Thường đề Bồ Tát

Thường đề Bồ Tát

Đỗ Quang Huy 43
Người buôn châu báu

   Căn cứ vào truyền thuyết Phó Pháp Tạng Nhân Duyên, theo lời ký của đức Phật, sau khi Phật diệt độ khoảng một trăm năm thì vị Thánh thứ ba trụ trì Phật pháp là Thương-na Hòa-tu sẽ xuất thế.
Vị Thánh nhậm chức trụ trì Phật pháp đầu tiên sau khi Phật diệt độ là Tôn giả Đại Ca-diếp, đầu đà khổ hạnh đệ nhất. Theo truyền thuyết, những điều chứng ngộ và tuyên dương của đức Phật là “Vô thượng thắng pháp”, “Thanh tịnh pháp”, “Vi diệu pháp”. Vì sợ rằng khi Phật diệt độ, người thọ lãnh mạng vận làm giáo pháp tiêu diệt khiến chúng sinh đời sau mãi mãi trầm luân nơi biển khổ, cho nên lúc sắp viên tịch, đức Phật đặc biệt ân cần phó chúc cho Đại Ca-diếp: “Ta nay sắp Bát Niết-bàn, đem pháp thậm thâm vi diệu giao phó cho ông, ông vì đời sau mà kính thuận lãnh thọ ý ta, rộng tuyên dương lưu truyền, đừng để bị đoạn tuyệt”. Thực tế, đức Phật không phải chỉ phó chúc riêng một mình Đại Ca-diếp mà thôi, phàm đã là đệ tử Phật thì đều phải lãnh thọ như thế. Bởi vì tất cả đệ tử chỉ là một chứ không phải hai. Cho nên, không luận là phàm hay Thánh, hễ là đệ tử đều phải có trách nhiệm chung đối với việc trụ trì Phật pháp. Nếu như bảo điều này Phật chỉ nói cho Đại Ca-diếp thì đó là việc làm của một mình Đại Ca-diếp, còn các đệ tử khác xưa nay rất đông, có thể do không nghe, không hỏi, không nói đến họ cho nên họ không có trách nhiệm đối với sinh hoạt Phật giáo chăng?
Điều này, quả là đã ngộ nhận tâm nguyện và lòng từ bi của đức Phật. Bởi vì đương thời, đệ tử Phật rất đông, Phật không thể phó chúc cho từng người được. Hơn nữa, trong đại chúng xuất gia, Đại Ca-diếp là một vị Trưởng lão Thượng tọa cao niên trong chúng, đức độ đầy đủ, là bậc tôn kính trong Tăng đoàn. Cho nên, đức Phật chọn Đại Ca-diếp làm đại biểu trong Tăng chúng để giao sứ mạng cho ông, xem như là sự kiện rất trọng đại và tối hậu của đức Phật và cũng là sự bàn giao một cách viên mãn vậy. Lúc ấy, Đại Ca-diếp cũng hiểu sâu sắc về bi nguyện quảng đại của đức Phật, chí thành tiếp thọ lời dạy của Phật mà phát nguyện: “Lành thay lời dạy bảo! Con nay nguyện phụng trì chánh pháp, khiến cho đời vị lai được nhiều lợi ích, ngưỡng mong Thế Tôn chớ nên lo lắng!”. Điều này, có nghĩa là Đại Ca-diếp đại biểu cho tiếng lòng của đại chúng, hòa với lòng từ bi của đức Phật, đã khẳng khái đảm đương không một chút đắn đo nghi ngờ gì cả, do vậy Phật mới an nhiên nhập diệt.
Sau khi Phật nhập Niết-bàn, Tôn giả Đại Ca-diếp lãnh đạo Tăng đoàn kết tập Tạng pháp của Phật, lưu bố nơi thế gian, khiến cho chánh pháp của Phật được truyền bá lưu chuyển không dứt. Cho đến khi tuổi ngày càng cao, không còn đủ sức đảm đương, Đại Ca-diếp mới đem trách nhiệm lớn trụ trì Phật pháp giao cho Tôn giả A-nan lãnh đạo, tự mình đến núi Kê Túc tại Ấn Độ, “dùng cỏ làm tòa, kiết già mà ngồi, lấy định trụ thân, đợi ngài Di-lặc”.
Sau khi ngài Đại Ca-diếp nhập định tại núi Kê Túc, Tôn giả A-nan đối với sứ mạng trụ trì Phật pháp một lòng một dạ truyền bá. Đến nơi nào cũng “du hành tuyên dương diệu pháp, giáo hóa chúng sinh khiến cho đều được độ thoát”. Một hôm, Tôn giả vào trong Trúc Lâm (rừng trúc), nghe một vị tân học Tỷ-kheo tụng bài kệ Pháp Cú: “Như người sống trăm tuổi, không thấy Thủy lão hạc, không bằng sống một ngày, mà thấy được hạc ấy”. Biết rõ đây là một sai lầm rất lớn, người sống được trăm năm không thấy được con hạc ấy, đối với Phật pháp nào có liên hệ gì đâu? Không ngăn nỗi thương tâm, Tôn giả liền đến trước vị ấy để chỉ bảo:
– Lời tụng của nhân giả chẳng phải là bài kệ pháp của Phật, thật là lầm lẫn với lời tà giáo. Bài kệ Pháp Cú của Phật phải tụng như vầy: “Nếu người sống trăm tuổi, không hiểu pháp sinh diệt, không bằng sống một ngày, mà hiểu pháp sinh diệt”. Bởi vì người đời không biết được tính hư vọng sinh diệt của thế gian, bèn sinh khởi ái trước cho là chân thật mới tạo nghiệp rồi phải chịu sự thống khổ sinh tử, nếu như hiểu được tính hư vọng của pháp sinh diệt liền ngăn được ngã kiến tham ái chấp trước, khế nhập tính chân thật của pháp sinh diệt, mới có thể giải thoát được thống khổ sinh tử, đây mới là chân Phật pháp, mới là mục đích trì tụng Phật pháp.
Thế nhưng mấy ngày sau, vị tân học Tỷ-kheo ấy lại bỏ đi lời pháp kệ của Tôn giả chỉ dạy mà dùng nguyên văn lời tụng trước, lấy tà làm chánh. Tôn giả bèn hỏi lại duyên cớ, mới được biết thầy của vị Tỷ-kheo này nói rằng: “A-nan đã già lão rồi, trí tuệ suy giảm nên lời nói lầm lẫn không thể tin được! Ông nay cứ như trước mà trì tụng”. Vị tân học Tỷ-kheo nghe theo lời thầy dạy bảo nên đã không dùng lời giảo chính của Tôn giả A-nan nữa.
Lúc này, A-nan lấy làm thương xót muôn vàn. Tôn giả cho rằng, Phật cách xa thế gian chưa bao lâu mà đã xảy ra tình trạng như thế này. Những bạn đồng học đã lần lượt qua đời, lúc ấy cũng khó có thể kiếm được một vị đồng học ở quá khứ để chứng minh cho câu kệ Pháp Cú do Ngài nói lại là đúng không sai, điều này khiến cho A-nan cảm thương xiết bao! Ngài than rằng: “Buồn thay cho thế gian! Rất đáng thương xót! Nay Tỷ-kheo này, ta thân hành nói, lại theo lời tà, không nhận lời ta, biết tâm sự cùng ai đây!”.
Ngài nhớ lại lúc Phật tại thế, nhân có lần đến Ưu-đà Sơn, nước Ma-đột-la, Phật có nói rằng: “Sau khi ta diệt độ, sẽ có Tỷ-kheo tên Thương-na Hòa-tu từ núi này mà dựng Tăng già lam, thuyết pháp giáo hóa, làm lợi ích cho rất nhiều người”. Tôn giả A-nan biết nhân duyên trụ thế của mình đã hết, những chúng sinh có duyên với mình đã hóa độ xong rồi. Những chúng sinh chưa độ, đến lượt Thương-na Hòa-tu như lời Phật ký, sẽ lãnh trách nhiệm trụ trì Phật pháp. A-nan liền cỡi thuyền vào khoảng giữa sông Hằng, hiện thần biến mười tám lần, sau đó lại độ tiên nhân Ma Điền Đề rồi nhập Niết-bàn. Xá-lợi của Ngài được phân chia làm hai phần, một phần do vua A-xà-thế nước Ma-kiệt-đà, một phần do vua nước Tỳ-xá-ly giữ lấy để xây tháp cúng dường.
Thương-na Hòa-tu được Tôn giả A-nan độ cho xuất gia, Ngài là một bậc thầy có nhiều cống hiến to lớn đối với việc hoằng truyền chánh pháp sau khi đức Phật diệt độ khoảng một trăm năm.
Truyền thuyết về lai lịch của Ngài rất siêu phàm. Vào đời quá khứ, Ngài là một người buôn bán châu báu, rất khéo léo trong việc vào biển sâu tìm châu báu. Có một lần, vị thương chủ này cùng năm trăm người bạn đồng hành chuẩn bị vào biển để tìm châu báu, chợt gặp một vị xuất gia tu hành mang bệnh rất nặng có thể nguy đến tính mạng, không một ai biết đó là bậc Thánh đã tu chứng quả Bích-chi Phật (người tu hạnh Độc giác, ra đời không có Phật tại thế). Vị thương chủ cảm nhận sự thống khổ vì bệnh tật của vị xuất gia tu hành, bèn khởi từ tâm, mời lương y đến chữa trị và hết lòng săn sóc thang thuốc. Những thương nhân như vậy chẳng những xưa đã ít có, mà cho đến ngày nay e rằng cũng không có nhiều lắm.
Cũng có kẻ hoài nghi rằng vì sao một vị đã chứng quả Thánh rồi lại còn bị bệnh nặng như thế? Nhưng họ đâu biết người xuất gia tu hành chủ yếu là đạt cho được tâm không khổ trong sự đau khổ của thân. Bởi vì thân thể là giả tướng tụ hợp của ngũ ấm, bản lai vốn không chân thật cho nên không ai tránh khỏi sự biến hóa của già bệnh cả. Duy có những người không nhận biết thân mạng là pháp vô thường bại hoại, nên khi căn bệnh đến họ mới thống khổ không chịu nổi, trong tâm sinh khởi lo âu phiền não vô hạn! Họ rất sợ hãi là vì hết thảy mọi thứ nơi thân sẽ vĩnh viễn mất hết, đầu óc bức bách như lửa đốt, thật là không dám nghĩ thêm điều gì nữa. Lúc đó, mong mỏi có thể thành tiên, cho đến mong được thân kim cang bất hoại. Thế nhưng, lại chê tiên đạo không đúng, mà còn cho đức Phật cũng không linh nữa! Một số tà môn ngoại đạo lợi dụng nhược điểm này của người đời, dùng thủ đoạn để lừa bịp họ bằng các chú thuật trường sinh, bí quyết kim cang, gặp thần thấy quỷ, không ăn chẳng ngủ. Chẳng những kẻ ngu không biết, mà cho đến người trí thuộc thượng tầng xã hội thế gian phần nhiều cũng có tâm tín ngưỡng sùng bái cầu thầy học đạo. Họ quên rằng từ xưa tới nay, có ai sống mãi mà không chết đâu? Có thân là phải có khổ, làm sao mà lại không bệnh cho được. Có bệnh thì phải mời thầy thuốc đến chữa. Nếu như thọ mạng chưa mất, thuốc men cũng có thể diệt trừ một số thống khổ nơi thân. Cho nên, bậc Bích-chi Phật đã chứng quả Thánh tiếp thọ sự trị liệu thuốc men cũng như mọi người, nhưng vì biết thân khổ không thể tránh khỏi nên tâm vẫn an nhiên không bị rối loạn, chẳng có sợ hãi ưu sầu khổ não. Đây là hiện tượng đã đạt được tâm giải thoát, thân khổ mà tâm không khổ, chỉ có bậc Thánh chứng được tính pháp không, vô thường, vô ngã mới đạt được như vậy. Do đó, mới giải thoát được sự trói buộc của sinh tử, không còn sinh tử nữa, thân tâm đạt đến cảnh giới an vui tịch diệt một cách cứu cánh. Cũng chính vì thế, cho nên người buôn bán châu báu này thấy vị Bích-chi Phật bệnh rất nguy kịch mà vẫn ung dung tự tại như không có việc gì xảy ra cả, tựa hồ như bệnh không làm gì được Ngài và cái chết cũng không làm Ngài lo sợ, điều này khiến vị thương chủ ngạc nhiên và kính phục vô cùng! Vì vậy, ông cho mời thầy thuốc đến chữa trị, đồng thời cúng dường cho Ngài một tấm y mới. Vị Bích-chi Phật không chịu thay đổi bộ y Thương-na rách nát này (y được chế tạo bằng một loại vỏ cỏ). Bởi vì từ khi xuất gia, Ngài đã mặc nó trên người và cũng do bộ y này mà Ngài thành đạo. Hơn nữa, thân Ngài hiện giờ giống như ván thuyền đã mục nát không thể sửa chữa được nên Ngài sắp nhập Niết-bàn. Sau khi nghe nói, người chủ buôn châu báu mới biết Ngài là bậc Vô nhiễm ở thế gian, là bậc tu hành đã đắc quả Thánh, những vị như Ngài trên thế gian thật là ít có. Thương chủ hy vọng rằng Ngài chưa vào Niết-bàn và muốn Ngài cùng đi ra biển để ông tiện việc săn sóc thuốc thang và lễ bái cúng dường.
Vị Bích-chi Phật chưa đồng ý nhưng khai thị cho ông những điều quý báu:
– Phải nên gieo phước nhiều, có gieo trồng thì mới có thu hoạch, trồng ruộng phước lớn tất sẽ được kết quả lớn.
Nói xong, Ngài phóng thân lên hư không hiển hiện thần thông biến hóa mười tám lần. Rồi sau đó trở về chỗ cũ ngồi mà nhập diệt. Thương chủ thấy được diệu dụng thần thông chưa từng có này liền cảm ngộ mà phát thệ nguyện rằng: “Nguyện tôi đời sau gặp được bậc Thánh sư giống như Ngài, khiến tôi có được nhiều công đức, cách thức uy nghi cho đến y phục không khác”. Do nhân duyên này, hiện đời thương chủ được tái sinh trong gia đình giàu có. Truyền thuyết kể rằng, lúc sinh ra Ngài liền được y Thương-na, do vậy mà được đặt tên là Thương-na Hòa-tu. Đây là một sự kiện không thể nghĩ bàn vậy.
Chính nhờ căn bản nhiều đời tu phước, nên hiện đời Thương-na Hòa-tu cũng là một vị đại thương gia buôn bán châu báu. Ông thường đi ra biển để tìm ngọc quý, bình sinh ưa các điều thiện, thích bố thí và cúng dường Tam Bảo. Trong thành Vương-xá, chẳng mấy ai mà không biết đến vị đại thương nhân tài giỏi này. Ông được người đời khen ngợi là bậc đại thiện sĩ chân chánh, có tài có đức trong xã hội.
Cũng giống như những người bận rộn, bận đến nỗi những thứ mình cầm trong tay mà cũng quên mất, Thương-na Hòa-tu có lẽ cũng như vậy. Do vì ông bận rộn với việc buôn bán, tuy có lòng tin nhưng chưa chính thức tiếp thụ tín ngưỡng Phật giáo.
Một lần nọ, Thương-na Hòa-tu phát tâm nguyện lớn, chuẩn bị sau khi vào biển tìm châu báu, trở về sẽ khai mở đại hội Vô-già bố thí khắp cả, đương nhiên cũng có cúng dường Phật và Tăng. Sau một thời gian đi biển trở về, ông rất sung sướng về đại nguyện đã phát trước đây. Vì đây là một việc làm rất xứng ý, đến nay ông mới có thể thực hiện được. Đã quyết tâm rồi, ông liền làm ngay. Ông tranh thủ đến rừng Trúc, mời thỉnh Tôn giả A-nan. Ông cầu mong Ngài thay mặt mình thỉnh đức Phật và các vị đại Tỷ-kheo như Đại Ca-diếp, Đại Mục-kiền-liên, Xá-lợi-phất v.v… tham gia đại hội thọ lãnh sự cúng dường thành kính của ông. Ngài A-nan liền cho ông biết là đức Phật và Đại Ca-diếp v.v… các vị trước sau đều đã nhập Niết-bàn rồi.
Ông quá đau buồn và hối hận vì đã để lỡ mất cơ hội ngàn năm mới có! Kinh nghiệm việc này, ông không còn dám chậm trễ nghi ngờ gì nữa, vội thỉnh cầu Tôn giả A-nan đến tham dự đại hội và thọ lãnh cúng dường. Được Tôn giả nhận lời, ông liền vội vàng trở về thành Vương-xá chuẩn bị vật phẩm cho buổi đại hội.
Thương-na Hòa-tu tự nghĩ: “Thế gian là vô thường, ngay cả đức Phật là đấng Đại Giác và các vị Thánh đệ tử đều là những vị sống khỏe mạnh, biết nhìn xa trông rộng mà còn không tham đắm thế gian. Huống chi ông là một thương nhân phàm phu, có tiền chưa chắc đã mua được sự trường thọ, có thế lực chắc gì đã bảo vệ được thân kim cang”. Cần lấy đây làm sự tỉnh ngộ tự giác, ngó lại xem trong xã hội xưa nay, có bao nhiêu người có thể nhận thấy được điều này? Thương-na Hòa-tu vốn xuất thân từ chốn thương trường, thế mà ở trong chốn phàm nhân ấy lại biểu hiện được tính cách phi phàm. Những người buôn bán đời sau là đệ tử Phật, tự nhà mình thiếu chút ít thứ gì, đã được Thương-na Hòa-tu gợi ý cho từ hai ngàn năm trăm năm trước rồi, vì sao không hướng về Ngài để cầu chỉ giáo, để được ngang bằng, để làm giống như Thương-na Hòa-tu trong cuối đời của Phật pháp?
Đã đến lúc bắt đầu cử hành đại hội Vô-già. Hội trường được bố trí tại nhà của Thương-na Hòa-tu, đặc biệt cửa lầu cao được nối thông vào trong phòng, mở rộng thêm mặt bằng cho người đi lại. Những chữ bằng vàng to lớn “Đại hội Vô-già” được dựng ngang phía trước để chào đón, bốn mặt đường đi thông suốt đến hội trường, cờ xí phất phới bay theo gió nhảy nhót trên không, ánh dương hòa với sắc vàng rực rỡ, vật phẩm bố thí và tay người cùng nhau nhảy múa. Bên trong hội trường, phẩm vật bố thí đủ màu đủ sắc chất chồng như núi. Những công nhân, những người bạn cùng buôn bán với ông không mời mà tự đến rất đông lên đến hàng vạn người tự nguyện đảm nhận những công tác cho buổi lễ. Từ khắp mọi nơi, những người bất hạnh, bần khốn, khổ nạn, góa bụa cô đơn, già suy, trẻ yếu, tật bệnh, mù điếc… đông vô số kể, tìm đến đại hội để nhận lãnh của bố thí. Cả một biển người nhấp nhô khi lên khi xuống, đầu trên vừa lui ra, chìm xuống thì đầu dưới lại tới nổi lên. Những người phân phát thật là bận rộn, họ chỉ tiếc là mình chỉ có hai tay nên làm không xuể, phải chi đức Bồ-tát Quán Thế Âm đại từ đại bi cho họ có thêm ngàn cánh tay thì mới phân phát kịp. Những người đến nhận lãnh bố thí ai nấy đều hớn hở vui cười, mỗi người ra về với một bao lớn đựng nhiều thứ như y phục, thức ăn và đồ dùng. Thương-na Hòa-tu tận mắt chứng kiến làn sóng người như nước triều dâng đến nhận bố thí, trong lòng vui mừng không thể tả xiết, đúng là “vui cái vui của thiên hạ”. Ở thế gian này, có cái vui nào so sánh được với “cái vui bố thí” này đâu.
Tôn giả A-nan đến nơi, thấy việc làm này cũng hết sức khen ngợi Thương-na Hòa-tu:
– Lành thay trưởng giả! Hay biết thế gian là không an nên đã tạo tác phước điền, gây nghiệp kiên cố. Công việc đại bố thí này ở thế gian rất là ít có! Thế nhưng, rốt cuộc chỉ là phước đức không cứu cánh, hữu lậu ắt phải hữu thất (sẽ mất).
Nhân lúc tâm ý Thương-na Hòa-tu đang khoan khoái, Tôn giả A-nan liền dùng phương tiện để chỉ bảo hướng dẫn:
– Ông làm việc tài thí rất to lớn ít có! Nay nên làm thêm pháp thí nữa đi! Bởi vì tài thí chỉ có thể giải trừ những bức bách khổ nạn cho người trong một lúc thôi, không thể làm cho họ đạt đến chỗ diệt trừ rốt ráo cái thống khổ sinh tử. Cái mạng lưới khổ sinh tử cần phải có pháp thí mới có thể phá trừ được”. Cho nên, Tôn giả khen ngợi pháp thí rằng: “Pháp thí vi diệu này, nếu hoằng truyền rộng rãi sẽ vượt hơn tài thí nhiều gấp trăm ngàn vạn lần”.
Thương-na Hòa-tu nghe được, bắt đầu có đôi chút hoài nghi: “Sao gọi là pháp thí? Công đức pháp thí chắc lớn lắm sao, đến như đại hội bố thí này so sánh cũng không bằng nữa ư?”. Ông nhận thấy trên thế giới này, chưa ai cử hành được việc bố thí nào lớn hơn đại hội bố thí to lớn này của ông, cho nên trong tâm ông không tin tưởng lắm. Nếu quả thực như lời Tôn giả nói: “Pháp thí so với đại hội bố thí này lớn hơn và tốt hơn” thì ông cũng cầu mong sẽ cử hành lần nữa, vì ông cho rằng ông rất giàu có.
Thế nhưng, pháp thí mà Tôn giả A-nan dạy là: “Ở trong Phật pháp xuất gia học đạo, thuyết pháp giáo hóa làm lợi ích cho chúng sinh, ấy gọi là pháp thí. Bởi vì xuất gia học đạo mới khả dĩ biết diệt ác hành thiện, trồng phước tu huệ. Một khi đã khế ngộ được chân lý vũ trụ, hiểu rõ thật tướng của các pháp, không những tự mình giải thoát khỏi những khổ nạn của kiếp người, mà còn có thể đem những điều chứng đắc này giáo hóa hết thảy chúng sinh, khiến cho họ nương theo đó mà được đại tự do, đại phước lạc và lợi ích vĩnh cửu. Điều này so với công đức tài thí có phải càng rốt ráo to lớn hơn không? Như một người nhờ pháp thí mà được đại lợi ích, xoay chuyển thành ra công đức vô cùng vô tận, tận hư không biến pháp giới, há có thể lấy cái chỗ trăm ngàn vạn bội mà thí dụ được ư!”.
Thương-na Hòa-tu vốn là người đã gieo trồng căn lành đời trước, rất hoan hỷ làm việc công đức, nên khi nghe Tôn giả A-nan chỉ bảo, liền vui mừng giác ngộ, buộc miệng nói rằng:
– Lành thay! Rất hợp với ý nguyện của tôi. Cái công đức vô lượng vô biên phải ở chỗ pháp thí mới có thể thâu hoạch được như nguyện, đem việc làm này mà so với việc bố thí của tôi thì quả thật là vĩ đại hơn nhiều! Rất là lý tưởng!
Do vậy, sau khi đại hội bố thí kết thúc, Thương-na Hòa-tu liền theo Tôn giả A-nan xuất gia và trở thành một vị tân Tỷ-kheo kiệt xuất phi thường. Dưới sự chỉ dạy của Tôn giả A-nan, bậc đa văn đệ nhất, “thí như trút nước qua một chiếc bình khác”, ông đều thấu suốt những điều học hiểu của Tôn giả. Qua sự hướng dẫn thực hành hiểu biết trí huệ, không bao lâu, Thương-na Hòa-tu chứng được lý không chư pháp vô thường, vô ngã, thành bậc A-la-hán, đoạn tận sinh tử. Tôn giả A-nan thấy có người kế tục, bèn đem trọng trách trụ trì Phật pháp phó chúc cho Thương-na Hòa-tu rồi mới an tâm nhập Niết-bàn.
Thương-na Hòa-tu vâng theo lời thầy chỉ dạy, cũng rộng truyền chánh pháp, độ vô số người. Sau Phật diệt độ, các bậc lãnh đạo Phật giáo có nhiều ảnh hưởng lớn, nhiều cống hiến lớn lao. Ngoài Tôn giả Ca-diếp và A-nan ra, còn phải kể đến Thương-na Hòa-tu. Thương-na Hòa-tu được tôn vinh vào hàng thứ ba trong các nhân vật lãnh đạo trung tâm trụ trì Phật pháp sau khi Phật diệt độ.
Căn cứ truyền thuyết, Thương-na Hòa-tu hoằng hóa đệ tử rất nhiều, nên muốn xây dựng một ngôi chùa trên núi Ưu-đà thuộc nước Ma-đột-la để có chỗ cho đồ chúng tu học. Đây là một đạo tràng lý tưởng, thích hợp cho người tu đạo. Non sáng nước trong, bách biếc tùng xanh, môi trường chung quanh rất đẹp đẽ thanh khiết, lại xa nơi chợ búa thị tứ, ít người lai vãng, càng giúp thêm phần yên tĩnh. Trước đây, đức Phật và A-nan đã từng du hóa đến ngọn núi này. Thế nhưng hiện nay, trong núi có hai con rồng độc hại hung dữ chiếm cứ, khiến cho kẻ xa người gần không ai dám vào trong núi.
Thương-na Hòa-tu bèn dùng thần lực làm chấn động hang núi. Hai con rồng cỡi mây nhả khói tạo nên một trận cuồng phong dữ dội muốn hại Thương-na Hòa-tu. Trải qua một cuộc đấu pháp giữa người và rồng, cuối cùng, Ngài cũng hàng phục được hai con rồng dữ. Rồng là loài có tâm sân hận rất lớn, khó mà điều phục được. Phải chăng sự việc này là để tượng trưng cho các thủ lãnh và dân chúng nơi núi rừng hoang dã, có tính tình ví như rồng rất khó giáo hóa! Khi Tôn giả lãnh đạo đồ chúng đến núi này định dựng chùa để tu hành, liền bị dân chúng trong vùng ngăn trở không chấp nhận, nhưng nhờ pháp lực cao siêu cùng đức độ từ bi, Tôn giả đã điều phục được những sự ngoan cường chống đối của họ và cảm hóa khiến họ quy y theo Phật pháp.
Trong số đệ tử xuất gia của Thương-na Hòa-tu, có một vị Đại sư đặc biệt xuất chúng, tên gọi là Ưu-ba-cúc-đa. Lúc ở Kế-tân hoằng hóa, dưới tòa có năm trăm đệ tử, điều đó đủ cho thấy sự hưng thịnh của Đại sư. Chúng đệ tử này tuy thọ giáo với Đại sư, nhưng vẫn còn phiền não sâu nặng, tâm ngã mạn cống cao rất lớn, do vậy mà Đại sư khó thể điều phục được, khiến cho phần nhiều ở nơi sinh tử không được giải thoát.
Thánh giả Ưu-ba-cúc-đa biết phước đức nhân duyên của mình khó mà thành tựu lợi ích cho đồ chúng, tự nghĩ: “Chỉ có thầy ta mới có thể hóa độ được”, nên thầm mong mỏi Thương-na Hòa-tu đến nơi đây để giáo hóa. Tôn giả Thương-na Hòa-tu biết được việc này, liền dùng sức thần thông từ trên không mà bay đến chỗ ấy. Trong lúc Ưu-ba-cúc-đa không có ở nơi đó, năm trăm đệ tử nhìn thấy Tôn giả đến nhưng không ai thèm để ý, họ chỉ ngước mặt lên trời mà thôi, đủ biết sự ngã mạn của họ còn cao hơn đỉnh núi. Tôn giả vẫn thản nhiên đi thẳng đến chỗ ngồi nơi thiền phòng của Ưu-ba-cúc-đa. Năm trăm kẻ ngạo mạn này thấy Tôn giả y áo sơ sài, đầu tóc, móng tay dài nhọn đến ngồi nơi chỗ của thầy mình, họ liền giận dữ la mắng, đuổi xua Tôn giả ra khỏi, không một ai biết lễ phép tôn kính bậc Thượng tọa Trưởng lão Tỷ-kheo. Người nào người nấy khí thế hung hăng. Thấy Tôn giả vẫn ngồi lặng yên, một số người lỗ mãng xông lên lôi kéo. Nhưng rồi cả bọn vô cùng kinh ngạc, vì Tôn giả vẫn ngồi yên nơi tòa dường như có rễ bám sâu vào núi lớn, không làm sao lay chuyển di động được chút nào. Lúc ấy, họ hết dám khinh thường, vội vã cử người đi tìm thầy về. Ưu-ba-cúc-đa về đến thiền phòng, chợt nhận thấy Tôn giả liền thành kính đảnh lễ. Mọi người thấy vậy đều trố mắt ngạc nhiên, vì họ vẫn cho rằng thầy mình là tài giỏi bậc nhất, còn như Tôn giả có bộ dạng già lão xấu xí, cho nên họ không sinh khởi tâm lễ kính.
Tôn giả biết mọi người vẫn chưa dứt tâm ngã mạn, liền nhập “Long phấn tấn định”, tay chỉ hư không, trên hư không liền giáng một dòng sữa thơm như tấm vải trắng từ trên núi cao chảy xuống. Sau khi xuất định, Tôn giả hỏi Ưu-ba-cúc-đa: “Đây là thứ Tam-muội gì?”. Ưu-ba-cúc-đa không thể hiểu biết được, chúng đệ tử lại càng không biết gì. Lúc đó, họ mới giảm bớt đôi chút tánh ngã mạn.
Tôn giả liền diễn thuyết các thứ diệu pháp Tam-muội. Cuối cùng, Tôn giả nói:
– Tướng định Tam-muội của A-nan thầy
ta, ta không thể biết. Nay Tam-muội của ta, các người cũng không thể biết được. Tam-muội của Đức Như Lai chúng ta lại càng chẳng thể biết được. Điều này, biểu thị Tam-muội vô lượng, rất thậm thâm. Chỉ có người vô trí không biết chỗ cao sâu, ít học Phật pháp, cho nên mới sinh khởi những cuồng vọng cống cao ngã mạn.
Lúc ấy, năm trăm người đệ tử ngạo mạn đã cúi đầu khuất phục. Mỗi người đều tự trách móc hối hận về những điều lỗi trước của mình. Đối với Thương-na Hòa-tu, hình vị tuy không xuất chúng, lời nói tuy không làm người sợ, nhưng hiện ra uy đức vô thượng. Thế là từ đấy, họ dứt bỏ được tâm ngã mạn, siêng năng tinh tấn, về sau đều đắc quả A-la-hán.
Tôn giả Thương-na Hòa-tu vâng lãnh di mạng của Tôn giả A-nan, đã hết lòng với trách nhiệm hoằng truyền Phật pháp, và vâng lời dạy của Tôn giả A-nan, hóa độ Ưu-ba-cúc-đa xuất gia, giao trách nhiệm lớn trụ trì Phật pháp cho Ưu-ba-cúc-đa đảm đương tiếp nhận.

Lúc ấy, Thương-na Hòa-tu cảm thấy “chỗ làm đã xong”, liền theo thông lệ hiện thần biến một lần cuối cùng, sau đó nhập Niết-bàn. Di thể Xá-lợi của Ngài được Ưu-ba-cúc-đa đem phân truyền cho các chúng đệ tử lập tháp cúng dường. Đây là vị Đại sư thứ ba trụ trì Phật pháp sau đức Phật diệt độ. Tên tuổi của Ngài được mãi mãi lưu truyền trong lịch sử hoằng truyền Phật pháp, được các hàng đệ tử Phật hàng vạn đời sau chí thành hướng về tôn kính ca ngợi.