Tìm Hiểu Kinh Bốn Mươi Hai Chương

Tìm Hiểu Kinh Bốn Mươi Hai Chương

Trương Văn Chiến 16

Chương 4. Thập thiện – Thập ác

I. DỊCH NGHĨA

Đức Phật dạy rằng: Chúng sinh cho rằng mười hành vi dưới đây là ác và phủ định trái ngược với mười hành vi đó là thiện.

Mười hành vi đó là:

– Thân có ba: Sát sinh, trộm cắp, tà dâm.

– Khẩu có bốn: Vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu.

– Ý có ba: Tham, sân, si.

Mười hành vi trên không phù hợp với Thánh đạo nên gọi là Ác. Hành động phủ định trái ngược với mười ác này gọi là Thiện.

II. LƯỢC GIẢI

Thiện và bất thiện là những phạm trù triết học, được đề cập hầu hết ở mọi tôn giáo và học thuyết. Nó là hệ thống luân lý học, nếu ta chấp nhận quan điểm thiện và bất thiện là những hành vi đạo đức hay phi đạo đức của con người. Ở Phật giáo, thiện và bất thiện là hai phạm trù liên quan đến giới luật học hay đạo đức học. Nó là cơ sở đánh giá khá chính xác phẩm cách, đạo đức từ suy nghĩ cho đến hành động của từng con người. Và nếu giới hạn thiện và bất thiện trong phạm vi nội dung chương thứ 4 này thì các vấn đề mà chúng ta cần khảo sát đến là:

A.- Thiện và bất thiện: hai thuộc tính đối lập trong một hữu thể thống nhất là con người

Trong con người, những cá tính đối lập, xung khắc để dẫn đến những tư tưởng, hành vi có khi là đạo đức, có khi là phi đạo đức, chính là các tâm lý thiện và bất thiện. Thiện và bất thiện là những hành vi đối lập, nhưng cùng tồn tại song song trong một hữu thể thống nhất là con người. Theo Duy thức học Phật giáo, Tàng thức hay còn gọi là tiềm thức Alaya là nơi dung chứa, tích tập, huân sinh rồi huân trưởng các hạt giống thiện và bất thiện. Các chủng tử này, tiềm ẩn dưới dạng năng lực tiềm phục. Các năng lực mà khi nó hiện hành đem lại những giá trị đạo đức thì đó là những hạt giống thiện. Các năng lực khi mà nó hiện hành đem lại những giá trị phản đạo đức thì đó là những hạt giống bất thiện. Tùy theo diễn tiến và kết quả của hành vi được biểu hiện, chúng ta sẽ xác định được thế nào là hành vi thiện và thế nào là hành vi bất thiện. Để nói lên tính đối lập nhưng cùng tồn tại song song của hai cá tính thiện và bất thiện nơi con người, ở đây, Kinh Bốn Mươi Hai Chương diễn tả thật ngắn gọn và khá sinh động: “Chúng sinh cho rằng mười hành vi dưới đây là thiện, và phủ định trái ngược mười hành vi trên là ác”. Như vậy chỉ có một vấn đề nhưng nếu ta thể hiện hành vi với những tâm niệm dẫn khởi lợi ích, thì đó là thiện và ngược lại là bất thiện. Thiện và bất thiện lệ thuộc vào cái nhìn và hành động của con người.

B.- Khái niệm về thiện, bất thiện

Thiện, ác theo đạo Phật không chỉ là vấn đề luân lý đạo đức mà còn là vấn đề nhân bản nữa. Phân tích mổ xẻ thiện, ác là nhằm hướng đạo con người đến chân thiện mỹ. Do đó, thiện theo đạo Phật hay cụ thể là với nội dung chương này, không chỉ đơn giản với ý nghĩa là từ thiện qua các công tác xã hội. Mà ta nên hiểu rằng: thiện là những gì nên làm và làm là đem lại lợi ích chính đáng. Ác là những gì không nên làm và phải tránh, nếu làm là đem lại đau khổ.

Định nghĩa cơ bản của Phật giáo Nam tông về thiện là: “Không bệnh hoạn (Arogya), tốt đẹp (Sundara), khôn khéo (Cheka), không lỗi lầm (Anavajja) và có quả an vui (Sukhavipaka).”[1]

Định nghĩa truyền thống của Phật giáo Bắc tông về thiện là: “Thuận đệ nhất nghĩa viết thiện. Bội đệ nhất nghĩa viết bất thiện.”[2] Nghĩa là những hành vi tạo tác nào không dẫn đến chân lý tuyệt đối là bất thiện hay còn gọi là ác. Theo Thành Duy Thức Luận Thuật Ký thì “Những hành vi nào đem lại kết quả tốt, lợi ích an vui cho mình và cho người ngay trong hiện tại và tương lai về sau là thiện. Và ngược lại là bất thiện”. Dù định nghĩa của hai tông phái có gia giảm khác nhau, nhưng tựu trung, vẫn toát lên một ý nghĩa nhất quán là thiện là những hành vi mang tính đạo đức, có lợi cho cả hai, người tạo tác và đối tượng bị tạo tác. Đây cũng hoàn toàn phù hợp với định nghĩa của kinh này: “Không phù hợp với Thánh đạo nên gọi là ác. Hành động phủ định trái ngược với ác này thì gọi là thiện”.

C.- Phạm trù thiện ác và cơ năng phát khởi nghiệp

Phạm trù thiện ác theo Phật giáo nói chung và kinh này nói riêng bao gồm mười hành vi, gói ghém trong ba cơ năng phát tạo nghiệp là thân, khẩu và ý. Cơ năng của thân sẽ dẫn khởi, hoặc là sát sinh, trộm cắp, tà dâm, hoặc là không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm. Cơ năng của khẩu dẫn khởi, hoặc là vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, hoặc là không vọng ngôn, không ỷ ngữ, không lưỡng thiệt, không ác khẩu. Và cơ năng của ý là dẫn khởi, hoặc là tâm lý tham lam, sân hận, si mê, hoặc là không tham lam, không sân hận, không si mê. Nhưng cơ năng chính yếu và quyết định sự thi thố các hành vi dù thiện hay ác chính là ý tưởng hay tác ý. Kệ Pháp Cú nói: “Ý dẫn đầu các pháp/ Ý làm chủ, ý tạo/ Nếu với ý nhiễm ô/ Nói lên hay hành động/ Khổ não bước theo sau/ Như xe, chân vật kéo.”[3] Hay như Kinh Tăng Chi nói: “Phàm những pháp nào là bất thiện, thuộc thành phần bất thiện, đứng về phía bất thiện, tất cả pháp ấy đều được ý đi trước, ý khởi trước rồi các pháp bất thiện mới theo sau. Phàm những pháp nào là thiện, thuộc về thiện, đứng về phía thiện. Tất cả những pháp ấy đều được ý đi trước, ý khởi trước rồi các pháp thiện mới theo sau.”[4] Thật vậy, ý tưởng của con người luôn là hành vi đi đầu trong các hành vi được biểu hiện qua thân tác tạo hay ngôn ngữ. Ý là một thứ hành vi năng lực. Thân tạo tác và ngôn ngữ thực thi là những hành vi biểu động. Do đó, tác ý là nghiệp. Vì ý đi đầu nên nếu ý phát khởi với chiều hướng bất thiện thì hành vi biểu động theo sau cũng là bất thiện. Nếu ý dẫn khởi với năng lực thiện thì hành vi biểu động theo sau đó nhất định là thiện:

“Này gia chủ, khi tâm lý không phòng hộ thì thân nghiệp, khẩu nghiệp không phòng hộ. Với ai thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp không phòng hộ thì thân nghiệp đầy ứ tham dục và rỉ chảy, khẩu nghiệp đầy ứ tham dục và rỉ chảy, ý nghiệp đầy ứ tham dục và rỉ chảy. Với ai tam nghiệp đầy ứ tham dục và rỉ chảy, thân nghiệp hủ bại, khẩu nghiệp hủ bại, ý nghiệp hủ bại. Với ai tam nghiệp hủ bại thì sự sống không được hiền thiện, sự chết không được hiền thiện.”[5]

Như vậy cũng đủ thấy tầm quan trọng của ý nghiệp và quả báo xấu xa, nếu các hành vi được biểu hiện là ác. Ngược lại, quả báo an vui sẽ đến với chúng ta, nếu các hành vi được biểu hiện là thuần thiện.

D.- Khái lược nội dung thập thiện, thập ác

1.- Sát sinh: Là sự sát hại sinh linh, đoạn mất mạng sống của các loại động vật. Nó là một loại hành vi thiêu hủy tâm từ và tăng trưởng tính khí hiếu sát, hiếu chiến. Sát sinh ở mức độ nặng là hủy hoại mạng sống của con người, ở mức độ nhẹ hơn là hủy hoại mạng sống các loại hữu tình khác. Theo Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo Bắc tông, sinh mạng là vô giá, dù đó là sinh mạng của con người, của các loài động vật khác, hay thậm chí của thực vật. Giới luật Phật giáo Bắc tông khuyên mọi người nên tôn trọng sự sống của kẻ khác, của loài khác, không vô cớ xâm phạm đến quyền sống của ai, ngoại trừ trường hợp bất khả kháng phải “sát nhất miêu cứu vạn thử” theo tinh thần bi, trí, dũng để lợi lạc cho lợi ích chính đáng của đa số.[6]

Kinh thường mô tả sự không sát sinh của người Phật tử là phát xuất từ lòng từ ái và tôn trọng sự bình đẳng về quyền sống: “Vị Thánh đệ tử cho đến trọn đời từ bỏ sát sinh, từ bỏ trượng, đao, kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến tất cả hạnh phúc chúng sinh và loài hữu tình.”[7] Ngoài ra, kinh còn khuyên răn: “Tự mình từ bỏ sát sinh, khích lệ người khác từ bỏ sát sinh, hoan hỷ từ bỏ sát sinh và tán thán từ bỏ sát sinh.”[8] Bởi vì, quả báo của sự sát sinh sẽ đưa chúng sinh vào ba ác đạo và làm giảm thọ: “Này các Tỳ kheo, ai thực hiện sát sinh sẽ bị đọa địa ngục, ngạ quỷ, bàng sinh. Quả dị thục nhẹ của sát sinh là quả báo làm tuổi thọ ngắn ngủi.”[9] Mặt khác, chính do sự sát sinh, sự sợ hãi sẽ đeo đuổi ta mãi mãi: “Người sát sinh sợ hãi hận thù do sát sinh ngay đời này cũng như tương lai với tâm khổ ưu. Đoạn tuyệt sát sinh, sợ hãi hận thù do sát sinh được nhiếp phục.”[10] Ngoài ra, Đức Phật còn cho biết tỉ mỉ hơn về tác hại của nghiệp sát làm trì hãm quá trình tu tập giới, định, tuệ:

“Người tu chánh định là cốt để ra khỏi trần lao. Nếu tâm sát hại chẳng trừ thì không tài nào ra khỏi. Dẫu có nhiều trí, thiền định hiện tiền mà chẳng dứt tâm sát hại ắt phải đọa lạc vào quỷ thần. Nên biết rằng, những người ăn thịt chúng sinh tựa như là loài la sát, ắt phải chìm đắm biển khổ, không phải là đệ tử Phật. Những chúng sinh gieo nghiệp sát, không làm sao thoát khỏi luân hồi.”[11]

Người Phật tử không chỉ có từ bỏ nghiệp sát mà còn biết khích lệ người khác từ bỏ sát sinh. Đồng thời, bằng mọi cách bảo hộ, tôn trọng quyền sống kẻ khác, loài khác như bảo vệ môi sinh, phóng sinh. Đó là thiện nghiệp đối nghịch nghiệp sát.

2.- Trộm cắpLà hình thức tước đoạt quyền sở hữu của người khác một cách phi pháp. Nói rộng ra, những hành vi ăn cắp tài sản nhà nước, của công, hối lộ, trốn thuế, chiếm dụng tài sản bất hợp pháp… đều thuộc về trộm cắp cả. Có những trộm cắp được thực hiện công khai, có những trộm cắp lén lút và thậm chí cũng có những trường hợp người trộm cắp rất tinh tế, khó phát hiện như tham ô, tham nhũng. Nhưng tất cả đều là chiếm dụng quyền sở hữu một cách phi pháp. Trên cơ bản, người trộm cắp đã đánh mất những đức tính hiền lương ở chính mình, làm nhơ uế tư cách và gieo đau khổ, buồn bực cho kẻ khác. Ngoài ra, trộm cắp còn là những đối tượng hình sự mà luật pháp nhà nước luôn ruồng đuổi, truy lùng và bắt bớ. Kinh nói rất rõ, kẻ trộm cắp luôn có những tâm lý tham lam để tước đoạt tài sản kẻ khác, đôi lúc chúng sử dụng vũ lực để uy hiếp. Do đó, trộm cắp là một hành vi tội phạm:

“Đối với kẻ ăn trộm, đồ lấy được là mong muốn, rừng rậm là cần hành, đao trượng là điểm tựa, tối tăm là xu hướng và không bị lộ là cứu cánh.”[12]

Ở các kinh, Đức Phật luôn khuyên chúng ta phải biết tôn trọng tài vật của kẻ khác, không có ý lấy khi người ta không cho, cũng không gián tiếp hay khích lệ, tiếp tay ai trộm cắp, vì làm như vậy là vô liêm, tội lỗi:

“Tự mình từ bỏ lấy của không cho, khích lệ người khác từ bỏ lấy của không cho, chấp nhận từ bỏ lấy của không cho và tán thán từ bỏ lấy của không cho.”[13]

Chính như vậy, chúng ta thấy giá trị nhân cách của con người là ở sự liêm khiết trong sạch “nghèo cho sạch, rách cho thơm”, chứ không phải là ở sự giàu sang phi pháp. Đức Phật cho biết có hai sự sợ hãi sẽ khởi lên nơi người trộm cắp là luôn lo sợ bị bắt trong hiện tại và trong tương lai:

“Người lấy của không cho sẽ sợ hãi hận thù, bắt bớ trong hiện tại và cũng như tương lai với tâm ưu khổ. Đoạn tuyệt lấy của không cho, sợ hãi ấy sẽ được đoạn tận.”[14]

Ở một đoạn khác, Đức Phật còn cho biết kẻ trộm cắp sẽ bị tổn hại tài sản và khi mạng chung sinh ác thú:

“Này các Tỳ kheo, ai thực hiện trộm cắp sẽ bị đọa địa ngục, ngạ quỷ, bàng sinh. Quả dị thục nhẹ nhất của trộm cắp là bị tổn hoại tài sản.”[15]

Do đó, rất đáng cho chúng ta từ bỏ mãi mãi ác nghiệp lấy của phi pháp.

3.- Tà dâm: Cũng còn gọi là tà hạnh hay tà hạnh trong các dục hạ liệt, thấp kém. Đối với người tại gia, tà hạnh là những hành vi lang chạ tình ái hoặc quan hệ tình cảm, tình dục với người chưa hôn thú và ngoài hôn thú. Đối với người xuất gia, tà dâm được hiểu là sự dâm dục, hoặc đam mê các dục hạ liệt. Người tại gia mà tà hạnh thì hạnh phúc gia cang bị phá vỡ, nếp sống luân lý bị tổn thương, và còn bị tấm bia đời nguyền rủa, lên án. Người xuất gia mà sống tà hạnh thì phạm hạnh bị sứt mẻ, bể vụn, thánh hạnh bị thương tổn và sa môn hạnh không có cơ hội trổ quả giải thoát.

Trong kinh Đức Phật khẳng định: “Người tu hành nói chung mà không đoạn trừ dâm dục, muốn thoát ly tam giới thì không thể nào có được. Nên tâm niệm rằng sự dâm dục như rắn độc, như kẻ thù.”[16]

Một đoạn khác, Đức Phật cho biết ân ái dâm dục là đầu mối sinh tử luân hồi, vì thế hàng xuất gia phải dứt hẳn: “Nếu tâm của các chúng sinh còn dâm dục thì khi đó, chúng còn chạy theo dòng sinh tử bất tận… Nếu không đoạn trừ lòng dâm dục mà tu thiền định chẳng khác nào nấu cát mà mong thành cơm, trải qua ngàn kiếp cũng không thể nào thành được.”[17]

Cũng ở kinh trên, Đức Phật còn xác quyết rằng sự dâm dục là một ác nghiệp ghê gớm, không bao giờ song hành với Bồ đề. Muốn đạt Bồ đề mà còn dâm dục thì Bồ đề có thành cũng chỉ là sản phẩm dâm dục:

“Nếu lấy thân dâm mà cầu diệu quả của Phật, dẫu được cũng chỉ là gốc dâm. Gốc đã dâm thì phải trôi lăn ác đạo, không thể thoát khỏi. Vậy sao có thể chứng đắc Niết bàn.”[18]

Kinh Nikaya thì nhấn mạnh tính tất yếu phải tha hóa sa đọa ác đạo nếu làm người mà tà hạnh trong các dục:

“Này các gia chủ, ai sống đời tà hạnh, sẽ bị đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Quả dị thục nhẹ nhất là bị oán thù của kẻ khác.”[19]

Vì thế, Đức Phật thường khuyên nhắc chúng ta rằng:

“Này các gia chủ, hãy tự mình từ bỏ tà hạnh, khích lệ người khác từ bỏ tà hạnh, chấp nhận từ bỏ tà hạnh và tán thán từ bỏ tà hạnh trong các dục. Thành tựu bốn pháp này xứng đáng sinh về thiên giới.”[20]

Do đó, để bảo vệ hạnh phúc gia đình mình, để tôn trọng gia cang kẻ khác, để thành tựu phạm hạnh sa môn, người tại gia hay xuất gia phải nhất quyết đoạn tận tà hạnh và tà hạnh trong các dục hạ liệt.

4.- Vọng ngôn: Là nói những điều trái ngược với thực tế, trái với sự thật, trái với điều mắt thấy tai nghe… với ý đồ lường gạt, dối trá, phỉnh phờ. Thông thường, kinh thường nêu lên tám trường hợp điển hình và gọi các kiểu thức vọng ngữ là “Phi thánh ngôn”: “Thấy nói không thấy, không thấy nói thấy. Nghe nói không nghe, không nghe nói nghe. Biết nói không biết, không biết nói biết. Nghĩ nói không nghĩ, không nghĩ nói nghĩ. Đây là tám Phi thánh ngôn.”[21]

Ở một đoạn kinh khác, vì ý đồ đen tối của kẻ vọng ngôn là man trá đối với người khác, Đức Phật đã kết án những kẻ nói vọng ngôn là những kẻ thốt lời hôi thối: “Do vì mình hay vì người, hay vì vài lợi vật nhỏ đã cố ý mà nói láo. Người như vậy, này các Tỳ kheo, được gọi là người nói như phân.”[22] Và đối với những ai nói vì bênh vực sự thật được Đức Phật gọi là người có “ngôn ngữ như hoa đẹp.”[23] Và rồi một lần thuyết pháp cho ông Cấp Cô Độc, Đức Phật cho biết người nào lìa vọng ngôn, sống được thoải mái, không sợ hãi: “Này gia chủ, sợ hãi hận thù do nói láo sẽ dẫn đến tâm ưu, tâm khổ người ấy cảm thọ ngay hiện tại và tương lai. Đối với ai từ bỏ nói láo, sự sợ hãi hận thù như vậy được nhiếp phục.”[24]

5.- Ỷ ngữ: Là những lời nói “mật ngọt chết ruồi”, những lời nói “ngữ lý tòng đao” hay “miệng nam mô Phật, bụng đựng bồ dao găm”. Đó là những giọng nói thoáng qua như nhân từ, đạo đức thiện chí nhưng thật ra là lời nói với mục đích xã giao để thực hiện những ý đồ đen tối. Ỷ, theo Hán ngữ là thêu thùa, văn vẻ. Do đó, người nói những ngôn từ ỷ ngữ đều là trau chuốt lời nói, làm xiêu lòng người để mà lường gạt họ.

Người nói ỷ ngữ, trên cơ bản, cũng là một hình thức nói vọng ngôn nhưng vọng ngôn ở mức độ xảo trá tinh vi hơn, khó phát hiện hơn. Chỉ khi nào mục đích và ý đồ đã thực hiện được, người ta mới có thể xác nhận chính xác. Vì thế, ỷ ngữ xem ra nguy hại hơn vọng ngôn nhiều. Nếu như vọng ngôn chỉ nói sai sự thật thì ỷ ngữ là nói lòn lách, tránh né bằng sở trường của ba tấc lưỡi để man trá kẻ nhẹ dạ, cả tin. Nó có mục đích và ý đồ hẳn hoi. Về hậu quả của kẻ nói ỷ ngữ, Đức Phật khẳng định rằng: “Này các Tỳ kheo, ai nói lời ỷ ngữ sẽ bị quả báo tam ác đạo. Quả dị thục nhẹ nhất của quả báo này là làm người thường bị những lời nguyền rủa”. Ngoài ra, những thái độ tiếp tay, nối giáo gián tiếp cho kẻ nói ỷ ngữ… cũng bị quả báo tương tự. Do đó, làm người chánh trực, chân chính thì không nên nói ỷ ngữ mà chỉ là chân thật ngữ, bất cuống ngữ.

6.- Lưỡng thiệt: Không phải là nói hai lưỡi mà là nói lời đòn xóc hai đầu. Khi ở bên đây thì châm chọc nói xấu bên kia. Nhưng khi sang bên kia lại nói xấu bên đây, cốt làm cho hai bên từ hòa hợp trở nên ly gián, từ mối quan hệ bình thường trở nên gay gắt, mâu thuẫn, xung đột nhau, thậm chí trở thành cừu địch, đối thủ nhau. những kẻ nói lời đòn xóc, thường có những tâm địa hiểm độc tàn nhẫn. Mục đích của người nói lời đòn xóc là nhằm phá vỡ mối quan hệ thân thiện giữa hai đối tượng. Và hậu quả của nó, người ta không thể lường trước được.

Về quả báo của người nói lời đòn xóc, Kinh Địa Tạng dạy rằng: “Những kẻ nào nói lời đâm chọc, gây gổ thì sẽ bị quả báo câm ngọng, sứt môi, hay nhiều lưỡi.”[25] Còn theo Kinh Tăng Chi, Đức Phật cho biết rằng, kẻ nói lời đòn xóc tương lai phải sa đọa ba ác đạo và ngay hiện tại bị nhiều đổ vỡ trong tình hữu nghị: “Này các Tỳ kheo, ai nói lời đòn xóc sẽ bị quả báo nơi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Quả dị thục nhẹ nhất của quả báo này là làm người với nhiều đổ vỡ trong tình hữu nghị.”[26] Do đó, là người đệ tử Phật, chúng ta phải: “Từ bỏ nói lời đòn xóc, khích lệ người khác từ bỏ nói lời đòn xóc, chấp nhận từ bỏ nói lời đòn xóc và tán thán từ bỏ nói lời đòn xóc.”[27]

7. Ác khẩu: Ác khẩu là những lời nói dữ dằn, thâm hiểm, ác độc phát xuất từ tâm niệm sân si. Những lời nguyền rủa, chửi thề, nói tục, châm chích… đều thuộc vào ác khẩu. Vì ác khẩu xuất phát từ sân si nên nó thường đem lại đau khổ, buồn phiền cho kẻ khác. Nó là kẻ thù của từ ái, của ái ngữ. Trong kinh, Đức Phật ví sánh người không nói lời ác khẩu là người nói như mật, rất đáng quý trọng: “Này các Tỳ kheo, có người đoạn tận ác ngữ, từ bỏ lời nói ác ngữ. Lời nói của người ấy không hại, tai ưa nghe, khả ái, đi thẳng đến tâm, lễ độ, được nhiều người ưa thích, quý trọng, kính mến. Những người nói lời như vậy là người nói lời như mật.”[28]

Về quả báo của lời nói ác khẩu, Đức Phật cho biết: “Những kẻ nào nói lời thô ác sẽ bị quả báo quyến thuộc kình chống nhau. Còn khinh chê, mắng nhiếc người khác sẽ bị quả báo câm ngọng hay lở miệng.”[29] Kinh Tăng Chi còn cho biết thêm hai quả báo mà kẻ nói lời ác khẩu phải lãnh chịu là hiện tiền thường mục kích, nghe những gì bất như ý, sau khi mạng chung sa đọa ác thú: “Này các Tỳ kheo, ai nói lời ác khẩu sẽ bị quả báo nơi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Quả dị thục nhẹ nhất là làm người thường nghe những lời bất như ý.”[30]

8.- Tham: Tham là một trong những cơ năng tâm lý bất thiện, dẫn khởi các nghiệp bất thiện và để rồi lãnh chịu quả báo bất thiện. Tham là một phạm trù tâm lý rất rộng, bao quát nhiều đối tượng nhiễm đắm. Định nghĩa bao quát về tham là : sự tham luyến, tham đắm, vương vấn, thỏa thích, hoan hỷ, ham muốn, say mê, quyến luyến, ràng buộc, dính líu, nhiễm đắm, khát vọng, ảo vọng, sản sinh, xuất sinh, ái diệt, ái võng, ái hà, ái thắng, trữ tình, nguyện cầu, tình bạn, dẫn sanh hữu, ái mật lâm, ái xâm lăng, tình thương, lưu luyến, kết buộc, ước muốn, sự mong mỏi, muốn sắc, muốn thinh, muốn hương, muốn vị, muốn xúc, muốn lợi lộc, muốn tài sản, muốn con cái, muốn sống, mộng ước, mơ mộng, tham cầu, thái độ tham muốn, sự tham muốn, mê mẩn, vọng cầu, ái dục, ái hữu, ái phi hữu, ái sắc, ái phi sắc, ái đoạn diệt, bộc lưu, kiết phược, kiết thủ, ngục tù, tùy phiền não, gội khổ, bẫy ma, tham ái… tham là bất thiện căn[31]. Nói chung, tham là đam mê, chấp thủ tam giới và ngũ dục. Nó là đầu mối mọi khổ đau, mọi triền miên sinh tử.

Ở các kinh khác, tham còn được định nghĩa như sau: “Tham là một lỗi lầm.”[32] “Tham là một chướng ngại.”[33] Và hậu quả dẫn khởi của tham được Đức Phật giảng dạy như là đầu mối của sự tự hại và hại người khác: “Phàm người tham dục, do nhân tham dục, nghĩ đến tự hại, nghĩ đến hại người khác, nghĩ đến hại cả hai.”[34] Chính vì thế, Đức Phật dạy rằng, đoạn trừ tham dục là đoạn trừ toàn bộ đầu não của khổ uẩn: “Ai đoạn trừ được tham, người ấy vượt qua biển khổ khó vượt qua. Vượt trói buộc, thoát chết, không còn có sinh y. Đoạn tận mọi khổ đau. Không còn phải tái sinh. Sinh tử được đoạn diệt. Bậc không thể so sánh. Ta nói vị như vậy. Đã hóa mù thần chết.”[35] Do vậy, mà Kinh Bốn Mươi Hai Chương này gọi tham là một trong những hành vi không phù hợp với Thánh đạo là vậy.

9.- Sân: Cũng như tham, sân là một trong ba tác năng dẫn khởi các nghiệp bất thiện. Mục đích của sân là nhằm tiêu diệt đối tượng, thương tổn đối tượng. Nó phát xuất từ tâm lý hiếu chiến, giận dữ, căm thù, ác độc, thô tục. Định nghĩa rộng của sân là: “Hiềm khích trong sự vô lý, thái độ phẫn nộ, phản kháng, chống đối, giận dữ, giận hờn, nóng nảy, hãm hại, sự hiềm hận, cách hiềm hận, thái độ hiềm hận, sự đối lập, phản đối, hung hăng, lỗ mãng, sự bất bình của tâm.”[36] Nguyên nhân dẫn khởi ra sân hận được kinh mô tả như là một sự chấp ngã và nặng về ngã ái. Nó bao gồm những thái độ và suy nghĩ: “1/ Nó đã làm hại ta. 2/ Nó đang làm hại ta. 3/ Nó sẽ làm hại ta. 4/ Nó đã, đang, sẽ làm hại người ta yêu. 5/ Nó đã, đang, sẽ làm hại người ta không yêu.”[37] Chính phát xuất từ thái độ ích kỷ, nhỏ nhen, đố kỵ, chỉ muốn yêu chuộng người thân mà không nghĩ đến tha nhân, nên: “Phàm người sân hận do nhân sân hận, nghĩ đến hại mình, hại người, hại cả hai.”[38]

Kinh còn cho biết, vì bị phẫn nộ chinh phục, chi phối nên người sân hận luôn bị bảy tai hại sau đây đeo đuổi, ám ảnh: “1/ Dung sắc trở nên xấu xí. /2 Ngủ một cách khổ sở. 3/ Không hạnh phúc, đau khổ lâu dài. 4/ Vua quan tịch thu tài sản. 5/ Tư cách, uy tín, thanh danh bị mai một. 6/ Bạn bè, thân thuộc sẽ lánh xa. 7/ Mạng chung mê loạn, đọa ác thú vì tam nghiệp do sân mà tạo bất thiện.”[39] Do đó, quả là điều chí lý khi kinh Phật cho rằng: “Sân là một chướng ngại,”[40] hay “Sân là một tội lỗi đáng trách.”[41]

10.- Si: Si là trạng thái tâm lý u mê, tăm tối và không biện biệt được đâu là chính nên theo, đâu là tà nên bỏ. Nó được xem là nguyên nhân của sinh tử luân hồi và tạo nghiệp bất thiện. Định nghĩa truyền thống của Phật giáo Nam tông về Si rất bao quát: “Si không nhận chân Tứ thánh đế, không hiểu được tam thế, không hiểu các pháp duyên tính liên quan tương sinh. Si là không lãnh hội, không liễu ngộ, không thực chứng, không thông suốt, không nhiếp thu, không xét đoán, không phản tỉnh, thiếu trí, khờ khạo, si mê, vô minh… si là then chốt, là căn bản bất thiện.”[42]

Cũng đồng tính chất với hai căn bản phiền não trước là tham sân, “si luôn nghĩ đến những gì có hại cho mình cho người khác và cho cả hai.”[43] Chính vì thế, mà “si rất khó đoạn trừ,”[44] và đoạn trừ được nó là đoạn trừ nguồn gốc khổ uẩn, thể đạt vô vi, gọi là Niết bàn.”[45]

Nói tóm lại, mười hành vi tạo tác vừa lược nêu, sở dĩ gọi là bất thiện, là vì bản thân của mỗi chúng nó đều đem lại sự đau khổ cho người khác, sự đau khổ cho chính người hành động và làm đau khổ cho cả hai. Và gọi là thiện, là khi mà các hành vi trên được thể hiện với nội dung ngược lại, nghĩa là: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói vọng ngữ, không nói ỷ ngữ, không nói đòn xóc, không nói ác ngữ, không tham, không sân và không si.


[1] Bộ Pháp Tụ, tr. 24.

[2] Bồ Tát Anh Lạc Kinh.

[3] Dhp.1.

[4] Tăng Chi Bộ I, tr. 300.

[5] Kinh đã dẫn, tr. 300.

[6] Xem Đại Bát Niết Bàn I, tr. 612, 617, 618, 619, 620 và 621.

[7] Tăng Chi Bộ III, tr. 221.

[8] Tăng Chi I, tr. 671.

[9] Tăng Chi Bộ III, tr. 95.

[10] Tương Ưng Bộ II, tr. 81.

[11] Kinh Lăng Nghiêm, q.6, tr. 241.

[12] Tăng Chi Bộ II, tr. 356.

[13] Tăng Chi Bộ I, tr. 671.

[14] Tăng Chi Bộ III, tr. 242.

[15]Kinh đã dẫn, tr. 95.

[16] Kinh Lăng Nghiêm, q.8, tr. 277.

[17] Kinh đã dẫn, q.6, tr. 241.

[18] Kinh đã dẫn, tr. 242.

[19] Tăng Chi Bộ III, tr. 95.

[20] Tăng Chi Bộ I, tr. 671.

[21] Tăng Chi Bộ III, tr. 142.

[22] Tăng Chi Bộ I, tr. 142.

[23] Kinh đã dẫn.

[24] Tăng Chi Bộ III, tr. 242.

[25] Bản Hán Việt tr. 125.

[26] Tăng Chi III, tr. 95.

[27] Tăng Chi Bộ I, tr. 671.

[28] Tăng Chi Bộ I, tr. 142.

[29] Kinh Địa Tạng, tr. 119.

[30] Tập III, tr. 95.

[31] Bộ Pháp Tụ, tr. 278-279, số 691.

[32] Tương Ưng IV, tr. 291.

[33] Tương Ưng IV, tr. 298.

[34] Tương Ưng IV, tr. 343.

[35] Tương Ưng IV, tr. 165.

[36] Bộ Pháp Tụ, tr. 279-280, số 691.

[37] Tăng Chi III, tr. 438.

[38] Tương Ưng IV, tr. 343.

[39] Tăng Chi II, tr. 517-520.

[40] Tương Ưng IV, tr. 298.

[41] Tương Ưng IV, tr. 245.

[42] Bộ Pháp Tụ, tr. 280 số 691).

[43] Tương Ưng IV, tr. 344.

[44] Đại Bửu Tích, tập 6, tr. 466.

[45] Tương Ưng IV, tr. 360.