Chương I
Tôi nghe như vầy: Một thuở Phật nhập định Thần Thông Đại Quang Minh Tạng, là nơi trụ trì Thường Tịch Quang Trang Nghiêm của tất cả Như Lai, cũng là giác địa vốn trong sạch của tất cả chúng sanh, tất cả thánh phàm đều tùy thuận bản thể bình đẳng bất nhị của tự tánh đầy khắp mười phương không gian và thời gian, thân tâm tịch diệt mà hiện cảnh bất nhị nơi các cõi tịnh độ, cùng với mười vạn Đại Bồ Tát, bậc thượng thủ là: Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Phổ Nhãn Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát, Kim Cang Tạng Bồ Tát, Thanh Tịnh Huệ Bồ Tát, Oai Đức Tự Tại Bồ Tát, Biện Âm Bồ Tát, Tịnh Chư Nghiệp Chướng Bồ Tát, Phổ Giác Bồ Tát, Viên Giác Bồ Tát, Hiền Thiện Thủ Bồ Tát, v.v… cùng các môn đồ đều nhập chánh định, đồng dự pháp hội bình đẳng của Như Lai.
Bấy giờ Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát trong đại chúng từ chỗ ngồi đứng dậy, đi nhiu quanh Phật ba vòng, đảnh lễ chân Phật, chắp tay qùy gối bạch Phật rằng:
– Xin Đại Bi Thế Tôn vì pháp chúng dự hội này giảng về nhân địa phát tâm trong sạch của Như Lai phải dựa theo pháp nào, tu theo hạnh gì mà được thành Phật. Và những Đại Thừa Bồ Tát đã phát tâm trong sạch nguyện độ chúng sanh thành Phật, nhưng chẳng biết dụng tâm tu hành như thế nào mới được chánh tri kiến, xa lìa các thiền bệnh, khiến cho mạt pháp chúng sanh đời vị lai cầu pháp đại thừa chẳng đọa tà kiến”.
Ngài Văn Thù Bồ Tát nói xong, năm vóc gieo sát đất, đảnh lễ thưa thỉnh ba lần như vậy.
Bấy giờ Phật bảo Văn Thù Bồ Tát rằng:
– Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử! Ngươi khéo vì các Bồ Tát hỏi về nhân địa phát tâm của Như Lai dựa theo pháp nào, tu hạnh gì, lại vì tất cả chúng sanh đời mạt pháp cầu pháp đại thừa được trụ nơi chánh pháp, chẳng đọa tà kiến. Nay ngươi hãy lắng nghe, ta sẽ vì ngươi mà thuyết.
Lúc ấy Văn Thù Bồ Tát và đại chúng hoan hỷ vâng lời Phật dạy, im lặng mà nghe.
– Thiện nam tử! Có pháp môn Tổng trì của Vô Thượng Pháp Vương gọi là Viên Giác. Từ pháp này kiến lập tất cả thanh tịnh, Chơn Như, Bồ Đề, Niết Bàn và Ba La Mật để dạy Bồ Tát và chúng sanh về nhân địa phát tâm của tất cả Như Lai, đều nên y theo giác tướng trong sạch chiếu soi đầy đủ, dứt hẳn vô minh mới thành Phật đạo.
Thiện nam tử! Thế nào là vô minh? Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay đủ thứ điên đảo, ví như kẻ lạc đường nhận lầm phương nam thành phương bắc, vọng cho tứ đại là thân tướng thật của mình, cho vọng tâm tạo huyn ảnh thành lục trần là tâm tướng thật của mình, ví như kẻ bị nhặm thấy hoa đốm trên không và thấy mặt trăng thứ hai.
Thiện nam tử! Hư không vốn chẳng hoa đốm, vì bệnh nhặm vọng chấp thành có. Do vọng chấp ấy, chẳng những không biết tánh hư không, lại còn lầm nhận chỗ sanh ra hoa đốm là thật. Từ cái vọng này thành có sanh tử luân hồi, nên gọi là vô minh.
Thiện nam tử! Vô minh này chẳng có thật thể, như người trong mộng lúc chiêm bao thì có, đến khi thức tỉnh thì chẳng còn gì cả. Cũng như hoa đốm diệt nơi hư không, chẳng thể nói nhất định có chỗ diệt. Tại sao? Vì chẳng có chỗ sanh vậy.
Tất cả chúng sanh ở nơi pháp vô sanh vọng thấy có sự sanh diệt, cho nên gọi là sanh tử luân hồi.
Thiện nam tử! Như Lai nơi nhân địa tu theo tự tánh Viên Giác, chiếu soi bản thể của tự tánh vốn tịch diệt, biết rõ thân tâm thế giới như hoa đốm trên không, vậy thì thân tâm vốn không, lấy gì để thọ sanh tử luân hồi? Cái KHÔNG này là vì bản tánh vốn không, chẳng phải do tạo tác thành không. Cái biết đó ví như hư không, kẻ biết như hư không đó tức là tướng hoa đốm cũng chẳng thể nói không có tánh tri giác, CÓ với KHÔNG đều lìa, ấy mới gọi là tùy thuận giác tánh trong sạch.
Tại sao? Vì tánh hư không thường trụ chẳng động. Trong Như Lai Tạng vốn chẳng có sự sanh diệt nên chẳng có sự tri kiến sanh diệt trong đó, cũng như pháp giới tánh, rốt ráo viên mãn đầy khắp mười phương không gian và giờ gian, ấy mới gọi là nhân địa phát tâm theo chánh pháp, tu hành theo chánh hạnh.
Bồ Tát vì thế ở nơi đại thừa phát tâm trong sạch, chúng sanh trong đời mạt pháp theo đó tu hành chẳng đọa tà kiến.
Lúc ấy Thế Tôn muốn giảng lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng:
Văn Thù ngươi nên biết,
Tất cả các Như Lai,
Từ nơi bản nhân địa,
Đều nhờ trí huệ giác.
Thông đạt nơi vô minh,
Cũng như hoa đốm kia.
Thì khỏi bị luân hồi.
Cũng như người trong mộng,
Thức tỉnh cảnh mộng mất.
Giác ngộ như hư không,
Bình đẳng chẳng lay động.
Bản giác khắp mười phương,
Liền được thành Phật đạo.
Huyễn chẳng chỗ sanh diệt,
Thành đạo cũng vô đắc,
Vì bản tánh viên mãn.
Bồ Tát ở trong đó,
Khéo phát tâm Bồ Đề.
Chúng sanh đời mạt pháp,
Tu theo lìa tà kiến