Ðức Phật Lịch Sử (The Historical Buddha)

Ðức Phật Lịch Sử (The Historical Buddha)

Đỗ Quang Huy 34

Ðức Phật Lịch Sử (The Historical Buddha)

Chương V

Ðức Phật Gotama và các phương diện tâm lý

NHÂN DẠNG CỦA NGÀI

Kinh Ðiển Pàli có nhiều đoạn miêu tả đức Phật do Bà-la-môn Sonadanta phát họa. Quả thật, trước kia vị Bà-la-môn chưa gặp bậc Ðạo Sư vào thời điểm miêu tả này, vị ấy chỉ lập lại những gì đã được nghe, nhưng sau đó vị ấy diện kiến ngài và nhận ra rằng điều này thật chính xác:

“Quả thật Sa-môn Gotama diện mạo tuấn tú, khả ái, gợi niềm tin tưởng, đặc biệt có làn da như màu hoa sen, màu da tương tự như Phạm thiên, rực rỡ như Phạm thiên. Diện mạo ngài thật cao sang. Giọng nói ngài thanh lịch, ngôn từ ngài diễn đạt cũng vậy, tao nhã, tế nhị, hùng hồn, trong sáng và chính xác”. (DN 4.6)

Làn da tươi sáng của đức Phật được nhiều người đồng thời chú ý. Ngài thường được miêu tả “có màu da sáng như vàng” và sau cuộc tranh luận sôi nổi với vị cư sĩ Ni-kiền-tử Saccaka Aggivessana, vị ấy nhận xét rằng “màu da của Tôn giả Gotama vẫn giữ nguyên vẻ trong sáng” (MN 36. 49). Trong một xứ như Ấn Ðộ, nơi người ta chú trọng đến màu da và da có màu “lúa vàng” được xem là dấu hiệu của cả giai cấp thượng lưu (vanna: nghĩa đen: màu da) cùng với gia tộc cao sang, nhận xét này có ý nghĩa không chỉ là ca ngợi diện mạo đức Phật mà còn tán tụng các tổ tiên của ngài nữa.

Tuy nhiên không thể kết luận về nguồn gốc gia tộc của đức Phật do màu da của ngài. Dân chúng ở cộng hòa Sakiya một phần gốc Ấn, đa số gốc Indo-Ariyan. Họ nhập cư từ miền Tây và Nam, và một phần gốc Mông Cổ từ Bắc tràn xuống dọc theo các thung lũng bên bờ sông. Thời đức Phật có hai sắc tộc, dân Ấn màu nâu và dân Mông Cổ vàng nâu, đã đồng hóa với nhau trong lãnh thổ bộ tộc Sakiya này, vì thế có nhiều mẫu người tạp chủng và nhiều dân tộc có đủ màu da phối hợp.

Một dấu hiệu cho thấy đức Phật có lẽ thuộc về sắc tộc Ấn Ðộ hơn là sắc tộc Mông Cổ ở vùng Tuyết Sơn là chiều cao của ngài. Dân tộc Mông Cổ thường mập lùn, thô kệch, thấp hơn dân Ấn Ðộ, còn kinh sách ghi chép rằng đức Phật Gotama, ngay cả khi đang du hành giữa đám dân chúng Ấn Ðộ ở miền Nam sông Hằng, cũng vẫn hiện rõ dáng điệu oai nghi cao cả.

SỰ PHÁT TRIỂN NHÂN CÁCH CỦA NGÀI

Nếu quốc vương Suddhodana ở Kapilavatthu từng nuôi hy vọng rằng Thái tử của ngài sẽ trở thành một người cường tráng đầy năng động, quan tâm đến thế sự và có tham vọng trị nước, thì ngài đã thất vọng. Vì nam tử này chẳng hề bị lôi cuốn vào các trò tiêu khiển tập thể hay các buổi huấn luyện quân sự, mà lại trở thành một người thích cô độc, với nhiều khuynh hướng về suy luận triết lý và trầm tư mặc tưởng. Thay vì hưởng thụ mọi lạc thú đúng với vị trí một hoàng tử, chàng lại phát triển các tiêu chuẩn của riêng mình và bất mãn với thế gian vì phải chịu đựng những sự bất toàn hảo ở đời. Ðồng thời, chàng lại trầm tư về cách làm thế nào chàng có thể vượt lên cảnh đời ấy theo ý mình. Tóm lại, theo ngôn từ tâm lý học, chàng là mẫu người trí thức nhạy cảm, thường xuyên hướng nội. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi đời sống gia đình và hôn nhân không làm chàng thỏa mãn và chàng đã nắm lấy cơ hội từ giã thế tục để thành Sa-môn khất sĩ.

Chúng ta cần phải nhìn thấy trong kinh nghiệm Giác Ngộ (bodhi) của đức Phật vào năm 528 trước CN cả một biến cố trọng đại không chỉ đem lại Ðạo Pháp cho thế giới, mà còn chuyển biến Thái tử Siddhattha Gotama với khuynh hướng nội tâm nổi bật ấy thành đức Phật hướng ngoại theo định kỳ. Kinh nghiệm Giác Ngộ ấy đã đổ xô về hướng biểu lộ tâm tư qua ngôn ngữ với một sức mạnh vĩ đại biết chừng nào! Nó khiến đức Phật đi tìm nhiều người để ngài có thể khai thị các khám phá của ngài và truyền thụ kho tàng tâm linh mà ngài vừa tìm được.

Suốt bốn mươi lăm năm hoạt động hoằng Pháp này, ta có thể quan sát đức Phật chuyển dịch giữa khuynh hướng thiên về nội tâm và khuynh hướng ngoại giới. Các thời kỳ thuyết Pháp thành công rực rỡ khiến ngài du hành từ vùng dân cư đông đúc này đến vùng khác, có thể được phân biệt rõ ràng với những thời kỳ ngài mệt mỏi vì quần chúng và tìm cách độc cư an tịnh. Ngài thích du hành một mình (AN 6. 42 & SN 22. 81) “như tây ngưu”. Giáo Pháp của ngài hợp với người thích độc cư, chứ không phải với những người ham quần chúng, ngài tuyên bố như vậy (AN 8. 30).

Tuy thế, ngài chỉ dành cho khuynh hướng độc cư ở trong một số giới hạn, bởi vì dù ngài truyền bá một giáo lý hướng nội ẩn dật, ngài cũng phải hướng ngoại và du hành giữa quần chúng nếu ngài muốn có nhiều người được cảm hóa vào đạo. Về sau, có sự phân biệt giữa một vị Ðộc Giác Phật (Pacceka-Buddha), một vị Giác Ngộ riêng mình, xem các khám phá của mình là sở hữu riêng, nên đã giữ im lặng về việc ấy, và một vị Toàn Giác hay Chánh Ðẳng Giác (Sammà- Sambuddha) là vị Phật tuyên bố sự khám phá của mình về con đường cứu khổ cho đời. Lý tưởng của vị Phật Toàn Giác cao thượng hơn vì một bậc đại tuệ hiền trí có tri kiến tối thắng không chỉ nghĩ đến tự lợi mà còn nghĩ đến lợi tha (AN 4. 186) .

Khi tuổi càng cao, các giai đoạn hướng nội tâm của đức Phật càng kéo dài. Về phương diện truyền bá Giáo Pháp, ngài hài lòng với sứ mạng thành công của ngài và không còn cảm thấy nỗi phấn khởi của người diễn thuyết khi thính chúng bám sát từng lời nói của mình và ngài chán ngán danh vọng (AN 5. 30) . Mặc dù ở độ tuổi tám mươi ngài vẫn còn đầy đủ trí lực (MN 12. 62) và diễn thuyết hùng biện, các ảnh dụ của ngài đã thiếu vẻ tân kỳ và màu sắc linh động, còn các bài giảng Pháp của ngài có phần nào lập lại theo khuôn mẫu cũ. Như vậy, càng ngày ngài càng cảm thấy việc giáo huấn chư Tăng là vừa đủ cho ngài, nên chỉ khuyên răn giới cư sĩ khi được yêu cầu. Về phần còn lại, thì từ nay Giáo hội đã phát triển thành một cơ cấu có địa bàn rộng lớn với nhiều đệ tử truyền bá Giáo Pháp danh tiếng lẫy lừng, cần phải đảm nhận chức vụ thuyết giảng này (DN 29. 15).

Trong các lý do khiến đức Phật giảm bớt hoạt động thuyết Pháp, cần phải thêm một điểm quan trọng nữa: khoảng từ độ tuổi sáu mươi, sức khỏe không cho phép ngài tiêu hao năng lực nhiều.

Trước kia, đức Phật vẫn luôn luôn nhận thức rõ vấn đề sức khỏe, và ngài cũng tuân hành các giới luật của đời Sa-môn. Trong những tháng nóng nhất cuối mùa hạ ở Ấn Ðộ, ngài cho phép mình ngủ trưa sau buổi thọ thực (MN 36. 46) và kiêng ăn buổi tối để “giữ gìn sức khỏe, tươi vui, khinh an, dõng lực và sống dễ chịu”. (MN. 70)

Ngoài chứng bao tử đôi khi gây xáo trộn, đó là điều không thể tránh được trong đời khất sĩ mà ngài đã chữa khỏi bằng cách xoa dầu và dùng thuốc nhuận tràng (Mv 8. 1. 30), uống mật mía với nước nóng (SN 7. 2. 3) hoặc cháo lỏng có ba dược liệu (Mv 6. 17. 1), ngài còn mắc chứng đau lưng lúc về già, có lẽ vì một đốt xương sống bị trặc. Ðứng lâu khiến ngài đau lưng (AN 9. 4) và mặc dù lúc ngài đến viếng Kapilavatthu, ngài ngồi trong hội trường mới xây, dựa lưng vào cột, xương sống cũng làm ngài đau nên ngài phải nằm xuống và bảo Tỳ-kheo Ànanda giảng tiếp Pháp thoại (MN 53) .

Hơi ấm thật tốt lành cho chứng đau lưng ấy, có lẽ điều này khiến bậc Ðạo Sư thường xuyên tắm các suối nóng khi trú tại Ràjagaha. Một bài kinh (SN 48. 5. 1) tả cảnh đức Phật về già thường ngồi ở tinh xá Ðông Viên sưởi ấm lưng trần dưới nắng chiều tà trong lúc thị giả Ànanda vừa xoa bóp đôi chân gầy yếu của ngài vừa mải mê bàn luận về sự suy tàn của thân thể lúc tuổi già. Chẳng bao lâu, trước khi viên tịch, bậc Ðạo Sư nhận xét rằng thân ngài chỉ được duy trì sức sống nhờ chống đỡ bằng dây đai chằng chịt (DN 16. 2. 25).

CÁCH ÐỨC PHẬT TỰ NHẬN XÉT MÌNH

Như đã nói ở trên, sự Giác Ngộ bừng lên trong tâm vị vương tử Thích-ca ba mươi lăm tuổi này không chỉ là một hoạt động của tri thức, mà còn là một chuyển biến về nhân cách nữa. Do Giác Ngộ, ngài cảm nhận vô cùng sâu sắc rằng một bậc Giác Ngộ không còn thuộc vào một hạng người nào trên thế gian này nữa, mà đúng hơn, ngài tượng trưng cho một loại hữu tình đặc biệt (AN 4. 36):

“Ðừng xưng hô với ta (theo cách thân mật cũ) là ‘hiền giả’”, ngài bảo các bạn đồng tu khổ hạnh ngày trước của ngài, khi ngài gặp chư vị sau thời kỳ Giác Ngộ, “nay ta là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác” (Mv 1. 6. 12).

Ðặc biệt phi thường do quả Giác Ngộ, lại có nguồn gốc quý tộc, học vấn xuất sắc và trí tuệ ưu việt, đức Phật thấy không có lý do gì phải e ngại bất kỳ ai cả. Với các đại vương và tiểu vương ở vùng “Trung Nguyên”, ngài nói chuyện thẳng thắn, không có gì dè dặt, và đàm đạo bình đẳng với các Bà-la-môn thông thái nhất thời ngài. Ðối trị với sự kiêu mạn của một số Bà-la-môn đã có lần bày tỏ vẻ khinh bỉ một cách thô lỗ (DN 3), ngài cương quyết không chịu để cho họ xem ngài thấp kém hơn họ. Khi một trong số ấy trách ngài không đảnh lễ các vị Bà-la-môn chuyên nghiệp cao sang, không đứng dậy chào họ hoặc mời họ ngồi, bậc Ðạo Sư đáp lại rằng ngài không thấy có ai trên đời xứng đáng để ngài tỏ ra tôn trọng như vậy (AN 8, 11) . Ngài chỉ muốn phản bác lại những điều tương tự như thế, chứ không có ý gì hơn. Ngài đã từng tuyên bố, “Một vị A-la-hán không cảm thấy hơn hay kém bất cứ ai khác”. (AN 6. 49)

Ngành tôn giáo đối chiếu thường phân biệt các vị sáng lập tôn giáo thành những nhà tiên tri và những nhà huyền bí.

Nhà tiên tri là một người hướng ngoại quá nhiệt tình, tâm trí bị ám ảnh bởi kinh nghiệm thần linh nên cố thuyết phục người đồng loại tuân lệnh Thượng Ðế, và tìm cách cải tạo thế giới theo ý Thượng Ðế. Vị ấy tạo được số tín đồ bằng những lời hứa hẹn hạnh phúc và đe dọa trừng phạt đọa đày, và vì không tránh né tranh chấp ở đời, nên khi vị ấy gặp xung đột với những kẻ theo truyền thống cũ, thì thông thường phải chịu mạng vong do bạo lực.

Trên phương diện khác, nhà huyền bí khởi đầu từ quan điểm rằng giải thoát khổ đau không thể được chứng đắc ở ngoại giới hay qua sự can thiệp của một vị thần linh nào, mà nó chỉ có thể tìm thấy ở nội tâm – qua sự thâm nhập vào bên trong của mỗi người. Bậc hiền trí như vậy sống hòa hợp với thế giới. Thái độ căn bản của vị ấy là thái độ thanh thản, buông xả nội tâm, an nhiên tự tại.

Ðức Phật tượng trưng mẫu người huyền bí này. Vì ngài phủ nhận sự hiện hữu của một bản ngã, một cái Tuyệt Ðối, nên kinh nghiệm Giác Ngộ của ngài mang hình thức một sự đột phá trong tri kiến, chứ không phải sự hòa nhập vào cái huyền bí (unio mystica). Ðó chính là tuệ giác thấy rằng thế giới với tất cả khổ đau (dukkha) có thể được nhiếp phục, và nhờ nỗ lực mỗi người, ta có thể chặt đứt vòng luân hồi sanh tử (Samsàra). Kinh nghiệm của ngài về cái siêu nhiên, do đó ngài đạt địa vị cao quý ở đời, là sự chứng đắc giải thoát bằng cách “dập tắt”, tịch diệt, Niết-bàn.

Bất cứ ai gặp ngài đều cảm thấy rằng người này vẫn ở trong thế giới, nhưng không còn thuộc về thế giới này nữa, và chính tuệ giác siêu phàm ấy đã khiến ngài không bị nhiễm ô giữa thế giới hiện tượng luôn biến chuyển.

“Này các Tỳ-kheo, Như Lai (tức chính đức Phật) đã liễu ngộ thế giới và đã giải thoát khỏi thế giới. Như Lai đã liễu ngộ nguồn gốc của thế giới (và của khổ đau) và đã giải thoát khỏi thế giới. Như Lai đã liễu ngộ sự đoạn tận thế giới và đã tự mình chứng đắc sự đoạn tận ấy. Như Lai đã liễu ngộ và thuyết giảng con đường đưa đến sự đoạn tận thế giới. Bất cứ những thứ gì trong thế giới từng được (do tri kiến giải thoát) thấy, nghe, cảm nhận, thức tri, chứng đắc, tầm cầu, suy tư, tất cả những thứ ấy đều được Như Lai liễu ngộ. Chính vì lý do này, ngài được gọi là Như Lai”. (AN 4. 23, giản lược)

“Này các Tỳ-kheo, ta không tranh chấp với đời, chính đời tranh chấp với ta. Người Thuyết Pháp không tranh chấp với bất cứ ai giữa đời.

Bất cứ điều (kiến) gì được người hiền trí bác bỏ, ta cũng đều bác bỏ. Bất cứ điều (kiến) gì được người hiền trí chấp nhận, ta cũng đều chấp nhận …

Giống như một hoa sen xanh hay trắng sinh ra trong nước, lớn lên trong nước (và vì có lớp màng phủ bên ngoài) nên không bị nước làm ô nhiễm. Cũng vậy, Như Lai đã sinh trưởng trong đời, đã vươn lên khỏi đời và an trú không bị đời làm nhiễm ô”. (SN 22. 94, giản lược)

Thật không có một nhà huyền bí nào tự miêu tả đặc tính của mình chính xác hơn thế nữa.

Lời đức Phật khẳng định rằng ngài chỉ công nhận những quan điểm (kiến) nào được người hiền trí công nhận đáng cho ta quan sát kỹ lưỡng. Lời ấy dựa trên niềm tin vững chắc rằng Giáo Pháp của ngài không phải là thứ triết lý do suy tư tạo thành, mà phát xuất từ tuệ giác thực chứng và tượng trưng chân lý khách quan. Ngài chắc chắn là bất cứ ai thể nhập vào tri kiến uyên thâm về thế giới cũng sẽ xác nhận Pháp chính là thực tại đơn thuần, không gì khác.

Với niềm xác tín như vậy, thật không lạ gì khi ngài xem các quan điểm khác chỉ là tà kiến, hý luận vọng tưởng và nhận định vô căn cứ (DN 1. 1. 29). Các vấn đề lý luận siêu hình như là thế giới thường hằng hay vô thường (DN 1. 2), bản ngã (mà ngài đã bác bỏ sự hiện hữu) là gì và có tồn tại sau khi chết không (DN 1. 2. 38) và tương lai sẽ ra sao…, tất cả những vấn đề đó ngài đều bài bác như những điều vô ích. Chỉ một thứ tri kiến cần thiết: đó là giải thoát tri kiến (DN 1. 3. 30).

Những kẻ khác có thể đã công kích những lý thuyết mà họ xem là sai lầm, và tranh luận với những ai giữ quan điểm ấy, song đức Phật không làm như vậy, ngài có thái độ điển hình của nhà huyền bí không “tranh chấp với ai ở đời”:

Có người thường nói với tâm sân,
Một số nói tâm hướng thật chân,
Ðể mặc cho người đời muốn nói,
Bậc hiền trí tịnh chẳng quan tâm.
(SNip 780)

Bậc trí tịnh tâm thấy khắp nơi
Không còn thành kiến với người đời
Tử sinh, ngài đoạn trừ si, mạn,
Không chấp thủ gì, để ý ai.
Lắm kẻ bận tâm chuyện thế gian
Người không vướng bận, biết sao bàn?
Người không chấp nhận, không bài bác,
Rũ sạch mọi thiên kiến, chẳng màng.
(SNip 780-7)

Các từ “kiến”, “quan điểm”, dịch từ “ditthi” (Pàli) chỉ tất cả các quan điểm lý luận ở đời không được thực chứng.

Kinh Ðiển Pàli ghi lại nhiều trường hợp hễ đức Phật thấy một cuộc tranh luận nào thiên về lý thuyết, thì ngài liền tìm cách đưa đề tài ấy trở lại con đường thực tiễn đi đến giải thoát. Trong các vấn đề tín ngưỡng, ngài là một người chủ trương thực tiễn, như ngài đã giải thích cho Tỳ-kheo Màlunkyaputta với ảnh dụ mũi tên độc. Màlunkya-putta đã suy tư nhiều về đủ mọi vấn đề lý luận siêu hình mà vị ấy đưa ra tham vấn đức Phật. Bậc Ðạo Sư đáp:

“Này Màlunkyaputta, hỏi thế này cũng giống như trường hợp một người bị bắn một mũi tên tẩm thuốc độc rất nặng. Bằng hữu người ấy mời một y sĩ, song người bị thương ấy bảo: “Ta không muốn nhờ nhổ mũi tên này ra cho đến khi ta biết rõ tên họ, gia tộc người bắn cung, kẻ ấy cao hay thấp, da đen, nâu, hay vàng, sống ở đâu, cây cung và dây cung ra sao, mũi tên được làm bằng gì và loại lông chim nào kết vào mũi tên. Này, Màlunkyaputta, người kia có thể chết trước khi tìm được mọi câu giải đáp ấy”. (MN 63, giản lược)

Lời khuyên nhủ tiến hành theo cách thực tiễn, tiêu chuẩn làm phương tiện lợi ích cho giải thoát, được đức Phật đưa ra cho dân chúng thuộc bộ tộc Kàlàmas ở Kesaputta, một thị trấn nhỏ ở vương quốc Kosala. Những người ấy hỏi ngài làm thế nào phân biệt giả chân khi các Sa-môn, Bà-la-môn nói những điều tương phản nhau. Ðức Phật bảo họ:

“Này các vị Kàlàmas, đừng tin theo truyền thuyết, truyền thống, cũng đừng tin theo những gì người ta thường nói hay uy quyền của kinh điển, cũng đừng theo các lý luận siêu hình hay các lối suy diễn, hoặc do thích thú một số học thuyết quan điểm, hoặc vì cảm phục tài đức một bậc đạo sư. Nhưng đúng hơn, khi nào chính chư vị nhận xét: “Các pháp này là bất thiện, đáng chê trách, bị người trí chỉ trích và nếu được thực hiện sẽ đưa đến bất hạnh khổ đau”, thì này các vị Kàlàmas, chư vị hãy bác bỏ chúng.

… Và khi chính chư vị nhận xét: “Các pháp này thuần thiện đáng được chấp nhận, được người hiền trí tán thán và nếu được thực hiện, sẽ đưa đến lợi lạc hạnh phúc”, thì này các vị Kàlàmas, chư vị hãy chấp nhận chúng”. (AN 3. 65, giản lược)

Tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá một lý thuyết là tính cách hữu hiệu của nó đưa đến giải thoát: giá trị của nó nằm ở trong kết quả nó đạt được. Nếu giá trị giải thoát của nó đã được xác lập, thì người ta phải tuân thủ nó.

Ðức Phật cũng thực tiễn khi trình bày các khám phá mới của ngài, và chỉ giới hạn những điều ngài khai thị cho phù hợp với cứu cánh giải thoát. Có lần đang lúc ngài ngồi nghỉ gần Kosambì dưới một khóm cây rừng Simsapà, tức cây Asoka (Saraca indica) với các chùm hoa nở tuyệt đẹp, ngài nắm một ít lá rụng trong bàn tay và hỏi:

“- Này các Tỳ-kheo, cái nào nhiều hơn, nắm lá Simsapa trong tay ta, hay đám lá trên các cây kia?

– Bạch Thế tôn, chỉ có một ít lá trong tay Thế tôn, còn trên cây kia thật nhiều lá.

– Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, có rất nhiều điều ta đã khám phá, nhiều hơn hẳn những gì ta đã khai thị. Chỉ có một ít điều ta đã khai thị mà thôi. Và tại sao ta lại không khai thị các điều kia? Bởi vì chúng không có lợi ích, không phục vụ đời Phạm hạnh, không đưa đến yếm ly, ly tham, an tịnh, thắng trí, Giác Ngộ, Niết- bàn”. (SN 56.12. 4 , giản lược)

Trong khi một số đạo sư Ấn Ðộ tự xưng là có khả năng giải thoát cả thế giới này, đức Phật Gotama nói rõ là chỉ những người nào “biết lắng tai nghe” do có căn tánh nghiệp lực thuận lợi, mới có thể được giải thoát. Ngài thấy ngài chính là người hướng dẫn con đường đưa đến giải thoát, song ngài không thể bắt buộc những người được ngài chỉ đường phải đi con đường ấy.

“Chỉ một số ít đệ tử được ta thuyết giảng, chứng đắc cứu cánh tối thượng, Niết-bàn. Những kẻ khác không chứng đắc cứu cánh ấy… Có Niết-bàn, có con đường đưa đế Niết-bàn và có ta là người chỉ đường. Nhưng trong các đệ tử được ta thuyết giảng chỉ một số chứng đắc cứu cánh, một số khác thì không. Ta biết làm gì được? Ta chỉ là người chỉ đường”. (MN 107 , giản lược)

TÍNH TÌNH

* ÐẶC TÍNH TÂM LÝ: Từ, Bi, Hỷ, Xả

Ðức Phật bài bác niềm tin của giai cấp Sát-đế-lỵ (võ tướng) khi ngài dạy rằng các võ tướng chiến sĩ ngã xuống ngoài mặt trận sẽ phải chịu một tái sanh bất hạnh vì nghiệp lực. Do các hận sân của vị ấy tăng trưởng đối với kẻ thù, một chiến sĩ chết trận có thể tái sanh vào Ðịa ngục Saràjità, ngài tuyên bố như vậy (SN 42. 3). Mặc dù sự trận vong của người anh hùng có ích lợi cho tổ quốc, nó lại đem đến một tái sanh khổ đau cho người tử sĩ.

Chủ trương hòa bình vô điều kiện của đức Phật biểu lộ rõ ràng trong ba vần kệ của Pháp Cú, ở đó ngài diễn tả bất bạo động là phương tiện chấm dứt thù nghịch hận sân:

“Nó làm nhục tôi, tấn công tôi!
Nó chiến thắng tôi, cướp của tôi!”
Ai chứa trong lòng tư tưởng ấy,
Hận thù như vậy chẳng hề nguôi.
“Nó làm nhục tôi, tấn công tôi!
Nó chiến thắng tôi, cướp của tôi!”
Không chứa trong lòng tư tưởng ấy,
Hận thù như vậy sẽ dần nguôi.
Các mối hận thù giữa thế gian
Chẳng hề tiêu diệt bởi lòng sân,
Vô sân trừ khử niềm sân hận,
Ðịnh luật muôn đời của cổ nhân.
(Dhp 3-5)

Khi các tôn giáo của dân bản xứ Ấn Ðộ bị người Hồi giáo đàn áp vào thế kỷ thứ mười một và mười hai, hàng ngàn Tỳ-kheo chịu để cho họ giết mà không kháng cự. Các nguồn kinh điển Tây Tạng đã ghi nhận hành động tự điều phục bản thân anh dũng ấy.

Vô sân là một lý tưởng cao thượng nhưng lạnh lùng, nó cần được lòng từ (mettà) bổ sung. Dù cho các tên trộm cướp sát nhân có chặt tay chân của một Tỳ-kheo bằng cái cưa, các Tỳ-kheo cũng không được để cho thù hận khởi lên trong lòng. Thậm chí ở trong hoàn cảnh như vậy, chư vị cũng phải tự kiềm chế, và tự nhủ:

“Tâm ta sẽ không dao động, ô nhiễm và ta sẽ không thốt ra một ác ngôn nào. Chúng ta sẽ an trú với từ tâm, không sân hận. Sau khi đã làm thấm nhuần khắp người kia với từ tâm, chúng ta sẽ an trú trong trạng thái ấy biến mãn cùng khắp thế gian…” (MN 21. 1, giản lược).

Ðức Phật chứa chan lòng từ hướng đến mọi cảnh giới có sự sống trên thế gian. Các nghề nghiệp tạo khổ đau cho người hay vật, những “nghề ác độc” như: đồ tể, bẫy chim, bắt thú, thợ săn, chài lưới, trộm cướp, đao phủ, cai ngục (MN 51), ngài xem là đáng bài bác và không phù hợp với chánh mạng. Ngài chán ngán tránh xa việc tế lễ bằng súc vật và còn cảm thấy thương xót luôn cả loài cây cỏ, như khi ngài phủ nhận việc phá hại hạt giống và cỏ cây (DN 1. 1).

Từ tâm là đặc điểm chính yếu trong tính cách của đức Phật, y sĩ Jìvaka tuyên bố như vậy với ngài trong một cuộc đàm thoại (MN 55), song chính điểm này đức Phật cũng chế ngự, không cho phép nó vượt quá một giới hạn nào đó: Ngài không để cho mình nhúng sâu vào lòng bi mẫn. Sự thăng bằng trong tâm trí và ổn định mọi tình cảm là điều quan trọng nhất đối với ngài, và đã trở thành một phần bản tánh của ngài do tu tập điều thân.

Vì thế, những cuộc tấn công tới tấp chĩa thẳng vào ngài mà vẫn không làm ngài nao núng. Ngay cả các triết gia đối thủ với ngài cũng công nhận Sa-môn Gotama không thể bị khiêu khích và cũng không dao động. Người cư sĩ Ni-kiền-tử như đã nói ở trên đây, Saccaka Aggivessana, tuyên bố khi cuộc thảo luận được chấm dứt (MN 36), rằng “màu da Tôn giả Gotama vẫn giữ nguyên vẻ trong sáng”, nghĩa là ngài không đỏ bừng mặt; còn các đạo sư khác, trong những lúc tranh luận, thường tránh né các câu chất vấn bằng cách nói lạc hướng và nổi giận.

Tâm bình thản hay xả (upekkhà) phối hợp với trí thông minh lanh lợi biểu hiện trong cách đức Phật đối xử với Bà-la-môn Bhàravadja ở Ràjagaha. Bất mãn vì một người trong gia tộc quy y Phật Pháp, vị này phỉ báng đức Phật với các từ ngữ như “đồ ăn trộm, lạc đà, lừa…”. Ðức Phật bình thản để cho vị ấy nguyền rủa, rồi bỗng nhiên ngài hỏi vị ấy thỉnh thoảng có mời bạn bè về nhà ăn cơm không. Khi được trả lời là có, ngài hỏi tiếp vị ấy phải làm sao nếu khách không dùng các món ăn. Vị Bà-la-môn đáp các món ấy sẽ dành cho phần mình. Ðức Phật tuyên bố: “Thế cũng giống hệt như lời phỉ báng kia, ta không nhận nó, vậy nó trở lại với ông!”(SN 7. 1. 2).

Trong một Pháp thoại với các Tỳ-kheo ở Jetavana tại Sàvatthi, bậc Ðạo Sư diễn tả tính cách an nhiên tự tại của ngài và khích lệ chư Tăng nỗ lực tu tập tâm bình đẳng tương tự:

“Này các Tỳ-kheo, nếu người khác mạ lỵ, phỉ báng, phiền nhiễu Như Lai, trong tâm Như Lai cũng không oán hận, phẫn nộ hay bất mãn… Và nếu người khác kính lễ, tôn trọng, sùng bái Như Lai, trong tâm Như Lai cũng không hoan hỷ, thích thú hay phấn khởi”. (MN 22)

Hằng chục mẫu chuyện ghi lại các sự kiện trong Kinh Tạng Pàli xác nhận cách biểu lộ đặc tính của ngài như trên.

Tuy nhiên có những trường hợp đức Phật không đơn giản chấp nhận những lời người khác nói, mà ngài bước ra khỏi thành trì kiên cố của tâm xả và chuyển sang thế công. Ðó là trường hợp có vấn đề bảo vệ Giáo Pháp chống lại sự xuyên tạc và diễn dịch sai lạc do các đệ tử ngài đề xướng. Giáo Pháp là một khám phá vĩ đại của ngài, đó là công trình và tặng vật của ngài dành cho thế gian; ngài không chấp nhận sự có mặt của các Tỳ- kheo xuyên tạc Giáo lý do vô tình hoặc ác ý trong Giáo đoàn của ngài, mà phận sự Giáo đoàn là truyền đạt lời giáo huấn của ngài cho các thế hệ sau. Khi Tỳ-kheo Sàti diễn tả Giáo Pháp theo ý nghĩa rằng thức (viñ ñ ana) tồn tại mãi sau khi thân hoại và mang một hình thái sống mới, như vây là tạo nên một linh hồn bất tử, bậc Ðạo Sư cho gọi vị ấy đến và hỏi xem có phải đấy là ý kiến của vị ấy không. Khi Tỳ-kheo Sàti xác nhận là phải, đức Phật cao giọng bảo:

“Này kẻ ngu si kia (moghapurisa), do ai mà ông nghe rằng ta đã thuyết giảng Giáo Pháp như vậy? Này kẻ ngu si kia, ta đã chẳng từng dùng nhiều pháp môn nói rằng thức do duyên khởi (và vì thế không thể tồn tại mãi sau khi chết) hay sao? Này kẻ ngu si kia, ông không chỉ xuyên tạc ta vì chấp thủ sai lạc, mà tự còn làm hại mình và tạo nhiều điều tổn đức đưa đến bất hạnh lâu dài!” (MN 38)

Sau đó ngài tiếp tục hỏi các Tỳ-kheo hiện diện để chư vị xác nhận rằng Tỳ-kheo Sàti, con người đánh cá, không có một chút ánh sáng kiến thức nào về Giáo Pháp cả. Chúng ta chỉ còn biết thương hại vị Tỳ-kheo tội nghiệp ấy, theo như bài kinh miêu tả, đã ngồi im lặng, hổ thẹn, lo âu, rụt vai lại, không nói nên lời.

Tỳ-kheo Arittha, trước kia là người huấn luyện chim ưng, cũng không tiến bộ gì hơn. Vị này hiểu Giáo Pháp theo ý nghĩa là các hành động được đức Phật xem là chướng ngại pháp chẳng bao giờ đưa đến khổ ưu cả. Vị này cũng bị bậc Ðạo Sư khiển trách là “kẻ ngu si” (MN 22). Ðiều đáng chú ý là trong cả hai trường hợp này Kinh Ðiển nhắc đến nguồn gốc hèn kém của các Tỳ-kheo bị quở mắng như vậy. Hình như là đức Phật chỉ mong những người thiếu học vấn cố rèn luyện các đức tính theo giới hạnh, chứ không mong có nhiều khả năng trí tuệ.