Giải thoát đạo luận Vimutti Magga

Giải thoát đạo luận Vimutti Magga

Đỗ Quang Huy 49

Quyển Mười Một

Phẩm 11: Năm Phương tiện
Chi 2: 
Thánh đế Phương tiện

Hỏi: Thế nào là Thánh đế Phương tiện?

Đáp: Đó là Bốn Thánh đế: Khổ thánh đế, Khổ tập thánh đế, Khổ diệt thánh đế và Khổ diệt đạo thánh đế.

Hỏi: Thế nào là Khổ thánh đế?

Đáp: Sanh là khổ, già là khổ, chết là khổ, ưu là khổ, ưu bi là khổ, phiền não là khổ, khổ khổ là khổ, oán ghét mà gặp nhau là khổ, thương yêu mà xa lià nhau là khổ, cầu chẳng được là khổ, nói tóm lại năm ấm cảm thọ là khổ.

Sanh là khổ có nghiã là, nơi mọi loài chúng sanh, khi các ấm khởi lên, đó là tập hợp của khổ. Già là khổ có nghiã là, tất cả các giới do sanh ra rồi già suy, mất đi sức lực, màu sắc, năng lực, nhớ nghĩ và trí huệ. Chết là khổ có nghiã là, thọ mạng chấm dứt khiến lòng sợ hãi. Ưu là khổ có nghiã là, khi gặp đau khổ, tâm lo nghĩ, trong lòng như thiêu đốt. Ưu bi là khổ có nghiã là, khổ nơi lời than thở, trong ngoài như thiêu đốt. Khổ khổ là khổ có nghiã là, thân đang đau khổ, cái khổ ấy lại làm nguyên nhân gây khổ thêm cho thân. Não khổ có nghiã là, lòng đang đau khổ đó là nguyên nhân làm cho tâm khổ. Oán ghét mà gặp nhau là khổ có nghiã là, cùng phải sống gần bên với kẻ khó thương, khiến sanh khổ. Thương nhau mà phải xa lìa nhau là khổ có nghiã là, chia lià cùng với người thân yêu, vì phân tán nên khổ buồn lo. Cầu chẳng được là khổ có nghiã là, muốn tránh xa người mình ghét mà chẳng được, muốn gần người mình thương mà chẳng được, phải mất đi sự an vui. Nói tóm lại năm ấm cảm thọ là khổ có nghiã là, chẳng hề lìa ra khỏi năm ấm, cho nên mới nói tóm tắt lại, chính năm ấm phải cảm thọ sự khổ, phải cam chịu mọi sự khổ.

Hỏi: Thế nào là năm thọ ấm?

Đáp: Sắc thọ ấm, thọ thọ ấm, tưởng thọ ấm hành thọ ấm, thức thọ ấm, đó là năm ấm cảm thọ và chấp thủ (= bám níu), như đã được mục ấm phương tiện nói rộng qua, như thế có thể hiểu được rằng vì năm ấm hay bám níu mà gây nên sự đau khổ.

Như thế, có hai loại khổ: xứ khổ và tự tánh khổ. Khổ vì sanh, vì chết, vì oán ghét mà gần nhau, vì chia lià, vì cầu chẳng được, khổ nói tóm lược là năm ấm, đó là xứ khổ, nơi khởi lên sự khổ. Ưu khổ, ưu bi khổ, não khổ, được gọi là tự tánh khổ.

Khổ cũng được phân biệt ra thành ba loạikhổ khổ, hoại khổ, và hành khổ. Thân khổ, tâm khổ, đó là khổ khổ. Ham thích các thú vui còn dính với phiền não, với lậu hoặc, khi các thú vui nầy biến hoại mất đi, đó gọi là hoại khổ. Thân tâm năm ấm nầy bám níu vào cuộc sống đó là hành khổ.

Trở lên trên, đó là Thánh đế về Khổ.

Hỏi: Thế nào là Khổ Tập thánh đế?

Đáp: Khát ái khiến cho phải sanh trở lại, cùng với tham dục đồng khởi lên, khởi khắp nơi nơi, như thế có dục áihữu ái, bất hữu ái.

Khổ Tập có nghiã là, Khổ chẳng chung cùng với ái, gọi là Khổ Tập, với nghiã là nguồn gốc của Khổ. Khát ái khiến cho phải sanh trở lại có nghiã là, vì nhiều tham ái nên khiến ham muốn được sống mãi. Cùng với tham dục đồng khởi lên có nghiã là, khát ái riêng khiến cho vui thích khởi lên, lại khiến bị dính nhiễm, rồi cùng với sự dính nhiễm mà khởi lên hoan hỉ. Khởi lên có nghiã là, ở nơi nơi, thân tánh đều khởi lên; tại nơi nào có hình sắc khả ái, thì thân tánh ấy khởi lên hoan hỉ ở chỗ ấy. Như thế, có dục ái, hữu ái, bất hữu ái. Ngoại trừ hữu ái và bất hữu ái ra, các chỗ ham muốn còn lại là dục ái (= ham muốn). Hữu ái có nghiã là, sự ham muốn mình được hiện hữu mãi mãi, cùng với thường kiến mà khởi lên. Còn phi hữu ái có nghiã là sự ham muốn mình chẳng còn phải hiện hữu nữa, thì cùng khởi lên với đoạn kiến.

Đó gọi là Thánh đế về Khổ Tập.

Hỏi: Thế nào là Khổ Diệt thánh đế?

Đáp: Khổ Diệt có nghiã là, sự khát ái đã tận diệt chẳng còn dư sót lại; xa lià, giải thoát, chẳng còn chỗ nào có sự khát ái nữa, đó gọi là thánh đế của Khổ Diệt.

Hỏi: Chẳng phải như vậy! Đó là sự tiêu diệt của nguồn gốc của Khổ (= Khổ Tập), vì sao Thế tôn lại nói là Khổ Diệt?

Đáp: Nguyên nhân gây ra đau khổ đã tận diệt rồi, nên chẳng còn phải lại sanh ra và bị diệt đi nữa, điều nầy tương ứng với nghiã của sự chứng đắc. Vì thế, Tập Diệt được Thế tôn nói là Khổ Diệt.

Hỏi: Thế nào là Khổ diệt Đạo thánh đế?

Đáp: Đó là Bát Chánh Đạo phần, tám yếu tố của con đường đưa đến sự tận diệt khổ. Bát Chánh Đạo gồm có: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Chánh kiến có nghiã là, hiểu rành rẽ về Bốn Chơn lý Nhiệm mầu (= Tứ đế). Chánh tư duy có nghiã là suy nghĩ về ba điều thiện. Chánh ngữ có nghiã là, lià xa bốn hành động xấu ác về miệng. Chánh nghiệp có nghiã là, lìa bỏ ba hành động xấu ác (về thân, miệng và ý). Chánh mạng có nghiã là, lìa xa tà mạng. Chánh tinh tấn có nghiã là bốn chánh cần (= tứ chánh cần). Chánh niệm có nghiã là bốn niệm xứ (= tứ niệm xứChánh định có nghiã là bốn cấp Thiền.

Lại nữa, siêng tu hành về Thánh đạo, nơi Nê-hoàn (= Niết-bàn) thấy được rõ ràng, đó gọi là chánh kiến. Giác ngộ được Nê-hoàn, đó gọi là chánh tư duy. Đoạn bỏ hẳn tà ngữ (= lời nói tà vạy), đó là chánh ngữ. Dứt bỏ tà nghiệp, đó là chánh nghiệp. Đoạn bỏ tà mạng, đó là chánh mạng. Dứt bỏ tà tinh tấn, đó là chánh tinh tấn. Niệm nhớ nghĩ đến Nê-hoàn, đó là chánh niệm. Tâm luôn chuyên hướng về Nê-hoàn, đó là chánh định.

Như thế, huệ căn, huệ lực, huệ như ý túc, trạch pháp giác phần đều hướng đi vào trong chánh kiến. Tinh tấn căn, tinh tấn lực, tinh tấn như ý túc, dục như ý túc, tinh tấn giác phần, bốn chánh cần đều hướng đi vào trong chánh tinh tấn. Niệm căn, niệm lực, niệm giác phần, bốn niệm xứ đều hướng đi vào trong chánh niệm. Định căn, định lực, tâm như ý túc, tín căn, tín lực, định giác phần, hỉ giác phần, ỷ giác phần, xả giác phần đều hướng đi vào trong chánh định. Như thế, ba mươi bảy pháp Bồ-đề đều hướng đi vào trong chánh đạo.

Đó gọi là Thánh đế về Khổ diệt Đạo, tức là Chơn lý về con đường đưa đến tận diệt sự Khổ.

Trên đây là nói về Bốn Thánh đế, tức là Bốn Chơn lý Nhiệm mầu.

Hỏi: Tại sao lại chỉ nói có Bốn Thánh đế, mà chẳng ba hay năm?

Đáp: Vì nếu nói ba hay năm Thánh đế, sẽ có sự nghi ngờ. Bốn Thánh đế là nói về nhân và quả ở thế gian và xuất thế gian, vì thế mà thành ra bốn.

Hỏi: Thế nào là nhân và quả ở thế gian và xuất thế?

Đáp: Khổ đế và Tập đế là quả và nhân ở thế gian. Diệt đế là quả ở xuất thế gian. Đạo đế là nhân duyên ở thế gian. Vì lẽ đó, chỉ có bốn, mà chẳng ba hay năm.

Lại nữa, theo bốn câu (= tứ cú) nầy mà thành ra chỉ có bốn, chẳng ba, chẳng năm: Khổ đế phải biết rõ; Tập đế phải đoạn bỏ; Diệt đế phải chứng đắc; và Đạo đế phải tu tập.

Bốn Thánh đế đó, có thể dùng mười một cách sau đây để hiểu rõ thêm: do nghiã câu, do tướng, do thứ lớp, do nói tóm lược, do thí dụ, do phân biệt, do liệt kê, do đồng nhứt, do khác loại, do mười loại, do sự thâu nhiếp.

Hỏi: Thế nào là do nghiã câu (= cú nghiã)?

Đáp: Thánh đế có nghiã là, do Thánh nhơn giảng dạy, nếu thông đạt được thì thành bực Thánh, cho nên gọi là Thánh đế. Đế là, nghiã là như thế (= như thị nghiã), chẳng biến đổi, tự tướng chẳng đổi thay. Khổ có nghiã là, phải chịu lấy hậu quả khổ. Tập có nghiã là, nguyên nhân gây nên sự khổ. Diệt có nghiã là, theo diệt cho hết sạch. Đạo có nghiã là, thấy được đệ nhứt nghiã, tức là nghiã tuyệt đối.

Như thế, do nghiã chữ mà biết rõ thêm về Tứ Thánh đế.

Hỏi: Thế nào là do tướng?

Đáp: Khổ là tướng của sự đau đớn về các lỗi lầm. Tập là tướng của nhân duyên. Diệt là tướng của sự chẳng sanh ra nữa (= bất sanh). Đạo là tướng của các phương tiện (để đi đến sự diệt khổ).

Lại nữa, Khổ là tướng dày vò của phiền não, của âu lo, là tướng hữu vi (= phải chịu sự biến đổi theo điều kiện, hoàn cảnh), tướng hữu biên (= phải chịu sự giới hạn). Tập là tướng kết tụ, tướng nhân duyên, tướng hoà hiệp lại, tướng dính mắc. Diệt là tướng xuất ly (= lià xa), tướng an tịch (= yên vắng), tướng vô vi (= chẳng chịu sự biến đổi theo điều kiện, hoàn cảnh), tướng Niết-bàn. Đạo là tướng chuyên chở đưa đến nơi, tướng thấy rõ, tướng nương tựa được.

Như thế, do tướng mà biết rõ thêm về Bốn Thánh đế.

Hỏi: Thế nào là do thứ lớp?

Đáp: Trước nên thuyết giảng về Khổ đế, vì ý nghiã thô sơ, dễ chứng minh cho người ở thế gian. Kế đó, điểm thứ hai là giảng đến Tập đế về nguồn gốc của Khổ. Khi nguồn gốc của

Khổ được diệt xong, thì Khổ cũng tận diệt, đó là điểm thứ ba. Các phương tiện giúp cho sự tận diệt đó thực hiện được, đó là điểm thứ tư thuyết giảng về Đạo đế.

Phương pháp thuyết giảng đó cũng như lối chẩn bịnh của người lương y tài giỏi. Trước xét xem thấy căn nguyên của bịnh, sau hỏi đến các duyên do gây thành bịnh, rồi vì muốn diệt trừ dứt bịnh mới nói đến thuốc trị lành bịnh. Như thế, bịnh đây chính là Khổ đế, điều đó có thể suy ra mà hiểu được. Như thế, nhân duyên của bịnh đây chính là Tập đế, điều đó có thể suy ra mà biết được. Như thế, dứt bịnh đây chính là Diệt đế, điều đó có thể suy ra mà hiểu được. Như thế, thuốc đây chính là Đạo đế, điều đó có thể suy ra mà hiểu được.

Như thế, do theo thứ lớp giảng dạy mà biết được rõ thêm về Bốn Thánh đế.

Hỏi: Thế nào là do nói tóm lược?

Đáp: Sanh là Khổ đế. Khiến cho sanh ra là Tập đế. Làm cho Khổ ngừng dứt đi là Diệt đế. Khiến cho sự ngừng dứt đó xảy ra là Đạo đế.

Nơi có phiền não là Khổ đế. Phiền não là Tập đế. Đoạn trừ phiền não là Diệt đế. Phương tiện dùng để đoạn trừ phiền não là Đạo đế.

Khổ đế khiến đóng chặt cửa thân kiến lại. Tập đế bế cửa đoạn kiến lại. Diệt đế khép kín cửa thường kiến. Đạo đế khoá cửa tà kiến lại.

Như thế, do nói tóm lược lại mà có thể hiểu rõ thêm về Bốn Thánh đế.

Hỏi: Thế nào là do thí dụ?

Đáp: Khổ đế phải được xem như một cây có chất độc; Tập đế như hột giống của cây đó; Diệt đế như thiêu đốt hột giống ấy; và Đạo đế được xem như lửa đốt.

Khổ đế được xem như bờ bên nầy còn đau khổ, sợ hãi; Tập đế cũng như dòng nước lũ lụt; Diệt đế xem như bờ bên kia chẳng còn đau khổ, chẳng còn sợ hãi nữa và Đạo đế ví như chiếc thuyền đưa sang đến bờ bên kia.

Khổ đế ví như gánh nặng; Tập đế ví như đang vác gánh nặng; Diệt đế ví như đặt gánh nặng xuống, và Đạo đế là phương tiện dùng để trút khỏi gánh nặng.

Như thế, do thí dụ mà biết rõ thêm về Bốn Thánh đế.

Hỏi: Thế nào là do phân biệt?

Đáp: Có bốn loại đế (= Chơn lý): (1) ngữ đế (= lời nói), (2) các các đế (= các kiến thức), (3) đệ nhứt nghiã đế (= Chơn lý tuyệt đối), và (4) Thánh đế.

Như thế, nói lời chơn thật, chẳng phải lời dối trá, đó là ngữ đế. Nơi mọi sự hiểu biết, xét kỹ mọi kiến văn, gạt bỏ mọi vọng ngữ làm pháp phải mê mờ ra, đó gọi là các các đế. Pháp Niết-bàn là Chơn lý tuyệt đối, nên gọi là đệ nhứt nghiã đế. Đường lối chơn lý tu hành của Thánh nhơn gọi là Thánh đế.

Như thế, do sự phân biệt về các đế mà biết rõ thêm về Bốn Thánh đế.

Hỏi: Thế nào là do liệt kê?

Đáp: Trừ khát ái ra, ba điạ hạt thiện, bất thiện và vô ký (= bất định; chẳng thiện cũng chẳng bất thiện) thuộc về Khổ đế. Khát ái thuộc về Tập đế. Đoạn trừ Khát ái nầy thuộc về Diệt đế. Tám yếu tố của Bát Chánh Đạo thuộc về Đạo đế.

Lại nữa, ngoại trừ khát ái và phiền não ra, ba điạ hạt thiện, bất thiện và vô ký, thuộc về Khổ đế. Khát ái và các phiền não còn dư lại thuộc về Tập đế. Đoạn trừ khát ái và các phiền não nầy thuộc về Diệt đế. Con đường đoạn trừ đó là Đạo đế.

Lại nữa, ngoại trừ khát ái và phiền não ra, tất cả những điều bất thiện nơi các điạ hạt thiện, và hữu ký đều thuộc về Khổ đế. Khát ái và các phiền não còn lại, tất cả các điều bất thiện thuộc về Tập đế. Đoạn trừ chúng cho hết là Diệt đế. Con đường đưa đến sự đoạn trừ đó thuộc về Đạo đế.

Lại nữa, ngoại trừ khát ái, phiền não và tất cả những điều bất thiện ra, các điều bất thiện còn lại và vô ký đều thuộc về Khổ đế. Khát ái, phiền não còn dư lại và tất cả các điều bất thiện nơi ba điạ hạt, thuộc về Tập đế. Đoạn trừ được chúng hết là Diệt đế. Con đường đưa tới sự đoạn trừ đó là Đạo đế.

Như thế, tầm cầu các thích thú tức là khát ái, các phiền não còn lại vì bị kết sử sai khiến nên thuộc về Tập đế. Tất cả các điều bất thiện, tuy có thể đoạn trừ được, nhưng do chúng khiến phải sanh lại, nên thuộc về Tập đế. Các điều thiện và bất thiện nơi ba điạ hạt, do chúng khiến phải sanh lại, nên thuộc về hoặc Khổ đế, hoặc Tập đế. Những phiền não dày vò, sự lo âu, cùng các điều hữu vi, hữu biên, đều thuộc về Khổ đế. Sự kết tụ nhân duyên, dính mắc và tướng hoà hiệp đều thuộc về Tập đế.

Như thế, do sự liệt kê các yếu tố mà hiểu rõ thêm về Bốn Thánh đế.

Hỏi: Thế nào là do sự đồng nhứt?

Đáp: Bốn Thánh đế mang tánh chất đồng nhứt với nhau, nếu xét theo bốn nghiã nầy: (1) theo nghiã đế (= Chơn lý), (2) theo nghiã như (= như thị, như thế là như thế), (3) theo nghiã pháp (= pháp tu), (4) theo nghiã không (= sự rỗng rang).

Như thế, do sự đồng nhứt về nghiã mà biết rõ thêm về Bốn Thánh đế.

Hỏi: Thế nào là do chủng loại khác nhau?

Đáp: Đế có hai thứ: thế đế (= chơn lý ở thế gian) và xuất thế đế (= Chơn lý vượt thế gian, tuyệt đối). Thế đế thì còn rỉ chảy, còn bị sai khiến, còn giây ràng buộc, còn bị tràn ngập, còn bị ách đè, còn bị che lấp, còn bị xúc chạm, còn bám níu, còn phiền não, đó gọi là Khổ đế và Tập đế. Xuất thế đế chẳng rỉ chảy, chẳng bị sai khiến, chẳng giây ràng buộc, chẳng bị tràn ngập, chẳng bị ách đè, chẳng che lấp, chẳng xúc chạm, chẳng bám níu, chẳng phiền não, đó gọi là Diệt đế và Đạo đế. Ba đế hữu vi (= bị biến đổi theo điều kiện, hoàn cảnh), Diệt đế thì vô vi. Ba đế chẳng có hình sắc, Khổ đế có hình sắc hoặc chẳng có hình sắc. Tập đế chẳng thiện lành, Đạo đế thì thiện. Diệt đế thì vô ký (= chẳng thiện, chẳng bất thiện). Khổ đế vừa thiện, bất thiện và vô ký.

Khổ đế cần phải biết rõ. Tập đế cần phải đoạn trừ. Diệt đế cần phải chứng đắc. Đạo đế cần phải tu hành.

Như thế, do theo chủng loại khác nhau mà biết rõ thêm về Bốn Thánh đế.

Hỏi: Thế nào là do mười loại?

Đáp: Xếp theo một loại: thân có thức nầy là Khổ. Ngã mạn(= kiêu căng) là nguồn gốc tức là Tập. Đoạn trừ ngã mạn là Diệt. Giữ chánh niệm nơi thân tâm là Đạo.

Xếp theo hai loại: Danh-Sắc là Khổ. Vô minh cùng hữu ái (= ham muốn được sống mãi) là Tập. Đoạn trừ hai món đó là Diệt. Định và Huệ là Đạo.

Xếp theo ba loại: Khổ khổ là Khổ đế. Ba căn bất thiện là Tập. Đoạn trừ cả ba là Diệt. Giới, định, huệ là Đạo.

Xếp theo bốn loại: bốn nơi của thân tánh là Khổ. Bốn điều điên đảo là Tập. Đoạn trừ các điên đảo là Diệt. Bốn niệm xứ là Đạo.

Xếp theo năm loại: Năm nẻo tái sanh là Khổ. Năm sự che đậy là Tập. Đoạn trừ năm sự che đậy là Diệt. Năm căn là Đạo.

Xếp theo sáu loại: Sáu căn xúc chạm là Khổ. Sáu điều khát ái về thân là Tập. Đoạn trừ sáu sự khát ái về thân là Diệt. Sáu pháp xuất ly là Đạo.

Xếp theo bảy loại: Bảy thức là Khổ. Bảy kết sử là Tập. Đoạn trừ bảy kết sử là Diệt. Bảy yếu tố của sự giác ngộ là Đạo.

Xếp theo tám loại: Tám ngọn gió thế gian là Khổ. Tám điều tà biên là Tập. Đoạn trừ các tà biên là Diệt. Tám yếu tố của Bát Chánh Đạo là Đạo.

Xếp theo chín loại: Chín cảnh giới cư trú của chúng sanh là Khổ. Chín nguồn gốc của sự khát ái là Tập. Đoạn trừ các căn nguyên nầy là Diệt. Chín sự tác ý chơn chánh là Đạo.

Xếp theo mười loại: Các hành ở mười phương là Khổ. Mười kết sử là Tập. Đoạn trừ các kết sử là Diệt. Quán về mười tưởng bất tịnh là Đạo.

Như thế, do mười loại mà biết rõ thêm về Bốn Thánh đế

Hỏi: Thế nào là do sự thâu nhiếp?

Đáp: Có ba sự thâu nhiếp (= nghiã bao trùm): ấm nhiếp, nhập nhiếp và giới nhiếp. Như thế, Khổ đế được năm ấm thâu nhiếp vào. Tập đế và Đạo đế do hành ấm thâu nhiếp. Diệt đế chẳng được các ấm thâu nhiếp.

Khổ đế được mười hai nhập thâu nhiếp. Ba đế kia thuộc pháp nhập thâu nhiếp. Khổ đế được mười tám giới thâu nhiếp. Ba đế kia được pháp giới thâu nhiếp.

Như thế, do sự thâu nhiếp mà biết rõ thêm về Bốn Thánh đế.

Bằng các cách trên đây mà khởi lên được sự hiểu biết về các Thánh đế, đó gọi là Phương tiện về Thánh đế.

Thánh đế Phương tiện chấm dứt.