Con gái Đức Phật

Con gái Đức Phật

Đỗ Quang Huy 26

Tỳ-khưu-ni Dhammadinnā (1)
(Thuyết pháp đệ nhất)

(1) Câu chuyện của vị tỳ-khưu-ni này được đề cập trong chú giải Trưởng Lão Ni Kệ. 15ff,; chú giải Apadāna.ii.567f.; chú giải Tăng Chi Bộ Kinh.i.196f.; chú giải Trung Bộ Kinh.i.515 ff.; chú giải kinh Pháp Cú.iv. 229ff. Và có trong Dhammadinnā Therī – Trang 1142-1143 trong quyển I – Dictionary of Palī Proper Names.

Đức Phật trở lại Veḷuvanārāma khi trời đang còn tiết xuân trong lành và mát mẻ. Thoáng nhìn quang cảnh đó đây, ngài biết là có một vài dấu hiệu sa sút về chất lượng, phẩm hạnh của một số đông tỳ- khưu sau khi vắng ngài cũng như thiếu vắng những bậc thượng thủ A-la-hán.

Tuy nhiên, công việc chấn chỉnh nội bộ cũng không có gì cần được nhắc đến vì tôn giả Sāriputta và Ānanda đã lo việc ấy. Còn đức Phật thì hầu như phải thường xuyên thuyết pháp vào mỗi buổi chiều vì hai hàng cư sĩ rất khát khao học hỏi. Kết quả thật đáng ngạc nhiên là rất nhiều nam cư sĩ, nữ cư sĩ đắc quả Nhập lưu. Đặc biệt có một trưởng giả tên là Visākha đắc quả Bất lai! Cuối buổi giảng, đức Phật nói với đại chúng:

– Hôm nay Như Lai rất vui mừng vì khá nhiều người đã bước vào dòng bất tử; lại còn có người đạt được quả vị bất thối… Từ đây, lộ trình của họ là lộ trình của an lạc và hạnh phúc, không bao giờ còn rơi đọa vào bốn con đường đau khổ nữa!

Sau lời tuyên bố của đức Phật, số cư sĩ ấy chợt đứng dậy, đến đảnh lễ gần bên chân đức Phật với niềm vui tươi mới, có kẻ sụt sùi nước mắt. Riêng trưởng giả Visākha thì muốn xin xuất gia.

– Chưa phải lúc, này Visākha! Đức Phật nói – Đúng thời, Như Lai sẽ để cho ông tròn sở nguyện. Hiện tại, ông có pháp học vững chắc, tròn đủ tín, giới, văn, thí, tuệ nên trong hình tướng cư sĩ, ông còn đem đến lợi ích rất nhiều cho gia đình, bà con quyến thuộc cũng như bè bạn gần xa.

Về nhà, trưởng giả Visākha lặng lẽ bước lên lầu, tìm chỗ yên tĩnh tọa thiền. Đến giờ cơm chiều, phu nhân xinh đẹp của ông là bà Dhammadinnā dịu dàng đến bên, đặt tay lên vai, âu yếm nói:

– Đến giờ cơm rồi, thưa phu quân! Đợi giấc tối, giấc khuya hãy tiếp tục công phu.

Xả thiền, trưởng giả Visākha nhẹ nhàng nắm tay bà đặt ra ngoài rồi ân cần nói:

– Bắt đầu từ hôm nay, ta hoàn toàn không muốn nắm bàn tay xinh đẹp của nàng nữa; xin nàng hãy thông cảm cho ta.

– Chàng ghê sợ bàn tay của thiếp sao?

– Không phải vậy! Rồi ta sẽ nói chuyện với nàng sau. Yên lặng một lát, bà Dhammadinnā nói:

– Thôi, bây giờ đi rửa mặt, rửa tay rồi xuống dùng cơm; cả nhà đang đợi.

– Cũng không cần thiết phải ăn nữa! Ăn một bữa là đủ nuôi sống cái thân rồi.

Lại yên lặng.

– Hay thiếp đã có làm việc gì sai trái, có lỗi với chàng?

– Không, không có! Trưởng giả Visākha lắc đầu – Nàng là người đàn bà tài sắc vẹn toàn; và còn hơn thế nữa, còn cả giới hạnh và đức độ mà người ở gái xấu tính nhất cũng kính yêu và cảm mến.

– Đừng nói lời rào đón hoa hương ngọt mật như vậy nữa – Bà Dhammadinnā giận dỗi – Hay là chàng chán thiếp rồi, chán cái thân xác núc ních đã chảy tràn những thịt và mỡ và nơi nào cũng đầy dẫy những xú uế và bất tịnh này?

Trưởng giả Visākha quay sang nhìn bà vợ yêu quý, thổ lộ tâm sự:

– Nàng đừng nói hơi quá như vậy, nó làm rơi mất nghĩa tình tốt đẹp bấy nay. Ta không có lỗi mà nàng cũng không có lỗi. Ta nói thật cho nàng nghe. Số là sáng nay nghe được pháp từ đức Đạo sư, tâm trí ta đã chìm vào rất sâu với giáo pháp. Nói rõ hơn là, hiện ta đang sống, hiện ta đang thở với giáo pháp ấy. Trạng thái tinh thần của ta hiện nay chỉ khế hợp với cái gì thanh lương, cao sáng, tĩnh lặng. Ở đấy, nó không còn có chỗ cho những tình cảm vợ chồng, nhu cầu bản năng thân xác cũng như những cái gì thuộc dục lạc ngũ trần…

Bà Dhammadinnā yên tĩnh, chăm chú lắng nghe. Trưởng giả Visākha tiếp tục:

– Vậy, cái duyên tơ tóc mặn nồng của chúng ta từ nay nên gác lại. Tài sản mấy trăm triệu đồng tiền vàng, ta để lại cho nàng hầu hết, cứ tùy nghi sử dụng. Ta chỉ cần một phần năm tài sản ấy để nuôi thân và bố thí, cúng dường cho đến khi đủ duyên xuất gia mà thôi. Nàng có thể cai quản gia sản, tùy ý. Nàng có thể lấy hết mang về nhà cha mẹ, cũng tùy ý. Nàng có thể lấy một tấm chồng khác, cũng tùy ý luôn! Thú thật với nàng là nàng còn trẻ, còn đẹp; hơn thế nữa, cái nữ tính đằm thắm, dịu dàng của nàng còn lôi cuốn, hấp dẫn biết bao nhiêu bậc vương tôn, công tử trên đời này! Đừng vì tự ái vẩn vơ mà nói những lời làm trái tim của ta đau xót…

Bà Dhammadinnā chợt cất giọng ráo hoảnh:

– Chàng nói đã xong chưa?

– Xong rồi!

– Vậy thì cho thiếp được phát biểu chính kiến, được chăng?

– Sẵn sàng!

– Vậy thì sau khi liễu ngộ giáo pháp, sống từng hơi thở với giáo pháp, chàng cảm thấy người vợ đầu gối tay ấp của mình, gia sản mấy trăm triệu đồng tiền vàng của mình đều là vật ngoại thân, là thứ không nên dính mắc, quyến niệm; nói rõ hơn là đáng viễn ly, quăng bỏ, có phải thế chăng?

Trưởng giả Visākha nhìn sâu vào mắt bà:

– Về gia sản thì đúng vậy!

Bà Dhammadinnā cất giọng cứng cỏi:

– Đáng quăng bỏ có nghĩa là cái mà chàng đã bỏ đi, đã mửa ra, thì xin nói thẳng, thiếp cũng cương quyết không nhận những vật mà chàng đã bỏ đi, không nuốt những vật mà chàng đã mửa ra!

Trưởng giả Visākha sững sờ:

– Ý nàng như thế nào?

– Chàng hãy cho thiếp được xuất gia!

Trưởng giả Visākha tưởng tai mình nghe lầm:

– Nàng nói sao?

– Chàng quăng bỏ được thì thiếp cũng quăng bỏ được! Hãy cho thiếp xuất gia.

Trưởng giả Visākha lặng người vì hoan hỷ! Cái hoan hỷ nó chảy rần rần như mọc ốc cả người, nghẹn ngào chưa nói được lời nào thì bà Dhammadinnā có vẻ trầm tư, xa vắng, cất giọng chậm rãi, nhẹ nhàng như hơi gió thoảng:

– Đã lâu lắm rồi, thưa phu quân! Kể từ khi gá nghĩa, se duyên cùng chàng, thiếp sống rất hạnh phúc. Hạnh phúc vì có được người chồng tốt: tốt tướng, tốt nết, tốt bởi tâm đại lượng, tốt trong thái độ khu xử và tốt cả những ngôn lời nhã nhặn, lịch thiệp, dịu dàng. Chẳng có người đàn bà nào gặp được phúc duyên trọn hảo, tuyệt mỹ như thế. Tuy nhiên, có một cái cảm giác, ồ không, là một cảm thức, lúc nào nó cũng chờn vờn, mơ hồ như sương như khói; rằng là, đây là kiếp sống ăn gởi, ở nhờ, tạm bợ và phù du. Có cái gì đó không chắc thật, không vững bền. Dường như là phải có một thế giới khác, một cảnh giới khác, nó rất thân thuộc, lại nằm sâu đâu đó trong ký ức xa xăm! Có một tiếng gọi. Có một tiếng gọi đò từ bên kia sông vẳng lại. Có một cánh tay đưa vẫy đâu đó ở cuối con đường, bên kia dốc núi! Đã có nhiều đêm, nhiều đêm thiếp đã thao thức, thao thức một cõi về vĩnh cửu nào đó, một cõi chân thực nào đó mà thiếp không dám thổ lộ với ai, kể cả chàng, thưa phu quân!

– Đúng, rất đúng! Chính ta trước đây, đôi lúc cũng có cảm giác như vậy, cảm thức mơ hồ như vậy!

– Hay là nhiều kiếp trước đây, đâu từ xa xăm, chúng ta đã từng sống đời xuất gia phạm hạnh? Và những cảm thức kia là những nhắc nhở để trở về, đừng có lang thang, phiêu dạt nữa?

– Cảm ân phu nhân! Và chợt như mới phát hiện, trưởng giả Visākha nhận xét – Thật là kỳ lạ! Sống đã lâu với nàng, mà cho đến hôm nay, ta mới phát giác là nàng nói hay quá. Hay ở ngôn ngữ, ý nghĩa, hay ở cung bậc, nhịp độ và hay ở cả âm thanh truyền cảm nữa! Đúng là nàng phải xuất gia mới tỏ lộ hết đạo hạnh, trí tuệ và tài năng!

Bà Dhammadinnā vui mừng nói:

– Cảm ân phu quân!

Ngay ngày hôm sau thôi, trưởng giả Visākha hoan hỷ đưa vị phu nhân xinh đẹp của mình, bà Dhammadinnā đến Ni viện trên cái kiệu vàng (1). Đức vua Seniya Bimbisāra hay tin chuyện hy hữu nên đã cùng bà chánh hậu Videhi và hoàng tử A-xà-thế cùng đến dự lễ.

(1) Chú giải Kinh Trung Bộ.(i.515) nói kiệu vàng này được vua Bình Sa hoan hỷ cúng dường.

Đức Thế Tôn đã biết chuyện này nên đã cùng các vị trưởng lão đi sang chứng minh và cho bà thọ cụ túc giới trước khá đông đủ Tăng Ni hai viện.

Trưởng giả Visākha làm thí chủ buổi lễ; và sau đó, đặt bát cúng dường Tăng Ni lưỡng viện suốt một tuần lễ. Cũng suốt một tuần lễ ấy, đức Phật và các vị trưởng lão thay nhau thuyết pháp, đôi ngày lấn sang cả đêm vì nhu cầu nghe pháp quá đông. Rải rác trong thời gian ấy, khá đông các công nương, các cô tiểu thư, các cô gái đủ mọi thành phần trong xã hội xin xuất gia tỳ-khưu-ni. Trong số họ, sau này, có nhiều bậc trượng Ni làm nơi y chỉ vững chắc cho Ni chúng!

Chuyện bà phu nhân xinh đẹp đột ngột quăng bỏ tài sản, không nuốt vật đã mửa ra, là mấy trăm triệu đồng tiền vàng để xin xuất gia, trong lúc ông chồng, trưởng giả Visākha, được đức Phật ngầm xác chứng đắc quả Bất lai, lại chưa được đức Phật cho phép đi theo giáo hội, được Tăng Ni bàn tán thảo luận nơi này và nơi khác.

Hôm kia, có mặt đầy đủ Tăng Ni hai viện, hai hàng cư sĩ áo trắng, cả đức vua Bimbisāra, đức Phật thấy là phải thời, nên vén mở bức màn quá khứ:

– Bà Dhammadinnā từ thời đức Chánh Đẳng Giác Padumuttara là một cô ở gái nghèo hèn, hôm ấy đi múc nước, trông thấy tướng hảo thanh tịnh của trưởng lão Sujāta, đại đệ tử của đức Phật bèn phát tâm hoan hỷ cúng dường một chiếc bánh ngọt (1). Thấy căn duyên sau này của cô gái, trưởng lão đã ngồi xuống và thọ dụng chiếc bánh ngay tại chỗ. Cô vô cùng sung sướng, thỉnh ngài về nhà và đặt thêm vật thực cúng dường nữa. Ông bà chủ thấy tính hạnh của cô gái, rất vừa lòng nên đã chọn nhận cô làm con dâu trong gia đình. Sau đó, cô thường cùng với cả gia đình đi nghe đức Phật Padumuttara thuyết pháp. Trong một lần cúng dường lớn đến đức Phật và chư Tăng, lúc ngài đang tuyên dương một vị tỳ-khưu-ni tối thắng đệ nhất về hạnh thuyết pháp, hoan hỷ quá, cô thầm nguyện sau này mình cũng sẽ được như vậy. Biết tâm tư của cô gái, đức Phật Padumuttara đã thọ ký cho cô sẽ thành đạt nguyện vọng ấy vào thời đức Phật Sakyā Gotama, chính là Như Lai hiện nay. Vào thời đức Chánh Đẳng Giác Kassapa, cô gái sinh vào gia đình hoàng tộc, tại Bārāṇasī, công chúa con vua Kikī, tên là Sudhamma. Họ có bảy chị em. Cô trưởng công chúa thuở trước, bây giờ là tỳ-khưu-ni Khemā. Cô công chúa út, bây giờ là đại thí chủ Visākhā, mới bảy tuổi đã đắc quả Nhập lưu. Còn cô công chúa thứ sáu tên là Sudhamma này, chính là tỳ-khưu-ni Dhammadinnā, mà sau này, theo với ước nguyện cũ đã được đức Phật Padumuttara thọ ký, sẽ trở thành một vị tỳ-khưu-ni tối thắng đệ nhất về hạnh thuyết pháp trong hàng Ni chúng.

Thuyết đến ngang đây, đức Phật mỉm cười:

(1) Chú giải Trưởng Lão Ni Kệ nói ngài Sujāta khi đó vừa mới xuất khỏi định (diệt thọ, tưởng). Trong Dictionary of Pāḷi Proper Names – thì nói vật cúng dường là một món ca-ri.

– Này, tỳ-khưu Dhammadinnā! Cô có nhớ ước nguyện cũ khi quỳ bên chân đức Phật Padumuttara không?

Vị tân tỳ-khưu-ni cúi đầu, đáp lí nhí:

– Dạ, đệ tử do quá khứ che ám nên không nhớ gì, không biết gì cả, bạch đức Tôn sư!

– Là hạnh đệ nhất về thuyết pháp đấy! Vậy hãy cố gắng mà nghe pháp, suy tư pháp, chiêm nghiệm pháp, kết hợp với công phu nghiêm túc hành trì, tu tập rồi đến lúc cô sẽ thỏa được ước nguyện.

– Tâu vâng, bạch đức Thế Tôn!

Sau khi từ giã đức Phật, vị tân tỳ-khưu-ni đến quỳ xin trưởng lão ni Gotamī đến một ngôi làng vắng, cạnh khu rừng Kalandaka Nivāpa để hành trì tu tập. Và chỉ non nửa tháng sau, cô ta đã chứng quả A-la-hán cùng với tứ vô ngại giải (1) một cách khá dễ dàng do đầy đủ duyên căn từ nhiều kiếp trước.

Trở lại Ni viện, trưởng giả Visākha hay tin, tưởng là bà vợ cũ của mình đã thối thất con đường, trở lại với thế tục nên ông ta tức khắc đến thăm viếng để hỏi cho rõ nguồn cơn.

Với cử chỉ rất là trí thức, trưởng giả Visākha quỳ năm vóc đảnh lễ cô rồi ngồi một nơi phải lẽ, ông cất giọng dịu dàng:

– Thời gian vừa qua, việc khất thực nuôi mạng của sư cô có dễ dàng không? Đời sống phạm hạnh có được dễ chịu và an lạc không?

(1) Xem Therigāthā (v.12) về câu kệ được thốt ra bởi cô ta.

Tỳ-khưu-ni Dhammadinnā biết ý tứ và sự tế nhị của

câu hỏi nên mỉm cười rồi dịu dàng đáp lại:

– Này bậc thiện trí! Người tưởng rằng tôi đã thối thất, đã trở lui lại với cuộc đời thế tục hay sao?

– Thưa, không dám!

– Không những tôi trôi theo dòng mà tôi còn bơi ngược dòng; và thật sự đã làm được những việc cần làm trên đời này…

Nghe câu nói ấy, trưởng giả Visākha giật mình. Với người đã chứng đắc quả vị tối hậu, họ không được phép tiết lộ sự thật ấy với ai. Nay vị tỳ-khưu-ni Dhammadinnā, vợ cũ của ông, xuất gia mới được nửa tháng, khi nói bơi ngược dòng, đã làm được những việc cần làm, là câu nói với ngữ nghĩa tế nhị, không phạm pháp và luật, lại còn nói lên được ý chí an định với con đường, chứ không chứng tỏ mình đã đắc quả! Tuyệt vời lắm! “Hiền muội” của ta đã có được chỗ an trú vững chắc rồi.

Nghĩ thế, ông trưởng giả nói:

– Quý hóa thay, thưa sư cô! Vậy có thể nào, sư cô cho phép tôi được hỏi một vài điều về giáo pháp được không?

Tỳ-khưu-ni Dhammadinnā nghĩ thầm: Đức Thế Tôn đã tế nhị tuyên bố “hiền huynh” của ta đã đắc quả Bất lai. Nay ông ta muốn hỏi giáp pháp là để kiểm tra trình độ thực chứng của mình đây! Không sao! Ông ta còn những sợi dây ràng buộc, không biết ta có đủ khả năng cắt đứt giúp ông ta hay không!? Cái đó trí tuệ của mình chưa xác định được. Bèn trả lời có tính cách tùy nghi:

– Thưa được! Tùy khả năng mình, tôi sẵn sàng xin được chia sẻ với người thiện nam!

Thế rồi, vị thánh Bất lai dồn dập, liên tục đặt những câu hỏi thâm sâu, vi tế; những câu hỏi không phải được trả lời bằng những hiểu biết suông của kiến thức, của trí năng; nó thuộc phạm trù hiện chứng, thực chứng của tâm linh trực giác. Đấy là những câu hỏi về tự thân, về tập khởi tự thân, về thân kiến, về bát chánh đạo, về định, về hành, về diệt định, về thọ, về tùy miên, về đối duyên…

Tỳ-khưu-ni Dhammadinnā đã trả lời rất lưu loát, trôi chảy, không ngập ngừng, chứng tỏ đấy là cái biết thực, chứ không do suy nghĩ mà có. Vị thánh Bất lai ghi nhận rõ ràng rằng, các câu hỏi về tự thân, về tập khởi tự thân, về thân kiến, về Bát chánh đạo đã được sư cô trả lời trong mối tương duyên, tương quan rất khít khao, rất sáng tạo ngữ nghĩa như: Tự thân là chấp thân, từ chấp thân, chấp sắc thân (sắc) đưa đến chấp các cảm thọ (thọ), chấp các tưởng tri (tưởng), chấp các tâm hành (hành), chấp các nhận thức (thức). Như thế, từ chấp tự thân đưa đến thân kiến, chấp sắc là ta, là của ta; thọ là ta, là của ta… biến thành tự thân tập khởi. Tự thân tập khởi là cách gọi khác của chấp thủ ngũ uẩn. Tự thân tập khởi đưa đến khát ái, tầm cầu hỷ lạc, hỷ tham trong cõi dục, sắc và vô sắc. Tự thân diệt đồng nghĩa là các uẩn diệt, các khổ diệt, đồng nghĩa với đoạn diệt, không tham đắm, không chấp trước, không còn dư tàn khát ái, xả ly, giải thoát… Muốn uẩn diệt, tự thân diệt phải tu tập tự thân diệt đạo, tự thân diệt đạo chính là bát chánh đạo, rồi bát chánh đạo bị thâu nhiếp ở trong giới uẩn (ngữ, nghiệp, mang), định uẩn (tấn, niệm, định) và tuệ uẩn (kiến, tư duy) thật là chính xác, chưa thực hành rốt ráo thì không thể liễu tri được. Ôi! Cái mối liên hoàn ấy mà thấy biết được thì sư cô đã đi vào dòng Thánh rồi, quả thật đã vững chắc đạo lộ rồi. Đến những câu hỏi về định, về hành, về diệt định… thì sư cô đã thấy biết rõ thêm một chặng nữa, bước thêm một bước nữa khi nói về các loại định, biết rõ hơi thở là thân hành, biết rõ tầm tứ là khẩu hành, biết rõ thọ tưởng là tâm hành. Và khi sư cô nói về diệt định lúc vào, lúc ra, cái gì xuất trước, cái gì xuất sau, cái gì diệt trước, cái gì diệt sau thì rõ ràng sư cô đã đi vào ra định này; vậy là sư cô đã đắc quả A-na-hàm rồi! Và nói đến các cảm thọ, tùy miên và đối duyên thì sư cô đã bước thêm một bước nữa khi ta hỏi về minh, về giải thoát, về Niết-bàn. Đến chỗ không còn ngôn ngữ nữa, đã ở ngoài mọi khái niệm thì sư cô đã trả lời:

– Này hiền giả Visākha! Câu hỏi này đã đi quá xa, đã vượt khỏi giới hạn! Phạm hạnh là để thể nhập Niết-bàn, để đạt cứu cánh Niết-bàn; nếu muốn, hiền giả hãy đến chỗ Thế Tôn ở, và hỏi ý nghĩa này. Và Thế Tôn trả lời như thế nào, hiền giả hãy như vậy thọ trì!

Và khi Visākha hoan hỷ, tín thọ lời tỳ-khưu-ni Dhammadinnā giảng, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ vị ấy, thân bên phải hướng về phía vị ấy rồi từ biệt, đi đến chỗ Thế Tôn ở. Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên, vị Thánh đệ tử Visākha thuật lại cho ngài nghe tất cả câu chuyện đàm đạo với tỳ-khưu-ni Dhammadinnā.

Nghe xong, đức Phật tán thán:

– Này Visākha! Tỳ-khưu-ni Dhammadinnā là bậc hiền trí, là bậc đại tuệ. Với những câu hỏi như thế thì Như Lai cũng chỉ trả lời như vậy mà thôi!

Kinh sách thì nói rằng, với những câu hỏi phức tạp, mắc mỏ và thâm sâu của vị Thánh đệ tử Visākha đã được tỳ-khưu-ni Dhammadinnā trả lời “một cách dễ dàng như một người cầm dao cắt một đóa hoa sen”. Câu hỏi và câu trả lời được đề cập trong kinh Cūlavedalla (1).

Vậy là cổ sử truyện của chúng ta có thêm một vị tỳ- khưu-ni A-la-hán đắc tuệ phân tích và có khả năng xuất chúng về giảng nói, được đức Phật tuyên dương là “đệ nhất về thuyết pháp” trong hàng Ni giới.

1 Majhimā Nikāya .i.299ff.