KINH PHƯƠNG QUẢNG ĐẠI TRANG NGHIÊM
Hán dịch: Đời Đường, Đại sư Địa-bà-ha-la, người xứ Trung Thiên trúc
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN IV
Phẩm 11: XEM CÔNG VIỆC NHÀ NÔNG
Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:
-Theo năm tháng dần trôi, Bồ-tát ngày càng lớn mạnh. Một hôm cùng với các trẻ em trong họ Thích ra khỏi kinh thành dạo chơi xem xét, Bồ-tát đi đến một khu đất rộng, trông thấy những người nông phu đang làm việc cực nhọc. Bồ-tát nhìn cảnh ấy xong liền khởi tâm từ bi thương xót thế gian có những cảnh khổ như vậy, bèn suy nghĩ:
-Ta nên tìm nơi nào vắng vẻ yên tịnh để có thể ngồi suy nghĩ về cách lìa bỏ sự khổ đau ấy.
Thấy gần đó có cây Diêm-phù cao lớn, cành lá um tùm xanh tươi rất đẹp, Bồ-tát liền đến dưới gốc cây ấy ngồi kiết già ngay ngắn, bắt đầu tư duy. Bồ-tát tập trung tâm ý xa rời mọi ý niệm tham dục xấu ác, nhưng vẫn còn cảm nhận và quan sát; rồi tâm Ngài từ từ xa lìa mọi ý niệm hỷ lạc đã sinh ra trước đó trụ vào Sơ thiền, tâm thuần nhất, hoàn toàn thanh tịnh dứt mọi cảm nhận của giác quan; rồi Ngài lại xa bỏ mọi hỷ lạc đã sinh ra ở Sơ thiền, trụ vào Nhị thiền; Ngài tiếp tục lìa xa mọi cảm thọ hỷ với lời dạy của các bậc Thánh, trụ tâm vào xả bỏ các ý niệm, tư tưởng, thân tâm Ngài đạt được sự an lạc trụ trong Tam thiền; cuối cùng Ngài dứt hẳn các niệm tưởng về khổ lạc, diệt hết trạng thái ưu hỷ, chẳng còn khổ lạc, tâm niệm Ngài thanh tịnh tuyệt đối trong Tứ thiền.
Lúc ấy có các vị Tiên ngoại đạo đã đạt ngũ thông, bay lên hư không từ Nam ra Bắc, khi bay đến phía trên cây Diêm-phù thì bỗng không thể vượt qua được. Họ liền tự hỏi nhau do đâu mà hôm nay không thể bay qua khỏi cây Diêm-phù này, tâm các vị Tiên-ấy càng kinh sợ, khắp thân nổi gai, bèn đọc bài kệ:
Chúng ta từng bay khắp
Núi Tu-di, Kim cang
Núi cao kiên cố thế
Qua lại đâu ngại gì
Ví như loài voi lớn
Nhẹ vượt khu rừng nhỏ
Việc ấy chẳng gì khó
Sức ta cũng như vậy
Lại cũng từng bay qua
Cung điện Rồng, Trời, Thần
Đều chẳng bị trở ngại
Thảy không hề vướng mắc.
Nay gặp thần lực ai
Chế ngự thần thông ta
Nơi rừng Diêm-phù này
Đột nhiên chẳng qua được?
Lúc ấy trong rừng cây có vị thần đọc bài kệ đáp:
Thái tử con vua Du-đầu-đàn
Ví như trăng tròn đầy trong sáng
Thân tướng như mặt trời vừa mọc
Diện mạo tợ như sen nở thắm
Đang trú dưới tàng cây Diêm-phù
Kiết già Người nhập vào diệu định
Nhiều kiếp đã từng tu thiện hạnh
Nên trừ phiền não đạt thanh lương
Chính do uy thần Bậc Đại Sĩ
Khiến người không thể vượt bay qua.
Bấy giờ các vị Tiên nghe rõ bài kệ ấy, từ xa nhìn thấy Bồ-tát hào quang rực rỡ, tướng hảo tuyệt vời nên sinh tâm ngạc nhiên cho là điều lạ lùng ít có, cùng hỏi nhau:
-Người ấy là ai mà dung mạo uy nghi đến thế? Là Đế Thích, Tứ vương, Ma vương, Long vương hay là vị thiên chủ Ma-hê-thủ-la, hay là trời Tỳ Nữu hoặc một bậc Chuyển luân thánh vương?
Liền đó các vị Tiên đọc bài kệ ca ngợi:
Thân sắc hơn hẳn Tứ hộ thế
Thích Phạm, Nhật, Nguyệt Tự tại thiên
Tướng tốt phước đức không ai bằng
Thanh tịnh lìa nhiễm hẳn là Phật.
Vị Lâm thần liền đọc bài kệ đáp các vị Tiên:
Thích Đề-hoàn Nhân và Hộ thế
Phạm vương, Tỳ-nữu cùng Tự tại
Nếu sánh uy quang với Bồ-tát
Trăm ngàn vạn phần chẳng được một.
Các vị Tiên nghe xong bài kệ liền từ trên không bay xuống đất đến trước Bồ-tát, mới thấy Bồ-tát đang nhập định thâm diệu, thân tâm chẳng động. Một vị Tiên đọc bài kệ ca ngợi:
Lửa phiền não thế gian
Ngài là ao dịu mát
Dùng các pháp tối thượng
Để diệt trừ nhiệt não.
Một vị Tiên khác đọc kệ tán thán:
Vô minh phủ thế gian
Ngài là đèn trí tuệ
Dùng tịnh pháp thù thắng
Dứt trừ mọi tối tăm.
Lại có một vị Tiên đọc kệ ca tụng:
Biển phiền não thế gian
Ngài là thuyền bè lớn
Dàng các pháp tối thượng
Đưa người lên bờ giác.
Lại có một vị Tiên khác đọc bài kệ ngợi ca:
Thế gian già bệnh khổ
Ngài là Đại y vương
Dùng các pháp vi diệu
Tế độ đạt an lạc.
Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:
-Lúc đó các vị Tiên ca ngợi Bồ-tát xong, đảnh lễ đi nhiễu quanh chỗ Bồ-tát ngồi rồi bay lên hư không rời khỏi chỗ đó.
Lúc đó, vua Du-đầu-đàn, trong một thời gian ngắn chẳng thấy Bồ-tát đâu cả, lòng lo lắng chẳng vui, bèn nói:
-Không rõ hiện giờ Thái tử đang ở đâu?
Nhà vua lập tức sai quần thần tìm kiếm khắp nơi. Một vị đại thần tìm đến cây Diêm-phù, thấy Bồ-tát đang ngồi kiết già tư duy dưới gốc cây ấy. Bóng của các cây khác đều di chuyển theo ánh mặt trời, chỉ riêng bóng cây Diêm-phù là đứng yên che mát chỗ Bồ-tát ngồi. Vị đại thần ấy thấy rõ mọi việc như thế, tâm nghĩ thật là việc ít có, vội trở về tâu với vua:
-Thái tử đang ngồi yên tĩnh nơi gốc cây Diêm-phù, bóng cây đứng yên chẳng di chuyển, các tướng tốt trông thật hết sức trang nghiêm, uy đức sáng chói hơn cả Phạm vương Đế Thích.
Vua Du-đầu-đàn nghe vị đại thần tâu như thế liền đích thân đến chỗ cây Diêm-phù, trông thấy Bồ-tát đang ngồi nhập định, tướng hảo trang nghiêm uy quang ngời chói, vua liền đọc bài kệ tán thán:
Ví như đuốc sáng trên đỉnh núi
Cũng như trăng tỏ giữa trời không
Thái tử an trú trong thiền định
Lòng trẫm yên vui chẳng ngại lo.