Kinh Địa Tạng

Kinh Địa Tạng

Trương Văn Chiến 38

KINH ÐỊA TẠNG
Hòa Thượng Thích Trí Quang Dịch Giải

MỤC LỤC

I. Dẫn Nhập

A. Thứ Nhất, Tiểu Dẫn Về Tài Liệu

B. Thứ Hai, Tìm Xét Về Dịch Chủ

C. Thứ Ba, Khái Lược về Nội Dung

D. Phần Chính Thuyết

E. Phần Bổ Túc

II. Ghi Về Địa Tạng Đại Sĩ

A. Địa Tạng Đại Sĩ

B. Địa Tạng Đại Sĩ và Kinh Địa Tạng

III. Nghi Thức Sám Nguyện Đơn Giản Trước Khi Trì Tụng Kinh Địa Tạng.

IV. Kinh Địa Tạng: cuốn trên[1]

A. Phẩm 1: Thần Thông Tại Cung Đao Lợi

B. Phẩm 2: Thân Phân Hóa Qui Tụ Lại

C. Phẩm 3: Quán Sát Nghiệp Quả Chúng Sinh

D. Phẩm 4: Nghiệp Quả Của Người Diêm Phù

V. Kinh Địa Tạng: cuốn giữa

A. Phẩm 5: Danh Xưng Địa Ngục

B. Phẩm 6: Thế Tôn Tuyên Dương

C. Phẩm 7: Lợi Ích Người Còn Kẻ Mất

D. Phẩm 8: Chúa Tôi Diêm La Xưng Tụng

E. Phẩm 9: Xưng Tụng Danh Hiệu Chư Phật

VI. Kinh Địa Tạng: cuốn dưới

A. Phẩm 10: Trắc Lượng Công Đức Bố Thí

B. Phẩm 11: Thần Đất Hộ Trì

C. Phẩm 12: Lợi Ích Của Sự Thấy Nghe
D. Phẩm 13: Thế Tôn Ký Thác

Kinh Dia Tang 1

GHI SAU DUYỆT ÐỊA TẠNG
Nếu nói vì sự dấn thân mà được Phật đem chúng ta ký thác, thì đó là sự đặc thù của đức Địa tạng mà Phật tử thì phải học tập.

Đời Phật có 2 vị đại sĩ quan trọng. Một là đức Từ thị, sẽ thay Phật làm Phật. Hai là đức Địa tạng, thay Phật mà gánh vác chúng sinh.

Địa tạng đề cao niệm Phật và bất sát, và xếp vào loại bất khả tư nghị cái phước giúp người già, người bịnh và sản phụ. Địa tạng chú trọng cả sinh và chết. Địa tạng rất trọng thị hạnh phúc nhân loại. Địa tạng hay nói Phật giáo, nhưng chữ ấy không có nghĩa tôn giáo của Phật, mà là giáo huấn của Ngài, và cái phước là làm theo giáo huấn ấy.

Địa tạng nói đến quỉ thần. Quỉ thần thật thì không đáng nói lắm. Hãy nói quỉ thần hình người mặt người. Quỉ thần ác có thiện có. Nhưng con người đa số ác nên quỉ thần ác lộng hành. Vậy đối phó với quỉ thần ác thì phải đừng ác.

Phật giáo có cái thuyết tam tai – Tam tai là 3 tai nạn đao binh, tật dịch và cơ cẩn, mà tôi đã dịch là chiến tranh, nhiễm độc và nhân mãn. Đó là 3 điều đang là mối lo lớn nhất cho cả thế giới. Trước đây không lâu thì chiến tranh hạt nhân là mối lo lớn nhất, nhưng hiện nay thì mối lo lớn nhất là ô nhiễm môi trường và bùng nổ dân số. Mối lo ô nhiễm môi trường lại có những mối lo liên hệ mà vi khuẩn HIV chỉ là một. Phật giáo không nói tận thế như các tôn giáo khác, nhưng mô tả tam tai thì thật kinh hoàng. Và nói về Địa tạng đại sĩ thì tam tai được nói đến còn hơn nói đến ngũ trược.

Mồng 8 Tháng Tư, 2537
Trí Quang
THỨ NHẤT, TIỂU DẪN VỀ TÀI LIỆU
1. Kinh này dịch và in năm 2514 (1970) một cách bình thường. Nay được chữa lại khá kỷ dẫu không còn để phần dịch âm.

2. Tài liệu được sử dụng là Đại tạng kinh bản Đại chính tân tu (ký hiệu là Chính) và Tục tạng kinh bản chữ Vạn (ký hiệu là Vạn).

3. Nguyên bản căn cứ để chữa là Chính 13/777 – 790. Nguyên bản này không chia 3 cuốn mà chia 2 cuốn thượng hạ. Bản in riêng của Phật giáo Trung hoa cũng được sử dụng. Địa tạng khoa chú (Vạn 35/197-336) lại càng được tham chiếu.

4. Quan trọng đến nỗi không thể thiếu được trong việc tìm hiểu về đức Địa tạng là kinh Thập luân (Chính 13/721-777). Bản dịch trước của kinh này (Chính 13/681-721) và kinh Chiêm sát (Chính 17/901-910) cũng được tham khảo.

5. Tài liệu để soạn nghi thức sám nguyện là Tán lễ Địa tạng bồ tát sám nguyện nghi (Vạn 129/68-71), nhưng kinh Thập luân vẫn là tài liệu chính.

THỨ HAI, TÌM XÉT VỀ DỊCH CHỦ
Về dịch giả kinh Địa tạng, có thể có 3 thuyết. Thứ nhất, tôi nhớ khi nhỏ có thấy 1 bản ghi ngài Pháp cự dịch. Thứ hai, 1 bản dịch ghi là ngài Pháp đăng. Thứ ba, nhiều bản ghi là ngài Thật xoa nan đà.

Về ngài Pháp cự, niên đại dịch kinh là 290-306 (Chính 98/678). Xuất xứ này cũng ghi dịch phẩm của ngài, như những xuất xứ khác. Trong những dịch phẩm được ghi, không có kinh Địa tạng. Nhưng trong Chính 49/61, cũng như mấy xuất xứ nữa, ghi dịch phẩm của ngài có 132 bộ 142 cuốn ẫ mà không bản mục lục nào ghi được đầy đủ. Như vậy không rõ trong đó có kinh Địa tạng mà thất lạc, hay không?

Về ngài Pháp đăng, không thể tìm thấy tên, nên không thể nói gì được.

Về ngài Thật xoa nan đà, niên đại dịch kinh là 695-704 (Chính 98/668). Có đến 5 xuất xứ ghi ngài là dịch giả kinh Địa tạng: Chính 13/777, Vạn 35/220A, Chính 99/346, Chính 99/376, và Chính 100/1010.

Phần tôi, sau khi tra cứu gần hết sử truyện và mục lục, ghi lại như trên đây. Nhưng thấy vấn đề dịch giả kinh Địa tạng vẫn bất ổn. Tôi lại không có 1 bản giảng giải mới nào, nên không biết có sự tra cứu nào đáng kể không. Riêng ngài Thái hư thì cũng cho dịch giả kinh Địa tạng là ngài Thật xoa nan đà (Thái hư toàn thư, 29/2470).

THỨ BA, KHÁI LƯỢC VỀ NỘI DUNG
Như vừa nói, nguyên bản kinh này chia 2 cuốn: cuốn thượng có các phẩm 1-6, cuốn hạ có các phẩm 7-13. Xét ra chia như vậy mới có nghĩa. Chia 3 cuốn thượng trung hạ chỉ để trì tụng cho thích hợp thì gian mà thôi. Kinh này cốt nói đại nguyện đại lực của Địa tạng đại sĩ. Cuốn thượng kể như là phần chính thuyết, nói đại lược đã đủ, và cuối phẩm 6 đã kết thúc bằng sự đặt tên kinh. Còn cuốn hạ kể như là phần bổ túc, bổ túc một số chi tiết. Nay tóm lược tất cả dưới đây.

PHẦN CHÍNH THUYẾT
Phẩm 1: Thần thông tại cung Đao lợi.- Sát với chính văn thì phải dịch là thần thông tại cung trời Đao lợi. Cung trời Đao lợi là Thiện pháp đường, tức giảng đường của Đế thích, và là chỗ Phật thuyết pháp cho mẹ, trong pháp được thuyết có kinh Địa tạng. Thần thông là đại bộ phận của thần lực và nhiều lúc cũng gọi là thần lực. Vã lại chữ thần lực đủ và sát với phẩm này, nên phải đổi ra. Xét thần lực của phẩm này nói thì thấy có 3. Một, thần lực không nói mà thấy rõ, đó là biến cung Đao lợi vốn rất lớn và trang nghiêm lại càng lớn và trang nghiêm vô tận (như Bồ đề tràng trong Hoa nghiêm). Hai, thần lực ánh sáng và âm thanh mà Phật biểu hiện ở cung Đao lợi (như phóng quang và thần lực trong Pháp hoa). Ba, thần lực hóa độ và tác thành của đức Địa tạng mà tại cung Đao lợi Phật đã đề cao. Chính yếu của phẩm này là 2 thần lực sau. Ngoài 3 thần lực này, phẩm này cốt nói đại nguyện của đức Địa tạng, đại nguyện ấy cũng là một thần lực, mà là thần lực quan trọng.

Phẩm 2: Thân phân hóa qui tụ lại.- Phân thân là phương tiện quan trọng nhất trong những phương tiện mà đức Địa tạng đã vận dụng để giải thoát cho bao kẻ tội khổ ẫ như đại nguyện mà phẩm 1 đã nói. Cũng chính vì đại nguyện nghiêng nặng về bao kẻ tội khổ, nên phân thân mà phẩm này nói đã nhấn mạnh phân thân ở địa ngục. Nhưng phân thân của đức Địa tạng, theo kinh Thập luân thì đếm được 42 loại (Chính 13/725), còn kinh này có 20 loại, của Phật nhưng là điển hình cho các vị đại sĩ. Phân thân như vậy có 2 loại lớn là hữu tình và vô tình. Trong loại vô tình, kinh Thập luân chỉ nói” hiện những cảnh đẹp cho người vui thích”, còn kinh này nói rõ hơn: hiện ra làm núi rừng, dòng nước, đồng bằng, sông ngòi, ao hồ, suối giếng. Nói rõ mà không đủ, vì ngoài núi rừng và đồng bằng, chỉ nói toàn nước — Nói như vậy cũng không lạ, nếu ta biết đến vấn đề nước ở cái xứ nóng như Ấn độ. Nhưng phải nói như chính đức Địa tạng đã nói mới rõ và đủ hơn, dầu vắn tắt hơn, rằng thân đức Địa tạng là thân không biên cương, rằng tại mỗi thế giới hệ, ngài phân hóa trăm ngàn vạn ức thân hình. Và phân hóa thân hình là để thuyết pháp. Nhưng thuyết pháp ở đây không phải chỉ có một cách nói bằng lời, mà nói bằng nhiều cách: cách nào mà lợi người là thuyết pháp cả. Nên cảnh vật làm người vui thích, làm người được ích lợi, thì đó chính là sự thuyết pháp, là sự độ thoát. Đừng hiểu rằng hiện cảnh vật ích lợi mọi người để rồi sau đó thuyết pháp độ thoát cho họ. Mặt khác, vì đại nguyện và sự phân thân như vậy, nên trong phẩm này đức Địa tạng được Ðức Thế Tôn đem chúng sinh, trong đó có chúng ta, ký thác cho ngài.

Phẩm 3: Quán sát nghiệp quả chúng sinh.- Nghiệp quả, hay nghiệp cảm, là hành vi và kết quả của hành vi. Nói quán sát nghiệp quả của chúng sinh, nhưng thật ra phẩm này lấy người Diêm phù chúng ta làm điển hình mà nói. Vì đại nguyện của đức Địa tạng chú trọng chúng sinh tội khổ, nên phân thân của ngài đã nhấn mạnh phân thân địa ngục, và bây giờ nói quán sát nghiệp quả, nhưng thật ra chỉ quán sát nghiệp quả địa ngục ẫ đặc biệt địa ngục vô gián, nơi nghiệp dữ nhất và quả khổ nhất. Điều rất đáng tiếc là trong phần nói về nghiệp dữ nhất ấy đã không nói đến nghiệp dữ hơn hết, ấy là những chủ thuyết độc hại nhân loại mà chữ tà kiến hay ác kiến không diễn đạt hết được. Phản bội Phật pháp, đi theo các chủ thuyết ấy, cũng là nghiệp dữ nhất mà kinh này đã không nói đến.

Phẩm 4: Nghiệp quả của người Diêm phù.- Phẩm này tiếp tục phẩm trước, lấy người Diêm phù chúng ta làm điển hình mà nói về nghiệp quả của chúng sinh, nhưng nói rộng hơn: Một, về nghiệp quả, không phải chỉ nói nghiệp quả vô gián, nhưng vẫn chú trọng nghiệp quả đường dữ. Hai, nói về đại thệ (lời thề thực hiện đại nguyện) của đức Địa tạng. Ba, nói về cách giải thoát nghiệp quả cho chúng sinh của đức Địa tạng; trong cách này, ở đây đưa ra cách nói về nhân quả, nhưng chữ nói ấy không phải chỉ là nói, khuyên và răn, mà là nói bằng sự “vận dụng hàng trăm hàng ngàn phương tiện”. Hai phần đại thệ và cách nói như vậy là vài phương tiện của đức Địa Tạng.

Phẩm 5: Danh xưng địa ngục.- Danh xưng địa ngục là tên của các địa ngục. Chính tên của mỗi địa ngục biểu thị hình cụ và cực hình của địa ngục ấy. Phẩm này chỉ bổ túc cho phẩm 4, nói về các địa ngục, nơi nghiệp dữ phải chịu quả báo, sau khi chịu hoa báo và trước khi chịu dư báo. Nhưng đến đây, sau 3 phẩm 3, 4 và 5 nói về nghiệp quả, những điểm chính yếu sau đây phải được nhận rõ: địa ngục thật khổ, và ai làm nghiệp dữ thì người ấy tự chịu, chứ không ai có thể chịu thay cho; như vậy địa ngục là thật, nếu thật có nghiệp dữ; nhưng cũng không thật, nếu nghiệp dữ không có hay có mà được trừ bỏ; sự trừ bỏ cũng vẫn có thể hy vọng, nếu biết qui y đức Địa tạng và làm theo kinh này chỉ dẫn; và đức Địa tạng trừ bỏ cứu vớt cho cũng không phải chỉ trừ bỏ cứu vớt nơi cái nhân mà còn ngay nơi cái quả: Đó là sự đặc biệt, bất khả tư nghị của đức Địa tạng và kinh Địa tạng.

Phẩm 6: Thế tôn tuyên dương.- Các phẩm trước đã nói về thệ nguyện, phương tiện và sở độ của đức Địa tạng, phẩm này nói về sự ích lợi nhân thiên của ngài. Ích lợi nhân thiên là đem lại cho nhân thiên và mọi loài sự ích lợi mà phần chính là ở chính trong nhân thiên. Sự ích lợi ấy gọi là sự yên vui tuyệt diệu (thắng diệu lạc). Sự ích lợi ấy ích lợi cả nhân và quả, cả hiện tại và vị lai. Ích lợi này còn được nói đến trong phẩm 12 và rải rác ở các phẩm khác. Và, như đã nói, đến đây kể như đã lược đủ về đại nguyện và đại lực của đức Địa tạng, nên Phật đặt tên cho kinh này, tên ấy biểu thị đại nguyện và đại lực đã nói.

PHẦN BỔ TÚC

Phẩm 7: Lợi ích người còn kẻ mất.- Phẩm này bổ túc cho chi tiết ích lợi kẻ mất: làm cách nào để kẻ mất được ích lợi mà người còn cũng được. Trong cách ấy, hại nhất cho kẻ mất, cái hại phải cố mà tránh, ấy là sự sát sinh cúng tế.

Phẩm 8: Chúa tôi Diêm la xưng tụng.- Diêm la là Diêm la thiên tử, cũng gọi là Diêm vương, thuộc loài quỷ, thống lãnh quỉ chúng và tổng quản địa ngục. Phẩm này bổ túc những chi tiết sau đây: Thứ nhất, bổ túc sự đại tinh tiến, cứu độ không chán mệt của đại nguyện đức Địa tạng. Thứ hai, bổ túc uy thần của đức Địa tạng đối với thế giới quỉ — thế giới rất mạnh và đa dạng, mạnh nên gây họa mạnh bao nhiêu thì giúp phước cũng mạnh bấy nhiêu, khi có uy thần của đức Địa tạng. Thứ ba, bổ túc ích lợi khi chết, nhất là lúc sinh. Trong chi tiết này có vài chi tiết nhỏ: Một, lúc sinh không được sát sinh tiệc tùng (phẩm trước mới nói khi chết không được sát sinh cúng tế); còn khi chết thì phẩm này nói đến một trong những cái gọi là “cách ấm mê”: sự bị mê hoặc dẫn dụ khi chết. Hai, chúa quỉ Chủ sinh mạng, vị bổ túc chi tiết thứ ba này được Phật gọi là một vị đại bồ tát và thọ ký cho: quan trọng biết bao. Điều cần phải đặc biệt nói thêm, là kinh này hết sức răn việc sát sinh (để cúng tế khi chết và tiệc tùng lúc sinh), coi việc sát sinh cùng loại với tội vô gián (chính văn: … ngoại trừ 5 thứ nghiệp dữ vô gián với nghiệp dữ sát sinh, còn những nghiệp dữ tương đối nhỏ hơn…).

Phẩm 9: Xưng tụng danh hiệu chư Phật.- Phẩm này bổ túc chi tiết nghe hay niệm danh hiệu Phật đà. Điều cần ghi chú, là mục đích bổ túc, cũng như lời kết thúc, tuy có vẻ nhấn mạnh giành cho sự chết — sắp chết, chết, sau khi chết; nhưng, những hiệu năng của mỗi hiệu Phật được nói đến lại không phải chỉ như vậy. Vậy mới biết, khi sắp chết, cái an ủi người chết, cái để cho người chết bám víu là danh hiệu của Phật, nhưng danh hiệu ấy cũng là, trước hết đã là, cái cho người sống bám víu, và từ đó thấy rõ cái phước được biết Phật và được niệm Phật cần thiết đến mức nào trong đời sống.

Phẩm 10: Trắc lượng công đức bố thí.- Phẩm này bổ túc nhân tố thánh thiện, đặc biệt còn chỉ cách biến nhân tố ấy từ hữu lậu thành vô lậu.

Phẩm 11: Thần đất hộ trì.- Phẩm này bổ túc chi tiết phụng thờ đức Địa tạng. Cách thức và ích lợi của sự phụng thờ ấy, phẩm này nói rõ. Trong phần ích lợi, sự đất đai được màu mỡ (thứ 1) và hay gặp dịp làm phước (thứ 10) đã đáng chú ý, nhưng đáng chú ý hơn nữa là ở phẩm này người nói về đức Địa tạng là một vị Địa thần: 2 chữ Địa như vậy không phải ngẫu nhiên mà trùng hợp.

Phẩm 12: Ích lợi của sự thấy nghe.- Thấy nghe là thấy hình tượng hay nghe danh hiệu của đức Địa tạng. Ích lợi của sự thấy nghe như vậy là bổ túc cho sự ích lợi nhân thiên của đức Địa tạng. Trước khi nói ích lợi ấy, Phật phóng ánh sáng đặc biệt, và vị phát khởi là chính đức Quan âm: như thế cũng đủ thấy sự ích lợi ấy bất khả tư nghị đến mức nào. Nên sự ích lợi nhân thiên chính là sự bất khả tư nghị: siêu việt và khác thường, tư tưởng và ngôn ngữ bình thường không thể tư duy và mô tả sự ích lợi ấy, nhất là tư duy mô tả theo cách thức bình thường.

Phẩm 13: Thế tôn ký thác.- Chính văn là chúc lụy nhân thiên: đem nhân loại và chư thiên, và bao chúng sinh tội khổ mà chúc lụy. Chúc, hay phó chúc, là giao phó, căn dặn. Lụy là mối lụy, trách nhiệm nặng nề. Chúc lụy là căn dặn mà giao phó trách nhiệm nặng nề. Nên tôi đổi ra chữ ký thác cho dễ hiểu. Nội dung phẩm này tổng kết sự ích lợi bất khả tư nghị của đức Địa tạng, nhưng quan trọng nhất là một lần nữa Phật lại đem chúng ta và chúng sinh ký thác cho ngài. Sự ký thác này thật đặc biệt: một là chỉ ký thác cho ngài, hai là chỉ kinh này có sự ký thác như vậy. Ngay như kinh Pháp hoa, sự ký thác ở đó cũng không như ở đây.