THỨC THỨ TÁM
Tánh duy vô phú, ngũ biến hành
(Thức thứ tám mang tánh chất vô phú vô ký, và tương ưng với 5 tâm sở Biến hành)
Câu tụng này nói về thức thứ tám. Trong 4 tánh: thiện, bất thiện, hữu phú vô ký, vô phú vô ký, thức thứ tám thuộc vô phú vô ký, vì thức này không mang tánh ô nhiễm (nên gọi là vô phú), vì thức này là sở y cho thanh tịnh và tạp nhiễm một cách bình đẳng không chống trái nhau (nên gọi là vô ký), vì thức này có cái năng tánh tiếp nhận huân tập (, tức nói khả năng tiếp nhận các pháp tạp nhiễm huân tập rồi làm nhân sanh ra các pháp ấy).
Khi duyên cảnh, thức này cùng tương ưng với 5 tâm sở biến hành: xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư; nhưng không tương ưng với các tâm sở khác. Vì sao? Tánh chất vô ký (trung tánh) là không phải thiện, không phải ác. Không phải thiện nên thức này không cùng tương ưng với tâm sở thiện, và không phải ác nên thức này không cùng tương ưng với tâm sở ác.
Giới địa tùy tha nghiệp lực sanh
(Thức thứ tám tùy theo nghiệp lực thiện hay ác mà biểu hiện ở trong 3 cõi, 9 địa)
Thức thứ tám chuyển hiện trong 3 cõi, 9 địa, 5 đường, tùy theo sức của nghiệp thiện hay ác mà chiêu cảm quả báo dị thục. Thức thứ tám với đặc tánh làm chủ thể tham dự vào tổng báo và bao quát tất cả tự thể ([sanh mạng] khác nhau) trong 3 cõi, mọi đường lành đường dữ. Đặc tánh làm chủ thể như vậy có 4 nghĩa: một là, thức thứ tám là căn bản của các pháp hiện hữu, nói khác, nó vừa là chất liệu, vừa là tổ hợp cho tất cả tự thể và môi trường trong đó tự thể tồn tại; hai là, thức thứ tám mang đặc tánh hằng chuyển, nghĩa là từ vô thỉ nó thuần nhất [59] liên tục tiếp nối thường hằng không gián đoạn; ba là, thức thứ tám không mang tánh ô nhiễm nên là vô phú, do vì không bị trùm kín bởi khách trần phiền não ý địa; bốn là, thức thứ tám được gọi là thức dị thục (= nghiệp thức), vì nó đưa đến kết quả đã thành thục của nghiệp thiện và bất thiện trong các cõi, mọi đường lành đường dữ và trong các sanh loại khác nhau.
Trong tám thức, chỉ có thức thứ tám là hoàn toàn do nghiệp lực huân tập. Thức thứ bảy trái lại hoàn toàn không do nghiệp lực huân tập (, vì nó luôn luôn bám sát A lại da và vin chấp A lại da làm tự ngã = y bỉ chuyển, duyên bỉ). Sáu thức trước thì có một phần do nghiệp lực huân tập và một phần không do nghiệp lực huân tập. Đây là nói về sự huân tập của nghiệp thiện và nghiệp bất thiện (qua 8 thức tâm vương).
Tánh chất vô ký của thức thứ tám được ví như cục đất khô không thể nắn thành viên, do đó phải cần có nước, keo v.v… hòa trộn với đất khô mới nắn thành vật được. Cũng vậy, dưới tác động trực tiếp của nghiệp lực thiện ác (dụ cho nước, keo) mà thức thứ tám có thể dẫn ra hiện hành của nó để tham dự vào 3 cõi và 9 địa. Cây, đá v.v… tự nó không thể thành đồ vật mà không cần lực tác động, cũng vậy, thức thứ tám không thể tự chuyển hiện và tham dự vào giới, địa mà không tùy thuộc vào sức mạnh huân tập của nghiệp thiện, ác.
Nhị thừa bất liễu nhân mê chấp
(Hàng nhị thừa do không hiểu rõ về thức A lại da nên mê chấp cho rằng không có thức A lại da)
Thức thứ tám rất vi tế, khó nhận biết, cho nên hàng nhị thừa thanh văn (hiểu sai về các pháp sở tri,) không tin có thức này, chỉ chấp nhận 6 thức trước có khả năng thọ huân và duy trì chủng tử [60]. Đó là do hàng nhị thừa tâm trí cạn cợt mà có ra sự mê chấp như vậy.
Do thử năng hưng luận chủ tranh
(Bởi vậy mới có sự việc tranh luận về thức thứ tám giữa các luận sư đại thừa và luận sư tiểu thừa)
Do hàng nhị thừa không hiểu, cho rằng không có thức thứ tám, cho nên các luận sư đại thừa viện dẫn 3 kinh, 4 tụng, 5 giáo, 10 lý để chứng minh rằng có thức thứ tám.
Kinh A tỳ đạt ma, kinh Giải thâm mật và kinh Lăng già là 3 bộ kinh đại thừa mà tiểu thừa bộ phái không chấp nhận.
Đại chúng bộ có kinh A cấp ma, Thượng tọa bộ có luận Phân biệt, Hóa địa bộ và Thuyết nhất thiết hữu bộ có kinh Tăng nhất. Ba kinh luận này được 4 bộ phái tiểu thừa và đại thừa chấp nhận.
Bài tụng Thập chứng sau đây nêu ra 10 đặc tánh chứng minh sự hiện hữu của thức thứ tám:
Trì chủng, dị thục tâm
Thú sanh, hữu, thọ thức
Sanh tử, duyên, y thực
Diệt định tâm, nhiễm tịnh.
(Thức thứ tám là thức chủng tử có công năng duy trì chủng tử, là thức (tâm) dị thục vì là đưa đến kết quả đã chín muồi (thục) của nghiệp thiện và bất thiện trong các cõi, mọi đường lành đường dữ và trong các sanh loại khác nhau. Đã kiết sanh liên tục rồi thì chính thức dị thục chấp thọ sắc căn và sở y của các sắc căn (= chấp thọ thân thể và thế giới của thân thể). A lại da có đặc tánh làm nhân trong sự kết sanh liên tục (sanh) nên gọi là thức chủng tử. A lại da có đặc tánh làm quả trong sự lãnh thọ quả dị thục sau khi chết (tử) nên gọi là thức dị thục. A lại da làm nhân duyên cho các pháp sanh khởi nên gọi là thức nhân duyên. A lại da làm thức thực cho hữu tình sanh ra trong ba cõi, tức nói sự duy trì căn thân của thức dị thục. Nhập diệt tận định thì thức dị thục vẫn không rời thân, vì không do đối trị thức ấy mà có diệt định. Tách rời thức chủng tử dị thục thì phiền não tạp nhiễm và sự thanh tịnh của thế gian và xuất thế gian bất thành, nói khác, A lại da với tánh vô ký làm sở y cho thanh tịnh và tạp nhiễm một cách bình đẳng)
Bài tụng trên gồm đủ 10 nghĩa sau đây:
1. Trì chủng tâm:
a. Như kinh Đại thừa A tỳ đạt ma cũng có bài chỉnh cú sau đây:
Vô thỉ thời lai giới
Nhất thiết pháp đẳng y
Do thử hữu chư thú
Cập niết bàn đắc chứng.
(Giới [= thức chủng tử], từ vô thỉ đến nay, là sở y của hết thảy pháp. Do đó mà có sự luân hồi trong mọi đường lành đường dữ và có sự chứng đắc quả niết bàn.)
Bài tụng này nói về tự tánh vi tế của thức thứ tám. Ngang qua tác dụng của thức này mà có thể hiển thị được tự tánh của nó. Hai câu đầu của bài tụng cho thấy tác dụng nhân duyên của thức thứ tám. Hai câu sau là nói tác dụng nương tựa và duy trì (y trì) của thọ, nỗn, thức (thứ tám) trong sự lưu chuyển và hoàn diệt. Vô thỉ thời lai giới (giới từ vô thỉ lại), là nói đặc tánh làm nhân của thức thứ tám, nghĩa là thức chủng tử từ vô thỉ đến nay triển chuyển liên tục tiếp nối làm nhân phát sanh các pháp tạp nhiễm (, tức chủng tử sanh hiện hành). Nhất thiết pháp đẳng y (hết thảy pháp đều nương), là nói đặc tánh làm duyên của thức thứ tám, nghĩa là thức chấp trì từ vô thỉ đến nay làm chỗ nương tựa cho các pháp tạp nhiễm, nói khác, thức thứ tám có năng tánh thâu giữ chủng tử nên làm chỗ nương tựa tiếp nhận cho các pháp tạp nhiễm huân tập (, tức hiện hành sanh chủng tử). Hai câu đầu của bài tụng giải thích cho trì chủng tâm.
Do thử hữu chư thú (do đó có các thú), là nói do có thức thứ tám này chấp trì (chấp thọ và nắm giữ) tất cả pháp (tạp nhiễm) thuận với sự lưu chuyển, vì vậy mới có sự lưu chuyển sanh tử (luân hồi) của các loài hữu tình. Tuy biết hoặc, nghiệp là nhân của sự lưu chuyển (tập đế), nhưng chư thú (đường lành đường dữ) là quả báo của sự lưu chuyển (khổ đế), nên nhấn mạnh ở điểm này. Chư thú, cũng có thể hiểu là năng thú (nhân) và sở thú (quả), đều cùng trong phạm vi lưu chuyển sanh tử, trong tác dụng duy trì và nương tựa của thức thứ tám.
Cập niết bàn chứng đắc (và niết bàn chứng đắc), là nói do có thức thứ tám này chấp trì (chấp thọ và nắm giữ) tất cả pháp (thanh tịnh) thuận với sự hoàn diệt, vì vậy mới có sự chứng đắc niết bàn của người tu hành. Ở đây chỉ nói phần đạo năng chứng, là con đường đưa đến niết bàn (đạo đế), vì niết bàn không dựa thức này mà có. Hoặc cũng nói là niết bàn sở chứng (diệt đế), là chỗ mong cầu của người tu hành. Hoặc cùng nói năng và sở, nhưng cả hai đều nhiếp vào sự hoàn diệt niết bàn. Như vậy, hai câu tụng sau nói về vô lậu pháp nhưng cũng y vào thức thứ tám mà hiển thị.
b. Kinh Đại thừa A tỳ đạt ma lại có bài tụng rằng:
Do nhiếp tàng chư pháp
Nhất thiết chủng tử thức
Cố danh A lại da
Thắng giả [61] ngã khai thị.
(Là cái chủ thức thâu tàng chủng tử của các pháp, nên mệnh danh là A lại da, đối với người thắng thì Như lai khai thị cho đó)
Do bản thức thứ tám đầy đủ các chủng tử nên có khả năng thâu giữ (nhiếp tàng) các pháp tạp nhiễm, theo nghĩa này mà lập danh A lại da. Thức này từ vô thỉ cho đến Bất động địa không còn ngã chấp, tên gọi là A lại da, dịch nghĩa là tàng thức. Đây là từ công năng mà lập danh.
c. Kinh Giải thâm mật có bài tụng:
A đà na thức thậm thâm tế
Tập khí chủng tử như bộc lưu
Ngã ư phàm phu bất khai diễn
Khủng bỉ phân biệt chấp vi ngã.
(Thức A đà na cùng cực vi tế, tất cả chủng tử như dòng nước mạnh. Như lai không nói cho kẻ phàm ngu, sợ họ phân biệt chấp làm bản ngã.)
A đà na, đời Đường dịch là chấp trì, tức là thức thứ tám (mà ẩn lược mạt na thức: cái ý thức tự ngã lúc nào cũng có). Vì có khả năng chấp trì (nắm giữ) chủng tử các pháp tạp nhiễm, chấp thọ các sắc căn, thân thể (= sở y của các sắc căn) và thế giới của căn thân ấy, chấp thủ sự kiết sanh liên tục, cho nên thức này tên là A đà na. Nói tóm, thức này có 3 nghĩa nên gọi là A đà na: một là, chấp trì chủng tử các pháp tạp nhiễm không cho rơi mất; hai là, chấp thọ sắc căn (= các giác quan), sanh mạng (y) và đời sống (xứ) của sanh mạng ấy; ba là, chấp thủ sự kiết sanh liên tục (, nghĩa là, A đà na là chủ thể nắm lấy sanh mạng từ khi sanh đến khi chết, liên tục nắm lấy từ đời sống này đến đời sống khác).
Hạng hữu tình không có chủng tánh giác ngộ thì không thể nhận thức cùng tột căn để của thức A đà na, nên nói là rất sâu (= thậm thâm). Hàng nhị thừa dấn thân đi tới niết bàn thì không thể thông đạt thắng nghĩa của thức A đà na, nên nói là vi tế. Đây là nói chủng tử chân thật (= chủng tử ở trong [62] ) có năng tánh tiếp nhận huân tập (= thọ huân) hết thảy các pháp tạp nhiễm, nếu có duyên tố tác động thì phát sanh các chuyển thức khác (= thức thọ dụng, là 6 thức trước, thọ dụng quả báo khổ vui), ví như (có đủ duyên tố làm cho) nhiều cơn sóng (= chuyển thức) nổi lên, nhưng bản thân dòng nước (= thức A đà na) vẫn chảy mãi, không đứt không hết, nên nói như dòng nước chảy mạnh (= bộc lưu). Vì sợ kẻ phàm ngu (= phàm phu và nhị thừa) đối với thức này khởi tâm phân biệt, chấp làm tự ngã mà đọa vào các đường ác hay chướng ngại sự sanh Thánh đạo, cho nên đức Thế tôn không giảng nói thức này cho họ. Duy có hàng bồ tát đại thừa thì Thế tôn mới vì họ mà khai thị thức này.
Bài tụng này cũng chứng minh nghĩa trì chủng tâm. Sáu chuyển thức trước (và thức mạt na được ẩn lược) không có nghĩa trì chủng tâm.
d. Trong kinh Lăng già có bài tụng rằng:
Như hải ngộ thuận phong
Khởi chủng chủng ba lãng
Hiện tiền tác dụng chuyển
Vô hữu gián đoạn thời.
Tàng thức hải diệc nhiên
Cảnh giới phong sở kích
Dẫn khởi chư thức lãng
Hiện tiền tác dụng chuyển.
(Như biển gặp duyên gió mà khởi ra đủ thứ sóng mòi, ngay trước mắt thấy tác dụng chuyển động không có lúc nào gián đoạn của sóng mòi. Biển tàng thức cũng vậy, bị gió cảnh giới kích động nên lúc nào cũng sanh khởi các sóng thức mà hiện tiền thấy chúng có tác dụng chuyển biến liên tục.)
Bài tụng này nói về đặc tánh của thức thứ tám; các chuyển thức khác không có đặc tánh này. Thức thứ tám là biển tàng thức, và biển tàng thức đó hằng khởi các sóng thức (6 thức trước) triển chuyển sanh diệt, liên tục không dứt.
Trên đây đã dẫn chứng 4 bài tụng của kinh luận đại thừa để giải thích nghĩa trì chủng tâm của bài tụng Thập chứng.
Kinh A cấp ma (= A hàm) của Đại chúng bộ đã dùng mật ý mà nói A lại da với cái tên thức căn bản, do vì A lại da là sở y cho các chuyển thức.
Kinh điển Thượng tọa bộ và luận Phân biệt đều có mật ý gọi thức này là thức hữu phần. Hữu, là tam hữu (3 cõi). Phần, là nghĩa nhân tố. Chỉ có thức thứ tám hằng biến 3 cõi và làm nhân tố (= thức thực) cho hữu tình đã sanh ra trong 3 cõi.
Hóa địa bộ đã dùng mật ý mà nói A lại da là cái uẩn cùng tận sanh tử [63], bởi vì lìa A lại da thì không có uẩn pháp nào riêng khác mà có thể đi đến tận cùng ngằn mé sanh tử, không lúc nào gián đoạn.
Kinh Tăng nhất a hàm của Thuyết nhất thiết hữu bộ cũng mật ý nói thức thứ tám là A lại da, như nói chúng sanh yêu A lại da, thích A lại da, ưa A lại da, khoái A lại da. Do trong giáo nghĩa của Nhất thiết hữu bộ có cái tên A lại da, nên khẳng định là thức thứ tám.
Trên đây đã dẫn ra 4 giáo nghĩa của các bộ phái tiểu thừa để chứng minh có thức thứ tám. Thế nhưng các bộ phái tiểu thừa vẫn chấp chặc rằng chỉ có 6 thức trước thôi (và cho 6 thức trước là sở huân).
Khế kinh có nói, nơi thâu giữ và phát sanh chủng tử của các pháp tạp nhiễm và thanh tịnh là tâm. Thức là dị danh của tâm. Nếu không có thức thứ tám thì cái tâm duy trì chủng tử kia cũng không có. Các chuyển thức có sự gián đoạn khi ở Diệt tận định, bởi vì các chuyển thức có căn sở y, cảnh sở duyên và tác ý riêng biệt (nên không đồng thời sanh khởi và tương ưng, do đó không có tánh chất năng huân và sở huân), có tâm sở thiện và nhóm loại khác nhau (thích ứng và hiện hành, nhưng trong diệt định lại không có sự thích ứng và hiện hành ấy). Tóm lại, các chuyển thức (mà cho là tâm) đều dễ sanh khởi, dễ biến mất, không kiên trụ, không có năng tánh huân tập và duy trì chủng tử, (nên chẳng phải là cái tâm thâu giữ và phát sanh chủng tử của các pháp tạp nhiễm và thanh tịnh). Chỉ có thức thứ tám với đặc tánh đồng nhất, thường hằng, không gián đoạn, kiên trụ, tiếp nhận huân tập (, như mè ướp hoa, mè với hoa cùng sanh cùng diệt, rồi mè thành ra có cái hơi thơm của hoa,) mới thích ứng với chữ tâm của khế kinh. Đây là chứng minh thức thứ tám là tâm, phù hợp với trì chủng tâm trong câu đầu của thập chứng tụng.
2. Tâm dị thục:
Khế kinh lại nói, có tâm dị thục là do nghiệp hoặc thiện ác cảm ứng. Nếu không có thức thứ tám thì tâm dị thục không thể có. Chỉ có cái tâm chân dị thục đáp ứng sự lôi kéo của dẫn nghiệp đi khắp (3 cõi) không có gián đoạn. Tâm dị thục, là thức thứ tám. Chữ tâm trong câu tụng đầu thông nghĩa 4 chữ trì chủng, dị thục.
Trên đây đã giải thích xong nghĩa câu thứ nhất của Thập chứng tụng.
3. Thú và sanh:
Khế kinh lại nói, hữu tình lưu chuyển trong 5 thú hướng, 4 sanh loài. Nếu không có thức này thì thể của thú và sanh ấy không thể có được. Hội đủ 4 nghĩa: thật có, thường hằng, biến khắp, không tạp loạn, thì mới có thể gọi là thể của thú và sanh chân thật và chính xác. Những thứ chiêu cảm bởi nghiệp của 5 thức trước đều không biến khắp các thú và sanh, vì trong cõi Vô sắc hoàn toàn không có 5 thức trước. Những thứ chiêu cảm bởi nghiệp của ý thức tuy biến khắp các thú và sanh, nhưng không hằng hữu. Chỉ có tâm dị thục cùng với tâm sở của nó là thật có, thường hằng, biến khắp, không tạp loạn. Chánh thật thú và sanh vốn chỉ là tâm dị thục và tâm sở của nó. Và như vậy, nếu tách rời thức thứ tám, thì thú và sanh theo lẽ bất thành. Đây là giải thích 2 chữ thú sanh để chứng minh thức thứ tám là thể của thú và sanh.
4. Chấp thọ thức:
Lại nữa, khế kinh nói, có cái căn thân hữu sắc là có sự chấp thọ sắc căn. Nếu không có thức thứ tám thì sự chấp thọ sắc căn không thể có được. Ở đây, chỉ có tâm dị thục mới là cái tâm có thể chấp thọ (sắc căn hữu lậu). Những thức khác, như nhãn thức v.v…, không có nghĩa chấp thọ sắc căn (, vì chúng đều có cái căn sở y khác nhau, đều không kiên trụ, mà các sắc căn thì không thể tách rời với tâm).
5. Thọ, nỗn, thức:
Lại nữa, khế kinh nói, thọ, nỗn và thức, ba cái này nương tựa và duy trì lẫn nhau để có thể cùng tồn tại liên tục tiếp nối. Nếu cho là không có thức thứ tám, thì không một thức nào khác có thể duy trì sự tồn tại dài lâu của thọ và nỗn (= thọ mạng và hơi ấm). Bởi vì, như âm thanh, gió v.v… không có cái dụng thường xuyên duy trì (, nghĩa là lúc có lúc không); cũng vậy, các chuyển thức có gián đoạn, có chuyển biến, không có cái dụng thường xuyên duy trì thọ và nỗn, nên không thể xác lập là thức duy trì thọ và nỗn. Chỉ thức dị thục mới có cái dụng thường xuyên duy trì thọ và nỗn, nên được xác lập là thức duy trì thọ và nỗn. Đoạn này giải thích nghĩa của chữ thức. Chữ thức này bao gồm các chữ đứng trước: thức thể của thú sanh, thức chấp thọ hữu sắc căn thân, thức duy trì thọ nỗn. Đến đây đã giải thích xong câu: Thú sanh, hữu, thọ thức.
Sau đây giải thích câu tụng: sanh tử, duyên, y thực.
6. Tâm sanh tử:
Lại nữa, khế kinh nói, hết thảy loài hữu tình khi thọ sanh, khi mạng chung, nhất định ở trong trạng huống tán tâm, không phải là trạng huống vô tâm định. Nếu không có thức thứ tám, thì khi sanh, khi tử, cái tâm tán loạn kia cũng phải không có. Bởi vì, khi sanh, khi tử thân tâm mờ mịt như giấc ngủ không chiêm bao, hay như khi bị mê ngất, (bấy giờ) ý thức sáng suốt chắc chắn không hiện khởi. Ở trạng huống vô tâm (như khi ngủ say không chiêm bao, khi hôn mê cực điểm) thì hành tướng và sở duyên của sáu chuyển thức không được nhận biết (, nghĩa là ý thức không hoạt động). Trường hợp khi thọ sanh hay mạng chung phải có cái tâm tán loạn, còn gọi là tâm sanh tử. Có bộ phái chấp rằng, ở trạng huống khi sanh, khi tử, có một loại ý thức vi tế mà hành tướng và sở duyên của nó không thể biết rõ; nên biết loại ý thức vi tế đó là thức thứ tám. Lại nữa, khi sắp chết thì tùy nghiệp thiện hay nghiệp ác đã làm mà nơi thân thể, hoặc bắt đầu từ dưới trở lên, hoặc bắt đầu từ trên sắp xuống, dần dần phát lạnh. Nếu không có thức thứ tám thì sự thể như vậy không thể có được. Các chuyển thức thì không thể chấp thọ căn thân. Ở đây chứng minh có cái tâm khi sanh, khi tử, tâm đó là thức thứ tám.
7. Thức duyên danh sắc:
Lại nữa, khế kinh nói, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên thức. Hai pháp như vậy lần lượt nương tựa vào nhau, y như bó lau tựa nhau mà đứng. Nếu không có thức thứ tám này thì tự thể của thức (trong thức duyên danh sắc) không thể có được. Vả lại, hoạt động của các chuyển thức có tánh gián đoạn nên không đủ năng lực thường xuyên duy trì danh sắc, thì làm sao nói chúng thường xuyên làm duyên cho danh sắc. Cho nên, thức trong thức duyên danh sắc, rõ ràng là thứ thứ tám. Đây là giải thích chữ duyên trong bài tụng Thập chứng.
8. Thức thực:
Lại nữa, khế kinh nói, tất cả hữu tình đều nương vào ăn mà tồn tại. Nếu không có thức thứ tám thì thể của thức thực không thể có được. Do đây biết chắc rằng ngoài các chuyển thức còn có thức dị thục, là thức thường hằng, biến khắp, có khả năng duy trì thân mạng không cho hoại dứt. Nương theo lẽ đó, đức Thế tôn nói, tất cả hữu tình đều nương vào ăn mà tồn tại. Nên biết chỉ có thức dị thục là có tánh chất ăn hơn hết (trong 4 cách ăn: đoàn thực, xúc thực, tư thực và thức thực). Thức thực đó chính là thức thứ tám.
Câu thứ ba, sanh tử, duyên, y thực, của bài tụng Thập chứng đã giải thích xong.
9. Diệt tận định tâm:
Lại nữa, khế kinh nói, người trụ diệt định thì thân hành, ngữ hành và tâm hành đều diệt, nhưng mạng sống và hơi ấm vẫn còn, căn không biến hoại, thức không rời thân. Nếu không có thức thứ tám thì sự thể thức không rời thân của người trụ diệt định không thể có được. Nhãn thức v.v… có hành tướng thô động, vì vậy đối với cảnh sở duyên ý thức phải chủ phát mọi phân biệt lao nhọc. Do nhàm chán sự phân biệt lao nhọc của ý thức kia mà người tu diệt định tạm thời mong cầu đình chỉ nó, rồi dần dần chế phục, cho đến khi diệt hẳn ý thức. Căn cứ trạng huống không có ý thức mà xác lập người trụ diệt định. Cho nên, trong định này, 6 thức đều diệt. Nếu không thừa nhận tồn tại một loại thức vi tế, thường hằng, biến khắp, có khả năng duy trì mạng sống và hơi ấm, thì căn cứ vào đâu mà nói thức không rời thân. Nếu hoàn toàn không có thức nào cả thì đồng với ngói đá, mà ngói đá thì không có tình thức. Từ lý lẽ này mà biết người trụ diệt định bắt buộc phải có thức (dị thục). Cái thức không rời thân ở Vô tưởng định, Vô tưởng thiên, căn cứ theo đây mà biết. Đây là đã giải thích 3 chữ diệt định tâm.
10. Nhiễm tịnh tâm:
Lại nữa, khế kinh nói, tâm tạp nhiễm nên hữu tình tạp nhiễm, tâm thanh tịnh nên hữu tình thanh tịnh. Nếu không có thức thứ tám thì tâm tạp nhiễm, tâm thanh tịnh kia không có. Các pháp tạp nhiễm và thanh tịnh lấy tâm làm căn bản, nhân nơi tâm mà sanh, nương nơi tâm mà trụ. Đây là giải thích 3 chữ tâm nhiễm tịnh. Chữ tâm đứng giữa câu tụng thứ tư dùng chung cho 2 chữ trước: diệt định và 2 chữ sau: nhiễm tịnh.
Trên đây đã lược dẫn văn của luận Thành duy thức. Muốn hiểu rõ tường tận nghĩa lý xin xem văn của luận ấy, quyển thứ 3 và quyển thứ 4. Việc minh chứng có thức thứ tám lý lẽ vô biên, xem đó không phải chỉ có 10 nghĩa chứng minh có thức này mà thôi. Trong luận Du già cũng có 8 nghĩa chứng minh có thức này, sợ phiền nên không dẫn. Như vậy đã dẫn giải xong bài tụng Thập chứng.
Do vì hàng tiểu thừa không tin có thức thứ tám này mà ngài Hộ Pháp luận chủ đã dẫn dụ nhiều lần sao cho sáng tỏ, đặt lại vấn đề rồi giảng rõ, cho nên có câu tụng: Do thử năng hưng luận chủ tranh.
Hạo hạo tam tàng bất khả cùng
(Có 3 đặc tánh sâu rộng, nói không thể cùng tận về A lại da, đó là: năng tàng, sở tàng và ngã ái chấp tàng)
Hạo hạo, là sâu rộng. Tam tàng, là năng tàng, sở tàng và ngã ái chấp tàng. Thức này có năng tánh duy trì chủng tử phát sanh các pháp (, làm nhân cho các pháp, tức chủng tử sanh hiện hành), nên gọi là năng tàng. Thức này có năng tánh tiếp nhận các pháp huân tập chủng tử (, làm quả cho các pháp, tức hiện hành sanh chủng tử), nên gọi là sở tàng. Thức thứ bảy chấp kiến phần của thức thứ tám làm tự ngã, nên gọi là ngã ái chấp tàng. Vì vậy, (kinh Đại thừa A tỳ đạt ma) có bài tụng rằng:
Chư pháp ư thức tàng
Thức ư pháp diệc nhĩ
Cánh hỗ vi quả tánh
Diệc thường vi nhân tánh.
(Các pháp (= các chuyển thức) đối với tàng thức thế nào thì tàng thức đối với các pháp cũng vậy, làm quả cho nhau mà cũng làm nhân cho nhau.)
Ý của bài tụng này nói, thức A lại da cùng các chuyển thức triển chuyển tương sanh, hỗ tương nhau làm nhân, làm quả trong mọi thời gian. Nhiếp đại thừa luận nói, A lại da với các pháp tạp nhiễm đồng thời làm nhân duyên cho nhau. Dẫn luận này để thấy thức thứ tám có đủ 3 nghĩa: năng tàng, sở tàng và ngã ái chấp tàng. Thể và dụng của A lại da rất sâu rộng, nên hàng phàm phu và tiểu thừa không thông đạt được. Kinh giải thâm mật cũng nói, thức A đà na cùng cực vi tế. Xin xem chú giải ở văn trên. Dẫn bài tụng này để chứng minh danh nghĩa chấp trì của thức thứ tám, qua đó thấy hàng phàm phu và nhị thừa không thông đạt được.
Uyên thâm thất lãng cảnh vi phong
(Từ nơi biển tàng thức sâu thẳm, do gió cảnh giới thổi tới mà 7 cơn sóng chuyển thức hiện khởi trên mặt biển ấy)
Đây là nói A lại da, như nước, (làm nhân) hiện khởi các chuyển thức (thọ dụng quả báo khổ vui). Các chuyển thức, như sóng, hiện hành rồi trở lại (làm nhân) huân tập chủng tử nơi A lại da. Bốn duyên là, căn (Mạt na), cảnh (căn thân, thế giới), tác ý và chủng tử, dụ như gió. Nếu gió 4 duyên thường xuyên tác động nước A lại da hiện hành các chuyển thức (= chủng tử sanh hiện hành), đồng thời sóng 7 thức thường hiện khởi trở lại huân tập chủng tử nơi A lại da (= hiện hành sanh chủng tử). Về mặt dụ, nhiều gió thổi đến thì nhiều sóng lớn sanh, ít gió thổi đến thì ít sóng nhỏ khởi. Về mặt pháp, nhiều duyên thì nhiều thức sanh, ít duyên thì ít thức khởi. Cho nên kinh Lăng già nói, như biển gặp duyên gió mà khởi ra đủ thứ sóng mòi v.v…, xin xem văn trên.
Thọ huân, trì chủng, căn thân khí
(A lại da có năng tánh thọ huân và trì chủng. Chủng tử, căn thân và khí thế giới đều là cảnh sở duyên của A lại da)
Đây là nói thức thứ tám có năng tánh tiếp nhận huân tập từ 7 thức trước, cũng như năng tánh duy trì chủng tử các pháp hữu lậu và vô lậu (= các pháp nhiễm tịnh). Năng tánh duy trì chủng tử (trì chủng) của thức thứ tám cho thấy thức này có cái đặc tánh làm chủ thể nên bao quát mọi tổng báo (và biệt báo trong 3 cõi, đường lành đường dữ).
Năng tánh tiếp nhận huân tập (thọ huân) của thức này cần đủ 4 nghĩa: một là, kiên trụ (= liên tục ổn định); hai là, vô ký (= trung tánh); ba là, khả huân (= khả năng thọ huân); bốn là, hòa hợp với năng huân (= cùng thân cùng lúc với năng huân).
Kiên trụ, nghĩa là từ ban sơ vô thỉ đến chung cuộc cứu cánh chỉ có một loại (thức) tiếp nối liên tục là thức thứ tám. Thức thứ bảy cũng có đặc tánh như vậy, tại sao không có nghĩa sở huân (= thọ huân)? Xét nghĩa thứ 2 rồi mới chọn lọc.
Vô ký, nghĩa là như tánh chất của mè, không thơm không hôi. Khi ướp với hương liệu thì mè thành ra có cái hơi thơm của hương liệu. Khi xông với đồ hôi thì mè thành ra có cái mùi thúi của đồ hôi. Một vật vốn là có mùi thơm hay mùi hôi, thì dù cho có dùng cái khác xông ướp vật đó cho hôi đi hay thơm đi, trải qua nhiều ngày tháng, rốt cuộc chẳng có thể biến đổi cái mùi vốn có của nó. Cũng vậy, thức thức bảy vốn có tánh chất hữu phú vô ký (trung tánh mà có ô nhiễm), cho nên không có đặc tánh sở huân. Thức thứ tám và 5 thức trước có đủ 2 nghĩa trên nên thích ứng nghĩa sở huân. Xét nghĩa thứ 3 rồi mới chọn lọc.
Khả huân, nghĩa là có tánh chất tự tại. Nơi không tự tại thì không phải là nơi tiếp nhận huân tập. Thức thứ tám của người khác có đủ 3 nghĩa: kiên trụ, vô ký, khả huân, có phải là có nghĩa sở huân được sao? Xét nghĩa thứ 4 rồi mới chọn lọc.
Hòa hợp với năng huân, nghĩa là năng huân và sở huân phải đồng thời, đồng xứ mới hòa hợp được. Thứ thứ tám của người khác và thức thứ tám của mình thì khác nhau, không liên quan nhau. Nếu năng huân của mình mà có thể huân tập vào thức thứ tám của người khác, thì cũng như nói mình ăn mà đòi người khác no, được sao? Vì lẽ thức thứ tám có đủ 4 nghĩa trên nên chỉ nó mới có năng tánh tiếp nhận huân tập (= thọ huân).
Câu tụng chỉ nói thọ huân của thức thứ tám. Hình ảnh biểu hiện của 7 thức trước (trong A lại da) chính là năng tánh huân tập (năng huân). Trong các bài tụng về 7 thức trước đã ẩn lược từ ngữ năng huân.
Năng huân có 4 nghĩa: một là, có sanh diệt (= có sanh diệt chuyển biến); hai là, có thắng dụng (= có cường lực tư duy và thiện ác); ba là, có tăng giảm (= có khi tăng khi giảm); bốn là, hòa hợp với sở huân (= cùng thân cùng lúc với sở huân).
Có sanh diệt, nghĩa là pháp nào có tác dụng sanh trưởng, pháp ấy có tánh năng huân. Vậy thì, vô ký, sắc pháp, tâm pháp đều có tánh sanh diệt, có thể là năng huân chăng? Xét nghĩa thứ 2 rồi mới chọn lọc.
Có thắng dụng, nghĩa là căn cứ sức mạnh ưu thắng của tánh thiện ác, hữu phú (ô nhiễm) mà gọi là có thắng dụng. (Điều này loại ra tâm, tâm sở thuộc dị thục (= bị chi phối bởi nghiệp quá khứ), vì thế lực yếu kém của chúng.) Vậy thì, ở quả vị Phật, pháp (thiện viên mãn của Phật chứng) là cường thắng, sao chẳng phải là năng huân. Xét nghĩa thứ 3 rồi mới chọn lọc.
Có tăng giảm, nghĩa là có tổn ích. Ở quả vị Phật (pháp thiện viên mãn của Phật chứng) không có tổn ích (= không tăng, không giảm) nên không thể là năng huân. Tổn ích là nên cương thì cương, hợp nhu liền nhu, việc làm có thể làm xong. Bảy thức trước có đủ 3 nghĩa trên, vậy bản thân chúng có khả năng huân tập nơi người khác không? Nói cách khác, chúng có hòa hợp với sở huân không?
Hòa hợp với sở huân, nghĩa là thức thứ 8 và các tâm sở đều có thể là đối tượng cho sự huân tập của 7 thức trước. Thức thứ tám thì có tánh vô ký; các tâm sở thì đủ cả tánh thiện, tánh ác. Sở huân, như vậy, là thức thứ 8, các tâm sở không dự phần vào. Nếu cho tâm sở có thể tiếp nhận huân tập thì mắc lỗi lầm rất lớn, chớ nên hỏi vặn.
Chủng tử, căn thân và khí thế giới đều là cảnh sở duyên của thức thứ tám. Khi nói thức thứ tám có đặc tánh duy trì chủng tử (trì chủng) thì cũng có nghĩa là nói nó có đặc tánh tiếp nhận huân tập (thọ huân).
Khứ hậu, lai tiên, tác chủ ông
(A lại da là chủ thể của nhân duyên: hiện hành sanh chủng tử hay chủng tử sanh hiện hành, đều là A lại da và các chuyển thức của nó. A lại da là chủ thể của tổng báo: đi thì đi sau, đến thì đến trước)
Thức thứ tám là chủ thể của tổng báo, nên hữu tình khi đầu thai thì nó là vị chủ nhân ông đến trước hết, khi mạng chung nó bỏ đi sau cùng.
Bất động địa tiền, tài xả tàng
(Từ Bất động địa trở lên, thức thứ tám mới xả cái tên A lại da hay tàng thức)
Thức thứ tám từ nhân hữu lậu đến quả vô lậu lược có 3 giai đoạn (= trạng thái) phát triển: một là, hiện hành sự chấp tàng ngã ái (Bồ tát từ thất địa trở xuống, với tên A lại da); hai là, kết quả của nghiệp thiện ác (từ vô thỉ đến bồ tát Kim cang tâm, với tên thức dị thục); ba là, chấp trì dòng tương tục (chấp thọ sắc căn, chấp thủ tự thể, với tên thức A đà na). Nói cách khác, từ vô thỉ đến Bất động địa, thức thứ tám được mệnh danh là A lại da, có nghĩa tàng thức. Lại nữa, từ vô thỉ đến giải thoát đạo (= Kim cang đạo), có tên Tỳ bá ca, có nghĩa là thức dị thục. Do có đủ 3 nghĩa sau mà gọi là dị thục: một là, biến dị thục (quả chín do nhân biến đổi); hai là, dị thời thục (nhân và quả cách thời mới chín muồi); ba là, dị loại thục (quả khác nhân, nhưng do nhân mà quả thành thục). Sau quả vị Phật đến tận vị lai vô tận, có tên là thức vô cấu.
A lại da là nói thức thứ tám nhiếp tàng các pháp tạp nhiễm và hữu tình chấp nó như là tự ngã nội tại. Thức dị thục là nói A lại da do nghiệp lực thiện ác huân tập mà thành quả báo. Chấp trì dòng tương tục là nói thức A đà na chấp thọ chủng tử (của tướng, danh và phân biệt) và duy trì hiện hành (của thân thể và thế giới của thân thể) không có gián đoạn, từ giai đoạn hữu lậu cho đến giai đoạn vô lậu. Từ Bất động địa trở lên, thức thứ tám mới xả cái tên A lại da hay tàng thức, (vì không có pháp tạp nhiễm để chấp tàng), vì xả bỏ được các phiền não thô trọng, vì thức này không còn bị thức Mạt na chấp làm tự ngã nội tại.
Y cứ kinh luận, lược nói về chỗ thoát ra của A lại da nơi cái thân sở y có thể tóm gọn trong bài tụng sau:
Thiện nghiệp tùng hạ lãnh
Ác nghiệp tùng thượng lãnh
Nhị giai chí ư tâm
Nhất xứ đồng thời xả.
Đảnh thánh, nhãn sanh thiên
Nhân tâm, ngạ qủy phúc
Bàng sanh tất cái ly
Địa ngục cước bản xuất.
(Nghiệp thiện thì thân thể dần dần phát lạnh từ dưới trở lên, nghiệp ác thì thân thể dần dần phát lạnh từ trên sắp xuống, nghiệp thiện ác đều không ngoài cái tâm khi sanh khi tử, đến một chỗ nào đó trên thân thể thì nghiệp thiện ác cùng tâm ấy rời bỏ thân thể. Nóng ở nơi đỉnh đầu là về cõi thánh, nơi mắt là sanh về cõi trời, nơi tim (ngực) là tái sanh làm người, nơi bụng thì làm ngạ qủy, từ đầu gối trở xuống là làm súc sanh, nơi hai bàn chân thì đọa địa ngục.)
Giữa kinh và luận có sự sai biệt. Kinh thì nói có 6 cõi khác nhau, luận thì nói có 2 đường thiện ác. Xét cho cùng thì 6 cõi cũng không ngoài thiện ác. Chữ tâm trong câu thứ 3 là chỉ tâm sanh tử, được giải ở trên.
Kim cang đạo hậu, dị thục không
(Sau khi vào được Kim cang đạo thì tên Dị thục cũng không còn)
Đến Kim cang đạo (= Như lai địa) thì chủng tử huân tập của 2 chướng (: phiền não chướng và sở tri chướng) và những chủng tử, hiện hành thuộc hữu lậu vĩnh viễn được đoạn trừ, vì vậy xả bỏ cái tên thức dị thục. Nhân và quả vô lậu thấp kém cũng đều xả hết.
Đại viên, vô cấu đồng thời phát
Phổ chiếu thập phương trần sát trung
(Thức vô cấu tương ưng với Đại viên cảnh trí mà đồng thời phát sanh, có hoạt dụng chiếu khắp 10 phương các cõi nước nhiều như vi trần)
Đến địa vị chuyển y Phật quả [64], thức thứ tám thành thể vô lậu cực kỳ thanh tịnh, gọi là thức vô cấu. Thức này cùng tương ưng với Đại viên cảnh trí mà đồng thời phát khởi diệu dụng chiếu khắp 10 phương, tròn sáng pháp giới.
Bài tụng của kinh Như lai công đức trang nghiêm:
Như lai vô cấu thức
Thị tịnh vô lậu giới
Giải thoát nhất thiết chướng
Viên cảnh trí tương ưng.
(Thức vô cấu của Như lai, là pháp giới vô lậu thanh tịnh, giải thoát hết mọi chướng, tương ưng Đại viên cảnh trí.)
Tổng quát về 4 trí thì Bình đẳng tánh trí và Diệu quan sát trí, mỗi trí có 3 phẩm (chuyển y): hạ phẩm là Kiến đạo vị, trung phẩm là Tu đạo vị và thượng phẩm là Cứu cánh vị, còn Đại viên cảnh trí và Thành sở tác trí, mỗi trí chỉ có thượng phẩm là Cứu cánh vị, vì 2 trí này từ trong quả mà chuyển đắc.