Chương 34. Độc lộ giải thoát (Tinh tấn trung đạo)
I. DỊCH NGHĨA
Có một sa môn, đêm tụng Kinh Di Giáo của Phật Ca Diếp, giọng của thầy thiểu não, bi quan như muốn thối thất, Đức Phật bèn hỏi: Khi còn tại gia, thầy làm nghề gì?
– Thích khảy đàn cầm.
– Lên dây đàn dùn quá thì sao?
– Khảy không kêu.
– Lên dây đàn căng quá thì sao?
– Âm thanh cụt ngủn, chát chúa.
– Lên dây đàn đúng mức thì sao?
– Âm thanh hài hòa, êm dịu.
Đức Phật bèn dạy: Sa môn học đạo giải thoát cũng như vậy, tâm điều tiết hài hòa mới có thể đạt được đạo. Đối với đạo mà bạo phát, bạo phát thì thân thể mệt, thân thể mệt thì ý phiền não, ý phiền não sẽ dẫn đến thối thất, thối thất đạo hạnh thì tội gia tăng. Do đó, chỉ nên giữ trạng thái trung đạo, thanh tịnh an lạc thì đạo sẽ không thối thất.
II. LƯỢC GIẢI
1/ Điều gây ấn tượng đầu tiên trong dụ ngôn này là bối cảnh của dụ ngôn xảy ra vào ban đêm, cái ban đêm đầy bóng tối cô tịch lặng lẽ, dễ gợi sầu, gợi nhớ. Ngày xưa, đời sống Tăng già thời Đức Phật luôn khép mình trong sự trau dồi tu tập. Sáng, sau giờ thiền định, chư Tăng trì bát khất thực theo từng đoàn. Sau giờ ngọ trai, quanh bên Phật để nghe thuyết pháp. Giữa trưa, chỉ tịnh ngắn. Sau đó tĩnh tọa tham thiền, quán tưởng đề mục cho đến chiều tối. Canh đầu, từ 6 giờ cho đến 10 giờ đêm, chư Tăng tự ôn lời dạy của Đức Phật về các chi pháp, bằng cách xướng đọc, lặp đi lặp lại nhiều lần. Canh giữa, từ 10 giờ đến 12 giờ khuya trở lại tham thiền, sau đó chỉ tịnh vài ba tiếng. Canh cuối, từ 3 giờ đến 6 giờ sáng, tiếp tục thiền định hoặc kinh hành, quán tứ niệm xứ… Như vậy, canh đầu của đêm từ 6 giờ đến 10 giờ, chư Tăng xướng tụng lời Phật dạy để ghi tâm khắc cốt mà thực hành. Do đó, vị sa môn được nêu trong kinh văn có thể xướng tụng vào khoảng giờ này, nhưng ở đây là xướng tụng Kinh Di Giáo của Đức Phật Ca Diếp, do Đức Phật Thích Ca nói lại.
2/ Một vấn đề cũng cần nêu ra nghi vấn là nội dung Kinh Di Giáo của Phật Ca Diếp dạy về những gì lại tác động đến nội tâm vị sa môn xướng tụng, muốn thối thất Bồ đề như vậy? Trong các kinh Nikaya lẫn Bắc truyền đều không thấy đề cập đến Kinh Di Giáo này. Do đó, đây là vấn đề rất đáng tìm hiểu, thảo luận.
Căn cứ vào Luật Tứ Phần, phần lược nêu 7 bài kệ giáo giới của 7 Đức Phật, thì nội dung bài kệ của Đức Phật Ca Diếp như sau: “Không làm các nghiệp ác. Tuân thủ các hạnh lành. Giữ tâm ý thanh tịnh. Là lời chư Phật dạy”, bài kệ này cũng được tìm thấy trong Kinh Pháp Cú, kệ 183. Nội dung giáo dục của nó rất căn bản, nhưng cũng rất khó hành trì trọn vẹn: Từ bỏ các điều ác, thành tựu các điều lành, tâm ý thanh tịnh. Như vậy, rất có thể vị sa môn xướng đọc bài kệ này mà sinh tâm thối thất vì cảm thấy Phật đạo nan hành dài lâu (?).
Căn cứ Kinh Pháp Hoa, thì công thức thuyết pháp độ sinh của 7 Đức Phật hoàn toàn giống nhau (Kinh Pháp Hoa, phẩm Hóa Thành Dụ, các tr. 237, 245, 251…). Do đó, rất có thể Kinh Di Giáo của Đức Phật Ca Diếp có nội dung hoàn toàn giống với nội dung Kinh Di Giáo của Đức Phật Thích Ca. Giả thuyết này nếu được chấp nhận thì nội dung Kinh Di Giáo của Đức Phật Ca Diếp có thể xảy ra theo các trường hợp: a/ Như Kinh Di Giáo. b/ Như phần Di giáo trong Kinh Đại Viên Tịch Niết Bàn, Trường Bộ III, Kinh 16. c/ Như phần Di Giáo trong Kinh Đại Bát Niết Bàn (Bắc tông). d/ Hoặc có thể bao gồm cả ba phần. Tổng hợp khái quát, ta có thể nói, nội dung ấy chứa đựng lời giáo huấn về tinh tấn tu tập, tự mình xây dựng hòn đảo cho chính mình, tự mình hãy thắp đuốc lên mà đi, nương tựa chính mình, nương tựa chánh pháp, con đường hướng đến giải thoát, nhưng đầy nỗ lực tinh tấn và bền bỉ lâu dài. Chính vì thế, vị sa môn nghĩ về tương lai xa xăm vô định, lại ngoài tầm tay của mình mà sinh tâm bi quan, thiểu não, thối thất.
3/ Hình ảnh cây đàn đề cập trong kinh văn, với cách thức sử dụng nó thích hợp: không dùn, không căng, tạo ra âm thanh tuyệt hảo, gợi cho chúng ta những suy nghĩ về con đường tu tập của chính mính. Sự trễ nải, biếng lười, phóng dật (dùn quá) sẽ không đem lại cho ta một kết quả khả quan nào: “Phóng dật là đường chết. Phóng dật như chết rồi.”[1] Tuy nhiên, sự thái quá trong tu tập (căng quá) cũng không đem lại kết quả giải thoát (giới cấm thủ, khổ hạnh ép xác…). Người hành đạo giải thoát muốn thành tựu đạo quả phải thực hành trung đạo, xa lìa hai cực đoan ép xác và thọ hưởng: “Có hai cực đoan người xuất gia không được hành. Một là say đắm dục lạc đối với các dục hạ liệt, phàm phu không phải thánh hạnh, không liên hệ đến mục đích tu tập. Hai là tự hành hạ tự thân khổ đau, không phải thánh hạnh, không hướng đến mục đích giải thoát. Từ bỏ hai cực đoan này là con đường Trung đạo.”[2]
Chỉ có trung đạo, tinh tấn trong tinh thần trung đạo sẽ đưa chúng ta hướng đến mục đích giải thoát, xứng đáng thánh hạnh: “Không phóng dật, không chết. Không phóng dật, đường sống.”[3] Hay cụ thể, rõ ràng hơn: “Người hằng tu trung đạo, thường kiên trì tinh tấn. Bậc trí hưởng Niết bàn, sự an tịnh vô thượng.”[4] Hoặc giản dị, gần gũi hơn: “Vui thích trong tinh tấn. Tỳ kheo sợ phóng dật. Không thể bị thối đọa. Nhất định gần Niết bàn.”[5]
4/ Tinh tấn trong Phật giáo được xem như là độc lộ giải thoát. Kinh mô tả sự tinh tấn hướng hành giả đến mục tiêu mong muốn. Chẳng hạn như ngôi vị Đế Thích cũng từ tinh tấn mà có được: “Đế Thích không phóng dật. Đạt ngôi vị Thiên tử.”[6] Hay sự an lạc, tỉnh giác, tịch tĩnh trong thiền định mà hành giả cảm nhận cũng là để trau dồi tinh tấn không phóng dật: “Không phóng dật, thiền định. Đạt được an lạc lớn.”[7]
Sự tinh tấn còn được xem như là cơ sở vững chắc nhất để hành giả nương tựa mà thoát ly sóng sinh tử. Có tinh tấn là có hòn đảo vững chãi ở biển khơi, sóng không thể ngập tràn: “Nỗ lực không phóng dật. Tự điều khéo chế ngự. Bậc trí xây hòn đảo. Nước lụt khó ngập tràn.”[8] Kinh còn khẳng định, nguyên nhân của mọi nghèo nàn về trí tuệ, về đạo hạnh, về thánh tài sản, về tổn thất Bồ đề… đều do luống bỏ tinh tấn. Do đó, tinh tấn là nhân tố quyết định sự chứng đạt đạo quả: “Chúng sinh thường nghèo cùng. Đều do nơi giải đãi. Quyết lòng siêng tinh tấn. Nhờ đó được Bồ đề.”[9] Hay đáng tự tin, không còn gì phải nghi ngờ: “Tinh tấn rất khả năng, lợi ích Bồ đề. Người luôn tinh tấn. Bồ đề được khó chi.”[10]
Chính do tinh tấn có công năng vô song đến thế, nên Đức Phật tha thiết kêu gọi chúng ta hãy nỗ lực tinh tấn, trau dồi tinh tấn để đạt những gì chưa đạt, tăng trưởng những gì đã đạt: “Khổ thay, này các Tỳ kheo, là người sống biếng nhác, dính đầy các ác bất thiện, mục đích lớn bị suy giảm. An lạc thay, này các Tỳ kheo, là người sống tinh cần, tinh tấn, viễn ly các ác, các bất thiện pháp, mục đích lớn được viên mãn. Này các Tỳ kheo, không phải với cái hạ liệt có thể đạt được cái cao thượng, phải là cái cao thượng mới đạt được cái cao thượng. Do vậy, này các Tỳ kheo, hãy tinh tấn để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ”.
5/ Có một bài học thâm thúy, quan trọng mà chúng ta cần ghi nhớ và vận dụng vào cuộc sống thường nhật, vào công tác giáo dục, hoằng hóa là ở đây, Đức Phật khai ngộ vị sa môn rất khế lý khế cơ, đưa vị ấy từ vị trí thối thất đạo tâm, muốn trở về đời sống thế tục, trở nên vững tin vào lập trường tu tập, tinh tấn trau dồi phạm hạnh, hướng đến giải thoát. Khế cơ ở đây là nắm vững căn cơ đối tượng cùng những ý nghĩ, nguyện vọng của vị sa môn. Khế lý ở đây là xa lìa thái độ giáo dục áp đặt chủ quan, mà bắt đầu từ công việc, nghề nghiệp của đối tượng. Đức Phật không hỏi chuyện người khác, cũng không kể đời tư của Ngài mà hỏi sở trường của đương sự. Nắm bắt mấu chốt vị sa môn thiện xảo về đàn, Đức Phật chỉ hỏi về cách lên dây đàn, nhưng thông qua đó, cách tu tập được hiển bày, mượn một vấn đề để lý giải sáng tỏ một vấn đề, giáo dục so sánh khế hợp, tiếp hợp, rất độc đáo. Điểm này có thể nói là đặc sắc, quan trọng của bài kinh. Từ sự khế hợp này, một biện chứng logic thang bậc về tu tập được trải ra: “Đối với đạo không nên bạo phát, bạo phát thì thân thể mệt. Thân thể mệt thì ý phiền não. Ý phiền não sẽ dẫn đến thối thất. Thối thất đạo hạnh thì tội gia tăng”. Rồi chính biện chứng logic thang bậc này dẫn được mô hình trung đạo: “Người học đạo giải thoát phải điều tiết tâm cho hài hòa…”, “Do đó, chỉ nên giữ trạng thái trung đạo, thanh tịnh, an lạc thì đạo sẽ không thối thất”. Do đó, muốn đạt được hiệu quả cao trong công tác giáo dục, hay sự nghiệp hoằng hóa, chúng ta phải biết khế lý và khế thời nữa.
6/ Tìm về nguyên tác, bài kinh này có xuất xứ từ Kinh Sona, thuộc Tăng Chi II (A.iii, 374, tr. 365-369). Có vài điểm khác biệt nhỏ giữa nguyên tác với kinh văn của chương này. Bản văn nguyên tác không nói rõ nguyên nhân thối thất tâm Bồ đề của thầy Tỳ kheo mà chỉ nói đến những dòng suy nghĩ muốn trở về đời sống thế tục của thầy. Thầy Tỳ kheo đó chính là tôn giả Sona Kolivisa. Nguyên tác còn cho biết thêm, sau lần giáo giới khế cơ ấy, tôn giả Sona phấn chấn và già dặn hơn lên. Trong một thời gian ngắn sau đó, tôn giả đã chứng đắc A la hán, tìm đến Thế Tôn trình bày sở chứng của ngài và ngài đã được Thế Tôn ấn chứng. Sau đây là bản văn tóm lược nội dung nguyên tác:
“Sona là một Tỳ kheo xuất thân từ một gia đình giàu có. Thầy thường trú xứ trong phạm vi khuôn viên rừng Sita, thuộc Rajagrha (Vương Xá). Hôm nọ, trong lúc tỉnh cư trong rừng, thầy có những tư tưởng chán ngán, thối thất, thầy thầm nghĩ:
– Đã là đệ tử xuất gia của Thế Tôn thì tinh cần tinh tấn là chính yếu. Nhưng ta còn chấp thủ, tâm chưa thoát khỏi các lậu hoặc. Chi bằng trở về với đời sống thế tục, hưởng của hồi môn rồi làm các công đức cũng không khó. Vậy ta hãy từ giã đời sống của sa môn, từ bỏ học pháp.
Như một máy bắt sóng, Thế Tôn với trí lực và tha tâm thông biết được điều đó. Lập tức, Ngài biến mất khỏi Linh Thứu, hiện ra trước mặt Sona. Thầy chưa kịp kính phục thì Đức Phật đã hỏi trúng ngay ý định của thầy:
– Này Sona, thầy có tư tưởng muốn từ bỏ học pháp, từ giã đời sống sa môn hạnh chứ?
– Bạch Thế Tôn…! Thầy lúng túng, thán phục.
– Này Sona, nếu ta không lầm, thì trước khi xuất gia thầy chơi đàn tỳ bà (Vina) rất điêu luyện?
– Vâng, bạch Thế Tôn.
– Nếu dây đàn được lên căng quá, thì âm hưởng của đàn có du dương theo ý muốn không? Khảy có dễ dàng không?
– Bạch Thế Tôn, âm điệu như bị cụt, tắc nghẽn và dây đàn sẽ dễ bị đứt.
– Nếu dây đàn quá dùn thì sao?
– Bạch Thế Tôn, khảy không kêu.
– Này Sona, nếu như các dây đàn đều được lên dây đúng mức, không căng cũng không dùn thì âm điệu sẽ thế àno?
– Bạch Thế Tôn, tuyệt hảo.
Vừa dứt lời, Đức Phật dẫn dụ qua câu chuyện hiện tại:
– Cũng vậy, này Sona, ta muốn nói điều đó với thầy. Mặc dù đời sống sa môn hạnh rất cần tinh tấn. Nhưng nếu cố sức vào tinh cần quá mức, như một cực đoan, sẽ dẫn khởi sự dao động về tư tưởng. Trái lại, nếu buông lơi giải đãi quá mức, như một cực đoan, sẽ dẫn đến sự biếng nhác, thối đạo. Phải nên tránh cả hai. Hãy tu tập tinh tấn một cách nhịp nhàng, bình đẳng, thể nhập với khả năng chịu đựng của các căn, không nên buông lỏng đã đành, nhưng cũng không thể nào ép quá sức.
Nói xong, Thế Tôn biến mất khỏi rừng Sita và hiện ra ở núi Linh Thứu.
Sau lần giáo giới đó, Sona không còn tư tưởng muốn trở về thế tục nữa. Thầy tu tập như lời huấn thị của Đức Phật và chẳng bao lâu phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa. Sona trở thành một vị A la hán. Sau đó, thầy thưa Đức Phật để được trình bày về sáu con đường xuất ly của A la hán như sau:
o Xu hướng xuất ly : đoạn trừ tam độc
o Xu hướng viễn ly : đoạn trừ tam độc
o Xu hướng vô sân : đoạn trừ tam độc
o Xu hướng ái diệt : đoạn trừ tam độc
o Xu hướng thủ diệt : đoạn trừ tam độc
o Xu hướng vô si : đoạn trừ tam độc
Và Đức Phật đã xác nhận cho đó là đúng”.
7/ Để tổng kết nội dung bài này, chúng ta cần ghi nhớ vài điểm chính sau đây:
– Tinh tấn đoạn trừ ác pháp, thành tựu thiện pháp là con đường duy nhất đưa hành giả đạt đến giải thoát.
– Tinh tấn theo nội dung kinh điển Phật giáo là trung đạo, không thái quá, không bất cập, lìa mọi cực đoan, làm cho hành giả phấn chấn tu tập thêm lên.
– Dục tốc thì bất đạt cũng như bạo phát thì bạo tàn. Tu tập đều đều, không gấp không hoãn, kết quả sẽ đạt được.
– Tinh thần minh mẫn không thể hiện hữu trong một thân thể bại hoại, mỏi mệt. Do đó, phải giữ gìn thể lực trong suốt quá trình tu tập, không nên có thái độ chối bỏ nó. “Cái thân sinh tử này, phải làm được việc lành.”[11]
– Hiêu quả của hoằng hóa giáo dục không chỉ ở bản thân của giáo lý, giáo án mà còn hệ trọng ở phương tiện truyền đạt có khế lý khế cơ hay không.
[1] Dhp.21.
[2] Tương Ưng IV, tr. 332.
[3] Dhp.21.
[4] Dhp.23.
[5] Dhp.32.
[6] Dhp.30.
[7] Dhp.27.
[8] Dhp.25.
[9] Đại Bửu Tích VI, tr. 15.
[10] Đại Bửu Tích VI, tr. 55.
[11] Dhp.53.