Kinh Như Lai Viên Giác Trực Chỉ Đề Cương

Kinh Như Lai Viên Giác Trực Chỉ Đề Cương

Trương Văn Chiến 107

Chương II

BIẾT HUYỄN LÀ ĐÃ LY HUYỄN LY HUYỄN LÀ PHẬT RỒI

Bấy giờ Bồ Tát Phổ Hiền đảnh lễ Phật và chấp tay thưa:

Bạch Thế Tôn! Những người cầu học Đại thừa, sau khi nghe hiểu cảnh giới VIÊN GIÁC thanh tịnh rồi phải tu hành thế nào để được kết quả tốt? Bạch Thế Tôn! Khi chúng sanh nhận biết tất cả là huyễn thì thân tâm họ cũng huyễn. Vậy thì lấy huyễn tu huyễn, có kết quả chăng? Và khi các huyễn diệt hết, thân tâm cũng không còn thì ai là người tu để gọi là tu hành huyễn? Giả sử có hàng chúng sanh không biết tu hành, thường buông trôi sống trong sanh tử huyễn hóa với vọng tưởng loạn tâm, không hề biết cảnh giới như huyễn thì làm sao có được ngày giải thoát? Cúi mong Như Lai vì hàng Bồ Tát và chúng sanh đời sau mở đường phương tiện dạy pháp tu hành tiệm tiến khiến cho xa lìa các huyễn!

1. Phật dạy! Lời hỏi của ông rất có ý nghĩa, sẽ đem lại lợi ích lớn lao cho các hàng Bồ Tát và chúng sanh đời sau, những người chủng tánh Đại thừa cầu học NHƯ HUYỄN TAM MUỘI.

2. Nầy, Phổ Hiền! Tất cả chúng sanh và các thứ huyễn hóa đều sanh trong NHƯ LAI VIÊN GIÁC DIỆU TÂM, ví như hoa đốm sanh khởi trong hư không. Dù hoa đốm có sanh, có diệt, hư không vẫn y nhiên. Các huyễn tùy sanh, tùy diệt mà NHƯ LAI VIÊN GIÁC DIỆU TÂM bất động.

Đối với huyễn pháp mà đề cập giác tâm, nhưng nếu chấp có giác tâm thì vẫn chưa ly huyễn. Bồ Tát và chúng sanh đời sau phải viễn ly tất cả cảnh giới huyễn hóa, tiếp đến viễn ly khái niệm viễn ly. Viễn ly cả ý niệm ly và không ly, bấy giờ mới thật viễn ly các huyễn. Ví như người cần lửa, lấy hai thanh gỗ cọ vào nhau, lửa phát, gỗ cháy, tro bay, khói diệt. Lấy huyễn tu huyễn phương cách ví cũng như vậy. Các huyễn dù diệt hết mà thiền giả không rơi vào đoạn diệt.

Nầy, Phổ Hiền! Biết huyễn tức là ly huyễn rồi, đòi hỏi phương tiện mà chi! Ly huyễn là Phật rồi tìm hiểu tiệm tiến làm gì! Bồ Tát và chúng sanh đời sau học tu như thế sẽ được viễn ly các huyễn.

Bấy giờ đức Như Lai tuyên lại nghĩa trên bằng một bài kệ:

Phổ Hiền ông nên biết.
Tất cả các chúng sanh.
Vô thỉ huyễn vô minh.
Như hoa đốm trong không.
Từ hư không huyễn có.
Hoa đốm dù diệt hết.
Hư không vẫn y nhiên.
Huyễn từ Giác tâm sanh.
Huyễn diệt Giác bất động.
Hàng Đại thừa Bồ Tát.
Các chúng sanh đời sau.
Hằng nên viễn ly huyễn
Các huyễn hãy vĩnh ly.
Như cọ gỗ lấy lửa.
Lửa cháy gỗ tiêu tan.
Tro tàn, khói bốc hết.
Giác, không cần tiệm tiến.
Phương tiện cũng chẳng dùng.

TRỰC CHỈ

Phát tâm tu học Đại thừa phải tư duy tìm hiểu về VIÊN GIÁC TÁNH của vạn pháp và VIÊN GIÁC TÂM của chính mình, vì đó là mục tiêu chính của hành giả cần đạt đến.

1. Huyễn cảnh, huyễn thân, huyễn tâm sanh trong NHƯ LAI VIÊN GIÁC DIỆU TÂM, ví như hoa đốm sanh khởi trong hư không. Dù hoa đốm có sanh, có diệt, hư không vẫn y nhiên. Cũng vậy, các huyễn tùy sanh tuỳ diệt mà Như Lai Viên Giác Diệu Tâm bất động.

Đối với thân tâm cảnh giới huyễn mộng mà đề cập “giác tâm”. Dùng giác tâm, tỉnh thức để nhận biết thân tâm cảnh giới huyễn mộng. Biết huyễn mộng tức là đã ly huyễn mộng. Ly huyễn mộng là đã tỉnh thức rồi. Phật là một con người, là con người tỉnh thức viễn ly tất cả thân tâm cảnh giới huyễn hóa kia. Nên biết, thành Phật phải là người ở tại thế gian. Rởi bỏ thế gian để hy vọng thành Phật trong cảnh giới xa xăm hư vô huyền bí thì đó là ý tưởng của người mong tìm sừng thỏ lông rùa!

Ở chương một, Phật dạy Bồ Tát Văn thù hãy quan tâm đặc biệt ở chữ TRI, nghĩa là phải BIẾT vô minh không thực thể, nó như hoa đốm trong không để không chiều theo nó mà phải nhận lấy sự sanh tử luân hồi, dù sự luân hổi như huyễn.

Ở chương nầy, Như Lai vẫn chưa khai thị pháp “tiệm tu”. Nhằm mục đích động viên khuyến khích cho Bồ Tát và chúng sanh hậu thế, nỗ lục trên con đường “đốn tu, đốn ngộ, đốn chứng”.

Như Lai dạy:

“Tri huyễn tức ly bất tác phương tiện.
Ly huyễn tức giác diệt vô tiệm thứ “.

Nghĩa là người “biết huyễn là đã ly huyễn. Người ly huyễn là người thành Phật rồi “, còn hỏi thêm chi những pháp tu hành “tiệm giáo” nữa!

Giáo lý “đốn tu, đốn ngộ, đốn chứng” Đức Phật dạy bao quát và đầy đủ ở hai chương đầu của bộ kinh Như Lai Viên Giác.

Ở chương một quan trọng ở chữ TRI.

Chương hai nầy, then chốt ở chữ LY.

TRI và LY là phương pháp tu hành thẳng tắt của những bậc lợi căn tối thượng.