Giải thoát đạo luận Vimutti Magga

Giải thoát đạo luận Vimutti Magga

Đỗ Quang Huy 60

Phẩm 5: Tìm gặp Thiện tri thức

Hỏi: Vào thời đó, làm sao khởi lên định?

Đáp: Người mới tập ngồi thiền, nếu muốn thiền định khởi lên, cần nên tìm gặp bực thiện tri thức. Tại sao? Người mới tập thiền muốn đắc được định thật cao mà xa lìa bực thiện tri thức thì chẳng đạt được sự ổn định, như trong Kinh có nói: “Có Tỳ-kheo Vân (= Meghiya) kia gặp phải sự thoái sụt”; như người lữ khách đơn độc, chẳng bạn đồng hành chỉ dẫn, tự ý mình đi đến một nước xa xôi; như voi chẳng có câu liêm kềm thúc (câu liêm = gậy dài đầu bằng sắt hình móc câu, để thúc đuổi voi). Nếu người tu hành ngồi thiền gặp được thiện tri thức giảng dạy cho giáo pháp, biết thọ trì và tránh được các lỗi lầm, theo đúng đường lành, tinh cần tu tập, sẽ đắc được định cao nhứt. Bực thiện tri thức cũng như người buôn bán giàu có được mọi người kính trọng, như một người thân thiện, như cha mẹ mình, như dây buộc voi chẳng cho động đậy, như người cầm cương muốn xe chạy tới hay ngừng lại tùy ý mình, như kẻ lái thuyền biết chọn đúng đường, như vị y sĩ trị bịnh cho thuốc thang để tiêu trừ khổ sở, như trận mưa rào tưới nhuần muôn vật, như cha mẹ nuôi con khuyên con, tránh cho con các điều nguy hiểm, như bạn hiền đến giúp ích đỡ đần, như bực thầy răn dạy. Tất cả các pháp lành theo đó mà được thành mãn.

Bởi thế nên Thế Tôn có dạy Tôn giả Nan-đà rằng: “Tất cả Phạm hạnh đều do thiện tri thức.” Vì vậy, cần phải tìm gặp cho được bực người chí thiện mà kết tình bằng hữu.

Thế nào là thiện tri thức cao nhứt? Đó là hạng người đã thành tựu được sự thông hiểu thấu đáo: một mặt, thông đạt Kinh Tạng, Luận Tạng và Luật Tạng và mặt khác, hiểu rõ về nghiệp chủng (= các nhân duyên tạo nghiệp), về Tứ Đế (= bốn Chơn lý nhiệm mầu: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế) ), và đắc các pháp lành về thần thông. Hạng người nào đã thành tựu hai loại công đức đó, chính là những bực thiện tri thức cần phải tìm gặp.

Nếu chẳng gặp người đã thành tựu được như trên, thì nên tìm gặp những bực có đủ bảy đức tánh tốt, kể ra sau đây.

Thế nào là bảy đức tánh tốt? Các đức tánh đó là: khả kính ái, đáng trọng, đáng qúi, khéo giảng, nhẫn nhục, lời cao thâm, chẳng ở nơi chẳng phải chỗ.

Thế nào là khả kính ái? Đó là người biết thực hành y theo hai điều thường khéo giảng: tâm vui chung sống, hoà giải chẳng gây khó khăn. Đáng trọng là giới hạnh thanh tịnh, giữ tròn chánh niệm, chẳng ham nói nhiều. Đáng qúi là thành tựu việc tu huệ, biết trọng việc ngồi thiền. Khéo giảng là lời nói khả ái, đáng qúi trọng và có hiệu quả; sự suy nghĩ theo đúng chơn lý, có lợi ích cho mọi người; sự tôn trọng pháp, biết khắc phục các điều chẳng nên làm, tuân hành cho đến cuối chẳng bỏ sót. Nhẫn nhục là như bực hiền thánh hiểu rõ ngay, chẳng chút ngập ngừng, các lời nói nịnh hót, lời nói bao quát (…). Lời cao thâm là thông đạt nghiệp quả, phân biệt rõ về tưởng niệm, tác ý, chấp trước đều do sự chấp tướng mà ra; khéo giảng các điều đúng pháp, còn điều chẳng đúng pháp, phiền não, chấp tướng, thì khuyên nên diệt bỏ hết. Chẳng ở nơi chẳng phải chỗ là nơi quê cha đất tổ, nơi hành nghề mà nếu có sự tán tụng ràng buộc thì chẳng nên ở; còn nơi sở làm được an ổn thì nên ở.

Người nào đã hội đủ bảy đức tánh tốt vừa nói, là bực thiện tri thức mà ta phải cần tìm gặp.

Hỏi: Tìm gặp thiện tri thức cách nào?

Đáp: Nếu biết xóm ấp nào, nơi trú ngụ nào có vị thiền sư đầy đủ các đức tánh khả kính, thì nên tìm đến. Nếu mình chẳng biết được mà các bạn đồng tu ở nơi khác biết được, thì nên đi đến đó hỏi han. Gặp lúc hợp thời, theo đúng pháp, còn chưa nói thẳng ra ý định của mình, nên đến đấy, sau khi cung kính thăm hỏi, mới mở lời thưa: “Ở xứ nào, ở vùng nào, có thiền đường nào, có vị thiền sư nào, công đức được mọi người qúi mến?”Nên thưa hỏi như thế. Vị đồng tu đáp: “Ở xứ đó, ở vùng đó, có thiền đường đó, có vị thiền sư đó, được mọi người kính ái.”

Nghe được như thế, lòng vui nghĩ sâu xa đến điều đó, liền lên đường đi đến nơi đã chỉ, để được gần gũi bên thiền sư mà tu hành. Y phục chỉnh tề, đi đến bên Hoà thượng, tự nói lên ý vui mừng được gặp Hoà thượng: “Bạch Hoà thượng, xin Ngài nghe con nói, con nay đến hầu Hoà thượng, để được tu tập gần bên một vị thiền sư.” Hoà thượng liền đáp: “Lành thay! Ta cũng rất hoan hỉ. Việc nầy là việc làm của người lành, nơi sống chung của người lành, nơi học tập của người lành, nơi tu hành đúng pháp của người lành. Nghe thấy như thế đã có lợi ích lớn, huống hồ là được cùng ở chung. Ông nên đến đấy, ông đã tới đây rồi, thì đừng bao giờ sanh lười biếng nhé.”

Người thiện nhơn chuyên cần tu học, chẳng những trong nhứt thời mà luôn luôn ở mọi thời, gia tăng lòng kính tín nơi bực thầy của mình, giữ gìn lời nói cho khéo, thân miệng cho trang nghiêm,thông hiểu rõ ràng, việc tu hành sớm được thành tựu. Mọi việc đều nương đúng theo thầy, chẳng sanh khinh lờn, vâng làm như cô dâu mới về phụng sự mẹ chồng,có lòng biết thẹn với mình,với kẻ khác, khi nghe lời dạy.

Nếu thấy có người đệ tử nào chẳng đủ y phục, thuốc thang, nên theo đúng như pháp mà liệu cách giúp đỡ. Khi nghe thuyết pháp, cho đến việc giữ gìn tư thế đi, ngồi cho đúng thiện pháp, người thiền sanh phải chỉnh tề y phục, cung kính đi vi nhiễu (= chắp tay kính cẩn đi chầm chậm ba vòng quanh thầy) và lễ lạy dưới chơn thầy. Nếu đi nửa đường, bên ngoài vườn, thấy có bờ nước mà muốn tắm, thì đặt y bát (= quần áo và bát đi khất thực) cùng dép cỏ, gáo múc nước, các thiền cụ (= đệm và gối ngồi thiền) vào chỗ cao ráo, rồi bước xuống nước; chẳng tắm gần bờ và tắm chẳng gây tiếng động. Tắm xong, mặc y phục chỉnh tề, khoác áo uất-đa-la-tăng (= áo giữa), còn y bát, thiền cụ thì mang trên vai phải; áo tăng-già-lê (= áo ngoài) cuốn tròn lại hay để lên vai.

Khi đi vào chùa, hạ cây dù xuống, đi nhiễu quanh tháp. Nếu thấy có Tỳ-kheo đến, liền thưa hỏi: “Nơi đây có người ngồi thiền chăng, có Tỳ-kheo mặc áo phấn tảo (= áo may bằng vải vụn lượm ở hố rác) chăng, có khất sĩ chăng, có luật sư (= vị tăng thông thạo về Luật tạng) chăng; nên theo ngõ đường nào mà đến được, tôi muốn tới viếng. Nếu chẳng có các vị đó, thì có luật sư chăng, tôi muốn đến thăm. Nếu chẳng có luật sư, thì ai là vị thượng toạ ở đây, tôi muốn đến gặp.”

Nếu gặp vị thượng toạ đại tăng (thượng toạ = vị tăng cao cấp), nên cầm giữ lại y bát, đừng trao; nếu gặp các vị khác còn trẻ thì mới trao y bát; còn nếu chẳng có ai, thì đặt y bát vào một chỗ nào đó. Khi gặp thượng toạ, liền lễ lạy dưới chơn,và ngồi xuống bên cạnh. Một Tỳ-kheo cũ trong chùa theo đúng như pháp, trao cho đệm, nước, chỉ nơi tắm rửa, chỗ cất y bát, phòng vệ sinh, cùng các chỉ dẫn khác. Cứ theo thông lệ, vị khách tăng đi xem vòng quanh bên trong chùa, trước khi mặt trời lặn.

Nếu được tiếp chuyện cùng vị luật sư, liền thưa hỏi về các tội phạm giới mình còn nghi ngờ và các tội còn chưa phạm phải. Nếu gặp được vị Luận sư về A-tỳ-đàm (Abhidhamma, Luận tạng), nên thưa hỏi về việc tu huệ, sự phân biệt các ấm, giới, nhập, nghiệp. Nếu gặp một vị đầu-đà (= tu khổ hạnh), nên thưa hỏi về công đức của hạnh đầu-đà có liên quan đến tu huệ.

Nếu lưu lại tại chùa, thì mỗi ngày nên đi tham vấn (= thưa hỏi) mọi nơi. Khi muốn ra đi luôn, nên xếp gói đồ nằm lại, đến lễ lạy dưới chơn vị đại tăng, bạch rõ lý do ra đi.

Đấy là những pháp tắc ứng dụng cho vị khách Tỳ-kheo.

Thiền sinh muốn thân cận vị thiền sư nơi tu viện, phải như thế nào? Nếu vị thiền sư đi đến, dầu là người nhỏ tuổi đi nữa, thiền sinh cũng đỡ lấyvà cầm y bát của người. Người dạy những gì cần làm, thì phải làm, những gì chẳng được làm, thì buông bỏ hết, đó là những điều trước tiên cần phải thực hành tu tập.

Nếu muốn để yên cho kẻ khác đến trước mình hành pháp thiền, thiền sinh nên đứng quan sát nơi trú xứ, tìm chỗ đặt y bát xuống. Một chặp sau, biết đã đúng thời để đến gần gũi thiền sư, thiền sinh liền cung kính lễ bái, xong ngồi yên xuống chờ trong giây lát. Nếu thiền sự có hỏi đến, thiền sinh liền thưa trình chỗ mình mong muốn. Nếu chẳng được hỏi, ắt chẳng thưa trình. Kể từ lúc ấy về sau, từ cây tăm cho đến nước tắm giặt, thảy thảy đều y theo chỉ thị của thầy mà thi hành. Đến giờ đi khất thực, nên thưa hỏi vị xà-lê (a-xà-lê = vị giáo thọ dạy kinh, luật) rồi theo đúng pháp mà dùng bữa. Nếu vị xà-lê đi đến, thì rửa chơn cho người, sửa soạn chỗ ngồi, cầm bát của người và hỏi dùng nhiều ít, rồi sớt thực phẩm trong bát mình sang, phần còn dư lại chia xẻ với các người khác. Cứ như thế mà vâng làm, chẳng có khó khăn tranh cãi.

Khi ăn xong, cầm lấy bát của vị xà-lê đem rửa và cất vào đúng chỗ. Biết đã đúng thời đến thân cận bên thầy, thiền sinh cung kính lễ bái, yên lặng ngồi xuống bên cạnh trong giây lát. Nếu vị xà-lê hỏi đến, tùy lời mà thưa chỗ mình mong muốn. Nếu chẳng được hỏi, liền lễ bái xà-lê và thưa, xin nghe mình trình tấm lòng mình mong muốn xưa nay. Ngưỡng mong được người hứa nghe mình thưa trình. Nếu thầy hứa nghe tất cả, liền trình lên hết. Nếu thầy chẳng hỏi, thì lễ bái A-xà-lê.

Khi biết đúng thời, thiền sinh xin thầy hứa nghe mình nói nguyên do nào mình đã đến đây. Nếu xà-lê hứa nghe hết, thiền sinh liền bạch rõ tất cả điều mong muốn. Xà-lê đáp: “Lành thay! Lành thay! Cứ y như pháp đã dạy mà vâng làm.”

Do đó, Thế Tôn có nói Kệ rằng:

Gặp thời mà gần gũi,
Khiến tâm chẳng kiêu mạn,
Phạm hạnh theo muôn pháp
Như cây gặp gió ngưng.
Niệm pháp mà tu hành,
Lòng vui trong pháp lạc.
Hiểu pháp nhờ trú pháp,
Giảng pháp đúng như thật.
Chẳng nên hủy báng pháp.
Lời khéo, sầu, cười, bỡn,
Giận hờn, chớ lười biếng,
Thù hận, tham, kiêu, nghi,
Luyến ái, cùng bạo ác,
Tu hành ắt trừ được.
Giữ nghiã chẳng tự cao,
Biết lành, lời thành thật,
Vì định, nghe biết thật.
Người nếu sống buông lung,
Trí huệ chẳng tăng trưởng.
Nếu biết được Chánh pháp
Trời, người đều kính trọng.
Cung kính thành tín tâm,
Nghe nhiều, giữ gìn pháp,
Theo pháp năng tu hành,
Khiến hiểu biết rộng sâu,
Thành tựu người trí huệ.
Gặp bực thầy như thế,
Nên tu chẳng lười nhác.