Kinh Vô Lượng Thọ

Kinh Vô Lượng Thọ

Trương Văn Chiến 65

Mục lục

Lời Tựa

Lời Bạt

Nghi Thức Lễ Tụng

Phật Nói Kinh Vô Lượng Thọ Quyển Thượng

Phật Nói Kinh Vô Lượng Thọ Quyển Hạ

Kinh Tâm Yếu Bát Nhã Ba La Mật Ða

Bài Tụng Kinh Rồi Sám Hối và Hồi Hướng

Bài Niệm Phật Của Ngài Ðại Thế Chí Bồ Tát

Lễ Tổng

Phát Nguyện Tịnh Ðộ

Tam Tự Quy

Lời Tựa

Giáo lý Ðấng Thế Tôn trải qua 2.516 năm đến nay vẫn còn có công năng thù thắng siêu việt, đánh bạt nghiệp chướng phiền não cứu thoát chúng sinh khỏi trầm luân trong vũng lầy sinh tử. Ðối với người con Phật chân chính, thành tâm cầu Ðạo giải thoát, lời châu ngọc của Ngài quả thật là một môn diệu được. Kinh điển qua những lần kết tập rồi lưu truyền đến bây giờ đã hướng dẫn tâm thức con người vươn lên cảnh giới trang nghiêm, thanh tịnh, gột sạch tội cấu, ái nhiễm của cõi đời ô trọc hung hãn này.

Muốn đạt tới cảnh giới an vui giải thoát, điều kiện tiên quyết là phải lắng được tâm, gạn được ý như lời Phật thuyết: “Tùy kỳ tâm tịnh tắc Phật độ tịnh”. (Tâm mình an tịnh thì cõi Phật hiện ra). Hiểu được như vậy hành giả tự thân rực rỡ quang minh và sẽ thấy cõi trang nghiêm của Phật. Sự kiện lắng được tâm, gạn được ý này nằm trong pháp môn Tịnh Ðộ mà Ðấng Thế Tôn đã chúc lũy cho chúng sinh trong đời mạt pháp qua các yếu kinh: Kinh Bi Hoa, Kinh A Di Ðà, Kinh Vô Lượng Thọ và Kinh Quán Vô Lượng Thọ.

Những Kinh giáo này nhằm tạo duyên khởi từ bi, trí tuệ cho người biết hồi tâm phục thiện, ngõ hầu thăng hoa cuộc sống cao đẹp trong thế giới đảo điên, mê muội. Hành giả, gột sạch trần cấu bằng cách thanh lọc tâm, làm tiêu ma nghiệp chướng được xem là nguyên động lực giao lưu qua cõi nước Cực Lạc, quốc độ của giải thoát thanh tịnh, trang nghiêm. Ðó chính là miếng đất tâm rơi những phấn thông vàng. Hành giả có thể mường tượng lời kinh huyền diệu hòa theo năm tháng lắng sâu vào tâm thức hữu tình để sinh thành quả phúc uy nghiêm, cao cả. Quý hóa thay! Kinh giáo của Pháp Môn Tịnh Ðộ.

Kinh A Di Ðà quảng diễn cảnh giới trang nghiêm thanh tịnh của cõi nước Cực Lạc.

Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Bi Hoa xuất sinh từ công năng tu tập của Ngài Pháp Tạng Tỉ Khưu, ngộ nhập cảnh giới Cực Lạc phát khởi trí tuệ khi hành trì.

Kinh Quán Vô Lượng Thọ dạy các pháp tu quán tưởng Ðức Phật Vô Lượng Thọ làm cơ duyên ứng hợp với cỏi nước Cực Lạc. Chung quy, Pháp Môn Tịnh Ðộ cốt lấy: “Niệm giác bất tư nghị làm thể”. Bởi thế, nếu một niệm không móng lên thì đó là cái toàn nhất của con người thể nhập vào tự tánh nhiệm mầu. Ở đây, Tịnh Ðộ đã hòa nhập với Thiền là một. Hành giả không nên cố chấp, phân biệt Tịnh Ðộ hay Thiền. Vì lẽ cả hai (Thiền, Tịnh Ðộ) đều đưa hành giả đến cảnh giới bát ngát của hạnh Phật thừa. Tuy nhiên, Thiền đối với hạng hạ căn thật khó hành trì, bởi lẽ Thiền là nhiếp tất cả tâm trí vào cái thấy hiện tiền để trí tuệ quán chiếu và bao trùm tất cả trong một cái thấy toàn diện, nhất như. Lộ trình này quả thật là khó khăn nên chỉ dành cho những bậc Thượng căn, Thượng trí, mới đủ khả năng tư duy quán niệm. Nhận thấy phần đông Phật tử đang trên đường tập tu nên Pháp Môn Tịnh Ðộ dễ dàng dung hợp với tất cả, mọi căn cơ đều có thể thực hành được. Hành giả, khi hành trì Pháp Môn Tịnh Ðộ đạt đến trạng thái nhất tâm bất loạn, ấy là Thiền rồi vậy. Bởi lẽ, Thiền hay Tinh Ðộ đều đi đến mục đích chung là minh tâm kiến tánh. Phật tử phải nhận thức rằng: “Tiềm năng diệu dụng của công đức thụ trì Kinh là Bất tư nghì”. Có thể hiểu được ý chỉ thâm diệu này thì lúc trì Kinh Vô Lượng Thọ mới cảm nhận được 48 đại nguyện hóa độ chúng sinh nhập cảnh giới an vui giải thoát của Ngài Tỉ Khưu Pháp Tạng mà Ðấng Thế Tôn đã thuyết giáo và chúc lũy cho các chúng Bồ Tát, Duyên Giác và Thanh Văn tại núi Kỳ Xà Quật thuộc thành Vương Xá thật là vô cùng diệu dụng.

Kinh Vô Lượng Thọ gồm có 4 phần chính yếu như sau:

1). Do cơ duyên Ðại giác khởi lên và chư cổ Phật xuất hiện nơi núi Kỳ Xà Quật – Ðức Phật nhân đó, thuyết Kinh Vô Lượng Thọ.

2). Nhân duyên Ngài Tỉ Khưu Pháp Tạng phát 48 đại nguyện trước Ðấng Thế Tôn và nhờ công đức tu tập thù thắng, đức hạnh thâm mật Ngài thành tựu Pháp thân hiệu A Di Ðà, thể hiện cảnh giới như tâm nguyện và ngự trị cõi nước tên là Cực Lạc ở phương Tây.

3). Cảnh giới trang nghiêm thanh tịnh của cõi nước Cực Lạc gồm: Quang minh vô lượng, Thọ mệnh vô lượng và Thánh chúng vô lượng, cộng vào đó là đường sá, lầu gác, ao thất bảo, lại đủ các loại chim tiếng hót trong trẻo, cỏ hoa tươi nhuận, phô bày muôn sắc, phảng phất hương thơm. Lại có, từ những cánh sen hồng tự nhiên thai sanh Thánh chúng, diện mạo sáng ngời, đoan chính mà Nhật Nguyệt không thể sánh bằng. Lại có, y phục tốt, thức ăn sang, tự nhiên hóa thành do tâm niệm. Tất cả đều sang trọng quý báu vô cùng.

4). Những duyên khởi mầu nhiệm của trí tuệ trong cõi nước Cực Lạc và công đức tu tập tinh tấn đem lại lợi ích giải thoát tuyệt vời cho hành giả chân chính nhuần nhuyễn trì tụng, quán xét minh mẫn và tâm không còn ô nhiễm.

Tôi nhận thấy, Kinh Vô Lượng Thọ có nhiều nghĩa lý thâm diệu, triển khai trí tuệ quang minh và công đức trì tụng kinh nầy thật là diệu dụng, xuất phát từ bản tâm thanh tịnh. Cũng bởi giá trị cao thâm đó, tôi đã tha thiết trong việc lưu truyền nên thành tâm phiên dịch bản Kinh này từ Nho văn của Ngài Khang Tăng Khải đời Tào Ngụy ra Việt ngữ để quý Phật tử thường tụng hàng ngày hoặc trong các khóa lễ cầu siêu.

Dịch Kinh này, chúng tôi chỉ có một tâm nguyện mong mọi người dứt bỏ tà kiến, mê chấp, xem các pháp là như huyễn như hóa, đồng thời cùng nhau tinh tiến thực hành thiện pháp ngõ hầu đem lại lợi lạc an vui giải thoát cho kẻ còn, người mất.

NAM MÔ A DI ÐÀ PHẬT

TÁC ÐẠI CHỨNG MINH.

Sài Thành, Mùa hạ năm Canh Tuất 1970

Sa môn THÍCH TUỆ ÐĂNG cẩn chí.

–o0o–

Lời Bạt

Sống giữa hệ lụy trần gian đầy dẫy ma chướng; giáo lý của Ðấng Thế Tôn vẫn đủ khả năng thù thắng siêu việt – bạt nghiệp chướng xóa phiền não trong đời sống của người thành tâm cầu đạo giải thoát. Giáo lý mãi mãi vẫn là nguồn năng lực phấn đấu, sinh động tiềm tàng trong bốn mươi tám ngàn pháp môn, trong Tam Tạng kinh điển, châu liên ngọc kết. – Nâng nhẹ những tâm hồn, khai sáng những trí tuệ ở hầu hết các trình độ, giai cấp dân gian chỉ có pháp môn Tịnh Ðộ là được phổ cập nhất.

Kinh điển căn bản kết tập l?i châu ngọc của Ðấng Thế Tôn đầy đủ nghĩa lý chân thật khiến tâm thức con người đạt tới cảnh giới trang nghiêm, thanh tịnh, thấy cõi Phật sinh động hữu tình trước mắt mà khởi sinh trí tuệ từ bi chính là Kinh Vô Lượng Thọ.

Lời châu ngọc Thế Tôn chúc lũy cho chúng sinh ở thời kỳ mạt pháp trong Kinh Vô Lượng Thọ đã diễn đạt công năng tu tập của Ngài Tỉ Khưu Pháp Tạng (chính là hiện thân của Ðức Phật A Di Ðà với 48 đại nguyện hóa độ chúng sinh vào những cảnh giới an vui, giải thoát; đã thể hiện thật rõ ràng chất nhân bản vượt thoát sự vây bủa của các ngẫu kiện phi lý, gột sạch ái nhiễm trần cấu bằng tâm thanh tịnh và trí quán xét minh mẫn nhằm hướng dẫn tâm thức tham đắm mộng huyễn trở về bản chân thanh tịnh, phá lưới vô minh và thực hiện cảnh giới như tâm nguyện.

Vì lợi ích diệu dụng của Kinh Vô Lượng Thọ đối với người Phật tử chân chính trong cuộc sống hiện tại. Hòa Thượng Thích Tuệ Ðăng đã tận tâm phiên dịch từ bản Nho văn của Ngài Khang Tăng Khải ra Việt Ngữ, nhằm triển khai nghĩa lý vi diệu, duyên khởi trí tuệ quang minh và đức hạnh thâm mật cho hành giả trong việc trì tụng kinh này.

Tôi nhận thấy sự hoan hỷ lạ lùng phấn chấn trong tâm hồn mình sau khi đọc toàn bộ kinh Vô Lượng Thọ mà Hòa Thượng đã trao cho tôi (Niềm giao cảm thanh thoát này có chăng là do sự cố gắng chuyển ngữ của Hòa Thượng) vì không có phương tiện ấn tống (hành) nên Hòa Thượng đã yêu cầu tôi phổ biến đến quảng đại Phật tử, nhằm khuyến hóa sự tu dưỡng tâm thức và bổ sung kinh điển trong phương trượng của thập phương đáp ứng như cầu hoằng pháp trong hoàn cảnh hiện tại.

Tôi mong cầu và hy vọng quý vị cũng sẽ phát tâm khuyến hóa góp phần công đức ấn tống và phổ biến kinh Vô Lượng Thọ, khai thông sâu rộng hơn nguồn nước Từ Bi đến những tâm hồn khao khát cuối cùng.

Nam mô A Di Ðà Phật

Tác đại chứng minh:

Sa môn Thích Minh Phát

—o0o—

Nghi Thức Lễ Tụng

–o0o–

Lễ Tam Bảo

Hết thảy cung kính,

Nhất tâm đỉnh lễ Tam Bảo thường trụ khắp Pháp giới mười phuơng. (3 lễ)

Nguyện Hương

(Quỳ chấp tay đọc)

Nguyện hương này như mây

Bay tỏa khắp mười phương

Trong vô biên cõi Phật

Hóa vô số diệu hương

Năm thứ hương thơm ngát

Trang nghiêm để cúng dường

Trọn đủ Bồ Tát Ðạo

Thành tựu Như Lai hương

(vừa lễ vừa đọc)

Cúng dường rồi, hết thảy cung kính,

Nhất tâm đỉnh lễ Tam Bảo thường trụ khắp Pháp giới mười phương. (1 lễ)

Tán Phật

(Ðứng chấp tay đọc)

Sắc thân Như Lai đẹp

Thế gian không ai bằng

Chẳng sánh, chẳng nghĩ bàn

Nên nay con đảnh lễ

Tướng Phật đẹp vô cùng

Trí tuệ Phật cũng thế

Tất cả Pháp thường trụ

Vì thế con quy y

Trí lớn nguyện lực lớn

Ðộ khắp cả quần sinh

Khiến bỏ thân nóng khổ

Sinh sang nước mát vui

Nay con sạch ba nghiệp

Quy y và lễ tán

Nguyện con cùng chúng sinh

Ðồng sinh về Tịnh Ðộ.

Úm phạ nhật la vật (3 lần)

Cửu Bái Tây Phương

(Vừa lễ vừa đọc)

Nhất tâm đảnh lễ, Phật A Di Ðà, Thân diệu pháp thanh tịnh, ở cõi Thường tịch quang, cùng khắp Pháp giới chư Phật. (1 lễ).

Nhất tâm đảnh lễ, Phật A Di Ðà, Thân tướng hải vi trần, ở cõi Thật báo trang nghiêm, cùng khắp Pháp giới chư Phật. (1 lễ).

Nhất tâm đảnh lễ, Phật A Di Ðà, Thân tướng nghiêm giải thoát, ở cõi Phương tiện thánh cư, cùng khắp Pháp giới chư Phật. (1 lễ).

Nhất tâm đảnh lễ, Phật A Di Ðà, Thân căn giới đại thừa, ở cõi An Lạc phương Tây, cùng khắp Pháp giới chư Phật. (1 lễ).

Nhất tâm đảnh lễ, Phật A Di Ðà, Thân hóa vãng thập phương, ở cõi An Lạc phương Tây, cùng khắp Pháp giới chư Phật. (1 lễ).

Nhất tâm đảnh lễ, Ba kinh Giáo, Hành, Lý, tuyên dương cả Yø, Chính, ở cõi An Lạc phương Tây, cùng khắp Pháp giới Tôn Pháp. (1 lễ).

Nhất tâm đảnh lễ, Bồ Tát Quán Thế AÂm, Thân tử kim muôn sắc, ở cõi An Lạc phương Tây, cùng khắp Pháp giới Bồ Tát. (1 lễ).

Nhất tâm đảnh lễ, Bồ Tát Ðại Thế Chí, Thân quang trí vô biên, ở cõi An Lạc phương Tây, cùng khắp Pháp giới Bồ Tát. (1 lễ).

Nhất tâm đảnh lễ, Thánh chúng trong Hải hội Thanh tịnh, Thân nhị nghiêm mãn phận, ở cõi An Lạc phương Tây, cùng khắp Pháp giới Thánh chúng (1 lễ).

Nay con vì khắp cả bốn ân, ba cõi pháp giới chúng sinh, nguyện dứt bỏ hết ba chướng, quy mệnh sám hối. (1 lễ)

Sám Hối

(Quỳ chấp tay đọc)

Ðệ tử chúng con là: ……… (hoặc kỳ vì hương linh là: …… ) xin chí tâm Sám hối:

Ðệ tử con là: ……… và chúng sinh trong Pháp giới, từ đời vô thủy đến nay, bị vô minh che lấp, dáo dở mê lầm. Lại do sáu căn ba nghiệp, tập theo pháp chẳng lành, gây ra nhiều tội trong mười điều dữ, năm tội vô gián và tất cả tội khác, vô số vô biên, nói không thể hết. Mười phương các Ðức Phật, thường ở trong đời, tiếng Pháp không dứt, hương báu đầy ắp, vị Pháp ngập tràn, buông ánh sáng sạch, soi thấu tất cả, lý nhiệm thường trụ, đầy khắp hư không.

Con từ vô thủy đến nay, sáu căn mù mịt, ba nghiệp tối tăm, chẳng thấy chẳng nghe, chẳng hay chẳng biết. Vì nhân duyên ấy, trôi mãi trong vòng sinh tử, trải qua các nẻo luân hồi, trăm ngàn muôn kiếp, không hẹn ngày ra. Trong Kinh nói rằng: “Ðức Tì Lư Giá Na, hiện thân khắp cả chỗ, chỗ của Ðức Phật ở, gọi là Thường Tịch Quang; vậy nên phải biết, tất cả các Pháp, đều là Phật Pháp. Song con chẳng rõ, lại theo giòng vô minh; thế nên ở trong trí giác ngộ, mà chẳng thấy thanh tịnh, ở trong cảnh giải thoát mà dấy lên ràng buộc. Nay mới thức tỉnh, nay mới đổi bỏ. Cung kính đối trước chư Phật và Ðức Di Ðà Thế Tôn, tỏ bày Sám hối; cầu xin cho con cùng pháp giới chúng sinh, tất cả tội nặng, do ba nghiệp sáu căn, từ đời vô thủy, hoặc đời hiện tại, hay đời vị lai gây nên; hoặc chính mình gây, hay sai người khác gây; hoặc thấy, nghe, người gây mà mình vui theo; hoặc nhớ, hay chẳng nhớ; hoặc biết, hay chẳng biết; hoặc nghi, hay chẳng nghi; hoặc che giấu, hay chẳng che giấu; đều xin được trong sạch hết cả.

Con Sám hối rồi, sáu căn ba nghiệp, sạch không lầm lỗi, căn lành tu được, cũng đều trong sạch, hết để hồi hướng, trang nghiêm Tịnh Ðộ; khắp cùng chúng sinh, đồng sinh về nước Cực Lạc.

Nguyện xin Ðức Phật A Di Ðà, thường lai hộ trì, khiến căn lành con hiện tiền thêm lên, chẳng mất nhân tốt; tới giờ mệnh chung, thân an niệm chính, trông, nghe rõ ràng; trước mặt thấy Ðức A Di Ðà cùng các Thánh chúng, tay cầm đài hoa, tiếp dẫn độ con, chỉ trong giây phút, sinh ở trước Phật, trọn đạo Bồ Tát, độ khắp chúng sinh, đồng thành Phật đạo. (Vừa lễ vừa đọc)

Sám hối, phát nguyện rồi,

Quy mệnh kính lễ Ðức Phật A Di Ðà cùng hết thảy Tam Bảo. (1 lễ)

Tán Hương

(Ngồi kiết già tụng)

Lư hương vừa bén chiên đàn

Khắp xông pháp giới đạo tràng mười phương

Hiện thành mây báu cát tường

Chư Phật thấy biết ngọn hương chí thiềng.

Pháp thân toàn thể hiện tiền

Chứng minh hương nguyện phúc liền ban cho.

Nam mô Hương Vân Cái Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lần)

Chú Sạch Khẩu Nghiệp

Tu lị tu lị, ma ha tu lị, tu tu lị, tát bà ha (3 lần)

Chú Sạch Thân Nghiệp

Tu đa lị, tu đa lị, tu ma lị, sa bà ha (3 lần)

Chú Sạch Ba Nghiệp

Án, sa phạ bà phạ, truật đà sa phạ, đạt ma sa phạ, bà phạ truật độ hám (3 lần)

Chú Yên Thổ Ðịa

Nam mô tam mãn đá một đà nẫm, án, độ rô độ rô, địa vĩ tát bà ha (3 lần)

Chú Phổ Cúng Dường

Án, nga nga nẵng, tam bà phạ, phiệt nhật la hộc (3 lần)

Kệ Khai Kinh

Pháp Phật cao siêu rất nhiệm mầu,

Nghìn muôn ức kiếp dễ hay đâu.

Con nay nghe thấy, xin trì tụng,

Nguyện tỏ Như Lai nghĩa thật sâu.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)

—o0o—

Kinh Tâm Yếu Bát Nhã Ba La Mật Ða ^

Ngài Quán Tự Tại Bồ Tát, khi tu hành tinh thâm pháp Bát Nhã Ba La Mật Ða, Ngài soi thấy năm Uẩn đều không, độ thoát hết thảy khổ ách.

Này Xá Lị Tử! Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc; thụ, tưởng, hành, thức, cũng lại như thế.

Này Xá Lị Tử! Cái tướng chân không của các pháp ấy, chẳng sinh, chẳng diệt, chẳng nhơ, chẳng sạch, cchẳng thêm, chẳng bớt.

Bởi thế, trong chân không ấy, không có sắc, không có thụ, tưởng, hành và thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý; không có sắc, thanh, hương, vị xúc và pháp; không có từ nhãn thức giới đến ý thức giới; không có từ chi vô minh đến chi lão tử; cũng không có từ vô minh tận đến lão tử tận. Không có khổ, tập, diệt và đạo; không có trí, cũng không có đắc, vì không có chi là sở đắc cả.

Các vị Bồ Tát, y vào Bát Nhã Ba La Mật Ða, nên tâm các Ngài không hề trở ngại, vì không trở ngại, nên không sợ hãi; xa lìa được hết mộng tưởng đảo điên, đi thẳng đến nơi Niết Bàn rốt ráo. Chư Phật ba đời y vào Bát Nhã Ba La Mật Ða, nên mới chứng được A Nậu Ða La Tam Miệu Tam Bồ Ðề.

Vậy biết Bát Nhã Ba La Mật Ða, là chú đại thần, là chú đại minh, là chú vô thượng, là chú vô đẳng đẳng, trừ hết mọi khổ, đúng thực chẳng hư.

Nên lại nói cả bài chú Bát Nhã Ba La Mật Ða, bài chú ấy là:

“Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề, tát bà ha”.

Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Ða. (3 lần)

–o0o–

Bài Tụng Kinh Rồi Sám Hối và Hồi Hướng ^

Ðệ tử chúng con, vì nghiệp ma ngăn cản, thần chí lẫn rối, căn tính u minh, tự nhiên sinh ra, ý nghĩ quanh co, dáo dở chất chồng. Tuy mắt nhìn tới chữ mà tâm chạy theo việc khác, lầm cả chữ, sai cả câu. Giọng đọc thì nặng nhẹ không đều, hiểu biết lại chấp theo tà kiến. Hoặc vì công việc lấn cướp mất chí, tâm chẳng để vào Kinh. Tụng niệm thì lúc đứng lúc ngồi, đứt đoạn, bỏ dở, cách quảng, lướt qua. Tụng lâu sinh ra trễ nãi, vì việc trái ý sinh ra tức giận. Chốn nghiêm tịnh, hoặc làm cho dơ dếch, nơi tôn kính, hoặc trở lại khinh nhờn. Thân miệng y xiêm, chẳng được thanh tịnh, y hậu lễ lạy, thiếu vẻ trang nghiêm; cúng dường chẳng được đúng phép, ở vào nơi không phải chỗ. Kinh sách mở gấp, làm cho nhàu rối; hoặc để rơi rớt, dơ bẩn, rách nát. Tất cả đều chẳng chuyên chẳng thành, rất thẹn hổ, rất sợ hãi. Kính xin chư Phật, Bồ Tát khắp pháp giới, hư không giới, cùng hết htảy Thánh cúng, Hộ pháp Thiện thần, Thiên Long từ bi thương xót, cho chúng con được sám hối, sạch hết tội lỗi, khiến công đức tụng kinh này, đuợc vẹn tròn vừa ý.

Ðệ tử chúng con lại thành tâm phát nguyện, hồi hướng, vì còn lo sợ việc phiên dịch, nhuận sắc sai lầm, chú giải không đúng; truyền dạy có sai lạc, âm thích có lầm lẫn, so sánh sửa đổi có thiếu sót, viết chép in cắt có lẫn lộn. Những lỗi lầm đó, dù các vị Pháp Sư hay mọi người khác, chúng con cũng hết xin vì họ mà sám hối. Kính nhờ sức uy thần của Phật, khiến cho tội chướng được tiêu trừ. Và xin chư Phật thường quay bánh xe pháp, cứu cớt cho muôn loài.

Sau nữa, nguyện đem công đức tụng kinh, trì chú này, hồi hướng cho các vị Hộ Pháp, Long Thiên, Thần linh núi sông trong ba cõi, các vị Thiện thần giữ gìn chốn Gìa lam, cầu mong được hạnh phúc, an lạc, hòa bình, chí thiện, để trang nghiêm Ðạo quả Vô thượng Bồ Ðề và nguyện cho khắp cả chúng sinh trong Pháp giới; cùng vào được cảnh giới Pháp thân của chư Phật.

(3 tiếng chuông sang hiệu mõ).

–o0o–

Bài Niệm Phật Của Ngài Ðại Thế Chí Bồ Tát

(Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm)

Ngài Ðại Thế Chí, con Ðấng Pháp Vương, cùng năm mươi hai vị Ðại Bồ Tát đồng hàng với Ngài, liền từ chỗ ngồi, đứng dậy dập đầu lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng:

Con nhớ đời xưa, cách đây nhiều kiếp, như cát sông Hằng, có Phật ra đời, hiệu Ngài là Vô Lượng Quang; mười hai Như Lai, cùng nối ngôi nhau, ra trong một kiếp, Như Lai cuối cùng, hiệu Ngài là Siêu Nhật Nguyệt Quang. Ngài dạy con phép “Niệm Phật Tam Muội”.

Ví như hai người: Một người chuyên nhớ, một người cứ quên; hai người như thế, dù có gặp nhau, cũng như không gặp; dù có thấy nhau, cũng như không thấy. Vậy hai người phải cùng nhớ đến nhau, rất là thân thiết, cứ như thế mãi, cho hết kiếp này, lại sang kiếp khác, như bóng với hình, chẳng xa rời nhau.

Mười phương Như Lai, thương nhớ chúng sinh, như mẹ nhớ con; nếu con trốn chạy, thì mẹ dẫu nhớ, còn làm gì được. Nếu con nhớ mẹ, như mẹ nhớ con, mẹ con đời đời, chẳng rời xa nhau. Nếu tâm chúng sinh, nhớ Phật niệm Phật, đời này đời sau, quyết định thấy Phật, cách Phật chẳng xa. Chẳng nhờ đến phép phương tiện nào khác, mà cũng tỏ ngộ được tâm của mình, như người ướp hương, thân có mùi hương; phép này gọi là “Hương quang trang nghiêm”.

Chỗ bản thân con, dùng tâm niệm Phật, vào vô sinh nhẫn. Nay ở cõi này, tiếp người niệm Phật, về nơi Tịnh Ðộ. Phật hỏi đến con, phép tu viên thông, con không chọn lựa, con chỉ thu nhiếp, tất cả sáu căn, chuyên một tịnh niệm, nối nhau liền liền, được phép chính định, ấy là thứ nhất.

–o0o–

Bài Niệm Phật

Thân Phật Di Ðà vàng chói lọi,

Tướng tốt rực rỡ chẳng ai bì:

Mắt xanh trong lặng bốn biển lớn,

Mi sáng tỏa lồng năm núi Di.

Hào quang hóa ra vô số Phật;

Lại hóa rất nhiều các Bồ Tát.

Bốn mươi tám nguyện độ chúng sinh;

Chín phẩm đều lên bờ Ðại giác.

Nam Mô Tây phương Cực lạc Thế giới đại từ đại bi A Di Ðà Phật. (3 lần)

Nam mô A Di Ðà Phật. (1 hay 3 tràng).

Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát (10 lần)

Nam mô Ðại Thế Chí Bồ Tát (10 lần)

Nam mô Ðịa Tạng Vương Bồ Tát (10 lần)

Nam mô Thanh Tịnh Ðại Hải Chúng Bồ Tát (10 lần dứt mõ)

–o0o–

Lễ Tổng ^

(Ðứng hoặc quỳ, vừa đọc vừa lễ)

Quy mệnh kính lễ tất cả Tam Bảo, thường trụ suốt ba đời khắp mười phương, hết cả Hư không và Pháp giới. (1 lễ)

Quy mệnh kính lễ Ðức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, là Giáo chủ cõi Sa bà. (1 lễ).

Quy mệnh kính lễ Ðức Phật A Di Ðà, là Giáo chủ ở cõi Cực Lạc phương Tây (1 lễ).

Quy mệnh kính lễ Ðức Phật Di Lặc, là Giáo chủ ở cõi Sa bà đời mai sau (1 lễ).

Nhất tâm đỉnh lễ Ðức Bồ Tát Ðại Trí Văn Thù cùng các vị Ðại Bồ Tát ở khắp Pháp giới (1 lễ).

Nhất tâm đỉnh lễ Ðức Bồ Tát Ðại Hạnh Phổ Hiền cùng các vị Ðại Bồ Tát ở khắp Pháp giới (1 lễ).

Nhất tâm đỉnh lễ Ðức Bồ Tát Ðại Bi Quán Thế AÂm cùng các vị Ðại Bồ Tát ở khắp Pháp giới (1 lễ).

Nhất tâm đỉnh lễ Ðức Bồ Tát Ðại Lực Ðại Thế Chí cùng các vị Ðại Bồ Tát ở khắp Pháp giới (1 lễ).

Nhất tâm đỉnh lễ Ðức Bồ Tát Ðịa Tạng Vương cùng các vị Ðại Bồ Tát ở khắp Pháp giới (1 lễ)

Nhất tâm đỉnh lễ các vị Bồ Tát trong Hải Hội Thanh Tịnh cùng các vị Hiền Thánh Tăng ở khắp Pháp giới (1 lễ, 1 tiếng chuông).

Nhất tâm đỉnh lễ các vị Bồ Tát Lịch Ðại Tổ Sư (1 lễ).

Nhất tâm đỉnh lễ các vị Bồ Tát Hộ pháp chư Thiên (1 lễ).

Nhất tâm đỉnh lễ Ðức Bồ Tát Hộ pháp Vi Ðà, là bậc được các cõi Trời tôn kính và ba châu vâng theo (1 lễ)

Con nay nguyện vì khắp cả bốn ân, ba cõi, pháp giới chúng sinh, dứt khỏi ba chướng, chí thành phát nguyện (1 lễ).

–o0o–

Phát Nguyện Tịnh Ðộ

(Quỳ tụng)

Ðệ tử chúng con (Ðệ tử con là…)

Nhất tâm quy mệnh

Phật A Di Ðà

Ở cõi Cực Lạc;

Xin lấy Tịnh Quang

Soi cho chúng con

Xin đem Từ tuệ

Thu nhiếp chúng con.

Nay con chính niệm

Niệm danh hiệu Phật

Vì đạo Bồ Ðề

Cầu sinh Tịnh Ðộ.

Phật xưa đã thề:

“Nếu có chúng sinh

Muốn sinh sang nước

Cực Lạc của ta

Dốc lòng tin ưa

Từ người niệm nhiều

Cho đến những người

Niệm mười danh hiệu

Nếu chẳng được sinh

Thì ta thề quyết

Chẳng lên ngôi Phật”.

Vì nhân duyên ấy

Mà người niệm Phật

Mới được vào trong

Bể đại thệ nguyện

Của Ðức Như Lai.

Nhờ từ lực Phật

Mọi tội tiêu hết

Căn lành thêm lớn

Ðến giờ lâm chung

Tự mình biết trước

Thân không đau khổ

Tâm chẳng tham luyến

Ý chẳng điên đảo

Như vào Thiền định.

Phật cùng Thánh chúng

Tay cầm đài vàng

Lại đón tiếp con

Chỉ trong giây lát

Sinh sang Cực Lạc;

Hoa nở thấy Phật

Ðược nghe Phật thừa

Phật tuệ liền khai

Ðộ khắp chúng sinh

Bồ Ðề mãn nguyện

(Dứt mõ 3 tiếng chuông)

–o0o–

Tam Tự Quy ^

(Vừa đọc, vừa lễ)

Tự quy y Phật, nguyện cho chúng sinh, hiểu rõ đạo lớn, phát tâm Bồ Ðề (1 lễ)

Tự quy y Pháp, nguyện cho chúng sinh, thấu suốt Kinh tạng, trí tuệ như biển (1 lễ)

Tự quy y Tăng, nguyện cho chúng sinh, thống nhất đại chúng, hết thảy không ngại (1 lễ).

Kính lạy chư vị Thánh Hiền.

(1 vái, chấp tay đọc)

Nguyện đem công đức này,

Hồi hướng cho tất cả,

Chúng con và chúng sinh (hoặc vong linh)

Ðều cùng thành Phật đạo.