượng tôn như vậy cũng tựu tại Bệ-xá-li, ở Cao lâu đài quán, bên ao Di hầu và đều ở bên cạnh nhà lá của Phật. Các người Lệ-xế[04] ở thành Bệ-xá-li nghe Đức Thế Tôn trụ tại Bệ-xá-li, nơi Cao lâu đài quán, bên bờ ao Di hầu, liền nghĩ rằng, “Chúng ta hãy phát đại như ý túc, khởi oai đức của bậc vua chúa, lớn tiếng rao truyền rồi ra khỏi thành Bệ-xá-li, qua đến chỗ Phật cúng dường kính lễ”.
Lúc bấy giờ các đại đệ tử danh đức Trưởng lão Thượng tôn nghe người Lệ-xế thành Bệ-xá-li phát đại như ý túc, khởi oai đức của bậc vua chúa, lớn tiếng rao truyền rồi ra khỏi thành Bệ-xá-li, qua đến chỗ Phật cúng dường kính lễ, liền nghĩ rằng: ‘Âm thanh là gai nhọn đối với thiền’. Đức Thế Tôn cũng nói rằng: ‘Âm thanh là gai nhọn đối với thiền’. Chúng ta hãy qua rừng Ngưu giác Sa-la[05], nơi ấy không náo loạn, sống viễn ly cô độc, ẩn dật nơi thanh vắng mà tĩnh tọa”.
Rồi các đại đệ tử danh đức Trưởng lão Thượng tôn đi qua rừng Ngưu giác Sa-la, nơi ấy không não loạn, sống viễn ly cô độc, ẩn dật nơi thanh vắng mà tĩnh tọa để tư duy.
Bấy giờ, rất nhiều người Lệ-xế thành Bệ-xá-li phát đại như ý túc, khởi oai đức của bậc vua chúa, lớn tiếng rao truyền, rồi ra khỏi thành Bệ-xá-li, qua đến chỗ Phật cúng dường kính lễ. Hoặc có người Lệ-xế thành Bệ-xá-li cúi lạy chân Phật rồi ngồi xuống một bên, hoặc có người chào hỏi Phật rồi ngồi xuống một bên, hoặc có người chắp tay hướng về Phật rồi ngồi xuống một bên, hoặc có người ở xa thấy Phật rồi im lặng ngồi xuống.
Khi những người Lệ-xế thành Bệ-xá-li đã ngồi xong đâu đấy, Đức Thế Tôn thuyết pháp cho họ nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho họ nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, Đức Thế Tôn ngồi im lặng.
Những người Lệ-xế thành Bệ-xá-li, sau khi đã được Đức Thế Tôn thuyết pháp, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi lạy chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi ra về.
Sau khi những người Lệ-xế thành Bệ-xá-li đi chẳng bao lâu, bấy giờ Đức Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo rằng:
“Các Trưởng lão Thượng tôn đại đệ tử đã đến nơi nào?”
Các Tỳ-kheo bạch:
“Bạch Thế Tôn, các Trưởng lão Thượng tôn đại đệ tử khi nghe những người Lệ-xế thành Bệ-xá-li phát đại như ý túc, khởi oai đức của bậc vua chúa, lớn tiếng rao truyền rồi ra khỏi thành Bệ-xá-li, qua đến chỗ Phật cúng dường kính lễ. Các ngài nghĩ rằng: ‘Âm thanh là gai nhọn đối với thiền’, Đức Thế Tôn cũng nói rằng: ‘Âm thanh là gai nhọn đối với thiền’. Chúng ta hãy đi qua rừng Ngưu giác Sa-la, ở đó không náo loạn, sống viễn ly cô độc, ẩn dật nơi thanh vắng mà tĩnh tọa tư duy. Bạch Thế Tôn, các Trưởng lão Thượng tôn đại đệ tử đều đi đến nơi đó”.
Bấy giờ Đức Thế Tôn nghe xong, khen rằng:
“Lành thay! Lành thay! Nếu là Trưởng lão Thượng tôn đại đệ tử, nên nói như thế này: ‘Âm thanh là gai nhọn đối với thiền’. Đức Thế Tôn cũng nói: ‘Âm thanh là gai nhọn đối với thiền’. Vì sao? Vì quả thật Ta có nói như vậy: ‘Âm thanh là gai nhọn đối với thiền. Phạm giới là gai nhọn đối với trì giới. Trang sức thân thể là gai nhọn đối với thủ hộ các căn. Tịnh tướng là gai nhọn đối với tu tập bất tịnh[06]. Sân nhuế là gai nhọn đối với tu tập từ tâm. Uống rượu là gai nhọn đối với xa lìa uống rượu. Thấy nữ sắc là gai nhọn đối với phạm hạnh. Âm thanh là gai nhọn đối với nhập Sơ thiền. Giác quán là gai đối với nhập đệ Nhị thiền. Hỷ là gai nhọn đối với nhập đệ Tam thiền. Hơi thở ra, hơi thở vào là gai nhọn đối với nhập đệ Tứ thiền. Sắc tưởng là gai nhọn đối với nhập Không xứ. Không tưởng là gai nhọn đối với nhập Thức xứ. Thức tưởng là gai nhọn đối với nhập Vô sở hữu xứ. Tưởng tri là gai nhọn đối với nhập Tưởng tri diệt định.
Lại cũng có ba loại gai nhọn khác; gai nhọn dục, gai nhọn nhuế và gai nhọn ngu si. Với ba loại gai này, bậc lậu tận A-la-hán đã đoạn trừ, đã biết rõ, đã nhổ sạch cội rễ, tuyệt diệt không còn sanh, ấy là bậc A-la-hán không bị gai chích, bậc A-la-hán xa lìa gai chích, bậc A-la-hán không gai, lìa gai”.
Phật thuyết như vậy. Các vị Tỳ-kheo nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Bản Hán, quyển 21, Tương đương Pāli A. 10.72 Kantaka-suttaṃ.
[02] Xem cht.4 kinh 217. Pāli: Mahāvane kuṭāgārasālāyam.
[03] Già-la 遮 羅, Ưu-bá 優 簸, Già-la 遮 羅, Hiền Thiện 賢 善, Hiền Hoạn 賢 患, Da-xá 耶 舍, Thượng Xứng 上 稱. Pāli: Cāla, Upacāla, Kukkuṭa, Kaḷimbha, Nikaṭa, Kaṭissa.
[04] Lệ xế 麗 掣. Pāli: Licchavī, một bộ tộc rất có thế lực trong thời Phật, là những người Khattiya, và tướng mạo khá đẹp nên có lần Đức Phật so sánh với chư Thiên Tāvatiṃsa (Tam thập tam).
[05] Xem cht.3 Kinh 184.
[06] Nguyên Hán: ố lộ 惡 露.
-ooOoo-
85. KINH CHÂN NHÂN[1] Tôi nghe như vầy.
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ta sẽ nói cho các ngươi nghe về pháp chân nhân, và pháp không phải chân nhân[02]. Hãy lắng nghe, hãy khéo tư niệm”.
Các Tỳ-kheo thọ giáo lắng nghe.
Phật nói:
“Thế nào là pháp không phải chân nhân? Ở đây có một người thuộc dòng dõi hào quý, xuất gia học đạo và những người khác thì không như vậy. Người ấy nhân vì dòng dõi hào quý mà quý mình khinh người. Đó gọi là pháp không phải chân nhân. Pháp chân nhân xét nghĩ như thế này: ‘Ta không phải nhân bởi dòng dõi hào quý mà đoạn trừ được dâm, nộ, si. Hoặc có người nào đó không phải dòng dõi hào quý mà xuất gia học đạo, thực hành pháp như pháp, tùy thuận pháp, hướng đến pháp và thứ pháp[03], do đó mà được cúng dường, cung kính’. Như vậy, vị này thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế nhưng không quý mình, không khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.
“Lại nữa, hoặc có người đoan chánh, khả ái, những người khác không được như vậy. Người kia nhân vì mình đoan chánh, khả ái mà quý mình khinh người. Đó gọi là pháp không phải chân nhân. Pháp chân nhân xét nghĩ như thế này: ‘Ta không phải do vẻ đoan chánh khả ái này mà đoạn trừ được dâm, nộ, si. Hoặc có người nào đó không đoan chánh khả ái nhưng thực hành pháp như pháp, tùy thuận pháp, hướng pháp, thứ pháp, do đó được cúng dường cung kính’. Như vậy vị này thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế, nhưng không quý mình khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.
“Lại nữa, hoặc có một người hùng biện, luận giỏi, những người khác không được như vậy. Người kia nhân vì hùng biện, luận giỏi mà quý mình khinh người. Đó gọi là điều của kẻ không phải chân nhân. Pháp chân nhân xét nghĩ như thế này: ‘Ta không phải do tài hùng biện, luận giỏi này mà đoạn trừ được dâm, nộ, si. Hoặc có người nào đó không có tài hùng biện, luận giỏi, nhưng người ấy thực hành pháp như pháp, tùy thuận pháp, hướng pháp, thứ pháp, do đó mà được cúng dường cung kính’. Như vậy, vị này thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế, nhưng không quý mình, không khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.
“Lại nữa, hoặc có người thuộc hàng Trưởng lão, quen biết với vua, nổi tiếng với mọi người và có đại phước, những người khác không được như vậy. Người kia nhân vì là Trưởng lão, vì quen biết với vua, vì nổi tiếng với mọi người và có đại phước mà quý mình khinh người. Đó gọi là pháp không phải chân nhân. Pháp chân nhân xét nghĩ như thế này: ‘Ta không phải do Trưởng lão, không phải do quen biết với vua, nổi tiếng với mọi người và có đại phước mà đoạn trừ được dâm, nộ, si. Hoặc có người nào đó không phải là Trưởng lão, không quen biết với vua, không nổi tiếng với mọi người và cũng không có đại phước, nhưng người ấy thực hành pháp như pháp, tùy thuận pháp, hướng pháp, thứ pháp, do đó mà được cúng dường cung kính’. Như vậy, vị này thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế, nhưng không quý mình, không khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.
“Lại nữa, hoặc có người tụng kinh, trì luật, học A-tỳ-đàm[04], thuộc làu A-hàm[05], học nhiều kinh sách, người khác không được như vậy. Người kia nhân vì thuộc làu A-hàm, học nhiều kinh sách nên quý mình khinh người. Đó gọi là pháp không phải chân nhân. Pháp chân nhân xét nghĩ như thế này: ‘Ta không phải do thuộc làu A-hàm, học nhiều kinh sách mà đoạn trừ được dâm, nộ, si. Hoặc có người nào đó không thuộc làu A-hàm, cũng không học nhiều kinh sách, nhưng người ấy thực hành pháp như pháp, tùy thuận pháp, hướng pháp, thứ pháp, do đó mà được cúng dường cung kính’. Như vậy, vị này thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế, nhưng không quý mình, không khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.
“Lại nữa, hoặc có người mặc y phấn tảo, nhiếp ba pháp phục, trì y bất mạn[06], người khác không được như vậy. Người kia nhân vì trì y bất mạn nên quý mình khinh người. Đó gọi là pháp không phải chân nhân. Pháp chân nhân xét nghĩ như thế này: ‘Ta không phải do trì y bất mạn này mà đoạn trừ được dâm, nộ, si. Hoặc có người nào đó không trì y bất mạn nhưng thực hành pháp như pháp, tùy thuận pháp, hướng pháp, thứ pháp, do đó mà được cúng dường cung kính’. Như vậy, vị này thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế, nhưng không quý mình, không khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.
“Lại nữa, hoặc có người thường đi khất thực, cơm chỉ ngang bằng năm thăng, chỉ khất thực hạn cuộc nơi bảy nhà, chỉ ăn một bữa, quá giờ ngọ không uống nước trái cây[07], người khác không được như vậy. Người kia nhân vì quá giờ ngọ không uống nước trái cây mà quý mình khinh người. Đó gọi là pháp không phải chân nhân. Pháp thượng nhân xét nghĩ như thế này: ‘Ta không phải do sự quá giờ ngọ không uống nước trái cây này mà đoạn trừ được dâm, nộ, si. Hoặc có người nào đó không dứt bỏ sự quá giờ ngọ uống nước trái cây, nhưng người ấy thực hành pháp như pháp, tùy thuận pháp, hướng pháp, thứ pháp, do đó mà được cúng dường cung kính’. Như vậy, vị này thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế, nhưng không quý mình, không khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.
“Lại nữa, hoặc có người ở chỗ rừng vắng sơn lâm, dưới gốc cây, hoặc ở núi cao hay nơi đất trống, hoặc nơi gò mả, hoặc có thể biết thời; người khác không được như vậy. Người kia nhân vì biết thời mà quý mình khinh người. Đó không phải là pháp chân nhân. Pháp chân nhân xét nghĩ như thế này: ‘Ta không phải do sự biết thời này mà đoạn trừ được dâm, nộ, si. Hoặc có người nào đó không biết thời nhưng người ấy thực hành pháp như pháp, tùy thuận pháp, hướng pháp, thứ pháp, do đó mà được cúng dường cung kính’. Như vậy, vị này thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế, nhưng không quý mình, không khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.
“Lại nữa, hoặc có người vừa được Sơ thiền; người kia nhân vì được Sơ thiền mà quý mình khinh người. Đó gọi là pháp không phải chân nhân. Pháp chân nhân xét nghĩ như thế này: ‘Về Sơ thiền, Đức Thế Tôn nói là vô lượng chủng loại, nếu có kế chấp thì gọi là ái[08] vậy. Do đó người ấy được cúng dường cung kính’. Như vậy, vị này thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế, nhưng không quý mình, không khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.
“Lại nữa, hoặc có người được đệ Nhị, đệ Tam, đệ Tứ thiền; được Không xứ, Thức xứ, Vô sở hữu xứ, Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, người khác không được như vậy. Người kia nhân vì được phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ nên quý mình khinh người. Đó gọi là pháp không phải chân nhân. Pháp chân nhân xét nghĩ như thế này: ‘Phi hữu tưởng phi vô tưởng, Đức Thế Tôn nói là vô lượng chủng loại, nếu có kế chấp thì gọi đó là ái, do đó người ấy được cúng dường cung kính’. Như vậy, vị này thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế, nhưng không quý mình, không khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân.
“Các ngươi hãy nhận biết pháp chân nhân và pháp không phải chân nhân. Sau khi biết được pháp thượng nhân và pháp không phải chân nhân rồi, hãy dứt bỏ pháp không phải chân nhân và hãy học pháp chân nhân”.
Giàu, đẹp trai, nói giỏi,
Trưởng lão, tụng nhiều kinh,
Y, thực, tu núi, thiền,
Sau cùng bố vô sắc.
“Các ngươi nên học như vậy”.
Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo nghe Đức Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli M. 113. Sappurisa-suttaṃ. Biệt dịch, No.48.
[02] Chân nhân pháp 真 人 法; No.18: hiền giả. Pāli: Sappurisa-dhamma, chân nhân pháp, thiện nhân pháp thiện sĩ pháp.
[03] Hành pháp như pháp, tùy thuận ư pháp, hướng pháp thứ pháp
行 法 如 法 隨 順 於 法 向 法 次 法. Pāli: dhammānudhamma-paṭṭpanno sāmicīpaṭṭipannoanudhammacāri; là người thực hành pháp và tùy pháp, thực hành chân chính, có hành vi tùy thuận pháp.
[04] A-tỳ-đàm 阿 毗 曇; thường chỉ Luận tạng. Pāli: abhidhamma.
[05] Nguyên trong bản: A-hàm-mộ 阿 含 慕, thường chỉ Kinh tạng. Pāli: āgama.
[06] Bất mạn y 不 慢 衣. Pāli: amāna-cīvara, y không kiêu mạn, hay amanāpa-cīvara, y xấu xí?
[07] Bất ẩm tương 不 飲 漿.
[08] Ái 愛; Tống-Nguyên-Minh: thọ (chấp thủ). Pāli: paṭhamajjhānasamāpattiyā pi kho atammayatā, sự chứng đạt Sơ thiền được nói là có tánh không tham luyến.
-ooOoo-
86. KINH THUYẾT XỨ[1] Tôi nghe như vầy.
Một thời Đức Phật đến nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Tôn giả A-nan vào lúc xế, từ chỗ ngồi tĩnh tọa đứng dậy, dẫn các Tỳ-kheo niên thiếu đi đến chỗ Phật, cúi lạy dưới chân Phật rồi ngồi qua một bên. Các Tỳ-kheo niên thiếu cũng cúi lạy chân Phật, rồi ngồi qua một bên.
Tôn giả A-nan bạch rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn, với các Tỳ-kheo niên thiếu này, con phải quở trách như thế nào? Dạy dỗ như thế nào? Thuyết pháp cho họ nghe như thế nào?
Đức Thế Tôn bảo rằng:
“Này A-nan, ông hãy nói về xứ[02] và dạy về xứ cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu ông nói về xứ và dạy về xứ cho các Tỳ-kheo niên thiếu, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh”.
Tôn giả A-nan chắp tay hướng về Phật, bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, nay thật là đúng thời. Bạch Thiện Thệ, nay thật là đúng thời. Nếu Thế Tôn nói về xứ và dạy về xứ cho các Tỳ-kheo niên thiếu, con và các Tỳ-kheo niên thiếu sau khi nghe Thế Tôn nói sẽ khéo léo thọ trì”.
Đức Thế Tôn bảo rằng
“A-nan, các ông hãy lắng nghe, hãy khéo tư niệm. Ta sẽ phân biệt rộng rãi cho ông và các Tỳ-kheo niên thiếu nghe”.
Tôn giả A-nan thọ giáo, lắng nghe.
Đức Thế Tôn bảo rằng:
“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về năm thủ uẩn[03]: sắc thủ uẩn, thọ, tưởng, hành và thức thủ uẩn. Này A-nan, năm thủ uẩn này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về năm thủ uẩn này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.
“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về sáu nội xứ: nhãn xứ, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ. A-nan, sáu nội xứ này ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về sáu nội xứ này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.
“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về sáu ngoại xứ: sắc xứ, thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ. A-nan, sáu ngoại xứ này ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về sáu ngoại xứ này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được hoan lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.
“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về sáu thức thân[04]: nhãn thức, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức. A-nan, sáu thức thân này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về sáu thức thân này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.
“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về sáu xúc thân[05]: nhãn xúc, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc. A-nan, sáu xúc thân này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về sáu xúc thân này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được hoan lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.
“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về sáu thọ thân[06]: nhãn thọ, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thọ. A-nan, sáu thọ thân này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về sáu thọ thân này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.
“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về sáu tưởng thân[07]: nhãn tưởng, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý tưởng. A-nan, sáu tưởng thân này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về sáu tưởng thân này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.
“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về sáu tư thân[08]: nhãn tư, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý tư. A-nan, sáu tư thân này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về sáu tư thân này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.
“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về sáu ái thân[09]: nhãn ái, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý ái. Này A-nan, sáu ái thân này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về sáu ái thân này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được hoan lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.
“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về sáu giới: địa giới, thủy, hỏa, phong, không, thức giới. A-nan, sáu giới này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về sáu giới này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.
“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về nhân duyên khởi và nhân duyên khởi sở sanh pháp[10]: ‘Nếu có cái này thì có cái kia, nếu không có cái này thì không có cái kia. Nếu sanh cái này thì sanh cái kia, nếu diệt cái này thì diệt cái kia. Duyên vô minh, hành. Duyên hành, thức. Duyên thức, danh sắc. Duyên danh sắc, sáu xứ. Duyên sáu xứ, xúc. Duyên xúc, thọ. Duyên thọ, ái. Duyên ái, thủ. Duyên thủ, hữu. Duyên hữu, sanh. Duyên sanh, già chết. Nếu vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì sáu xứ diệt, sáu xứ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì già chết diệt. A-nan, nhân duyên khởi và nhân duyên khởi sở sanh pháp này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về nhân duyên khởi và nhân duyên khởi sở sanh pháp này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.
“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về bốn niệm xứ, quán thân như thân, quán thọ, quán tâm, quán pháp như pháp. A-nan, bốn niệm xứ này ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về bốn niệm xứ này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.
“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về bốn chánh đoạn[11], Tỳ-kheo đối với pháp ác bất thiện đã sanh, vì để đoạn trừ chúng nên khởi ước muốn, nỗ lực hành, tinh cần, dốc hết tâm, đoạn trừ[12]. Đối với các pháp ác bất thiện chưa sanh, vì để chúng không phát sanh nên khởi ước muốn, nỗ lực hành, tinh cần, dốc hết tâm, đoạn trừ. Đối với các pháp thiện chưa sanh, vì để cho phát sanh nên khởi ước muốn, nỗ lực hành, tinh cần, dốc hết tâm, đoạn trừ. Đối với các pháp thiện đã sanh, vì để chúng kiên trụ, không bị quên lãng, không bị thoái hóa, được bồi bổ tăng tiến, được phát triển rộng rãi, được viên mãn cụ túc, nên khởi ước muốn, nỗ lực hành, tinh cần, dốc hết tâm, đoạn trừ. A-nan, bốn chánh đoạn này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về bốn chánh đoạn này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.
“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về bốn như ý túc[13], Tỳ-kheo thành tựu dục định, thiêu đốt các hành[14], tu tập như ý túc[15], nương vào vô dục, nương vào viễn ly, nương vào diệt, nguyện đến phi phẩm[16]. Tinh tấn định, tâm định cũng như vậy. Thành tựu quán định, thiêu đốt các hành, tu tập như ý túc, nương vào dô vục, nương vào viễn ly, nương vào diệt, nguyện đến phi phẩm. Này A-nan, bốn như ý túc này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về bốn như ý túc này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.
“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về Tứ thiền, Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện cho đến được đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ. Này A-nan, Tứ thiền này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về Tứ thiền này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được hoan lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.
“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe vềà bốn Thánh đế, Khổ thánh đế, Tập, Diệt và Đạo thánh đế. A-nan, bốn Thánh đế này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về bốn thánh đế này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.
“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về bốn tưởng, Tỳ-kheo có tiểu tưởng, có đại tưởng, có vô lượng tưởng, có vô sở hữu tưởng[17]. A-nan, bốn tưởng này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về bốn tưởng này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.
“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về bốn vô lượng, Tỳ-kheo tâm đi đôi với Từ biến mãn một phương, thành tựu an trụ. Cứ như thế, hai phương, ba phương, bốn phương, tứ duy, trên dưới biến khắp tất cả, tâm đi đôi với Từ, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh, vô cùng rộng lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ. Bi và Hỷ cũng vậy. Tâm đi đôi với Xả, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh, vô cùng rộng lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ. A-nan, bốùn vô lượng này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về bốn vô lượng này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.
“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về bốn vô sắc, Tỳ-kheo đoạn trừ tất cả sắc tưởng, cho đến chứng đắc phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, thành tựu an trụ. A-nan, bốn vô sắc này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về bốn vô sắc này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.
“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về bốn Thánh chủng, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nhận được cái y thô xấu mà biết hài lòng, tri túc, không phải vì y áo mà mong thỏa mãn ý mình. Nếu chưa được y thì không u uất, không khóc than, không đấm ngực, không si dại. Nếu đã được y áo thì không nhiễm, không trước, không ham muốn, không tham lam, không cất giấu, không tích trữ. Khi dùng y thì thấy rõ tai hoạn và biết sự xuất ly. Được sự lợi như vậy vẫn không giải đãi mà có chánh trí. Đó là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni chân chánh an trụ nơi Thánh chúng cựu truyền[18]. Về ẩm thực và trụ xứ cũng như vậy. Mong muốn đoạn trừ, vui thích đoạn trừ, mong muốn tu, vui thích tu. Vị ấy nhân muốn đoạn, vui đoạn, muốn tu, vui tu nên không quý mình, không khinh người. Sự lợi như vậy, không giải đãi nhưng chánh trí. Đó gọi là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni chân chánh an trụ nơi Thánh chúng cựu truyền.
“A-nan, bốn Thánh chủng này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về bốn Thánh chúng này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.
“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về bốn quả Sa-môn, Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, tối thượng A-la-hán quả. A-nan, bốn quả Sa-môn này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về bốn quả Sa-môn này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.
“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về năm thục giải thoát tưởng[19]: tưởng về vô thường, tưởng vì vô thường cho nên khổ, tưởng khổ cho nên vô ngã, tưởng bất tịnh ố lộ[20], tưởng hết thảy thế gian không có gì đáng ái lạc[21]. A-nan, năm thục giải thoát này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về năm thục giải thoát tưởng này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.
“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về năm giải thoát xứ. Nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni chưa giải thoát thì nhờ ở đây mà tâm được giải thoát[22]. Nếu chưa tận trừ các lậu thì sẽ được tận trừ hoàn toàn. Nếu chưa chứng đắc vô thượng Niết-bàn thì sẽ chứng đắc vô thượng Niết-bàn. Thế nào là năm? A-nan, Thế Tôn thuyết pháp cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nghe, các bậc trí phạm hạnh cũng thuyết pháp cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nghe. A-nan, nếu Thế Tôn thuyết pháp cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nghe, các bậc trí phạm hạnh cũng thuyết pháp cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nghe; họ nghe pháp rồi thấu hiểu pháp, thấu hiểu nghĩa, và do sự thấu hiểu pháp, thấu hiểu nghĩa đó nên được hoan duyệt, nhân hoan duyệt mà được hoan hỷ. Nhân hoan hỷ mà được thân khinh an[23]. Do thân khinh an nên được cảm thọ lạc. Do cảm thọ lạc nên được tâm định. A-nan, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nhân tâm định nên được thấy như thật, biết như thật. Do thấy như thật, biết như thật nên phát sanh sự nhàm tởm. Do nhàm tởm nên được vô dục. Do vô dục nên được giải thoát. Do giải thoát mà biết là mình giải thoát, biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa’. A-nan, đó là giải thoát xứ thứ nhất. Nhân đó mà nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni chưa được giải thoát, chưa tận trừ các lậu thì được tận trừ hoàn toàn, chưa chứng đắc vô thượng Niết-bàn thì chứng đắc vô thượng Niết-bàn. Lại nữa, này A-nan, nếu trong trường hợp Thế Tôn không có thuyết pháp cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nghe, các bậc trí phạm hạnh cũng không thuyết pháp cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nghe, nhưng họ theo những điều đã nghe, đã tụng tập và đọc tụng rộng rãi. Nếu không đọc tụng rộng rãi những điều đã nghe, đã tụng đọc nhưng họ chỉ tùy theo điều đã nghe, đã tụng tập, nói lại rộng rãi cho người khác nghe. Nếu không nói rộng rãi cho người khác nghe những điều đã nghe, đã tụng tập, nhưng họ chỉ tùy theo điều đã nghe, đã tụng tập mà tư duy, phân biệt. Nếu không tư duy phân biệt những điều đã nghe, đã tụng tập, nhưng họ chỉ thọ trì các tướng tam-muội. A-nan, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni khéo thọ trì các tướng tam muội thì thấu hiểu pháp, thấu hiểu nghĩa. Do thấu hiểu pháp, thấu hiểu nghĩa nên được hoan duyệt. Do hoan duyệt nên hoan hỷ. Do hoan hỷ nên được thân khinh an. Do thân khinh an nên được cảm thọ lạc. Do cảm thọ lạc nên được tâm định. A-nan, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nhân tâm định nên được thấy như thật, biết như thật. Do thấy như thật, biết như thật nên phát sanh nhàm tởm. Do nhàm tởm nên được vô dục. Do vô dục nên được giải thoát. Do giải thoát mà biết là mình đã giải thoát, biết một cách như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều đáng làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa’. Này A-nan, đó là giải thoát xứ thứ năm, nhân đó mà nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni chưa được giải thoát thì được tâm giải thoát, chưa dứt sạch các lậu thì được dứt sạch trọn vẹn, chưa chứng đắc vô thượng Niết-bàn thì chứng đắc vô thượng Niết-bàn. A-nan, năm giải thoát xứ này ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về năm giải thoát xứ này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.
“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về năm căn, tín, tinh tấn, niệm, định và tuệ căn. A-nan, năm căn này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về năm căn này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.
“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về năm lực, tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ lực. A-nan, năm lực này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về năm lực này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.
“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về năm xuất yếu giới[24]. Những gì là năm? A-nan, Đa văn Thánh đệ tử quán sát dục một cách cực kỳ mãnh liệt. Vị ấy do cực kỳ mãnh liệt quán sát dục nên tâm không hướng theo dục, không vui say dục, không gần gũi với dục, không quyết tâm[25] nơi dục. Khi tâm dục vừa sanh, tức thì bị cháy tiêu, khô héo, co rút lại, bị cuốn tròn lại chứ không được mở rộng ra, bị vứt bỏ đi, không trụ nơi dục, chán ghét, nhàm tởm. A-nan, giống như lông và gân của con gà bị đem quăng vào trong lửa, tức khắc cháy tiêu, khô héo, co rút lại, bị cuốn tròn lại chứ không được mở rộng ra. A-nan, Đa văn Thánh đệ tử cũng vậy, cực kỳ mãnh liệt quán sát dục. Vị ấy do cực kỳ mãnh liệt quán sát dục nên tâm không hướng theo dục, không vui say trong dục, không gần gũi với dục, không quyết tâm nơi dục. Khi tâm dục vừa sanh, tức thì bị cháy tiêu, khô héo, co rút lại, bị cuốn tròn lại chứ không được mở rộng ra. Vị ấy vứt bỏ, không trụ nơi dục, chán ghét, nhàm tởm, chế ngự dục. Vị ấy quán sát vô dục, tâm hướng về vô dục, vui say vô dục, gần gũi vô dục, quyết tâm nơi vô dục, tâm không bị chướng ngại, không ô trược, tâm được an lạc, rất an lạc, viễn ly tất cả dục, viễn ly các lậu và các thứ phiền nhọc, ưu sầu do dục mà có, giải chúng, thoát chúng và lại giải thoát khỏi chúng. Vị ấy không còn nhận lãnh các cảm thọ ấy nữa, tức các cảm thọ sanh ra bởi dục. Như vậy, đó là sự xuất ly khỏi dục. A-nan, đó là xuất yếu giới thứ nhất. A-nan, Đa văn Thánh đệ tử quán sát sân nhuế cực kỳ mãnh liệt. Vị ấy do cực kỳ mãnh liệt quán sát sân nhuế nên tâm không hướng theo sân nhuế, không vui say trong sân nhuế, không gần gũi với sân nhuế, không quyết tâm nơi sân nhuế. Khi tâm sân nhuế vừa sanh, tức khắc bị cháy tiêu, bị khô héo, co rút lại, bị cuốn tròn lại chứ không được nở rộng ra, bị vứt bỏ di. Vị ấy không trụ nơi sân nhuế, chán ghét, nhàm tởm, chế ngự sân nhuế. A-nan, giống như lông và gân của con gà bị đem quăng vào trong lửa, tức khắc bị cháy tiêu, bị khô rút lại, bị cuốn tròn lại chứ không được nở rộng ra. A-nan, Đa văn Thánh đệ tử cũng vậy, cực kỳ mãnh liệt quán sát sân nhuế. Vị ấy do cực kỳ mãnh liệt quán sát sân nhuế nên tâm không hướng theo nhuế, không vui say nhuế, không quyết định nơi nhuế. Tâm nhuế vừa sanh, tức khắc bị cháy tiêu, bị khô rút, bị cuốn tròn chứ không nở rộng ra được, bị vứt bỏ đi, vị ấy không an trụ nơi nhuế, chán ghét, nhàm tởm, chế ngự nhuế. Vị ấy quán sát vô nhuế, tâm hướng về vô nhuế, vui say vô nhuế, gần gũi vô nhuế, quyết định nơi vô nhuế, tâm không bị chướng ngại, không ô trược, tâm được an lạc, rất an lạc, viễn ly dục nhuế, viễn ly các lậu và các thứ phiền nhọc, ưu sầu do nhuế mà có, thoát chúng, giải chúng và lại giải thoát khỏi chúng. Vị ấy không còn nhận lãnh cảm thọ này nữa, tức cảm thọ sanh ra bởi nhuế. Như vậy, đó là sự xuất ly khỏi nhuế. A-nan, đó là xuất yếu giới thứ hai. Lại nữa, A-nan, Đa văn Thánh đệ tử quán sát một cách cực kỳ mãnh liệt não hại. Vị ấy do cực kỳ mãnh liệt quán sát hại nên tâm không hướng theo hại, không vui say hại, không gần gũi với hại, không quyết định nơi hại. Khi tâm hại vừa sanh, tức khắc bị cháy tiêu, bị khô héo, co rút lại, bị cuốn tròn lại chứ không được nở rộng ra, bị vứt bỏ đi. Vị ấy không trụ nơi hại, chán ghét, nhàm tởm, chế ngự não hại. A-nan, giống như lông và gân của con gà bị đem quăng vào trong lửa, tức khắc bị cháy tiêu, bị khô, bị cuốn tròn lại chứ không được nở rộng ra. A-nan, Đa văn Thánh đệ tử cũng vậy, cực kỳ mãnh liệt quán sát não hại. Vị ấy do cực kỳ quán sát não hại nên tâm không hướng theo hại, không vui say hại, không gần gũi với hại, không quyết định nơi hại. tâm hại vừa sanh, tức khắc bị cháy tiêu, bị khô rút, bị cuốn tròn chứ không nở rộng ra được, bị vứt bỏ đi. Vị ấy không an trụ nơi hại, chán ghét, nhàm tởm, chế ngự hại. Vị ấy quán sát vô hại, tâm hướng về vô hại, vui say vô hại, gần gũi vô hại, quyết định nơi vô hại, tâm không bị chướng ngại, không ô trược, tâm được an lạc, rất an lạc, viễn ly dục hại, viễn ly các lậu và các thứ phiền nhọc, ưu sầu do hại mà có, thoát chúng, giải chúng và lại giải thoát khỏi chúng. Vị ấy không còn nhận lãnh cảm thọ này nữa, tức cảm thọ sanh ra bởi hại. Như vậy, đó là sự xuất ly khỏi hại. A-nan, đó là xuất yếu giới thứ ba. Lại nữa, A-nan, Đa văn Thánh đệ tử quán sát sắc cực kỳ mãnh liệt. Vị ấy do cực kỳ mãnh liệt quán sát sắc nên tâm không hướng theo sắc, không vui say trong sắc, không gần gũi với sắc, không quyết định nơi sắc. Khi tâm sắc vừa sanh, tức thì bị cháy tiêu, bị khô héo, co rút lại, bị cuốn tròn lại chứ không được nở rộng ra, bị vứt bỏ đi. Vị ấy không trụ nơi sắc, chán ghét, nhàm tởm, chế ngự sắc. A-nan, giống như lông và gân của con gà bị đem quăng vào trong lửa, tức khắc bị cháy tiêu, bị khô, bị cuốn tròn lại chứ không được nở rộng ra. A-nan, Đa văn Thánh đệ tử cũng vậy, cực kỳ mãnh liệt quán sát sắc. Vị ấy do cực kỳ quán sát sắc nên tâm không hướng theo sắc, không vui say sắc, không gần gũi với sắc, không quyết định nơi sắc. Tâm sắc vừa sanh, tức khắc bị cháy tiêu, bị khô rút, bị cuốn tròn chứ không nở rộng ra được, bị vứt bỏ đi. Vị ấy không an trụ nơi sắc, chán ghét, nhàm tởm, chế ngự sắc. Vị ấy quán sát vô sắc, tâm hướng về vô sắc, vui say vô sắc, gần gũi vô sắc, quyết định nơi vô sắc, tâm không bị chướng ngại, không ô trược, tâm được an lạc, rất an lạc, viễn ly dục sắc, viễn ly các lậu và các thứ phiền nhọc, ưu sầu do sắc mà có, thoát chúng, giải chúng và lại giải thoát khỏi chúng. Vị ấy không còn nhận lãnh cảm thọ này nữa, tức cảm thọ sanh ra bởi sắc. Như vậy, đó là sự xuất ly khỏi sắc. A-nan, đó là xuất yếu giới thứ tư. Lại nữa, A-nan, Đa văn Thánh đệ tử hết sức thận trọng khéo léo, quán sát tự thân một cách cực kỳ mãnh liệt. Vị ấy do cực kỳ mãnh liệt quán sát tự thân nên tâm không hướng theo tự thân, không vui say trong tự thân, không gần gũi với tự thân, không quyết định nơi tự thân. Khi tự thân vừa sanh, tức khắc bị cháy tiêu, bị khô héo, co rút lại, bị cuốn tròn lại chứ không được nở rộng ra, bị vứt bỏ đi. Vị ấy không trụ nơi thân, chán ghét, nhàm tởm, chế ngự tự thân. A-nan, giống như lông và gân của con gà bị đem quăng vào trong lửa, tức khắc bị cháy tiêu, bị khô, bị cuốn tròn lại chứ không được nở rộng ra. A-nan, Đa văn Thánh đệ tử cũng vậy, cực kỳ mãnh liệt quán sát tự thân. Vị ấy do cực kỳ mãnh liệt quán sát tự thân nên tâm không hướng theo thân, không vui say thân, không quyết định nơi thân. Tự thân vừa sanh, tức khắc bị cháy tiêu, bị khô rút, bị cuốn tròn chứ không nở rộng ra được, bị vứt bỏ đi. Vị ấy không an trụ nơi thân, chán ghét, nhàm tởm, chế ngự thân. Vị ấy quán sát vô thân, tâm hướng về vô thân, vui say vô thân, gần gũi vô thân, quyết định vô thân, tâm không bị chướng ngại, không ô trược, tâm được an lạc, rất an lạc; viễn ly dục thân, viễn ly các lậu và các thứ phiền nhọc, ưu sầu do thân mà có, thoát chúng, giải chúng và lại giải thoát khỏi chúng. Vị ấy không còn nhận lãnh cảm thọ này nữa, tức cảm thọ sanh ra bởi thân. Như vậy, đó là sự xuất ly khỏi thân. A-nan, đó là xuất yếu giới thứ năm. A-nan, năm xuất yếu giới này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về năm xuất yếu giới này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.
“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về bảy tài sản, tín, giới, tàm, quý, văn, thí và tuệ tài. A-nan, bảy tài sản này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy bảy tài sản này cho các Tỳ-kheo niên thiếu, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu phạm hạnh.
“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về bảy lực, tín, tinh tấn, tàm, quý, niệm, định, tuệ lực. A-nan, bảy lực này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy bảy lực này cho các Tỳ-kheo niên thiếu, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.
“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về bảy giác chi, niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an[26], định, xả giác chi. A-nan, bảy giác chi này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy bảy giác chi này cho các Tỳ-kheo niên thiếu, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.
“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về Thánh đạo tám chi, chánh kiến, chánh tư duy[27], chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn[28], chánh niệm, chánh định. Đó là tám. A-nan, Thánh đạo tám chi này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy tám chi Thánh đạo này cho các Tỳ-kheo niên thiếu, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh”.
Lúc ấy, Tôn giả A-nan chắp tay hướng về Phật, bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, thật là kỳ diệu, thật là hy hữu! Đức Thế Tôn đã nói về xứ và dạy về xứ cho các Tỳ-kheo niên thiếu”.
Đức Thế Tôn bảo:
“Này A-nan, thật vậy, thật vậy! Thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, Ta nói về xứ và dạy về xứ cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Này A-nan, nếu ông lại hỏi về đảnh pháp và đảnh pháp thối[29] từ nơi Như Lai thì ông hết sức tin tưởng, hoan hỷ đối với Như Lai”.
Bấy giờ Tôn giả A-nan chắp tay hướng về Phật, bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, nay thật đúng thời. Bạch Thiện Thệ, nay thật đúng thời. Nếu Thế Tôn nói và dạy về đảnh pháp và đảnh pháp thối cho các Tỳ-kheo niên thiếu thì con và các Tỳ-kheo niên thiếu từ Đức Thế Tôn nghe xong sẽ khéo léo thọ trì”.
Đức Thế Tôn bảo:
“Này A-nan, các ông hãy lắng nghe. Hãy khéo tự niệm. Ta sẽ nói về đảnh pháp và đảnh pháp thối cho ông và các Tỳ-kheo niên thiếu nghe”.
Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo niên thiếu thọ trì lắng nghe.
Đức Thế Tôn bảo rằng[30]:
“A-nan, Đa văn Thánh đệ tử chân thật, nhân nơi tâm tư niệm[31], tư lương, khéo quán sát, phân biệt về vô thường, khổ, không, phi ngã. Vị ấy khi tư niệm như vậy, tư lương như vậy, khéo quán sát, phân biệt như vậy, liền phát sanh nhẫn, phát sanh lạc, phát sanh dục, tức mong cầu nghe, mong cầu niệm, mong cầu quán[32]. Này A-nan, ấy gọi là đảnh pháp.
“A-nan, nếu được đảnh pháp này nhưng lại mất đi, suy thoái, không tu thủ hộ, không tập tinh tấn, này A-nan, ấy gọi là đảnh pháp thối[33]. Cũng vậy, đối với thức nội xứ, thức ngoại xứ, xúc, thọ, tưởng, tư, ái, giới, nhân duyên khởi và nhân duyên khởi pháp[34] cũng như vậy.
“A-nan, Đa văn Thánh đệ tử đối với nhân duyên khởi và nhân duyên khởi pháp này mà tư niệm, tư lương, khéo quán sát, phân biệt về vô thường, khổ, không, phi ngã, vị ấy khi tư niệm như vậy, tư lương như vậy, khéo quán sát, phân biệt như vậy nên phát sanh nhẫn, phát sanh lạc, phát sanh dục, tức mong cầu nghe, mong cầu niệm, mong cầu quán. A-nan, đó gọi là đảnh pháp.
“A-nan, nếu được đảnh pháp này nhưng lại mất đi, suy thoái, không tu thủ hộ, không tập tinh tấn, này A-nan, ấy gọi là đảnh pháp thối. A-nan, đảnh pháp và đảnh pháp thối này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy đảnh pháp và đảnh pháp thối này cho các Tỳ-kheo niên thiếu, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu phạm hạnh.
“A-nan, Ta đã nói về xứ, dạy về xứ, về đảnh pháp, đảnh pháp thối cho các ông nghe, như vị Tôn sư vì đệ tử nên khởi lòng đại từ ái, lân niệm, mẫn thương mà mong cầu sự thiện lợi và hữu ích, mong cầu an ổn, khoái lạc. Ta đã thực hiện như vậy, các ông cũng nên tự chính mình thực hiện. Hãy đến nơi rừng vắng, nơi núi rừng, dưới gốc cây, chỗ an tĩnh không nhàn, tĩnh tọa tư duy, không được phóng dật, siêng năng tinh tấn, đừng để ân hận về sau. Đây là lời giáo sắc của Ta, là lời huấn thị của Ta”.
Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo niên thiếu nghe lời Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
Uẩn, nội, ngoại, thức, xúc,
Thọ, tưởng, tư, ái, giới;
Nhân duyên, niệm, chánh đoạn,
Như ý, thiền, đế tưởng,
Vô lượng, vô sắc chủng,
Sa-môn quả, giải thoát,
Xứ, căn, lực, xuất yếu,
Tài, lực, giác, đạo, danh[35].
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương Pāli M.148. Chachakka-suttaṃ.
[02] Xứ 處, gồm sáu nội xứ và sáu ngoại xứ. Pāli: cha ajjhattikāni āyatanāni, cha bāhirāni āyatanāni.
[03] Ngũ thạnh ấm 五 盛 陰.
[04] Thức thân 識 身. Pāli: viññāṇa-kāya.
[05] Nguyên Hán: cánh lạc thân 更 樂 身. Pāli: phassa-kāya.
[06] Nguyên Hán: giác thân 覺 身. Pāli: vedanā-kāya.
[07] Tưởng thân 想 身. Pāli: saññākāya.
[08] Tư thân 思 身; đồng nghĩ với hành uẩn. Pāli: sañcetanā-kāya.
[09] Ái thân 愛 身. Pāli: taṇhā-kāya.
[10] Nhân duyên khởi 因 緣 起 và nhân duyên khởi pháp 因 緣 起 法, hay duyên khởi, duyên khởi pháp; lý duyên khởi và pháp do duyên khởi. Bản Pāli không đề cập, nhưng các từ tương đương là paṭicca-sammuppāda, và paṭicca-sammuppannā dhammā.
[11] Bốn chánh đoạn 正 斷, tức bốn chánh cần. Pāli: sammappadhāna.
[12] Khởi dục, cầu phương tiện hành, tinh cần, cử tâm, đoạn 起 欲 求 方 便 行 精 勸 舉 心 斷. Tham chiếu, Tập Dị Môn luận, Đại 26, tr.391c: khởi dục, phát cần, tinh tấn, sách tâm, trì tâm. Pāli: chandaṃ janeti vāyamati viriyaṃ ārabhati cittaṃ paggaṇhati padahati.
[13] Bốn như ý túc 如 意 足, cũng nói là bốn thần túc. Pāli: cattaro iddhipādā.
[14] Thiêu chư hành. Pāli: padhāna-saṃkhāra, xem chú thích dưới.
[15] Dịch sát văn Hán. Tham chiếu, Tập Dị Môn luận, nt.: dục tam-ma-địa đoạn hành (hay thắng hành) thành tựu thần túc Pāli: chanda- samādhi- padhānā-saṃkhāra- samannāgataṃ iddhipādaṃ, thần túc được thành tựu bằng tác động tinh cần tập trung vào sự (đối tượng) ước muốn.
[16] Nguyện chí phi phẩm 願 至 非 品; không rõ ý. So kinh số 206 ở sau, cùng vấn đề: y ly, y vô dục, y diệt, y xả, thú hướng phi phẩm.
[17] Xem giải thích, Tập Dị 6, Đại 26, trang 392 a-b.
[18] Hán: cựu Thánh chủng 舊 聖 種. Tập Dị (sđd.): cổ tích Thánh chúng, Pāli: porāṇe aggaññe ariyavaṃse ṭhito, đứng vững trong phả hệ Thánh từ ngàn xưa.
[19] Thục giải thoát tưởng 孰 解 脫 想. Xem Tập Dị Môn luận 13 (Đại 26 trang 423c): thành thục giải thoát tưởng. Pāli: pañca vimutti-paipācaniyā saññā: anicca-saññā, anicce dukkha-saññā, dukkhe anatta-saññā, pahāna-saññā (khác với các bản Hán; xem D. 33. Saṅgīti, mục Năm pháp).
[20] Bất tịnh ố lộ tưởng 不 淨 惡 露 想. Pāli: asubha-sañña; xem thêm chú thích trên.
[21] Hai tưởng sau, Tập Dị: yểm nghịch thực tưởng, tử tưởng; xem thêm chú thích trên.
[22] Năm giải thoát xứ 解 脫 處. Pāli: pañca vimuttāyatanāni. Xem D. 33. Saṅgīti.
[23] Nguyên Hán: chỉ thân 止 身; ở đây theo dịch ngữ của Tập Dị sđđ. Pāli: passaddha-kāya.
[24] Năm xuất yếu hay xuất ly giới 出 要 界. Pāli: pañca nissāraṇiyā dhātuyo, năm giới hạn cần phải thoát ly; xem D. 33 Saṅgīti.
[25] Nguyên Hán: bất tín giải 不 信 解; Tập Dị Môn, sđd. tr.427c: vô thắng giải; Pāli (D 33) na vimuccati.
[26] Ngưyên Hán: tức 息.
[27] Nguyên Hán: chánh chí 正 志.
[28] Nguyên Hán: chánh phương tiện 正 方 便.
[29] Đảnh pháp đảnh pháp thối 頂 法 頂 法 退. Pāli không có. Tham khảo, Tì-bà-sa 6 (No.1545, Đại 27, trang 25 c): “Ví như đỉnh núi”.
[30] Đoạn này, về đảnh pháp được dẫn trong Tì-bà-sa 6 (Đại 27, trang 26 c) với một ít dị biệt. Xem các chú thích dưới.
[31] Tì-bà-sa đd. nt.: “đối với năm thủ uẩn, trong pháp duyên sanh…”
[32] Sđđ: “… có nhẫn, có kiến, có dục lạc, có hành giải…” về nhẫn pháp, Câu-xá 23 (No.1558, Đại 29, trang 119 c): “đối với bốn Diệu đế có khả năng chấp nhận”.
[33] Phát trí 1 (No.1554, Đại 26, trang 918 c) Tỳ-bà-sa 6 (Đại 27, trang 27 a-b): đảnh đọa do ba nguyên nhân sau khi đã đạt đến đảnh: Không thân cận thiện sĩ, không thính văn chánh pháp, không như lý tác ý.
[34] Bản Hán, văn mạch không chặt chẽ, nên hiểu là “cũng như đối với năm thủ uẩn ở trên, thức… cũng vậy”.
[35] Bài tụng này tóm tắt các vấn đề được nói đến trong kinh.
-ooOoo-