Tìm Hiểu Kinh Bốn Mươi Hai Chương

Tìm Hiểu Kinh Bốn Mươi Hai Chương

Trương Văn Chiến 15

Chương 27. Lại nói về điều kiện đạt đạo

I. DỊCH NGHĨA

Đức Phật dạy rằng: Người hành đạo giải thoát như khúc cây ở mặt nước, trôi theo dòng, chẳng tấp vào hai bên bờ, chẳng bị người vớt, chẳng bị chìm trong vùng nước xoáy cũng chẳng bị mục nát, ta tuyên bố rằng khúc cây ấy chảy xuôi đến biển được. Này các Tỳ kheo, cũng vậy, người hành đạo giải thoát, nếu không bị mê hoặc bởi thất tình lục dục, không bị trói buộc bởi các tà, tinh tấn tu tập vô vi, ta bảo chứng rằng vị ấy sẽ chứng được đạo.

II. LƯỢC GIẢI

Vấn đề người hành đạo giải thoát, làm thế nào để đạt được chí đạo, có thể nói như là mục đích chính của kinh này, được đề cập khá phổ biến, đi từ khái quát nhất đến đầy đủ nhất. Nếu như ở chương 13, sự thanh tịnh hóa tâm, giữ vững ý chí tu tập là hai điều kiện cần và đủ để thể nhập chí đạo, ở chương 16, điều kiện duy nhất để đạt được đạo là đoạn trừ hoàn toàn ái dục, thì ở chương này, hành giả muốn chứng đắc đạo giải thoát phải hội đủ bốn điều kiện: dứt bỏ thất tình, dứt bỏ lục dục, không còn các tà và tinh tấn tu tập vô vi. Các điều kiện cần yếu này được Đức Phật dùng hình ảnh ví dụ vô cùng xác đáng, linh động và dễ hiểu: Một khúc cây được đặt ở dòng nước, theo dòng nước chảy, nó sẽ thẳng tuôn ra biển cả nếu như nó không bị tạt tấp hai bên bờ, không bị ai vớt, không trôi vào vùng nước xoáy và không bị mục nát. Bốn điều kiện để một khúc cây trôi ra được biển ở đây chính là nhằm minh họa, biểu chứng bốn điều kiện để một hành giả đạt được chí đạo, âu cũng là một nghệ thuật giảng dạy bằng hình ảnh ví dụ, so sánh sát hợp vừa khế lý, vừa khế cơ của Đức Phật đối với chúng hội nghe Ngài thuyết pháp. Đó cũng là điều chúng ta cần lưu ý và học hỏi.

1.- Dứt bỏ thất tình

Theo Phật học đại từ điển của Đinh Phúc Bảo thì thất tình không phải từ ngữ dân gian mà thật sự là thuật ngữ và pháp số của Phật giáo. Thất tình là: hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục.

– Hỷ trong trường hợp này là thái độ tùy hỷ, đồng tình, bao che, tán thán, khen ngợi với những ý niệm, hành vi, chủ trương, quan điểm xấu ác của kẻ khác, kinh thường nói là “kiến ác tác tùy hỷ”, thấy làm ác sinh lòng vui theo. Nó là thái độ a dua, là sự gián tiếp tòng phạm theo những hành vi bất thiện, cố ý, có chủ mưu của người khác nói chung. Tác hại và hậu quả cũng như mức độ phạm tội của kẻ a dua so với người chính phạm (đương sự phạm pháp) được xem như là gần ngang hàng với nhau. Bởi lẽ một kẻ trực tiếp và một kẻ gián tiếp. Chính cái gián tiếp làm trợ duyên, tiền đề, chất kích thích, xúc tác cho cái chánh nhân trực tiếp tác tạo bất thiện. Và xét về nội tâm thì thái độ lẫn tâm lý của kẻ a dua, gián tiếp cũng biểu lộ tâm ý bất thiện với cường độ cũng không phải là nhỏ. Nghĩa là, kẻ a dua rất muốn làm ác nhưng chưa có đủ điều kiện, vì thế họ đồng tình với kẻ ác, người làm ác. Và khi ý nghĩ đã bất thiện thì đó là một nghiệp bất thiện, bất thiện ở nội tâm (tác ý là nghiệp), điều mà Đức Phật đã cấm đoán đầu tiên. Chính ý nghĩ ác quyết định mọi hành động ác: “Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo. Nếu với ý nhiễm ô, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe chân vật kéo.”[1]

– Nộ là sự phẫn nộ, giận dữ, sân hận. Nó biểu thị một thái độ muốn thiêu hủy, đả thương đối tượng thù nghịch. Nộ ở mức độ thấp là bực tức, căm phẫn, ôm giữ sự tức tối trong lòng và luôn làm một cái gì đó không đồng tình với đối phương. Chính sự phẫn nộ dưới bất kỳ góc độ nào, cũng là sự thiêu đốt tâm từ ái ở con người toàn diện của chính mình. Nó biến chúng ta thành con người đầy dẫy sự nóng nảy, bộp chộp và mất thăng bằng, tạo nhiều nên mâu thuẫn trong mối đoàn kết hòa hiệp chân tình với người khác. Nhất là làm con người trở nên thiển cận, vụng về và bị suy yếu tinh thần bố úy.

– Ai là thái độ than vãn, kêu rêu, bi quan, bi lụy trong cuộc sống. Nó là chất tố làm yếu mềm, nhụt chí con người. Chính thái độ bi quan làm con người se thắt ý chí, nghị lực, không muốn phấn đấu vươn lên hơn là ở bản thân nghịch cảnh. Nghịch cảnh, thật ra chỉ là các chướng ngại duyên trui mài, rèn luyện tính kiên định, sự già dặn cho con người. Nhưng đối với người bi quan, nó là yếu tố nguy hại đưa con người từ thụ động, yếu mềm sang hết những bế tắc này đến bế tắc khác. Do đó, nó là thái độ không nên có đối với tất cả chúng ta, nhất là khi chúng ta đặt mình trong con đường hướng đến giải thoát nhưng đầy chông gai, cần nhiều sáng suốt, ý chí và nghị lực.

– Cụ là sự sợ hãi, sợ sệt. Nhưng sợ sệt ở đây không phải là sự sợ hãi bất thiện, sợ hãi tham sân si, sợ hãi các pháp lậu, mà sợ hãi cái thiện, đạo lý chánh pháp. Nghĩa là không tiếp thu được chân lý giải thoát. Cụ ở mức độ thông thường là sợ sệt cái chết mà không nhận chân ra được bản chất quy luật về thân phận con người: có sống phải có chết. Sống và chết là không thể tách rời ở một hữu thể hữu tình, khi hữu tình đó bắt đầu có sự hiện hữu. Sợ hãi cái chết đến, sợ hãi các thiện pháp đều làm cho con người xa rời với bản chất đạo, xa lìa sự thanh tịnh giải thoát.

– Ái, nếu như từ bi là chất liệu yêu thương ở tầm mức rộng lớn phát xuất từ tâm lượng vị tha vô ngã, nghĩ đến điều lợi ích thiết thực cho con người thì trái lại, ái là chất liệu yêu thương mang tính cá nhân, vị kỷ, một sự chấp ngã, ngã si, ngã ái. Nói khác, đức ái biến con người trở nên hẹp hòi, ích kỷ, tật đố, ganh tỵ, thù hận, đối địch, giết chết tâm lượng Bồ Tát. Ái ở mức độ rộng hơn là sự chấp thủ, có sở trụ trước một sự bám víu chủng tử tái sinh, đầu mối của mọi luân hồi, triền miên đau khổ. Bỏ đi chất yêu thương tự ngã, gột rửa sự chấp thủ nói chung, chỉ với như vậy, hành giả sẽ gần gũi đạo, tâm tự tại, an lạc, siêu thoát.

– Ố là thái độ thù ghét, thù hận. Nó có tên khác là tật đố, ganh tỵ với việc làm lương thiện, đạo đức của người khác. Xét về tính chất, ố và hỷ tương đồng với nhau. Một đàng thì không đồng tình với thiện, và một đàng thì đồng tình với ác. Không đồng tình với thiện là ác. Đồng tình với ác là bất thiện. Nói dễ hiểu hơn, cả hai chỉ là một: sa đọa hóa con người.

– Dục là sự mong muốn, dĩ nhiên là mong muốn, hy vọng, kỳ vọng không chính đáng, đi ngược lại bản chất các điều thiện. Chính dục là môi giới, chất xúc tác hữu hiệu nhất để từ một ý nghĩ bất thiện trở thành một hành động bất thiện cụ thể. Dục là động cơ hình thành hành động, triển khai hành động, biểu đạt hành động, nhưng là hành động đem lại bất hạnh đau khổ cho người khác, cho chính mình hay cho cả hai. Nó là điều tối kỵ nhất đối với người học đạo giải thoát, và con người nhân bản nói chung.

2.- Dứt bỏ lục dục

Theo Phật học đại từ điển của Đinh Phúc Bảo, lục dục cũng là một thuật ngữ về pháp số của Phật giáo. Lục dục là:

– Sắc dục: Là sự tham trước nam sắc, nữ sắc, ngoại sắc, màu sắc.

– Hình mạo dục: Là sự tham trước về ngoại hình, ngoại biểu, hình dung.

– Oai nghi tư thái dục: Là sự đắm trước cái dáng đi, cái đứng, cái nằm, cái duyên dáng, yêu kiều, yểu điệu…

– Ngôn ngữ âm thanh dục: Là sự đắm trước cái giọng nói, tiếng cười, lời ca, vịnh, hát, những âm thanh, âm nhạc, ngôn ngữ dễ chịu…

– Tế hoạt dục: Là sự đắm trước làn da trơn láng, mịn màng, êm mát dễ chịu trong tiếp xúc nam nữ.

– Nhân tướng dục: Tức là đam mê ngoại hình, thân tướng đẹp đẽ của người nam, người nữ… (tr. 650 và 2028).

Theo lý giải của Phật giáo Nam tông, thì sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp cũng chính là lục dục. Cả hai quan điểm đều nói lên được tính tác hại nguy kịch của nó đối với người hành đạo là cản trở Bồ đề. Vì thế, Kinh Tạp A Hàm nói: “Tất cả mọi bất hạnh, đau khổ của chúng sinh đều lấy dục làm căn bản” hay “Dục sinh các phiền não, dục là nền tảng khổ.”[2]

3.- Không bị trói buộc bởi các tà

Phạm trù của tà rất rộng, với ý nghĩa là bất chính, phi hiện thực, phi chân lý. Chẳng hạn như bát tà: tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà niệm, tà tinh tấn, tà định.

– Tà kiến là biên kiến, thường kiến, đoạn kiến, nhị nguyên kiến, hý luận, kiến triền, cố chấp. Là chấp ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả. Là không hiểu thập như thị của các pháp, là không thấy nhân quả, tứ đế v.v…

– Tà tư duy là những tác ý bất thiện, thuộc về bất thiện, là sự nghĩ ngợi, hướng tâm đến bất thiện…

– Tà ngữ là sử dụng ngôn ngữ bất chính, gây bất hạnh đến kẻ khác như vọng ngữ, ác khẩu, ly gián ngữ, lưỡng thiệt ngữ…

– Tà nghiệp là tác khởi các hành bất thiện về thân (sát sinh, trộm cắp, tà hạnh), bất thiện về lời (như tà ngữ), bất thiện về ý (tham sân si) là sự hợp tác, sự thiên hướng, sự vi phạm về bất thiện pháp.

– Tà mạng là nuôi sống bằng các nghề nghiệp bất chính, bất lương, có lợi cho bản thân trên cơ sở gây đau khổ cho kẻ khác như tham nhũng, hối lộ, man trá, lường gạt. Hay nói đúng hơn, nuôi sống bản thân bằng sức lực và khối óc một cách không hợp pháp.

– Tà tinh tấn là đeo đuổi, chạy theo các mục đích bất thiện, không từ bỏ nếp sống phi pháp. Không bỏ ác, không theo thiện. Mà là cố ác, theo bất thiện.

– Tà niệm là là sự ghi nhớ, sự tùy niệm, trạng thái ký ức, những ghi nhận về bất thiện, thuộc về bất thiện. Tà niệm được xây dựng trên cơ sở ác, thiên hướng về mục đích ác.

– Tà định là những phương pháp tu tập thiền phi chánh pháp. Mục đích cứu cánh của các định này nằm trong phạm vi tam giới, không hướng đến giải thoát.

Đó là vài nội dung cơ bản về các tà. Nhưng nói chung, các tà là các bất thiện pháp, không xu hướng đến mục đích viễn ly, Niết bàn, an lạc, giải thoát, mà chỉ là ngược lại.

4.- Tinh tấn tu tập vô vi

Vô vi tiếng Phạn là Asaniskrta, được hiểu với nghĩa là pháp không bị tác tạo, không phải là sản phẩm của tác tạo, tức là Niết bàn, pháp tánh, thật tướng, pháp giới tánh. Quyển Thám Huyền Ký 4 chép rằng: “Pháp nào được hình thành từ nhân duyên, pháp đó là hữu vi. Pháp không bị tạo tác, là chân lý vô tánh là pháp vô vi”. Hoa Nghiêm Đại Sớ 16 chép: “Pháp hữu vi là pháp tạo tác nên vô thường. Không bị tạo tác là pháp vô vi. Vô vi là tịch diệt chân thường”.

Kinh Vô Lượng Thọ, quyển thượng viết: “Vô vi là con đường Niết bàn.”[3] Theo Kinh Tương Ưng thì vô vi tuy là pháp Niết bàn nhưng phải là sự tịch diệt hoàn toàn tam độc: “Này các Tỳ kheo, sự diệt tận tham sân si đây gọi là vô vi.”[4]

Như vậy, tinh tấn tu tập vô vi là tinh tấn đoạn trừ tam độc. Cũng có nghĩa là hãy nỗ lực tinh cần hướng đến giải thoát, hướng đến bờ bên kia:

“Này các Tỳ kheo, sự đoạn tận tham, sự đoạn tận sân, sự đoạn tận si, đây gọi là bờ bên kia.”[5]

***

Xét về nguyên tác, xuất xứ chương này được tìm thấy ở Kinh Tương Ưng Bộ. Và không có sự khác biệt nào quan trọng giữa hai bản văn. Bản văn của nguyên tác dài hơn và rõ ràng hơn bản văn lược dịch của hai ngài Ma Đằng, Trúc Pháp Lan. Tưởng cũng nên trưng dẫn ra đây, để chúng ta có thể tự đối chiếu:

“Một hôm, Thế Tôn du hành cùng chúng Tỳ kheo dọc theo bờ sông Hằng, trông thấy một khúc gỗ lớn trôi theo dòng, Ngài chỉ cho các Tỳ kheo thấy và dạy: “Này các Tỳ kheo, nếu khúc gỗ ấy không đâm vào bờ này, không đâm vào bờ kia, không chìm giữa dòng, không lọt vào xoáy nước, không mắc cạn trên cồn nổi, không bị người hay phi nhân nhặt lấy, không bị mục ở bên trong, thì nó sẽ xuôi vào biển cả, vì dòng sông này hướng về biển cả, nhập vào biển cả.

Cũng vậy, này các Tỳ kheo, nếu các con không đâm vào bờ này (chỉ sáu nội xứ: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), không đâm vào bờ kia (chỉ sáu ngoại xứ: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) không chìm giữa dòng (dụ lười biếng), không lọt vào xoáy nước (dụ tham dục), không mắc cạn trên cồn nổi (dụ kiêu mạn), không bị người nhặt lấy (dụ cho vị Tỳ kheo sống quá ràng buộc với thế tục), không bị phi nhân nhặt lấy (dụ cho vị Tỳ kheo ham phước báu cõi trời), không mục nát bên trong (dụ cho vị Tỳ kheo trong bẩn ngoài sạch, không chân thật tu hành), thì các con sẽ xuôi dòng Niết bàn, sẽ nhập vào Niết bàn. Bởi vì pháp Như Lai giảng dạy là xu hướng về Niết bàn, thể nhập vào Niết bàn.”[6]

Nói tóm lại, cả bốn yếu tố: Từ bỏ thất tình, từ bỏ lục dục, giải phóng các tà và tinh tấn tu tập vô vi (Niết bàn) đóng vai trò quan trọng, quyết định sự chứng đắc, thử nghiệm thành tựu đạo giải thoát. Hay nói đúng hơn, muốn được giải thoát, hành giả phải đồng tu bốn yếu tố trên, như kinh này Đức Phật đã dạy:

“Này các Tỳ kheo, cũng vậy, người hành đạo giải thoát, nếu không bị mê hoặc bởi thất tình, lục dục, không bị trói buộc bởi các tà, tinh tấn tu tập vô vi, ta bảo chúng rằng, vị ấy sẽ chứng được đạo”.


[1] Dhp.2.

[2] Tăng Nhất A Hàm.

[3] Phật học đại từ điển, tr. 2181.

[4] Tương Ưng IV, tr. 360.

[5] Tương Ưng IV, tr. 368.

[6] Nội san Phật pháp, Xuân Tân Dậu 1981, số 6-7-8, tr. 136-137.