Tiền Ngũ Thức Tụng
Tánh Cảnh Hiện Lượng Thông Tam Tánh
Nhãn Nhỉ Thân Tam Nhị Ðịa Cư
Biến Hành Biệt Cảnh Thiện Thập Nhất
Trung Nhị Ðại Bát Tham Sân Si
Ý nghĩa rằng: Năm thức trước (tiền ngũ thức) với ba cảnh, chỉ duyên với “tánh cảnh”, tức là cảnh có thực tánh do sắc, thanh, hương, vị, xúc; địa, thủy, hỏa, phong, không, hợp thành một chỉnh thể vật chất nào đó. Về lượng, nó chỉ là Hiện lượng, nghĩa là ngũ thức xúc cảnh, không có tư duy nhận thức. Về tánh, môi trường, bối cảnh dù thiện dù ác hay vô ký, tiền ngũ thức vẫn tiếp nhận hồn nhiên, bình đẳng không có vấn đề chọn lọc.
Là người dục giới, sinh hoạt trong phạm vi dục giới thì tiền ngũ thức mới đủ duyên sinh khởi đầy đủ. Nếu ai đó tu định Sơ thiền ở “Nhị địa” (Ly sinh hỉ lạc địa) thì tỷ thức và thiệt thức không có điều kiện để sinh khởi hiện hành, vì ở cảnh giới này hành giả thọ dụng Thiền duyệt thực mà không sử dụng đoàn thực, cho nên thiệt thức và tỷ thức không đủ duyên sinh khởi.
Tiền ngũ thức tương ứng với các món tâm sở: Biến hành, Biệt cảnh, Thiện, Trung tùy, Ðại tùy và Phiền não căn bản: Tham, sân, si… Tóm lại, Tiền ngũ thức luôn luôn hợp tác với đệ lục ý thức qua cái từ Ngũ câu ý thức, gây ra nhiều nguyên nhân buồn bực khổ đau. Ðó là lý do nó tương ứng với nhiều nhóm tâm sở ấy.
Ngũ Thức Ðồng Y Tịnh Sắc Căn
Cửu Duyên Bát Thất Hảo Tương Lân
Hiệp Tam Ly Nhị Quan Trần Thế
Ngu Giả Nan Phân Thức Dữ Căn
Ý nghĩa rằng: Căn có phù trần căn, tức là con mắt, lỗ tai, lỗ mũi, cái lưỡi, sắc thân thô phù hiển lộ ai cũng nhìn thấy được. Còn một thứ căn được gọi là Tịnh sắc các bác sĩ nói chung, bác sĩ nhãn khoa, răng hàm mặt, bác sĩ tai mũi họng, biết được một phần tinh tế hơn người thường. Người thường có người suốt đời không hề để ý tìm biết về thứ căn này. Không thể cắt nghĩa, giải thích chính xác Tịnh sắc căn: Rằng cái gì làm cho thấy, chổ nào làm cho nghe… mà chỉ có thể nói: Như thị… như thị.
Năm thức, nương tịnh sắc căn mà phát sinh. Phù trần căn chỉ là một số dữ kiện: địa, thủy, hỏa, phong… Kết hợp thành một “thắng nhân” của thức.
Thức phát khởi, sinh công dụng còn phải nhờ đến “thắng duyên” nữa. Do vậy, nhãn thức cần hội đủ chín duyên mới sinh được cái thấy, đó là: Không, minh, căn, cảnh, tác ý, phân biệt, nhiễm tịnh, căn bản và chủng tử. Nhỉ thức, bỏ bớt một, bỏ minh, còn lại tám. Tỷ, Thiệt, Thân thức, bỏ hai, không, minh, còn bảy. Ðó là những điều kiện không thể thiếu để cho tiền ngũ thức hoạt động hiện hành.
Ðể Tiền ngũ thức sinh khởi và hoạt động, có ba thức cần phải trực tiếp cọ sát (Hợp) nó mới sinh thức, đó là: Tỷ, Thiệt và Thân thức. Ngược lại, hai thức cần cách hở, có cự ly là: Nhãn và Nhĩ thức.
Người bình thường không mấy ai quán sát để ý vấn đề thức và căn như đã nói trên. Người ta cứ yên trí rằng: Hễ con mắt thì…để thấy. Lỗ tai… để nghe… thật đơn giản!
Biến Tướng Quán Không Duy Hậu Ðắc
Quả Trung Do Tự Bất Thuyên Chân
Viên Minh Sơ Phát Thành Vô Lậu
Tam Loại Phân Thân Tức Khổ Luân
Ý nghĩa rằng: Ngày mà hành giả tu Duy thức quán, triệt ngộ chân lý, thấy rõ vạn pháp giai không, duyên sinh như huyễn, chuyển đệ bát thức thành Ðại viên cảnh trí, đệ thất thức thành Bình đẳng tánh trí, chuyển đệ lục thức thành Diệu quan sát trí thì tiền ngũ thức chuyển thành sai biệt trí. “Sai biệt trí” ở đây gọi: Hậu đắc trí. “Sai biệt trí” không trực nhập bản thể chân như mà chỉ trực nhận tính sai biệt của vạn pháp: Rằng tính của vạn pháp không ô nhiễm như xưa nay mình đã tưởng về nó.
… Do vậy, khi con người thành tựu Duy thức tánh, chứng Bồ đề, Niết bàn vô thượng mà trí sai biệt vẫn là trí sai biệt, nó không trực nhận chân như.
Tuy nhiên, ngày đệ bát thức trở thành Ðại viên cảnh trí thì tiền ngũ thức cũng trở thành “Vô lậu”, nghĩa là cái nhìn vạn pháp của chúng không còn gây bất mãn, bất bình, bực bội để rồi đau khổ nữa.
… Bấy giờ tiền ngũ thức góp phần vào công việc phụng sự chánh pháp, ứng cơ thị hiện, trục loại tùy hình, phổ hiện sắc thân, xiển dương diệu pháp trong sự nghiệp cứu hộ chúng sinh thoát vòng trầm luân khổ hải.