Tìm Hiểu Kinh Bốn Mươi Hai Chương

Tìm Hiểu Kinh Bốn Mươi Hai Chương

Trương Văn Chiến 18

Chương 15. Nhẫn nhục

 

I. DỊCH NGHĨA

Một vị sa môn hỏi Đức Phật:

– Cái gì mạnh nhất? Cái gì là chói sáng nhất?

Đức Phật dạy:

– Nhẫn nhục là mạnh nhất, vì không lưu trữ ác, lại được an vui, mạnh khỏe. Người nhẫn nhục không có các điều ác nên được người tôn trọng. Tẩy sạch hết bợn nhơ của tâm, không còn cấu uế là chói sáng của tâm, không có cái gì là không thấy được, không có cái gì là không biết được và không có cái gì là không nghe được. Nhưng, chứng đắc nhất thiết trí mới đích thực là chói sáng nhất.

II. LƯỢC GIẢI

Có hai vấn đề được nêu ra giải thích ở chương này là nhẫn nhục và trí tuệ (minh = chói sáng).

A.- Vấn đề nhẫn nhục

Chúng ta vẫn còn nhớ, khi đề cập đến 20 điều khó làm của con người, có một điều Đức Phật dạy rằng: “Nhẫn được sắc dục là một điều khó”. Ở lời dạy này, nhẫn nhục được hiểu như một thái độ chịu đựng không tham cầu. Nó là một khái niệm chung chung. Trong khi đó, định nghĩa cơ bản của nhẫn nhục chỉ xoay quanh thái độ chịu đựng sự nhục mạ: “Nhẫn thị năng nhẫn chi tâm. Nhục thị sở nhục chi cảnh”. Từ đó chúng ta thấy, khái niệm nhẫn nhục ở kinh văn của chương này có thể hiểu theo nhiều nghĩa nhưng cũng bao hàm luôn hai ý nghĩa đã nêu.

Phần khuyến giới của Luật Tứ Phần, bài kệ của Đức Phật Tỳ Bà Thi dạy rằng: “Nhẫn nhục đệ nhất tạo”. (Nhẫn nhục là pháp môn thù diệu nhất). Kinh Tăng Chi, chương 8 Pháp, khi đề cập đến tám loại sức mạnh của tám đối tượng khác nhau, thì sức mạnh thứ tám, Đức Phật cũng dạy tương tự nhưng giới hạn vào đối tượng Tăng sĩ: “Sức mạnh của sa môn là nhẫn nhục.”[1] Như vậy ta phải hiểu ý nghĩa của từ ngữ nhẫn nhục như thế nào để được gọi là sức mạnh.

Trong nguyên ủy các văn bản kinh điển, bất luận Nam truyền, Bắc truyền thường dùng hạnh nhẫn nhục để ví với hạnh sa môn. Nhưng trong quá trình truyền thừa, các luận sư chia ra nhiều thứ nhẫn. Nào là âm hưởng nhẫn (nghe chánh pháp, nghe thuyết pháp mà thích thú, chấp nhận). Nào là nhu thuận nhẫn (đặt mình vào khuôn phép tu tập). Nào là vô sanh nhẫn (tuệ tri được nguyên lý bất sinh bất diệt hay chứng quả vô sanh). Nào là nội nhẫn, ngoại nhẫn… và nhiều khái niệm khác nữa. Chính sự phân chia chi tiết này, một mặt phong phú hóa nhiều khía cạnh ý nghĩa của một khái niệm, mặt khác lại làm phồn tạp hóa ý nghĩa một khái niệm mà vốn dĩ nó đơn giản.

Phật giáo khai sáng hành vi con người được thể hiện dưới ba biểu động: ý niệm, ngôn ngữ và thân tạo tác. Và nhẫn nhục cũng có ba dạng ý nghĩa: 1/ Sự chịu đựng ngang trái. 2/ Sự nhường nhịn lẫn nhau (nhẫn nhục = nhường nhịn). 3/ Sự chứng đắc (vô sanh nhẫn, như đã nói). Phối hợp ba ý nghĩa của thuật ngữ nhẫn nhục với ba phạm vi hành động, chúng ta sẽ thấy:

1.- Nếu như sự ngang trái được thể hiện bằng ý niệm hay bằng ngôn ngữ mà chúng ta chịu đựng được với thái độ “thị phi chung nhật hữu, bất thính tự nhiên vô” thì đó là vô hiệu hóa sự ngang trái một cách nhẹ nhàng, êm đẹp, nhẫn nhục này phù hợp tinh thần Phật giáo. Do đó, nhẫn nhục trong trường hợp này là sức mạnh của giáo hóa như gương nhẫn nhục của Đức Phật trong các chương 7, 8 của kinh này.

2.- Ta đặt giả thuyết rằng, nếu sự ngang trái được thể hiện bằng hành động cụ thể, bằng hành vi tạo tác có nguy hại đến sinh mạng, đến sự sống còn của ta, mà ta vẫn nhẫn chịu, không phản kháng theo nghĩa nhu nhược, thụ động mù quáng thì nhẫn nhục đó là phi chánh pháp, nhẫn nhục trong trường hợp này là “sức mạnh của vô minh”. Vì ở đó, ta chỉ thấy sự hiện hữu của yếu mềm, tiêu cực, yếm thế và nguy hại nhất là trực tiếp khích hứng chịu đau khổ ở hiện tại và tương lai nữa.

3.- Nếu nhẫn nhục được hiểu với ý nghĩa là sự nhường nhịn lẫn nhau, chính ở đây, nhẫn nhục mới đúng thực là sức mạnh, sức mạnh của ý chí tự trọng, tự giác và tôn trọng tha nhân, không vô cớ thương hại người khác. Có thể nói nhẫn nhục trong ý nghĩa này chính là giải pháp hòa nhã thật sự giữa hai lực lượng cừu địch, đối thủ, đối kháng, và còn là giải pháp hòa bình miên viễn giữa hai ý thức hệ xung đột, mâu thuẫn, mà khuynh hướng chính trị ngày nay đang ráo riết đề cao và thực hiện. Bởi lẽ “hận thù diệt hận thù, đời này không có được. Không hận thù diệt hận thù, là định luật ngàn thu.”[2]

4.- Nhẫn nhục nếu được hiểu với nghĩa của nội nhẫn, ngoại nhẫn, nhẫn chịu những thèm khát ái dục nội tâm, những bấn loạn phản động của tâm lý bất thiện, đồng thời nhẫn chịu được sự đam mê ngũ dục, lục trần, không phóng túng, đeo đuổi nó… thì nhẫn nhục này mới là sức mạnh. Vì nhẫn như vậy sẽ dẫn đến sự viễn ly, chứng đắc giải thoát như điều 10 chương 12, Phật dạy: “Nhẫn được sắc (ngoại trần = ngoại nhẫn), nhẫn được dục (nội trần = nội nhẫn) là một điều khó”.

Qua bốn trường hợp vừa khảo sát, chúng ta có thể đúc kết rằng, sự nhẫn nhục nào mà thông qua nó, chúng ta được an lạc và đem lại an lạc cho người khác, an lạc cho cả hai thì nhẫn nhục đó là sức mạnh. Nhẫn nhục mà kết cuộc của nó chỉ đem lại hạnh phúc cho một bên, dù đó là bên thiện hay bên ác… cũng đều là nhẫn nhục phiến diện, phi Phật giáo. Do đó, nhẫn nhục phải được đưa vào từng trường hợp cụ thể và trong hoàn cảnh, sự việc cụ thể. Nếu do nhẫn nhục đó mà có được an lạc, không tiêu cực, không yếm thế thì nhẫn nhục đó mới là sức mạnh. Chính do nhẫn nhục đem lại an lạc thật sự, nên Đức Phật còn cho nó là nền tảng của các pháp môn:

“Nhẫn nhục gốc thập lực

Chư Phật thần thông nguyện

Trí vô ngại đại bi

Đều lấy nhẫn làm gốc

Tứ đế, niệm, chánh cần

Căn, lực, giác đạo phần

Đều lấy nhẫn làm gốc

Người trí nên tu nhẫn

Phật tại ba la mật

Chuyển pháp luân vô thượng

Cũng lấy nhẫn làm gốc.”[3]

Hay một cách vô hiệu hóa nghịch cảnh vi tế hơn: “Phật nói nhẫn nhục là tối thắng. Vô kiến, vô sanh là nhẫn tính. Thật không chút pháp để phải sân. Do đây gọi là thù thắng nhẫn.”[4] Cách vô hiệu hóa nghịch cảnh trên đây như đã nói, là sự nhường nhịn lẫn nhau, còn Đức Phật gọi là người đạo hành kham nhẫn thù thắng:

“Này các Tỳ kheo, khéo giáo hóa, có hạng người không nhiếc mắng, không sân hận lại kẻ sân hận, không biện tranh, cãi vã lại kẻ biện tranh, cãi vã. Đây gọi là người đạo hành kham nhẫn thù thắng.”[5]

Ý nghĩa của đạo hành kham nhẫn trên, trong trường hợp khác, nó còn là ngoại nhẫn, hay nhẫn lục trần nói chung:

“Có người kham nhẫn lạnh, nóng, đói, khát, sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng, các loài bò sát, hay chịu đựng được cảm thọ của thân dù không khả hỷ, khả ý. Đây cũng là người đạo hành kham nhẫn.”[6]

Kinh còn cho biết, những ai không có tâm nhẫn, luôn sống với thái độ lẫn hành vi tiêu hủy đối tượng sẽ bị mọi người xa lánh, khinh khi, mạt sát:

“Này các Tỳ kheo, những kẻ phẫn nộ, nhiều hiềm hận. Dầu bị nói chút ít cũng giận dữ, tức tối, sùng nộ, hiện rõ tính phẫn nộ… Hạng người như vậy, cần phải nhìn với cặp mắt thản nhiên, không nên thân cận, gần gũi, không nên hầu hạ, kính lễ người ấy.”[7]

Một đoạn khác, Đức Phật dạy, kẻ không nhẫn nhục hay phẫn nộ và tích trữ phẫn nộ không buông bỏ là kẻ tự với lấy nọc độc và ôm giữ nó, tự mình thương hại chính mình:

“Này các Tỳ kheo, có hạng người rất mau phẫn nộ lại phẫn nộ lâu dài. Đó là người vừa có nọc độc và ác độc, tự làm đau khổ mình.”[8]

Chính vì tác hại của không nhẫn làm người sân hận bị mọi người xa lánh, và tự bản thân y bị thương tổn nhiều năng lực tinh thần, nên kinh văn của chương này, Đức Phật dạy: “Người nhẫn nhục không lưu trữ ác, lại được an vui, mạnh khỏe. Vì không có điều ác, nên được người tôn trọng”.

B.- Vấn đề trí tuệ chói sáng và nhất thiết trí

Toàn phần trả lời của Đức Phật về câu hỏi “Cái gì là chói sáng nhất?” của một thầy sa môn tuy gãy gọn, nhưng gồm ba phần rõ ràng. Phần đầu, sự chói sáng nhất được hiểu như là sự tẩy sạch mọi bợn nhơ của tâm. Phần kế, liệt kê các lợi ích điển hình do trừ tận gốc mạch cấu uế của tâm, nó gồm một phần túc mạng minh và một phần thiên nhãn thông. Phần còn lại, khẳng định sự thành tựu nhất thiết trí mới chính là “chói sáng nhất” theo đúng nghĩa rộng nhất của từ ngữ này.

1.- Đề cập đến các bợn nhơ của tâm, chúng ta có thể nói bao quát là các lậu hoặc phiền não như tứ lậu hoặc, thập triền, thập phiền não sử (Bộ Pháp Tụ, số 709, 712, 719, 729, 791, 801). Nếu nói giản lược nhưng vẫn đủ nghĩa, thì phải nói là lục cái (tham, sân, hôn thùy, trạo hối, hoài nghi và vô minh) (Bộ Pháp Tụ, số 748- 754) và nói đơn giản nhất, chính Vô minh là bợn nhơ, là cấu uế của tâm. Nó là trạng thái mờ ám của tâm:

“Thế nào là vô minh cái? Là sự không hiểu Tứ thánh đế. Không hiểu quá khứ, hiện tại, vị lai. Không hiểu lý duyên sinh của các pháp. Không thông suốt, không tỉnh thức, si mê, mờ ám.”[9]

Ở Kinh Tăng Chi, Đức Phật khẳng định trong vô số các cấu uế của tâm, thì vô minh là cấu uế hơn hết:

“Có một loại cấu uế lớn hơn, nguy hại hơn các cấu uế. Này các Tỳ kheo, đó là vô minh.”[10]

Hay: “Có một loại cấu uế, hơn các loại cấu uế, đây chính là vô minh, là cấu uế lớn nhất.”[11]

Chính vì thế, sự xuất hiện của người ứ đầy vô minh là bất hạnh cho người xung quanh và cho người khác: “Ta không thấy người nào khác, này các Tỳ kheo, nếu tuân theo đưa đến bất hạnh cho đa số, bất hạnh cho chư thiên và con người.”[12]

Cũng chính bởi sự triền cái của vô minh, tâm không được chói sáng, và chúng sinh còn do đó mà luân chuyển mãi mãi:

“Phàm có ác thú gì. Đời này hay đời sau. Tất cả do vô minh. Làm gốc, loài cội rễ.”[13]

Và gội rửa sạch hơn như vô minh, minh sẽ xuất hiện, sự sinh tử luân hồi cũng được chấm dứt:

“Với si, bị si mê. Chúng sinh đi ác thú. Bậc thiền quán chánh trí. Từ bỏ si mê ấy. Từ bỏ không bao giờ. Trở lại đời này nữa.”[14]

Hay: “Ly tham thoát vô minh. Hữu lậu được đoạn trừ. Giải thoát khỏi sanh y. Dẹp tan cỗ xa mã.”[15]

Như vậy, muốn tâm chói sáng nhất định chúng ta phải đoạn tận vô minh.

2.- Khi gội rửa sạch các lậu hoặc, các bợn nhơ cấu uế ở tâm, chúng ta đã làm tâm chói sáng. Tâm chói sáng thì ký ức của ta như tấm gương sạch bụi, mọi cảnh tượng đều hiện rõ nét trong nó. Cũng vậy, tâm chói sáng, mọi hành vi tạo tác, mọi sự mọi vật sẽ hiện rõ (Tâm như minh kính đài – Thần Tú Đại sư, Pháp Bảo Đàn). Lúc đó, ta sẽ quán triệt tam thiên đại thiên như thấy rõ trái Ammala trong bàn tay vậy. Như kinh văn, Đức Phật dạy: “Thành tựu sự chói sáng của tâm, không có cái gì là không thấy được, không có cái gì là không biết được và không có cái gì là không nghe được”. Điều này cũng chính là điều mà Kinh Pháp Hoa gọi là “các công đức của lục căn” vậy.

3.- Vượt lên trên quan niệm phổ thông “Đoạn trừ các bợn nhơ vô minh ở tâm là chói sáng nhất”, Đức Phật còn giới thiệu với chúng ta một quan niệm mới hơn, sâu hơn, rốt ráo hơn: “Nhất thiết trí” là mức độ tuệ giác của hàng nhị thừa, chỉ mới thấu triệt được lý sinh diệt, vô thường, vô ngã của vạn pháp mà giác ngộ giải thoát, khác với Bồ Tát thừa, nhìn sự vật hiện tượng bằng nhãn kiến THẬP NHƯ THỊ[16] hay bằng bản thể tịch diệt: “Chư pháp tùng bản lai, thường tự tịch diệt tướng” hay bằng đệ nhất nghĩa đế: “Thị chư pháp không tướng, bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm,”[17] mà thể nhập Phật tri kiến, tri kiến vô kiến,[18] tri kiến tuệ giác cứu cánh, đúng với bản chất, bản thể của sự vật đã hiện bày.

Nhưng thật ra, trong kinh điển, dù Nam truyền hay Bắc truyền vẫn có sự đồng nhất, khi cho rằng nhất thiết trí chính là Phật trí, là vô thượng trí. Như “Như Lai là bậc nhất thiết trí, bậc nhất thiết kiến, bậc tri đạo, bậc khai đạo, bậc thuyết đạo.”[19]

Như vậy, có thể nói sẽ là một điều ngộ nhận nếu ai phân biệt rằng nhất thiết trí là trí nhị thừa, còn nhất thiết chủng trí là Phật trí. Bởi lẽ, nhất thiết trí hay nhất thiết chủng trí cũng chỉ là một theo ý nghĩa của hai từ ngữ này là “Trí tuệ hiểu biết tất cả, không có cái gì là không biết được, không thấy được hay không nghe được”. Mà tuệ tri tất cả, ngoài Đức Phật ra không một ai có thể sánh tày.

Do đó, tùy theo cách nhìn, cách lý giải, người ta phân loại thế nào là còn tùy thuộc. Nhưng dù sao, nhất thiết trí vẫn là Phật trí, vẫn đích thực là chói sáng nhất, như kệ Kinh Pháp Cú đã dạy:

“Trí tuệ của Đức Phật

Chói sáng cả ngày đêm.”[20]


[1] Tăng Chi III, tr. 73.

[2] Dhp.5.

[3] Đại Bửu Tích VI, tr. 71.

[4] Đại Bửu Tích VI, tr. 472.

[5] Tăng Chi I, tr. 539.

[6] Kinh đã dẫn, tr. 540.

[7] Kinh đã dẫn, tr. 141.

[8] Kinh đã dẫn, tr. 487.

[9] Bộ Pháp Tụ, tr. 305, số 754.

[10] Tăng Chi I, tr. 51.

[11] Kinh đã dẫn.

[12] Kinh đã dẫn, tr. 43.

[13] Phật Thuyết Như Vậy, tr. 440.

[14] Kinh đã dẫn, It 6, tr. 418.

[15] Kinh đã dẫn, It 49, tr. 455.

[16] Kinh Pháp Hoa.

[17] Bát Nhã Tâm Kinh.

[18] Kinh Lăng Nghiêm.

[19] Kinh Pháp Hoa, phẩm Dược Thảo Dụ, tr. 187.

[20] Dhp.387.