Giải thoát đạo luận Vimutti Magga

Giải thoát đạo luận Vimutti Magga

Đỗ Quang Huy 62

Quyển Một

Phẩm 1: Nhân Duyên

Kính lễ Đức Thế tôn, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri,

“Giới, Định, Trí huệ,
Vô thượng giải thoát,
Tùy giác thử pháp,
Hữu xứng Cồ-đàm.”

Người muốn thoát các khó khăn, muốn cởi được mọi ràng buộc, muốn thành tựu tâm trí ưu thắng dứt sợ hãi về sanh, già, chết, muốn vui giải thoát đạt tới Niết-bàn còn khó đến, thì phải rộng hiểu thấu đáo Kinh tạng, Luận tạng, Luật tạng. Đó là con đường Giải Thoát Đạo mà tôi sắp nói. Hãy lắng nghe kỹ.

Hỏi: Giới là gì?

Đáp: Giới là nghiã uy nghi. Định là chẳng loạn động. Huệ là sự hiểu biết. Giải thoát là lià khỏi các dây ràng buộc. Vô thượng là vô lậu, dứt hết các phiền não. Tùy giác là trí hiểu được. Thử pháp là Tứ Thánh pháp (Tứ Diệu đế). Cồ-đàm là họ của Đức Phật Thích-ca. Hữu xứng  nói đến Thế tôn đã dùng giới, định, huệ, giải thoát tạo nên công đức thù thắng mới xứng danh cao tột.

Hỏi: Giải thoát đạo nghiã là gì?

Đáp: Giải thoát đạo gồm có năm: (1) phục giải thoát, (2) bỉ phần giải thoát, (3) đoạn giải thoát, (4) khinh an giải thoát, (5) ly giải thoát.

Hỏi: Phục giải thoát là gì?

Đáp: Phục giải thoát là hiện tu hành Sơ thiền điều phục được các triền cái. Bỉ phần giải thoát là hiện tu đạt được một phần định, khiến tri kiến được giải thoát. Đoạn giải thoát là tu xuất thế gian, diệt trừ được các kết sử. Khinh an giải thoát như tâm vui của người chứng đắc được quả vị thì an ổn. Ly giải thoát là cõi Vô dư Niết-bàn.

Con đường nầy đưa đến sự giải thoát hoàn toàn, qua Giới, Định, Huệ, nên được gọi là Giải thoát đạo.

Giờ đây, tôi xin giảng về Giải thoát đạo.

Hỏi: Giảng Giải thoát đạo với dụng ý gì?

Đáp: Có người kia muốn được giải thoát, nhưng chẳng được nghe về giải thoát, chẳng được hiểu, hoặc hiểu sai về giải thoát, kẻ ấy như người mù lang thang một mình nơi đất nước xa lạ, chịu mọi khổ sở. Kẻ ấy muốn được giải thoát mà chẳng có nhân duyên (= ở đây, có nghiã là phương tiện). Tại sao vậy? Giải thoát chính là nhân duyên đó. Như Đức Phật có nói: “Chúng sanh trần lao khổ nhọc, chẳng được nghe pháp, nên rốt cuộc phải chịu thoái chuyển.” Lại như lời Phật: “Nầy chư Tỳ-kheo, có hai nhân, hai duyên, khiến sanh ra Chánh kiến. Hai là những gì? Một là nghe kẻ khác nói. Hai là tự mình có Chánh niệm.”

Vì lẽ đó, giảng Giải thoát đạo cho kẻ chưa nhận biết về giải thoát khiến cho y sanh ra chán ghét sự ham muốn; cho kẻ đã nghe lầm về giải thoát, khiến cho y trừ được con đường bất chánh, mà đắc được thiền giải thoát. Giảng Giải thoát đạo cũng như người đi xa gặp được kẻ khéo dẫn đường.

Người theo Phục giải thoát đạo thành tựu được ba ấm (= ba nhóm). Ba ấm là những gì? Đó là Giới ấm, Định ấm, và Huệ ấm.

Hỏi: Giới ấm là gì?

Đáp: Là chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, và các loại hành động tương tợ, hoặc là khối công đức của mọi giới hạnh khác đem lại

Hỏi: Định ấm là gì?

Đáp: Là chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, và các loại hành động tương tợ, hoặc là khối công đức của mọi hình thức định đem lại.

Hỏi: Huệ ấm là gì?

Đáp: Là chánh kiến, chánh tư duy, và các hành động tương tợ, hoặc là khối công đức của mọi hình thức huệ đem lại

Đấy là sự thành tựu đầy đủ ba ấm.

Kẻ theo Phục giải thoát đạo cần học kỹ ba họcđó là tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng huệ học. (Tăng thượng = thêm hơn) Có giới học, có tăng thượng giới học. Có định tâm học, có tăng thượng tâm định học. Có huệ học, có tăng thượng huệ học.

Lại nữa, có giới về giới học, có giới về tăng thượng giới học. Có định tâm học, có định học về tăng thượng tâm học. Có huệ học, có huệ học về tăng thượng huệ học.

Hỏi: Giới học là gì?

Đáp: Khi nói tướng giới, đó là tên của giới học. Khi nói đạt được phần giới, đó là tăng thượng giới học. Lại nữa, giới của phàm phu là giới học; thánh giới là tăng thượng giới học.

Hỏi: Tâm học là gì?

Đáp: Tâm học là định thuộc về cõi dục giới.

Hỏi: Tăng thượng tâm học là gì?

Đáp: Định thuộc về cõi Sắc giới và cõi Vô sắc giới là tăng thượng tâm học. Lại nữa, khi có tướng định tâm học mà đạt được phần định và đạo định, đó là tăng thượng tâm học.

Hỏi: Huệ học là gì?

Đáp: Học Thế gian trí là huệ học. Học Tứ Diệu đế, Tương tự trí và Đạo trí là tăng thượng huệ học.

Như Thế tôn vì người độn căn (= kém thông minh) giảng về tăng thượng giới học; vì người trung căn (= thông minh vừa vừa) giảng về tăng thượng tâm học; vì người lợi căn (thông minh nhiều) giảng về tăng thượng huệ học.

Hỏi: Học nghiã là sao?

Đáp: Học là học khả học (= học điều cần phải học), học tăng thượng học (= học cao hơn điều cần phải học) và học vô học (= học vượt lên trên hai cấp học trước), có được như vậy mới gọi là như thị học. Học trọn vẹn ba cấp đó thì gọi là theo Phục giải thoát đạo.

Học xong ba học thì thành tựu được ba thanh tịnh, nghiã là giới thanh tịnh, tâm thanh tịnh, kiến thanh tịnh. Như thế, Giới là giới thanh tịnh, Định là tâm thanh tịnh, Huệ là tri kiến thanh tịnh. Giới tẩy trừ các sự cấu nhiễm của việc phạm giới. Định trừ được các triền cấu, khiến cho tâm thanh tịnh. Huệ trừ được vô tri cấu, khiến cho tri kiến được thanh tịnh.

Lại nữa, giới trừ ác nghiệp, định trừ triền cấu, huệ trừ kết sử. Như thế, xuyên qua ba thanh tịnh nầy là theo Phục giải thoát đạo.

Lại do ba điều lành nầy mà theo Phục giải thoát đạo. Lấy Giới làm sơ thiện (= điều lành đầu tiên), lấy Định làm trung thiện (= ở giữa), lấy Huệ làm hậu thiện (= điều lành ở sau).

Hỏi: Thế nào là Giới làm sơ thiện?

Đáp: Có người tinh tấn tu hành được đến mức chẳng lùi sụt, do được chẳng lùi sụt nên sanh mừng; do mừng nên sanh nhảy nhót; do nhảy nhót nên thân sanh khích động; do thân khích động nên sanh vui, do vui nên sanh định. Đó là sơ thiện. Do định, nên sanh tri kiến như thật, đó là trung thiện.

Huệ sanh ra là hậu thiện. Do tri kiến như thật sanh ra nhàm chán sự lo lắng, do nhàm chán sự lo lắng sanh lià xa các ham muốn, do lià xa các ham muốn mà được giải thoát, do được giải thoát mà biết chính mình được giải thoát. Như thế, thành tựu được ba đường lành.

Do theo Phục giải thoát đạo mà đắc được ba niềm vuiđó là vô quá lạctịch diệt lạc và chánh giác lạc. Do giới mà được niềm vui vô quá lạc (= vui vì biết mình chẳng lỗi lầm). Do định mà được niềm vui tịch diệt lạc (= vui yên tịnh). Do huệ mà được niềm vui chánh giác lạc (= vui hiểu biết chơn chánh). Như thế, thành tựu được ba niềm vui.

Người biết theo Phục giải thoát đạo lià xa nhị biên (= hai cực đoan) theo được trọn vẹn con đường Trung Đạo. Người ấy lấy điều lành về giới mà trừ các ham muốn còn đang ràng buộc, do nơi niềm vui thấy mình chẳng lầm lỗi mà sanh lòng mừng vui. Lấy định nơi niềm vui tĩnh lặng để trừ sự mỏi mệt của thân thể và tăng thêm niềm vui an lành. Lấy huệ phân biệt được Tứ Đế, Trung Đạo đầy đủ, để hưởng niềm vui chánh giác mà lòng hằng ôm ấp. Như thế là lià xa được nhị biên mà đắc Trung Đạo đầy đủ.

Người biết theo Phục giải thoát đạo lấy giới trừ được các đường dữ ác, lấy định trừ được cõi dục giới, lấy huệ trừ được tất cả cảnh tái sanh.

Nếu tu nhiều nơi giới mà định, huệ lại ít hơn, thì chứng được quả Tu-đà-huờn, Tư-đà-hàm. Nếu tu nhiều nơi giới  định mà huệ ít hơn, thì chứng quả A-na-hàm. Nếu tu đầy đủ cả ba loại, thì chứng thành quả A-la-hán, được giải thoát cao tột.