Chương 14. Định nghĩa thiện và vĩ đại
I. DỊCH NGHĨA
Có vị sa môn hỏi Đức Phật:
– Thế nào là thiện? Cái gì là vĩ đại nhất?
Đức Phật dạy:
– Thực hành Đạo đế, bênh vực chân lý là thiện. Tâm chí tiếp hợp với đạo là vĩ đại nhất.
II. LƯỢC GIẢI
Cũng với thể loại vấn đáp đơn giản, ngắn gọn, kinh văn của chương 14 này lại định nghĩa đến hai thuật ngữ khá quen thuộc, đó là “thiện” và “vĩ đại” một cách súc tích với sắc thái của giáo lý Bắc tông.
Được hỏi thế nào là thiện, Đức Phật trả lời: “Thực hành Đạo đế, bênh vực chân lý là thiện”. Định nghĩa thiện này hoàn toàn lập cước trên nền tảng học lý Đại thừa Phật giáo. Nếu như ở phần lược giải của chương 4, chúng ta đã biết, thiện theo quan điểm truyền thống của Phật giáo Nam tông là không bệnh hoạn, là tốt đẹp, là khôn khéo, là không lỗi lầm, là có quả an vui[1] thì định nghĩa của kinh này súc tích hơn, xác đáng hơn. Thiện gồm hai phạm trù, thực hành Đạo đế và bênh vực chân lý. Đây cũng chính là nét đặc sắc của Kinh Bốn Mươi Hai Chương so với các kinh hệ Nikaya.
Đề cập đến Đạo đế, ta hiểu ngay rằng Đạo đế là chân lý về con đường diệt khổ. Con đường diệt khổ, theo sớ giải của các luận sư Bắc tông là 37 phẩm trợ đạo pháp, đứng đầu là 8 chánh đạo, kế đến là 7 giác chi, 5 căn, 5 lực, 5 tinh tấn, 4 như ý túc và 4 niệm xứ. Riêng đối với Phật giáo Nam tông, con đường diệt khổ là Bát Chánh Đạo. Vì trong 8 chánh đạo đã bao hàm 37 phẩm trợ đạo pháp.
“Này các Tỳ kheo, tu tập thánh đạo tám ngành làm cho sung mãn, 4 niệm xứ được tu tập đi đến viên mãn, 4 chánh cần, 4 như ý túc, 5 căn, 5 lực và 7 giác chi đều đi đến viên mãn.”[2]
Trên cơ sở đó, tám chánh đạo được xem là con đường diệt khổ độc nhất cứu cánh, hướng đến xuất ly sinh tử, giải thoát Niết bàn: “Thánh đạo tám ngành, nếu tu tập làm cho sung mãn đưa đến Niết bàn, đưa đến cứu cánh tịch diệt.”[3]
Ở một đoạn kinh khác, tám chánh đạo còn gọi là Trung Đạo.
“Thế nào là Trung Đạo? Này các Tỳ kheo, do Như Lai giác hiểu, đưa đến an tịnh thắng trí, giác ngộ Niết bàn. Chính là con đường thánh tám ngành.”[4]
Như vậy, khi phân chia chi tiết, chúng ta thấy:
– Có chánh tri kiến là thiện: Chánh tri kiến bao gồm thông đạt Tứ diệu đế, thông đạt nhaân quả báo ứng, thông đạt bản chất vô thường, vô ngã của các pháp về mặt hiện tượng, còn bản thể là bất sinh, bất diệt…
– Có chánh tư duy là thiện: Chánh tư duy là một thứ tư duy ly khai các loại suy luận thuần lý nằm trong nhị biên (có không), tứ cú (có, không, vừa có vừa không, chẳng có chẳng không). Hay nói đúng hơn, nó là một thứ tư duy xuất ly tư duy, và vô tam độc, tam bất thiện căn tư duy (tư duy không mang sắc thái tham, sân, si).
– Có chánh ngữ là thiện: Chánh ngữ là từ bỏ lời vọng ngữ, lời ly gián ngữ, lời độc ác, lời phù phiếm. Là nói đúng chân lý, đúng bản chất của vấn đề, không quanh co. Là ái ngữ, nhu nhuyến ngữ, chân thật ngữ.
– Có chánh nghiệp là thiện: Bao hàm những hành vi luân lý, ôn hòa, từ bi của Phật giáo như không sát sinh, không trộm cắp, không tà hạnh, không vọng ngữ, không uống rượu.
– Có chánh mạng là thiện: Chánh mạng là nếp sống đạo đức, phạm hạnh, hiền lương không phương hại đến lợi ích tha nhân, từ bỏ ác, làm điều lành, giữ tâm ý thanh tịnh, không gây tệ trạng cho xã hội…
– Có chánh tinh tấn là thiện: Chánh tinh tấn bao gồm bốn phạm trù tu tập. Điều ác đã làm, quyết không làm nữa. Điều ác chưa làm không bao giờ làm. Điều thiện đã làm ra sức phát huy. Điều thiện chưa làm, tạo điều kiện thực hiện.
– Có chánh niệm là thiện: Chánh niệm là vô niệm, là khéo quán tuệ, không tác ý bất thiện, tĩnh lự, tỉnh giác, với mục đích điều phục mọi tham ưu ở đời.
– Có chánh định là thiện: Chánh định ly các dục pháp (dục giới, sắc giới, vô sắc giới), lậu pháp (dục, kiến, hữu, vô sinh), tu tập sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền.[5]
Đó là phạm trù thứ nhất của thiện. Phạm trù còn lại là “bênh vực chân lý”, chân lý là một khái niệm tương đối trừu tượng. Theo Bắc tông, chân lý là Tứ diệu đế, lục độ vạn hạnh, ngũ minh, và quan trọng là nguyên lý bất sinh, bất diệt của các pháp. Theo Nam tông, chân lý chính là Tứ diệu đế hay đơn giản hơn “các hành là vô thường, các hành là khổ (tương đối), các hành là vô ngã.”[6] Bênh vực chân lý là bảo vệ, giữ gìn, bênh vực những nguyên lý tuệ giác đó, dù có phải trả giá bằng sinh mạng.
Một vấn đề khác được nêu lên trong pháp thoại, là câu hỏi của một vị sa môn tham vấn Đức Phật về nhận thức quan với điều gọi là “vĩ đại nhất”. Nếu như quan điểm truyền thống của Bà la môn cho rằng vĩ đại nhất là người hội đủ năm đặc tính: 1/ Bà la môn thuần chủng. 2/ Tinh thông ba tập Veda, nhân tướng học, tự nhiên học. 3/ Dung mạo tuấn tú, đẹp trai. 4/ Nếp sống mẫu mực theo Bà la môn. 5/ Thông minh xuất chúng (Trường II, Kinh Sonadanda, tr. 130), thì Đức Phật cho rằng “tâm chí tiếp hiệp với Đạo là vĩ đại nhất”. Nội dung của Đạo như đã lược trình bày ở trên cũng như khái niệm “chí đạo” ở chương 13 và chương 2: “Vô niệm, vô tác, phi tu, phi chứng”. Tiếp hợp với đạo là tiếp hiệp với tám chánh đạo, là tiếp hiệp với nguyên lý “Vô niệm, vô tác, phi tu, phi chứng”. Cái vĩ đại như vậy mới thật sự là vĩ đại nhất. Vì khi tâm chí đã tiếp hiệp các chân lý, tâm hành giả sẽ xu hướng đến thiện pháp, ly bất thiện pháp, xu hướng đến Niết bàn, giải thoát: một sự vĩ đại của các vĩ đại.
Nhìn chung, cả hai định nghĩa về “thiện” và “điều vĩ đại nhất” của Đức Phật trong chương này thật siêu việt. Đồng thời, đây cũng là mốc đánh dấu những nét đặc thù trong nhận thức quan của Phật giáo Bắc tông là khúc chiết, sâu sắc. Thiện không chỉ là những hành vi luân lý đạo đức theo nghĩa thông thường, mà thật sự còn liên quan đến những phạm vi nhân bản và siêu nhân bản Phật giáo, nhân sinh quan và thế giới quan Phật giáo. Thiện còn liên quan đến nhận thức luận, và tam tuệ học giới (chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng), định (chánh ngữ, chánh niệm, chánh định) và tuệ (chánh kiến, chánh tư duy). Cũng như gọi là vĩ đại nhất, chưng bởi, tâm hiệp với chí đạo, với đạo đế, với nguyên lý siêu lý luận, thực chứng như đã nói.
Do đó, chương này còn xem là chương đặc thù của giáo lý Bắc tông trong Kinh Bốn Mươi Hai Chương.
[1] Bộ Pháp Tụ, tr. 24.
[2] Tương Ưng Bộ Kinh V, tr. 49.
[3] Tương Ưng Bộ Kinh V, tr. 11.
[4] Tương Ưng Bộ Kinh V, tr. 424.
[5] Theo Tương Ưng Bộ Kinh V, tr. 810.
[6] Dhp.277-279