Luân Hồi Trong Lăng Kính Lăng Nghiêm

Luân Hồi Trong Lăng Kính Lăng Nghiêm

Hải 14

Chương 13. Sáu giao báo

 

 

Thế nào là sáu giao báo? A Nan, tất cả chúng sinh, sáu thức gây nghiệp, nên ác báo chuốc lấy, đều từ sáu căn mà ra.

Các ác báo từ sáu căn ra như thế nào?

Một là giao báo về thấy, chiêu cảm ác quả. Khi nghiệp thấy ấy giao báo, thì lúc lâm chung, trước hết thấy lửa hồng đầy khắp 10 phương; thần thức người chết bay rơi theo khói vào ngục Vô gián phát ra hai tướng: Một là thấy sáng, thì khắp thấy nhiều thứ vật dữ, sinh ra khiếp sợ vô cùng; hai là thấy tối, lặng vậy không thấy gì sinh ra hoảng hốt vô hạn. Lửa thấy như thế đốt cái nghe, thì có thể làm vạc dầu sôi, làm nước đồng chảy; đốt hơi thở, thì có thể làm khói đen, lửa đỏ; đốt cái nếm, thì có thể làm viên tròn nung đỏ, làm cơm sắt; đốt cảm xúc, thì có thể làm tro nóng, lò than; đốt tâm ý, thì có thể sinh ra sao lửa rưới khắp, làm rung động cả cõi hư không.

Hai là giao báo về nghe, chiêu cảm ác quả. Khi nghiệp nghe ấy giao báo, thì lúc lâm chung, trước hết, thấy sóng cuộn chìm ngập trời đất; thần thức người chết, sa xuống theo dòng vào ngục Vô Gián, phát ra hai tướng: Một là nghe tỏ, nghe các thứ ồn ào, tinh thần rối loạn; hai là điếc hẳn, lặng lẽ, không nghe gì, thức thần chìm lịm. Sóng nghe như thế, rót vào cái nghe, thì có thể làm trách, làm hỏi; rót vào cái thấy, thì có thể làm sấm, làm thét, làm hơi độc dữ; rót vào hơi thở, thì có thể làm mưa, làm mù, rưới các sâu độc đầy khắp thân thể; rót vào các vị, thì có thể làm mủ, làm huyết, các thứ nhơ nhớp; rót vào cảm xúc, thì có thể làm con súc, làm con quỷ, làm phân, làm nước tiểu; rót vào ý nghĩ thì có thể làm chớp, làm mưa đá, đập nát tâm thức.

Ba là giao báo về ngửi, chiêu cảm ác quả. Khi nghiệp ngửi ấy giao báo, thì lúc lâm chung, trước hết, thấy hơi độc đầy dẫy xa gần; thần thức người chết, từ dưới đất trổi lên, vào ngục Vô Gián, phát hiện ra hai tướng: Một là ngửi thông, bị các hơi dữ xông tột bực, làm cho tâm rối loạn; hai là ngạt mũi, hơi thở ngạt không thông, nằm chết giấc dưới đất. Hơi ngửi như thế, xông vào hơi thở, thì có thể làm thông, làm ngạt; xông vào cái thấy, thì có thể làm lửa, làm đuốc; xông vào cái nghe, thì có thể làm chìm ngập, làm chết đuối, làm nước lớn, làm nước sôi; xông vào cái vị, thì có thể làm đói, làm ngấy; xông vào cái cảm xúc, thì có thể làm xấu, làm nát, làm núi thịt lớn có trăm ngàn con mắt, hút ăn không cùng; xông vào ý nghĩ, thì có thể làm tro, làm chướng khí, làm gạch đá bay lên đánh nát thân thể.

Bốn là giao báo về vị, chiêm cảm ác quả. Khi nghiệp vị ấy giao báo, thì lúc lâm chung, trước hết, thấy lưới sắt nung đỏ che khắp thế giới; thần thức người chết từ dưới tung lên, mắc lưới treo ngược đầu xuống, vào ngục Vô Gián, phát ra hai tướng: Một là nuốt vào, thì kết thành giá lạnh, làm nứt nẻ thân thể; hai là mửa ra, thì bay lên thành lửa hồng, đốt rụi xương tủy. Vị báo như thế, qua cái nếm, thì có thể làm nhận, làm chịu; qua cái thấy, thì có thể làm các thứ kim thạch đốt cháy; qua cái nghe, thì có thể làm binh khí sắc bén; qua hơi thở, thì có thể làm lồng sắt lớn che khắp cõi nước; qua cảm xúc, thì có thể làm cung, làm tên, làm nỏ, làm bắn; qua ý nghĩ, thì có thể làm sắt nóng bay, từ trên không rưới xuống.

Năm là giao báo về xúc, chiêu cảm ác quả. Khi nghiệp xúc ấy giao báo, thì lúc lâm chung, trước hết, thấy núi lớn bốn mặt hợp lại, không còn đường ra; thần thức người chết thấy thành sắt lớn, rắn lửa, chó lửa, hùm sói, sư tử, ngục tốt đầu trâu, la sát đầu ngựa, tay cầm thương, xóc, lùa vào cửa thành, hướng về ngục Vô Gián, phát ra hai tướng : Một là hợp xúc, thì núi kẹp ép mình, xương thịt nát ra máu; hai là ly xúc, thì dao gươm chạm vào mình, tim gan cắt xẻ. Xúc báo như vậy, qua cái xúc, thì có thể làm đạo, làm quán, làm sảnh, làm án; qua cái thấy, thì có thể làm đốt, làm nung; qua cái nghe, thì có thể làm đập, làm đánh làm đâm, làm bắn; qua hơi thở, thì có thể làm trùm, làm đẫy, làm tra, làm trói; qua cái nếm, thì có thể làm cày, làm kiềm, làm chém, làm chặt; qua ý nghĩ, thì có thể làm rơi, làm bay, làm nấu, làm nướng.

Sáu là giao báo về ý nghĩ, chiêu cảm ác quả. Khi nghiệp ý ấy giao báo, thì lúc lâm chung, trước hết thấy gió dữ thổi nát cõi nước, thần thức người chết bị thổi lên trên không xoay rơi theo gió, sa vào ngục Vô Gián, phát ra hai tướng : Một là không biết, tột mê, thì hoang mang, ruổi chạy không thôi; hai là không mê, hay biết, thì khổ, bị đốt cháy không cùng, đau buốt không chịu nổi. Ý báo như thế, kết vào ý nghĩ, thì có thể làm phương, làm sở; kết vào cái thấy, thì có thể làm gương soi, làm chứng cứ; kết vào cái nghe, thì có thể làm đại hợp thạch, làm giá, làm sương, làm đất, làm mù; kết vào hơi thở, thì có thể làm xe lửa lớn, làm thuyền lửa, củi lửa; kết vào cái nếm, thì có thể làm kêu la to, làm ăn năn, làm khóc lóc; kết vào cái cảm xúc, thì có thể làm lớn, làm nhỏ, làm cho một ngày muôn lần sống, muôn lần chết, làm nghiêng, làm ngửa[1].

Cứ nuôi mười tập nhân địa ngục trong tâm thì sẽ gặp sáu giao báo, tức nhân thì mười mà cảm quả báo lại có sáu.

Thế nào gọi là sáu giao báo? Sáu giao báo là sáu thứ khổ báo, kết quả của bất thiện nghiệp phát xuất từ sáu căn và sáu thức của chúng ta.

Có những hậu quả sẽ đến liền chứ không có xa xôi gọi là gieo nhân tạo tội mà quả báo lập tức ngay khi chúng ta vừa hấp hối lâm chung rời thân này. Nhưng cũng có những quả bảo phải bao nhiêu kiếp về sau mình mới gặp. Quả đã đành rồi mà còn đợi các duyên. Những các duyên nó chướng ngại các kết quả.

Duyên giao tiếp phát sanh cọ sát tạo ra các báo như sau:

1. Giao báo về thấy: chiêu cảm ác quả, khi nghiệp thấy ấy giao báo thì lúc lâm chung, trước nhất thấy lửa hồng đầy khắp 10 phương, thần thức người chết bay rơi theo khói vào ngục vô gián:

– Một là thấy sáng thì thấy nhiều thứ vật dữ sinh ra khiếp sợ vô cùng.

– Hai là thấy tối, lặng vậy không thấy gì, sanh ra hoảng hốt vô hạn

– Lửa thấy như thế đốt cái nghe thì có thể làm vạc dầu sôi, làm nước đồng chảy

– Đốt hơi thở thì có thể làm khói đen, lửa đỏ

– Đốt cái nếm thì có thể làm viên tròn nung đỏ, làm cơm sắt

– Đốt cảm xúc thì có thể làm tro nóng, lò than

– Đốt tâm ý thì có thể sinh ra sao lửa rưới khắp, làm rung động cả cõi hư không.

Tội chính từ con mắt, khởi tâm ăn cắp, nên mạng chung giao báo có những cảm báo về cái thấy. Thế là tội quả báo về cái thấy. Một là thấy sáng và hai là thấy tối, chứ không phải người này lần lượt thấy hai thứ. Đã đành là chúng ta thấy phải do hai trần sáng và tối, thế nhưng nếu mình làm tội, nó lại y theo chỗ đó mà có quả báo khác nhau. Thế ở đây lửa thấy này đốt cái thấy, đốt cái nghe, hơi thở, cái nếm, đốt cái xúc và tâm ý.

2. Giao báo về nghe: chiêu cảm ác quả, khi nghiệp nghe ấy giao báo thì lúc lâm chung, trước hết thấy sóng cuộn chìm ngập trời đất; thần thức người chết, sa xuống theo dòng vào ngục vô gián, phát ra hai tướng:

– Một là nghe tỏ, nghe các thứ ồn ào, tinh thần rối loạn.

– Hai là điếc hẳn, lặng lẽ không nghe gì, thần thức chìm lịm.

– Sóng như thế rót vào cái nghe thì có thể làm trách, làm hỏi;

– Rót vào cái thấy thì có thể làm sấm làm thét, làm hơi độc dữ.

– Rót vào hơi thở thì có thể làm mưa, làm mù, rưới các sâu độc đầy khắp thân thể.

– Rót vào các vị thì có thể làm mủ, làm huyết, các thứ nhơ nhớp.

– Rót vào cảm xúc thì có thể làm con súc, làm con quỷ, làm phân làm nước tiểu.

– Rót vào ý nghĩ thì có thể làm chớp, làm mưa đá, đập nát tâm thức.

Nghe thuộc về động và tĩnh cho nên là về sóng về nước. Một là nghe tỏ rõ, hai là điếc rặt. Vì sao nghe tại quả báo địa ngục có cái sợ hãi về động là đúng rồi, còn đằng này vẵng lặng như tờ và sợ hãi về cái vắng lặng đó? Thế nào là rút vào cái nghe và cái thấy?

Nếu thấy tối mà có tội thì người đi ăn trộm ban đêm hay tìm cái tối để làm gì? đây nói chỗ vi tế cho chúng ta nhận thấy. Quả báo của chúng ta bởi vì nó từ tâm mình nó phát ra. Nó tỉ mỉ từng một từng một cái, phải có thời gian, phải tìm thời gian để ý và suy ngẫm.

Trong cái nghe có khi từ chỗ động mà mình tạo tội. Cái nghe là nó đối với lời nói. Cái âm thầm lặng lẽ, cái mưu mô của chúng ta yên tịnh vắng vẻ, bí mật, mới có những mưu mô để mà bật ra những tội ác. Những bậc xuất gia cũng nhờ yên tĩnh, im lặng, thanh tịnh mà thấy được lẽ đạo. Những người giỏi về những chuyện đi làm những việc ác ở cái tĩnh lặng, có những mưu mô, phát những mưu mô để mà xoay sở những người khác. Ăn trộm nghe tĩnh rồi, mọi người ngủ rồi, liền vào ăn trộm là từ tĩnh tạo tội thì khi người ấy bị quả báo thì sẽ từ cái tĩnh mà có ra những sợ hãi thì người ấy lúc lâm chung sẽ gặp quả báo về cái tĩnh.

3. Giao báo về ngửi: chiêu cảm ác quả, khi nghiệp ngửi ấy giao báo thì lúc lâm chung trước hết thấy hơi độc đầy dẫy xa gần, thần thức người chết từ dưới đất trồi lên, vào ngục vô gián, phát hiện ra hai tướng:

– Một là ngửi thông, bị các hơi dữ xông tột bực, làm cho tâm rối loạn.

– Hai là ngạt mũi, hơi thở ngạt không thông, nằm chết giấc dưới đất. Hơi ngửi như thế xông vào, xông vào hơi thở, thì có thể làm thông, làm ngạt, xông vào cái thấy, thì có thể làm lửa, làm đuốc.

– Xông vào cái nghe thì có thể làm chìm ngập, làm chết đuối, làm nước lớn, làm nước sôi.

– Xông vào cái vị thì có thể làm đói, làm ngấy.

– Xông vào cảm xúc thì có thể làm xấu, làm nát, làm núi thịt lớn có trăm ngàn con mắt hút ăn không cùng.

– Xông vào ý nghĩ thì có thể làm tro, làm chướng khí, làm gạch đá bay lên đánh nát cơ thể.

4. Giao báo về vị: chiêu cảm ác quả, khi nghiệp vị ấy giao báo, thì lúc lâm chung trước hết thấy lưới sắt nung đỏ che khắp thế giới; thần thức người chết từ dưới đất tung lên, mắc lưới treo ngược đầu xuống vào ngục vô gián, phát ra hai tướng:

– Một là nuốt vào thì kết thành giá lạnh, làm nứt nẻ thân thể.

– Hai là mửa ra thì bay lên thành lửa hồng, đốt rụi xương tủy. Vị báo (quả báo của vị) như thế, qua cái nếm thì có thể làm nhận, làm chịu.

– Qua cái thấy thì có thể làm các thứ kim thạch đốt chảy.

– Qua cái nghe thì có thể làm bình khí sắc bén.

– Qua hơi thở thì có thể làm lồng sắt lớn che khắp cõi nước.

– Qua cảm xúc thì có thể làm cung, làm tên, làm nỏ, làm bắn.

– Qua ý nghĩ thì có thể làm sắt nóng bay từ trên không rưới xuống.

Đây là chiêu cảm ác quả về vị, về tội của cái lưỡi: bởi thọ lãnh, ăn vào những món ăn làm đau đớn thân xác chúng sanh, mình nuốt mình nhai, chính cái đó mà nay chịu cái khổ, lãnh cái khổ về cái lưỡi.

5. Giao báo về xúc: chiêu cảm ác quả, khi nghiệp xúc ấy giao báo thì lúc lâm chung, trước hết, thấy núi lớn bốn mặt hợp lại, không còn đường ra; thần thức người chết thấy thành sắt lớn, rắn lửa, chó lửa… tay cầm thương, xóc, lùa vào cửa thành, hướng về ngục vô gián, phát ra hai tướng:

– Một là hợp xúc thì núi kẹp ép mình, xương thịt nát ra máu.

– Hai là ly xúc thì dao gươm chạm vào mình, tim gan cắt xẻ. Xúc báo như vậy, qua cái xúc thì có thể làm đạo, làm quân, làm sảnh, làm án.

– Qua cái thấy thì có thể làm đốt, làm nung.

– Qua cái nghe thì có thể làm đập, làm đánh, làm đâm, làm bắn.

– Qua hơi thở thì có thể làm trùm, làm đẫy, làm tra, làm trôi.

– Qua cái nếm thì có thể làm cây, làm kềm, làm chém, làm chặt.

– Qua ý nghĩ thì có thể làm rơi, làm bay, làm nấu, làm nướng.

6. Giao báo về ý nghĩ: chiêu cảm ác quả, khi nghiệp ấy giao báo thì lúc lâm chung, trước hết thấy gió dữ thổi nát cõi nước, thần thức người chết bị thổi lên trên không xoay rơi theo gió, sa vào ngục vô gián, phát ra hai tướng:

– Một là không biết, tột mê thì hoang mang, ruổi chạy không thôi

– Hai là không mê, hay biết, thì khổ bị đốt cháy không cùng, đau buốt không chịu nổi. Ý báo (quả báo của ý) như thế, kết vào ý nghĩ thì có thể làm phương, làm sở

– Kết vào cái thấy thì có thể làm gương soi, làm chứng cứ

– Kết vào cái nghe thì có thể làm đại hợp thạch, làm giá, làm sương, làm đất, làm mù

– Kết vào hơi thở thì có thể làm xe lửa lớn, làm thuyền lửa, cũi lửa

– Kết vào cái nếm thì có thể làm kêu la to, làm ăn năn, làm khóc lóc

– Kết vào cái cảm xúc thì có thể làm lớn, làm nhỏ, làm cho một ngày muôn lần sống, muôn lần chết, làm nghiêng, làm ngửa.

Quả báo từ nơi cái thấy thì cảm trong địa ngục chiếu soi như gương soi thấy tất cả chứng cứ một đời thiện ác của mình, không dối trá che dấu gì được.

Thấy có những người làm chứng, có những vật làm chứng cứ, thấy có cõi địa ngục, vua Diêm Vương tra xét, chứng cứ cho mình phải cúi đầu nhận tội. Còn ở cái nghe thì nghe làm giá rét, làm những thứ lạnh băng. Những các quả báo này hiện lên. Cái này chỉ từ mắt Phật (Phật nhãn) mới thấy chứ mình đâu biết gì. Rơi vào địa ngục Vô gián là tội chính. Còn đây là những căn phụ. Dĩ nhiên số đông là các sáu căn lãnh tội.

A Nan, thế gọi là 10 nhân và 6 quả của địa ngục, nhân quả ấy đều do mê vọng của chúng sinh tạo ra.

Nếu các chúng sinh, sáu căn đồng tạo nghiệp dữ, thì vào ngục A Tỳ, chịu khổ vô cùng trong vô lượng kiếp; nếu từng mỗi căn tạo ra và nghiệp dữ đã gồm cả cảnh và căn thì người ấy vào 8 ngục Vô Gián. Nếu cả thân, khẩu, ý làm việc sát, đạo, dâm, thì người ấy vào thập bát địa ngục; không đủ cả ba nghiệp thân, khẩu, ý, hoặc trong ấy chỉ làm một việc sát, hoặc một việc đạo, thì người ấy vào trong tam thập lục địa ngục; chỉ có một căn, riêng làm một việc, thì người ấy vào nhất bách bát địa ngục.

Do những chúng sinh ấy riêng gây ra nghiệp, nên vào chỗ đồng phận trong giới ấy; đó đều do vọng tưởng phát sinh ra, không phải bản lai tự có[2].

Đức Phật kết lại mười nhân và sáu quả địa ngục, nhân quả ấy đều do mê vọng của chúng sanh tạo ra.

– Nếu các chúng sinh, sáu căn đồng tạo nghiệp dữ, thì vào ngục A Tỳ,

– Nếu từng mỗi căn tạo ra và nghiệp dữ đã gồm cả cảnh và căn thì người ấy vào tám ngục Vô Gián,

– Nếu cả thân, khẩu, ý làm việc sát, đạo, dâm, thì người ấy vào mười tám địa ngục,

– Không đủ cả ba nghiệp thân, khẩu, ý, hoặc trong ấy chỉ làm một việc sát, hoặc một việc đạo, thì người ấy vào trong ba mươi sáu địa ngục,

– Chỉ có một căn, riêng làm một việc, thì người ấy vào một trăm lẻ tám địa ngục.

Tất cả đều do những chúng sinh ấy riêng gây ra nghiệp, nên vào chỗ đồng phận cộng nghiệp trong cảnh giới ấy. Đó đều là do vọng tưởng phát sinh ra, chứ không phải bản lai tự có, đều do cái hốt nhiên bất giác, sanh tướng vô minh do mình nhặm mắt mà hoá ra, chứ bầu trời vẫn trong sáng bao la. Tâm pháp nếu quên thì tánh chân hiển bày.

Ngân cấu tận trừ quang thỉ hiện

Tâm pháp song vong tánh tức chân

Nghĩa:

Khi nào bụi hết gương trong lại

Tâm pháp đều quên tánh tức chân.

 (Thiền sư Vĩnh Gia)

CÁC DƯ BÁO: Lại nữa, A Nan, các chúng sinh đó, nếu không phải gây tội chê phá luật nghi, phạm Bồ Tát giới, hủy báng Niết Bàn của Phật, mà chỉ phạm những nghiệp phức tạp khác, thì sau khi bị đốt cháy nhiều kiếp, đền tội hết rồi, thì chịu những hình quỷ.

Nếu nơi bản nhân, do tham vật mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp vật thành hình gọi là Quái quỷ;

Do tham sắc mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp gió thành hình, gọi là Bạt quỷ;

Do tham dối trá mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp giống súc thành hình, gọi là Mỵ quỷ;

Do tham nóng giận mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp con sâu thành hình, gọi là Cổ độc quỷ;

Do tham thù oán mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp vận suy kẻ thù mà thành hình, gọi là Lệ quỷ;

Do tham ngã mạn mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp khí thành hình, gọi là Ngạ quỷ;

Do tham lừa gạt mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp u uẩn thành hình, gọi là Áp quỷ;

Do tham ái kiến mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp tinh hoa thành hình, gọi là Vọng lượng quỷ;

Do tham vu vạ mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp linh hiển thành hình, gọi là Dịch sử quỷ;

Do tham bè phái che giấu mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp con người thành hình, gọi là Truyền tống quỷ.

A Nan, những người đó đều vì thuần tình phải đọa lạc, khi lửa nghiệp đốt sạch rồi, thì lên làm quỷ; như thế đều do cái nghiệp vọng tưởng tự mình chuốc lấy; nếu ngộ được tính Bồ đề, thì nơi tính Diệu viên minh, vốn không có gì.

Lại nữa, A Nan, khi nghiệp quỷ đã hết, tình và tưởng cả hai đều thành không, thì mới ở nơi thế gian, cùng với người mắc nợ cũ, oán đối gặp nhau; thân làm súc sinh để trả nợ cũ.

Quái quỷ theo vật, vật tiêu báo hết, sinh nơi thế gian, phần nhiều làm loài chim kiêu.

Bạt quỷ theo gió, gió tiêu báo hết, sinh nơi thế gian, phần nhiều làm tất cả những loài cữu trưng kỳ dị.

Mỵ quỷ theo súc, súc chết báo hết, sinh nơi thế gian, phần nhiều làm loài hồ.

Cổ quỷ theo sâu, sâu diệt báo hết, sinh nơi thế gian, phần nhiều làm loài có độc.

Lệ quỷ theo vận suy, suy tột báo hết, sinh nơi thế gian, phần nhiều làm loài giun.

Ngạ quỷ theo khí, khí tiêu báo hết, sinh nơi thế gian, phần nhiều làm loài cung cấp thịt ăn.

Áp quỷ theo u ẩn, u ẩn tiêu báo hết, sinh nơi thế gian, phần nhiều làm loài cung cấp đồ mặc.

Vọng lượng quỷ theo tinh hoa, tinh hoa tiêu báo hết, sinh nơi thế gian, phần nhiều làm các loài chim mùa.

Dịch sử quỷ theo sự linh hiển, linh hiển diệt báo hết, sinh nơi thế gian, phần nhiều làm tất cả các loài hưu trưng.

Truyền tống quỷ theo người, người chết báo hết, sinh nơi thế gian, phần nhiều làm các loài quấn quít bên người.

A Nan, bọn ấy đều do lửa nghiệp đốt xong, sinh ra loài súc, trả hết nợ cũ; như thế, đều do những nghiệp hư vọng của tự mình chuốc lấy; nếu ngộ được tính Bồ đề, thì các vọng duyên đó vốn không có gì.

Như lời thầy nói, cô Bảo Liên Hương, Lưu Ly Vương, Thiện Tinh Tỷ Khưu đều vốn tự mình gây ra nghiệp dữ; nghiệp ấy không phải từ trên trời sa xuống, từ dưới đất phát ra và cũng không phải do người khác đưa tới, mà chính do vọng tưởng của tự mình gây ra, rồi tự mình phải chịu quả báo; nơi tâm Bồ đề, đó chỉ là sự kết động của vọng tưởng giả dối.

Lại nữa, A Nan, các súc sinh ấy đền trả nợ trước, nếu trong lúc trả nợ, trả quá nợ cũ, thì những chúng sinh ấy, trở lại làm người, đòi lại chỗ thừa. Nếu bên kia có sức, lại có cả phúc đức, thì ở trong loài người, không rời bỏ thân người, mà hoàn lại chỗ thừa đó; còn nếu không phúc đức, thì phải làm súc sinh đền lại chỗ thừa.

A Nan, nên biết, nếu dùng tiền của hoặc sức người ta, thì đền đủ là xong; còn như trong ấy, có giết thân mạng, hoặc ăn thịt kẻ khác, như thế, thì đi đến ăn nhau, giết nhau, trải qua nhiều kiếp, số như vi trần, cũng như bánh xe xoay vần, thay đổi bên cao, bên thấp, không có dừng nghỉ; trừ khi được phép Sa ma tha, hoặc gặp Phật ra đời, thì không thể thôi được.

Nay thầy nên biết loài chim kiêu kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân đạo, tham hợp hạng ngoan cố.

Giống cữu trưng kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân đạo, tham hợp hạng quái dị.

Những loài hồ kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân đạo, tham hợp hạng ngu dại.

Những loài có độc kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân đạo, tham hợp hạng nham hiểm.

Những loài giun kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân đạo, tham hợp hạng hèn nhát.

Những loài cung cấp thịt ăn kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân đạo, tham hợp hạng nhu nhược.

Những loài cung cấp đồ mặc kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân đạo, tham hợp hạng lao lụy.

Những loài chim mùa kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân đạo, tham hợp hạng văn hoa.

Những loài hưu trưng kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân đạo, tham hợp hạng thông minh.

Những loài quấn quít theo người kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân đạo, tham hợp hạng thông đạt.

A Nan, bọn ấy trả hết nợ cũ, trở lại hình người, đều do từ vô thỉ đến nay, điên đảo gây nghiệp, vay trả thừa thiếu, sinh nhau, giết nhau; nếu không gặp Như Lai, không nghe chính pháp, thì ở trong trần lao, máy móc xoay vần mãi mãi; bọn ấy thật là đáng thương xót[3].

Các chúng sinh tạo ác nghiệp đó, nếu không phải gây tội chê phá luật nghi, phạm Bồ Tát giới, hủy báng Niết Bàn của Phật, mà chỉ phạm những nghiệp phức tạp khác, thì sau khi bị đốt cháy nhiều kiếp, bị đền tội hết rồi, thì tái sanh vào kiếp quỷ.

– Quái quỷ: nếu nơi bản nhân, do tham vật mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp vật thành hình gọi là Quái quỷ;

– Bạt quỷ: do tham sắc mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp gió thành hình;

– Mỵ quỷ: do tham dối trá mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp giống súc thành hình;

– Cổ độc quỷ: do tham nóng giận mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp con sâu thành hình;

– Lệ quỷ: do tham thù oán mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp vận suy kẻ thù mà thành hình;

– Ngạ quỷ: do tham ngã mạn mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp khí thành hình;

– Áp quỷ: do tham lừa gạt mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp u uẩn thành hình;

– Vọng lượng quỷ: do tham ác kiến mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp tinh hoa thành hình;

– Dịch sử quỷ: do tham vu vạ mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp linh hiển thành hình;

– Truyền tống quỷ: do tham bè phái che giấu mà làm ra tội, thì người ấy đền tội hết rồi, gặp con người thành hình. Người bị ma quỷ ám, thành đồng bóng nói chuyện hoạ phúc may rủi chẳng hạn cho nên gọi là truyền tống quỷ. Hiện tại đang lên đồng lên bóng, nhưng nếu ngộ bồ đề thì vốn không có gì.

Những chúng sanh đó đều vì thuần tình phải đọa lạc, khi lửa nghiệp đốt sạch rồi, thì lên làm quỷ; như thế đều do cái nghiệp vọng tưởng tự mình chuốc lấy; nếu ngộ được tính Bồ đề, thì nơi tính Diệu viên minh, vốn không có gì.

Khi nghiệp quỷ đã hết, tình và tưởng cả hai đều thành không, thì mới ở nơi thế gian, cùng với người mắc nợ cũ, oán đối gặp nhau; thân làm súc sinh để trả nợ cũ.

– Chim kiêu: quái quỷ theo vật, vật tiêu báo hết, sinh nơi thế gian, phần nhiều làm loài chim kiêu.

– Cữu trưng kỳ dị: bạt quỷ theo gió, gió tiêu báo hết, sinh nơi thế gian, phần nhiều làm tất cả những loài cữu trưng kỳ dị.

– Loài hồ: mỵ quỷ theo súc, súc chết báo hết, sinh nơi thế gian, phần nhiều làm loài hồ.

– Loài có độc: cổ quỷ theo sâu, sâu diệt báo hết, sinh nơi thế gian, phần nhiều làm loài có độc.

– Loài giun: lệ quỷ theo vận suy, suy tột báo hết, sinh nơi thế gian, phần nhiều làm loài giun.

– Loài cung cấp thịt ăn: ngạ quỷ theo khí, khí tiêu báo hết, sinh nơi thế gian, phần nhiều làm loài cung cấp thịt ăn.

– Loài cung cấp đồ mặc: áp quỷ theo u ẩn, u ẩn tiêu báo hết, sinh nơi thế gian, phần nhiều làm loài cung cấp đồ mặc.

– Loài chim mùa: vọng lượng quỷ theo tinh hoa, tinh hoa tiêu báo hết, sinh nơi thế gian, phần nhiều làm các loài chim mùa.

– Loài hưu trưng: dịch sử quỷ theo sự linh hiển, linh hiển diệt báo hết, sinh nơi thế gian, phần nhiều làm tất cả các loài hưu trưng.

– Loài quấn quít bên người: truyền tống quỷ theo người, người chết báo hết, sinh nơi thế gian, phần nhiều làm các loài quấn quít bên người.

Các chúng sanh này đều do lửa nghiệp đốt xong, sinh ra loài súc, trả hết nợ cũ; như thế, đều do những nghiệp hư vọng của tự mình chuốc lấy; nếu ngộ được tính Bồ đề, thì các vọng duyên đó vốn không có gì.

Như cô Bảo Liên Hương, Lưu Ly Vương, Thiện Tinh Tỷ Khưu đều vốn tự mình gây ra nghiệp dữ; nghiệp ấy không phải từ trên trời sa xuống, từ dưới đất phát ra và cũng không phải do người khác đưa tới, mà chính do vọng tưởng của tự mình gây ra, rồi tự mình phải chịu quả báo; nơi tâm Bồ đề, đó chỉ là sự kết động của vọng tưởng giả dối.

Các súc sinh ấy đền trả nợ trước, nếu trong lúc trả nợ, trả quá nợ cũ, thì những chúng sinh ấy, trở lại làm người, đòi lại chỗ thừa. Nếu bên kia có sức, lại có cả phúc đức, thì ở trong loài người, không rời bỏ thân người, mà hoàn lại chỗ thừa đó; còn nếu không phúc đức, thì phải làm súc sinh đền lại chỗ thừa.

Như vậy, nếu dùng tiền của hoặc sức người ta, thì đền đủ là xong; còn như trong ấy, có giết thân mạng, hoặc ăn thịt kẻ khác, như thế, thì đi đến ăn nhau, giết nhau, trải qua nhiều kiếp, số như vi trần, cũng như bánh xe xoay vần, thay đổi bên cao, bên thấp, không có dừng nghỉ; trừ khi được phép Sa ma tha, hoặc gặp Phật ra đời, thì không thể thôi được.

– Người ngoan cố: chúng ta nên biết loài chim kiêu kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân đạo, tham hợp hạng ngoan cố.

– Người quái dị: giống cữu trưng kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân đạo, tham hợp hạng quái dị.

– Người ngu dại: những loài hồ kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân đạo, tham hợp hạng ngu dại.

– Người nham hiểm: những loài có độc kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân đạo, tham hợp hạng nham hiểm.

– Người hèn nhát: những loài giun kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân đạo, tham hợp hạng hèn nhát.

– Người nhu nhược: những loài cung cấp thịt ăn kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân đạo, tham hợp hạng nhu nhược.

– Người lao lụy: những loài cung cấp đồ mặc kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân đạo, tham hợp hạng lao lụy.

– Người văn hoa: những loài chim mùa kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân đạo, tham hợp hạng văn hoa.

– Người thông minh: những loài hưu trưng kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân đạo, tham hợp hạng thông minh.

– Người thông đạt: những loài quấn quít theo người kia, trả nợ đủ, trở lại hình người, sinh trong nhân đạo, tham hợp hạng thông đạt.

Các chúng sanh ấy trả hết nợ cũ, trở lại hình người, đều do từ vô thỉ đến nay, điên đảo gây nghiệp, vay trả thừa thiếu, sinh nhau, giết nhau; nếu không gặp Như Lai, không nghe chính pháp, thì ở trong trần lao, máy móc xoay vần mãi mãi; bọn ấy thật là đáng thương xót.

Như vậy, chúng ta thấy sự tái sanh một loài nào với đặc tánh, đặc điểm nào đều liên quan đến cái nhân quá khứ và do nhân quá khứ mà tạo thành cái quả hiện tại. Nhân hiện tại làm quả vị lai như mắc xích dây chuyền của 12 khoen xoay vòng tròn mãi không dứt.

Do các sát đạo dâm vọng khiến chúng ta đọa địa ngục. Hết địa ngục thì lên làm quỷ. Do nghiệp báo mà thấy ra nào địa ngục, nào cõi ma quỷ, nào súc sanh, nào dạng người tương ưng. Nếu nhận ra được tánh bồ đề mà sống với tánh của mình thì những nghiệp báo tan hết. Chuyện nghiệp báo này là chuyện hư vọng.

Những chuyện mờ mịt nhân quả này chỉ có Đức Phật mới biết thôi. Thế đấy, giờ oán đối gặp nhau để trả nợ chỉ qua là tội báo, giờ phải trả nợ nhau. Đức Phật nhìn rõ tường tận và chỉ ra.

Tình tưởng đều trả xong tức là đã vào địa ngục chịu bao nhiêu khổ rồi, làm thân quỷ cũng chịu bao nhiêu khổ rồi. Chuyện cũ đã quên hết rồi thì coi như đền tội xong rồi, bây giờ chỉ còn chút dư báo xót lại được lên dương thế làm thân các loài vật để mà trả nợ nhỏ cho hết, rồi mới lên làm người.

Những người tạo mười tập nhân như dâm dục, tham lam, ngã mạn, nóng giận, giả dối dụ dỗ, lừa gạt, thù oán, ác kiến, vu vạ và cãi vã mà còn kèm theo những tội chê phá luật nghi. Phá giới tội còn nhẹ, chứ chê phá luật nghi tội càng nặng hơn. Chê phá luật nghi đây tức là phá kiến, tức là mình phạm giới và khiến cho mọi người, người ta bắt chước mình, cho nên cái phá kiến nó nặng hơn. Như trong kinh Thủ Lăng Nghiêm nói cô tỳ-kheo-ni Bảo-liên-hương cho là ái nhiễm giao hợp giữa nam nữ không có tội gì hết. Nên khi chết, cô liền bị đọa vào địa ngục do tội phá kiến và phá giới.

Những người phá kiến thì sẵn sàng phá giới, tức do chỗ hiểu sai đưa đến hành động sai. Nên mệnh chung thần thức liền đọa vào địa ngục, sau đó làm quỷ rồi mới lên làm súc sanh chó mèo. Lang thang ở ba cõi tam đồ địa ngục, ngạ quỷ, bàng sanh, từ loài này sang loài khác, biết bao đọa lạc. Nguyễn Du đã thương cảm than rằng:

Ðoàn vô tự lạc loài nheo nhóc

Quỉ không đầu van khóc đêm mưa.

Cho nên chúng ta gặp những loài này thì cố gắng nhất tâm niệm Phật cho ma quỷ sớm thoát kiếp khổ.

Khi làm thân loài vật trả quá nợ cũ rồi (trả nhiều hơn cái mình thiếu) thì khi lên làm người sẽ đòi nợ cũ tức người chủ sẽ thành món nợ của mình. Chúng ta nghe về pháp Sa-ma-tha phân biệt rõ ràng chân và vọng. Những sự tướng ở thế gian toàn là hư vọng cả, chỉ có tánh Phật là sự thật thì không có tiếc thân mạng liền dứt được sự dây dưa. Lên làm nô lệ để trả nợ tức là trả bằng công sức lao động.

Tiền và sức khoẻ có thể trả nợ thế được nhưng mà nợ thân mạng và máu thịt (giết chết mạng người tức cắt đi mạng căn của người) thì theo văn kinh nói phải trả bằng nợ mạng, nợ máu mà thôi.

A ăn thịt B thì mai sau B lại sẽ ăn thịt A. Rồi A nếu không hiểu không giải sanh oán thù, giết lại B, cứ thế A giết B, B giết A. Như ăn thịt con gà, con dê; dê chết làm người, người chết làm dê bị người ăn thịt lại. Oán thù lại chập chùng, lại đòi nợ và không dứt hết được. Do vậy trải trăm ngàn kiếp thường ở trong đường sống chết, bởi vì nợ thịt và nợ mạng không dứt.

Nợ thân mạng và nợ máu thịt trải vi trần kiếp vẫn còn, chỉ khi nào mình được pháp Sa-ma-tha dạy cho chúng ta nhận được thân tội báo, nó là cái báo chướng, nó là cái khổ nạn, đừng vì nó mà tạo nghiệp.

Pháp Sa-ma-tha lại còn dạy cho chúng ta biết tất cả mọi loài chúng sanh đồng thể thường trụ bình đẳng, cho nên không sanh lòng oán thù. Sự hiểu biết này sẽ làm vơi nhẹ oán thù đi và biến lòng thù oán thành tình thương bao la. Còn nếu không thì do tiếc thân mạng của mình, chấp là thân thật thì oán thù vẫn là lòng oán thù, vẫn dây dưa mãi, may gặp Đức Phật ra đời Đức Phật dạy Phật pháp cho chúng ta, chỉ cho chúng ta đường đi của nhân quả để mà tránh.

Khi nào có trí tuệ Bát nhã biết thân là cái không có, tâm đang chấp ngã đây là cái không có, nên cố gắng tỉnh ra. Rồi biết thân người cũng không có, chỉ có ràng buộc. Trả nợ rồi nhưng lòng vẫn oán thù, vẫn còn hận, nên thần thức vẫn đi theo người kia để báo oán, lại phải trả nợ thêm cho hết, chứ không phải người được trả nợ rồi là oán cũng hết đâu, vì tâm người kia chưa buông xả. Trả hận rồi mà chưa nguôi.

Bởi nếu trong lúc người ta giết mình, mình không biết đó là mình trả nợ, nên tâm oán thù ấy cứ theo dõi người kia, vì vậy lúc người kia bị anh này phá thì người ta cũng oán. Thân mạng này là quan trọng, là quý lắm, nên xâm phạm là tội nặng khủng khiếp. Chẳng những nợ mạng mà nợ máu thịt ăn thịt súc vật, ăn dùng thân phần súc vật vẫn là oán đối thân phần, nợ năm lạng thịt thì trả năm lạng thịt.

Thịt heo bán ngoài chợ, cả trăm ngàn người ăn thì cả trăm người trả nợ, cho nên cứ ăn nhau, cứ giết nhau mãi. Nếu mình uống sữa con bò thì mai mốt mình trả nhau bằng cái gì? Mình cũng có nợ nhưng không nợ mạng, không độc ác không nợ nặng nhưng vẫn có là dùng vật của nó, nghĩa là vay sao thì trả vậy.

Đây là quả báo, sáu thứ khổ báo, kết quả của bất thiện nghiệp phát xuất từ sáu căn và sáu thức của chúng ta. Cho nên vua Trần Nhân Tông mới soạn bản kinh Sám hối lục căn và trong nhà thiền mỗi buổi sáng đọc bản kinh này để sám hối các tột lỗi từ thô đến tế do sáu căn của mình gây ra dù vô tình hay cố ý tạo ra cũng đều xin sám hối hết.

Đây là tuệ nhãn, Phật nhãn Đức Phật mới thấy rõ đường đi nước bước của đường nhân quả, của từng cảnh giới quả báo mà sáu căn sẽ lãnh thấy khi lâm chung lúc tâm thức mờ mịt.

Chúng ta mang ơn Phật vô cùng đã từ bi chỉ cho chúng ta, những chúng sanh vô minh lao mình trong đêm tối.

Trong cuốn Sống chết bình an[4] tức trích đoạn của Tạng Thư Sống Chết, các thiền sư Tây tạng bằng định lực, chỉ bậc tu hành thật cao mới nhận được, thấy rõ trạng thái lâm chung, nếu hiện nghiệp là nghiệp lành, thiện nghiện thì thân trung ấm an vui. Còn nếu hiện đời tạo ác thì khi trút hơi thở, người chết thấy có những cảnh giới, những trạng thái hiện ở sáu căn như sau:

– “Khi vừa tắt hơi, ánh sáng căn bản xuất hiện

– Thân trung ấm cao bằng thằng bé từ 8 đến 10 tuổi rất mạnh khoẻ nhanh sáng (dù người chết có thể là già lão què mù).

– Thân trung ấm lang thang kinh hoảng hệt như người ở trong giấc mộng và nghe tiếng núi lở ngay sau lưng, tiếng thác nước lớn gầm, tiếng hỏa diệm sơn phun lửa, tiếng gió bão thét.

– Thân trung ấm trong bóng tối kinh hoàng cố chạy thoát lại bị tấn công bằng những trận mưa đá toàn máu mủ, bị ám ảnh bởi những âm thanh la hét của ma quỷ, bị yêu quái và thú dữ săn đuổi. Trước mặt luôn luôn có ba cái hố thẳm sâu. Cứ thế gió nghiệp cuốn trôi, không nơi vịn níu.

– Những cuồng phong đẩy trung ấm đi. Bị kinh hoảng ngốn ngấu, bị thổi dạt như những nhụy hoa bay trước gió, trung ấm lang thang vô vọng, tìm nơi trú ẩn”.

Như vậy, chúng ta thấy những gì các tổ Tây Tạng đã thấy ở đây cũng giống như những gì Đức Phật đã nói tỉ mỉ cách đây 26 thế kỷ. Chúng ta mắt thường không thấy được nhưng chúng ta hiểu và tin một khi đừng động loạn, giới hạnh thanh tịnh, định tâm sáng tỏ thì tuệ nhãn sẽ sáng.


[1] Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 700-705.

[2] Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 706-7.

[3] Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 708-13.

[4] Sống Chết Bình An (từ cuốn Tạng Thư Sống Chết – The Book of Dealth, Sogyal Ripoche soạn, do ni sư Trí Hải dịch), Tỳ-kheo-ni Diệu Khiết trích đoạn, 1997, tr. 44-7.