CHƯƠNG XVIII – KIẾN THANH TỊNH
(Ditthi-Visuddhi-Niddesa)
Bây giờ mô tả về Kiến thanh tịnh. Ở đây kiến thanh tịnh là sự thấy đúng danh sắc. Danh là chỉ cho 4 uẩn: Thọ, tưởng, hành và thức, thuộc cả 3 cõi. Hành giả phải cứu xét cái Danh ấy, tìm cho ra sự sinh khởi của nó nương vào cái gì, và thấy rằng nó y cứ vào sắc chất của trái tim. Sau đó, vị ấy phân tích Sắc thuộc các đại chủng làm chỗ nương tựa cho trái tim, và các sở tạo sắc khác. Rồi vị ấy nhận thấy Danh có đặc tính nghiêng về, và Sắc có đặc tính bị quấy nhiễu.
Nếu kể chi tiết thì Sắc uẩn gồm có 27 thứ đó là 17 hiển sắc và 10 ẩn sắc. Mười bảy hiển sắc là: 4 đại chủng trong nội thân, màu, mùi, vị, thực tố, 5 tinh sắc (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân), sắc chất của tâm cơ, tánh chất, mạng căn, và thanh; đó là 17 hiển sắc. Và 10 ẩn sắc khác là: thân biểu, ngữ biểu, không giới, khinh khoái, nhu nhuyến, kham nhậm, tăng trưởng, tương tục, lão, vô thường; đó là 10 ẩn sắc.
Hành giả tu tập thuần thục trong sự phân tích, Danh và Sắc trên 3 phương diện 18 giới, 12 xứ và 5 uẩn, có thể kết luận rằng: ngoài Danh sắc không có một cái gì có thể gọi là cái ngã, hay con người, chư thiên hay phạm thiên. Như bài kệ nói:
“Các bộ phận kết tụ
Ðược gọi là chiếc xe
Cũng vậy uẩn quy tụ
Nên gọi là chúng sinh” (S. I, 135)
“Ví như một khoảng không gian, được bao bọc bằng gỗ, dây, cỏ, đất sét, thì có ra danh từ nhà, cũng thế, khi một khoảng không gian được vây kín bằng xương, gân, thịt da, thì có ra danh từ Sắc“. (M. I, 190)
Lại nữa, ví như 2 cụm lau tựa vào nhau, cụm này làm chỗ tựa vững chắc cho cụm kia, và khi cụm nầy đổ thì cụm kia đổ; cũng thế, trong thân 5 uẩn, danh sắc sinh khởi lệ thuộc vào nhau, phần nầy làm chỗ tựa và củng cố cho phần kia, và khi một phần rơi xuống do cái chết, thì phần kia cũng sụp đổ.
Lại nữa, y cứ vào sắc mà tâm sinh, y cứ vào tâm, mà sắc sinh. Khi Danh có ý muốn ăn uống, đi đứng, nằm, ngồi, thì chính Sắc làm công việc ấy.
” Ví như người nương vào
Thuyền bè để vượt biển
Cũng vậy, danh thân nầy
Cần sắc thân để sinh”.
Tóm lại, khi hành giả thấy đúng danh và sắc như vậy thì sự thấy ấy được gọi là kiến thanh tịnh, cũng gọi là phân biệt danh sắc bằng trí tuệ.
-ooOoo-
CHƯƠNG XIX – ÐOẠN NGHI THANH TỊNH
(Kankhàvitarana-Visuddhi-Niddesa)
Cái trí phát sinh do vượt qua hoài nghi về 3 thời bằng cách phân biệt các duyên của danh sắc, gọi là Ðoạn nghi thanh tịnh
Bản luận nói, khi thân này sinh ra, nó không phải sinh ra trong một bông sen, nhưng nó được sinh ra ở giữa bọc chứa thức ăn, đằng sau màng bụng, một chỗ hôi hám, dơ bẩn. Khi được sinh kiểu ấy, nhân của nó là 4 thứ: Vô minh, ái, thủ và nghiệp. Vì chính những thứ nầy làm ra sự sinh của thân xác. Và thức ăn là duyên của nó, vì chính thực phẩm củng cố thân xác. Như vậy, có 5 thứ làm nhân và duyên cho sắc thân. Trong 5 thứ nầy, thì 3 thứ Vô minh, ái, thủ là thân y duyên, như bà mẹ đối với hài nhi; và nghiệp sinh ra nó, thì như người cha đối với đứa bé, còn thực phẩm bảo trì nó, thì như vú nuôi đối với đứa trẻ.
Khi hành giả thấy như vậy, thì tất cả nghi hoặc được rũ bỏ. Ðó là 5 mối nghi về quá khứ: ” Trong quá khứ, ta có mặt chăng? hay không có mặt? Ta là gì trong quá khứ? Ta như thế nào trong quá khứ? Ta đã là cái gì, và là cái gì nữa, trong quá khứ?”
Năm mối nghi về tương lai: “Trong tương lai ta có mặt chăng? hay không có mặt? Ta sẽ là gì trong tương lai? Ta sẽ như thế nào trong tương lai? Sau khi là gì, ta sẽ là gì nữa, trong tương lai?”
Năm mối nghi về hiện tại: “Hiện tại ta có mặt chăng? hay không có mặt? Hiện tại ta là gì? Ta như thế nào trong hiện tại? Từ đâu tự ngã nầy đi đến? Tự ngã nầy sẽ đi về đâu?” (M. I, 8)
Thế rồi hành giả suy cứu lý duyên sinh ngược dòng từ già chết trở lên, và suy xét thuận chiều từ vô minh trở xuống, tức “Vô minh duyên hành v.v… Tiếp đến, hành giả suy cứu về nghiệp sẽ nhận thấy có 4 lọai nghiệp là: Nghiệp có quả báo được cảm thọ ngay trong hiện tại, gọi là hiện báo; nghiệp có quả báo khi tái sinh, gọi là sinh báo; nghiệp có quả báo trong những đời sống thuộc tương lai, gọi là hậu báo; và nghiệp không có quả báo, gọi là vô báo.
Hoặc phân tích theo 4 loại nghiệp khác là: Cực trọng nghiệp, thường nghiệp, cận tử nghiệp và tích lũy nghiệp. Cực trọng nghiệp là nghiệp bất thiện nặng nề, hoặc nghiệp thiện mạnh mẽ. Thường nghiệp là loại nghiệp được làm theo thói quen, và lập đi lập lại nhiều lần. Cận tử nghiệp là nghiệp được nhớ lại một cách sống động vào lúc lâm chung. Tích lũy nghiệp là nghiệp được làm từ nhiều đời trước tích tụ lại. Ðôi khi vì nhiều lý do, quả báo của một loại nghiệp nầy có thể triển hạn, hoặc thay thế bằng quả báo của một loại nghiệp khác. Ðây là phạm vi thấy biết của Ðức Phật về nghiệp. Và được trình bày như sau:
“Nghiệp báo diễn tiến từ nghiệp
Quả báo có nghiệp là nguồn gốc
Hữu trong tương lai phát xuất từ nghiệp
Ðây là cách thế gian luân chuyển”.
Khi thấy rõ như vậy, hành giả sẽ đoạn trừ được 16 loại nghi hoặc đã nói ở trên.
Lại một đoạn khác trình bày sự tương quan của nghiệp và báo:
“Như lửa không hiện hữu
Trong mặt trời, ngọc, phân bò
Mà cũng không ở ngoài chúng,
Nhưng phát sinh nhờ những thứ nầy”.
Hoặc như ngọn đèn không di chuyển từ cái tim nầy sang cái tim khác, nhưng không vì vậy mà không mồi được ngọn đèn khác. Cũng vậy, không có gì di chuyển từ hữu quá khứ đến hữu hiện tại, hay từ đời hiện tại đến đời vị lai, nhưng uẩn xứ và giới vẫn sinh ở đây, lấy uẩn xứ, giới của quá khứ, làm duyên, hoặc sẽ sinh trong tương lai, lấy uẩn, xứ, giới hiện tại làm duyên, như bài kệ nói:
“Cũng vậy trong kiết sinh
Dòng tâm tương tục chảy
Tâm trước vừa chấm dứt
Tâm sau liền phát sinh”.
Tóm lại, khi hành giả đã chấm dứt nghi hoặc nhờ phân biệt danh sắc theo nhiều phương pháp khác nhau, thì gọi là Ðoạn nghi thanh tịnh, hay gọi là Trí biết sự tương quan của các pháp hay Chánh tri, Chánh kiến.
Một người tu tuệ đã đạt đến trí này, tức đã tìm được an lạc trong giáo lý của Phật, vị ấy được gọi là một bậc Dự lưu.
-ooOoo-
CHƯƠNG XX – ÐẠO PHI ÐẠO TRI KIẾN THANH TỊNH
(Maggàmagga- Nanadassana- Visuddhi- Niddesa)
Trí biết được cái gì là đạo, cái gì là phi đạo, gọi là Ðạo phi đạo tri kiến thanh tịnh. Khi trí nầy xuất hiện thì cùng lúc hào quang cũng xuất hiện. Ðông thời hành giả cũng làm phát sinh 3 thứ tuệ: Tuệ phát sinh do biết rõ đặc tính của sắc là bức não, đặc tính của thọ là cảm nhận gọi là Tuệ tri kiến. Tuệ phát sinh do biết đặc tính của sắc là vô thường, của thọ là vô thường, thì gọi là Tuệ suy đạt. Tuệ phát sinh do từ bỏ thường tưởng, thì gọi là Tuệ từ bỏ.
Tuệ từ bỏ nầy diễn tiến như sau: ” (1) Quán các hành là vô thường, hành giả từ bỏ thường tưởng. (2) Quán các hành là khổ, hành giả từ bỏ lạc tưởng. (3) Quán các hành là vô ngã, hành giả từ bỏ ngã tưởng. (4) Quán các hành là không đáng ưa, hành giả từ bỏ thích thú. (5) Quán ly tham, hành giả từ bỏ tham. (6) Quán diệt, hành giả từ bỏ sanh (sinh khởi). (7) Quán xả ly, hành giả từ bỏ chấp thủ.
Hành giả quán một cách tổng quát như sau:
“Bất cứ sắc nào, quá khứ, hiện tại hay vị lai, nội hay ngoại, thô hay tế, hạ liệt hay thù thắng, xa hay gần, tất cả sắc ấy là vô thường, là khổ, là vô ngã. Bất cứ thọ nào, bất cứ tưởng nào, bất cứ hành nào, và bất cứ thức nào, chúng cũng đều mang 3 đặc tính kể trên. Ðây là một loại quán tổng quát.
QUÁN 40 ÐẶC TÍNH CỦA 5 UẨN
Hành giả phân tích 5 uẩn, thấy chúng có những đặc tính: vô thường, khổ, như bệnh, cục bướu, như mũi tên, mối họa, xa lạ, phân hóa, cơn dịch, tai ương, khủng bố, đe dọa, phù du, khả hoại, không bền, vô hộ, không chỗ trú, không chỗ nương, trống rỗng, vô vi, không, vô ngã, nguy hiểm, bị biến đổi, không có lõi, gốc rễ của tai ương, sát nhân, bị hoại diệt, hữu lậu, hữu vi, mồi của ma, phải bị sinh, già, bịnh, chết, sầu, bi, ưu, não, bị cấu uế. Khi quán sát các đặc tính trên, hành giả sẽ nỗ lực tinh cần, và dần dần đạt đến thanh tịnh, Niết bàn.
Về phương diện quán vô thường có 50 yếu tố: Hành giả quán mỗi uẩn gồm có 10 thứ: Vô thường, tan rã, phù du, khả hoại, không bền, bị biến đổi không có lõi, phải đoạn diệt, hữu vi, phải chết. Mỗi uẩn có 10 thứ nên 5 uẩn thành ra 50 thứ. Quán vô ngã có 25 thứ: mỗi uẩn gồm – xa lạ, trống rỗng, vô vị, không, vô ngã. Năm uẩn, mỗi uẩn có 5 thứ thành ra 25 thứ. Quán khổ có 125 thứ: dùng 25 pháp còn lại (trong số 40 pháp kể trên) nhân cho 5 uẩn, thành ra 125 thứ: Như vậy, hành giả quán về 5 uẩn trên 3 phương diện vô thường, khổ và vô ngã, sẽ gồm có 200 đặc tính tất cả.
Bây giờ hành giả phải đi sâu hơn nữa vào từng uẩn một, trước hết quán về sắc với các khía cạnh. Sắc do nghiệp sinh; sắc do tâm sinh; sắc do đoàn thực sinh và sắc do thời tiết sinh.
Hành giả phân tích Sắc do nghiệp sinh về 6 phương diện: (1) Nghiệp; (2) Cái do nghiệp sinh; (3) Cái có nghiệp làm duyên; (4) Cái do tâm sinh, có nghiệp làm duyên; (5) Cái do đồ ăn sinh, có nghiệp làm duyên; (6) Cái do thời tiết sinh có nghiệp làm duyên.
Hành giả phân tích Sắc do tâm sinh theo 5 phương diện: (1) tâm; (2) do tâm sinh; (3) do duyên tâm; (4) do thực phẩm, có tâm làm duyên; (5) do thời tiết sinh có tâm làm duyên.
Tiếp đến, hành giả lại phân tích Sắc do đoàn thực sinh, căn cứ trên 5 phương diện: (1) Ðoàn thực; (2) do đoàn thực sinh; (3) do duyên đoàn thực; (4) do đoàn thực sinh và do duyên đoàn thực; (5) do thời tiết sinh và đoàn thực làm duyên.
Hành giả lại phân tích Sắc do thời tiết sinh, căn cứ trên 5 phương diện: (1) Thời tiết; (2) do thời tiết sinh; (3) do thời tiết làm duyên; (4) do thời tiết sinh và thời tiết làm duyên; (5) do đoàn thực sinh có thời tiết làm duyên.
Không phải dừng ở đây, mà hành giả còn đi sâu tìm hiểu sắc về 7 phương diện, đó là: (1) lấy lên, đặt xuống; (2) sự thay đổi theo thời gian; (3) do đoàn thực sinh; (4) do thời sinh; (5) do nghiệp sinh; (6) do tâm sinh; (7) do tự nhiên.
(1) Lấy lên, đặt xuống: lấy lên nghĩa là lúc sinh ra, đặt xuống nghĩa là lúc chết. (2) Sự thay đổi theo thời gian: Hành giả có thể dùng con số ước lệ một đời người là 100 năm, chia thành 3 giai đoạn, hoặc chia làm 10 thập niên như sau: thập niên thơ ấu, thập niên thể thao, thập niên thẩm mỹ, thập niên sức mạnh, thập niên trí tuệ, thập niên suy tàn, thập niên cúi xuống, thập niên còng lưng, thập niên lẩm cẩm, thập niên nằm dài. Hoặc chia thành 4 mùa trong một năm, hoặc chia thành 2 tháng một, hoặc chia từng nửa tháng, hoặc chia thành ngày đêm, hoặc chia mỗi ngày đêm thành 24 giờ, hoặc chia nhỏ thành những động tác. Tất cả các thời phần đều không ra ngoài vô thường, khổ, vô ngã, đối với cái sắc thân của chúng ta.
(3) Do đoàn thực sinh: Sắc sẽ biến đổi khác nhau rõ rệt ở trạng thái đói và trạng thái no của hành giả.
(4) Do thời sinh: Sắc sẽ biến đổi rõ rệt khi thời tiết nóng, hoặc khi thời tiết lạnh.
(5) Do nghiệp sinh: Sắc sẽ khác nhau rõ rệt trong từng căn môn, vì sắc sinh ở nhãn căn không giống với sắc ở nhĩ căn v.v…
(6) Do tâm sinh: Sắc sẽ hiện lên rõ rệt khi một người gặp cảnh vui hay cảnh buồn, vì tâm thay đổi thì sắc diện cũng thay đổi.
(7) Do tự nhiên: Mạng sống con người trải qua bao thăng trầm, nhưng cũng không vượt qua 3 tính chất vô thường, khổ và vô ngã.
Ðó là 7 phép quán về sắc pháp dựa trên 3 tính chất vô thường, khổ và vô ngã. Bản luận còn đề cập đến 7 phép quán về vô sắc, đó là: (1) Theo nhóm; (2) theo đôi; (3) theo sát na; (4) theo loạt; (5) bằng cách trừ tà kiến; (6) trừ kiêu mạn; (7) Trừ chấp thủ.
(1) Theo nhóm: chẳng hạn hành giả dùng nhóm 5 thứ là xúc, tác ý, thọ, tưởng, và tư, kết hợp để quán tưởng, thì gọi là theo nhóm;
(2) Theo đôi: Hành giả quán về sắc pháp có 3 tính chất vô thường, khổ và vô ngã, đồng thời thấy cái tâm năng quán cũng bao hàm 3 tính chất trên, đó là quán theo đôi;
(3) Theo sát na: Hành giả khởi sự quán sắc pháp với 3 tính chất, và kế tiếp tâm thứ 2, thứ 3 v.v…, cũng quán 3 tính chất trên, đó gọi là quán theo sát na;
(4) Theo loạt: tiếp theo hành giả quán như trên với tâm thứ tư, và quán tâm thứ tư bằng tâm thứ 5… Tâm thứ 10 bằng tâm thứ 11, như vậy gọi là quán theo loạt;
(5) Bằng cách trừ tà kiến;
(6) Trừ kiêu mạn;
(7) Trừ chấp thủ: Khi hành giả không thấy có một hữu tính nào ở trong sắc và vô sắc, thì ngã tưởng được từ bỏ, do thế, vị ấy không khởi lên tà kiến, nên gọi là Trừ tà kiến. Khi hành giả phân biệt các hành với cái tâm đã trừ ngã tưởng, thì kiêu mạn không khởi lên nữa, đó gọi là trừ kiêu mạn. Khi hành giả phân biệt các hành với cái tâm đã trừ kiêu mạn, thì tham ái không khởi lên nữa, mà tham ái không khởi, thì chấp thủ được đoạn trừ, nên gọi là trừ chấp thủ.
Khi hành giả đi sâu phân tích các hành thì thấy chúng không có một quyền năng tự tại để mà thi thố, do thế chúng là vô ngã; thấy chúng có đó rồi lại không, do thế, chúng là vô thường; thấy chúng phải chịu sự chi phối của sinh và diệt, do thế, chúng là khổ.
Như vậy có sự từ bỏ tà kiến nơi một người thấy các hành là vô ngã; có sự từ bỏ kiêu mạn nơi một người thấy các hành là vô thường; có sự từ bỏ chấp thủ nơi một người thấy các hành là khổ.
18 TUỆ QUÁN CHÍNH
Sau khi đã quen thuộc với các đề mục thiền sắc và vô sắc hành giả dần dần sẽ thâm nhập một phần trong 18 tuệ quán sau đây:
(1) Quán vô thường trừ bỏ thường tưởng; (2) Quán khổ từ bỏ lạc tưởng; (3) Quán vô ngã từ bỏ ngã tưởng; (4) Quán xả ly từ bỏ sự thích thú; (5) Quán ly tham từ bỏ tham; (6) Quán diệt từ bỏ sinh; (7) Quán xả từ bỏ chấp thủ; (8) Quán hoại từ bỏ tưởng kiên cố; (9) Quán sự sụp đổ của các hành từ bỏ sự tích lũy của nghiệp; (10) Quán biến chuyển từ bỏ tưởng về sự dài lâu; (11) Quán vô tướng từ bỏ tướng; (12) Quán vô dục từ bỏ dục; (13) Quán không từ bỏ được tà giải; (14) Quán tuệ từ bỏ tà giải do chấp thủ một cái lõi; (15) Quán chánh tri kiến từ bỏ tà giải do mê mờ; (16) Quán nguy hiểm từ bỏ tà giải do ỷ lại; (17) Quán tư duy từ bỏ không tư duy; (18) Quán yểm ly từ bỏ tà giải do chấp trước (PS. I, 32)
TRÍ QUÁN SINH DIỆT
Sau khi tác ý về sự sinh diệt của các pháp, hành giả thấy sự xuất sinh của sắc uẩn như sau:
(1) Cùng với sự xuất sinh của vô minh, có sự xuất sinh của sắc uẩn; (2) Cùng với sự xuất sinh của ái, có sự xuất sinh của sắc uẩn; (3) cùng với sự xuất sinh của nghiệp, có sự xuất sinh của sắc uẩn; (4) Cùng với sự xuất sinh của đoàn thực, có sự xuất sinh của sắc uẩn; (5) Ai thấy được đặc tính của xuất sinh, sẽ thấy được sự sinh của sắc uẩn.
Trái lại, về phương diện diệt của sắc uẩn, hành giả sẽ thấy rằng: (1) với sự chấm dứt của vô minh, có sự chấm dứt của sắc uẩn; các pháp còn lại (2) (3) (4) và (5) cũng tương tự như thế khi diệt ái, nghiệp, đoàn thực.
Hành giả tiếp tục tác ý đến 4 uẩn còn lại cũng theo 2 phương diện sinh và diệt như sắc uẩn vừa nêu. Bấy giờ, hành giả sẽ thấy rõ sự sinh của các uẩn đi kèm với sự sinh của vô minh v.v…, và sự diệt của các uẩn khi vô minh v.v… diệt, đó là tính chất sinh diệt theo duyên của các uẩn. Do vậy, có thể nói: Các pháp nầy dường như từ không mà có, sau khi hiện hữu, chúng lại trở thành không. Và như vậy, chúng có một đời sống ngắn ngủi như những giọt sương mai dưới ánh mặt trời, như bọt nổi trên nước, như đường vẽ trên mặt nước, như hạt mè trên mũi dùi, như làn chớp. Và chúng không có lõi như trò ảo thuật, như ảo giác, như mộng, như vòng lửa quay, như thành Càn thát bà (thành của yêu quái), như bọt sủi, như thân cây chuối v.v… Ðó là tính chất hư ảo của các pháp.
NHỮNG CẤU UẾ CỦA TUỆ
Khi hành giả mới được tuệ giác còn yếu ớt, thường vấp phải 10 chướng ngại, hay 10 cấu uế của tuệ sau đây: (1) Hào quang; (2) trí tuệ; (3) hỉ; (4) Khinh an; (5) lạc; (6) quyết định; (7) tinh tấn; (8) vững chải; (9) xả; (10) ràng buộc.
(1) Hào quang: khi hành giả tác ý các hành là vô thường, ánh sáng sẽ phát sinh, rồi vị ấy cho mình đã đạt được thánh quả, do đó, tâm bị chi phối bởi trạo cử, nên không thấy đúng chân tướng của các pháp là vô thường, khổ, và vô ngã. Cũng thế các yếu tố từ (2) đến (10) vốn là những khích lệ khi tuệ vừa mới phát sinh, nhưng nếu tự đắc, tự mãn cho mình đã đạt được những thành quả cao cả, mình là bậc thánh, thì thành ra cấu uế, chướng ngại trên con đường thành tựu viên mãn. Do đó, nên gọi những thứ đó là cấu uế của tuệ.
Nhưng khi thấy hào quang phát sinh, hành giả thận trọng quán sát, nhận rõ hào quang ấy là vô thường, hữu vi, duyên sinh, khả hoại; hành giả nên xem hào quang ấy là không phải của ta, không phải là ta, không phải tự ngã của ta. Thấy như vậy hành giả sẽ không bị dao động nao núng vì hào quang. Do đó, trí hành giả sẽ trở nên thanh tịnh trong sáng.
Tóm lại, khi hành giả hiểu biết chính xác cái gì là đạo và cái gì là phi đạo, thì cái tri kiến đó được gọi là Ðạo phi đạo tri kiến thanh tịnh.
-ooOoo-
CHƯƠNG XXI – ÐẠO TRI KIẾN THANH TỊNH
(Patipadà- Nanadassana-Visuddhi-Niddesa)
Ðến đây, tuệ đạt tới tột đỉnh với 8 trí và với trí thuận thứ là thứ chín, những trí nầy gọi là Ðạo tri kiến thanh tịnh. Tám trí này được liệt kê như sau: (1) Sinh diệt trí; (2) Diệt trí; (3) Bố úy trí; (4) Quá hoạn trí; (5) Ly dục trí; (6) Dục thoát trí; (7) Tư duy trí; (8) Hành xả trí.
(1) Sinh diệt trí: Cái trí quán sự sinh khởi của các hành gọi là quán sinh, cái trí quán sự hoại diệt các hành gọi là quán diệt. Cái trí dùng để quán cả 2 chiều sinh và diệt, gọi là Sinh diệt trí.
Bản luận nêu ví dụ về tính chất vô thường, khổ, của các pháp như sau: Ví như khi một cái dĩa rớt xuống đất vỡ toang, thì đó là tính chất của vô thường. Và khi một ung nhọt xuất hiện trên cơ thể ta thì đó là tính chất của Khổ. Nhưng đặc tính của vô ngã thì không rõ rệt. Thế nên, dù chư Phật có xuất hiện hay không, thì các đặc tính vô thường và khổ vẫn được biết đến, nhưng nếu không có chư Phật ra đời thì không có lý vô ngã được công bố.
(2) Diệt trí (trí quán tan rã): Cái trí quán về sự hủy diệt của các pháp. Khi hành giả quán vô thường, sẽ từ bỏ được thường tưởng; khi quán khổ, sẽ từ bỏ được lạc tưởng; khi quán vô ngã, sẽ từ bỏ được ngã tưởng… Do vô dục, hành giả bỏ sự ham thích. Làm cho tham tàn tạ, hành giả bỏ được tham. Thấy rõ diệt, hành giả bỏ sự sinh; với thái độ xả, hành giả bỏ chấp thủ.
Bằng kinh nghiệm thực tế, hành giả xác định được cái hiện tại và suy diễn cái tương lai: Phạm vi các hành đã tan rã trong quá khứ, sẽ tan ra ở tương lai, cũng như chúng đang tan rã trong hiện tại. Vì thế bản luận nêu ví dụ: Như một người mắt sáng đứng trên bờ sông, dưới cơn mưa lớn, sẽ thấy những bọt nước hiện ra trên mặt sông rồi tan ngay sau đó. Cũng vậy, hành giả luôn luôn thấy các hành tan hoại.
Khi thấy được tính chất tan rã của các hành, hành giả sẽ đạt được 8 lợi ích như sau: Bỏ được tà kiến về hữu, bỏ sự bám víu vào đời sống, luôn luôn tinh cần, có mạng sống thanh tịnh, không còn lo âu, không sợ hãi, có được nhẫn nhục và từ ái điều phục được buồn chán và hoan lạc. Ðó là 8 sự lợi ích của Diệt trí.
(3) Bố úy trí: Cái trí thấy được sự đáng sợ của các hành. Khi hành giả tu tập về quán diệt sung mãn, sẽ thấy tính chất của các hành thật khủng khiếp, chúng chẳng khác gì sư tử, cọp beo, ma quỉ v.v… xuất hiện trước mắt một người nhát gan, khi y muốn sống yên ổn.
Bản luận nêu ví dụ: Như bà mẹ của 3 đứa con trai phạm pháp, chúng bị vua ra lịnh hành quyết, bà đang chứng kiến đao phủ chặt đầu đứa lớn, bà biết rằng 2 đứa kia cũng bị chặt đầu như thế. Khi thấy như vậy, Bố úy trí sinh khởi nơi bà.
(4) Quán hoạn trí (trí quán sự nguy hiểm): Khi tu tập sung mãn trí bố úy, hành giả sẽ thấy không một chỗ nào trong 3 cõi là yên ổn. Ba hữu bấy giờ đối với hành giả giống như những hố than hừng; 4 đại như rắn độc đáng sợ; 5 uẩn như những kẻ sát nhân đang tuốt kiếm dơ lên; 6 nội xứ như khu làng trống; 6 ngoại xứ như kẻ cướp đang xâm nhập vào làng; 7 thức trú và 9 hữu tình cư như khu rừng đang bốc cháy hừng hực; và tất cả các hành như một khối khổng lồ, toàn những thứ nguy hiểm không khả ý, không thực chất, như ung nhọt, như bệnh, như mũi tên, như tai họa, như sầu não (M. I, 436). Ðó là đặc trưng của Quá hoạn trí.
Thiết tưởng ở đây cũng cần phân biệt giữa trí và tuệ. Trí là nói theo nghĩa cái được biết (sở tri), còn tuệ là hành vi hiểu biết (năng tri).
(5) Vô dục trí: Cái trí nhàm chán, không ham muốn đối với các hành. Vì khi thấy các hành là nguy hiểm, hành giả trở nên vô dục đối với tất cả các loại hành thuộc hữu, thú, thức trú, và hữu tình cư. Vị ấy không thỏa mãn, không hứng thú trong đó. Cũng như con ngỗng vàng yêu mến rừng núi bao la, không thích thú nơi ao hồ tù túng. Ðó, gọi là Vô dục trí.
Ba loại trí Bố úy, quá hoạn, và vô dục, tuy tên gọi khác nhau, nhưng về ý nghĩa chỉ là một.
(6) Dục thoát trí: Trí mong muốn giải thoát khỏi các hành. Khi hành giả không còn nương tựa bất cứ loại hành nào nữa, mà mong mỏi giải thoát tất cả hành, thì Dục thoát trí sinh khởi nơi vị ấy. Như con cá đang vướng trong lưới, con chim đang bị nhốt trong lồng v.v…, tất cả chúng đều mong muốn được giải thoát.
(7) Tư duy trí: Cái trí tư duy về các hành. Khi tư duy sâu về các hành, hành giả sẽ thấy 4 đặc tính nổi bật của chúng như sau: Các hành là vô thường, vì chúng không liên tục, tạm bợ. Các hành là khổ, vì chúng bị bức bách khó chịu. Các hành là bất tịnh vì chúng không đáng ưa, ghê tởm. Các hành là vô ngã, vì chúng trống rỗng, không có quyền tự chủ.
Ví như một người giăng lưới để bắt cá nhưng khi thấy lưới bị dao động, anh ta đưa tay xuống lưới định bắt cá, thì vớ phải một con rắn. Bấy giờ anh ta hoảng sợ, chỉ mong thoát khỏi sự nguy hiểm đang đe dọa mình. Khi tư duy trí khởi lên, hành giả muốn thoát các hành cũng vậy.
(8) Hành xả trí: Cái trí dửng dưng đối với tất cả các hành, gọi là Hành xả trí. Khi hành giả đã phân tích các hành bằng những đặc tính kể trên, sẽ thấy chúng trống rỗng, vô nghĩa, nên không khiếp sợ, cũng không thích thú, mà trở nên dửng dưng, không xem chúng là tôi hay của tôi. Do đó, bản luận ví người ấy như một người đã ly dị vợ. Ban đầu người ấy rất yêu thương vợ về nét yêu kiều khả ái của nàng. Nhưng sau một thời gian sống chung, anh ta thấy rõ những lỗi lầm của người phụ nữ ấy, nên chỉ muốn thoát ly khỏi cô ta, không xem nàng là vật sở hữu của mình nữa.
TAM GIẢI THOÁT MÔN:
Ba cửa ngõ hướng đến giải thoát nầy là vô tướng, ly dục và không, như bản luận trình bày:
Khi hành giả có đức tin hay quyết tâm lớn, tác ý hành là vô thường, sẽ đạt được Vô tướng giải thoát . Khi hành giả có năng lực tịnh chỉ vững chắc, tác ý các hành là khổ, sẽ đạt được vô nguyện giải thoát. Khi hành giả có tuệ trong sáng, tác ý các hành là vô ngã, sẽ đạt được không giải thoát (Ps. 2, 58)
Danh từ Vô nguyện giải thoát ở đây nên được xem đồng nghĩa với Ly dục giải thoát tức giải thoát khỏi các dục vọng. Và trong Ly dục giải thoát thì yếu tố định nổi bật, và trong Không giải thoát thì yếu tố tuệ nổi bật.
BẢY HẠNG HIỀN THÁNH
Thông thường các kinh luận liệt kê hiền thánh thành 7 hạng sau đây: (1) Tùy tín hành; (2) Tín giải thoát; (3) Thân chứng; (4) Câu phần giải thoát; (5) Tùy pháp hành; (6) Kiến đáo; (7) Tuệ giải thoát.
Khi hành giả tác ý các hành là vô thường, nhờ đó tín căn tăng thịnh, và đạt được Dự lưu đạo, đó gọi là bậc Tín hành giả. Cũng thế, khi vị ấy tác ý các hành là vô thường, do đó tín căn tăng thịnh, chứng đắc Dự lưu quả, đây gọi là Tín giải thoát. Thế rồi, vị ấy chứng ngộ Niết bàn bằng kinh nghiệm bản thân, nên gọi là Thân chứng. Hơn nữa, vị ấy đạt được Niết bàn nhờ thấy một cách thấu triệt, nên gọi là Kiến đáo (hay Kiến chí). Nhưng nếu vị ấy vận dụng trí tuệ, nương theo pháp tu hành thành tựu, thì gọi là Tùy pháp hành. Thế rồi, vị ấy đạt được giải thoát cả 2 phương diện, bằng Thiền vô sắc và bằng Thánh đạo, thì gọi là Câu phần giải thoát. Ðồng thời sự giải thoát ấy đạt được nhờ liễu tri, tức trí tuệ, do đó gọi là Tuệ giải thoát. Ðó là khái quát về 7 hạng hiền thánh.
Trên đây vừa trình bày về 3 cửa hướng đến giải thoát, và 7 bậc hiền thánh, cả 2 phạm trù nầy đều thuộc về Hành xả trí.
Ba loại trí sau cùng trong 8 trí kể trên, về nghĩa giống nhau, nhưng tùy theo diễn tiến của nó mà có các tên khác nhau. Lúc đầu, nó có tên Dục thoát trí, ở chặng giữa nó có tên là Tư duy trí và ở chặng cuối, nó được gọi là Hành xả trí. Như vậy, ở giai đoạn một, nó là ước muốn giải thoát khỏi sanh, v.v… nơi một người đã ly dục, ước muốn ấy gọi là Dục thoát trí. Tiến sang giai đoạn hai, trí tư duy để tìm phương giải thoát, thì gọi là Tư duy trí. Bước đến giai đoạn cuối cùng, trí ấy đạt được giải thoát nhưng không vướng mắc vào những gì đã giải thoát nên gọi là Hành xả trí.
TRÍ THUẬN THỨ
Khi hành giả tu tập, làm cho sung mãn trí hành xả, thì tín lực vị ấy trở nên quyết định hơn, tấn lực điêu luyện hơn, định lực an trú hơn, tâm định tĩnh hơn, còn hành xả thì tinh tế hơn. Ðó là giai đoạn chuẩn bị. Kế đến, một tốc hành tâm thứ hai khởi lên, cũng lấy các hành làm đối tượng như thế, đó gọi là Trí thuận thứ. Trí này cũng có thể gọi là tập hành, chuẩn bị hay cận hành đều được cả.
Ðến đây, ta có thể tóm tắt ý nghĩa của 8 trí như sau: Sinh diệt trí là trí thấy được sự sinh và diệt của những pháp có sinh diệt. Diệt trí hay hoại trí là trí thấy được sự tan rã của các pháp phải bị tan rã. Bố úy trí là trí thấy được tính chất đáng sợ của các pháp. Quá hoạn trí là trí thấy được sự nguy hiểm của những gì được xem là nguy hiểm. Ly dục trí là trí thấy được tính chất của các hành là khổ, cần phải viễn ly. Dục thoát trí là trí ước mong giải thoát khỏi những gì cần phải giải thoát. Tư duy trí là trí suy nghĩ về những gì cần phải suy nghĩ. Hành xả trí là trí dửng dưng không vướng mắc đối với những gì cần phải xả bỏ.
Ví như một ông vua công chánh ngồi ở pháp đình để nghe những lời phán quyết của quan tòa, vừa để trừ khử sự thiên vị, và giữ thái độ vô tư. Nhà vua vừa thuận theo sự phán quyết của họ, vừa theo luật pháp đã quy định. Ở đây trí thuận thứ ví như nhà vua, 8 loại trí ví như 8 quan tòa và 37 phẩm trợ đạo ví như luật pháp của quốc gia.
Chương XXI nầy mô tả về Ðạo tri kiến thanh tịnh, đến đây đã trình bày xong.
-ooOoo-
CHƯƠNG XXII – TRI KIẾN THANH TỊNH
(Nanadassana-visuddhi-Niddesa)
Sau phần trình bày về Ðạo tri kiến thanh tịnh, giờ đây đề cập đến Tri kiến thanh tịnh. Tri kiến thanh tịnh này sẽ được trình bày qua 2 phần, phần đầu mô tả khái quát về 4 đạo và 4 quả, phần hai nói đến những pháp tương ưng với các đạo lộ.
- BỐN ÐẠO VÀ BỐN QUẢ
- Dự lưu đạo(Dự lưu hướng, Tu đà hoàn hướng)
Kế tiếp Trí Thuận Thứ là Trí Chuyển Tánh, trí này sinh khởi nơi hành giả, khiến vị ấy ra khỏi lãnh vực phàm phu, đi vào dòng Thánh, nghĩa là rời khỏi, sinh, già, bệnh, chết v.v…, đi vào tịch diệt, Niết bàn, nên gọi là chuyển tánh. Bản luận cho biết, Trí Thuận Thứ có thể xua tan mây mù phiền não che lấp sự thật nhưng không thể làm cho Niết bàn hiển lộ. Trái lại, Trí Chuyển Tánh thì chỉ có thể làm cho Niết bàn hiển lộ mà lại không thể xua tan mây mù phiền não che lấp chân lý. Trí Chuyển Tánh nầy thuộc phạm vi Dựu lưu đạo (hay Dự lưu hướng). Khi hành giả đi vào Dự lưu đạo nầy sẽ từ bỏ được 5 Hạ phần kiết sử là: thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham và sân. Hai yếu tố sau, chỉ từ bỏ phương diện thô, nhưng về mặt vi tế vẫn còn.
Ðể làm rõ giai đoạn Chuyển Tánh từ phàm đến thánh, bản luận nêu ví dụ: Như một người có mắt ban đêm ra ngoài, ngước lên bầu trời nhìn trăng nhưng không thấy được trăng vì bị mây che phủ. Rồi một ngọn gió nổi lên, thổi tan đám mây dày, một ngọn khác thổi tan đám mây mỏng hơn, và một ngon khác nữa làm tan cả những sợi mây mong manh còn lại. Bấy giờ, người kia mới thấy rõ mặt trăng ở trên bầu trời không mây. Trong ví dụ trên, 3 loại mây dày, mỏng và mấy sợi mong manh là ví cho 3 loại cấu uế dày, trung bình và mỏng che lấp sự thật. Ba ngọn gió là chỉ cho 3 loại tâm thuận thứ, và mặt trăng dụ cho Niết bàn. Những ngọn gió tuần tự thổi tan các đám mây là ví như các loại tâm Thuận thứ lần lượt xua tan bóng tối che lấp chân lý. Thế nhưng, 3 ngọn gió chỉ có thể thổi tan mây che khuất mặt trăng mà không thể thấy mặt trăng. Trái lại, người kia chỉ có thể thấy mặt trăng mà không thể thổi tan những đám mây. Cũng thế, Trí chuyển tánh chỉ có thể thấy Niết bàn mà không thể dẹp tan phiền não.
- Dự lưu quả(Tu đà hoàn quả)
Kế tiếp ngay Trí Chuyển Tánh, sẽ khởi lên hai hoặc ba quả tâm. Bấy giờ hành giả quán sát đạo lộ như sau: “Ðây là Ðạo lộ ta đã gặp”. Tiếp đến, hành giả quán sát quả như sau: “Ðây là sự an lạc ta đã được”. Rồi quán sát tiếp: “Ðây là những cấu uế ta đã từ bỏ”. Lại tiếp tục quán sát: “Ðây là các cấu uế còn lại trong ta”. Và cuối cùng, hành giả quán sát Niết bàn bất tử như sau: “Ðây là pháp đã được ta thâm nhập”. Như vậy, là 5 thứ quán sát của một bậc thánh đã đạt được Quả Dự lưu. Ðến đây, vị thánh nầy chỉ còn qua lại trong vòng sinh tử ở cõi trời và cõi người đến 7 lần nữa là tối đa. Thế nên, vị nầy còn được gọi là vị Thất lai.
- Nhất lai đạo(Nhất lai hướng, Tư đa hàm hướng)
Sau khi quán sát như trên, vị nầy làm tê liệt (muội lược) dục tham và sân nhuế, đạt đến đạo lộ thứ hai, tức Nhất lai đạo hay Nhất lai hướng.
- Nhất lai quả(Tư đà hàm quả)
Sau khi thành tựu đạo lộ như trên, vị nầy đạt được quả Nhất lai và chỉ còn tái sinh một lần nữa trong nhân gian mà thôi.
- Bất hoàn đạo(Bất hoàn hướng, A na hàm hướng)
Tiếp tục quán sát như trên, đến đây vị nầy đoạn tận cả tham (thuộc Dục giới) và sân, làm cho chúng không còn dư tàn nữa, đạt được đạo lộ bất hoàn, tức Bất hoàn đạo, và cái trí tương ưng với đạo lộ ấy gọi là Bất hoàn đạo trí.
- Bất hoàn quả(A na hàm quả)
Các quả tâm theo liền sau trí nầy như đã nói ở trên. Vị nầy sau khi mệnh chung sẽ nhập Niết bàn, hay còn lưu cư ở cõi Tịnh cư thiên, chứ không bao giờ trở lại cõi thế gian nầy nữa, và đây là quả Bất hoàn hay quả A na hàm.
- A la hán đạo(A la hán hướng)
Ðến đây, vị nầy vận dụng trí tuệ quán sát để đoạn trừ 5 Thượng phần kiết sử là: Sắc tham, Vô sắc tham, mạn, trạo cử và vô minh, làm cho chúng không còn một chút dư tàn nào nữa, đạt được A la hán đạo. Vì trí nầy tương ưng với đạo lộ hướng đến A la hán, nên gọi là A la hán đạo trí.
- A la hán quả(Vô sanh quả)
Các quả tâm theo liền đạo trí vừa nói, và vị nầy trở thành một bậc thánh đã đoạn tận các lậu hoặc, thân của vị nầy là thân sau rốt, gánh nặng đã đặt xuống, việc làm đã hoàn tất, đã phá sạch hữu kiết sử, đạt được giải thoát viên mãn, xứng đáng nhận được sự cúng dường tối thượng của thế gian và chư thiên. Và quả vị nầy gọi là quả A la hán, hay quả Vô sanh.
Nói chung, các luận thường gọi đạo quả nầy là tứ song bát bối (4 đôi, 8 chúng) tức là: Tu đà hoàn đạo, Tu đà hoàn quả, Tư đà hàm đạo, Tư đà hàm quả, A na hàm đạo, A na hàm quả, A la hán đạo và A la hán quả.
- CÁC PHÁP TƯƠNG ƯNG VỚI ÐẠO LỘ.
Bây giờ, để thẩm định giá trị của tri kiến thanh tịnh nầy đối với 4 loại trí của nó, có những vấn đề cần trình bày sau đây: (1) Sự viên mãn các bồ đề phần; (2) sự xuất khởi; (3) sự song hành các lực; (4) các pháp cần từ bỏ; (5) hành vi từ bỏ chúng; (6) các nhiệm vụ liễu tri; (7) các chức năng riêng biệt.
(1) Sự viên mãn các bồ đề phần: ở đây, các bồ đề phần gồm có 37 pháp, đó là: 4 niệm xứ; 4 chánh cần; 4 thần túc; 5 căn; 5 lực; 7 giác chi; và 8 Thánh đạo. Những pháp nầy trợ giúp hay dự phần vào sự giác ngộ, nên gọi là Bồ đề phần.
Trước hết, đề cập đến 4 niệm xứ hay 4 Niệm trú: Trú (patthàna) tức là an trú, bằng cách thâm nhập vào những đối tượng nầy hay đối tượng khác. Sự an trú chính là niệm, nên gọi là niệm trú hay niệm xứ. Nó gồm có 4 phương thức quán niệm là: quán thân bất tịnh quán thọ là khổ, quán tâm vô thường và quán pháp vô ngã.
Hành giả dùng nó làm động cơ để nỗ lực một cách chánh đáng, nên gọi là Chánh cần, chánh cần cũng tức là nghị lực. Nó hoàn tất 4 nhiệm vụ: Trừ khử những bất thiện pháp đã sinh; ngăn ngừa sự sinh khởi của những pháp bất thiện; làm phát khởi những thiện pháp chưa sinh và duy trì các thiện pháp đã sinh.
Bốn thần túc hay bốn như ý túc được kể là: Dục như ý túc; tinh tấn như ý túc; nhất tâm (hay niệm) như ý túc, và trạch pháp như ý túc. Những yếu tố này là tiền đạo trợ giúp hành giả đạt đến thắng trí, là căn bản của sự thành tựu.
Năm căn: Căn là nói theo nghĩa tăng thịnh, hay thắng lướt các pháp cấu uế như bất tín, giải đãi, thất niệm, tán loạn và bất chánh tri. Nó gồm có 5 thứ là: tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn và tuệ căn.
Năm lực Tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, và tuệ lực. Căn là nói theo nghĩa làm cơ sở và lực là nói theo nghĩa tác dụng. Nghĩa là nhờ các căn đó làm chỗ nương tựa mà phát huy được những hiệu quả hữu ích.
Bảy giác chi: Niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỉ, khinh an, định và hành xả. Chúng được gọi là Giác chi vì chúng là những yếu tố giúp cho hành giả tiến đến giác ngộ, nên gọi là giác chi.
Tám thánh đạo hay Chánh đạo: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định. Chúng mang ý nghĩa: một ngõ ra hay một lối thoát.
Như vậy, các pháp dự phần vào sự giác ngộ được kể là 37 pháp, và chúng được xếp theo phương diện Thần túc, Tín, Ðịnh, Tuệ, Niệm và Tinh tấn như sau: Về Thần túc gồm có 9: Dục, nhất tâm, hỉ, khinh an, xả, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng. Về Tín gồm có 2 thứ: căn và lực. Về Ðịnh gồm 4 thứ: Căn, lực, giác chi, và đạo chi. Về Tuệ gồm 5 thứ: tức là 4 thứ trên kèm thêm như ý túc. Về Niệm gồm 8 thứ: tức 4 niệm xứ, một căn, một lực, một giác chi và một đạo chi. Về Tinh tấn gồm 9 thứ: tức 4 chánh cần, một như ý túc, một căn, một lực, một giác chi và đạo chi.
(2) Sự xuất khởi: Ngoi lên khỏi tướng, từ bỏ tướng của các hành, làm cho Niết bàn hiện hữu. Hay, sau khi rời khỏi sinh, nó đi vào vô sinh, nên gọi là xuất khởi hay chuyển tánh.
(3) Sự song hành các lực: Vào sát na thâm nhập thánh đạo, định tuệ song hành, không cái nào thắng lướt cái nào, tức là ở giai đoạn nầy, chỉ và quán hợp nhất tạo cái thế quân bình.
(4) Các pháp cần từ bỏ: Kiết sử, phiền não, tà kiến, thế gian pháp, tham, điên đảo, trói buộc, tà hạnh, lậu hoặc, bộc lưu, hệ phược, triền cái, tà giải, chấp thủ, tùy miên, cấu uế, bất thiện nghiệp, tác ý bất thiện.
Kiết sử: Gọi là Kiết sử, vì chúng trói buộc các uẩn trong đời nầy với các uẩn đời kế tiếp, hay trói buộc nghiệp với quả, hoặc trói buộc hữu tình vào đau khổ, nên gọi là kiết sử. Kiết sử gồm có 2 loại là 5 thượng phần kiết sử: sắc tham, vô sắc tham, mạn, trạo cử và vô minh; và 5 hạ phần kiết sử: Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham (tham thuộc dục giới) và sân.
Phiền não: vì bản thân chúng là ô nhiễm mà còn làm ô nhiễm các pháp tương ưng với chúng nên gọi là phiền não. Loại này gồm 10 thứ: Tham, sân, si, mạn, tà kiến, nghi, hôn trầm, trạo cử, vô tàm, vô quí.
Tà kiến: Thấy biết một cách sai lầm, nên gọi là tà kiến, gồm có 8 thứ: tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm và tà định; hoặc là 10 thứ, nếu thêm tà trí và tà giải thoát. Chẳng hạn cho rằng giải thoát là đi đến chỗ tận cùng của thế giới, đó gọi là tà giải thoát.
Thế gian pháp: 8 thứ: được, thua, vinh, nhục, vui, khổ, khen, chê, gọi là pháp thế gian, vì chúng cứ theo nhau tiếp diễn khi thế giới còn tồn tại.
Tham: Không chịu san sẻ quyền bính, lợi lộc v.v.. với kẻ khác, gọi là tham. Loại này được kể thành 5 thứ: chỗ ở, quyến thuộc, lợi lộc, pháp và tiếng khen.
Ðiên đảo: Vô thường cho là thường, khổ cho là vui, vô ngã cho là ngã, bất tịnh cho là tịnh, như vậy là điên đảo, gồm có 3 thứ: Tưởng điên đảo, tâm điên đảo và kiến điên đảo.
Trói buộc: Vì chúng buộc tâm lý vào với cái thân vật lý, nên gọi là trói buộc, gồm có 4 thứ: Tham, sân, giới cấm thủ và tà giải.
Tà hạnh: Làm những điều lẽ ra không nên làm, và không làm những điều lẽ ra phải làm nên gọi là tà hạnh, gồm có 4: tham, sân, si và sợ hãi.
Lậu hoặc: Vì những cấu uế nầy sinh khởi từ các căn môn không được phòng hộ, như nước từ bình rỉ ra, nên gọi là lậu hoặc, gồm có 4 thứ: Dục tham, hữu tham, tà kiến và vô minh.
Bộc lưu: Nghĩa là cuốn trôi, lùa vào biển sinh tử, và khó vượt qua, nên gọi là là bộc lưu.
Hệ phược: Vì chúng không cho phép gỡ ra khỏi một đối tượng, hay nỗi đau khổ, nên gọi là hệ phược. Bộc lưu và hệ phược đều cùng nghĩa với lậu hoặc.
Triền cái: Chúng làm chướng ngại và che mờ tâm thức đối với thực tại, nên gọi là triền cái, gồm có 5 thứ: Tham, sân, hôn trầm, trạo cử và nghi.
Tà giải: Vì nó thấy một tự tính không thực, trái ngược với tự tính đích thực của các pháp, nên gọi là tà giải. Nó cùng nghĩa với tà kiến.
Chấp thủ: Dục thủ v.v… đã nói đầy đủ trong phần mô tả về duyên khởi, chương XVII
Tùy miên: Chúng tiềm ẩn một cách ngấm ngầm, nên gọi là tùy miên, gồm có 7 thứ: Dục tham, sân, mạn, tà kiến, nghi, hữu tham, và vô minh.
Cấu uế: Vì bản thân chúng đã dơ bẩn mà còn làm dơ bẩn những thứ khác, nên gọi là cấu uế, gồm có 3 thứ: Tham, sân và si.
Bất thiện nghiệp: Vì bản thân chúng là những việc làm bất thiện, mà chúng còn tạo điều kiện để dẫn đến ác thú, nên gọi là bất thiện nghiệp, gồm có 10 thứ: Sát sinh, trộm cắp, tà dâm, ác khẩu, lưỡng thiệt, vọng ngôn, ỷ ngữ, tham, sân và tà kiến.
Tác ý bất thiện: Gồm có 12 thứ, 8 tâm gốc ở tham, 2 ở sân và 2 ở si, đã nói ở chương XIV.
(5) Hành vi từ bỏ: Khi thấy sự nguy hiểm của cấu uế, hành giả tìm cách đoạn trừ tình trạng tập khởi của chúng, tình trạng ấy là cái nhân của khổ. Khi cái nhân đã chấm dứt thì quả – tức là nỗi khổ – sẽ chấm dứt. Ðó là phương thức từ bỏ hay đoạn trừ nguyên nhân của khổ đau.
(6) Các nhiệm vụ liễu tri: Thấu triệt, đoạn trừ, chứng ngộ và tu tập. Cổ đức nêu ví dụ: “Cũng như ngọn đèn làm 4 nhiệm vụ cùng lúc, là: Ðốt cháy tim, xua tan bóng tối, làm xuất hiện ánh sáng, và tiêu thụ dầu”. Cũng vậy, đạo trí thể nhập 4 chân lý đồng thời trong một sát na duy nhất bằng cách: Thâm nhập khổ đế bằng thấu triệt, thâm nhập nguồn gốc của khổ bằng cách đoạn trừ, thâm nhập đạo bằng sự tu tập và thâm nhập diệt bằng chứng ngộ. Tóm lại, đạo trí thấu triệt khổ, ví như ngọn đèn đốt cháy tim. Ðạo trí đoạn trừ nguồn gốc của khổ, ví như ánh đèn xua tan bóng tối. Ðạo trí tu tập đạo lộ ví như cây đèn làm ánh sáng xuất hiện. Ðạo trí chứng diệt ví như ngọn đèn tiêu thụ dầu cho đến hết.
Hành giả quán sát, thấy rõ nghĩa chân thực của bốn chân lý qua 16 khía cạnh, tức mỗi đế gồm bốn thứ. Khổ đế có 4 nghĩa: bức bách, hữu vi, đốt cháy và biến đổi. Tập đế có 4 nghĩa: tích lũy, nguồn gốc, trói buộc và chướng ngại. Diệt đế có 4 nghĩa: vượt thoát, viễn ly, vô vi và bất tử. Ðạo đế có 4 nghĩa: lối ra, nguyên nhân, thấy và siêu việt.
(7) Các chức năng riêng biệt: Bản luận nêu ra 18 pháp quán dùng để đối trị trong khi tu tập như sau: 1. Quán vô thường để đoạn trừ thường tưởng. 2. Quán khổ để đoạn trừ lạc tưởng. 3. Quán vô ngã để đoạn trừ ngã tưởng. 4. Quán ly dục để đoạn trừ dục tưởng. 5. Quán ly tham để đoạn trừ tham trước. 6. Quán diệt để đoạn trừ sinh. 7. Quán từ bỏ để đoạn trừ chấp thủ. 8. Quán tan hoại để đoạn trừ cái tưởng nguyên vẹn 9. Quán tiêu vong để đoạn trừ tích lũy. 10. Quán biến đổi để đoạn trừ cái tưởng bền chắc. 11. Quán vô tướng để đoạn trừ các tướng. 12. Quán vô dục để trừ dục vọng. 13. Quán không để đoạn trừ tà giải. 14. Quán tăng thượng tuệ để đoạn trừ tà giải do chấp thủ. 15. Quán chánh kiến để đoạn trừ tà giải do mê mờ. 16. Quán các hành là nguy hiểm để đoạn trừ tà giải do bám víu. 17. Quán tư duy để đoạn trừ phi tư duy. 18. Quán xả ly để đoạn trừ tà giải do trói buộc.
Chương XXII này nói về Tri kiến thanh tịnh, đến đây đã trình bày xong.
-ooOoo-
CHƯƠNG XXIII – NHỮNG LỢI ÍCH CỦA SỰ TU TUỆ
(Pannàbhàvanànisamsa-Niddesa)
Tu tập về Tuệ sẽ đạt được nhiều lợi ích, nhưng tóm tắt có mấy điểm sau: (1) Tẩy trừ các phiền não; (2) Nếm vị ngọt của thánh quả; (3) Có khả năng chứng đắc Diệt tận định; (4) Xứng đáng được cúng dường.
(1) Tẩy trừ phiền não: Một trong những lợi ích của tu tập tuệ thuộc thế gian là tẩy trừ các phiền não, mà khởi đầu là thân kiến, như bài kệ sau đây mô tả:
“Như sét đánh tan tảng đá
Như gió tạt lửa cháy rừng
Như mặt trời xua bóng tối
Cũng vậy, tuệ được tu tập
Sẽ đoạn tận rừng phiền não
Là nguồn gốc mọi khổ sầu”.
(2) Nếm vị ngọt của thánh quả: Tuệ được tu tập còn có lợi ích là hưởng được vị ngọt của thánh quả. Vị ngọt nầy được nếm khi tuệ sinh khởi trong lộ trình đạo tâm và quả tâm. Quả nầy vượt ra ngoài tầm của phàm phu, chỉ có bậc thánh mới chứng đắc. Mỗi vị thánh đều có quả riêng tùy theo công hạnh của mình. Cũng như vị vua thưởng thức sự hoan lạc của bậc đế vương, chư thiên thưởng thức thiên lạc, còn các bậc thánh thì thưởng thức thánh lạc siêu thế. Thánh lạc nầy đạt được bằng cách: Không tác ý một đối tượng nào ngoài Niết bàn mà chỉ tác ý đến Niết bàn. Một bài kệ mô tả:
“Người trí tu tập tuệ
Sẽ nếm được thánh lạc
Niềm phước lạc vô song
Do thánh quả đem lại.”
(3) Có thể chứng đắc Diệt tận định: Lợi ích của sự tu tập tuệ không những hưởng được hương vị của thánh quả, mà còn có thể chứng diệt thọ tưởng định.
Có mấy vấn đề cần giải thích sau đây: a. Chứng diệt là gì? b. Ai chứng? c. Ai không chứng?. d. Ở đâu có thể chứng diệt? đ. Tại sao chứng? e. Sự chứng đắc phát sanh như thế nào? g. Làm thế nào để kéo dài nó? h. Sự xuất định xảy ra như thế nào? i. Tâm của người xuất diệt định hướng về cái gì? k. Người chứng Diệt định và người chết khác nhau thế nào? l. Diệt định là hữu vi hay vô vi?
- Chứng diệt là gì?Là sự chấm dứt, không sinh khởi nữa của tâm và tâm sở.
- Ai chứng Diệt định?Những bậc Bất hoàn và những vị đã đoạn tận các lậu hoặc.
- Ai không chứng? Những kẻ phàm phu không thể chứng được.
- Ở đâu có thể chứng Diệt? Ở hữu 5 uẩn có thể chứng Diệt, vì cần có sự chứng đắc liên tục các thiền chứng.
đ. Tại sao chứng? Tại vì thấm mệt với sự sinh và diệt của các hành, nên những vị ấy đạt đến Diệt định.
- Sự chứng đắc xảy ra như thế nào? Hành giả nỗ lực tinh cần cả 2 phương diện chỉ và quán, tức định và tuệ, sẽ làm cho chấm dứt tâm Phi tưởng phi phi tưởng xứ, và đắc Diệt định.
Một hành giả khi đã đắc Diệt định, nếu khởi tâm như sau: “Trong phạm vi 7 ngày hãy để cho những vật kia không bị lửa cháy, nước trôi v.v…” thì trong vòng 7 ngày, những vật ấy hoàn toàn không bị phương hại tí nào. Hoặc vị ấy muốn nhập định trong một thời gian nào đó, rồi sẽ xuất định, thì sau khi đã quyết định và ngồi kiết già nhập định, vị ấy sẽ xuất định đúng thời gian mình đã dự kiến.
- Làm thế nào để kéo dài Diệt định?– Hành giả muốn kéo dài thời gian bao lâu thì phải lấy quyết định trước khi thiền tọa.
- Sự xuất định xảy ra như thế nào? Sự xuất định xảy ra theo 2 cách: nhờ chứng quả Bất hoàn trong trường hợp một vị Bất hoàn; hoặc nhờ chứng quả A la hán, trong trường hợp vị A la hán.
- Tâm của người xuất Diệt định hướng về cái gì? Tâm của vị nầy hướng về Niết bàn.
- Người chứng Diệt định và người chết khác nhau thế nào? – “Khi một tỳ kheo chết thì thân hành hoàn toàn chấm dứt, tịnh chỉ; ngữ hành và ý hành cũng thế, mạng sống kết thúc, các căn hư hoại. Trái lại, khi một tỳ kheo nhập diệt định, dù thân hành, ngữ hành và ý hành hoàn toàn chấm dứt, tịnh chỉ, nhưng thọ mạng chưa tận, hơi thở chưa dứt và các căn còn nguyên vẹn.” (M. I, 296). Một đoạn kinh khác trình bày thêm: Nơi một người đắc nhị thiền, ngữ hành là tầm và tứ được hoàn toàn tịnh chỉ. Nơi một người đắc tứ thiền, thân hành là hơi thở vô hơi thở ra được hoàn toàn tịnh chỉ. Nơi một vị đắc Diệt thọ tưởng, ý hành là thọ (cảm giác) và tưởng (tri giác) được làm cho hoàn toàn tịnh chỉ.
- Diệt định là hữu vi hay vô vi?Không thể xếp loại nó là hữu vi hay vô vi, thế gian hay xuất thế gian, vì nó không có tự tánh.
(4) Xứng đáng được cúng dường: Lợi ích của sự tu tập tuệ không những có khả năng chứng Diệt tận định mà còn là ruộng phước của thế gian, xứng đáng được nhân loại và chư thiên cúng dường.
Ở đây, cần nói thêm về tình trạng của 4 đạo quả. Khi hành giả đạt được đạo lộ thứ nhất, tức Tu đà hoàn thì chỉ còn tái sinh tối đa 7 lần nữa trong thế gian mà thôi. Nhưng nếu vị ấy có nhiều thiện duyên, được sinh vào một gia đình thánh thiện, thì có thể tái sinh 3 hay 2 lần nữa. Hoặc vị ấy có tuệ sắc bén, cũng có thể tái sinh một lần nữa trong nhân gian, rồi chấm dứt khổ đau.
Trường hợp đạo lộ thứ hai, tức bậc Nhất lai thì chỉ trở lại thế gian này một lần nữa và chấm dứt khổ đau.
Trường hợp đạo lộ thứ ba, tức Bất hoàn, nghĩa là vị này không còn trở lại thế gian nữa. Nhưng vị này sau khi sinh lên cõi Tịnh cư thiên, có 5 trường hợp xảy ra: (1) Nhập Niết bàn ngay khi vừa mới sinh lên; (2) Nhập Niết bàn khi đã trải qua nửa cuộc đời; (3) Nhờ có thiện hữu tri thức nhắc nhở mới nhập Niết bàn; (4) Hoặc nhập Niết bàn không cần ai nhắc nhở; (5) Hoặc tuần tự đi đến cõi thứ 5 cuối cùng của Tịnh cư thiên, rồi đạt Niết bàn tại đây.
Trường hợp tu tập đạo lộ thứ tư, tức bậc A la hán: Vị này trở thành một bậc Tín giải thoát, Tuệ giải thoát, Câu phần giải thoát, đạt được ba minh, sáu thông, đoạn tận lậu hoặc, đắc vô ngại giải, xứng đáng hưởng sự cúng dường của trời và người.
Chương XXIII này mô tả về lợi ích của tuệ, đến đây là kết thúc.
-ooOoo-
TỔNG LUẬN
Bộ Thanh Tịnh Ðạo Luận gồm 3 quyển, do vị cao tăng Phật Âm (Buddhaghosa) người Ấn Ðộ trước tác khoảng giữa thế kỷ thứ 5, và được đưa vào Ðại tạng kinh thuộc Nam truyền, quyển 62-64. Ðây là một bộ luận trọng yếu thuộc Nam phương Thượng Toạ bộ. Gần đây, nó được Thủy Dã Hoằng Nguyên người Nhật bản dịch ra Nhật văn (1937- 1940), Diệp Quân (Liễu Tham) dịch ra Hán văn và xuất bản năm 1987. Ðồng thời, Trưởng lão Nànamoli cũng đã dịch ra Anh văn và xuất bản tại Colombo Ceylon, năm 1956.
Trọn bộ luận gồm 23 chương, nhằm giải thích giáo nghĩa của Thượng Toạ bộ phái, thứ tự tổ chức và nội dung tương tự như Giải thoát Ðạo luận (do Upatissa soạn khoảng thế kỷ thứ III), nhưng bên trong có xen những lời luận biện về kiến giải của sách ấy. Bản luận trình bày theo thứ tự Giới, Ðịnh và Tuệ. Chương 1 và 2 luận về Giới. Từ chương 3 đến 13 luận về Ðịnh, trình bày khúc chiết các phương pháp tu tập một cách có hệ thống. Chương 14 đến 23 luận về Tuệ. Trong đây, từ chương 14 đến 17 chủ yếu mô tả về 5 uẩn, Tứ đế, Bát chánh đạo, và 12 nhân duyên. Ngoài ra, còn bàn tổng quát về 3 tướng vô thường, khổ, và vô ngã. Các chương còn lại luận về các tuệ quán thanh tịnh một cách rất tinh mật. Trước và sau sách, có bài tự thuật về nhân duyên tạo luận và dùng 3 vô lậu học Giới Ðịnh Tuệ như con đường đạt đến Niết bàn làm lời kết luận.
Quyển sách này là một luận thư có quyền uy tối cao đối với phật giáo Nam truyền. Nội dung của nó ví như một bộ bách khoa toàn thư, có thể so sánh ngang với bộ Ðại Tỳ Bà Sa luận của Thượng Toạ Hữu bộ. Nhà Phật học Ái Ðức Hoa nhận xét: “Thanh Tịnh Ðạo luận là một tác phẩm kinh điển vĩ đại nhất về phương diện tâm linh của nhân loại. Tính chất trọng yếu của nó có thể xem như một mô hình văn học tiêu biểu để cho các nhà học giả quốc tế dùng làm cơ sở.”
Tóm lại, bộ luận này dùng ba vô lậu học làm nhân tố để tu tập quán chiếu về tính chất vô thường, khổ, vô ngã của vạn pháp, hầu đạt đến kiến thanh tịnh và tâm thanh tịnh, tức Niết bàn tịch diệt.
-ooOoo-
KINH SÁCH THAM KHẢO
- The Path of Purification, Bhikkhu Nànamoli dịch, xb. tại Colombo Ceylon, 1956.
2. Thanh Tịnh Ðạo Luận, Diệp Quân dịch, Hoa Vũ xb. 1987.
3. Thanh Tịnh Ðạo, Thích Nữ Trí Hải dịch từ Anh sang Việt, xb. tại Hoa kỳ 1991.
4. Kinh Trường Bộ.
5. Kinh Trung Bộ.
6. Kinh Tăng Chi Bộ.
7. Kinh Tương ưng Bộ.
8. Kinh Trường A Hàm.
9. Kinh Trung A Hàm.
10. Kinh Tăng Nhất A Hàm.
11. Kinh Tạp A Hàm.
12. Kinh Pháp Cú.
13. Nguyên Thuỷ Phật giáo Tư tưởng luận, Thích Quảng Ðộ dịch, Tu thư Vạn Hạnh xb. 1971.
14. Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận (nt) 1969.
15. Ðại thừa Phật giáo tư tưởng luận (nt).
16. Ðức Phật và Phật Pháp, nguyên tác bằng Anh văn của Nàrada Thera, Phạm Kim Khánh dịch ra Việt văn, S. 1970.
17. Thành Duy Thức luận, ÐTK. 31.
18. Phật Quang Ðại Từ Ðiển, Phật Quang Sơn xb. 1989.
19. Tây Dương Phật giáo học giả truyện, William Peiris soạn bằng Anh văn, Mai Nãi Văn dịch ra Hán văn, Hoa Vũ xb. 1986.
-ooOoo-
Vô minh, Ái, Thủ tam phiền não
Hành, Hữu nhị chi thuộc nghiệp đạo
Tự Thức chí Thọ tinh Sinh tử
Nhất thiết đồng danh vi Khổ đạo.
Vô minh, Ái, Thủ ba phiền não
Hành, Hữu hai chi thuộc nghiệp đạo
Từ Thức đến Thọ cùng Sinh tử
Tất cả đều tên là Khổ đạo.