Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới Giảng Ký

Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới Giảng Ký

Trương Văn Chiến 24

CHƯƠNG I. TIỀN ĐỀ KHÁI THUYẾT
(Những Điều Khái Quát Đầu Tiên)

A. GIỚI HỌC VI PHẬT PHÁP ĐÍCH CĂN BỔN
(Giới Học Là Căn Bản Trọng Yếu Của Phật Pháp)

Giới luật học của Phật giáo trong hai phái Nam, Bắc truyền có những điểm bất đồng rõ rệt:

– Về Phật giáo Nam Truyền chỉ có giới học của Thanh Văn, hoàn toàn không có giới học của Bồ Tát, đối với giới này, thất chúng Phật tử mỗi chúng đều thọ riêng.

– Trái lại, về Phật giáo Bắc Truyền chẳng những có giới học của Thanh Văn, lại có giới học của Bồ Tát, trong đó Tam Tụ Tịnh Giới của giới Bồ Tát thì thất chúng Phật tử đều chung thọ.

Phật giáo Bắc tông hay Nam tông đối với giới luật học, dù có điểm bất đồng như vậy, nhưng đều nhận chân giới học là căn bổn của Phật pháp. Cho nên bất luận Phật giáo đồ Nam Tông hay Bắc Tông, đối với giới pháp mình đã bẩm thọ, hoàn toàn không được xem thường. Vì sao vậy? Vì học Phật, cần lấy Giới Luật làm cơ sở đầu tiên. Một hành giả có chí hướng cầu Phật pháp, nếu không nghiêm trì tánh giới pháp Phật đã chế lập một cách hoàn chỉnh, thì người ấy vẫn y nhiên đứng ở ngoài cửa mà chưa được vào trong nhà, cũng không được lên chốn lầu cao của Phật Pháp.

Thế nên căn cứ vào Tiểu Thừa mà thuyết minh: “Giới thị chánh thuận giải thoát chi bổn”, nghĩa là: Giới pháp là căn bản chính, thuận theo con đường giải thoát. Căn cứ vào Đại Thừa mà thuyết minh: “Giới vi vô thượng Bồ Đề chi bổn”, có nghĩa: giới là cội gốc của quả Vô Thượng Bồ Đề. Vì lý do ấy, lẽ đương nhiên, muốn được chân chính giải thoát và chứng đắc quả vị Vô Thượng Bồ Đề, vẫn còn phải nương nơi trí tuệ vô lậu, mà cơ sở tối sơ, phải nói là Giới Học.

Tại sao vậy? Bởi nhờ sự hạn chế của Giới Học, khiến cho tâm niệm của hành giả tuyệt đối không được dong ruổi theo ngoại cảnh, nhờ đó mà nội tâm dần dần được an tịnh. Bấy giờ, từ trong tâm cảnh an định, trí huệ vô lậu sẽ được khai phát. Sau đó, lại phải vận dụng huệ kiếm Bát Nhã chặt đứt dây vô minh từ vô thỉ, mới được lên ngồi giường giải thoát, mới được an tọa trên tòa Bồ Đề.

Nên kinh dạy: “Nhơn Giới sanh Định, tùng Định phát Huệ”, nghĩa là: nhờ giữ Giới mà được Định tâm, từ định tâm khai phát trí huệ. Đích thực là một tuần tự bất di, bất dịch, không ai có thể vượt bực được.

Do đó, có thể thấy rõ Trí Huệ ở tầng tối cao, cố nhiên là trọng yếu, và Giới Luật tuy ở tầng nền tảng thấp nhất, nhưng lại càng trọng yếu hơn. Nếu như Giới Luật ở tầng nền tảng không được củng cố thì Thiền Định ở tầng giữa, Trí Huệ ở tầng cao đều không thể xuất hiện trong tâm của hành giả.

Giờ đây, tôi (Pháp Sư giảng giới) xin thỉnh vấn một điều: Mục đích chính của quý vị (chỉ chung giới Phật tử xuất gia và tại gia) học Phật, có phải muốn được giải thoát không?

Nếu như thừa nhận là phải, thì quý vị đối với Giới Học cần phải giữ gìn nghiêm cẩn, nhiên hậu mới có thể được giải thoát theo đúng chỗ quý vị mong cầu.

Có phải mục đích chính của quý vị học Phật là muốn chứng quả vị Bồ Đề vô thượng không?

Quả như quý vị thừa nhận là phải, thì đối với Giới Học, quý vị cần phải thủ trì nghiêm cẩn, nhiên hậu, mới có thể được chứng quả Vô Thượng Bồ Đề, theo chỗ mong muốn của mình.

Giả như không phải như thế, nghĩa là đối với Giới Học, quý vị có chỗ khuyết phạm, thì chẳng những đối với thắng lợi xuất thế, không thể mong được kết quả, mà chính với công đức cõi Nhơn Thiên, quý vị cũng vẫn vô phần. Thế nên, chư Phật mười phương ba đời xuất hiện ở thế gian, không vị Phật nào không cực lực suy tôn giới pháp một cách cẩn trọng. Lịch đại Tổ Sư Tây Thiên cũng như Đông Độ, không Ngài nào chẳng đem giới pháp ân cần giáo hóa hậu sanh.

Nên kinh Anh Lạc Bổn Nghiệp thuyết minh: “Nhứt thiết chúng sanh, sơ nhập Tam Bảo hải, dĩ Tín vi bổn. Trụ tại Phật gia, dĩ Giới vi bổn”. Nghĩa là tất cả chúng sanh khi mới vào trong bể Tam Bảo, phải dùng lòng tin sâu dày làm gốc. Khi đã an trú trong nhà Phật, thì dùng Giới làm cội gốc.

Tại sao vậy? Vì Giới là khởi điểm để hướng thượng, hướng thiện, hướng quang minh, hướng lên đường giải thoát. Thế nên không cho phép hành giả bất luận xuất gia hay tại gia có một chút xem thường.

Vì thế, khi đức Bổn Sư sắp tịch diệt, do tâm Đại Bi, Ngài đinh ninh dạy các đệ tử: “Sau khi ta diệt độ, các ông phải nhất tâm tôn kính Giới Luật, phải xem Giới Luật như thầy của các ông”.

Ở đây, không khỏi có người hỏi rằng: Tại sao giới pháp lại có tính trọng yếu như thế?

Giải đáp điều này, xin dẫn lời thuyết minh trong kinh Đại Niết Bàn như sau:

– Giới là thềm thang của tất cả pháp lành, cũng là cội gốc của tất cả thiện pháp; như quả đại địa là cội gốc của tất cả thảo mộc phát sanh.

– Giới là một đấng đạo sư tối cao của các thiện căn; là vị thương chủ dẫn dắt đàn thương nhân.

– Giới là thắng tràng của tất cả các thiện pháp; như thắng tràng của Thiên Đế Thích.

– Giới có công năng đoạn trừ vĩnh viễn tất cả ác nghiệp và tam ác đạo; như các dược thảo có công năng trị liệu tất cả các thứ ác bịnh.

– Giới là tư lương trên đường hiểm sanh tử, giới là chiếc áo giáp đồng, là cây gậy thần trừ diệt ác tặc kiết sử.

– Giới là một thần chú tối linh, diệt trừ rắn độc phiền não. Giới là cây cầu để qua khỏi hạnh nghiệp tội ác.
Kinh văn quá minh bạch, không cần phải nói thêm nhiều. Căn cứ theo đó, có thể khẳng định rằng: Bất luận tu tập thiện nghiệp hay đoạn trừ ác pháp; bất luận mong thoát ly khổ não hay cầu được giải thoát an lạc; bất luận đoạn phiền não nghi hoặc hay chứng chơn thường, đối với giới pháp, đều phải có tánh cách quyết định. Nếu không có Giới thì tất cả việc nói trên đều không thành tựu.

Như thế tại sao có thể nói là Giới không trọng yếu? Lại vì sao có thể đối với giới pháp dám sanh tâm khinh thường?

Kinh Đại Bát Niết Bàn nói: “Muốn thấy đuợc Phật tánh, chứng Đại Niết Bàn, quyết định phải có tâm thâm tín, kính trọng, tu trì tịnh giới. Nếu người nào thọ trì kinh này mà hủy phạm tịnh giới, người ấy là quyến thuộc của ma, không phải là đệ tử của ta. Ta cũng không cho người ấy thọ trì, đọc tụng kinh này”.

Đối với việc thọ trì, đọc tụng kinh điển Đại Thừa, hành giả thu hoạch được công đức vĩ đại. Hơn nữa, công đức thọ trì kinh điển Đại Thừa mà hành giả thu hoạch được, nếu so với người đem thất bảo bố thí, thì gấp bội hơn không biết mấy lần. Điều ấy cứ xem trong kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật thì rõ.

Lại nữa, việc thọ trì, đọc tụng kinh điển Đại Thừa, ở các kinh Đại Thừa đồng nhất trí tán thán, nên thông thường hàng Phật tử đa số đều thọ trì, đọc tụng kinh điển Đại Thừa. Nhưng y chiếu theo lời Phật dạy trong kinh Niết Bàn dẫn trên, thì thọ trì kinh điển, cố nhiên là điều tốt, nhưng phải dùng thân tâm thanh tịnh mà thọ trì.

Nói rõ hơn, là phải lấy việc tu trì tịnh giới mà đọc tụng. Nếu chỉ thọ trì kinh điển mà không xem trọng tịnh giới của Như Lai, thậm chí hủy phạm tịnh giới thì Đức Phật không nhận người này là Phật tử chơn chánh, mà là quyến thuộc của ma vương. Đức Phật chẳng những không do vì việc người ấy thọ trì kinh Niết Bàn mà hoan hỷ, lại còn không cho người ấy thọ trì kinh này.

Chúng ta hãy suy tưởng thái độ của Phật, thì biết rằng thọ trì tịnh giới là trọng yếu biết dường nào! Sao lại có thể không vâng giữ một cách nghiêm cẩn?

Trong kinh Nguyệt Đăng Tam Muội, lại dạy rõ về điểm trọng yếu của Giới Pháp như vầy:

Tuy hữu sắc tộc cập đa văn
Nhược vô giới trí do cầm thú,
Tuy xử ty hạ thiểu văn kiến,
Năng trì tịnh giới danh thắng sĩ
.

Dịch:

Dù có sắc tộc và đa văn,
Nếu không giới trí như cầm thú,
Tuy hạng tầm thường, ít kiến văn,
Nghiêm trì tịnh giới là thắng sĩ.

Xin giải thích rõ bài kệ trên như sau:

Một cá nhân ở đời, sự cao thấp về địa vị không phải căn cứ vào chủng tộc tôn quý, cũng không phải vì họ có sắc tướng đoan nghiêm, hay nhằm vào sự bác học đa văn của họ, mà hoàn toàn căn cứ nơi đức hạnh của người ấy cao thượng hay không. Thông thường, nói theo thế tục là đức hạnh, trong Phật pháp gọi là tịnh giới. Dù là một người thông thường hay một hành giả tu học Phật pháp, giới hạnh đích xác là vô cùng trọng yếu.

Vì thế, nếu không có giới hạnh và trí huệ, dù chủng tộc người ấy cao quý đến mức nào, sắc tướng đoan nghiêm đến mức nào, học vấn quảng bác đến đâu, căn cứ vào quan niệm Phật pháp mà xét, thì kẻ ấy so với cầm thú nào khác gì mấy. Ngược lại, nếu tu trì tịnh giới làm một con người có đạo đức cao thượng, dù ở vào địa vị thật thấp kém, dù kiến văn cạn hẹp, hiếm hoi, nhưng vẫn có thể được suy tôn là bậc thắng sĩ trên thế gian. Giá trị của con người đó, mọi người đều cung kính tôn trọng. Cho nên, giới hạnh là căn bản làm người.

Hành giả tu học Phật pháp, đặc biệt là người xuất gia tu Đại Thừa, cần phải làm cho ngôi Tam Bảo không đoạn tuyệt, Chánh Pháp được cửu trụ ở thế gian.

Khi Đức Phật còn tại thế, đầu tiên Ngài chế định Giới Luật, đem pháp giới nhiếp phục chúng Tăng. Bản hoài của Đức Phật chính là mong muốn làm sao cho Tăng đoàn hòa vui thanh tịnh. Tăng đoàn cần phải gánh vác trách nhiệm trọng đại ấy. Nhưng trách nhiệm trọng đại ấy có gánh vác được hay không, điều trọng yếu không gì khác hơn là hành giả có tu trì tịnh giới hay không?

Nếu như mọi Phật tử xuất gia đều nghiêm trì pháp giới thanh tịnh, thực hành pháp Lục Hòa Kính, thì mới có thể làm cho ngôi Tam Bảo không đoạn tuyệt, Chánh Pháp được cửu trụ mãi nơi thế gian. Nên trong kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy: “Thọ trì oai nghi giới pháp được đầy đủ, thực hành pháp Lục Hòa Kính, khéo léo ngự trị đại chúng, tâm không lo buồn, hối hận, thuận theo chánh pháp của Phật, không trái lời Phật dạy. Thế nên có thể làm cho ngôi Tam Bảo không đoạn tuyệt và chánh pháp do đó được cửu trụ trong thế gian”.

Hành giả Đại Thừa lấy việc cầu Phật Quả làm mục đích tối cao, mà thành Phật nhất định sẽ được tướng phước báo của bậc đại nhân, tức là ba mươi hai hảo tướng của Đức Phật. Nhưng nguyên nhân được ba mươi hai tướng, không phải do nhân duyên sai biệt nào khác, chính là do ở nơi tu trì tịnh giới mà được. Nếu không theo đúng phép tu trì tịnh giới, chẳng những không được ba mươi hai tướng phước báo của bậc đại nhân, mà đến cả cái thân người hạ tiện cũng không thể có được.

Trong Đại Trí Độ Luận cũng từng thuyết minh: “Nếu người nào muốn cầu sự lợi ích vĩ đại, quyết phải nghiêm trì tịnh giới như yêu quý của báu, như ái hộ thân mạng. Tại sao thế? Vì giới pháp là nơi cư trú của tất cả pháp lành”.

Trong kinh luận nói lên sự lợi ích vĩ đại, đương nhiên là chỉ cho quả vị Vô Thượng Bồ Đề. Cho nên chẳng những chư hành giả Thanh Văn thừa cần phải nghiêm cẩn vâng giữ giới pháp, mà chính bậc Bồ Tát Đại Thừa càng cần phải vâng giữ nghiêm mật hơn.

Giới là cội gốc xuất sanh tất cả pháp lành công đức và cũng là cội gốc đắc Niết Bàn, chứng Bồ Đề. Nên Giới là chỗ chung cùng đồng vâng giữ của hành giả trong ngũ thừa.

Chúng ta nếu không muốn đi trên con đường Phật Pháp thì thôi, nếu như muốn đi trên con đường Phật pháp, thì cần phải theo đúng như pháp, giữ gìn tịnh giới cho nghiêm cẩn.

Kinh Anh Lạc Bổn Nghiệp dạy: “Tiến nhập Phật gia, dĩ Giới vi bổn”. Nghĩa là khi mới bước vào nhà Phật, phải lấy Giới Pháp làm cội gốc. Do đó, không cho phép bất cứ một hành giả nào tu học Phật pháp mà còn có chỗ vi phạm giới luật.

Bộ Giới Học Yếu Thuật dạy rõ: “Từ chỗ thiển cận mà nói thì Giới Học của Phật pháp là quy luật, luân lý, đạo đức của nhân sinh, là chuẩn tắc của con người, sở dĩ gọi là con người. Nếu đi vào chỗ thâm sâu mà giảng, giới pháp của Như Lai là đào tạo nhân cách cho đến chỗ viên mãn, cứu cánh Phật Quả”.

Người tu hành học Phật pháp từ khi phát tâm đối với Tam Bảo, bước vào cửa Phật, mãi đến lúc hoàn thành Phật quả, đều có thể nói là có giới tướng trong suốt giai đoạn xa xôi ấy (thông thường trong kinh Phật dạy một người từ khi mới phát Bồ Đề tâm, cho đến lúc viên thành Phật quả, phải qua hằng hà sa số kiếp, chính là chỉ cho giai đoạn xa xôi ấy). Thế nên, nghiêm trì tịnh giới đầy đủ thật là hạng mục (1) hành đạo. Ngừời tu trong Phật giáo Đại Thừa cần phải có đủ, không thì không thể đạt đến mục đích dự kỳ của hành giả ngũ thừa. Do đó, có thể thấy rằng dù giới học có những sai biệt, nhưng thật sự rất là nhất quán.

Đại Thừa Phật giáo phải lấy sự phát tâm Bồ Đề làm căn bản. Tức là lấy tâm Bồ Đề làm giới thể của Đại Thừa Bồ Tát Giới. Nếu như không phát tâm Bồ Đề thì dù có nghiêm trì tịnh giới, cũng chỉ là giới của thế tục.

Cho nên Hoằng Nhứt Luật Sư dạy: “Ngũ giới, bát giới tuy thuộc Tiểu thừa, nhưng hàng Phật tử muốn bẩm thọ giới phẩm ấy, cần phát tâm đại Bồ Đề, không nên độc thiện nhứt thân, nghĩa là chuyên tu thiện pháp để cầu giải thoát cho riêng bản thân mình, riêng thụ hưởng cảnh tịch diệt. Dù rằng, Khai, Giá, Trì, Phạm không khác với Thanh Văn, nhưng sự phát tâm khởi hạnh đồng với đại sĩ, mong tất cả thanh tín nên cố gắng”.

(thanh tín: thiện nam tín nữ)

Đây là lời khích lệ của Hoằng Nhứt Luật Sư, hy vọng rằng mỗi Phật tử đều nên thực hành Bồ Tát Đại Thừa. Thực là lời dạy có giá trị, mỗi Phật tử học Phật phải nên xem trọng!

Chí hướng Đại Thừa cốt ở lợi tha, nếu không phát tâm Bồ Đề thì không thể nào mang sự lợi ích phổ biến rộng rãi cho khắp chúng sanh. Cho nên, Bồ Tát vì muốn lợi ích chúng sanh, nếu có thể không rời Bồ Đề nguyện, thì mới gọi là tịnh giới đầy đủ vậy!