Sự Tích Quan Âm Thị Kính

Sự Tích Quan Âm Thị Kính

Đỗ Quang Huy 63
Cổ sử truyện
CON GÁI ĐỨC PHẬT

(Hành trạng của chư Thánh ni
& những cận sự nữ đặc biệt và thù thắng)
Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Nhà Xuất Bản Văn Học
Tái bản 2014

Lời thưa

Năm 2010, tại Sài Gòn diễn ra đại hội “Con gái đức Phật” quy tụ hội chúng tỳ-khưu-ni và cận sự nữ Nam Bắc tông trên khắp thế giới về tham dự.

Tôi không biết gì về nội dung cũng như hình thức đại hội ấy, nhưng cụm từ “Con gái đức Phật” tôi nghe sao nó dễ thương, bình dị và rất gần gũi với ngôn ngữ đời thường. Từ đó, tôi khởi tâm biên soạn một cuốn sách để giới thiệu về những vị Thánh Ni và những cận sự nữ có hành trạng đặc biệt và thù thắng thời đức Phật và đặt tên đầu sách là “Con gái đức Phật”.

Tiêu biểu như sau:

Chư vị Thánh Ni thù thắng:

– Tỳ-khưu-ni Mahā Pajāpati Gotamī (Bậc Ni trưởng thánh hạnh và gương mẫu)
– Tỳ-khưu-ni Yasodharā (Bậc đại thần thông)
– Tỳ-khưu-ni Khemā (Bậc đệ nhất trí tuệ)
– Tỳ-khưu-ni Upalavaṇṇā (Bậc đệ nhất thần thông)
– Tỳ-khưu-ni Dhammadinnā (Bậc đệ nhất thuyết pháp)
– Tỳ-khưu-ni Paṭācārā (Bậc đệ nhất thông luật)
– Tỳ khưu-ni Kisā-Gotamī (Bậc đệ nhất mặc y thô tháo)
– Tỳ-khưu-ni Bhadda-Kuṇḍalakesā (Bậc đệ nhất thắng trí nhạy bén)
– Tỳ-khưu-ni Ambapālī (Hoàng hậu kỹ nữ)
– Tỳ-khưu-ni Subhā (Người cho con mắt đẹp)
– Tỳ-khưu-ni Puṇṇikā (Cô gái nô lệ đội nước)
-Tỳ-khưu-ni Prakirti (Cô gái hạ tiện yêu đại đức Ānanda)
Những nữ nhân đặc biệt, khả kính:

– Bà Visākhā (Đại thí chủ)
– Hoàng hậu Mallikā (Nữ cận sự xuất sắc)
– Hoàng hậu Sāmāvatī (Từ ái dịu dàng)
– Thị nữ lưng gù Khujjuttarā (Đệ nhất thuyết pháp)
– Cô Uttarā (Năng lực tâm từ)
– Cô Sirimā (Kỹ nữ nổi danh)
– Bà Mẹ Mātikagama (Người hộ độ hy hữu)
– Nữ thí chủ Suppiyā (Cúng dường thịt đùi)
– Hoàng hậu Mahāyānā (Phật mẫu)
– Cô gái con người thợ dệt (Vào dòng trước khi chết)
– Cô bé Puṇṇā và nàng Sujātā (Cúng dường vi diệu)

Đầu tiên thì tôi không dám nghĩ đến những mục đích gì to tát, nhưng càng viết, tôi càng ngẫm ngợi nhiều về những điều sau đây:

– Vị tỳ-khưu-ni nào, cận sự nữ nào được thành tựu lớn lao cũng do nhờ nhân duyên dày sâu từ quá khứ.

– Mọi khả năng về trí tuệ, về thắng trí, về thiền định, về thuyết pháp, về giới luật, về tâm từ, về khổ hạnh, về mặc y thô tháo, về bố thí, về hộ độ và cả về sự thông minh, khéo léo trong tương quan ứng xử… thì họ không hề thua nam giới.

– Họ là những vị “sứ giả tình thương” thành công trong lãnh vực xoa dịu nỗi đau của những phụ nữ có hoàn cảnh bất hạnh do kỳ thị, do bất công đối xử, do ngã gục trên tình trường, do hoàn cảnh bất trắc, éo le từ xã hội, từ nghiệp cũng như từ những trớ trêu của đời sống.

Xem lại thực trạng hiện nay của phụ nữ, thì:

– Trên khắp thế giới, họ chịu nhiều thiệt thòi, nhiều đau khổ hơn nam giới, mặc dầu tuyên ngôn nam nữ bình quyền đã có mặt trên thế giới cả một thế kỷ rồi.

– Những xứ sở phong kiến, những quan niệm cổ truyền, những tín lý tôn giáo khắt khe, mù quáng, xem nữ giới như nô lệ, như kẻ ăn người ở vẫn còn đầy dẫy trên các nước Trung Đông, Châu Á, châu Phi và cả Nam Mỹ.

– Báo chí khắp nơi báo động về nạn buôn người tại một số nước trên thễ giới, trong đó có Việt Nam. Xem nữ giới chỉ như món hàng trao đổi, thậm chí, tệ hại hơn, chỉ để giải quyết tình dục cho nam giới.

Tôi nghĩ, thân phận người nữ sao mà thê thảm, đã chín tháng mười ngày âm thầm chịu đựng đau khổ để “sinh ra con người cho nhân loại” lại còn gánh thêm không biết bao nhiêu nghịch cảnh, tai ương, bị phản bội, bị đánh đập, bị trấn bức… từ xã hội và từ con người. Tuy nhiên, nói gì thì nói, phụ nữ họ có những đức tính vượt trội như quán xuyến gia đình, lo cho chồng, cho con, chịu đựng gian khổ, đắng cay; bàn tay và tấm lòng họ tỏa ra sự nhân ái và dịu dàng. Họ là những NGƯỜI MẸ viết hoa vậy. Dường như mọi người đàn ông, mọi người con trai trên đời này, khi đau khổ nhất, thống khổ nhất, đều không réo trời, réo đất, réo Thánh Thần Tiên Phật mà họ đều kêu lên hai tiếng “ Mẹ ơi!”

Cuối cùng, cho tôi nói thêm mấy điều:

– Hiện tại, trên khắp thế giới, nhất là Đài Loan, Việt Nam – nữ giới xuất gia nhiều hơn nam giới.

– Chăm sóc, phục vụ tại các cơ sở tình thương, từ thiện xã hội, đa phần là bóng dáng các ni cô, các “ma soeur” hoặc là những nữ nhân giàu lòng nhân ái.

– Phật giáo Bắc Tông, Khất Sĩ, nữ giới có giới phẩm tỳ-khưu-ni; riêng Phật giáo các nước Theravāda như Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia, Việt Nam là bị thiệt thòi. Riêng Tích Lan và Ấn Độ thì đã có cải cách, đã có tổ chức nhiều đại giới đàn cho Ni giới.

– Có những người tu học từ thuở còn con gái, cách đây đã trên năm, sáu mươi năm đến bây giờ vẫn chỉ là tu nữ, tuổi già cô quạnh, cô độc, khi đau ốm không có ai chăm sóc thuốc thang, đi tới đi lui lụm cụm, khó khăn, chẳng có ai giúp đỡ vì họ không có giới phẩm để nhận đệ tử học tu! Điều đó không đáng làm cho chúng ta quan tâm, suy nghĩ hay sao?

Cuối cùng, xin dành tặng quyển sách khiêm tốn này đến cho tất thảy “Con gái đức Phật” tại Việt Nam và trên thế giới.

Trân trọng
Am Mây Tía – Huyền Không Sơn Thượng
Tỳ-khưu Giới Đức (Sīlaguṇo-bhikkhu)
(bút hiệu Minh Đức Triều Tâm Ảnh)