Tế Điên Hòa Thượng

Tế Điên Hòa Thượng

Nhâm 19

Hồi 4

Vì Nghĩa Cả Cứu Người Hoạn Nạn
Bởi Lòng Nhân Chữa Bệnh Trầm Kha

Ra khỏi cửa chùa, Tế Điên rảo bước tới khu rừng rậm chợt thấy một người

đang vòng dây những toan treo cổ. Tế Điên thấy vậy lại càng cười vang,
mười phần thích thú. Người đứng thắt vòng dây rắp toan đút đầu vào
vòng mà kết liễu cuộc đời bỗng nghe cười rộ giựt mình ngừng tay, trông
ra thấy vị sư tăng hình thù quái gỡ, cười nói huyên thuyên liền bước tới hỏi:
– Ngài ở đâu mà tới chốn này? Sao lại cười như thế?
Tế Điên đáp:
– Ta vốn ở trong chùa này, thầy ta giao cho năm lượng bạc sai đi mua đồ áo
mũ trong chùa. Nào hay đường này dắt ta qua một quán rượu, mùi rượu thơm
nồng ác nghiệt cứ xông vào mũi. Ta chẳng thể cầm lòng đành vào quán uống
chơi vài chén. Kịp lúc ra đi, tưởng tới việc Thầy ta sai mua áo mũ, nhưng tìm
kiếm khắp nơi không đâu có bán mà ta trót sài hết phân nửa số bạc rồi. Tính ta
vốn không ưa giữ tiền bạc, thấy bạc mua chẳng đủ số, trước sau gì cũng đã lỡ rồi
nên trở lại quán mà uống rượu. Bây giờ ta muốn về chùa mà e Lão Hòa Thượng
sẽ không dung. Ta đương lo nghĩ cuống cuồng không đường cầu sống nên đành
cười rộ cho qua nỗi lo buồn. Như nếu nhà ngươi có tiền giúp được ta chăng?
– Sư phụ nếu có được 5 lạng bạc thì về chùa vui vẻ ư?
– Đúng vậy
– Trong túi của tôi nay chỉ còn có 6 lạng bạc, nhưng tôi là người chẳng
muốn sống, tiền bạc dẫu cất cũng chẳng dùng chi được, thôi xin cúng dâng sư
phụ để cứu ông một phen.
Nói xong liền móc bạc trao cho Tế Điên, Tế Điên cầm bạc nơi tay, xem
qua rồi chê rằng:
– Bạc của ngươi xấu lắm, không tốt bằng bạc của ta
Người lạ nghe nói torng lòng buồn bực nghĩ thầm: “Đã cấp tiền cho còn chê
tốt xấu” rồi bạch:
– Sư phụ cứ lấy tiêu thử xem coi có được không?
– Ừ, để ta tiêu tạm vậy.
Nói rồi quay mặt chạy đi. Người lạ đứng ngẫm nghĩ:
– Con người này thật chẳng hiểu đạo lý gì hết. Như vậy thì tu hành làm sao
nổi? Mình đã thương hại cấp tiền còn chê ỉ chê eo, lại không thốt lấy một lời
cảm tạ.
Chợt Tế Điên chạy trở lại và hỏi:
– Này này, ông lão kia ơi, ông muốn tự vẫn hay sao?
Người lạ đáp:
– Chính phải đó – rồi giọng như mỉa mai – Cõi trần này nhiều người xấu
quá phải không bạch sư phụ?
– Chẳng hay ông định chết thiệt hay chết giả vậy ?
– Tôi cần chi dấu ai? Tôi thật muốn tìm cái chết.
– Ông muốn chết thật nhưng tôi xem ông chẳng đến nỗi nào. Trong mình
ông có những 6 lạng bạc đem cho tôi, cớ sao chết đi cho uổng ? Chi bằng trước
khi chết, hãy cùng tôi ra quán ngồi uống rượu, ngắm người qua lại nghĩ chẳng
vui sao?
Người lạ giận nói:
– Tôi với ngài chẳng can cớ gì, bèo nước gặp nhau. Tôi đã có lòng tốt tặng
mấy lạng bạc, sao chẳng di cho rảnh, can cớ chi còn ám ảnh làm phiền?
Tế Điên cười ha hả nói:
– Tốt, tốt, tốt. Ông không chịu, chết cũng đáng, chết đáng lắm, thôi ta đi
đây !
Nói rồi Tế Điên quay đầu chạy, nhưng mới chạy năm, sáu bước bỗng cười
lên hi hi lại quay trở lại và nói:
– Ta thật ăn ở hẹp hòi làm phiền ông lắm. Ta quên hỏi ân công tên họ là gì
? Tại sao lại đi tìm cái chết? Ông có thể cho ta biết rõ được chăng ? Họa may ta
có phép cứu ông ?
Người lạ nghe Tế Điên bồng dưng ăn nói êm dịu liền đáp:
– Tôi họ Đổng, tên gọi Sĩ Hoằng …
Tế Điên bảo:
– Ông nói chậm quá, phải nói nhanh và sơ lược như thế này: “Tôi tên Đổng
Sĩ Hoằng, nguời huyện Tiền Đường, mẹ là Trần thị, vợ là Đỗ thị, mẹ và vợ đều
chết hết, tôi thờ mẹ rất hiếu thuận.” Chuyện ông như vậy đó, tôi nói có đúng
không?
Sĩ Hoằng lắng tai nghe hết sức kinh dị, nghĩ thầm: “Vị hoà thượng này sao
lại biết hết việc nhà mình thế này ?” Còn đang lưỡng lự, Tế Điên hối thúc tra ûlời
ngay, liền ôn tồn kể:
– Bạch sư phụ, tôi vốn hiếm hoi chỉ sinh một gái đặt tên Ngọc Thư. Lúc lên
tám tuổi mẹ nó bị bệnh qua đời. Tôi không lo nổi tang ma, phải đem cháu gái
cho nhà ông Tiến Sĩ họ Cố làm a hoàn và giao rằng: Sau 10 sẽ chuộc về bằng số
bạc 50 lạng. Từ đấy tôi lo làm ăn, dành dụm trong 10 năm mới được số bạc 60
lạng, hôm nay toan tính tới chuộc con về. Nào hay tới nơi mới hay Cố lão gia đã
thăng nhậm nơi tỉnh khác chưa biết nơi đâu? Đành phải nấn ná dò tìm, chẳng
ngờ mới đây bị kẻ trộm lấy mất gần hết số bạc, tầm mã mòn hơi vẫn không thấy
được. Mất số bạc tức là hết trông thấy mặt con gái nên tôi buồn rầu muốn chết
cho yên thân.
Tế Điên Tăng bảo:
– Đó là việc nhỏ mọn, để ta hết sức giúp cho ngươi thấy mặt con gái, cha
con đoàn tụ, ngươi có vui chăng?
Sĩ Hoằng nói:
– Tôi toan đem tiền chuộc con, tiền chẳng may mất hết, dầu thấy con cũng
không phương kế đem về nuôi nấng, như thế chuộc ra cũng vô ích thôi.
Tế Điên nói:
– Thôi cứ mặc ta liệu định, ta tự có phép mầu chu toàn cho gia đình ngươi.
Sĩ Hoằng ngắm kỹ bộ dạng Tế Điên ngẫm nghĩ xem ra có nhiều bí ẩn,
đành liều đáp lời vâng chịu. Tế Điên liền cõng Sĩ Hoằng chạy tuốt một hơi, đến
một ngõ hẻm, dừng buớc và bảo:
– Ngươi tạm đứng yên đây, hễ có người đến hỏi tuổi tác, năm tháng ngày
sinh thì cứ mặc kệ cho người ta cõng đi, sẽ có chuyện lành cho ngươi.
Sĩ Hoằng thấy lạ, vâng chịu đứng đó đợi chờ.
Nói về Tế Điên sau khi đặt Sĩ Hoằng đứng yên nơi đường hẻm liền co giò
chạy thẳng một mạch, ngửng lên thấy một tòa lâu đài đồ sộ, trong nhà ngồi quây
quần bốn năm người. Tế Điên không hỏi trước sau, xăm xăm bước tới. Người
giữ cửa trông thấy một hoà thượng lôi thôi lếch thếch liền cản lại, nói:
– Hòa thượng ở đâu đến đây? Muốn hỏi gì chăng?
Tế Điên đáp:
– Chết nỗi tôi quên, phải chăng đây là nhà họ Triệu, có bà cụ có bệnh gần
chết ?
Người giữ cửa nói:
– Chính phải, hoà thượng hỏi làm chi ?
Tế Điên nói:
– Ta tới trị bệnh
Nói rồi gạt tay người giữ cửa sấn bước toan vào. Người giữ cửa níu tay Tế
Điên lại và bảo:
– Khoan đã! Viên ngoại chúng ta đã rước biết bao vị thầy thuốc lừng danh
mà còn không trị nổi bệnh của lão phu nhân, huống chi lại rước ông, một vị hòa
thượng ăn xin? Phương chi viên ngoại ta đã đi rước Tô Bắc Sơn tiên sinh và ông
danh y Lý Hồi Xuân rồi không có ở nhà mà tiếp hoà thượng đâu?
Đương lúc nói năng, chợt thấy ba người cưỡi ngựa chạy tới dừng ngay trước
cửa. Tên giữ cửa reo lên:
– Viên ngoại đã về.
Ba người vừa nhảy xuống ngựa, Tế Điên tới trước nói:
– Ba ngài đi ung dung quá báo hại ta đứng chực đã nửa ngày trời.
Chủ nhà này là Triệu Văn Hội liếc thấy một vị hoà thượng có dáng như
khùng, cảm động dùng lời dịu ngọt mà an ủi:
– Bạch hoà thượng, nhà tôi hôm nay có mẹ bị bệnh, vì thế tôi còn phải đi
thỉnh Lý tiên sinh đây về trị bệnh, mời hòa thượng mai hãy lại, tôi xin cấp đỡ
tiền bạc.
Tế Điên nói:
– Ta thật chẳng phải đi hóa duyên, chính là tới giúp trị bệnh cho lão phu
nhân đó vậy.
Văn Hội chỉ Hồi Xuân và nói:
– Chúng tôi đã rước thầy đây rồi, đó là một vị Danh y thời nay, ông chịu
phiền về đây chữa chạy cho bệnh của mẹ tôi.
Tế Điên liếc mắt ngắm Lý Hồi Xuân mà bảo:
– Tiên sinh là thầy thuốc có tiếng, tôi có một vị thuốc, xin coi xem nó chữa
bệnh gì ?
Lý Hồi Xuân nhũn nhặn:
– Chả dám, xin hỏi đại sư muốn hỏi về vị thuốc nào?
– Trái cây mãng cầu lấy ở lò ra.
– Trong bản thảo không có vị thuốc như thế.
Tế Điên cười rộ mà rằng:
– Nói lên một vị thuốc có công dụng lớn mà không hiểu, sao dám xưng là
thầy thuốc có danh? Vị thuốc ấy trị bệnh bụng đói, thế mà không biết!
Mọi người cười rộ. Tế Điên thản nhiên bảo:
– Giờ đây tôi cùng với hai ông, ta cùng đi coi bệnh lão phu nhân được
chăng?
Lý Hồi Xuân gật đầu:
– Cho đi cũng được
Tất cả bốn người thẳng tới giường của lão phu nhân. Hồi Xuân tới trước
cầm tay bệnh nhân nghe mạch, hỏi han vài câu, chỉ thấy phu nhân lắc đầu,
không nói ra tiếng, bèn quay lại nói với Văn Hội rằng:
– Lệnh đường chính bị đàm lạnh quá nhiều ngăn lấp, cần phải tiêu trừ tan
đi. Nhưng chỉ sợ lệnh đường già yếu, thân thể suy nhược, khó bề dùng thuốc,
vậy nên đi thỉnh vị cao minh khác.
Văn Hội nghe nói xiết nỗi lo rầu thưa rằng:
– Nơi này còn ai là bậc cao minh, xin phiền Tiên sinh chỉ dạy.
Hồi Xuân nói một cách trịnh trọng:
– Trong đất Lâm An này chỉ có tôi và Thắng Vạn Phương là còn có chút
danh mọn. Nếu như Vạn Thắng Phương trị được bệnh này, tôi đây cũng trị được,
mà liệu tôi không trị nổi thì họ Thắng cũng vị tất trị nổi.
Tế Điên đứng cạnh xen vào:
– Như ông với họ Thắng đều không thể trị lành bệnh thì tôi chắc tôi không
trị được, mà ngược lại, hai người chắc không trị được nổi thì tôi đây trị được cho
mà coi.
Rồi quay lại nói với Văn Hội:
– Viên ngoại hãy chờ tôi xem thử một phen, coi lão phu nhân bị bệnh gì đã?
Văn Hội thấy thế cũng đáp liều:
– Vâng được, vâng được!
Lý Hồi Xuân với Tô Bắc Sơn đều muốn xem tài Tế Điên coi bệnh thế nào
nên chẳng nói năng gì. Tế Điên lật đật đến trước giường bệnh nhân, trước vỗ
nhẹ lên đầu lão phu nhân ba cái rồi nói với viên ngoại rằng:
– Viên ngoại an lòng, lệnh đường chẳng chết đâu mà sợ, trên ngực hơi thở
còn ấm đều.
Nói xong, Tế Điên đứng thẳng người một mắt nhắm, một mắt mở, ngó ngó
một hồi rồi than thở:
– Ấy chẳng qua lão phu nhân bị đàm ngăn lấp tạng phủ mà ra.
Lý Hồi Xuân nghe nói cười thầm nghĩ rằng:
– “Thì cũng vì sợ đàm dữ mà ta không dám trị. Nếu không ta đã trị lành rồi.
Tưởng giỏi gì hóa ra cũng chạy như ta.”
Viên ngoại thì nóng lòng cần thầy trị lành bệnh cho mẹ, lền thúc giục:
– Bạch hoà thượng, ngài có chữa khỏi chứng đàm xuyễn được chăng?
Tế Điên nói rằng:
– Duy có điều phải kêu cho nó chạy ra. Bởi nó đọng trong mình nhiều quá
nên làm lão phu nhân bị hôn mê. Không dùng thuật kêu cho nó chạy ra thì
chẳng còn phép nào khác.
Văn Hội ngơ ngẩn mà nói:
– Xin thầy dạy cho biết đàm mà cũng biết nghe tiếng kêu gọi được sao?
Tế Điên bảo:
– Nếu như không tin hãy xem tôi thí nghiệm.
Nói xong, Tế Điên chạy tới trước giường lão phu nhân thét to:
– Đàm a! Đàm a! Mau hãy chạy ra, để ta nổi nóng, mi sẽ chết đa.
Mọi người che miệng mà cười, bỗng nhiên lão phu nhân nghe được cười
sặc, ho lên một tiếng, mửa ra một cục đờm xanh. Tế Điên lẹ làng móc trong hầu
bao ra một viên thuốc xẻ làm đôi, tự uống một nửa, còn một nửa thì hoà nước
cho lão phu nhân uống. Chẳng bao lâu, nghe phu nhân thở dài, mở mắt ra rồi
nói:
– Đau chết đi thôi! Ta đói lắm, mau đem cháo cho ta ăn.
Văn Hội cả mừng lăng xăng sai bảo người nhà bưng cháo đến.