Tìm Hiểu Kinh Bốn Mươi Hai Chương

Tìm Hiểu Kinh Bốn Mươi Hai Chương

Trương Văn Chiến 19

 

 

I. DỊCH NGHĨA

Đức Phật dạy rằng: Hãy tuệ quán thân thể, tinh cầu là chẳng thường. Hãy tuệ quán thế giới là chẳng thường. Nhưng hãy quán linh giác là Bồ đề. Tuệ quán như thế, nhất định mau chóng chứng đạo.

II. LƯỢC GIẢI

Vấn đề được nêu ở đây là phải tuệ tri quán sát được nguyên lý vô thường của vạn pháp. Chính ngay nguyên lý vô thường này, hành giả phá vỡ cái vô minh, nhận ra được sự chân thường của pháp tánh, đó là linh giác, là Bồ đề thường trú. Một pháp môn tu tập, mà ngay nó chứa đựng hai đối tính, hai nguyên lý vô thường và chân thường, sẽ giúp cho người học cảm nhận được ngay nơi phiền não cũng chính là Bồ đề, điều Lục Tổ Huệ Năng gọi là “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác. Ly thế mích Bồ đề, cáp tợ cầu thố giác” (Kinh Pháp Bảo Đàn). Nguyên lý được nêu lên như thể là thực tại của cuộc sống tu tập, giác ngộ, chứ không thể là bi quan, yếm thế như nhiều người đã ngộ nhận, hay cố tình bóp méo để xuyên tạc.

1.- Thế nào là vô thường?

Để hiểu chính xác nội dung triết học của bài kinh này, chúng ta nên tìm hiểu khái niệm vô thường trong Phật giáo.

Vô thường theo Phật giáo được hiểu là một biện chứng pháp nói lên được tính chất của mọi sự vật hiện tượng là vận động, biến đổi. Vô thường, không nên hiểu một cách hạn chế là sự thay đổi vị trí trong không gian, mà cần phải hiểu theo nghĩa chung nhất của nó là vận động hay biến đổi. Hành (vô thường, vận động) trong năm uẩn luận của Phật minh thị rằng: sắc (vật chất, vật chất tính), thọ (cảm giác), tưởng (tri giác cũ, mới) và thức (suy nghĩ, ý thức) đều trong trạng thái vận động, biến chuyển và ngay cả Hành cũng vậy. Nghĩa là chính sự vận động cũng vận động. Như vậy, ta có thể bổ sung câu phát biểu của Ăng-ghen bằng một câu Phật ngôn rất cổ điển, nhưng đầy đủ súc tích, dễ hiểu là: Chư hành vô thường (các trạng thái vận động là vô thường. Vận động bao giờ cũng là vận động của vật chất và ý thức. Ý thức, vật chất là vận động, là vô thường. Vô thường là vận động).

Trở lại vấn đề trong kinh văn, chúng ta tiếp tục đặt một câu hỏi, sao kinh văn không nói là vô thường mà lại nói là “phi thường – chẳng phải thường, chẳng phải đồng nhất”?

Theo Hán ngữ, ba chữ phi, bất, vô đều là phủ định từ với ý nghĩa là không, chẳng. Nhưng theo Thiền học Phật giáo, ba khái niệm này hơi khác nhau đôi chút. Vô được hiểu tương đồng với bất. Nhưng theo thói quen dùng từ, có trường hợp dùng vô mà không dùng bất hoặc ngược lại. Ví dụ như nói vô sanh nhẫn mà không nói là bất sanh nhẫn. Hay bát bất trung đạo của Long Thọ là bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất nhất, bất dị, bất lai, bất khứ, mà không nói là vô sinh, vô diệt, vô cấu, vô tịnh, vô nhất, vô dị, vô lai, vô khứ. Còn phi được sử dụng như một công cụ pháp chấp, vượt lên trên ý nghĩa của phủ định từ. Vì phủ định từ là rơi vào cú thứ hai trong tứ cú (hữu, vô, diệc hữu, diệc vô, bất hữu bất vô) mà phi thì ly tứ cú, tuyệt bách phi. Do đó, phi thường là phá chấp thường với ý nghĩa: Nếu ai cho rằng vật chất và ý thức là thường, là cố định, là không vận động, là đồng nhất, là sai. Nó hay và sâu sắc hơn ý nghĩa thuật ngữ vô thường, thuộc tính vận động của vạn pháp. Rất tiếc, phi, trong ngôn ngữ Việt Nam không có nghĩa tương đương.

2.- Tuệ quán thiên thể, tinh cầu chẳng thường

Thiên thể (thiên) và tinh cầu (địa) là những phạm trù vật chất ở chiều kích lớn (đại). Ta có thể hiểu một cách bao quát từ ngữ thiên địa trong kinh văn là chỉ cho các hành tinh, các thiên thể, các dải thiên hà, ngân hà v.v… Chúng có đến hai hình thái vận động (vô thường): vận động cơ học, sự di chuyển vị trí trong không gian và vận động vật lý. Sự vận động các nguyên tử, phân tử cấu tạo nên nó (tự thân vận động).

Theo Phật giáo, không có một thiên thể nào đứng im (dù là tự thân vận động) theo nghĩa của một “định tinh”, trong phạm vi tuyệt đối của nó. Vận động vô thường là quy luật tất yếu phổ biến của các thiên thể, mà địa cầu chúng ta đang ở là một. Đối với một thiên thể, một tinh cầu, chu kỳ biến thiên của chúng là quá trình hình thành, hiện hữu, biến dạng và tiêu hủy mà thuật ngữ Phật giáo gọi là sinh trụ dị diệt hay thành trụ hoại không. Trong mỗi quá trình biến thiên của bốn quá trình trên, người ta khó có thể xác định số niên kỷ của nó:

“Này các Tỳ kheo, có bốn vô lượng của kiếp này: Khi kiếp chuyển thành, khi kiếp hoạt động, khi kiếp chuyển hoại, khi kiếp ngưng hoạt động, mỗi kiếp như vậy, thật không dễ gì ước tính có bao nhiêu năm như vậy, có nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, nhiều trăm ngàn năm như vậy v.v…[1] Nhưng nhìn chung, điều mà Phật giáo khai sáng cho nhận thức nhân loại là thiên thể, tinh cầu là sắc chất, vật thể, nên chúng nhất định phải luôn luôn vận động, biến chuyển. Sự chuyển biến được diễn tả cực kỳ nhanh chóng và khó nhận thấy: “Hằng chuyển như bộc lưu.”[2] Hằng là liên tục, không gián đoạn, sát na trước tiếp nối sát na sau, cứ như thế tạo thành một chuỗi biến thiên vô cùng tận. Chính tính liên tục không gián đoạn này làm cho tính “chuyển” phải biến đổi, thay hình đổi dạng, thay cũ đổi mới. Hai tính cố hữu này của vật chất làm vật chất từ mới trở nên cũ rồi hư hoại, và từ hư hoại, hình thành, cấu tạo nên một vật thể mới. Bản tính vật thể là như vậy, không có cái gì gọi là tính thường nhất bất biến hay cố định bất động ở vật chất, dù đó là vật chất, dù đó là vật thể nhỏ hay ngã thể vi tế: “Này các Tỳ kheo, cho đến một vật thể nhỏ cũng không thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại.”[3]

Thì huống hồ là các tinh tú, các thiên thể. Và nguyên lý “sắc là vận động, vô thường” “các hành là vận động, vô thường,”[4] ở trong tiêu đề này cũng chính là điều mà Kinh Bát Đại Nhân Giác gọi là: “Thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy. Tứ đại khổ, không, ngũ ấm vô ngã. Sinh diệt biến dị, hư ngụy vô chủ”. Nghĩa là, nguyên lý này có một giá trị nhất quán trong các kinh.

3.- Hãy quán thế giới là chẳng thường

Thế giới, Bắc Phạn gọi là Loka. Thế là dòng vận hành trôi chảy của thời gian quá khứ, hiện tại, vị lai. Do đó, thế thuộc về thời gian (thế, danh thời gian – quyển Thập Địa Nghĩa Ký). Giới là quốc độ, tinh cầu ở bốn hướng Đông Tây Nam Bắc, tức là nơi nương tựa sự sống của con người và các loài động thực vật. Theo Phật học đại từ điển của Đinh Phúc Bảo, thế giới còn gọi là thế gian. Với từ ngữ này, gian được hiểu là sự gián cách. Dù là thế giới hay thế gian, thì vẫn hàm ý nói về nơi y cứ sự sống của loài hữu tình và sự hiện hữu của loài hữu tình xuyên qua mốc thời gian. Như vậy, quán thế giới vô thường là quán thời gian vô thường và quốc độ vô thường.

Vì thời gian là dòng trôi chảy nên thời gian là một thực tại vận động, chuyển biến, vô thường. Trong từng khoảnh khắc, thời gian trôi đi và trôi đi mãi mãi. Quá khứ là mốc mặc ước những gì đã trôi qua. Tương lai là mốc mặc ước cho những gì sắp xảy đến. Và hiện tại là một trạng thái không dừng trụ. Cả ba mốc thời gian đều trôi chảy bất tuyệt. Chính vì có sự trôi chảy của thời gian, mỗi vật trở thành một cái khác và trở thành cái khác mãi mãi. Heraclite (500B.C) nhà triết học nổi tiếng đã phát biểu rằng: “Không thể tắm hai lần trong cùng một dòng nước”. Câu nói này hoàn toàn trùng hợp với lời Đức Phật: “Có ba thời gian: quá khứ, hiện tại và vị lai. Cả ba đều trôi đi, không dừng nghỉ, để đánh dấu sự không dừng nghỉ của sự vật.”[5] Hay: “Quá khứ thì đã diệt. Vị lai thì chưa đến. Hiện tại thì chẳng trụ.”[6] Hay gần gũi nhất là với câu: “Thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy.”[7] Và hơn thế nữa, ngay tại sát na gọi là hiện tại, nhưng dung chứa ngay nó cái quá khứ. Nghĩa là, ngay cái hình thành của sự vật đã có cái biến hoại, rồi tan mất: “Nay ngươi tức thì cũng sinh, cũng già, cũng diệt.”[8]

Như vậy sự vô thường, vận động, chuyển biến của thời gian gắn liền với sự vô thường, vận động, chuyển biến của vật thể, ở đây nhấn mạnh loài hữu tình. Vật thể biến thiên không tách rời khỏi thời gian chuyển động. Thời gian biến thiên cũng không tách rời khỏi vật thể chuyển động. Vật thể biến thiên là biến thiên trên trục thời gian. Thời gian là đường biểu diễn ghi mốc biến thiên ấy. Do đó, nói đến sự vô thường của thế giới là nói đến dòng chuyển động của thời gian và vật thể, mà thông qua sự quán sát này, ta liễu tri được nguyên lý mới là vạn pháp vô ngã.

4.- Quán linh giác là Bồ đề

Nếu như tuệ quán sự vô thường, vận động, biến thiên của vạn pháp là đứng trên bình diện hiện tượng học để phát minh quy luật phổ quát tương đối thì tuệ quán linh giác là Bồ đề, hoàn toàn đối lập lại pháp quán trên. Ở đây, đi từ bình diện bản thể học để lý giải vạn pháp, nhằm hiển thị quy luật phổ biến tuyệt đối.

Quán linh giác là Bồ đề, tức là huấn luyện một cái nhìn từ cái vô thường biến dị để thể nhập cái chân thường bất biến, đó là tính giác, trí Bát nhã. Tính Bồ đề hay Phật tánh, Phật chất, là những năng lực tuệ giác viên mãn, tiềm tàng trong mỗi con người và mỗi loài. Phật tánh đó, nói theo thiền, ở thánh không tăng, ở phàm không giảm. Thể vốn mầu nhiệm, tròn đầy, không nhờ tu đắc. Kinh Pháp Hoa nói rằng: “Tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành.” Và Kinh Đại Bát Niết Bàn giải thích: “Và tất cả chúng sinh dù sinh tử luân hồi nhưng chẳng thối mất Phật tánh, nên nói tất cả chúng sinh vốn có Phật tánh, là Phật đã thành.”[9] Như vậy, quán linh giác là Bồ đề, tức là quán cái chân thường trong vô thường, cái bất biến trong cái chuyển biến vậy.

5.- Mục đích của pháp quán vô thường

Vì vô thường là một nguyên lý phổ biến tất yếu, xảy ra ở mọi nơi, mọi đối tượng, bao hàm từ vật chất đến tinh thần, từ vật thể lớn nhất cho đến các hạt nhỏ nhất, cho nên, mục đích của pháp quán vô thường là nhằm hiển thị chánh kiến. Vô thường là quy luật. Từ đó, chúng ta có cái nhìn chính xác về mọi sự vật hiện tượng trên cõi đời này. Không đam mê vị đắng, vị ngọt của nó. Chỉ quán triệt nó để thưởng thức vị xuất ly của nó mà thôi. Do đó, tu pháp vô thường là để diệt trừ các thái độ chán chường, yếm thế, bi quan, đề cao chân giá trị của nhận thức đánh giá sự vật. Như Kinh Duy Ma Cật, cư sĩ Duy Ma Cật khẳng định: “Nói nguyên lý vô thường là nhằm lìa sự nhàm chán.”[10]

Ngoài ra, Đức Phật còn cho biết, người tuệ tri được chư hành vô thường, vận động, chuyển biến là người thành tựu tri kiến thù thắng. Hay nói ngược lại, người có tri kiến thù thắng không thể chấp nhận các hành là thường còn: “Sự kiện này không thể xảy ra, này các Tỳ kheo, một người thành tựu chánh kiến có thể chấp nhận các hành là thường còn.”[11]

Người có cái nhìn như thị về nguyên lý vô thường của vạn pháp, không chỉ trang bị cho mình nhãn quan chánh kiến mà thật sự còn hướng đến chứng đắc quả nhu thuận nhẫn và nhờ đó chứng bốn quả sa môn:

“Này các Tỳ kheo, ai thấy bất cứ hành nào là vô thường, sẽ thành tựu được nhẫn nhục tùy thuận… Thành tựu nhẫn nhục tùy thuận, sẽ nhập vào chánh tín quyết định. Nhập vào chánh tín quyết định sẽ chứng ngộ quả Dự lưu, quả Nhất lai, quả Bất lai hay quả A la hán.”[12]

Ở một góc độ khác, người tuệ quán nguyên lý vô thường rất xứng đáng được cung kính cúng dường, vì vị ấy đã thể nhập được tâm thắng giải, tuệ giải thoát: “Này các Tỳ kheo, những ai sống tùy quán vô thường liên tục trong tất cả thời, không có gián đoạn, với tâm thắng giải, với tuệ thể nhập, vị ấy với sự diệt tận lậu hoặc ngay trong hiện tại, chứng đạt giải thoát. Hạng người như vậy đáng được cung kính, là phước điền vô lượng.”[13]

Và lợi ích cuối cùng của hành giả tuệ quán nguyên lý vô thường là đoạn tận các lậu hoặc, chứng Niết bàn cứu cánh:

“Ai tùy quán vô thường là biến hoại, là trống không, là vô ngã, vị ấy hướng tâm khỏi các pháp ấy rồi dẫn đến bất tử. Đây là tịch tĩnh, thù thắng, tức là sự chỉ tức các hành, sự từ bỏ các sinh y, sự diệt tận khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết bàn. Vị ấy trú ở đây đạt được sự diệt tận các lậu hoặc. Nếu không diệt tận các lậu hoặc, với pháp hỷ ấy, vị ấy đoạn năm hạ phần kiết sử, là vị hóa sinh, tại đây chứng được Niết bàn, không còn trở lui sinh tử nữa.”[14]


[1] Tăng Chi I, tr. 527.

[2] Duy Thức Tam Thập Tụng.

[3] Tương Ưng III, tr. 172.

[4] Tương Ưng III, tr. 135.

[5] Phật Thuyết Như Vậy, tr. 459.

[6] Duy Ma Cật, phẩm Bồ Tát, tr. 43.

[7] Đệ nhất giác ngộ.

[8] Duy Ma Cật, phẩm Bồ Tát, tr. 43.

[9] Phẩm Sư Tử Hống Bồ Tát, tr. 324.

[10] Phẩm Văn Thù Sư Lợi Thăm Bệnh thứ 5, tr. 60-61.

[11] Tăng Chi I, tr. 36.

[12] Tăng Chi II, tr. 426-427.

[13] Tăng Chi II, tr. 563.

[14] Tăng Chi IV, tr. 259-260.