Kinh Mi Tiên Vấn Đáp

Kinh Mi Tiên Vấn Đáp

Trương Văn Chiến 40

II. NỘI DUNG MI-TIÊN VẤN ĐÁP
(Gồm 244 Câu Hỏi)

136-145

136. Các vị A la hán còn sợ hãi?

– Thưa đại đức! Trẫm có nghe đại đức nói nhiều lần rằng bậc A-la-hán không còn một sự sợ hãi nào trên thế gian này, kể cả sợ hãi sự chết! Vì các nguyên nhân của sợ hãi các ngài đã chấm dứt, đã tuyệt diệt, có phải thế không ạ?

– Tâu, vâng!

– Trẫm có đọc một đoạn kinh, đại ý rằng: khi Đức Thế Tôn, năm trăm vị A-la -hán cùng đại đức Ànanda đi vào thành Vương-xá để khất thực, Đề-bà-đạt-đa với ác tâm, bèn thả con voi dữ uống rượu say cố ý giết Phật. Năm trăm vị A-la-hán thấy con voi như điên cuồng lao tới, các ngài sợ hãi quá bỏ trốn hết; chỉ có đại đức Ànanda là không sợ hãi gì cả, bước đến, đứng chắn phía trước, cố ý thà chết để bảo vệ cho Đức Thế Tôn! Phải vậy không, thưa đại đức?

– Tâu, vâng!

– Sao kỳ lạ như thế! Năm trăm vị A-la-hán đều là bậc vô lậu, đã chấm dứt mọi nguyên nhân của sợ hãi; lại tham sống sợ chết, thấy voi dữ, bỏ trốn hết, để Đức Thế Tôn đứng đấy một mình! Còn đại đức Ànanda là bậc hữu học, phiền não còn nhiều, nguyên nhân của mọi sợ hãi chưa được cắt đứt; thế mà ngài lại không hề sợ hãi, chẳng tiếc sanh mạng của mình, hy sinh cái thân giả tạm để che chắn cho Đức Đạo Sư? Hay năm trăm vị A-la-hán ấy tò mò, muốn biết, muốn thấy Đức Thế Tôn sử dụng thần thông, phép lạ ra sao? Lý nào lại thế được?

– Vâng, chẳng có lý nào mà năm trăm vị A-la-hán còn tò mò, khởi tâm muốn thấy, muốn biết phép lạ, thần thông của Đức Thế Tôn. Quả thật không hề có chuyện đó xảy ra!

– Nếu là không có lý thì đại đức phải giải thích cho minh bạch chứ?

– Vâng! Quả đất hoặc như tối đại sơn là đỉnh Sineru có khi nào lay động, sợ hãi bởi điều gì không, hở đại vương?

– Dĩ nhiên là không! dù cho ai cuốc, ai đào, ai đánh, ai đập, ai dùng lửa đốt, thì quả đất hoặc núi Tu-di vẫn không lay động, không sợ hãi bao giờ.

– Quả đất hoặc núi chúa không lay động, không xao động, không sợ hãi bất cứ một điều gì; cũng giống như tâm bất động, trạm nhiên của các bậc A-la-hán vậy, tâu đại vương. Dù có một số đông người, tay nắm xà-mâu sắc bén, vây quanh một vị A-la-hán với thái độ rất hung dữ, đằng đằng sát khí, muốn giết vị A-la-hán ấy; cũng không vì vậy mà vị A-la-hán tỏ ý khiếp sợ hoặc có một sự dao động, xao động nào ở trong tâm. Đại vương nên hiểu như vậy.

– Nói thế cũng không biện hộ được cho thái độ hèn nhát, khiếp nhược của các vị A-la-hán khi họ tham sống, sợ chết, bỏ trốn lấy thân mình mà bỏ mặc Đức Đạo sư ở lại đấy với voi dữ!

– Đại vương nói như vậy hơi nặng lời! Đại vương hãy sám hối đi là vừa! Đại vương có biết khi ấy các vị A-la-hán suy nghĩ gì không?

– Thưa, không biết!

– Không biết thì đừng võ đoán! Hoặc chỉ nhìn thấy bên ngoài, chưa thấy sự thật ở bên trong thì đừng vội quy kết! Năm trăm vị A-la-hán đều là bậc lậu hoặc đã tận, mọi nguyên nhân của cái gọi là hèn nhát, khiếp nhược gì đó đã chấm dứt. Khi thấy voi dữ xông đến, các vị ấy tâm ý tương thông, đồng khởi niệm như sau: “ĐứcÀnanda suốt đời tận tụy, kính cẩn, thương yêu phục vụ, hầu hạ Đức Thế Tôn, thật trong hàng đệ tử chẳng ai dám sánh. Rõ là đức Ànanda sẵn sàng hi sinh mạng sống của mình để bảo vệ cho Đức Thế Tôn mà chẳng khởi lên một tí sợ hãi nào. Vậy tất cả chúng ta hãy lánh đi, để bố cáo những đức tính cao quý sáng rỡ như mặt trời, mặt trăng của đức Ànanda; cho tứ chúng cùng tất thảy mọi người trong nhiều quốc độ được thấy, được biết! Còn việc đối trị với voi dữ chỉ là trò trẻ con đối với Đức Tôn sư! Chỉ có Đức Tôn sư mới biết rõ ngài nên làm gì!”

Đức vua Mi-lan-đà giật mình, kinh sợ:

– Quả các ngài ấy đã nghĩ như vậy sao?

– Quả đúng thế, đại vương!

– Vậy là trẫm có tội rồi! Làm sao sám hối cho hết cái tội võ đoán, loạn ngôn, lộng ngữ của trẫm đây, đại đức?

Đại đức Na- tiên mỉm cười:

– Nói thế chứ đại vương không có tội! Bần tăng hiểu rõ tâm ý của đại vương, là chẳng có sự khi mạn nào đối với các bậc Thánh Tăng! Sở dĩ đại vương lập ngôn, lập ngữ như thế là lợi ích cho phần đông, có vậy mới lột tả được cái “phản diện” của vấn đề!

Đức vua chợt thốt “Sàdhu, lành thay” rồi quỳ xuống đảnh lễ thật cung kính:

– Chỉ có sự thông tuệ của đại đức mới hiểu đượcdụng tâm sâu kín cuả trẫm!

– Không dám!

137. Đức Phật dạy cắt đứt sợ hãi? (Tương tự câu hỏi 125)

– Thưa đại đức! Đức Thế Tôn dạy chư tỳ kheo chấm dứt nguyên nhân của sợ hãi, rồi sau đó, dạy cho hai hàng cận sự nam nữ đem nguyên nhân sợ hãi đến cho chư tỳ kheo là nghĩa làm sao?

– Đại vương nói gì bần tăng không hiểu?

– Thưa, đây là câu hỏi đã hỏi rồi, nhưng trẫm đã lý giải để hỏi theo cách khác.

– Đại vương cứ dẫn chứng cho đầy đủ.

– Vâng. Có lần Đức Bổn Sư thuyết rằng: “Này các thầy tỳ kheo! Sự sợ hãi chỉ xảy đến cho các thầy khi các thầy còn tham luyến chỗ ở, quyến niệm trú xứ của mình. Vậy muốn chấm dứt sợ hãi, các thầy phải sống đời không dính mắc, như hươu nai được tự do đi lại trong rừng sâu!”

– Quả đúng thế!

– Nhưng khi dạy cho cận sự nam nữ, Đức Tôn Sư lại thuyết rằng: “Người nào cúng dường, tôn tạo chùa, thất, liêu, chỗ ngự cho tỳ khưu Tăng sẽ có phước báu lớn, lợi ích lớn.Tại sao vậy? Vì rằng các ngài là con mắt sáng của thế gian, là bậc đa văn, quảng kiến; là người thông suốt tam tạng, là người hằng đem đến lợi ích, phước báu cho chư thiên và loài người.”

– Cũng đúng như thế!

– Một bên thì dạy đừng nên có chỗ ở, một bên thì dạy nên tạo chỗ ơ ? Tham luyến chỗ ở đem đến sợ hãi, thế mà còn dạy người ta nên tôn tạo chùa, thất, liêu; điều ấy không phải là sự mâu thuẫn lạ lùng sao, hở đại đức?

Đại đức Na- tiên im lặng một lát rồi hỏi:

– Đại vương có thấy, là nếu chư tỳ khưu sống hạnh không dính mắc chỗ ở, sống đời ta-bà vô trú như hươu nai tự do, tự tại giữa rừng sâu có lợi ích chăng?

– Dĩ nhiên là lợi ích.

– Còn nếu các hàng cư sĩ phát tâm cúng dường, tôn tạo chùa thất đến cho tỳ khưu Tăng, thì có lợi ích chăng?

– Dĩ nhiên là lợi ích.

– Xin đại vương cho nghe tôn ý? Chúng có những lợi ích gì?

– Thứ nhất là giúp cho chư Tăng có nơi để hành đạo. Thứ hai là cận sự nam nữ dễ dàng lui tới học đạo, nghe pháp, làm phước cúng dường, thọ trì quy giới v.v… Thứ ba là có nơi để cho chư Tăng học hành, nghiên cứu, trao đổi kinh, luật, luận. Thứ tư là để cho kẻ ngoại giáo, vua chúa, quan lại… có chỗ lui tới để vấn đạo, học đạo…

– Đúng vậy. Và những lợi ích ấy có thiết thực, hữu ích cho nhân quần, xã hôi không hở đại vương?

– Rất thiết thực. Tuy nhiên, nó vẫn là nguyên nhân đem đến sự sợ hãi trong hàng tăng lữ, thưa đại đức?

– Nguyên nhân ấy là gì?

– Là sự tham luyến chỗ ở.

– Vậy thì vấn đề là sự tham luyến và không tham luyến, tâu đại vương!

– Ồ! trẫm đã sai rồi!

138. Cái gì nơi Đức Thế Tôn là cao quý không ai sánh bằng?

– Thưa đại đức! Trẫm còn thắc mắc về một câu hỏi trước đây, khi Đức Thế Tôn khen ngợi rằng tỳ khưu Bàkula cao quý không ai sánh bằng… Đại đức có thể trả lời cho trẫm những câu hỏi liên quan đến vấn đề ấy chăng?

– Tâu, vâng, đại vương cứ hỏi.

– Đức Thế Tôn là vị lương y, chữa trị tất cả mọi căn bệnh cho chúng sanh; nhưng chính ngài là người lại đau ốm luôn, ít ra là bốn lần. Trị bệnh cho chúng sanh mà chính mình lại bị bệnh, đấy không là điều đáng ngạc nhiên sao?

– Đại vương lầm rồi, hay chính đại vương giả vờ đặt ra câu hỏi ấy? Những căn bệnh thống khổ của chúng sanh là tham sân, phiền não, luân hồi tử sinh… chứ không phải là bệnh tật thông thường, tâu đại vương! Ngài đã thuyết pháp, giảng giải con đường đi đến Niết bàn, nơi diệt tận những điều thống khổ ấy nên thế gian tôn ngài là vị lương y. Còn sở dĩ tỳ khưu Bàkula cao quý không ai sánh bằng là do vị ấy thiểu bệnh hơn các vị Thanh văn khác, chỉ có thế thôi.

– Vậy thì Đức Tôn Sư ám chỉ sự cao quý gì trong lời thuyết: “Như Lai là bậc bà-la-môn tối thượng, xứng đáng để cho kẻ khác xin rửa tay dâng vật phẩm cúng dường, không có ai sánh bằng!“? Trong lúc vô bệnh thì ngài không bằng tỳ khưu Bàkula, phước vật thực thì không bằng đại đức Sìvali, đầu đà khổ hạnh thì không bằng ngài Mahà Kassapa v.v… Ngoài ra, các vị Thinh văn đệ tử Phật, thọ thực ngày một lần, có vị dù chết cũng không thọ thực hai lần một ngày; còn Đức Tôn Sư thọ thực ngày một lần, ngày hai lần hoặc ngày ba lần cũng có. Vậy thì trẫm e rằng phẩm hạnh của Đức Thế Tôn không cao quý bằng chính đệ tử của mình rồi.

– Tâu đại vương! Như bần tăng đã trình bày hôm trước, Đức Thế Tôn cao quý không ai sánh bằng ở phương diện tâm, phương diện tuệ và phương diện giải thoát. Tức là những pháp mà ngài đã chứng đạt và chứng ngộ. Cụ thể hơn, Đức Thế Tôn có những pháp tối thượng sau đây:

Thứ nhất, giải thoát tri kiến (Vimutti nànadassana);
Thứ hai, thập lực tuệ và bốn tuệ dũng cảm (Vesàvajjanàna);
Thứ ba, mười tám pháp Phật (Buddha Dhamma);
Thứ tư, sáu tuệ không phổ thông (Àsàdhàranàna);
Thứ năm, tất cả pháp trình độ của Phật (Buddhavisaya Dhamma).

Cho nên, dù Đức Thế Tôn có bệnh hay không bệnh, thọ thực một bát hay thọ thực hai bát, thọ đầu đà hay không thọ đầu đà; thì tất cả chíng sanh trong tam giới, chúng sanh không chân hay hai chân, có bốn chân hay nhiều chân, có thân hình hoặc không có thân hình, có tâm tưởng hoặc không có tâm tưởng v.v…, chẳng chúng sanh nào có thể cao thượng, cao quý để so sánh với Đức Tôn Sư!

– Thưa đại đức! Trẫm không còn nghi ngờ gì về điều ấy nữa.

139. Đức Thế Tôn là người khai sáng Đạo hay Đạo có sẵn từ ngàn xưa?

– Thưa đại đức! Đạo vốn có sẵn tự ngàn xưa phải chăng?

– Vâng, có tự ngàn xưa, do chư Phật quá khứ đã khai sáng, đã tìm ra.

– Thế sao Đức Thế Tôn của chúng ta lại nói rằng “Như Lai là người làm cho Đạo chưa phát sanh được phát sanh“? Vậy ra lời nói sau lại nghịch ngôn, mâu thuẫn với lời nói trước.

– Chẳng có hai lời sái nghĩa đâu, tâu đại vương! Đạo xưa ấy là nói về Bát chánh đạo, con đường có tám chi; đấy là con đường đi đến giải thoát, chấm dứt sinh tử luân hồi. Chính chư Phật quá khứ sau khi giác ngộ con đường, đã tán dương, tuyên thuyết con đường ấy cho chúng sanh thực hành, noi theo. Nhưng khi các ngài nhập diệt, Bát chánh đạo ấy cũng theo thời gian mà khuất lấp đi, chẳng còn ai biết đến để tu tập nữa. Đến thời Phật Thích Ca, do công hạnh ba-la-mật sâu dày, ngài đã vén mở con đường xưa cũ; đã phát hiện lại con đường, đã phát quang lại con đường, tu tập theo con đường, giác ngộ con đường… cho nên gọi là làm cho con đường được phát sanh! Lý nghĩa ấy thì có gì mâu thuẫn đâu, tâu đại vương?

– Thưa đại đức! Phát sanh là chưa có mà bây giờ lại có, lại sanh ra. Còn Đạo vốn là cái có sẵn nên không thể lập ngôn như vậy được!

– Đại vương nói rất có lý. Nhưng đại vương nghĩ thế nào trong trương hợp viên ngọc mani với đức Chuyển luân Thánh Vương? Phước đức của đức Chuyển luân Thánh Vương từ ngàn xưa có công năng làm cho ngọc mani xuất hiện, gọi là ngọc mani phát sanh đến cho đức Chuyển luân Thánh vương. Nhưng đến khi đức Chuyển luân Thánh vương mãn tuổi thọ, ngọc mani ấy cũng bị biến mất, đến trú ẩn nơi đỉnh núi Vikula. Nhiều đời sau, đức Chuyển luân Thánh vương khác lại ra đời trên thế gian, ngọc mani xuất hiện, lại tìm đến cho đức vua ấy. Thế có thể lập ngôn là ngọc Mani phát sanh đến cho đức Chuyển luân Thánh vương không hở đại vương?

– Có thể được.

– Nghĩa là đức vua ấy không thể tạo ra ngọc mani mà mani ấy vốn có sẵn?

– Đúng vậy.

– Chữ “phát sanh” mà Đức Thế Tôn dùng cũng nằm trong ngữ nghĩa ấy. Đức Thế Tôn không tạo ra Đạo mà Đạo vốn là có sẵn.

– Trẫm hiểu rồi.

– Ngọc mani xưa thần bí, ẩn tàng không ai có thể thấy được, chẳng ai có khả năng làm cho nó lộ diện, chỉ có công năng phước báu của đức Chuyển luân Thánh vương mới làm cho nó phát sanh. Tương tự như thế, Bát chánh đạo sâu kín, mầu nhiệm, khó thấy, khó tìm; chẳng ai trong tam giới có khả năng làm cho Bát chánh đạo hiện hữu; chỉ có công hạnh ba-la-mật sâu dày, trí tuệ vô thượng của Đức Phật mới có công năng làm cho Bát chánh đạo phát sanh giữa cuộc đời.

– Trẫm đã hiểu.

– Lại nữa, ví như người nữ sanh con. Trong bụng người nữ có con mới gọi là người nữ sanh con. Nếu trong bụng người nữ không có con thì người nữ có sanh con được không hở đại vương?

– Chẳng thể nào.

– Đức Phật giác ngộ Bát chánh đạo từ ngàn xưa, ở trong tâm, rồi nói ra bát chánh đạo ấy; cũng như người nữ có con trong bụng, rồi sanh đứa con ấy ra, tâu đại vương!

– Hay lắm!

– Lại nữa, ví như một người đàn ông giàu có, của cải tài sản, châu báu được chôn giấu nhiều nơi; do chiến tranh, loạn lạc, vật đổi, sao dời, người đàn ông không tìm ra tài sản ấy nữa. Sau đó, do cố gắng, do kiên trì, do trí nhớ, ông ta đã tìm lại được. Ấy có thể gọi là làm cho tài sản phát sanh trở lại không, hở đại vương?

– Có thể được.

– Lại nữa, ví như một người đàn ông nọ tự ý vào rừng, nhắm hướng đông tây nam bắc rồi chặt bỏ bụi bờ, gai góc, làm sạch một con đường, thì tình cờ phát hiện một con đường xưa cũ bộ hành qua lại. Tương tự như thế, Đức Thế Tôn cũng là một người đi vào một khu rừng, phát quang bụi bờ gai góc, chợt tìm ra con đường Bát chánh đạo mà chư Phật quá khứ đã đi qua, vốn đã bị thời gian khuất lấp. Trường hợp ấy cũng cùng một ý nghĩa cả, tâu đại vương!

– Trẫm đã hết nghi ngờ rồi, thưa đại đức!

140. Đức Phật từ bỏ sự tinh tấn, lại khuyên đệ tử nên tinh tấn?

– Thưa đại đức! Có phải Đức Thế Tôn đã tinh tấn thực hành khổ hạnh để diệt trừ phiền não, hủy diệt ma quân? Và sự tinh tấn thực hành khổ hạnh ấy trên thế gian không ai bằng được?

– Tâu, vâng!

– Cũng do sự tinh tấn thực hành khổ hạnh ấy mà thân thể ngài trở nên suy nhược, gầy yếu…; nếu tiếp tục, có thể đưa đến tử vong, nên ngài đã cương quyết từ bỏ, trở lại ăn uống bình thường. Nhờ vậy mà ngài đã đắc vô thượng Bồ đề tuệ! Có đúng thế chăng?

– Tâu, vâng!

– Thế sao ở một chỗ khác, khi thuyết giáo cho chư đệ tử, Đức Thế Tôn lại khuyên nên thực hành hạnh tinh tấn, tức là con đường sai lầm mà trước đây ngài đã chán nản, từ bỏ?

– Đại vương nói thế có chứng cứ gì không?

– Có chứ! Đức Thế Tôn có thuyết với đại ý như vầy: “Này chư tỳ khưu! Các ngươi hãy tinh tấn, hãy ra khỏi phe nhóm, đừng ở trong phe nhóm. Hãy là người tri túc, sống đời nhẹ nhàng. Hãy đi vào rừng, thọ đầu đà ở trong rừng hay tìm đến một côi cây nào đó. Hãy tinh tấn tiến tu chỉ tịnh, quánminh. Hãy dứt bỏ quân binh của diêm chúa. Hãy như voi chúa lớn sổ mạch (dậy tình) phá đổ tất cả nhà cửa, dũngmảnh tinh tấn để đạp nát thành lũy của ma quân. Dẫu trường hợp nào cũng phải thực hành tinh tấn, đừng bỏ tinh tấn cho đến lúc giác ngộ, giải thóat hẳn thôi!”

– Đúng là Đức Tôn Sư đã có thuyết như vậy.

– Cái đại nguyện tinh tấn ấy, cái siêng năng mãnh liệt ấy, khi hành đại khổ hạnh, chính Đức Thế Tôn đã thấy rõ nó có hại, không đưa đến yểm ly, ly tham, giác ngộ, Niết bàn nên ngài đã chán nản và từ bỏ. Vậy mà bây giờ ngài lại khuyên đệ tử nên thực hành theo sự sai lầm của mình! Than ôi!

– Đại vương đã hiểu sai đoạn kinh ấy rồi!

– Trẫm chưa hiểu ý của đại đức.

– Đại vương chưa hiểu thế nào là khổ hạnh, thế nào là tinh tấn! Chẳng lẽ nào tinh tấn và khổ hạnh lại giống nhau, hở đại vương?

— Xin đại đức giải thích cho!

– Tâu đại vương! Tinh tấn dõng mãnh, cường liệt để thực hành chỉ tịnh và quán minh, nó rất khác biệt so với sự tinh tấn, dõng mãnh, cường liệt để thực hành khổ hạnh! Cũng là đại tinh tấn, nhưng hai sự tinh tấn ấy, dù có sự quyết tâm hạ thủ công phu tương tợ nhau, nhưng đối tượng thì lại hoàn toàn khác biệt nhau!

– Trẫm chưa hiểu.

– Tâu, khi tinh tấn để thực hành khổ hạnh, trong sáu năm lầm lạc, Đức Thế Tôn suy nghĩ rằng: “Ta phải thực hành khổ hạnh cho thế gian này không ai có thể thực hành bằng ta, hơn ta! Ta phải phát nguyện cho đại tinh tấn tốt hơn nữa, bằng cách cương quyết thọ thực ngày một ít dần đi, phải giảm thiểu cho đến lúc không cần cả ăn, cả uống, cả đại tiểu tiện… và cả hơi thở nữa!“. Và chính do đại tinh tấn khổ hạnh ấy mà Đức Thế Tôn sút giảm sức khỏe, tiều tụy thân thể… cho đến lúc mạng sống sắp lâm nguy! Sự hành thân hoại thể ấy chỉ đưa đến việc chấm dứt sự sống chứ không thể chấm dứt phiền não, giải thoát sinh tử khổ đau!

– Điều ấy thì trẫm đã có nghe.

– Sau khi từ bỏ đại tinh tấn khổ hạnh, Đức Phật thọ thực ngày một bữa, rồi khởi tâm đại tinh tấn quay sang đề mục chỉ tịnh và quán minh. Nhờ vậy ngài mới chứng đắc vô thượng Bồ đề tuệ. Nói cách khác, ngài từ bỏ khổ hạnh ép xác, chứ không phải từ bỏ đại tinh tấn, tâu đại vương! Với đại tinh tấn thì ai muốn chấm dứt khổ cũng phải thực hành y chỉ, tuân theo ! Vật thực nuôi mạng chúng sanh trong các cõi như thế nào, thì đại tinh tấn cũng nuôi mạng tuệ giác cho tất cả Chư Phật quá khứ, hiện tại , vị lai cũng y như thế ấy.

– Xin đại đức cứ giảng thêm.

– Vậy, tội không phải là tội của sự tinh tấn, mà là tội của khổ hạnh, ép xác, tâu đại vương!

– Vâng!

– Đức bồ tát muốn mau đắc thành Chánh Đẳng Giác mà ép xác khổ hạnh, cũng tương tợ như người đi đường muốn đến đích nhanh, cố gắng chạy, rán sức chạy cho đến lúc kiệt quệ. Muốn nhanh lại trở thành chậm vậy.

– Tại sao?

– Vì rằng, đến lúc kiệt lực, chân tay rã rời, nhấc không nổi thì làm sao mà đi được? Trái lại, có kẻ chạy bình thường, liên tục, đều đặn, biết duy trì hơi thở; thì tuy thấy chậm, còn ở đằng sau, nhưng sẽ đến đích nhanh hơn. Có phải thế không, đại vương?

– Vâng!

– Trường hợp người kia đến đích chậm hoặc kiệt lực nằm dài ở dọc đường… thì lỗi ở đôi chân, lỗi ở con đường, lỗi ở mặt đất hay lỗi ở đâu, đại vương?

– Thưa, lỗi do tâm nóng nảy muốn mau đến đích mà sanh ra. Lỗi do không biết duy trì sức lực mà làm cho kiệt lực.

– Đức bồ tát sáu năm khổ hạnh do thiếu trí tuệ mà ép xác cho đến kiệt lực cũng y như thế. Tội là do si mê ép xác khổ hạnh chứ không phải do tinh tấn, tâu đại vương!

– Thưa, vâng!

– Ví như một người mặc áo quần quá dơ bẩn, không biết cách giặt, không có thuốc tẩy lại đổ lỗi cho nước, có được không, đại vương?

– Nước vốn không có lỗi như thế nào thì tinh tấn cũng không có lỗi như thế ấy, đại đức!

– Một người nấu cơm bị khê, bị cháy, lại không tự trách mình mà đi đổ lỗi cho lửa, có được không, đại vương?

– Không thể do lửa được.

– Cũng là đại tinh tấn, nhưng biết sử dụng đại tinh tấn cho chỉ tịnh, quán minh thì được tuệ giác; còn sử dụng đại tinh tấn cho ép xác, khổ hạnh thì si mê chồng chất si mê, có được gì đâu! Đại vương đã thấu đáo vấn đề chưa?

– Bây giờ thì trẫm đã hoàn toàn lãnh hội rồi.

141. Tại sao có sự đắc quả nhanh, chậm khác nhau?

– Thưa đại đức! Đức Toàn-thắng-ma có dạy rằng: “Này các thầy tỳ khưu! Các thầy phải biết sợ hãi luân hồi, phải thoát ra khỏi sự ràng buộc của cấu uế, dơ bẩn, phiền não. Phải thỏa thích trong pháp xa lánh cấu uế, tìm an lạc trong pháp xa lánh cấu uế!“. Pháp ấy được gọi là Nippapanca. Trẫm không hiểu Nippapanca là gì?

– Tâu đại vương! Nippapanca dhamma là pháp nhằm thoát ly ra khỏi mọi nhơ bẩn, cấu uế của tâm; hàm chỉ bốn quả vị của bốn bậc thánh: Tu-đà-huờn, Tư-đà-hàm, A-na- hàm và A-la-hán quả.

-Thế Đức Đạo Sư muốn dạy bảo đệ tử phải tu tập để chứng đắc tứ quả thánh?

– Tâu, vâng.

– Nhưng rải rác chỗ này, chỗ kia, Đức Thế Tôn không dạy chứng quả ngay như thế; mà ngài dạy phải bố thí, cúng dường…, dạy phải học kinh, học kệ thi, học văn phạm, học túc sanh truyện, học phi thường pháp v.v…, thế là sao nhỉ?

– Tâu đại vương! Chư tỳ khưu phải học và hành tuần tự thứ lớp cho đầy đủ như thế, nhưng mục đích cuối cùng cũng đều phải đắc pháp Nippapanca giống nhau. Người đắc pháp Nippapanca ngay, thoát ly mọi cấu uế nhơ bẩn, được trong sạch không phải là một cái gì chợt đến một cách tức khắc; mà là do sự huân tu lâu đời, duyên ba-la-mật già dặn từ nhiều kiếp trước. Những kẻ ấy, trong đời này, sẽ đắc quả nhanh, không chậm trễ, chỉ một sát na tâm là họ nhập vào dòng thánh rồi. Trường hợp trái lại, những tỳ khưu đang còn phàm, chưa có huân tu sâu dày, duyên ba-la-mật chưa đủ, muốn đắc Nippapanca cũng phải học và hành tuần tự thứ lớp, tinh tấn mỗi khi mỗi ít, đến một lúc nào đó, dù chậm trễ, họ cũng sẽ đắc quả Thánh!

– Trẫm hiểu rồi, nhưng đại đức có ví dụ cụ thể nào về hai trường hợp ấy chăng?

– Tâu, vâng! Ví dụ có người nông dân cần mẫn, chăm lo làm ăn. Mấy năm trước ông ta khai phá một mảnh ruộng, làm hàng rào rất chắc chắn. Ngoài ra, ông ta còn siêng năng nhổ cỏ, thêm phân, thêm nước thường xuyên cho đám ruộng của mình. Đến mùa, đám ruộng ấy được bội thu, nuôi sống mình và gia đình… Tâu đại vương! Hạt gạo của người nông phu ấy, tức khắc được làm ra, nó có ngay, hay phải trải qua thời gian lâu dài?

– Thưa, họ phải tốn biết bao công sức, thời gian cùng sự chăm chuyên cần mẫn mới có được !

– Đúng là vậy. Lại có một người nông dân khác, quanh năm đói nghèo do tính chậm lụt, thiếu quyết tâm, ít siêng năng, chịu khó; luôn luôn than thở mình thiếu phước, đến nhà người “”nông dân giàu”” để vay gạo, nói rằng: “”Tôi thiếu gạo, anh dư gạo, hãy cho tôi vay gạo!“” Người kia đáp: “”Không ai là người thiếu gạo cả, chỉ tại anh làm biếng, không có chí, không có đầu óc, không biết siêng năng, chịu khó mà thôi!“. “Vậy anh hãy dạy tôi!“. “Hãy cầm lấy cái cuốc, vào ven suối làm một đám ruộng, rồi tuần tự làm những việc như tôi đãlàm, thời gian sau sẽ có gạo ăn!“. Nguời nông dân nghèo nghe lời bạn dạy bảo, quyết tâm khởi lên, cầm lấy cái cuốc, chí thú, tinh cần…; thời gian sau, anh ta có đủ gạo ăn! Tâu đại vương! Người nông dân này cho ta một ví dụ về sự đắc quả chậm, người nông dân trước cho ta ví dụ về sự đắc quả nhanh; nhưng ai cũng phải trải qua thời gian khởi tâm, quyết tâm, chí thú, tinh cần cày bừa và gieo hạt. Có gạo ăn được ví cho Nippapanca, các công đoạn làm ruộng thì ví cho sự học và hành tuần tư, thứ lớp, tinh tấn mỗi ngày một ít, tâu đại vương!

– Vâng, thế đại đức còn ví dụ nào nữa không?

– Tâu, vâng. Ví như có hai người đi vào rừng để kiếm trái cây. Một người gan dạ dũng cảm, có trí. Một người nhác nhớm, lề mề, chậm chạp, không có gan lại thiếu trí. Người đầu tiên nhanh tay nhanh mắt, xông xáo tìm ra một cây nhiều trái ngon; bèn xắn gọn quần áo, lựa thế leo lên. Thế là anh ta hái được rất nhiều trái cây. Người thứ hai rất lâu sau mới tìm được cây có trái, thấy cây cao và thân cây to quá, anh ta sợ hãi không dám leo. Sau một hồi suy nghĩ bèn chặt cây rừng làm thang, bắt thang vào khi ấy mới leo lên được. Thế là anh ta cũng hái được trái nhưng mất thời gian hơn anh thứ nhất rất nhiều. Phàm việc tu hành, đắc quả nhanh chậm cũng y như thế. Người có trí, nhậm lẹ, chịu khó, có sức mạnh nội tâm, tinh cần, nhiều nỗ lực bao giờ cũng đắc quả sớm hơn người thiểu trí, người yếu đuối, đầy mặc cảm sợ hãi, thiếu tinh cần, chuyên niệm, thiếu nỗ lực huân tu, tâu đại vướng!

– Vâng, trẫm rõ rồi.

– Lại nữa, ví như hai người cùng làm một việc giống nhau. Một người tự nguyện làm, hiểu công việc của mình. Một người thiếu tự nguyện, không biết rõ công việc của mình, nên phải được nhắc nhở, khuyên bảo; đôi khi phải cho họ bạc tiền, lắm lúc còn la mắng, đánh đập, kẻ kia mới thành tựu công việc được, nhưng lại chậm hơn rất nhiều. Tương tự như thế, kẻ có căn cơNippapanca và kẻ có căn cơ anavajja – tuần tự thứ lớp – giống như những ví dụ trên, không hai, không khác.

– Cảm ơn đại đức.

142. Về cư sĩ A-la-hán

– Thưa đại đức! Dường như đại đức có nói với trẫm rằng, một vị cư sĩ đắc quả A-la-hán trong ngày nào thì phải xuất gia ngay trong ngày ấy; nếu trong ngày ấy [*], vì một lý do nào đó mà không xuất gia được, thì vị ấy bắt buộc phải nhập Niết bàn. Điều ấy có đúng thế không ạ?

[*] Đôi nơi bảo là một tuần lễ.

– Tâu đại vương! Hoàn toàn đúng như vậy.

– Họ có thể tự cạo bỏ râu tóc, mặc y cà sa, nghĩa là tự tu lấy; hay là phải cần có thầy tiếp dẫn, thầy hòa thượng tế độ, chứng minh?

– Không thể tự ý được, mà phải có thầy, tâu đại vương! Tự tu là trộm phẩm mạo, tăng tướng, cách tu ấy không có mặt trong giáo pháp của Đức Tôn sư!

– Thế có nghĩa là sau khi người cư sĩ đắc quả, các vị thầy tiếp dẫn, tế độ là những bậc có thần thông, tức khắc hiện đến và làm lễ xuất gia ngay cho người cư sĩ ấy chăng?

– Có thể có trường hợp ấy, tâu đại vương!

– Giả dụ họ đến muộn một, hai ngày không được sao?

– Dĩ nhiên là không được! Chính vị cư sĩ đắc quả phải đi tìm vị thầy tế độ cho mình ở trong vùng, ở trong trú xứ ấy. Nếu tìm không ra, đến lúc mặt trời lặn của ngày ấy, vị cư sĩ phải nhập Niết bàn.

– Đã đắc quả rồi mà tại sao còn nôn nóng chấm dứt sinh mạng như thế? Hay có lý do bí ẩn nào chăng?

– Tâu đại vương! Chẳng phải do nôn nóng, cũng chẳng phải có lý do bí ẩn nào. Phẩm mạo cư sĩ thấp thỏi quá, thật không xứng đáng với quả vị A-la-hán mà người ấy đã đắc, do vậy phải thay đổi phẩm mạo xúất gia. Chính phẩm mạo xuất gia mới tương ứng, xứng đáng với quả vị A-la-hán.

– Về lý do thì tạm thời trẫm chấp nhận kiến giải của đại đức, nhưng nếu có những ví dụ cụ thể để chứng minh, có lẽ dễ thuyết phục trẫm hơn, thưa đại đức.

– Vâng, bần tăng sẽ đưa ví dụ. Ví như có người vào buổi đói kém chẳng có vật thực để nuôi mạng, phải nhịn đói lâu ngày. Hôm kia có vị bá hộ thương tình cho người ấy ăn thỏa thích những món ăn thượng vị. Do không biết tiết độ, người ấy ăn một bụng căng, chất lửa không có đủ để tiêu hóa, cơ thể nhịn đói lâu ngày không chịu đựng nổi, người ấy bội thực mà chết. Tâu đại vương! Trường hợp ấy có nên bắt tội “vật thực” không?

– Vật thực không có tội gì, thưa đại đức!

– Thế sự chấm dứt sanh mạng của người kia là do nguyên nhân nào?

– Thưa, do nhịn đói lâu ngày, cơ thể quá suy yếu, không đủ lửa để tiêu hóa.

– Cũng vậy, tâu đại vương! Phẩm mạo cư sĩ tại gia quá suy yếu, quá thấp thỏi, thật không đủ sức tiêu hóa món ăn thượng vị – là quả vị A-la-hán tối thượng – nên bắt buộc người ấy phải xuất gia; nếu không xuất gia kịp thời, phải chấm dứt mạng sống bằng cách nhập Niết bàn thôi.

– Hay lắm! Ví dụ ấy có hình ảnh cụ thể, dễ nắm bắt lý nghĩa hơn.

– Ví như một lùm cỏ nhỏ, thật không đủ sức chịu đựng nổi một tảng đá lớn dằn lên trên.

– Vâng!

– Quả vị A-la-hán là tảng đá mà phẩm mạo cư sĩ chỉ là lùm cỏ nhỏ.

– Trẫm đã hiểu.

– Ví như một người bần tiện, hạ liệt, ngu si, mà người ta đặt để cho y một quả lớn – ngôi vua chí tôn chẳng hạn – thì sẽ xảy ra chuyện gì hở đại vương?

– Thưa, không khốn đốn, nguy hại đến cho y thì thế gian cũng loạn lạc. Không phát sinh lo âu, sợ hãi… thì kẻ khác cũng giết y, chấm dứt mạng sống của y để chiếm ngôi. Thiếu đức, thiếu tài, thiếu phước mà an ngự ở địa vị quá lớn là mầm mống của họa hại, diệt vong… thôi, thưa đại đức!

– Không phải lỗi do vương vị chứ?

– Vương vị không có tội gì! Chỉ tội do kẻ không xứng đáng với vương vị!

– Cũng thế, tâu đại vương! Quả A-la-hán không có tội gì, chỉ tội cho phẩm mạo cư sĩ không tương xứng, không xứng đáng với quả vị A-la-hán đó thôi!

– Hay lắm!

– Chính phẩm mạo xuất gia như kẻ có đức, có trí, có tài, nhiều phước báu, mới xứng đáng với quả vị A-la-hán. Phẩm mạo xuất gia có thể được ví như một bảo cái lớn rộng, có khả năng che chở cho quả vị A-la-hán, tâu đại vương!

– Sàdhu, lành thay! Thật chẳng có chỗ nào để mà hoài nghi nữa.

143. Tại sao bồ tát Loma Kassapa giết hại chúng sanh để tế lễ?

– Thưa đại đức Na-tiên! Có lần Đức Thế Tôn thuyết rằng: “Này các thầy tỳ khưu! Vào thời quá khứ, Như Lai hành trì ba-la-mật không mệt mỏi, luôn luôn tinh cần, nỗ lực để bổ khuyết ba-la-mật cho chính mình. Một kiếp nọ, dù năng lực ba-la-mật của Như Lai còn non yếu, còn khiếm khuyết, đấy là kiếp làm người có tên là Avihe Dhaka – nhưng Như Lai cũng đã không lấn hiếp, đe dọa hoặc cướp đoạt mạng sống của bất cứ chúng sanh nào.” Lời tuyên bố ấy của Đức Đạo Sư có đúng chăng, đại đức?

– Đại vương có trí nhớ rất tốt.

– Không dám. Bồ tát kiếp làm người có tên là Avihe Dhaka, tuy ba-la-mật còn non yếu, lại không hề giết một sanh mạng nào; nhưng sau đó, nhiều kiếp về sau, dĩ nhiên là ba-la-mật sung mãn hơn, lại đang tâm giết rất nhiều sanh mạng để cúng dường đại tế, là nghĩa làm sao, thưa đại đức?

– Xin đại vương nói cho rõ hơn.

– Vâng, đấy là kiếp bồ tát làm vị đạo sĩ tên là Loma Kassapa. Đạo sĩ vì nghe lời nàng Cinda Vatì đã giết hại rất nhiều chúng hữu tình dùng cho việc tế lễ. Điều này chứng tỏ gì? Chứng tỏ rằng, lời Đức Thế Tôn không như một. Đã không như một lại phơi bày sự thật hiển nhiên, rằng là, ba-la-mật ít lại không sát sanh, ba-la-mật nhiều lại sát sanh? Sự mâu thuẫn không thể lý giải này làm cho người học Phật đời sau như rơi vào mê lộ tối tăm, chẳng tìm đâu ra ánh sáng nữa. Mong đại đức chỉ giáo cho.

Đại đức Na tiên chợt mỉm cười:

– Câu hỏi của đại vương như một cái thòng lọng, nhúc nhích một cái là bị siết chặt vào cổ ngay! Hay lắm, chúng ta sẽ cố gỡ xem sao.

– Tất cả chỉ nhờ vào trí tuệ của đại đức.

– Không dám, bần tăng sẽ cố gắng cùng với đại vương xem thử lý do nó nằm ở đâu. Chắc đại vương biết rõ là bồ tát Loma Kassapa thuở ấy chưa đắc quả Thánh chứ?

– Dĩ nhiên là chưa đắc.

– Thế có nghĩa là vẫn còn dục ái chứ?

– Vâng.

– Và dục ái thì cho chí bậc thánh Tu-đà-huờn, Tu-đà-hàm vẫn còn bị chi phối, đến bậc thánh A-na-hàm dục ái mới hoàn toàn yên lặng.

– Vâng.

– Thế thì bồ tát Loma Kassapa bị dục ái chi phối mà sát sanh thì cũng là chuyện không lạ lùng lắm. Năng lực của dục ái, luyến ái đến độ cường liệt thì nó che mờ tất cả mọi thiện pháp, làm nguội tắt tất cả năng lực ba-la-mật! Vì yêu nàng Cinda Vatì, vì luyến ái, mê đắm nàng Cinda Vatì mà bồ tát Loma Kassapa đã phạm tội sát sanh, tâu đại vương!

– Trẫm nghe rằng, sát sanh có tám lý do:

Sát sanh do năng lực dâm dục;
Sát sanh do sân hận;
Sát sanh do si mê;
Sát sanh do ngã chấp;
Sát sanh do tham lam;
Sát sanh do nuôi mạng;
Sát sanh do ngu si, không có trí tuệ, không thấy tội, phước, lợi, hại v.v…;
Sát sanh do các quy luật tự nhiên.

Vậy thì bồ tát Loma Kassapa sát sanh là do một trong tám lý do thông thường ấy chăng?

– Nó là một trong tám lý do ấy nhưng cũng ở ngoài tám lý do ấy!

– Tại sao?

– Tâu, cũng là luyến ái nhưng luyến ái ấy quá cường liệt, quá mạnh mẽ đã che mờ hết tâm trí; hành động do năng lực luyến ái ấy chẳng khác gì hành động của người điên, tâu đại vương!

– Xin đại đức giải thích cho trẫm nghe.

– Vâng. Một người điên thì có dẫm chân lên một đống than đỏ rực cũng không sợ hãi, bắt rắn độc bỏ lên tay cũng không ngán, dù gặp voi sổ mạch (voi động dục) hung dữ hắn ta cũng có thể liều mạng bắt cỡi được. Biển cả sâu và lớn rộng không thấy mé bờ, người mất trí ấy cũng có thể nhảy ùm xuống và lội qua. Đối với các loại thú dữ như cọp, beo, tê giác, trâu rừng v.v…, y cũng có thể đến gần đùa chơi mà không sợ nguy hiểm. Cả một rừng cây gai chằng chịt hắn cũng có thể ung dung đi vào! Nói tóm lại, người điên chẳng sợ núi cao, vực sâu; chẳng hề thấy vật đáng nhờm gớm; chẳng hề biết mắc cở, hổ thẹn khi trần truồng trước mắt mọi người. Việc gì y cũng có thể làm được. Trong đầu người điên không có chuyện thiện ác, phải trái, an nguy, lạnh nóng, khôn dại, đúng sai, xấu đẹp, được mất, hơn thua, khen chê v.v…

Đạo sĩ Loma Kassapa của chúng ta khi thấy sắc thân nàng Cinda Vatì, tâm luyến ái phát sanh, lửa dục thiêu đốt; nên hành động của vị ấy chẳng khác gì hành động của người điên, tâu đại vương! Vậy đối với người điên hư hỏng tâm tính, đánh mất nhân cách; nếu có hành động nào sái quấy xâm phạm đến pháp luật quốc gia, đại vương sẽ xử tội như thế nào?

– Thưa đại đức, người điên nếu phạm tội tử hình, luật pháp của trẫm cũng không thể giết được. Dẫu phạm tội nặng thế nào, vì an nguy cho mọi người xung quanh, trẫm cũng chỉ bắt trói hoặc nhốt y lại là cùng.

– Đại vương không ghép vào tội tử hình, chỉ bắt trói hoặc nhốt lại thôi! Nhưng sau đó? Giả dụ người điên kia tỉnh lại thì đại vương làm sao nhỉ?

– Thì phải thả người ta ra.

– Thế đại vương có xét lại những tội lỗi mà y đã làm từ trước?

– Thưa, không thể xét lại được, hoàn toàn tha bổng.

Đại đức Na-tiên chậm rãi nói:

– Trường hợp đạo sĩ Loma Kassapa cũng y như thế đó, tâu đại vương! Khi lửa dục thiêu đốt, đạo sĩ làm những điều sai lầm, càn quấy giết hại loài hữu tình do năng lực nàng Cinda Vatì xúi giục. Đại vương không bắt tội người điên như thế nào thì cũng không nên luận tội đạo sĩ Loma Kassapa theo lý giải thường tình. Người điên sau khi hết điên, đại vương tha bổng, cho người ấy trở lại đời sống bình thường. Tương tự thế, đạo sĩ Loma Kassapa sau khi ” hết điên”, có “trí nhớ” trở lại, “tỉnh táo” trở lại; đã trở về với sinh hoạt tâm linh bình thương, đã tiến tu, đãđắc thiền và đắc ngũ thông, hết tuổi thọ được sanh vào cõi Phạm thiên.

– Ồ! hy hữu vậy thay!

– Người điên khôngthể luận phải trái, thiện ác, đúng sai… như thế nào, thì đạo sĩ Loma Kassapa khi bị lửa dục thiêu đốt, cũng không thể luận ba-la-mật non hay già, tâm từ ít hay nhiều, sát hay không sát…; chỉ coi là sự đột khởi điên loạn nhất thời, chẳng thể xác định phẩm hạnh hoặc tư cách trọn vẹn của một con người được.

– Vâng, vâng!

– Hãy dùng tuệ giác mà ngắm nhìn vấn đề, đại vương! Dùng đạo đức, luân lý của thế gian hay tôn giáo mà nhìn ngắm vấn đề sẽ đưa đến cục bộ, giới hạn. Dùng tuệ giác mà soi chiếu, đại vương sẽ tỏ tường, thông suốt, xuyên thấu vấn đề hơn, tâu đại vương!

– Thật là tri ân đại đức!

144. Tượng vương Chaddanta thì cung kính y cà sa – mà bồ-tát Jotipàla lại nhiếc mắng “sa môn trọc đầu”?

– Đại đức chắc nhớ chuyện voi chúa Chaddanta, là tiền thân của Đức Phật Thích Ca chứ?

– Đấy là chủ đề “cung kính y cà sa” mà đại vương sẽ nói chuyện hôm nay?

– Vâng.

– Vậy thì xin đại vương hoan hỷ kể chi tiết câu chuyện cho nghe, bần tăng chỉ nhớ đại lược.

– Cung kính chẳng bằng tuân mệnh, trẫm sẽ kể đây:

Bồ tát của chúng ta, một kiếp kia sinh làm Tượng vương, có tên là Chaddanta, ngài là voi chúa cai quản một đàn voi, thường gặp những sa môn mặc y cà sa đang hành thiền định hoặc lui tới trong khu rừng. Thấy màu vàng của y cà sa, tượng vương Chaddanta với trí nhớ tiền kiếp, biết đây là những bậc tu hành cao thượng nên hết sức cung kính. Tượng vương Chaddanta dạy bảo đàn voi, theo gương mình, quỳ xuống đảnh lễ.

Ngày qua tháng lại, có người thợ săn theo dấu đàn voi để săn ngà, thấy voi chúa và cả đàn voi cung kính lễ bái những vị sa môn mặc y cà sa vàng. Mưu kế nảy sinh, người thợ săn kiếm vải nhuộm vàng bằng nước chát, trùm lên người giả làm sa môn rồi tập ngồi thiền định dưới một cội cây to.

Hôm nọ, voi chúa và đàn voi đi qua, thấy vị “sa môn”, đồng quỳ xuống đảnh lễ rất cung kính, cúi đầu, thụt lùi mấy bước mới tiếp tục lộ trình. Khi cả đàn voi đi khuất, chỉ còn con voi chậm chạp sau cùng; người thợ săn tay nhanh như điện, lấy ngọn giáo sắt, tẩm độc cực mạnh đâm chết con voi, thiêu hủy thịt, lấy ngà đem bán. Hành động ấy của gã thợ săn kéo dài chưa được bao lâu thì voi chúa đã khởi tâm nghi ngờ: “Dường như có sự thiếu vắng của một số con voi quen thuộc? Vậy thì một số voi đã mất, bị giết hại ở đâu và do đâu? Trên lộ trình kiếm tìm thức ăn, sự nguy hiểm có thể xảy ra tại nơi nào? Chỗ kiếm tìm thức ăn không có, những chỗ bước đi không có! Vậy thì phải bắt đầu từ chỗ quỳ xuống đảnh lễ các vị sa môn rồi bước đi! Sự nguy hiểm phải được quan sát từ đó!”

Sau khi suy nghĩ chu đáo, buổi sớm, tượng vương cho cả đàn voi đi trước, mình đi sau cùng. Trên đường đi, gặp sa môn y cà sa màu vàng, voi chúa và đàn voi đều quỳ xuống cung kính đảnh lễ như mọi hôm, nhưng không có gì xảy ra. Đến chỗ “sa môn” giả dạng, sau khi đảnh lễ, voi chúa cảnh giác đi sau cùng. Thấy voi chúa với sáu chiếc ngà vàng to lớn, thợ săn rất sung sướng nghĩ mình sắp giàu có đến nơi. Với động tác quen thuộc và rất chính xác, gã thợ săn nhích tay lao ngọn sắt tẩm độc ra. Lạ lùng làm sao, y đã nhanh mà chiếc vòi của voi chúa còn nhanh hơn. Khi mũi giáo vừa thò ra khỏi chiếc y màu vàng thì trọn vẹn thân thể và hai tay của tên thợ săn đã bị vòi voi quấn chặt rồi nhấc lên cao!

Giữa sát na ấy, khi voi chúa định quật nát thân thể gã thợ săn, màu vàng của chiếc y đã làm cho tâm của voi chúa chùn lại. Voi chúa nghĩ: “Y cà sa màu vàng là lá cờ chiến thắng, quý báu, cao thượng của chư vị A-la-hán, chư vị Chánh Đẳng Giác! Tuyệt đối ta không thể xâm phạm. Dẫu tên thợ săn này đã có tâm ác độc, đã giết hại đồng loại của ta, nhưng tội y làm thì y sẽ lãnh chịu. Một ngàn lần sanh mạng của ta dầu bị phanh thây, chặt đầu…, ta cũng không dám đụng chạm đến chiếc y cà sa màu vàng linh thiêng ấy.”

Ý nghĩ đi liền theo hành động, voi chúa thay vì quật nát tên thợ săn, đã nhẹ nhàng đặt y xuống, thò vòi lấy ngọn giáo sắt bẻ vụn, quăng ra xa. Voi chúa nhìn tên thợ săn đang co rúm, da mặt tái xanh đầy sợ hãi, bằng cái nhìn nghiêm khắc, rống to một tiếng đầy uy vũ, vang động cả rừng già rồi bỏ đi!

Chuyện voi chúa cung kính y cà sa là vậy đó, tâu đại đức. Khi kể, trẫm có thêm bớt một tí cho nó liền lạc câu chuyện.

Nghe xong, đại đức Na-tiên nói với giọng cảm khái:

– Thật là một bài thơ đẹp và hùng tráng biết bao!

– Quả là vậy! Nghĩa cử ấy thật là tuyệt vời!

– Tâu, từ câu chuyện ấy, đại vương sẽ dẫn đến nội dung gì?

Đức vua Mi-lan-đà mỉm cười:

– Vâng! Cũng là bồ tát mà kiếp ấy voi chúa kính trọng y cà sa, kính trọng phẩm mạo xuất gia của các bậc sa môn; nhưng kiếp khác, khi làm thanh niên bà-la-môn, có tên là Jotipàla, lại nói lời thô bỉ xâm phạm đến Đức Phật Kassapa, như nguyền rủa Đức Phật Kassapa là “sa môn đầu trọc“. Điều ấy chứng tỏ gì? Chứng tỏ hai khía cạnh và hai ý nghĩa khác nhau, chỗ thì tôn trọng, chỗ thì phỉ báng trong hai tiền thân của Đức Phật. Xin đại đức giải minh mối nghi cho!

Đại đức Na-tiên mỉm cười:

– Vâng, nhưng xin đại vương vui lòng cho bần tăng nghe câu chuyện “sa môn đầu trọc” ấy chứ? Ít ra cũng có hoàn cảnh, bối cảnh như thế nào? Nhân và quả của sự việc như thế nào chứ?

– Vâng, trẫm sẽ kể đây:

Thuở Đức Phật Kassapa tại thế, ngài có một Thánh đệ tử cư sĩ làm nghề thợ gốm. Ông ta có đức tin bất động với Tam Bảo, thường hay cúng dường đến Đức Phật Kassapa và Tăng chúng. Ông ta cũng thường hay dẫn dắt ngoại đạo đến nghe Pháp, quy y với Đức Phật. Trong số ấy có thanh niên Jotipàla, là một thanh niên có học thức, có trí nhưng cứng đầu. Không biết bao nhiêu lần, người thợ gốm tìm cách dẫn thanh niên Jotipàla đi nghe thuyết pháp, nhưng thanh niên ấy đều từ chối, nói rằng: “Đến sa môn trọc đầu xấu xa ấy mà làm gì, ta không đi.”

Hôm kia, rủ bạn đi tắm sông, gần tịnh xá của Đức Phật Kassapa; người thợ gốm lựa thế nắm chỏm tóc của thanh niên Jotipàla, kéo và lôi bằng sức mạnh, buộc Jotipàla đến chỗ Đức Phật nghe pháp cho bằng được. Thanh niên Jotipàla, ban đầu, chưởi toáng lên, luôn miệng phỉ báng “sa môn đầu trọc” và người bạn thợ gốm; nhưng sau đó, y chợt tỉnh: “Bạn ta vốn là người từ tốn, ôn nhu, đức hạnh; chưa bao giờ bạn ta có lời nói hay hành động thất lễ với một đứa con nít, mà sao bây giờ lại tỏ thái độ như vậy đối với ta? Lại nữa, bạn ta biết rõ ta là dòng dõi bà-la-môn cao quý, thượng đẳng; còn bạn ta thuộc vào giai cấp thợ thuyền, hạ liệt? Chắc phải có lý do gì bức thiết, quan trọng, bạn ta mới nắm chỏm tóc ta, kéo và lôi bằng sức mạnh, vô lễ đối với ta như vậy.”

Thưa đại đức! Đấy là câu chuyện, là lý do, là bối cảnh phát sanh từ lời phỉ báng. Như vậy chứng tỏ gì? Chứng tỏ những câu nói rải rác trong kinh điển: “Hễ vị bồ tát sinh trong kiếp nào cũng đều cung kính Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng“… là sai! Câu chuyện kia quả là một minh chứng hùng hồn vậy.

– Đại vương kết luận hơi sớm. Câu chuyện thanh niên Jotipàla dường như chưa chấm dứt mà.

– Vâng. Sau khi nghe pháp xong, trí tuệ phát sanh, thanh niên Jotipàla quay sang bạn, cất giọng ngạc nhiên: “Với những thời pháp cao siêu, vi diệu như thế này, tôi không hiểu tại sao, cho đến bây giờ bạn chưa xuất gia trong giáo pháp của Đức Đạo Sư!” Rồi sau đó thanh niên Jotipàla xuất gia, không bao lâu, đắc thiền và thắng trí, cuối đời, mãn thọ, hóa sanh vào phạm thiên giới.

Đại đức Na-tiên chợt nói:

– Như vậy, chứng tỏ gì? Chứng tỏ từ thâm sâu, thanh niên Jotipàla đã có sẵn căn cơ vững chắc, có đức tin, sự kính trọng Tam Bảo không chỉ ở bình diện cạn cợt của năm bảy kiếp sống. Còn sự phỉ báng ở đầu môi, như “sa môn đầu trọc, xấu xa đê tiện v.v…” thì còn phải xét ở thói quen, sự tạp nhiễm, truyền thống gia tộc, phương cách giáo dục…; nghĩa là trong bối cảnh toàn diện mà thanh niên Jotipàla đang sống, khi ấy may ra mới đủ thẩm quyền xác định tư cách trọn vẹn của một con người. Tâu đại vương! Đại vương đã có cái nhãn quan tổng thể ấy chưa?

Đức vua Mi-lan-đà cảm thán:

– Đại đức quả là thông tuệ, mở rộng tầm nhìn cho trẫm. Tuy nhiên, lập ngôn của đại đức quá cô đọng, hãy từ từ mở phơi vấn đề cho trẫm thấy, thì trẫm cảm ơn lắm vậy!

– Thật là hân hạnh khi được bậc chí tôn tán thán. Bần tăng xin mạo muội đưa ra vài câu hỏi, đại vương hiểu như thế nào thì xin đáp cho thế ấy.

– Thưa, vâng!

– Một gia đình bà-la-môn giàu có, sang trọng như gia đình thanh niên Jotipàla thời đó, sẽ nói về giòng giống của mình, sẽ dạy cho con cái của họ như thế nào?

– Thưa, sẽ nói rằng, họ là chủng tộc cao quý, thượng đẳng, sanh ra từ miệng đấng Phạm thiên; là người cầm muỗng trong các chiếu tiệc tùng, là con mắt sáng của thế gian; là tập cấp tôn quý đứng đầu xã hội, cho chí giai cấp quý tộc, vua chúa cũng phải cúi đầu, cung kính, lễ bái, cúng dường. Các tập cấp trong xã hội phải có bổn phận cung phụng tất cả mọi nhu cầu ăn ở cùng tiện nghi sinh hoạt. Họ là trí tuệ, là tri thức của loài người; chỉ có họ mới đủ tư cách thiêng liêng nói chuyện, trao đổi với thần linh v.v…

Với truyền thống như thế, với sự giáo dục như thế, thanh niên Jotipàla hít thở, ăn nói, đi đứng… mang sự hãnh diện và tự hào của một tập cấp cao quý lâu đời. Vậy thì từ cửa miệng của thanh niên Jotipàla, khinh chê tập cấp khác, hoặc phát ngôn câu “sa môn đầu trọc, xấu xa, đê tiện” là lời phát ngôn bình thường hay do ác khẩu, ác ngữ?

Đức vua Mi-lan-đà có vẻ suy nghĩ mới đáp:

– Nói rằng “ác khẩu, ác ngữ” thì hơi vội quy kết, võ đoán. Có lẽ là do thói quen, tự hào của tập cấp mình mà sinh ra thế!

– Vậy là đại vương đã tự trả lời. Cái tâm của Jotipàla có lẽ không do định kiến sâu dày, không do ác kiến, chỉ là sự phát ngôn bừa bãi ở bên ngoài mà thôi.

– Vâng!

– Nước của trái amata vốn ngọt, nhưng nếu trộn với nước rau má nhiều, nước ngọt kia sẽ trở nên đắng. Nước rau má đắng, nhưng nếu trộn nhiều nước amata ngọt, nước đắng kia sẽ trở thành ngọt. Thanh niên Jotipàla bản chất tốt, hạt giống Bồ đề lâu đời ở trong tâm, nhưng một mình sống giữa tập cấp bà-la-môn, sự lây nhiễm hoặc mất cả mùi vị cũng là điều dĩ nhiên vậy.

– Vâng!

– Nước nhiều, lửa phải thua nước. Lửa nhiều, nước phải thua lửa.

– Vâng!

– Người có tâm lành, nhưng thường hay thân cận, giao tiếp quá nhiều với bạn ác, thì tâm lành, tốt kia lần hồi sẽ bị biến chất. Người có tâm ác, nhưng bạn bè, gia đình, quyến thuộc đều là người hiền lương, thì không bao lâu, kẻ có tâm ác kia sẽ được cảm hóa.

– Thưa, vâng!

– Thanh niên Jotipàla dẫu tu tập nhiều đời, nhưng trí tuệ chưa già dặn, chàng lại còn non trẻ; nói năng đi đứng, hiểu biết… đều bị uốn nắn theo đức tin của ngoại giáo, tà kiến. Chúng ta có thể nào quy chụp thanh niên Jotipàla là ác khẩu, ác ngữ, sân tâm, ác tâm, nói lời thô bỉ, mạ lỵ với định kiến sâu dày được chăng?

– Thật không thể.

– Khi thanh niên Jotipàla còn một mình, nghe pháp, chàng tức khắc xuất gia, như vậy chứng tỏ gì? Chứng tỏ rằng trái amata ngọt đã trở lại nguyên trạng trái amata ngọt; chàng đã trở lại với căn cơ, tâm tuệ vốn có sẵn từ nhiều kiếp trước.

– Vâng!

– Đến đây ta có thể kết luận rằng: tự thâm sâu, chàng Jotipàla vẫn cung kính, tôn trọng Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng, được không hở đại vương?

– Kết luận ấy không hời hợt, không vội vã, không nông cạn chút nào!

– Cảm ơn đại vương!

Đức vua Mi-lan-đà sảng khoái, cười ha hả.

145. Về cái nhà không mái của người thợ gốm?

– Thưa đại đức! Chuyện của người thợ gốm, Thánh đệ tử cư sĩ của Đức Phật Kassapa vẫn chưa xong ạ!

– Đại vương cứ hỏi! Chẳng lẽ đại vương có những hoài nghi nào đó liên quan đến vị Thánh cư sĩ này chăng?

– Thưa, vâng!

– Chuyện ấy ra sao, đại vương cứ kể ra và cứ đặt câu hỏi, hy vọng rằng bần tăng sẽ góp được một vài ý kiến chăng!

Đức vua Mi-lan-đà bắt đầu kể:

– Trẫm có nhớ rằng, người thợ gốm có tên là Ghàtikàra, sống đời cư sĩ nhưng giữ giới luật của bậc Thánh. Vị ấy tuy làm thợ gốm nhưng không dám tự tay đào đất lấy sét vàng, sét trắng. Vị ấy đã phải bỏ nhiều thời gian đi từ cánh đồng này sang cánh đồng khác tìm những hang, những lỗ do chuột, chồn, cáo đào, bới vương vãi ra. Vị ấy chỉ dùng loại đất sét ấy về lọc mịn, nhồi, nắn thành thau, chậu, nồi, chén, bát… rồi đặt vào lò nung, sau đó đem bán cho mọi người. Vì giữ giới luật của bậc thánh, vị ấy không nhận tiền, vàng, bạc hoặc cất giữ tiền, vàng và bạc; chỉ nhận và trao đổi theo giá trị của mặt hàng để lấy ngũ cốc, rau cải, muối, vải vóc v.v… Bằng cách sống và làm việc như vậy, vị ấy nuôi mình, nuôi cha mẹ mù lòa cùng hộ độ Đức Phật Kasspa và Tăng chúng. Đặc biệt, vị Thánh cư sĩ luôn đặt bát cho Đức Phật Kassapa vào mỗi buổi sáng.

Hôm kia, vì công việc đi tìm đất sét khó khăn, xa xôi, vị Thánh cư sĩ phải đi rất sớm. Từ khi sao mai còn tinh rạng trên bầu trời, vị Thánh cư sĩ đã lo cơm canh và nước uống cho cha mẹ, lại còn chuẩn bị chu đáo phần để bát cho Đức Phật theo lệ thường.

Vị Thánh Ghàtikàra dặn lại với cha mẹ mù lòa:

– Thưa cha mẹ! Sáng nay con không thể tự tay đặt bát cho Đức Thế Tôn, thật là có lỗi, nhưng con tin là Đức Thế Tôn hiểu lòng dạ của con. Vậy thì khi cha mẹ nghe tiếng “đằng hắng” ở nơi cửa – nhất định đấy là Đức Phật – thì cha mẹ sẽ thưa lại với ngài như sau: “Bạch Đức Thế Tôn! Con trai của con đã đi vắng, nhưng đứa con trai của con vẫn mong muốn cúng dường vật thực vào mỗi buổi sáng. Vậy xin Đức Thế Tôn hoan hỷ, hãy tự ý đi vào bếp; thức ăn khô, thức ăn nước, con của con đã đậy đằng sẵn ở trong cũi, cơm trộn sữa, con của con đang để sẵn ở trong chảo.”

Và quả đúng, sau đó, chuyện xảy ra y như vậy. Đức Thế Tôn Kassapa chẳng chấp nhất gì, đi vào bếp và tự tay đổ cơm và canh vào bát cho mình. Người cư sĩ thánh thiện cùng cha mẹ mù lòa của vị ấy sung sướng, hỷ lạc vô cùng.

Lại hôm khác, mưa xuống, tịnh thất của Đức Phật bị dột rất nặng, chẳng có chỗ nào khô ráo để Đức Thế Tôn an ngự. Ngài nói: “Này chư tỳ kheo! Hãy đi tìm tranh hoặc cỏ để lợp lại cốc cho Như Lai. Hãy đến nhà cư sĩ Ghàtikàra xem sao!” Khi các vị tì kheo đi về, Đức Phật hỏi: “Thế nào, ở đấy có tranh hoặc cỏ không?” Chư tỳ kheo thưa: “Dạ có, nhưng nó ở trên mái!” Đức Thế Tôn phán: “Cứ có tranh là được, bất kỳ ở đâu, hãy lấy tranh ấy về!”

Vâng lời Đức Phật, chư tỳ kheo đến nhà cư sĩ Ghàtikàra, leo lên mái và gỡ tranh ra. Hôm ấy, cư sĩ đi vắng. Cha mẹ mù lòa của ngài cư sĩ, nghe tiếng người xôn xao, với tiếng tranh bị gỡ ở trên mái, bèn ngạc nhiên hỏi: “Các người là ai?” “Thưa, chúng tôi là tỳ kheo!” “Các vị làm gì vậy?!” “Thưa, cái cốc của Đức Thế Tôn bị mưa dột, chúng tôi gỡ tranh này về lợp lại cái cốc cho Đức Thế Tôn!”

Cha mẹ mù lòa của cư sĩ Ghàtikàra nghe vậy, hỷ lạc dâng khắp đầy người, rối rít nói: “Vậy là tốt, vậy là có phước báu lắm, vậy các ngài hãy gỡ đi, cứ gỡ hết đi, về lợp lại tịnh thất cho Đức Thế Tôn“.

Người cư sĩ thánh thiện đi công việc về, thấy nhà trống không, chẳng có mái che, bèn hỏi: “Tại sao cái nhà toang hoác, thấy trời vậy, thưa cha mẹ?” Cha mẹ cư sĩ kể lại. Thế là hỷ lạc dâng khắp đầy trong tâm vị cư sĩ suốt một tuần mới chịu tan đi.

Câu chuyện kể đến ngang đây, Đức vua Mi lan đà ngưng hơi nghỉ một lát. Đại đức Na tiên tiếp lời:

– Thế là bắt đầu hôm ấy, cái mái nhà trống không ấy của ngài cư sĩ, mưa nắng gì cũng không lọt vào được, suốt ba tháng như thế?

Đức vua gật:

– Đúng vậy. Và các vấn đề, những mối nghi cũng bắt đầu từ đấy.

– Đại vương cứ nói!

– Nước mưa hoặc nắng không thể lọt vào nhà suốt trong ba tháng hẳn là điều phi thường, nhiệm mầu, lạ lùng! Ôi! oai lực của vị cư sĩ kia quả là to lớn! Cũng phải thôi! Người cư sĩ kia có ngũ giới trọn vẹn, có bát quan trai giới tuyệt hảo, lại còn có thêm giới luật của bậc thánh. Ngoài ra, ông ta có thiện căn sâu dày, hiếu thảo phụng sự nuôi dưỡng cha mẹ mù lòa, hộ độ Đức Phật và Tăng chúng, có đức tin trong sạch, bất thối với Tam Bảo, với thiện pháp… Người như thế thì phước báu như thế. Nhân như vậy thì quả phải thù thắng. Nhà không phải lợp bằng cỏ tranh bình thường mà rõ ràng là được lợp bởi giới, bởi đức tin thuần khuyết, bởi công đức cao vợi, bởi tâm hiếu thảo, bởi sự cúng dường không mệt mỏi! Trên thế gian này chẳng ai có oai lực để so sánh bằng…

– Đại vương cứ nói tiếp.

– Vâng, cho chí Đức Thế Tôn Kassapa cũng chẳng có oai lực được như thế, mưa dột mái phải kiếm tranh lợp lại như mọi người trong thế gian này? Thưa đại đức! Đấy là những câu hỏi của trẫm, những mối nghi của trẫm vậy!

– Nói tóm lại, đại vương muốn hỏi: “Tại sao oai lực của Đức Thế Tôn không bằng oai lực của vị Thánh đệ tử?”

– Vâng, vâng!

– Và, tại sao, Đức Phật Kassapa lại vô ngạiđến độ, đi vào bếp nhà người ta, tự ý lấy cơm canh đổ vào bát của mình?

– Vâng, vâng!

Đại đức Na-tiên im lặng giây lát:

– Tâu đại vương! Về oai lực chư Phật thì quả là vô biên giới, vô hạn lượng, vô hạn định, không có mé bờ. Đức Phật là tối thượng trong tam giới, là thầy của chư thiên và nhân loại, không có oai lực nào trên thế gian khả dĩ so sánh với oai lực của ngài được. Cốc của Đức Phật bị dột, thế ra ngài sợ bị dột ư? Ngài sợ nước ư? Không phải thế đâu! Hằng trăm, hằng ngàn, hằng vạn nước ấy; hằng ngàn hằng triệu mưa, nắng, gió ấy… cũng chẳng thể làm gì ngài được đâu! Núi Tu di vẫn bất động trước cơn gió hung bạo, cuồng nộ thổi trăm chiều và cho dù sức mạnh của trăm ngàn cơn gió ấy cọng lại, núi Tu di vẫn không lay chuyển.

Ví như biển cả sâu thẳm và mênh mông, hằng trăm hằng ngàn con sông Hằng tuôn đổ vào, không vì thế mà biển cả đầy hơn. Trái lại, hằng trăm, hằng ngàn con sông Hằng, hằng ngày rò rỉ nước, không vì vậy mà biển cả vơi đi chút nào. Núi Tu di và biển cả được ví như đức lớn của Đức Phật vậy, nó ở ngoài và ở trên mọi oai lực, không có oai lực phi thường nào đụng đến ngài được. Huống hồ là oai lực của vị cư sĩ! Huống hồ là các oai lực của tự nhiên như nắng, mưa, gió, bão… tâu đại vương! Có lẽ là đại vương chỉ giả vờ hỏi khó bần tăng đấy thôi!

– Không dám! Cách giải thích của đại đức như thế đã tạm ổn, tuy chưa có minh chứng cụ thể. Đức Phật nhập diệt lâu rồi, chúng ta chỉ còn thấy oai lực ấy hiện hữu trên ngôn ngữ và lý luận. Ở đấy cần phải có đức tin mới giải tan vấn đề được, phải vậy không, đại đức?

– Đúng thế. Và bần tăng biết, bần tăng có đức tin ấy.

Đức vua Mi lan đà cười xòa:

– Trẫm cũng có, đại đức chớ có lo! Vậy còn mối nghi thứ hai và thứ ba?

– Tâu, việc dâng cúng vật thực thành tựu là do ở tâm, ở tác ý quyết định. Chính Đức Phật Kassapa biết tác ý kính thành, trong sạch của người cư sĩ, nên đã vô ngại đi vào bếp. Nhờ vậy, người cư sĩ và cha mẹ của người cư sĩ sẽ hoan hỷ hơn. Vì hoan hỷ nên phước báu sẽ lớn hơn. Giúp cho chúng sanh nhiều phước báu, tạo thêm duyên cho chúng sanh biểu hiện tấm lòng, tăng trưởng đức tin, không là việc đáng làm sao, hả đại vương!

– Trẫm đồng ý với kiến giải này.

– Việc gỡ mái nhà cũng y như thế. Đức Thế Tôn biết gia đình ấy sẽ sung sướng, hỷ lạc; và niềm hỷ lạc sẽ đến cho họ cả tuần lễ, nên ngài mới làm. Chuyện ấy là thường tình thôi. Ví như đại vương là bậc cao quý, tự đến nhà một bề tôi trung thành, thân tín, là niềm hãnh diện cho người bề tôi ấy. Giả dụ đại vương lấy ở nhà ấy một vật gì, người bề tôi ấy hẳn là sung sướng lắm. Có phải thế không ạ?

– Vâng.

– Có người còn hỏi: “Tại sao Đức Phật không sử dụng oai lực thần thông để che kín mái nhà của mình? Thảng hoặc, sai Đế thích hoặc Tứ đại thiên vương bảo thần mưa, thần nắng đừng có phạm đến mái nhà?” Đại vương có muốn trả lời điều này chăng?

– Thưa, không cần thiết. Thần thông là thế gian pháp, bất đắc dĩ chư Phật mới sử dụng. Khi các câu hỏi ở trên đã thông rồi thì các điều còn lại, trẫm sẽ tự giải nghi cho mình. Làm phiền đại đức vậy là đã quá nhiều. Chư Phật độ người là quan trọng, biểu diễn thần thông phép lạ là việc làm không thích dáng vậy.

– Cảm ơn đại vương đã thông hội vấn đề nhặm lẹ.

– Thưa, cũng thường thôi!

146. Tại sao có lúc Đức Phật xưng mình là bà-la-môn, có khi xưng mình là vua?

– Thưa đại đức! Bà-la-môn là giai cấp tu sĩ ngoại đạo, tôn thờ thần linh, có gia đình hoặc xuất gia, thuộc về giáo phái tà kiến… có phải thế không ạ?

– Tâu, vâng!

– Thế sao Đức Đạo Sư tối thượng của chúng ta, đôi chỗ lại tự xưng mình là bà-la-môn, ví dụ như ngài nói: “Như Lai là một bà-la-môn, cũng đi trì bình khất thực, xin cơm của thí chủ để nuôi mạng…“, điều ấy có đúng chăng? Có cần thiết phải hạ mình như thế chăng? Ngài không ngại thế gian hiểu lầm chăng?

– Tâu đại vương! Đức Phật tự xưng mình là bà-la-môn, điều ấy có thật, chẳng phải là sự hạ mình, chẳng phải là đề cao một giáo phái ngoại đạo. Đấy là cách nói chuyện thân mật, gần gũi của Đức Phật nhằm hóa độ có hiệu quả mọi tầng lớp trong xã hội.

– Xin đại đức giảng cho nghe.

– Khi nói chuyện với người nông dân, Đức Đạo Sư của chúng ta sẽ nói: “Này người nông phu! Như Lai cũng là một nông dân, Như Lai cũng cày, cũng cuốc, cũng bừa, cũng gieo mạ! Cày bừa ấy là đức tin, tinh tấn, gieo mạ ấy là những hạt giống thiện pháp. v.v…” Khi nói chuyện với một thương gia, Đức Thế Tôn sẽ nói: “Này người thương gia, Như Lai cũng làngười đi buôn, Như Lai có tiền bạc, Như Lai duỗi ngựa đường xa, Như Lai mua những món hàng chỗ này chỗ kia! Tiền bạc của Như Lai là tín, là giới; ngựa của Như Lai là tinh tấn v.v…”

Đại vương nghĩ thế nào, với cách nói chuyện như vậy, dẫn đề như vậy, sự thuyết phục, hóa độ cụ thể, có dễ dàng, có tạo thêm sức mạnh hay chăng?

– Chắc chắn thế rồi!

– Lại nữa, tâu đại vương! Trường hợp ngài xưng mình là bà-la-môn còn có tính hóa độ sâu sắc hơn thế!

– Trẫm xin rửa tai để lắng nghe.

– Đại vương nên hiểu rằng, bà-la-môn vào thời Đức Phật tại tiền, đã thoái hóa, đã biến chất, đã suy đồi, đã phản bội lý tưởng ngàn xưa của tiền nhân họ. Kinh sách cổ xưa của bà-la-môn nói về giới hạnh, tu tập, thiền định… là để thực hành con đường nhằm có thể đến cọng trú với phạm thiên. Phạm thiên là cảnh giới cao quý, thanh tịnh, chói sáng; nơi đã thoát ly mọi ô nhiễm, cấu uế của ngũ trần dục giới. Đại phạm thiên, vị vua của cõi trời này có rất nhiều oai lực nên bà-la-môn giáo rất ngưỡng vọng, tôn thờ.

Đại vương nên biết rằng, trong tiếng Phạn, phạm thiên là brahmà, và bà-la-môn là brahamano (brahamana). Vậy một brahmano muốn đuợc gọi là một brahmano thì phải thực hành con đường đi đến cõi brahmà; con đường ấy được gọi là brahmacariya, tức phạm hạnh. Chữ “phạm hạnh” mà Đức Phật thường dùng là để chỉ đến giới hạnh cao thượng của hàng ngũ xuất gia.

Tâu đại vương! Vậy một bà-la-môn chơn chính vốn rất cao quý, cao thượng chứ không phải tầm thường đâu. Đức Phật rõ là muốn hóa độ những người bà-la-môn trở về với ý nghĩa bà-la-môn đích thực của mình, chứ không phải bà-la-môn thoái hóa, nhãn hiệu, thiếu thực chất, xa cội nguồn, sống đời lợi dưỡng, xa hoa trong truyền thống tập cấp của họ.

– Hay lắm! Bây giờ trẫm mới được hiểu. Khi Đức Phật nói: “Như Lai cũng là một bà-la-môn…” tức là muốn nói đến bà-la-môn chơn chính ấy.

– Vâng!

– Xin đại đức cho nghe thêm một số đức tính cao thượng của bà-la-môn!

– Như đại vương đã hiểu, một người bà-la-môn xuất gia chơn chính phải lấy việc khất thực làm phương tiện nuôi mạng, không được nuôi mạng bằng buôn bán, các nghề nghiệp, xem thiên văn, địa lý, bói toán, tử vi, bốc xăm, xem hướng nhà… để lấy tiền của thiên hạ. Khi đi khất thực phải giữ tâm bình đẳng, thanh tịnh trước người giàu, kẻ nghèo, vật thực ít hay nhiều, ngon hay dở. Phải chánh niệm, tỉnh giác, khoan thai; nuôi dưỡng tâm từ, tâm xả v.v… Tâu đại vương, đi khất thực nuôi mạng như vậy có được gọi là cao thượng chăng?

– Rất là cao thượng.

– Thứ hai, nếu được gọi là bà-la-môn thì bà-la-môn ấy phải nuôi dưỡng đức tin trong sáng cho mọi người bằng cách sống đời xuất gia phạm hạnh; phải có kiến thức về pháp học để tiêu trừ nạn vấn, nghi nan cho nhiều người. Đức Thế Tôn là bậc thầy trong tam giới, ngài phải phá nghi cho nhân loại, Đế thích, phạm thiên, diêm chúa, dạ xoa, a tu la. v.v…

– Ôi! Cao quý thay!

– Thứ ba, bà-la-môn phải sống đời dứt bỏ, xả ly mọi bất tịnh trần cấu dục uế; phải cô đơn một mình như loài tê giác trên lộ trình ấy, chẳng có ai là bạn, chỉ có mình tự giải quyết vấn đề của chính mình. Đức Thế Tôn cũng chỉ đơn độc một mình, dứt bỏ, xả ly mọi bất tịnh trần cấu của cả ba cõi; giải thoát sanh già bệnh chết, tận tuyệt vô minh, phiền não; chiến thắng tất cả ma quân để đến nơi vô sanh bất diệt!

– Trẫm hiểu rồi.

– Thứ tư, một bà-la-môn chơn chính luôn luôn nuôi dưỡng thiện pháp, sống và hành theo thiện pháp, còn Đức Thế Tôn thì đã đạt đến nơi toàn thiện.

Thứ năm, một bà-la-môn chơn chính phải thông hiểu Tam phệ đà, giữ gìn truyền thống tốt đẹp lâu đời về giới hạnh, về kỷ luật, về kinh điển, về giáo dục… rồi truyền lại cho thế hệ hậu lai. Đức Thế Tôn cũng y như thế… trong việc dạy dỗ pháp học, pháp hành đến cho tứ chúng; chế định luật giới cho mỗi chúng, không mệt mỏi giáo huấn người, trời, Đế thích, phạm vương, a tu la, dạ xoa v.v…

Thứ sáu, bà-la-môn chuyên tâm về thiền định, Đức Phật cũng chuyên tâm về thiền định. Khi muốn nghỉ ngơi, Đức Phật thường trú định phạm thiên, tịnh cư!

Thứ bảy, bà-la-môn hằng biết rõ sự thực hành để đi đến các cảnh giới cao cả; đâu là cõi nhỏ cảnh giới cao cả, đâu là cõi lớn cảnh giới cao cả. Đức Thế Tôn cũng hằng biết như thế, nhưng lại mênh mông và vô lượng hơn nhiều.

– Trẫm biết rõ.

– Vậy, danh hiệu bà-la-môn ấy chẳng phải do sự tôn xưng của Phật phụ, Phật mẫu, thượng tộc Thích ca vương, đại thần, quân binh, bằng hữu v.v… cũng chẳng phải do sự tôn xưng của chư thiên, long vương, dạ xoa… Đức Đạo Sư là bậc Toàn thắng ma, là bậc Thập lực tuệ, có sức mạnh vô úy, tối thượng, ở trên và ở ngoài ba cõi, thật chẳng có sự tôn xưng nào xứng đáng hoặc xứng danh được. Chí đến mười hồng ân tôn xưng ngài cũng chưa đủ, huống hồ là danh hiệu bà-la-môn, dẫu là cao quý nhưng cũng chỉ thực hành con đường phạm hạnh (brahmacariya) để đi đến cõi phạm thiên, đại phạm thiên – là cảnh giới nhỏ, là học trò của ngài mà thôi vậy.

– Vâng, quả đúng như vậy! Bà-la-môn là danh hiệu khả dĩ để đối thoại, đàm thoại… với chúng bà-la-môn để họ trở về được với phẩm hạnh bà-la-môn chơn chính của mình.

– Đúng thế! Là phương tiện giáo hóa ở một xã hội bà-la-môn giáo thịnh hành.

– Thưa, vâng! Vậy danh hiệu ấy trẫm đã hiểu rồi, nhưng còn danh hiệu vua? Có lần Đức Thế Tôn nói rằng: “Này đại vương, Như Lai cũng là vua, cũng là người nâng đỡ mười vương pháp.” Điều này được hiểu ra sao? Trong mười hồng ân không có, vậy ta phải hiểu cách hiểu bà-la-môn sao?

– Đúng thế! Đại vương là bậc thông tuệ, ngài có thể từ danh hiệu bà-la-môn mà giải thích về danh hiệu vua do Đức Phật tự xưng, về nhân và quả của nó, được chăng?

– Có thể được. Nhưng có chỗ nào không khế hợp hoặc thiếu sót, xin đại đức bổ thuyết cho!

– Đại vương không cần phải tự khiêm!

Đức vua cười cười trong mắt, rồi nói:

– Thưa đại đức! Từ xưa tới nay được làm vua do nhiều nguyên nhân khác nhau. Có kẻ do cha truyền con nối. Có kẻ do đầu óc, có chí lớn, có tài làm tướng, đánh bại và chinh phục đất đai, lãnh thổ thiên hạ mà xưng làm vua. Có kẻ do có tài, có đức được dân chúng tôn phục, kính mến mà suy cử lên ngôi vua. Có kẻ do soán đoạt, giết cha, giết anh mà chiếm vương vị. Có kẻ do sự bất công xã hội, sự áp bức của giới cầm quyền mà nổi dậy đánh bại kẻ ác mà xưng làm vua v.v… Tuy nhiên, dẫu làm vua kiểu nào, vị vua ấy cũng có các quan tham mưu đưa ra một chính sách để cai trị muôn dân; có một đường lối giáo dục theo kiến thức, quan niệm và chủ trương của vị vua ấy để tuyên dương, quảng bá chế độ của mình đến cho bá tánh. Đức Thế Tôn cũng y như thế, ngài tu tập nhiều đời kiếp, đạt quả vị Chánh Đẳng Giác, làm vua một quốc độ lớn rộng mênh mông, ở ngoài giới hạn của ba cõi; ngài cũng có một chính sách, ấy là kinh luật luận, hằng tuyên dương, quảng bá, giáo dục tất cả chúng sanh trời, người, Đế thích, phạm thiên, long vương, dạ xoa v.v… biết quay về với chánh pháp, sống và hành theo chánh pháp.

Thưa đại đức! điều thứ nhất ấy trẫm vụng về đưa ra, ngài đừng chê cười nhé!

– Chẳng dám đâu, đại vương! Nó rất hay là khác, lỗ tai của bần tăng rất hoan hỷ và mát mẻ.

Rất hùng hồn, đức vua Mi lan đà tiếp:

– Điều thứ hai, đức vua khôn khéo áp dụng vương pháp, tuy cũng là pháp luật nhưng pháp luật này mềm dẻo, thấu tình đạt lý để cai trị muôn dân. Người trong hoàng tộc không thể ỷ y mình là lá ngọc cành vàng để sống đời vinh hoa phù phiếm. Vương pháp sẽ không tha cho họ. Bọn phản nghịch, nổi loạn sẽ có tinh binh uy dũng đánh phạt; tùy theo tội nặng nhẹ mà tử hình, chung thân, phạt tiền, phạt trượng, cảnh cáo hoặc tha bổng. Kẻ trộm cắp, giết người, bất chánh, lừa đảo v.v… đều có chung hình phạt tương tự. Người có công được khen thưởng rất xứng đáng. Người tài hiền được nâng đỡ, đón mời, thỉnh vào triều với chức cao trọng vọng cho bá tánh y chỉ, nương nhờ. Các ngành nghề lao động, thủ công… được khuyến khích, đề cao, hỗ trợ. Kinh thư thánh hiền được dạy dỗ cho muôn dân v.v…

Nói tóm, đức vua tối thượng ấy ngồi dưới chiếc lọng trắng tinh sạch, trang nghiêm, uy vũ – tượng trưng cho quyền lực của vương pháp – luôn thương yêu và chăm lo cho dân, làm cho dân giàu nước mạnh, sống thuận hòa, ấm áp, chứa chan tình người và đạo nghĩa.

Đức Tối thượng sư của chúng ta cũng y như thế và còn hơn thế nữa. Vương pháp tức là chánh pháp. Kẻ trong hoàng tộc chính là thân tộc Thích ca vương, cũng phải được dạy dỗ nghiêm khắc, giúp họ biết bố thí, cúng dường, nghe pháp; cho xuất gia kể cả hoàng tử, thái tử, hoặc ngay cả con ruột của mình. Muôn dân chính là tứ chúng, bá tánh chính là chúng sanh ba cõi. Kẻ sái quấy, thực hành không đúng pháp thì đã có giới luật định tội, trục xuất hoặc khinh trọng tùy theo giới phạm mà răn dạy. Tất cả đều phú túc, phú cường trong một giáo pháp toàn hảo ở chặng đầu, chặng giữa và chặng cuối. Vô lượng kẻ đạt ngộ đạo quả bốn bậc. Vô lượng kẻ giải thoát tử sanh. Vô lượng kẻ thuyết pháp, đầu đà, tinh thông một tạng, hai tạng, ba tạng. Vô lượng kẻ phước báu trời, người. Cõi trời thênh thang mở rộng cho tất cả mọi người một cách đồng đẳng, vô phân biệt. Đức Tối thượng sư ngồi dưới chiếc lọng trắng thanh khiết – tượng trưng cho pháp mầu giải thoát – điều ngự và sách tấn ba cõi, bốn loài đồng đăng giác ngạn.

Nghĩa lý thứ hai ấy, thưa đại đức kính mến, lỗ tai nghe của ngài có nóng nảy, khó chịu không?

– Tâu, nó nổi da gà và rần rần hỷ lạc; như ru võng êm, như tẩm nước mát. Thật là toàn hảo vậy.

– Cảm ơn đại đức!

– Xin đại vương cho nghe thêm điều thứ ba?

– Đức vua được dân chúng tôn trọng, cung kính, thương yêu, ngưỡng mộ, thì Đức Phật cũng được chư thiên và nhân loại cung kính, lễ bái, cúng dường…

– Đúng thế!

– Người tốt, người hiền, kẻ có công thì đức vua ban thưởng chức tước, lộc hàm, phẩm vị, vàng bạc v.v… , việc này đối với Đức Phật cũng y như thế. Trong tứ chúng, người nào có sự tu tập tinh cần, đúng đắn; giữ gìn thân khẩu ý thanh tịnh, nỗ lực xa lìa chấp thủ, tham đắm; Đức Phật sẽ lần lượt ban cho từng quả vị như Tu đà huờn, Tư đà hàm, A na hàm, A-la-hán v.v… Ấy là những phần thưởng cao quý nhất, tối thượng nhất. Bằng không được vậy, mà ai đó chỉ có đức tin, biết giữ giới cấm, biết bố thí, xả ly… thì người ấy, cũng được khen thưởng những phước báu trời, người hạnh phúc, sang cả.

Trái lại, người xấu ác, kẻ phạm luật, phạm pháp bị đức vua xử theo pháp luật quốc gia, thì Đức Phật cũng thế; ngài xử theo giới luật đã được chế định, đồng thời định luật nhân quả còn làm việc một cách công minh, không bao giờ thiên vị.

Ngoài ra, đức vua ban hành mười vương pháp để cho quốc độ được hạnh phúc và trường tồn, thì Đức Phật cũng hằng giáo hóa tứ chúng làm lành, tích trữ điều lành, sống theo chánh pháp để chánh pháp được tồn tại dài lâu trên thế gian này!

Thưa đại đức! Đó là trẫm chỉ nêu đại lược những điểm then chốt, cơ bản;… chứ thật ra còn rất nhiều oai đức, sự ích lợi tại thế và xuất thế, những pháp tương tự giữa đức vua và Đức Phật. Nhưng kiến thức trẫm có hạn, thời gian cũng không cho phép, mong đại đức thông cảm cho.

Đại đức Na tiên tán thán:

– Vậy là đã quá đủ. Vậy là đã quá vi diệu. Đức Thế Tôn có dạy rằng: “Này tỳ kheo! Thật là vô số, vô số nguyên nhân về bà-la-môn, về vua chúa; cho dẫu có một tỳ kheo thông minh, thông tuệ, có ngôn ngữ lưu loát, kiến thức thâm sâu, diễn đạt nhanh nhạy… nói về điều ấy trong suốt một kiếp cũng không thể nói hết”. Vậy thì đại vương tự khiêm mà làm gì. Chúng ta chỉ cần nghe và hiểu những cái chính mà thôi, có phải thế không ạ?