Kinh Mi Tiên Vấn Đáp

Kinh Mi Tiên Vấn Đáp

Trương Văn Chiến 60

II. NỘI DUNG MI-TIÊN VẤN ĐÁP
(Gồm 244 Câu Hỏi)

096-103

96. Nghi về thời gian giáo pháp tồn tại

– Thưa đại đức! Khi Đức Thế Tôn cho phép nữ giới vào tu, ngài có nói là giáo pháp chỉ còn tồn tại năm ngàn năm. Nhưng khi sắp Niết bàn, Đức Thế Tôn lại nói với Subhaddà rằng: chừng nào chư tỳ khưu đệ tử của Như Lai, có đức tin đầy đủ, biết thực hành đúng đắn giáo pháp của Như Lai thì chừng ấy trong thế gian sẽ không mất quả vị A-la-hán! Thưa đại đức! Tại sao Đức Thế Tôn thuyết lời nói sau lại ngược với lời nói trước? Tại sao Đức Thế Tôn lại thuyết hai lời, trước sau không như một, làm cho kẻ hậu học không xiết nghi ngờ; và kẻ ngoại đạo sẽ lấy lý do ấy để dị luận, tiếu đàm giáo pháp của đức Tôn Sư?

– Tâu đại vương! Quả là hai lời ấy Đức Thế Tôn đều có thuyết. Và quả thật, Phật ngôn ấy ý nghĩa không đồng nhau, có ý nghĩa khác nhau, văn tự, ngữ nghĩa đều khác nhau. Nó xa nhau, khác nhau và cách biệt nhau lắm. Ví như đất và trời, ví như bảo điện chốn thiên cung và hỏa lò nơi địa ngục; ví như vui với khổ, như tội với phước, như có đức và thất đức v.v… Bần tăng xin xác nhận sự thật ấy!

– Thế ra đại đức cũng đồng ý sự mâu thuẫn giữa hai Phật ngôn của Đức Tôn Sư?

– Đại vương, đại vương hiểu thế nào, khi Đức Thế Tôn tuyên bố giáo pháp chỉ còn tồn tại năm ngàn năm, là ngài tiên tri về thời gian giáo pháp tiêu hoại hay là ngài có ý ngăn cấm sự giác ngộ đạo qủa?

– Dĩ nhiên Đức Tôn Sư chỉ nói đến thời hạn giáo pháp tiêu hoại thôi.

– Đúng thế, Đức Thế Tôn nói đến thời kỳ tiêu hoại giáo pháp như là ranh giới không có phần dư, nhưng “phần còn lại” thì Đức Thế Tôn chưa nói đến, tâu đại vương!

– Cái gì là “phần còn lại” thưa đại đức?

– Ví như có một người gia chủ biết rằng tài sản của mình ba năm nữa là tiêu hoại, nhưng y không thối chí, ngã lòng, ăn tiêu cần kiệm, cố gắng làm ăn tích lũy thì thời hạn ba năm ấy có đúng chăng, đại vương?

– Sẽ kéo dài, và thời kỳ tiêu hoại sẽ lâu hơn.

– Nhưng giả dụ y cứ tiếp tục phung phí, ăn tiêu xa xỉ thì thế nào hở đại vương?

– Thời gian tiêu hoại sẽ rút ngắn lại.

– Cũng vậy là ý nghĩa đằng sau lời tuyên bố của Đức Thế Tôn. Giáo pháp năm ngàn năm nữa là tiêu hoại, nhưng nếu chư tỳ khưu, tỳ khưu ni, cận sự nam nữ chuyên tâm tu thiền định, thiền quán, tu tứ vô lượng tâm, cần cầu sự giác ngộ, giải thoát thì thời hạn kia chắc chắn sẽ được kéo dài, phải thế không, đại vương?

– Đúng thế.

– Và nếu tứ chúng đệ tử sống buông lung, phóng dật, chẳng chịu tu tập gì cả thì thời hạn kia sẽ thế nào, hở đại vương?

– Dĩ nhiên là giáo pháp sẽ nhanh chóng tiêu hoại hơn thế nữa.

– Vậy thì hai lời tuyên bố của Đức Thế Tôn ở trên mặc dù văn tự khác nhau, ngữ nghĩa khác nhau, dường như nó mâu thuẫn nhau, nhưng lại bổ túc ý nghĩa cho nhau, tâu đại vương!

– Thưa, trẫm đã hiểu nhưng trẫm còn muốn nghe ví dụ nữa.

– Vâng, ví như một cái hồ với sức chứa như vậy, mạch nước rỉ ra hằng ngày như vậy thì khi mùa hạ đến, chừng vài tháng là hồ cạn; nhưng nếu năm, bảy ngày lại có những trận mưa lớn thì thời hạn cạn nước của cái hồ kia sẽ thế nào, hở đại vương?

– Dĩ nhiên là có thể kéo dài thêm một tuần, hai tuần hoặc một tháng, hai tháng nữa cũng chưa biết chừng!

– Cái hồ chính là giáo pháp, thời hạn khô nước chính là giáo pháp đến thời phải tiêu hoại, nước mưa tuôn đổ thêm chính là phẩm hạnh tu tập của tứ chúng. Nếu tứ chúng tu hành đúng đắn, thực hành trọn đủ và nghiêm túc về giới, về định, về tuệ thì giáo pháp sẽ lâu dài hơn năm ngàn năm; và bốn đạo, bốn quả, sẽ còn tồn tại trên thế gian lâu dài hơn thời hạn giáo pháp bị tiêu hoại, có phải vậy không, đại vương?

– Vâng, đúng thế!

– Lại nữa, ví như một đống lửa lớn được cháy bởi củi khô, lá khô, rác khô! Đống lửa ấy sẽ tàn nếu như củi lá và rác ấy bị cháy hết. Nhưng nếu thỉnh thoảng ta bỏ vào đống lửa ấy thêm rác, thêm củi, thêm lá thì đống lửa ấy sẽ lâu tàn hơn, phải vậy không, đại vương?

– Thưa vâng!

– Đống lửa này được ví là giáo pháp. Thời gian tiêu hoại của giáo pháp ví như đống lửa tàn sau khi hết nhiên liệu. Củi, lá, rác được bỏ thêm vào được ví là những giới đức, phẩm hạnh, sự tinh cần tu tập của tứ chúng. Và như thế thì dẫu giáo pháp năm ngàn năm bị tiêu hoại, nhưng nếu tứ chúng thực hành chánh pháp một cách nghiêm túc, có hiệu quả thì quả vị A-la-hán sẽ còn tồn tại lâu dài! Đại vương còn hoài nghi gì nữa chăng?

– Vâng, trẫm không còn hoài nghi gì nữa. Trẫm chỉ còn một thắc mắc nhỏ chưa hiểu rõ mà thôi, ấy là sự tiêu hoại của chánh pháp. Nói cho dễ hiểu là chánh pháp bị tiêu hoại được biểu hiện bởi những tiêu hoại gì?

– Vâng, sự thắc mắc của đại vương rất chính xác. Có ba sự tiêu hoại cả thảy. Ây là tiêu hoại sở đắc, giác ngộ. Thứ hai là tiêu hoại về hạnh kiểm, giới luật. Thứ ba là tiêu hoại về tăng tướng, phẩm mạo, tâu đại vương.

– Xin đại đức giảng cho nghe thế nào là tiêu hoại sở đắc, giác ngộ?

– Vâng! Ây là khi mà tứ chúng không còn kiên tâm trì chí thực hành giáo pháp cho đến nơi đến chốn. Chúng chỉ thực hành cho có lệ, được chút gì hay chút ấy, vì vậy chúng không còn có khả năng chứng ngộ đạo quả. Điều ấy được gọi là sự tiêu hoại sở đắc, giác ngộ, thưa đại vương!

– Trẫm đã hiểu. Còn thế nào là tiêu hoại hạnh kiểm, giới luật?

– Đấy là vào thời mà tứ chúng khinh thường những giới điều nhỏ, không thực hành, không tôn trọng những giới cấm lớn. Chúng mất tư cách, thiếu phẩm hạnh, thiếu hạnh kiểm, phá giới luật … như vậy được gọi là sự tiêu hoại giới luật, hạnh kiểm, tâu đại vương!

– Thế còn điều thứ ba: Sự tiêu hoại tăng tướng, phẩm mạo?

– Tâu đại vương! Đến một lúc nào đó, Tăng chúng không còn mặc y cà-sa nữa. Chúng viện cớ phương tiện, việc cớ đi lại khó khăn, việc cớ “phá tướng“, nên không còn thích mặc y cà-sa vướng víu ở trên người, chúng thích mặc áo thế tục. Đến lúc ấy, chiếc y cà-sa màu vàng chỉ còn là một mảnh vải vàng tượng trưng, vắt qua lỗ tai mà thôi. Rồi đến lúc, chút vải vàng ấy cũng không còn nữa, ấy được gọi là tiêu hoại tăng tướng, phẩm mạo, tâu đại vương!

Đức vua Mi-lan-đà vô cùng hoan hỷ:

– Cảm ơn đại đức đã giàu lòng bi mẫn, với nhiều câu ví dụ thiện xảo đã phá nghi cho trẫm.

97. Đức Thế Tôn còn khổ chút ít nào không?

– Thưa đại đức! Đức Thế Tôn đắc thành vô thượng bồ đề tuệ, ngài thiêu hủy tất cả ác pháp “một cái một” phải không? Hay là ác pháp còn dư sót chút ít?

– Đức Tối-thượng-giác đã tận diệt tất cả mọi nguyên nhân của nghiệp ác, không còn dư sót, ngài dứt “một cái một“, tâu đại vương rõ!

– Không còn dư sót bất cứ một nghiệp ác nào, như vậy có nghĩa là ngài chẳng còn bị trả qủa đau khổ, dẫu là một chút ít, có phải thế không, thưa đại đức?

– Đau khổ chút ít ở nơi thân thì có – còn ở nơi tâm thì hoàn toàn không!

– Xin đại đức cho ví dụ cụ thể.

– Vâng! Thưa đại vương! Như một lần nọ, khi Đề-bà-đạt-đa xô tảng đá từ trên núi xuống cố ý làm hại Đức Phật; tảng đá ấy va đụng tảng đá khác, một mảnh nhỏ đã văng trúng chân Đức Phật làm cho chân ngài bị bầm máu sưng lên. Như vậy là Đức Phật bị đau chân. Ngài đau chân, tức là đau ở nơi thân, còn tâm giải thoát của ngài thì chẳng bị đau bao giờ. Một lần khác, tại xứ Veluvana, Đức Phật bị bệnh ra máu, sau đó có ông thầy thuốc dâng thuốc cầm máu cho ngài. Lần khác nữa, do phong đại thịnh, Đức Phật bị bệnh, ngài Ànanda dâng nước nóng cho Đức Phật uống. Cả hai trường hợp sau Đức Phật đều chỉ bị đau chút ít ở nơi thân mà thôi, tâu đại vương!

– Thưa đại đức! Trẫm không đồng ý như thế! Có thọ khổ chút ít vậy tức là còn khổ rồi. Nếu Đức Thế Tôn đã chấm dứt tất cả ác pháp để thành Phật Chánh Đẳng Giác – thì làm gì còn ác nghiệp để phải bị trả quả đau khổ, dầu là chút ít? Trẫm nghi ngờ lắm. Nghi ngờ rằng Đức Thế Tôn thiêu hủy tất cả ác pháp để thành Phật quả là không đúng chăng? Nghi ngờ rằng Đức Chánh Đẳng Giác mà còn thọ khổ bệnh là không đúng chăng? Hai mối nghi ấy mâu thuẫn nhau, là hai khía cạnh chống đối nhau. Vậy nhờ đại đức hãy phá nghi cho trẫm.

– Không có mâu thuẫn đâu, thưa đại vương! Sự thọ khổ do ác nghiệp ở nơi Đức Thế Tôn đã hoàn toàn được tận diệt, đó là điều chắc thật. Còn những thọ khổ khác nó còn có bảy nguyên nhân phát sanh, không phải do quả của nghiệp, thưa đại vương!

– Ây là những nguyên nhân gì?

– Thưa, đó là phát sanh bởi gió, bởi mật, bởi đàm, cơ thể bị chi phối bởi nhiều tâm trạng, bởi thời tiết thay đổi, bởi oai nghi không đều, bởi cơ thể bị nhiều sự co thắt v.v…

– Làm thế nào để phân biệt được sự thọ khổ nào là phát sanh bởi nghiệp và sự thọ khổ nào là không phát sanh bởi nghiệp, thưa đại đức?

– Có thể phân biệt được, tâu đại vương! Sự thọ khổ do bảy nguyên nhân kể trên nó chỉ phát sanh trong hiện tại, còn sự thọ khổ do ác nghiệp nó liên hệ từ quá khứ đến vị lai.

– Xin đại đức giảng giải cho rõ ràng hơn.

– Vâng, ví dụ sự thọ khổ phát sanh bởi gió. Vì phát sanh bởi gió nên nó chỉ phát sanh trọng hiện tại. Trong hiện tại thì sự thọ khổ ấy bị tác động do lạnh quá, do nóng quá, do thọ dụng quá độ, do đứng lâu quá, do ngồi lâu quá, do chạy nhiều quá, do nằm nhiều quá, do làm việc nhiều quá, do cố gắng quá sức .v.v… Sự thọ khổ ấy chỉ phát sanh trong hiện tại, không phát sanh từ quá khứ đến vị lai nên không phải là quả của ác nghiệp, tâu đại vương!

– Sự thọ khổ phát sanh do mật, do đàm, do thời tiết đổi thay, do oai nghi không đều – đều y như thế?

– Thưa, vâng! Nói tóm lại, sự thọ khổ phát sanh do nghiệp quả thì ít hơn, còn sự thọ khổ phát sanh do nhiều nguyên nhân khác trong hiện tại thì nhiều hơn, thưa đại vương!

– Thưa đại đức! Trẫm đã hiểu sự thọ khổ chút ít của Đức Thế Tôn do gió, do mật, do đàm … là phát sanh trong hiện tại, không phải quả của ác nghiệp. Nhưng trường hợp Đề-bà-đạt-đa xô tảng đá xuống làm Đức Phật chảy máu chân, bầm tím và đau … chúng ta phải hiểu thế nào, do ác nghiệp hay do nguyên nhân khác?

– Đại vương! Trước khi muốn hiểu cho thấu đáo trường hợp ấy, đại vương có thể cho bần tăng biết, nghiệp là gì không?

– Thưa, nghiệp chính là tác ý, là khởi tâm!

– Đề-bà-đạt-đa lăn đá làm hại Phật là tác ý của Phật hay là tác ý của Đề-bà-đạt-đa?

– Của Đề-bà-đạt-đa!

– Đúng vậy! Và giả dụ Đề-bà-đạt-đa kết oan trái với Phật từ quá khứ thì đấy là nghiệp của Đề-bà-đạt-đa hay nghiệp của Phật?

– Của Đề-bà-đạt-đa!

– Đại vương! Vậy là đại vương đã tự trả lời! Đề-bà-đạt-đa gây nhân dữ thì bị quả xấu – còn Đức Thế Tôn vì đã chấm dứt tất cả mọi ác nghiệp nên không còn bị khổ báo nữa, đấy là sự thật hiển nhiên vậy.

– Nhưng dù sao thì Đức Thế Tôn cũng bị thọ khổ, thưa đại đức!

– Tâu đại vương! Vì Đức Thế Tôn còn mang thân xác hữu vi nên những thọ khổ ấy là những tác động đương nhiên của các định luật nhiên giới, không thể bảo là thọ khổ do ác nghiệp được!

– Đại đức có ví dụ nào về điều ấy chăng?

– Vâng, có! Ví như có một người làm ruộng. Người ấy được có kẻ cho ruộng và có kẻ cho lúa giống! Khi ruộng đã được cày bừa xong, người kia gieo lúa giống vào đám ruộng ấy. Thời gian sau, lúa ấy không phát triển được tốt, vậy là lỗi do người cho ruộng hay là lỗi do kẻ cho lúa giống hở đại vương?

– Thưa, thật khó nói là do lỗi của ai, thật khó nói là do nguyên nhân nào!

– Vâng, đúng thế! Lại nữa, ví như có người ăn vật thực vào, cảm thấy không được an vui vì tức hơi, đầy bụng! Có thể nào người ấy lại đổ lỗi cho cái bụng, hoặc đổ lỗi cho vật thực, hở đại vương!

– Thật không thể!

– Vậy thì tại sao sự thọ khổ ở nơi thân chảy máu của Đức Thế Tôn, đại vương lại dám bảo do một nguyên nhân là ác nghiệp?

– Vâng, thật không thể!

– Đại vương! Sống giữa cõi đời này, còn mang thân xác tứ đại, còn cảm thọ, còn tri giác … nên phải nhận chịu các định luật tương tác ở chung quanh của nhiên giới, của xã hội và con người. Những chuyện trái ý nghịch lòng, được mất, hơn thua, khen chê … rơi xuống thân tâm chúng ta cũng giống như những viên đá từ hư không rơi ruống mặt đất. Mặt đất đâu có tạo nghiệp gì mà phải bị như thế, hở đại vương?

– Mặt đất làm sao lại tạo nghiệp được!

– Cũng dường như thế ấy là viên đá làm chảy máu chân Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn chẳng tạo nghiệp gì từ trước cả và chính khi bị viên đá làm chảy máu chân, Đức Thế Tôn vẫn với tâm giải thoát, tuệ giải thoát đấy, đại vương! [*]

– Thưa, vậy chính là do Đề-bà-đạt-đa tự gây nhân ác?

– Vâng, y gây nhân ác thì chính y phải chịu quả khổ chứ chẳng liên hệ gì Đức Thế Tôn cả.

– Vâng, giờ thì trẫm đã hiểu rồi!

– Đại vương! Đức Thế Tôn có thuyết trong kinh Samyutta Nikàya như là cái dấu ấn của đức vua để minh thuyết cho lời bần tăng vừa nói. Đó là: “Này bà-la-môn Sivaka! Tất cả những thọ khổ ở nơi thân hoặc do gió phát sanh hoặc do đàm phát sanh hoặc do mật phát sanh hoặc do thời tiết thay đổi v.v… Tất cả thọ khổ ấy ngươi phải cần thấy như thật, rằng là, có thể chúng là nhân, có thể chúng là duyên, hỗ trợ, tương tác mà thành. Sự thọ khổ ấy đừng vội quy kết là do nghiệp, như một số sa môn, bà-la-môn vì không thấy rõ các định luật tự nhiên mà tuyên bố rằng: “Người đời hằng thọ vui, thọ khổ hoặc không vui không khổ, tất thảy đều do nghiệp đã làm từ trước!”. Các sa môn, bà-la-môn ấy đã chạy vượt quá sự hiểu biết của mình, đã không có trí tuệ lại tự xưng là có trí tuệ, họ đã sai lạc và rơi vào tà kiến vậy“.

– Cảm ơn đại đức đã mở con mắt sáng cho trẫm.

[*] Theo bộ chú giải Apàdàna, phần Budthapadàna, thời quá khứ Bồ tát xô đá giết chết em trai của mình. Nên đây là nghiệp còn dư sót.( chỗ này dường như có mâu thuẫn)

98. Đức thế tôn đã thật sự hoàn tất mọi phận sự chưa?

– Thưa đại đức! Sau khi thành đạo dưới cội bồ đề, nghe nói Đức Thế Tôn còn nhập định ở đấy ba tháng [*] nữa phải chăng?

– Thưa vâng!

– Đã là bậc Chánh Đẳng Giác, nghĩa là ngài đã thành tựu trọn vẹn và viên mãn tất cả mọi công hạnh, thế thì ngài còn nhập định ba tháng để làm gì nữa? Ngài còn tu tập, còn tự huấn luyện mình như thế nghe có kỳ dị chăng, có mâu thuẫn chăng, thưa đại đức? Trẫm có nghe rằng, người không đau thì không cần thuốc, người không đói thì không cần ăn cơm? Ở đây chẳng lẽ nào đấng Toàn Tri Diệu Giác không đau, không đói mà vẫn dùng thuốc, dùng cơm? Đã hoàn tất mọi công hạnh, phận sự thế mà ngài vẫn tu tập, vẫn huấn luyện mình là nghĩa làm sao, trẫm không hiểu được?

– Câu hỏi của đại vương xác đáng lắm! Tuy nhiên, nếu đại vương hiểu được ân đức của thiền thì đại vương sẽ không đặt những câu hỏi như thế đâu!

– Nghĩa là ngài có nhập thiền ba tháng đấy chứ?

– Thưa, có!

– Và khi giác ngộ dưới cội bồ đề, Đức Phật đã thành tựu tất cả mọi công hạnh, đã hoàn tất cả mọi phận sự trên đời này?

– Thưa vâng!

– Vậy xin đại đức hãy lý giải cho trẫm nghe về sự mâu thuẫn ấy?

– Đại vương! Không phải chỉ Đức Phật Thích Ca, mà là tất cả vị Phật quá khứ, sau khi chứng ngộ đạo quả, các ngài đều nhập định ba tháng như thế. Và trong khi nhập thiền, các ngài không tu tập, hoặc huấn luyện gì đâu! Các ngài nghĩ tưởng đến ân đức vô cùng cao thượng của thiền nên các ngài trú thiền để thọ hưởng lạc về thiền, lạc về quả, tâu đại vương!

– Ý đại đức nói là chư Phật nhập thiền là do nghĩ tưởng đến ân đức cao cả của thiền?

– Vâng, đúng vậy!

– Xin đại đức giảng giải rộng cho nghe?

– Đại vương! Ví như đại vương có một viên quan mẫu mực, chăm chuyên mọi bổn phận một cách tuyệt hảo; thấy vậy đại vương ban thưởng cho nhiều vật phẩm, tiền bạc, lợi lộc sang cả. Vị quan ấy rất cảm kích ân đức của đại vương, nên thường lui tới thăm viếng, cung kính hầu hạ đại vương! Đại vương nghĩ thế nào, viên quan ấy hằng lui tới thăm viếng, cung kính, hầu hạ đại vương do tri ân đại vương; việc làm ấy của viên quan kia là xứng đáng, là phải lẽ chăng?

– Rất là phải đạo vậy!

– Cũng thế, tâu đại vương! Chư Phật quá khứ cũng như Đức Thích Ca vì nhận được ân huệ của thiền, ân đức cao cả của thiền nên các ngài trở về lại trú xứ ấy để tri ân thiền – như viên quan đến hầu thăm đại vương vậy thôi!

– Vâng, cũng có thể là như vậy, nhưng đại đức còn ví dụ nào rõ nghĩa hơn chăng?

– Có thể được, ví như có người mắc bệnh nan y, thường chịu nhiều cơn đau thống khổ, may nhờ có người thầy thuốc giỏi trị cho người kia lành bệnh. Cảm kích vị lương y đã cứu mạng sống mình, người kia thường hay trở lại nhà người thầy thuốc để thăm viếng và tri ân. Điều ấy là phải lẽ hay không phải lẽ, hở đại vương?

– Rất phải lẽ!

– Chư Phật quá khứ và Phật Thích Ca nhập thiền để thọ hưởng lạc về thiền, lạc về quả … cũng là một cách tri ân giống như người bệnh đến nhà vị lương y kia vậy, tâu đại vương!

– Ân đức cao thượng của thiền như thế nào, ghê gớm như thế nào mà đến nổi chư Chánh Đẳng Giác phải tri ân, thưa đại đức?

– Nói tóm gọn là các ngài thọ hưởng lạc về thiền, thọ hưởng lạc về quả, nhưng nếu nói rộng ra thì thiền có cả thảy hai mươi tám ân đức!

– Xin ngài giảng giải cho thật đầy đủ.

– Vâng, đại vương hãy nghe đây. Thiền có cả thảy hai mươi tám ân đức sau đây:

Một là, bảo vệ, giữ gìn thân thể được khang kiện.
Hai là, công năng tăng tuổi thọ.
Ba là, tăng sức mạnh.
Bốn là, đóng hẳn tội lỗi.
Năm là, không cho mất danh dự, danh vọng.

Sáu là, đem lại danh dự, danh vọng.
Bảy là, làm cho tiêu mất sự “không hoan hỷ”.
Tám là, làm cho phát sanh sự hoan hỷ.
Chín là, dứt hẳn sự sợ hãi.
Mười là, tăng lòng dũng cảm.

Mười một là, dứt trừ lười biếng.
Mười hai, phát sanh tinh tấn.
Mười ba, dứt trừ tham luyến.
Mười bốn, dứt trừ sân hận.
Mười lăm, dứt trừ si mê.

Mười sáu, dứt trừ ngã chấp.
Mười bảy, dứt trừ suy nghĩ.
Mười tám, làm cho tâm nhứt hành (định).
Mười chín, làm cho tâm ưa thích nơi thanh vắng.

Hai mươi, làm cho phát sanh sự tươi vui.

Hai mươi mốt, phát sanh phỉ lạc.
Hai mươi hai, làm tăng thêm sự tôn kính.
Hai mươi ba, làm cho phát sanh lợi lộc (lợi lộc phát sanh quả).
Hai mươi bốn, làm cho vừa lòng.
Hai mươi lăm, giữ gìn đức nhẫn nhục.

Hai mươi sáu, dứt hẳn lậu hoặc hữu vi.
Hai mươi bảy, không cho tạo nhân tái sanh trong tam giới.
Hai mươi tám, được kết quả của sa môn.

Hai mươi tám ân đức của thiền đầy đủ là như thế đó, tâu đại vương!

Đức vua Mi-lan-đà tán thán:

– Thật là to lớn và quảng đại vậy thay! Nhưng trẫm còn một hoài nghi: Tại sao không nghe nói tới ân đức vô lậu, vô vi mà ở đấy dường như chỉ là hữu lậu, hữu vi, thưa đại đức?

– Đã gọi là thọ hưởng lạc về thiền, lạc về quả thì đều là hữu vi, tâu đại vương!

– Thế thì chư Phật không nhập thiền để thọ hưởng hạnh phúc giải thoát sao?

– Có chứ, nhưng nếu đã giải thoát thì không còn dính cả hai mươi tám ân đức hữu vi ở trên, tâu đại vương!

– Ồ, thật là thâm diệu dường bao!

– Tuy nhiên, tâu đại vương! Các chư Phật xuất hiện ở đời là vì sự lợi lạc cho chư thiên và loài người – nên các ngài thường nhập thiền, thường lui tới cõi thiền còn vì bốn nguyên nhân khác nữa. Bốn nguyên nhân này là nhằm để nêu gương tốt, nhằm giáo hóa chúng sanh, tâu đại vương!

– Xin đại đức bi mẫn cho nghe bốn nguyên nhân ấy?

– Thứ nhất, các ngài thường thân cận với thiền, vui thích với thiền vì thiền đem đến sự an lạc. Thứ hai, thiền thường tăng trưởng những đức tính tốt, cao quý, các tội lỗi không có cơ hội dấy sinh. Thứ ba, nếu có đắc một vài tầng thánh đạo rồi thì nhập thiền thường có công năng tiến hóa thêm trong các thánh đạo cao hơn. Bốn là, chư Phật hay ngợi khen những ai thường an trú trong thiền!

Tâu đại vương! Nếu đại vương lãnh hội hai mươi tám ân đức và bốn nguyên nhân của thiền như trên rồi – thì đại vương sẽ không còn nghĩ rằng Đức Phật là còn tu tập, còn rèn luyện, còn tự huấn luyện nữa. Chư Phật đã là bậc thầy trong tam giới, các ngài đã giác ngộ và giải thoát trọn vẹn rồi, công hạnh đã viên mãn rồi; các cấu uế phiền não đã tận diệt rồi thì mọi phận sự đã được buông bỏ xuống, mọi bổn phận với chính mình đã được giải quyết xong! Đại vương đã liễu thông điều ấy chưa?

– Thưa, liễu thông rồi! Nghĩa là vì còn thân tứ đại, còn ở trong hữu y dư nên chư Phật phải nuôi dưỡng thân tâm này trong thiền lạc, thiền quả vì hạnh phúc cho chư thiên và loài người, phải vậy không đại đức?

– Thật là chính xác, cảm ơn đại vương!

– Không dám, cảm ơn đại đức!

[*] Ghi chú của Dịch giả: Thật ra, không phải ba tháng mà chỉ có 7 tuần:

– Tuần 1: Đức Phật thọ hưởng hạnh phúc giải thoát, ngày cuối tuần Ngài suy niệm về thập nhị nhân duyên, chiều xuôi và chiều ngược.

– Tuần 2: Đức Thế Tôn đứng nhìn cây bồ đề suốt một tuần lễ không chớp mắt: Ngài tri ân cây bồ đề!

– Tuần 3: Ngài dùng thần thông tạo một con đường bằng ngọc giữa hư không rồi đi kinh hành suốt cả tuần trên ấy.

– Tuần 4: Ngài suy niệm về tạng Vi điệu pháp.

– Tuần 5: Ngài thọ hưởng hạnh phúc giải thoát. Cuối tuần, gặp một người Bà-la-môn ngã mạn và Ngài đã thuyết giáo đến cho người Bà-la-môn ấy. Theo chú giải Túc sanh truyện, trong tuần này, ba người con gái của Ma vương là Tanhà, Aratìvà, Ragà dùng nhan sắc quyến rũ Phật, nhưng thất bại.

– Tuần 6: Chứng nghiệm hạnh phúc giải thoát. Có trận mưa rất lớn và Mãng xà vương quấn xung quanh Đức Phật 7 vòng để che mưa cho Ngài.

– Tuần 7: Chứng nghiệm hạnh phúc giải thoát.

99. Tại sao Đức Thế Tôn không dùng “Tứ như ý túc” để duy trì thọ mạng?

– Thưa đại đức! Đại đức biết rõ “Tứ như ý túc” phải chăng?

– Vâng, biết, biết rất rõ về Tú như ý túc (Tứ thần-túc)! Đấy là dục như ý túc, tinh tấn như ý túc, tâm như ý túc và tuệ như ý túc, tâu đại vương!

– Thế có phải Đức Đại giác đã từng thuyết rằng: “Này Ànanda, Như Lai đã tiến tu Tứ như-ý-túc, đã lập đi lập lại nhiều lần, đã thực hành Tứ như-ý-túc một cách toàn diện, đã lấy Tứ như-ý-túc làm chỗ ngồi, chỗ nằm, chỗ nương tựa, đã tạo trữ chắc chắn nó ở trong tâm. Khi Tứ như-ý-túc ở nơi Như Lai đã viên mãn như thế, nếu Như Lai mong muốn tuổi thọ lâu bền một kiếp [*] hoặc nhiều hơn một kiếp cũng rất là dễ dàng, không khó khăn gì!“. Đấy có phải là lời của Đức Thế Tôn không, thưa đại đức?

[*] 1 Kappa: chừng 100 năm. Tuy nhiên, có nhiều chỗ giải thích 1 kappa là một kiếp của quả địa cầu!

– Đúng là Đức Phật có tuyên thuyết như vậy!

– Rồi cũng chính Đức Thế Tôn có thuyết với ngài Ànanda như sau: “Này Ànanda! Tuổi thọ của Như Lai kể từ nay chỉ còn ba tháng nữa thôi. Đến thời hạn ấy Như Lai sẽ xả báo thân để Tịch diệt Niết bàn!“.

– Lời ấy cũng chính Đức Thế Tôn thuyết, tâu đại vương!

– Trẫm không hiểu – Đức vua Mi-lan-đà cất giọng chậm rãi – là tại sao một bậc Đại giác lại thuyết hai lời không giống nhau, lại đối chọi nhau? Một bên thì bảo có khả năng kéo dài tuổi thọ hơn một kiếp nữa, một bên thì tuyên bố tuổi thọ chỉ còn ba tháng nữa? Nếu câu này đúng thì câu kia không đúng. Nếu tuyên bố này là chơn thật thì thuyết ngôn kia là hư dối! Dám mong đại đức bi mẫn phá vỡ mối hoài nghi ấy để chúng ngoại đạo khỏi xuyên tạc!

– Tâu đại vương! Chẳng có điều nào là hư dối, chẳng có gì là mâu thuẫn giữa hai lời tuyên bố trên. Nếu đại vương hiểu rõ ân đức của Tứ như-ý-túc thì đại vương đã tự giải nghi cho chính mình rồi. Sở dĩ Đức Thế Tôn ca tụng sức mạnh và năng lực của Tứ-thần-túc như thế là vì ngài đã tấn tu Như ý túc không gián đoạn. Ngài nói rằng, Tứ như-ý-túc đã vững chắc trong tâm của ngài, khi cần ngài có thể làm thuyền để đi, làm xe để dong ruỗi hoặc lấy Tứ như-ý-túc làm chỗ ngồi, chỗ nằm .v.v… Với sức mạnh Tứ như-ý-túc của ngài, ngài có thể kéo dài thọ mạng hơn một kiếp là điều chắc thật, không ngoa ngôn vậy.

– Trẫm cũng chưa nắm rõ vấn đề!

– Ví như đại vương có một con ngựa thần kỳ. Đại vương thường ca tụng con ngựa thần kỳ trước mặt các quan đại thần, các trưởng giả và các bà-la-môn gia chủ rằng: Con ngựa quý báu của trẫm nó chạy rất mau, giống như bay giữa hư không; nó có thể phi được trên nước, có thể chạy theo sông ra tới biển cả rồi trở lại hoàng cung chỉ trong thời gian khảy móng tay! Thưa đại vương! Đức Phật khen ngợi uy lực của Tứ như – y – túc cũng giống như đại vương khen ngợi sức thần kỳ

của con ngựa kia vậy.

– Ý đại đức nói là Đức Thế Tôn khen ngợi uy lực của Tứ-thần-túc có khả năng kéo dài tuổi thọ chứ không phải ngài khen ngợi uy lực của chính mình – như trẫm khen ngợi con ngựa có sức thần kỳ chứ không phải trẫm tự khen ngợi mình, phải vậy chăng?

– Đúng như vậy!

– Nhưng có gì khác nhau đâu, thưa đại đức? Năng lực của Tứ như-ý-túc là pháp mà Đức Thế Tôn chứng đắc, sử dụng được, sao ngài không sử dụng nó kéo dài thọ mạng để lợi ích lâu dài cho chư thiên và loài người?

– Đức Đại giác biết rõ căn cơ trình độ của chúng sanh, biết rõ lúc nào là giáo pháp hưng thịnh lúc nào giáo pháp tiêu hoại, biết rõ lúc nào nên xuất thế, lúc nào nên Niết bàn, tâu đại vương!

– Có thể là như vậy, nhưng chúng ta là kẻ hậu học, chúng ta có quyền hoài nghi chứ? Giá mà Đức Phật dùng Tứ như-ý-túc để kéo dài thọ mạng thì lợi lạc cho chúng sanh biết bao nhiêu, phải thế không đại đức?

Đại đức Na-tiên mỉm cười:

– Đại vương nghĩ thế nào, khi Đức Thế Tôn thuyết như vầy: “Này các thầy tỳ khưu! Phẩn, dù chỉ có tí chút, nhưng mùi hôi thối của nó cũng đáng nhờm gớm lắm. Ai thấy phẩn cũng đều muốn xa lánh chứ chẳng có ai ưa thích cả, phải vậy chăng? Cũng vậy, Như Lai nhờm gớm sinh tử luân hồi, nhờm gớm tam giới là cõi thấp hèn, hạ liệt, chẳng ưa thích ở trong đó dù với thời gian khảy móng tay! Các thầy cần phải biết như vậy mà tinh cần, chuyên niệm để mau thoát khỏi lưới tử sinh đau khổ buộc ràng!“.

Đức vua Mi-lan-đà nói:

– Như vậy thì cõi sinh tử luân hồi đáng ghê tởm như phẩn thối, cho nên Đức Phật khi thấy mình hết thọ mạng, hết bổn phận là ngài tức tốc ra đi không có luyến tiếc?

– Đúng thế, tâu đại vương! Nếu Đức Thế Tôn kéo dài thọ mạng thì làm sao khỏi để cho ngoại đạo dị luận: Ông Cồ-đàm chán sinh tử luân hồi mà lại muốn ở lại cõi sinh tử luân hồi! Ông Cồ đàm thuyết về sự bất tịnh của thế gian mà lại duy trì cái thân để sống tham luyến trong thế gian! Ông Cồ đàm thích ở lại cõi đời để thọ hưởng tài lợi, vật thực, địa vị, danh vọng … chứ nào có muốn xuất ly chúng bao giờ!

Đức vua Mi-lan-đà ngẫm ngợi hồi lâu:

– Lập ngôn ấy là chính xác! Và Đức Thế Tôn tùy thời, tùy xứ, tùy căn, tùy cơ, tùy nhân, tùy duyên … mà đến và đi chứ không thể tùy ước muốn của chúng sanh được!

– Ngay chính sự cứu độ cũng vậy. Không phải ai Đức Thế Tôn cũng độ được. Vào mỗi buổi sáng, cuối canh ba, Đức Thế Tôn thường dùng thiên nhãn nhìn khắp thế gian, thấy ai có duyên với Phật đạo, ngài mới ôm bát trì bình đến để hóa độ!

– Ý đại đức muốn nói là sau khi Đức Thế Tôn đã diệt độ rồi, từ lúc ấy đến thời hậu lai, chẳng chúng sanh nào là có duyên với ngài nữa cả?

– Vâng, tuy không có duyên với Đức Phật, nhưng chúng sanh còn có duyên với Đức Ca-diếp, Đức Ànanda … tương tục tiếp nối cho đến các bậc thầy tổ của bần tăng bây giờ, tâu đại vương!

Đức vua Mi-lan-đà mỉm cười:

– Và cả chính vị đại đức thông tuệ trước mặt trẫm đây nữa chứ?

– Không dám, bần tăng chỉ mới là kẻ sơ tu! Đại vương, đại vương còn hoài nghi gì về Tứ như-ý-túc nữa chăng?

– Thưa, đã mãn nguyện lắm rồi!

100. Chánh pháp của Đức Thế Tôn có vẻ không được toàn hảo?

– Thưa đại đức, trẫm thấy rằng, dường như chánh pháp của Đức Thế Tôn thuyết ra, có vẻ không được toàn hảo?

– Tại sao đại vương lại nói vậy!

– Thế tam tạng, tức là kho tàng chánh pháp gồm có những gì thưa đại đức?

– Là tạng kinh, tạng luật và tạng vi-diệu-pháp.

– Tạng kinh toàn hảo chứ?

– Tạng kinh là từ sự thật, từ chân lý; từ sự thấy chắc, biết chắc, thấy đúng và biết đúng mà nói ra – thì sao lại không toàn hảo được?

– Thế tạng vi-diệu-pháp?

– Tạng này là do Đức Thế Tôn thấy rõ tâm vương, tâm sở, sắc pháp và niết-bàn mà nói ra thì chắc chắn là toàn hảo!

– Còn tạng luật?

– Là tạng mà Đức Thế Tôn dựa theo những lỗi lầm từ nhẹ đến nặng, từ cách đi đứng nằm ngồi, mặc áo, khất thực, độ thực, cách thu thúc, sự gìn giữ thân khẩu ý v.v… của Chư Tăng hoặc tùy từng trường hợp vi phạm mà chế định ra. Tạng luật ấy rất thực tiễn, rất cụ thể, rất dân chủ, rất đạo đức, rất phạm hạnh … nhờ vậy Tăng chúng mới có được đời sống kỷ cương và hiền thiện! Vậy thì theo bần tăng, tạng luật cũng rất là toàn hảo, tâu đại vương!

– Thưa, toàn hảo nghĩa là hoàn toàn tuyệt hảo chẳng ai có thể thêm bớt hoặc sửa đổi dẫu là tí chút, phải vậy không đại đức?

– Đúng thế!

– Thế sao Đức Thế Tôn có thuyết rằng: “Này Ànanda! Sau khi Như Lai diệt độ rồi, nếu Chư Tăng có sự mong cầu là nên bỏ bớt một số giới điều nhỏ nhặt không cần thiết – thì nên vì ước nguyện của Chư Tăng mà bỏ bớt đi“. Thưa đại đức! Câu nói ấy của Đức Phật chứng tỏ giới luật chưa toàn hảo. Mà giới luật chưa được toàn hảo có nghĩa là chánh pháp chưa được toàn hảo! Xin đại đức hãy soi sáng cho trẫm ở điểm này?

Đại đức Na-tiên mỉm cười:

– Đại vương! Trước khi giải nghi vấn đề ấy, đại vương hãy cho bần tăng được hỏi một điều!

– Xin vui lòng!

– Đại vương hiện đang cai quản một quốc độ mênh mông như thế này, ví dụ đến khi đại vương tuổi đã lớn, mệnh trời sắp hết, đại vương bèn gọi thái tử kế vị tương lai đến để dạy rằng: “Này con! Lãnh thổ của vương triều ta quá rộng lớn, nếu sau này con không quản lý và bảo vệ nổi thì con cứ tùy nghi bỏ bớt những phần đất nhỏ nhít ở các biên trấn xa xôi xét thấy là không cần thiết“. Đại vương, nếu có trường hợp như thế xảy ra, và nếu trường hợp thái tử là người con có chí, có hiếu, biết thương yêu thần dân và tổ quốc thì thái tử sẽ xử sự ra sao khi đại vương mệnh chung?

Đức vua Mi-lan-đà đáp:

– Có thể trẫm sẽ nói như vậy vì muốn tôn trọng sự tự do của Đức vua tương lai, nhưng suy bụng ta ra bụng người, trẫm biết là con trẫm vì thương yêu thần dân và mãnh đất của phụ vương đã dày công máu xương và hãn mã; sẽ không bỏ bớt bất cứ một phần đất nhỏ nào mà còn ra công gầy dựng, chinh phục để mở rộng thêm đất đai, lãnh thổ! Ý trẫm là vậy, thưa đại đức!

– Đấy cũng là câu trả lời của bần tăng, thưa đại vương! Chư tỳ khưu Tăng đương lai vì tôn kính Đức Phật, tôn kính giáo pháp; đã không ban bố thêm giới điều thì thôi, chớ nào dám bỏ bớt một số giới điều dầu nhỏ nhặt mà Đức Đạo Sư đã dày công bi mẫn chế định vì tương lai của phạm hạnh, của nếp sống kỷ cương cho tăng-già thời hậu lai!

Đức vua Mi-lan-đà nhè nhẹ gật đầu:

– Nghe có vẻ thuyết phục lắm! Nhưng trẫm còn muốn hỏi thêm. Kinh và vi diệu tạng, là y cứ vào chân lý, vào sự thật mà nói lên, “như thị thuyết“; còn tạng luật chỉ là chế định, chế định là cái tạm thời có thể tùy nghi thay đổi theo thời gian, quốc độ. Đúng ra là có thể thêm thắt hoặc bỏ bớt nếu thấy không còn đúng, không còn hợp thời nữa, phải vậy không đại đức!

– Đại vương có ví dụ cụ thể chăng?

– Vâng, có thể được. Ví như trong luật ấn định rằng chư tỳ khưu phải mười lăm ngày tắm một lần, nếu chưa đủ mười lăm ngày mà tắm là phạm “ưng-đối-trị“!.

– Đúng vậy mà cũng không phải vậy, thưa đại vương! Điều luật ấy chỉ áp dụng ở xứ trung Ấn Độ, là nơi thường hạn hán, nước khan hiếm. Nên điều luật còn ghi chú rằng: những xứ khác, nước nhiều, tắm nhiều lần không phạm tội!.

– Thế rõ ràng giới luật có thể thay đổi!

– Đại vương – Đại đức Na-tiên nhấn mạnh – bần tăng hoàn toàn đồng ý về cách hiểu của đại vương, là các pháp chế định có thể tùy nghi thay đổi; nhưng bần tăng đã nói rồi, là vì kính trọng Đức Thế Tôn và kính trọng giáo pháp, chư Tăng thời hậu lai sẽ không bao giờ bỏ bớt một học giới nào!

– Cả những giới điều nho nhỏ như phạm tác ác cũng không thể bỏ ư?

– Những giới điều nhỏ nhặt như phạm tác ác ấy, đại vương có nhớ rõ những giới điều nào không?

– Thưa, không nhớ rõ lắm!

– Đại vương! Phần lớn những giới điều thuộc tội tác ác ấy nằm trong bảy mươi lăm điều “ưng học pháp“, là những pháp mà tỳ khưu cũng như sa di đều phải thực hành. Nói tóm, chúng là những cách thức về việc mặc y thế nào cho nghiêm trang; đi đứng, nói năng, ăn uống phải thế nào cho nghiêm túc, đứng đắn v.v… Một vị tỳ khưu trong Phật giáo không thể ăn mặc luộm thuộm cẩu thả; không thể đi tới đi lui mà khua tay, múa chân; chẳng thể muốn đến nhà cư sĩ, vào xóm làng lúc nào cũng được; chẳng thể nói cười tự do vung vít; chẳng thể ngồi đứng ưỡn ẹo, thân mình lắc lư; chẳng thể ăn uống khua muỗng, khua bát, húp canh sột soạt, mắt láo liên ngó chỗ này chỗ kia .v.v… Đại vương! Những giới điều nhỏ nhặt về tội tác ác ấy có thể bỏ đi được chăng?

Đức vua Mi-lan-đà gật đầu:

– Nếu bỏ đi thì còn đâu là tăng tướng mô phạm làm y chỉ cho chúng sanh. Nhưng trẫm nghe rằng có những học giới không thuộc tác ác mà thuộc ưng đối trị, xem ra cũng nhỏ nhặt như để muối cách đêm, xế bóng hai ngón tay còn ăn được, tọa cụ không có bìa, thọ dụng tiền bạc chút ít để đi đây đi đó v.v… Những giới điều ấy xét ra nghiêm khắc và tiểu tiết quá. Đức Thế Tôn nhập diệt đã năm trăm năm rồi, thời đại đó xưa rồi, vậy nên thay đổi chút ít cho hợp với hoàn cảnh mới, được chăng?

– Đại vương! Những giới điều nhỏ nhặt mà đại vương nêu ra đó, thuộc bốn trong mười điều lầm lạc mà kỳ kết tập kinh điển lần thứ hai, chư Thánh Tăng A-la-hán bảy trăm vị đã chỉnh lại bởi những sai phạm của một phe nhóm tỳ khưu sa đọa. Và nếu cứ vậy, cứ qua mỗi thời thay đổi một ít, sữa đổi một ít thì chừng một ngàn năm sau, giới luật bậc Thánh của đạo giác ngộ sẽ trở thành giới luật của ngoại đạo mất thôi! Đây là hiểm họa, đại vương nên phóng tầm mắt nhìn xa thấy rộng hơn một tí nữa. Trong kỳ kết tập lần thứ nhất, khi ngài Ànanda kể lại Đức Thế Tôn có cho phép bỏ bớt những giới điều nhỏ nhặt, ngài Ca-diếp hỏi lại rằng: “Vậy thì hiền giả có hỏi Đức Thế Tôn những điều nhỏ nhặt ấy là những học giới nào không?” Ngài Ànanda bảo là không có hỏi. Đức Ca-diếp bèn quyết định giữ nguyên tạng luật như thuở Đức Phật còn sanh tiền!

– Cảm ơn đại đức! Trẫm đã hiểu rồi. Giữ nguyên như thế là tốt hơn nhiều. Quả chư Thánh Tăng đã nhìn xa thấy rộng. Thật là toàn hảo.

101. Tại sao có những câu hỏi mà Đức Thế Tôn làm thinh không trả lời?

– Thưa đại đức! Đức Thế Tôn đúng là một bậc thầy lỗi lạc trong tam giới, hằng giáo huấn, dạy dỗ chúng sanh không mệt mỏi phải chăng?

– Thưa vâng!

– Và Đức Thế Tôn dạy đạo là luôn với bàn tay mở ra chứ không phải là với bàn tay nắm lại? Ngài chẳng có bao giờ cố ý che giấu pháp, tiết kiệm pháp, phải vậy chăng?

– Thưa vâng!

– Bạch đại đức! Thế tại sao có vị đại đức con một nữ bà-la-môn tên là Màlanghà đến hỏi đạo Đức Thế Tôn, ngài lại im lặng không trả lời? Có thể Đức Thế Tôn không thông hiểu vấn đề chăng? Hoặc là câu hỏi ấy hóc búa ngài không giải đáp nổi chăng? Hoặc là ngài cố ý che giấu ý nghĩa, che giấu pháp, tiết kiệm pháp chăng?

– Chẳng phải thế đâu, đại vương! Không thể hiểu đơn giản, là khi có người đặt câu hỏi, Đức Phật sẽ trả lời hoặc không trả lời! Chính Đức pháp chủ Xá-lợi-phất có dạy rằng, một câu hỏi có thể được trả lời bằng một trong bốn cách khác nhau:

* Một là, có câu hỏi phải giải đáp ngay tức thời, giải đáp ngay “một cái một”!

* Hai là, có câu hỏi thì phải chia chẻ ra để giải đáp từng phần.

* Ba là, có câu hỏi – phải cần hỏi lại rồi mới giải đáp.

* Bốn là, có câu hỏi không nên trả lời mà phải làm thinhĐức vua Mi-lan-đà hỏi:

– Đại đức có ví dụ nào về câu hỏi phải giải đáp ngay tức thời, đáp ngay một cái một?

– Thưa vâng, ví dụ câu hỏi: Danh sắc là thường hay vô thường? Thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường? Các loại câu hỏi ấy là phải đáp ngay “một cái một”, tâu đại vương!

– Vâng, trẫm hiểu rồi. Thế các loại câu hỏi nào phải chia chẻ ra để giải đáp từng phần?

– Thưa, ví dụ câu hỏi: Thế nào là tiến trình sinh diệt của ngũ uẩn? Câu hỏi ấy muốn cho người ta hiểu rõ thì phải cắt nghĩa, trình bày về hành tướng của sắc, xong rồi mới đến thọ, đến tưởng, đến hành, đến thức. Phải nói rõ chức năng và hoạt dụng của từng tâm sở, sau đó mới giải thích được tiến trình sinh diệt của ngũ uẩn đó ra sao!

– Hay lắm! Còn loại câu hỏi phải hỏi ngược lại, đại đức có thể cho nghe ví dụ chăng?

– Vâng, có thể được. Ví dụ loại câu hỏi: Người ta có thể cảm nhận được trần cảnh qua con mắt phải chăng? Thưa đại vương, vì câu hỏi ấy mơ hồ, không rõ nghĩa – nên cần phải được hỏi lại. Ví dụ, sẽ hỏi lại: Ông có thể cho biết cái gì là trần cảnh? Ví dụ, người kia trả lời: Các hình tướng, sắc pháp mà mắt cảm nhận được gọi là trần cảnh! Khi được trả lời như vậy ta có thể hỏi lại: Thế âm thanh, mùi vị … không phải là trần cảnh sao?… Tất cả các câu hỏi ấy nhằm để cho người hỏi hiểu rõ rằng tất cả ngũ trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, đều là trần cảnh. Và cảm nhận trần cảnh ấy không phải chỉ có con mắt mà còn có tai, mũi, lưỡi và thân nữa!.

– Cảm ơn đại đức! Chẳng có sự giải đáp nào rõ nghĩa hơn thế nữa. Nhưng còn loại câu hỏi thứ tư, tại sao phải im lặng!

– Thưa, vì các loại câu hỏi ấy là rỗng không, phù phiếm, hý luận … chỉ đưa đến não hại chứ không đưa đến lợi ích nên phải làm thinh!

– Xin đại đức cho ví dụ.

– Vâng! Ví dụ: Thế giới hữu biên hay vô biên? Sanh mạng và thân thể là một hay là hai? Sau khi Niết bàn rồi Như Lai còn hay mất?!… Tâu đại vương! Đấy là những câu hỏi mà ta phải im lặng vì chính chúng là rỗng không, phù phiếm, hý luận … không đưa đến ly tham, giác ngộ, giải thoát …, nghĩa là chỉ làm mất thì giờ, có hại và không có lợi vậy!

– Trẫm chấp nhận trọn vẹn tất cả mọi kiến giải của đại đức!

102. Chúng sanh sợ hãi diêm chúa?

– Thưa đại đức, có phải Đức Phật thuyết rằng: “Tất cả chúng sanh hằng rùng mình sợ hãi khi nghĩ đến oai lực của diêm chúa, của tử thần” ?

– Đúng như thế.

– Và cũng chính Đức Thế Tôn có thuyết rằng: “Bậc A-la-hán là bậc đã chấm dứt hoàn toàn sợ hãi” ?

– Đúng như thế.

– Đại đức có thấy là câu pháp ngôn trước mâu thuẫn với câu pháp ngôn sau chăng?. Nếu “tất cả” chúng sanh đều khiếp sợ sự tai hại và khiếp sợ sự chết – thì tại sao các vị A-la-hán lại không khiếp sợ sự tai hại và không khiếp sợ sự chết? Đại đức có thể giải nghi vấn đề ấy cho trẫm được không?

– Tâu đại vương! Bậc A-la-hán đâu phải là chúng sanh? Các ngài đã cắt đứt con đường trở lại với tam giới, không còn cấu sanh, đã dứt tuyệt vô minh phiền não, không còn nhân quả chi phối; đã ở ngoài thiện ác thế gian, đã cắt đứt trọn vẹn mọi trói buộc – thì các ngài đâu còn sanh khởi tâm niệm luyến ái trần thế – mà lại gọi là chúng sanh được?

– Đành rằng thế, nhưng tại sao Đức Tôn Sư lại bảo là “tất cả“!. “Tất cả” nghĩa là không loại trừ một ai, thì sao lại loại trừ các bậc A-la-hán khi các ngài còn mang thân tâm hữu vi này?

– Đại vương! “tất cả” nhưng có loại trừ là một lập ngôn bình thường, đại vương cũng không hiểu sao?

– Trẫm chưa hiểu lập ngôn như thế? Đại đức có thể cho nghe ví dụ chăng?

– Có thể được, tâu đại vương! Ví như đại vương có những vị quan trung thành, mẫu mực, liêm khiết, là người đáng tin cậy. Hôm kia, có việc về tài chánh và quốc phòng, đại vương ra thông cáo cho nhân dân trong quốc độ rằng: “Tất cả mọi người dân trong quốc độ, tùy theo tuổi tác, chức vụ, nghề nghiệp … ai ai cũng phải đóng thuế đinh, thuế thân, thuế chi phí quốc phòng .v.v… Nếu ai bất tuân mà trốn thuế, khai man, lậu thuế hoặc cưỡng lệnh, hay nộp không đúng kỳ hạn thì phải bị trọng hình!“. Lệnh được ban ra, sau đó, đức vua cắt cử những vị quan thanh liêm của đại vương phân bố đi các nơi để thâu thuế. Đại vương nghĩ thế nào? Tất cả nhân dân, nghĩa là ai ai cũng phải đóng thuế, nhưng những vị quan của đại vương họ có đóng thuế chăng?

– Họ đi thâu thuế thì sao họ lại phải đóng thuế? Phải loại trừ họ ra chứ?

– Vậy, dầu đại vương bảo là “tất cả” nhưng tại sao ở đây lại “loại trừ” những vị quan liêm khiết của đại vương?

Đức vua Mi-lan-đà nín lặng.

– Lại nữa – Đại đức Na-tiên nói tiếp – khi lệnh của đại vương được ban ra, tất cả nhân dân đều khiếp sợ uy lực của đại vương, khiếp sợ trọng hình – nhưng những vị quan của đại vương có khiếp sợ uy lực của đại vương, có khiếp sợ trọng hình chăng?

– Họ đi thi hành nhiệm vụ thì làm sao lại sợ hãi như vậy được!

– Và như vậy, dầu nói là “tất cả” nhưng vẫn có trường hợp “loại trừ” đấy – Đại vương đã hiểu rõ cách lập ngôn bình thường ấy chưa?

Đức vua Mi-lan-đà cười vui vẻ:

– Rất là chết lý, chẳng tranh cãi với đại đức chỗ nào được cả. Nhưng giá như đại đức tìm cho trẫm một ví dụ cụ thể nữa thì trẫm mới thật sự khâm phục!

– Có thể được, tâu đại vương! Ví như có ông xã trưởng kia muốn triệu tập một cuộc họp tại hội trường lớn, bèn cho người thông báo rằng: “Yêu cầu toàn dân đều phải đi họp đông đủ, bất kể gái trai, già trẻ, nếu ai bất tuân sẽ bị phạt“. Sau khi thông báo rồi, mọi người trong xã lũ lượt kéo đến đầy đặc cả hội trường. Những người có trách nhiệm bèn nói với ông xã trưởng rằng: Thưa ngài, tất cả dân chúng trong thôn đều đã tụ họp đầy đủ rồi, ngài hãy bắt đầu cuộc họp là vừa phải lẽ!

Tâu đại vương! Cuộc họp ấy thế là đầy đủ tất cả mọi người trong thôn, chẳng hay có “ngoại trừ” người nào không?

Đức vua Mi-lan-đà mỉm cười:

– Chắc là phải có “ngoại trừ” chứ! Đó là các ông già, bà lão đi không nổi, các ấu nhi, trẻ sơ sinh, một số người do bận việc coi nhà cửa, số người khác đi vắng, lại còn người tật nguyền và ốm bệnh nữa. Rõ là rất nhiều kẻ phải “ngoại trừ” vậy, dầu là cuộc họp đầy đủ “tất cả” toàn dân!

Đại đức Na-tiên cũng mỉm cười:

– Cảm ơn đại vương! Thế là đại vương đã nắm rất rõ vấn đề! Đại vương đã hiểu rõ “tất cả” chúng sanh, nhưng “ngoại trừ” các bậc A-la-hán không kể vào trong nhóm chúng sanh ấy.

– Thế nhưng trẫm vẫn còn một sự thắc mắc khác nữa!

– Xin sẵn lòng hầu đáp đại vương!

– Tất cả chúng sanh đều phải khiếp sợ sự tai hại, khiếp sợ uy lực của tử thần, ngoại trừ các bậc A-la-hán. Nhưng các chúng sanh hiện sống trong địa ngục thì sao, họ có sợ hãi diêm chúa không?

– Chúng sanh ở địa ngục vẫn sợ hãi diêm chúa đấy, tâu đại vương!

– Chẳng lẽ nào! Những chúng sanh ở địa ngục họ đã chịu đựng quá nhiều đau khổ rồi. Kẻ thì bị thiêu đốt, kẻ thì bị nấu trong chảo dầu sôi, kẻ thì bị co quắp thân thể vì đau đớn do bàn chông, do lũ đầu trâu mặt ngựa hành hạ! Ôi! Vô vàn sự thống khổ mà chúng sanh ở địa ngục phải chịu đựng. Đáng lẽ họ mong được chết sớm, chết mau, vì chết đi để khỏi bị hành hạ nữa, khỏi phải bị thọ khổ nữa. Họ mà còn sợ hãi diêm chúa là điều mà trẫm không thể hiểu được, thưa đại đức!

– Thắc mắc của đại vương cũng có lý, tuy nhiên, năng lực của sự sợ hãi tử thần nó kinh khiếp hơn tất cả mọi sự sợ hãi khác.

– Thưa, đấy là những sợ hãi gì?

– Ví như sợ hổ cắn, sợ voi dữ, sư tử dữ, cọp dữ, gấu dữ, trâu bò dữ, sợ tai ương, sợ hoạn nạn, sợ luật vua, sợ phép nước, sợ lửa, sợ nước, sợ chông gai, sợ ma-ya, sợ đói, sợ tật bệnh, sợ mộng dữ, sợ bão tố, sợ thiên tai bệnh dịch v.v… Tất cả những sợ hãi ấy, so với sự sợ hãi tử thần thật không đáng kể! Sự chết có một oai lực vô song, thậm chí ở địa ngục thống khổ như vậy mà chúng sanh ở đấy vẫn sợ sự chết như thường!

– Đại đức hãy cho nghe ví dụ, may ra trẫm hiểu được điều phi lý ấy!

– Thưa vâng, ví như có một người bị mụt nhọt to lớn, đau nhức hành hạ ngày đêm. Thầy thuốc bảo rằng, cái mụt nhọt ấy phải mổ mới lành bệnh được. Xong, ông thầy thuốc lấy đồ nghề giải phẩu ra. Ông ta lấy ra một con dao bén ngọt, sắc lạnh. Ông ta mài con dao trên đá năm, bảy lần rồi hơ trên lửa … ông ta tay nắm chặt con dao đỏ rực từ từ bước tới chỗ bệnh nhân, đưa tay trái nắm chặt xung quanh chỗ mụt nhọt ấy. Lưỡi dao sáng loáng đưa lên! Tâu đại vương! Khi ấy không biết người bị mụt nhọt có cảm thấy sợ hãi không?

– Chắc ai cũng có sự sợ hãi, thưa đại đức!

– Người mụt nhọt bị hành hạ đau đớn ngày đêm ấy cũng tương tự như chúng sanh bị trả quả kinh khiếp trong địa ngục vậy. Mặc dầu mổ hết đau, nhưng thấy mổ vẫn sợ hãi như thế nào – thì địa ngục cũng như thế: Chết thì hết khổ nhưng vẫn sợ chết như thường, tâu đại vương!

– Trẫm đã thông mọi lẽ rồi – nhưng vẫn còn muốn nghe thêm ví dụ nữa.

– Thưa vâng, ví như có người bị rắn độc cắn, đau đớn dữ dội, thân hình co quắp, mặt xám xanh, miệng sùi bọt mép. Có ông thầy rắn có bùa phép, điều khiển được rắn độc như ý muốn. Ông ta sau khi làm phép, con rắc độc ngoan ngoãn bò đến người bị nạn, thò miệng vào vết thương để hút nọc độc ra! Đại vương nghĩ thế nào, dù nạn nhân bị đau đớn dữ dội, nếu hút được nọc độc ra là giải thoát được cơn đau ấy, nhưng khi thấy rắn độc bò đến, thò miệng vào vết thương của mình, người kia có sợ hãi không?

– Thưa, lẽ thường thì cũng cảm thấy sợ sệt vậy.

– Chúng sanh ở địa ngục cũng thế, tâu đại vương! Tuy chết là hết khổ, nhưng vẫn hãi sợ tử thần với lưỡi hái đến cướp mạng sống thê thảm của họ đi!

– Hoàn toàn đồng ý với kiến giải lẫn những ví dụ cụ thể, sống động của đại đức.

103. Tụng kinh Paritta thật không có lợi ích!

– Đức Thế Tôn có dạy rằng: “Dù trong động thẳm hang sâu, trong những bảo điện kiên cố với tường sắt vây quanh, giữa hư không bao la, sâu thẳm, giữa đáy đại dương hoặc trong lòng muôn trượng của quả đất – chẳng có nơi nào thoát khỏi lưỡi hái của tử thần!“. Điều ấy là chân lý chắc thật phải không đại đức?

– Chẳng có lời nào của Đức Đại Giác là không hợp với chân lý, với sự thật!

– Nếu là vậy thì tại sao Đức Tôn Sư lại nói rằng, người nào tụng kinh hộ trì an lành (kinh Paritta) thì sẽ thoát khỏi uy lực của tử thần? Rõ ràng là lời thuyết này đâm xóc lời thuyết kia? Rõ ràng là lời thuyết sau phá vỡ chân lý của lời thuyết trước? Và, chẳng lẽ nào Đức Đại Giác lại nói ra hai lời nghịch nghĩa như mâu với thuẫn, như nước với lửa, như sáng với tối như thế? Đại đức phải có bổn phận và trách nhiệm phá nghi cho người học Phật thời hậu lai và chống đỡ búa rìu của phường ngoại giáo nhiều môi lắm mép!

– Dĩ nhiên là phải thế, tâu đại vương! Và dĩ nhiên là Đức Đại Giác chẳng bao giờ nói hai lời nghịch nghĩa! Sở dĩ có sự hiểu lầm là vì người ta chưa hiểu năng lực của kinh hộ trì an lành đó thôi!

– Xin đại đức giảng cho nghe về năng lực đó.

– Thưa vâng, đại vương, ngài nghĩ thế nào, ví như có một cái cây già cỗi đã nhiều năm, ruột bộng, bên trong hoàn toàn khô kiệt nhựa và mủ; nghĩa là cái cây ấy không còn sự sống, nó đã chết, đã chấm dứt tuổi thọ. Có người khởi lên vọng tưởng muốn cho cây được sống lại, được đâm chồi nẩy lộc; bèn tưới nước, thêm phân; ngày nào cũng siêng năng tưới tắm, bảo vệ, giữ gìn … những mong cái cây ấy được sống lại! Đại vương nghĩ thế nào, với nỗ lực của người ấy, chăm chuyên tưới nước, săn sóc nó từ ngày này sang ngày nọ – cái cây chết khô kia có vì vậy mà nẩy tược, đâm chồi, mọc lá xanh tươi trở lại hay không?

– Thưa, thật là việc làm vô ích của người ngu; cây đã chết rồi, đã chấm dứt tuổi thọ rồi thì chẳng có năng lực gì, nỗ lực nào làm cho sống lại được!

– Cũng tương tự như thế đó, tau đại vương! Một người khi mà thân xác khô kiệt, tim đã ngừng đập, máu không còn chảy nữa, sự sống đã lìa khỏi thân xác, tuổi thọ đã cáo chung; thì dù tụng kinh với nhiều oai lực như kinh hộ trì an lành Paritta, tụng năm biến, ngàn biến, hay tụng cả bỏ ngủ quên ăn, không vì vậy mà người kia sống lại được, tâu đại vương! Khi mà tử thần đã khua lưỡi hái cướp đi sanh mạng của chúng sanh rồi thì chẳng còn uy lực nào chống đỡ hoặc ngăn cản được đội binh sấm sét và bất khả chiến bại của thần chết, tâu đại vương!

Đức vua Mi-lan-đà mỉm cười:

– Thế là đại đức đã đồng ý với trẫm, là tụng kinh Paritta thật vô ích, kinh Paritta ấy chẳng thể nào ngăn cản uy lực của tử thần được!

– Đúng thế, nhưng mà đại vương hãy nhẫn nại thêm một tí nữa.

– Thưa vâng,

– Đại vương! Ví như có một bệnh nhân thọ bệnh trầm kha, cả lục phủ ngũ tạng đều nát bét, tim và mật đều không còn làm việc. Có một vị lương y đại tài với quyết tâm chữa trị cho bằng được, bao nhiêu thuốc thang, kinh nghiệm, phương dược bí truyền đều mang ra hết. Đại vương nghĩ thế nào, người kia có chút may nào sống lại chăng?

– Bệnh nhân ấy chuẩn bị quan tài là vừa, thưa đại đức!

– Đúng thế, khi sự sống đã rời khỏi thân, khi thọ mạng đã bước ra khỏi cửa – thì việc làm của vị lương y trứ danh kia chẳng khác việc làm của người điên! Lúc ấy, diêm chúa và tử thần ái ngại nhìn vị lương y rồi nói rằng: “Sanh mạng của người kia đã ở trong tay chúng ta rồi, ngươi muốn tụng kinh Paritta để hộ trì an lành và thọ mạng cho y thì chẳng khác nào phỉ báng Đức Phật và phỉ báng cả kinh Paritta!“.

– Hay lắm! dí dỏm lắm! Thế là thêm một lần nữa, đại đức đã đồng ý với trẫm.

– Là vậy mà không là vậy, tâu đại vương! Xin ngài hãy nhẫn nại cho một tí nữa!

– Xin sẵn lòng!

Nghỉ hơi một lát, đại đức Na-tiên nói tiếp:

– Đại vương, ví như người điền chủ kia có một đám ruộng xanh tốt, đến thời, hạt lúa vàng nặng trĩu đầy cành. Nhưng vì tâm tham, người điền chủ muốn năng suất lúa phải bội thu hơn nữa, nên ngày nào y cũng thêm nước, rải phân! Đại vương nghĩ thế nào, với việc làm của người điền chủ, có vì thế mà hạt lúa nảy sanh thêm được chăng?

– Thật không thể.

– Cũng dường thế ấy, đại vương! Cây lúa già hạt trĩu đầy cành, vàng óng, là báo hiệu cây lúa sắp chết. Con người khi mà thân xác đã già, thọ mạng sắp ngưng dứt thì dẫu có thêm nước thêm phân, tụng kinh Paritta thảy đều vô ích, thọ mạng của người ấy không thể kéo dài ra, phát triển thêm được đâu.

– Trẫm hoàn toàn đồng ý.

– Trở lại với các trường hợp trên thử xem. Ví dụ là cái cây cằn cỗi do thiếu phân, thiếu nước; nghĩa là tuổi thọ chưa chấm dứt, sự sống hãy còn; nếu ta chăm bón và nước nôi đầy đủ thì cái cây kia chắc hẳn là phải xanh tươi, phát triển cành lá sum suê chứ, đại vương?

– Đích thị.

– Cũng vậy là một người sanh mạng chưa chấm dứt, sự sống vẫn còn, nhưng do tiều tụy héo mòn bởi phiền não, bởi nhiều sự tai hại, não hại mà ảnh hưởng đến thân và tâm. Nếu kẻ ấy không có đức tin, hoàn toàn đổ sụp tinh thần, hoàn toàn tuyệt vọng – thì tử thần có dễ dàng lê bánh xe của thần chết đến để nghiền nát sinh mệnh của người kia không, hở đại vương?

– Chắc chắn là vậy rồi!

– Nhưng trái lại, nếu người ấy có quy y, tinh thần được khởi động để có niềm tin nơi Tam bảo, tin vào oai lực kinh Paritta có thể ngăn ngừa được thần chết, nên không mỏi mệt tụng kinh Paritta – thì thần chết có làm được gì kẻ kia không, nếu thọ mạng và sự sống ông ta hãy còn?

– Lúc ấy thì có thể thoát khỏi lưỡi hái của diêm chúa.

– Thế kinh Paritta lúc ấy có thật sự lợi ích không hở đại vương!

– Thật sự có lợi ích!

– Đại vương, thế là đến ngang đây, đại vương đã tự bác bỏ câu phát ngôn đầu tiên của mình rồi!

Đức vua Mi-lan-đà suy nghĩ hồi lâu:

– Có thể có một chút gì đó khá đúng. Nhưng ngài có thể cho nhiều ví dụ nữa để trẫm tiếp tục suy gẫm xem?

– Vâng! Nếu có người bệnh, bệnh không nặng lắm – nếu uống đúng thuốc, đúng liều lượng, biết kiêng cử thì bệnh sẽ lành chứ, đại vương?

– Vâng,

– Và khi ấy, thuốc ấy thật sự lợi ích chứ?

– Vâng!

– Một người khi có bệnh chút ít, tuổi thọ chưa chấm dứt, nếu người ấy có quy y Tam bảo, có đức tin vững chắc mà tụng kinh Paritta – thì có ngăn được tử thần không, đại vương?

– Có thể được! Vì có lòng tin nên kinh Paritta sẽ phát sanh năng lực!

– Thế là đại vương đã cùng chấp nhận quan điểm, là tụng kinh Paritta phát sanh năng lực rồi!

– Vâng, trẫm chấp nhận! Thế thì kinh Paritta chỉ hộ trì được những người có đức tin, những người thọ mạng chưa chấm dứt mà thôi, phải thế?

– Thật là chính xác, tâu đại vương! Cho nên kinh Paritta có nghĩa là “kinh hộ trì an lành“! Hộ trì nghĩa là bảo vệ, che chở! Bảo vệ và che chở những người có đức tin, những người còn thọ mạng, nên ngăn chặn được tử thần không cho đến sớm! Chứ không phải kinh Paritta có năng lực bảo vệ và che chở những người không có đức tin, những người thọ mạng đã chấm dứt, tâu đại vương!

– Bây giờ thì trẫm hoàn toàn hiểu rồi!

– Đại vương, quả thật vậy, những người có đức tin nơi Tam bảo, có đức tin vào năng lực kinh Paritta, tin về những đức lành của kinh Paritta; dốc lòng trì tụng kinh Paritta thì có thể tiêu trừ tất cả bệnh tật, tai ương, hoạn nạn; lại có công năng hộ trì an lành, ngăn ngừa được lưỡi hái của tử thần là điều chắc thật!

– Đại đức có bằng cớ chăng?

– Thưa, có. Tại thành Vesàli, đại đức Ànanda đã tụng kinh Paritta, cả đêm, trọn ba vòng thành; tất cả chư thiên trong nhiều cõi giới ta bà đều hoan hỷ, và sau đó tất cả sự kinh sợ như bệnh dịch, phi nhơn và sự đói khát của nhân dân trong thành Vesàli đều được tai qua nạn khỏi!

– Trẫm cũng có đọc qua đoạn kinh ấy, sau đó, dường như có một trận mưa lớn nên nhân dân thoát khỏi nạn dịch hoành hành, nhờ mưa lớn nên mùa màng ruộng vườn tránh khỏi cái khô hạn! Hết dịch, hết đói cũng vì thế. Còn nhờ sao mà phi nhơn hết quấy phá nữa thì trẫm không hiểu.

– Chính nhờ sự mát mẻ, an lành từ oai lực kinh Paritta nên các trạng thái tâm nóng nảy, hung dữ … lắng dịu lại, tâu đại vương!

– Rất là chí lý. Nhưng oai lực kinh Paritta còn diệu dụng nào kỳ lạ nữa chăng?

– Vâng, có, tâu đại vương! Các vị Thánh Tăng, Cao Tăng thường truyền tụng rằng, nếu chuyên trì tụng kinh Paritta thì rắn độc phải lặng lẽ cúi đầu bỏ đi, không dám có ý định cắn mổ nữa. Kẻ trộm vừa giơ gậy muốn đánh, nghe kinh Paritta, phải dịu dàng bỏ thỏng tay xuống. Voi số mạch (nổi cơn dục) rất hung dữ, chạy đến muốn chà đạp người, nghe kinh Paritta, chúng sững lại, hiền lành ngoan ngoãn bỏ đi. Dùng lửa cháy cực mạnh đốt người – đang trì tụng kinh Paritta, lửa ấy không hại người ấy được. Dùng thuốc độc cũng không hại người tụng kinh Paritta .v.v…

– Thật lạ lùng làm sao!

– Chưa đâu đại vương! Lại có trường hợp một con công quyết tâm tụng kinh Paritta để tự bảo vệ mình, có người thợ săn kiên trì đơm bẫy tới bao nhiêu năm cũng không bắt được. Đến khi con công ấy sầu muộn vì luyến ái một con công mái mà quên không tụng kinh Paritta, trong một ngày thôi thì đã bị dính bẫy người thợ săn.

– Trẫm cũng có biết câu chuyện ấy, nói tóm lại là kinh Paritta có năng lực bảo vệ, hộ trì; nhưng trẫm thắc mắc là kinh ấy bảo vệ, hộ trì cho tất cả chúng sanh, tất cả mọi người hay cho một loài, một nhóm, một số người nào đó thôi?

– Không thể hộ trì cho tất cả được.

– Tại sao thế, đại đức?

– Đại vương, ngài nghĩ thế nào, vật thực có hộ trì cho sanh mạng tất cả chúng sanh chăng?

– Thưa, có người hộ trì được, có người không thể.

– Tại sao lại như vậy?

– Ví như có người ăn vật thực quá độ, chất lửa trong bao tử không thể tiêu hóa được, sẽ đầy hơi tức bụng mà chết. Trường hợp ấy gọi là vật thực không thể hộ trì.

Đại đức Na-tiên hỏi lại:

– Thế thì vật thực không thể hộ trì sanh mạng chúng sanh chỉ có hai nguyên nhân:

Thứ nhất, thọ dụng vật thực quá độ.
Thứ hai, do chất lửa trong bao tử non nên không tiêu hóa vật thực được.

– Đúng như thế, thưa đại đức!

– Vật thực vốn là món nuôi sanh mạng chúng sanh, nhưng bởi lẽ chúng sanh tham ăn tham uống quá độ, không biết thọ dụng chừng mực, vừa phải – nên nó trở thành thủ phạm giết hại sanh mạng chúng sanh, phải vậy không đại vương?

– Thật là chính xác!

– Kinh Paritta cũng như vật thực vậy, tâu đại vương! Kinh Paritta có người hộ trì được, có người không! Những người mà kinh Paritta không thể hộ trì được có ba lý do sau:

Một là, do năng lực nghiệp ác cản trở.
Hai là, do nhiều phiền não phát sanh ở trong tâm.
Ba là, do người đọc tụng mà không có đức tin, không trì chí, không quyết tâm, chỉ tụng đọc vẹt nơi miệng!

Đấy là ba cản trở lớn làm cho Paritta không thành tựu, tâu đại vương!

– Như vậy là do chính lỗi lầm, sái quấy của người tụng đọc chứ không phải do kinh Paritta!

– Đúng thế, tâu đại vương! Vật thực cũng như kinh, vốn không có tội gì.

– Đại đức có khả năng cho ví dụ về điều ấy không?

– Thưa được! Ví như có bà mẹ sanh đứa con một, biết bao công lao ẵm bồng, bú mớm, dọn phân, dọn nước tiểu. Lớn hơn chút nữa, lại phải áo quần, trang điểm, giáo dưỡng, dạy bảo nhiều bề. Tuy nhiên, giả dụ như sau này đứa con sinh hư, phạm tội với luật pháp. Người mẹ đau khổ, tìm cách đến công đường cố xin ân xá tội cho con! Tâu đại vương, nếu là đại vương thì đại vương có xá tội cho người con ấy không?

– Người mẹ ấy cũng đáng thương, nhưng luật pháp nghiêm minh, nếu tha thứ cho một người thì nhân dân sẽ khinh nhờn mà phạm nhiều tội khác nữa.

– Vâng, như thế có nghĩa là ai làm nấy chịu, nghiệp ai kẻ ấy phải thọ quả báo! Người mẹ kia không thể xin tội cho con như thế nào – thì kinh Paritta cũng không thể hộ trì cho những người đã bị ba lý do nêu trên cản ngăn!

Đến đây, đức vua hết lòng khen ngợi:

– Quả là biện tài. Quả là đại đức có khẩu ngôn thiện xảo. Cách trả lời với nhiều ví dụ, so sánh của ngài làm cho càng lúc chính đề càng thêm sáng tỏ. Hoài nghi đã chấm dứt. Mắt mờ đã được sáng. Lưới tà kiến đã được tháo gỡ. Trí tuệ của đại đức thật là siêu việt vậy.

– Không dám! Với những câu hỏi của đại vương, bần tăng cũng toát mồ hôi khi cố đưa ra những kiến giải non nớt, nông cạn, mong đại vương hỷ xả cho!

Đức vua Mi-lan-đà mỉm cười:

– Không cần thiết phải khiêm tốn như thế, đại đức! Chúng ta đối thoại với nhau, ngay từ đầu đã xác định là cách đối thoại của bậc trí giả mà! Vậy khách sáo với nhau làm gì.

Đức Na-tiên cũng mỉm cười ý nhị.