Tìm Hiểu Kinh Bốn Mươi Hai Chương

Tìm Hiểu Kinh Bốn Mươi Hai Chương

Trương Văn Chiến 17

Chương 38. Mạng sống con người chỉ trong một hơi thở

 

 

I. DỊCH NGHĨA

Đức Phật hỏi một vị Tỳ kheo:

– Mạng sống con người tồn tại bao lâu?

– Trong vài ngày.

– Thầy chưa hiểu đạo.

Đức Phật hỏi vị khác:

– Mạng sống con người tồn tại bao lâu?

– Khoảng một bữa ăn.

– Thầy cũng chưa hiểu đạo.

Đức Phật hỏi thêm một vị nữa:

– Mạng sống con người tồn tại bao lâu?

– Trong một hơi thở.

– Hay lắm, thầy đã hiểu đạo.

II. LƯỢC GIẢI

Đối với Đức Phật, bất kỳ một cuộc đối thoại đàm luận nào cũng đều mang ý nghĩa của một bài thuyết pháp, dù gián tiếp hay trực tiếp. Và thông qua đó, chúng ta thấy được sự khế cơ tuyệt hảo của Đức Phật. Mỗi một đối tượng, Đức Phật trình bày pháp cũng tùy theo năng lực tiếp thu của đối tượng đó. Chưa có bao giờ Đức Phật thuyết pháp không ứng cơ cả. Sự ứng cơ tiếp vật, có thể nói là yếu tố trọng yếu hàng đầu trong mục đích cũng như hiệu năng của hoằng truyền chánh pháp đến với người khác, nhất là người ngoại đạo. Ở đây tuy đối tượng chính yếu là một cuộc thẩm sát tri thức về nguyên lý vô thường của hữu thể con người từ Đức Phật đến với ba vị Tỳ kheo. Câu trả lời của hai vị đầu không được Đức Phật đồng ý, không có nghĩa là câu hỏi của Đức Phật thiếu khế cơ, mà do nhân duyên nắm bắt chánh pháp của hai vị này chưa đến. Vị thứ ba trả lời được Đức Phật tán thán là do nắm vững nguyên lý vô thường. Đây mới chính là sự đối cơ tuyệt hảo. Sự đối cơ này còn là phương tiện nhân duyên để hai vị Tỳ kheo kia chợt tỉnh và rõ đạo. Đó cũng là một sự đối cơ gián tiếp.

Điều chúng ta cần lưu ý ở đây, Đạo không mang nghĩa là chánh pháp hay con đường giác ngộ như ở các chương khác. Đạo ở đây chỉ là “nguyên lý vô thường”. Không hiểu đạo, là không hiểu được nguyên lý vô thường. Hiểu đạo là hiểu nguyên lý vô thường. Vô thường là một chuỗi vận động từ hình thái cho đến tính chất trong từng sát na, sát na một.

Sát na là một đơn vị cực ngắn của thời gian, kinh Phật thường dùng thuật ngữ này để diễn tả sự vô thường biến đổi vô cùng nhanh chóng mà mắt thường chúng ta không nhận ra được. Nếu nói theo thuật ngữ khoa vật lý học hiện đại, thì sát na có thể hiểu là một Nanô.

Nanô là một phần tử của một đại lượng vật lý như thời gian không gian, cũng còn gọi là vật lý na nô.[1] Sát na vô thường là bản chất, là thuộc tính của mọi sự vật hiện tượng, trong đó có con người với mạng sống của nó. Tập hợp chuỗi dài của những sát na vô thường này, chúng ta có được sự vận động vô thường của từng giai đoạn, Phật giáo gọi đó là nhất kỳ vô thường.

Mỗi một vật thể đều diễn biến theo tiến trình bốn giai đoạn, hình thành, hiện hữu, biến hoại và tan rã. Mỗi một giai đoạn như vậy cũng hàm chứa vô số vật lý na nô. Nghĩa là trong sự hình thành cũng có vô số na nô, trong sự hiện hữu cũng có vô số na nô và trong sự tan rã cũng có vô số na nô. Na nô hay sát na lại là thuộc tính cấp hai (theo nghĩa cấp nhân) của nhất kỳ vô thường. Sự sinh, trụ, dị, diệt. Sự thành, trụ, hoại, không. Sự sinh, lão, bệnh, tử, tất cả đều có mặt của các sát na vô thường trong bản thân nó. Do đó, đứng trên phương diện này, câu trả lời của hai vị Tỳ kheo đầu không phải là sai, mà là không hoàn toàn chính xác, chỉ phù hợp với nhất kỳ vô thường. Mạng sống của con người tồn tại trong vài ngày hay trong khoảng một bữa ăn cũng đúng với những trường hợp “mới thấy một người khỏe mạnh, mà sau đó vài hôm hay vài mươi phút họ đã trở thành thiên cổ”. Đúng thật là “Vô thường sát quỷ, bất dữ nhân kỳ”: Vô thường như là con quỷ giết người, không hẹn ngày giờ trước với một ai (Quy Sơn Cảnh Sách). Nhưng ở đây, sở dĩ Đức Phật khẳng định cả hai thầy đều “Chưa hiểu đạo” là vì muốn các thầy tuệ tri đến bản chất uyên ủy của con người nói riêng, vạn vật nói chung. Sự biến đổi thân thể trong từng đơn vị cực ngắn của thời gian, thông qua đó sự sống cũng mong manh như vậy. Một hơi thở trút ra mà không hít vào, thì đã trở thành thiên cổ. Đời hiện tại và đời sau chỉ cách nhau trong sát na nhỏ nhất. Hiểu được như thế mới đích thực nắm vững nguyên lý vô thường của hữu thể con người.

Kinh Araka (A.iv.136) thuộc Tăng Chi II, tr. 554-557, diễn tả sự vô thường của kiếp nhân sinh vô cùng nhanh chóng, tạm bợ mỏng manh như cái gọi là sát an vô thường của nội dung chương này:

“Này Bà la môn, ít oi, bé nhỏ, nhanh chóng, tóm tắt, nhiều khổ đau là đời sống của loài người. Ví như giọt sương trên đầu ngọn cỏ khi mặt trời mọc, mau chóng biến mất. Ví như bong bóng nước trên nước khi trời mưa nặmg hạt, mau chóng tan bể. Ví như con sông trên núi chảy ra, dòng nước chảy nhanh, lôi cuốn vật này vật khác, không có sát na nào nó dừng nghỉ, nó phải chảy tới, cuồn cuồn chảy, thôi thúc chảy. Ví như người lực sĩ tụ lại một nhúm nước miếng trên đầu lưỡi rồi nhổ đi không có phí sức…

Sự vô thường trong từng tích tắc của sự sống là như vậy. Do đó, nhân mạng chỉ thật sự tồn tại trên một điểm của thời gian. Nếu nhân duyên sự sống đã hết, thì ngay điểm thời gian đó là kiếp sau. Cảm nhận sâu sắc nguyên lý mang tính quy luật này, Tổ Quy Sơn đã tuyên bố nó để khẳng định mục đích nỗ lực tu tập không để thời gian trôi qua luống uổng.

“Nguyên lý vô thường như sự già nua, bệnh tật, cái chết… không dự báo cho một ai. Sự ra đi chỉ xảy ra một sát na và đời sau đã hình thành ngay trong tích tắc ấy. Nguyên lý vô thường này rất phổ biến, tưởng chừng như những hạt sương mai lóng lánh chẳng mấy chốc đã còn đâu… Sự chuyển biến vô thường nhanh lẹ trong từng đơn vị nhỏ nhiệm của thời gian. Một hơi thở ra mà không hít vào đã trở thành đời khác của sự sống. Do đó, không một lý do gì được xem là hợp lý, khi chúng ta an nhàn để thời gian trôi qua một cách vô ích.”[2] Kinh Bắc truyền cũng diễn tả mạng sống con người mong manh, tạm bợ, vô ngã, chỉ hiện hữu trong từng sát na. Và sự hủy hoại sự sống cũng trong sát na đó:

“Thân này không bền chắc, khác nào như bọt nước, cây chuối, cọng lau. Thân này vô thường, niệm niệm không dừng, như làn chớp, nước dốc, ngọn lửa, lằn vẽ trên nước…”[3]

Ở một đoạn khác, Đức Phật còn diễn tả sự sát na sinh diệt của nhân mạng bằng các hình ảnh hết sức gợi tả dễ hình dung, nắm bắt và cũng tương tự như đoạn kinh vừa nêu:

“Thân này như cây chuối, như ánh nắng, như bọt nước, như huyễn, hóa, như thành càn thát bà, như làn chớp, như làn vẽ trên nước…”[4]

Chính như thế chúng ta thấy, nhận chân bản chất hiện tượng sinh diệt vô thường dù là trong nhất kỳ, hay trong từng sát na cũng là những mục tiêu nhận thức và đúng đắn. Nhưng cần thiết hơn hết vẫn là nhận chân trong nhất kỳ vô thường đã có hàm tàng một chuỗi sát na vô thường. Và sát na vô thường là bản chất của vạn pháp. Mạng sống con người cũng chịu sự chi phối khách quan này.

Câu vấn đáp sau cùng giữa Đức Phật với vị Tỳ kheo thứ ba lóe lên những bài học sâu sắc, nhằm ngụ ý giáo dục tư tưởng nhận thức quan một cách chánh kiến:

“Mạng sống con người tồn tại trong bao lâu? Trong một hơi thở. Hay lắm, thầy đã hiểu đạo”.

Lời tán thán và xác quyết sự thông hiểu trọn vẹn nguyên lý sát na vô thường của kiếp sống nhân sinh ở thầy Tỳ kheo thứ ba, còn cho thấy tính khế cơ trong hoằng pháp của Đức Phật. Tán thán một người, trên cơ sở đó, khích lệ mọi người. Hai thầy Tỳ kheo đầu và tất cả chúng ta đều cùng nhận thức như vậy dù chỉ là gián tiếp. Nhìn chung, tuy trong phần chính văn, chúng ta không hề thấy Đức Phật đề cập đến lợi ích của nhận thức chánh kiến và nguyên lý vô thường này. Nhưng thông qua kinh tạng ta cũng nên nêu ra một vài lợi ích cơ bản:

– Kinh Phật Thuyết Như Vậy khẳng định, ai nhận thức chánh kiến nguyên lý sát na vô thường sẽ tự gắn mình trong sự tu tập, thu thúc tự ngã: “Sinh y là vô thường, khổ, biến hoại, trong từng sát na… (do đó) thấy sợ trong sinh y. Hiểu được sống và chết. Sau khi chứng đạt được. Sự an tịnh tối thượng. Tự ngã được tu tập.”[5]

– Kinh Tương Ưng, thời cho biết, hiểu được vô thường từng sát na trong các hành là ly khai khỏi sự hệ lụy vào nó, nghĩa là giải thoát chấp ngã chấp pháp: “Vô thường trong từng sát na, không kiên cố trong tùng sát na… là các hành. Cho đến như vậy, thật là vừa đủ để nhàm chán, từ bỏ, giải thoát tất cả hành.”[6]

– Và Kinh Tăng Chi, chỉ nói gãy gọn, tuệ tri bản chất vô thường là người có chánh tri kiến giải thoát.[7]

– Chính như vậy cũng thật là vừa đủ để chúng ta chọn câu trả lời “mạng sống con người tồn tại trong một hơi thở” mà áp dụng nó vào đời sống thực tại thường nhất để có ích cho phạm hạnh giải thoát và tri kiến tuệ giác trên con đường nhận thức tu tập của chúng ta.


[1] Theo Nguyễn Văn Vĩnh, báo Khoa Học Phổ Thông, số Xuân Tân Mùi, tr. 4).

[2] Quy Sơn Cảnh Sách.

[3] Đại Bát Niết Bàn I, tr. 24.

[4] Kinh đã dẫn, tr. 61.

[5] It 69, tr. 472.

[6] Tương Ưng II, tr. 220.

[7] Tăng Chi I, tr. 36.