Chương 15. Nhà sư chất vấn vị triết gia
Matthieu: Ba thường nói rằng nếu Phật giáo nhắm vào việc lột mặt nạ cái ”tôi” và cái tôi này không thực sự hiện hữu, vậy có ích gì để hành động? Ai sẽ chịu trách nhiệm về hành động của mình? Thật ra, dù có quan niệm cái ”tôi” không có thực thể, mọi hành động đều đem đến một hậu quả. Nhưng vật lý học đương đại cũng biến chúng ta thành những hạt bụi, những “quarks”. Vậy thì đến phiên con hỏi lại Ba: Nếu chúng ta là những hạt bụi rõ ràng không chứa đựng một vết tích nào về cá nhân chúng ta, vậy theo Ba chúng ta hành động để làm gì? Suy nghĩ, yêu đương, lo âu về hạnh phúc và đau khổ để làm gì? Vì chúng ta là những hạt bụi kia mà.
Jean Francois: Phải, đấy là một lập luận rất xưa cũ trong một vài triết thuyết ở Tây phương. Cơ cấu tâm lý học cũng nói gần giống như vậy. Có thể là một phản ứng với chủ nghĩa hiện sinh đặt nền tảng trên sự tự do, sự lựa chọn cá nhân và trách nhiệm sau cùng của mình. Cơ cấu tâm lý học nói rằng: ”Không, thật sự con người không hiện hữu, chỉ có những cơ cấu hình thành nên hắn hành động mà thôi.”
Matthieu: Họ định nghĩa cơ cấu như thế nào?
Jean Francois: Vì họ là những triết gia nên họ định nghĩa khá rắc rối. Nói chung họ cho đó là những thực thể cấu thành luật chi phối những hoạt động có tổ chức. Epicure cũng nói: “Chúng ta là tổng hợp những nguyên tử, cái mà ta gọi là linh hồn chỉ là một sự lắp ghép các nguyên tử.” Vì thế chúng ta đừng bận tâm về những tình cảm, những đau khổ, ham muốn, sợ hãi. Đối chiếu hiện tượng với thực tại đằng sau chúng là một quan niệm lỗi thời. Rõ ràng là với kinh nghiệm sống động, con người có những cảm giác, những tình cảm thật sự trong lòng hắn.
Matthieu: Đúng là điều mà Phật giáo đã nói: dù đau khổ có là ảo hóa đi nữa, đau khổ cũng được nhận biết và như vậy rất đang và rất hợp lý làm tan biến nó đi. Con không hiểu tại sao người ta lại lên án Phật giáo khi nói rằng: nếu cái tôi không tiếp diễn qua các giai đoạn của cuộc đời, nếu nó là ảo hóa, thì cần gì phải bận tâm về hạnh phúc.
Jean Francois: Vậy là Ba sẽ cắt nghĩa cho con! Ví dụ có một tảng đá rơi trên nhà con, làm sập nhà và giết hại một phần gia đình con. Con gọi chính quyền sở tại, bác sĩ, các đội cứu thương và người ta lại gửi đến một nhà địa chất học. Ông ta nói: “Nghe này, điều xảy ra hoàn toàn bình thường. Anh biết không, trái đất xoay và luôn luôn có chuyển động trong các địa tầng và các cuộc va chạm vào nhau. Như vậy không có điều gì bất thường.” Cả con và ông địa chất đều không cùng chung một tiếng nói về hiện tượng đã xảy ra. Ông địa chất có lý của ông ta, còn con thì bị tấn bi kịch đè nặng. Việc những người dân sống trong những vùng thường bị bão lụt mà người ta giải thích bằng khí tượng học, cũng không vì thế mà bớt đi sự nguy hiểm hay tai họa ập lên đầu họ. Cả hai cái thực tế đó đi song hành, và không có cái này chối bỏ được cái kia.
Matthieu: Vậy là Ba đã đồng ý khi Phật giáo cho là cái ngã không có thực thể, cũng không vì thế mà thờ ơ với hành động, với hạnh phúc hay đau khổ của chính mình hay với kẻ khác.
Jean Francois: Các nền minh triết đều có chung một quan niệm là ảnh hưởng mà tôi có thể có trên diễn tiến sự vật ở đời là một ảo tưởng, vì nó mà tôi hy vọng rồi lại thất vọng, vui sướng rồi lại sợ hãi, và nếu tôi khẳng định cái Ngã là không gì cả, tôi chỉ là một trạm dừng chân tạm thời, tôi sẽ có được một sự thanh thản. Nhiều nền minh triết đã nghĩ là như vậy- lập luận của phái khắc kỷ và của Spinoza cũng cho là như vậy. Nhưng than ôi, thực tế phũ phàng lại đi ngược cái lập luận đó.
Matthieu: Và cũng chính là sự chống đối đó là nguyên nhân của những dằn vặt của chúng ta. Chúng ta dính mắc quá sâu đậm vào cái Ngã mà không nghĩ rằng làm tan biến nó đi, chúng ta sẽ giải quyết mọi vấn đề. Chúng ta giống như một kẻ bị thương không dám gỡ bỏ các sợi chỉ khâu vết thương. Và anh khắc kỷ thì chỉ đưa đến một sự cam chịu thụ động, còn anh Phật tử đã chối bỏ cái tôi, thì đi đến sự giải thoát.
Jean Francois: Không phải thế. Người khắc kỷ chỉ muốn làm đúng theo thiên nhiên, chớ không phải là thụ động. Anh ta không cam chịu những gì xảy đến như là do định mệnh, nhưng anh ta chấp nhận là do ý muốn của Thượng đế. Spinoza lập lại khía cạnh đó và cho là Thượng đế hay là thiên nhiên. Sự tiến đến minh triết là không chịu nhận mình làm một món đồ chơi của thiên nhiên, nhưng là tự mình quyết định lấy vận mạng của mình.
Matthieu: Nói chung quan niệm ấy giống như quan niệm về nghiệp của Ấn Độ giáo. Ấn giáo cho rằng lý tưởng trong cuộc đời là chấp nhận hoàn toàn số phận đã dành cho chúng ta mà không chống đối. Quan điểm của người Phật tử có khác: hắn chấp nhận hiện tại vì lẽ cái gì đang xảy ra là kết quả của những việc làm xưa cũ. Nhưng tương lai là tùy thuộc ở hắn. Hắn đang ở một ngã tư đường. Hiểu được cái ngã không thật có, không dẫn đến việc chấp nhận một cách dũng cảm cái gì đang đến, nhưng là để hành động tự do hơn, không còn bị cái tôi ràng buộc, một cái tôi là đầu mối của một chuỗi dài thương và ghét. Thoát ra khỏi sự vị ngã sẽ cho ta tự do hành động hơn. Quá khứ đã qua rồi nhưng tương lai thì chưa đến.
Jean Francois: Ba hiểu rõ giá trị của con người có thể kìm chế tình cảm của mình, những đam mê, nói chung là tự ngã của mình để quan sát sự việc sáng suốt hơn. Đó là một đảm bảo cho sự tự chủ giúp cho hắn hiểu rõ cuộc đời và có hành động thích ứng. Tuy nhiên Ba tin rằng mọi cố gắng để diệt cái ngã đã làm tê liệt mọi cảm giác mỗi khi gặp hoàn cảnh trái ngang, khó chịu hoặc giả cái cảm giác phải lựa chọn một thái độ đạo đức thích hợp, phải tránh phạm sai lầm và cái ý niệm là hành động con người không phải luôn luôn là sáng suốt, can đảm và hiệu quả, nói tóm lại, mọi cố gắng để dứt trừ sự bất an, cũng như tinh thần trách nhiệm đều luôn luôn thất bại.
Matthieu: Tây phương có vẻ khó hiểu được rằng khi con người chứng ngộ được vô ngã, hắn ta sẽ quả cảm hơn, cương quyết hơn trong hành động. Nó sẽ mở rộng sự hiểu biết của chúng ta về nguyên nhân của hạnh phúc và đau khổ. Nó sẽ giúp ta hành động đúng hơn. Sự dính mắc vào cái ngã không hề làm cho chúng ta nhận xét tốt hơn, trái lại nó làm mờ tối chúng ta. Nếu hành động của chúng ta không sáng suốt, thiếu can đảm là vì, như Ba đã nói, chúng ta là món đồ chơi của cái ngã này. Có một câu nói: “Cái nhìn của thánh nhân xa hơn trời cao, sự thấu hiểu luật nhân quả của họ còn tinh tế hơn bột mì.” Chúng ta không chống lại được kết quả cái gì chúng ta đã gieo, nhưng chúng ta có thể xây dựng tương lai bằng cách biết phân biệt cái gì đưa đến tai họa và cái gì làm ta thoát ra được. Và ta có thể cho rằng định mệnh không quyết định tương lai của ta.
Jean Francois: Con hoàn toàn đồng ý theo chiều hướng của phái khắc kỷ cũng như Spinoza đã muốn chứng minh rằng ngoài cái đang đến, không có gì khác xảy ra.
Matthieu: Chúng ta đã nói nhiều về Phật giáo theo hướng đem một ý nghĩa vào cuộc đời. Vậy là theo Ba và theo cái trào lưu tư tưởng mà Ba đại diện, cái gì đem lại ý nghĩa cho cuộc đời?
Jean Francois: Trước tiên Ba không đại diện cho một trào lưu tư tưởng nào. Ba cố gắng tìm hiểu những người đang sống hay những người đã từng sống, điều không phải là dễ dàng. Để có thể trả lời con, Ba muốn dựng lên một hoàn cảnh cho những lộ trình mà tư tưởng Tây phương đã đi theo. Từ lúc khai sinh văn minh Hy lạp vì là khởi điểm văn minh Tây phương, có ba loại giải thích về câu hỏi về ý nghĩa của cuộc đời. Thứ nhất là giải thích tôn giáo, chủ yếu là sự vượt trội của những nhất thần giáo như Do Thái giáo, Cơ đốc giáo và Hồi giáo. Đó là cách giải thích đặt cứu cánh cuộc đời về cõi bên kia hay về một sự thăng hoa tinh thần và vì thế phải có những việc phải làm, những luật phải tôn trọng để cứu rỗi linh hồn bất tử. Linh hồn sẽ có một cuộc sống vĩnh hằng ở cõi bên kia tùy theo công lao của con người trong cuộc đời này. Nói chung dựa trên cái bệ đó mà phương Tây với sự giúp đỡ của các tôn giáo đến từ cận Đông đã đi tìm ý nghĩa cuộc đời qua nhiều thiên niên kỷ. Giải thích tôn giáo cũng không ngăn được cá nhân mỗi người đi tìm hạnh phúc và sự quân bình trên cõi đời này bởi những hành động dựa trên thực tế cuộc sống. Từ anh nông dân muốn có một mùa thu hoạch tốt đến ông vua tàn bạo luôn tìm cách giết hại những kẻ chống đối, hay những thương gia tìm cách làm giàu. Ta có thể nói, ngoài những tu sĩ, những nhà thần học dành cuộc đời mình mưu tìm sự giải thoát, những người khác đi tìm hạnh phúc thực trên dù là đôi khi cũng phạm tôi, tuy là vẫn theo đuổi một sự sống vĩnh hằng ở cõi bên kia. Hai mục tiêu này có thể dung hoà được vì lẽ việc mưu tìm hạnh phúc đòi hỏi phải có sự tha thứ, sự thú nhận tội lỗi sự rửa tội và sự cứu rỗi các tội lỗi ở thế gian.
Matthieu: Có chăng những nền văn minh dựa trên một thuyết siêu hình quan niệm nhiều đời sống khác nhau sau khi chết và trước khi sinh ra. Trong những đời sống đó các giá trị tinh thần thắm đượm mọi hoạt động hàng ngày, do đó không thể có hành đông nào gọi là tầm thường được.
Jean Francois: Trên nguyên tắc, đó là điều mà Cơ đốc giáo muốn thực hiện. Nhưng khả năng con người muốn làm ngược lại lý tưởng do chính mình đặt ra cũng rất lớn.
Matthieu: Tuy nhiên, nếu sống đúng theo tôn giáo thì đâu cần nghĩ đến cõi bên kia. Nhưng chỉ cần làm cho mỗi hành động hiện tại có ý nghĩa.
Jean Francois: Trên lý thuyết là đúng. Cơ đốc giáo gồm những lời dạy trước tiên phải sống như thế nào trong cuộc đời này. Tùy theo cách ta sống ta mà ta sẽ được cứu rỗi hay không.
Matthieu: Thêm vào các lời dạy đó, có chăng một viễn tưởng siêu hình chi phối vào cuộc sống thường nhật.
Jean Francois: Hãy thận trọng! Ba đang nói về những điều đã xảy ra ở Tây phương. Ba không bảo con rằng theo giải pháp tôn giáo ta có thể làm bất cứ điều gì trên đời nhưng sau cùng cũng được cứu rỗi như người ta vẫn thường tin từ bấy lâu nay. Vì lẽ dân chúng châu Âu đã sống trái với đạo lý Cơ đốc trong hai ngàn năm, giết hại lẫn nhau, nô lệ hóa người khác, cướp bóc nhau, ngoại tình nói chung phạm vào mọi tội ác căn bản, nhưng vẫn hằng nuôi ý nghĩ sẽ được lên thiên đàng miễn là trước khi chết chúng được xưng tội và chịu thánh lễ rửa tội giáo hội, những vị linh mục dành cả thời gian để nhắc nhở tín đồ thế nào là tội lỗi và phải sống thế nào cho đẹp ý Chúa. Điều mà Ba muốn nhấn mạnh là đi tìm một ý nghĩa cho cuộc đời theo chiều hướng tôn giáo, cũng không ngăn cản người ta đi tìm hạnh phúc trong đời sống thường nhật và cũng không nên quên rằng những hạnh phúc này hoàn toàn phù hợp với đạo lý Cơ đốc. Việc có một mái nhà, một gia đình, vui thích vì được một vụ mùa tốt hay làm giàu chân chính, đều không có gì phải cấm cản. Nhưng cũng có những hành động rõ ràng vi phạm giáo điều Cơ Đốc. Tuy nhiên vì Cơ đốc giáo là tôn giáo hướng về tội lỗi con người, về sự sám hối và sự cứu rỗi, nên vấn đề được vận hành theo chiều hướng biện chứng đó.
Matthieu: Trong trường hợp đó, có lẽ người ta nên xem xét đến khả năng mà các tôn giáo lớn cũng như những truyền thống tâm linh sáng tạo nên một sự hòa hợp giữa lý thuyết và thực hành. Ai cũng hiểu rằng con người rất khó thay đổi, rất khó thể hiện Phật tính sẵn có. Một truyền thống tâm linh rất có thể được đánh giá, một mặt do sự nhận xét đúng đắn về siêu hình của nó, mặt khác do hiệu quả các phương pháp mà nó đề ra giúp cho sự cải tạo nội tâm con người.
Jean Francois: Dĩ nhiên một chút phù hợp giữa lời nói và việc làm đâu có hại gì. Con đường thứ hai để đem đến một ý nghĩa cho cuộc đời là con đường triết học theo nghĩa cổ đại. Sự đi tìm minh triết, an ổn nội tâm gồm có sự dứt bỏ những đam mê, những tham vọng phù phiếm và dành tất cả nghị lực cho những tham vọng cao cả hơn trên bình diện tinh thần, tâm linh, mỹ thuật, triết lý hay đạo lý để có thể làm cho việc giao tiếp với nhau, cũng như cuộc sống cộng đồng tốt hơn. Đây là quan niệm của những bậc thánh hiền cổ xưa, đôi khi với Platon thì hơi thiên về tôn giáo siêu hình hơn, đôi khi với phái khắc kỷ thì thiên về sự thanh thản liên tục, sự quân bình nội tâm, sự xa rời các đam mê, chính trị, tình dục hay những ham muốn khác. Sự minh triết mà chúng ta tìm thấy trong quyển: “Thư cho Lucilius” của Sènèque hoặc là gần đây hơn ở Montaigne đã cho chúng ta những lời dạy để có được một sự tự do nội tại, một sự xả ly ham muốn. Tuy nhiên điều này không ngăn cản ta hưởng thụ những thú vui của cuộc sống nhất là những thú vui tinh thần. Con đường thứ hai này đã bị bỏ rơi từ thế kỷ 17 và 18. Triết học đi đôi với khoa học vừa mới khai sinh từ thế kỷ 17, đã chuyển hướng sang việc tìm hiểu tri kiến thuần túy, việc giải thích lịch sử, bỏ qua việc tìm hiểu đời sống con người cũng như tìm một ý nghĩa cho cuộc đời.
Matthieu: Tức là tìm hiểu sự kiện.
Jean Francois: Đúng, nhờ khoa học, người ta có thể tin chắc chắn rằng có điều gì đó gọi là khách quan, một sự hiểu biết dành cho mọi người, chớ không riêng cho vị thánh nhân.
Matthieu: Sự hiểu biết về tâm linh cũng dành cho mọi người nếu chịu khó tìm hiểu và thâm nhập vào. Đó là cách để trở thành một người hiền. Nếu không, một sự hiểu biết khách quan mà mọi người có thể đạt được mà không cố gắng, sẽ chỉ là một mẫu số chung của sự hiểu biết. Ta có thể nói đến một sự tiếp cận thiên về lượng hơn là về phẩm.
Jean Francois: Nên nói rằng ở phương Tây người ta đi từ sự tin tưởng đến sự tìm bằng chứng để giải thích sự tin tưởng đó.
Matthieu: Hoa trái của sự hành trì tâm linh, sự tự tại, sự hăng hái, sự sáng suốt và các biểu hiện của nó, lòng từ, tâm xả, sự kiên nhẫn rõ ràng là bằng chứng hơn là sự tin tưởng suông. Người ta nói rằng lòng vị tha và sự làm chủ bản thân đều là dấu hiệu của sự giác ngộ bản thân cũng như dứt khỏi ràng buộc tình cảm là dấu hiệu tiến bộ trong thiền định. Những đức tính này ăn sâu vào con người chúng ta và bộc lộ qua các hành động.
Jean Francois: Theo dòng lịch sư, sự tin tưởng vào khoa học thay thế sự tin tưởng về minh triết. Đó là bước đầu của cái gọi là ”Triết lý của ánh sáng”. Ánh sáng gì? Ánh sáng của lý trí để có thể hiểu được sự vận hành của thực tại xua tan các ảo tưởng, các đam mê, các sự tin tưởng điên rồ, những sự mê tín. Từ đây, việc chinh phục trí tuệ nội tại phải đi qua con đường nhận thức khách quan. Để dùng danh từ của thời đại, đó là ngọn đuốc của lý trí sẽ soi sáng cho vấn đề hạnh phúc của con người.
Matthieu: Phật giáo thì nói đến ngọn đuốc trí tuệ, nếu không có trí tuệ thì một mình lý trí chỉ đưa đến hạnh phúc phù phiếm.
Jean Francois: Quan niệm mới phát sinh từ thế kỷ 18 và tiếp tục suốt thế kỷ 19, đó là sự tiến bộ về đạo lý và khoa học xuất phát từ lý trí sẽ giải thích cho chúng ta những bí ẩn còn cất giấu của vũ trụ, cũng như về sự vận hành của con người. Chính cái cặp lý trí tiến bộ sẽ mang đến hạnh phúc cho chúng ta. Trong một chiều hướng nào đó cũng không phải là sai. Khoa học đã đem lại một sự cải thiện lớn về đời sống con người. Đừng quên rằng trong năm 1830, tuổi thọ con người chỉ là 25 tuổi. Người ta đã không thể chữa được bệnh gì. Rất ít người còn đủ răng khi 30 tuổi nếu sống được đến đó. Bệnh đậu mùa đã tàn hại rất nhiều sinh mạng ở Anh Quốc và sự khám phá ra thuốc chủng thật sự đã gây nên một tiếng vang lớn mà Voltaire đã nói đến rất nhiều. Sau cùng thì mọi sự cũng đã bắt đầu thay đổi rõ rệt. Con sẽ nói rằng: đó là thay đổi về chất lượng. Tuy nhiên sự cải thiện thực tiễn về vật chất rất cần cho đám đông khiến chúng ta phải nói rằng: chúng ta đang đi vào một kỷ nguyên mới. Thế giới, không phải như người xưa đã nghĩ, luôn luôn lập đi lập lại, mà có thể thay đổi và chính là nhờ sự tiến bộ do khoa học và sự tìm hiểu các luật tự nhiên nhờ đó con người sống và sẽ sống tốt hơn.
Matthieu: Điều vừa nói chỉ nhắm vào việc cải thiện đời sống con người, chớ không đem lại một ý nghĩa nào cho cuộc đời. Mà tại sao chỉ lo phát triển một mặt còn bỏ quên mặt kia?
Nhờ đời sống được cải thiện, mỗi chúng sinh có khả năng nhiều hơn để đạt đến trí tuệ. Rất tốt khi truyền rao sự minh triết cho đám nông dân mù chữ chết vì đói rét khi mùa đông đến, hay khi có bệnh dịch. Tuy nhiên để họ có thể hưởng lợi nhờ sự dạy dỗ của Sénèque, họ phải sống vào một thời mà học thuyết của Sènèque có thể áp dụng được. Cái ý niệm đối chiếu những ích lợi vật chất nhờ vào tiến bộ khoa học với những thành tựu tâm linh mà con người có thể đạt đến theo Ba có vẻ phản động. Đó là một phản đề hoàn toàn sai. Khi những người của thế kỷ 18 nói đến sự tiến bộ, họ không nghĩ là khoa học có thể giải quyết mọi vấn đề về hạnh phúc cá nhân của họ. Họ nghĩ rằng khoa học cho họ một cái khung trong đó họ có nhiều cơ hội để đạt tới một sự thanh thản.
Matthieu: Trở lại ví dụ của Ba về những người nông dân khốn khổ. Nó làm con nhớ lại những người dân du mục Tây Tạng đã phải chịu một cái lạnh cùng cực và sống vô cùng đơn giản. Nhưng những người này họ sống vô cùng thoải mái khác xa hạng được ưu đãi. Cho dù ngay bây giờ đây, những người nông dân ấy họ vẫn sống an ổn và thanh thản. Con đã có dịp sống nhiều tháng trong các thung lũng xa xôi ở Bhoutan và Tây Tạng không có đường sá, không có điện và ở đấy không có một nét nào của đời sống văn minh. Nhưng sự giao tiếp giữa người với nhau khác hẳn với dân ở các đô thị lớn. Và khi việc phát triển vật chất đi đến tột đột sẽ thấy sản xuất những vật dụng hoàn toàn không cần thiết và chúng ta sẽ mắc kẹt trong guồng máy dư thừa. Những dân du mục ở Tây Tạng và những nông dân ở Bhoutan không thể kiếm sống bằng một nhà kinh doanh người Mỹ, nhưng họ biết cách giữ gìn đời sống của họ.
Jean Francois: Việc chỉ trích xã hội tiêu thụ như người ta thường nói vào năm l968 rất phổ biến trong xã hội Tây phương hiện nay. Một lần nữa các triết gia thế kỷ 18 không nói rằng khoa học giải quyết mọi vấn đề trong đời sống con người cũng như đem lại một ý nghĩa cho cuộc đời. Ví dụ Rousseau đã từng ca tụng nên trở về đời sống thiên nhiên. Nhưng họ cũng tin rằng nhờ vào hiệu quả của giáo dục, của sự tự do lựa chọn cách sống, nhờ vào những học thuyết, những tôn giáo mà con người có thể sống đàng hoàng hơn. Từ đó nảy sinh ra lòng khoan dung vào thời điểm đó. Khi con nói về những nông dân Tây Tạng được sống hạnh phúc nhờ Phật giáo, nhưng họ đâu có được lựa chọn cái gì khác hơn đâu. Họ đâu có thư viện để tự hỏi ta có nên cải đạo vào Tin lành hay không? Cũng như Cơ đốc giáo vào thời Trung cổ, người nông dân thời ấy cũng bị bắt buộc mà thôi. Cái anh du mục Phật tử Tây Tạng có thể rất hạnh phúc và Ba mừng cho anh ta, nhưng ta cũng không thể nói là anh ta tự do chọn lựa một lối sống khôn ngoan nào đó. Anh ta chỉ chọn cái cách sống mà xã hội dành cho anh ta.
Matthieu: Con không chắc rằng phải thử tất cả để hiểu giá trị một điều gì đó. Lấy ví dụ nước tinh khiết và trong lành. Kẻ uống nước đó biết rằng nó tốt và cũng không cần nếm những nguồn nước khác ở lân cận. Cũng như thế, những người đã nếm qua niềm vui thiền định, không cần ai chứng thực bằng chính kinh nghiệm của họ. Niềm an lạc trong tâm của họ không hề dối trá. Con xin kể ra đây vài câu hát của một hành giả Tây Tạng khi đạt đến giác ngộ:
– Hôm nay tôi trèo lên ngọn núi từ thảo am của tôi.
– Trên đỉnh núi, tôi ngước mắt nhìn và thấy bầu trời không mây.
– Và nó nhắc tôi đến không gian tuyệt đối không giới hạn.
– Và tôi cảm nhận một sự tự do không bờ bến không có gì cản trở tầm mắt của tôi.
– Nhìn thẳng trước mặt, tôi thấy mặt trời thế gian.
Ánh sáng không bị che lấp, nhắc tôi đến giây phút thiền định.
Và tôi đã kinh nghiệm được một sự rỗng không hoàn toàn không vướng mắc bởi suy tư.
– Tôi quay đầu về hướng Bắc và thấy một dãy cầu vồng đan tréo nhau.
– Cảnh tượng đó nhắc tôi rằng mọi hiện tượng đều trống rỗng.
– Và tôi kinh qua một kinh nghiệm không nhị nguyên, một sự trong sáng hồn nhiên hoàn toàn không dính mắc với những quan niệm về hư vô hay vĩnh cửu.
– Cũng như không có bóng tối giữa mặt trời.
– Với người ẩn tu, vũ trụ và chúng sinh đều hoàn hảo và ông ta rất hài lòng.
– Cũng như không có đá sỏi trên một đảo vàng.
– Với người ẩn tu âm thanh là lời cầu nguyện và ông ta rất hài lòng.
– Cũng như cánh chim bay qua bầu trời trong mà không để lại dấu vết.
– Với người ẩn tu, tư tưởng là thiên nhiên tuyệt đối, và ông ta rất hài lòng.
Người đã viết những dòng thơ này không cần phải đi vòng quanh thế giới, đến hưởng thú vui ở New York, hoặc đến mặc tưởng trong đền thờ Tin Lành, để có được một ý niệm rõ ràng về kinh nghiệm nội tâm của ông ta. Hơn nữa ông ta cũng không chắc là sự tự do lựa chọn mà Ba vừa nói lại có thể lớn như thế trong xã hội ngày nay. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã lưu ý rằng: “Khi quan sát đời sống trong thành thị, ta có cảm tưởng tất cả các mặt của cuộc đời đều đã được định sẵn một cách chính xác giống như một cái đinh ốc vặn vừa vào một lỗ hổng. Nói cách khác chúng ta không thể nào kiểm soát cuộc sống mà để cho nó cuốn đi, và để tồn tại thì chúng ta phải chạy theo nhịp điệu mà nó sai khiến ta”.
Jean Francois: Nếu gần đây Tây phương chú ý đến Phật giáo, vì ước mong có một sự minh triết tâm linh, đó là vì Tây phương đã so sánh kinh nghiệm quá khứ và hiện tại: Đi theo cái triết lý ánh sáng là một hy vọng dựa trên sự phát triển khoa học và cũng dựa trên nhu cầu khẩn thiết về sự quảng bá giáo dục. Từ đó nảy sinh ra quan niệm được thực hiện một thế kỷ sau đó, về giáo dục bắt buộc, phi tôn giáo và miễn phí cho mọi người. Cũng có nghĩa là không chống tôn giáo mà là phi tôn giáo, không theo một học thuyết nào cả. Mọi thứ kết hợp với sự khoan dung trong tự do lựa chọn đã cho đời sống một ý nghĩa. Ngoài ra dù cho cái văn minh vật chất đó của khoa học ứng dụng, của kỹ nghệ có thể tạo nên những nhu cầu không cần thiết, bừa bãi và viển vông, đó là điều chắc chắn phải xảy ra. Epicure đã nói rằng mỗi nhu cầu được thỏa mãn, tạo thêm những nhu cầu mới và tăng thêm cảm giác thiếu thốn. Cũng vì thế mà ngày nay có nhu cầu lớn là nên trở lại các nền triết học Hy Lạp cổ xưa cũng như Phật giáo.
Matthieu: Cũng cần phải hiểu ràng giáo dục không phải là để có nhiều kiến thức khoa học, kỹ thuật lịch sử mà nó cần nhắm đến sự đào tạo thật sự con người.
Jean Francois: Đúng vậy. Nhưng hãy nói qua về khía cạnh thứ ba của quan niệm Tây phương về ý nghĩa cuộc đời từ thế kỷ 18. Quan niệm này khởi điểm từ những không tưởng về sự giải thể xã hội từ một cuộc cách mạng 1789 ở Pháp. Cho đến thời ấy chữ cách mạng chỉ có nghĩa là cuộc xoay vòng của một hành tinh chung quanh mặt trời. Danh từ cách mạng đã được dùng theo nghĩa phá vỡ hoàn toàn cơ cấu xã hội từ gốc đến ngọn trong mọi lãnh vực kinh tế, pháp lý, chính trị, tôn giáo và văn hóa. Chủ trương cuộc cách mạng này là những nhân vật tự cho là có cái quyền thanh toán mọi sự đối lập bằng những hành động khủng bố. Dù không đi đến những cực đoan ấy, mặc dù đã xảy ra rất nhiều người, ta có ý niệm là hạnh phúc con người chỉ có thể thực hiện được bằng một sự cải tạo toàn diện xã hội. Phải xây dựng một xã hội công bằng. Và trong viễn tượng đó thật vô ích đi tìm phương cách để làm cho mỗi cá nhân tốt hơn và sáng suốt hơn. Cần phải chữa bệnh tận gốc, do vậy vấn đề ý nghĩa của cuộc đời không còn là một vấn đề cá nhân nữa?
Matthieu: Làm thế nào để hy vọng một tổng thể có thể tốt hơn nếu các thành phần cấu tạo nó không tốt? Người ta không thể làm ra một cục vàng với một đống đinh.
Jean Francois: Vì lẽ chính cái tổng thể đó sẽ ảnh hưởng đến thành phần của nó. Có nghĩa là sự cải thiện con người phải được thực hiện do sự thay đổi từ gốc đến ngọn chứ không phải thay đồi từ từ hay từng phần của xã hội. Khi mà xã hội trở nên công bằng hơn, thì mỗi công dân của cái xã hội đó cũng sẽ công bằng và hạnh phúc. Trong những giả thuyết không tưởng đó, có hai sự góp ý của cái triết lý Ánh sáng, một là sự tiến bộ khoa học có thể mang đến vật chất dồi dào và đảm bảo cho dân chúng không bị thiếu thốn, và mặt khác là lý tưởng về sự giao tiếp tốt trong xã hội. Mỗi công dân xã hội được hưởng lợi nhờ sự công bằng và nhờ vậy có một cuộc sống đạo đức hơn. Đạo đức và hạnh phúc con người cần phải đi qua sự cải tạo nói chung của xã hội. Cá nhân không có đời sống riêng tư nữa, mà đời sống của y là một phần của cỗ máy xã hội.
Matthieu: Vậy thì theo Ba cái gì xảy ra vào cuối thế kỷ thứ 19?
Jean Francois: Các tôn giáo Tây phương không còn hoạt động nữa. Nhà thờ Công giáo có rất nhiều trí thức đáng kính nể. Nhưng dân chúng không còn thích đi nhà thờ và không chịu tuân theo các điều răn. Và người ta thấy rất ít xu hướng về việc đào tạo giáo phẩm. Người ta không có thời gian để nghĩ đến thế giới bên kia chỉ vì những khổ sở vật chất, nạn thất nghiệp. Và tất cả đều đã chấm dứt.
Matthieu: Vậy thì người ta dành cho người già và người trẻ những gì?
Jean Francois: Người ta tiếp tục tin tưởng vào khoa học và hy vọng rất nhiều trong lĩnh vực cải thiện sự sống vật chất và sức khỏe. Nhưng một mặt người ta cũng nhận ra những mặt tiêu cực như ô nhiễm môi trường, những vũ khí hóa học và sinh học, những dịch bệnh không ngớt tràn lan, nói tóm lại là sự phá hoại môi trường. Về mặt khác, người ta cũng ý thức được rằng khoa học không đem lại hạnh phúc cho con người. Trên nền tảng một thế giới có một nếp sống tiện nghi hơn mà chúng ta đang sống, vấn đề riêng tư, vận mệnh của mỗi người cũng giống hệt như thời La Mã. Đơn giản là mọi chuyện không diễn ra suôn sẻ và chỉ có tạo ra nhiều tiêu cực.
Matthieu: Nói tóm lại, hai chúng ta cũng ít nhiều đồng ý với nhau về điều đem đến một ý nghĩa cho cuộc đời không phải là việc cải thiện đời sống vật chất vì chúng ta không phải là những cỗ máy. Cũng không phải là những phép xử thế cần phải tuân theo mà là sự cải tạo tinh thần cho con người.
Jean Francois: Cũng không hẳn là thế. Ba nghĩ rằng mọi sự minh triết mà ta áp dụng để sống đàng hoàng hơn đều có giới hạn. Và giới hạn sau cùng là cái chết. Ba nghĩ phải phân biệt giữa các học thuyết về trí tuệ, có những học thuyết tin tưởng vào một cõi bên kia, vào một sự vĩnh hằng nào đó và cũng có những học thuyết khác tin rằng chết là hết và không có cõi bên kia nào hết. Riêng cá nhân Ba, Ba tin tưởng vào loại học thuyết thứ hai này và vì thế việc đi tìm trí tuệ luôn có tính chất bấp bênh và tạm bợ.
Matthieu: Dù ta chấp nhận có một chuỗi kiếp sống trước và sau kiếp sống này, thì rõ ràng những kiếp sống có cùng một bản chất với kiếp sống hiện tại. Và nếu ta có được trí tuệ trong kiếp sống này, thì trí tuệ đó sẽ lại tiếp tục trong kiếp sống tương lai của ta. Và nếu ta tìm thấy một ý nghĩa cho cuộc đời thì ta đâu cần đến cái chết mới được lợi ích.
Jean Francois: Đúng trí tuệ là vấn đế bây giờ và ở đây. Ba cũng cố gắng trong mọi hoàn cảnh sống theo những đường lối mà qua suy nghĩ, qua kinh nghiệm, do sự học hỏi những nhà tư tưởng lớn mà Ba cho là hữu hiệu theo chiều hướng đưa đến trí tuệ. Nhưng Ba vẫn tin là việc đó không ảnh hưởng gì đến những đời sống mai sau nếu có, mà điều này gợi lên một cái nhìn khác về vũ trụ.
Matthieu: Đúng thôi, nhưng thật là sai lầm khi nói rằng: “Không có gì quan trọng nếu tôi không được hạnh phúc ngay bây giờ mà tôi sẽ hạnh phúc trong kiếp sau.” Đúng là một sự thành tựu tâm linh sâu xa sẽ mang đến những chấn động đưa đến trí huệ lợi ích cho cá nhân và cả cho tha nhân. Đem đến cho cuộc đời một ý nghĩa nhờ vào sự chuyển hóa nội tâm đưa đến trí huệ là một việc làm vượt thời gian, có giá trị ngay trong hiện tại và cả trong tương lai.
Jean Francois: Điều con nói có lẽ đúng với Phật giáo, là một tôn giáo không chỉ nghĩ riêng về cõi bên kia. Nhưng một tín đồ Hồi giáo chỉ sống với ý nghĩ là anh ta sẽ được lên thiên đàng nếu anh ta giữ đúng theo luật thần linh. Cũng giống như những người Công giáo hay Tin Lành. Việc tin vào sự bất tử của linh hồn giải thích phần lớn các lời dạy của Socrate. Học thuyết Socrate-Platon sau cùng chỉ có ý nghĩa khi nó dựa trên một siêu hình học cho rằng thế giới mà ta đang sống chỉ là ảo tưởng, nhưng có một thế giới khác mà ta có thể đạt đến nhờ vào sự suy tư và trí huệ triết học, và trong thế giới đó chúng ta sẽ sống hoàn toàn sung mãn.
Matthieu: Nhưng Ba không nghĩ rằng có một sự minh triết hoàn toàn có giá trị trong hiện tại và trong tương lai? Một chân lý không hề bị hao mòn nếu ta chỉ xem xét đời sống hiện tại. Con nghĩ rằng nhận thức được bản thể của con người, của tâm thức, của vô minh và đau khổ vẫn có giá trị ngay bây giờ và vĩnh viễn về sau. Theo Ba có loại trí huệ nào có khả năng đem đến một ý nghĩa cho cuộc đời mà có thể vượt ngoài thời gian?
Jean Francois: Có những loại trí huệ vừa dựa trên quan niệm siêu hình rằng có những đời sống mai sau, vừa dựa trên giả thuyết: kiếp sống hiện nay là kiếp sống duy nhất. Một phần của Phật giáo cũng chia sẻ quan điểm trên. Thuyết khắc kỷ là một ví dụ khác.
Thuyết khắc kỷ dựa trên một thuyết vũ trụ về một sự tái lập thường hằng của thế gian. Nhưng những người theo thuyết khắc kỷ phân biệt thuyết bí truyền mà chỉ một số ít người có thể hiểu được, và một thuyết công truyền gồm có những lời dạy về cách xử thế ở đời. Quyển sách của Epictète là một khái luận thực hành về những đức hạnh mà ta phải tuân theo để sống tốt hơn. Vậy là có sự phân biệt giữa hai trình độ.
Matthieu: Sự phân biệt giữa bí truyền và công truyền có mặt trong tất cả cái truyền thống kể cả Phật giáo. Nó đáp ứng những nhu cầu, những khát vọng và những khả năng khác nhau của con người. Nhưng Ba nói rằng vào cuối thế kỷ 20 lại đặt ra vấn đề trí huệ có thể đem đến một sự sung mãn cho cuộc sống. Ba hiểu vấn đề như thế nào?
Jean Francois: Ba không tin vào sự bất tử của linh hồn, do đó Ba nghĩ không thể có được một sự hoàn mãn nào có thể đạt đến được. Ba nghĩ con người có thể sống tàn mãn cho vài mục tiêu tạm bợ, nhưng Ba cho rằng không thể có một giải pháp toàn diện cho cuộc sống.
Matthieu: Ba có tin vào một sự thăng hoa do sự giác ngộ bản thể sự vật có thể thực hiện được trong cuộc sống hiện tại.
Jean Francois: Không.
Matthieu: Tại sao?
Jean Francois: Vì lẽ sự thăng hoa theo nguyên tắc, có nghĩa là đời sống không bị giới hạn và ta tiếp tục có một sự sống khác sau khi đã chết.
Matthieu: Việc nhận thức ra bản thể của tâm là một nhận thức tối hậu vì lẽ chính tâm kinh nghiệm được thế giới hiện tượng dưới mọi hình thức sự sống bây giờ và mai sau.
Jean Francois: Ba vẫn cho là có hai quan niệm về cuộc sống: Một là kiếp sống này chỉ là một giai đoạn trong một chuỗi dài kéo dài sau cái chết và hai là chết là chấm dứt vĩnh viễn.