Đề Cương Kinh Pháp Hoa

Đề Cương Kinh Pháp Hoa

Trương Văn Chiến 19

Kinh Pháp Hoa là một bộ kinh trọng yếu. Theo chương trình tu học của thiền viện, sau khi các thiền sinh đã học qua những bản kinh căn bản, thì học tới kinh Pháp Hoa. Đáng lẽ chúng ta học nguyên bản kinh Pháp Hoa, nhưng bộ này đã được Hòa thượng Ân sư giảng giải rồi. Để chư huynh đệ nắm được cương lĩnh toàn bộ kinh, chúng ta học thêm Đề cương kinh Pháp Hoa là học phần cương yếu, Thượng nhân Minh Chánh nêu lên cốt lõi của kinh qua cái nhìn của thiền sư Việt Nam, giúp chúng ta thấy rõ chỉ thú của thiền thông rất sâu sát với lời Phật dạy.

Kinh này qua các thời được rất nhiều vị tôn túc nghiên cứu, dịch thuật, giảng giải, chú sớ. Về phương diện thọ trì, Phật tử Việt Nam đa số đều thọ trì kinh này. Cho tới bây giờ, bản dịch kinh Pháp Hoa của Hòa thượng Chủ tịch Phật giáo Việt Nam đã in ra rất nhiều lần, được lưu hành rộng rãi trong các giới học Phật Việt Nam. Cho nên nói đến kinh Pháp Hoa thì hàng Phật tử không ai không biết.

Quyển Pháp Hoa Đề Cương do thiền sư Minh Chánh soạn. Sư là người Việt Nam sống vào thời Nguyễn, tu theo tông Tào Động đàng ngoài, một trong những tông phái Thiền từ Trung Hoa truyền sang nước ta. Đề cương này ra đời khoảng năm 1819, được đưa vào Phật Điển Tùng San, là một trong mười tác phẩm của bộ sách quý ấy, do Hội Phật giáo Bắc kỳ chủ trương biên tập, khắc bản.

Từ thời chấn hưng Phật giáo, ba miền Bắc Trung Nam của nước ta, mỗi nơi đều có Hội Phật giáo. Hội Phật giáo này gồm hai giới xuất gia và tại gia. Người xuất gia nằm trong “Giáo hội Tăng-già”, người tại gia nằm trong “Hội Cư sĩ Phật học”. Ở Bắc kỳ có Giáo hội Phật giáo Bắc kỳ và Hội Cư sĩ học Phật Bắc kỳ. Ở Trung Việt có Giáo hội Phật giáo Trung Việt và Hội cư sĩ học Phật Trung Việt. Ở Nam Việt có Giáo hội Phật giáo Nam Việt hay Giáo hội Tăng-già Nam Việt và Hội Phật học Nam Việt. Hai giới tăng tục, đệ tử của Phật cùng tu học và xương minh giáo pháp của Như Lai.

Năm xưa ở Thiền viện Chân Không, Hòa thượng dạy kinh Pháp Hoa, ngài có bộ Phật Điển Tùng San. Nhân tìm hiểu lịch sử cũng như tất cả những bản sớ giải kinh Pháp Hoa của Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng đưa bản Pháp Hoa Đề Cương này ra, dạy chúng tôi phiên dịch, sau đó ngài hiệu đính rồi cho in năm 1972. Đây là một quyển sách dễ đọc và học, vì vậy thay vì học nguyên bản kinh Pháp Hoa, tôi giảng giải quyển Pháp Hoa Đề Cương này cho chư huynh đệ. Vị nào muốn tìm hiểu nguyên bản thì tham khảo nơi bản giảng giải kinh Pháp Hoa của Hòa thượng Viện Trưởng. Như vậy là chúng ta có đầy đủ tài liệu về kinh Pháp Hoa để nghiên cứu, nắm được tôn chỉ ý thú của kinh. Từ đó chúng ta có thể nhận ra tri kiến Phật nơi chính mình. Đó là mục tiêu mà đức Phật ra đời muốn chỉ dạy cho tất cả chúng ta. Đồng thời cũng là chủ ý của chúng tôi muốn cùng chư huynh đệ học lại diệu nghĩa kinh Pháp Hoa, ngõ hầu tiến sâu trong công phu tu tập, thực hiện hoài bão tha thiết nhất của một người tu, đó là giác ngộ giải thoát thành Phật.

Trong nguyên bản Đề Cương này, có nhiều phẩm tác giả chỉ nói tóm lược, mà không nêu rõ tên mỗi phẩm. Vì muốn tiện lợi cho việc tham khảo của quý độc giả, dịch giả tự ý ghi thêm tên mỗi phẩm, theo thứ tự của mục lục toàn kinh. Ngoài ra, khi gặp những danh từ chuyên môn, dịch giả chú thích ra. Trong nguyên bản có những khoảng thượng nhân Minh Chánh xưng tán danh hiệu Phật như Nam mô Quá Khứ Đa Bảo Như Lai hoặc Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật v.v… Khi bản dịch đang trôi chảy mà xen danh hiệu Phật vô như thế, chúng tôi thấy không suông, lại làm loảng mất ý chính của kinh, nên chúng tôi xin lược bớt. Như vậy, trình tự và ý thú của toàn kinh được liên tục, và quý vị theo dõi dễ dàng. Sau cùng, dịch giả dẫn thêm mục lục toàn kinh theo bản dịch của Hòa thượng Trí Tịnh, tức Hòa thượng Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay.

Trước khi đi vào nội dung bản kinh, tôi có viết hai dòng:

Cung kính dâng lên Thầy,

Người chỉ con lối sống.          

Và một bài thơ chữ Hán, sau này được dịch ra Việt ngữ, nói lên lòng quy ngưỡng cảm trọng ân sâu của tôi dâng lên Hòa thượng Tôn sư.

Ba mươi năm trôi giạt.

Chả biết ta là gì!

Quày đầu trông lối cũ,

A đấy, chính ta đi!

Năm tôi lên Chân Không khoảng 28, 29 tuổi, dịch kinh này vào năm 30 tuổi. Trước khi lên Chân Không, tôi là một học tăng đang theo học ở Đại học Vạn Hạnh, cũng giong ruổi ngược xuôi như tất cả anh em trang lứa, nhất là giới sinh viên học Phật thời ấy. Cùng học với chúng tôi không chỉ có sinh viên Tăng Ni trẻ, mà nhiều vị Bác sĩ, Dược sĩ, Giáo sư v.v… thành phần trí thức lớn tuổi cũng có. Vì hâm mộ Phật pháp nên họ ghi danh học Phật khoa, thành ra giờ này có đông đảo giới trí thức tham dự. Giới học Phật bấy giờ rất vui vẻ, lý thú, sinh động. Những năm ở Đại học Vạn Hạnh, sinh viên chúng tôi chạy ngược chạy xuôi, toan tính chuyện nọ chuyện kia, đủ thứ chuyện trên đời! Nhưng cuối cùng tôi thấy vào núi đóng cửa tu hành là an toàn nhất.

Ngày xưa ở Chân Không, cửa viện khoá lại, ai đến phải giật dây chuông. Thành ra mỗi khi có Phật tử hoặc thân nhân chư tăng muốn lên thăm rất khó. Giật chuông xong, thầy Tri khách ra hỏi thấy lý do chánh đáng mới mở cửa. Khách được mời vào phòng khách, chờ quý thầy gọi thiền sinh được thăm xuống. Nếu thăm vào lúc không phải giờ học, giờ tọa thiền thì được trò chuyện 15 phút, nếu nhằm giờ học hoặc tọa thiền thì khỏi thăm luôn. Trong lúc nói chuyện, thầy Tri khách đem cái đồng hồ đến để trước mặt và ngồi lại đó, hết giờ thầy sẽ nhắc cho khách biết mà rút lui! Trong núi không lưu khách ở lại đêm.

Hòa thượng dạy, ở trước nhà khách có con đường dẫn lên đồi Tự Tại, tất cả các thiền sinh khi từ giã thân nhân, bước lên đồi Tự Tại chỉ ngó thẳng tới mà đi, không được quyền ngó lại. Một điều bình thường như vậy nhưng rất khó làm. Anh em nào đã quen rộn ràng ngược xuôi ở phố thị, lên núi chôn mình trong hoàn cảnh ấy, có khi bị bức xúc tu không tiến được. Nhưng ai đã quyết tâm, bước được những bước vững vàng thì sau đó thấy nhẹ nhàng. Mọi thứ ở trần gian đều xếp lại, gửi cho bà con bên dưới hết, trên núi sống như tiên. Tuy nhiên lúc đầu khó lắm.

Tôi là một trong nhóm mười thiền sinh đầu tiên của Chân Không, cũng là người ba năm đầu không xuống núi. Những người quen đi thăm, tôi tiếp một chút thôi, vì ngại mình yếu lòng. Ở trên núi trên non, nhờ sự hộ trì của Tam bảo, sự sắp đặt của Hòa thượng an toàn, nên ba năm đó tôi thấy rất an ổn. Được gì thì không biết, nhưng quả thực tôi đã cảm khái những vần thơ trên bằng tấm lòng chân thật của mình.

Ba mươi năm trôi giạt, chả biết ta là gì! Từ khi mình lớn lên, sinh hoạt, học hành… tất cả các thứ, cho tới ngày bước vô thiền viện, tôi không biết mình là gì! Bây giờ nhờ duyên thầy bạn chỉ vẽ, tôi nhận ra mình có cái chân thật. Từ lâu chúng ta chỉ sống theo bóng dáng hư giả mà thôi, ngược xuôi theo những âm vang bên ngoài, chưa có phút giây nào dừng lại để đối diện với chính mình. Các huynh đệ có nhập thất thì biết, bên ngoài sống với huynh đệ quen rồi, vô thất sống một mình năm ba ngày thôi là thấy đối diện với một cái gì thênh thang, thấy mình hụt hẫng rõ ràng. Những lúc như vậy mà hốt hoảng thì dễ điên lắm. Do đó hầu hết các bậc thiện hữu tri thức có kinh nghiệm bản thân đều dạy chúng ta phải bình tĩnh, gan dạ.

Ngày xưa chúng ta sống liều mạng với tất cả những thứ nguy hiểm, đồ giả mà dám ôm, dám giữ, dám đam mê, chấp nhận lao theo. Bây giờ các ngài chỉ cho mình cái thật. Lúc đầu chúng ta ngỡ ngàng, song nếu ai gan dạ dám bỏ cái giả để sống với cái thật thì an ổn vô cùng. Tu từng bước, tiến lên dần. Có khi mình cảm thấy cũng chơi vơi, khó khăn, bức xúc… đủ thứ chuyện vì chúng ta quen với sự ồn náo. Đừng nản. Cứ cố gắng sẽ có ngày thành công.

Thế gian này là đồ giả mà hấp lực của nó rất lớn. Nếu trí lực tỉnh giác của mình chưa mạnh thì cái giả bên ngoài kéo lôi. Người thầy chỉ cho mình nhận biết được đó là giả, công ơn ấy to lớn sâu dày vô cùng. Bởi một khi ta biết đồ giả, nhận được cái thật là dừng chân liền. Không có các bậc thầy thì không ai chỉ mình dừng chân, bôn ba đời này kiếp nọ trầm luân sinh tử, bị cái giả lôi kéo. Bây giờ nhờ thiện tri thức chỉ cho biết cái thật, ta dừng chân được, ân ấy xứng gọi là ân cứu tử. Vì vậy, dưới bài thơ, tôi viết hai chữ Khể thủ (稽 首)  tức là cúi đầu. Chúng ta xin cúi đầu ghi nhận thâm ân của thầy tổ, nỗ lực tu hành như những gì Phật dạy để đền tạ thâm ơn này. Mong các huynh đệ cũng như vậy.